- Trưởng Lão Tăng Kệ
- Chương I - Một Kệ
Đảnh Lễ Đức Thế Tôn Bậc
A-La-Hán Chánh Đẳng Giác
(I) Subhùti (Thera. 1)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài sanh ở Sàvatthi, trong gia đình vị Cố vấn Sumana, em trai
Ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc), được đặt tên là Subhùti.
Trong ngày ông Cấp Cô Độc dâng cúng vườn Kỳ Viên cho đức Phật, ngài
có chứng kiến. Sau khi nghe pháp, ngài khởi lòng tin và xuất gia. Thọ Đại
giới xong, ngài thâm hiểu hai loại giới luật. Được Thế Tôn cho một đề
tài để thiền quán, ngài đi vào rừng để hành thiền. Sau khi triển khai
thiền quán, ngài chứng quả A-la-hán. Rồi ngài bắt đầu thuyết pháp,
không phân biệt giới hạn, được trở thành vị Tỷ-kheo đệ nhất về hạnh
Từ vô lượng. Khi Ngài đi khất thực, ngài vẫn hành thiền, và khi xuất
thiền, ngài mới nhận đồ ăn, và như vậy đem lại công đức lớn cho thí
chủ và ngài trở thành vị xứng đáng được bố thí đệ nhất. Do vậy,
Thế Tôn có nói: 'Này các Tỷ-kheo, Subhùti được xem là vị Tỷ-kheo
đệ nhất về hạnh từ bi vô lượng, xứng đáng được cúng dường'.
Bậc Đại đệ tử này, trong khi
đi khất thực đi đến Vương Xá, vua Bimbisàra (Bình-sa) nghe ngài đến,
liến đến kính chào và xin dựng một chỗ ở cho ngài, nhưng rồi vua quên,
ngài không nhận được chỗ ở, nên hành thiền ngoài trời. Vì thái độ
nghiêm túc của ngài, trời không mưa và do vậy nạn hạn hán đe dọa dân
chúng, quần chúng tụ họp than phiền ồn ào trước hoàng cung. Vua tìm hiểu
nguyên nhân vì sao trời không mưa và nghĩ rằng có lẽ vì ngài Subhùti
hành thiền ngoài trời. Vua cho làm các am thất bằng lá cho ngài, và khi
ngài vào ngồi thiền trong am thất ấy, trời bắt đầu mưa từng hột một
chớ không mưa ào ào. Ngài muốn quần chúng khỏi sợ hạn hán, tuyên bố
rằng, không có sự sợ hãi gì đe dọa ngài, từ phía ngoài hay từ phía
trong, với những bài kệ như sau:
1. Am thất ta khéo lợp,
An lạc, ngăn chận gió,
Thần mưa, hãy mưa đi,
Mưa như ý Ngươi muốn!
Tâm ta khéo định tĩnh,
Giải thoát, sống tinh cần,
Thần mưa, hãy mưa đi!
Thần mưa, hãy mưa đi!
(II) Mahàkotthita (Thera. 1)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài được sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình Bà-la-môn rất giàu
có và được đặt tên là Kotthita (Câu-hy-la). Khi đến tuổi trưởng
thành, ngài học ba tập Veda và thành tựu các đức tánh của vị
Bà-la-môn, ngài nghe bậc Đạo Sư thuyết pháp, khởi lòng tin và xuất gia.
Thực hiện thiền quán từ khi mới xuất gia, ngài chứng quả A-la-hán, với
hiểu biết về nghĩa và về pháp, ngài thường hỏi bậc Đạo Sư và các
vị Đại Trưởng lão về hai vấn đề ấy và trở thành rất lão luyện
thuần thục. Rồi bậc Đạo Sư, sau khi xác nhận các quả chứng ngài đã
được trong kinh Vedalla, xác nhận ngài là bậc thiền quán đệ nhất.
Sau một thời gian, ý thức được
sự an lạc giải thoát, ngài nói lên bài kệ này:
2. Tịch tịnh và chỉ tức,
Tụng đọc lời trí tuệ,
Tâm tư không tháo động,٣ pháp được vứt bỏ,
Giống như những lá cây,
Bị gió thổi phiêu bạt.
(III) Kankha-revata (Thera. 2)
Trong thời đức Phật hiện tại ngài
sanh vào trong một gia đình giàu có ở Sàvatthi. Khi ngài đứng vào
vòng ngoài của những người đứng nghe bậc Đạo Sư thuyết pháp, ngài khởi
lòng tin và xuất gia. Ngài chứng quả A-la-hán nhờ hành thiền, ngài trở
thành lão luyện trong thiền định và bậc Đạo Sư tuyên bố ngài là hành
thiền đệ nhất.
Sự nghiệp đã thành tựu, ngài nghĩ
đến sự nghi ngờ lấn chiếm tâm tư, và nay nghi ngờ đã được đoạn tận,
ngài tán thán sức mạnh và trí tuệ của bậc Đạo Sư, nhờ vậy nay tâm
tư ngài được định tĩnh và kiên trì. Ngài nói:
3. Hãy thấy trí tuệ này
Của những bậc Như Lai,
Như lửa cháy nửa đêm,
Cho ánh sáng, cho mắt,
Họ nhiếp phục nghi ngờ
Cho những ai đi đến.
(IV) Punna Mamtàniputta (Thera. 2)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài sanh vào một gia tộc Bà-la-môn, trong làng Bà-la-môn Donavatthu,
không xa Kapilavatthi (Ca-tỳ-la-vệ). Ngài là con trai của người chị của
Trưởng lão Kondanna và được đặt tên là Punna. Sau khi làm
tròn bổn phận của một người Sa-di, ngài tinh tấn nỗ lực cho đến khi
chứng được quả cao nhất. Rồi ngài đi với người cậu ngài đến sống
gần bậc Đạo Sư, từ bỏ miền phụ cận Kapilavatthu, chuyên tâm tu
hành, không bao lâu ngài chứng quả A-la-hán.
Ngài Punna có đến năm trăm
đồ chúng cùng ở trong gia tộc ngài, và tất cả đều xuất gia. Vì ngài
giỏi về mười căn bản của thuyết giảng, ngài dạy cho các đệ tử của
ngài lão luyện về mười căn bản này cho đến khi các vị này chứng quả
A-la-hán. Các đệ tử ngài yêu cầu ngài đưa họ đến yết kiến bậc Đạo
Sư, nhưng ngài nghĩ không nên đi với số đồ chúng như vậy, liền bảo họ
đi trước còn ngài đi sau. Các vị ấy là đồng hương với đức Phật,
đã đi bộ sáu mươi do tuần đến Vương Xá, đến tại ngôi tịnh xá
Trúc Lâm và đảnh lễ bậc Đạo Sư. Đức Phật hỏi ai đồng hương với
Ngài có thể giảng được về đời sống giản dị, và các vị này giới
thiệu ngài Punna. Khi bậc Đạo Sư đi từ Vương Xá đến Sàvatthi,
ngài Punna cũng đi đến Sàvatthi, tại đây ngài được dạy về
Chánh pháp. Rồi ngài đi vào rừng Andha để suy tư về Chánh pháp.
Tôn giả Sariputta cũng đi theo vào rừng và đàm đạo Chánh pháp với
Punna. Bậc Đạo Sư tuyên bố Punna là bậc thuyết pháp đệ nhất.
Một hôm, suy tư trên sự giải
thoát chứng đạt, ngài suy tư như sau: 'Đối với ta và nhiều vị khác đã
thoát khỏi đau khổ, thật là giúp đỡ lớn nếu thân cận với bạn
lành'. Với sự hoan hỷ phấn khởi, ngài nói lên bài kệ này:
4. Hãy thân cận người hiền,
Bậc hiền minh thấy nghĩa,
Nghĩa lớn và thâm sâu,
Khó thấy, tế, tế nhị,
Bậc trí chứng đạt được,
Không phóng dật, chủ tâm.
(V) Dabba (Thera. 2)
Ngài sanh ra trong gia đình của dân
tộc Mallà ở Anupiyà. Khi mới bảy tuổi, ngài được thấy bậc
Đạo Sư khi Thế Tôn viếng thăm xứ sở và nhà của ngài.
Ngài bị ảnh hưởng đến nỗi ngài
xin phép bà nội cho được xuất gia với bậc Đạo Sư, mẹ ngài đã mất
khi sanh ngài. Bà nội ngài đưa ngài đến yết kiến đức Phật và đức
Phật giao cho một Tỷ-kheo làm lễ xuất gia cho ngài. Ngài với nghiệp nhân
quá khứ với ước vọng tương lai đang chín muồi, nên chứng được bốn
quả liên tiếp chính trong khi ngài được cạo tóc.
Khi bậc Đạo Sư từ giã xứ Mallà
để đi về Vương Xá, Dabba thiền quán một mình, và muốn dùng thân
để phục vụ giáo hội và nhận công việc phân phối chỗ ngủ, tổ chức
các buổi ăn. Bậc Đạo Sư chấp nhận công việc làm này, xác nhận sự
thành công của ngài, khả năng thần thông của ngài, với ngón tay chói
sáng của mình soi sáng cho các đồng Phạm hạnh về chỗ ngủ. Các sự việc
này được nói đến trong Luật tạng.
Khi bị các Tỷ-kheo theo phe với Mettiya
và Bhummajika vu khống, làm hại và ngài được giáo hội che chở và
biện minh, Tôn giả Dabba ý thức được lòng từ của mình đối với
các vị khác, liền nói lên bài kệ như sau:
5. Ai thật khó nhiếp phục,
Nay đã được nhiếp phục,
Dabba tự biết đủ,
Nghi ngờ được vượt qua,
Thắng trận, không sợ hãi,
Dabba trú tịch tịnh.
(VI) Sìla- Vaniya (Thera. 2)
Đây là bài kệ của Trưởng lão Sambhùta,
ngài được sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), con trai một Bà-la-môn có
danh tiếng, tên là Sambhùta. Với ba người bạn Bhùmija, Jeyyasena
và Abhiràdana. Ngài nghe Thế Tôn thuyết pháp và ngài xuất gia. Khi
đang tu tập thiền quán thân bất tịnh, ngài ở luôn luôn tại Sitavana (rừng
mát) và được gọi là Sitavaniya (vị ở rừng mát).
Khi thấy các Tỷ-kheo đang đi đến
yết kiến đức Phât, ngài nói: 'Thưa các Hiền giả, các Hiền giả hãy đảnh
lễ bậc Đạo Sư thay mặt tôi và thưa với bậc Đạo Sư như sau:
6. Có Tỷ-kheo đi đến
Rừng Sitavana,
Sống một mình, độc cư,
Biết đủ, tâm nhập định,
Thắng trận, không kinh hoàng,
Kiên trì hộ thân niệm'.
(VII) Bhalliya (Thera. 2)
Với người anh là Tapussa,
trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở thành Pokkharavatì, con một
người đánh xe cho đoàn lữ hành. Khi đoàn lữ hành đi ngang một khu rừng
có bóng mát một đoạn đường bùn lầy ngăn đoàn lữ hành lại. Một vị
thần cây, là người bà con hiện ra và nói: 'Thế Tôn vừa mới thành đạo
và đang ngồi thiền bảy ngày dưới gốc cây. Hãy cúng dường đồ ăn.
Như vậy, các người được hạnh phúc và lợi ích'. Cả lữ đoàn hoan hỷ,
không chờ nấu cơm, đem bánh gạo và mật đến cúng dường Thế Tôn.
Khi Thế Tôn chuyển pháp luân ở Benares,
Thế Tôn đi đến Vương Xá. Ở đây, Tapussa và Bhalliya hầu hạ
Ngài và nghe pháp, Tapussa trở thành một cư sĩ, còn Bhalliya thời
xuất gia và thành tựu được sáu thắng trí.
Một ngày kia, Ác ma hiện ra dưới
hình thức cực kỳ kinh hoàng, nhưng Bhalliya đã vượt qua mọi sợ hãi,
nên nói lên bài kệ như sau, khiến Ác ma phải thất vọng:
7. Ai đuổi đi thần chết,
Với đạo binh của nó,
Những dòng nước lớn mạnh,
Trói cây lau yếu ớt,
Thắng trận, không sợ hãi,
Nhiếp phục, trú tịch tịnh.
(VIII) Vìra (Thera. 2)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài được sanh ở Sàvatthi (Xá-vệ) trong gia đình vị bộ trưởng
vua Pasenadi (Ba-tư-nặc), và được gọi là Vìra. Ngài rất giỏi
về thể thao và võ nghệ, và trở thành một chiến sĩ. Sau khi lập gia đình
với sự bằng lòng của mẹ cha, ngài có một đứa con trai. Thấy sự khổ
lụy, tiếp tục tái sanh, ngài xuất gia và nhiệt tâm tinh cần, ngài chứng
được sáu thắng trí. Khi đã thành vị A-la-hán và sống thọ hưởng an lạc
giải thoát, vợ của ngài muốn cám dỗ ngài trở về với gia đình bằng
nhiều hình thức. Nhưng Tôn giả nói rằng: 'Người đàn bà này muốn cám
dỗ ta, không khác gì người muốn xô ngã núi Sineru với cánh một
con ruồi'. Và ngài thuyết lên bài kệ này để nói rằng sự cám dỗ của
vợ cũ của ngài thật là vô ích:
8. Ai thật khó nhiếp phục
Nay đã được nhiếp phục,
Vìra tự thỏa mãn,
Nghi ngờ được vượt qua,
Thắng trận, không kinh hoàng,
Vìra trú tịch tịnh.
Người đàn bà nghe ngài nói rất lấy
làm xúc động và nghĩ rằng: 'Chồng ta đã thành đạt thù thắng như vậy.
Vậy đời sống gia đình có gì là tốt đẹp cho ta'. Rồi đi đến tịnh xá
các Tỷ-kheo-ni xin được xuất gia và chứng được ba minh.
IX. Pilinda-Vaccha (Thera. 2)
Ngài sanh ở Sàvatthi, là con một
Bà-la-môn, trước khi Thế Tôn thành đạo và được đặt tên là Pilinda.
Vaccha là tên của dòng họ. Ngài trở thành một ẩn sĩ và được một
bùa phép tên là Tiểu Gandhàra (có thể đi trên hư không và tha tâm
thông) và nhờ vậy được nổi danh. Khi đức Phật thành đạo, bùa phép
này không còn hiệu lực. Khi ngài nghe được bùa phép Đại Gandhàra
làm bùa phép tiểu Gandhàra mất hiệu lực, ngài kết luận Sa-môn Gotama
biết được bùa phép Đại Gandhàra và ngài đến hầu hạ đức Phật
để học cho được bùa phép ấy, đức Phật dạy: 'Phải xuất gia', ngài
tưởng rằng xuất gia là điều kiện để chứng được bùa phép nên vâng
lời theo. Đức Phật dạy ngài Chánh pháp và phương pháp thiền quán, chẳng
bao lâu ngài chứng quả A-la-hán. Nhờ sự hướng dẫn của Pilinda
trong một đời trước, được sanh làm chư Thiên, vị này hầu hạ ngài sớm
chiều để tỏ lòng biết ơn. Do vậy, ngài được xem là vị Tỷ-kheo được
chư Thiên ái kính, và được đức Phật xác nhận cho địa vị ấy.
Một hôm, Tôn giả Pilinda ngồi
giữa hội chúng Tỷ-kheo, suy tư đến sự thành tựu của mình, tuyên bố
cho chúng biết bùa phép ấy đã đưa ngài đến gặp Thế Tôn và nói lên
bài kệ này:
9. Lời khuyên đến, tốt lành!
Lời không tốt, không đến!
Lời khuyên đến với ta,
Không thuộc về tà ác!
Giữa các pháp phân biệt,
Ta đến pháp tối thượng.
(X) Punnamàsa (Thera. 3)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài được sanh làm con của Samiddhi, một Bà-la-môn ở Sàvatthi,
ngài xuất gia được khi sanh được đứa con trai, thọ giới dưới sự hướng
dẫn của đức Phật, và lấy bốn sự thật làm đề tài để thiền quán
và ngài chứng được quả A-la-hán. Vợ cũ của ngài tìm cách cám dỗ
ngài, trang điểm rất đẹp mắt đến thăm ngài, và đem theo đứa con trai.
Nhưng ngài hoàn toàn giải thoát, không còn vướng bận gì và nói lên bài
kệ này:
10. Ta sống không mong chờ,
Đời này hay đời sau,
Vị đã đạt trí tuệ,
An tịnh, tự chế ngự,
Không dính nhiễm các pháp,
Biết sanh diệt của đời.
Vợ của ngài nghĩ rằng: 'Vị Trưởng
lão này không để ý gì đến ta và con ta nữa, ta không thể cám dỗ ngài'
nên nàng bỏ đi.
Phẩm Hai [^]
(XI) Cùlagavaccha (Thera. 3)
Ngài sanh là vị Bà-la-môn ở Kosambi,
nghe bậc Đạo Sư thuyết pháp, ngài xuất gia. Lúc bấy giờ các Tỷ-kheo
ở Kosambi tranh cãi nhau, Cùlagavachha không theo phe phái nào, trung
thành với lời dạy của bậc Đạo Sư, phát triển trí tuệ và chứng quả
A-la-hán. Thấy sự tranh cãi các Tỷ-kheo là nguyên nhân của sự thối thất,
ngài hoan hỷ với thái độ không phe phái của mình và nói lên bài kệ:
11. Tỷ-kheo nhiều hân hoan,
Trong pháp Phật tuyên bố,
Đạt được đạo tịch tịnh,
Hành dừng lại an lạc.
(XII) Mahàgavaccha (Thera. 3)
Ngài sinh ra trong thời đức Phật tại
thế, làm con của Sammiddhi, một Bà-la-môn ở làng Nàlaka, Magadha.
Ngài xuất gia vì Sàriputta đã xuất gia, và ngài biết Sàriputta rất
sáng suốt. Sau khi chứng quả A-la-hán, và thọ hưởng lạc giải thoát,
ngài nói lên bài kệ để khích lệ các đồng Phạm hạnh tinh cần tu tập:
12. Trí tuệ lực, giới hạnh,
Định, thiền lạc, chánh niệm,
Chỉ ăn những món ăn
Đem lại quả tốt đẹp,
Ở đây, tham viễn ly,
Chờ đợi giờ mạng chung.
(XIII) Vanvaccha (Thera. 3)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài sanh ở Kapilavatthu. Ngài sanh ra trong rừng, khi mẹ ngài đi vào rừng
viếng cảnh, và sanh tại đấy. Ngài trở thành một trong những đứa trẻ
chơi cát với đức Phật trong tương lai. Vì ngài thích rừng núi, ngài được
biết với tên là Vanavaccha. Về sau, khi ngài xuất gia, ngài sống
trong rừng tinh tấn tu hành và chứng quả A-la-hán. Để tán thán hạnh ở
rừng, ngài nói lên bài kệ này, đáp lời vị đồng Phạm hạnh đã hỏi
ngài: 'Ngài thích thú gì ở rừng núi?' Ngài đáp: 'Thích thú thay, các ngôi
rừng các ngọn núi!
3. Đẹp sắc, mây xanh biếc,
Nước mát lạnh, chảy trong,
Kẻ chăn bò Inda,
Che kín cả ngôi rừng,
Những ngôi núi đá ấy,
Làm hân hoan tâm ta'.
(XIV) Sìvaka (Thera. 3) (Một
Sa-di phục vụ cho Vanavaccha).
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài sanh làm con người chị của Vanavaccha. Khi mẹ ngài được tin Vanavaccha
xuất gia, thọ Đại giới, đã sống trong rừng. Mẹ ngài nói với ngài:
'Này Sìvaka, con hãy xuất gia dưới sự chỉ dẫn của Vanavaccha và
phục vụ cho ngài, vì nay ngài đã già!'. Ngài nghe theo lời mẹ xuất gia sống
ở trong rừng phục vụ săn sóc Vanavaccha. Một hôm, khi đi đến gần
làng, ngài bị đau nặng; khi thuốc không chữa được, ngài không về và
Trưởng lão Vanavaccha đi tìm và thấy ngài bị đau. Sau khi cho ngài uống
thuốc và săn sóc ngài, khi bình minh mới bắt đầu, vị Trưởng lão nói với
ngài: 'Này Sìvaka, từ khi ta xuất gia, ta không sống ở trong làng. Vậy
chúng ta hãy đi vào rừng'. Sìvaka trả lời: 'Dầu thân con ở trong
làng, nhưng tâm con bao giờ cũng hướng về rừng núi. Vậy nay con tuy nằm
ở đây, con sẵn sàng đi vào rừng'. Vị Trưởng lão cầm tay ngài, dắt
ngài đi vào rừng, khích lệ ngài. Ngài nhờ sự khích lệ này, tự mình
sách tấn và chứng quả A-la-hán.
Rồi ngài nói lên bài kệ của
mình hợp chung lời vị Trưởng lão và lời mình, nói lên sự ưa thích sống
viễn ly và quả chứng của mình, sự vâng lời thầy của mình và chứng
đắc chánh trí:
14. Thầy ta nói với ta,
'Hãy đi, Sìvaka!'
Thân ta sống ở làng,
Nhưng tâm hướng về rừng,
Dầu còn nằm ta đi,
Người biết, không trói buộc.
(XV) Kunda Dhàna (Thera. 3)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài sanh ở Sàvatthi, con một Bà-la-môn và được gọi là Dhàna.
Thuộc lòng ba tập Vệ-đà, sau khi đã lớn tuổi, ngài nghe đức Phật thuyết
pháp và xuất gia. Khi vua Pasenadi nước Kosala để ý đến ngài,
cúng dường ngài các đồ dùng cần thiết nên ngài khỏi phải đi khất thực.
Khi nàng Subhaddà mời bậc Đạo Sư và chúng Tỷ-kheo dùng cơm, lúc
ấy Kunda Dhàna mới chứng tỏ quả chứng và sức mạnh của mình như
đã được ghi chép trong tập sớ Anguttara Nikàya. Ngài nói lên các
bài kệ này cho các vị Tỷ-kheo:
15. Năm pháp Thầy cắt đứt,
Năm pháp Thầy từ bỏ,
Và năm pháp thượng nhân,
Thầy cố gắng tu tập,
Tỷ-kheo vượt năm ái,
Được gọi là 'vượt bộc lưu'.
(XVI) Belatthasìsa (Thera. 3)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài sanh ở Sàvatthi trong một gia đình Bà-la-môn. Trước khi đức Phật
thành đạo, ngài đã xuất gia theo giáo đoàn của Kassapa ở Uruvelà
và thờ lửa. Khi Kassapa được đức Phật giáo hóa, ngài là một
trong ngàn người đệ tử của Kassapa chứng được quả A-la-hán, khi
nghe đức Phật giảng kinh Adittápariyàyàsutta (Kinh Lửa Cháy).
Sau ngài trở thành vị giáo thọ của
Tôn giả Ananda. Một hôm, nghĩ đến sự an lạc thuần tịnh của quả
chứng, và sự tu hành ban sơ của mình, ngài nói lên bài kệ diễn tả sự
hân hoan của ngài:
16. Như vật hiền giống tốt
Với sừng, kéo cái cày,
Đi đứng không mệt nhọc,
Cũng vậy, ta ngày đêm,
Đi đứng không mệt nhọc,
Được lạc không thế vật.
(XVII) Dàsaka (Thera. 4)
Do nghiệp của mình, ngài sanh vào
thời dức Phật hiện tại, con của một người nô lệ của Anàthapindika,
và được giao việc gác cửa vào tịnh xá Jetavana. Được nghe đức
tánh và nguyện vọng của ngài, ông Anàthapindika giải thoát cho ngài
khỏi vòng nô lệ và ngài nói ngài sẽ sung sướng nếu được xuất gia.
Do vậy, ngài được xuất gia ngay. Nhưng khi được xuất gia, ngài trở
thành biếng nhác, thụ động, tiêu cực, không chịu cố gắng để thoát
khỏi sanh tử, và ngủ quá nhiều sau các bữa ăn. Khi đến thời thuyết pháp,
ngài lựa một chỗ ngoài vòng Tăng chúng, tìm một góc và ngồi ngáy. Thế
Tôn nghĩ đến việc làm trước của ngài, nên nói lên bài kệ này để khích
lệ ngài:
17. Ai hôn trầm, ăn nhiều,
Nằm ngủ, lăn qua lại,
Như heo lớn, ăn no,
Kẻ ngu tiếp thai sanh.
Khi nghe vậy, Dasaka trở thành
dao động hốt hoảng và phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán. Rồi
ngài suy nghĩ: 'Bài kệ của Thế Tôn đã khích lệ ta nhiều' và ngài nói lại
bài kệ này. Như vậy, dầu cho bài kệ chống đối ăn nhiều, bài kệ trở
thành lời tuyên bố về chánh trí của ngài.
(XVIII) Singàlar-Pitar (Thera. 5)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài sanh trong gia đình giàu có ở Sàvatthi, lập gia đình và đặt tên
con là Singàlaka và tự mình được gọi là Singàla-pitar (cha của
Singàla). Về sau ngài từ bỏ gia đình và xuất gia. Thế Tôn biết
được căn cơ xu hướng của ngài, dạy ngài đề tài thiền quán là bộ xương
người. Dùng đề tài này để thiền quán, ngài sống giữa các dòng họ
Thích-ca ở Sumsumàragira, tại khu rừng Bhesaskalà. Trong rừng ấy,
một thần rừng biết được ngài sẽ chứng được Thánh quả nên nói
lên bài kệ này:
18. Hãy nhìn trong khu rừng,
Rừng Bhesakala!
Một Tỷ-kheo đang sống,
Thừa tự lời Phật dạy,
Ngang thân địa đại này,
Tỏa khắp tưởng bộ xương.
Ta nghĩ Tỷ-kheo ấy,
Mau đoạn tận dục tham.
Nghe bài kệ này, vị Trưởng lão
nghĩ rằng: 'Vị thần rừng này muốn ta cố gắng tu tập', nên ngài phát
triển thiền quán và chứng quả A-la-hán. Về sau, ngài nhớ lại bài kệ của
thần rừng này và nói lên lại bài kệ ấy như là lời tuyên bố về
chánh trí của ngài.
(XIX) Kula (Thera. 4)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn, xuất gia và vì tâm tư chưa được
thăng bằng, ngài không chú tâm được trên một đề tài nhất định. Một
ngày kia đi khất thực, ngài thấy người dẫn nước bằng cách đào cách
kinh dẫn nước. Trong thành phố, ngài thấy người làm cung tên uốn nắn
cung tên bằng nheo một con mắt như thế nào, và khi trở về với bình bát
đầy đồ ăn, ngài thấy những người làm xe sửa soạn trục xe, bánh xe
và vành xe như thế nào. Bước vào tịnh xá, dùng cơm xong, khi đang nghỉ
trưa, ngài nghĩ đến ba phương pháp nhiếp phục này, và lấy chúng làm
khích lệ và dùng chúng để tự mình tu tập, không bao lâu ngài chứng quả
A-la-hán. Liên hệ những bài học này với sự tu tập tâm của mình, ngài
nói lên lời chánh trí với bài kệ như sau:
19. Người trị thủy dẫn nước,
Kẻ làm nên nắn tên,
Người thợ mộc uốn gỗ,
Bậc tự điều, điều thân.
(XX) Ajita (Thera. 4)
Khi bậc Đạo Sư còn sống, ngài
được sanh ở Sàvatthi con của một Bà-la-môn làm nghề đánh giá
hàng hóa cho vua Kosala. Ngài trở thành một ẩn sĩ tu theo Bàvari,
một vị Bà-la-môn có học thức ở vườn Kapittha trên bờ sông Godhàvarì.
Bàvarì bảo ngài cùng với Tissa và Metteya đi đến bậc
Đạo Sư. Ajita được đức Phật cảm hóa, và xuất gia. Lựa một đề
tài để thiền quán, ngài phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán.
Ngài nói lên sự thắng trận của ngài với bài kệ này:
20. Ta không có sợ chết,
Không ưa thích sanh mạng,
Ta sẽ bỏ thân này,
Tỉnh giác và chánh niệm.
Phẩm Ba [^]
(XXI) Nigrodha (Thera. 4)
Trong lời đức Phật tại thế, ngài
sanh trong một gia đình Bà-la-môn có danh tiếng ở Sàvatthi. Khi tinh
xá Jetavana được dâng cúng đức Phật, trông thấy tướng tốt uy
nghiêm của đức Phật, ngài được cảm hóa và xuất gia. Khi phát triển
thiền quán, ngài có thể đạt được sáu thắng trí, suy tư đến sự an lạc
quả chứng, sự lợi ích của giáo pháp giúp thoát khỏi tái sanh, ngài nói
lên bài kệ này để tuyên bố chánh trí của ngài:
21. Đối với ta, sợ hãi
Không làm ta sợ hãi,
Thâm hiểu đạo bất tử,
Bậc Đạo Sư chúng ta
Không tìm được chân đứng,
Ở đâu, sự sợ hãi,
Chỗ ấy vị Tỷ-kheo
Dẫn bước trên đường ấy.
(XXII) Cittaka (Thera. 4)
Ngài sanh ở Ràjagaha, con một
gia đình Bà-la-môn giàu có. Khi bậc Đạo Sư ở vườn Trúc Lâm, Cittaka
đến nghe đức Phật thuyết pháp, khởi lòng tin và xuất gia. Lựa giới luật
làm đề tài tu tập, ngài vào một khu rừng và tu tập thiền định, với
thiền quan khai triển, ngài chứng quả A-la-hán. Rồi ngài đi đến đảnh lễ
đức Phật, được các vị đồng Phạm hạnh hỏi ngài có tinh tấn tu
hành khi ở trong rừng không, ngài trả lời có và với bài kệ này, ngài
nói lên chánh trí của ngài.
22. Chim công, màu xanh biếc,
Cổ đẹp, có màu tươi,
Đang gọi nhau trong rừng,
Rừng Kà-ram-vi-yà,
Với gió mát tiếng trong,
Chúng gọi và thức dậy,
Vị hành thiền đang ngủ.
(XXIII) Gosàla (Thera. 5)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài sanh trong một gia đình Magadha giàu có, ngài có quen với Sonakutikanna.
Khi được biết Sonakutikanna xuất gia, ngài bị dao động và suy nghĩ:
'Vị ấy có tài sản lớn mà còn xuất gia, sao ta lại không làm theo?'. Rồi
ngài xuất gia, dùng giới luật làm đề tài thiền quán và tìm một chỗ
thích hợp, ngài lựa một cao nguyên không xa làng sanh quán. Mẹ ngài ngày
nào cũng bố thí cúng dường. Một hôm cúng cho ngài cháo, cơm nấu với mật
và đường, ngài nhận đồ cúng dường, ngồi ăn dưới bóng một ngọn đồi
có tre mọc dày. Với tay và bát rửa sạch, được ăn một bữa ăn thích hợp,
ngài phát tâm thiền quán và chú tâm vào vấn đề sanh diệt các pháp, đạt
được thiền định cao nhất, chứng quả A-la-hán, với hiểu biết về nghĩa,
về pháp. Ngài muốn đi lên ngọn đồi để hưởng an lạc thiền vị, ngài
nói lên kinh nghiệm của ngài với bài kệ:
23. Ta ăn tại khóm trúc,
Với cháo cơm và mật,
Ta chấp nhận toàn diện,
Lời dạy bậc đáng kính,
Tánh sanh diệt các uẩn,
Ta sẽ lên ngọn núi,
Tăng trưởng hạnh viễn ly.
(XXIV) Sugandha (Thera. 5)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài sanh trong một gia đình giàu có ở Sàvatthi. Vì lời phát nguyện
trong quá khứ, khi ngài sanh ra, hương thơm tỏa khắp nhà, do vậy được đặt
tên là Sugandha (hương thơm). Khi đến tuổi trưởng thành, ngài được
khuyến khích xuất gia, khi nghe Trưởng lão Mahà Sela thuyết pháp; sau
bảy ngày, ngài chứng quả A-la-hán. Nói lên chánh trí của mình, ngài thuyết
bài kệ này:
24. Xuất gia, mùa mưa qua,
Thấy pháp tánh các pháp,
Ba minh chứng đạt được,
Làm xong lời Phật dạy.
(XXV) Nandiya (Thera. 5)
Ngài được sanh ở Kapilavatthu,
trong nhà một vương tộc Thích-ca, và cha mẹ ngài nói: 'Con ta sanh đem lại
hoan hỷ trong nhà' và đặt tên ngài là Nandiya. Lớn lên, ngài xuất
gia, khi Anuruddha và các bạn đều xuất gia. Nhờ chú tâm học tập
và lời phát nguyện quá khứ, ngài chứng quả A-la-hán. Rồi ngài sống với
Trưởng lão Anuruddha và các bạn tại rừng Trúc phía Đông. Tại đấy,
Ác-ma muốn làm ngài sợ hãi, hiện ra trong hình thù rất dễ sợ, nhưng ngài
đuổi Ác--ma đi với những lời như sau: 'Này Ác-ma, Ngươi làm gì với những
người đã vượt qua cảnh giới của ngươi. Do vậy, Ngươi chỉ gặp thất
bại và bất hạnh'.
25. Với ai, tâm thường hằng,
Hướng mạnh về Chánh pháp,
Pháp phát sanh hào quang,
Pháp đạt đến Thánh quả,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Nếu Nhà ngươi muốn chống,
Hỡi này kẻ Quỷ đen!
Ngươi đi đến đau khổ.
(XXVI) Abhaya (Thera. 5)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài sanh là con vua Bimbisàra (Bình-sa). Giáo chủ Nàtaputta dạy
ngài một mưu chước để đánh bại Sa-môn Gotama trong cuộc tranh luận,
nhưng trong câu trả lời của Sa-môn Gotama, ngài thấy sự thất bại
của giáo chủ phái Ni-kiền Tử và sự sáng suốt của Sa-môn Gotama.
Do vậy, sau khi vua từ trần, Abhaya xuất gia. Nhờ giảng kinh Ví dụ
cái lỗ trong cây gỏ, ngài chứng quả Dự lưu. Rồi với sự cố gắng
tinh cần, ngài chứng quả A-la-hán. Do vậy, phấn khởi trước thành quả
đạt được, ngài nói lên chánh trí của ngài:
26. Nghe được lời khéo giảng,
Bậc bà con mặt trời,
Ta đâm thủng tinh vi,
Như tên chẻ ngọn tóc.
(XXVII) Lomasakangìya (Thera. 5)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài sanh ở Kapilavatthu, trong một gia đình họ Thích-ca. Ngài rất yếu
đuối và thân ngài có lông mịn nên được gọi là Lomasakangiya.
Khi Anuruddha và một số hoàng
tử trẻ Sakya xuất gia, ngài không theo. Rồi Candana, một người
bạn cũ thời trước, hỏi về 'Nhứt dạ hiền giả - Bhaddekaratta',
ngài trả lời không được và đến hỏi đức Phật. Đức Phật khuyên
ngài xuất gia và về xin phép cha mẹ. Khi mẹ ngài sợ ngài yếu đuối, ngài
trả lời với bài kệ như sau:
27. Cỏ dabba, kusa,
Các loài cỏ đâm ngực,
Loài cỏ tên munja,
Cỏ tên pabbaja.
Từ nơi ngực của ta,
Ta sẽ đẩy chúng lui,
Ta sẽ làm tăng trưởng,
Hạnh cô độc viễn ly.
Nghe xong, mẹ ngài bằng lòng để
ngài xuất gia, và được phép bậc Đạo Sư cho xuất gia. Sau thời gian học
tập, ngài muốn đi vào rừng để thiền quán. Các Tỷ-kheo ngăn lại, nói
ngài yếu đuối làm sao sống trong rừng núi được. Ngài lập lại bài kệ
này và đi vào rừng tu thiền, chứng sáu thắng trí. Khi ngài chứng quả
A-la-hán, ngài tuyên bố chánh trí của ngài với bài kệ nói trên.
(XXVIII) Con Trai Của Jambugàmika
(Thera. 5)
Ngài sanh ở Campà, con một cư
sĩ tên Jambugàmika, và được gọi với tên cha. Khi học tập hạnh
Sa-di, ngài ở Sàketa, tại rừng Anjana, cha ngài sợ ngài không bền
chí xuất gia, nên gửi ngài bài kệ để tìm hiểu ngài:
28. Con có được thỏa mãn,
Với y phục mang mặc?
Con có được hoan hỷ,
Với trang sức điểm tô?
Và mùi hương thơm này,
Do giới con tỏa ra,
Chớ không do người khác
Tạo mùi thơm như vậy!
Khi ngài đọc bài kệ này, ngài nghĩ
rằng phụ thân ngài nghi ngờ ngài còn đang bị thế tục chi phối, và
ngài cũng chưa thoát khỏi địa vị phàm phu. Do vậy, ngài cảm thấy xúc
động, liền phát tâm tinh tấn tu hành và không bao lâu chứng được sáu
thắng trí. Với bài kệ của người cha làm đề tài thiền quán, cuối
cùng ngài chứng quả A-la-hán. Và vừa để nói lên chánh trí, vừa tán
thán người cha, ngài nói lên bài kệ.
(XXIX) Hàrita (Thera. 5)
Sanh ra trong thời đức Phật hiện
tại ở Sàvatthi, con một Bà-la-môn giàu có. Cha mẹ cưới cho ngài một
người vợ trẻ đẹp hoàn toàn xứng đôi vừa lứa, và ngài sống sung sướng
bên người vợ của ngài. Một hôm, ngài đang ngắm nhìn sắc đẹp của vợ
mình, do nghiệp nhân đời trước, ngài được nhắc lại là sắc đẹp ấy
cũng vô thường. Vài ngày sau, vợ ngài bị con rắn đen cắn và bị chết.
Bị đau khổ bởi cái chết này, ngài đi yết kiến đức Phật, được
nghe pháp và xuất gia. Nhưng khi ngài tu về giới, ngài không giữ được tâm
cho chánh trực. Khi đi khất thực, ngài thấy một người làm tên, dùng dụng
cụ làm cho cây tên được ngay thẳng, ngài suy nghĩ: 'Những người này
còn làm cho một cây tên ngay thẳng'. Ngài quay về, ngồi nghỉ trưa, phát
triển thiền quán. Và ngài thấy đức Phật hiện ra trước mặt ngài, ngồi
trên hư không, và dạy ngài với bài kệ này:
29. Thầy hay làm tự ngã,
Được thấm nhuần hướng thượng,
Như người thợ cung tên
Làm cây tên ngay thẳng,
Hãy làm tâm ngay thẳng,
Hỡi này Ha-ri-ta!
Hãy chặt đứt vô minh.
Nghe Thế Tôn dạy, ngài phát triển
thiền quán, và không bao lâu trở thành vị A-la-hán. Ngài liền nói lên
bài kệ này như lời tuyên bố chánh trí của ngài.
(XXX) Ittiya (Thera. 5)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài sanh ở Sàvatthi con trai một Bà-la-môn, và xuất gia để tìm đời
sống bất tử, trở thành một du sĩ ngoại đạo. Một ngày kia, trong khi bộ
hành ngài gặp Thế Tôn đang thuyết pháp và ngài xin xuất gia. Vì giới hạnh
ngài không thanh tịnh, nên ngài không đạt được Thánh quả. Thấy các Tỷ-kheo
khác nói lên chánh trí của mình, ngài xin Thế Tôn một bài học tóm tắt.
Đức Phật trả lời ngài phải làm cho thanh tịnh nếp sống căn bản và
đức Phật dạy ngài về nếp sống căn bản một cách tóm tắt, Ittiya
học tập bài học này, phát triển thiền quán, nhưng rồi bị bệnh. Trong
sự cố gắng tối hậu, ngài chứng được quả A-la-hán. Vì ngài chứng
được Thánh quả trước những trở ngại lớn như vậy, ngài nói lên
chánh trí của ngài liên hệ đến cơn bệnh của ngài:
30. Trong khi ta lâm bệnh,
Niệm khởi lên nơi ta,
Trong khi ta lâm bệnh,
Không phải thời phóng dật.
Phẩm Bốn [^]
(XXXI) Gahvaratìrya (Thera. 6)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài sanh ở Sàvatthi trong một gia đình Bà-la-môn và được gọi là Aggidatta.
Khi lớn lên ngài thấy đức Phật hiện hóa thần thông song hành, khởi
lòng tin và xuất gia. Lấy một đề tài để hành trì, ngài đi vào rừng Ratìra
và được biết với tên là Gahvaratìriya, phát triển thiền quán,
không bao lâu ngài chứng quả A-la-hán. Rồi ngài đi đến đảnh lễ đức
Phật ở Sàvatthi, các bà con ngài nghe tin ngài đến, liền cúng dường
ngài rất nhiều. Khi ngài muốn trở lui lại khu rừng, các bà con ngăn lại,
nói rằng núi nhiều muỗi và ruồi lằng rất khó sống. Ngài trả lời đời
sống rừng núi thích hợp với ngài và ngài nói lên chánh trí của ngài với
bài kệ:
31. Trong núi rừng rộng lớn,
Bị muỗi lằng đốt cắn,
Như voi đầu chiến trận,
Tại đấy sống chánh niệm.
(XXXII) Suppiya (Thera. 6)
Trong thời đức Phật tại thế, do
nghiệp quá khứ, ngài được sanh trong gia đình người giữ nghĩa địa ở
Sàvatthi. Được bạn Sopàka thuyết pháp cảm hóa, ngài xuất
gia và chứng được quả vị cao nhất, và trong bài kệ, ngài nói lên
chánh trí của ngài khi đang phấn đấu để chứng quả A-la-hán.
32. Bị già, được không già,
Bị nung nấu, được tịnh,
Mong rằng ta sẽ được
Tịch tịnh thật tối thượng,
An ổn thật vô thượng,
Thoát khỏi các khổ ách.
(XXXIII) Soopaka, Một Tỷ-Kheo
Trẻ Con (Thera. 6)
Ngài sanh trong thời đức Phật hiện
tại ở Sàvatthi, từ một người đàn bà rất nghèo khổ. Khi bà mẹ
đau đẻ, bà bất tỉnh và người ta tưởng bà đã chết nên đem thân bà
đi thiêu. Một phi nhân không cho lửa đốt cháy, làm mưa làm gió và những
người thiêu thân bỏ đi. Đứa con trẻ được sanh mạnh khỏe, còn người
mẹ bị chết. Vị phi nhân hóa làm người, bế đứa con và bỏ trong nhà
người giữ nghĩa địa, nuôi đứa con trong một thời gian với đồ ăn thích
hợp. Sau đó, người giữ nghĩa địa nhận làm con nuôi, và Sopàka lớn
lên với Suppiya, con trai nhỏ của người giữ cửa. Vì ngài sanh ở
nghĩa địa, nên đặt tên là Sopàka. Khi ngài bảy tuổi, Thế Tôn với
thiên nhãn thanh tịnh, vào buổi sáng, nhìn xem những ai có thiện căn tốt
lành, thấy Sopàka và đi đến nghĩa địa. Sopàka được nghiệp
duyên đời trước, đi đến Thế Tôn với tâm tư hoan hỷ và đảnh lễ Thế
Tôn, Thế Tôn thuyết pháp và Sopàka xin xuất gia. Sau khi được phép
người cha nuôi, Sopàka xuất gia và được dạy tình thương huynh đệ
làm đề tài tu hành. Sopàka lấy đề tài này và sống ở nghĩa địa
và chứng được cảnh giới thiền tương đương. Lấy cảnh giới thiền làm
đề tài căn bản, ngài triển khai thiền quán và chứng được quả A-la-hán.
Sau khi chứng quả, ngài làm bài kệ, trong ấy ngài nêu cho các Tỷ-kheo rõ
đề tài tình thương anh em, không có phân biệt người thân kẻ sơ. Với tất
cả, tình thương phải là một, bao trùm mọi cảnh giới, mọi chúng sanh mọi
thời gian:
33. Như người mẹ tốt lành
Thương người con độc nhất,
Cũng vậy đối chúng sanh,
Đủ mọi loài, mọi chỗ,
Hãy có lòng tốt đẹp,
Thương mến và từ ái.
(XXXIV) Posiya (Thera. 6)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài sanh làm con một triệu phú ở Sàvatthi, là em trai của Trưởng lão
Sangàmaji. Khi lớn lên, ngài lập gia đình. Khi sanh được đứa con
trai, do nghiệp duyên đời trước, ngài cảm thấy lo lắng trước vấn đề
sống chết, nên ngài xuất gia, sống một mình trong rừng và tu tập đề tài
bốn sự thật. Sau một thời gian, ngài chứng quả A-la-hán.
Rồi ngài đi đến Sàvatthi để
đảnh lễ Thế Tôn và về thăm lại nhà cũ, người vợ cũ cúng dường ngài
và muốn cám dỗ ngài sống lại đời sống cũ, ngài biết được dụng ý
của vợ ngài nên cáo lui và về lại trong rừng, các bạn đồng tu hỏi vì
sao ngài về sớm như vậy, ngài kể lại câu chuyện đã xảy ra và nói
lên bài kệ:
34. Không gần là tốt đẹp,
Kẻ trí thường biết vậy,
Từ làng đi đến rừng,
Từ rừng, ta vào nhà,
Từ đấy, đứng dậy đi,
Không đoái hoài Bô-syà.
(XXXV) Sàmannakàni (Thera. 6)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài sanh làm con một du sĩ và xuất gia theo đức Phật. Khi thấy đức Phật
hóa hiện thần thông song hành; và nhờ thiền, ngài chứng quả A-la-hán.
Lúc bấy giờ, một du sĩ tên Kàtiyàna,
ngài quen khi còn là cư sĩ, du sĩ này mất hết sự ủng hộ của giới cư
sĩ từ khi đức Phật được mọi người qui ngưỡng, và trở thành khốn
cùng. Kàtiyàna đến ngài và yêu cầu ngài ủng hộ để được hạnh
phúc đời này đời sau, ngài đáp: 'Hạnh phúc không liên hệ đến đời và
chỉ những người hiểu biết quá trình tu chứng mới hưởng sự an lạc
thuần nhất này'. Và ngài nói lên bài kệ để chứng minh sự thành đạt
của ngài:
35. Kẻ tìm lạc, được lạc,
Nếu sở hành đúng đắn,
Lại thêm được kính trọng,
Danh vọng được tăng trưởng.
Ai tu tập chánh trực,
Con đường Thánh tám ngành,
Đây là đường lộ trình,
Đạt đến cảnh bất tử.
(XXXVI) Con Của Kunmà (Thera. 6)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài được sanh ở xứ Anvanti thành Velukanda, và được đặt tên
là Nanda. Nhưng vì mẹ tên Kumà nên ngài được gọi là con của
Kumà. Khi nghe Tôn giả Sàriputta thuyết pháp, ngài xuất gia và
tu tập trên sườn đồi. Nhưng chỉ sau khi nghe đức Phật thuyết pháp và
sửa lại phương pháp tu tập, ngài mới chứng quả A-la-hán. Khi đã trở
thành A-la-hán, ngài thấy các Tỷ-kheo khác quá lo cho thân thể, nên ngài
dùng bài kệ để hướng dẫn họ theo Chánh pháp:
36. Lành thay, điều được nghe!
Lành thay, hạnh phúc sống!
Lành thay, thường an trú!
Đời sống kẻ không nhà.
Tìm hỏi nghĩa Chánh pháp,
Làm các hạnh cung kính,
Đấy là hạnh Sa-môn,
Của bậc Vô sở hữu.
(XXXVII) Bạn Của Con Kumà
(Thera. 6)
Ngài được sanh trong thời đức Phật
hiện tại, tại thành Velukanda, trong một gia đình giàu có tên Sudanta.
Có người nói ngài tên là Vasulokì. Ngài trở thành bạn thân với
con của Kumà. Khi con của Kumà xuất gia, ngài nghĩ đạo của
con Kumà không thể là đạo tầm thường nên đến nghe bậc Đạo Sư
thuyết pháp. Nghe xong, ngài cảm thấy nhiều xúc động và xuất gia. Ngài
cùng an trú với con của Kumà trên sườn đồi để tu hành.
Trong lúc ấy, nhiều Tỷ-kheo bộ
hành nhiều địa phương, đều an trú tại chỗ hai vị này và tạo nên cảnh
ồn ào. Sudanta, tâm thiền định bị chi phối, lấy sự kiện này
làm đề tài để tinh tấn tu hành và nói lên bài kệ này:
37. Bộ hành nhiều xứ sở,
Với hạnh không suy tưởng,
Thiêu đốt phần thiền định,
Đi khắp xứ làm gì?
Do vậy, ngăn vọng động,
Không vọng hướng, hãy thiền.
(XXXVIII) Gavampati (Thera. 6)
Ngài được sanh trong thời đức Phật
hiện tại, ngài là một trong bốn người bạn của Yasa (Da-xá). Khi họ
nghe Yasa xuất gia, tất cả đều xuất gia và chứng quả A-la-hán. Rồi
ngài sống ở rừng Anjana tại Sàkela, và hưởng lạc giải thoát.
Khi bấy giờ, Thế Tôn đến với một số đông Tỷ-kheo tại Anjana.
Chỗ ngủ không đầy đủ và một số Tỷ-kheo ngủ xung quanh tinh xá, trên
bãi cát sông Sarabhà. Nửa đêm, nước sông dâng lên và các Tỷ-kheo
trẻ la lớn. Thế Tôn nghe vậy, bảo Gavampati can thiệp, ngăn sông
không cho dâng cao, khiến các Tỷ-kheo yên tâm. Vị Trưởng lão với thần
túc thông của mình, làm theo lời Phật dạy, dừng dòng sông lại từ xa,
khiến dòng sông dựng đứng lại như ngọn núi, do vậy ngài được mọi
người biết là có thần thông. Một ngày kia, Thế Tôn đang thuyết pháp giữa
một số đông người, thấy Gavampati vì lòng từ bi nghĩ đến đời,
đức Phật tán thán các hạnh của Gavampati với bài kệ:
38. Ai với thần túc thông,
Dựng đứng Sarabhu,
Chính Gavampati,
Không ỷ lại, không động,
Vượt qua mọi trĩi buộc,
Chư Thiên đều đảnh lễ,
Bậc Đại sĩ Mâu-ni
Đã vượt qua sanh hữu.
(XXXIX) Tissa (Thera. 6)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài được sanh ở Kapilavatthu, con người dì của đức Phật và được
đặt tên là Tissa. Ngài xuất gia theo đức Phật, sống tại một lâm
trại và tự phụ với địa vị của mình, tánh hay nóng nảy bất thường,
vì vậy ngài không làm bổn phận của mình được hăng hái.
Rồi bậc Đạo Sư, với thiên nhãn
thấy ngài đang ngủ há miệng liền hiện đến trước ngài, thức ngài dậy
với bài kệ:
39. Như bị kiếm chém xuống,
Như bị lửa cháy đầu,
Vị Tỷ-kheo xuất gia,
Chánh niệm, đoạn tham dục.
(XL) Vaddhamàna (Thera. 7)
Ngài sanh ở Vesàli, trong gia
đình một vị vua Licchavì, ngài trở thành một thiếu niên có tín
tâm và phục vụ Tăng chúng. Về sau, khi đã xuất gia, ngài trở thành biếng
nhác và được Như Lai khích lệ với bài kệ:
40. Như bị kiếm chém xuống,
Như bị lửa cháy đầu,
Vị Tỷ-kheo xuất gia,
Chánh niệm, đoạn tham hữu.
Phẩm Năm [^]
(XLI) Sirivaddka (Thera. 7)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), trong nhà một Bà-la-môn giàu có. Khi
vua Bimbisàra gặp bậc Đạo Sư, do nghiệp duyên đời trước, ngài xuất
gia, đi đến một ngọn núi gần Vebhàra và Pandava, và trú tại
chỗ ấy, chuyên hành tu tập.
Một hôm, một cơn giông tố lớn nổi
lên và sét đánh vào hang, nhưng nhờ gió lớn của các đám mây, làm nhẹ
bớt sức nóng đang đè nặng trên ngài, nhờ vậy với một nhiệt độ thích
hợp, ngài có thể thiền định, thiền quán và cuối cùng chứng quả
A-la-hán. Với bài kệ nói lên chánh trí của mình, ngài thốt lên những lời
như sau:
41. Giữa đồi Vebhara,
Giữa đồi Pandava,
Sét đánh vào cửa hang,
Đứa con bậc Vô tỷ,
Như vậy, vẫn ngồi thiền.
(XLII) Khadira - Vaniya (Thera. 7)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài
sanh ở nước Magadha (Ma-kiệt-đà) tại làng Nàlaka, con của nữ
Bà-la-môn Rùpasàrì. Khi ngài lớn lên, mẹ ngài muốn ngài lập gia đình,
nhưng khi nghe Sàriputta xuất gia, ngài bắt chước Sàriputta, đến
các Tỷ-kheo xin được thọ giới, tự xưng là em trai của Sàriputta.
Khi ngài chứng quả A-la-hán tại rừng cây xương rồng, ngài đi đến Sàvatthi
(Xá-vệ) để đảnh lễ Thế Tôn, và ở lại một vài ngày tại tịnh xá Jetavana
(Kỳ Viên).
Rồi Thế Tôn, ngồi giữa đại chúng
Tỷ-kheo, xác nhận ngài là Tỷ-kheo ở rừng đệ nhất.
Một thời khác, ngài đi đến làng
sanh quán, đem ba người cháu trai là con trai của ba người chị Càlà,
Upacàlà, Sisùpacàlà, cũng tên là Càlà, Upacàlà và Sisùpacàlà
cho chúng xuất gia. Một hôm ngài bị ốm và Sàriputta đi đến
thăm, Revata muốn dạy cho ba người cháu chớ có phóng dật, nên khi
thấy Sàriputta từ xa đến, bèn nói lên bài kệ:
42. Hỡi này cháu Càlà,
Này Upacàlà,
Sisùpacàlà,
Hãy sống, trú chánh niệm,
Vị đang đến các con,
Như vị bắn chẻ tóc.
(XLIII) Sumangala (Thera. 7)
Ngài sanh ở tại một làng nhỏ, gần
Sàvatthi, trong một gia đình nghèo khó. Lớn lên, ngài tự nuôi sống
giữa đồng ruộng, với cái liềm, cái cuốc và cái cày. Một hôm vua Pasenadi
cúng dường đức Phật với chư Tăng và ngài đi đến. đem theo sữa và
bơ cùng với các người làm công khác. Khi thấy các Tăng, Ni được cung kính
cúng dường, ngài nghĩ các Tăng, Ni này sống trong các nhà cửa được che
kín và mặc các y phục tốt đẹp và ngài xin xuất gia để hưởng những
tiện nghi này. Một Trưởng lão Tăng vì lòng từ chấp nhận ngài được
xuất gia, cho ngài một đề tài tu hành và bảo ngài đi vào rừng để tu tập.
Nhưng trong hạnh độc cư, ngài cảm thấy buồn bã chán nản và đi về lại
làng của mình. Khi về, ngài thấy các dân quê cày bừa với áo quần nhớp
nhúa, đầy bụi bặm và bị nóng bức. Thấy vậy, ngài trở lại tu tập,
đi đến dưới gốc cây, tu tập thiền định, sống cô độc, phát triển
thiền quán. Cuối cùng, ngài chứng được quả A-la-hán. Để nói lên sự
giải thoát khỏi nỗi khổ cuộc đời, ngài thốt lên bài kệ này:
43. Khéo thoát! Ôi khéo thoát!
Thật sự ta khéo thoát,
Thoát ba sự cong queo,
Ta thoát cong với liềm,
Ta thoát cột với cày,
Ta thoát cực với cuốc,
Nếu có đây, có đây,
Thật đủ chán, đủ chán,
Hỡi Sumangala!
Hỡi Sumangala!
Hãy thiền, hãy thiền định!
Hỡi Sumangala!
Hãy sống không phóng dật.
(XLIV) Sànu (Thera. 7)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài
sanh ở Sàvatthi (Xá-vệ) trong gia đình một cư sĩ, sau khi người cha
đã từ bỏ gia đình. Bà mẹ, đặt tên ngài là Sànu, khi ngài lên bảy
tuổi, được đưa đến ở với các Tỷ-kheo, nghĩ rằng như vậy con mình
được sống hạnh phúc. Rồi Sànu trở thành một vị học hành giỏi,
một vị pháp sư, thiền sư với lòng từ bi, được chư Thiên và loài Người
ái kính. Trong đời trước, mẹ ngài là một nữ Dạ-xoa. Sau một thời
gian, ngài mất sự sáng suốt, sống sầu khổ và muốn đi lang thang đây đó.
Bà mẹ Dạ-xoa của ngài thấy vậy liền báo động với bà mẹ hiện tại
và bảo bà khích lệ con bà phải tinh tấn, và đọc lại lời nói của
các Yakkhà (Dạ-xoa):
Chớ có làm điều ác,
Công khai hay bí mật,
Nếu người làm điều ác,
Sẽ làm hay đang làm,
Người không thoát khổ đau,
Dầu có đứng lên chạy.
Nói như vậy xong, người mẹ Dạ-xoa
biến mất, nhưng người mẹ hiện tại, nghe vậy rất lấy làm sầu khổ.
Rồi Sa-di Sànu cầm y và bát đến thăm bà mẹ rất sớm. Thấy mẹ sầu
muộn, ngài hỏi và được bà mẹ trả lời lý do, ngài nói bài kệ:
44. Thưa mẹ, người ta khóc,
Khóc vì người đã chết,
Hay có khóc người sống,
Khi sống, không được thấy,
Thưa mẹ, con đang sống,
Và mẹ đang thấy con,
Vậy vì sao, thưa mẹ,
Mẹ lại khóc cho con?
Bà mẹ trả lời, từ những lời
trong kinh: 'Đây là sự chết, này các Tỷ-kheo trong giới luật của bậc
Thánh, tức là sự từ bỏ học giới và hoàn tục', và nói bài kệ như
sau:
Người ta khóc cho con,
Là khóc cho con chết,
Hay khóc cho con sống,
Nhưng không được thấy mặt.
Ai đã bỏ dục vọng,
Lại trở lui đời này,
Này con, người ta khóc,
Là khóc cho người ấy,
Vì người ấy được xem,
Còn sống cũng như chết,
Này con, được kéo ra,
Khỏi than hầm lửa rực,
Con còn muốn rơi vào,
Đống than hồng ấy chăng?
Khi ngài nghe vậy, Sa-di Sànu lấy
làm xấu hổ sầu muộn, và tinh tấn phát triển thiền quán, không bao lâu
ngài chứng quả A-la-hán. Suy nghĩ rằng ngài chiến thắng là nhờ những
bài kệ này, nên lấy những bài kệ ấy thành những bài kệ của ngài.
(XLV) Ramnìyavihàrim (Thera. 7)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), con một công dân có tên tuổi và sống
đời sống tuổi trẻ trác táng. Một hôm, ngài thấy các quân lính nhà vua
bắt một người thông dâm, ngài sanh tâm dao động, nghe lời Phật dạy và
xuất gia. Là Tỷ-kheo, ngài vẫn còn những ái dục về thân, ngài sắp đặt
phòng ngài thật đầy đủ bàn ghế, đầy đủ đồ ăn, đồ uống, đồ nằm
và sống như vậy. Do vậy, ngài được tên là Ramanìyavihìrim (người
sống trong lạc dục). Nhưng đời sống cũ của ngài làm ngài khó sống đời
sống Tỷ-kheo, ngài cảm thấy không xứng đáng để nhận đồ cúng dường,
ngài bỏ đi, bộ hành lang đó đây. Trên đường đi, khi ngồi nghỉ dưới
gốc cây, ngài thấy các xe bò đi ngang qua, một con bò vì mệt mỏi nên vấp
ngã, người đánh xe cởi dây cho con bò, cho nó rơm và nước, và làm cho
nó đỡ mệt, xong lại cột con bò vào xe và bắt nó kéo xe đi. Ngài suy nghĩ:
'Con bò này đã vấp ngã nhưng đã đứng dậy và kéo đi gánh nặng của
mình. Vậy ta phải tinh tấn, sau khi rơi vào rừng nhục dục, cần phải đứng
dậy và làm tròn bổn phận của người tu hành'. Rồi ngài trở về, kể lại
câu chuyện cho Trưởng lão Upàli và được Upàli chấp nhận
cho sám hối các lỗi lầm, và giúp ngài trở lại nếp sống chơn chánh.
Không bao lâu, ngài chứng quả A-la-hán.Về sau, hưởng thọ an lạc giải
thoát, ngài nói lên sai lầm của ngài, và sự trở lui lại nếp sống chơn
chánh trong bài kệ này:
45. Như con thú hiền thiện,
Giống tốt, huấn luyện khéo,
Sau khi đã vấp ngã,
Lại đứng lên, an trú,
Ta đầy đủ chánh kiến,
Đệ tử bậc Chánh giác.
(XLVI) Samiddhi (Thera. 7)
Ngài sanh ra trong đời đức Phật
hiện tại, ở Rajagaha (Vương Xá) con một gia đình quí tộc. Từ khi
sanh ngài, tài sản của gia đình được tăng trưởng, ngài lại đẹp trai,
có giới hạnh và được đặt tên là Samiddhi (thịnh vượng), ngài
chứng kiến sức mạnh của bậc Đạo Sư khi gặp vua Bình Sa (Bimbisàra),
khởi lên lòng tin, xuất gia, tinh tấn tu thiền. Khi đức Phật sống ở vườn
Tapoda, Samiddhi đang cảm thấy an lạc được sống hạnh Tỷ-kheo, thời
Ác-ma hiện ra quấy phá, phát ra tiếng động như quả đất nổ tung. Ngài
thưa với đức Phật và đức Phật khuyên nên bình tĩnh, vẫn kiên trì tu
tập và đừng nghĩ đến vấn đề ấy nữa. Ngài vâng theo và không bao
lâu ngài chứng quả A-la-hán. Ác-ma không biết sự kiện ấy, Ác-ma lại tạo
nên một tiếng động kinh khủng, nhưng ngài không có sợ hãi, ngài nói
lên chánh trí của ngài với bài kệ như sau:
46. Ta với lòng tín ngưỡng,
Bỏ gia đình, xuất gia,
Niềm tuệ ta tăng trưởng,
Tâm tư ta thiền định,
Dầu ngươi tạo sắc gì,
Không làm ta sợ hãi.
(XLVII) Ujiaya (Thera. 8)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài sanh ở Rajagaha (Vương Xá), con một Bà-la-môn theo truyền thống.
Lớn lên và giỏi về ba tập Vệ-đà, ngài thấy không có cốt tủy, với
nghiệp lành chín muồi, ngài đi đến rừng Trúc nghe Thế Tôn giảng và xuất
gia, thiền tư về giới hạnh trong rừng, không bao lâu ngài chứng quả
A-la-hán. Rồi ngài đi đến Thế Tôn đảnh lễ ngài, ngồi xuống một
bên, tán thán Thế Tôn, ngài nói lên bài kệ đề cập đến chánh trí của
ngài:
47. Đảnh lễ Phật, anh hùng,
Ngài giải thoát mọi chỗ,
Trong nếp sống của ngài,
Gồm cả phần giáo điển,
Con sống không lậu hoặc,
Không còn bị trói buộc.
(XLVIII) Sanjaya (Thera. 8)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), con một Bà-la-môn giàu có. Khi lớn
lên, ngài theo gương Brahmàya, Pokkhanrasàti và các vị Bà-la-môn danh
tiếng khác, các vị này khởi lòng tin bậc Đạo Sư và chứng được Sơ
quả. Về sau, ngài xuất gia và chứng được sáu thắng trí. Nói lên chánh
trí, ngài dùng bài kệ này:
48. Từ khi ta xuất gia,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Ta không có tư duy,
Những tư tưởng phàm phu,
Những tư niệm phi thành,
Liên hệ đến sân hận.
(XLIX) Ràmaneyyaka (Thera. 8)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài sanh ở Sàvatthi (Xá-vệ) con một gia đình giàu có. Tâm ngài rất
xúc động khi Jetavana (Kỳ Viên) được dâng cúng đức Phật và ngài
xuất gia. Sống trong rừng, ngài thiền quán về giới hạnh, vì quả chứng
và hạnh dễ thương của ngài, ngài được gọi là Ràmaneyyaka (hạnh
khả ái, dễ thương).
Một hôm, Ác-ma muốn phá hoại
ngài, đã phát ra một tiếng động rất lớn, ngài dùng bài kệ nói lên sự
không xúc động của mình.
49. Dầu tiếng người hò hét,
Tiếng náo động chim muông,
Tâm ta không dao động,
Ta ưa thích độc cư.
Bài kệ này trở thành lời tuyên bố
chánh trí của ngài.
(L) Vimala (Thera. 8)
Trong thời đức Phật hiện tại,
ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), từ một gia đình giàu có. Do hạnh
nguyện đời trước, ngài có một thân thể thật trong sạch như giọt
sương trên lá sen, bởi vậy, được tên là Vimala. Khi lớn lên ngài
khởi tín tâm khi gặp được dức Phật ở Ràjagaha, rồi ngài xuất
gia, tìm một đề tài học tập, đến ở trong một hang núi ở Kosala.
Một hôm trời chuyển giông, mưa
rơi xuống, làm nhẹ bớt sức nóng, ngài có thể định tâm, chứng được
quả A-la-hán. Sung sướng với quả chứng của mình, ngài thốt lên bài kệ
này:
50. Đất, nước mưa ướt thấm,
Gió thổi mát không gian,
Trên trời, chớp vạch đường,
Tư tưởng ta lắng dịu,
Tâm ta thật định tỉnh.
Bài kệ này trở thành lời tuyên bố chánh trí của ngài.