- Kinh Duy-ma-cật Sở Thuyết
- Cưu-ma-la-thập dịch Hán
IV. PHẨM BỒ TÁT
(1)
BỒ TÁT DI LẶC (2)
Lúc bấy giờ Phật bảo Bồ Tát Di Lặc:
- Ông đi đến thăm bịnh ông Duy Ma Cật.
Di Lặc bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Con không kham lãnh đến
thăm bịnh ông. Vì sao? - Nhớ lại lúc trước con nói hạnh "bất thối
chuyển" (3), cho vị Thiên Vương ở cõi trời Đâu Suất và quyến thuộc
của người, lúc ấy ông Duy Ma Cật đến nói với con rằng: "Ngài Di Lặc!
Thế Tôn thọ ký (4) cho Ngài một đời sẽ được quả Vô Thượng Chánh
Đẳng Chánh Giác, đó là đời nào mà Ngài được thọ ký? Đời quá khứ
chăng? Đời vị lai chăng? Đời hiện tại chăng? Nếu là đời quá khứ thời
quá khứ đã qua. Nếu là đời vị lai thời vị lai chưa đến. Nếu là đời
hiện tại thời hiện tại không dừng (trụ)". Như lời Phật nói:
"Này Tỳ Kheo! Như ông ngay bây giờ cũng sanh, cũng già, cũng chết
!". Nếu dùng vô sanh (5) mà được thọ ký, thì vô sanh tức là chánh vị
(6), ở trong chánh vị cũng không thọ ký, cũng không được quả Vô Thượng
Chánh Đẳng Chánh Giác. Thế nào Di Lặc được thọ ký một đời ư? Là từ
"Như" sanh mà được thọ ký, hay là từ "Như" diệt mà
được thọ ký? Nếu từ Như sanh mà được thọ ký, mà Như không có sanh.
Nếu từ Như diệt được thọ ký, mà Như không có diệt. Tất cả chúng
sanh đều Như, tất cả Pháp cũng Như, các Thánh Hiền cũng Như, cho đến
Di Lặc cũng Như. Nếu Di Lặc được thọ ký, tất cả chúng sanh cũng phải
được thọ ký - Vì sao? Vì Như không hai không khác. Nếu Di Lặc được quả
Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, tất cả chúng sanh cũng đều được. Vì
sao? - Tất cả chúng sanh chính là tướng Bồ Đề (7). Nếu Di Lặc được
diệt độ, tất cả chúng sanh cũng phải diệt độ. Vì sao? - Chư Phật biết
tất cả chúng sanh rốt ráo vắng lặng, chính là tướng Niết bàn, chẳng
còn diệt nữa. Cho nên Di Lặc, chớ dùng Pháp đó dạy bảo các Thiên tử,
thật không có chi phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, cũng không
có chi thối lui. Ngài Di Lặc! Phải làm cho các vị Thiên tử này bỏ chỗ
kiến chấp phân biệt Bồ Đề. Vì sao? Bồ Đề không thể dùng thân được,
không thể dùng tâm được. Tịch diệt là Bồ Đề, vì diệt các tướng;
chẳng nhận xét là Bồ Đề, vì ly các duyên; chẳng hiện hạnh là Bồ Đề,
vì không ghi nhớ; đoạn là Bồ Đề, bỏ các kiến chấp; ly là Bồ Đề,
lìa các vọng tưởng; chướng là Bồ Đề, ngăn các nguyện (8); bất nhập
là Bồ Đề, không tham đắm; thuận là Bồ Đề, thuận chơn như; trụ là
Bồ Đề trụ pháp tánh; đến là Bồ Đề, đến thật tế; bất nhị (9) là
Bồ Đề, ly ý pháp; bình đẳng là Bồ Đề, đồng hư không; vô vi là Bồ
Đề, không sanh, trụ, diệt; tri là Bồ Đề, rõ tâm hạnh chúng sanh; không
hội là Bồ Đề, các nhập không nhóm (10); không hiệp là Bồ Đề, rời tập
khí phiền não; không xứ sở là Bồ Đề, không hình sắc; giả danh là Bồ
Đề, danh tự vốn không như, huyễn hóa là Bồ Đề, không thủ xả; không
loạn là Bồ Đề, thường tự vắng lặng; thiện tịch là Bồ Đề, tánh
thanh tịnh; không thủ là Bồ Đề, rời phan duyên; không khác là Bồ Đề,
các Pháp đồng đẳng; không sánh là Bồ Đề, không thể ví dụ; vi diệu
là Bồ Đề, các Pháp khó biết.
- Bạch Thế Tôn! Khi ông Duy Ma Cật nói Pháp
ấy, hai trăm vị Thiên tử chứng được Vô Sanh Pháp Nhẫn. Vì thế, nên
con không kham lãnh đến thăm bịnh ông.
ĐỒNG TỬ
QUANG NGHIÊM (11-12)
Phật bảo Đồng tử Quang Nghiêm:
- Ông đi đến thăm bịnh ông Duy Ma Cật.
Quang Nghiêm bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Con không kham lãnh đến
thăm bịnh ông. Vì sao? - Nhớ lại ngày trước con ở trong thành lớn Tỳ
Da Ly vừa ra, lúc đó ông Duy Ma Cật mới vào thành, con liền chào và hỏi
rằng: "Cư sĩ, từ đâu đến đây?".
Ông đáp: "Tôi từ Đạo tràng (13) đến".
Con hỏi: "Đạo tràng là gì?".
Ông đáp: "Trực tâm là Đạo tràng, vì
không hư dối; phát hạnh là đạo tràng, làm xong các việc; thâm tâm là đạo
tràng, thêm nhiều công đức; Bồ Đề tâm là đạo tràng, vì không sai lầm;
bố thí là đạo tràng, không mong phước báu; trì giới là đạo tràng,
được nguyện đầy đủ; nhẫn nhục là đạo tràng, đối chúng sanh tâm
không chướng ngại; tinh tấn là đạo tràng, không biếng trễ; thiền định
là đạo tràng, tâm điều nhu (14); trí tuệ là đạo tràng, thấy rõ các
Pháp; từ là đạo tràng, đồng với chúng sanh; bi là đạo tràng, nhẫn chịu
sự khổ nhọc; hỉ là đạo tràng, ưa vui Chánh Pháp; xả là đạo tràng,
trừ lòng thương ghét; thần thông là đạo tràng, thành tựu Pháp lục
thông, giải thoát là đạo tràng, hay trái bỏ; phương tiện là đạo tràng,
giáo hóa chúng sanh; tứ nhiếp là đạo tràng, nhiếp độ chúng sanh; đa
văn (15), là đạo tràng, đúng theo chỗ nghe mà thật hành; phục tâm là đạo
tràng, chánh quán (16) các Pháp; ba mươi bảy phẩm trợ đạo là đạo tràng,
bỏ Pháp hữu vi; tứ đế là đạo tràng, chẳng dối lầm thế gian; duyên
khởi là đạo tràng, từ vô minh cho đến lão, tử, đều không hết; các
phiền não là đạo tràng, biết là vô ngã; tất cả Pháp là đạo tràng,
biết các Pháp vốn không; hàng ma là đạo tràng, không lay động; tam giới
là đạo tràng, không chỗ đến; sư tử rống là đạo tràng, không sợ sệt;
thập lực, vô úy, bất cộng pháp là đạo tràng, không các lỗi; tam minh
là đạo tràng, không còn ngại; một niệm biết tất cả Pháp là đạo tràng,
thành tựu nhứt thiết chủng trí (17). Như vậy Thiện nam tử! Nếu Bồ Tát
đúng theo các Pháp ba la mật mà giáo hóa chúng sanh, thời bao nhiêu việc
làm, hoặc nhứt cử nhứt động, phải biết đều là từ nơi đạo tràng
mà ra, ở nơi Phật Pháp vậy".
Khi ông Duy Ma Cật nói Pháp ấy, năm trăm vị
Thiên nhơn đều phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vì thế, nên
con không kham lãnh đến thăm bịnh ông.
Bồ TÁT TRÌ
THẾ. (18)
Phật bảo Bồ Tát Trì Thế:
- Ông đi đến thăm bịnh ông Duy Ma Cật.
Bồ Tát Trì Thế bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Con không kham lãnh đến
thăm bịnh ông. Vì sao? - Nhớ lại lúc trước, con ở nơi tịnh thất, bấy
giờ Ma Ba tuần (19) đem một muôn hai nghìn Thiên nữ giống như trời Đế
Thích, trổi nhạc đờn ca đi đến chỗ con ở, Ma cùng với quyến thuộc
cúi đầu làm lễ dưới chân con, chấp tay cung kính đứng sang một bên.
Trong ý con cho là trời Đế Thích nên bảo rằng: "Lành thay, mới đến
Kiều Thi Ca (20)! Dù là có phước chớ nên buông lung. Ông nên quán ngũ dục
là vô thường để cầu cội lành, ở nơi thân mạng, tài sản mà tu pháp
bền chắc (21)".
Ma vương nói với con: "Thưa Chánh sĩ
(22)! Xin Ngài nhận một muôn hai nghìn Thiên nữ này để dùng hầu hạ
quét tước". Con nói rằng: "Nầy Kiều Thi Ca! Ông đừng cho vật
phi pháp này, tôi là kẻ Sa môn Thích tử, việc ấy không phải việc của
tôi". - Nói chưa dứt lời, bỗng ông Duy Ma Cật đến nói với con:
"Đây chẳng phải là Đế Thích, mà là Ma đến khuấy nhiễu ông đấy!"...
Ông lại bảo Ma rằng: "Các vị Thiên nữ nầy nên đem cho ta, như ta đây
mới nên thọ". Ma sợ hãi nghĩ rằng: "Có lẽ ông Duy Ma Cật đến
khuấy rối ta chăng?" - Ma muốn ẩn hình mà không thể ẩn, rán hết thần
lực, cũng không đi được. Liền nghe giữa hư không có tiếng rằng:
"Này Ba Tuần! Hãy đem Thiên nữ cho ông Duy Ma Cật thì mới đi được.
Ma vì sợ hãi, nên miễn cưỡng cho".
Khi ấy ông Duy Ma Cật bảo các Thiên nữ rằng:
- Ma đã đem các ngươi cho ta rồi, nay các ngươi
đều phải phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Rồi ông theo căn
cơ của Thiên nữ mà nói pháp để cho phát ý đạo, và bảo rằng"Các
ngươi đã phát ý đạo, có Pháp vui để tự vui chớ nên vui theo ngũ dục
(23) nữa".
Thiên nữ hỏi: "Thế nào là Pháp
vui?".
Đáp: "Vui thường tin Phật; vui muốn
nghe pháp; vui cúng dường tăng; vui lìa ngũ dục; vui quán ngũ ấm như oán tặc;
vui quán thân tứ đại như rắn độc; vui quán nội nhập (sáu căn) như không;
vui giữ gìn đạo ý; vui lợi ích chúng sanh; vui cung kính cúng dường bực
sư trưởng; vui nhẫn nhục nhu hòa; vui siêng nhóm căn lành, vui thiền định
chẳng loạn; vui rời cấu nhiễm đặng trí tuệ sáng suốt; vui mở rộng
tâm Bồ Đề; vui hàng phục các Ma; vui đoạn phiền não; vui thanh tịnh cõi
nước Phật; vui thành tựu các tướng tốt mà tu các công đức; vui trang
nghiêm đạo tràng; vui nghe pháp thâm diệu mà không sợ; vui ba môn giải
thoát mà không vui phi thời (24); vui gần bạn đồng học; vui ở chung với
người không phải đồng học mà lòng không chướng ngại; vui giúp đỡ
ác tri thức; vui gần thiện tri thức; vui tâm hoan hỷ thanh tịnh; vui tu vô
lượng Pháp đạo phẩm. Đó là Pháp vui của Bồ Tát".
Khi ấy Ma Ba Tuần bảo các Thiên nữ rằng:
"Ta muốn cùng các ngươi đồng trở về Thiên cung".
Các Thiên nữ đáp: "Ông đã đem chúng
tôi cho cư sĩ, chúng tôi có pháp vui, chúng tôi vui lắm, không còn muốn vui
theo ngũ dục nữa".
Ma liền thưa với ông Duy Ma Cật rằng:
"Xin Ngài nên xả các Thiên nữ này; người đem tất cả vật của mình
để bố thí cho kẻ khác, đó mới là Bồ Tát".
Ông Duy Ma Cật nói: "Ta đã xả rồi, ngươi
hãy đem đi".
Như thế, ta đã làm cho tất cả chúng sanh
đặng phát nguyện đầy đủ.
Lúc ấy các Thiên nữ hỏi ông Duy Ma Cật rằng:
" - Chúng tôi làm thế nào ở nơi cung ma?".
Ông Duy Ma Cật đáp: "Này các chị, có
Pháp môn tên là "Vô tận đăng", các chị nên học. Vô tận đăng
là ví như một ngọn đèn mồi đốt trăm ngàn ngọn đèn, chỗ tối đều
sáng, sáng mãi không cùng tận. Như thế đó các chị! Vả lại một vị Bồ
Tát mở mang dẫn dắt trăm nghìn chúng sanh phát tâm Bồ Đề, đạo tâm của
mình cũng chẳng bị tiêu mất, tùy nói Pháp gì đều thêm lợi ích cho các
Pháp lành, đó gọi là "Vô tận đăng". Các chị dầu ở cung ma mà
dùng Pháp môn "Vô Tận Đăng" nầy làm cho vô số Thiên nữ phát
tâm Vô Thượng Chánh Đẳng, Chánh Giác, đó là báo ơn Phật, cũng là làm
lợi ích cho tất cả chúng sanh".
Bấy giờ các Thiên nữ cúi đầu đảnh lễ
dưới chân ông Duy Ma Cật rồi theo Ma Ba Tuần trở về Thiên cung, bỗng
nhiên biến mất không còn thấy nữa.
- Bạch Thế Tôn! Ông Duy Ma Cật có thần lực
tự tại và trí tuệ biện tài như thế, nên con không kham lãnh đến thăm
bịnh ông.
TRƯỞNG GIẢ
TỬ THIỆN ĐỨC. (25)
Phật bảo Trưởng giả tử Thiện Đức:
- Ông đi đến thăm bịnh ông Duy Ma Cật.
Thiện Đức bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Con không kham lãnh đến
thăm bịnh ông. Vì sao? Nhớ lại thuở trước, con lập ra hội đại thí
ở nhà cha con, hạn trong bảy ngày để cúng dường cho tất cả vị Sa môn,
Bà la môn, cùng hàng ngoại đạo, kẻ nghèo khó, hèn hạ, cô độc và kẻ
ăn xin. Bấy giờ ông Duy Ma Cật đến trong hội nói với con rằng:
"Này Trưởng giả tử! Vả chăng hội đại thí không phải như hội của
ông lập ra đâu, phải làm hội Pháp thí (26) chớ lập ra hội tài thí này
làm gì?
Con nói: "Thưa Cư sĩ! Sao gọi là hội
Pháp thí?".
Ông đáp: "Hội Pháp thí là đồng thời
cúng dường tất cả chúng sanh, không trước không sau đó là hội Pháp
thí".
Con hỏi: "Thế là nghĩa gì?".
Cư sĩ đáp: "Nghĩa là vì đạo Bồ Đề,
khởi từ tâm; vì cứu chúng sanh, khởi tâm đại bi; vì muốn giữ gìn
chánh pháp, khởi tâm hoan hỉ; vì nhiếp trí tuệ, làm theo tâm xả; vì nhiếp
tâm tham lẫn, khởi bố thí ba la mật, vì độ kẻ phạm giới khởi trì giới
ba la mật, vì không ngã (27) pháp (28), khởi nhẫn nhục ba la mật; vì rời
tướng thân tâm, khởi tinh tấn ba la mật; vì tướng Bồ Đề, khởi thiền
định ba la mật; vì nhứt thiết trí, khởi trí tuệ ba la mật; vì giáo
hóa chúng sanh mà khởi ra "Không"; chẳng bỏ Pháp hữu vi mà khởi
"Vô tướng"; thị hiện thọ sanh mà khởi "vô tác"; hộ
trì Chánh Pháp, khởi sức phương tiện; vì độ chúng sanh, khởi pháp tứ
nhiếp; vì kính thờ tất cả, khởi pháp trừ khinh mạn; đối thân, mạng
và tài sản, khởi ba pháp bền chắc; trong pháp lục niệm (29) khởi ra
pháp nhớ tưởng; ở sáu pháp hòa kính (30), khởi tâm chất trực; chơn chánh
thật hành thiện pháp, khởi sự sống trong sạch; vì tâm thanh tịnh hoan hỷ,
khởi gần bực Thánh hiền; vì chẳng ghét người dữ, khởi tâm điều phục;
vì pháp xuất gia, khởi thâm tâm; vì đúng theo chỗ nói mà làm khởi đa
văn; vì pháp vô tránh, khởi ở chỗ yên lặng; vì đi tới Phật huệ, khởi
ra ngồi yên lặng (tọa thiền); vì mở ràng buộc cho chúng sanh, khởi tâm
tu hành; vì đầy đủ tướng tốt và thanh tịnh cõi Phật, khởi sự nghiệp
phước đức; vì muốn biết tâm niệm tất cả chúng sanh đúng chỗ nên
nói pháp, khởi ra nghiệp trí; vì biết tất cả pháp không lấy không bỏ,
vào môn nhứt tướng (31), khởi ra nghiệp huệ; vì đoạn tất cả phiền não,
tất cả chướng ngại, tất cả bất thiện, khởi làm tất cả pháp trợ
Phật đạo. Như vậy Thiện nam tử! Đó là hội pháp thí. Nếu Bồ Tát trụ
nơi hội pháp thí đó, là vị đại thí chủ, cũng là phước điền cho tất
cả thế gian".
- Bạch Thế Tôn! Khi ông Duy Ma Cật nói pháp
ấy, trong chúng Bà la môn hai trăm người đều phát tâm Vô Thượng Chánh
Đẳng Chánh Giác.
Lúc đó tâm con đặng thanh tịnh, ngợi khen
chưa từng có, cúi đầu đảnh lễ dưới chơn ông Duy Ma Cật. Con liền mở
chuỗi Anh lạc giá đáng trăm nghìn lượng vàng dâng lên, ông không chịu lấy.
Con nói: "Thưa Cư sĩ! Xin Ngài hãy nạp thọ, tùy ý Ngài cho!". Ông
Duy Ma Cật liền lấy chuỗi Anh lạc chia làm hai phần, một phần đem cho
người ăn xin hèn hạ nhứt trong hội, còn một phần đem dâng cho đức Nan
Thắng Như Lai. Tất cả chúng trong hội đều thấy cõi nước Quang Minh và
đức Nan Thắng Như Lai, lại thấy chuỗi Anh lạc ở trên đức Phật kia biến
thành bốn trụ đài quí báu, bốn mặt đều trang nghiêm rực rỡ không ngăn
che nhau.
Khi ấy, ông Duy Ma Cật hiện thần biến
xong, lại nói rằng: "Nếu người thí chủ dùng tâm bình đẳng thí cho
một người ăn xin rất hèn hạ xem cũng như tướng phước điền của Như
Lai, không phân biệt, lòng đại bi bình đẳng, không cầu quả báo, đó gọi
là đầy đủ pháp thí vậy".
Trong thành những người ăn xin hèn hạ bực
nhất thấy thần lực như vậy và nghe lời nói kia, đều phát tâm Vô Thượng
Chánh Đẳng Chánh Giác. Vì thế, nên con không kham lãnh đến thăm bịnh
ông Duy Ma Cật.
Như thế, các Bồ Tát đều tuần tự đến
trước Phật trình bày chỗ bổn duyên của mình, vị nào cũng khen ngợi,
thuật lại những lời ông Duy Ma Cật và đều nói: "Không kham lãnh đến
thăm bịnh ông".
1.- Bồ
tát: Nói đủ là Bồ Đề Tát Đỏa (Bodhisatra) Tàu dịch là Giác hữu
tình, nghĩa là tự mình đã giác ngộ, lại hay giác ngộ cho chúng sanh.
Bồ Tát có 3 bực: A) Những người mới phát
tâm tu hành cầu pháp Đại thừa, tu hạnh Bồ Tát, là Bồ Tát mới phát
tâm.
B) Những người học đạo Đại thừa đã
lâu đời, chứng đặng bực Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng cho
đến Thập địa, là bực Bồ Tát tu lâu.
C) Bồ Tát chứng bực Đẳng giác (Kề Phật
gọi là Bổ xứ Bồ Tát).
2.- Di Lặc:
(Maitreya) Tàu dịch là Từ Thị, là họ, tên là A Dật Đa. Ngài tu hạnh từ
tâm không ai sánh bằng, sau sẽ ra đời nối đức Phật Thích Ca mà thuyết
pháp độ sanh gọi là Bổ xứ Bồ Tát.
3.- Bất
thối chuyển: Theo Đại thừa pháp tướng có 3 bực: 1) Vị bất thối:
Từ khi phát tâm tin chắc lý Đại thừa, trải muôn kiếp tu nhơn vào bực
Thập trụ rồi không còn thối đọa trong đường sanh tử nữa. 2) Hạnh bất
thối: Đã vào bực Sơ Địa, nơi hạnh lợi tha không còn lui sụt. 3) Niệm
bất thối: Từ bực Bát địa nhẫn lên đặng Diệu trí vô công dụng, mỗi
niệm mỗi niệm thẳng vào biển quả chơn như, không còn một niệm nào thối
chuyển.
4.- Thọ
ký: Đức Phật đối với chúng sanh phát tâm Đại thừa trao cho lời
ký về sau ở nơi kiếp nào, sẽ thành Phật hiệu là gì, cõi nước tên
chi, và trụ thế bao lâu, độ sanh bao nhiêu.
5.- Vô
sanh: Chơn lý Niết bàn không sanh không diệt.
6.- Chánh
vị: Tức thật tướng thường trú. Niết bàn của Tiểu thừa cũng
gọi là chánh vị; chính là quả vị để tu chứng.
7.- Bồ
đề tướng: Cái tướng không tướng là tướng Bồ đề
8.- Chướng
nguyện: Chơn như đạo lý không có sự mong muốn nên ngăn tất cả
sự nguyện cầu.
9.- Bất
nhị:Không hai; Ý và Pháp là hai mà Bồ đề là vô tâm ý thì còn
có pháp gì nữa, nên nói là không hai.
10.- Các nhập không nhóm: 6 nhập trong
và ngoài, tức 6 căn và 6 trần xung nhập nhau. Tự tánh nó vốn không, nên
nói là không nhóm
11.- Quang nghiêm: Là dùng trí tuệ quang
minh và phước đức quang minh trang nghiêm Pháp thân thanh tịnh, gọi là
Quang nghiêm
12.- Đồng tử: Chẳng luận là tuổi
trẻ mới gọi là Đồng tử, mà những vị tu hành từ nhỏ tới già trọn
không phạm dâm dục, không mất hạnh thanh tịnh đều được gọi là Đồng
tử.
13.- Đạo tràng: Là chỗ của đức Phật
thành đạo như: tòa Kim Cang; hoặc chỗ cúng dường đức Phật, chỗ tu tập
ngồi thiền, nơi chùa chiền cho đến những hạnh pháp tu hành đắc đạo
như trực tâm, thâm tâm v.v... cũng gọi là Đạo tràng.
14.- Điều nhu: Đối trị phiền não
làm cho mềm đi.
15.- Đa văn: Rộng nghe Phật pháp, y
theo chỗ nghe mà thật hành gọi là Đa văn.
16.- Chánh quán: Quán hiệp đúng như lời
kinh Phật dạy là chánh quán, nếu quán khác là tà quán.
17.- Nhứt thiết chủng trí: Trí của
Phật biết rõ tất cả đúng như thật.
18.- Trì Thế Bồ Tát: Là vị Bồ Tát
giữ gìn Phật pháp, đem giáo hóa chúng sanh trong đời.
19.- Ba tuần: Tàu dịch là: Ác giả,
sát giả, tên thứ Ác ma có ác ý, làm các việc ác, thường muốn làm dứt
mất huệ mạng của người tu hành.
20.- Kiều Thi Ca: Là họ của trời Đế
Thích, tên là Thích Đề Hoàn Nhơn.
21.- Tu pháp bền chắc: Có 3 pháp bền
chắc là ở nơi thân mạng và của cải đều quên bỏ, mà tu hành theo
chánh đạo, sẽ được cái thân bất hoại, mạng vô cùng, của vô tận,
dù cho trời đất cháy tan, kiếp số có cùng tận, mà 3 món ây đều không
tận, nên nói là bền chắc.
22.- Chánh sĩ: Tiếng Phạn là Bồ Tát,
dịch là Chánh Sĩ, nghĩa là bực cầu chánh đạo tu hạnh Đại thừa.
23.- Ngũ dục: Năm món làm khởi tâm
ham muốn của người : 1) Sắc, 2) Thinh, 3) Hương, 4) Vị, 5) Xúc. Lại có chỗ
nói: 1) Của cải, 2) Sắc đẹp, 3) Uống ăn, 4)Danh dự, 5) Ngủ nghỉ.
24.- Vui ba môn giải thoát, không vui phi thời:
Ba môn 1)Không, 2)Vô tướng, 3)Vô tác. Ba thừa đều noi theo tu tập gọi là
môn, cởi mở sự ràng buộc gọi là giải thoát. Tu hành chưa đến chỗ cùng
tột, giữa chừng muốn thủ chứng như hàng Nhị thừa, đó là Phi Thời.
Hàng Bồ Tát không muốn như thế nên nói là không vui phi thời.
25.- Trưởng giả tử Thiện Đức: Là
vị trưởng giả có căn lành đầy đủ, cội đức trồng sâu nên xưng là
Thiện Đức.
26.- Pháp thí: Thí có 3 cách: 1)Tài
thí: là dùng của cải bố thí cho người; 2) Tâm thí: dùng tâm từ, tâm
bình đẳng ban sự vui cho người, 3)Pháp thí: Nói pháp độ người làm những
việc lợi ích chúng sanh hiện tại và vị lai.
27.- Ngã: Phần tác động chủ tể.
28.- Pháp: Phần thể chất, hình tượng,
nghĩa lý, vũ trụ.
29.- Lục niệm: 1) Niệm Phật: tưởng
niệm đấng thực hiện sự thực, 2) Niệm Pháp: tưởng niệm sự thực; 3)
Niệm Tăng: tưởng niệm người thực hành sự thực; 4) Niệm giới: tưởng
niệm công đức giới pháp và sự giữ giới; 5) Niệm thí: tưởng niệm sự
bố thí; 6) Niệm thiên: tưởng niệm sanh về cõi chư Thiên. Thiên có 3: 1)
Tam giới thiên: cõi Dục, Sắc và Vô Sắc; 2) Tịnh thiên: cảnh giới của
Nhị thừa sanh về. 3) Đệ nhứt nghĩa thiên: cảnh giới của Bồ Tát sanh
về.
30.- Sáu pháp hòa kính: 1)Thân hòa
kính: Thân nghiệp đồng cung kính nhau. 2)Khẩu hòa kính: Khẩu nghiệp đồng
ngợi khen khuyên nhủ nhau. 3)Ý hòa kính: Tâm ý đồng tín mến nhau. 4)Giới
hòa kính: Đồng giữ một giới pháp. 5)Kiến hòa kính: Chỗ hiểu biết đồng
giải bày cho nhau. 6)Lợi hòa kính: Đồng chia các món cúng dường.
31.- Nhứt tướng: Thể tánh chơn thật
bình đẳng, không có tướng sai khác, nên gọi là Nhứt tướng.
- ~~oOo~~