- Phật
giáo có khinh miệt phụ nữ không?
Kính thưa
Thầy,
Trinh Nguyên
có thắc mắc về câu chuyện 62 trong Jàtaka. Trong câu chuyện này có
ý không tốt về phụ nữ, nhưng Trinh Nguyên muốn biết về sự thật là
như thế nào. Bởi vì tất cả mọi người trong giới đạo Phật đều cho
rằng phụ nữ ngày nay được đối xử một cách công bằng trong cộng đồng
Phật giáo. Điều này Trinh Nguyên thấy có sự mâu thuẫn giữa hai sự việc
nêu trên.
Kính mong
được sự trả lời.
Trinh Nguyên
(một học sinh lớp 12 ở Germany)
*******
Phật tử
Trinh Nguyên quý mến,
Quả thật
câu chuyện Cô Gái Trên Lầu Bảy Tầng (số 62) trong Jàtaka (Chuyện
Tiền Thân của Ðức Phật) có nội dung không tốt về phụ nữ. Nội
dung chủ yếu là bày tỏ sự nghi ngờ
về đức hạnh của phụ nữ và có thái độ rất khinh miệt đối với phụ
nữ, nhưng chúng ta không thể quy kết rằng đạo Phật là đạo xem nhẹ phẩm
cách đạo đức của người phụ nữ hay đối xử bất công đối với phái
nữ.
Xét về
nhân duyên để đức Thế Tôn kể câu chuyện này thì thấy quả thật là
không có logic. Sách ghi:
Câu chuyện
này do bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú ngụ tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo
bị ái dục chi phối tâm trí. Bậc Ðạo Sư hỏi:
-
Tăng chúng bảo rằng ông bị
ái dục chi phối, có phải vậy chăng?
-
Thưa vâng, quả đúng như vậy.
-
Này Tỷ-kheo, không ai canh giữ
nổi đàn bà được cả. Ngày xưa, có kẻ đầy mưu trí canh giữ một nữ
nhân từ khi nó mới lọt lòng mà cũng không thể nào giữ nó được
Nói vậy xong, Ngài kể một câu chuyện
quá khứ.
Như
Phật tử thấy, người viết truyện này quả thật vụng về khi dẫn nhập
câu chuyện trên. Một vị Tỷ-kheo đang bị ái dục chi phối, đáng lẽ ra
đức Phật phải tuyên thuyết về sự nguy hiểm của các dục như bài Kinh Ví Dụ Con
Rắn (số 22) trong Trung Bộ Kinh:
Ta đã thuyết các dục vui
ít, khổ nhiều, não nhiều, do vậy nguy hiểm càng nhiều hơn. Ta đã thuyết
các dục được ví như khúc xương... Ta đã thuyết các dục được ví như
miếng thịt... được ví như bó đuốc cỏ khô... được ví như hố than hừng...
được ví như cơn mộng... được ví như vật dụng cho mượn... được ví
như trái cây... được ví như lò thịt... được ví như gậy nhọn... Ta đã
thuyết các dục được ví như đầu rắn, vui ít, khổ nhiều, não nhiều,
và do vậy nguy hiểm càng nhiều hơn...”
Hoặc có thể
đức Phật trình bày đầy đủ hơn về vị ngọt, sự nguy hiểm và phương
pháp để xuất ly khỏi ái dục như một số bài kinh khác trong Trung Bộ
Kinh trình bày thì mới hợp lý. Ðằng này một vị Tỷ-kheo đang bị
ái dục chi phối lại kể một câu chuyện liên quan đến sự mất nết,
thiếu phẩm hạnh của một phụ nữ và sự mê tín tột cùng của trò chơi
cờ bạc có liên hệ đến sự trong trắng của phụ nữ.
Lại nữa, khi câu chuyện
được kết thúc, đức Phật nhận diện: thuở ấy Ngài là vị vua Ba-la-nại
kia. Vậy thì ai là người Bà-la-môn chơi cờ bạc với vua, và ai là người
con gái mất hạnh năm xưa? Ai là chàng trai gạ gẫm cô gái ? Câu chuyện kết
thúc như vậy, làm cho chúng ta có thể kết luận rằng câu chuyện trên là
hoàn toàn bịa đặt và gán ghép cho là câu chuyện do đức Phật kể.
Phật tử
Trinh Nguyên quý mến,
Ngày nay
các bậc cao đức và nhiều nhà học giả lỗi lạc cho rằng Tiểu Bộ
Kinh ra đời muộn nhất, đặc biệt là Jàtaka và các bộ khác như
Thiên Cung Sự (Vimanavatthu), Ngạ Quỷ Sự (Petavatthu), Phật Sử
(Buddhavamsa) hoặc Sở Hạnh Tạng (Cariyà Pitaka). Có thể nói bộ Jàtaka
có nhiều điểm ngoại lai, nếu không muốn nói là bị pha tạp tư tưởng
của Bà-la-môn giáo rất nhiều.
Không phải ngày nay phụ nữ
được đối xử một cách công bằng trong cộng đồng Phật giáo mà truyền
thống tốt đẹp này đã được đức Phật chỉ dạy nhiều lần cho chư
tăng và cho hàng cư sĩ tại gia. Ngài đã cực lực lên tiếng phản đối
thái độ xem nhẹ phẩm giá của phụ nữ trong thời bấy giờ. Ðây cũng là
điểm khác biệt rất lớn của Phật giáo nếu so với tôn giáo khác.
Có thể lấy
một ví dụ trong chương
3 của Tương Ưng Bộ
Kinh trình bày câu chuyện khi vua Ba-tư-nặc (Pasenadi) đang
thỉnh vấn đức Phật thì có một cận thần đến tâu rằng, hoàng hậu Mạt-lợi
(Mallikà) vừa hạ sinh một công chúa. Khi nghe như vậy, vua Ba-tư-nặc tỏ vẻ
không hài lòng. Nhân sự kiện này Ðức Phật liền đọc bài kệ sau để
giáo hóa vua Ba-tư-nặc và để ca ngợi một cô gái có đức hạnh thật sự
quý hơn một cậu con trai hư hỏng:
Này Nhân chủ,
ở đời,
Có một số
thiếu nữ,
Có thể tốt
đẹp hơn,
So sánh với
con trai,
Có trí tuệ,
giới đức,
Khiến nhạc
mẫu thán phục.
(Phẩm Người
Con Gái)
Nói tóm lại, trong Jàtaka
có rất nhiều câu chuyện có nội dung tương tự như câu chuyện số 62.
Không những vậy còn rất nhiều đoạn trong Kinh tạng, cũng như một số
điều luật bị cho là xúc phạm đến
nữ giới hoặc khinh chê thậm tệ đến nữ giới, v.v... có thể được tìm
thấy rải rác trong cả hai hệ kinh điển của Nguyên Thủy và Ðại Thừa.
Trước khi kết thúc bài
trao đổi ngắn này với Phật tử, Thầy xác nhận lại, nhiều kinh điển
được ghi lại trong Tam Tạng cho thấy đức Phật quả là con người siêu
việt, đã nâng cao phụ nữ đúng với khả năng đích thực của họ. Xin
giới thiệu ba bài khảo cứu được viết và dịch rất có giá trị: Quan niệm của
Đạo Phật về chủ nghĩa bình đẳng của Tiến sĩ
L. P. N. Perena được Sư cô Thích Nữ Hằng
Liên dịch sang Việt ngữ; Địa vị người
phụ nữ trong giáo lý Đức Phật - Luận văn tốt
nghiệp của Sư cô Thích Nữ Huệ Hướng; Tự Do, Bình Ðẳng, Tình Huynh Ðệ của HT. P.A. Payutto, một cao tăng Phật giáo Thái
Lan đương đại, được Mỹ Thanh dịch sang Việt ngữ.
Chúc Phật
tử Trinh Nguyên sau khi đọc xong các bài nghiên cứu uyên bác trên thâu hái
được nhiều kiến thức mới lạ; và trên hết cầu chúc Phật tử thân
an tâm lạc, gặp nhiều thắng duyên trong cuộc sống và tu học.
http://www.buddhismtoday.com/viet/hopthu/khinhphunu.htm