Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Kinh Địa Tạng
Hòa thượng Thích Trí Quang dịch giải

Phẩm 7: Lợi Ích Người Còn Kẻ Mất

Vào lúc ấy, Địa tạng đại sĩ bạch đức Thế tôn, con thấy người Diêm phù mống tâm động niệm toàn là tội lỗi. Gặp được việc tốt thì phần nhiều hay lùi mất tâm chí ban đầu, còn gặp phải sự xấu thì tăng thêm tội lỗi ngay trong từng ý nghĩ. Những kẻ như vậy khác nào đi trên đường bùn lầy mà vác thêm đá nặng, càng khốn càng nặng, chân lún càng sâu. Nếu may mắn gặp được người quen vác bớt hay vác hết cho, người quen này lại có sức mạnh hơn nữa dìu đỡ kẻ ấy, khuyến khích kẻ ấy mạnh chân lên, nên đến được đất bằng. Đến rồi thì phải biết rõ đường hiểm ấy, đừng bước vào đó nữa.

Bạch đức Thế tôn, người làm ác thì khởi đầu chỉ mảy may mà rồi đi đến vô lượng. Người ấy, lúc sắp chết, cha mẹ bà con nên làm phước giúp cho đời sau của họ, bằng cách hoặc treo phan cái (53) , hoặc đốt dầu đèn, rồi trì tụng bản kinh tôn quí, hiến cúng hình tượng Phật đà hoặc hình tượng Hiền thánh, lại trì niệm danh hiệu của Phật đà, của Bồ tát, của Duyên giác. Mỗi một danh hiệu như vậy đều thấu vào thính giác của người sắp chết, hoặc được nghe qua bản thức của người ấy. Người ấy, nghiệp dữ họ làm, tính quả khổ cảm ra tất phải sa vào đường dữ, nhưng mà nhờ cha mẹ bà con đã tạo cho họ những nhân tố thánh thiện như trên, nên nghiệp dữ đến như thế cũng vẫn tan biến được cả. Sau khi người ấy chết rồi, trong bảy tuần bảy ngày, nếu cha mẹ bà con lại làm thêm cho họ những nhân tố thánh thiện như trên, thì năng lực việc làm ấy làm cho người chết kia thoát khỏi đường dữ một cách lâu dài, được sinh trong nhân loại hay trên chư thiên, hưởng thụ sư yên vui tuyệt diệu. Còn cha mẹ bà con đã tạo nhân tố thánh thiện cho họ thì được lợi ích vô lượng.

Chính vì lý do ấy, hôm nay, đối trước đức đại giác Thế tôn, trước tám bộ thiên long, trước nhân loại và loài khác, con khuyến cáo người Diêm phù, trong ngày người thân sắp chết, phải hết sức thận trọng, đừng sát hại sinh vật và làm những việc dữ khác như tế lễ quỉ thần, cầu cúng yêu quái. Tại sao con khuyến cáo như vậy, vì lẽ bao nhiêu sự sát hại và cúng tế ấy không có một mảy may năng lực ích lợi cho người sắp chết, ngược lại, chỉ kết thêm nghiệp dữ cho sâu và nặng hơn lên. Giả sử người sắp chết, ngay sau khi mới chết (54) hay lúc còn sống, có được phần nào nhân tố thánh thiện để sinh trong nhân loại hay sinh lên chư thiên, nhưng bị lúc sắp chết, cha mẹ bà con làm những nhân tố tội ác nói trên, nên làm cho người ấy phải đối chất về tai vạ như vậy mà bị trì hoãn việc sinh vào đường lành. Huống chi người sắp chết ấy lúc sống đã không có một chút nghiệp lành, căn cứ nghiệp dữ tự làm đã phải tự chịu quả khổ trong đường dữ, nỡ nào cha mẹ bà con còn bồi thêm vào nghiệp dữ ấy. Khác nào một kẻ đến đây từ đường sá xa xôi, hết ăn đã ba ngày, đồ vật gánh vác lại nặng quá trăm cân, vậy mà khi gặp được người làng xóm, người này lại chất thêm một ít đồ vật và gánh vác ấy, nên kẻ kia càng nặng và càng khốn hơn lên.

Bạch đức Thế tôn, con thấy người Diêm phù nếu biết làm lành theo những sự huấn thị của đức Thế tôn, thì điều lành ấy dầu chỉ bằng một sợi lông, một giọt nước, hay bằng một hạt cát, một mảy bụi đi nữa, cũng tự được ích lợi tất cả.

Địa tạng đại sĩ nói như vậy, trong pháp hội có trường giả tên Đại biện, một vị trưởng giả từ lâu đã thực hiện tuệ giác vô sinh, vì hóa độ mười phương chúng sinh nên hiện thân trưởng giả, chắp tay cung kính, thưa hỏi đức Địa tạng, kính bạch đại sĩ, người châu Diêm phù này, sau khi chết, bà con lớn nhỏ làm phước cho họ bằng cách thiết trai hiến cúng, tạo mọi nhân tố thánh thiện, thì người chết ấy được hay không được ích lợi và siêu thoát? Địa tạng đại sĩ dạy, trưởng giả, vì mọi người bây giờ và mai sau, tôi vâng theo uy thần của đức Thế tôn mà nói sơ lược về điều ấy.

Trưởng giả, bây giờ và sau này, những người trong ngày sắp chết, nếu nghe được một danh hiệu Phật đà, một danh hiệu Bồ tát, một danh hiệu Duyên giác, thì không kể có tội không tội, đều siêu thoát được cả. Nếu ai, bất luận nam tử hay nữ nhân, sống không làm nghiệp lành mà lại làm nhiều nghiệp dữ, nhưng sau khi chết, bà con lớn nhỏ làm phước cho họ bằng mọi nhân tố thánh thiện, thì trong bảy phần, người chết hưởng một, còn lại sáu phần người làm tự hưởng. Do đó, mà bây giờ và sau này, bất cứ thiện nam hay thiện nữ, nghe như vậy thì phải mạnh mẽ mà tự tu, bởi vì phần phước thánh thiện của người nào thì người ấy nhận được đủ cả.

Quỉ sứ lớn nhất là sự vô thường chết chóc. Mà nó đến thì không một ai được hẹn trước. Rồi trong cảnh mịt mù thăm thẳm, nghiệp thức chơi vơi, chưa biết sẽ chịu tội hay hưởng phước. Nên trong thì gian bảy lần bảy ngày, người chết như ngây như điếc, hoặc bị đưa đến những nơi liên hệ để đối biện về nghiệp và nghiệp quả. Sau khi thẩm định mới tùy nghiệp mà sinh vào các loài. Trong thì gian chưa đoán trước được mà khổ sở đã ngàn vạn rồi, huống chi sau đó sa vào các đường dữ. Người chết ấy, lúc chưa sinh vào các loài, tức là trong thì gian bảy lần bảy ngày, ý nghĩ này liên tiếp ý nghĩ khác, trông ngóng bà con xương thịt làm phước cứu vớt cho họ. Hết thì gian này rồi, phải tùy nghiệp mà chịu quả. Nếu là nghiệp dữ thì trải qua hàng trăm hàng ngàn năm cũng chưa có cái ngày thoát khỏi. Nếu là năm nghiệp dữ vô gián thì bị sa vào địa ngục lớn nhất ấy, trải qua cái kiếp hàng ngàn hàng vạn năm, chịu đủ mọi thứ cực hình trong thì gian rất lâu dài như vậy.

Do đó, trưởng giả Đại biện, những người nghiệp dữ sau khi chết, bà con xương thịt thiết trai hiến cúng để cứu giúp cho họ, thì lúc sắp đặt trai soạn, nước gạo và lá rau đừng đổ vãi xuống đất. Nhất là trai soạn chưa hiến cúng Phật và hiến cúng Tăng, hoặc hiến cúng mà thọ trai chưa xong, thì đừng ăn trước (55) . Nếu ăn trước hay thiếu tinh khiết, cẩn trọng, thì người chết chẳng hưởng được hiệu lực nào cả. Nếu tinh thành, cẩn trọng, giữ gìn sạch sẽ mà phụng hiến Phật và phụng hiến Tăng, thì người chết bảy phần được một. Cho nên, trưởng giả Đại biện, người Diêm phù nếu vì cha mẹ hay bà con đã chết mà thiết trai hiến cúng một cách hết lòng cẩn trọng, chân thành, làm phước như vậy thì người còn kẻ mất đều được ích lợi tất cả.

Khi lời này của Địa tạng đại sĩ được nói ra thì tại Đạo lợi thiên cung có ngàn vạn ức trăm triệu quỉ thần ở châu Diêm phù đều phát tâm tuệ giác không có giới hạn. Trưởng giả Đại biện thì đảnh lễ mà lui về chỗ của mình.


Phẩm 8: Chúa Tôi Diêm La Xưng Tụng

Lúc ấy có vô số chúa quỉ, vốn ở trong dãy núi thiết vi và đã tháp tùng Diêm la thiên tử mà lên Đao lợi, cùng đến chỗ đức Thế tôn, đại loại như chúa quỉ Ác độc, chúa quỉ Ác nhiều, chúa quỉ Cọp dữ, chúa quỉ Cọp trắng, Chúa quỉ Cọp huyết, chúa quỉ Cọp đỏ, chúa quỉ Gieo tai họa, chúa quỉ Phi thân, chúa quỉ Ánh điện, chúa quỉ Nanh sói, chúa quỉ Ngàn mắt, chúa quỉ Ăn thú vật, chúa quỉ Vác đá, chúa quỉ Chủ hao tổn, chúa quỉ Chủ tai họa, chúa quỉ Chủ thực phẩm, chúa quỉ Chủ tài sản, chúa quỉ Chủ gia súc, chúa quỉ Chủ loài chim, chúa quỉ Chủ loài thú, chúa quỉ Chủ quỉ mị, chúa quỉ Chủ sản dục, chúa quỉ Chủ sinh mạng, chúa quỉ Chủ bịnh tật, chúa quỉ Chủ hiểm nguy, chúa quỉ Ba mắt, chúa quỉ Bốn mắt, chúa quỉ Năm mắt, chúa quỉ Kỳ lợi thất, chúa quỉ Đại kỳ lợi thất, chúa quỉ Kỳ lợi xoa, chúa quỉ Đại kỳ lợi xoa, chúa quỉ A na tra, chúa quỉ Đại a na tra ... Những chúa quỉ này ai cũng có cả trăm cả ngàn chúa quỉ nhỏ, cùng ở tại châu Diêm phù, có nhiệm vụ và có quyền hành riêng. Những chúa quỉ này cùng Diêm la thiên tử, nhờ thần lực của đức Thế tôn và của Địa tạng đại sĩ, mà cùng nhau đến được tại tại Đao lợi thiên cung, đứng vào một phía. Bấy giờ Diêm la thiên tử quì xuống, chắp tay mà thưa, bạch đức Thế tôn, hôm nay con với các chúa quỉ nhờ thần lực của đức Thế tôn và của Địa tạng đại sĩ mới đến được nơi pháp hội Đao lợi lớn lao như thế này. Việc ấy cũng đã là lợi ích tốt đẹp mà chúng con được hưởng. Bây giờ con có một nỗi hoài nghi nhỏ, dám xin thỉnh vấn đức Thế tôn. Xin đức Thế tôn từ bi chỉ dạy cho con. Đức Thế tôn bảo Diêm la thiên tử, tùy ý ông hỏi, Như lai sẽ nói cho.

Diêm la thiên tử lúc ấy chiêm ngưỡng và đảnh lễ đức Thế tôn, rồi xoay qua chiêm ngưỡng Địa tạng đại sĩ. Sau đó xoay lại mà thưa, bạch đức Thế tôn, con thấy Địa tạng đại sĩ ở trong sáu đường, vận dụng hàng trăm hàng ngàn phương tiện cứu vớt những kẻ tội khổ, không từ mệt nhọc. Đại sĩ có thần lực bất khả tư nghị như vậy, nhưng mọi người thì thoát khỏi đường dữ không lâu lại sa vào chốn ấy. Bạch đức Thế tôn, Địa tạng đại sĩ đã có thần lực bất khả tư nghị như vậy, tại sao mọi người không sống trong đường lành, siêu thoát mãi mãi? Con thỉnh cầu đức Thế tôn giải thích cho con.

Đức Thế tôn dạy, Diêm la thiên tử, người Diêm phù tính khí ương ngạnh, khó hướng dẫn, khó chế ngự. Địa tạng đại sĩ trong hàng trăm hàng ngàn kiếp, cứu vớt từng người một, ước mong làm cho họ sớm được giải thoát. Đến nỗi những người tội chướng như vậy bị sa vào nẻo đường rất dữ đi nữa, đại sĩ cũng vận dụng năng lực phương tiện mà cứu vớt họ thoát khỏi nghiệp quả căn bản, làm cho họ biết rõ cái khổ của đời sống vừa qua. Tự vì người Diêm phù đã kết quá nặng cái thói nghiệp dữ, nên đường dữ mới ra lại vào, làm mệt đại sĩ bao kiếp hóa độ.

Như kẻ quên mất nhà mình, lầm vào đường hiểm. Đường ấy lắm dạ xoa và cọp sói sư tử, hổ mang bò cạp ... Trong đường hiểm như vậy, kẻ lầm đường chỉ lát nữa là sẽ bị hại. May có người bạn tốt biết nhiều thuật giỏi, không những trừ được các thứ độc tố mà còn trị được dạ xoa và mãnh thú, bắt gặp kẻ lầm đường đang muốn đi sâu vào đường hiểm ấy, vội hỏi, quái lạ, cần gì mà anh vào đây? Anh có phép lạ nào để chế ngự những sự độc hại? Kẻ lầm đường nghe vậy mới biết là đường hiểm, tức khắc lùi bước, cầu thoát nơi ấy. Người bạn tốt nắm tay mà dắt, dẫn ra khỏi đường hiểm, thoát khỏi độc hại. Khi đến đường tốt, yên ổn vui mừng rồi, bảo, kẻ lầm lạc, từ nay về sau đừng bước vào con đường ấy nữa. Đường ấy mà vào thì đã khó ra mà còn mất mạng. Kẻ lầm đường cũng biết cảm kích ơn nặng. Lúc chia tay, người bạn tốt lại bảo, anh thấy ai, bất kể quen lạ, nam nữ, hãy bảo cho họ biết đường ấy lắm độc và nhiều dữ, vào đó là mất mạng. Đừng để họ tự rước lấy cái chết.

Địa tạng đại sĩ đầy lòng từ bi vĩ đại, cứu vớt những kẻ tội khổ ra khỏi đường dữ, làm cho họ sinh trong nhân loại hay trên chư thiên, hưởng sự yên vui tuyệt diệu. Những kẻ tội khổ ấy, biết cái khổ đường dữ, nên thoát được rồi thì không bao giờ còn dám trở lại. Như kẻ lầm đường, lầm vào đường hiểm, được bạn tốt dẫn ra rồi thì không bao giờ còn bước lại vào đó. Gặp ai bước vào cũng biết khuyên can, bằng cách tự nói chính vì mình đã lầm vào đó mà biết là đường hiểm, nay ra được rồi thì không dám vào lại nữa. Ngược lại, kẻ nào vẫn cứ bước vào, ấy là vì còn quá ngu và lầm, quên đi đó là đường hiểm mà trước đây mình đã lạc vào, nên có thể tự gây ra sự mất mạng cho mình. Khác nào những kẻ sa vào đường dữ, được Địa tạng đại sĩ dùng năng lực phương tiện cứu cho thoát khỏi, sinh lên nhân loại hay chư thiên, nhưng liền sau đó lại tái tục sa vào. Rồi nếu nghiệp dữ kết lại quá nặng thì ở mãi trong địa ngục, không biết bao giờ thoát khỏi.

Lúc ấy chúa quỉ Ác độc chắp tay cung kính mà thưa, bạch đức Thế tôn, chúa quỉ như chúng con số lượng nhiều lắm. Tại châu Diêm phù, có kẻ giúp ích cho người, có kẻ gây họa cho người, việc làm khác nhau. Nhưng vì nghiệp và nghiệp báo của người Diêm phù mà làm cho thuộc hạ của chúng con đi đến đâu cũng gây họa nhiều hơn giúp ích. Tuy nhiên, nếu họ qua nhà cửa của ai, hoặc đô thị làng xóm hay trang trại phòng ốc nào mà có kẻ, hoặc nam hoặc nữ, biết làm nghiệp lành dầu bằng tơ tóc, hơn nữa biết treo một tràng phan hoặc một bảo cái, sắm một ít hương hay một ít hoa mà hiến cúng hình tượng Phật đà hay hình tượng Bồ tát, hoặc đốt hương mà hiến cúng và trì tụng bản kinh tôn quí này, thì dầu chỉ được một câu đủ nghĩa hay một bài chỉnh cú, những chúa quỉ như chúng con vẫn kính lạy những người ấy như kính lạy chư Phật trong mọi thì gian quá khứ hiện tại và vị lai. Chúng con lại hạ lịnh cho những quỉ nhỏ nhưng có sức lớn, cho kẻ có trách nhiệm về khu vức ấy, tự nhiên họ ra sức hộ vệ, làm cho việc dữ và việc ngang trái, bịnh dữ và bịnh ngang trái, cho đến mọi sự không vừa ý, đều không đến gần được khu vức có nhà cửa cho đến phòng ốc của những người ấy cư trú, huống chi để cho xâm nhập cửa ngõ. Đức Thế tôn khen chúa quỉ Ác độc, lành thay việc các người với Diêm la thiên tử hộ vệ được như vậy đối với những người thiện nam hay thiện nữ. Như lai cũng khuyến khích Phạn vương Đế thích hộ vệ cho các người.

Khi đức Thế tôn nói lời ấy thì trong pháp hội có một chúa quỉ khác, chúa quỉ Chủ sinh mạng, thưa với ngài, bạch đức Thế tôn, nghiệp của con là chủ trì sinh mạng của người Diêm phù. Lúc sinh cũng như lúc chết, con chủ trì cả. Bản nguyện của con rất muốn ích lợi cho họ. Nhưng tự họ không biết ý con, nên sinh và chết đều không yên. Tại sao như vậy, vì người Diêm phù mới sinh, không kể nam nữ, lúc sắp sinh thì chỉ nên làm lành để ích lợi thêm cho nhà cửa, tự nhiên quỉ thần khu vức họ ở hoan hỷ vô lượng, hộ vệ cả mẹ lẫn con được sự yên vui lớn lắm, ích lợi đến cả thân thuộc; lúc sinh rồi thì phải hết sức thận trọng, tránh sự sát sinh để kiếm vị tươi ngon cung cấp sản phụ hoặc để tụ tập thân thuộc uống ăn rượu thịt, ca hát đàn thổi. Nếu làm như vậy thì làm cho cả mẹ lẫn con không được yên vui. Vì lẽ lúc sinh nở thì vô số quỉ dữ yêu tinh muốn ăn uống máu huyết hôi tanh, chỉ vì con đã ra lịnh trước cho các vị thần linh khu vức, nên họ che chở hộ vệ cho cả mẹ lẫn con được yên vui ích lợi. Sản phụ và thân nhân thấy yên vui ích lợi thì lẽ đáng phải biết làm phước để gián tiếp đáp tạ thần linh khu vức, đằng này ngược lại, sát sinh và tụ tập bà con mà yến tiệc. Làm như vậy là phạm vào tội ác, và đương nhiên tự chịu tai họa là mẹ con cùng bị thương tổn.

Lại nữa, người Diêm phù khi sắp chết, bất cứ họ đã làm lành hay làm dữ, con muốn làm cho ai nấy đều khỏi sa vào đường dữ, huống chi tự họ biết làm lành, gián tiếp tăng thêm năng lực cho con. Tại châu Diêm phù này, những người biết làm lành mà khi sắp chết vẫn có cả trăm cả ngàn quỉ thần ác biến ra giống như cha mẹ bà con của họ, dẫn dụ cho họ sa vào đường dữ, huống chi những kẻ vốn chỉ biết làm ác.

Bạch đức Thế tôn, như vậy, bất cứ nam nữ, người Diêm phù lúc sắp chết, hầu hết nghiệp thức hôn mê, lành không biết dữ không hay, thị giác thính giác hết cả khả năng thấy nghe. Lúc ấy thân nhân của họ nên cố gắng làm việc hiến cúng lớn, trì tụng bản kinh tôn quí, trì niệm danh hiệu của Phật đà hay của Bồ tát. Nhân tố thánh thiện như thế này có năng lực làm cho người chết thoát khỏi đường dữ, quỉ thần thuộc ảnh hưởng ma vương cũng lùi bước và tản mất. Bạch đức Thế tôn, hết thảy mọi người khi sắp chết, nếu được nghe một danh hiệu Phật đà, một danh hiệu Bồ tát, hoặc một câu đủ nghĩa hay một bài chỉnh cú của kinh điển đại thừa, thì con thấy những người ấy, ngoại trừ năm thứ nghiệp dữ vô gián và nghiệp dữ sát hại, còn những nghiệp dữ tương đối nhỏ hơn nhưng vẫn có thể làm cho họ đáng lẽ sa vào đường dữ, thì tức khắc thoát khỏi được cả.

Đức Thế tôn dạy chúa quỉ Chủ sinh mạng, chính vì ông có đức Từ lớn lắm mới phát ra thệ nguyện trọng đại, nguyện ở trong sinh tử mà hộ vệ chúng sinh. Trong thì gian vị lai, con người bất cứ nam nữ, lúc họ sinh hay lúc họ chết, ông đừng bỏ thệ nguyện của mình, hãy hộ vệ cho họ trong tất cả những lúc ấy thoát khỏi tai họa, mãi mãi yên vui. Chúa quỉ Chủ sinh mạng bạch đức Thế tôn, xin đức Thế tôn đừng lo nghĩ. Con nguyện suốt đời con, ý nghĩ này liên tiếp ý nghĩ khác, hộ vệ người Diêm phù, làm cho họ lúc sinh cũng như lúc chết đều được yên vui. Con chỉ cầu nguyện mọi người, lúc sinh hay lúc chết, hãy tin theo lời con, thì không ai mà không thoát khỏi tai họa và được ích lợi lớn lao.

Đức Thế tôn nói với Địa tạng đại sĩ, chúa quỉ Chủ sinh mạng này đã hàng trăm hàng ngàn đời làm chúa quỉ lớn, ở trong sinh tử mà hộ vệ chúng sinh. Vì thệ nguyện từ bi mà vị đại bồ tát này biến hình làm chúa quỉ lớn, thật không phải quỉ đâu. Sau này, qua một trăm bảy chục kiếp nữa, vị đại bồ tát này sẽ thành Phật đà với danh hiệu Vô tướng như lai, thời kỳ tên An lạc, quốc độ tên Tịnh trú. Vô tướng như lai sống lâu với thì gian dài không thể tính kể. Địa tạng đại sĩ, việc của chúa quỉ lớn này đến như thế ấy, không thể nghĩ bàn, nhân loại và chư thiên mà vị ấy cứu độ cũng không thể nào tìm thấy giới hạn và số lượng.

Phẩm 9: Xưng Tụng Danh Hiệu Chư Phật

Địa tạng đại sĩ khi ấy thưa rằng, bạch đức Thế tôn, bây giờ con xin vì những người trong thì gian vị lai mà nói đến một sự ích lợi. Trong lúc sống cũng như trong lúc chết, sự ấy làm cho họ được ích lợi vĩ đại. Con thỉnh cầu đức Thế tôn cho phép con nói về sự ấy. Đức Thế tôn dạy, Điạ tạng, đại sĩ muốn thương và cứu hết thảy những kẻ tội khổ trong sáu đường mà định nói đến sự bất khả tư nghị thì thật đúng lúc, nên nói liền đi. Như lai sắp nhập niết bàn; nói đến sự ấy là đại sĩ tự làm cho thệ nguyện của mình sớm được hoàn tất, lại làm cho Như lai hết phải lo nghĩ về mọi người trong hiện tại và trong tương lai.

Địa tạng đại sĩ bạch đức Thế tôn, trong quá khứ, vô số kiếp vô số, có đức Phật xuất thế danh hiệu Vô biên thân như lai. Nam tử hay nữ nhân nào nghe được danh hiệu của ngài mà sinh tâm tôn kính, thì dẫu chỉ trong chốc lát, người ấy cũng vượt được tội nặng sinh tử trong bốn mươi kiếp, huống chi còn biết đắp vẽ hình tượng của ngài mà hiến cúng và xưng tụng. Cái phước mà người này được thật vô lượng vô biên.

Trong quá khứ, cách nay những kiếp nhiều như cát sông Hằng, có đức Phật xuất thế danh hiệu Bảo tánh như lai. Nam tử hay nữ nhân nào nghe được danh hiệu của ngài mà phát tâm qui y, thì dẫu chỉ bằng thì gian đàn chỉ một cái, người ấy đối với tuệ giác vô thượng cũng không còn thoái chuyển.

Trong quá khứ, có đức Phật xuất thế danh hiệu Ba đầu ma thắng như lai. Nam tử hay nữ nhân nào được danh hiệu của ngài lướt qua thính giác, thì người ấy sẽ được ngàn lần sinh lên sáu tầng trời Dục giới, huống chi còn biết chí tâm mà trì niệm danh hiệu ấy.

Trong quá khứ, lâu đến hai lần không thể nói hết về kiếp vô số, có đức Phật xuất thế danh hiệu Sư tử hống như lai. Nam tử hay nữ nhân nào nghe được danh hiệu của ngài mà phát tâm qui y, thì dẫu trong chốc lát mà thôi, người ấy cũng gặp được vô lượng chư Phật xoa trên đỉnh đầu mà thọ ký cho.

Trong quá khứ, có đức Phật xuất thế danh hiệu Câu lưu tôn như lai. Nam tử hay nữ nhân nào nghe được danh hiệu của ngài mà chí thành chiêm bái xưng tụng, thì người ấy, trong pháp hội của ngàn đức Phật đà thuộc về Hiền kiếp này, đều làm vị Phạn vương, và được sự thọ ký tối thượng.

Trong quá khứ, có đức Phật xuất thế danh hiệu Tỳ bà thi như lai. Nam tử hay nữ nhân nào nghe được danh hiệu của ngài thì trong thì gian rất lâu dài không còn sa vào đường dữ, thường sinh trong nhân loại hay trên chư thiên, hưởng sự yên vui tuyệt diệu.

Trong quá khứ, với những kiếp nhiều bằng số cát của vô lượng vô số sông Hằng, có đức Phật xuất thế danh hiệu Bảo thắng như lai. Nam tử hay nữ nhân nào nghe được danh hiệu của ngài thì người ấy tuyệt đối hết còn sa vào đường dữ, thường ở trên chư thiên mà hưởng sự yên vui tuyệt diệu.

Trong quá khứ, có đức Phật xuất thế danh hiệu Bảo tướng như lai. Nam tử hay nữ nhân nào nghe được danh hiệu của ngài mà sinh lòng tôn kính, thì người ấy không lâu sẽ thực hiện đạo quả La hán.

Trong quá khứ, vô lượng kiếp vô số, có đức Phật xuất thế danh hiệu Ca sa tràng như lai. Nam tử hay nữ nhân nào nghe được danh hiệu của ngài thì vượt được tội lỗi sinh tử trong một trăm đại kiếp.

Trong quá khứ, có đức Phật xuất thế danh hiệu Đại thông sơn vương như lai. Nam tử hay nữ nhân nào nghe được danh hiệu của ngài thì người ấy được gặp hằng sa chư Phật, được các ngài nói Phật pháp cho một cách đầy đủ, và quyết chắc thành tựu tuệ giác vô thượng.

Trong quá khứ, có đức Tịnh nguyệt như lai, đức Sơn vương như lai, đức Trí thắng như lai, đức Tịnh danh vương như lai, đức Trí thành tựu như lai, đức Vô thượng như lai, đức Diệu thanh như lai, đức Mãn nguyệt như lai, đức Nguyệt diện như lai ... Các đức Như lai như vậy nhiều đến số lượng không thể nói hết. Bạch đức Thế tôn, hiện tại và vị lai, hết thảy mọi người, bất cứ chư thiên hay nhân loại, bất cứ nam tử hay nữ nhân, chỉ được trì niệm danh hiệu của một ngài, công đức cũng đã vô lượng, huống chi được trì niệm nhiều danh hiệu. Những người ấy, lúc sống cũng như lúc chết, tự được ích lợi lớn lao, không bao giờ còn bị sa vào đường dữ.

Những kẻ sắp chết, thân nhân trong nhà, dầu chỉ một người biết vì kẻ ấy mà cao tiếng niệm danh hiệu của một đức Phật đi nữa, kẻ ấy, ngoại trừ năm thứ nghiệp dữ vô gián, dư ra, nghiệp dữ của những quả khổ khác đều tan biến hết thảy. Năm thứ nghiệp dữ vô gián tuy cực kỳ nặng nề, sẽ sa vào địa ngục ấy với cái kiếp cả ức năm vẫn chưa thoát khỏi, nhưng mà nhờ lúc sắp chết được người khác niệm cho danh hiệu của Phật, nên nghiệp dữ ấy cũng tiêu dần đi, huống chi có kẻ tự mình niệm được danh hiệu của Phật. Kẻ ấy, phước được đã vô lượng mà tội diệt cũng vô lượng.

Phẩm 10: Trắc Lượng Công Đức Bố Thí

Địa tạng đại sĩ, lúc ấy, vâng theo uy thần của đức Thế tôn, đứng dậy khỏi chỗ mình ngồi, quì xuống, chắp tay mà thưa, bạch đức Thế tôn, con quan sát những kẻ ở trong các nẻo đường của nghiệp, trắc lượng sự bố thí của họ thì thấy có nhẹ có nặng, có sự hưởng phước một đời, có sự hưởng phước mười đời, có sự hưởng phước lớn trong trăm đời ngàn đời. Vì lý do nào, con thỉnh cầu đức Thế tôn dạy cho con rõ. Đức Thế tôn dạy, Địa tạng đại sĩ, hôm nay, trước toàn thể đại hội các chúng tại Đao lợi thiên cung như thế này, Như lai sẽ nói về sự bố thí tại châu Diêm phù, bằng cách trắc lượng công đức nhẹ nặng của sự ấy. Đại sĩ hãy nghe cho kyլ Như lai sẽ nói cho. Địa tạng đại sĩ bạch đức Thế tôn, con hoài nghi về việc ấy, nên rất ước muốn và thích thú được nghe.

Đức Thế tôn dạy Địa tạng đại sĩ, tại châu Diêm phù ở về phía nam này, những vị quốc chúa, tể tướng đại thần, đại trưởng giả, đại sát lợi, đại bà la môn, gặp những người rất thấp, rất nghèo, cho đến tật nguyền, câm ngọng, điếc lác, đui mù, cơ thể đủ cách không hoàn chỉnh như vậy, mà những vị quốc chúa cho đến bà la môn, trong lúc bố thí, vẫn đủ từ tâm rộng rãi, hạ lòng mình xuống, cười đón vui vẻ, tự tay đưa khắp cho họ, hay tự bảo người khác đưa giúp, dịu dàng an ủi, thì những vị quốc chúa cho đến bà la môn ấy được phước như hiến cúng chư Phật nhiều bằng số cát của một trăm sông Hằng. Lý do là vì quốc chúa cho đến bà la môn mà đối với những người rất thấp, rất nghèo, cơ thể không hoàn chỉnh, lại có từ tâm rộng rãi, nên phước của họ được có cái quả báo là trong trăm ngàn đời, bảy thứ quí báu còn luôn luôn đầy đủ, huống chi y phục, thực phẩm và những thứ cần dùng khác.

Địa tạng đại sĩ, trong vị lai, những vị quốc chúa cho đến bà la môn gặp được chùa tháp của Phật, hình tượng của Phật, hình tượng của Bồ tát, Thanh văn, Duyên giác, đích thân sắm đồ mà hiến cúng, thì những vị quốc chúa cho đến bà la môn ấy được phước ba kiếp làm thân Đế thích, hưởng sự yên vui tuyệt diệu. Nếu biết đem cái phước bố thí như vậy hồi hướng cho pháp giới chúng sinh, thì những vị quốc chúa cho đến bà la môn ấy trong mười kiếp thường làm Phạn vương.

Địa tạng đại sĩ, trong vị lai, những vị quốc chúa cho đến bà la môn gặp được chùa tháp hay kinh tượng của Phật quá khứ bị hư hỏng mà biết phát tâm tu bổ, bằng cách tự mình lo liệu hay khuyến khích người khác, cả trăm cả ngàn người, hiến cúng để kết mối liên hệ tốt đẹp với Phật, thì những vị quốc chúa cho đến bà la môn ấy trăm ngàn đời thường làm Luân vương, còn những người chung sức thì cũng với số đời ấy thường làm quốc chúa. Nếu còn biết đem công đức như vậy đối trước chùa tháp hay kinh tượng đã tu bổ mà phát nguyện hồi hướng cho pháp giới chúng sinh, thì những vị quốc chúa cho đến bà la môn ấy, cùng những người chung sức với họ, đều sẽ làm Phật, vì lẽ quả báo của sự hiến cúng như thế này thật vô lượng vô biên.

Địa tạng đại sĩ, trong vị lai, những vị quốc chúa cho đến bà la môn thấy những người già cả, những người bịnh tật và những kẻ sản phụ mà, dẫu chỉ một lúc, phát ra từ tâm rộng rãi, chu cấp dược phẩm, đồ ăn, thức uống và đồ nằm cho họ yên vui, thì phước này rất bất khả tư nghị, trong một trăm kiếp thường làm chúa trời Tịnh cư, trong hai trăm kiếp thường làm chúa trời Lục dục, cho đến cuối cùng thì trở thành một đức Phật đà chứ không bao giờ còn sa vào đường dữ, cả trăm cả ngàn đời thính giác không nghe đến âm thanh đau khổ (55b) .

Địa tạng đại sĩ, trong vị lai, những vị quốc chúa cho đến bà la môn làm được những sự bố thí như trên đây thì được phước vô lượng. Nếu còn đem phước ấy hồi hướng cho pháp giới chúng sinh, thì bất cứ bố thí nhiều hay ít, cuối cùng thành Phật tất cả, huống chi làm Đế thích, Phạn vương hay Luân vương. Vì lý do này, Địa tạng đại sĩ, hãy khuyến khích mọi người nên học tập sự bố thí như vậy.

Lại nữa, Địa tạng đại sĩ, trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào y theo giáo pháp của Như lai mà gieo trồng gốc rễ điều lành, thì điều lành ấy dầu chỉ bằng lông tóc cát bụi đi nữa, phước báo họ nhận được cũng không thể ví dụ.

Địa tạng đại sĩ, trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào gặp được mà biết hiến cúng hình tượng của Phật đà, của Bồ tát, Duyên giác hay Luân vương, thì được phước vô lượng, thường ở trong nhân loại hay trên chư thiên mà hưởng sự yên vui tuyệt diệu. Nếu biết đem phước ấy hồi hướng cho pháp giới chúng sinh, thì phước báo họ nhận được không thể ví dụ.

Địa tạng đại sĩ, trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào gặp được kinh điển đại thừa, dầu chỉ nghe một bài chỉnh cú hay một câu đủ nghĩa, mà thiết tha, trân trọng, xưng tụng, tôn kính và hiến cúng, thì kẻ đó được phước báo vĩ đại, có tính chất vô lượng vô biên. Nếu biết đem phước ấy hồi hướng cho pháp giới chúng sinh, thì phước báo họ nhận được không thể ví dụ.

Địa tạng đại sĩ, trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào gặp được chùa tháp của Phật và kinh điển đại thừa, loại mới thì hiến cúng, xưng tụng, tôn kính, chắp tay, chiêm ngưỡng và lễ bái; loại cũ hoặc hỏng thì tu bổ bằng cách phát tâm ra sức một mình, hay khuyến khích nhiều người phát tâm chung sức. Những người chung sức thì trong ba mươi đời thường làm quốc chúa, còn người chủ xướng thì làm luân vương, lại đem pháp lành khuyến hóa thêm nữa cho các vị quốc chúa.

Địa tạng đại sĩ, trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào y theo giáo pháp của Như lai mà gieo trồng gốc rễ điều lành như bố thí hiến cúng, như tu tạo chùa tháp, như chỉnh trang kinh điển, thì dẫu chỉ bằng một sợi lông, một mảy bụi, một hạt cát, một giọt nước đi nữa, điều lành như vậy nếu biết đem hồi hướng cho pháp giới chúng sinh, thì phước báo người ấy nhận được là trăm ngàn đời hưởng sự yên vui tuyệt diệu và thượng đẳng. Nếu chỉ biết đem cầu nguyện cho thân thuộc trong gia đình của mình, hay chỉ biết đem cầu nguyện cho lợi ích bản thân, thì kết quả chỉ hưởng được yên vui trong ba đời mà thôi. Như vậy thì biết bỏ một mới được cả vạn.

Địa tạng đại sĩ, nhân tố và phước báo của sự bố thí là như vậy.

Phẩm 11: Thần Đất Hộ Trì

Bấy giờ thần đất Cứng chắc bạch đức Thế tôn, từ xưa đến nay, con chiêm ngưỡng và lễ bái vô lượng bồ tát đại sĩ, toàn là những vị mà thần lực và tuệ giác đều vĩ đại và siêu việt, hóa độ sâu rộng hết thảy chúng sinh. Trong các vị ấy, Địa tạng đại sĩ có thệ nguyện sâu nặng hơn cả. Bạch đức Thế tôn, đối với châu Diêm phù này, Địa tạng đại sĩ có sự liên hệ lớn lao. Các vị đại bồ tát khác, như ngài Văn thù, ngài Phổ hiền, ngài Quan âm, ngài Di lạc, tuy cũng phân hóa thân hình cả trăm cả ngàn mà hóa độ sâu rộng sáu đường chúng sinh, nhưng thệ nguyện của các ngài vẫn có lúc hoàn tất. Đến như Địa tạng đại sĩ thệ nguyện hóa độ sáu đường chúng sinh thì số lượng về kiếp mà thệ nguyện ấy trải qua, nhiều đến như số cát của ngàn lần trăm ức sông Hằng.

Bạch đức Thế tôn, con thấy, trong vị lai, và ngay trong hiện tại, người nào, nơi chỗ mình cư trú mà xoay qua hướng nam, trên đất sạch sẽ, lấy đất đá tre gỗ mà làm khám thất (56) , trong đó đắp vẽ hình tượng Địa tạng đại sĩ, hay đem vàng bạc đồng sắt đúc hình tượng ấy, rồi đốt hương mà hiến cúng, chiêm ngưỡng, lễ bái, xưng tụng, thì người ấy, và chỗ ở của người ấy, được mười sự ích lợi: một là đất đai đầy những chất tốt, hai là nhà cửa luôn luôn yên vui, ba là người chết sinh lên chư thiên, bốn là người sống tăng thêm tuổi thọ, năm là ước muốn đúng đều toại ý, sáu là không bị tai họa nước lửa, bảy là không bị mọi sự hao tổn, tám là tuyệt hết mọi thứ ác mộng, chín là đi về quỉ thần hộ trì, mười là thường gặp nhân tố thánh thiện. Bạch đức Thế tôn, trong vị lai, và ngay trong hiện tại, người nào nơi chỗ mình ở mà hướng về phía nam, làm được sự hiến cúng như con đã nói, thì được những sự ích lợi cũng như con đã nói.

Thần đất Cứng chắc lại bạch đức Thế tôn, trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào, nơi chỗ họ ở có kinh điển và hình tượng của Địa tạng đại sĩ, người ấy lại trì tụng kinh điển và hiến cúng hình tượng như vậy, thì cả ngày lẫn đêm, con luôn luôn vận dụng thần lực của con mà hộ vệ cho họ, đến nỗi thủy tai, hỏa hoạn, trộm cướp, giặc giã, tai họa ngang trái lớn, tai họa ngang trái nhỏ, hết thảy việc dữ đều tan biến cả.

Đức Thế tôn dạy, thần đất Cứng chắc, thần lực của ông lớn lắm, ít có thần nào sánh nổi. Vì lẽ đất đai Diêm phù đều nhờ ông gìn giữ. Cỏ cây, cát đá, lúa mè, tre lau, thóc gạo, đồ quí, tất cả do đất mà có -- tất cả đều nhờ thần lực của ông. Vậy mà ông lại còn luôn luôn xưng tụng sự ích lợi chúng sinh của Địa tạng đại sĩ, thì công đức và thần lực của ông gấp trăm ngàn lần đối với các vị thần đất bình thường. Vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào biết hiến cúng hình tượng và trì tụng kinh điển của Địa tạng đại sĩ, và dẫu chỉ biết làm theo một việc của kinh điển ấy, kinh Bản nguyện của Địa tạng đại sĩ, mà thôi, ông cũng nên vận dụng thần lực của mình mà hộ vệ cho họ, đừng để tai họ phải nghe những thứ tai hại và bất như ý, huống chi để thân họ phải chịu những thứ ấy.

Không phải chỉ mình ông biết hộ vệ cho những người ấy, mà Đế thích, Phạn vương, chư thiên và những kẻ tùy thuộc của họ, cũng hộ vệ cho những người ấy. Tại sao những người ấy được sự hộ vệ của bao nhiêu người hiền có thánh có như vậy? Vì lẽ lễ bái hình tượng Địa tạng đại sĩ và trì tụng kinh Bản nguyện của ngài thì đương nhiên cuối cùng thoát khỏi biển khổ, thực hiện niết nàn. Đó là lý do có được sự hộ vệ lớn lao.

Phẩm 12: Lợi Ích Của Sự Thấy Nghe

Vào lúc bấy giờ, từ trên đỉnh đầu, đức Thế tôn phóng ra trăm ngàn vạn ức tia sáng lớn: tia sáng trắng và trắng lớn, tia sáng điềm tốt và điềm tốt lớn, tia sáng ngọc và ngọc lớn, tia sáng tía và tía lớn, tia sáng xanh và xanh lớn, tia sáng biếc và biếc lớn, tia sáng hồng và hồng lớn, tia sáng lục và lục lớn, tia sáng vàng và vàng lớn, tia sáng mây lành và mây lành lớn, tia sáng ngàn vầng và ngàn vầng lớn, tia sáng vầng ngọc và vầng ngọc lớn, tia sáng mặt trời và mặt trời lớn, tia sáng mặt trăng và mặt trăng lớn, tia sáng cung điện và cung điện lớn (57) , tia sáng mây biển và mây biển lớn ... Từ trên đỉnh đầu phóng ra những tia sáng như vậy rồi, đức Thế tôn lại xuất ra âm thanh tuyệt diệu, nói với toàn thể đại hội các chúng, trong đó có tám bộ thiên long, nhân loại và loài khác, rằng hãy lắng nghe, hôm nay, tại Đao lợi thiên cung, Như lai sẽ xưng tụng tán dương những sự sau đây của Địa tạng đại sĩ: sự đem lại lợi ích trong nhân loại và chư thiên hay là sự bất khả tư nghị, sự làm cho nhân tố thánh thiện ấy siêu việt lên hay là sự thực hiện quả vị thập địa, sự cứu cánh không thoái chuyển đối với tuệ giác vô thượng (58) .

Khi đức Thế tôn nói như vậy thì trong pháp hội có một vị đại bồ tát danh hiệu Quan thế âm, từ chỗ ngồi đứng dậy, quì xuống, chắp tay mà thưa, bạch đức Thế tôn, Địa tạng đại sĩ hoàn thành đại từ bi, xót thương chúng sinh tội khổ, nên trong ngàn vạn ức thế giới hệ, đại sĩ phân hóa ngàn vạn ức thân hình. Công đức và thần lực bất khả tư nghị của đại sĩ, con đã được nghe đức Thế tôn cùng chư Thế tôn trong mười phương, khác nhau cơ quan phát âm mà lại đồng nhất về lời tiếng, xưng tụng rằng, dẫu chư Phật quá khứ hiện tại và vị lai diễn đạt công đức và thần lực ấy cũng không cùng tận. Vừa rồi lại được đức Thế tôn nói cho toàn thể đại hội các chúng biết đức Thế tôn muốn tán dương những việc của Địa tạng đại sĩ, đại loại như việc ích lợi bất khả tư nghị của ngài. Do vậy mà con thỉnh cầu đức Thế tôn vì bao kẻ trong hiện tại và vị lai, trong đó có tám bộ thiên long, thực hiện sự tán dương ấy, để cho họ biết mà chiêm ngưỡng và hưởng phước (59) .

Đức Thế tôn dạy, đại bồ tát Quan thế âm, đối với thế giới hệ Sa bà này, ông có sự liên hệ lớn lao. Thiên long, nam nữ, quỉ thần, cho đến những người tội khổ trong sáu đường, ai nghe danh hiệu của ông, ai thấy hình tượng của ông, ai ngưỡng mộ ông, ai xưng tụng ông, những người ấy đối với tuệ giác vô thượng quyết chắc không còn thoái chuyển, thường sinh trong nhân loại hay trên chư thiên, hưởng thụ đầy đủ sự yên vui tuyệt diệu, và khi nhân quả sắp thành thục thì họ sẽ gặp Phật và được Phật thọ ký cho. Nay, vì lòng đại từ bi, ông xót thương chúng sinh trong đó có tám bộ thiên long, nên muốn nghe Như lai nói những sự ích lợi bất khả tư nghị của Địa tạng đại sĩ, thì ông hãy nghe cho kyլ Như lai sẽ nói đến. Đại bồ tát Quan thế âm thưa, bạch đức Thế tôn, con xin tuân lời ngài, nguyện muốn được nghe.

Đức Thế tôn dạy, Quan thế âm, vị lai hay hiện tại, trong các thế giới hệ, người nào trong chư thiên hưởng hết phước chư thiên, năm sự suy biến hiện ra, đến nỗi có thể sa vào đường dữ; thì người ấy, không kể nam hay nữ, trong lúc những sự suy biến hiện ra mà thấy được hình tượng hay nghe được danh hiệu của Địa tạng đại sĩ, nhất tâm chiêm ngưỡng và lễ bái (60) , thì chuyển tăng phước báo chư thiên, hưởng thụ hạnh phúc to lớn, và trong một thì gian lâu dài không sa vào đường dữ, huống chi thấy và nghe về Địa tạng đại sĩ rồi hiến cúng bằng hương hoa, y phục, ẩm thực, bảo vật, vòng hoa (61) , thì phước và phước báo của người ấy đạt được thật vô lượng vô biên.

Quan thế âm, vị lai hay hiện tại, trong các thế giới hệ, bất cứ người nào thuộc sáu đường chúng sinh, khi sắp chết mà được nghe danh hiệu Địa tạng đại sĩ, và chỉ mỗi một âm thanh ấy đi vào thính giác mà thôi, thì người ấy trong một thì gian lâu dài không phải trải qua cái khổ của ba đường dữ. Huống chi khi sắp chết, cha mẹ bà con biết đem nhà cửa, tài sản, bảo vật hay y phục của họ làm chi phí mà đắp vẽ hình tượng của Địa tạng đại sĩ, hơn nữa, cha mẹ bà con làm cho người ấy trong giờ phút sắp chết mà chưa chết, mắt thấy được hay tai nghe được, cùng lắm thức biết được, rằng cha mẹ bà con đem nhà cửa bảo vật của mình, vì mình mà đắp vẽ hình tượng Địa tạng đại sĩ. Như vậy, người ấy nếu nghiệp báo chỉ chịu bịnh nặng, thì nhờ công đức này mà lành ngay, tăng thêm đời sống; còn nếu nghiệp báo kết thúc sinh mạng, lại có nghiệp dữ đáng sa đường dữ, thì nhờ công đức này mà chết rồi sinh trong nhân loại hay trên chư thiên, hưởng sự yên vui tuyệt diệu, mọi thứ nghiệp dữ rồi ra tiêu tan được cả.

Quan thế âm, trong vị lai, nam tử hay nữ nhân nào, khi mới sinh hay lúc lên ba lên năm, lên đến mười tuổi trở lui, chết mất cha mẹ anh em chị em, lớn lên, người ấy tưởng nhớ cha mẹ thân thuộc, nghĩ không biết sa vào chỗ nào, sinh đến thế giới nào, hay sinh lên tầng trời nào. Người ấy nếu biết đắp vẽ hình tượng Địa tạng đại sĩ, hoặc nghe được danh hiệu của ngài, rồi nhất tâm chiêm bái. Từ một ngày cho đến bảy ngày, người ấy đừng suy giảm tâm chí ban đầu, chí thành trong việc nghe danh hiệu hay thấy hình tượng đều chiêm bái hiến cúng. Như vậy thì cha mẹ thân thuộc người ấy nếu vì nghiệp dữ mà đã sa đường dữ, và kể ra đáng lẽ phải trải qua số lượng cả kiếp, nhưng nhờ người ấy, vốn là con cái hay anh em chị em của họ, làm cái công đức đắp vẽ chiêm bái hình tượng Địa tạng đại sĩ, nên tức khắc thoát khỏi đường dữ, sinh lên nhân loại hay chư thiên, hưởng sự yên vui tuyệt diệu. Còn cha mẹ thân thuộc của người ấy nếu có nghiệp lành, đã sinh trong nhân loại hay trên chư thiên, hưởng sự yên vui tuyệt diệu, thì nhờ công đức trên mà tăng thêm cho nhân tố thánh thiện, sự yên vui họ đang hưởng cũng tăng thêm vô lượng (62) . Người ấy nếu có thể thêm nữa, trong ba lần bảy ngày, nhất tâm chiêm bái hình tượng Địa tạng đại sĩ, trì niệm danh hiệu của đại sĩ đủ một vạn biến, thì sẽ được đại sĩ hiện cái thân không biên cương, nói rõ cho biết chỗ sinh của cha mẹ thân thuộc; hoặc trong mộng, người ấy được đại sĩ dùng thần lực đích thân đưa đến mọi thế giới mà gặp cha mẹ thân thuộc.

Người ấy, hơn nữa, mỗi ngày trì niệm danh hiệu Địa tạng đại sĩ một ngàn lần, và trì niệm một ngàn ngày như vậy, thì bản thân còn được đại sĩ khuyến cáo quỉ thần khu vức người ấy cư trú hộ vệ người ấy suốt đời, hiện tại thì ăn mặc sung túc, không bịnh không khổ, đến nỗi mọi sự ngang trái không hề xâm nhập cửa ngõ, huống chi xâm nhập thân thể, và cuối cùng thì người ấy quyết chắc được đại sĩ xoa đầu mà thọ ký cho (63) .

Quan thế âm, trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào muốn phát từ tâm quảng đại cứu độ tất cả, muốn tu tuệ giác vô thượng, muốn siêu thoát ba cõi, những người có những chí nguyện như vậy mà thấy hình tượng hay nghe danh hiệu của Địa tạng đại sĩ, chí tâm qui y, hiến cúng bằng hương hoa, y phục, bảo vật, ẩm thực, rồi chiêm ngưỡng và lễ bái, thì chí nguyện của họ sẽ hoàn thành một cách mau chóng, thoát khỏi mọi sự trở ngại.

Quan thế âm, trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào muốn cầu trăm ngàn vạn ức ước nguyện và sự việc, về hiện tại cũng như tương lai, thì hãy qui y, chiêm ngưỡng, lễ bái, hiến cúng và xưng tụng Địa tạng đại sĩ qua hình tượng của ngài, như vậy thì ước nguyện và sự việc mà họ cầu sẽ thành tựu được cả. Lại nguyện cầu Địa tạng đại sĩ từ bi hộ trì mãi mãi cho con, thì người ấy, trong mộng, được đại sĩ xoa đầu mà thọ ký cho.

Quan thế âm, trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào, đối với kinh điển đại thừa, vô cùng tôn trọng, quí báu, phát ra tâm chí siêu việt muốn học muốn tụng. Nhưng, dầu gặp minh sư chỉ dạy và chăm nom (64) để học cho thuộc, mà thuộc đâu quên đó, cả tháng liền năm vẫn không tụng được. Như vậy là vì thiện nam hay thiện nữ ấy (65) bị sự chướng ngại của nghiệp cũ chưa được trừ bỏ, nên đối với kinh điển đại thừa không có khả năng học tụng. Người ấy, nghe được danh hiệu và thấy được hình tượng của Địa tạng đại sĩ, hãy đem tâm nguyện của mình mà cung kính khấn bạch, rồi hiến cúng hương hoa, y phục, đồ ăn uống, đồ thưởng ngoạn. Lấy một chén nước trong và sạch, đặt trước hình tượng đại sĩ suốt một ngày đêm, rồi chắp tay xin uống, với sự xoay đầu qua hướng nam. Khi nước sắp vào miệng và khi nước vào miệng, hãy chí thành, trịnh trọng. Uống rồi, phải cữ năm vị cay nồng, cữ rượu thịt, cữ tà dâm (66) , cữ nói dối và cữ mọi sự sát sinh. Cứ như vậy trong một lần đến ba lần bảy ngày, thì thiện nam hay thiện nữ ấy, trong mộng, thấy rõ Địa tạng đại sĩ hiện thân không biên cương, rưới nước trên đỉnh đầu của mình. Người ấy tỉnh mộng tức khắc thông minh, kinh điển đại thừa lướt qua thính giác là nhớ mãi, không còn quên mất dầu chỉ một câu đủ nghĩa hay một bài chỉnh cú.

Quan thế âm, trong vị lai, bao nhiêu người thiếu ăn thiếu mặc, ước nguyện không thỏa, bịnh tật đã nhiều, tai biến càng không ít, nhà cửa không yên, thân thuộc tan tác, mọi sự ngang trái phần nhiều cùng đến ngổ ngáo thân họ, chiêm bao cũng phần nhiều kinh hãi. Những người như vậy, nghe danh hiệu hay thấy hình tượng Địa tạng đại sĩ mà hết lòng kính lễ và trì niệm đủ số vạn biến, thì bao nhiêu việc trái ý cực bụng đều tan biến dần đi, yên vui hiện ra, ăn mặc đầy đủ, đến nỗi chiêm bao cũng toàn an lạc.

Quan thế âm, trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào vì việc làm ăn, vì nhiệm vụ công tư, vì việc sống chết, vì sự cấp bách, mà phải vào rừng núi hay vượt sông biển, gặp nước lớn hay qua đường hiểm, thì người ấy trước đó hãy trì niệm danh hiệu Điạ tạng đại sĩ đủ số vạn lần, như vậy qua chỗ nào cũng được quỉ thần hộ vệ, đi đứng nằm ngồi đều được giữ cho yên mãi, dầu gặp phải cọp sói, sư tử, mọi thứ độc hại, cũng không thể tổn thương.

Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan thế âm, đối với châu Diêm phù này, Địa tạng đại sĩ có sự liên hệ lớn lao, đến nỗi nếu nói đến mọi sự ích lợi mà chúng sinh thấy nghe về ngài, thì trong một kiếp cả trăm cả ngàn năm nói cũng không hết. Vì lý do ấy, đại bồ tát Quan thế âm, ông nên vận dụng thần lực mà truyền bá kinh này, cho người quốc độ Sa bà trăm ngàn vạn kiếp mãi mãi yên vui. Vào lúc bấy giờ, đức Thế tôn lại nói những lời chỉnh cú sau đây.

Như lai quan sát
thần lực Địa tạng,
thấy hằng sa kiếp
nói cũng không cùng.
Thấy hình nghe tên
vị đại sĩ này,
chí thành chiêm bái
dầu chỉ một lúc,
vẫn được lợi ích
ở trong nhân loại
và trên chư thiên
qua vô số việc.
*
Bất cứ nam nữ
hay là thiên long,
quả báo sắp hết
sắp sa đường dữ,
nhưng biết chí thành
qui y đại sĩ,
thì thêm tuổi thọ
lại hết nghiệp dữ.
*
Từ nhỏ đã mất
cha mẹ thân nhân,
không biết nghiệp thức
sinh nơi chốn nào,
anh em chị em
cùng với cha mẹ,
lớn lên nghĩ đến
chẳng biết sinh đâu.
Thì hãy đắp vẽ
hình tượng đại sĩ,
thiết tha chiêm bái
không chút lãng xao,
liên tiếp ba tuần
niệm hiệu đại sĩ,
đại sĩ sẽ hiện
thân không biên cương,
chỉ cho biết chỗ
thân nhân sinh đến,
dầu sa đường dữ
cũng thoát được liền.
Nếu không thoái chuyển
thành tâm ban đầu,
thì được đại sĩ
xoa đầu thọ ký.
*
Người nào muốn tu
tuệ giác vô thượng,
muốn giải thoát cả
khổ đau ba cõi,
đã có tâm chí
đại từ bi ấy,
trước hãy chiêm bái
hình tượng đại sĩ,
những chí nguyện này
thành tựu mau chóng,
bao nhiêu nghiệp chướng
hết còn cản trở.
*
Những người phát tâm
trì tụng kinh pháp
để cứu vớt người
vượt lên bờ giác;
tuy có chí nguyện
siêu việt như vậy,
nhưng học là quên
phần nhiều sót mất,
là vì nghiệp cũ
làm cho chướng ngại,
không thể nhớ thuộc
kinh pháp đại thừa.
Thì hãy hiến cúng
Địa tạng đại sĩ
hương hoa y phục
ẩm thực ngọa cụ,
đặt trước đại sĩ
chén nước trong sạch,
suốt một ngày đêm
cầu nguyện mà uống;
lòng phải cẩn trọng,
cữ năm vị tân,
cữ rượu cữ thịt
tà dâm vọng ngữ,
càng cữ sát sinh
suốt trong ba tuần,
chí thành trì niệm
danh hiệu đại sĩ,
tức thì mộng thấy
thân không biên cương,
tỉnh dậy liền được
thính giác sắc bén (67) ,
kinh pháp đại thừa
lướt qua thính giác,
là ngàn vạn kiếp
không bao giờ quên.
Thần lực siêu việt
của vị đại sĩ
làm cho người này
được tuệ giác ấy.
*
Bao người nghèo nàn
mà lại bịnh tật,
nhà cửa suy bại
thân thuộc ly tan,
đến nỗi chiêm bao
cũng toàn kinh hoàng,
ước vọng trái ý
không chút thỏa dạ.
Thì hãy chí tâm
chiêm bái đại sĩ,
hết thảy việc xấu
đều tan biến cả,
đến nỗi trong mộng
cũng toàn yên vui,
ăn mặc sung túc
quỉ thần hộ vệ.
*
Vào trong rừng núi
vượt qua biển cả,
cầm thú đã dữ
người còn dữ hơn,
thần dữ quỉ dữ
hợp với cuồng phong,
bao nhiêu gian nan
bao nhiêu nguy khốn.
Thì hãy trước đó
chiêm bái hiến cúng
Địa tạng đại sĩ
qua hình tượng ngài,
mọi sự dữ dội
ở trong rừng sâu
hay trong biển cả
biến mất hết thảy.
*
Quan âm tịnh thánh,
hãy chú tâm ý
nghe Như lai nói,
Địa tạng đại sĩ
có vô cùng tận
sự bất tư nghị.
Kiếp ngàn vạn năm
nói cũng không cùng
để tả thần lực
Địa tạng đại sĩ.
Ai nghe danh hiệu
Địa tạng đại sĩ,
ai thấy hình tượng
Địa tạng đại sĩ,
mà biết trì niệm
và biết chiêm bái,
lại hiến hương hoa
y phục ẩm thực,
thì trăm ngàn kiếp
hưởng phước tuyệt diệu.
Nếu đem phước ấy
hiến cho tất cả,
cuối cùng làm Phật
siêu thoát sinh tử.
Vì vậy Quan âm,
hãy nói rộng rãi
cho mọi quốc độ
biết được kinh này.

Phẩm 13: Thế Tôn Ký Thác

Khi ấy đức Thế tôn lại đưa cánh tay vàng xoa trên đỉnh đầu Địa tạng đại sĩ mà bảo, Địa tạng, Địa tạng, thần lực của đại sĩ thật là siêu việt, từ bi của đại sĩ thật là siêu việt, tuệ giác của đại sĩ thật là siêu việt, hùng biện của đại sĩ thật là siêu việt. Dầu chính mười phương chư Phật như lai tán dương và diễn đạt sự siêu việt của Đại sĩ trong một kiếp ngàn vạn năm cũng không thể cùng tận. Địa tạng, Địa tạng, đại sĩ hãy nhớ, hôm nay, tại Đao lợi thiên cung, trước đại hội gồm có các đức Phật đà, các đại bồ tát, cùng tám bộ thiên long, nhiều đến trăm ngàn vạn ức hai lần không thể nói hết, một lần nữa Như lai đem nhân loại, chư thiên và mọi loài khác, tất cả những người chưa thoát khỏi ba cõi mà vẫn còn ở trong nhà lửa, ký thác cho đại sĩ. Đại sĩ đừng để họ sa vào đường dữ dầu chỉ một ngày đêm, huống chi để họ bị sa đến tận vô gián a tỳ, nơi đủ cả năm sự không xen cách, và trải qua cái kiếp ngàn vạn ức năm, khó mong thoát khỏi.

Địa tạng đại sĩ, người Diêm phù ý chí và tánh tình thật là bất định, phần nhiều làm ác. Giả sử tâm lý hiền lành có phát ra đi nữa thì phút chốc cũng biến mất, nhưng gặp điều kiện độc ác thì độc ác tăng lên ngay trong mỗi ý tưởng. Vì lý do ấy, Như lai đã phân hóa thân hình ra cả ngàn trăm ức (68) , tùy trình độ và tâm lý mọi người mà hóa độ cho họ. Địa tạng đại sĩ, hôm nay Như lai thiết tha đem họ ký thác cho đại sĩ. Trong vị lai, người nào trong chư thiên, hay thiện nam thiện nữ nào trong nhân loại, biết y theo giáo pháp của Như lai mà gieo trồng gốc rễ điều lành, thì điều lành ấy dầu chỉ bằng một sợi lông, một mảy bụi, một hạt cát, một giọt nước, đại sĩ cũng vận dụng thần lực mà nâng đỡ giữ gìn cho họ bước lần lên tuệ giác vô thượng, đừng để lui mất. Hơn nữa, Địa tạng đại sĩ, trong vị lai, hoặc chư thiên, hoặc nhân loại, kẻ nào tùy theo nghiệp dữ mà sa vào đường dữ, khi sắp vào đó hay đã đến ngay đầu cửa rồi, kẻ ấy niệm được một danh hiệu Phật đà, một danh hiệu Bồ tát, hoặc nhớ được một câu đủ nghĩa hay một bài chỉnh cú của kinh điển đại thừa, thì đại sĩ hãy vận dụng thần lực mà cứu họ, bằng cách hiện thân không biên cương ra ngay nơi chỗ của họ, phá nát địa ngục cho họ sinh lên chư thiên, hưởng sự yên vui tuyệt diệu. Đức Thế tôn lại nói những lời chỉnh cú sau đây.

Trời người và các loài
trong hiện tại vị lai,
Như lai lại thiết tha
đem ký thác đại sĩ.
Đại sĩ dùng thần lực
phương tiện mà cứu độ,
đừng để họ sa lạc
vào trong các đường dữ.

Địa tạng đại sĩ, lúc bấy giờ, quì gối, chắp tay mà thưa, bạch đức Thế tôn, xin đức Thế tôn đừng lo nghĩ. Trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào y theo giáo pháp của đức Thế tôn mà có một ý niệm tôn kính thôi, con cũng dùng trăm ngàn cách hóa độ cho họ siêu thoát sinh tử một cách mau chóng; huống chi nghe những việc lành của đức Thế tôn dạy mà thực tu trong từng ý nghĩ, thì những người ấy đối với tuệ giá vô thượng tự nhiên được con hộ trì mà vĩnh viễn không còn thoái chuyển.

Địa tạng đại sĩ nói lời ấy rồi, trong đại hội có một vị bồ tát danh hiệu Hư không tạng, thưa rằng, bạch đức Thế tôn, tại Đao lợi thiên cung này, từ lúc mới đến cho đến bây giờ, con được nghe đức Thế tôn xưng tụng thần lực của Địa tạng đại sĩ thật là siêu việt. Bạch đức Thế tôn, như vậy, trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào, cho đến tám bộ thiên long, nghe được kinh điển và danh hiệu của Địa tạng đại sĩ, hoặc chiêm bái hình tượng của ngài thì được bao nhiêu phước? Con thỉnh cầu đức Thế tôn vì bao kẻ trong vị lai, và ngay trong hiện tại, mà dạy một cách khái lược về cái phước ấy.

Đức Thế tôn dạy bồ tát Hư không tạng, hãy nghe cho kyլ Như lai sẽ phân tích về cái phước ấy. Trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào, thấy được hình tượng hay nghe được kinh điển của Địa tạng đại sĩ mà biết trì tụng, hiến cúng hương hoa, ẩm thực, y phục, trân bảo, rồi xưng tụng, chiêm bái, thì được hai mươi tám ích lợi: một là thiên chúng long chúng hộ trì thương tưởng, hai là phước báo ngày càng thêm lên, ba là tập hợp nhân tố thánh thiện và thượng đẳng, bốn là tuệ giác bồ đề không còn thoái chuyển, năm là ăn mặc đầy đủ, sáu là tật bịnh và bịnh truyền nhiễm không đến với họ, bảy là không bị tai nạn về nước và lửa, tám là không bị tai nạn trộm cướp giặc giã, chín là ai thấy cũng khâm phục và tôn kính, mười là quỉ thần giúp đỡ giữ gìn, mười một là thân nữ nhân sẽ chuyển được thân nam tử, mười hai là sẽ làm con gái vương giả hay đại thần, mười ba là tướng mạo đẹp và đoan trang, mười bốn là phần nhiều sinh lên chư thiên, mười lăm là hoặc làm quốc chúa, mười sáu là biết được đời trước, mười bảy là cầu gì cũng thỏa, mười tám là thân quyến yên vui, mười chín là tai họa ngang trái biến mất tất cả, hai mươi là thoát khỏi đường dữ một cách lâu dài, hai mươi mốt là đi đâu cũng thông suốt, hai mươi hai là trong mộng cũng yên vui, hai mươi ba là gia tiên thoát khổ, hai mươi bốn là chỉ sinh ra bằng phước đức đã làm, hai mươi lăm là các vị thánh giả đều xưng tụng, hai mươi sáu là thông minh lanh lợi, hai mươi bảy là giàu lòng từ bi, hai mươi tám là cứu cánh thành Phật.

Thêm nữa, Hư không tạng, hiện tại hay vị lai, tất cả thiên long quỉ thần, ai được niệm danh hiệu Địa tạng đại sĩ, ai được lạy hình tượng Địa tạng đại sĩ, hoặc nghe hạnh nguyện của Địa tạng đại sĩ mà xưng tụng, chiêm ngưỡng và lễ bái, thì được bảy ích lợi: một là vượt lên địa vị thánh giả một cách mau chóng, hai là nghiệp dữ tiêu tan, ba là chư Phật hộ trì, bốn là tuệ giác bồ đề không hề thoái chuyển, năm là tăng thêm năng lực đã có, sáu là biết được đời trước, bảy là cứu cánh thành Phật.

Lúc bấy giờ các đức Phật đà, các đại bồ tát, cùng tám bộ thiên long, số lượng đạt đến hai lần không thể nói hết, đã từ mười phương quốc độ hội đến Đao lợi thiên cung, nghe đức Thích ca mâu ni thế tôn xưng tụng sự siêu việt về thần lực vĩ đại của Địa tạng đại sĩ, ai cũng tán dương là việc chưa từng có. Đao lợi chư thiên tung rải như mưa bao nhiêu là hương hoa, y phục và chuỗi ngọc của chư thiên, hiến cúng đức Thích ca mâu ni thế tôn và ngài Địa tạng đại sĩ rồi, toàn thể đại hội, một lần nữa, cùng chiêm ngưỡng, lễ bái hay chắp tay mà cáo thoái.


Phần | 1 | 2 | 3 | 4 |

 


Cập nhật: 3-6-2000

Trở về mục "Kinh điển"

Đầu trang