Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .

Khởi động chương trình tưởng niệm vua Trần Nhân Tông

Bích Ngọc

Sáng nay, tại Quảng Ninh, Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày mất của Phật hoàng Trần Nhân Tông chính thức khởi động bằng các hoạt động: dâng hương, khai mạc triển lãm thư pháp, diễu hành xe hoa, trai đàn cầu siêu...
 

Sau 700 năm, những lời khuyên răn con người trần thế, tư tưởng về khoan thứ, hòa hợp dân tộc của Phật hoàng Trần Nhân Tông tiếp tục được các nhà khoa học, Phật học đánh giá là tiến bộ, khoa học.

Đạo pháp phụng sự dân tộc

Nói về những tiến bộ trong tư tưởng của vua Trần Nhân Tông, Thượng tọa Thích Thông Phương, Trụ trì chùa Lân, Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Quảng Ninh nói: "Đạo trị nước với những giá trị nhân văn thân dân, khoan thứ và đề cao con người, đoàn kết triều đình, nhân dân. Tư tưởng này thể hiện ở tinh thần tuỳ duyên vô ngã, vị tha của vua Trần Nhân Tông.


Trong tác phẩm Trúc Lâm vấn đáp có đoạn viết: "Chiến đấu không phải do lòng căm thù, mà xuất phát từ lợi ích và lòng từ bi đối với nhân loại, thuận theo dòng đời, đúng như lời Quốc sư Phù Vân nói: Phàm làm đấng quân nhân thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình và tâm của thiên hạ làm tâm của mình”.

Quan điểm này được chứng minh qua hai cuộc chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược, hàng loạt tù binh đã được ngài trao trả. Người có công được thưởng, có tội bị trừng phạt. Sau chiến tranh, vua Trần còn sai đốt cả những giấy tờ chứng cứ nhân vật tiếp tay hay đầu hàng giặc để tạo sự yên ổn, xóa tan những mặc cảm đời thường vì ham sống sợ chết. Ông còn gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân của Chiêm Thành, tạo mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, mở mang bờ cõi.

 

 Sẽ có khoảng 40.000 người về dự Đại lễ tại Yên tử, Quảng Ninh. Ảnh: Đức Long

Hòa thượng Thích Hải Ân, Giám đốc Trung tâm Phật học Liễu Quán, Huế, cho biết: “Điểm nổi bật trong tư tưởng “Hòa quang đồng trần” của Phật hoàng Trần Nhân Tông thể hiện trong việc dùng đạo Phật trong chính trị để phụng sự dân tộc, nhằm xây dựng đất nước hòa bình và hạnh phúc; biến cõi thế gian thành tịnh độ”. Ở triều đại Trần Nhân Tông, Phật giáo được phát huy một cách toàn diện và trở thành Quốc giáo. Ngài thống nhất các thiền phái phật giáo như: Tỳ- ni-đa-lưu- chi, Lâm Tế, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường thành một phái thiền Trúc Lâm Yên Tử. Việc làm này đã tạo được sức mạnh đoàn kết trong hàng ngũ đồng bào Tăng ni, Phật tử, gây dựng được ý thức dân tộc.

Trong Cư trần lạc đạo phú, Phật hoàng Trần Nhân Tông viết: “Sạch giới lòng, dồi giới tướng, nội ngoại nên Bồ Tát trang nghiêm; Ngay thờ vua, thảo thờ cha, thế mới thật trượng phu trung hiếu”. Hòa thượng Thích Hải Ân cho rằng: "Chưa nói đến thành Phật - Thánh, nhưng nếu có bất kỳ ai làm theo những điều khuyên ấy đều là người có ích cho mình và mọi người. Nếu xã hội thực hiện lời khuyên ấy thì xã hội ổn định và phát triển".

Tư tưởng tiến bộ, khoa học

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do vua Trần Nhân Tông sáng lập hoàn toàn tiến bộ. “Tịnh độ là lòng sạch; chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương; Vậy mới hay! Bụt ở trong nhà, chẳng phải tìm xa…”. “Ở đời vui đạo, hãy tùy duyên. Đói cứ ăn, đi mệt ngủ liền. Trong nhà có báu thôi tìm kiếm. Đối cảnh vô tâm, hỏi chi Thiền” (Cư trần lạc đạo phú). Quan điểm sống ở nơi trần thế mà tìm ra cái vui của Bụt, tâm thế an nhàn, các nghiệp được thanh tịnh ngay giữa đời rối ren. Dạy cho con người ta biết cách đối mặt với thực tế, không huyễn hoặc, biết chấp nhận một cách nhẹ nhàng. “Điều này thể hiện sự tiến bộ, khoa học mà trước đó chưa có ai chỉ ra và dạy cách cho con người biết chấp nhận”, phó giáo sư Trần Thị Băng Thanh, Viện Văn học phân tích.

Theo ông Ngô Văn Quán, Ủy viên thường vụ Hiệp hội UNESCO Việt Nam, Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và ứng dụng Phật học Việt Nam, những tư tưởng tiến bộ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử không còn là sách vở, giáo điều, mà đã được ứng dụng vào thực tế. Trung tâm đã thành lập Câu lạc bộ Trần Nhân Tông tại một số địa phương trên cả nước, với nội dung hoạt động: giáo dục tư tưởng, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống, làm từ thiện, khuyến học và tư vấn bảo vệ sức khỏe nhân dân. Các thành viên của trung tâm vận dụng hạt nhân của giáo lý: Phật không phải ở đâu xa, không bí ẩn, diệu kỳ, mà ở chính trong tâm. Tâm thanh tịnh, trong sáng chính là chân Phật. Tức là giáo hóa cho nhân dân “tu tại tâm, rèn đức, phát huy trí tuệ” để thành người có ích cho xã hội.

Trong dịp Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày mất của Phật hoàng Trần Nhân Tông (25 - 27/11), những công đức, tư tưởng tiến bộ trên của ngài tiếp tục được hậu thế đề cao và thắp sáng. 

Đúc Bảo đỉnh vàng nặng 700 kg

Nhân kỷ niệm Đại lễ 700 năm, Tiến sĩ Phật học, Thượng Tọa Thích Thanh Quyết, Trưởng ban trị sự Phật giáo Quảng Ninh có ý tưởng đúc bảo đỉnh vàng (đỉnh báu) ghi dấu sự kiện này. Đỉnh sẽ được đúc theo mẫu dân tộc, nặng 700 kg, mặt ngoài dát vàng. Bảo đỉnh này được đặt trên bệ đá năm bậc cao 1,258 m (năm sinh của Trần Nhân Tông), rộng 2,008 m (đúc năm Mậu Tý). Đỉnh cao 1,308 m (năm mất), đường kính 0,750 m (tính đến nay ngài 750 tuổi). Bảo đỉnh vàng sẽ được hoàn thành trước ngày khai hội Yên Tử (sau Đại lễ 1 tháng).

 

 

Nguồn: http://www.baodatviet.vn

 

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/tintuc/khoidong.htm

 

 


Cập nhật: 05-12-2008

Trở về thư mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang