- Kinh Phật Tự Thuyết
(Udàna)
- HT. Thích Minh Châu dịch
Mục Lục
- Chương 1: Phẩm Bồ Đề Chương
- Chương 2: Phẩm Muccalinda Chương
- Chương 3: Phẩm Nanda
-
- Chương 4: Phẩm Meghiya
- Chương 5: Phẩm Trưởng Lão Sona
-
- Chương 6: Phẩm Sanh Ra Đã Mù
- Chương 7: Phẩm Nhỏ
- Chương 8: Phẩm Pataligamiya
|
Giới thiệu
Kinh Phật Tự Thuyết (Udàna)
Kinh Udàna, được dịch là Phật tự thuyết kinh, nghĩa là
những kinh này đức Phật tự nói, do cảm xúc mạnh đột khởi, không ai
thỉnh Phật thuyết. Cũng có khi dịch là "Vô vấn tự thuyết", nghĩa
là không có người hỏi đức Phật tự nói. Có khi được dịch là
"Những lời cảm hứng", nghĩa là lời nói đột khởi, do cảm xúc
mạnh thúc đẩy, khi đức Phật tự mình chứng kiến những sự việc xảy
ra xung quanh. Theo tập Upanishads, chữ Udàna có nghĩa là các hơi thở sinh mệnh
(pràna, apàna, sumàna, vyàna, udàna), ở trung tâm cổ họng được phát ra.
Tập này gồm tám chương. Mỗi
chương có 10 kinh. Như vậy có tám mươi kinh tất cả. Để tiện tìm kiếm,
khi viết "I, 2" thời hiểu là chương I, kinh số 2; khi ghi "IV,
7", thời hiểu là chương IV kinh 7 v.v... Mỗi kinh gồm hai phần, phần
đầu văn xuôi, ghi nhận một câu chuyện do đức Phật chứng kiến hay do các
tỷ kheo kể lại, và phần thứ hai là lời cảm hứng của đức Phật, phần
lớn là bằng những bài kệ (gàthà), chỉ có 1, 2 bài kinh Udàna được chép
bằng văn xuôi.
Trước hết là một số kinh do
liên hệ đến đời sống của đức Phật, như ba kinh đầu, Phẩm Bồ Đề
diễn tả đức Phật khi mới thành đạo, ngồi nhập định dưới gốc cây
Bồ Đề, suy tưởng đến lý 12 nhân duyên, thuận chiều và nghịch chiều
rồi nói lên cảm hứng. (xem I. 1, 2, 3). Kinh II, 1 nói đến tích đức Phật
ngồi nhập định gặp mưa to gió lớn, có con rắn Mucalinda quấn thân mình
chung quanh đức Phật để che chở cho Ngài. Kinh IV, 5 đề cập đến tích
đức Phật bị các vị xuất gia, tại gia, vua chúa đến làm phiền nhiễu
nên Ngài bỏ đi vào núi một mình và sống với một con voi, con voi này cũng
bị đàn voi quấy rầy nên đến sống một mình với đức Phật. Sự tích
khi đức Phật từ bỏ thọ hành và tuyên bố sau ba tháng sẽ nhập Niết
bàn được kinh VI, 1 diễn tả. Và cũng được diễn tả là bữa cơm cuối
cùng do thợ rèn Cunda cúng dường đức Phật. Sau bữa cơm ấy, đức Phật
nhuốm bệnh và không bao lâu đức Phật nhập Niết bàn. Những sự tích
trên giúp chúng ta có thêm một số tài liệu về lịch sử đức Phật.
Song song với các sự tích về đời
sống đức Phật, tập Udàna nói đến khá nhiều về các đệ tử của đức
Phật, như Sàriputta, Moggallàna, Kaccàna, Subbùti, Mahakassapa, Nanda...
Mahakassapa bị bệnh tu định luôn 7 ngày để trị bệnh (Kinh III, 7); Nanda
ban đầu mê các tiên nữ nên tu hành, sau bị các đồng Phạm hạnh chỉ trích
nên tinh tấn tu hành chứng được quả A la hán (III, 2); Sàriputta ngồi nhập
định bị quỷ Dạ xoa đánh trên đầu (IV. 4, 7); 500 tỷ kheo do Yasoja cầm
đầu làm ồn bị đức Phật đuổi đi, sau tinh tấn tu hành, chứng được
quả A la hán (III, 3). Đức Phật khen tôn giả Lakunlaka Bhaddiya trong dung sắc
xấu xí nhưng đã chứng quả giải thoát (VII, 5) Tôn giả Dabba Mallaputta nhập
định hỏa giới tự thiêu trước chúng Tăng, không để lại tro tàn gì
(VIII, 9, 10).
Tiếp đến là các đệ tử tại
gia, như nữ cư sĩ Visàkhà hai lần đến yết kiến đức Phật, một lần
vì có sự việc cần phải giải quyết với Vua Pasenadi (II, 9), một lần
có đứa cháu trai chết nên đến báo cáo đức Phật (VIII, 8). Sự tích 500
cung nữ của Vua Udena, trong ấy có Sàmavati bị chết thiêu cũng được đề
cập. Vua Pasenadi nước Kosala được nói đến nhiều lần và một lần vua
hỏi đức Phật có thể biết được các người tu hành có chứng quả hay
không, thời đức Phật trả lời với những người như Vua Pasenadi sống
trong dục lạc, khó lòng biết được quả chứng của các nhà tu hành (VI,
2).
Bao giờ cũng vậy, giữa đức Phật
và các ngoại đạo cũng có những va chạm, những xung khắc, và các tích
này được nghe nhận khá nhiều trong tập Udàna. Trước hết là sự kiện
khi Như Lai chưa xuất hiện thời các ngoại đạo được quần chúng cung
kính cúng dường, nhưng khi Như Lai xuất hiện, thời sự cung kính cúng dường
bị chấm dứt (Vi, 9; II, 9). Cũng vì vậy, ngoại đạo thù hằn đức Phật
và chúng Tăng, giết kỹ nữ tên Sundarì đem chôn ở Jetavana để vu oan cho
chúng Tăng (IV, 8). Và dân chúng ở Thùma do ngoại đạo xúi dục đổ cỏ và
rác xuống giếng để ngăn đức Phật không được uống nước (VII, 9).
Thường thường đức Phật dùng một
vài hình ảnh châm biếm để nói đến các ngoại đạo. Chúng ta nhớ câu
chuyện các người mù rờ voi, diễn tả các ngoại đạo mỗi người chấp
chặt chủ thuyết của mình (VI, 4). Cũng mỉa mai là câu chuyện một du sĩ
ngoại đạo, tìm dầu cho vợ mình sắp sinh đẻ, vào kho vua uống quá nhiều
dầu để đem về cho vợ, nhưng vì uống quá nhiều dầu nên bị đau đớn,
lăn lộn, khốn khổ (II, 6). Ngoài ra nhiều vấn đề xã hội, rất bình thường
cũng được nói đến. Như đức Phật thấy đứa con nít hành hạ con rắn
(II, 3), các dân chúng Vương xá tranh nhau người kỹ nữ (VI, 8), dân
Sàvatthi quá đắm say về dục (VII, 3, 4) cũng được đức Phật đề cập
và nói lên lời cảm hứng.
Trong 80 kinh của tập Udàna, 80 trường
hợp được ghi nhận là đức Phật thốt lên những lời cảm hứng, sau
khi cảm thấy xúc động trước một số sự kiện, và chính những lời cảm
hứng mới thật là quan trọng trong tập Udàna này. Vì đây là dịp đức
Phật nói lên quan điểm của mình đối với những sự việc đã xảy ra
ở xung quanh; và chính những quan điểm ấy đã trở thành những giáo lý
chính đức Phật đã giảng dạy và trình bày. Chúng ta đã tìm được những
pháp và tùy pháp đức Phật đã thuyết giảng ngay qua các lời cảm hứng
ấy.
Trước hết là lý 12 nhân duyên hay
lý duyên khởi được trình bày ba lần, trong ba kinh đầu I. 1, 2, 3, thuận
chiều, nghịch chiều, thuận chiều và nghịch chiều, từ vô minh duyên
hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc cho đến duyên sanh, lão tử, sầu
bi khổ ưu não. Quá trình sanh tử của con người, từ quá khứ đến hiện
tại, từ hiện tại đến tương lai được khéo cô động trong thuyết duyên
khởi. Bao giờ cũng vậy, đức Phật nhắm trong dây chuyền sanh tử, hai
pháp "dục" và "ái" rất là quan trọng. Và do vậy nhiều lời
cảm hứng đề cập đến dục và ái. Trong kinh VII, 4, dân chúng Sàvatthi
quá đắm say về dục nên đức Phật đã than :
"Bị mù bởi các dục,
Bị lưới dục bao phủ,
Bị ái dục bao trùm,
Lại còn bị trói buộc,
Bởi trói buộc phóng dật,
Như cá mắc miệng lưới,
Chúng đi đến già chết,
Như con bê bú sữa,
Đi đến với mẹ nó."
Với ái, có thân yêu là có đau khổ.
Khi Visakhà đến than với đức Phật có đứa cháu trai mới chết, đức Phật
đã nói : "Những ai có 100 quả thân yêu là có 100 đau khổ; 90 người
thân yêu là 90 người đau khổ... cho đến 1 người thân yêu là 1 người
đau khổ." (VIII, 8)
"Sầu than và đau khổ,
Sai biệt có ở đời,
Duyên thân ái chúng có,
Không thân ái chúng không.
Do vậy, người an lạc,
Người không có sầu muộn
Là những ai ở đời,
Không có người thân ái,
Do vậy ai tha thiết,
Được không sầu, không tham,
Chớ làm thân, làm ái,
Với một ai ở đời".
Dục và ái đã có mặt, thời có
sanh y, có sự tiếp nối một đời sống, nên có sanh y là có đau khổ :
"Giữa làng, tại núi rừng,
Cảm thọ khổ và lạc,
Chớ quy về tự mình,
Chớ quy về người khác.
Các xúc được cảm thọ,
Là do duyên sanh y.
Với vị không sanh y,
Do đâu, xúc cảm thọ?!" (II, 4)
Khi đức Phật từ bỏ thọ hành
(VI, 1) Ngài muốn cắt đứt mọi hành động sanh hữu :
"Bậc ẩn sĩ từ bỏ,
Các hành động sanh hữu,
Sanh hữu có cân lượng,
Sanh hữu không có cân lượng.
Ưa thích hướng nội tâm,
Thật định tỉnh an tịnh,
Phá đổ ngã sanh hữu,
Như cởi thoát áo giáp."
Trong những kinh, đức Phật tán
thán các đệ tử tu thiền định vì đó là con đường đưa đến giải
thoát. Trong kinh III, 5, Ngài Mục Kiền Liên ngồi thiền định tu thân hành
niệm được đức Phật nói lên cảm hứng :
"Thân hành niệm an lập,
Sáu xúc xứ chế ngự,
Tỷ kheo thường thiền định,
Tự chứng tri Niết bàn."
Trong kinh III, 4, Ngài Xá Lợi Phật
ngồi thiền định, để niệm trước mặt, không xa Thế Tôn bao nhiêu và
Thế Tôn nói lên lời cảm hứng :
"Như ngọn núi bằng đá,
Không động khéo an trú,
Cũng vậy vị tỷ kheo,
Đoạn diệt được ngu si,
Như ngọn núi bằng đá,
Không có bị giao động."
Ngài Tu Bồ Đề (Sudhùti), tu định
không tầm (avitakkam samàdhim) và được Thế Tôn tán thán và nói lời cảm
hứng :
"Với ai tâm quét sạch,
Nội tâm khéo cắt đứt,
Không còn chút dư tàn,
Vượt qua ái nhiễm ấy.
Đạt được tưởng vô sắc,
Vượt khỏi bốn ách nạn,
Không đi đến thọ sanh". (Kinh VI, 7)
Nhưng đức Phật ấy nhận thấy đối
với chúng sanh, khó thấy là vô ngã, khó thấy là sự thật. Nên đức Phật
thường dạy cho các đệ tử một cái nhìn "vô ngã":
"Trên dưới, khắp tất cả
Được giải thoát hoàn toàn,
Không còn có tùy quán
"Cái này chính là tôi".
Giải thoát vậy vượt giòng,
Trước chưa từng vượt qua,
Không còn có rơi rớt.
Vào sanh tử thọ sanh".
Mục đích cuối cùng của sự tu
hành là giải thoát Niết bàn và trong tập Udàna có nhiều kinh và lời cảm
hứng đề cập đến trạng thái Niết bàn, một trạng thái khó lấy danh từ
để diễn tả.
Bàhiya Darucìriya tu tập, tưởng mình
đã chứng quả A la hán nhờ đức Phật dạy cho:
"Vậy này Bàhiya, ngươi cần phải
học tập như sau: "Trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe,
sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng.
Trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri... Như vậy, này Bàhiya, nhà ngươi
cần phải học tập. Vì rằng, này Bàhiya, như với ngươi, trong thấy chỉ
là cái thấy, trong cái nghe chỉ là cái nghe, trong cái thọ tưởng sẽ chỉ
là cái thọ tưởng, trong cái thức tri sẽ chỉ là cái thức tri. Do vậy,
này Bàhiya, ngươi không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bàhiya ngươi không là
chỗ ấy. Do vậy, này Bàhiya, ngươi không là đời này, không là đời sau,
không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau" (Kinh I,
10).
Đoạn sau đây cũng là đoạn diễn
tả Niết bàn trong lời cảm hứng bằng văn xuôi (VIII, 1).
"Này các tỷ kheo, có xứ này
(Ayatana), tại đấy không có đất, không có nước, không có lửa, không
có gió; không có hư không vô biên xứ; không có thức vô biên xứ; không
có vô sở hữu xứ; không có phi tưởng phi phi tưởng xứ, không có đời
này; không có đời sau, không có cả hai mặt trăng mặt trời. Do vậy, này
các tỷ kheo, Ta tuyên bố không có đến, không có đi, không có trú, không
có diệt, không có sanh, không có an trú, không có chuyển vận, không có sở
duyên. Đây là sự đoạn tận khổ đau."
Đoạn tiếp cũng diễn tả trạng
thái Niết bàn:
"Này các tỷ kheo, có sự không
sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi. Này các tỷ kheo, nếu
không có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, thời
ở đây không thể trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu bị làm, hữu
vi. Vì rằng, này các tỷ kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không bị
làm, không hữu vi, nên có trình bày sự xuất ly khỏi sự sanh, hiện hữu,
bị làm, hữu vi". (VIII, 3)
Đây cũng là lời cảm hứng của
Phật về trạng thái Niết bàn giải thoát:
"Cái gì có nương tựa, cái ấy
có giao động, cái gì không nương tựa, cái ấy không giao động. Không có
giao động thời có khinh an. Có khinh an thời không có thiên về. Không có
thiên về, thời không có đến và đi. Không có đến và đi, thời không
có diệt và sanh. Không có diệt và sanh, thời không có đời này, không có
đời sau, không có đời ở giữa. Đây là sự đoạn diệt khổ đau".
(VIII, 4)
Như vậy trong tập Udàna này, ngang
qua các câu cảm hứng do đức Phật thuyết lên một số giáo lý căn bản
được đề cập một số pháp môn tu hành được đề cao và mục đích tối
hậu trong sứ mệnh hoằng pháp của đức Phật cũng được diễn tả đến.
Hòa thượng
Thích Minh Châu
Thiền viện Vạn Hạnh
Sài Gòn, 1982 (PL. 2526)
- Chân thành cảm ơn cư sĩ Bình Anson
đã tặng bản điện tử. ĐPNN, 1-2-2001
Giới thiệu
| [1-3] | [4-5]
| [6-8]