-
Nói
Với Tuổi Hai Mươi
-
Sàigòn – Lá Bối – 1966
Lý tưởng
Lý
tưởng không phải chỉ là sản phẩm của lý trí như Phạm Công Thiện nói. Lý tưởng
là sản phẩm của những ước vọng từ cạn nhất đen sâu nhất của con người và
là động lực giúp con người tự thực hiện. Bởi vậy ta không thể nói như người
trai trẻ họ Phạm rằng: «Con người hồn nhiên không có lý tưởng. Chỉ khi nào
người ta mất mát rồi thì người ta mới tạo ra lý tưởng để tự đánh lừa mình
bằng sự phiêu lưu vô định trong thế giới tư tưởng. Lý tưởng là những sản
phẩm của lý trí: lý trí là ký ức, ký ức là quá khứ, là kinh nghiệm; kinh
nghiệm đánh mất hồn nhiên » .
Chúng ta
không nên nghĩ rằng lý tưởng là một giả tạo của tư tưởng để con người tự
đánh lừa mình. Cũng không nên nghĩ rằng lý tưởng thì bao giờ cũng là đẹp đẽ.
Lý tưởng biểu hiện ước muốn của con người và ước muốn ấy có khi không
chính đáng. Không chính đáng ở đây không có nghĩa là trái chống
với một nền đạo đức hay luân lý nào. Không chính đáng ở đây chỉ có
nghĩa là không có tính cách xây dựng, lành mạnh, và còn đe dọa phá hủy những
gì đẹp đẽ và mầu nhiệm của hiện hữu.
Tôi muốn định
nghĩa lý tưởng là ước vọng, và là nhu cầu đạt tới sự thực hiện những ước vọng
của một người hoặc một nhóm người. Vậy thì lý tưởng là một cái gì phải có
đối với con người, bởi vì ít nhất và cạn nhất con người cũng muốn có cơm
ăn khi đói, áo mặc khi rét. Xa hơn, con người còn muốn được thương yêu
khi cô độc, được khám phá khi óc tò mò bị kích thích. Về sinh lý, chúng ta
đều được cấu tạo như nhau, hoặc nói cho đúng, tương tự như nhau. Mà về tâm
lý cũng vậy bởi vì tâm lý dựa trên cơ sở sinh lý. Cái hợp thể ngũ uẩn
của chúng ta (ngũ uẩn: sinh lý, cảm giác, suy tưởng, ý chí và nhận thức)
trong lúc hiện sinh cũng cần có những điều kiện để được nuôi dưỡng và phát
triển như bất cứ một hiện tượng nào khác, và có lẽ hơn bất cứ
một hiện tượng nào khác. Cái hợp thể ngũ uẩn đó, như vậy, có những nhu cầu
không bao giờ cạn của nó, và tôi gọi hình ảnh và động lực đạt tới sự thỏa
mãn những nhu cầu ấy là lý tưởng.
Người chuyên
môn đi tìm lạc thú cũng có lý tưởng của mình. Nếu hằng ngày, tôi có thể
nghe những câu tương tự như «đó là một nơi cắm trại lý tưởng» hay «đó là một
cái bar lý tưởng» hoặc «đó là một thứ rượu lý tưởng » thì tại sao ta không
thể định nghĩa lý tưởng như là những mong ước thỏa mãn những nhu cầu của
chúng ta. Có một điều cần nhớ là những nhu cầu của ta không bao giờ có thể
được thỏa mãn trọn vẹn và khi nói đến lý tưởng là ta nghĩ đến những gì
chưa được thỏa mãn ấy. Tôi thấy bi kịch của một kiếp người là ở chỗ con
người không sống được trọn vẹn cuộc đời của mình, chỉ thấy được một số nhu
cầu rất cạn hẹp của ngũ uẩn mà không thấy được những nhu cầu thâm sâu nhất
của ngũ uẩn. Do đó chúng ta thấy có sự lệch lạc đáng tiếc; có khi ta đòi hỏi
ước mong những gì thực sự bản thể ta không cần đến và ta không biết đòi hỏi
ước mong những gì mà bản thể ta, trong phần sâu thẳm và vĩ đại của nó,
đang cất tiếng kêu gọi. Nếu ta biết hướng sự sống ta về những lý tưởng (tôi
nhắc: những nhu cầu) này thì ta có thể phát triển con người của ta đến mức
tốt đẹp và vĩ đại nhất mà nó có thể đạt được.
Có những nhu
cầu do ta tự tạo, những nhu cầu này có vẻ giả tạo và không thực sự cần thiết.
Ví dụ thói nghiện rượu hay thuốc phiện. Ta tập cho ngũ uẩn ta một thứ nhu
cầu đề ngũ uẩn ta quen với nó, đòi hỏi nó, thiếu thốn nó. Và một khi sự
đòi hỏi và thiếu thốn ấy trở nên độc tài rồi thì ta sẽ mắc kẹt vào nó,
không thể gỡ ra được nữa. Rượu và thuốc phiện là những gì không thực sự cần
thiết cho sự tồn tại phát triển của hợp thể ngũ uẩn, trái lại, chúng phá
phách và tàn hại hợp thể ngũ uẩn. Ta gọi là nhu cầu không chính đáng
những thứ nhu cầu không thực sự cần thiết, những thứ nhu cầu tàn hại sự
sống, ngăn cản đà phát triển của một hợp thể ngũ uẩn lành mạnh. Và như thế
những nhu cầu này không thực sự là những nhu cầu. Thực sự là nhu cầu thì
chỉ có những gì giúp ta đạt tới sự mạnh khoẻ, bình tĩnh và an lạc của hợp
thể ngũ uẩn.
Ta biết rằng
có những người nương vào nghệ thuật (nhạc, thi, họa, v.v.. ) để tự đưa
mình đến một mức sinh hoạt thực sự văn minh, thực sự cao đẹp. Có những người
không bao giờ có thể thưởng thức được một bản nhạc tâm linh để cho tâm hồn
mình vươn lên cao vút và trong sáng như sao trời mà chỉ có thể thấy được sự
rung cảm rạo rực nơi những bản nhạc sầu đau hay cuồng loạn. Bằng bất cứ một
bộ môn nghệ thuật nào, người ta cũng có thể đạt tới sự phát triển đến tận
cùng bản ngã của mình. Yêu thương cũng là một nghệ thuật. Khám phá cũng là
mộ nghệ thuật. Bằng con đường yêu thương hoặc bằng con đường khám phá, ta
cũng đạt tới sự phát triển toàn diện bản ngã của chúng ta.
Ta thấy có những
người không thể nào ngồi yên khi nghe nói đến một tai nạn vừa xảy ra cho một
người bạn. Dù trời mưa rét, dù đêm khuya, những người này cũng tự nhiên rời
bỏ gian phòng ấm cúng của mình để lặn lội đi trong mưa lạnh tìm tới nhà bạn.
Tôi không muốn cho đó là mệnh lệnh của bổn phận, của đạo lý. Tôi muốn cho
đó là tiếng gọi của một nhu cầu. Nhu cầu của thương yêu, của sự bình yên
tâm hồn. Nếu không bỏ gian phòng ấm cúng mà ra đi trong mưa lạnh, người
kia sẽ cảm thấy thiếu thốn. Thiếu thốn vì không đáp lại được nhu cầu
thương yêu, vì không đáp lại được nhu cầu của sự bình yên tâm hồn. Những
người như thế đã tìm thấy những loại nhu cầu có thể giúp họ phát triển con
người của họ về hướng Chân Thiện Mỹ.
Có những người
đi làm việc xã hội là để giết bớt những thì giờ trống trải, và có những
người khác vì nhu cầu của thương yêu, vì nhu cầu của ý thức trách nhiệm.
Thỏa mãn được những nhu cầu này, người ta cũng cảm thấy an lạc và hạnh
phúc, và như thế, phần thưởng cũng sẽ rất ngọt ngào. Thường tình ai cũng
thấy ngồi trong căn phòng ấm cúng là dễ chịu hơn đi trong mưa lạnh, nhưng
một khi nhu cầu yêu thương và trách nhiệm đã trở nên rõ rệt, thì nhu cầu
nhỏ bé của sự làm biếng sẽ bị mờ đi và trở nên không quan trọng nữa.
Ở mỗi con người
đều có nhu cầu của sự phát triển toàn diện và tuyệt đỉnh của con người ấy.
Trong đạo Phật nhu cầu kia được gọi là Phật tính (bởi vì Phật là gì, nếu
không phải là sự phát triển toàn diện của con người đến mức cao nhất?) Nhu
cầu kia thật là một tiếng gọi tha thiết nằm ngay trong bản chất của hợp thể
ngũ uẩn. Nghe được tiếng gọi ấy là ta có thể bỏ dần được những nhu cầu giả
tạo, những nhu cầu không thực sự là những nhu cầu, để đi tới. Đi tới đây
nghĩa là phải ăn, phải ngủ, phải chơi, phải học, phải lo lắng, phải thương
yêu, phải hành động. Ăn, ngủ, chơi, học, lo lắng, thương yêu và hành động
thế nào để thân thể khỏe mạnh, để hào quang của một hợp thể ngũ uẩn có thể
tỏa chiếu đèn những sinh hoạt của các hợp thể ngũ uẩn khác. Em đừng nhìn
tôi vớ icặp mắt e ngại như thế. Tôi không có ý muốn bảo em hãy ăn chay,
hãy tụng kinh, hãy từ bỏ hết những sinh hoạt vui và trẻ của em đâu. Trái lại
tôi muốn em được tự do, tự do phát triển để được thực sự sung sướng. Người
ta không có thể thành Phật bằng cách sống một cuộc đời cực khổ, trái lại
người ta chi có thể thành Phật bằng cách sống một cuộc đời thực sự sung sướng.
Mà để được thực sự sung sướng, ta phải biết những gì là nhu cầu đích thực
của ta và những gì là nhu cầu không đích thực của ta.
Tôi lấy ví dụ
vấn đề ăn. Cố nhiên là em có thể ăn bất cứ thứ gì các em muốn, bởi vì em
có tự do. Cũng như Gide nghĩ đã là những enfants de la terre
thì ta có quyền và có thể ăn bất cứ một thứ nourristures terrestres
nào. Lẽ cố nhiên. Nhưng vấn đề không giản dị như thế. Ta còn xem coi lục
phủ ngũ tạng của ta có thể chấp nhận được nhưng món ăn nào. Để đừng làm hại
tới sự an lành và phát triển của ngũ uẩn, em không thể ăn những món ăn có
tác dụng tàn hại và gây rối loạn cho ngũ uẩn em. Thế thôi. Và em phải tự lựa
chọn lấy món ăn. Nếu cần, em nhờ sự giúp đỡ của một bác sĩ mà em tin cậy.
Em có quyền
ăn, nhưng mà nếu vì ăn phải một món ăn không thích hợp với tì vị em có thể
đau bụng, và em phải ráng chịu. Đó là ý nghĩ của tự do, vì tự do không thể
không đi đôi với tinh thần trách nhiệm. Tự do mà không có trách nhiệm thì
không còn là tự do mà là tự hoại, mà là phá hoại.
Hãy ăn những
gì ngon lành, thực sự ngon lành, bây giờ và cả ngày mai nữa, cho khẩu vị của
em, cho ngũ uẩn của em. Có những thức ăn bổ dưỡng, giữ gìn cho em một sức
khỏe, một sự an lành, một sự tráng kiện thân thể cũng như tâm hồn. Có những
món ăn không ngon và không bổ dưỡng, nhưng ảo giác của em có thể cho là
ngon và bổ dưỡng. Những món ăn ấy chỉ có tác dụng phá hoại. Có những món
ăn thực sự ngon lành và bổ dưỡng mà chỉ vì không quen hay chưa quen, em
cho chúng là dở và không cần thiết.
Đánh răng chẳng
hạn, không phải là một nhu yếu tốt đẹp và chính đáng sao. Thế mà một số những
người dân quê chưa quen, cho đó là một kỷ luật khó chịu, một cực hình. Đối
với em, người đã được dạy đánh răng sau bữa ăn từ thuở nhỏ, thì đánh răng
là một nhu cầu cần thiết. Em thấy khó chịu thiếu thốn mỗi khi ăn xong mà
không có bàn chải đánh răng. Đó, em đã tìm thấy thêm một nhu cầu chính
đáng nữa rồi, bởi vì đánh răng giúp cho em giữ gìn thêm được sự tráng kiện
của thân thể, ngăn cản được sự sinh sôi nảy nở của một số không nhỏ những
vi trùng trong miệng.
Tìm thấy được
lý tưởng của mình tức là tìm thấy được con đường do đó mà mình có thể đạt
tới sự phát triển toàn diện con người của mình. Và tìm thấy được lý tưởng
tức là tìm thấy được hạnh phúc. Sở dĩ ta thấy những lạc thú cuồng loạn bao
giờ cũng chứa đựng trong chúng tính chất bi thương và chết chóc là vì
chúng không đích thực là những nhu cầu cần thiết của con người Những nhu cầu
cần thiết của con người, từ những nhu cầu của thân thể cho đến những nhu
cầu của tình cảm và trí tuệ, đều mang tính cách trong sáng, lành mạnh, xây
dựng. Cho nên bí quyết thành công của một đời người là ở chỗ biết được những
gì mình quả thực thiếu thốn và những gì mình quả thực không cần đến. Mà
những gì mình quả thực thiếu thốn ấy không phải là ít ỏi, nhỏ bé.
Đó là những chất liệu cần thiết để bảo vệ, nuôi dưỡng và phát triển của một
con người. Thiếu thốn một số thực phẩm nào đó thì hợp thể ngũ uẩn kia
không thể trở nên một con người xứng đáng theo nghĩa của nó. Được nuôi dưỡng
bằng một số thực phẩm độc hại nào đó hợp thể ngũ uẩn kia trở nên khô héo
tàn tạ và không thể là một sức sống mạnh khỏe vươn lên.
Thân thể, cảm
giác, suy tưởng ý chí và nhận thức, mỗi thành tố ấy của con người đều có
những nhu cầu của nó. Ta không khinh thị thành tố nào trong hợp thể ngũ uẩn
và cũng không khinh thị bất cứ một nhu cầu nào của bất cứ một thành tố nào.
Ta chỉ cần biết rõ ta là ai, ta là gì; chỉ cần biết đặc tính và thực trạng
của thân thể, cảm giác, suy tưởng, ý chí và nhận thức ta để có thể tìm ra
những gì hợp thể ngũ uẩn ta quả đang cần đến để được bảo vệ, nuôi dưỡng và
phát triển. Không một hợp thể ngũ uẩn nào giống một hợp thể ngũ uẩn nào,
vì vậy nhu yếu của mọi người không thể hoàn toàn giống nhau được Do đó mỗi
người phải tự tìm cho mình một lý tưởng thích hợp. Khi ta nói rằng hai
người kia cùng có một lý tưởng, ta không nghĩ rằng tất cả những
ước vọng, suy tư, sinh hoạt của hai người hoàn toàn giống nhau. Ta chỉ có
thể nói rằng trong ước vọng, suy tư và sinh hoạt của họ có những điểm giống
nhau và điều đó đã đưa họ tới gần nhau, nâng đỡ và bổ túc cho nhau. Cá
tính của con người chính là do ở những điểm khác nhau kia tạo ra. Tuy vậy
không ai có thể khác ai một cách tuyệt đối, bởi vì chính những cấu tạo
sinh lý và xã hội của con người đã không thể khác nhau một cách tuyệt đối
rồi.
Bởi vậy khi
ta có cảm giác cho rằng không ai giống ta, ta hoàn toàn khác biệt với kẻ
khác, ta làm bằng một thứ bột ( pâte ) khác hẳn với thứ bột làm nên những
kẻ khác, cảm giác ấy chỉ là ảo giác. Sự thực là tuy ta không giống ai, ta
cũng là con người, là một hợp thể ngũ uẩn - và do đó ta có những điểm giống
với kẻ khác. Và chính căn bản đó đảm bảo cho sự cảm thông chắc chắn là có
thể có giữa người và người. Niềm tin này đánh tan được mặc cảm và ảo giác
cô đơn nhất là thứ cô đơn bị nhận thức chủ quan của ta đây tới tuyệt đối
nghĩa là tới mức bi thảm. Ta chắc chắn có thể có những ước vọng và nhận thức
chung với một người khác hay một nhóm người khác, điều này ta phải công nhận.
Chia xẻ với họ những ước vọng và nhận thức của ta, ta sẽ không còn cô đơn
nữa Cuộc đời đáng sống trước hết là vì ta có bạn, ta có những con người sống
chung quanh ta. Sở dĩ người là nguồn đau khổ cho người là tại vì người đã
vô minh, nghĩa là đã không sáng suốt để trông thấy nhân tính nơi người.
Cũng chính là vì người đã tự nhốt mình trong chiếc vỏ cứng của tỵ hiềm của
oán thù. Và cuối cùng chính là vì người đã không biết rõ được mình, không
biết rõ được những gì mình đích thực đang thiếu thốn.
Có người nói
rằng đời chỉ đáng sống khi có lý tưởng , nếu không có lý tưởng thì ta phải
tạo ra một lý tưởng, cho dù một ảo tưởng cũng được. Tôi thấy như thế thì
bi thảm quá. Tại sao ảo tưởng lại có thể là lý tưởng được? Có những lý tưởng
khó thực hiện và vì những điều kiện khó khăn hay trái ngược người ta có thể
hoặc chưa hoặc không thực hiện được; không phải vì vậy mà lý tưởng đó được
gọi là ảo tưởng. Nói rằng phải tạo ra một ảo tưởng để sống tức là cho rằng
thực tại vốn không hàm chứa một cái gì đích thực là chân, là thiện, là mỹ.
Vì con người chỉ có thể sống trong niềm tin rằng cuộc đời còn có một cái
gì thực, lành và đẹp cho nên nếu quả thực cuộc đời không có một cái gì thực,
lành và đẹp thì ta phải tạo ra những ảo tưởng về thực, lành và đẹp cho cuộc
đời để mà sống trong cuộc đời. Tôi không chịu cái nhìn bi thảm đó bởi vì
tôi, và tôi biết còn có rất nhiều người khác nữa trong đó có lẽ có em -
tôi biết chắc rằng cuộc đời quả thực có những cái thực, lành và đẹp.
Những cái ấy có nhiều hay ít là do con mắt của chúng ta, do trái tim của
chúng ta. Có những con đường thật đẹp với hai hàng cây thẳng cao vút mang
ánh nắng tươi xanh trên tàn lá của chúng: tôi biết em có lần đã thấy chúng
đẹp, nhưng có thể trong liên tiếp năm sáu tháng trời em không nhìn thấy
chúng chỉ bởi vì em đã đi dọc theo những con đường ấy với bao nhiêu khổ sở
lo âu.
Tôi thấy
chính hợp thể ngũ uẩn của em cũng đã là một cái gì mầu nhiệm, quý giá và
linh thiêng. Tôi biết có khi em chán ghét thân thể em, chán ghét cảm giác,
suy tưởng, ý chí và nhận thức của em. Có khi em coi hợp thể ngũ uẩn em như
một vũng bùn
lầy lội nhầy
nhụa, và em muốn chấm dứt sự liên tục của dòng ngũ uẩn ấy. Thực ra, chỉ vì
nhận thức của em mà thôi. Hợp thể ngũ uẩn kia có thể là một vườn hoa, một
ngôi đền thờ, và cũng có thể là một địa ngục, một tử thi hôi hám, điều đó
là tùy ở em, ở nhận thức của em. Tất cả chỉ là một vấn đề nhận thức.
Em không cần chán ghét hủy bỏ em, chán ghét hợp thể ngũ quan em. Trong bản
chất, nó không phải là một cái ổ tội lỗi. Tại vì em mà nó có vẻ như
thế. Tôi rất ghét những ai coi thường hợp thể ngũ uẩn mình và lại
càng ghét những ai khinh thị thân xác của mình. Khổ hạnh, ép xác, cho rằng
xác thân là tội lỗi, điều đó thật là sai lầm; tôi cho làm như thế là ngu dốt,
là khờ dại. Ngày xưa Phật có nói; người nào giác ngộ thì tự nhiên trở
thành Như Lai, ăn cơm Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi ghế Như Lai, ở nhà Như
Lai. Hành hạ xác thân là một lỗi lớn, chính Phật đã mắc phải và đã chừa bỏ.
Nhận biết thân thể em, nhận biết cảm giác, suy tưởng ý chí và nhận thức em,
em sẽ thấy chúng quả thực cần gì, quả thực thiếu gì, quả thực muốn vươn tới
đâu. Thấy được như thế rồi thì hợp thể ngũ uẩn của em tự khắc hướng về sự
sống, hướng về phát triển, hướng về Chân, Thiện, Mỹ. Em xem lại tổ chức
tinh vi của mắt em. Rồi em sẽ thấy rằng được nhìn trời xanh, được xem hoa
nở, được thấy nụ cười cha mẹ, được ngắm đôi má hồng của em thơ... tức là một
diễm phúc tuyệt vời. Nếu thân thể em không phải là một thực thể mầu nhiệm
và quý giá thì không bao giờ em thấy được thể hiện nơi em diễm phúc tuyệt
vời đó. Hãy bảo trọng lấy thân thể em, tâm hồn em, bởi vì đó là nguồn của
chân lý của Thượng Đế, của Chân Như, của Như Lai.
Có người chê
trách em không có lý tưởng, nói nhỏ to với nhau rằng em không có lý tưởng.
Tôi không tin có chuyện đó. Với sức sống trào dâng của tuổi hai mươi, em
không có lý tưởng thì xác chết nào mới có lý tưởng? Một con đường không thể
không đưa đến đâu. Một sức sống như em, như hợp thể ngũ uẩn của em, không
thể không có lý tưởng. Em quả tình đang vươn tới. Nhưng vì em thiếu bình
tĩnh thiếu nhận thức nên sự vươn tới ấy chưa được chỉnh đốn Sinh lực của
em tràn đầy và, chưa được nhận thức em hướng dẫn đúng mức, đã khiến cho em
khi lệch sang bên này một chút khi lạc sang bên kia một chút. Em chỉ cần
nhìn lại, em chỉ cần kiểm soát kịp thời là sức sống kia sẽ vươn lên phía mặt
trời. Muốn được như thế em phải sử dụng chính trí tuệ và kinh nghiệm em, đồng
thời phải thiết lập cảm thông và đối thoại với những người khác, những người
cùng tuổi và những người khác tuổi.
Em không cần
tạo ra lý tưởng. Lý tưởng vốn sẵn có trong em, cũng như nơi đến có
sẵn trong con đường. Phải kịp thời kiểm soát hướng đi của
mình, điều khiển con thuyền của mình. Phải kịp thời sử dụng năng lực dồi
dào của sự sống em một cách hợp lý. Năng lực sung túc của em cần phải được
sử dụng, không thể để cho chúng trở nên thừa thải. Nếu không, trong hôn mê,
trong ngờ vực chán nản, em sẽ sử dụng chúng, tiêu xài chúng trong những
trường hợp và ở những địa vức bệnh hoạn. Thay vì để bảo vệ nuôi dưỡng và
phát triển em, năng lực ấy sẽ làm suy nhược em, phá phách em, tiêu diệt em.
Ngoài những nhu cầu tồn tại, hợp thể ngũ uẩn em còn có những nhu cầu
phát triển và trở thành. Mà chỉ khi nào có phát triển có trở thành em
mới tìm thấy an lạc hạnh phúc, em mới thấy được như con cá trong nước, con
chim trên trời: trong những nhu cầu phát triển và trưởng thành ấy tôi thấy
hai nhu cầu khám phá và thương yêu là những nhu cầu mãnh liệt nhất, bền bỉ
nhất rất cần cho sự phát triển của hợp thể ngũ uẩn em để em có thể trở
thành vĩ đại và siêu tuyệt.
Sự khát khao
hiểu biết nơi em, cũng như nơi tôi và nơi mọi người, là một sự thực, một bản
tính của hợp thể ngũ uẩn. Nếu sự tò mò, nếu nhu cầu hiểu biết và khám phá
không biểu hiện nơi em là tại vì em bị che lắp bởi những chướng ngại vật của
cuộc đời,
bị trĩu nặng
bởi những hành lý ốm đau không ích lợi cho bản thân em. Trong trường hợp
này sự phát triển và trở thành của em - ta gọi là sự sống, quả thực bị
ngăn chận lại rất nhiều. Em phải khơi mở, phải giải phóng cho sự khát khao
hiểu biết và khám phá vốn nằm tiềm tàng trong con người em. Vũ trụ và con
người cần được tìm hiểu, được khám phá. Phải tìm tới sự thực, dù sao em
cũng phải tìm tới sự thực; nhu yếu này nơi nhà bác học, nơi nhà thám hiểm
cũng như nơi người học giả được hiển lộ một cách rất hiện thực. Nơi nhà đạo
học, sự khát khao này gọi là sự khát khao đạt đạo hay chứng đạo. càng khám
phá, càng tìm tòi, càng hiểu biết, ta càng thấy ta lớn hơn lên, gần gũi
hơn lên với vũ trụ với con người, ta càng thấy rõ sự liên hệ mật thiết giữa
ta với vũ trụ, với con người, ta càng thấy rõ được hòa điệu đại đồng của sự
sống Ta sẽ không còn bị giam hãm trong một cái ta, một cái vỏ chủ quan bé
nhỏ và lầm lạc. Em sẽ tìm thấy sự sống và sẽ sung sướng tìm thấy mình
trong thực hữu mầu nhiệm.
Sự khao khát
yêu thương nơi em cũng là một sự thực, một bản tính của hợp thể ngũ uẩn em.
Em không thể sống nếu không yêu thương. Nếu em có cảm giác rằng em không
thương ai, em ghét tất cả mọi con người và cả chính bản thân em, thì đó là
tại vì em chưa biết em là gì. Cảm giác đó chỉ là ảo giác. Sự thực, em rất
cần thương yêu và được thương yêu, cũng như cây lá cần đèn ánh sáng mặt trời.
Bản thể em lên tiếng gọi em thương yêu bảo trọng lấy em và thương yêu bảo
trọng tất cả những gì hiện hữu, những gì đang vươn lên như sự sống mầu nhiệm.
Hợp thể ngũ uẩn
em cần được hiện sinh, cần được phát triển, em không thể không yêu thương
bảo trọng nó. Em không thể xử tệ với nó, không thể khinh xuất, không thể để
nó phải ốm yếu, suy nhược, hư hỏng. Và những sức sống quanh em cũng vậy.
Người sinh
thành ra em, người cùng một huyết thống với em, một tông tộc với em, một
nòi giống với em cũng cần đến sự bảo vệ, tôn trọng và yêu thương của em.
Em có trách nhiệm về sự đau khổ của họ. Nhìn thấy họ, sau khi nhìn thấy
em, em sẽ thấy nhu yếu thương yêu họ là một nhu yếu thiết thực không kém
gì nhu yếu thương yêu lấy chính em. Em sẽ thấy rằng hạnh phúc không phải
là sự mê mệt đi tìm những khoái cảm chốc lát (những khoái cảm ác liệt, tay
sai của sự chết) thường có tác dụng tiêu phá hoại hủy con người toàn diện
của em, mà là thương yêu. Không thương yêu tức là không sống. Càng biết
thương yêu, ta càng thấy ta lớn hơn lên, gần gũi thêm lên với vũ trụ với
con người, ta càng thấy sự liên hệ mật thiết giữa ta với vũ trụ, với con
người, ta càng thấy rõ được hòa điệu đại đồng của sự sống. Ta sẽ không còn
bị giam hãm trong một cái ta, một cái bản ngã bé nhỏ và ích kỷ. Em sẽ sung
sướng tìm thấy mình trong thực hữu mầu nhiệm.
Sức sống rào
rạt của em, nếu được hướng về khám phá và yêu thương sẽ giúp em thực hiện
một nhân cách càng ngày càng vĩ đại càng đẹp đẽ. Dọc đường em đi, hoa trí
tuệ và tình thương sẽ nở, có thể là trên chông gai, nhưng là những bông
hoa đẹp nhất của hiện hữu, những cống hiến quý giá nhất của một cuộc đời.
Em là một
kiến trúc kỳ diệu cũng như vũ trụ là một kiến trúc kỳ diệu; ngày nào trí
tuệ và trái tim em nhận thức được điều đó một cách xác thực và thực
nghiệm, ngày ấy em thực hiện được thiên đường, hái được bông hoa tươi đẹp
của chân như.