Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
VÔ MÔN QUAN  -  無門関
Chữ Vô của Phương Đông
Nguyên tác Vô Môn Quan: Vô Môn Huệ Khai
Dẫn nhập và chú giải: Nishimura Eshin
Bình luận: Giáo sư Akizuki Ryômin
Biên dịch: Nguyễn Nam Trân
Bản Thảo   - 2009 -

Hậu Tự

của Vô Môn Huệ Khai

後序

Bốn mươi tám tắc trên là lời giáo huấn của chư Phật, mục đích làm cơ sở cho các qui tắc phán xét việc trong thế gian, cho nên từ lúc đầu (các vị ấy) đã gạt bỏ những lời lẽ xem như thừa thãi. Những tắc này, nếu người tham thiền, ai ai cũng huy động triệt để đầu óc và nhãn lực[1] mà thu nhận, nhất quyết ngày sau sẽ đỡ tốn công chạy theo kẻ khác để đặt câu hỏi. Do đó, với những ai thông minh rành rẽ chuyện bốn phương tám hướng, chỉ cần nghe trình bày một phần trong bất cứ tắc nào, họ sẽ suy được ngay kết luận [2]. Từ đây, vấn đề phải theo cửa nào, phải leo lên bậc thang nào mà đi không còn đặt ra đối với những đối tượng đó nữa. Họ chỉ cần vung tay đi tuốt qua cửa ải, không thèm để ý sự hiện diện của người gác. Hòa Thượng Huyền Sa Sư Bị [3] đã nói: “Không Cửa là cửa của giải thoát, Không Ý là ý của người đạt đạo”. Hòa Thượng Bạch Vân Thủ Đoan cũng bàn rằng: “Khi mọi sự đã rõ ràng, biết nó chỉ là bấy nhiêu thôi, cớ gì lại đi qua không lọt?”[4]. Ngay từ lúc đầu, những chuyện vô nghĩa lý kiểu làm bánh sữa với đất thó[5] đáng lẽ không nên đặt ra. Người nào đi lọt được Ải Không Cửa (Vô Môn Quan) coi như qua mặt[6] được Vô Môn tôi rồi. Còn như không qua trót lọt ải đó, ắt đã tự phản bội mình. Thường có câu: “ Được tấm lòng ngộ đạo thì dễ nhưng sống cụ thể với nó là chuyện khó [7]”. Dù sao, trong sinh hoạt thường nhật, chỉ cần trí tuệ máy động một cách rõ ràng thì từ gia đình đến đất nước, đâu đó đều sẽ hoàn toàn yên vui.

Bài này viết vào năm Thiệu Định cải nguyên (1228), năm hôm trước ngày chấm dứt[8] khóa an cư mùa hạ (đúng mồng mười tháng bảy). Học trò hàng con cháu (pháp tôn) dòng Dương Kỳ[9] là Vô Môn Tỳ Khưu Huệ Khai kính cẩn ghi lại.  


 


[1] Dịch thoát ý thành ngữ “yết phiên não cái, lộ xuất nhãn tinh” ( lột cả xương sọ, móc lòi con ngươi).

[2] Nguyên văn: lạc xứ, ý nghĩa cùng cực, nơi chốn, kết luận phải đến.

[3] Xem Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 7, chương nói về Huyền Sa Sư Bị. Câu nói như sau: “Phật đạo nhàn khoáng. Vô hữu trình đồ. Vô môn giải thoát chi môn.Vô ý đạo nhân chi ý. Bất tại tam tế. Cố bất khả thăng trầm”.

[4] Nguyên văn: “Minh minh tri đạo, chỉ thị giả cá, vi thậm ma thấu bất quá”. Câu nói này của Bạch Vân Thủ Đoan không rõ xuất xứ.

[5] Thành ngữ: Xích thổ trà nãi (bôi bác sửa bò lên đất đỏ): ý nói làm việc vô nghĩa lý. Chữ trong Phần Dương Vô Đức Ngữ Lục và Bàng Cư Sĩ Ngữ Lục.

[6] Nguyên văn: độn trí: đè đầu, chọc quê, chơi xỏ.

[7] Nguyên văn: “Niết Bàn tâm dị hiểu. Sai biệt trí nan minh” (Tâm Niết Bàn dễ hiểu. Trí phân biệt khó soi).

[8] Nguyên văn: giải chế (một từ chuyên môn Phật giáo).

[9] Dòng thiền do Dương Kỳ Phương Hội (993-1046), một thiền sư Bắc Tống lập nên. Ông trở thành tổ của phái Dương Kỳ tông Lâm Tế, nhận pháp tự từ Thạch Sương Sở Viên (987-1040). Còn để lại Dương Kỳ Phương Hội Thiền Sư Ngữ Lục 1 quyển. Tiểu sử xem Tục Truyền Đăng Lục quyển 7 và Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 19.

 

Trở về mục lục


http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/vomonquan_52.htm

 


Vào mạng: 10-4-2009

Trở về thư mục "Thiền Phật giáo"

Đầu trang