...... ... |
. |
. |
. |
. |
. |
- Địa vị người phụ nữ trong
giáo lý Đức Phật
- Thích Nữ Huệ Hướng
Chương II
Người Phụ
Nữ Trong Giáo Lý Đạo Phật
1. Phẩm hạnh người
phụ nữ được đề cao:
Đề cao phẩm hạnh của người phụ
nữ trong xã hội ngày nay là chuyện khá bình thường, nhưng nếu đem sự
việc đó trở lui về quá khứ đến xã hội Ấn Độ cách đây trên hai
ngàn năm trăm năm quả là điều nan thuyết. Thế mà đức Phật đã làm
điều khó làm; đã nói điều khó nói này trong thời điểm ấy. Ngài đã
giải phóng người phụ nữ khỏi những tư tưởng áp bức cố hữu, đã
nâng cao quy chế cho hàng phụ nữ và dắt dẫn nữ giới thực hiện địa
vị quan trọng của mình trong xã hội.
Như chúng ta đã biết, nữ giới trong xã hội Ấn Độ bấy
giờ được xem là không xứng đáng để hưởng bất luận điều gì cao hơn
hàng tôi tớ của chồng, của cha, hay của anh. Họ không bao giờ được sắp
ngang hàng với nam giới trong xã hội. Điều này dẫn đến một tư tưởng
thật cổ hủ: ‘Sinh con gái là một điều bất hạnh - còn hơn vậy nữa
- là một đại họa’. Quan kiến hẹp hòi này không phải chỉ có ở người
dân thường mà nó còn tồn tại trong cả hàng vua chúa.
Trái hẳn với trào lưu tư tưởng đó, Phật cho rằng nơi
người nữ vốn tiềm ẩn nhiều đức tính tốt như thông minh, nhẫn nhục,
ôn hòa, bao dung, độ lượng, ... Nên khi thấy vua Pasenadi nước Kosala muộn
phiền vì nghe tin báo hoàng hậu Mallika vừa hạ sinh công chúa, Phật liền
khuyên:
‘Này Nhân chủ, ở đời,
Có một số thiếu nữ,
Có thể tốt đẹp hơn,
So sánh với con trai,
Có trí tuệ, giới đức,
Khiến nhạc mẫu thán phục.
Rồi sinh được con trai,
Là anh hùng, quốc chủ,
Người con trai như vậy,
Của người vợ hiền đức,
Thật xứng đáng là Đạo sư,
Giáo giới cho toàn quốc’. (5)
Đức Phật đã chỉ cho quần chúng thấy rằng: người phụ
nữ là mẹ của đàn ông. Không ai xứng đáng cho ta kỉnh mộ tôn sùng bằng
mẹ của mình. Vì:
‘Mẹ hiền còn sống gọi là mặt trời giữa trưa chói
sáng
Mẹ hiền khuất bóng gọi là mặt trời đã lặn
Mẹ hiền còn sống gọi là mặt trăng sáng tỏ
Mẹ hiền khuất rồi gọi là đêm tối u ám’. (6)
Mẹ là mặt trời chói sáng, là mặt trăng dịu hiền. Với
biện pháp so sánh độc đáo giữa người mẹ với hai hình ảnh độc nhất
vô nhị phải chăng là cách tuyên dương đức hạnh cao quý của người phụ
nữ?
Như chúng ta biết, trong những lãnh vực hoạt động khác
nhau thì con người sẽ có những địa vị khác nhau. Như thế trong xã hội,
người đàn ông nắm giữ những địa vị then chốt thì trong gia đình, giềng
mối lại do người phụ nữ nắm giữ.
Bởi thế đức Phật thường dùng danh từ màtugàma có nghĩa
là ‘hạnh làm mẹ’, hay ‘xã hội những bà mẹ’ để tỏ ý kính trọng
khi nói về những phụ nữ lớn tuổi và danh từ Pàramàsakhà (những người
bạn tốt của chồng họ) để chỉ những phụ nữ đã kết hôn. Và chúng
ta sẽ bắt gặp rất nhiều hình ảnh cao quý của người phụ nữ nói
chung và người mẹ nói riêng trong giáo lý Phật giáo. Như ở Tăng chi bộ
kinh, đức Phật khuyên con cái phải kính trọng cha mẹ trong nhà, vì theo
Ngài ‘cha mẹ ngang bằng với Phạm Thiên’:
‘Phạm Thiên, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ
cha. Các Đạo sư thời xưa, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha.
Đáng được cúng dường, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Vì
cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỳ kheo, là cha mẹ đối với con cái,
nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng, giới thiệu chúng vào đời’. (7)
Và Ngài cũng dùng kệ để tán thán công đức mẹ cha:
‘Mẹ cha gọi là Phạm Thiên,
Bậc đạo sư thời trước,
Xứng đáng được cúng dường,
Vì thương đến con cháu,
Do vậy, bậc hiền triết,
Đảnh lễ và tôn trọng,
Dâng đồ ăn đồ uống,
Vải mặc và giường nằm,
Thoa bóp (cả thân mình)
Tắm rửa cả chân tay,
Với sở hành như vậy,
Đối với mẹ và cha,
Đời này người hiền khen,
Đời sau hưởng thiên lạc’
(8)
Rõ ràng, tuy đề cập đến cha lẫn mẹ, nhưng ở đây
chúng ta cũng ghi nhận được tinh thần tôn trọng và kính nể hàng nữ lưu
trong giáo lý Phật giáo. Là mẹ, người phụ nữ được hưởng danh dự xứng
đáng trong Phật giáo. Bà mẹ được xem là cây thang thích nghi để con cái
nương theo đó mà ‘đời sau hưởng Thiên lạc’ và ‘tạo nên nhiều phước
đức’:
‘Do chánh hạnh đối với hai (hạng người), bậc hiền trí
... tạo nên nhiều phước đức. Đối với hai hạng người nào? Với mẹ
và với cha. Do chánh hạnh đối với hai (hạng người) này, bậc hiền trí
... tạo nên nhiều phước đức’. (9)
Với những lời thuyết giáo chơn chánh, đức Phật đã ghi
sâu vào tâm não của dân chúng thời bấy giờ nhu cầu phải kính nể và
tôn trọng phái nữ. Ngài dạy người nam nên xem người nữ như chị, như
em gái và hết lòng bảo vệ họ, nên đối xử hiền hòa, dịu dàng với vợ,
xem vợ là ngang hàng với mình, và cho con gái những cơ hội thăng tiến giống
như con trai.
Ngài chưa từng khinh rẻ và xem nữ giới là những ‘ngọn
đuốc soi sáng con đường dẫn xuống địa ngục’ (Naraka màrgadvàrasya
dìpikà) như Hemacondra, nhà văn hào Ấn. Thực ra, đức Phật tôn trọng,
không xem rẻ phẩm giá người nữ không có nghĩa là Ngài không ghi nhận bẩm
chất yếu đuối của họ.
Theo Ngài, tất cả tánh thiện, ác; tốt, xấu ... đều có
cả trong hai giới, nam và nữ. Do vậy trong giáo huấn, Ngài đặt mỗi giới
vào đúng vị trí của họ. Nam hay nữ không còn là trở ngại cho việc
thanh lọc thân tâm hay phục vụ độ tha. Đấy cũng chính là tinh thần
bình đẳng giành cho nữ giới được thể hiện trong giáo lý Phật giáo.
2. Quyền bình đẳng trên ba phương diện:
Giáo lý Phật giáo đề cao phẩm hạnh người phụ nữ,
nhưng trong Phật giáo không chỉ tôn trọng nữ giới trên lý thuyết suông
mà ngay sau sự ưu đãi này là một vấn đề rất thiết thực: quyền bình
đẳng. Ở đây, tuy nói về quyền bình đẳng giành cho nữ giới trên ba phương
diện: xã hội, giáo đoàn, và vấn đề tu tập giải thoát nhưng kỳ thật
đã bao hàm mọi mặt: vật chất, tinh thần; tánh, tướng; thế gian và xuất
thế gian, ...
a) Bình đẳng về mặt hiện tượng xã hội:
Đề cập đến quyền bình đẳng của người phụ nữ trên
mặt hiện tượng xã hội tức là bàn đến quyền lợi và nghĩa vụ mà nữ
giới có được như nam giới. Rõ ràng ở chế độ xã hội bấy giờ, nói
đến quyền lợi của người phụ nữ trong cuộc sống thật là điều rất
khó. Vì rằng, trong tâm tư con người thời ấy, xã hội ấy, người nữ mãi
mãi ở vào một địa vị xã hội thấp hèn và không bao giờ được hưởng
chút quyền lợi gì của xã hội nói chung và của nam giới nói riêng. Nhưng
đức Phật đã phủ nhận quan niệm cổ hủ này, gây nên một biến động
lớn lao trong mọi giới, đặc biệt là hàng nữ lưu.
Với tâm từ mẫn, vị tha, đức Phật đã thuyết những lời
pháp đúng đắn, thiết thực cho cuộc sống tạo điều kiện cho hàng nữ
lưu có dịp ngẩng cao đầu để hưởng tất cả quyền lợi của mình. Nhưng
chúng ta cũng biết, đức Phật thuyết pháp độ sanh chỉ vì ‘lợi ích của
phần đông’, chỉ vì sự an lạc hạnh phúc, sự giải thoát tâm linh của
nhân sinh, nên khi đọc giáo lý Phật giáo chúng ta khó mà tìm được câu
kinh nào đề cập trực tiếp tới phong trào nam nữ bình quyền.
Tuy nhiên, chúng ta thường xuyên bắt gặp những câu kinh
gián tiếp nói đến quyền bình đẳng dành cho nữ giới đại loại như
kinh Thiện Sanh. Trong kinh này, có đoạn đức Phật đã dạy cách người chồng
phải đối xử với người vợ như sau:
‘Người chồng nên lấy năm điều mà yêu thương cấp dưỡng
vợ. Năm điều đó là gì? Một là yêu thương vợ. Hai là không khinh rẻ.
Ba là sắm các thứ chuỗi ngọc, đồ trang điểm. Bốn là ở trong nhà để
vợ được tự do. Năm là xem vợ như chính mình. Người chồng lấy năm
điều để thương yêu, cấp dưỡng vợ’. (10)
Và cũng trong bài kinh ấy đức Phật khuyên người phụ nữ
phải bày tỏ lòng thương kính chồng bằng các cách như làm tròn phận sự
của mình; ân cần đón tiếp thân bằng quyến thuộc bên chồng; trung
thành với chồng; cẩn thận giữ gìn tiền bạc của cải mà chồng đem về;
luôn siêng năng, không bao giờ tháo trút công việc ...
Bằng cách nói đến bổn phận người chồng đối với vợ
và vợ đối với chồng như vậy, đức Phật đã âm thầm gieo vào lòng quần
chúng tư tưởng thương yêu, tôn trọng và đề cao nữ giới. Vô hình
chung, vấn đề bình đẳng nam nữ trên phương diện quyền lợi đã dần dần
được thiết lập trong xã hội. Nhưng, quyền lợi bao giờ cũng đi đôi với
nghĩa vụ. Vậy, liệu người phụ nữ có khả năng thực thụ để xứng
đáng hưởng quyền lợi trên không?
Nếu trả lời ‘không’ đồng thời cũng có nghĩa là người
phụ nữ đã quyết định vị thế đứng của mình trong xã hội và việc
giành quyền bình đẳng nam nữ sẽ trở nên hư cấu.
Trên thực tế, người nữ vốn có khả năng không thua kém
gì nam giới, những gì người nam làm được thì người nữ cũng làm được.
Đó cũng chính là trường hợp nữ gia chủ, mẹ của Nakula nói với cha của
Nakula:
‘... Thưa gia chủ, gia chủ có thể suy nghĩ: ‘Nữ gia chủ,
mẹ của Nakula, sau khi ta mệnh chung, không có thể nuôi dưỡng các con và
duy trì nhà cửa’. Thưa gia chủ, chớ có nghĩ như vậy! Thưa gia chủ, tôi
khéo léo dệt vải và chải lông cừu. Thưa gia chủ, sau khi gia chủ mệnh
chung, tôi có thể nuôi dưỡng các con và duy trì nhà cửa. Do vậy, thưa gia
chủ, chớ có mệnh chung với tâm còn mong cầu ái luyến! Đau khổ, này gia
chủ, là người khi mệnh chung với tâm còn mong cầu luyến ái. Thế Tôn quở
trách người khi mệnh chung tâm còn mong cầu luyến ái.
Thưa gia chủ, gia chủ có thể suy nghĩ như sau: ‘Nữ gia chủ,
mẹ của Nakula, sau khi ta mệnh chung, sẽ đi đến một gia đình khác’.
Này gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Thưa gia chủ, gia chủ cũng đã biết,
trong mười sáu năm chúng ta sống làm người gia chủ, tôi đã sống thực
hành phạm hạnh như thế nào...
Thưa gia chủ, gia chủ có thể suy nghĩ như sau: ‘Nữ gia chủ,
mẹ của Nakula, sau khi ta mệnh chung, sẽ không còn muốn đến yết kiến Thế
Tôn, sẽ không còn muốn yết kiến chúng Tăng’. Thưa gia chủ, chớ có suy
nghĩ như vậy! Sau khi ta mệnh chung, tôi sẽ muốn yết kiến Thế Tôn nhiều
hơn, sẽ muốn yết kiến chúng Tăng nhiều hơn...’ (11).
Như vậy, trên phương diện xã hội, quyền bình đẳng nam
nữ đã được thể hiện khá đặc biệt trong giáo lý Phật giáo. Nhưng còn
về mặt người nữ xuất gia trong giáo đoàn Phật giáo thì sao? Đó là điều
ta cần tìm hiểu ở mục kế.
b) Bình đẳng về mặt giáo đoàn:
Khi nói đến quyền bình đẳng về mặt giáo đoàn, điều
đầu tiên khiến ta chú ý là vấn đề Phật cho phép nữ giới xuất gia sống
đời sống phạm hạnh trong Tăng đoàn Phật giáo. Và như chúng ta biết, Tăng
đoàn Phật giáo vốn dĩ có nghĩa là một tập đoàn người sống hòa hợp,
bình đẳng, thanh tịnh để cùng nhau tu tập giải thoát. Như vậy, trong ý
nghĩa này, hàng nữ giới xuất gia tất nhiên có quyền bình đẳng với nam
giới xuất gia.
Ở đây, chúng ta cũng nên ghi nhận thêm rằng đức Phật
đã cho phép thành lập giáo hội Tỳ kheo ni vào một thời điểm và địa
điểm mà người nữ bị xếp vào địa vị thấp kém nhất trong xã hội.
Làm điều này, đức Phật là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại
đã nâng cao vị trí của hàng phụ nữ đến mức quan trọng nhất.
Đây là việc làm duy nhất và chưa từng thấy trong rất
nhiều hệ thống tôn giáo và trường phái tư tưởng được biết, trước
và trong thời Phật tại thế. Đây là một sự canh tân phi thường vì nó
đã tạo điều kiện cho hàng phụ nữ đặc quyền tiếp thụ giáo lý đạo
Phật và từ đó nỗ lực tu tập phát huy bản chất cao quý, khả năng thấm
nhuần trí tuệ thâm sâu ngang hàng với nam giới của họ.
Nói như thế vẫn chưa lột tả được tính bình đẳng thực
thụ trong Tăng đoàn Phật giáo, mà chúng ta cần đào sâu hơn, nghiên cứu
giáo lý Phật giáo nhiều hơn để tìm cho ra nét cơ bản về những đặc
quyền của ni giới.
Như trong kinh Bộ Tăng Chi có đoạn nói về tính chất bình
đẳng của Tăng chúng không hề thiên vị một ai, dù sang hèn, giàu nghèo,
đẹp xấu; dù sanh trong giai cấp nào, hoặc dù nam hay nữ, ... sau khi xuất
gia sống đời Phạm hạnh cũng đều là Sa môn đệ tử Phật bình đẳng
không phân biệt như trăm sông đổ về biển:
‘Ví như, này Paharada, phàm có các con sông lớn nào, ví như
sông Hằng, sông Yamunà. sông Aciravatì, sông Sarabhù, sông Mahì, các con sông
ấy khi chảy đến biển, liền bỏ tên họ trước, trở thành biển lớn.
Cũng vậy, này Pahàràda, có bốn giai cấp này: Sát đế lyﬠBà la môn, Phệ
xá, Thủ đà, sau khi từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia trong
pháp và luật được Như Lai tuyên bố này, chúng từ bỏ tên và họ của
chúng từ trước, và chúng trở thành những Sa môn Thích tử’. (12)
Đoạn kinh trên tuy không có từ nào đề cập đến nữ giới
nhưng khi đọc kinh ta vẫn hiểu được ý gồm thâu cả hai giới nam nữ.
Vì rằng trên thực tế trong nếp sống tu tập của tăng đoàn đã biểu thị
điều này rất rõ nét. Trong giáo hội Phật giáo xưa cũng như nay đều có
sự hiện diện của hai bộ Tăng (đoàn thể Tỳ kheo tăng và đoàn thể Tỳ
kheo ni) một cách song hành.
Nói về giáo phẩm, nếu bên nam giới có Hòa Thượng, Đại
đức thì phía nữ có Hòa Thượng Ni, Đại đức ni (13) - tất nhiên chữ
‘ni’ chỉ dùng thêm cho mọi người biết đó thuộc nữ giới chứ hoàn
toàn không có sự sai khác gì.
Còn nói về nhiệm vụ, nếu bên nam giới có hai vị đại
đệ tử: Sàriputta (Xá Lợi Phất) - trí tuệ đệ nhất, và Moggallàna (Mục
Kiền Liên) - thần thông đệ nhất - quán xuyến giáo hội Tỳ kheo tăng, thì
bên nữ giới cũng có hai vị đại đệ tử: Khema và Uppalavannà đều là
những vị trí tuệ vô song, thần thông vượt bực ... Và nếu như nói về
sở trường của chư vị đại đệ tử Phật, thì các vị nữ đệ tử Tỳ
kheo ni không chút thua kém gì:
‘1) Trong các vị nữ đệ tử Tỳ kheo ni đã lâu ngày của Ta, tối
thắng là Mahà Pajàpatì Gotamì.
2) Trong các vị ... đại trí tuệ, tối thắng là Khemà.
3) Trong các vị ... đầy đủ thần thông, tối thắng
là Uppalavannà.
4) Trong các vị ... trì luật, tối thắng là Patàcàra.
3) Trong các vị ... thuyết pháp, tối thắng là Dhammadinnà.
3) Trong các vị ... tu thiền, tối thắng là Nanadà.
3) Trong các vị ... tinh cần tinh tấn, tối thắng là Sonà.
3) Trong các vị ... có thiên nhãn, tối thắng là Sakulà.
3) Trong các vị ... có thắng trí mau lẹ, tối thắng là Bhaddà Kundalakesà
...’ (14)
Chúng ta cũng nên biết thêm, trong khi chế độ xã hội bấy
giờ không tạo điều kiện để phát huy khả năng của người phụ nữ thì
ngược lại ở trong giáo đoàn Phật giáo phụ nữ chẳng những có thể tự
độ mình giải thoát mà còn có thể thuyết pháp độ sanh, đó là trường
hợp của Tỳ kheo ni Pháp Lạc trong kinh Trung A Hàm IV (trang 605). Như vậy, về
mặt giáo đoàn, quyền bình đẳng giành cho nữ giới cũng được thực thi
trong giáo hội Phật giáo. Và hơn thế nữa, về mặt giải thoát tâm linh
người phụ nữ cũng được Phật giáo tiếp nhận.
c) Bình đẳng về mặt chứng đắc:
Tôn chỉ của giáo lý Phật giáo là hướng dẫn người tu
tập đạt đến mục đích tối hậu - giác ngộ giải thoát. Mọi chúng
sanh nếu phát tâm tu tập, hành trì chánh pháp đều được đạt đến kết
quả cứu cánh như nhau.
Vì chân lý tuyệt đối, thành quả giải thoát không dành
riêng cho ai, kể cả đức Như Lai. Như khi Cundì, con gái vua sau khi ghe anh
mình nói: ‘Nếu có người đàn bà hay đàn ông quy y Phật, quy y Pháp, quy
y chúng Tăng, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh
trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ say đắm rượu men, rượu nấu,
người ấy sau khi thân hoại mạng chung, người ấy nhất định được
sanh lên cõi lành, không vào cõi dữ’, đã đến bạch hỏi Phật phương
pháp tu tập thì được Phật giảng giải như sau:
‘Dầu cho các loại hữu tình nào, này Cundì, không có
chân hay hai chân, bốn chân hay nhiều chân, có sắc hay không sắc, có tưởng
hay không tưởng, hay phi tưởng phi phi tưởng, Thế Tôn, bậc A la hán,
Chánh đẳng giác được xem là tối thượng! Những ai đặt lòng tin vào đức
Phật, chúng đặt lòng tin vào tối thượng. Với những ai đặt lòng tin
vào tối thượng, chúng được quả dị thục tối thượng’. (15)
Như vậy, không còn nghi ngờ gì nữa về vấn đề bình đẳng
trên phương diện giác ngộ giải thoát của người phụ nữ. Trong Phật giáo,
người nữ không những được bình đẳng trên phương diện xã hội, giáo
đoàn mà còn được quyền bình đẳng trong các phương diện giải thoát
tâm linh. Đó là trường hợp của hoàng hậu Khemà đã đắc quả A la hán
trước khi xuất gia, là trường hợp của Isidàsi, một người phụ nữ
đau khổ có bốn đời chồng, sau khi xuất gia sống đời giải thoát đã
diễn tả trong một bài thơ nỗi niềm sung sướng vì đã thoát khỏi một
cách vinh quang ba điều khó chịu là ‘cối, chày và người chống bất chính’
và cuối cùng vị này hân hoan tán thán pháp lạc tuyệt vời của người
đắc quả Vô sanh:
‘Tôi đã giải thoát khỏi sống và chết,
Tôi đã cắt đứt sợi dây luân hồi’. (16)
Người phụ nữ có khả năng chứng đắc quả vị giải
thoát điều này không còn nghi ngờ gì nữa. Bao lâu nay theo quan niệm cổ
truyền, mọi người trong xã hội Ấn đều nghĩ rằng phương diện tinh thần
và đạo đức người phụ nữ thấp kém hơn người nam, thì nay Phật giáo
cho mọi người thấy nữ tính không phải là trở ngại cho việc tiến bộ.
Chính đức Phật đã xác định điều này khi ngài A Nan hỏi
Phật: ‘Không biết nữ nhân sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình ... có thể
chứng được quả Dự lưu, quả Nhất lai, quả Bất lai hay quả A la hán
không?’:
‘Này Ananda, sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không
gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, nữ nhân có thể chứng
được Dự lưu quả, Nhất lai quả, Bất lai quả hay A la hán quả’. (17)
Cũng vì lẽ đó, nên khi du sĩ ngoại đạo Vacchagotta hỏi
đức Thế Tôn ngoài các Tỳ kheo, đức Phật có một vị Tỳ kheo ni đệ tử
nào đã đoạn trừ các lậu hoặc, chứng đạt thắng trí ngay trong hiện tại
không, đức Phật trả lời:
‘Này Vaccha không phải chỉ một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn
trăm, năm trăm mà còn nhiều hơn thế nữa là những Tỳ kheo ni, đệ tử của
ta, đã đoạn trừ các lậu hoặc, với thượng trí tự mình chứng ngộ,
chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại, vô lậu tâm giải thoát và tuệ
giải thoát’. (18)
Và không thua gì những nam cư sĩ, hàng nữ cư sĩ tại gia
cũng có khả năng vượt bực, chứng đắc vô sở uý:
‘Này Vaccha không phải chỉ một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn
trăm, năm trăm mà còn nhiều hơn thế nữa là những Nữ cư sĩ, là đệ tử
sống tại gia, mặc áo trắng, hưởng thụ vật dục, nhưng xây dựng Thánh
giáo, chấp nhận giáo huấn, đã độ nghi đoạn hoặc, chứng đắc vô sở
úy, không dựa vào người khác, sống trong Thánh giáo của bậc Đạo sư’.
(19)
Rõ ràng chỉ điểm qua một vài câu kinh, chúng ta đã có thể thấy cụ
thể địa vị người phụ nữ trong giáo lý đạo Phật. Giáo lý nhà Phật
cho mọi người thấy rằng: người phụ nữ xứng đáng có một chỗ đứng
danh dự ngang hàng với nam gìới về phương diện khả năng và thành đạt
mục tiêu Niết bàn, và trên nấc thang thành tựu của nhân loại, người nữ
cũng có khả năng trèo đến mức tột đỉnh mà người nam có thể đến.
Mục lục | Dẫn nhập | Chương 1 | 2 | 3 | 4 | Kết luận
|
|