LTS:
Trải qua hàng trăm năm với bao
biến động dâu bể, làm thế nào mà
nhục thân các thiền sư vẫn còn
lại đến ngày nay?
Từ những phát hiện về nhục thân
các thiền sư Vũ Khắc Trường, Vũ
Khắc Minh ở chùa Đậu, thiền sư
Chuyết Chuyết ở chùa Phật Tích,
PGS-TS Nguyễn Lân Cường đã hé mở
phần nào những bí ẩn về nghệ
thuật táng tượng và thiền táng
độc đáo của người Việt trong
công trình khoa học “Phía sau
nhục thân của các vị thiền sư”
vừa được phát hành. Xin giới
thiệu đến bạn đọc loạt bài của
PGS-TS Nguyễn Lân Cường dành
riêng cho Thanh Niên.
Ngày
3.5.1983, theo yêu cầu của Văn
phòng 10 Hội đồng Bộ trưởng,
Viện Khảo cổ học cử một đoàn cán
bộ xuống chùa Đậu, thuộc huyện
Thường Tín (Hà Tây cũ) để kiểm
tra tình trạng xuống cấp của gác
chuông. Trong đoàn có tôi. Lang
thang vòng ra bên phải, sau dãy
hành lang, tôi thấy một chiếc am
nhỏ, rêu phong mà bên ngoài cửa
phủ mành tre. Nhìn vào bên trong,
tôi chợt giật mình vì thấy một
nhà sư ngồi thiền, đôi mắt “lim
dim” như đang suy tư về cõi Phật.
Từ
lâu, nhân dân quanh vùng đã
truyền tụng với nhau rằng ở chùa
Đậu, có hai am nằm ở bên phải và
bên trái của chùa. Am bên phải
là của thiền sư Vũ Khắc Minh,
bên trái là am thiền sư Vũ Khắc
Trường. Chuyện kể rằng, khoảng
thế kỷ XVII, vào một ngày nọ,
thiền sư Vũ Khắc Minh (mà nhân
dân trong vùng quen gọi ngài là
cụ sư Rau - nhà sư thường chỉ ăn
rau trừ bữa) bước vào trong am
và nói với các đệ tử rằng: “Mang
cho ta một chum nước uống và một
chum dầu để thắp. Khi nào thấy
dứt tiếng mõ hãy mở cửa am ra.
Nếu thấy thi thể của ta đã hỏng,
thì dùng đất lấp am đi, còn
ngược lại thì dùng sơn ta bả lên
thi thể...”. Dứt lời, cụ
bước vào am tọa thiền và chỉ còn
nghe vẳng ra tiếng mõ tụng kinh
suốt ngày này qua ngày khác.
Tròn trăm ngày, các đệ tử không
nghe thấy tiếng mõ nữa, vội mở
cửa am ra thì thấy ngài vẫn ngồi
đấy như đang trong lúc tọa thiền.
Hai chân ken vào nhau đúng vị
trí của thiền, còn hai tay hơi
bị xệ xuống. Nhớ lời thầy dặn,
họ vội lấy sơn ta bả lên thi hài.
Trong
cuốn Những chùa, đình và nhà
thờ của Hà Đông - Phong cảnh Hà
Đông xuất bản năm 1932 (tiếng
Pháp), tác giả cho rằng đó là
những “momies” (xác ướp) kiểu Ai
Cập. Thật sai lầm! Tệ hại hơn,
trong một bài báo đăng trên tờ
Thời Mới vào năm 1957
lại có tiêu đề khá giật gân
Xác ướp chùa Đậu hàng trăm năm
vẫn còn giữ nguyên bộ phận sinh
dục!
Bằng
con mắt nghề nghiệp, tôi phát
hiện qua vết nứt ở trên trán có
xương sọ ở bên trong, và thế là
tôi nảy ra ý định chụp phim
X-quang để chứng minh đây là một
nhục thân nguyên dạng. Nếu chứng
minh được thì rõ ràng phương
thức táng này nằm ngoài 5 táng
thức đã có trước đây trên thế
giới: địa táng hay thổ táng
(chôn trong đất); hỏa táng (đốt
thi hài); hải táng hay thủy táng
(thả xuống nước); thiên táng hay
điểu táng (cho chim ăn để được
bay lên trời); huyền táng hay
táng treo.
Chiều
25.5.1983, tôi chuyển nhục thân
thiền sư Vũ Khắc Minh về khoa
X-quang Bệnh viện Bạch Mai. Với
sự giúp đỡ tận tình của PGS -
bác sĩ Đặng Văn Ấn, bác sĩ
Nguyễn Trọng Đức và các kỹ thuật
viên, tôi đã tiến hành soi phần
sọ, ổ ngực và ổ bụng. Qua màn
hình, tôi thấy toàn bộ xương
sườn, xương đốt sống đổ sập
xuống nằm gọn trong khoang bụng.
Rõ ràng, không có chất dính giữa
các xương đốt sống. Hộp sọ còn
nguyên vẹn, phần xương lá mía
không bị đục vỡ như trên sọ vua
Ai Cập Ramsès V để lấy não ra.
Từ đó, có thể suy ra não và các
nội tạng - về mặt lý thuyết - là
vẫn còn nguyên trong nhục thân.
Kết hợp giữa chiếu và phim chụp,
có thể thấy rõ các xương dưới sọ
như xương cánh tay, cổ và bàn
tay, xương chậu hông, đùi, xương
chày, mác và xương cổ chân, bàn
chân đều nằm đúng với vị trí
giải phẫu. Trong các xương không
có cốt bằng kim loại, rõ ràng
đây là một nhục thân nguyên
dạng.
Bằng
phương pháp quang phổ phát xạ
vùng tử ngoại và chiếu xạ tia
rơn-ghen khi phân tích chất bồi
của nhục thân thiền sư Vũ Khắc
Minh, tiến sĩ Lê Nguyên Sóc cũng
đã có kết luận phù hợp với ý
kiến của chúng tôi về chất bồi.
Đó là hỗn hợp của sơn ta, mùn
cưa, giấy dó và đất...
Tôi
mừng quá, vì như vậy là đã chứng
minh được đây là một táng thức
mới mà tôi đặt tên là tượng táng
(táng theo kiểu làm thành tượng)
hay thiền táng (táng theo kiểu
ngồi thiền). Sau này tôi mới
biết nét văn hóa trên cũng có ở
Trung Quốc. Vào thế kỷ thứ VIII
sau Công nguyên, kỹ thuật “Giáp
trữ tất” (sơn ta bó lụa) đã được
thực hiện khi Lục tổ Huệ Năng
(638 - 713) viên tịch. Hiện nay,
chân thân còn nguyên vẹn để tại
Nam Hoa Tự, nằm ở phía tây tỉnh
Quảng Đông của Trung Quốc, thuộc
thôn Nam Hoa, huyện Khúc Giang,
cách TP Quảng Châu về phía tây
hơn 230 km. (Còn tiếp)
Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200950/20091209005542.aspx