Nữ giới có một địa vị xứng
đáng trong Phật giáo, điều này đã quá rõ ràng. Nhưng thực tế không phải
không có những vấn đề khiến một số người chưa thâm nhập Phật
pháp, hoặc một số người chỉ cưỡi ngựa xem hoa hiểu sai về địa vị
người phụ nữ trong giáo lý Phật giáo, như vấn đề người nữ phải tuân
thủ Bát kỉnh pháp, vấn đề mạt pháp sớm hơn năm trăm năm nếu nữ giới
xuất gia, vấn đề người nữ bị năm điều chướng ngại....
Thực chất những vấn đề này như thế nào? Có phải người
phụ nữ trong giáo lý Phật giáo chưa thật được bình đẳng? Hay vì
chúng ta chưa hiểu hết ý Phật? Để được một nhận thức đúng đắn
hơn về vấn đề trên, chúng ta nên lần lượt nghiên cứu những phần
trong chương ba này.
1. Vấn đề bát kỉnh pháp:
Trong Phật giáo, một vị Tỳ kheo ni bên cạnh việc thọ
trì Giới bổn Patimokkha (Ba la đề mộc xoa) còn lãnh thọ thêm Bát kỉnh
pháp (Garudhamma), trọn đời cung kính, tôn trọng không được vượt qua. Nội
dung của tám điều cần tôn kính ấy là:
‘Dầu cho thọ đại giới một trăm năm, một Tỳ kheo ni,
đối với Tỳ kheo mới thọ đại giới trong một ngày ấy, cũng phải đảnh
lễ, đứng dậy, chấp tay, xử sự đúng pháp. Pháp này sau khi cung kính,
tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, cho đến trọn đời không được vượt
qua.
Tỳ kheo ni không có thể an cư mùa mưa tại chỗ không có Tỳ
kheo...
Nửa tháng một lần, Tỳ kheo ni cần phải thỉnh chúng Tỳ
kheo hỏi ngày trai giới và đến để thuyết giới...
Sau khi an cư mùa mưa xong, Tỳ kheo ni cần phải làm lễ ‘tự
tứ’ trước hai Tăng chúng về ba vấn đề được thấy, được nghe và
nghi...
Tỳ kheo ni phạm trọng tội, phải hành pháp man na đõa cho
đến nửa tháng...
Sau khi học tập sáu pháp trong hai năm, phải đến xin thọ
cụ túc giới trước hai Tăng chúng...
Không vì duyên cớ gì, một Tỳ kheo ni có thể mắng nhiếc,
chỉ trích một Tỳ kheo...
...Có sự giáo giới phê bình giữa các Tỳ kheo về các Tỳ
kheo ni, không có sự giáo giới phê bình giữa các Tỳ kheo ni về các Tỳ
kheo...’ (20)
Có sự bất bình đẳng trong tám điều luật này, người vô
văn phàm phu có thể nghĩ như vậy. Nhiều người đã căn cứ vào tám điều
cung kính này và căn cứ trong luật Phật chế giới điều của Tỳ kheo ni
nhiều hơn giới điều dành cho Tỳ kheo tăng mà cho rằng trong đạo Phật có
sự kỳ thị nam nữ.
Thật ra cũng dễ hiểu, vì phái nữ có những điều kiện
vật chất và tinh thần, tâm lý khác hẳn nam giới cho nên giới luật cũng
khác nhau. Nếu ở trong nam giới, trí tuệ được đề cao thì đức tính
được đề cao ở nữ giới chính là từ bi, bởi thế mà những hình tượng
tượng trưng cho đức từ bi đều mang hình thù phụ nữ.
Nếu ở nam giới, lòng can đảm gan dạ, chí khí được tán
dương thì ở nữ giới chính là sự nhẫn nhục ôn hòa, đức bao dung tha
thứ. Nếu ở nam giới, sự ăn to nói lớn, hoạt bát hùng hồn là một đức
tính thí trái lại, đức tính phái nữ nằm trong sự im lặng tự xóa
mình. Nếu ở nam giới quyền lực uy phong được ca tụng thì ở nữ giới,
đức tính cần thiết là nhũn nhặn khiêm tốn, không xem mình là quan trọng.
Nhưng những đức tính vừa kể đối với nữ giới cũng có
những mặt trái của nó. Chẳng hạn mặt trái của lòng từ bi có thể là
sự si ái, lòng kiêu căng. Vì người phụ nữ đóng một vai trò quan trọng
trong vìệc đem lại sự sống, nên họ dễ xem mình là tất cả, dễ nghĩ
rằng không có ta đây thì không xong.
Lại nữa, ‘từ bi’ đôi khi bị đánh lừa bởi một
lòng ngụy tín để đi đến chỗ si ái, sướt mướt uỷ mị. Đức tính
im lặng nhẫn nhục nơi phụ nữ có thể có bộ mặt trái của nó là sự
chấp trước, phiền não, ôm khư khư một mối hận đến nỗi mang nó theo
xuống tuyền đài và khiến cho phụ nữ khó giải thoát, khó ‘siêu thăng’
để nói theo từ ngữ Tịnh Độ.
Đức tính nhũn nhặn khiêm tốn cần thiết nơi phụ nữ
cũng thế, có thể có mặt trái là sự nhút nhát ỷ lại, tánh làm đỏm,
tự xem mình cần phải lệ thuộc vào một cái gì mới sống nổi. Chính
vì muốn phát huy những đức tính và sửa trị những mặt trái những
tính xấu nơi phụ nữ, mà đức Phật đã chế ra Bát kỉnh pháp và những
giới luật riên cho hàng nữ xuất gia. Ở đây, chúng ta có thể đi ngược
dòng lịch sử để xét lý do vì sao đức Phật đã chế ra tám điều cung
kỉnh.
Chúng ta biết rằng, trong đoàn thể xuất gia đầu tiên của
Phật không có hàng nữ lưu. Mãi đến năm năm sau khi thành lập Tăng đoàn,
bà dì và cũng là mẹ nuôi đức Phật, di mẫu Mahapajapatì (Ma Ha Ba Xà Ba Đề),
cùng với namm trăm nữ nhân dòng Thích Ca mới đến ngỏ lời cầu xin Phật
cho phép được thế phát xuất gia. Phật từ chối và bỏ đi nơi khác.
Lần thứ hai khi nghe đức Phật đang ở Kỳ hoàn tịnh xá,
di mẫu cùng năm trăm nữ nhân ấy từ xa xôi lặn lội, đi bộ rách cả
gót chân, y phục lấm lem đất bụi, đến nơi đứng ngoài cửa khóc lóc
thảm thương. Ngài A Nan thấy thế động lòng can thiệp giúp cho di mẫu và
sau ba lần Ngài năn nỉ, Phật mới bằng lòng cho bà và năm trăm vị nữ
nhân xuất gia với điều kiện phải tuân Bát kỉnh pháp. Điều này có nghĩa
là gì? Tại sao đức Phật không độ người nữ xuất gia liền như nam giới
mà lại tỏ thái độ từ chối đến ba lần?
Trước hết chúng ta thử suy nghĩ: phải chăng do Phật biết
tâm lý kiêu căng cố hữu của người phụ nữ, mặt trái của bản năng làm
mẹ, ưa bảo bọc và tự cho mình quan trọng?
Bà Mahaprajapatì là một vì đương kim thái hậu, lại là mẹ
nuôi của Thái tử Tất Đạt Đa (đức Phật trước khi xuất gia). Bà đã
nuôi nấng Thái tử từ khi mới ra khỏi lòng mẹ được bảy ngày. Như thế
bà có đủ tất cả lý do để kiêu căng ngã mạn khi bước vào hàng ngũ
xuất gia vậy. Nếu đức Phật không chế ra Bát kỉnh pháp thì điều gì
có thể xảy ra? Chúng ta biết đó, nếu ở đời bà đương kim thái hậu
này đã sai bảo được lính tráng quan hầu, thì không lý do gì khi vào đạo
và lại là mẹ của Phật, bà lại không sai bảo được những vị tu sĩ
đáng đầu con cháu bà? Do đó mà ta thấy một trong tám điều cung kỉnh rất
có ý nghĩa và chỉ có thể nhắm vào Kiều Đàm Di Mẫu (Mahprajapatì); điều
ấy như vầy?: ‘Dù cho thọ đại giới một trăm năm, một Tỳ kheo ni đối
với Tỳ kheo thọ giới trong một ngày, cũng phải đảnh lễ, đứng dậy,
chấp tay, xử sự đúng pháp’.
Bên cạnh ý nghĩa đã giải thích trên, một lý do nữa đã
được đặt ra. Ở đây, chúng ta nên nhìn đức Phật ở cương vị một
đức Phật lịch sử chúng ta sẽ thấy vấn đề này rõ hơn. Đức Phật
lưỡng lự, từ chối đến ba lần mới cho nữ giới xuất gia, đâu phải
Ngài trọng nam khinh nữ. Đó là Ngài đang tìm giải pháp thích hợp cho
hàng nữ giới sau khi xuất gia sống đời Phạm hạnh trong Tăng đoàn.
Chúng ta cũng biết, vào thời ấy, xã hội Ấn Độ đang
ở trong thời kỳ bán khai, người xuất gia phải rời bỏ gia đình, sống
không gia đình trong rừng rú. Người nam tu sĩ có thể tự vệ chống bọn
cướp, thú dữ, rắn rết ..., nhưng người tu nữ hoàn toàn không thể tự
bảo vệ được mình, nên Phật đã dạy: ‘Tỳ kheo ni không thể an cư tại
chỗ không có Tỳ kheo’. Và một lý do sâu xa khác của việc chế Bát kỉnh
pháp là đức Phật muốn có sự cách biệt trong hòa khí giữa Tăng bộ và
Ni bộ. Nữ giới hay thiên về sự quá đà; hoặc quá thân mật thì mất sự
cung kỉnh và dễ lờn, hoặc quá sơ thì dễ đi đến chỗ kiêu căng tự phụ
cho rằng ta đây có thể tự lập không cần ai dắt dẫn. Do đó một điều
cung kỉnh khác trong tám pháp cung kính bắt buộc Ni chúng phải thỉnh thoảng
đi đến Tỳ kheo tăng để xin chỉ giáo, để luôn luôn nhớ đến địa vị
khất sĩ của mình, nghĩa là phải tầm cầu Chánh pháp.
Chúng ta được biết thêm, cũng chính trong kinh Bộ Tăng Chi
này đức Thế Tôn đã giải thích lý do tại sao Ngài ban hành Bát kỉnh
pháp:
‘Ví như, này Ànanda, một người vì nghĩ đến tương lai
xây dựng bờ đê cho một hồ nước lớn để nước không thể chảy qua,
cũng vậy, này Ànanda, vì nghĩ đến tương lai, Ta mới ban hành tám kính
pháp này cho các Tỳ kheo ni cho đến trọn đời, không được vượt qua’.
(21)
Ngày nay trên cương vị của một người đi tìm Tuyệt đối
‘phàm xuất gia giả, phát túc siêu phương’, chúng ta cũng có thể nhận
thấy Bát kỉnh pháp không có gì là quá đáng, và còn phải được lãnh hội
một cách sâu xa hơn, ấy là: chúng ta phải kính trọng tất cả, vì điều
trở ngại lớn nhất cho người tìm Đạo chính là thói kiêu mạn. Hơn nữa
là người tu học giáo lý Vô ngã, thì những vị nữ tu sĩ nào thực tình
muốn xóa bỏ ngã chấp không có lý do gì để mặc cảm về Bát kỉnh
pháp, và vị nam tu sĩ nào thực tình là một con người đi tìm tuyệt đối
cũng không có lý do gì để tự hào.
2. Vấn đề mạt pháp sớm hơn năm trăm năm:
Bây giờ ta khảo sát một câu nói khác trong kinh đã khiến
cho nhiều người nghĩ rằng đức Phật bi quan với thân thế người nữ:
‘Này Ananda, nếu nữ nhân không được xuất gia, từ bỏ
gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng,
thời này Ananda, phạm hạnh được an trú lâu dài và diệu pháp được tồn
tại đến một ngàn năm. Vì rằng này Ananda, nữ nhân được xuất gia, từ
bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật này, nay này Ananda, diệu
pháp sẽ được tồn tại năm trăm năm’. (22)
Thực sự có phải phạm hạnh sẽ không được an trú lâu
dài và diệu pháp cũng chỉ được tồn tại năm trăm năm khi nữ giới xuất
gia hay không? Điều này khó mà xác định được. Nhưng trên thực tế, với
một câu kinh như vậy ít nhiều đã tác động cho người đọc cảm giác
Phật giáo chưa thật sự dành quyền bình đẳng cho nữ giới. Ngay đây,
chúng ta có thể hiểu được gì trong câu kinh trên?
Theo một số học giả, các kinh sách nói về sự tích bà
Gotamì và việc thành lập ni đoàn đều viết vào khoảng năm trăm năm sau
Đại Bát Niết Bàn. Trong khi đức Phật giác ngộ dưới gốc bồ đề năm
423 trước Tây lịch. Năm năm sau, năm 418 trước Tây lịch, Ni đoàn được
thành lập.
Các cuốn kinh thuật lại việc thành lập ni đoàn viết năm
trăm năm sau, tức là vào khoảng cuối thế kỷ I Tây lịch, vào lúc trường
phái nguyên thủy ở Ấn Độ nhường bước cho trường phái Đại thừa
đang phát triển mạnh. Vì phát triển mạnh, bấy giờ, đề cao địa vị
người nam trên tư thế người nữ. Bởi lẽ đó mà dư luận trọng nam
khinh nữ được đem vào kinh. Vấn đề này, nếu đứng trên diện lịch sử,
vẫn có khả năng xảy ra. Vì như chúng ta biết, tất cả kinh điển Phật
giáo đã trải qua nhiều lần kết tập và được viết thành sách sau thời
gian đức Phật Diệt độ và như vậy khó mà tránh khỏi những sự sai
khác, nên bà C.A.F.Rhys Davids viết:
‘Một trong những điều khó khăn nhất khi diễn dịch kinh
Pali chính vì kinh có nhiều chỗ xuất xứ khác nhau, có nhiều chỗ sửa chữa,
viết lại, nhìn qua thấy rõ ràng là đã bị thay đổi do các vị Tỳ kheo
đến sau. Ta phải nhận cho rõ những nơi thay đổi do người đời sau gây
ra hầu có thể tìm cách điều chỉnh. Do đó, nhiều đoạn kinh thiên vị
rõ ràng nam giới, thiên vị rõ ràng tăng đoàn (so với cư sĩ), thiên vị
rõ ràng người đàn ông so sánh với người đàn bà, và các đoạn kinh này
được cố trình bày như chính là lời đức Phật’. (23)
Thật là một lời bình khá mạnh mẽ. Nhưng dù sao vẫn là
một lời bình và cũng trên vấn đề này chúng ta vẫn có thể có một
quan điểm khác. Ở đây, ta nên tìm hiểu nguyên nhân phát sinh vấn đề lời
tuyên bố phạm hạnh sẽ không tồn tại lâu dài khi nữ giới xuất gia.
Rõ ràng nếu chỉ trích ra một đoạn kinh văn nói về vấn đề nay, thì
chúng ta khó mà hiểu hết ý Phật. Nên biết, câu kinh trên cùng nằm trong
kinh Gotamì nói về việc thành lập ni đoàn và Phật đã từng đắn đo với
những lý do đã được giải thích ở phần Bát kỉnh pháp. Câu kinh này
không phải đứng riêng lẻ, mà ngay tiếp theo là ví dụ của đức Phật:
‘Ví như, này Ànanda, những gia đình nào có nhiều phụ nữ
ít đàn ông, thời những gia đình ấy rất dễ bị đạo tặc, trộm nghè
não hại. Cũng vậy, này Ànanda, vì rằng nữ nhân được xuất gia, từ bỏ
gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật này, nên Phạm hạnh
không được an trú lâu dài...’. (24)
Ngay trong trường hợp này ta có thể khẳng định: câu kinh
trên chỉ nhằm giải thích thêm cho sự quyết định chế ra tám điều cung
kính cho phù hợp với căn cơ của người phụ nữ và như vậy sẽ không
có một sự bất bình đẳng hay mâu thuẫn nào trong giáo lý Phật giáo. Vì
rằng, cũng chính trong kinh Bộ Tăng Chi, khi giải thích cho Tôn giả Kimbila
nguyên nhân khiến cho diệu pháp không còn tồn tại lâu dài sau khi Như Lai
nhập diệt:
‘Ở đây, này Kimbila, khi Như Lai nhập diệt, các Tỳ kheo,
Tỳ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ không cung kính, không tùy thuận bậc Đạo
sư, sống không cung kính, không tùy thuận Pháp, sống không cung kính, không
tùy thuộc chúng Tăng, sống không cung kính, không tùy thuận học pháp, sống
không cung kính, không tùy thuận, sống phóng dật, sống không cung kính,
không tùy thuận tiếp đón. Này Kimbila, đây là nhân, đây là duyên, khiến
khi Như Lai nhập diệt, diệu pháp không tồn tại lâu dài’. (25)
Và đến đây đức Phật cũng cho biết thêm nguyên nhân dẫn
đến Chánh pháp tồn tại sau khi đức Phật nhập Niết bàn:
‘Ở đây, này Kimbila, khi Như Lai nhập diệt, các Tỳ kheo,
Tỳ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống cung kính tùy thuận đức Đạo sư,
sống cung kính tùy thuận Pháp, sống cung kính tùy thuộc chúng Tăng, sống
cung kính tùy thuận học pháp, sống cung kính tùy thuận không phóng dật, sống
cung kính tùy thuận tiếp đón. Này Kimbila, đây là nhân, đây là duyên, khiến
khi Như Lai nhập diệt, diệu pháp được tồn tại lâu dài’. (26)
Đến đây, chúng ta có thể xác định Chánh pháp có tồn tại
lâu dài hay không tồn tại lâu dài, không nhất thiết là do có nữ giới
xuất gia, mà điều này phụ thuộc vào việc tứ chúng đệ tử Phật có
tu theo chánh pháp hay không. Vì dù cho người nữ không xuất gia trong Pháp
và Luật của Phật, nhưng nếu nam giới sống không cung kính, không tùy thuận
Phật, Pháp, Tăng, đồng thời sống buông lung theo cảnh trần, thân, khẩu,
ý tạo ra những nghiệp bất chánh, ... Chánh pháp có thể tồn tại lâu
dài trong một Tăng chúng như vậy chăng?
3. Vấn đề ngũ chướng:
Trong chương tìm hiểu một số vấn đề đưa đến sự hiểu
sai về địa vị người phụ nữ trong giáo lý Phật giáo này, chúng ta đã
lần lượt đi qua các vấn đề Bát kỉnh pháp và việc mạt pháp đến sớm
hơn năm trăm năm, nay chúng ta tiếp tục bàn đến năm điều chướng ngại
của người phụ nữ. Đó là:
‘Này A nan, có năm việc nữ nhân không làm được. Nếu nói
rằng nữ nhân được thành Như Lai, bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác,
hoặc Chuyển luân vương, Thiên Đế thích, Ma Vương hay Đại Phạm thiên,
thì điều này nhất định không thể có. Nhưng có năm việc nam nhân làm
được. Nếu nói rằng nam nhân được thành Như Lai, bậc Vô Sở Trước Đẳng
Chánh Giác, hoặc Chuyển luân vương, Thiên Đế thích, Ma Vương hay Đại Phạm
thiên, thì điều này chắc chắn có thật’. (27)
Lại một vấn đề mang tính bất bình đẳng giữa người
nữ với người nam phát sinh. Thực ra năm điều chướng ngại ấy thật có
đối với nữ giới không? Tại sao ngoài kinh Cù Đàm Di (Trung A Hàm II) kinh
Mâu Ni Vương Nữ (Tăng Nhất A Hàm), lại có thêm kinh Không Thể Xảy Ra của
Kinh bộ Tăng Chi I đề cập đến:
‘Sự kiện này không xảy ra, này các Tỳ kheo, không có
được: ‘Một phụ nữ có thể là bậc A la hán, Chánh Đẳng Giác’, sự
kiện này không xảy ra. Sự kiện này có xảy ra, này các Tỳ kheo: ‘Người
đàn ông có thể là bậc A la hán, Chánh Đẳng Giác’, sự kiện này có xảy
ra’.
‘Sự kiện này không xảy ra, này các Tỳ kheo, không có
được: ‘Một phụ nữ có thể là vị Chuyển Luân Vương’, sự kiện này
không xảy ra...
‘Sự kiện này không xảy ra, này các Tỳ kheo, không có
được: ‘Một phụ nữ có thể là vị Đế Thích ..., là Ác ma ..., là Phạm
Thiên’, sự kiện này không xảy ra... (28)
Một phụ nữ không thể làm bậc A la hán, Chánh Đẳng Giác,
không thể làm Chuyển Luân Vương, làm Đế Thích, Ác ma, Phạm Thiên. Vì
sao? Vì không đủ trí để lãnh nhiệm những ngôi bậc đó ư (A la hán,
Chánh Đẳng Giác, Chuyển Luân Vương, Đế Thích, Ác ma, Phạm Thiên là năm
ngôi vị tượng trưng cho sự thành đạt lớn lao)? Nếu như vậy là đồng
quan niệm với những gì Ác ma nói với Tỳ kheo ni Somà: người nữ không
có trí làm sao có khả năng thành tựu chánh quả?
‘Địa vị khó chứng đạt,
Chỉ Thánh nhân chứng đạt,
Trí nữ nhân hai ngón,
Sao hy vọng chứng đạt’ (29)
Sự thật là vậy chăng? Người phụ nữ không đủ trí đức,
không đủ khả năng để hoàn thành những việc nam nhân làm chăng? Chúng
ta nên lắng nghe Tỳ kheo Somà nói kệ đáp lời Ác ma:
‘Nữ tánh chướng ngại gì,
Khai tâm khéo thiền định,
Khi trí tuệ triển khai,
Chánh quán pháp vi diệu?
Ai tự mình tìm hỏi:
‘Ta, nữ nhân, nam nhân,
Hay ta là ai khác?’
Xứng nói chuyện Ác ma,
Ác ma thật cân xứng’. (30)
Phật tánh vốn đồng thì làm sao có thể có sự sai khác
giữa các chúng sanh trong việc chứng ngộ chân lý. Nhưng trong thực tế, chúng
ta cũng nên công nhận rằng đa số phụ nữ có xu hướng thiên về tình cảm,
ít có tánh cương quyết nên cũng ít có khả năng lãnh đạo, tuy nhiên đó
không phải là tất cả.
Như vậy, đứng trước vấn đề ngũ chướng chúng ta có
thể hiểu đấy là một trong những trường hợp ‘tùy duyên thuyết pháp’.
Sự giải thích này chắc chắn chưa làm thỏa mãn người đọc. Vì cũng có
người nhận định một cách mạnh mẽ rằng vấn đề ngũ chướng không
do đức Phật thuyết giảng mà do người đời sau đem vào trong kinh:
‘Qua phương pháp phân tích, so sánh, các tác giả trên
(giáo sư Kajiyamaywichi, học giả Diana Mary Paul, ...) kết luận là ý niệm ngũ
chướng tìm được trong một số kinh sách, khi có trong tạng Pàli lại thiếu
trong Hán tạng, hoặc ngược lại, có trong Hán tạng lại thiếu trong Pàli
tạng, chứng minh được là ngũ chướng không phải là lời dạy của đức
Phật vào thời nguyên thủy, mà chính là do dời sau đem vào kinh’. (31)
Tuy nhiên, theo thiển ý người viết, năm điều chướng ngại,
ràng buộc người phụ nữ dù cho đã được đức Phật đề cập trong
kinh vẫn chỉ là dùng để thể hiện những quan điểm, những tư tưởng
hoàn toàn bất lợi với người phụ nữ của thế gian và xã hội, mà
trong Phật giáo thì ngược lại. Và chính điểm này ta mới thực sự thấy
được việc đề cao giá trị đạo đức và khả năng đồng đẳng với
nam giới của phụ nữ trong giáo lý Phật giáo là một điều chính đáng.
Như trong kinh Tăng Nhất A Hàm II, Phật đã bác bỏ điều này qua việc đức
Phật Bảo Tạng Như Lai thọ ký quả Phật cho Mâu Ni Vương Nữ:
‘Trong vô lượng số kiếp về sau, nhà người ra đời sẽ
gặp Phật, và được đức Phật ấy thọ ký thành Phật’. (32)
Như vậy, trong chương ba này, chúng ta đã lần lượt tìm hiểu một số
vấn đề khiến người học kinh khó mà tránh khỏi ý niệm sai lệch về
quan điểm của đức Phật đối với người phụ nữ. Những vấn đề này
tuy không phải là nhiều nhưng cũng đủ để cho người đã từng hiểu sai
về đạo Phật xác định lại ý kiến của mình và rút ra kết luận đúng
đắn nhất về địa vị người phụ nữ trong giáo lý Phật giáo.