Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
TÔI ĐỌC
"ĐẤT VIỆT, NGƯỜI VIỆT, ĐẠO VIỆT" 
& "HÀNH HƯƠNG ĐẤT PHẬT" của Phan Thiết

Trần Chung Ngọc



I. Vài Lời Nói Đầu

Cách đây hơn hai năm, tôi đã đọc cuốn Đất Việt, Người Việt, Đạo Việt (Đất Việt..). của Phan Thiết, nxb Văn Nghệ Tiền Phong, 1995-1996. Theo như lời tự giới thiệu của tác giả thì Phan Thiết là bút hiệu của Nguyen Kim Khanh (Nguyễn Kim Khanh? Khánh?), một trí thức Gia Tô có bằng Cử Nhân Luật đại học Saigon, vào khoảng 1965-66 gì đó. Không như cuốn Người Việt, Đất Việt của Toan Ánh, chỉ nói về người Việt và đất Việt, nội dung cuốn sách của ông Phan Thiết chẳng phải về Đất Việt, Người Việt và Đạo Việt, mà là để phê bình những cuốn Tây Dương Gia Tô Bí Lục của hai tác giả Việt Nam theo Gia Tô La Mã Giáo vào cuối thế kỷ 18, Đạo Thiên Chúa Và Chủ Nghĩa Thực Dân Ở Việt Nam, luận án Tiến Sĩ Quốc Gia tại Pháp của Cao Huy Thuần, Bão Biển của Chu Văn, Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi của Đỗ Mậu, vài cuốn về Triết học và Dân Tộc của Giáo Sư Trần Văn Giàu. Phần còn lại là viết lăng nhăng về Phật Giáo và quảng cáo huênh hoang cho Thiên Chúa Giáo tuy tác giả không hề biết gì về Phật Giáo, và cũng không hề đọc Thánh Kinh. Tác giả cũng không hề biết đến những tác phẩm nghiên cứu về Thiên Chúa Giáo của ngay một số Giám mục, linh mục và của các nhà Thần học, giáo sư đại học, học giả chuyên gia về tôn giáo.

Viết trong tâm cảnh của một tín đồ Gia Tô cuồng tín, tác giả đã lên án các tác phẩm trên là "chống Gia Tô," làm như chống Gia Tô là một trọng tội đáng chê trách, trong khi "chống Gia Tô" chỉ có nghĩa là chống tội ác, chống mê tín dị đoan, chống đạo đức giả, chống độc tài, chống nô lệ ngoại bang v...v..., và chống những hành động phi dân tộc, phản dân tộc của một số tín đồ Gia Tô Việt Nam. Điểm đặc biệt là Phan Thiết, ngoài nghề viết lách chẳng ra gì, còn làm nghề buôn nón cối, chụp mũ tất cả các tác giả mà ông phê bình là tay sai của CS, kể cả Phật Giáo chống Nhu Diệm vào đầu thập niên 60. Điều này kể cũng dễ hiểu, vì đó chỉ là phản ứng của Phan Thiết trước tiếng chuông rung "Chống Cộng""Xuyên Tạc Phật Giáo Bằng Mọi Giá" của các "bề trên" ăn không ngồi rồi ở Tòa Thánh Vatican, nghĩ cách phá đạo khác.

Đọc xong cuốn sách trên tôi đã có ý định viết một bài "điểm sách" để phê bình. Nhưng suy đi nghĩ lại tôi thấy không đáng, vì tôi còn bận nhiều việc khác, nhưng phần lớn vì nội dung cuốn sách phản ánh một kiến thức phiến diện, nghèo nàn, thấp kém; một tâm cảnh lắt léo, nặng về xuyên tạc và chụp mũ; một sự ám ảnh hoang tưởng (paranoid); một niềm tin mù quáng.

Mới đây, Phan Thiết lại cho ra một tác phẩm khác nhan đề Hành Hương Đất Phật (HHĐP), gồm có hai phần, HHĐP IHHĐP II. Tôi được biết, tác giả đã gửi bản thảo cuốn này tới nhà xuất bản Văn Hóa ở Houston, Texas, Hoa Kỳ, nhưng giám đốc nhà xuất bản Văn Hóa, Tiến sĩ Sử Học Vũ Ngự Chiêu đã từ chối không nhận xuất bản, chắc vì thấy giá trị của cuốn sách sẽ kéo danh tiếng của nxb Văn Hóa xuống bùn đen. Cuốn sách này được nhà xuất bản Southern Stars Publisher ở bên Úc xuất bản và phát hành. Giá trị trí thức của nhà xuất bản này ra sao, tôi không rõ.

Cũng như cuốn Đất Việt..., cuốn HHĐP chẳng phải là Hành Hương Đất Phật mà chủ yếu là để xuyên tạc và trình bày Phật Giáo theo cái hiểu, nếu có thể gọi là hiểu, của tác giả về Phật Giáo. Nếu phê bình cho đúng thì đây là hành động của một người phù hợp với định nghĩa "Côn Đồ Văn Hóa" của Giáo sư Sử học Nguyễn Mạnh Quang trong cuốn Thực Chất Của Giáo Hội La Mã, với mục đích duy nhất là dùng cái bình phong "Hành Hương Đất Phật" (HHĐP) để "Hành Hung Đạo Phật" (HHĐP) bằng ngôn từ gian dối, xảo quyệt và đôi khi hạ cấp. Khi Giáo hoàng Gion Pôn Hai (John Paul II) viết cuốn Bước Qua ngưỡng Cửa Hi Vọng trong đó có vài nhận định sai lầm về Phật Giáo thì giới trí thức trên thế giới phê bình là kiến thức của Ngài về Phật Giáo thuộc loại kiến thức của các thừa sai theo gót thực dân trong thế kỷ 19. Nhưng ít ra đó cũng là một kiến thức bắt nguồn từ một số nhận định hẹp hòi và sai lầm về Phật Giáo Tiểu Thừa. Còn kiến thức của Phan Thiết thì không thể gọi là kiến thức, mà là những điều tạp nham mà tác giả đã thuyết giải một cách nham nhở theo ý riêng, với mục đích rõ rệt là dựng lên một người rơm để rồi chính tay mình quật nó xuống đất, hi vọng với thủ đoạn này, tác giả có thể hạ thấp Phật Giáo. Điều này Tòa Thánh đã muốn làm từ bao thế kỷ nay, và với những bộ óc thượng thặng trong hàng Giáo phẩm ở Vatican còn làm không nổi, cũng như mưu toan xuyên tạc, hạ thấp Phật Giáo để "vinh danh Thiên Chúa trên Trời" của các Thừa sai Gia Tô, song hành với chủ nghĩa Thực Dân của Tây phương, ở Á Đông, cũng đã hoàn toàn thất bại, ngoại trừ ở Phi Luật Tân và trong những ốc đảo ngu dốt (Từ của LM Trần Tam Tĩnh) ở Việt Nam, vậy thử hỏi một đầu óc thuộc loại mì ăn liền như của Phan Thiết thì sẽ làm được gì?

Như một đoàn lữ hành, Phật Giáo cứ thản nhiên "đường ta, ta cứ đi" (la caravane passe), những tiếng ồn ào bâng quơ bên đường không thể ngăn cản bước tiến của Phật Giáo. Ngày nay, sau bao thế kỷ bị giam hãm trong cái bóng tối dày đặc của các Thần Giáo, đặc biệt là của Gia Tô La Mã Giáo (Tiến sĩ Barnado: The Thick darkness of Romanism), Tây phương cũng như khắp nơi trên thế giới đã nhận ra được chân giá trị của Phật Giáo. Sự bành trướng của Phật Giáo trên thế giới đã làm "lạnh xương sống" những kẻ buôn Thần bán Thánh đến nỗi từ giáo chủ cho đến một số tín đồ nô lệ đã phải viết sách để xuyên tạc Phật Giáo, phê bình nhảm nhí về Phật Giáo, hòng ngăn chặn ảnh hưởng của Phật Giáo trên đám tín đồ. Nhưng mưu đồ "hàm huyết phún nhân" đã không còn tác dụng trong một thế giới đã tiến bộ nhiều về trí thức, trong đó cây gươm (để giết người) và bó củi (để thiêu sống người) đã bị tước khỏi bàn tay đẫm máu của Giáo hội. Phan Thiết chắc không biết đến những sự kiện này nên cố gắng vớt vát, làm công việc của con Dã Tràng. Tôi rất tiếc bắt buộc phải dùng đến một số danh từ tả chân chính xác như trên. Phật Giáo thường dạy chúng ta phải dùng ái ngữ nhưng cũng dạy chúng ta phải dùng trí tuệ để ứng xử tùy theo trường hợp. Trong trường hợp này, dùng ái ngữ có nghĩa là giả dối, che đậy sự thật, và ngu xuẩn như là khi bị tát má này thì đưa má kia cho người ta tát thêm (lời Giêsu dạy), dung dưỡng sự bất công và bạo hành. Đưa ra những sự thật và dùng danh từ chính xác chỉ có nghĩa giải hoặc với mục đích vạch trần những thủ đoạn xuyên tạc gian dối nhằm hạ thấp Phật Giáo, chứ không có nghĩa là dùng cùng những phương pháp gian dối, xuyên tạc để trả đũa.

Đọc hai cuốn Đất Việt...HHĐP của Phan Thiết, tôi có thể thấy rõ thực chất kiến thức cùng những tiểu xảo của tác giả trong cách trình bày vấn đề, được tóm lược trong bảy nhận định tổng quát sau đây:

1. Tác giả tự xưng là đã nghiên cứu về Phật Giáo trong nhiều năm nhưng kiến thức của tác giả về Phật Giáo có thể nói là một con số không vĩ đại, vì nó thuộc loại tạp nham vặt vãnh, vô cùng hời hợt và méo mó lệch lạc một cách không thể tưởng tượng được.

2. Tác giả nhắc đến nhiều kinh sách Phật Giáo nhưng thực ra tác giả chưa hề đọc những kinh, sách này, khoan nói đến chuyện tìm hiểu ý nghĩa của kinh.

3. Tác giả đưa ra một loạt những khẳng định vô trách nhiệm (affirmation gratuite), những khẳng định này nhiều khi lại chính là những lời thú nhận về một kiến thức hẹp hòi và trình độ thấp kém của tác giả.

4. Tác giả liệt kê tên một số sách mà tác giả dùng làm tài liệu để tỏ ra mình là người trí thức, đọc rộng, biết nhiều, nhưng phân tích kỹ chúng ta có thể thấy đó là một thủ đoạn lừa bịp độc giả vì những điều tác giả viết chứng tỏ tác giả không biết rõ nội dung và cũng có thể chẳng bao giờ đọc những cuốn đó.

5. Nhiều chỗ tác giả bịa ra những chuyện vô căn cứ, mơ hồ, không ghi rõ xuất xứ, để đạt được mục đích của mình, chưa kể là đôi khi còn trình bày những chuyện giả tưởng một cách tục tĩu.

6. Tác giả quảng cáo, đánh bóng Gia Tô Giáo như một con vẹt, với những khẳng định thuộc thời Trung Cổ, hoặc của các thừa sai thực dân như Alexandre de Rhodes, không cần để ý đến sự kiện là những tiến bộ trí thức của nhân loại đã phá đổ hoàn toàn nền Thần Học của Gia Tô Giáo, một nền Thần học cũ kỹ, lỗi thời, hoang đường, phản khoa học, phi lôgic mà ngày nay chỉ còn được sử dụng để chiêu dụ tín đồ trong đám cùng dân thấp kém, ít học hay vô học; và trong những tín đồ đã bị điều kiện hóa từ trong sữa mẹ, chỉ còn có thể phản ứng theo tiếng chuông Pavlov.

7. Bản chất của tác giả là một tín đồ Thiên Chúa Giáo cuồng tín, nghĩa là, theo định nghĩa của Giáo sư sử học Nguyễn Mạnh Quang trong cuốn Thực Chất Của Giáo Hội La Mã, tổng hợp của ngu, dốt, huênh hoang và hung hăng, cho nên nhiều đoạn tác giả viết rất hung hăng về Phật Giáo, rất huênh hoang về Gia Tô Giáo, và trong cả hai lãnh vực, để lộ cái vốn liếng hiểu biết kém cỏi, lệch lạc, bệnh hoạn của mình ra.

Đó là những nhận định tổng quát của tôi về Phan Thiết, tác giả hai cuốn Đất Việt, Người Việt...và Hành Hương Đất Phật. Phải chăng những nhận định trên là những khẳng định vu vơ vô căn cứ, vô trách nhiệm mà tôi đưa ra để phản bác tác phẩm của một người tự xưng là "trí thức Thiên Chúa Giáo"? Tuyệt đối không phải. Trong phần chứng minh sau đây, tôi sẽ phân tích chi tiết một số đoạn viết bậy viết bạ của Phan Thiết để quý độc giả có thể thấy rõ thực chất mưu đồ, thủ đoạn, và kiến thức thực sự của Phan Thiết ra sao.

Thật ra thì tôi chẳng muốn phí thì giờ để phê bình những tác phẩm vô giá trị, không đáng phê bình. Nhưng sau khi đọc câu sau đây của tác giả, nghe có vẻ khiêm nhường nhưng thực chất là để che dấu một thủ đoạn không mấy đẹp:

"Tôi luôn luôn ý thức trách nhiệm về những dòng chữ của mình nên hoan hỉ đón nhận sự chỉ giáo, phê bình, chỉ trích, đối thoại của bạn đọc. Tôi xem các vị như thầy, là ân nhân giúp tôi tiến bộ."

tôi nghĩ bỏ chút thì giờ ra để giải hoặc, may ra có thể chỉnh lại phần nào đầu óc bệnh hoạn và sự thiếu lương thiện trí thức của tác giả, tưởng cũng không phải là chuyện vô ích.

Tuy nhiên, có một điều tôi cần nói rõ trước hết: tôi thực sự không muốn làm thầy Phan Thiết. Bậc cổ đức đã chẳng dạy: "Làm đầy tớ người trí còn hơn là làm thầy kẻ ngu" hay sao? Theo quan điểm của Phật Giáo, kẻ ngu không phải là kẻ biết ít hay không biết, mà là kẻ tự cho là mình biết và chấp vào những điều mình biết, dù rằng những điều mình biết là sai lầm, do đó không chịu mở mang đầu óc để thu nhận kiến thức của nhân loại. Phật Giáo nói đến kẻ "ngu si vô trí" là nói đến những kẻ không biết rõ sự thực về một vấn đề nào đó mà lại cứ cho là mình biết rõ. Nhưng đây thuộc về ngã mạn nên ngu si vô trí dù sao cũng còn đỡ hơn là những kẻ không có đến cả một sự lương thiện trí thức tối thiểu, những kẻ phải dùng đến những thủ đoạn thấp kém, xuyên tạc sự thật, ngôn từ hạ cấp, tục tĩu, không đếm xỉa gì đến liêm sỉ, với hi vọng có thể đạt được những mục đích đen tối bắt nguồn từ một tâm cảnh cuồng tín của mình.

Thứ đến, tôi cần phải cám ơn tác giả, vì tác giả đã tạo cơ hội để tôi trình bày những sự hiểu biết của tôi về tôn giáo, nhất là về Phật Giáo và Ki Tô Giáo, đối chiếu với những hiểu biết của tác giả để độc giả thấy rõ đâu là sự thật. Những hiểu biết tôi trình bày trong bài phê bình này đều dựa trên luận lý và sự kiện, chứ không dựa trên cảm tính cá nhân hoặc niềm tin tôn giáo cá nhân. Tuy nhiên, tôi sẽ giới hạn tối đa việc diễn giải giáo lý Phật Giáo vì đó không phải là mục đích của tôi khi phê bình Phan Thiết.

Trong bài phê bình này tôi sẽ lần lượt trình bày và luận về kiến thức tạp nham của Phan Thiết về Phật Giáo và Ki Tô Giáo. Và đây cũng chỉ là những nhận định chính về hai cuốn sách của Phan Thiết. Nếu phê bình cho hết những sai lầm và những lời viết láo lếu trong hai cuốn sách của Phan Thiết, tôi không còn thì giờ làm việc gì khác nữa, và bài phê bình này sẽ trở thành một cuốn sách dầy gấp ba 2 cuốn của Phan Thiết cộng lại. Tôi thực sự không muốn lãng phí thời gian vào những việc không đáng.

http://www.buddhismtoday.com/viet/diemsach/002-tcn-toi1.htm


Phần | 1 | 2 | 3 | 4 |

 


Cập nhật: 27-4-2000

Trở về thư mục "Điểm sách"

Đầu trang