- MỘT
CHUYẾN HÀNH HƯƠNG TRUNG QUỐC
Phần II
Ngày
25 tháng 9 năm 1997: Ung Hòa Cung, Đại Chung Tự, Dược Viện.
Ung
Hòa Cung. Năm 1694, vua Thanh, Khang Hy xây cung điện cho hoàng tử thứ tư là
Dận Chân. Hai mươi tám năm sau, Dận Chân lên ngôi hiệu là Ung Chính
(1723-1735) và dời vào Cố Cung. Cung cũ một nửa vẫn giữ làm hành cung, một
nửa làm tăng viện, không bao lâu hành cung bị thiêu hủy, chỉ còn lại tăng
viện. Năm 1725 đổi tên là Ung Hòa Cung, năm 1744 chính thức trở thành Lạt
ma tự viện. Vì vốn là cung điện nên Ung Hòa Cung có kiến trúc đặc thù
so với các chùa chiền. Từ nam đến bắc, dài 480 thước gồm có Bi Lầu
(gác bia) Chiêu Thái Môn, Thiên Vương Điện, Ung Hòa Đại Điện, Vĩnh Hưu
Điện, Pháp Luân Điện, Vạn Phúc Các, Tuy Thành Lầu. Cung rộng khoảng 120
thước. Ung Hòa Điện trước kia là Ngân An Điện (Điện chính của Thân Vương
Phủ) thờ Tam thế Phật và 18 La hán. Trong cung có đỉnh lô bằng đồng chạm
trổ rất tinh xảo đúc năm 1747. Pháp Luân Điện kiến trúc hài hòa giữa
hai nghệ thuật Hán Tạng, là nơi tụng kinh của Lạt Ma, trên nóc có Lưu
Kim Bảo Tháp theo lối Tây Tạng. Vạn Phúc Các ba tầng, cao 25 thước, xây
năm 1750 để thờ pho tượng Di Lặc cao 18 thước. Tượng khắc bằng một
cây bạch đàn dài 26 thước, đường kính 3 thước, do Đạt Lai Lạt Ma đời
thứ 7 mua từ Népal tặng vua Càn Long.
Trời
nắng ráo, chúng tôi thăm chùa không thoải mái lắm vì phải đi theo đám
đông nhưng cũng đủ thì giờ cho Diệu Anh chụp vài tấm ảnh. Không thạo
về điêu khắc, kiến trúc nên chỉ biết là đẹp thôi. Các pho tượng Tứ
Thiên Vương cũng như tượng chư vị La Hán đều rất sinh động. Các nét
chạm trổ rất tinh vi, chỉ muốn đứng ngắm mãi. Tuy nhiên “cái đinh”
của Ung Hòa Cung là pho tượng Di Lặc cao 18 thước. Vào thế kỷ thứ 18,
di chuyển một cây bạch đàn dài 25 thước, đường kính 3 thước từ Népal
đến Tây Tạng và Bắc Kinh đâu phải là chuyện dễ dàng. Nghe loáng
thoáng, không chắc là đúng thì hình như những vị có trách nhiệm đã lợi
dụng mùa đông tuyết phủ đầy mặt
đất để trượt kéo cái cây nặng hàng mấy tấn này qua đồi núi sông rạch.
Ngày nay mỗi khi nghe danh Di Lặc ta hình dung ra pho tượng ông Phật mập,
hai vú chảy xệ và cái bụng to tướng, miệng cười toang hoác tới mang
tai. Đây là Phật Di Lặc qua văn hóa Trung Hoa, tượng đó tạc hình ảnh Bố
Đại Hòa Thượng. Còn Phật Di Lặc ở Ung Hòa Cung là theo Tây Tạng nên
không có bụng phệ hay cười toang hoác, trái lại trông rất trang nghiêm.
Vì tượng quá cao nên Vạn Phúc Các phải xây ba tầng. Ở tầng thấp nhất
chỉ thấy bàn chân và đùi, tầng giữa thấy bụng, tầng trên cùng thấy
ngực và đầu. Dân Trung Hoa gọi chùa bằng những cái tên nôm na. Lẽ ra gọi
Ung Hòa Cung thì họ nói Đại Phật Tự (Chùa Phật Lớn).
Giác
Sinh Tự hay Đại Chung Tự (Chùa Chuông Lớn).
Ai
thích nghiên cứu lịch sử đúc chuông qua các triều đại Trung Hoa thì phải
đến chùa này vì chùa là một viện bảo tàng về chuông khánh. Trong chùa
có vô số chuông đủ loại lớn nhỏ với hình dáng khác nhau được sưu tập
từ khắp nơi. Trên tường có hình vẽ những cảnh nấu kim khí, rót đồng,
mài dũa, chạm khắc v.v... Chùa nổi tiếng là Chùa Chuông Lớn vì có Đại
Hồng Chung cao trên sáu thước bên trong và ngoài khắc 37,000 chữ, được
đúc từ thời Minh, Vĩnh Lạc 1476 tại Tây Tạng. Chuông quá nặng không xe
cộ hay lừa ngựa nào chở nổi nên phải đào các mương, chờ mùa đông,
nước đông thành đá, mới trượt kéo chuông đi. Cũng như các nơi đã
qua, chùa bán các băng nhạc, chuông ngân và các quả chuông nho nhỏ để du khách mua làm kỷ niệm.
Đến
2giờ20 chiều, đi thăm một Viện Bào Chế. Viện đón tiếp chúng tôi hết
sức niềm nở, có sẵn bốn năm y sĩ coi mạch miễn phí. Trở ngại là thầy
nói thầy nghe, du khách nói du khách nghe. Trong lúc bối rối đó mới có
vài Phật Tử xuất đầu lộ diện nhận làm thông ngôn. Các Thầy bắt mạch,
nghe ngóng rồi kể ra vanh vách chứng bệnh và kê toa. Không phải là thuốc
hốt từng vị để sắc, mà là tên các thuốc bào chế sẵn. Khi đem toa ra
quầy hàng mua thì ai nấy đều giật mình vì tốn hàng trăm đô la Mỹ. Vậy
mà cũng có nhiều người mua khiến Dược Viện thu được mấy ngàn USD.
Rời
Dược Viện chúng tôi về Bắc Kinh, đến đường Vương Phủ Tỉnh để
mua hàng. Đây là một con phố dài có rất nhiều cửa hàng vào loại bình
dân nên mua sắm thoải mái.
Ngày
26 tháng 9 năm 1997.
Sau
bốn ngày tại Bắc Kinh, chúng tôi rời khách sạn Tiền Môn, lên xe bus ra
phi trường để đi Hợp Phì thuộc tỉnh An Huy. Tới phi trường An Huy lúc
1 giờ trưa. Nóng và mệt vì đồ đạc lỉnh kỉnh. Ngoài đồ tay xách
nách mang tôi còn phải cầm mấy cây gậy chống nên không thể đỡ cho Diệu
Hảo. Tôi biết là Diệu Hảo không khỏe nên hay cà rà bên cạnh để đeo
giúp các túi xách, hay đưa tay ra đỡ khi phải lên dốc, xuống dốc. Nhưng
khi xuống phi trường trời nắng, nực quá lại vướng vít nhiều thứ nên
chẳng thể quán xuyến cho ai ngoài thân mình. Khi vừa ra khỏi tòa nhà của
phi trường để lên xe bus thì Diệu Hảo ngã cái rầm sấp mặt xuống bậc
thang. Tôi hết hồn, bỏ hết mọi thứ để đỡ Diệu Hảo đứng lên.
Nguyên do là các bậc thềm rất hẹp, Diệu Hảo lại ngước mắt nhìn cảnh
vật chung quanh nên hụt chân ngã. Hôm ở Ngự Thiện Đường tại Bắc Kinh
tôi cũng bị ngã một cái nên thân.
Từ
khi tập Thái Cực Quyền, mỗi khi vấp tôi có phản ứng gượng lại rất
nhanh nên không ngã. Tại Bắc Kinh tôi đeo hành lý nặng, lại bước chân
xuống hố, không sao gượng nổi, ngã sóng xoài, hai tay chống bị đau đến
hai ba tháng sau mới hết. Nay thấy Diệu Hảo ngã sấp, có máu ở miệng, hồn
vía tôi lên mây. May là đeo vòng cẩm thạnh, sức mạnh của cái ngã hầu
hết dồn vào chiếc vòng nên chỉ vập môi chẩy máu mà không gẫy răng.
Thầy Thiện Huệ an ủi: “Bao nhiêu cái rủi vào chiếc vòng rồi. Không
sao đâu bác”. Dĩ nhiên chiếc vòng gẫy làm hai. Người không bị thương
tích là quá quí rồi. Về khách sạn Jin An Hui (Kim An Huy). Phòng chật và ở quá cao nhưng không sao
vì mai đã đi nơi khác rồi. Cất hành lý xong là chúng tôi đi thăm Minh Giáo
Tự.
Minh
Giáo Tự hay Giáo Nỗ Đài.
Chùa
nằm trong một khu phố của Hợp Phì. Đây là nơi điểm tướng của Tào
Tháo, cao 5 thước, diện tích 3,700 thước vuông. Sách Hợp Phì Đàm Chí
ghi: “Đài do thừa tướng Tào Tháo xây cuối đời Đông Hán, làm nơi dậy
500 quân cách dùng nỏ để chống thủy quân của Ngô Tôn Quyền nên gọi
là Giáo Nỗ Đài. Trên đài có giếng gọi là Ốc Thượng Tỉnh (giếng trên
nóc nhà) vì miệng giếng cao ngang nóc nhà quanh đó. Trong đài có chùa Phật
xây vào đời Nam Triều Tiêu Lương”. Hiện nay còn miếu từ thời Thái
Bình Thiên Quốc. Trước kia trồng tùng rất nhiều, mỗi khi có cơn gió,
phát xuất tiếng rì rào của tùng, vì vậy trên đài có Thính Tùng Đình.
Chúng tôi vào chùa lễ Phật và thăm Ốc Thượng Tỉnh. Không có gì đặc
sắc.
Bao
Công Từ.
Đền
kỷ niệm Bao Chửng đời Bắc Tống ở Bao Hà Công Viên, Hương Hoa Đôn, thị
xã Hợp Phì tỉnh An Huy. Khởi xây đời Minh Hoằng Trị, kiến trúc hiện
nay là từ thời Thanh Quang Tự thứ 8
(1882) và phần tu bổ năm 1946. Hương Hoa Đôn trước là nơi đọc sách của
Bao Chửng, Minh Hoằng Trị, quan thái thú Tống Quang Minh thấy cảnh trí u
nhã, nên sửa tòa cổ miếu thành Bao Công thư viện, bên trong thờ tượng
Bao Công và tàng trữ các tư liệu liên quan đến ông.
Bao
Chửng (999-1062) tự Hy Nhân, người Lô Châu, Hợp Phì, từng nhận chức
Long Đồ Các Thực Học Sĩ, Khai Phong Phủ Doãn, rồi Khu Mật phó Sứ, nổi
tiếng liêm khiết, xét xử công minh, dân gian gọi là Bao Thanh Thiên. Dòng
sông bên cạnh mọc nhiều ngẫu (ngó sen), tương truyền ngẫu này vô ti
(không có nhị), âm trại của chữ vô tư, hiệu Bao Công là Thiết Diện
Vô Tư. Cạnh từ có đình, trong đình có giếng gọi là Liêm tuyền (suối
liêm khiết).
Cảnh
trí rất đẹp, đền miếu nguy nga, các pho tượng cao lớn như người thật
được đắp hay tạc rất sống động và sơn phết quần áo lộng lẫy.
Có tượng của Bao Công và những tượng trong vụ “Bao Công xử án Quách
Hòe”. Rùng rợn nhất là ba bộ dao để cắt đầu tội nhân bầy phía
bên hữu bàn thờ Bao Công. Không phải là mã tấu hay kiếm mà đao phủ cầm
chặt đầu tội nhân. Dao này giống như dao cầu của các thầy thuốc bắc,
nghĩa là một đầu dao được khoan lỗ, gắn vào một cái giá, có thể
nâng lưỡi dao lên xuống dễ dàng. Chắc hẳn tội nhân bị đặt nằm sấp,
dưới lưỡi dao, đao phủ chỉ cần hạ lưỡi xuống và đè là lưỡi dao
sắc như nước cắt đầu rời khỏi thân mình. Tôi bảo Diệu Anh chụp
làm kỷ niệm nhưng cô không thích và không chụp. Trời đã về chiều và
mệt nên không thể đi thăm khắp nơi. Đáng tiếc vì cảnh đẹp lắm.
Ngày 27 tháng 9 năm 1997.
Rời Hợp Phì, chúng tôi dùng bus vượt chặng
đường 270 cây số để đến Cửu Hoa Sơn, cũng thuộc tỉnh An Huy. Đường
đang được tu bổ nên có khúc rất tốt, có khúc đá lởm chởm. Cảnh hai
bên đường rất giống Việt Nam với những thửa ruộng nhỏ trồng lúa,
khoai. Không còn cảnh nông dân mặc áo màu chàm nữa, họ mặc sơ mi trắng
như người ở thành phố. Đường lên cao dần, khi vào địa hạt Cửu Hoa
Sơn thì thấy rất nhiều cây tùng và tre. Tre mọc từng cây chứ không
thành bụi.
Cửu Hoa Sơn thuộc huyện Thanh Đường tỉnh
An Huy, là một trong “tứ đại danh sơn” của Phật Giáo Trung Hoa. Cửu
Hoa Sơn đặc sắc vì văn hóa Phật giáo cũng như cảnh trí thiên nhiên,
được coi như “Liên hoa Phật quốc”. Ngày xưa núi mang tên Cửu Tử
(núi chín con). Đời Đường thi hào Lý Bạch có câu thơ: “Diệu hữu phân
nhị khí. Linh Sơn khai cửu hoa” (Cái Có kỳ diệu chia ra thành hai khí,
Núi linh thiêng nở ra chín đóa hoa” nên Cửu Tử Sơn được đổi thành Cửu
Hoa Sơn. Hiện nay núi là một địa điểm trứ danh, những tín đồ Phật
giáo hành hương, những nhà du lịch và các học giả đua nhau tới tham
quan. Núi có khoảng 80 ngôi chùa và 1,000 tăng ni.
Đời Đường, niên hiệu Thiên Bảo
(742-756), thánh tăng Kim Kiều Giác mở đạo tràng hoằng pháp độ sinh khiến
núi Cửu Hoa trở thành thánh địa. Ngài vốn là hoàng tử xứ Tân La (nay
là Triều Tiên), sau khi bỏ vương thành, xuất gia, đã vân du khắp các cổ
sát danh sơn, chung cục tìm đến Cửu Hoa, thấy cảnh trí rất hợp với sự
tu bèn tìm gặp viên ngoại Mẫn Nhượng Hòa, chủ nhân của núi Cửu Hoa. Mẫn
Công bị đức hạnh và trí huệ Ngài nhiếp hóa nên xin quy y và cúng núi
cho Ngài làm đạo tràng. Ngài đã tu tại đây trong 75 năm, dành hầu hết
thời giờ để tham thiền nhập định. Năm Trinh Nguyên thứ 10 (794) ngày 30
tháng Bảy, Ngài triệu tập tăng chúng ngỏ lời từ giã, đại chúng ngơ
ngác không hiểu. Bấy giờ toàn núi rung chuyển, đá lăn, cột đổ, chim kêu,
vượn hú, chuông vang khắp chốn, trong cảnh thần kỳ này, Ngài an nhiên tọa
hóa, thọ 99 tuổi. Nhục thân của Ngài đã trở thành kim cương bất hoại.
Địa Tạng Thập Luận Kinh ghi: “An nhẫn như đại địa, tĩnh lự tựa bí
tạng” (sự yên ổn và chịu đựng bất động như là đất, sự suy xét
vắng lặng như cái kho bí mật). Nhân cách của Ngài y như vậy nên đương
thời tôn Ngài là Kim Địa Tạng.
Chúng tôi nghỉ ở khách sạn Julong (Tụ
Long) phòng 1305. Thượng Tọa Trí Minh và Thượng Tọa Thiện Huệ đã tổ
chức nhiều kỳ hành hương ở Trung Quốc nên rất thạo, tất cả các
khách sạn chúng tôi ở đều thuộc loại sang cỡ 3 sao trở lên. Sau khi ổn
định, quí thầy hướng dẫn chúng tôi đến bái lễ phương trượng. Ở
Việt Nam, ta nghĩ phương trượng chỉ là vị trụ trì hay viện chủ, bên
Trung Hoa một vị phương trượng coi nhiều chùa. Phương trượng núi Cửu
Hoa là pháp sư Nhân Đức. Sau khi
lễ mấy chùa tại Bắc Kinh chúng tôi đã nắm
được chương trình của quí Thầy. Vào chùa trước hết là bái trụ trì,
cúng dường, nghe giới thiệu về chùa. Sau đó mới lễ bái, tham quan. Sau
khi kể qua sự tích của núi, của Ngài Kim Kiều Giác và Ngài Vô Hà, pháp
sư cho biết, theo tinh thần triệt để phục vụ chúng sinh của Địa Tạng
Vương Bồ Tát qua câu nguyện: “Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật,
Chúng sinh độ tận phương chứng Bồ đề” (Địa ngục chưa trống rỗng,
thề không thành Phật. Độ hết chúng sinh mới chứng Bồ Đề), Hội Phật
Giáo Cửu Hoa Sơn muốn dựng một pho tượng Địa Tạng bằng đồng cao 99
thước để bất cứ ai đến núi đều thấy được. Công tác rất vĩ đại
và tốn kém vì đâu phải chỉ dựng một pho tượng cao như cái building
trên đỉnh một ngọn núi rồi bỏ mặc mà phải kiến tạo cả một phức
hợp đền đài phía dưới. Nhìn mô hình mà chóng mặt. Xin kể sơ sơ: khách
đường, thiên vương sảnh, đại hùng bảo điện, lầu chuông, lầu trống,
tàng kinh lâu, la hán đường, thiền đường, giới đường, vân thủy đường,
tổ sư điện, tiếp dẫn điện, công đức đường, niệm Phật đường,
phương trượng liêu , Phật giáo nghiên cứu viện, diên thọ đường, liêu
chư tăng, v.v...
Tôi nghĩ là dự án này sẽ được hực hiện
dù phí tổn có thể lên đến gần trăm triệu Mỹ Kim.
Tôi không nhớ rõ đi viếng chùa nào trước
chùa nào sau. Vừa ra khỏi khách sạn đã thấy một đám phu cáng chờ sẵn.
Cáng là một cái ghế bằng tre, có hai cây đòn tre phía dưới để khiêng.
Núi thì cao ngất từng không, đường thì hẹp, các bậc đá thì nhỏ và
xiên xẹo, còn chiếc cáng coi thiếu bề vững chắc. Đang ngần ngừ thì đã
thấy Hòa thượng Như Huệ ngồi trên một cáng rồi. Ni sư Như Thiền thúc
Diệu Hảo và tôi lên cáng: “Các bác không leo nổi đâu. Đi cáng đi, có
40 đô la Mỹ thôi”.
Chúng tôi vội leo lên cáng, hai anh phu đưa
đòn lên vai và bắt đầu đi. Vừa trên cao, vừa lắc lư, tôi thấy không
thoải mái chút nào. Khi lên núi thì hồn vía tôi lên mây. Lo đủ thứ, cáng
gẫy, phu khuỵu chân ngã, nên nhắm mắt lại và niệm đức Quán Thế Âm
gia hộ, không phải cho người ngồi trên cáng là tôi, mà cho hai người khiêng
cáng mạnh tay cứng chân, khiêng lên tới nơi đừng quăng người trên cáng
xuống vực.
Khi lên tới chùa, chúng tôi thấy rất nhiều
người mặc quần áo lam lũ, mỗi người gánh hai cái túi đệm đầy đá
xanh leo từng bậc đá lên chùa. Tôi cũng thấy những trụ đá xanh chạm
bông sen chất đống hai bên đường. Gặp chúng tôi họ liền miệng niệm:
“Na mô A mi Tà Phù”. Chúng tôi lấy tiền lẻ ra cho mỗi người một ít.
Nhưng chúng tôi có quá ít tiền lẻ nên cho chẳng được bao nhiêu. Sau này
mới biết là ngay phu cáng cũng chỉ được trả công dưới 100 won một ngày
trong khi chúng tôi phải trả 400 won. Lúc mới leo lên cáng, tiếc món tiền
40 mỹ kim nhưng khi xuống cáng tôi cho thêm gần bằng số đó vì biết là
tiền tôi trả nhà nước ăn chặn hết.
Tham quan được vài chùa thì trời nhá nhem,
đến lúc đi xuống, phu cáng khiêng ngược, nghĩa là tôi nhìn ra phía sau,
thường là chỉ thấy trời vì bị dựa ngửa vào lưng ghế. Xin kể các nơi
thăm viếng như sau.
Vạn
Niên Tự hay Bách Tuế Cung.
Khởi xây vào đời Minh năm Vạn Lịch
(1573). Trước đó hơn một thế kỷ, Vô Hà Đại Sư từ Ngũ Đài Sơn đến
Cửu Hoa Sơn với hoài bão được chiêm bái và đảnh lễ chân thân Kim Địa
Tạng. Phật giáo Trung Hoa bị mấy ách nạn lớn gọi chung là Tam Võ Nhất
Chu. Tam Võ là Võ Đế Bắc Ngụy (448), Võ Đế Bắc Chu (574), Võ Tôn đời
Đường (842) và Thế Tôn Hậu Chu (955). Khi Ngài Vô Hà đến Cửu Hoa Sơn thì
chùa chiền hoang phế, chư tăng không còn, vì qua bao biến cố phế Phật,
chùa bị hủy, tăng bị đuổi, núi Cửu Hoa không còn bóng người. Trước
khi bị phân tán đi nơi khác các vị tăng đã giấu nhục thân ngài Kim Địa
Tạng trong một hang núi nào đó, Ngài Vô Hà quyết tâm tìm cho ra. Ngài bèn
lên Ma Không Lĩnh cạnh đình Trích Tinh, kết am cỏ ẩn tu gọi là Am Trích
Tinh. Suốt 100 năm không hề xuống núi, đói ăn củ hoàng tinh, khát uống nước
suối, chích máu chép Kinh Hoa Nghiêm cho đến khi viên tịch, thọ 126 tuổi.
Ngài sinh năm Chính Đức thứ tám (1513), tịch năm Thiên Khải thứ ba
(1623). Ba năm sau khi Ngài viên tịch, người ta mới phát giác ra nhục thân
không hư hoại của Ngài và cuốn nhật ký viết bằng máu. Nhờ đọc nhật
ký này mà biết Ngài không tìm thấy nhục thân của Kim Địa Tạng nhưng
Ngài đã giác ngộ vì biết chân thân của Kim Địa Tạng chẳng ở đâu
xa, mà chính là nhục thân của mình. Vua Minh Sùng Trinh sắc phong Ngài là
Ứng Thân Bồ Tát, ban hiệu Bách Tuế Cung cho Am Trích Tinh. Vạn Niên Tự
Bách Tuế Cung bị hỏa hoạn thiêu hủy năm 1717 đời Khang Hy nhưng bảo điện
thờ nhục thân Bồ Tát không bị tổn hoại, qua năm Quang Tự thứ năm
(1879) chùa được xây lại. Tôi rất cảm xúc về chuyện Ngài Vô Hà. Năm
26 tuổi, chắc là đã tu hành đến một mức độ khá cao tại Ngũ Đài Sơn,
Ngài mới phát nguyện đi tìm nhục thân Ngài Kim Địa Tạng. Nhưng khi đến
Cửu Hoa Sơn thì cảnh hoang vu, không người. Không ai có thể ngờ trước
đây là đạo tràng linh thiêng của Ngài Kim Kiều Giác. Rừng mênh mông,
núi chớn chở, biết hỏi thăm ai, mà có ai đâu mà hỏi. Vậy là một
thân một mình, không lửa, sống hoang dã, đói ăn trái tùng, củ hoàng
tinh, khát uống nước suối. Dành trọn thì giờ tham thiền nhập định hay
chích máu rất loãng (vì không ăn muối) ra chép kinh Hoa Nghiêm và viết Nhật
Ký. Cứ thế cho đến khi 100 năm trôi qua và thị tịch. Vĩ đại quá, ghê
gớm quá, đáng phục quá. Với cái tâm hiếu động của chúng ta thì trọn
một ngày không nói, không gặp ai đã thấy khó chịu. Phải tìm bạn qua
sách báo hay đài truyền thanh truyền hình. Còn Ngài Vô Hà sống như thế có
đáng là một tấm gương cho chúng ta không?
- ~~oOo~~