-oOo-
Bốn Nhóm, Ba Móc Nối Và Hai Mươi Yếu Tố
Giáo lý duyên khởi chia thành bốn nhóm, gồm những yếu tố
trong chuỗi nhân quả. Nhóm thứ nhất gồm những nhân trong quá khứ, nhóm
thứ hai gồm những quả trong hiện tại, nhóm thứ ba gồm những nhân trong
hiện tại và nhóm thứ tư gồm những quả trong kiếp sống tương lai.
Có ba móc nối cho bốn nhóm trên - Móc nối giữa quá khứ
và hiện tại có hành là nhân và thức là quả, móc nối giữa quả hiện
tại và nhân hiện tại có thọ và ái là nhân và quả, và móc nối giữa
nhân hiện tại và quả vị lai có hữu là nhân và sanh là quả.
Như vậy, có hai mươi yếu tố liên quan đến quá trình
danh sắc, đó là năm nhân quá khứ, năm quả hiện tại, năm nhân hiện tại
và năm quả vị lai.
Ba Luân Hồi
Lại nữa, giáo lý duyên khởi bàn về ba luân hồi: Phiền
não luân hồi, nghiệp luân hồi và quả luân hồi.
Luân hồi thứ nhất gồm có vô minh, ái và thủ. Luân hồi
thứ hai gồm nghiệp hành và nghiệp hữu. Luân hồi thứ ba gồm thức, danh
sắc, lục nhập, xúc và thọ.
Quả luân hồi dẫn đến phiền não luân hồi, phiền não
luân hồi làm sanh khởi nghiệp luân hồi và nghiệp luân hồi lại dẫn đến
quả luân hồi. Ba luân hồi này cứ xoay vần mãi trong cái vòng đau khổ.
Luân hồi có nghĩa là dòng trôi chảy liên tục của quá trình danh sắc, vận
hành trong mối quan hệ nhân quả.
Muốn thoát khỏi cái vòng đau khổ này, chúng ta phải làm
những việc thiện. Chúng ta phải nắm vững về Tứ diệu đế. Chúng ta phải
thực hành thiền quán trong lúc thấy, nghe v.v... Chúng ta phải giác tri tánh
chất sanh và diệt không ngừng của danh sắc. Tuệ minh sát này sẽ ngăn chặn
vô minh và giúp chúng ta thoát khỏi ái dục và thủ, là những pháp đưa đến
tái sanh và đau khổ.
Bộ Thanh tịnh đạo mô tả sự đóng góp của nghiệp vào
cái vòng phiền não luân hồi. Một vị hành giả nọ trông thấy cách mà
dòng danh sắc phát sanh từ nghiệp luân hồi và quả luân hồi. Vị ấy
giác ngộ rằng chỉ có nghiệp và quả của nghiệp. Do kết quả của nghiệp
trong quá khứ, có sanh khởi danh sắc trong kiếp hiện tại, danh sắc là
nhân của nghiệp hiện tại, nó sanh khởi những hành động tạo nghiệp
trong kiếp sống hiện tại. những hành động tạo nghiệp này dẫn đến tái
sanh. Bằng cách này, có sự sanh khởi (trở thành) của danh sắc không hề
chấm dứt.
Ở đây, sự sanh khởi hay trở thành của danh sắc có nghĩa
là sự sanh khởi các pháp từ các căn, tức là sự thấy, nghe v.v... Những
pháp này dẫn đến phiền não, nghiệp và tái sanh, nối tiếp nhau. Như vậy,
quá trình danh sắc được tạo bởi nghiệp luân hồi và quả của nó. theo
bộ Thanh tịnh đạo, tuệ quán này có nghĩa là Duyên xác định trí
(Paccayapariggahanàna) và Ðộ nghi thanh tịnh (Kankhàvitarana visuddhi).
Bốn Phương Diện Của Giáo Lý Duyên Khởi
Có bốn phương diện của giáo lý duyên khởi mà chúng ta cần
phải ghi nhớ. Phương diện thứ nhất là nhân vật (idividual character) của
quá trình danh sắc mà bao gồm ba kiếp sống liên tục. Mặc dầu giáo lý
này nhấn mạnh tánh chất tùy thuộc của tất cả các pháp, tuy nhiên thật
sai lầm khi tin rằng vô minh, ái và những nhân khác liên quan đến một
người, trong khi thức, danh sắc và những quả khác lại liên quan đến một
người khác, và trong khi thức, danh sắc và những quả khác lại liên quan
đến một người khác nữa, vì niềm tin như vậy ám chỉ sự đoạn diệt
hoàn toàn của một chúng sanh sau khi chết, đoạn kiến ấy đã bị Ðức
Phật bác bỏ. Trên thực tế, quá trình danh sắc có phần giống với sự
phát triển của cây xoài. Hạt xoài lên mầm, mầm trở thành cây con và
cây con phát triển thành cây xoài to. Ở đây, hạt xoài, cây xoài và cây
to hình thành một quá trình liên tục, không gián đoạn trong mối quan hệ
nhân quả đến nỗi, thực sự mà nói, không thể phân biệt giữa cây con
và cây lớn.
Cũng vậy, vô minh, hành, thức v.v... xảy ra trong một sự nối
tiếp không gián đoạn về nhân và quả, và vì thế thật hợp lý để nói
về một người đặc biệt có liên quan đến quá trình ấy. Ví dụ: Chính
Devadatta phạm tội chia rẽ tăng và chính Devadatta đang chịu khổ
trong địa ngục. Trưởng giả Cấp cô độc đã làm nhiều việc phước và
chính ông ta sanh vào cõi chư thiên sau khi chết.
Quan Niệm Sai Lầm Của Sàti
Sự đồng nhất người tạo nghiệp với người lãnh quả
của nó giúp chúng ta tránh được đoạn kiến. Nói cách khác, có một số
người tin vào sự chuyển sanh của một người đi từ kiếp sống này đến
kiếp sống khác. Quan niệm sai lầm này được gọi là thường kiến. Vào
thời Ðức Phật, có một vị Tỳ khưu tên là Sàti, đã nghĩ như vậy.
Chính những câu chuyện bổn sanh đã đưa vị Tỳ khưu Sàti
đến tà kiến này. Vị ấy nghe Ðức Phật kể về những câu chuyện bổn
sanh mà trong đó Ngài đồng nhất chính Ngài với nhân vật lãnh đạo trong
câu chuyện. Bởi vậy, vị ấy suy luận rằng: Thân của Bồ tát tan rã sau
khi chết và không có gì nơi cái thân ấy tiếp tục chuyển sanh đến kiếp
cuối cùng của Ngài, chỉ có thức vẫn còn sau sự tan rã của thân và thức
ấy là bất diệt trong con người của Bồ tát qua mỗi kiếp sống của
Ngài, những chúng sanh khác cũng như vậy, không giống như thân, tâm thức
không bị tan rã, nó tiếp tục đi từ thân này đến thân khác và tồn tại
mãi mãi.
Nhưng các câu chuyện bổn sanh chỉ nhấn mạnh sự nối tiếp
của mối quan hệ nhân quả đối với người tạo nghiệp và người lãnh
quả của nó. Chúng không ám chỉ đến thức hay bất cứ thuộc tính nào
còn nguyên vẹn đi từ kiếp sống này sang kiếp sống khác. Mọi thứ đều
diệt mất và do bởi sự liên quan nhân quả, nên chúng ta mới cho rằng vị
anh hùng trong câu chuyện bổn sanh cuối cùng trở thành thái tử Siddhattha.
Bởi vậy, sau khi cật vấn Sàti, Ðức Phật nói rằng thức có duyên sanh,
nó không thể khởi sanh mà không có nhân liên quan đến nó.
Ðức Phật nêu ra ví dụ về ngọn lửa mà được gọi tên
theo nguồn gốc của nó. Ngọn lửa bắt nguồn từ củi thì được gọi là
lửa củi, lửa từ rơm thì được gọi là lửa rơm, v.v... Dường thế ấy,
thức cũng có nhân duyên của nó và nó lấy tên theo cái làm duyên sanh cho
nó. Như vậy, thức khởi sanh từ con mắt và cảnh sắc thì được gọi là
nhãn thức, thức khởi sanh từ tai và âm thanh thì được gọi là nhĩ thức
v.v... Thức được định rõ tùy theo cảnh và căn làm cho nó sanh khởi. Khi
nguyên liệu của lửa thay đổi thì tên gọi của nó cũng thay đổi. Lửa
rơm trở thành lửa bụi cây khi ngọn lửa rơm cháy lan đến bụi cây. Cũng
thế, thức cũng thay đổi tên gọi của nó theo căn và cảnh mà nó tùy thuộc.
Trường hợp cùng căn và cùng cảnh cũng vậy, chính thức mới xảy ra
trong mỗi chập tư tưởng của quá trình tâm. Như vậy, giác ngộ sự thật
về quá trình tâm tức là thoát khỏi đoạn kiến và thường kiến.
Ðặc Tánh Riêng Của Mỗi Pháp
Một phương diện khác của giáo pháp duyên khởi là sự
khác biệt giữa các pháp khác nhau trong chuỗi nhân quả. Như vậy, vô minh
là một pháp riêng biệt, làm duyên cho hành sanh khởi. Hành là một pháp
khác nữa, dẫn đến tái sanh v.v... Phân biệt sự khác nhau của những
pháp này tức là hiểu mối nhân quả của chúng và sự hiểu biết này
giúp ta thoát khỏi thường kiến. Nó giúp chúng ta diệt trừ ảo tưởng về
cái ngã thường tồn, không thay đổi, vẫn tồn tại sau cái chết, và tiếp
tục đi sang một kiếp sống khác.
Thực ra, thường kiến hay đoạn kiến xuất phát từ sự
kiện rằng người ta có khuynh hướng cường điệu hóa sự liên quan giữa
các trạng thái tâm trong hai kiếp kế nhau hoặc sự khác biệt giữa chúng.
Nếu chúng ta lầm lạc đồng nhất chính chúng ta với danh sắc trong kiếp
hiện tại và danh sắc trong kiếp quá khứ thì chúng ta sẽ nghiêng về niềm
tin vào tánh bất tử. Nếu chúng ta cường điệu hóa sự phân đôi hai
dòng danh sắc, thì chúng ta có thể rơi vào cái bẫy đoạn kiến. Thái độ
đúng đắn là công nhận dòng danh sắc không bị tách lìa, chảy từ kiếp
sống này sang kiếp sống khác trong mối quan hệ nhân quả. Quan niệm này
cho chúng ta ấn tượng về đặc tánh nhân vật của danh sắc và như vậy
nó làm sáng tỏ sự tiến triển của nghiệp. Tuy nhiên, nó không ám chỉ sự
chuyển sanh của danh sắc cũ hay cái ngã, nó thừa nhận sự diệt của danh
sắc mới trong kiếp sống hiện tại, dựa vào nghiệp quá khứ. Quan điểm
này rất quan trọng trong pháp hành minh sát. Ðối với vị hành giả quán
niệm danh sắc vào mỗi lúc sanh khởi của chúng, thì hai phương diện của
giáo lý trở nên rõ ràng. Vị ấy biết rõ dòng nhân quả bao gồm vô minh,
ái, thủ, v.v... Vị ấy biết rõ tánh chất liên tục và dòng trôi chảy
không bị gián đoạn của quá trình danh sắc, và do đó vị ấy hoàn toàn
phủ nhận đoạn kiến.
Hơn nữa, nhờ biết rõ pháp mới sanh khởi bất cứ khi
nào vị ấy quán, vị ấy phân biệt được cảnh và tâm thức của vị
ấy. Sự quán niệm như vậy làm cho người ta biết rõ thọ, ái, thủ,
hành, thức v.v... như là những chặn riêng biệt trong quá trình tâm, và nhờ
biết rõ sự sanh khởi của pháp mới, vị ấy thoát khỏi thường kiến.
Không Có Sự Cố Gắng
Một phương diện khác của giáo lý duyên khởi là sự vắng
mặt cố gắng. Vô minh tạo ra hành mà không có sự cố gắng và không có
sự cố gắng nào để khiến hành tạo ra sự tái sanh.
Kiến thức về sự thực này có nghĩa là tuệ quán về sự
không hiện hữu của bất cứ tác nhân hay chúng sanh nào (kàraka - puggalà)
làm công việc nghe, thấy v.v... và nhờ vậy nó giúp chúng ta thoát khỏi
ngã kiến. Nhưng theo bộ Thanh tịnh đạo, nó dễ bị hiểu lầm và khiến
người ta trở thành kẻ hoài nghi, chỉ chấp nhận thuyết an bài và phủ
nhận sự giải thoát.
Tánh chất không cố ý của pháp thuộc danh sắc trở nên
rõ ràng đối với vị hành giả quán niệm tánh chất sanh diệt không ngừng
của chúng, vì vị ấy thấy rõ là do vì danh sắc có duyên sanh nên thân
và tâm của vị ấy không phải luôn luôn hành động theo ý muốn của vị
ấy.
Sự Liên Quan Giữa Nhân Và Quả
Phương diện cuối cùng của giáo lý duyên khởi là sự tương
ứng cái này với cái kia, giữa nhân và quả (Evam dhammatà: Như thị pháp
tánh lý). Mỗi nhân chỉ dẫn đến quả có liên quan. Nó không liên quan gì
đến quả không tương ứng. Nói cách khác, mỗi nhân là điều kiện đủ
và cần thiết cho quả tương ứng. Sự thật này phá tan niềm tin vào sự
ngẫu nhiên hay sự bất lực về mặt đạo đức (akiriyaditthi: Bất tác
nghiệp kiến), nhưng theo bộ Thanh tịnh đạo thì đối với những người
hiểu sai nó, nó tạo ra cơ sở cho quyết định thuyết (niyàtaditthi-thuyết
an bài). Ðối với vị hành giả tu tập thiền quán, vị ấy thấy rõ sự
liên quan của mỗi quả với nhân của nó, và nhờ vậy, vị ấy không nghi
ngờ về tánh chất tương quan giữa cái này với cái kia và tánh chất hiện
thực của sự giải thoát.
Những điểm đáng nghi nhớ về giáo lý duyên khởi, tôi đã
giải thích khá chi tiết rồi. Những điều này sẽ rõ ràng đối với vị
hành giả suy xét chúng qua kinh nghiệm của họ, nhưng vì giáo lý thâm sâu,
họ sẽ không thể hiểu được một số vấn đề vượt ngoài tầm hiểu
biết của họ. Dĩ nhiên, chỉ có Ðức Phật Toàn giác mới biết thông suốt
tất cả các pháp. Hành giả nên cố gắng hiểu nó càng đầy đủ càng tốt,
theo khả năng hiểu biết của mình. Muốn vậy, hành giả nên học hỏi từ
các vị Tỳ khưu rành mạch giáo pháp, rồi nghiền ngẫm suy xét những điều
mà mình đã nghe, đã học và làm phong phú sự hiểu biết của mình qua sự
thực hành minh sát.
Trong ba phương pháp nghiên cứu, phương pháp thứ ba
(bhàvanàmaya-Tu tập pháp) là quan trọng nhất, vì nhờ tuệ quán qua phương
pháp này, hành giả mới chứng được thánh đạo và thoát khỏi bốn khổ
cảnh.
Bây giờ, chúng tôi sẽ kết luận bài pháp về giáo lý
duyên khởi bằng một bài giải thích về hồng danh Araham, là ân đức đứng
đầu của Ð?c Phật.
Pháp duyên khởi gồm có mười hai mắc xích, bắt đầu từ
vô minh và kết thúc bằng tử. Trong giáo pháp này, vô minh và ái là hai
nguyên nhân nòng cốt. Lại nữa, giáo lý duyên khởi gồm có hai vòng luân
hồi. Vòng trước bắt đầu bằng vô minh và kết thúc bằng thọ, trong khi
đó vòng sau bắt đầu bằng ái và kết thúc bằng lão tử. Bởi vì buồn
lo (ưu lự), đau xót (bi thương) v.v... không xảy ra trong cõi phạm thiên,
nên chúng không cần thiết là xuất phát từ sự sanh (jàti), và vì vậy,
không được kể vào các mắc xích trong pháp duyên khởi.
Hơn nữa, vòng luân hồi trước chỉ có vô minh và hành, nhưng
vô minh ám chỉ ái, thủ và hành ám chỉ nghiệp hữu. Bởi vậy, tất cả
năm mắc xích này hình thành những nhân quá khứ, trong khi thức, danh sắc,
lục nhập, xúc và thọ hình thành các quả hiện tại. Những mắc xích thức
v.v... là những quả của nghiệp thiện hoặc bất thiện, xảy ra vào lúc
thấy v.v... Vòng luân hồi sau liên quan trực tiếp đến ái, thủ và nghiệp
hữu, nhưng ba nhân này bao hàm vô minh và hành, và vì vậy, cũng như trong
quá khứ, vô minh, ái, thủ, hành và nghiệp hữu hình thành những nhân hiện
tại để dẫn đến sự tái sanh, lão và tử trong tương lai. Những quả này
cũng giống như những quả gồm thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ.
Như vậy, giống như các quả hiện tại, quả tương lai cũng có năm.
Như vậy, có cả thảy bốn nhóm, gồm năm nhân quá khứ, năm
quả hiện tại, năm nhân hiện tại và năm quả vị lai. Những nhóm này tượng
trưng cho ba mối quan hệ giữa các nhân quá khứ và các quả hiện tại, giữa
các quả hiện tại và nhân hiện tại và giữa các nhân hiện tại với
các quả tương lai, và tánh chất tùy thuộc của các pháp rõ ràng trong những
nhóm này hay trong hai mươi mắc xích nhân quả mà được gọi tên là Akàra
(khía cạnh). Những mắc xích này có thể được phân nhóm trong ba luân hồi,
đó là phiền não luân hồi, nghiệp luân hồi và quả luân hồi.
Những kẻ đã làm các việc thiện được tái sanh vào cõi
người, cõi chư thiên hoặc phạm thiên, trong khi những kẻ gieo tạo nhiều
ác nghiệp phải bị đọa vào các khổ cảnh. Những chúng sanh bị trôi lăn
trong vòng luân hồi biết làm việc thiện chỉ khi nào họ có được thầy
tốt. Thầy tốt thì khó gặp và vì vậy đa số mọi người đều có
khuynh hướng làm ác và phải chịu khổ do bởi quả của những ác nghiệp
ấy. Một khi được an trú trong thánh đạo, người ta không còn bị rơi vào
địa ngục, nhưng vì bánh xe của nghiệp luân hồi vẫn còn quay nên ngay cả
chư Phật và chư vị A-la-hán vẫn không sao tránh khỏi sự báo ứng của
nghiệp trong kiếp chót của các Ngài.
Ðoạn Diệt Phiền Não Luân Hồi
Nếu chúng ta muốn đoạn diệt ba vòng luân hồi này, chúng
ta phải đoạn trừ nhân của chúng, là phiền não luân hồi. Phiền não
phát khởi từ sự thấy, nghe v.v... và như vậy chúng ta phải thực hành
pháp quán niệm để ngăn chặn sự sanh khởi của chúng khi chúng ta thấy,
nghe v.v... Pháp chú tâm và chánh niệm giúp hành giả thấy rõ tánh chất
vô thường và vô ngã của tất cả pháp. Ðiều này có nghĩa là vị ấy
không còn bị vô minh che mờ và sẽ được thoát khỏi phiền não, nghiệp
và quả luân hồi.
Bây giờ, để tổng kết con đường dẫn đến sự đoạn
diệt hoàn toàn ba luân hồi: Phiền não, nghiệp và quả, chúng tôi xin giải
về những ân đức của Ð?c Phật.
A-la-hán Và Những Ðức Tánh Cao Quí Của Ðức Phật
Hồng danh đặc biệt của Ð?c Phật là Araham (A-la-hán) và
từ này chỉ rõ những đức tánh sau đây của Ð?c Phật.
1. Ðức Phật đã thoát khỏi tất cả các phiền não. Những
vị A-la-hán cũng vậy, nhưng các Ngài không thoát khỏi những thói quen mà
vẫn tiếp tục đi theo các Ngài ngay sau khi các Ngài chứng đạt giải thoát.
Ðiều này được thấy rõ trong câu chuyện về trưởng lão Pilindavaccha. Trưởng
lão Pilinda là một vị A-la-hán, là người được chư thiên ái kính và Ðức
Phật khen ngợi. Tuy nhiên vị ấy có thói quen gọi các Tỳ khưu và những
thiện tín khác bằng cách xưng hô thiếu lịch sự. Một số Tỳ khưu than
phiền với Ðức Phật về cách gọi khiếm nhã của trưởng lão. Ðức Phật
giải thích rằng sở dĩ trưởng lão có thói quen thiếu lịch sự như vậy
vì trong nhiều kiếp, vị ấy đã sanh vào các gia đình thuộc giai cấp
Bà-la-môn, nhưng đã là một vị A-la-hán rồi, trưởng lão có tâm hoàn
toàn trong sạch và thánh thiện.
Nói về Ðức Phật, từ khi chứng đắc vô thượng bồ đề,
Ngài đã thoát khỏi tất cả mọi thói quen tập nhiễm lưu lại từ những
kiếp quá khứ. Ðiểm khác biệt này về tính chất trọn lành của Ðức
Phật đáng để chúng ta khắc ghi mỗi khi tụng niệm về ân đức của Phật.
2. Ðức Phật có danh hiệu Araham, bởi vì Ngài đã đoạn tận
tất cả phiền não. Người ta chỉ sợ kẻ thù bên ngoài như đạo tặc, cọp,
rắn v.v... Họ không quan tâm đến kẻ thù bên trong, là những phiền não
khủng khiếp hơn nhiều. Trên thực tế, họ phải chịu như vậy, vì khối
danh sắc và phiền não trong họ vẫn tiếp tục lưu chuyển. Nguyên nhân căn
bản là phiền não, chúng làm sanh khởi sự tái sanh và đau khổ triền miên.
Phiền não kể ra có mười: Tham, sân, si, ngã mạn, tà kiến, hoài nghi, tâm
uể oải, phóng dật, vô tàm và vô quý.
3. Do ân đức về giới hạnh tối thắng, trí tuệ và sự
giác ngộ của Ðức Phật, Ngài xứng đáng được tôn kính và cúng dường.
Chúng sanh nào tôn kính và cúng dường đến Ðức Phật sẽ được thành tựu
ước nguyện của mình.
4. Bởi vì Ðức Phật đã đoạn diệt hoàn toàn tất cả
phiền não, nên tâm Ngài hoàn toàn trong sạch dầu ở trước đám đông hay
trong chỗ vắng vẻ. Có nhiều người làm ra vẻ đạo đức giả. Trước mặt
mọi người thì làm như ta đây là trong sạch thánh thiện, nhưng ở chỗ
không ai nghe hoặc thấy thì làm điều ác. Trên thực tế, không có chỗ
nào kín đáo để người ta làm ác cả. Cho dù chư thiên và loài người không
nhìn thấy người làm ác, nhưng chính lương tâm của người ấy trông thấy,
đó là sự ray rứt, giằn vặt.
Còn về Ðức Phật, vì đã chinh phục hoàn toàn tất cả
phiền não, nên tâm của Ngài luôn luôn trong sạch và Ngài hoàn toàn không
có ý muốn hay ý định làm điều ác hoặc trước mọi người hoặc ở chỗ
vắng vẻ.
5. Ðức Phật đã phá tan những cái căm của bánh xe luân hồi
bằng chiếc gươm của đạo quả A-la-hán. Trục bánh xe ở đây tượng
trưng cho vô minh, là nguyên nhân nòng cốt, cái vành của bánh xe tượng
trưng cho lão và tử, trong khi những chiếc căm tượng trưng cho những mắc
xích còn lại của pháp duyên khởi, tức là hành, thức... sanh. Cũng như sự
bẻ gẫy những chiếc căm, làm cho bánh xe không lăn được, sự đoạn diệt
những mắc xích của pháp duyên khởi làm dừng lại bánh xe luân hồi.
Câu Chuyện Về Phạm Thiên Baka
Ðiều tiên quyết để chấm dứt vòng luân hồi là đoạn
diệt nguyên nhân nòng cốt của nó, tức là vô minh, vì vô minh luôn luôn dẫn
theo hành, thức v.v... đến lão tử. Ðiều này quả là đúng trong các cõi
dục cũng như ở trong các cõi phạm thiên hữu sắc.
Thời Ðức Phật, có một vị Phạm thiên tên là Baka. Vị
ấy sống rất lâu đến nhiều đại kiếp. Quả thực vậy, vị ấy sống
quá lâu đến nỗi không còn nhớ những kiếp quá khứ của vị ấy, nên
tin vào sự bất tử của mình, là không có sự già và chết. Ðức Phật
đi đến chỗ ngụ của Phạm thiên Baka để diệt trừ tà kiến của vị
ấy. Vị Phạm thiên vui mừng tiếp đón Ðức Phật và huênh hoang ca ngợi
đời sống vĩnh cửu của mình. Ðức Phật nói rằng quan niệm sai lầm của
vị ấy thật là kinh khủng, đã làm cho vị ấy phủ nhận tánh chất vô
thường, già và chết. Ngài chỉ ra những thiện nghiệp mà nhờ đó, vị
ấy có được cuộc sống lâu dài ở cõi phạm thiên và chính sự sống
lâu khôn lường này khiến vị ấy quên đi những kiếp sống quá khứ của
mình, lại làm sanh khởi tà kiến về sự bất tử của vị ấy. Khi nghe
qua những lời của Ðức Phật, Phạm thiên Baka bèn nghĩ lại về sự toàn
năng của mình. Tuy nhiên, vị ấy vẫn dương dương tự đắc và để phô
trương quyền năng của mình, vị ấy cố gắng biến mất trước Ðức Phật
và những vị Phạm thiên khác, nhưng không thành. Do oai lực của Ðức Phật,
vị ấy vẫn sờ sờ ở đó.
Rồi Ðức Phật tuyên đọc câu kệ sau đây:
"Bhàvevaham bhayam disvà bhavam ca vibhavesinam bhavam nàbhivadim kinci
nandinca upàdiyim"
Ta không khen ngợi bất cứ sanh hữu nào, bởi vì ta thấy sự nguy hiểm
trong đó. Ta đã từ bỏ ái dục đối với sanh hữu, bởi vì ta biết rõ sự
khổ của nó.
Phạm thiên Baka và những vị Phạm thiên khác đã sống rất
lâu đến nỗi họ cho kiếp sống và chỗ ngụ của họ là vĩnh hằng.
Cũng thế, những điều khổ của đời sống thoát ra khỏi sự lưu ý của
những người có nhiều may mắn trong cuộc sống, như sức khỏe, tài sản,
quyền tước, sự thành công v.v... Nhưng đời sống ở cả ba cõi đều là
khổ. Những vị phạm thiên ở cõi hữu sắc hoặc vô sắc có thể sống
trải qua nhiều đại kiếp, nhưng cuối cùng họ cũng phải chết.
Chánh Biến Tri
Ðó là tuệ quán dẫn đến sự đoạn diệt vô minh - là
nguyên nhân nòng cốt của khổ. Ðối với Ðức Phật, đây là một trong
những ân đức của Ngài. Sammàsambuddha là bậc giác ngộ Tứ diệu đế một
cách chân chánh, thông suốt và độc lập (không nhờ vào kẻ khác). Ở đây,
mười hai mắc xích của pháp duyên khởi có thể được sắp theo Tứ diệu
đế.
Như vậy, lão và tử là đế thứ nhất, tức khổ đế, và
tái sanh là tập đế, sự chấm dứt của nhân này và quả này là diệt đế,
và trí tuệ tỏ ngộ sự chấm dứt này là đạo đế.
Cách sắp xếp trên có thể áp dụng cho tái sanh và nghiệp
hữu, nghiệp hữu và thủ, thủ và ái, ái và thọ, thọ và xúc, xúc và lục
nhập, lục nhập và danh sắc, danh sắc và thức, thức và hành, hành và
vô minh. Tóm lại, trong mười hai pháp này, pháp đứng ngay trước là tập
đế và pháp đứng ngay sau là khổ đế. Chúng ta cũng có thể lấy vô minh
làm khổ đế nếu chúng ta xem nó là quả của lậu hoặc, tức là: Dục lậu,
hữu lậu, kiến lậu và vô minh lậu.
Ở đây, sự đồng nhất ái với khổ có thể không được
chấp nhận đối với một số người. Nhưng điều ấy vẫn hợp lý nếu
chúng ta nhớ lại sự kiện rằng tất cả danh sắc bao gồm ái có nghĩa là
khổ, bởi vì nó chịu sự vô thường. Chú giải không mô tả vô minh là
khổ. Nhưng chúng ta có thể nói vô minh là khổ sanh lên từ lậu hoặc, hoặc
có nguồn gốc ở dục ái, sự tham luyến đời sống, tà kiến và vô minh.
Chính vô minh trong quá khứ làm sanh khởi vô minh trong hiện tại. Do đó,
các lậu hoặc có thể được xem là nguyên nhân của vô minh.
Bởi vậy, sau khi giác ngộ Tứ diệu đế và chứng đạt
Niết-bàn, qua sự chứng ngộ của chính Ngài, Ðức Phật có hồng danh cao
quí mà tất cả chúng sanh chẳng ai có được, đó là Sammàsambuddha. Ngài
biết rằng tất cả pháp được bao trùm bởi giáo lý duyên khởi đều là
khổ và nguyên nhân của khổ. Ngài đã sáng suốt hoàn toàn, không còn ái
chấp và thoát khỏi mọi triền phược. Bởi vậy, theo bộ Thanh tịnh đạo,
Ngài được gọi là Araham, bởi Ngài đã tinh tấn đoạn trừ tất cả những
yếu tố phụ trợ của bánh xe luân hồi.
Danh Tiếng Của Ðức Phật
Danh tiếng của Ðức Phật lan rộng khắp thế giới Sa bà.
Danh tiếng ấy truyền đi khắp mọi nơi trong vũ trụ, qua những chúng sanh
cư ngụ ở một số cõi mà đã đến nghe Phật thuyết pháp và qua những
bài pháp mà chính Ðức Phật đã thuyết ở một số cõi hoặc qua những
đệ tử trước kia của Ngài đã tái sanh vào một số cõi cao sau khi nghe
những bài pháp của Ngài.
Danh tiếng của Ðức Phật truyền đi ngoài cách trên, còn
có hai cách khác nữa. Trong thời gian luân hồi dai dẳng, Bồ-tát đã từng
đến ở tất cả các cõi ngoài cõi Ngũ tịnh cư, là cõi chỉ dành cho những
bậc đã chứng quả thánh A-na-hàm. Bồ tát chỉ chứng đắc bốn tầng thánh
ở kiếp chót của Ngài. Bởi vậy, Ðức Phật trước khi thành đạo, Ngài
chưa bao giờ đến cõi Ngũ tịnh cư. Nhưng khi đã thành đạo rồi, Ngài đã
có lần đến đó bằng phương tiện thần thông của Ngài. Khi đến tại cõi
ấy, Ðức Phật được cung kính đón tiếp bởi hằng triệu vị phạm
thiên, họ đã kể cho Ngài nghe về những vị Phật quá khứ và nói rằng
sự tái sanh vào Tịnh cư thiên của họ là do sự chứng đắc quả thánh
A-na-hàm. Trong số những vị phạm thiên này, cũng có những vị đã thực
hành theo giáo pháp của Ðức Phật.
Ðức Phật đã đến viếng tất cả năm cõi Tịnh cư thiên.
Danh tiếng của Ngài vang khắp các cõi mà có những đệ tử trước kia của
Ngài trú ngụ là điều dễ thấy. Những câu hỏi đặt ra là làm thế nào
mà danh tiếng của Ngài thấu đến các cõi Phạm thiên vô sắc. Việc các
vị Phạm thiên vô sắc đi đến Ð?c Phật hoặc Ðức Phật đi đến họ là
điều không thể xảy ra được. Những người đã thực hành giáo pháp của
Ðức Phật ở trong cõi dục hoặc cõi hữu sắc, đã chứng ba tầng thánh
đầu tiên và chết bằng tâm thiền vô sắc thì có thể tái sanh vào cõi
vô sắc nếu họ muốn như vậy. Những vị thánh này biết rõ những ân đức
cao quí của Ðức Phật và khả năng chứng đắc những tuệ quán mới qua
sự thực hành chánh niệm. Như vậy, qua pháp niệm về tất cả danh pháp,
cuối cùng họ chứng đắc đạo quả A-la-hán và nhập diệt ở cõi thức
vô biên xứ hoặc cõi vô sở hữu xứ hoặc cõi cao nhất, là phi tưởng
phi phi tưởng xứ. Bằng cách này, danh tiếng của Ðức Phật lan rộng khắp
cõi Sa-bà.
Tứ Diệu Ðế Tóm Lược
Chúng tôi đã bàn chi tiết về trí tuệ tỏ thông Tứ diệu
đế của Ð?c Phật liên quan đến ân đức Chánh biến tri. Bây giờ chúng
tôi sẽ tóm lược Tứ diệu đế. Theo các bài kinh, tất cả danh sắc ở
trong các cõi dục, sắc và vô sắc, ngoại trừ ái, đều tạo thành khổ
đế. Ðây là đế thứ nhất. Ái là nguyên nhân của khổ, là đế thứ
hai. Niết-bàn là sự chấm dứt khổ, là đế thứ ba. Thánh đạo là con
đường dẫn đến sự chấp dứt, là đế thứ tư. Bốn thánh đế này
được hành giả thực chứng qua pháp hành minh sát. Qua thực nghiệm, vị
ấy biết rằng tất cả cái gì sanh diệt đều là khổ, sự luyến ái theo
chúng là nguyên nhân, sự chấm dứt khổ và nguyên nhân của nó là Niết-bàn,
và sự chứng đắc Niết-bàn là đạo.
Chánh Biến Tri Và Ðạo Quả Phật
Cả hai từ Pàli "Buddha" và "Sammàsambuddha"
đều có nghĩa là sự toàn tri hay trí tuệ biết rõ tất cả các pháp. Câu
hỏi là làm sao chỉ ra sự khác biệt giữa hai từ trên. Về ân đức Sammàsambuddha,
chúng ta nên hiểu rằng Bồ tát chứng đắc quả Phật dựa vào sự quán
xét độc lập, còn sự tinh tấn và sự giác ngộ Tứ diệu đế thì qua
A-la-hán đạo tuệ. Ðạo quả Phật có nghĩa là trí tuệ thông suốt các
pháp hữu vi và vô vi, dựa vào những ân đức vô song của Ðức Phật như
nhất thiết trí (Sabbannutànàna) v.v...
Những ân đức vô song này của Ðức Phật được tìm thấy
ở trí tuệ về Tứ diệu đế, bốn loại tuệ phân tích và sáu loại trí
mà được gọi là bất cộng trí (những loại trí mà các thánh đệ tử
không thể có được). Sáu bất cộng trí là:
1. Trí biết rõ những cấp độ tâm linh và phước tội khác nhau của
chúng sanh.
2. Trí biết rõ những ước muốn, những thiên hướng và những khuynh hướng
chưa bộc phát (tùy miên) của chúng sanh.