-
Nói
Với Tuổi Hai Mươi
-
Sàigòn – Lá Bối – 1966
Tôn
giáo
Tôn giáo là sự
cảm thông nối kết. Tôn giáo không thể là những lớp thành trì phân cách con
người với con người, và thế hệ của em có trách nhiệm hoàn thành công cuộc
giải phóng cho con người ra khỏi thái độ tự giam hãm trong những nhận thức
có tính cách cố chấp và cuồng tín. Công cuộc giải phóng đó đã được bắt đầu
từ lâu, đã được nỗ lực thực hiện, nhưng chưa được hoàn tất. Nhận thức của
con người về tôn giáo đã được thay đổi một cách đáng kể nhờ sự tiến bộ của
khoa học, triết học và xã hội học. Chúng ta nên phân biệt tôn giáo và nhận
thức của con người và tôn giáo. Đức KYTÔ, đức THÍCH CA và bản ý của các bậc
thánh nhân ấy đã được từng thời đại từng địa phương quan niệm và nhận thức
một cách khác nhau, và những nhận thức và quan niệm đó chưa hẳn đã là
đúng với bản ý các Ngài. Có một bữa tôi thấy trong hàng sách một cuốn viết
về thần học nhan đề « Thượng Đế của anh quá nhỏ bé » « Your
God is too small ». Thượng Đế thì không bé nhỏ, nhưng Thượng Đế của
anh, Thượng Đế của nhận thức anh thì phải bé nhỏ. Bởi vì
quan niệm và nhận thức của anh có thể còn ấu trĩ, sai lạc. Cho nên ta có
thể nói đến những tiến bộ của tôn giáo, hoặc rõ ràng hơn là những tiến bộ
của con người trong phạm vi nhận thức tôn giáo, thái độ tôn giáo và hành
trì tôn giáo. Những tiến bộ ấy được trông thấy ở khắp mọi tôn giáo và nhờ
đó những người theo tôn giáo càng ngày càng tỏ ra khiêm cung hơn,cẩn trọng
hơn và khoan dung hơn. Cuồng tín và cố chấp là những gì nặng nề và hủ bại
nhất mà tôn giáo phải đả phá. Những nỗ lực liên tục của CƠ đốc giáo chẳng
hạn trong mấy mươi năm gần đây điển hình nhất là phong trào Oecuménique
và công đồng Vatican là những dấu hiệu của sự thao thức thường xuyên để khế
cơ hóa tôn giáo trong những điều kiện trí thức và tình cảm của đời sống mới.
Tôn giáo đã
có mặt từ buổi bình minh của lịch sử nhân loại, và đã là một nhu yếu lớn của
đời sống nhân loại. Tuy vậy, tôn giáo của hôm nay không phải là tôn giáo của
ngày hôm qua, và tôn giáo của ngày mai cũng sẽ không phải là tôn giáo của
ngày hôm nay. Điều nầy là một sự thực lịch sử. Nghiên cứu lịch sử tôn giáo
bằng nhân chủng học, tâm lý học và xã hội học chúng ta thấy ngay điều đó,
rằng tôn giáo không có bản chất cố định, bản chất của tôn giáo không thuần
nhất, nó thay đổi tùy thuộc thời gian và địa phương, tùy thuộc những điều
kiện sinh hoạt của từng xã hội. Những tôn giáo có tính cách cổ sơ (
religionprimitive ) nhằm đến sự thỏa mãn những nhu cầu khẩn bách nhất của
con người; chống lại đói, lạnh, bệnh tật,chết chóc. Khoa học kỹ thuật chưa
phát triển, chưa bảo đảm được cho con người chống lại những thứ ấy thì con
người còn cần đến thần linh, đến ma thuật, đến tôn giáo. Nền y tế hương
thôn ở Việt Nam một khi có cơ sở và đã phát triển đúng mức chẳng hạn, thì
các thần linh như ông địa, ông táo bà mụ, tà Phạm Nhan, và trăm thứ thần
linh khác phải dần dần rút lui. Chất quinine đi tới đâu thì tà ma vắng mặt
bớt đi tới đó. Trong lịch sử tôn giáo những vị thần linh lớn càng ngày
càng được tôn sùng, càng nắm được quyền chỉ huy các vị thần linh nhỏ bé
hơn. Từ đó xuất hiện thứ tôn giáo đế quốc(religion impériale) hay tôn giáo
quốcgia (religion nationale) mà tín ngưỡng được xem như là căn bản của kỷ
luật quốc gia. Thần linh của các tôn giáo nầy có nhiệm vụ bảo trợ cho một
quốc gia, làm cho quốc gia đó cường thịnh và ủng hộ cả cho những quốc gia
đó trong việc chiến đấu tự vệ hoặc xâm lăng. Mỗi khi một quốc gia này thắng
được một quốc gia nọ thì thần linh của tôn giáo nầy cũng thắng được thần
linh của tôn giáo nọ. Tôn giáo với chính trị gắn liền với nhau, không thể
tách rời ra được. Sau đó, xuất hiện những tôn giáo tiến bộ (religion
avancée) - vượt khỏi biên giới quốc gia và có tính cách tôn giáo đại đồng.
Những tôn giáo nầy có khuynh hướng đi vào tâm linh nhắm tới thỏa mãn các
nhu yếu tâm linh chứ không nhắm tới sự thỏa mãn các nhu yếu cấp bách của
thân thể như trongcác tôn giáo cổ sơ, những nhu yếu chính trị như trong
các tôn giáo quốc gia nữa. Chúng ta thấy có những tôn giáo nghiêng về cứu
thế (religion sotériolorique) những tôn giáo nghiêng về nghĩa vụ (
religion déontologique ) và những tôn giáo nghiêng về triết học(religion
philosophique).Ở các tôn giáo này, con người có quyền chọn lựa chứ không
như ở các tôn giáo chưa tiến bộ; bởi vì ở đây các tôn giáo đã nghiêng về
sinh hoạt nội tâm hơn là sinh lý và xã hội. Tuy nhiên trong các tôn giáo
này, ta vẫn còn thấy dấu vết lưu lại của những tôn giáo cổ sơ và quốc gia.
Đó không phải
là bản ý của người sáng lập tôn giáo, đó là dấu hiệu của những nhu yếu sơ
đẳng đang còn. Trong đạo Phật chẳng hạn, có nhiều tín đồ còn cúng Phật để
cầu mạnh khoẻ, làm ăn phát đạt , trong đạo Cơ Đốc, nhiều tín đồ vẫn còn
nghĩ đến thực phẩm như là một ân huệ của Thượng Đế và đó không phải là bản
chất thực của những tôn giáo tiến bộ.
Tôn giáo còn
tiến bộ nhiều nữa trong đà tiến bộ chung của nhân loại cùng với những tiến
bộ về tư tưởng, khoa học và kỹ thuật. Mà tôn giáo cần thiết cho con người.
Vì vậy ta có bổn phận thúc đẩy sự tiến bộ của con người về nhận thức và
thái độ tôn giáo, khiến cho tôn giáo giữ được vai trò nuôi dưỡng phát triển
tâm linh của con người và đừng bao giờ còn trở nên những chướng ngại, những
thành kiến cố chấp và cuồng tín cản trở sự tiến bộ và giải phóng của con
người toàn diện. Trong một tôn giáo, bao giờ cũng có một thiểu số người
can đảm, có nhận thức cởi mở, đi tiên phong trong sự khám phá và nhận thức.
Cho nên em hãy tìm đọc những nhà đạo học và thần học nổi tiếng nhất để có
thể đứng ở chỗ đầu đường mà nhìn về phía chân trời tương lai của những tôn
giáo. Em hãy đọc những người như Jacques Maritain, như Nicolas Berdyaev,
như Martin Buber, như Paul Tillich, như Nagarjuna, như Karl Barth, như
Asangha, như Thân Loan, như Thái Hư, như Vivekanada, như Hư Vân... Đọc những
người như thế, ta thấy tôn giáo cao cả, thâm sâu, bao la. Ta thấy phần
đông những người theo tôn giáo đều đi sau rất xa; đơn giản, lười biếng và
ỷ lại về suy tư thực chứng cho nên dễ cố thủ, hẹp hòi và cuồng tín. Nếu em
có tôn giáo, em sẽ không thể như họ. Em sẽ học hỏi về tôn giáo để thấy phần
thâm thúy và siêu tuyệt của nó, để lấy những chất liệu quý báu vô hại của
nó làm món ăn cần thiết cho tâm linh em. Em hãy đóng góp vào công cuộc
khai phá và thực hiện, động cơ của tiến bộ tôn giáo. Nếu em chưa có một đức
tin nào thì em hãy thận trọng đối với vấn đề tôn giáo. Tôn giáo, người ta
nói, cũng như tình yêu. Cho đến khi chưa yêu, em không hiểu được tình yêu,
và em thấy tình yêu là lố bịch. Đọc một bức thư tình, em thấy buồn cười.
Nhưng mà ngôn ngữcủa những bức thư tình chỉ có nghĩa đối với những người
trong cuộc, dù bức thư tình ấy bắt đầu bằng “Thưa quý nương...” Người có đức
tin, theo Barth, và cả Buber nữa, là người đã nghe tiếng gọi của Tình Yêu
và đã đáp lại không phải bằng một sự chấp thuận, mà bằng cả con người mình.
Phần lớn, người ta theo tôn giáo vì truyền thống gia đình, vì địa lý, vì tập
tục...Nếu em sinh ra ở Ấn Độ, em có nhiều cơ hội để là một người theo Ấn Độ
giáo. Sinh ra ở Mỹ thì Tin Lành. Ở Nhật bản thì Phật giáo hay Thần Đạo...
Nghĩ như thế để khiêm nhượng, để cởi mở, để sẵn sàng học hỏi và trao đổi
Dù có đức tin tôn giáo hay không có đức tin tôn giáo, em cũng cần tìm hiểu
học hỏi về các tôn giáo, và nhất là các tôn giáo có mặt tại Việt Nam. Nên
tập nhìn các tôn giáo như những thực tại văn hóa và xã hội, như những di sản
văn hóa xã hội, những nguồn tiềm năng của nhân loại, của đất nước. Phải
tìm hiểu và bồi đắp các tôn giáo để các tôn giáo có thể hướng về sự thúc đẩy
tiến bộ xã hội, như chúng ta tìm hiểu bồi đắp và sử dụng các tài nguyên quốc
gia. Hãy xem các tôn giáo như những tiềm lực có thể xây dựng con người về
phương diện tâm linh và xã hội. Tôn giáo không ít quan trọng hơn những miền
cao nguyên trù phú, những miền đồng bằng bao la, những con sông tưới tẩm,
những thác nước có thể biến thành điện lực. Phải bồi đắp, nuôi dưỡng và sử
dụng các tiềm lực tôn giáo trong mục đích phụng sự con người. Thế hệ em phải
đánh tan sự kỳ thị, bưng bít. Thế hệ em phải thực hiện tinh thần hòa đồng,
nghĩa là hòa hợp mà không phải đồng hóa, giữa các thực tại văn hóa và tôn
giáo. Em phải mở rộng nhận thức tôn giáo và vượt thái độ giáo điều. Hãy
mang niềm tin yêu đến gặp các bạn không đồng tôn giáo với các em và sẵn
sàng cộng tác. Nguyên tắc căn bản là: những hoạt động nhân danh tôn giáo
phải là những hoạt động xây dựng cho cuộc đời, làm cao đẹp cho con người
chứ không phải là những hoạt động nhằm bành trướng thế lực và quyền lợi
riêng tư cho một bản ngã tôn giáo. Nghĩa là hãy đồng ý rằng tôn giáo là
nhu yếu của con người, phải phục vụ con người, chứ không nên để con người
chết chóc chia rẽ khổ đau vì phải phục vụ cho những giáo điều tôn giáo, những
nhận thức độc quyền về tôn giáo... Nắm được then chốt ấy em sẽ thấy tôn
giáo trở nên đẹp như một người yêu. Trong buổi họp mặt với các bạn em có
thể đem người em yêu tới giới thiệu cùng mọi người: ai cũng vui vẻ, ai
cũng chấp nhận, ai cũng mừng cho em có lý tưởng, có đức tin, có nơi nương
tựa tinh thần. Ai sẽ còn giữ sự kỳ thị?
Không khí tôn
giáo vẫn còn nặng nề, trong lúc này, và điều đó trông cậy ở sự cố gắng,
thái độ cởi mở và tôn trọng của em. Phải làm sao cho mọi ngôi chùa, mọi tu
viện, mọi giáo đường trở nên những bông hoa im lìm đẹp nhất của đất nước.
Và làm sao cho những cộng đồng tôn giáo đều hướng về sự phát triển đời sống
toàn diện của con người, làm sao cho mọi tôn giáo gặp nhau trong thái độ
thực sự nhân bản, không lấy những nhận thức độc quyền về tôn giáo - những
giáo điều, mà lấy con người làm đối tượng và cứu cánh.