-
Nói
Với Tuổi Hai Mươi
-
Sàigòn – Lá Bối – 1966
Thương yêu
Tôi cũng ưng
định nghĩa thương yêu như một trong những nhu cầu trọng yếu của con người
nên tôi không chịu người ta nói đến bổn phận thương yêu. Ví
dụ cha mẹ có bổn phận phải thương yêu con, hay loài người phải có bổn phận
phải thương yêu nhau, hoặc con người có bổn phận phải thương yêu đấng Tạo
hóa. Tôi nghĩ thương yêu là một cái gì tự nhiên, không thể bắt buộc, không
thể nói là một bổn phận. Không ai có thể bắt tôi thương yêu được một đối
tượng mà tôi không thể thương yêu, mà tôi không muốn thương yêu. Tuy nhiên
nếu có lúc ta không thấy được chính những nhu yếu của chúng ta thì cũng có
thể có lúc ta không thấy được rằng ta vốn có sẵn tình thương yêu với đối
tượng mà hiện nay ta không (hoặc chưa) cảm thấy yêu thương. Vì lý do đó
cho nên người ta có thể đánh thức dậy tình thương yêu sẵn có ở trong ta đối
với một đối tượng nào đó bằng cách chỉ cho ta thấy rõ đối tượng đó hơn hoặc
bằng cách khai mở và hướng dẫn cho nội tâm ta. Nhưng công việc này chỉ có
thể thành công khi quả nhu yếu kia là một cái gì thực có, tiềm tàng trong
ta. Ví dụ có một người mẹ ghẻ chưa bao giờ thực sự yêu con, và suốt trong
đời sống của người con, người mẹ ghẻ kia chỉ là hình ảnh của một ác mộng
dài thì dù ta có khuyên bảo gì đi nữa, người con cũng không thể nào thương
yêu bà mẹ kia với tình con thương mẹ được. Trong thực tế, chúng ta thấy có
những đứa con thương yêu bà mẹ nuôi một cách thắm thiết trong khi không muốn
công nhận bà mẹ đẻ của mình. Như thế là vì trong cuộc đời ấu thơ của chúng,
trong những lúc đau khổ của chúng, bà mẹ nuôi đã đến như một dòng suối ngọt,
như một bóng mát. Khổ đau, ngọt bùi, ân nghĩa và kỷ niệm đã là miếng đất
trong đó hạt thương yêu đã được gieo và được mọc. Tình thương rõ rệt là một
nhu yếu. Sở dĩ lắm lúc con người tỏ ra bất nghĩa, vô tình là vì có những
cái màn vô minh nào đó, hoặc một tâm trạng u sầu, lo lắng, bực dọc hay đam
mê nào đó tới che lấp đi mà thôi. Những tâm trạng đó lắng xuống, những tấm
màn kia lột đi thì nhu yếu thương yêu nọ lại được phát hiện rõ ràng trở lại.
Có người nói
rằng hạnh phúc chỉ là một danh từ hoa mỹ không có thực chất, người ta chỉ
có nhiều ao ước mà không bao giờ đạt tới được. Tôi thấy điều đó là
không đúng, và tôi nghĩ rằng chỉ vì quá tham lam quá dại khờ và quá vô
minh cho nên người ta mới không thấy được hạnh phúc, hạnh phúc ngay trong
giây phút hiện tại. Trong chúng ta bất cứ ai cũng đã có trong tầm tay mình
một số lượng hạnh phúc nào đó, nói đúng hơn là một số điều kiện nào đó của
hạnh phúc, mà ta có khi không biết. Cố nhiên là trong lúc ấy chúng ta cũng
có thể có những niềm đau khổ của chúng ta, những niềm đau khổ phần nhiều
do nhận thức của chúng ta tạo nên. Chỉ cần mở mắt ra, chỉ cần nhận
thức cho chính xác, chỉ cần có ý thức về những hạnh phúc mà
chính ta đang có thì ta đã trông thấy được diện mục của hạnh phúc rồi. Một
bà mẹ ngọt ngào như dòng suối, một buổi mai thơm mát và lành mạnh, một mẩu
xanh của núi rừng, ruộng đồng, hay biển cả, một buồng phổi tốt không nám
cũng không có lỗ thủng, một bàn tay có thể làm phát ra bất cứ một âm thanh
nào hoặc trong suốt như ngọc thạch hoặc cao vút như sao trời, một người bạn
có thể trao đổi tâm tình, một cuốn sách chứa đầy một kho hiểu biết, một tờ
lá thắm, một dòng nước trong... và nhiều nữa, nhiều không đếm xiết, tất cả
đều có thể là những nguồn hoan lạc chỉ chờ ta mở rộng tâm hồn đón lấy. Yếu
tố lớn nhất để tạo nên hạnh phúc là ý thức về hạnh phúc. Có những kẻ sống
trong thiên đường mà không biết mình sống trong thiên đường, cứ dại dột tạo
cho mình một thế giới bất mãn bực dọc - thế giới của cố chấp, hẹp hòi,
tham lam và vội vã. Yêu tố thứ nhì của hạnh phúc là biết rõ được con người
của mình có những nhu yếu nào trong lĩnh vực khám phá và thương yêu và hướng
về sự thực hiện những nhu yếu ấy những nhu yếu đích thực là nhu yếu, nghĩa
là những nhu yếu bảo vệ và bồi đắp sự sống, sự vươn lên của mình. Như thế,
sức khỏe, trí tuệ và tình thương, những hoa trái gặt được sẽ là dấu hiệu của
hạnh phúc chân thực.
Càng khám phá
càng hiểu biết con người càng thoát khỏi cái vỏ bản ngã chật hẹp và nghèo
nàn của mình để vươn tới thể nhập với những hiện tượng khác trong vũ trụ,
cùng có tính cách phóng khoáng bao la như vũ trụ.
Trong ngôn ngữ
Pháp, chữ comprendre có mang ý nghĩa ấy. Com là cùng với
mình, prendre là nắm lấy.Và như thế hiểu biết một vật gì là mình
cùng đồng nhất với vật ấy - cũng có nghĩa là nới rộng bản
ngã của mình ra tới vật ấy. Thương yêu cũng vậy, càng thương
yêu con người càng thoát khỏi cái vỏ bản ngã chật hẹp và nghèo nàn
của mình để vươn tới thể nhập với những hiện tượng khác
trong vũ trụ, cùng có tính cách phóng khoáng bao la như vũ trụ. Thương yêu
cũng là nới rộng bản ngã mình tìm tới đồng nhất với đối tượng. Và đối tượng
càng to rộng thì mình càng trở thành to rộng.
Nếu khám phá
và hiểu biết là một nguồn hạnh phúc thì thương yêu cũng là một nguồn hạnh
phúc- hạnh phúc trong ý nghĩa thỏa mãn được nhu yếu của mình. Hạnh phúc, về
phương diện tình cảm, là yêu thương và được yêu thương... Được thương yêu
là ngọt ngào, nhưng yêu thương không phải chỉ là ngọt ngào Yêu
thương cần nhiều nỗ lực, cần nhiều can đảm, cần nhiều chịu đựng. Yêu
thương là chịu trách nhiệm, là che chở, là lo lắng, là hy sinh; tất cả những
thứ đó đều là những yếu tố cần triệt để thương yêu, nghĩa là để thỏa mãn
nhu yếu thương yêu, nhu yếu vươn tới đồng nhất với đối tượng. Người đầu
tiên dạy cho ta yêu thương là bà mẹ. Ta sinh ra đời nhỏ bé, mong manh, yếu
đuối, không có khả năng tự vệ. Những cảm giác đói, khát, đau đớn, thiếu thốn
của chúng ta được mẹ hiểu, được mẹ lo lắng, được mẹ đối phó. Ta cần mẹ, ta
thiếu mẹ và ta yêu mẹ. Khi ta cần mẹ, thiếu mẹ ta chỉ cần mở miệng khóc. Mẹ
xuất hiện liền bên nôi như một thiên thần. Ta cảm thấy đầy đủ sung sướng.
Vậy tình yêu phát xuất từ sự cần thiết, từ sự thiếu thốn, từ sự đau khổ.
Tình yêu được hình thành rồi lớn lên trong đắng cay, trong ngon ngọt,
trong kỷ niệm và trong ân nghĩa. Sự ngọt ngào tự nó không thể hiện hữu. Sự
ngọt ngào phải nương trên sự đắng cay, sự khao khát. Một ly nước chanh
không thể ngon nếu không có sự khát nước. Khi ta lớn lên, mạnh chân khỏe
tay, có đủ sức tự vệ, ta ít cần đến cha mẹ hơn, và theo lý, ta ít yêu cha
mẹ như xưa. Nhưng mà cái nguồn suối ngọt ngào ấy ít khi khô cạn. Nếu ta trở
về, ta vẫn cảm thấy nó còn là một kho tàng hạnh phúc của ta. Khi con khôn
lớn, mẹ vẫn cần con dù con đã ít cần tới mẹ. Con có những thứ cần mới,
và con không tập trung cái nhìn nơi mẹ, nơi bầu sữa mẹ nữa. Và nhiều bà mẹ
cũng thấy khổ đau vì sự kiện tầm thường nhưng hiện thực đó.Nhưng trong
tình yêu ngoài sự ngọt ngào, còn có kỷ niệm, còn có ân nghĩa. Và vậy cho
nên tình yêu cha mẹ của một kẻ lớn khôn vẫn có thể còn đậm đà, tha thiết
tuy bản chất đã không thể còn giống như bản chất của nó hồi đứa con còn
thơ ấu, vụng về. Tình yêu ấy kỷ niệm và ân nghĩa ấy lắm khi đậm đà thiết
tha khiến cho nhiều lúc đứa con tuy đã khôn lớn vẫn không chịu nhận mình
là khôn lớn trước người đã thương yêu mình, đã là nguồn suối ngọt ngào cho
mình từ khi mình còn măng sữa. Dù lớn bao nhiêu, tôi vẫn là con của mẹ. Có
khi những bựcdọc những lo lắng những bận rộn những phiền muộn của cuộc đời
làm lu mờ mọi kỷ niệm buồn vui, mọi ân nghĩa thâm sâu, và người con có thể,
trong những lúc đó, nhìn người thương yêu của mình như nhìn người xa lạ.
Điều ta có thể trách cứ là sự dại dột mà không phải là sự bội bạc. Bội bạc
thật ra chỉ là hậu quả của một sự mờ ám,dại khờ. Chỉ cần một sự lắng lòng,
chỉ cần một sự trở về là lòng ta lại tràn ngập yêu thương, và ta lại tìm
thấy nguồn hạnh phúc. Em đã bận rộn quá, em đã phiền muộn quá, tôi biết điều
đó nhưng bận rộn và phiền muộn để làm chi, nếu không phải là để mất hết những
gì quý giá nhất trong đời em? Em than phiền rằng các bậc cha mẹ hiện giờ
không hiểu thấ u được lòng em và em có cảm nghĩ là không thể bắc được một
cây cầu cảm thông. Có cây cầu cảm thông nào mà không cần đến chất liệu
thương yêu. Em như thế, thái độ em như thế, tâm hồn em ơ thờ, lạc lõng,
nguội lạnh như thế, làm thế nào mà cảm thông. Cha mẹ có thể không hiểu ta
mà vẫn cứ tưởng là hiểu ta. Thì ta cũng có thể không hiểu được cha mẹ mà vẫn
giản dị nghĩ rằng ta hiểu được cha mẹ. Tôi chắc các bậc cha mẹ có cố gắng
và nhẫn nại về phần họ. Chúng ta nên có cố gắng về phần ta. Em nóng nảy, bực
dọc và phiền muộn làm chi. Nên lắng lòng lại, đi tìm yên tĩnh mà nghĩ đến
ân tình và kỷ niệm. Niềm thương yêu sẽ trở lại, rồi em sẽ cố gắng về phần
em. Không nên thất vọng không nên càng lúc càng vùng vẫy một cách tuyệt vọng
Các bậc cha mẹ cũng đã trải qua nhiều đau khổ, thắc mắc và lo âu của họ.
Đôi khi những thứ đó là vì ta, dù là đau khổ thắc mắc và lo âu không đúng
cách, không có hiệu quả. Nghĩ đến điều đó, nghĩ đến những nếp nhăn trên
trán họ, nghĩ đến những ngày tháng sắp đến của cha mẹ, đến sự vắng mặt
vĩnh viễn của cha mẹ sau này, nghĩ đến ân tình kỷ niệm trong suốt một thời
gian thương yêu lo lắng khổ đau mà phát lòng hối hận, rũ bỏ bớt bận rộn
phiền não, trở về thương yêu lấy người đã sinh dưỡng mình. Tôi biết trong
lòng em có thương yêu, nhưng bề ngoài em lại có vẻ ngủng ngẳng, bất cần,
đôi khi tàn nhẫn nữa. Tôi cũng biết rằng cái bề ngoài ấy là biểu lộ của những
khắc khoải, đau xót, oán hờn và cô đơn mà thời đại đã ghi đậm nét trong
tâm hồn em. Và chính những thứ đó đã không cho em tĩnh tâm nhìn thấy sự thực
cũng như mặt hồ nổi sóng không phản chiếu được hình ảnh tròn trịa của mặt
trăng đêm rằm. Tình yêu là thần dược mầu nhiệm có thể chữa lành những
thương tích tâm hồn của em. Tôi nhớ cái lần đầu tiên đọc xong bộ sách
Lý Thường Kiệt - lịch sử ngoại giao triều Lý của Hoàng xuân Hãn,
tôi bỗng thấy tâm hồn rung động và tràn đầy cảm thương. Tiền nhân của
chúng ta đã khai sơn phá thạch, đem xương máu tâm huyết bảo vệ từng tấc đất,
phấn đấu bằng trăm mưu nghìn kế để chiếm lại từ Bắc phương những giải đất
nhỏ xíu, hiểm trở, giữ gìn những miếng đất ấy dù phải bỏ xương tàn nơi chốn
rừng thiêng nước độc. Tiền nhân đã tổ hợp lại, tự lực tự cường giữ gìn
phương Bắc và bành trướng về phương Nam. Sau này được nghe những câu ca
dao miền Nam, đọc truyện của Sơn Nam, tôi cũng thấy cảm thương khi gợi lại
hình ảnh của những con người phấn đấu với sình lầy, với muỗi mòng, với bệnh
rét rừng và muôn ngàn tai nạn khác để mở rộng đất sống về phương Nam. Giải
đất cẩm tú ngày nay đã là công trình xây đắp của bao nhiêu thế hệ đi trước.
Chúng ta sinh ra trên mảnh đất này, ăn, chơi, ca hát, ngủ nghỉ, làm việc
trên mỗi tấc đất đã từng thắm mồ hôi, nước mắt và xương cốt của những thế
hệ trước. Nếu chúng ta quên lãng quá khứ, quên lãng lịch sử, quên lãng những
hy sinh những khổ đau những kỷ niệm vui buồn những ân nghĩa tổ tiên và giống
nòi, thì cũng giống như những cái cây không đâm rễ sâu được xuống lòng đất,
càng ngày càng héo khô lạc lõng, thiếu chất liệu tình cảm cần thiết cho một
cuộc sống. Có những miếng đất tuy nghèo nhưng không ai muốn bỏ để đi làm
ăn nơi khác chỉ vì một lý do duy nhất là tổ tiên ông bà cha mẹ đã ở tại đó
lâu đời, miếng đất đã chôn dấu biết bao khổ vui bao kỷ niệm ân tình bền chặt.
Lại có những miếng đất trên đó người tứ xứ đến làm ăn thịnh vượng, buôn
bán, trao đổi gặp gỡ nhau trong một thời gian rồi ai về xứ đó. Như Dalat,
như Vũng Tàu chẳng hạn. Người ta đổi chác làm ăn với nhau trên bề mặt,
không ai có gốc rễ sâu xa ở những nơi như thế, không ai bị ràng buộc vào
miếng đất ấy bằng khổ đau ân tình lâu dài, không ai bám vào những miếng đất
ấy với tất cả tiềm thức sâu xa của họ, cho nên, cũng như hoa anh đào nở rồi
tàn, tình người ở các nơi ấy rất mỏng manh và thay đổi. Không nhà văn hóa
nào lại có thể muốn chọn những nơi ấy làm thủ đô văn hóa của một dân tộc
có lịch sử phải không em.
Nhất định là
tình yêu đất nước và dân tộc nằm sẵn trong em, trong xương tủy em, trong mạch
máu em. Nhưng mà những hình ảnh của khổ đau, của máu xương của kỷ niệm của
ân tình rất cần thiết để gọi những gì tiềm tàng trở thành hiện lực. Những
cuốn sách như cuốn Lý thường Kiệt chẳng hạn, không phải được viết nên để
phô bày một cái biết của tác giả. Người viết cũng được thúc đẩy bởi thương
yêu, rung cảm , người đọc cũng nhờ đó mà đánh thức dậy tình yêu đất nước
và dân tộc. Văn hóa dân tộc chắc chắn là văn hóa của tình yêu, tình yêu đất
nước, tình yêu quê hương, tình yêu tổ tiên, tình yêu đã nuôi dưỡng chúng
ta và sẽ còn nuôi dưỡng chúng ta. Hiện thời dân tộc ta đang lâm vào tai họa
chiến tranh, không ai trong các em mà không xót xa. Xót xa, bồn chồn như đứng
trên đống lửa. Xót xa bồn chồn đến mức muốn gầm thét, muốn trở thành điên
dại... Chiến tranh tàn phá núi sông, tàn phá sinh mệnh và tệ nhất là tàn
phá những giá trị nhân bản. Sự sống ở nhiều nơi đã được thu gọn lại trong
phạm vi bản năng. Phải sống đã, và phải sống bằng bất cứ phương thức nào.
Bán liêm sỉ đi, bán truyền thống đi, bán sự trinh bạch đi để được sống.
Không thể dạy đạo đức luân lý cho kẻ hấp hối, cho kẻ đang phấn đấu để
thoát khỏi cái chết. Một nửa ổ bánh mì có thể đổi lấy đời trinh tiết của một
thiếu nữ. Một cậu ma cô có thể nuôi nổi một gia đình đã kiệt quệ... Có cần
chi nói đen bổn phận. Thấy như thế, nghe như thế, em đã rung động vì xót
thương rồi. Và tình thương dẫn tới hành động. Hãy tìm tới nhau, nắm lấy
tay nhau, tìm một giải pháp cho nhau. Em không thể ngồi yên, em không thể
cưỡng lại sự thương yêu, dù em thấy trước mắt những khó khăn tủi cực.
Thương yêu như tôi đã nói, không phải chỉ là ngọt ngào. Thương yêu còn là
nỗ lực, nhẫn nhục, can đảm, hy sinh. Và bởi vì thương yêu như thế cũng là
một nhu yếu lớn của bản thể em cho nên em không thể không thương yêu,
không thể không chấp nhận một sự dấn thân cần thiết.