Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
TÔI ĐỌC
"ĐẤT VIỆT, NGƯỜI VIỆT, ĐẠO VIỆT" 
& "HÀNH HƯƠNG ĐẤT PHẬT" của Phan Thiết

Trần Chung Ngọc


II. Phê Bình Phan Thiết Viết Về Phật Giáo

Trước hết, chúng ta hãy phân tích vài đoạn sau đây của Phan Thiết viết về Phật Giáo. Từ những đoạn này chúng ta có thể thấy rõ mục đích, thủ đoạn, và lương tâm trí thức của Phan Thiết. Đối với những sách viết về Phật Giáo, tác giả Phan Thiết cho rằng, (HHĐP I, trg. 18):

"Cuốn sách có giá trị nhất là cuốn Phật Học Tinh Hoa của cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần viết cách nay hơn nửa thế kỷ. Vậy mà trình độ như tôi phải đọc tới hai ba lần mới thấm được phần nào ý nghĩa."

Đọc câu trên chúng ta phải hiểu là trình độ của Phan Thiết cao lắm (trình độ như tôi phải...mới..).. Phan Thiết đã cho chúng ta thấy rõ "trình độ" của ông trong câu viết trên, một trình độ cho rằng cuốn sách viết về Phật Giáo có giá trị nhất là cuốn Phật Học Tinh Hoa. Thật là tội nghiệp cho một con ếch ngồi dưới đáy giếng. Nhưng thôi, chúng ta hãy bỏ qua câu khẳng định chứng tỏ một kiến thức nghèo nàn của một "cái Ta" vĩ đại này, và hãy đi vào sự phân tích các khẳng định khác của Phan Thiết về Phật Giáo để xem "trình độ" của tác giả như thế nào.

Trong cả hai cuốn Đất Việt...HHĐP, Phan Thiết đều nhắc đi nhắc lại về một điều hoang tưởng của mình: (1) Trọng tâm của đạo lý và triết lý của Phật Tổ là diệt ngã. (HHĐP, trg. 14); (2) Cái đạo diệt ngã của Thích Ca chẳng ai theo được. (HHĐP, trg. 20); (3) Mục tiêu của đạo Phật là đạo diệt ngã. (HHĐP, trg 46); (4) Khi Ngài Chakya (nguyên văn) Muni thành đạo, ngồi dưới gốc cây Bồ Đề Ngài nghĩ rằng: "Ta đã tìm ra chân lý giải thoát rất khó nhận thức, chỉ những kẻ nào thật thông minh may ra mới hiểu nổi. Giáo lý của ta là diệt ngã, mà loài người ai chịu bỏ cái ngã của mình... (Đất Việt..., trg. 174); (5) Đạo Phật theo đúng nghĩa thì phải đem vào tín ngưỡng Việt Nam thuyết luân hồi và giáo lý diệt ngã (Đất Việt..., trg. 295); (6) ..đi qua Trung Quốc ở đấy đạo Phật đã biến thể từ một đạo diệt ngã trở thành đạo vị ngã (Đất Việt..., trg. 295); (7) Như thế đạo Phật có còn là cái đạo diệt ngã của Đức Thích Ca Mâu Ni không? (Đất Việt..., trg. 295); (8) Các tăng sĩ đạo Phật ở nước ta đã không rao giảng thuyết diệt ngã đến nơi đến chốn (Đất Việt..., trg. 295); (9) Cái gì làm nên đạo Phật? Thưa đó là sự diệt ngã để dứt khỏi vòng luân hồi. Đó là yếu tính của đạo Phật, hiểu khác đi thì không còn là đạo Phật nữa. (Đất Việt..., trg. 417); (10) Điều kiện cần và đủ để xác định một người là Phật tử là lòng tin của họ biểu lộ ra ngoài bằng ý chí minh mẫn chấp nhận đạo diệt ngaủa Phật tổ... (Đất Việt..., trg. 417) v...v...

Quý vị độc giả đã thấy ai viết bậy bạ về đạo Phật như vậy chưa? Dựa vào những lời viết bậy bạ trên, chụp một cái mũ diệt ngã lên đầu đạo Phật, nghĩa là dựng lên một người rơm, để rồi chính tay mình quật người rơm xuống, Phan Thiết đã viết như sau (HHĐP I, trg. 13):

"Từ năm 1990, tôi chọn các tôn giáo và niềm tin làm chủ đề cho các sáng tác văn học, tôi chẳng hề băn khoăn về sự giải thoát hoặc thắc mắc về sự cứu rỗi nào bởi vì nó nằm ngoài sự "kiến" của con người. Vấn đề đến với tôi có tính cách phương pháp luận nên trong các câu chuyện đạo Phật trao đổi với các vị tăng sĩ hoặc thiền sư, tôi chỉ có một câu hỏi duy nhất: "Xin thầy chỉ cho tôi làm thế nào để diệt ngã"

Có vị dậy rằng tôi phải giữ tam qui ngũ giới: qui y Phật, Pháp, Tăng, giữ 5 giới trọng: bất sát, bất đạo, bất dâm, bất vọng ngữ, bất ẩm tửu.

Có vị dậy rằng phải thực hành Bát Chánh Đạo kết thành 3 việc chính là Giới+Định+Tuệ nghĩa là giữ giới luật, chuyên tâm thiền định để phát huy năng lực của trí tuệ.

Có vị tu Tịnh độ dậy rằng phải giữ 5 việc: lễ bái, sám hối, khuyến thiện, hồi hướng, phát nguyện.

Có vị dậy rằng chẳng cần phải tu hành gì cả, chỉ cần niệm Phật A Di Đà khi chết tất được rước về Tây Phương Cực Lạc.

Trước những lời dậy bảo ấy tôi chỉ im lặng và nghĩ trong bụng quí vị ấy không hiểu Phật là gì và cũng không hiểu câu hỏi của tôi...

Trọng tâm của đạo lý và triết lý của Phật Tổ là diệt ngã. Các phương pháp tu hành trong hầu hết các tông phái đạo Phật cũng thuyết lý diệt ngã tức là trở về với cái không. Câu tôi hỏi là câu nghi vấn xin vị tăng sĩ chỉ đường, chỉ phương pháp giải thoát tức là phương pháp diệt ngã. Câu trả lời của vị thiền sư là câu xác định, quả quyết bằng lối nói tán thán "Chao ơi, làm sao diệt được ngã?"

Rõ ràng người ta không thể diệt được ngã, hay Atman là cái tôi của chính mình. Cái tôi hữu hình theo thuyết của Phật hợp bởi 4 nguyên tố: đất, nước, gió, lửa và cái tôi vô hình là ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Cái tôi rồi sẽ phải qua đi một cách tự nhiên dù cố công tu hành hay không tu hành cũng vậy thôi. Cái tôi đang hiện hữu, đang cầm bút viết những dòng chữ này dù có ngụp lặn trong Giới+Định+Tuệ đạt tới tuyệt đỉnh của tu hành là vô sắc, vô tưởng, vô niệm thì chữ "vô" kia cũng hoàn toàn giả mạo: trong vô có hữu như bài Bát Nhã Tâm Kinh "sắc tức thị không, không tức thị sắc." Diệt cái ngã này tất có cái ngã khác lấp ló. Không thể dùng ngã diệt ngã. Mà đã không diệt được ngã thì vẫn còn sinh tử, luân hồi. Không bao giờ giải thoát được, thành Phật là ảo tưởng."

Đọc đoạn trên chúng ta thấy rõ đó chỉ là chuyện "phịa," vì tác giả không nêu rõ danh tánh của các vị Tăng sĩ hay Thiền sư mà tác giả đã đến hỏi câu "Xin thầy chỉ cho tôi làm thế nào để diệt ngã," và cũng vì trên thế gian này không có vị tăng sĩ hay thiền sư nào ngu đến độ phải dùng đến Tam Qui Ngũ Giới, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Tam Học v...v.. để trả lời một câu hỏi ngớ ngẩn, bắt nguồn từ một đầu óc bệnh hoạn, tâm cảnh lắt léo, chứ chẳng liên quan gì đến giáo lý nhà Phật. Nếu Phan Thiết hỏi tôi câu đó thì tôi sẽ trả lời như sau: "Ô⮧ làm gì có ngã mà diệt, hồn và xác của ông đã bán khoán cho Vatican và Chúa từ khi ông còn bú sữa mẹ, ông sống vất va vất vưởng như một hồn ma, chỉ chờ ngày lên Thiên đường hưởng nhan thánh Chúa, vậy quan tâm đến vấn đề diệt ngã làm chi? Ngã ở đâu mà diệt? Ông mang cái ngã của ông ra đây, tôi sẽ chỉ cho ông cách diệt ngã."

Nhưng điều đáng nói là, "Trình độ như của tác giả, phải đọc cuốn Phật Học Tinh Hoa tới hai ba lần mới thấm được phần nào ý nghĩa" mà cũng không thấy được trong cuốn Phật Học Tinh Hoa chẳng có chỗ nào nói về thuyết diệt ngã mà chỉ viết về thuyết Vô Ngã của nhà Phật như sau:

"Tất cả giáo lý của Phật Tiểu Thừa đều gồm trong hai chủ thuyết "vô thường" và "vô ngã.".. Ngã là gì?... Chính nó là nguồn gốc của các thứ mê lầm, đau khổ. Cho nên diệt khổ là diệt cái nhận thức mê lầm của Ngã chấp." (Phật Học Tinh Hoa, trg. 101)

"Thuyết Vô Ngã là căn bản của giáo lý Thích Ca, vì Chấp Ngã là nguồn gốc sinh ra vô minh. Mà vô minh là đầu mối của luân hồi sinh tử và đau khổ của con người." (Phật Học Tinh Hoa, trg. 160)

Vô Ngã tuyệt đối không có nghĩa là Diệt Ngã. Đã không có cái gì có thể gọi là Ngã thì diệt Ngã là điều hoang tưởng, cũng như Frederich Nietzche cho rằng Thượng Đế đã chết (God is dead) là sai, vì làm gì có Thượng đế để mà chết. Đúng ra phải nói như John Remsburg trong cuốn Những Điều Tự Nhận Sai Sự Thực (False Claims), (của Giáo hội Gia Tô. TCN) trg. 3:

"Trong những giới thông minh ở Âu châu và Mỹ châu, nền Thần học Ki Tô trên thực tế đã chết."

(Among the intelligent classes of Europe and America, Christian theology is practically dead).

bởi vì nền Thần Học Ki Tô đã tạo ra và biện minh cho sự hiện hữu của Thần Ki Tô, một niềm tin chỉ còn sót lại trong những đầu óc thuộc loại cần dựa vào một cặp nạng Thần Quyền của một tôn giáo mà theo định nghĩa của Thống Đốc Tiểu Bang Minnesota Jesse Ventura gần đây, đã được loan chiếu trên TV cũng như đăng trên nhiều báo chí có tên tuổi trên đất Mỹ: "là một sự giả dối trống rỗng và là một cặp nạng cho những người có đầu óc yếu kém cần đến sức mạnh trong số nhiều" (a sham and a crutch for weak-minded people who need strength in numbers: Newsweek, Oct. 11, 1999, p. 36).

Phan Thiết đã dựa trên điều hoang tưởng của mình là "diệt ngã" để chê các Thiền sư và Tăng Sĩ, phần chắc là do tác giả bịa ra và dựng lên, là không hiểu Phật và không hiểu câu hỏi thuộc loại hoang tưởng của ông. Phan Thiết cũng còn xác nhận rằng kiến thức về Phật Giáo của ông phần lớn dựa vào bộ Tư Tưởng Luận (gồm ba cuốn: Nguyên Thủy, Tiểu Thừa, Đại Thừa) của Kimura Taiken do Hòa Thượng Quảng Độ dịch ra Việt Ngữ. Ông cho rằng: Kinh Luận Phật Giáo nhiều như rừng, đọc nhiều dễ lạc phương hướng (HHĐP I, trg. 24). Nhưng tôi cho rằng, cũng như đối với cuốn Phật Học Tinh Hoa, ông cũng chỉ nêu tên bộ Tư Tưởng Luận này để lòe thiên hạ chứ thực sự ông cũng chẳng đọc bộ này, vì chúng ta có kiếm 7 ngày trong bộ Tư Tưởng Luận này cũng không thấy đâu là thuyết diệt ngã. Trái lại, trong cuốn Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Chương VII, Mục 2, trang 279-287, tác giả Kimura Taiken đã viết khá rõ về Vô Thường, Vô Ngã: Căn Cứ của Khổ Quan.

Chúng ta thấy ngay rằng Phan Thiết chỉ nêu tên mấy cuốn sách viết về Phật Giáo chứ không hề biết nội dung của những cuốn đó. Điều này chứng tỏ tác giả muốn tỏ ra mình là một trí thức, cũng có đọc sách về Phật Giáo đấy, nhưng thực sự thì chưa bao giờ đọc. Đây là một thủ đoạn không được lương thiện cho lắm để tự đề cao kiến thức của mình mà không biết rằng chính những điều mình viết lại lột chân tướng của mình ra. Chân tướng của Phan Thiết là trí trá, dựng lên một cái thuyết diệt ngã, chỉ có trong đầu óc tăm tối của tác giả, để dựa vào đó mà phê bình Phật Giáo. Thủ đoạn này chỉ có thể lừa được những người không biết gì về Phật Giáo.

Theo như Phan Thiết thì "Cái tôi (hay ngã của Phan Thiết) đang hiện hữu, đang cầm bút viết những dòng chữ này..." nhưng đối với những người đui, què, sứt, mẻ thì chắc hẳn "cái tôi" của họ cũng đui, què, sứt, mẻ; cái tôi của những người bị hội chứng trì trệ tâm thần (mentally retarded), cái tôi của những người già bị bệnh mất trí nặng; cái tôi của những nô lệ Vatican v...v... chắc hẳn cũng mang những sắthái của hội chứng trì trệ tâm thần, mất trí, hay nô lệ? Đây là điều Phan Thiếkhông bao giờ nghĩ tới. Và tôi cũng không có ý định luận bàn về "cái Tôi" của Phan Thiết.

Ai cũng biết trong Phật Giáo chỉ có thuyết Vô Ngã chứ không làm gì có thuyết diệt ngã. Dựng lên một thuyết vu vơ, gán cho đạo Phật thuyết đó để từ đó phủ bác đạo Phật là việc làm quen thuộc của các cán bộ Gia Tô Giáo từ xưa tới nay. Giáo Hoàng Gion Pôn Hai cũng đã dùng thủ đoạn này trong cuốn Bước Qua Ngưỡng Cửa Hi Vọng nhưng sau cùng đã thất bại và đại diện của Ngài đã phải xin lỗi Phật Giáo.

Tiếp theo, chúng ta hãy xét đến cái hiểu về Kinh điển Phật Giáo của Phan Thiết khi ông viết về lời di ngôn cuối cùng của Đức Phật trước khi Người tịch diệt (HHĐP I, trg. 31-32):

"Đức Thế Tôn vô cùng tỉnh táo, mặt Ngài rạng rỡ như trăng rằm trong khi các đệ tử xúm quanh u sầu khóc lóc. A-Nan-Đà cung kính quỳ dưới chân Ngài xin Ngài di ngôn lần cuối. Phật hé mắt âu yếm nhìn ông rồi đọc kệ:

Đừng tin những gì do kinh sách

Đừng tin điều gì do tập quán lưu truyền

Đừng tin điều gì vì được người ta nhắc đi nhắc lại

Đừng tin điều gì do bút tích của thánh nhơn

......"

(Đây không phải là lời di ngôn cuối cùng của Đức Phật mà chính là Kinh Phật thuyết cho dân Kalama).

Theo Phan Thiết viết như trên thì đó là lời di ngôn cuối cùng của Đức Phật. Nhưng bất cứ Phật tử nào cũng biết lời di ngôn cuối cùng của Đức Phật là lời nhắc nhở các đệ tử về luật vô thường và khuyên các đệ tử hãy tinh tiến để đạt giải thoát cho chính mình. Chúng ta hãy đọc những lời nói cuối cùng của Đức Phật (Thích Nhất Hạnh, Đường Xưa Mây Trắng, trg. 917):

"Các vị khất sĩ, hãy nghe Như Lai nói đây: "vạn pháp vô thường, có sinh thì có diệt. Các vị hãy tinh tiến lên để đạt tới giải thoát.." Nói xong Phật nhắm mắt."

Và trong cuốn Đức Phật Và Phật Pháp, bản dịch của Phạm Kim Khánh dịch cuốn The Buddha and His Teachings của Narada Thera mà Phan Thiết cũng có ghi trong mục Thư Loại Tham Khảo của ông, nơi trang 238, cũng có ghi lời cuối của Đức Phật như sau:

"Hãy nghe đây, này các đệ tử. Như Lai khuyên các con: Tất cả các Pháp hữu vi đều vô thường, hãy tận lực liên tục chuyên cần."

Chúng ta thấy rõ là Phan Thiết chẳng biết gì về Kinh Phật, bạ đâu viết đấy, không ngoài mục đích phê bình rất tiêu cực về Phật Giáo. Nhưng chính những sai lầm căn bản trong kiến thức của tác giả lại quật ngược lại tác giả và phủ bác toàn bộ những điều tác giả viết về Phật Giáo mà thực chất chỉ là những lời viết láo lếu, vô căn cứ. Những sai lầm căn bản này cũng chứng tỏ rằng Phan Thiết chưa bao giờ đọc những cuốn mà ông liệt kê làm tài liệu tham khảo. Thật vậy, trong cuốn Phật Học Tinh Hoa của Thu Giang Nguyễn Duy Cần, cuốn mà Phan Thiết khoe rằng trình độ như của Phan Thiết mà phải đọc tới hai ba lần mới thấm được phần nào ý nghĩa, chúng ta có thể đọc, trang 55:

"Ngày kia, Phật đi ngang qua một làng nọ, tên là Kesaputta. Dân chúng nơi đó gọi là dân Kalama, khi nghe Phật đến, đón ngài để hỏi: "Bạch Ngài, có những nhà tu đến đây thuyết Pháp. Nhưng họ cho rằng chỉ có giáo lý của họ là đúng, còn tất cả đều sai lầm. Chúng tôi hoang mang chẳng rõ ai sai ai đúng?"

Phật nói: "Các người hoài nghi là phải..."

(Rồi Phật thuyết Kinh Kalama). Như vậy, Kinh Phật thuyết cho dân Kalama đâu có phải là lời di ngôn cuối cùng của Đức Phật?

Thiền Sư Nhất Hạnh viết Kinh này rõ hơn Nguyễn Duy Cần nên sau đây, tôi xin trích dẫn Kinh này trong cuốn Đường Xưa Mây Trắng, trg. 698:

"Này các bạn, các bạn đừng vội tin vào một điều gì dù điều đó là điều mà người ta thường nói đến luôn, dù điều đó có trong kinh điển, dù điều đó là do một bậc thầy mà thiên hạ tôn sùng nói ra. Các bạn chỉ nên chấp nhận và tin vào những điều mà các bạn thấy hợp với lý trí của các bạn, những điều được các bậc hiền nhân đồng ý, những điều mà nếu đem ra thực hành thì đưa tới những kết quả tốt đẹp cho đời sống. Còn những điều không hợp với lý trí, những điều bị các hiền nhân chê trách, những điều mà nếu đem ra thực hành thì đưa tới khổ đau và đổ vỡ, những điều đó các bạn nên bác bỏ, đừng chấp nhận."

Với một kiến thức như vậy, không biết khi nào Phật thuyết Kinh Kalama, không biết những lời nào là lời di ngôn cuối cùng của Đức Phật, mà Phan Thiết dám viết những lời huênh hoang như sau:

"Có điều trí tuệ của tôi đã được mài dũa trong khoa luận lý học với những phương pháp luận, phương pháp đối chiếu, biện chứng pháp, các phạm trù...để truy tầm những điều tôi nghi vấn." (HHĐP I, trg. 21).

"Nghiêm trang và đứng đắn như tác giả đang viết tác phẩm "Hành Hương Đất Phật" bỏ ra nhiều năm nghiên cứu Phật Pháp đặt ra nhiều nghi vấn cho đạo Phật cũng sẽ làm nhiều người lung lạc "đức tin" (HHĐP I, trg. 46).

"Lý tưởng và chủ trương: Tôn thờ tự do, lấy sự thật, lẽ Công và Nhân Ái làm thước đo. Tuy sinh trưởng trong một gia đình Thiên Chúa Giáo nhưng tôi có đạo "quốc tế" học đạo lý của nhà thờ, nhà chùa, miếu mạo với tôn chỉ "truy tầm tận gốc.".." (Tác giả tự giới thiệu, trang cuối HHĐP)

Bỏ ra nhiều năm nghiên cứu Phật Pháp mà viết về Phật Giáo như trên thì rõ ràng là, nghiên cứu Phật Pháp trong ma tâm của một tín đồ cuồng tín Thiên Chúa Giáo, Phật Pháp đã biến thành Ma Pháp. Với những hiểu biết sai lầm rất sơ đẳng và ấu trĩ về Phật Giáo như trên mà cũng dám nói là "truy tầm tận gốc," "lấy sự thật làm thước đo" v...v.... và mơ tưởng có thể làm "lung lạc đức tin" của người Phật tử, thì chúng ta phải thấy rõ thực chất con người và ý đồ của Phan Thiết là như thế nào. Người Phật tử đâu có tin bậy tin bạ như là Phan Thiết tin vào cái bánh vẽ "cứu rỗi" trên trời? Như chúng ta đã thấy trong Kinh Kalama, người Phậtử chỉ tin những gì hợp với lý trí của mình. Dùng lý trí để phân tích thì những điều Phan Thiết viết về Phật Giáo chỉ là một trò bày đặt rẻ tiền, hạ cấp, đâu có đáng gì phải để ý, mà cũng hi vọng làm lung lạc đức tin của Phật tử?

Nhưng không phải chỉ có vậy, chúng ta hãy đọc Phan Thiết bình luận về Kinh Phật để thấy rõ hơn đâu là thực chất kiến thức về Phật Giáo của Phan Thiết. Phan Thiết viết về Kinh Hoa Nghiêm như sau (HHĐP I, trg. 52):

"Nội dung Kinh này diễn dịch Pháp từ thấp đến cao. Pháp tối thượng là Phật Tánh hay Chân Như. Nó chính là Đại Hồn tức Brahman trong Bà-La-Môn vậy. Thiền sư Nghiêm Xuân Hồng viết sách luận về Kinh này dùng chữ "nhập Pháp giới" thay cho "nhập Niết Bàn" rất chí lý."

Tôi không thể tưởng tượng là một người nghiên cứu Phật Pháp nhiều năm như Phan Thiết tự nhận lại có thể viết như trên. Câu viết trên chứng tỏ Phan Thiết chưa bao giờ sờ đến Kinh Hoa Nghiêm đừng nói là đọc hay hiểu Kinh Hoa Nghiêm. Phan Thiết không hề biết rằng "Nhập Pháp giới" là một Phẩm quan trọng nhất trong Kinh Hoa Nghiêm, chiếm hơn 1/4 bộ Kinh Hoa Nghiêm gồm 8 quyển (tiếng Việt), mỗi quyển dày trên dưới 5, 6 trăm trang, nên mới viết bậy là Thiền sư Nghiêm Xuân Hồng (Nghiêm Xuân Hồng không phải là một Thiền sư) dùng chữ "nhập Pháp giới" thay cho "nhập Niết Bàn" là rất chí lý, và viết nhảm nhí là Phật Tánh hay Chân Như chính là Đại Hồn hay Brahman của đạo Bà La Môn.

Tất cả Kinh Phật đều đưa ra những phương pháp tu hành để thực chứng được Phật Tánh có sẵn trong mỗi chúng sinh. Nhưng nội dung Kinh Hoa Nghiêm không phải là thuyết minh về Phật Tánh hay Chân Như. Những chủ đề này được diễn giải trong các Kinh khác, đặc biệt là trong tập luận Đại Thừa Khởi Tín của Bồ Tát Mã Minh. Kinh Hoa Nghiêm gồm 39 Phẩm và phần lớn thuyết minh về sự dung thông vô ngại của bốn Pháp giới: Lý, Sự, Lý Sự và Sự Sự; về "Thể tánh của Tâm nhiếp thâu tất cả"; về "Tất cả là một, một là tất cả" v...v... Riêng Phẩm "Nhập Pháp Giới," như trên đã nói, chiếm hơn 1/4 toàn bộ Kinh Hoa Nghiêm, mô tả cuộc hành trình của Thiện Tài đồng tử tu đạo Bồ Đề, học đạo giải thoát với 53 vị thiện tri thức gồm đủ mọi thành phần trong xã hội: Bồ Tát, Vua, Tăng, Ni, Nam cư sĩ, Nữ cư sĩ, thương gia, thầy thuốc v...v... Và lẽ dĩ nhiên, Phật Tánh hay Chân Như tuyệt đối chẳng dính dáng gì tới cái Đại hồn hay Đại Ngã hay Brahman của Phan Thiết. Quan niệm về Đại hồn hay Đại Ngã của Ấn Độ Giáo tương đương với quan niệm về Thượng đế của Ki Tô Giáo, vì Ấn Độ Giáo tin tưởng có một linh hồn vĩnh cửu và tin có một đấng Tạo hóa. Trái lại, Phật Giáo dứt khoát bác bỏ sự hiện hữu của linh hồn và của đấng sáng tạo ra vũ trụ và con người. Ý niệm linh hồn, theo Phật Giáo, chỉ là một ý niệm tưởng tượng, không phù hợp với một thực thể nào cả. Con người là sự cấu hợp của danh và sắc, tâm và vật, theo định luật duyên sinh, không phải là sản phẩm của một Thượng đế, một đấng chỉ hiện hữu trong sự hoang tưởng của con người yếu kém không biết gì hơn là khao khát một cái bánh vẽ trên trời (từ của Linh Mục Ernie Bringas: A Pie-in-the-sky).

Tiếp theo, chúng ta hãy đọc Phan Thiết viết về Kinh Bát Nhã (HHĐP I, trang 52):

"Kinh Bát-nhã Ba-la-mật (Prajna Paramita) còn gọi là Bát-nhã Tâm Kinh....Đây là bài Kinh của chủ nghĩa hư vô."

Phan Thiết đã lẫn lộn Kinh Bát Nhã Ba La Mật với Tâm Kinh. Kinh Bát NhãĐại Phẩm Bát Nhã, Tiểu Phẩm Bát Nhã. Đại Phẩm Bát Nhao Huyền Trang dịch gồm 600 quyển trong khi Tâm Kinh chỉ có 260 chữ. Phan Thiết đồng hóa tư tưởng "không" trong Tâm Kinh với chủ nghĩa hư vô. Phan Thiết khoe rằng đã dùng bộ Tư Tưởng Luận của Kimura Taiken làm căn bản nghiên cứu về Phật Giáo nhưng Phan Thiết lại không biết rằng trong cuốn Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, trang 64, Kimura Taiken đã viết rằng:

"Do trí tuệ mà đạt đến nhận thức "không," đó là lập trường Kinh Bát Nhã, nhưng nếu căn cứ vào đấy mà giải thích vũ trụ quan và nhân sinh quan trong Bát Nhã như một chủ nghĩa hư vô thì sẽ là một điều sai lầm rất lớn."

Một lần nữa, chúng ta lại thấy rằng, Phan Thiết chỉ nêu tên sách để lòe thiên hạ chứ thực sự chưa bao giờ đọc những sách đó. Về phương diện trí thức, Phan Thiết đã phạm phải sai lầm rất lớn như trên vì đã trí trá, khoe rằng mình đã đọc cuốn này cuốn nọ, nhưng thực sự thì chưa bao giờ đọc, vì nếu đọc thì không thể có những sơ hở rất lộ liễu như trên. Phan Thiết chỉ biết rất hời hợt về tư tưởng "chân không" trong Kinh Bát Nhã, không hiểu Phật Giáo muốn nói gì về quan niệm chân không, và nhất là không biết gì về quan niệm diệu hữu trong chân không. Vì cho rằng tư tưởng "không" trong Kinh Bát Nhã có nghĩa là không có gì nên Phan Thiết mới đồng hóa Kinh Bát Nhã với chủ nghĩa hư vô. Dù rằng không có ý định làm thầy Phan Thiết, nhưng để giúp cho Phan Thiết khỏi tiếp tục viết bậy về Phật Giáo, tôi xin phép quý độc giả được có vài lời giải thích về quan niệm "không" trong Kinh Bát Nhaùng Phan Thiết.

Tìm hiểu quan niệm về Chân Không hay Tính Không trong Phật Giáo, chúng ta vấp phải một trở ngại. Đó là: Thấy được Tính Không của mọi sự vật thì tương đương với thấy được Phật Tánh. Nhưng Phật Tánh thì chỉ có thể thực chứng chứ không thể nghĩ bàn, do đó, người ta không thể định nghĩa Tính Không, bởi vì làm như thế là đặt Tính Không vào một giới hạn, trong khi thực thể của Không siêu việt mọi ngôn từ, giới hạn, Tuy không thể định nghĩa được Tính Không, nhưng các vị cao Tăng đắc Đạo (đã thực chứng được Tính Không của mọi sự vật), vì muốn dẫn dắt chúng sanh trên con đường giải thoát (chuyển cái Không thành cái Có kỳ diệu) , đã bắt buộc phải dùng ngôn từ thông thường để mô tả phần nào Tính Không. Trong phương diện mô tả này, tuy không thể khẳng định thế nào là Không, nhưng chúng ta có thể khẳng định những gì không phải là Không.

- "Không" trong Phật Giáo không có nghĩa là không có thực, thí dụ như lông rùa, sừng thỏ.

- "Không" cũng không phải là "không vắng" hay hủy diệt, nghĩa là trống rỗng hay trước có bây giờ không còn nữa, thí dụ như: trong phòng này trước có nhiều đồ đạc bây giờ trống chơn, không có gì, hay ông A, bà B, trước sống nay chết đi rồi, không có nữa.

Vậy thì Phật Giáo muốn nói gì khi bảo mọi sự vật là "Không"? Tôi xin đưa ra đây vài lối giải thích nhưng sẽ không đi vào lý luận chi tiết để giải thích những lời giải thích ấy.

- Vì mọi sự vật luôn luôn thay đổi, ngay cả trong khoảng thời gian ngắn nhất mà chúng ta có thể tưởng tượng được, nên chúng là Không. Ở đây, Không đồng nghĩa với quan niệm "Vô Thường" trong Phật Giáo Nguyên Thủy.

- Vì mọi sự vật đều do duyên sinh nên chúng là Không. Không ở đây có nghĩa là không có tự tính, nghĩa là tính tự túc, tự tồn tại, độc lập, không tùy thuộc vào bất cứ cái gì khác. Không có tự tính trong Kinh Bát Nhã chỉ là sự mở rộng của thuyết "Vô Ngã" trong Phật Giáo Nguyên Thủy. Thuyết vô ngã của Phật Giáo đã dứt khoát bác bỏ thuyết sáng tạo trong Thánh Kinh.

- Vì thế giới Ta Bà chỉ là tổng thể của Cộng Nghiệp và là dự phóng của Tâm, chịu theo luật biến diệt nên mọi sự vật là Không. Đây là luận cứ của Duy Thức Tông theo đó một vật chỉ hiện hữu đối với những sinh vật sống trong cùng một cảnh giới, danh từ khoa học gọi là có cùng tần số giao cảm (do cộng nghiệp).

Những lời giải thích trên chỉ cho chúng ta một ý niệm khái quát về tại sao mọi sự vật là Không chứ không cho chúng ta biết cái Không là gì. Cho nên chúng ta không thể chấp vào cái Không này mà coi Không như là một cái gì đó, bằng cách nào đó, xuất hiện ở đâu đó. Nói một cách khác, chúng ta phải phủ nhận ngay cả chính cái Không này, vì nếu chúng ta nhận rằng có cái Không, chúng ta đã tự mâu thuẫn với chính những điều giải thích trên về tính Không. Chính cái Không của Không này mới tương đương với chân lý chung cùng của mọi sự sự vật vật. Đây chính là quan niệm Chân Không Tuyệt Đối, sự siêu việt rốt ráo, vượt khỏi mọi Pháp và mọi ý niệm mà Phật Giáo thường cho là: không thể nói ra hay không thể nghĩ bàn (bất khả thuyết hay bất tư nghị: Kinh Duy Ma Cật).

Trong suốt cuốn HHĐP, Phan Thiết toàn viết bậy về Phật Giáo đại loại như tôi đã chứng minh ở trên, chứng tỏ rằng ông không hiểu gì Phật Giáo. Mọi suy diễn của ông về Phật Giáo bắt nguồn từ một đầu óc bệnh hoạn và lắt léo, mục đích không ngoài hạ thấp Phật Giáo một cách vô liêm sỉ, vì nó méo mó, lệch lạc một cách quá sơ đẳng. Nhiều khi ông còn bịa ra những tài liệu để dựa vào đó mà phê bình Phật Giáo. Sau đây là một thí dụ. Trong HHĐP I, trang 150, Phan Thiết viết:

"Theo học giả Kimura Taiken bảo rằng kinh điển Đại thừa sản sinh dưới triều Gupta (thế kỷ thứ tư đến thế kỷ thứ sáu sau Tây Lịch) (3). Tôi hoàn toàn nhất trí với ông và nói rõ thêm rằng đạo Phật ở Ấn Độ vào giai đoạn này đã bị suy vi...."

Ông kê đã trích dẫn đoạn trên của Kimura Taiken, từ cuốn Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận do Thích Quảng Độ dịch, trang 113 (HHĐP I, trg. 170). Nhưng trong cuốn trên không có chỗ nào nói về xuất xứ của các kinh Đại Thừa, chưa kể là trang 113 nằm trong mục tác giả viết về Nhân Duyên Luận. Trái lại trong cuốn Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, trang 61-62, Kimura Taiken đã liệt kê những Kinh Đại Thừa quan trọng xuất hiện trước thời đại Long Thọ (thế kỷ 3 sau Tây Lịch) như Đại Phẩm Bát Nhã, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, A-Di-Đà, Duy Ma Cật, Thủ Lăng Nghiêm v...v... qua lịch sử dịch kinh ở Trung Quốc trong thế kỷ 2, 3 sau Tây Lịch bởi Chi-Lâu-Ca-Sấm, Ngô-Chi-Khiêm, Khương Tăng Hội, Trúc Pháp Hộ v..v... Như vậy, những Kinh Đại Thừa trên đã có từ trước thế kỷ 2 chứ không phải là những tác phẩm viết ra trong những thế kỷ 4 - 6 như Phan Thiết đã bịa ra ở trên.

Vì không hiểu gì về nguồn gốc của Đại Thừa Phật Giáo nên Phan Thiết đã viết về một điều hoang tưởng của ông để đánh bóng Thiên Chúa Giáo, cho rằng Đại Thừa Phật Giáo chịu ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo. Ông viết:

"Đạo lý căn bản của Phật Giáo Đại Thừa là cứu độ. Rất có thể Long Thụ đã du nhập lý tưởng này của Thiên Chúa giáo... (HHĐP II, trg. 66);

"Long Thụ và các luận sư Phât giáo Đại Thừa đã xây dựng đạo lý cứu độ không khác với lòng thương xót của Thiên Chúa trong Thiên Chúa giáo mấy. Khi Phật Giáo Đại Thừa ra đời khoảng giữa thế kỷ thứ hai thì đạo Thiên Chúa đã có mặt trên đất Ấn rồi." (HHĐP II, trg. 67).

"Riêng lý thuyết về độ hay lòng thương xót (Đại Thừa Phật Giáo) vay mượn của đạo Thiên Chúa... Tôi tìm thấy chữ độ rất lớn trong đạo Thiên Chúa hay đạo lý của đạo này định nghĩa Thiên Chúa là tình yêu, Thiên Chúa là cứu độ." (HHĐP II, trg. 120)

"Lòng từ bi phải khởi đi từ một cái ngã từ bi, yếu tính từ bi, toàn chất kiêm ái theo định nghĩa của Thần học Thiên Chúa Giáo: Thiên Chúa là tình yêu; tình yêu là Thiên Chúa thì sự cứu độ mới có được... Các luận sư và kinh sư của Phật Giáo Đại Thừa đã hy sinh Pháp tính của đạo Phật nguyên thủy để du nhập đạo lý cứu độ của Thiên Chúa Giáo" (HHĐP II, trg. 68)

"Bỏ ra ngoài thần thoại, xét cho cùng sự cứu độ của Thích Ca thiếu tính tất yếu vì Thích Ca cứu độ như chỉ đường. Còn Jesus chuôc tội chỉ mình Jesus làm được là xóa bỏ cái vô minh (tội tổ tông) của toàn thể giống người... Hơn nữa Thích Ca là ngón tay chỉ mặt trăng. Thấy trăng rồi thì ngón tay vô dụng, còn Jesus vừa là ngón tay vừa là Mặt trăng." (HHĐP I, trg. 145)

Viết những đoạn trên, Phan Thiết đã chứng tỏ cho chúng ta thấy trong đầu óc của ông có một khuyết tật (từ của Linh Mục Ernie Bringas: an astrolabe mind). Astrolabe nguyên là một dụng cụ định hướng cho tàu bè thuộc thế kỷ 17. Từ thế kỷ 18, với sự phát triển của kỹ thuật mới, dụng cụ này đã được xếp vào bảo tàng viện vì thiếu chính xác và đã trở thành lỗi thời. Linh mục Bringas dùng từ này để mô tả đầu óc của những tín đồ Ki Tô vẫn giữ những niềm tin sai trái và lỗi thời trong Ki Tô Giáo, bất kể đến sự tiến bộ trí thức của nhân loại trong những thế kỷ gần đây. Tôi dịch thoát là khuyết tật vì nọ đúng là một cái tật mà đa số tín đồ Gia Tô mang trong đầu từ khi còn nằm trong nôi. Để chứng minh, sau đây tôi xin đi vào phân tích những đoạn trên.

Thứ nhất, Phan Thiết cho rằng: Phật Giáo Đại Thừa ra đời khoảng giữa thế kỷ thứ hai. Đây là một sai lầm nghiêm trọng của những người chỉ biết hời hợt về Phật Giáo. Tư tưởng "cứu độ" trong Phật giáo Đại Thừa đã có từ trong thời Đức Phật còn tại thế. Chính đời sống của Đức Phật, thuyết giảng Phật Pháp để cứu độ chúng sinh trong 45 năm không biết mệt mỏi, là bằng chứng rõ ràng nhất. Phan Thiết không hiểu gì về xuất xứ của Phật Giáo Đại Thừa, khoe rằng đã dùng bộ Tư Tưởng Luận của Kimura Taiken làm căn bản kiến thức về Phật Giáo, nhưng lại không hề đọc cuốn Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận của Kimura Taiken. Thật vậy, trong cuốn này, trang 55-56, Kimura Taiken viết:

"Thế rồi phái tự do thừa kế Đại-Chúng-bộ-hệ lại thí nghiệm một lần nữa để mở đường tiến, đả phá tất cả hình thức bộ phái Phật Giáo, khôi phục tinh thần (cứu độ. TCN) của Phật Tổ để thích ứng với thời đại, đó là sự vận động của Đại Thừa... Như thế ta có thể cho Đại Thừa Phật Giáo là một phong trào phục hưng.... Căn cứ vào thời đại để nhận xét thì tư tưởng Đại Thừa đã nẩy mầm từ Nguyên Thủy Phật Giáo..."

Sở dĩ phong trào phục hưng Phật Giáo ra đời vì Nguyên Thủy Phật Giáo chú trọng đến những phương pháp tu hành của đức Phật dạy để tiến tới giải thoát cho bản thân mà lơ là khía cạnh xã hội mà tuyệt đại đa số Phật tử sống trong đó. Cho nên, có thể nói rằng, Phật Giáo Nguyên Thủy đặt trọng tâm trên Phật Pháp trong khi Phật Giáo Đại Thừa, ngoài việc tôn trọng Giáo Pháp của Đức Phật, còn thực sự đi theo vết chân Phật qua sự thực hành giáo lý tự độ và độ tha.

Như vậy, khi Phan Thiết viết: "Như tôi đã chứng minh Thiên Chúa giáo đã du nhập và vay mượn rất nhiều của các môn phái giải thoát Ấn Độ trong đó có Phật Giáo.." thì hoàn toàn đúng, nhưng ngược lại thì hoàn toàn sai, vì Thiên Chúa Giáo sinh sau đẻ muộn cả mấy trăm năm, không làm gì có chuyện "đạo Phật vay mượn đạo lý cứu độ của Thiên Chúa Giáo." Chưa kể là trong Thiên Chúa Giáo không làm gì có đạo lý, nhất lại là đạo lý cứu độ. Có lẽ Phan Thiết không hiểu nghĩa của cứu độ là gì nên nhập nhằng cho rằng "cứu độ" trong Phật Giáo cũng như "cứu rỗi" trong Thiên Chúa Giáo.

"Cứu độ" trong Phật Giáo có nghĩa "cứu giúp và đưa qua." Đưa qua đâu? Đưa qua bờ bên kia, bờ bên này là mê, bờ bên kia là ngộ, là rõ được chân lý, hiểu được Phật Pháp rồi từ đó tiến tới tự giải thoát. Chữ độ còn có nghĩa là "độ sinh," nghĩa là giúp cho chúng sinh sống ở đời thoát khỏi được phiền não. Trong Thiên Chúa Giáo chỉ có "cứu rỗi" chứ không có cứu độ. Người nào tin ở Jesus thì được Jesus cứu khỏi cái gọi là "tội tổ tông," một trong những huyền thoại của lịch sử dân Do Thái, và cho lên Thiên đường (mù) ở cùng Jesus và Chúa Cha. Đúng là một Thiên đường mù, vì trước sự tiến bộ trí thức của nhân loại, nhất là của khoa vũ trụ học, Giáo hoàng Gion Pôn Hai đã phải thú nhận hồi tháng 7, 1999, là chẳng làm gì có Thiên đường ở trên các tầng mây. Linh Mục Ernie Bringas đã gọi sự cứu rỗi của Jesus là một cái bánh vẽ ở trên trời (a Pie-in-the-sky) mà Ki Tô Giáo dùng để dụ khị tín đồ ngây thơ, cả tin, suốt trong 2000 năm nay. Cũng vì vậy mà cả thế giới trí thức ngày nay đã đồng thuận ở một điểm: Phật Giáo là đạo Giác Ngộ, còn Ki Tô Giáo là đạo Cứu Rỗi. Cứu độ trong Phật Giáo và cứu rỗi trong Ki Tô Giáo hoàn toàn khác nhau và trái ngược hẳn nhau. Cho nên, những đoạn Phan Thiết viết ở trên chỉ là cương điệu của một tín đồ Gia Tô cuồng tín, không biết ngay cả bản chất của đạo mình, chỉ viết bậy bạ với mục đích đánh bóng đạo mình một cách lố bịch, hoàn toàn sai sự thật.

Thứ nhì, thời buổi này mà Phan Thiết vẫn còn tin và viết về những chuyện hoang đường như Jesus chuộc tội và "tội tổ tông." Trọng điểm của Tân Ước là vai trò "chuộc tội" và "cứu rỗi" của Chúa Con, Jesus. Nhưng vai trò này đặt trên giả thuyết là con người có tội, cần đến một sự "chuộc tội" và "cứu rỗI." Do đó, câu chuyện con người sa ngã, phạm tội với Chúa Cha và bị Chúa Cha nguyền rủa, hành hạ, đày ải, trừng phạt v...v...được đặt ra qua các nhân vật của huyền thoại Adam và Eve. Ông Đỗ Mạnh Tri, một trí thức Gia Tô, trong cuốn Ngón Tay và Mặt Trăng, đã phủ nhận những lời "mặc khải" không thể sai lầm của Thần Ki Tô trong Cựu Ước, chấp nhận chuyện Adam và Eva ăn trái cấm tạo thành tội tổ tông là một huyền thoại. Theo rõi thời cuộc, chúng ta cũng biết rằng Giáo Hoàng Gion Pôn Hai đã công nhận thuyết Big Bang, nghĩa là phủ nhận vai trò sáng tạo ra vũ trụ của Thượng đế, và công nhận thuyết Tiến Hóa của Darwin và những khai triển của thuyết này sau Darwin, nghĩa là phủ nhận huyền thoại "tội tổ tông." Vậy thì, vai trò "chuộc tội" và "cứu rỗi" của Chúa Con có ý nghĩa gì trong thời đại này ngoài việc trở thành một chuyện hoang đường? Tội tổ tông chỉ là một huyền thoại của dân Do Thái, vậy thì ai (hoặc ông Nguyễn bà Trần nào) cần ai "chuộc tội," và ai (hoặc ông Lê bà Lý nào) cần ai "cứu rỗi"? Điều này kéo theo chuyện Chúa Con chịu đóng đinh trên Thánh Giá để "chuộc tội" cho nhân loại là chuyện hoang đường nhất trong những chuyện hoang đường. Nói tóm lại, vai trò "chuộc tội" và "cứu rỗi" của Chúa Con, Giêsu, đặt nền tảng trên huyền thoại về các nhân vật Adam và Eve trong cuốn đầu trong Cựu Ưóc, Sáng Thế (Genesis), và cùng sống hay cùng chết với huyền thoại này. Nhưng, trong ánh sáng của khoa học và lý trí, giá trị đích thực của huyền thoại về tội tổ tông trong Cựu Ước đã được chứng minh rằng không hơn giá trị của một mớ huyền thoại khác thuộc lịch sử của dân tộc Do Thái. Cũng vì vậy mà trong cuốn Tại Sao Ki Tô Giáo Phải Thay Đổi Không Thì Chết (Why Christianity Must Change or Die), Giám mục John Shelby Spong đã dành riêng chương 6 để viết về đề tài Giê-su Như Là Đấng Cứu Thế: Một Hình Ảnh Cần Phải Dẹp BỏJesus as Rescuer: An Image That Has To Go). Trong chương này, Giám Mục Spong viết như sau, trang 98-99:

"Nhân loại chúng ta không sống trong tội lỗi. Chúng ta không sinh ra trong tội lỗi. Chúng ta không cần phải rửa sạch cái tì vết tội tổ tông trong lễ rửa tội. Chúng ta không phải là những tạo vật sa ngã, mất đi sự cứu rỗi nếu chúng ta không rửa tội. Do đó, một đấng cứu thế có nhiệm vụ khôi phục tình trạng trước khi sa ngã của chúng ta chỉ là một sự mê tín trước thời Darwin và một sự vô nghĩa sau thời Darwin."

(We human beings do not live in sin. We are not born in sin. We do not need to have the stain of our original sin washed away in baptism. We are not fallen creatures who will lose salvation if we are not baptized... A savior who restores us to our prefallen status is therefore pre-Darwinian superstition and post-Darwinian nonsense).

Với những hiểu biết hiện đại thì câu Phan Thiết viết: "Thích Ca là ngón tay chỉ mặt trăng. Thấy trăng rồi thì ngón tay vô dụng, còn Jesus vừa là ngón tay vừa là Mặt trăng." (HHĐP I, trg. 145) có thể đúng nếu chúng ta hiểu như sau. Mặt trăng của Đức Phật tượng trưng cho chân lý. Ngón tay tượng trưng cho Phật Pháp, những phương pháp tu tập thân, miệng, ý, nhờ đó con người có thể đạt tới chân lý, chứ không phải "Thích Ca là ngón tay" như Phan Thiết viết. Không có ngón tay thì không thấy được chân lý, nhưng chúng ta không nên nhầm lẫn ngón tay với chân lý. Chân lý phải do chúng ta đích thân thực chứng chứ không phải do Đức Phật ban cho. Còn ngón tay của Jesus là ngón tay lông lá. Lông lá vì nó chỉ vào nhiều điều phi luân, hẹp hòi, ác độc v..v.. mà tôi sẽ dẫn chứng từ Thánh Kinh trong một phần sau, và mặt trăng "cứu rỗi" của Jesus là mặt trăng ở dưới đáy nước, đồng nghĩa với cái bánh vẽ ở trên trời. Ai muốn mò trăng đáy nước, hay ăn chiếc bánh vẽ trên trời, xin cứ tùy tiện, tôi tuyệt đối không ngăn cản... Nhưng đừng có làm tôi mất thì giờ vì mấy cái vớ vẩn của thời bán khai.

Thật ra, muốn phê bình cho đầy đủ những điều Phan Thiết viết về Phật Giáo, tôi cần một cuốn dày gấp ba 2 cuốn Đất Việt & HHĐP cộng chung lại để vạch ra chi tiết những sai lầm của Phan Thiết. Nhưng trước một trình độ quá thấp kém của Phan Thiết được chứng tỏ trong vài thí dụ tôi vừa phân tích ở trên, tôi nghĩ không nên tiếp tục phí thời giờ để nhặt ra những hiểu biết sai lầm của Phan Thiết về Phật Giáo có thể nói là quá ấu trĩ rải rác trong suốt hai tác phẩm Đất Việt HHĐP của Phan Thiết. Quý độc giả nào muốn biết rõ nhiều hơn về bộ mặt thật, về kiến thức và về thủ đoạn xuyên tạc để đánh phá Phật Giáo của Phan Thiết xin đọc phần đầu của cuốn sách này, bài "Phê Bình Ký Sự HHĐP của Phan Thiết" của Tỳ-kheo Thích Nhật Từ, người đã cất công phê bình đầy đủ, vạch ra những hiểu biết và sai lầm sơ đẳng của Phan Thiết về thuật ngữ Phật Giáo, kinh điển Phật Giáo, và giáo lý Phật Giáo. Trong bài phê bình này, trên cương vị của một tu sĩ Phật Giáo với chủ trương Phật Pháp không tranh cãi với các Pháp thế gian, Tỳ-kheo Thích Nhật Từ không phê bình những điều Phan Thiết viết về Ki Tô Giáo. Nhưng để cho cho độc giả thấy rõ âm mưu và thủ đoạn của Phan Thiết trong sách lược xuyên tạc Phật Giáo và cùng lúc tôn vinh Thiên Chúa Giáo một cách huênh hoang, lố bịch, tiêu biểu sự cuồng tín của một tín đồ Thiên Chúa Giáo đã bị điều kiện hóa từ khi còn nhỏ, tôi nghĩ không có cách nào khác là đi thẳng vào những luận điểm Phan Thiết viết về Ki Tô Giáo.


Phần | 1 | 2 | 3 | 4 |

 


Cập nhật: 27-4-2000

Trở về thư mục "Điểm sách"

Đầu trang