Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .

Khai mạc Đại lễ tưởng niệm Trần Nhân Tông

Nhóm phóng viên

Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày mất của Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông hôm nay chính thức khởi động bằng các hoạt động: dâng hương, khai mạc triển lãm thư pháp, diễu hành xe hoa, trai đàn cầu siêu…, tại Quảng Ninh.

5h hôm nay (25/11), hàng chục chiếc ô tô lớn đưa hàng nghìn tín đồ, Phật tử hối hả chạy về hướng Yên Tử, mảnh đất khai sinh thiền phái Trúc Lâm, một giáo phái thấm đẫm bản sắc Việt. Khách hành hương đi sớm để được tận hưởng không khí se lạnh buổi sớm đầu đông và đắm mình trong không khí trầm mặc nơi núi rừng Đông Bắc, sự linh thiêng của cả một vùng thánh địa.

Bà Trần Thị Tuyết (ở thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh) cho biết, để đến dâng hương tại Yên Tử, bà khởi hành từ 3h cùng với khoảng 50 Phật tử khác trong nhóm “Chích choè” của mình. Theo bà Tuyết, sở dĩ tên nhóm của bà nghe “ngồ ngộ” như vậy là do ban đầu nhóm chỉ có vài người nhưng già, trẻ đủ cả. Tất cả đều chung một điểm là hướng về tâm Phật. Với phương châm giữ và làm điều thiện ngay từ trong tâm, nhóm “Chích choè” ngày càng thu hút được nhiều người tham gia và hiện số thành viên lên tới trên 300 người. Điều bà không thể ngờ là từ cái tên nhóm được đặt hết sức ngẫu nhiên theo lý giải của một bậc cao tăng lại có ý nghĩa “ánh hào quang của Phật”.

 

Đoàn xe tham gia lễ diễu hành trong dịp đại lễ.

Hành hương về Yên Tử trong dịp đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày mất của Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông, bà Tuyết và những người trong nhóm mang theo tấm lòng thành kính và cái tâm “uống nước nhớ nguồn”. Theo bà, đức vua Trần Nhân Tông ngày xưa từ bỏ mọi giàu sang, phú quý để đi vào cõi từ bi, cứu giúp chúng sinh, phấn đấu vì một thế giới hòa bình, là một tấm gương để muôn đời noi theo. Là người thấm nhuần tư tưởng cốt yếu của Thiền phái Trúc Lâm, bà thường dạy con cháu rằng: “Phật tức tâm, ai có tâm đều có Phật và sẽ dẹp bỏ được mọi ý định làm điều ác”.

Thực hiện triết lý đem đạo vào đời, bà và các thành viên trong nhóm còn tích cực vận động quyên góp ủng hộ đồng bào ở những nơi gặp thiên tai, dịch bệnh trên cả nước, cũng như giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở địa phương.

Tiếp đó, 7h, tại chùa Trình, trụ sở của Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh tấp nập người xe ra vào. Trong khuôn viên chùa, từng nhóm tăng ni, phật tử và những người thợ thủ công đang miệt mài hoàn thiện những chi tiết cuối cùng cho xe hoa tham gia lễ diễu hành vào buổi chiều cùng ngày.

Mỗi chiếc xe trang trí theo một phong cách khác nhau nhưng khi hội tụ, chúng lại mang ý nghĩa là những điểm nhấn về cuộc đời cũng như di sản Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông để lại cho hậu thế. Có chiếc xe tái hiện lại cảnh Vua Đời Trần Nhân Tông rũ bỏ ngôi báu để bước vào cửa Phật, việc làm liên quan đến quốc gia đại sự nhưng được thực hiện một cách nhẹ tựa lông hồng: “Áo mão kim đai theo dòng nước/ Chuông từ mõ trúc vọng chân không”.

Ở một chiếc xe hoa khác mang những dòng chữ ca ngợi tư tưởng Thiền tông nhập thế của đức Điều ngự giác hoàng với phương pháp tu hành giản dị, không câu nệ vào hình thức: “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên/ Đói đến thì ăn, mệt nghỉ liền/ Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/ Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”. Khẳng định tinh thần Thiền phái Trúc Lâm mãi mãi trường tồn, ở một chiếc xe khác trang trí đôi câu đối rực rỡ: “Non thiêng Yên Tử truyền Nam Bắc/ Thiền phái Trúc Lâm tọa đất trời…”.

 

Các Tăng ni, Phật tử làm lễ dâng hương.

8h30, đại lễ tưởng niệm chính thức bắt đầu với hoạt động dâng hương tại đền An Sinh, nơi thờ 8 vị vua Trần và đền Quỳnh Lâm, ĐH Phật giáo đầu tiên của Việt Nam (đều ở Đông Triều, Quảng Ninh). Trưởng ban tổ chức đại lễ Hòa thượng Thích Thanh Tứ dẫn đầu hàng trăm tăng ni, Phật tử làm lễ dâng hương tại các địa điểm trên.

Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, bà Trần Thị Bảnh (70 tuổi), đại diện cho dòng họ Trần ở xã Tân Việt (Đông Triều) không giấu được tự hào là con cháu của các vua, những người đã tạo dựng nên một triều đại với nhiều thành tựu rực rỡ trong lịch sử phong kiến Việt Nam. “Tôi dặn dò con cháu mình rằng, dù có làm ăn nơi đâu cũng không được quên nguồn cội, ngày giỗ Tổ hàng năm đều phải về An Sinh dâng hương để tỏ lòng biết ơn các bậc tổ tông”, bà Bảnh nói.

“Trang nghiêm nhưng ấm cúng”, đó là cảm nhận của chị Nguyễn Thị Thanh Nhung (ở quận 8, TP HCM). Lần đầu được đặt chân lên vùng đất thiêng của Thiền phái Trúc Lâm, chị không giấu nổi niềm vui và sự xúc động. Mặc dù không biết gì nhiều về Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông nhưng để tỏ lòng kính trọng một con người theo nhận thức của chị là “tu hành đắc đạo, được thế giới biết đến”, chị đã cố gắng thu xếp công việc kinh doanh với bộn bề lo lắng để cùng cả gia đình hành hương ra Bắc thắp nén tâm nhang.

Chiều cùng ngày, tăng ni, phật tử tham dự dâng hương tại đền Cửa Ông (thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh), tại tháp Tổ ở chùa Hoa Yên và am Ngọa Vân. Sau đó, một trai đàn cầu siêu liệt sĩ vong trận thời Trần và chư vị anh linh có công dựng nước và giữ nước được tổ chức tại đền Trần Bạch Đằng (Yên Hưng, Quảng Ninh). 


Đất Việt ghi lại một số hình ảnh về các hoạt động chuẩn bị đại lễ:

 

Nhiều  đoàn xe đưa tăng ni, phật tử hành hương về Yên Tử.

Trang hoàng đại lễ...

Sửa sang trang phục trước giờ hành lễ.

Phật tử kính cẩn dâng hương

 

Ông Nguyễn Văn Lương, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Đông Triều bày tỏ: “Đón tiếp các Tăng ni, Phật tử khắp cả nước về dự Đại lễ, lãnh đạo địa phương thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn, tôn tạo các di sản Thiền phái Trúc Lâm”. Cũng theo ông Lương, tới đây, địa phương sẽ tập trung vào việc trùng tu, tôn tạo chùa Quỳnh Lâm và Ngoạ Vân, nơi vua Trần Nhân Tông viên tịch. Theo ông Lương, hiện nhóm tôn tạo đang thực hiện khảo cổ giai đoạn 3 tại chùa Quỳnh Lâm. Sau đó sẽ đưa ra phương án trùng tu, tôn tạo. Và mọi người sẽ có dịp biết đến , cũng như chiêm ngưỡng vẻ đẹp của kiến trúc thời Lý - Trần qua việc tôn tạo này.

 

 

Nguồn: http://www.baodatviet.vn

 

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/tintuc/khaimacdaile.htm

 

 


Cập nhật: 05-12-2008

Trở về thư mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang