Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Nghi Thức Tụng Niệm
Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam

Chương VI

Phụ Lục


  • Phụ lục 1: Cách Phát Âm Phạn Ngữ Pàli
  • Phụ lục 2: Các ngày lễ và ngày giới
  • Phụ lục 3: Xuất xứ, Ý Nghĩa và cách dùng các kinh văn
  • Phụ lục 4: Ý nghĩa của thờ phượng
  • Phụ lục 5: Cách sử dụng các bản kinh
  • Phụ lục 6: Từ ngữ Phật Pháp

Phụ lục 1 - Cách phát âm Phạn ngữ Paali

1. Ngôn ngữ Paali còn được gọi là Maagadhii là ngôn ngữ của xứ Magadha (Ma Kiệt Ðà). Ðó là một trong những trung tâm Phật Giáo quan trọng bao gồm các địa danh nổi tiếng Vương Xá thành (Raajagaha), Linh Thứu Sơn (Gijjhakuuta), Nalanda. Cũng chính tại vương quốc nầy, vua Ajàtasattu đã tổ chức Ðại Hội Kết Tập Tam Tạng đầu tiên cách ba tháng sau ngày Phật viên tịch.

2. Paali được gọi là Nam Phạn để phân biệt với tiếng Sanscrit là Bắc Phạn. Vào thời Phật trụ thế, tiếng Sanscrit là tiếng của giới quí tộc và hàng giáo sĩ Bà la môn mang tính kinh viện và dùng cho nghi lễ theo kinh Veda. Ðức Phật dùng nhiều ngôn ngữ khác nhau và Ngài khuyến khích dùng ngôn ngữ địa phương để diễn đạt chánh pháp. Có lẽ vì tính cách đại chúng và địa dư nên Nam Phạn Paali được chọn trong lần kết tập kinh điển lần đầu.

3. Ngày nay Nam Phạn Paali đã trở thành cổ ngữ. Tuy vậy tất cả các quốc gia Phật giáo nguyên thủy đều dùng tiếng Nam Phạn làm tiêu chuẩn cho kinh điển và nghi lễ. Các học giả Tây Phương đầu thế kỷ nầy đã dùng Nam Phạn làm biểu chuẩn cho việc nghiên cứu và giới thiệu Phật học. Hiện đang có những nỗ lực để quốc tế hoá thuật ngữ Phật học từ các ngôn ngữ Sanscrit, Nhật ngữ, Hoa ngữ và tiếng Tây Tạng.

4. Tiếng Paali tương đối dễ đọc. Có tất cả 41 mẫu tự gồm 8 nguyên âm và 33 phụ âm.

Các mẫu tự Pàli trong phiên bản Internet này được viết theo qui ước:

nt-pali-int.gif (2720 bytes)

8 nguyên âm:

a uu i ii u uu e o

33 phụ âm chia thành 6 nhóm:

k kh g gh "n

c ch j jh ~n

.t .th .d .dh .n

t th d dh n

p ph b bh m

y r l v s h .l "m

Cách đọc nguyên âm:

a đọc là ă như há td: aniika (á ni ká)
aa đọc là a như cha td: baalaa (ba la)
i đọc là í như tí td: isi (í sí)
ii đọc là i như nghi td: iihaa (i ha)
u đọc là ú như tú td: udara (ú đá rá)
uu đọc là u như du td: uukaa (u ka)
e đọc là ê như đê td: eka (ê ká)
o đọc là ô như tô td: okaara (ô ka rá)

- Các nguyên âm aa, ii, uu, e, o đọc dài

- Các nguyên âm có phụ âm đi sau đọc dài. Thí dụ: sattha (sát thá) âm "sát" đọc dài, tunha (tun há) âm "tun" đọc dài.

- Cách đọc phụ âm lưu ý: những phiên âm có gạch nối là những "âm láy" khi phát âm đọc nhanh như "bờ" trong "bờ-há"

(1) Nhóm âm họng:

k đọc là như ka ki td: kata (ká tá)
kh đọc là kờ-há như khá td: khaya (khá dá)
g đọc là như gỗ td: gati (gá tí)
gh đọc là gờ-há ----------- td: gha.tii (gờ-há ti)
"n đọc là ngá như ung td: sa"nkaa (săng ka)

(2) Nhóm nóc giọng:

c đọc là chá như cháu td: canda (chanh đá)
ch đọc là chờ-há ------------ td:chando (chờ-hanh đô)
j đọc là dzá như dzu td: jaani (dza ní)
jh đọc là dzờ-há ----------- td: jhaana (dzờ-ha ná)
~n đọc là nhá như nhà td: ~naa.na (nha ná)

(3) Nhóm âm não (không có âm Việt tương đương): Khi phát âm giống như nhóm âm răng nhưng cong lưỡi lại, dồn hơi lên óc.

.t -------- td: .ta"nka (tăng ká)
.th -------- td: .thaana (tha ná)
.d -------- td: .daaka (đa ká)
.dh -------- td: o.d.dha ----------
.n -------- td: i.na (í ná)

(4) Nhóm âm răng:

t đọc là như tú td: ta.ta (tá tá)
th đọc là tờ-há như thứ td: thala (thá lá)
d đọc là đá như đong td: dati (đá tí)
dh đọc là đờ-há ------------ td: dhana (đờ-há ná)
n đọc là như non td: naga (ná gá)

(5) Nhóm âm môi:

p đọc là như pa-pa td: pajaa (pá dza)
ph đọc là pờ-há như phải td: phala (phá lá)
b đọc là như báo td: baahaa (ba ha)
bh đọc là bờ-há ----------- td: bhaya (bờ-há dá)
m đọc là như mơ td: mana (má ná)

(6) Các phụ âm không thuộc nhóm:

y đọc là như du td: yoni (dô ní)
r đọc là như rõ td: rajani (rá dzá ní]
l đọc là như lo td: laya (lá yá)
.l đọc là ------- ---------- td: .liiyati
v đọc là quá như qui td: vati (quá tí)
s đọc là như sử td: sati (sá tí)
h đọc là như hổ td: hati (há tí)
"m đọc là ăng như băng td: ta"m (tăng)

Cách đọc vần ngược Paali:

kg trong vần ngược đọc như "c" trong "Nam Bắc"; td: agga (ắc gá), sakka (sắc cá).

"n, .n, "m trong vần ngược đọc như "ng" trong "ngang dọc"; td: sa"ngha (săng gờ-há), ta.n.da (tănh đá), dhamma"m (đờ-ham măng).

c, j, .t, .d, t, d trong vần ngược đọc như "t" ; trong chữ chén bát (giọng Bắc); td: satta (sát tá)

~n trong vần ngược đọc như "nh" trong "nhanh chóng" td: a~n~na (anh nhá).

n trong vần ngược đọc như "n" trong "than đá" (giọng Bắc).

p, b trong vần ngược đọc như "p" trong "áp đảo" thí dụ uppanna"m (úp pan năng).

l, .l trong vần ngược đọc "l" trong all của Anh ngữ. td: viruu.lha (quí run há).

s trong vần ngược đọc "s" trong Texas (không có âm Việt tương đương)

y trong ey đọc như "ây" trong "đông tây" ; td: aahuneyyo (a hú nây dô)

"n, "m chỉ đi với nguyên âm trong vần ngược, tương đương với NG; td: ta"m [đọc là tăng]

Một chữ thường thấy xuất xứ từ Bắc Phạn là Brahma (phạm chí) đọc là "bờ-ram má"

Người học cần nhớ cách phiên âm để tự học chỉ là tương đối nên học với thầy dạy là tốt nhất.

Dưới đây là một bản thí dụ về cách phát âm Phạn ngữ Pàli với phiên âm bài kinh "Dâng Hoa"

Puujemi buddha"m kusumenanena
Pu jê mí bút d-hăng kú sú mê nă nê nă

Pu~n~nena me tena ca hotu mokkha"m
Pun nhê nă mê tê nă chă hô tú mốc khăng

Puppha"m milaayaati yathaa ida"m me
Púp phăng mí la da tí dá tha í đăm mê

Kaayo tathaa yaati vinaasabhaava"m
Ka dô tă tha da tí quí na să pha quăng

[^]

Phụ Lục 2 - Các ngày lễ và ngày giới

Các ngày lễ truyền thống Phật Giáo

Ngày Phật Bảo (Visaakhapuujaa) nhằm đúng rằm tháng Tư âm lịch. Kỷ niệm ba sự kiện trọng đại của đức Phật Thích Ca Mâu Ni: đản sinh, thành đạo và viên tịch. Vì vậy còn được gọi là Ðại Lễ Tam Hợp. Theo Phật giáo Bắc truyền chỉ kỷ niệm sự kiện đản sinh nên gọi là Ngày Phật Ðản.

Ngày Pháp Bảo (Maaghapuujaa) nhằm Rằm tháng Giêng âm lịch. Kỷ niệm ngày đức Phật thuyết kinh Giải Thoát Giáo (Ovaadapaa.timokkha) về tôn chỉ của Giáo Pháp và tinh thần hoằng pháp. Bài kinh được thuyết trong thánh hội gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị thánh nhân vô lậu. Cũng ngày Rằm tháng Giêng, Ðức Phật xác định nền tảng của Giáo Pháp đã thiết lập vững vàng và Ngài sẽ viên tịch.

Ngày Tăng Bảo (Kathina) có thể tổ chức bất cứ ngày nào trong vòng một tháng sau mùa kiết hạ của chư Tăng, tức từ Rằm tháng Chín đến Rằm tháng Mười. Vì nghi thức chính của Ðại Lễ là cúng dường và thọ nhận một lá y theo thể thức được qui định bởi chính đức Phật nên Ðại Lễ nầy thường có tên Lễ Tăng Y Kathina. Chư Tăng theo Phật Giáo Bắc Truyền nhập hạ từ Rằm tháng Tư đến Rằm tháng Bảy.

Các ngày lễ văn hoá dân tộc

Ngày Tết Nguyên Ðán kéo dài nhiều ngày đầu tháng Giêng âm lịch đánh dấu năm mới. Ðây là ngày lễ trọng thể mang nhiều sinh hoạt văn hoá dân tộc. Nhiều người đi chùa lễ Phật cầu phước đầu năm vì vậy ngày Nguyên Ðán trở thành một đại lễ hằng năm tại các chùa.

Ngày Cha Mẹ. Cũng gọi là đại lễ Vu Lan Báo Hiếu tổ chức vào Rằm tháng Bảy âm lịch. Ðại lễ mang ý nghĩa ghi nhớ thâm ân sinh dưỡng và cầu phước cho cha mẹ hiện tiền cũng như quá vãng. ảnh hưởng truyền thống Trung Hoa ngày lễ cũng là ngày cầu siêu độ cho người quá vãng nên cũng được gọi là ngày Xá Tội Vong Nhân.

Ngày Thiếu Nhi. Cũng gọi là Tết Trung Thu nhằm Rằm tháng Tám âm lịch. Mặc dù bắt nguồn từ Trung Hoa ban đầu không liên quan đến tuổi trẻ nhưng các sinh hoạt vui chơi như múa lân, rước đèn, ca hát đã biến ngày nầy trở thành ngày của tuổi trẻ.

Các ngày kỷ niệm, tưởng niệm, và các lễ khác

Ngày Quốc Tổ. Cũng gọi là Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm mùng Mười tháng Ba âm lịch đánh dấu triều đại đầu tiên lập nên nước Việt.

Ngày Hiệp kỵ. Là ngày giỗ chung chư vị tôn túc tiền bối dày công xây dựng và phát huy mối đạo tại Việt Nam. Giáo Hội thường chọn Rằm Tháng Chạp để tổ chức lễ nầy.

Ngày Chu Niên. Mang tánh cách địa phương kỷ niệm ngày thành lập ngôi chùa. Ðây là dịp tưởng lệ ghi công những Phật tử hữu công và hun đúc đạo tình trong một ngôi chùa.

Ngày An Cư Kiết Hạ. Có tánh cách nội bộ hàng xuất gia. Nhằm Rằm tháng Sáu âm lịch. Ngày lễ vốn được qui định trong Tạng Luật (Vinayapitaka). Ðức Phật cũng cho phép người cư sĩ tổ chức cúng dường y tắm mưa đến chư Tăng vào dịp lễ nầy. Ðây cũng là thời gian người cư sĩ tu bát quan trai trường trọn ba tháng. Cũng cần ghi nhận rằng Rằm tháng Sáu là ngày đức Phật chuyển Pháp Luân tại Lộc Uyển.

Ngày Thiền Học. Ðể phát huy truyền thống pháp hành. Thường được tổ chức theo điều kiện địa phương với một khoá tu học tiêu biểu. Thời lượng có thể là một hay nhiều ngày.

Lịch trình kiểu mẫu các ngày lễ trong năm theo thứ tự tháng dương lịch

Dương Lịch Ngày Lễ Âm Lịch Ghi chú
Tháng 1 Ngày Hiệp Kỵ Rằm tháng Chạp
Tháng 2 Tết Nguyên Ðán Ðầu tháng Giêng
Tháng 3 Ngày Pháp Bảo Rằm tháng Giêng
Tháng 4 Ngày Quốc Tổ Mùng Mười tháng Ba
Tháng 5 Ngày Phật Bảo Rằm tháng Tư
Tháng 6
Tháng 7 Ngày An Cư Rằm tháng Sáu
Tháng 8 Ngày Cha Mẹ Rằm tháng Bảy
Tháng 9 Ngày Nhi Ðồng Rằm tháng Tám
Tháng 10 Ngày Tăng Bảo Rằm tháng Chín đến Rằm tháng Mười
Ngày Thiền học tùy duyên
Ngày Chu niên tùy duyên

Những điểm cần lưu ý

Ảnh hưởng truyền thống Phật Giáo Trung Hoa, các chùa Việt Nam thường khai kinh cúng dường đại lễ từ ngày mùng Tám cho đến ngày Rằm. Lâu ngày một số lớn Phật tử hiểu lầm rằng chính lễ là ngày mùng Tám. Trên thực tế các đại lễ trong Ðạo Phật đều nhằm ngày Rằm.

Tại các quốc gia Âu Mỹ, người Phật tử tổ chức đại lễ theo "mùa" hơn là đúng ngày ghi trong lịch bởi vì chỉ có thể tổ chức vào cuối tuần và tình trạng thiếu Tăng Ni cũng khiến các ngày tổ chức lễ phải được linh động.

Những ngày lễ nêu trên đã được Hội Ðồng Chưởng Quản Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam thông qua trong phiên họp ngày 11-3-1997 tại Tự Viện Liên Hoa, Irving, Texas, Hoa Kỳ dưới sự chứng minh của Hoà Thượng Tăng Thống và các thành viên trong Hội Ðồng.

Các Ngày Trai Giới

Ngày trai dịch từ phạn ngữ Uposatha có nghĩa là lấy sự qui định hạn cuộc thời gian làm nền tảng tu tập. Có những học giới mà người cư sĩ không thể hành trì trọn đời,tuy nhiên nếu phát nguyện gìn giữ trong một thời gian ấn định chẳng những có thể trong sạch mà còn hoan hỷ tinh tấn nhiều hơn. Yếu tố thời gian đó được qui định bởi đức Phật và cần hiểu rõ khi thực hành trai giới. Thông thường có sự hiểu lầm về chữ "Trai" hay đọc trại là "chay" có nghĩa là ăn-lê-hoát nhưng chữ trai (uposatha) nguyên nghĩa là thời gian tu tập tịnh giới (trai hựu tác thời).

Lịch Ấn Ðộ chia mỗi tháng thành hai tuần: thượng tuần và hạ tuần. Thượng tuần là tuần trăng đầy kể từ mùng một đến ngày Rằm; hạ tuần tính từ trăng tròn đến ba mươi.

Thời Phật trụ thế ngày trai gồm các ngày đầu, giữa và cuối thượng tuần cũng như hạ tuần. Như vậy tổng cộng có 6 ngày: Mùng 1, mùng 8, 15, 16, 23 và 30 (tháng thiếu 29). Về sau các vị tôn túc thêm hai ngày mùng 5 và 20.

Nếu tính như trên thì ngày sóc đúng mùng 1 và ngày vọng đúng 16 (trăng tròn). Nhưng vì vài sự sai biệt (...) nên các ngày sóc vọng và trai giới được qui định như sau: Mùng 5, mùng 8, 14, 15, 20, 23, 29, 30 âm lịch. Tháng thiếu: 28, 29.

[^]

Phụ lục 3 - Xuất xứ, Ý Nghĩa và cách dùng các kinh văn

Hầu hết các kinh văn trong kinh tụng Phật giáo Nguyên Thủy là Phật ngôn trích từ Tam Tạng Kinh Ðiển. Theo tinh thần tụng niệm thì uy lực nhiệm mầu của sự gia trì dựa trên bốn yếu tố:

a) Lời Phật là lời linh diệu. Ðức Phật là bậc đại bi đại đức. Những lời Ngài không phải chỉ đầy đủ nghĩa văn mà còn chân xác, tương ứng với sự vận hành của thiên nhiên. Tôn giả Ananda trùng tụng lời Phật thường với thoại đầu "Evam me sutam (tôi nghe như vầy)." Dầu trong tông phái nào thì Phật ngôn là căn bản của các kinh văn tụng niệm.

b) Chân ngôn là lời huyền nhiệm. Khi một sự thật được nói lên có nhiều sức mạnh cả hai phương diện mật và hiển. Trong kinh văn thường có câu: "Etena saccavaccena hotu me jayama"ngala"m -- Nguyện nhờ chân ngôn nầy phát sanh điều cát tường". Khi tâm thành và ý kinh được hợp nhất thì lời kinh được xem là chân ngôn.

c) Hiệu năng khai thị cũng là uy lực kinh. Ðức Phật dạy quả nhập lưu cao quý hơn đế nghiệp chuyển luân vương. Người tụng đọc kinh văn tâm được tịnh, trí được sáng thì đã nhận được sự lợi lạc to lớn của sự tụng niệm.

d) Ðức tin trong sạch là hạt giống của thiện pháp. Tụng niệm ân đức Tam Bảo là cách tăng trưởng niềm tin nhờ vậy tâm hồn hướng thượng và sự tu học được vững tiến. Có thể nói đây là lợi ích thiết thực mà sự tụng niệm mang lại.

Chính do bốn yếu tố trên, phần phụ lục nầy được thêm vào nhằm giúp quí Phật tử tìm hiểu về xuất xứ, ý nghĩa và duyên sự tụng đọc của các kinh văn.

Kinh Hạnh Phúc

Xuất xứ từ Kinh Tập (Sutta Nipaata) Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikaaya) [PTS Sutta Nipaata P. 46 London 1984). Tựa kinh Phạn ngữ: Mahama"ngala Sutta.

Chữ Hạnh Phúc được dịch thoát từ phạn ngữ ma"ngala có nghĩa là cát tường hay điềm lành. Một vị chư thiên bạch hỏi Phật cái gì là dấu hiệu tốt lành nhất trong cuộc đời. Ðức Phật trả lời bằng mười một bài kệ bao gồm ba mươi tám điều liên hệ mọi lãnh vực tu thân, gia đình, xã hội... Vì đề cập đến cát tường nên bài kinh rất thường được tụng trong các khoá lễ cầu phước. Những lời dạy trong kinh trở thành kim chỉ nam cho đời sống người Phật tử.

Kinh Từ Bi

Xuất xứ từ Kinh Tập (Sutta Nipaata) Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikaaya) [PTS Sutta Nipaata P. 25 London 1984). Tựa kinh Phạn ngữ: Metta Sutta.

Ðây là bài kinh đặc biệt nói về lòng từ. Ba bài kệ đầu dạy về những đức tánh cần thiết cho người muốn phát triển hạnh từ ái; đoạn thứ hai gồm 2 bài kệ nói về đối tượng của từ tâm; phần kế, 2 bài kệ đề cập những bất thiện pháp có hại cho lòng từ; tiếp theo là phương thức tu dưỡng; và bài kệ cuối cùng là quả phúc của từ bi. Bài kinh nầy được đức Phật dạy cho các tỳ kheo trì tụng nhằm mục đích hoá giải những quấy phá của phi nhơn khi các thầy đang tu tập trong rừng. Vì được giảng trong duyên sự như vậy, bài kinh thường được dùng để bảo vệ sự bình an đối với những quấy nhiễu của chúng sanh khuất mặt. Tất nhiên nội dung bài kinh là một cẩm nang cho người tu tập lòng từ.

Kinh Châu báu

Xuất xứ từ Kinh Tập (Sutta Nipaata) Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikaaya) [PTS Sutta Nipaata P. 39 London 1984]. Tựa kinh Phạn ngữ: Ratana Sutta.

Nguyên văn là Kinh Châu Báu nói về những giá trị vượt bực ở đời. Ở đây Phật Pháp Tăng là những bảo vật trân quí nhất. Không phải chỉ có lời tán thán mà là một trình bày khúc chiết đặc tính của Tam Bảo. Qua đó người tu tập tìm thấy dấu ấn quan trọng trong hành trình tâm linh của mình. Mười bài kệ trong số mười lăm đoạn của bài kinh nói đến bản thể ưu việt của ba ngôi báu và liên hệ bất khả ly của Phật Pháp Tăng. Cũng từ những đoạn nầy con đường tu tập và quả vị giải thoát được trình bày một cách hàm xúc. Ðức Phật dạy bài kinh nầy tại Vesalì nơi đang bị ba tai ách bệnh dịch, nạn đói, và phi nhân hoành hành. Tôn giả Ananda học thuộc lòng bài kinh và trì niệm trọn đêm suốt hành trình ba vòng thành Vesalii. Kết quả mọi tai ách đều được giải trừ. Cả tánh lẫn dụng của bài kinh đều đặc thù nên Kinh Châu Báu trở thành quan trọng nhất trong các bài kinh cầu an.

Kinh Chuyển Pháp Luân

Xuất xứ từ bộ Ðại Phẩm ( Mahavagga) thuộc Luật Tạng (Vinaya pitaka) cũng tìm thấy trong Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta Nikaaya) [PTS Kindred Saying V.420-431) Tựa kinh Phạn ngữ: Dhammacakkappavattana Sutta.

Chuyển Pháp Luân nghĩa là chuyển quay bánh xe Chánh Pháp. Gọi như vậy vì đây là bài pháp đầu tiên trong cuộc đời hoằng đạo của đức Phật. Trong bài pháp lịch sử nầy, đức Thích Ca Mâu Ni đã trình bày giáo lý Tứ Diệu Ðế, đồ hình của giáo pháp, để giới thiệu con đường tu tập giác ngộ. Ngài Kiều Trần Như, bậc thánh đệ tử đầu tiên của đức Phật, nhờ nghe kinh Chuyển Pháp Luân mà liễu ngộ. Bài kinh tạo nên một niềm hoan lạc vô biên cho khắp hàng thiên chúng. Ðiều đó tạo nên một giá trị truyền thống trong nghi lễ đạo Phật. Bài kinh được dùng trong các khoá lễ cầu an.

Kinh Vô ngã

Xuất xứ từ bộ Ðại Phẩm (Mahàvagga) thuộc Luật Tạng (Vinaya pitaka I. 13-14) cũng tìm thấy trong Tăng Chi Bộ Kinh Anguttara Nikaaya I. 57. Tựa kinh Phạn ngữ: Anattalakkha.na Sutta

Ðây là bài kinh dạy về lý vô ngã qua phương pháp quán niệm năm uẩn: xác thân, cảm thọ, nhận thức, hành hoạt và các giác quan. Kinh chia làm bốn đoạn chính. Ðoạn I nói về sự trạng vô hộ vô chủ của năm uẩn. Ðoạn II dạy về sự liên hệ tự nhiên của vô thường, khổ não và vô ngã. Ðoạn III xác định bản chất vô ngã của tâm lý, vật lý trong mọi hình thái, không gian, thời gian. Ðoạn IV nói về trình tự giải thoát của hành giả quán niệm vô ngã. Nguyên văn được giảng từng uẩn riêng biệt thích hợp cho sự tu tập quán niệm. Bản dịch gom chung năm uẩn tiện cho sự tụng đọc. Bài kinh được đức Phật thuyết nhằm khai thị năm tỳ kheo Kiều Trần Như đến quả vị hoàn toàn giải thoát nên thường được tụng trong các khoá lễ cầu siêu.

Kinh Ðáo bỉ ngạn

Xuất xứ từ các bản kinh tụng truyền thống của Phật Giáo Nguyên Thủy. Tựa kinh Phạn ngữ: Dasapaaramii.

Ðáo bỉ ngạn hay ba-la-mật là pháp hành của các vị bồ tát trên đường hướng đến giác ngộ. Ðáo bỉ ngạn có nghĩa là pháp đưa đến bờ kia nên còn gọi là Pháp Ðộ. Mười ba la mật là bố thí, trì giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, chí nguyện, từ tâm và hành xả. Có ba bậc tu ba la mật: một là vì đại nguyện tu tập hy sinh tất cả vật ngoại thân; hai là hy sinh tứ chi hoặc một phần thân thể; ba là hy sinh mạng sống. Vì vậy mười pháp đáo bỉ ngạn được tính là ba mươi. Bản dịch khai triển ý nghĩa từng pháp nhằm tác động tín tâm tu tập. Theo truyền thống, bài kinh nầy lợi lạc cho kẻ hiện tiền lẫn người quá vãng nên được dùng chung cho khoá lễ cầu an và cầu siêu.

Kinh Phật lực

Xuất xứ từ các bản kinh tụng truyền thống của Phật Giáo Nguyên Thủy. Tựa kinh Phạn ngữ: Buddhajayama"ngalagaathà.

Kệ tụng đề cập tám trường hợp đức Phật hoán chuyển nghịch cảnh. Những đối tượng cảm hoá gồm trời, người, mãnh thú. Ðức Phật dùng nhiều phương tiện khác nhau từ thần thông, đức độ cho đến tuệ giác. Ðây là những sự kiện tiêu biểu các chướng duyên xảy ra trong quãng đời hoá đạo của đức Thế Tôn. Sự trì tụng bài kinh không những mang lại năng lực nhiệm mầu mà còn là những bài học soi sáng thái độ hành xử trước nghịch cảnh của người tu tập. Kinh nầy được tụng đọc trong các khoá lễ cầu an, cầu tiêu tai.

Kinh Thắng hạnh

Xuất xứ từ các bản kinh tụng truyền thống của Phật Giáo Nguyên Thủy. Tựa kinh Phạn ngữ: Jayaparitta.

Nội dung kinh đề cập ý nghĩa của sự kiết tường. Mở đầu là hình ảnh của đức Phật với sự thành tựu đạo quả vô thượng mang lại những tốt lành cho quyến thuộc và tất cả chúng sanh. Tiếp theo là Phật ngôn về thế nào là ngày tốt, giờ tốt theo đạo lý thánh hiền. Bởi vì đề cập đến pháp kiết tường nên bài kinh nầy thường được đặc biệt dùng để chú nguyện trong các khoá lễ cầu an.

Kinh Lễ Chánh Giác Tông

Xuất xứ từ các bản kinh tụng truyền thống của Phật Giáo Nguyên Thủy. Tựa kinh Phạn ngữ: Sambuddhagaathaa

Là bài kinh lễ bái chư Phật. Bởi vì trong mười phương ba đời có vô số Phật ra đời nên những con số được nêu ra có tánh cách đặc trưng nói lên sự biến mãn của Phật giới. Những con số nầy dựa theo thắng duyên gặp chư vị Thế Tôn của ba bậc đại bồ tát trong suốt quá trình huân tu giác hạnh.

Bậc Trí Hạnh Ðại Bồ Tát được thọ ký bởi hai mươi tám vị Phật; trong thời kỳ phát nguyện bằng lời trải qua mười hai ngàn vị Phật; khi còn mới khởi nguyện trong lòng trải qua năm trăm ngàn vị Phật.

Bậc Tấn Hạnh Ðại Bồ Tát được thọ ký bởi bốn mươi tám vị Phật; trong thời kỳ phát nguyện bằng lời trải qua hai mươi bốn ngàn vị Phật; khi còn mới khởi nguyện trong lòng trải qua một triệu vị Phật.

Bậc Tín Hạnh Ðại Bồ Tát được thọ ký bởi một trăm lẻ chín vị Phật; trong thời kỳ phát nguyện bằng lời trải qua bốn mươi tám ngàn vị Phật; khi còn mới khởi nguyện trong lòng trải qua hai triệu vị Phật.

Có hai ý nghĩa chính của bài kinh: thứ nhất là nói về truyền thống của chư Phật, thứ hai nói về quá trình tu tập khó thể nghĩ bàn của các đấng chánh đẳng chánh giác. Vì hai ý nghĩa nầy bài kinh trở thành quan trọng trong các thời khoá cầu an.

Kinh Bồ Ðề Phần

Xuất xứ từ Abhiddhammasangaha. Tựa kinh Phạn ngữ: Bodhipakkhiyasangaha.

Nội dung kinh nói về ba mươi bảy pháp tu tập nằm trong các thể tài căn bản pháp hành là tứ niệm xứ, tứ thần túc, tứ chánh cần, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi và bát chánh đạo. Ðức Phật dạy rằng những vị đệ tử Phật về sau có thể có những quan niệm dị biệt về giáo pháp nhưng ba mươi bảy pháp bồ đề là pháp tu nền tảng chung của tất cả. Các nhà sớ giải cũng gọi đề tài nầy là bản đồ tu Phật. Bài kinh nầy tụng trong thời khoá nhật hành, đại chúng và cầu an.

Kinh Vô úy

Xuất xứ từ các bản kinh tụng truyền thống của Phật Giáo Nguyên Thủy. Tựa kinh Phạn ngữ Abhayaparittagaathaa .

Niệm tưởng uy đức Tam Bảo để xua tan những âu lo, sợ hãi là nội dung chính của bài kinh. Ở đâu có phước lành nơi đó là chốn hội tụ của các vị thiện thần nhờ vậy tiêu trừ điều bất tường. Cầu nguyện an lành cho tha nhân và xưng tán uy lực của chư Phật toàn giác, độc giác và thánh chúng cũng là cách đem lại sự an lành thanh thản, không sợ sệt. Kinh nầy đặc biệt tụng trong các khoá lễ cầu an tiêu tai.

Kinh Quán Niệm

Xuất xứ từ Dhammapada và Sutta Nipàtà. Tựa kinh dựa theo nội dung quán niệm.

Ðây là một sưu tập ngắn các Phật ngôn về ba pháp ấn: vô thường, khổ, vô ngã. Sự suy niệm về thực tướng của đời sống giúp khai thông những bế tắc do dính mắc, mê lầm tạo nên. Ba đoạn đầu nói lên sự có mặt cùng khắp của vô thường, khổ, vô ngã trong ba cõi; đoạn giữa dạy về sự chết và thái độ sáng suốt của người hiểu đạo; ba bài cuối nói về con đường giải thoát xuyên qua sự liễu ngộ thực trạng cuộc đời. Kinh nầy được tụng trong khoá lễ cầu siêu và nghi thức nhật hành.

Kinh Duyên Sinh

Xuất xứ từ Mahasaccakasutta, Trung Bộ Kinh I. M.I.237-251. Tựa kinh Phạn ngữ: Pa.ticcasamuppaada .

Nội dung là một trình bày cô đọng về mười hai duyên sinh. Ðề tài nầy vừa trình bày tiến trình phức tạp tạo thành sự hiện hữu của người, cõi, nghiệp vừa minh định cái nhìn của giáo lý Phật đà không nằm ở những biên kiến hữu, vô, thường, đoạn. Ðây là một trong những giáo lý thâm sâu nhất của Phật Pháp. Theo truyền thống thì bài kinh nầy có uy lực phá tan kiến chấp và được tụng trong khoá lễ cầu siêu.

Kinh Suy Niệm về Nghiệp

Phật ngôn sưu tập trong Tạng Kinh (Sutta Pitaka)

Gồm những lời Phật dạy chỉ rõ về luật nhân quả và đời sống. Qua bài kinh nầy, giáo lý nghiệp báo không những được minh định trên nhiều phương diện mà còn là đề mục thiết thực để quán chiếu trong lời nói, hành động và tư tưởng hằng ngày. Với nội dung chân xác, kinh nầy có thể dùng trong tất cả khoá lễ nhằm mục đích soi sáng tâm ý, vun bồi phước hạnh.

Kinh Vạn Pháp Tổng Trì

Xuất xứ từ Bộ Pháp Tụ Dhammasangini, Tạng Diệu Pháp.

Ðây là một trình bày hệ thống về bản thể vạn pháp. Mỗi tiêu đề (màtikà) bao gồm trọn "biểu đồ pháp giới". Những chiết trung nầy được dùng để trình bày lý duyên hệ (paccayo) như những thành tố năng duyên và sở duyên. Theo sớ giải thì đây là bài kinh có thắng lực vượt thoát mê đồ vãng sinh lạc cảnh. Chính vì vậy Kinh Vạn Pháp Tổng Trì trở thành chánh kinh cho các khoá lễ cầu siêu bằng Phạn ngữ.

Kinh Chúc Nguyện

Trích từ Kinh Tập (Sutta Nipaata), Kinh Tiểu Bộ (Khuddaka Nikaaya)

Ðây là một bài kinh chú nguyện được dùng nhiều nhất. Mục đích là phát huy công đức và hướng nguyện. Ba hình ảnh được dùng làm biểu tướng cho sự gia trì là biển cả đón nhận nước của muôn sông rạch chảy vào; ánh trăng tròn toả chiếu đêm rằm; và ngọc như ý ma ni khiến mọi ước vọng thành tựu. Y cứ trên công đức đã làm và hướng nguyện theo Phật ngôn chúc phúc sẽ mang lại phước lành đầy đủ. Bài kinh được dùng trong tất cả khoá lễ.

Kinh Hồi Hướng Vong Linh

Trích Bộ Tiểu Tụng (Khuddakapaa.tha), Kinh Tiểu Bộ (Khuddaka Nikaaya), tựa kinh Phạn ngữ: Tiroku.d.dasuttam

Nội dung bài kinh là Phật ngôn được thuyết dạy trong một duyên sự cầu phước cho thân nhân quá vãng. Nhiều người sau khi qua đời sanh làm ngạ quỷ vì bất thiện nghiệp. Những hương linh nầy thường tìm đến nhà thân quyến mong đợi phước lành hồi hướng. Ðức Phật dạy về sự tạo phước hợp đạo và làm thế nào hồi hướng đúng cách. Kinh nầy được tụng trong lễ trai tăng và cầu siêu.

Kinh Ghi Ri Ma Nan Ða

Trích từ Kinh Tăng Chi Bộ (AnguttaraNikaaya), tựa kinh phạn ngữ: Girimaananda.

Bài kinh dạy về mười phép nội quán vô thường, vô ngã, bất tịnh, hệ lụy, đoạn tận, ly dục, tịch tịnh, vô trước, yểm ly và hơi thở có công năng giúp hành giả thành tựu tuệ giác, khắc phục bệnh căn. Ðức Phật truyền dạy mười pháp môn nầy cho tôn giả Ghi Ri Ma Nan Ða khi vị nầy đang bị bệnh nặng. Nhờ nghe kinh tôn giả khỏi bệnh. Do duyên sự như vậy nên kinh nầy đặc biệt trì tụng trong các khoá lễ cầu tiêu tai thân bệnh.

Kinh Tứ Niệm Xứ

Trích từ Kinh Trung Bộ (MajjhimaNikaaya), tựa kinh Phạn ngữ Satipathana Sutta .

Ðây là bài kinh căn bản của thiền quán. Một trình bày toàn diện bốn lãnh vực quán chiếu từ sắc thân, cảm thọ, trạng thái của tâm và sự tương quan các pháp. Bài kinh cũng nêu rõ về phương pháp quán và những thành tựu do sự tu tập nầy mang lại. Trong tất cả pháp hành, tứ niệm xứ được đức Phật dạy là cốt tủy của thiền định. Sự thọ trì kinh nầy trên cả hai phương diện tụng niệm và thực hành được xem là ưu việt nhất trong tất cả pháp tu dưỡng. Bài kinh được tụng trong khoá lễ nhật hành và cầu an.

Kinh Lễ Bái Sáu Phương

Trích đoạn từ kinh Si"ngalovada, Trường Bộ Kinh (DighaNikaaya).

Bài kinh nầy đức Phật dạy cho gia chủ Singàla về nghi lễ trong đạo lý của thánh nhân. Vị gia chủ nầy lễ bái sáu phương theo tập tục. Ðức Phật dạy phép thờ phượng nằm ở sự quí kính và tôn trọng. Sự quí kính chánh đáng nhất là làm tốt bổn phận. Sáu phương đông, nam, tây, bắc, trên, dưới được hiểu như sáu cương vị quan hệ với một người trong cuộc sống. Ðó là quan hệ cha mẹ con cái, vợ chồng, thầy trò, bằng hữu, xuất gia tại gia, chủ tớ. Những tương quan nầy nếu được lưu tâm và làm tốt thì là cốt tủy của lễ nghi. Ðức Phật đã nêu lên một cách chi tiết về những gì đáng làm trong đời sống người cư sĩ. Bài kinh được tụng trong các thời khoá nhật hành và đại chúng.

Kinh Sám Nguyện

Dựa theo tinh thần tu tập truyền thống

Nội dung chính là sám hối mười bất thiện nghiệp từ thân khẩu ý và những khiếm khuyết trong hành xử hằng ngày. Những tâm sám nầy không phải chỉ phản tỉnh những gì thuộc quá khứ mà còn là những soi sáng mọi hành vi trong đời người. Cũng trong nội dung kinh văn sám nguyện có cả một trình bày toàn diện thế nào là tinh thần giới luật của một cư sĩ Phật tử. Bài kinh nầy là bài tụng căn bản cho khoá lễ sám hối cũng có thể tụng trong nghi thức nhật hành.

Kinh Lễ Hồng Danh

Trích trong bản kinh tụng truyền thống của Phật Giáo Nguyên Thủy.

Xưng tán hồng danh của hai mươi tám vị Phật. Ðây là những bậc toàn giác đã thọ ký cho đức Phật tổ Thích Ca Mâu Ni trong giai đoạn sau cùng của quá trình tu tập ba la mật hạnh. Kính lễ các ngài là bày tỏ lòng qui ngưỡng đối với ân lành truyền đăng tục mệnh của chư Phật. Nghi thức lễ bái nầy được trì tụng trong những duyên sự đặc biệt làm tăng trưởng lòng tịnh tín và nghị lực tu tập.

Kệ Niệm Ân Phụ Mẫu và Kệ Sám Hối Phụ Mẫu

Dựa theo tinh thần kinh Sonadanta, Kinh Bổn Sanh (Jataka)

Là kệ tụng xưng tán ân đức cao dày của cha mẹ và lời sám hối về lỗi lầm của con cái. Ðức Phật dạy bất hiếu là trọng tội và hiếu hạnh là thắng hạnh. Sự tâm niệm về thâm ân cha mẹ trong các thời khoá tụng niệm là một cảnh tỉnh tâm linh. Qua đó thể hiện được tinh thần tri ân và báo ân của người tu tập.

Kệ Phật Sử

Y cứ theo Kinh Phật Bản Hạnh (Buddhacarita), Kinh Tiểu Bộ.

Nội dung tóm lược cuộc đời đức Phật tổ Thích Ca Mâu Ni. Ba thời kỳ được nêu rõ là thân thế và đời sống của thái tử Siddhattha, quãng đời trước khi thành đạo và những năm hoá đạo. Ðức Phật không những là hiện thân của những đức lành mà còn là một nhân vật lịch sử với vô vàn cao đẹp. Cuộc sống và lời dạy của Ngài không mảy may khác biệt. Bài kệ nầy được tụng trong các đại lễ và các khoá tu.

Kệ Chiêm bái Xá lợi

Dựa vào Biên Niên Sử của Bộ Tiểu Phẩm, Tạng Luật.

Xá lợi Phật là phần di cốt của đức bổn sư Thích Ca Mâu Ni. Lịch sử Xá lợi gắn liền với lịch sử Ðạo Phật. Xá lợi và cây Bồ Ðề là những linh thể biểu tượng cho đức Phật được chính Ngài cho phép tứ chúng thờ tự. Bài kệ nầy ngoài ý nghĩa tôn kính còn nêu rõ những giai đoạn lịch sử và các sắc dạng xá lợi. Bài kệ được tụng trong những buổi lễ chiêm bái xá lợi Phật.

Kệ Ba Pháp Ấn

Một trình bày các thực tướng vô thường, khổ, vô ngã qua hiện thực đời sống. Với văn thể bình dị, bài kệ hướng dẫn sự quán chiếu đối với mọi biến đổi, phiền lụy của thân tâm. Kệ nầy được tụng trong các khoá tu học.

[^]

Phụ lục 4 - Nghi thức và Thờ phượng

I. Nghi Thức

Nghi thức các khoá lễ luôn luôn có 4 phần:

1. Tác bạch: Gồm cả phần niêm hương cúng Tam Bảo. Phần tác bạch như một lời trình về duyên sự của buổi lễ. Tiếp theo là bài thỉnh chư thiên. Ðây là khởi đầu của tất cả khoá lễ

2. Lễ Tam Bảo: Là phần xưng tán ba ngôi Tam Bảo. Tất cả các thời khoá đều có phần nầy dù đầy đủ hay giản lược.

3. Phần kinh văn: Gồm những Phật ngôn hay kệ tụng phù hợp với tinh thần của khoá lễ đã xướng trong lời tác bạch. Phần nầy có thể linh động. Vị chủ lễ có thể chọn những bài kinh thích hợp với thì giờ, hoàn cảnh và căn cơ của những người tham dự khoá lễ.

4. Phần hoàn kinh: Là phần sau cùng của mỗi khoá lễ với kinh Từ Bi Nguyện, Hồi hướng và Phục nguyện.

Chương I của quyển kinh nầy là các khoá lễ được sắp sẵn với thời lượng và kinh văn cố định thích hợp cho những khoá lễ đông người.

II. Thờ phượng

Sự thờ phượng nói lên lòng kính ngưỡng đối với Tam Bảo. Phần hình thức tuy không tuyệt đối cần thiết nhưng là trợ duyên thù thắng cho sự hành trì Phật Pháp. Dưới đây là vài gợi ý.

Trang nghiêm là điều cần lưu tâm trong sự thờ phượng. Nên thường xuyên lau dọn bàn thờ. Những lễ phẩm cúng dường nên tinh khiết như nhang, đèn, hoa, trái.

Nên thiết lập bàn thờ ở nơi trang trọng. Ðộ cao của bàn thờ chừng ngang vai trở lên là thích hợp.

Chỗ thanh tịnh rất tốt cho sự lễ bái và tập thiền. Sự tỉnh lặng rất cần thiết cho sự tập trung tinh thần.

Không nên xem thường yếu tố thẩm mỹ. Hình thức trang nhã tạo nên sự hoan hỷ của mọi người trong gia đình.

III. Tinh thần của nghi lễ

Có mười hạnh lành mang lại phước báu mà đức Phật gọi là Mười Phước Hạnh (pu~n~nakiriyuuvatthu). Sự tụng niệm của người Phật tử dựa theo tinh thần của mười phước hạnh nầy.

1. Bố thí. Danh từ nầy cần được hiểu rộng theo kinh điển là bất cứ sự hy hiến nào dù là cho, tặng, cúng. Cúng dường hương đăng hoa quả cũng được kể trong hạnh lành nầy.

2. Trì giới. Giới là quyết tâm tránh những nghiệp bất thiện. Ngũ giới, bát quan trai giới là những luật nghi được Phật dạy cho người cư sĩ. Nên tụng giới trong các thời khoá. Nếu có chư Tăng thì xin thọ giới.

3. Thiền định. Có nhiều phương pháp thiền định nhưng nói chung hướng tâm đúng cách, đúng đối tượng là phương pháp chính. Niệm Phật, từ bi quán cũng là một trong những phép tập thiền. Trong tất cả các thời khoá tụng niệm đều có cả hai phần nầy.

4. Cung kính. Là giữ lòng kính quí đối với những giá trị cao thượng. Lòng cung kính nuôi đức khiêm cung, giảm lòng kiêu căng ngã chấp. Trong hình thức lễ bái lòng cung kính là điều tối cần.

5. Phục vụ. Là lòng vị tha vì lợi ích cho người khác. Ðối với người tu tập, tinh thần phục vụ là cách hữu hiệu giảm thiểu thái độ vị kỷ, tự cô lập. Trong các khoá lễ tụng niệm đều có ý nghĩa lợi tha qua các bài tác bạch cầu an, cầu siêu và kỳ nguyện.

6. Thuyết pháp. Là sự chuyển đạt những lời dạy có khả năng khai thị tri kiến. Hầu hết các kinh văn là Phật ngôn. Tụng kinh là thuyết pháp cho mình và cho bất cứ ai có duyên lành lắng nghe.

7. Thính Pháp. Là nghe, học lời Phật dạy. Nghe pháp là tạo cơ hội cho tâm trí được suy tư trong điều kiện khách quan. Tụng kinh có nghĩa là vừa thuyết pháp vừa thính pháp.

8. Hồi hướng phước. Là nguyện lành hồi hướng công đức đến tha nhân. Hồi hướng phước không phải chỉ tăng phần công đức mà còn thể hiện được tình cảm, bổn phận với người thân. Trong tất cả các buổi tụng niệm đều kết thúc bằng lời hồi hướng phước báu.

9. Tùy hỷ phước. Là cùng vui với phước hạnh của người khác. Niềm vui nầy biểu lộ lòng rộng rãi không ganh tỵ và cũng là thái độ quý trọng thiện pháp. Lời tùy hỷ "Saadhu lành thay" được dùng rất phổ biến tại các quốc gia Phật giáo.

10. Huân tu chánh trí. Là làm thế nào cái nhìn được sáng suốt và chân chánh. Người tu tập nếu sống với tà kiến là làm hỏng tất cả công phu. Tụng kinh có cả hai tác dụng định tâm và khai thị.

Người có tín tâm chuyên trì tụng niệm lấy mười phước hạnh kể trên làm tinh thần nghi lễ thì không bao giờ sợ lầm lạc và càng hoan hỷ hơn với sự tu học của mình.


Mục lục | I-A | I-B | II-A | II-B | II-C | II-D | III-A | III-B | IV-A | IV-B | V | VI

 


Cập nhật: 28-5-2001

Trở về thư mục "Nghi thức và Nghi lễ Phật giáo"

Đầu trang