Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt    

   

...... ... ..  . ..  .  .
HAI KHUÔN MẶT TÂM THỨC
Nguyên tác Tây Tạng: Lama Gendun Rinpoche
Dịch sang tiếng Anh: Anila Rinchen Palmo
Việt dịch: Lục Thạch

4
THỰC CHẤT CỦA CÁC CẢM XÚC

            Phần thứ nhì của chuơng "Chim Công Lớn" nói rằng những người thực hành Kim Cương Thừa có lời nguyện thiêng liêng là không từ bỏ năm độc tố: tham. sân, si, ganh tị và kiêu mạn, vì nếu từ bỏ những cảm xúc này, họ sẽ không thể khám phá ra trí huệ chính là thật tánh của chúng. Từ bỏ năm độc tức là từ bỏ mọi khả năng hiểu biết về năm trí, vì không thể tìm thấy năm trí này ở đâu ngoài các cảm xúc.

            Vậy khi thực hành mật giáo, chúng ta phải làm việc với các đối tượng khác nhau gây ra những phản ứng cảm xúc để chứng nghiệm loại trí huệ tương ứng cảm xúc đó. Những đối tượng của tham, sân, si, ganh tị và kiêu ngạo trở thành phương tiện cho chúng ta thoát khỏi những cảm xúc gây phiền não.

            Điều này có nghĩa là, khi có một cảm xúc độc hại nào xuất hiện nơi tâm thức, chúng ta phải nhìn thẳng vào bản chất của nó, cho đến khi nào hiểu ra rằng cảm xúc này không thật.

                1.- Nhận thức cảm xúc và trí huệ

                     Cảm xúc chế ngự chúng ta khi tâm thức bị rối loạn. Khi tâm còn vô minh, căn và trần duyên vào nhau, phóng chiếu những niệm tưởng về thế gian. Do tập quán cũ (hoặc nghiệp) của chúng ta, tâm tự phóng chiếu những hình ảnh và tâm nhận lầm là những hình ảnh này phân cách với nó. Những hình ảnh này trở thành sắc tướng đối tượng của thị giác và âm thanh trở thành đối tượng của thính giác v.v... Sự hiện diện của sắc tướng (đối tượng) dường như có vẻ độc lập lại càng làm cho tâm bị nhiễu loạn và gây ra cảm xúc phiền não. Thí dụ, khi mắt của chúng ta trông thấy một hình thể, ngay tức khắc chúng ta có phản ứng với hình thể của nó. Nếu hài lòng hay ưa thích, chúng ta thấy nó hấp dẫn. Bằng ngược lại không hài lòng hay ghét bỏ, chúng ta từ chối và tránh xa nó. Với các loại cảm giác khác chúng ta cũng có những phản ứng như vậy.

            Mỗi khi các giác quan hoạt động chúng ta nên nhìn thẳng vào bản chất của những sự kiện đang xảy ra.Dần dần chúng ta sẽ thấy rằng đối tượng mà chúng ta cảm nhận, chỉ là những hoạt động của tâm thức. Không khác tâm, đối tượng chính là tâm, vì vậy không cần phải dựng lên nhị nguyên giả tạo, bằng cách giữ sự phân biệt giữa chủ thể và đối tượng. Nếu chúng ta nhìn vào yếu tính của sự bất nhị này, tức là thực tính của đối tượng, lẫn chủ thể, chúng ta sẽ khám phá ra yếu tính của chính tâm thức.

            Sự cảm nhận yếu tính của tâm thức xảy ra khi tất cả các niệm trước đã dừng lại và niệm sau chưa xuất hiện. Tâm trụ trong tự nhiên, là thực tại của chính nó. Đó là tâm nhìn thấy yếu tính của chính nó, và đây là cái mà chúng ta gọi là trí huệ nguyên thủy. Sự xuất hiện của trí huệ nguyên thủy trong tâm sẽ tự động dẹp bỏ các cảm xúc. Giống như đốt ngọn nến trong căn phòng tối, khi ánh sáng xuất hiện, bóng tối tự động biến đi, trí huệ trong tâm sẽ loại trừ hoàn toàn tất cả các cảm xúc.

            Khi áp dụng thành công pháp thiền quán này thì mỗi khi cảm xúc nào dấy lên, trí huệ liền xuất hiện chặt đứt cảm xúc ấy. Sự xuất hiện đồng thời này vừa tạo giải thoát vừa sinh trí huệ. Như vậy, mỗi loại cảm xúc trở thành một loại trí huệ.

            Nhưng nếu chúng ta không thấy khía cạnh trí huệ của sự kiện xảy ra trong tâm trí, thì chúng ta vẫn còn vướng vào nhị nguyên. Chúng ta đi theo niệm tưởng, chịu ảnh hưởng của niệm tưởng, và phản ứng với đối tượng, hoặc nhận hoặc bỏ đối tượng, cho đến khi tâm bị rối loạn và cảm xúc xâm chiếm và hậu quả là chúng ta kinh nghiệm đau khổ.

            Giáo lý này nói rằng nếu bỏ năm độc chúng ta sẽ không tìm thấy trí huệ. Hoạt động của các cảm xúc là hoạt động của tâm thức. Mỗi cảm xúc xuất hiện thì đó là tâm thức đang hoạt động, vì vậy nếu chúng ta chối bỏ cảm xúc, chúng ta cũng chối bỏ tâm thức. Chỉ qua hoạt động của tâm chúng ta mới có thể khám phá hoạt động của trí huệ. Từ chối hoạt động cảm xúc của tâm thức là từ chối khả năng trông thấy hoạt động trí huệ của tâm, và sẽ không thể hiểu sự thật tối hậu của tâm thúc, hiểu thấy  "Bản lai diện mục". Một điều nên cảnh giác.

            Từ bỏ năm cảm xúc phiền nhiễu là đi vào con đường gián tiếp dẫn đến giác ngộ. Đó là con đường mà các Thanh văn đi theo. Nhưng nhìn vào thực chất của các cảm xúc như chúng xuất hiện và khi chúng xuất hiện không phải là chuyện dễ. Nếu chúng ta chỉ nhìn các cảm xúc lần lượt diễn ra trong tâm trí, theo cách thông thường, thì chúng ta không thay đổi gì cả. Nếu chúng ta thực sự vui hưởng các cảm xúc của mình, cố ý gia tăng sức mạnh của chúng cho đến khi say sưa vì chúng, thì như vậy chúng ta cư xử như người bị quỷ ám, hậu quả là chúng ta sẽ tạo nghiệp của một con quỷ.

            Cũng có thể chúng ta trở thành hạng người mỗi lúc mỗi kiêu ngạo hơn về khả năng nhìn vào thực chất của cảm xúc. Dù chưa hiểu biết trọn vẹn về cảm xúc, chúng ta gia tăng lực của các cảm xúc. Cảm xúc càng mạnh, sự kiêu ngạo của chúng ta càng tăng. Dù không thực sự thoát khỏi phiền nhiễu của cảm xúc chúng ta vẫn nói là mình đã thoát, và tự coi mình là tấm gương có kinh nghiệm cảm xúc mà không để cho cảm xúc lôi cuốn. Do thói kiêu ngạo, chúng ta tìm danh tiếng. muốn người khác coi mình là quan trọng, biết cách đối trị các cảm xúc. Mỗi lúc mỗi kiêu ngạo và lầm lẫn hơn, chúng ta sẽ tạo những nghiệp mỗi lúc mỗi xấu hơn.

                2.- Một vị Phật cho mỗi cảm xúc

                 Nếu chúng ta cố gắng nhìn thẳng vào thực chất của mỗi cảm xúc như chúng xuất hiện thì chúng ta sẽ thấy các cảm xúc này chính là năm trí huệ. Trong sự độc hại của sân hận, chúng ta cảm nhận trí huệ giống như tấm gương (Đại viên cảnh trí) tương ưng với Phật Dorje Sempa (Vajrasattva). Nhìn thẳng vào thực chất của kiêu ngạo, chúng ta thấy trí huệ về sự bình đẳng và Phật Ratnasambhava. Trong tính chất của tham dục chúng ta tìm ra trí quan sát (Diệu quan sát trí) và Phật Amitabha. Nhìn vào tính ganh tị chúng ta thấy trí thành tựu toàn thể (Thành sở tác trí) và Phật Amoghasiddhi. Và khi nhìn vào vô minh chúng ta tìm thấy trí huệ pháp giới, thực tế tối hậu, và Phật Vairocana.

            Các vị Phật này cũng tương ứng với các năng lực căn bản trong thân thể và mỗi năng lực này liên quan tới một cảm xúc. Việc quan sát các cảm xúc không chỉ làm cho chúng ta nhận ra một phương diện của trí huệ, mà còn chuyển hóa nguyên tố tương ứng của thân thể thành một trong năm vị Phật.

            Theo đạo pháp này chúng ta không tìm cách bỏ năm cảm xúc, mà chỉ nhìn thẳng vào yếu tính hay sự thật của chúng, như vậy chúng ta sẽ tự động chuyển hóa ngay lúc đó thành năm trí huệ, và chúng ta phát sinh một cách tự nhiên tâm trí của năm vị Phật nguyên thủy.

            Những người hành thiền theo các truyền thống Mahamudra (Đại ấn) hay Dzogchen (Đại hoàn thiện = Đại giác ngộ) dùng pháp này để chuyển hóa các cảm xúc.

                3.- Phương thuốc trị bách bệnh

                     Nhìn thẳng vào yếu tính hay tính chất của một cảm xúc là phương pháp được ứng dụng trong mọi trường hợp, giống như một phương thuốc có thể trị được tất cả các bệnh tật.

            Một hành giả có khả năng lớn dùng phương pháp này để triệt hạ các cảm xúc ngay khi một cảm xúc nào đó xuất hiện trong tâm, giống như đặt tia lửa nhỏ vào đống cỏ khô, đống cỏ sẽ cháy tiêu. Cũng vậy, chỉ một tia lửa nhỏ trí huệ có thể đốt tất cả phiền não cùng với các cảm xúc cho đến khi trong tâm chỉ còn lại sự thật tối hậu.

            Những người có khả năng trung bình sẽ dùng phương pháp này như sau. Ngay khi họ nhận thấy có một cảm xúc xuất hiện nơi tâm trong lúc đang tham thiền, họ sẽ trừng trừng nhìn thẳng vào nó. Cảm xúc đó sẽ tự yên tĩnh và không làm phiền hành giả nữa. Điều này được ví với tính bất nhị của sóng và nước. Sóng và nước chỉ là một, thực sự không có sự khác biệt nào. Cũng vậy, nhiều loại cảm xúc khác nhau xuất hiện trong tâm không là gì khác hơn chính tâm. Do đó không có lý do gì để chối bỏ cảm xúc hay coi nó là khác với tâm. Hành giả trung bình có thể hiểu được điều này và vì vậy các cảm xúc sẽ tự yên tĩnh.

            Hành giả có khả năng bình thường qua phương pháp này sẽ ý thức về cảm xúc khi nó xuất hiện trong tâm. Người đó sẽ không hưởng ứng và bị lôi cuốn bởi cảm xúc theo thường lệ. Giống như một người khùng chợt tỉnh lại; tâm thức của người đó trở lại thay thế cho sự điên khùng. Cũng vậy, ngay khi hành giả nhận ra sự có mặt của một cảm xúc, người đó sẽ áp dụng phương pháp nào mà y coi là thích hợp với trường hợp riêng biệt đó. Ý thức về cảm xúc, dù không đủ rõ rệt để giải thoát chúng khỏi cảm xúc, ý thức đó sẽ là khởi điểm cho việc áp dụng những lối tiếp cận khác, sẳn có hơn.

            Chagme Rinpoche chấm dứt phần này với kết luận rằng vì ngài đã dùng tất cả những phương pháp mà ngài đã nói ở trên có hiệu quả nên ngài khuyên Tsundru Gyamtso, vị Lạt ma đã thỉnh cầu ngài giảng về cảm xúc, hãy thực hành những phương pháp này vì chúng là thành quả của kinh nghiệm bản thân ngài.


Giới thiệu | chương 1 | chương 2 | chương 3 | chương 4 | chương 5

 


Vào mạng: 27-11-2001

Trở về mục "Đạo đức-Tâm lý học Phật giáo"

Đầu trang