- HAI
KHUÔN MẶT TÂM THỨC
- Nguyên
tác Tây Tạng: Lama Gendun Rinpoche
- Dịch
sang tiếng Anh: Anila Rinchen Palmo
2
ĐỐI TRỊ CÁC CẢM XÚC
Khi áp dụng sự
từ bỏ các cảm xúc, chúng ta sẳn sàng buông rơi chúng và tạo khoảng
cách giữa mình và cảm xúc trong tâm ta, để quán sát khi cảm xúc xuất hiện.
Như vậy là chuẩn bị cho tâm chiến đấu chống lại các cảm xúc.
Khi chúng ta bắt
đầu quan tâm tới những vấn đề tâm linh. chúng ta nhận thấy rằng dù
được hấp thụ bởi những ý tưởng cao cả, chúng ta vẫn khó trung thành
với những ý tưởng đó. Là vì chúng ta chịu ảnh hưởng lớn bởi những
khuynh hướng "tự nhiên". Mặc dù có ý định tốt nhưng chúng ta
thường có những hành vi xấu. Chỉ khi nào thói quen tốt trở nên ngang
hàng hoặc mạnh hơn thói quen xấu, thì lực tâm linh trong chúng ta mới bắt
đầu hiển lộ.
Đây là lúc
mà các phẩm tính bên trong chúng ta có khả năng gây ảnh hưởng tới các
cảm xúc khi chúng xuất hiện. Giống như thuốc giải độc, những phẩm tính
đó có thể thay đổi hiệu quả của các cảm xúc. Thuốc giải độc càng
mạnh thì chất độc càng bị hóa giải nhiều.
Trước hết,
chúng ta phải trau dồi những phẩm tính này, vì chúng không phải là những
tính chất tự nhiên nơi con người vị kỷ của chúng ta. Qua thời gian và
với kiên nhẫn, những phẩm tính này trở nên kiên cố để có thể chiến
thắng mỗi lần chống lại các cảm xúc.
Chagme Rinpoche
cho chúng ta biết những phẩm tính đặc biệt nào có hiệu lực nhất trong
việc đối trị mỗi cảm xúc của năm cảm xúc chính yếu. Khi đã được
biết công thức giải độc, chúng ta chỉ còn việc chế tạo và dùng thuốc.
1.- Thiền
quán để đối trị Tham dục
Khi
chúng ta khởi lòng ham muốn bởi sự quyến rũ về vẻ đẹp hình thể của
người nào. Thì hãy xét tính chất thật của người mà ta đam mê. Sự thật
là dù vóc dáng cô gái rất đẹp nhưng bên trong cơ thể lại toàn là những
chất không hấp dẫn gì cả. Thân thể giống như một cái bình bằng vàng
đựng đầy những thứ như phân và nước tiểu. Thân thể chỉ là một
cái túi chứa ba mươi hai chất bẩn được liệt kê theo truyền thống.
Thân trên là máu, mủ và óc; thân dưới là nước tiểu và phân, mật và
bạch huyết. Nếu trông thấy như vậy, người ta sẽ nghĩ một con người
như thế thì có gì đáng ham mê.
Thân thể cũng
chứa đựng 84000 con vi trùng luôn luôn hoạt động để hủy hoại cái
thân đó. Chúng ta không phạm sai lầm tham muốn một người đang bị những
con trùng ăn mòn dần. Phương pháp suy ngẫm này được gọi là quán thân bất
tịnh.
Những xác chết
được mang cho kênh kênh rỉa thịt còn lại bộ xương là một cảnh mà
chúng ta có thể thấy rõ. Chúng ta ghê sợ và tránh xa cảnh đó. Nhưng chính
bộ xương đó cũng có bên trong thân thể chúng ta. Nếu chiêm nghiệm điều
này chúng ta sẽ không còn ham muốn một bộ xương được phủ bên ngoài bằng
những bộ phận khác của cơ thể.
Chúng ta cũng
có thể tưởng tượng trước mắt mình xác chết của người mình yêu với
đầy trùng và dòi bọ. Hay những xác chết ở các mức mục rữa khác
nhau. Chúng ta có thể quán tưởng một bộ xương khô với hai hốc mắt trống
rỗng. Chúng ta nhân lên bên trong tâm, số xác chết cho đến khi trước mặt
mình chỉ có toàn xác chết. Nên quán tưởng như vậy đối với những chi
tiết tỉ mỉ.
Chúng ta có thể
hình dung thân xác của mình hay thân xác của người mình yêu đang tan rã dần
dần, bắt đầu với lớp da bên ngoài, để lộ ra những bộ phận bên
trong thật gớm ghiếc, nội tạng biến đi từng món một cho đến khi chỉ
còn bộ xương.
Chúng ta lại
tưởng tượng thân thể lộn từ trong ra ngoài để tất cả những bộ phận
mà thường chúng ta không thấy như tim, phổi và các thứ khác đều được
phơi bày rành rành. Đó là năm phương pháp quán tưởng sự đáng ghê tởm
của thân thể, có hiệu lực trong việc khắc phục tính tham dục. Tất
nhiên, loại thiền quán này cũng có thể được dùng để vượt qua những
cảm xúc độc hại khác. Khi nào chúng ta cố gắng khắc phục những phản
ứng của mình đối với người khác, dù phản ứng thuận xuất hiện từ
ái dục, hay phản ứng nghịch do giận ghét, thì cách thiền quán này có thể
tiêu diệt những cảm xúc đó. Cách này cũng đối trị được tính kiêu
ngạo, vì nếu chúng ta quán tưởng chính mình như vậy thì tất cả sự tự
kiêu trong chúng ta tiêu tan.
Đó là những
pháp thiền quán chính yếu được dạy trong Phật tạng Phật giáo. Các
Thinh văn dùng các pháp quán thân bất tịnh này. Các La hán đi xa hơn, dùng
những pháp thiền quán về sự tan rã của thân thể dựa trên sự quan sát
trực tiếp của họ ở các nghĩa địa, và những nơi thiêu xác chết. Mục
dích của các pháp này là để hiểu tính vô thường và sự không có tính
bền vững của thể xác, cũng như ở đây để từ bỏ tính tham dục thể
xác vật chất.
Qua thực hành
các pháp này chúng ta có thể giảm thiểu ý tưởng coi mình là quan trọng.
Chúng ta thường nghĩ mình là người đẹp, hấp dẫn, nhưng nếu chúng ta
thường xuyên xét sự kiện thân thể của mình chỉ là tổng hợp của những
chất không trong sạch thì chúng ta có thể từ bỏ hình ảnh đẹp đẽ mà
mình tự tô vẽ về mình. Theo nghĩa rộng, các pháp quán tưởng này giúp
chúng ta hiểu tánh vô thường, và dễ hư hoại của thể xác, không bền vững
đã nâng đở bản ngã của chúng ta, chúng ta không phải là thể xác, và
đây là bước đầu tiên trong việc phát triển trí huệ vô ngã.
2.- Từ bi và nhẫn nhục đối
trị Sân hận
Muốn
đối trị sân hận phải hiểu rằng tất cả chúng sinh trong vũ trụ, dù
đang ở trong trạng thái hiện hữu nào, đều là cha mẹ của chúng ta trong
quá khứ; không chỉ một lần mà vô số lần. Khi chúng ta là con, họ đã
chăm lo và yêu thương chúng ta rất nhiều.
Nhưng hiện tại
những người đó không biết rằng họ đã là cha nmẹ của chúng ta trong
quá khứ. Vì không biết như vậy, họ cố gắng giữ hết sức để làm hại
chúng ta, cứ như là họ đã bị quỷ vô minh làm cho điên cuồng. Ngược lại,
vì biết họ là cha mẹ cũ nên chúng ta tránh đáp trả lại sự sân hận
và kình địch mà hãy làm những gì chúng ta có thể làm được để giúp
họ.
Chúng ta nên
suy ngẫm cẩn thận về điều này cho đến khi thực sự cảm thấy biết
ơn lòng tử tế mà họ đã dành cho chúng ta trong quá khứ. Cách suy nghĩ
như vậy sẽ được đáp lại bằng từ bi thay thế thù địch. Một khi chúng
ta khởi lòng yêu thương và biết ơn với họ chúng ta sẽ không tức giận
một cách vô lý. Chúng ta nên nghĩ về họ : "Người này đã tử tế với
mình trong quá khứ", vậy giờ đây mình phải hết sức giúp đở và
giúp họ thỏa mãn ý nguyện. Họ cũng giống như chúng ta, cũng muốn có hạnh
phúc và tránh đau khổ, vì vậy chúng ta hết sức giúp họ đạt hạnh phúc.
Chúng ta biết rằng nguyên nhân của hạnh phúc là hành động đức hạnh,
do đó chúng ta nên khéo léo tìm cách tạo hoàn cảnh thuận lợi cho những
người thù địch để họ có thể dùng thân, khẩu, ý của họ làm những
việc tốt, tạo cơ hội để họ gieo nhân tốt và nhận được nghiệp quả
tốt sau này.
Chúng ta phải
hiểu rằng muốn đạt giác ngộ viên mãn thì phải thực hành sáu hạnh
hoàn hảo hay sáu ba la mật, một trong những hạnh đó là nhẫn nhục. Nếu
không có những người kình địch và sân hận với mình thì chúng ta không
có cơ hội để thực hành hạnh nhẫn nhục, chúng ta không có dịp để
trau dồi đức tính cần thiết này. Như vậy người có hành động thù nghịch
với chúng ta chính là người làm ơn cho chúng ta. Tình trạng kình địch mà
người đó đang tạo ra là một cơ hội tuyệt hảo để chúng ta luyện
tính nhẫn nhục. Xét như vậy, người đó không còn là kẻ thù của chúng
ta nữa, mà là một người bạn tinh thần đang giúp chúng ta phát triển những
đức tính cần thiết cho sự giác ngộ. Thực hành hạnh nhẫn nhục như vậy,
mỗi khi chúng ta bị khinh khi, chỉ trích, hoặc bị người khác phơi bày những
sự lỗi lầm của mình, thì chúng ta mới có thể thanh lọc vô minh chất
chứa trong tâm ta.
Giáo lý dạy
rằng không có gì tai hại hơn sân hận, vì một cơn giận có thể làm
tiêu tan tất cả công đức được tích lũy trong hàng ngàn kiếp. Và không
có gì quý bằng đức tính nhẫn nhục, vì nhẫn nhục có năng lực thanh lọc
tất cả những nghiệp xấu tích lũy trong hàng ngàn kiếp. Nếu muốn giác
ngộ viên mãn, thì chúng ta nhất định phải có đức tính nhẫn nhục. Nhẫn
nhục là một trong những đức tính chính yếu tạo nên tâm giác ngộ. Để
phát triển đức tính này chúng ta đối mặt với người thù lẫn nghịch
cảnh theo nghĩa trừu tượng. Vì vậy, tất cả những ai khinh bỉ hay thù
địch với ta đều là bạn, vì họ tạo cơ hội lý tưởng để chúng ta
luyện tính nhẫn nhục, thanh lọc nghiệp xấu đã được tạo tác trong
quá khứ và giải trừ những vô minh hiện tại.
Nếu ta không
trông thấy những người đói khát, nghèo khổ thì không thể phát triển
lòng từ bi và hạnh bố thí. Không có từ bi và hảo tâm hay những phẩm
tính tương tự thì chúng ta không bao giờ có thể giác ngộ. Những cảnh
nghèo đói thật là cần thiết cho chúng ta, vì thấy người khác trong hoàn
cảnh khốn khó nên lấy đó làm phương tiện tốt nhất để tu tập các hạnh
lành.
Có thể nói rằng,
những người khác giúp chúng ta đạt giác ngộ nhiều hơn là chư Phật giúp
chúng ta. Trong sáu hạnh hoàn hảo bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn,
thiền định và trí huệ thì chỉ có ba đức tính bố thí, trì giới và
nhẫn nhục là có thể được trau dồi trong sự hợp quần với người khác.
Chúng sinh là những người có công tạo điều kiêïn cho chúng ta luyện tập
những đức tính này. Để thực hành hạnh bố thí cần phải có những người
làm đối tượng cho hảo tâm của chúng ta. Hạnh lành chỉ có thể được
xét theo mối liên hệ giữa chúng ta với người khác, vì trì giới hay hạnh
tốt được định nghĩa là không làm điều gì có hại cho người khác về
thân, khẩu, ý. Chúng ta đã biết rằng nhẫn nhục nghĩa là không có thái
độ xấu nào đối với người khác. Vậy, chúng ta dễ thấy rằng ba đức
tính này không thể phát triển trong sự thiếu vắng người khác.
Do đó, sân hận
người khác khi họ giúp ta cơ hội luyện đức tính nhẫn nhục là vô lý.
Người ta nói rằng ngay cả viêïc Đức Phật Thích Ca giác ngộ sớm hơn
Đức Di Lặc cũng là nhờ vào hành vi thù địch của người anh họ Đề-bà-đạt-đa
(Devadatta) của Ngài. Chúng ta phải hiểu rằng nhờ vào các lực đối nghịch
đó mà chúng ta có thể phát triển những phẩm tính như từ bi, vốn không
thể thiếu trên con đường tiến tới giác ngộ.
Đạo sư
Tilopa (Ấn Độ, thế kỷ mười một) nói rằng, ai muốn giác ngộ nhanh
thì không nên tìm bạn tốt, trái lại dành nhiều thời gian để giao tiếp
với người xấu. Vì nếu chỉ có bạn tốt mà không có ai kình địch, không
ai thử thách thì các cảm xúc của chúng ta sẽ gia tăng, còn các đức tính
thì không có dịp phát triển. Nếu chúng ta dành thời gian tiếp xúc với
người xấu, chúng ta luyện được tính nhẫn nhục, và kết quả là chúng
ta mau giác ngộ hơn.
Nếu những phương
pháp nói trên không thể hóa giải sân hận, thì hãy tưởng tượng kẻ thù
địch trước mặt chính là mẹ mình. Chúng ta quán tưởng như vậy nhiều
lần cho đến khi có cảm giác người đó thực sự là mẹ mình, và hãy
nghĩ tiếp rằng kẻ thù hiện tại này đã nhiều lần là mẹ mình trong
các kiếp trước, do đó không có lý gì để mình thù ghét người này.
Một cách
khác mà chúng ta có thể dùng là quán tưởng chính mình là kẻ thù địch,
và kẻ thù địch chính là mình trao đổi hai nhân vật, mà cũng là trao đổi
hai cảm giác của đôi bên. Chúng ta luyện cách nhìn sự việc từ quan điểm
của bên đối nghịch. Chúng ta nên quán tưởng như vậy nhiều lần, cho đến
khi thực sự thay thế ý muốn và quan điểm của mình bằng thái độ và tư
tưởng của người thù địch đó.
Chúng ta thường
chỉ chú trọng tới ý kiến của chính mình mà quên cách suy nghĩ về mình
theo như người khác nhận xét, và nghĩ về người khác như họ nhận xét
chính họ. Chúng ta thay đổi cách nhìn sự vật bằng cách đặt mình vào vị
trí của người khác. Sự chuyển đổi thái độ này rất có lợi cho việc
khắc phục tất cả cảm xúc, đặc biệt là cảm xúc của sân hận.
Bằng việc
luyện tập các hạnh Bồ tát, dần dần chúng ta sẽ quen với việc ban cho
người khác mọi thành công và tự nhận mọi thất bại và khó khăn về mình.
Pháp đối trị
sân hận tốt nhất là thiền quán về đức tính từ bi. Đó là phương pháp
thiền quán chính yếu của truyền thống Kinh điển (Kinh Điển Thừa) với
21000 quyển kinh, trong đó có nhiều quyển chứa giáo lý đặc biệt về từ
bi.
Nhiều nguời
thấy việc trưởng dưỡng lòng từ bi và tánh nhẫn nhục rất khó. Thậm
chí chúng ta còn cảm thấy đó là việc bất khả, nhưng chúng ta không nên
tuyệt vọng, vì đó chỉ là vấn đề tập luyện. Nếu chúng ta không ra sức
trau dồi thường xuyên những phẩm tính này thì tất nhiên chúng ta không
thể đạt được chúng.
3.-Những giải
pháp cho Vô minh và Hôn trầm
Pháp đối
trị thứ nhứt cho vô minh hay ngu si là ghi nhớ mười hai giai đoạn trong cuộc
đời Đức Phật Thích Ca: giáng hạ từ cõi Đâu Xuất; nhập bào thai; sinh
ra đời; biểu lộ tài năng trong các học thuật; du hí với phụ nữ; từ
bỏ lối sống thế gian; thực hành khổ hạnh; thiền định dưới cội Bồ
đề; nhiếp phục ma quỷ; giác ngộ; chuyển pháp luân và nhập Niết bàn.
Phương pháp
thứ nhì là nghiên cứu thấu đáo mười hai nhân duyên, một chuổi các sự
kiện lần lượt là nhân và quả của nhau trong luân hồi: vô minh, hành (tập
hợïp của nghiệp quá khứ), thức (tâm thức), danh sắc (thân tâm), lục
nhập (các cảm giác), xúc, thọ (cảm tưởng), ái (tham), thủ (chấp giữ),
hữu (hiện hữu, nghiệp hiện tại), sinh, lão, tử.
Nguồn gốc của
luân hồi là vô minh. Vô minh sinh ra các niệm tưởng khác nhau trong tâm và
những niệm tưởng này phát sinh một loạt những sự kiện dẫn tới những
kinh nghiệm sau cùng là sinh, lão, tử. Đó là tiến trình luân hồi mà tất
cả chúng sinh đều phải trải qua từ kiếp này sang kiếp khác. Chư Phật
là những người đã thoát luân hồi (chu trình đau khổ được vận hành bởi
vô minh). Tiến trình này được tượng trưng bằng một bánh xe, chính là
vì tính chất xoay chuyển không ngừng của nó.
Dù chúng ta
sinh ra từ bào thai, từ trứng hay nơi ẩm ướt như vi trùng, hoặc sinh ra một
cách tự nhiên như một vị hóa thần ở cõi trời thì vẫn có một điều
chắc chắn là cuộc đời của chúng ta sẽ kết thúc với cái chết. Không
thể tránh sự chết và sự tái sanh. Chúng sinh không ngoại lệ đều phải
trải qua kinh nghiệm này. Đó là lý do trong các tranh vẽ theo truyền thống,
bánh xe luân hồi được giữ trong miệng của Diêm Vương, hay Thần Chết,
có hình dạng khổng lồ và quái đản. Sáu cõi luân hồi nằm ở giữa bụng
Diêm Vương vì mọi sinh vật phải chuyển từ kiếp này qua kiếp khác.
Bên trái của
cổng vào các tu viện có hình vẽ bánh xe luân hồi để nhắc nhở mọi
người, tăng cũng như tục.
Người nào chấm
dứt được sự vô minh của mình thì người đó tự động làm ngừng những
mắc xích khác của mười hai nhân duyên, từ các niệm tưởng của tâm thức
cho tới già và chết. Tiến trình này được đảo ngược và chấm dứt với
việc thoát luân hồi. Ở bên phải cổng tu viên là hình vẽ bánh xe pháp
có màu trắng tượng trưng cho sự thanh tịnh, tám căm xe tượng trưng cho Bát
chánh đạo, là pháp mà Đức Phật đã dạy với mục đích chấm dứt mười
hai nhân duyên gây ra luân hồi.
Vô minh hay ngu
si thực sự nghĩa là gì? Tâm vô minh là tâm không biết chính mình, không
hiểu chân như của mình. Vì vô minh , mà chúng ta vướng vào luân hồi,
lang thang từ kiếp này sang kiếp khác, tìm hạnh phúc một cách vô vọng.
Vô minh sẽ chấm dứt lúc nhận ra tâm chân như của mình, và lúc đó
chúngta bước vào con đường của những đấng cao quý, đường đạo thoát
khổ của các Bồ tát. Vậy việc làm chính yếu của chúng ta là loại bỏ
vô minh để nhận ra chân tánh của mình.
Để chống lại
vô minh, chúng ta không nên ngủ nhiều mà phải ngủ trể, dậy sớm. Để
giúp vấn đề này, chúng ta dán vào cột nhà những biểu tượng thanh tịnh
của chư Phật. Thay vì ngủ, chúng ta nhiễu quanh cột tỏ lòng tôn kính những
biểu tượng này, hay phục lạy hoặc niệm chú. Như vậy chúng ta không để
cho tâm hao phí thì giờ với giấc ngủ, vốn là sự biểu lộ của vô
minh.
Nói cách khác
để giảm thiểu tính ham ngủ, khi nào thấy buồn ngủ chúng ta hãy tưởng
tượng mình đang đội một cái đèn trên đỉnh đầu, và tập trung tâm
vào ngọn lửa, hình dung chiếc đèn thật rõ ràng. Pháp quán tưởng này
có khả năng tiêu trừ sự hôn trầm, do đó rút ngắn thời gian ngủ cần
thiết.
Trong Luận Tạng,
thiền quán về mười hai nhân duyên được coi là pháp đối trị tốt nhất
cho vô minh hay sự mê muội của tâm.
4.- Hủy diệt
kiêu ngạo và tự cao
Loại cảm
xúc độc hại tiếp theo cần phải đối trị là kiêu ngạo. Để hóa giải
tính kiêu ngạo chúng ta hãy quán sát như sau:
Trải nhiều
đại kiếp mình đã lang thang trong luân hồi vô tận. Mình thật là cứng
đầu, vì dù phải trải qua bao đau khổ, mình vẫn trơ trơ, luôn luôn sẵn
sàng lăn trôi sinh tử.
Khi nào tâm hậu
quả bị xâm chiếm bởi những tư tưởng liên quan tới năm cảm xúc độc
hại, chúng ta không nên làm gì cả. Đây chính là lúc làm theo những lời
dạy của Đức Phật. Đức Phật là pháp vương là Vua của các giáo lý,
và những lời dạy của Ngài phải được coi là mệnh lệnh của một vị
vua đầy uy quyền, nếu không tuân theo thì chịu hậu quả nghiêm trọng. Nếu
có những cảm xúc khuấy động tâm trí mà chúng ta không biết hành động
đúng cách thức như Đức Phật đã dạy, thì chúng ta sẽ còn phải tái
sinh hàng trăm, hàng ngàn kiếp trong những cõi thấp.
Cần phải ngăn
chận hoạt động của năm cảm xúc, và cách độc nhất để kiềm chế những
cảm xúc là thực hành giáo lý của Đức Phật. Không như vậy, những cảm
xúc sẽ tiếp tục gây rối loạn và làm cho chúng ta rơi vào những cõi thấp
và đau khổ trong nhiều kiếp.
Chúng ta biết
rằng một khi sinh ra ở thế gian này sớm muộn gì chúng ta sẽ chết và
lúc chết không phải là một kinh nghiệm dễ chịu đựng. Nhưng nếu chúng
ta không làm theo những lời dạy của Đức Phật về cách đối trị các cảm
xúc, thì sự đau khổ mà chúng ta chịu vào lúc chết sẽ được nhân lên
một trăm ngàn lần. Nếu biết cách thay đổi những khuynh hướng cảm xúc
của mình, chúng ta sẽ hành động một cách đạo đức. Lúc đó, dù phải
chết, nhưng cái chết như không hiện hữu đối với chúng ta, vì vào lúc
chết chúng ta tái sanh tức khắc với một thân thể tốt và một cuộc sống
thật dễ chịu, vậy phải tránh mọi đau khổ vào lúc chết.
5.- Những ý
tưởng giúp chúng ta bỏ cảm xúc
Nếu
chúng ta từ bỏ giới nguyện vì tham muốn một cái gì đẹp đẻ hay hấp
dẫn, thì như vậy giống như con thiêu thân lao đầu vào lửa, chúng ta tự
gây ra sự hư hoại của mình.
Khi tâm bị
xâm chiếm bởi một khối cảm xúc rối loạn bất an, chúng ta có thể bám
vào cảm giác mờ nhạt về một sự dễ chịu và an toàn do tâm trạng này
sinh ra. Tình trạng này cũng nguy hiểm như ngủ trên nệm rơm trải trên
than nóng; rơm có thể bốc cháy bất cứ lúc nào.
Nếu chúng ta
từ bỏ giới nguyện của mình về ẩm thực để uống quá nhiều rượu
hay ăn quá nhiều thịt, thì thú vui đó giống như liếm mật ong dính trên
lưỡi dao cạo, có nguy cơ bị đứt lưỡi.
Chúng ta có thể
tìm cách đánh phá kẻ thù địch, giết họ và cướp tài sản, nhưng chúng
ta không bao giờ thắng tất cả kẻ địch. Ngược lại, làm như vậy là
chúng ta cướp hạnh phúc của chính mình không chỉ trong một kiếp mà là
vô số kiếp. Hơn nữa công đức mà chúng ta đã tích lũy qua nhiều kiếp
có thể bị tiêu tan hết chỉ vì một lúc tức giận. Vậy chúng ta cần
xem mình có những lỗi lầm nào hay không. Những lỗi lầm cần phải được
loại bỏ và thay thế bằng những tính tốt. Nếu không nhận lỗi, chúng
ta sẽ mỗi lúc mỗi kiêu ngạo hơn. Sự kiêu ngạo làm cho chúng ta coi lỗi
lầm của mình là những đức tính và đối xử xấu với người khác. Người
khác bị thuyết phục phải chia xẻ ý kiến của ta về chính mình, và
trên hết chúng ta tự cho mình đúng do nhận lầm những bợn dơ trong tâm
trí của mình là trong sạch.
Những điều
giả dối này, sẽ làm cho chúng ta lẫn người khác tái sanh vào những cõi
thấp, vì vậy, phải liên tục thực hành giáo pháp để sám hối tội lỗi
và ngăn chận những hậu quả xấu có thể sinh ra từ tội lỗi đó..
Chúng ta phải bắt đầu bằng việc tìm xem mình có những lỗi làm nào rồi
ứng dụng những giáo lý đã học được vào việc tiêu diệt những lỗi
lầm đó. Khi tâm chúng ta không còn lỗi lầm nào cả, thì mọi hành động
của chúng ta sẽ hoàn hảo, sớm đạt sự thanh tịnh đích thực của Phật
quả, giác ngộ viên mãn.
Việc nhìn thấy
lỗi làm trong tâm sẽ tự động làm cho chúng ta cảm thấy hổ thẹn và do
đó giải trừ tính kiêu ngạo.
6.- Pháp đối
trị ganh tị
Tính
ganh tị cũng được đối trị bằng thực hành quán sát tương tự. Chúng
ta nhớ lại lúc mình thọ giới Bồ tát. Trong lễ thọ giới, chư Phật chứng
giám lời thệ nguyện của chúng ta về việc đạt giác ngộ vì lợi ích của
chúng sinh sau khi mình giác ngộ, cũng giúp chúng sinh giác ngộ.
Chúng ta thệ
nguyện cư xử đức hạnh, tạo nghiệp tốt để giúp đở và luôn luôn
làm việc vì lợi ích chúng sinh. Chúng ta cũng thề sẽ cầu nguyện liên tục
cho người khác, mong cầu họ được hạnh phúc và tạo được nhân lành
đem lại hạnh phúc.
Vậy chúng ta
không được quên tất cả những lời thệ nguyện này, để mỗi lần trông
thấy những người nào hạnh phúc hay thành công, người nào khá giả hơn
hay đạt được nhiều hơn mình, chúng ta lại ganh tị và ghét họ. Nếu đó
là phản ứng thì chúng ta đã làm ngược lại tất cả những lời thệ
nguyện trước của mình. Để chống lại phản ứng ganh tị này, mỗi lần
thấy người nào hạnh phúc, chúng ta hãy vui vì hạnh phúc của họ. Đó
là pháp đối trị cảm xúc ganh tị.
Chúng ta phải
hiểu rằng, cảm giác ganh tị khi thấy người nào hơn mình sẽ sinh ra hậu
quả xấu là tái sanh vào địa ngục hay vào cõi của loài bán thần A tu la
với tất cả mọi đau khổ của những cõi này. Vì vậy chúng ta phải suy
ngẫm thật cẩn thận để hóa giải tính ganh tị của mình.
Đến đây là
chấm dứt phần thứ nhì bàn về cách đối trị những cảm xúc. Những phương
pháp đối trị được trình bày trong phần này, tương ứng với những
phương pháp có trong Kinh điển thông thường của Đại thừa cũng như Tiểu
thừa.
Giới thiệu
| chương 1 | chương 2
| chương 3 | chương 4 | chương 5