- Kinh Duy-ma-cật Sở Thuyết
- Cưu-ma-la-thập dịch Hán
XIV. PHẨM CHÚC LỤY (1)
Bấy giờ Phật bảo Bồ Tát Di Lặc rằng:
- Này Di Lặc! Ta nay đem pháp Vô Thượng Chánh
Đẳng Chánh Giác đã chứa nhóm vô lượng ức a tăng kỳ kiếp mà phú
chúc cho ông. Những thứ kinh như thế, sau khi Phật diệt độ về đời mạt
kiếp các ông phải dùng thần lực diễn nói lưu bố khắp cõi Diêm Phù Đề
chớ để dứt mất. Vì sao? Về đời vị lai sẽ có những gã thiện
nam,thiện nữ và Thiên, Long, Quỉ thần, Càn thát bà, La sát v.v... phát tâm
Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác ưa pháp Đại thừa, nếu không cho họ
nghe những kinh như thế thời mất lợi lành. Hạng người như thế nghe những
kinh đó tất ưa thích tin chịu phát tâm hy hữu
sẽ đảnh lễ vưng thọ, rồi theo chỗ
cần lợi lạc cho chúng sanh mà diễn nói pháp.
Di Lặc! Ông phải biết, Bồ Tát có hai tướng.
Sao gọi là hai? 1- Ưa những câu văn hay đẹp, 2- Không sợ nghĩa sâu xa, hiểu
được đúng như thật. Như hạng ưa về những câu văn hay đẹp, phải biết
đó là Bồ Tát mới học. Nếu ở nơi kinh điển thậm thâm không nhiễm,
không trước (2), không có chút sợ sệt và hiểu rõ được đó, nghe rồi
tâm thanh tịnh thọ trì, đọc tụng đúng như lời nói mà tu hành, phải biết
đó là hạng tu hành đã lâu.
Di Lặc này! Lại có hai pháp gọi là Bồ
Tát mới học không thể quyết định pháp thậm thâm.
Hai pháp là chi? 1- Những kinh điển thậm thâm
chưa từng nghe nếu nghe thời sợ sệt sanh lòng nghi, không tùy thuận được,
chê bai không tin rồi nói rằng: "Kinh này từ trước đến giờ ta chưa
từng nghe, từ đâu đến đây?", 2- Nếu có người hộ trì giải nói
những kinh sâu xa như thế, không chịu gần gũi cúng dường cung kính, hoặc
ở nơi đó nói lỗi xấu của người kia. Có hai pháp đấy, phải biết Bồ
Tát mới học chỉ là tự tổn hại chớ không thể ở nơi pháp thậm thâm
mà điều phục được tâm mình.
Di Lặc! Lại có hai pháp, Bồ Tát dầu tin hiểu
thâm pháp, vẫn còn tự tổn hại chớ không thể chứng được vô sanh
pháp nhẫn. Hai pháp là chi? 1- Kkinh dễ các Bồ Tát mới học mà không dạy
bảo, 2- Dù tin hiểu thâm pháp mà lại chấp tướng phân biệt.
Bồ Tát Di Lặc nghe Phật nói như thế rồi,
bạch Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Thật chưa từng có! Như lời
Thế Tôn đã nói, con quyết xa lìa các lỗi như thế, xin vưng giữ pháp Vô
Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đã chứa nhóm từ vô lượng a tăng kỳ kiếp
của Như Lai. Nếu vị lai có gã thiện nam, tín nữ nào cầu pháp Đại thừa,
con sẽ làm cho tay người đó được những kinh như thế và cho họ cái sức
ghi nhớ để thọ trì đọc tụng, diễn nói cho người - Bạch Thế Tôn! Nếu
đời sau có người thọ trì đọc, tụng diễn nói kinh này cho người khác,
đó chính là thần lực của Di Lặc lập nên.
Phật nói:
- Hay thay! Hay thay! Di Lặc này! Như lời ông
nói, ta sẽ giúp cho ông vui thêm.
Bấy giờ các Bồ Tát chấp tay bạch Phật rằng:
- Sau khi Như Lai diệt độ, chúng con cũng ở
các cõi nước trong 10 phương, truyền bá cùng khắp pháp Vô Thượng Chánh
Đẳng Chánh Giác và sẽ dẫn dắt những người nói pháp được kinh này.
Lúc đó bốn vị Thiên Vương bạch Phật rằng:
- Ở các chỗ hoặc thành ấp, tụ lạc, núi
rừng, đồng nội có quyển kinh này, có người đọc tụng, giải nói, con
sẽ đem các quyến thuộc đi đến chỗ đó để nghe pháp, ủng hộ cho người
đó mỗi phía trăm do tuần, không để người cố ý tìm làm hại.
Bấy giờ Phật bảo A Nan rằng:
- Ông hãy thọ trì lấy kinh này, rộng nói
khắp truyền cho đời sau.
A Nan thưa:
- Dạ! Con đã thọ trì rồi. Bạch Thế Tôn!
Kinh này tên là gì?
Phật bảo A nan:
- Kinh này tên là "Duy Ma Cật Sở Thuyết"
cũng gọi là "Bất Khả Tư nghị Giải Thoát Pháp Môn", ông nên thọ
trì.
Phật nói kinh này rồi, Trưởng giả Duy Ma Cật,
Văn Thù Sư Lợi, Xá Lợi Phất, A Nan v.v... và các hàng Trời, Người, A tu
la, tất cả đại chúng nghe lời Phật nói đều rất vui mừng tin nhận kính
vâng làm theo.
1.- Chúc lụy: Chúc là phú chúc; Lụy là
nhọc nhằn gánh vác. Nghĩa là đức Phật đem pháp bảo phú chúc (dặn bảo)
cho hàng đệ tử gánh vác lưu truyền đời sau. Cũng như ông Phú Trưởng
Giả đem tài sản sự nghiệp dặn bảo giao phó lại cho con gánh vác giữ
gìn không để tản mất.
2. - Không
nhiễm trước: Không có niệm đắm nhiễm chấp trước. Ý nói kinh
này diễn bày Tôn chỉ thanh tịnh giải thoát.
- ~~oOo~~