Nếu chỉ tìm hiểu địa vị người
phụ nữ trong giáo lý Phật giáo được tôn trọng, được bình đẳng, ...
mà chúng ta không biết đến những ảnh hưởng của Phật giáo đối với
người phụ nữ trong xã hội là một điều thiếu sót lớn lao. Vì trong vấn
đề này sẽ khẳng định thêm việc đạo Phật có bi quan yếm thế, có bất
bình đẳng với hàng nữ lưu trong xã hội không? Đồng thời chúng ta sẽ
được biết thêm vai trò quan trọng của Phật giáo đối với phụ nữ ngày
nay.
1. Phật giáo với phụ nữ trong đời thường:
Như chúng ta biết, sự thành lập Ni bộ của đức Phật đã
được các nhà dân tộc học cho là một việc làm vô cùng cách mạng, nếu
ta xét đến yếu tố thời gian cách đây 2500 năm và không gian là xứ Ấn
Độ đầy thành kiến đối với phái nữ.
Không những ngày xưa mà ngay hiện tại nhiều nơi ở Ấn vẫn
còn giữ tục lệ Pardah tức là tục che mặt của phụ nữ khi ra đường,
và họ phải sống trong phòng the khóa kín. Họ không được giáo dục,
không làm được những công việc ngoài đường dù nhỏ nhặt đến đâu,
tất cả đều do đàn ông đảm trách vì đó là tục lệ của Ấn giáo.
Ở Ấn Độ, sinh con gái là một điều bất hạnh cho mọi
gia đình, vì phải lo việc gả chồng và sắm của hồi môn. Hơn nữa,
trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ, cũng như ở Trung Hoa, Nhật Bản hay
Việt Nam, mọi gia đình đều xem con trai là trường cột trong việc nắm giữ
giềng mối tổ tông và lo việc tế tự thờ cúng. Do đó, nếu một người
phụ nữ không sinh được con trai thì người chồng có thể cưới vợ khác
và có thể trục xuất họ ra khỏi gia đình. Nhưng kể từ khi đạo Phật
xuất hiện, những truyền thống xã hội Ấn Độ đã trải qua một cuộc
đổi thay.
Phật giáo dạy rằng sự hy sinh phải bắt nguồn từ nội
tâm, bằng cách gột rửa những tư tưởng ngã chấp, thiêu đốt tham, sân,
si. Hoàng hậu Mallikà nhờ thấm nhuần những tư tưởng ấy của đạo Phật,
đã trở nên một Phật tử chơn chánh, và thuyết phục được chồng bà,
vua Pasenadi khỏi làm một cuộc tế lễ vĩ đại trong đó nhiều muông sinh
đáng lẽ sẽ bị giết để chuộc mạng sống cho vua, theo lời khuyên của
một người Bà la môn giáo.
Lại nữa, trong giáo lý Phật giáo mỗi người tự trách
nhiệm lấy luân hồi sinh tử của mình, đã bật tung gốc rễ của niềm
tin truyền thống mà trong đó có ít nhiều tai hại cho phụ nữ như tin rằng
nhờ tế tự thần linh mới sinh được con trai, hay tin rằng linh hồn người
cha sẽ trở về quấy nhiễu nếu việc cúng tế không chăm sóc chu đáo. Với
thuyết nghiệp báo, đạo Phật không tin vào những vụ cúng tế kia, dù là
để cầu con trai hay để chuộc tội lỗi.
Như vậy, với sự xuất hiện của Phật giáo, người phụ
nữ Ấn không còn phải quá lo ngại và bị ngược đãi khi không sinh được
con trai. vì người ta đã nhận thức được rằng cuộc sống đời sau của
người cha hoàn toàn tùy thuộc vào những hành vi hiện tại của ông, chứ
không phải do sự cúng tế của người con trai hay con gái nào cả. Và sự
kế nghiệp gia đình cũng không còn quá lệ thuộc vào người trưởng nam
như trước.
Ngày nay ở bờ biển Tây Ấn còn có một giai cấp Bà la
môn rất cổ xưa gọi là Nairs có truyền thống chỉ trao quyền thừa kế
cho con gái. Điều này có thể là do một trong những ảnh hưởng của Phật
giáo.
Trong Phật giáo hiện đại cũng thế, những công tác xã hội
đề hàn gắn những vết thương của đồng loại trong lúc gặp thiên tai
giặc giã, phần nhiều là do những vị ni và nữ Phật tử, nhiều từ tâm
xả kỷ. Hàng nữ xuất gia cũng như tại gia hiện tại cũng đóng một vai
trò không kém phần quan trọng đối với những công trình của giáo hội,
thường thường là vai trò xúc tiến những cuộc lạc quyên gây ngân quỹ.
Về phương diện tinh thần, đoàn thể ni chúng là một tấm
gương sáng, một niềm khích lệ an ủi cho nhiều phụ nữ bất hạnh trong
sinh hoạt gia đình. Những lúc tinh thần căng thẳng rối loạn vì đời sống
hôn nhân, họ đến chùa và được tăng thêm tự tín khi có những người
con gái đáng đầu con, em họ đang dạn dĩ bước đi một mình trên đường
đời, lấy chân lý làm bạn và lấy chúng sinh đau khổ làm gia đình. Họ
bỗng nhận ra rằng một gia đình nhỏ với dăm ba đứa con hóa ra không phải
là mục tiêu duy nhất của người phụ nữ, vì nhiều phụ nữ khác có thể
sống trọn vẹn hơn mà không cần gì đến những thứ phụ tùng phiền
toái như họ.
Biết bao nhiêu người phụ nữ đau khổ đã được cảm hóa
khi biết hướng tâm hồn họ về ánh sáng Phật pháp thay vì quanh quẩn
trong bóng tối của một bản ngã nhỏ hẹp với những vấn đề thế nhân
bất tận trước mắt mà họ không thể nào tìm ra giải pháp.
Nhiều phụ nữ đã thú thật rằng nếu không nhờ Phật
giáo thì họ có thể hóa ra điên cuồng hay ít ra cũng thân tà ma dại. Quả
thế, Phật giáo đã cống hiến rất nhiều cho giới phụ nữ, cũng như đã
tạo nhiều phương tiện giúp hàng nữ lưu phát huy nguồn năng lực dồi dào
của họ mà từ lâu bị xã hội chôn vùi trong quên lãng.
Đặc biệt là ngày nay, khi cơn bệnh của thế kỷ (bệnh
AIDS) từng bước bành trướng khắp hoàn cầu thì hơn ai hết những nữ tu
sĩ Phật giáo, kế thừa gia bảo Chánh pháp của Phật, đã, đang và sẽ tiếp
tục truyền thống thuyết pháp độ sanh, ban trải tất cả pháp môn tu
hành xoa dịu nổi đau nhân thế.
Đọc lá thư cuối cùng của Tim Sullivan, người mắc bệnh
AIDS, viết ngày 26/6/1994 gởi cho Sư cô T. Wongmo từ tiểu bang Chicago (Hoa Kỳ)
chúng ta sẽ thấy rõ điều này hơn:
‘Là một người đồng tính luyến ái mắc bệnh AIDS, tôi
có nhiều thời gian để chấp nhận hoàn cảnh bi đát của mình. Nhưng khi
nói chuyện với Sư cô về vấn đề chết và hấp hối, tôi cảm thấy
mình có một nhận thức sâu sắc về cuộc sống và chấp nhận căn bệnh
quái ác này. Qua phương pháp thiền chữa bệnh, kỹ thuật khống chế cơn
đau và nhiều lần tranh luận với Sư cô ... giờ đây tôi cảm giác bình
yên kỳ lạ, một cảm giác chưa từng có trong đời của tôi...’ (33)
Rõ là chỉ qua một vài nét về sự ảnh hưởng của Phật
giáo với phụ nữ trong cuộc sống hàng ngày xưa cũng như nay, ta có thể
đi đến một sự khẳng định chắc chắn rằng: Phật giáo chưa hề và
không hề có một chút gì gọi là bi quan, gọi là không ưu đãi hàng nữ lưu,
mà ngược lại còn quan tâm, giúp đỡ họ rất nhiều. Phật giáo đã và
đang từng bước đi vào lòng quần chúng nói chung và phụ nữ nói riêng.
2. Phật giáo với phong trào bình đẳng nam nữ hiện nay:
Ngày nay trên khắp thế giới đều dậy lên phong trào canh
tân nữ giới. Với khoa học phát triển, với phương pháp truyền thông đại
chúng ngày càng nhiều, ngày càng rộng rãi, phụ nữ nhận thức được rằng
họ không có điều gì phải thua kém nam giới. Trên mọi lãnh vực xã hội:
kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, ... những gì nam giới làm được
họ đều có thể xông xáo vào và có khả năng của người phụ nữ còn vượt
trội hơn nam nhân. Phụ nữ không còn bị liệt vào một địa vị thấp kém
của xã hội như ngày xưa nhằm thời Phật tại thế (dĩ nhiên đây không
phải là tất cả).
Nói đến đây, chúng ta mới thực sự thấy đức Phật lịch
sử là một nhân vật vĩ đại. Ngài đã làm nên một cuộc cách mạng lớn
lao, chẳng những giải phóng cho hàng phụ nữ thoát khỏi sự áp bức của
xã hội mà còn tạo điều kiện cho nữ giới vững bước vào đời.
Thế nhưng, không phải ai cũng thấy được những đóng
góp lớn lao ấy của Phật giáo đối với phụ nữ nên cũng có một số
người chưa hiểu Phật pháp cho rằng giáo lý Phật giáo với thuyết Vô
ngã, thuyết nghiệp báo, luân hồi sanh tử, ... đã làm trì hãm tính năng
động của người phụ nữ, và phụ nữ sẽ rất khó thực hiện phong
trào đòi quyền bình đẳng với nam giới nếu họ học tập giáo lý Phật
giáo.
Tuy nhiên, nếu nói đã vô ngã thì còn gì để giành quyền
bình đẳng, để phát động phong trào nam nữ bình quyền, thi hoàn toàn
không đúng. Vì sao? Vì chính nhờ triết thuyết vô ngã này hàng nam giới mới
nhận thức được rằng không có gì là họ, thuộc về họ để phải lấn
lướt đè bẹp người phụ nữ, và phụ nữ cũng hiểu ra không có gì để
gọi là thua kém để phải tự ti mặc cảm không phấn đấu vươn lên. Và
như thế không có nghĩa là một sự tiêu cực dang xảy ra mà vô hình chung
lại hình thành một cộng đồng người sống trong bình đẳng, với đầy
lòng từ bi, vô ngã, vị tha.
Còn nếu nói về thuyết nghiệp báo, luân hồi thì cũng không
khác gì ý trên. Mọi người, kể cả nam và nữ, nếu đã tạo nghiệp thì
tất nhiên phải lãnh quả báo như nhau. Như vậy không có nghĩa là có thể
nói do người nữ nghiệp chướng nặng nề phải chấp nhận những áp bức
bất công của xã hội và nam giới là những người hoàn toàn trong sạch
để có thể gây nên những nỗi bất bình đến thương tâm ấy, mà đức
Phật thuyết giáo lý nghiệp báo luân hồi chỉ vì mục đích giúp cho mọi
người hiểu được rằng: hễ gieo nhân nào thì lãnh quả đó, và như vậy
sẽ gián tiếp giúp cho mọi người cùng chung sống trong pháp luật, hòa
bình, nhân ái.
Nhìn chung, qua những vấn đề trên, chúng ta có thể đi đến kết luận:
Phật giáo hoàn toàn không hề tỏ ra tiêu cực đối với việc bình quyền
nam nữ mà ngược lại còn ủng hộ phong trào này. Và ngay đây chúng ta có
thể nói với cái nhìn thiết thực, với tư duy đúng đắn về người phụ
nữ, đạo Phật đã góp phần đưa người phụ nữ lên một địa vị xứng
đáng trong xã hội.