- Ý Nghĩa Của Nội Dung
Nay nên nói tổng quát về ý nghĩa
nội dung của sách này, tức của 9 tiểu phẩm.
Một, kinh Di giáo nói Phật diệt độ
rồi thì Giới là Thầy; Giới ấy là pháp thân còn mãi của Phật; và
hành trì thì phải "bất phóng dật": đó là giáo huấn tối hậu của
Phật. Hai, kinh Bát đại nhân giác thì luận Phân biệt công đức nói
"bát đại nhân niệm" (Chính 25/51); tôi chắc 8 điều giác ngộ
kinh này nói, vốn được tuyển tập như trường hợp kinh Pháp cú: sự
quan trọng của 8 điều ấy là ở đó. Ba, văn Khuyến phát bồ đề tâm
nói về chí nguyện của người xuất gia, mà quan trọng nhất là chí nguyện
làm cho Phật pháp tồn tại. Bốn, Phát bồ đề tâm, giảng giải thật
rõ, theo luận học, về sự phát bồ đề tâm. Năm, văn Cảnh sách thì nổi
bật nhất khi nói "người xuất
gia là cất bước thì muốn vượt
tới phương trời cao rộng, tâm tính và hình dung khác hẳn thế tục";
"trong lòng tự kỳ hẹn cho mình phải làm trụ cột cho Phật pháp, làm
gương mẫu cho tương lai"; "cưỡng lại mà tự làm chủ tể, đừng
thí thân theo tánh tình con người của mình". Sáu, Tỳ ni thì nguyện
"nghịch lưu", chính nơi đời sống này mà diệu hóa nó ra, và căn
bản là phải biết 5 đức tính "một là phát tâm xuất gia, vì cảm bội
Phật pháp; hai là hủy bỏ hình đẹp, vì thích ứng pháp y; ba là cát ái từ
thân, vì không còn thân sơ; bốn là không kể thân mạng, vì tôn sùng Phật
pháp; năm là chí cầu đại thừa, vì hóa độ mọi người. Trên đây là
ý nghĩa nội dung của 6 tiểu phẩm thuộc loại "phù trì của Sa di giới
và Sa di ni giới".
Bảy, Sa di luật nghi thì nói về 10
giới luật và 24 uy nghi cho Sa di. Tám, Sa di ni luật nghi thì nói về 10 giới
luật và 22 uy nghi cho Sa di ni. Chín, Sa di luật nghi lục yếu cũng nói về
giới luật và uy nghi cho Sa di và Sa di ni. Nhân tiểu phẩm
này, cũng nên biết danh từ Sa di
mà xưa nay dùng, tôi cũng dùng, hầu hết vốn chỉ cho cấp bậc Sa di, tức
gồm cả Sa di và Sa di ni. Và trên đây là nội dung ý nghĩa của 3 tiểu phẩm
thuộc loại "chủ yếu của Sa di giới và Sa di ni giới".
Mục Đích Nội
Dung Ấy
Mục đích chính yếu, và có thể
nói là duy nhất của Sa di giới và Sa di ni giới là để trở thành Tỷ
kheo hay Tỷ kheo ni. Giới pháp cấp bậc Sa di đòi hỏi cấp bậc này về
làm thì làm đúng phần Sa di, mà còn làm theo Tỷ kheo trong một số việc cần
tập trước; về biết cũng vậy, phải biết đúng phần Sa di mà còn phải
biết một số điều cần biết trước về Tỷ kheo. Sa di đối với Tỷ
kheo như vậy, thì Sa di ni đối với Tỷ kheo ni, dầu còn cách cấp bậc Thức
xoa, cũng vẫn phải như vậy. Vì phải là Tỷ kheo hay Tỷ kheo ni mới là Tăng
số, là Tăng bảo trong Tam bảo, và người xuất gia, cuối cùng, phải đứng
vào Tăng số ấy.
Nhưng trách nhiệm của ai quan trọng
nhất trong mục đích nói trên? Ai là người có trách nhiệm làm cho cấp bậc
Sa di trở thành cấp bậc Tỷ kheo? Người đó chính là vị Thầy. Giới luật
không cho ai chưa thọ đại giới mà được coi đến đại giới. Như vậy
làm sao cho cấp bậc Sa di có đủ tư cách thọ đại giới, làm sao bảo đảm
họ có tư cách ấy, thì đó là nhiệm vụ của vị Thầy. Khi chung thẩm về
tư cách này thì chính vị thầy làm với sự cộng tác bởi 10 vị Tỷ kheo
là ít nhất. Việc tự bảo đảm có tư cách thọ đại giới hay chưa, hay
không, thì bản thân cấp bậc Sa di không thể tự làm mà được tín nhiệm
và chấp thuận. Vị thầy quan trọng như vậy nên Ngủ phần luật nói,
"Thầy thương trò như con, trò trọng thầy như cha, siêng năng dạy bảo
thì có thể làm cho Phật pháp rộng ra và còn mãi" (Chính 22/110).
Tài Liệu Và Mục
Lục
Tài liệu được sử dụng trong sách
này khá nhiều, và được ghi rõ nơi mấy trang đầu tiên của các bản dịch
giải mỗi tiểu phẩm. Nên ở đây không cần kê lại. Ở đây chỉ kê 3
tài liệu sử dụng nhiều nhất và 1 tài liệu sử dụng ít thôi, nhưng có
ký hiệu cần biết trước, đó là.
Đại tạng kinh bản Đại chính
tân tu. Ký hiệu là Chính, thí dụ Chính 1/100, là Đại tạng ấy, tập 1,
trang 100. Mỗi trang có 3 khoảng trên giữa dưới, nhưng sách này không ghi
rõ khoảng ấy và dòngchữ.
Tục tạng kinh bản chữ Vạn. Ký
hiệu là Vạn, thí dụ Vạn 1/100 là Tục tạng ấy, tập 1 tờ 100. Mỗi tờ
có 2 mặt a và b, mỗi mặt có 2 khoảng trên dưới, nhưng sách này cũng không
ghi rõ những chi tiết ấy.
Phật học đại từ điển của
Đinh Phước Bảo. Ký hiệu là Bảo, thí dụ Bảo 100, là đại từ điển
ấy, trang 100. Mỗi trang có 3 khoảng trên giữa dưới, và dĩ nhiên có từ.
Nhưng sách này cũng không ghi những chi tiết ấy.
Phật học nghiên cứu thập bát
thiên, của Lương Khải Siêu. Sách có 18 bài. Ký hiệu là Siêu 1/10, tức
sách ấy, bài 1 trang 10. Nay nói đến mục lục. Đáng lẽ mục lục phải
làm đủ chi tiết. Nhưng mục lục đầu 2 tập của sách này chỉ ghi tên 9
tiểu phẩm. Còn mục chi tiết thì ghi thành trang đầu tiên khi dịch giải
mỗi tiểu phẩm.
Thần Chú Để
Giữ Giới
Muốn giữ giới, bất cứ giới phẩm
nào, Luật tạng dạy phải "thiểu dục tri túc", ít ham muốn, biết
vừa đủ ; lại dạy thêm 1 hạnh nữa là "tàm quí", tự hổ thẹn,
hổ thẹn người. Nay tôi xin trích 4 câu sau đây, và gọi đó là "thần
chú giữ giới" - trích trong Chính 24/951:"đi như Phật đi, đứng
như Phật đứng, nhìn như Phật nhìn, nói như Phật nói".
Trí Quang
Phần Kính Phụng
Di Giáo
Nhất tâm đảnh lễ Bổn sư Thích
ca mâu ni phật, cùng Phật bảo khắp cả pháp giới. Nhất tâm đảnh lễ
kinh Giáo huấn vắn tắt của Phật lúc sắp niết bàn, cùng Pháp bảo khắp
cả pháp giới. Nhất tâm đảnh lễ đại chúng Tỷ kheo trong đêm Phật sắp
niết bàn, cùng Tăng bảo khắp cả pháp giới.
- Kính lạy đức Thế tôn,
- biển công đức vô thượng,
- thương xót độ chúng sinh,
- nên con xin qui mạng.
- Pháp tạng sâu và sạch,
- tăng tiến cho hành giả
- bằng pháp thế xuất thế,
- con xin lạy tất cả.
- Nay con nguyện thọ trì
- Pháp tạng ấy của Phật,
- để biết đạo phương tiện
- của Bồ tát tu tập.
- Biết đạo phương tiện ấy
- thì Phật pháp trường tồn,
- diệt trừ lỗi phàm thánh,
- thành tựu lợi tự tha.
Nam mô Bổn sư Thích ca mâu ni Phật.
Kinh Giáo huấn vắn tắt của Phật
lúc sắp niết bàn (cũng gọi là kinh Giáo huấn để lại củaPhật)
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chuyển
đẩy bánh xe chánh pháp lần đầu tiên hóa độ tôn giả Kiều trần như,
thuyết pháp lần cuối cùng hóa độ tôn giả Tu bạt đàla. Những người
có thể hóa độ, Ngài đã hóa độ tất cả. Hôm nay, trong rừng Sa la, giữa
cây song thọ, Ngài sắp niết bàn. Bấy giờ là lúc giữa đêm, hoàn toàn
yên lặng, không một tiếng động, Ngài đãvì các đệ tử mà nói tóm tắt
những điều cốt yếu của chánh pháp.
Các thầy Tỷ kheo, sau khi Như lai diệt
độ, các thầy phải trân trọng tôn kính tịnh giới, như mù tối mà được
mắt sáng, nghèo nàn mà được vàng ngọc. Phải biết tịnh giới là đức
thầy cao cả của các thầy. Nếu Như lai ở đời thì cũng không khác gì tịnh
giới ấy.
Giữ tịnh giới thì các thầy
không được buôn, bán, đổi chác, sắm sửa đất nhà, nuôi người, tôi tớ
và súc vật, lo việc gieo trồng, kinh doanh tài bảo. Tất cả việc này,
hãy tránh như tránh hố lửa. Kể cả việc chặt phá cỏ cây và đào cuốc
đất đai. Những việc chế thuốc thang, coi bói tướng, coi thiên văn, đoán
thời tiết, tính lịch số, đều không thích hợp với các thầy. Các thầy
hãy tiết chế cơ thể, ăn đúng thì giờ, sống bằng cách sống trong sạch,
không được tham dự thế sự, lãnh sứ mạng liên lạc. Chú thuật, thuốc
tiên, giao hảo quyền quí, và thân thiết với họ, rồi hèn hạ, ngạo mạn,
tất cả đều không được làm. Phải tự đoan tâm, chánh niệm cầu độ.
Không được che giấu lầm lỗi, tỏ ra kỳ dị để mê hoặc quần chúng.
Đối với bốn sự hiến cúng thì phải biết tự lượng và biết vừa đủ.
Hễ được hiến cúng thì không nên tích trữ.
Đó là Như lai nói tóm tắt về sự
giữ giới. Giới thì chính thuận với căn bản của sự giải thoát, nên
Như lai mệnh danh Ba la đề mộc xoa. Nhờ giới mà phát sinh thiền định, và
trí tuệ có năng lực hủy diệt thống khổ.
Thế nên, các thầy Tỷ kheo, hãy giữ
tịnh giới, đừng cho vi phạm, thiếu sót. Ai giữ tịnh giới thì người
đó có thiện pháp. Không có tịnh giới thì mọi thứ công đức không thể
phát sinh. Do đó mà biết tịnh giới là chỗ yên ổn nhất, làm nơi trú
ẩn cho mọi thứ công đức.
Các thầy Tỷ kheo, đã ở trong tịnh
giới thì phải chế ngự năm thứ giác quan, không cho phóng túng vào trong năm
thứ dục lạc. Như kẻ chăn trâu, cầm gậy mà coi giữ, không cho phóng
túng, phạm vào lúa má của người. Phóng túng năm thứ giác quan, thì
không những chỉ có năm thứ dục lạc, mà có thể sẽ không còn giới hạn
nào nữa, không thể cấm chế. Như con ngựa hung hãn mà không được chế
ngự bằng giây cương, thì sẽ mang người lao xuống hầm hố. Giặc cướp
làm hại, khổ chỉ một đời, còn giặc giác quan họa đến nhiều kiếp:
tai hại rất nặng, các thầy không thể không cẩn thận. Thế nên người
có trí thì chế ngự mà không theo, giữ như giữ giặc, không cho phóng
túng. Giả sử phóng túng năm thứ giác quan, thì cũng không bao lâu ta sẽ
thấy chúng tàn diệt tất cả.
Các thầy Tỷ kheo, năm thứ giác
quan do tâm chủ động, vì vậy mà các thầy lại phải thận trọng chế ngự
tâm mình. Tâm còn đáng sợ hơn cả rắn độc, thú dữ, giặc thù, lửa dữ
bùng cháy lan tràn cũng chưa đủ để ví dụ cho tâm. Như một kẻ tay bưng
bát mật mà chuyển động chạy nhảy, chỉ thấy bát mật chứ không thấy
hố sâu, như thế không khác gì voi điên mà không có móc sắt, vượn khỉ
mà được cây rừng, thì sẽ hung hăng nhảy vọt, khó mà ngăn cản; các thầy
phải cấp tốc tỏa chiết, đừng cho phóng túng. Phóng túng tâm ra thì làm
tan nát việc thiện của người. Chế ngự tâm lại một chỗ thì không việc
gì không thành. Thế nên, các thầy Tỷ kheo, hãy nỗ lực tinh tiến mà chiết
phục tâm mình.
Các thầy Tỷ kheo, thọ dụng đồ
ăn thức uống, hãy coi như việc uống thuốc, ngon không ham, dở không bỏ,
vừa đủ duy trì cơ thể cho khỏi đói khát. Như ong lấy hoa, chỉ lấy mùi
vị mà không tổn thương hương sắc, người xuất gia cũng vậy. Thọ dụng
cúng phẩm của người vừa khỏi đói khát thì thôi, không được ham cầu
cho nhiều, phá vỡ thiện niệm của họ. Hãy bắt chước kẻ khôn ngoan, biết
lượng sức lực con trâu của mình chịu đựng nhiều ít, không dùng quá sức
đến nỗi kiệt lực.
Các thầy Tỷ kheo, ban ngày thì nỗ
lực thực tập thiện pháp, không để thì giờ lướt mất, đầu đêm cuối
đêm cũng đừng phế bỏ, giữa đêm lại phải tụng niệm để tự tiêu
trừ điều ác, sinh trưởng điều thiện. Đừng vì lý do ngủ nghỉ mà để
đời mình trôi đi, không được một chút ích lợi. Hãy nhớ ngọn lửa
vô thường đốt cháy thế gian, để sớm cầu tự độ, đừng ham ngủ nghỉ.
Giặc phiền não thường rình giết ta, dữ hơn kẻ thù, tại sao ta có thể
ngủ nghỉ mà không tự cảnh giác? Phiền não ngủ trong tâm, cũng như rắn
hổ mang màu đen nằm ngủ trong nhà, các thầy phải dùng móc sắt giữ giới
mà cấp tốc móc kéo nó ra. Rắn ngủ ra rồi mới nên yên tâm ngủ nghỉ.
Không ra mà ngủ thì thật là kẻ không biết hổ thẹn.- Sự hổ thẹn là
phục sức đẹp nhất trong mọi thứ phục sức. Như cái móc sắt, sự hổ
thẹn có năng lực chế ngự mọi thứ phi pháp của con người. Thế nên,
các thầy Tỷ kheo, hãy luôn luôn biết hổ thẹn, sỉ nhục, đừng bao giờ,
dầu chỉ tạm thời mà thôi, được phép quên mất đức tính ấy. Mất hổ
thẹn là mất công đức. Có hổ thẹn là có thiện pháp, không hổ thẹn
thì không khác gì cầm thú.
Các thầy Tỷ kheo, nếu ai cắt xả
thân thể các thầy ra từng đốt, các thầy cũng phải tự kềm chế tâm
mình, đừng cho giận dữ. Lại phải giữ lấy miệng lưỡi, đừng để phát
ra lời tiếng không tốt. Tâm giận dữ nổi lên là tự hại đạo nghiệp,
hư mất công đức. Đức tính của Nhẫn, giữ giới và khổ hạnh không thể
sánh bằng. Thực hành đức Nhẫn mới được mệnh danh là bậc thượng nhân
có sức mạnh. Kẻ nào không thể tiếp nhận cái độc nhục mạ một cách
hoan hỷ như uống nước cam lộ, kẻ ấy không thể được ca tụng là người
nhập đạo có trí. Tại sao, vì giận dữ thì phá hủy hết thảy thiện
pháp và danh tiếng đáng quí, hiện tại vị lai không ai muốn nhìn. Sự giận
dữ hơn cả ngọn lửa ác liệt, vì thế mà các thầy phải đề phòng một
cách thường trực, đừng cho xâm nhập tâm trí. Giặc cướp công đức không
chi hơn giận dữ. Thế gian hưởng thụ dục lạc, không phải là kẻ hành
đạo, không có phương pháp để tự khống chế, thế nên giận dữ thì
còn có thể tha thứ được. Còn người xuất gia hành đạo là kẻ loại bỏ
dục vọng, vậy mà giận dữ thì thật bất đáng ; không khác gì giữa bầu
trời mây trong mát mà sấm sét lóe lửa là điều không thích hợp.
Các thầy Tỷ kheo, hãy tự xoa đầu
mình, đã bỏ sự trang sức và đồ tốt đẹp, mình mặc áo hoại sắc,
tay cầm đồ thích ứng, khất thực để sống; tự thấy như vậy mà kiêu
ngạo còn nổi lên, thì phải cấp tốc tỏa chiết. Tăng thêm kiêu ngạo
là điều mà thế nhân còn không nên có, huống chi người xuất gia nhập
đạo là kẻ vì giải thoát, tự giáng mình xuống mà đi khất thực?
Các thầy Tỷ kheo, tâm lý dua nịnh
quanh co trái ngược đạo pháp, thế nên các thầy phải chất trực tâm
mình. Phải ý thức dua nịnh quanh co chỉ để dối trá, mà người nhập đạo
thì không thể như vậy. Vì thế mà các thầy cần phải ngay thẳng tâm
mình, lấy đức tính chất trực làm căn bản.
Các thầy Tỷ kheo, phải biết kẻ
ham muốn nhiều, thì vì nhiều sự cầu lợi nên khổ não cũng nhiều. Còn
ít ham muốn thì không cầu hồ, không dục vọng, nên không có cái họa đó.
Chỉ có như thế mà thôi, sự ít ham muốn cũng đã phải thực tập, huống
chi sự ấy còn đem lại đủ các công đức. Người ít ham muốn thì không
dua nịnh quanh co để cầu được lòng người, cũng không bị các giác quan
lôi kéo. Thực hành đức tính ít ham muốn thì lòng bình thản, không lo sợ,
gặp cảnh ngộ nào cũng thấy thừa thải, không bao giờ có cảm giác thiếu
thốn. Có ít ham muốn là có niết bàn. Đó là hạnh ít ham muốn.
Các thầy Tỷ kheo, muốn giải
thoát khổ não thì các thầy hãy cứu xét sự biết vừa đủ. Chính sự biết
vừa đủ là giàu sang, vui thú và yên ổn. Biết vừa đủ thì nằm trên đất
cũng thấy vui thích, không biết vừa đủ thì ở thiên đường cũng vẫn bất
mãn. Không biết vừa đủ thì giàu mà nghèo, biết vừa đủ thì nghèo mà
giàu. Không biết vừa đủ thì luôn luôn bị cả năm thứ dục lạc lôi
kéo, làm cho người biết vừa đủ phải xót thương. Đó là hạnh biết vừa
đủ.
Các thầy Tỷ kheo, muốn cầu yên tĩnh,
vô vi và an lạc, thì các thầy hãy thoát ly mọi sự ồn ào và bối rối,
ở đơn độc và ở một cách thư thái. Người ở yên tĩnh thì chúa trời
Đế thích và chư thiên đều tôn kính. Vì thế mà các thầy hãy thoát ly
đồ chúng của mình, và đồ chúng của người, ở đơn độc, thư thái
và thanh vắng, dùng "tư duy tu" mà cắt đứt gốc rễ đau khổ. Nếu
thích đồ chúng thì sẽ bị đồ chúng quấy phá, như cây đại thọ mà cả
bầy chim chóc tập hợp lại thì vẫn bị cái họa khô gãy. Thế gian ràng
buộc mà chìm ngập thống khổ, thì cũng không khác gì voi già mà sa xuống
bùn lầy, hết mong thoát khỏi. Đó là hạnh siêu thoát.
Các thầy Tỷ kheo, nỗ lực tinh tiến
thì không có việc gì khó khăn. Thế nên các thầy phải thực hành sự nỗ
lực tinh tiến. Nước nhỏ mà chảy mãi thì có thể xuyên thủng cả đá.
Nếu người hành đạo mà hay biếng nhác phế bỏ, thì cũng như kéo lửa
chưa nóng mà đã ngừng, dầu thiết tha có lửa, lửa cũng khó mà có được.
Đó là hạnh tinh tiến.
Các thầy Tỷ kheo, cầu thiện tri
thức, cầu thiện hộ trì và cầu thiện hỗ trợ, đều không bằng không
quên chánh niệm. Không quên chánh niệm thì giặc phiền não hết cách xâm
nhập tâm trí. Thế nên các thầy hãy luôn luôn tập trung chánh niệm lại
nơi tâm trí. Mất chánh niệm là mất công đức. Nếu chánh niệm có sức
lực vững mạnh, thì dẫu phải vào trong đám giặc ngũ dục, cũng không bị
chúng sát hại; tựa như tướng sĩ lâm trận mà mặc áo giáp lát đồng,
thì không còn sợ hãi gì nữa. Đó là hạnh không quên chánh niệm.
Các thầy Tỷ kheo, tập trung tâm lại
thì tâm sẽ ở trong thiền định. Tâm ở trong thiền định thì có thể thấu
triệt trạng thái chuyển biến của vũ trụ. Vì thế mà các thầy phải
luôn luôn tinh tiến, nỗ lực thực tập thiền định. Thiền định được
thì tâm hết tán loạn. Tiếc nước thì phải đắp đê sửa bờ cho khéo,
hành giả cũng vậy, hãy vì nước trí tuệ mà thực tập thiền định để
giữ cho nó khỏi chảy mất. Đó là hạnh thiền định.
Các thầy Tỷ kheo, có trí tuệ thì
hết đam mê, luôn luôn tự thức tỉnh và tự dò xét, không để lầm lỗi
có thể có được, như thế là trong chánh pháp của Như lai, người ấy có
khả năng thực hiện giải thoát. Không như thế thì đã không phải xuất
gia, lại không phải thế tục, không còn biết gọi là gì. Trí tuệ chân
thật là chiếc thuyền chắc nhất vượt biển sinh lão bịnh tử, là ngọn
đèn sáng nhất đối với hắc ám vô minh, là thần dược cho mọi kẻ bịnh
tật, là búa sắc chặt cây phiền não. Vì thế mà các thầy hãy dùng cái
tuệ văn tư tu chứng để tự tăng tiến ích lợi. Có trí tuệ soi chiếu,
thì dẫu mắt thịt, cũng vẫn là kẻ thấy rõ nhất. Đó là hạnh trí tuệ.
Các thầy Tỷ kheo, nếu hý luận đủ
thứ thì tâm trí rối loạn. Như vậy, tuy đã xuất gia mà chưa được siêu
thoát. Thế nên, các thầy Tỷ kheo, hãy từ bỏ tức khắc sự hý luận rối
loạn tâm trí. Các thầy muốn thực hiện cái vui tịch diệt, thì chỉ có
cách cấp tốc diệt trừ cái họa hý luận. Đó là hạnh không hý luận.
Các thầy Tỷ kheo, đối với mọi
thứ công đức, các thầy hãy thường xuyên nhất tâm tu tập, tránh sự
phóng dật như tránh giặc thù. Thể hiện lòng đại bi, Như lai đã nói
chánh pháp ích lợi một cách cứu cánh. Các thầy chỉ còn nỗ lực mà thực
hành. Hoặc trong rừng núi, hoặc cạnh đầm vắng, hoặc dưới đại thọ,
các thầy hãy ở một cách thư thái, trong tịnh thất nhỏ, nhớ và chiêm
nghiệm chánh pháp đã tiếp nhận, đừng để quên mất. Hãy tự cố gắng
một cách thường trực, tinh tiến mà tu tập, đừng để đời mình sẽ chết
đi một cách vô ích, vàsau này sẽ phải lo sợ hối hận. Như lai như vị
lương y, biết bịnh mà chỉ thuốc, còn uống hay không, không phải lỗi của
lương y. Lại như người dẫn đường rất tốt,chỉ dẫn đường tốt cho
người, nhưng nghe rồi mà không đi, thì không phải lỗi của người dẫn
đường.
Các thầy Tỷ kheo, đối với bốn
chân lý, các thầy còn hoài nghi chỗ nào thì có thể chất vấn tức khắc,
không được giữ sự hoài nghi mà không cầu giải đáp. Thế tôn nói lên
ba lần như vậy, nhưng không ai chất vấn. Vì lẽ chư Tăng không có ai còn
hoài nghi gì nữa. Bấy giờ tôn giả A nâu lâu đà quán sát tâm trí chư
Tăng, rồi thưa với Ngài, bạch đức Thế tôn, mặt trăng có thể làm cho
nóng lên, mặt trời có thể làm cho lạnh đi, nhưng bốn chân lý mà đức
Thế tôn đã dạy thì không thể làm cho khác đi được. Ngài dạy khổ
thì thật là khổ, không thể làm cho vui lên; tập là nguyên nhân của khổ,
thì không còn có nguyên nhân nào khác nữa; diệt là khổ diệt vì nguyên
nhân đã diệt, mà nguyên nhân diệt thì kết quả cũng diệt ; đạo là phương
pháp diệt khổ nên thật là đạo, không có đạo nào khác hơn. Bạch đức
Thế tôn, đối với bốn chân lý,các vị Tỷ kheo đây đã quyết định,
không còn hoài nghi gì nữa.
Chư Tăng lúc ấy, những người tu
học chưa hoàn tất, thì thấy Phật diệt độ hãy còn bi cảm. Những người
mới vào chánh pháp, nghe Phật nói liền được hóa độ, như trong đêm tối
mà điện chớp sáng là thấy ngay đường đi. Còn những người tu học đã
hoàn tất, đã vượt qua biển khổ, thì chỉ nghĩ rằng, đức Thế tôn diệt
độ sao mà mau chóng như vậy.
Do đó, tôn giả A nâu lâu đà tuy
đã bạch Phật, rằng chư Tăng ai cũng thấu triệt bốn chân lý, nhưng đức
Thế tôn muốn làm cho tất cả đều được kiên định, nên vẫn đem tâm
đại bi mà huấn dụ thêm nữa. Các thầy Tỷ kheo, không nên buồn rầu ; nếu
Như lai ở đời lâu đến một đại kiếp đi nữa, thì sự kết hợp nào
rồi cũng phải tan rã. Kết hợp mà không tan rã là điều không thể có
được. Chánh pháp tự lợi lợi tha đã có đầy đủ. Như lai sống cho lâu
cũng không còn ích lợi gì nữa. Ai có khả năng tiếp nhận hóa độ, thì
ở trên chư thiên hay ở trong nhân loại, Như lai đã hóa độ tất cả. Ai
chưa thể tiếp nhận hóa độ, thì Như lai cũng đã tạo yếu tố hóa độ
cho họ. Từ nay về sau, đệ tử của Như lai hãy triển chuyển thực hành.
Như thế là pháp thân của Như lai thường trú bất diệt.
Thế nên, các thầy Tỷ kheo, phải
ý thức toàn bộ cuộc đời là chuyển biến vô thường, có kết hợp thì
có tan rã, đừng lo buồn gì cả. Ngược lại, cuộc đời như thế thì
các thầy phải nỗ lực tinh tiến để sớm cầu tự độ, đem ánh sáng
trí tuệ diệt trừ hắc ám vô minh. Vũ trụ quả thật mong manh, không một
thứ chi bền bỉ. Như lai được diệt độ thì cũng như trừ được cơn bịnh
khủng khiếp. Đây là vật tội ác và đáng bỏ,giả hiệu là thân thể
mà lại chìm ngập trong biển cả già bịnh sống chết, như thế người có
trí tuệai lại không hoan hỷ khi trừ bỏđược thân này như trừ bỏ kẻ
thù?
Các thầy Tỷ kheo, hãy thường nhất
tâm, nỗ lực cần cầu tuệ giác giải thoát. Toàn thể vũ trụ, dầu pháp
biến động hay pháp bất động, đều là trạng thái bất an và tan rã.
Thôi, các thầy hãy yên lặng, không nên nói nữa. Thì giờ sắp hết, Như
lai muốn diệt độ. Trên đây là những lời giáo huấn tối hậu của Như
lai.
Nam mô Bổn sư Thích ca mâu ni phật.
- Đệ tử chúng con
- kính tụng di giáo
- của đức Thế tôn
- lúc sắp niết bàn.
- Kinh Di giáo này
- là pháp tối thượng
- trong những khả năng
- duy trì Phật pháp.
- Đệ tử chúng con
- nhờ phước quá khứ
- mới được xuất gia
- và tụng kinh này.
- Nguyện cầu chúng con
- giới hạnh an toàn,
- lại cầu chư Tăng
- giới pháp thanh tịnh.
- Làm cho Phật pháp
- tồn tại lâu dài,
- tự lợi lợi tha,
- chứng pháp tối thượng.
Nhất tâm đảnh lễ Bổn sư Thích
ca mâu ni phật, cùng Phật bảo khắp cả pháp giới. Nhất tâm đảnh lễ
kinh Giáo huấn vắn tắt của Phật lúc sắp niết bàn, cùng Pháp bảo khắp
cả pháp giới. Nhất tâm đảnh lễ đại chúng Tỷ kheo trong đêm Phật sắp
niết bàn, cùng Tăng bảo khắp cả pháp giới.
Chân
thành cảm ơn quý cư sĩ Nguyễn Văn Củng, Đoàn Viết Hiệp và Nguyễn Anh
Tuấn đã phát tâm chuyển tác phẩm này từ dạng Help File, VPS font sang dạng
Word, VNI font. Thích Nhật Từ 3-5-2000