...... ... |
. |
. |
. |
. |
. |
- Con Đường Thoát Khổ
- Đại đức W. Rahula
Thích Nữ Trí Hải dịch
Lời Giới Thiệu
Đại Đức Rahula, người Tích-Lan được đào tạo trong
truyền thống Thượng-Tọa Bộ tại các Phật Học Viện (Pirivena), sau vào
Đại-Học Tích-Lan đậu bằng B.A. (London) rồi viết luận án Tiến Sĩ về
lịch sử đạo Phật ở Tích-Lan và được cấp bằng Tiến Sĩ Triết học
(Ph. D.). Sau Đại Đức qua Calcutta, cộng tác với các giáo sư Đại-Thừa và
bắt đầu học chữ Hán và chữ Tây-Tạng. Cuối cùng Đại-Đức qua Đại
Học Đường Sorbonne để nghiên-cứu về Ngài Asanga (Vô Trước) và mai nay
vẫn ở tại Paris vừa giảng dạy đạo Phật, vừa trước tác sách vở.
Như vậy, Đại-Đức có thể được xem là tinh thông cả hai giáo lý Đại
thừa và Tiểu thừa. Kỳ qua Paris năm 1965, tôi có viếng thăm Đại-Đức và
trong câu chuyện ngót hai tiếng đồng hồ, chúng tôi bàn luận rất nhiều
về liên lạc giữa Nam tông và Bắc tông, và chúng tôi đồng ý rằng cả
hai tông đều chấp nhận và thọ trì một số giáo lý căn bản.
Nói một cách khác, không có Đại thừa, Tiểu thừa, không
có Nam Tông hay Bắc Tông. Sở dĩ có phân chia Tông phái là vì sự diễn biến
của lịch sử và sự truyền bá của đạo Phật qua nhiều truyền thống,
văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, quốc độ khác nhau và tông phái nào cũng chấp
thuận một số giáo lý căn bản chung cho tất cả truyền thống. Quyển sách
này là một sự cố gắng của tác giả để giới thiệu những giáo lý căn
bản ấy và những ai muốn tìm hiểu đạo Phật cũng cần phải hiểu biết
ít nhất số giáo lý căn bản ấy. Riêng đối với Phật tử Việt-Nam, một
số lớn được học ngay vào kinh điển Đại-Thừa, lại cần phải hiểu
giáo lý căn bản này để soi sáng lại sự hiểu biết của mình và để tìm
lại sự liên tục của quá trình phát triển tư tưởng Phật giáo. Riêng
đối với Sinh-viên Đại-học Vạn-Hạnh, tài liệu của tập sách này cần
được xem là tài-liệu căn bản và tối thiểu để xây dựng nền tảng
Phật học của mình.
Quyển sách này viết cho giới trí thức Âu Mỹ, một giới
trí thức có một bối cảnh khoa học và văn minh Cơ-Đốc giáo, nên các vấn
đề thảo luận, phương pháp trình bày rất thiết thực, linh động, sát với
thực tế và liên hệ ngay đến đời sống và những thắc mắc hiện đại.
Giá trị quyển này phần lớn nhờ ở điểm này. Tác giả dẫn chứng rất
nhiều lời dạy trong kinh điển Pali để chứng minh cho sự trình bày của
mình, một thái độ và một phương pháp khoa học đáng được hoan nghênh
và bắt chước. Thường chúng ta trình bày đạo Phật ngang qua sự hiểu biết
của chúng ta và điều nguy hại hơn, ngang qua cảm tình và sở thích của
chúng ta, và vì vậy nhiều khi tư tưởng và thái độ của Đức Phật bị
bóp méo rạn nứt rất nhiều. Để bớt tệ hại nầy, phương pháp hữu hiệu
nhất là dẫn chứng trong kinh điển những lời dạy của chính Đức Phật
để xác chứng quan điểm của mình trong khi trình bày, một thái độ mà
tác giả tập sách này đã theo rất trung thành.
Dịch giả quyển sách này là Cô Trí Hải, một tên quá
quen thuộc với giới học giả. Với tài dịch thuật và sự hiểu biết
giáo lý căn bản của cô, thiết tưởng không cần phải giới thiệu dài
giòng về cô. Tên của cô cũng đủ bảo đảm cho giá trị dịch thuật của
tập sách này rồi.
Sài Gòn, ngày 9-1-1966
Tỳ-kheo Thích Minh Châu
Viện-trưởng Viện Đại-học Vạn-Hạnh
Lời Nói Đầu
Hiện nay trên khắp hoàn cầu, Phật học càng ngày càng
được chú ý. Nhiều hội Phật học và những nhóm học Phật đã ra đời,
và nhiều sách viết về giáo lý Đức Phật đã xuất hiện. Tuy nhiên, một
điều đáng tiếc là tác giả những sách ấy phần nhiều không thực có
thẩm quyền trong địa hạt, hoặc đưa ra những giả thuyết sai lầm rút từ
những tôn giáo khác, do đó trình bày và giải thích Phật giáo một cách
sai lạc. Một vị giáo sư về tôn giáo tỷ giảo gần đây viết một cuốn
sách về Phật giáo, nhưng không biết cả đến điều rằng A-nan, thị giả
trung kiên của Đức Phật, là một tăng sĩ, và lại tưởng ông ta là một
cư sĩ thế tục! Kiến thức Phật học do những cuốn sách như thế truyền
bá sẽ ra sao, độc giả cũng có thể tưởng tượng.
Cuốn sách nhỏ nầy trước hết dành cho những độc giả
có học thức thông minh chưa được học hỏi về Phật pháp muốn biết những
gì Đức Phật đã dạy thực sự. Để cho những độc giả ấy được lợi
ích, tôi đã cố trình bày gọn ghẽ và trực tiếp những lời đã thật
do Đức Phật dùng, như được tìm thấy trong nguyên bản Pali của Tam Tạng
mà tất cả các học giả đều đồng ý cho là những bản ghi chép đầu
tiên còn tồn tại về những lời dạy của Đức Phật. Tài liệu và những
đoạn văn trích ra ở đây cũng đã rút ra ngay từ những nguyên bản ấy.
Trong vài chỗ, tôi cũng có dùng đến một vài trước tác về sau này.
Tôi cũng nghĩ đến những độc giả đã có một ít kiến
thức về những gì Đức Phật dạy và muốn khảo cứu thêm. Bởi thế
không những tôi đã chua thêm những từ ngữ tương đương tiếng Pali về
phần lớn những danh từ chủ chốt, mà còn để cả những đoạn nguyên văn
ở phần chú thích, và một thư mục chọn lọc.
Công việc của tôi đã gặp phải nhiều khó khăn: suốt tập
sách tôi đã cố gắng trình bày cho độc giả Âu châu ngày nay một cái
gì họ có thể hiểu được và thưởng thức, mà vẫn không hy sinh nội
dung hay hình thức những lời dạy của Đức Phật. Khi viết sách này tôi
luôn luôn ôn lại trong trí nguyên văn những đoạn kinh, và bằng cách ấy
tôi đã cẩn thận giữ những tiếng đồng nghĩa và sự lập lại, một đặc
điểm của lời Phật dạy như đã được khẩu truyền đến nay, để độc
giả có một ý niệm về hình thức giảng dạy của Đức Phật. Tôi đã cố
hết mức theo sát nguyên văn, và làm cho lời dịch dễ hiểu.
Nhưng có một giới hạn cho sự giản dị hóa mà nếu vượt
qua, chúng ta sẽ dễ đánh mất ý nghĩa đặc biệt mà Đức Phật muốn
truyền dạy. Vì đã chọn nhan đề là "Những gì Đức Phật dạy"
(What the Buddha Taught) tôi nghĩ cần phải ghi lại những lời lẽ của Đức
Phật, ngay cả những con số Ngài dùng, thay vì một lối dịch thoát ý có
thể dễ hiểu hơn nhưng lại dễ rơi vào lỗi xuyên tạc ý nghĩa.
Trong tập sách nhỏ này tôi đã bàn đến hầu hết những
gì mọi người đều công nhận là giáo lý tinh yếu và căn bản của Đức
Phật. Đấy là những thuyết về Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Ngũ Uẩn,
Nghiệp Báo, Luân Hồi, Duyên Khởi, thuyết Vô Ngã (Anatta), Niệm Xứ
(Satipatthàra). Dĩ nhiên sẽ có những từ ngữ chắc phải lạ lùng đối với
độc giả phương Tây. Tôi sẽ khuyên họ nên đọc chương đầu, rồi tiếp
đến các chương V, VII, và VIII và trở lại các chương II, III, IV và VI khi
ý nghĩa tổng quát đã sáng sủa và linh động hơn. Không thể viết một
cuốn sách về giáo lý của Đức Phật mà không bàn đến những tiêu đề
mà các Tông phái Theravàda (Nguyên thủy) và Mahàyàna (Đại thừa) đã công
nhận là căn bản trong tư tưởng hệ Phật giáo.
Danh từ Theravàda -- Hinayàna hay "Tiểu thừa"
không còn được dùng trong lãnh vực nghiên cứu -- có thể dịch là "Tông
phái của những bậc Trưởng lão" (Theras) và Mahàyàna là
"Đại thừa". Đấy là những danh từ dùng để chỉ
hai hình thức chính của Phật giáo thịnh hành trong thế giới hiện nay.
Theravàda, được xem như giáo lý chính thống uyên nguyên của Phật, thịnh
hành ở Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Cao Miên, Lào, Nhật Bản, Tây Tạng,
Mông Cổ, v.v. Có vài dị biệt, nhất là về một số những tín điều và
phương pháp giữa hai tông phái, nhưng cả Theravàda và Mahàyàna đều
tương đồng về những giáo lý quan trọng nhất của Đức Phật, như những
giáo lý được đề cập đến trong sách này.
Tôi chân thành cảm ơn Giáo sư E.F.C. Ludowyk, người đã mời
tôi viết cuốn sách này, về tất cả sự giúp đỡ của ông, về những
ý kiến ông đề nghị, về việc ông chịu khó đọc lại bản thảo. Tôi
cũng cảm ơn cô Marianne Mohn đã coi lại bản thảo và cho những ý kiến đầy
giá trị. Cuối cùng, tôi xin ghi nhận nơi đây lòng tốt của giáo sư Paul
Demiéville, thầy học của tôi ở Paris, đã viết tựa cho cuốn sách này.
(Nguyên tác: Walpola Sri Rahula. What The Buddha Taught. Grove
Press. 1959, 1974.)
Đức Phật
Đức Phật tên là Siddhatta (Tất-Đạt-Đa) (tiếng
Sanskrit là Siddhàrtha), họ là Gotama (Cồ-Đàm) (Skt.: Gautama), sống ở Bắc
Ấn vào thế kỷ thứ VI trước Tây Lịch. Phụ thân Ngài là Suddhodana (Tịnh-Phạn)
người cai trị vương quốc của những người Sàkyas (ở Nepal ngày nay). Mẹ
ngài là hoàng hậu Màyà (Ma gia). Theo tục lệ thời bấy giờ Ngài kết
hôn rất sớm, vào năm 16 tuổi , với một công chúa xinh đẹp đức hạnh
tên Yasodharâ (Da giu đà la). Vị thái tử trẻ sống trong cung điện với đầy
đủ những xa hoa lộng lẫy. Nhưng bỗng nhiên va chạm với thực tại cuộc
sống và khổ đau của loài người, Ngài quyết định tìm giải pháp - con
đường ra khỏi nỗi khổ bao la này. Năm 29 tuổi sau khi người con duy nhất
Ràhula (La Hầu La) ra đời, Ngài từ bỏ cung điện và trở thành một người
khổ hạnh ra đi tìm giải pháp ấy.
Trong 6 năm, nhà khổ hạnh Gotama (Cồ Đàm) lang thang khắp
thung lũng sông Hằng (Ganges), gặp những vị thầy danh tiếng, học hỏi và
theo những hệ thống và phương pháp của họ, khép mình vào những kỷ luật
khổ hạnh khắt khe. Nhưng Ngài không được thỏa mãn với những lý thuyết
và thực hành ấy. Bởi thế Ngài từ bỏ tất cả những tôn giáo cổ truyền
và những phương pháp của chúng, theo con đường của riêng Ngài. Dần dà,
một buổi chiều ngồi dưới một cội cây (từ đấy cây này được gọi
là cây Bồ-Đề, Bodhi, hay cây Bồ, có nghĩa là "cây trí huệ")
trên bờ sông Neranjarà (Ni liên thuyền) ở Buddha-Gaya (Bồ-Đề Đạo Tràng,
gần Gaya trong xứ Bihar ngày nay), Gotama đạc Giác Ngộ và từ đấy Ngài
được tôn xưng là Đức Phật, "Người đã Giác Ngộ". Năm ấy Ngài
35 tuổi.
Sau khi chứng đạo, Đức Phật Gotama thuyết pháp lần đầu
tiên cho một nhóm 5 nhà khổ hạnh, những người bạn cũ của Ngài tại vườn
Nai (Lộc Uyển) ở Isipatna (Sarnath ngày nay), gần Benarès (Ba La Nại). Từ
ngày ấy Ngài giáo hóa suốt 45 năm cho tất cả mọi tầng lớp đàn ông,
đàn bà vua chúa và thường dân, giai cấp Bà-La-Môn và hạ tiện, thương
gia và hành khất, những người thánh thiện và bọn cướp đường - hoàn
toàn không phân biệt hạng người này với hạng kia. Ngài không công nhận
những dị biệt về giai cấp hay tập đoàn xã hội, và Đạo Ngài thuyết
ra được mở rộng cho tất cả mọi đàn ông và đàn bà sẵn sàng hiểu
và theo.
Năm 80 tuổi, Đức Phật nhập diệt ở Kusinàrà (Câu thi
na, ngày nay là Uttar Pradesh).
Hiện nay đạo Phật được tìm thấy ở Tích Lan, Miến Điện,
Thái Lan, Cao Miên, Lào, Việt Nam, Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản, Mông Cổ,
Triều Tiên, Đài Loan và một vài nơi ở Ấn Độ, Hồi Quốc và Nepal và cả
ở Liên Sô. Tín đồ Phật giáo trên thế giới có trên 500 triệu.
Bảng
Viết Tắt
- A Anguttaara-nikâya, ed. Devamitta Thera (Colombo, 1929) and PTS edition.
- Abhisamuc Abhidharma-samuccaya of Asanga, ed. Pradhan (Visvabharati,
Santiniketan, 1950).
-
- D Digha-nikâya, ed. Nânâvâsa Thera (Colombo, 1929).
- DA Digha-nikâyatthakathâ, Samangalavilâsini (Simon Hawavitarne Bequest Series,
Colombo).
- Dhp Dhammapada, ed. K. Dhammaratana Thera (Colombo, 1926).
- DhpA Dhammapadatthakathâ (PTS edition).
- Lanka The Lankâatâra-sùtra, ed. Nanjo (Kyoto, 1923).
- M Majjhima-nikâya (PTS edition).
- Ma Maljhima-nikâyatthakathâ, Papancasudani (PTS edition).
- Madhyakari Mâdhyamika-Kârikâ of Nâgârjuna, ed. L. de la Vallée Poussin
(Bib. Budd. IV).
- Mh-Suttalankara Mahâyâna-sutrâlankâra of Asanga, ed. Sylvain Levy (Paris,
1907).
- Mhvg Mahâvagga (of the Vinaya), ed. Saddhâtissa Thera (Alutgama, 1922).
- PTS Pali Text Society of London.
- Prmj Paramatthajotikâ (PTS edition).
- S Samyutta-nikâya (PTS edition).
- Sarattha Sâratthappakâsini (PTS edition).
- Sn Suttanipâta (PTS edition).
- Ud Udâna (Colombo, 1929).
- Vibh Aibhanga (PTS edition).
- Vism Visuddhimagga (PTS edition).
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/conduong0.htm
|
|