- VÔ MÔN QUAN
-
無門関
- Chữ Vô của Phương Đông
- Nguyên tác Vô Môn Quan: Vô Môn Huệ Khai
Dẫn nhập và chú giải: Nishimura Eshin
Bình luận: Giáo sư Akizuki Ryômin
- Biên dịch: Nguyễn Nam Trân
- Bản Thảo - 2009 -
Về Tắc Thứ 49 -
第四十九則
Bản tắc:
Kinh Pháp Hoa[1]
dạy rằng:
-Ngừng lại, ngừng lại. Không được nói
thêm. Pháp của ta vi diệu, vượt khỏi tư duy.
Nhưng An Vãn lại nói:
-Thế chứ lúc ban sơ, căn nguyên
của Pháp vốn nằm ở chỗ nào? Cớ gì lại gọi nó là vi diệu? Nếu muốn nói
được điều (vi diệu) đó, hỏi phải dùng cách gì? Đâu chỉ có Phong Can[2]
mới bẻm mép. Xưa kia không phải Thích Ca cũng lắm lời à? Còn tới người
như Hòa Thượng Vô Môn thì dựng ra những câu chuyện yêu ma làm bó dây mây
để trói buộc đám tu hành cháuchắt trăm ngàn đời về sau, làm cho chúng nó
không ngóc đầu lên nổi. Dù có nhận 48 tắc toàn chuyện tầm phào như thế
đem về, thì có dùng thìa bé chắc không múc được gì lên mà nếu chưng cất
để ăn hẳn cũng chẳng thấy nó bốc ra hơi. Thế mà không thiếu chi người cứ
nghĩ lầm đây chính là một mâm cơm thịnh soạn.
Nghe thế, kẻ bàng quan có người thắc
mắc:
-Rốt cuộc, chuyện ấy đi đến đâu?
Ta mới chập mười đầu ngón tay lại, trả
lời:
-Ngừng lại, ngừng lại. Không được nói
thêm. Pháp của ta vi diệu, vượt khỏi tư duy.
Thế rồi ngay tại chỗ, ta mới vẽ một
khung tròn nhỏ vòng lấy hai chữ “nan tư” (khó nghĩ) và chìa cho mọi
người xem, bảo họ:
-Nội dung năm nghìn cuốn Đại Tạng Kinh
mà Phật đã giảng dạy cũng như câu trả lời trong sự im lặng của Duy Ma cư
sĩ về lý bất nhị, đều nằm ở đây cả.
Bèn có bài tụng:
Ngữ hỏa thị đăng,
Điệu đầu phất ưng.
Duy tặc thức tặc[3],
Nhất vấn tức thừa.
語 火 是 燈
掉 頭 不 譍
惟 賊 識 賊
壱 問 即 承
(Nếu bảo đèn là lửa,
Lắc đầu chẳng trả lời.
Duy giặc mới hiểu giặc,
Hỏi là biết tỏng rồi).
Năm Bính Ngọ niên hiệu Thuần Hựu, cuối
hạ, ngày sơ cát.
An Vãn cư sĩ viết ở Ngư Trang bên Tây Hồ.
[1]
Câu chép trong kinh Pháp Hoa, Phương tiện phẩm đệ nhị.
[2]
Tăng đời Đường. Sách Thích Văn cho là Thích Ca hóa thân. Ẩn cư trên
Quốc Thanh Tự núi Thiên Thai. Xem tiểu sử trong Cảnh Đức Truyền Đăng
Lục quyển 27.
[3]
Tặc: chỉ chung những kẻ tu thiền đã đạt đạo, hiểu đến nơi đến chốn,
chia sẻ được những bí mật với nhau.
Trở về mục lục
http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/vomonquan_57.htm