-1-
Lý thuyết và Thực tế
Thiền sư Ajahn Chah
T oàn
bộ lý do vì sao phải học tập về Giáo Pháp (Dhamma),
những lời dạy của Đức Phật, là để tầm cầu một con đường vượt
qua khổ não, đạt đến an bình và hạnh phúc. Cho dù chúng ta
học về các hiện tượng vật lý hay tâm linh, tâm (citta)
và các tâm sở (cetasika), chỉ khi nào chúng ta
lấy sự giải thoát khỏi mọi phiền não làm mục đích tối hậu
thì chúng ta mới đi đúng con đường, không có gì ít hơn thế.
Khổ não có nguyên nhân và điều kiện đã gây nên sự hiện hữu
của nó.
Xin hãy hiểu
thật rõ ràng rằng khi tâm được tĩnh lặng, đó là tình trạng
tự nhiên, bình thường của tâm. Hễ tâm vừa khởi động lên, lập
tức, nó bị điều kiện hóa. Khi tâm bị sự vật nào thu hút, âm
ấy bị điều kiện hóa. Khi sự hiềm ghét khởi lên, tâm bị điều
kiện hóa. Ý muốn di chuyển từ nơi này đến nơi khác, cũng
khởi lên do sự điều kiện hóa. Nếu sự hay biết của chúng ta
không theo kịp các biến chuyển lay động của tâm linh, tâm tư
sẽ đuổi theo các sự biến chuyển đó, và từ đó bị điều kiện
hóa bởi chúng. Khi nào tâm chuyển động, vào lúc đó, tâm ấy
trở thành một thực tại qui ước.
Vì thế, Đức
Phật dạy chúng ta phải luôn quán chiếu các biến chuyển lay
động của tâm. Mỗi khi tâm di động, nó trở nên bất ổn và vô
thường (anicca), bất toại nguyện (dukkha,
khổ não), và không thể lấy đó làm một tự ngã bất biến
được (anattā, vô ngã). Vô thường, khổ, vô ngã là ba
đặc tính phổ quát của tất cả các pháp hữu vi. Đức Phật dạy
chúng ta phải quan sát và quán chiếu các biến động của tâm.
*
Đối với lý
duyên sinh (paticca samuppāda), ta cũng nên học tập
như thế: vô minh (avijja) là nguyên nhân và
điều kiện khởi sinh các hành nghiệp; các hành là nhân và
duyên khởi sinh các thức (viññāna); các thức là nhân
và duyên khởi sinh danh (nāma) và sắc (rūpa),
v.v., như ta đã từng học trong kinh điển. Đức Phật đã tách
riêng ra từng mấu chốt trong chuỗi dài mười hai nhân duyên
để chúng ta dễ học, dễ hiểu. Đây là sự mô tả chính xác về
thực tại. Nhưng khi tiến trình của các sự kiện ấy thật sự
diễn ra trong đời sống, các nhà học giả không có đủ khả năng
để theo dõi đúng vào lúc chúng xảy ra. Cũng như ta đang từ
trên ngọn cây cao bị rơi xuống đất. Chúng ta không biết rõ
được khi rơi xuống, chúng ta đã xuyên qua bao nhiêu cành lá.
Như thế ấy, khi tâm bất thần va chạm vào một đối tượng, nếu
có sự thỏa thích trong đó, tâm liền bám theo và tạo trạng
thái vui vẻ. Tâm ấy chỉ biết đến sự vui vẻ đó mà không thể
biết đến chuỗi dài các nhân duyên đưa đến trạng thái vui vẻ
ấy. Tiến trình các sự kiện đã xảy ra đúng với những gì được
mô tả trong lý thuyết, nhưng đồng thời nó vượt quá giới hạn
của lý thuyết đó.
Không có gì
cụ thể rõ ràng khi nói: "Đây là vô minh. Đây là những hành
nghiệp, và đó là thức,..." Tiến trình nhân duyên không cho
các học giả có cơ hội để đọc ra một danh sách các sự kiện
khi chúng xảy ra. Mặc dù Đức Phật đã phân tích tỉ mỉ và giải
thích rõ ràng các chập tâm, nhưng đối với tôi, tiến trình đó
giống với sự kiện một người từ trên cây cao bị rơi xuống.
Khi chúng ta rớt phịch xuống đất rồi, chúng ta không kịp
phỏng tính đã té từ trên cao bao nhiêu mét nữa. Điều mà
chúng ta biết chắc là thân ta đã chạm mặt đất, và đau quá!
Tâm cũng như
thế ấy. Khi tâm rơi vào một sự việc nào đó, điều mà chúng ta
cảm nhận được là nỗi đau đớn. Sự thống khổ, đau đớn, ưu sầu,
và chán nản đó đã từ đâu mà đến đây? Chúng không đến từ lý
thuyết trong sách vở. Không thấy có chỗ nào đã viết rõ các
chi tiết của nỗi thống khổ chúng ta. Sự đau khổ của chúng ta
không liên quan chính xác với lý thuyết, nhưng cả hai, sự
đau khổ và lý thuyết, lại cùng đi chung một con đường. Sự
nghiên cứu qua sách vở không thể theo kịp với thực tại được.
Vì lẽ đó, Đức Phật đã dạy cần phải đào luyện sự hiểu biết
thật rõ ràng về chính chúng ta. Bất cứ điều gì khởi sinh
lên, điều đó đều khởi sinh trong sự hay biết đó. Khi sự hay
biết này, đã hay biết được đúng với sự thật, ta sẽ nhận ra
rõ ràng rằng tâm và các tâm sở không phải là của ta. Một
cách rốt ráo, tất cả những hiện tượng đó cần phải được dẹp
bỏ qua và vứt đi như rác rến. Chúng ta không nên bám níu vào
chúng và gán cho chúng một ý nghĩa nào cả.
Lý thuyết và
thực tế
Đức Phật dạy
về tâm và các tâm sở – thuộc tính của tâm, nhưng không phải
để cho chúng ta bám chặt lấy các ý niệm đó. Ý định duy nhất
của Ngài là giúp chúng ta nhận chân ra được chúng (tâm và
tâm sở) đều vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Sau đó,
hãy buông bỏ chúng, gạt chúng qua một bên. Hãy nhận thức và
hiểu rõ chúng khi chúng khởi sinh. Tâm này đã bị điều kiện
hóa từ lâu. Tâm ấy đã được tập tành và chịu điều kiện hóa để
quay cuồng và xa rời khỏi tình trạng của sự hay biết thuần
tịnh. Khi tâm ấy quay cuồng, nó tạo nên các hiện tượng bị
điều kiện hóa, rồi các hiện tượng ấy trở lại ảnh hưởng đến
tâm thêm nữa, khiến cho sự biến chuyển cứ tiếp tục mãi. Tiến
trình đó khởi sinh các điều thiện, điều ác, và các sự vật
khác nữa dưới ánh mặt trời này. Đức Phật dạy ta phải từ bỏ
chúng hết đi. Tuy nhiên, ngay buổi đầu, các bạn còn phải tập
làm quen với lý thuyết, rồi mới có thể buông bỏ nó vào một
giai đoạn sau. Đó là tiến trình tự nhiên. Tâm chỉ là như thế
đó. Các tâm sở cũng chỉ là như thế đó.
Hãy lấy một
thí dụ, về Bát Chánh Đạo chẳng hạn. Khi trí tuệ (paññā,
bát nhã) quán sát sự vật một cách đúng đắn với minh
quán, Chánh Kiến khởi lên và đưa đến Chánh Tư duy, Chánh
Ngữ, Chánh Mạng, và các chi kế tiếp. Điều này có liên hệ đến
các tình trạng tâm lý đã khởi lên từ giác niệm thuần tịnh.
Giác niệm đó cũng như một ngọn đèn soi sáng trong đêm tối
cho con đường phía trước. Nếu có sự hiểu biết đúng đắn,
nghĩa là phù hợp với chân lý, nó sẽ tỏa lan và soi chiếu cho
mỗi bước đi khác trên đường Bát Chánh.
Bất cứ điều
gì chúng ta thể nghiệm, điều ấy cũng khởi lên trong phạm vi
của sự hiểu biết này. Sự hiểu biết không thể có nếu tâm
không hiện hữu. Tất cả là những hiện tượng của tâm. Như Đức
Phật có giảng, tâm chỉ giản dị là tâm. Tâm không phải là một
chúng sinh, không phải là một người, một tự ngã, hoặc là
chính bạn. Tâm không phải là chúng ta, cũng không phải là
chúng nó. Pháp (Dhamma) chỉ giản dị là Pháp. Đó là
một tiến trình tự nhiên, vô ngã. Nó không thuộc về chúng ta,
hay bất cứ ai khác. Nó không phải là một vật. Bất cứ những
gì mà một cá nhân thể nghiệm đều rơi vào trong năm nhóm căn
bản này (khandas, năm uẩn): sắc, thọ, tưởng, hành và
thức. Đức Phật dạy chúng ta nên buông bỏ chúng hết.
Sự quán
chiếu cũng tựa như một thanh gỗ. Minh quán (Vipassanā)
ở đầu này của thanh gỗ, còn An chỉ (Samatha) thì ở
đầu kia. Khi chúng ta cầm thanh gỗ lên, có phải một đầu hay
là hai đầu cùng được nâng lên? Dĩ nhiên, khi cầm thanh gỗ
lên thì hai đầu đều được cất lên cả. Đầu nào là minh quán,
và đầu nào là an chỉ? Chỗ nào là minh quán tận cùng và chỗ
nào là an chỉ bắt đầu? Cả hai đều là tâm cả. Khi tâm trở nên
an tịnh, thì sự an định sẽ khởi lên ngay bước đầu từ nơi
tịch tĩnh, an chỉ (samatha). Chúng ta gom và hợp nhất
tâm lại trong những trạng thái an định (samādhi). Tuy
nhiên, khi sự an bình và ổn cố của samādhi phai nhạt
dần, khổ sở sẽ khởi lên thay thế. Tại sao vậy? Bởi vì sự an
bình do thiền an chỉ đưa đến vẫn còn căn cứ trên sự bám níu.
Sự bám níu này có thể là một nguyên nhân gây ra đau khổ.
Tịch tĩnh chưa phải là bước cuối của con đường. Đức Phật đã
nhìn thấy điều đó, do chính kinh nghiệm của Ngài, khi còn là
vị Bồ-tát trên đường tu tập, sự an định của tâm như thế vẫn
chưa phải là cứu cánh. Các nguyên nhân nằm bên dưới tiến
trình của sự hiện hữu (bhava) vẫn chưa được đoạn diệt
(nirodha). Các điều kiện của tái sinh vẫn còn đó.
Công tác tâm linh của ngài Bồ-tát vẫn chưa đạt đến mức toàn
hão. Tại sao? Bởi vì vẫn còn khổ não. Do đó, căn cứ trên sự
an định của tịch tĩnh, Ngài tiếp tục quán chiếu, điều tra,
và phân tích bản chất hữu vi của thực tại cho đến khi Ngài
đã giải thoát khỏi mọi sự ràng buộc, ngay cả sự ràng buộc
vào tịch tĩnh. Tịch tĩnh vẫn còn là một phần của thế giới
hữu vi và thực tại ước định. Bám vào loại an định đó là bám
vào thực tại ước định. Khi nào còn bám vào đó, chúng ta vẫn
còn sa lầy trong hiện hữu và tái sinh. Hân hoan trong sự an
định của tịch tĩnh sẽ đưa đến hiện hữu và tái sinh kế tiếp.
Khi tâm bất an và chao động đã lắng dịu xuống rồi, con người
thường hay bám níu vào sự yên tịnh tiếp theo đó.
Thế nên,
Ngài Bồ-tát quan sát các nguyên nhân và điều kiện nằm bên
dưới sự hiện hữu và tái sinh. Cho đến khi nào Ngài còn chưa
thấm nhập hoàn toàn vào vấn đề và hiểu rõ ràng được Chân Lý,
Ngài vẫn tiếp tục thẩm sát càng lúc càng thâm sâu hơn, với
một tâm tư an định, chiếu rọi vào tất cả mọi sự vật, an lành
hay xáo động, mỗi khi chúng khởi sinh lên. Ngài tiếp tục
thẩm sát cho đến khi Ngài thấy thật rõ ràng, minh bạch rằng,
muôn pháp khi khởi lên hiện hữu thì cũng tựa như một hòn sắt
nóng đang nung đỏ. Năm uẩn (sắc, thọ tưởng, hành, thức) của
chúng sinh là hòn sắt nóng đỏ. Khi một hòn sắt nung nóng đỏ,
còn có chỗ nào cho ta cầm mà không bị phỏng tay chăng? Có
chỗ nào nơi hòn sắt nóng đỏ đó còn dịu mát chăng? Thử sờ vào
bên trên, bên dưới hoặc hai bên, ta có thể thấy được chỗ còn
nguội lạnh chăng? Không thể được. Hòn sắt nung đỏ đã hoàn
toàn nóng cháy. Chúng ta không thể nào bám vào sự an tịnh.
Nếu tự đồng hóa với sự an tịnh đó, rồi phỏng đoán rằng cũng
có kẻ đang được yên ổn và tịch tĩnh, đó là vô tình củng cố
thêm ý nghĩ sai lầm rằng có một linh hồn riêng biệt, một tự
ngã độc lập. Ý tưởng về tự ngã chỉ là một phần của thực tại
qui ước. Khi nghĩ rằng, "Tôi bình an, tôi xao động, tôi tốt,
tôi xấu, tôi sung sướng, tôi đau buồn,...", chúng ta càng bị
vướng vào hiện hữu và tái sinh. Lại càng thêm khổ sở. Khi
hạnh phúc tàn phai, chúng ta đau khổ. Khi sự khổ sở biến mất,
chúng ta có hạnh phúc trở lại. Vướng mãi trong vòng lẩn quẩn
đó, ta trồi lên thụt xuống triền miên giữa thiên đường và
địa ngục.
Trước khi
giác ngộ, Ngài Bồ-tát nhận thấy điều này trong chính tâm của
Ngài. Ngài biết rõ rằng các điều kiện của sự hiện hữu và tái
sinh vẫn chưa tận diệt hết. Công tác của Ngài vẫn chưa hoàn
tất. Chú tâm vào tính duyên sinh của cuộc đời, Ngài quán
chiếu: "Do nguyên nhân này mà có sự sinh; do sự sinh này
mà có sự chết, và tất cả các sự biến chuyển này đến và đi."
Thế là Ngài nắm lấy các chủ đề đó để quán chiếu hầu thông
hiểu Sự Thật về năm uẩn. Tất cả mọi sự vật tâm linh hay vật
chất, mọi sự việc được quan niệm hay suy tư đến, đều do
duyên sinh, không có một ngoại lệ nào. Khi Ngài đã hiểu rõ
như thế, Ngài dạy chúng ta nên đặt chúng xuống. Khi Ngài đã
hiểu rõ như thế, Ngài dạy chúng ta nên buông bỏ chúng hết.
Ngài khuyến khích mọi người nên thông hiểu cho phù hợp với
Chân Lý. Nếu không như thế, chúng ta sẽ đau khổ. Chúng ta
không đủ khả năng để vứt bỏ các sự vật đó. Tuy nhiên, khi
chúng ta thấy rõ Sự Thật về vấn đề này, chúng ta sẽ nhận ra
rằng các sự vật đó làm mê hoặc chúng ta. Như Đức Phật có
nói, "Tâm không có
thực chất, nó không phải một vật nào cả."
Tâm không
phải sinh ra là thuộc về một ai. Tâm không chết đi như bất
cứ ai. Tâm ấy tự do, chiếu sáng rạng ngời, và không vướng
mắc vào bất cứ vấn đề nào cả. Lý do các vấn đề khó khăn khởi
lên là vì tâm ấy bị che mờ bởi các sự vật bị điều kiện hóa,
bị vẩn đục vì quan niệm sai lầm về tự ngã. Bởi thế, Đức Phật
dạy ta phải nên quan sát tâm ấy. Ngay tại buổi đầu, đã có gì
ở đấy? Thực sự, không có gì cả. Tâm ấy không khởi lên cùng
với các pháp hữu vi, và tâm ấy cũng không diệt mất theo các
pháp hữu vi đó. Khi gặp một sự việc gì thiện lành, tâm ấy
không thay đổi để trở thành thiện lành theo. Khi gặp một sự
việc xấu ác, tâm ấy cũng không xấu ác theo. Tâm ấy như thế
đó, khi có sự minh quán nhìn rõ ràng vào bản thể của chính
mình. Ta sẽ thông hiểu rằng đây vốn là một tình trạng vô
thực chất.
Trí tuệ minh
quán của Đức Phật nhìn thấy muôn pháp đều vô thường,
bất toại nguyện và vô ngã. Ngài muốn mọi người chúng
ta phải thông hiểu hoàn toàn theo đường lối đó. Do đó, trí
tuệ đã biết rõ những gì phù hợp với Chân Lý. Khi trí tuệ đó
biết đến niềm an lạc hay nỗi sầu bi, tâm sẽ giữ được sự an
nhiên, tự tại. Cảm giác hỷ lạc là một hình thức của sự sinh
ra. Khuynh hướng trở nên buồn bã là một hình thức của sự
chết đi. Khi có sự chết, tất sẽ có sự sinh; và những gì sinh
ra rồi sẽ chết đi. Khởi sinh rồi suy diệt, cứ mãi vướng vào
vòng lẩn quẩn của sự hiện hữu. Khi tâm tư của hành giả đã
đạt đến tình trạng hiểu biết như thế đó, hành giả không còn
sót lại chút nghi ngờ nào về sự trở thành và tái sinh nữa
cả. Không còn cần phải hỏi lại ai nữa cả.
Đức Phật
thẩm sát đầy đủ hết tất cả các pháp hữu vi và đã buông bỏ
được chúng. Năm uẩn cũng được buông bỏ, và sự "hay biết" chỉ
đơn thuần là một quan sát viên vô tư. Nếu Ngài thể nghiệm
điều chi tích cực, Ngài không vì thế mà trở thành tích cực.
Ngài chỉ đơn thuần quan sát và tỉnh giác. Nếu Ngài thể
nghiệm điều chi tiêu cực, Ngài không hề trở thành tiêu cực.
Và tại sao lại như vậy? Bởi vì tâm tư Ngài đã giải thoát
khỏi các nhân duyên ấy. Ngài đã thấm nhập vào Chân Lý. Nhân
duyên đưa đến tái sinh không còn hiện hữu nữa. Đó là sự "hay
biết" chắc chắn và đáng tin cậy. Đó là một tâm tư thật sự
hoàn toàn an định. Đó là những gì không hề được sinh ra,
không già lão, không bệnh hoạn, và không hề chết đi. Đó cũng
không phải là nguyên nhân hoặc hậu quả, cũng không tùy thuộc
vào nhân và quả; hoàn toàn độc lập đối với tiến trình duyên
sinh. Các nguyên nhân bấy giờ đã chấm dứt, và không còn sót
lại một duyên nào nữa. Tâm tư ấy vượt qua sự sinh và sự
chết, vượt qua an lạc lẫn ưu bi, cả thiện lẫn ác. Còn có thể
nói gì hơn nữa? Nó vượt qua mọi giới hạn của ngôn từ để mô
tả nó. Tất cả các điều kiện hỗ trợ đã chấm dứt, và nỗ lực
nào để mô tả nó cũng sẽ chỉ đưa đến sự bám thủ. Ngôn từ được
dùng bấy giờ chỉ trở thành một tràng lý thuyết của tâm tư mà
thôi.
Các mô tả lý
thuyết về tâm và cách vận hành của tâm tuy chính xác nhưng
Đức Phật lại xem loại hiểu biết đó tương đối vô dụng. Chúng
ta dùng trí thức để hiểu biết một điều gì, rồi tin tưởng vào
đó, nhưng đấy không có chút ích lợi thực sự nào. Kiến thức
đó không đưa đến an định. Sự hiểu biết của Đức Phật đưa đến
sự buông bỏ. Kết quả là sự xả ly. Bởi vì chính cái tâm đã
dẫn ta nhúng tay vào cả hai, điều phải và điều trái. Nếu
khôn ngoan, chúng ta sẽ chọn điều phải. Nếu quá khờ khạo,
chúng ta sẽ dính dấp đến điều quấy. Tâm ấy là tâm thế gian,
và đức Thế tôn đã dùng các sự vật của thế gian này để quan
sát chính thế gian đó. Biết được rõ ràng thế gian này đúng
như thật nó là như thế, Ngài được tôn xưng là bậc "Thế
gian giải", nghĩa là bậc đã hiểu được thế gian này rất
rõ ràng và minh bạch.
*
Trở lại với
vấn đề an chỉ (samatha) và minh quán (vipassanā),
điều quan trọng nhất là phải phát triển các trạng thái đó
ngay trong chính tâm của chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta thật
sự phát triển chúng nơi ta thì chúng ta mới hiểu biết rõ
thực sự chúng là như thế nào. Chúng ta cố tìm học những gì
trong sách vở nói về các yếu tố của tâm, nhưng loại kiến
thức trí năng này lại không có ích lợi chi cho việc cắt đứt
hẳn các ham muốn vị kỷ, sân hận và si mê. Chúng ta nghiên
cứu lý thuyết về tham, sân, si, giản dị chỉ mô tả các đặc
tính khác nhau của các lậu hoặc tinh thần đó: "Ham muốn ích
kỷ có nghĩa là như thế này; sân hận mang ý nghĩa như thế kia;
si mê được định nghĩa như thế nọ, v.v." Khi chỉ hiểu biết
suông qua các đặc tính lý thuyết đó, chúng ta có thể thuyết
giảng về chúng, nhưng chỉ trên một mức độ nông cạn. Chúng ta
thông minh và hiểu biết như thế, nhưng khi các lậu hoặc đó
thực sự khởi lên trong tâm chúng ta, chúng có hoàn toàn
giống hệt như trong lý thuyết không? Thí dụ như, khi chúng
ta gặp phải việc gì bất như ý, chúng ta có phản ứng chống
lại và trở nên cau có chăng? Chúng ta có bám chặt lấy nó
không? Hay là chúng ta buông bỏ, cho qua đi? Nếu sự hiềm
ghét nổi lên và chúng ta thấy được như thế, chúng ta có còn
ôm ấp sự hiềm ghét đó mãi chăng? Hoặc khi chúng ta đã nhận
diện rõ ra sự hiềm ghét rồi, chúng ta có lập tức buông bỏ nó
không? Nếu tự xét mình khi có điều không vừa ý nào đó mà lại
nổi lên sự hiềm ghét và cố giữ sự hiềm ghét đó mãi, tốt hơn
là ta nên quay về học tập lại nữa. Bởi vì sự cố chấp đó
không phải là thái độ đúng đắn. Sự thực tập vẫn chưa được
hoàn hảo. Hễ khi đã hoàn hảo rồi, tự nhiên có sự buông bỏ
xảy ra. Các bạn hãy nhìn lại sự việc dưới ánh sáng này.
Chúng ta
phải thành thực nhìn sâu vào chính tâm của chúng ta, nếu ta
muốn thể nghiệm được các lợi lạc của sự thực tập. Cố gắng mô
tả các tình trạng tâm lý, qua các loại tâm sở khác nhau và
các đặc tính của chúng, chưa phải là sự thực tập đầy đủ. Còn
nhiều việc khác cần làm hơn thế nữa. Nếu cần học tập các
điều ấy, bạn hãy tìm hiểu chúng một cách tuyệt đối, với sự
sáng tỏ rõ ràng và sự hiểu biết thâm sâu. Thiếu sự trong
sáng của minh quán, làm sao ta hoàn tất được việc học tập?
Chúng ta không bao giờ học tập cho xong cả.
*
V ì
thế, thực hành Chánh Pháp là một việc làm rất quan trọng.
Khi tôi thực hành, đó là tôi đang học tập. Tôi không biết
nhiều về các tâm sở, các bản tính đặc thù của tâm. Tôi chỉ
quan sát phẩm chất của sự hiểu biết. Nếu một tư tưởng khởi
lên, tôi liền tự hỏi tại sao. Nếu một ý hờn giận nổi lên,
tôi tự hỏi tại sao. Nếu một ý yêu thương sinh ra, tôi tự hỏi
tại sao. Đó là phương cách mà tôi thực hiện. Cho dù có đặt
tên các ý đó là tư tưởng, là tâm sở, là yếu tố tâm lý, là gì
gì đi nữa, cũng đã có sao? Chỉ cần đi thật sâu vào điểm đó
cho đến khi nào các cảm xúc thương hay ghét hoàn toàn biến
mất khỏi tâm. Khi tôi có đủ khả năng để chận dừng sự yêu hay
ghét, trong bất cứ trường hợp nào, tôi mới có thể vượt thoát
khỏi sự đau khổ. Rồi thì đâu cần việc gì xảy ra thêm; tâm và
trí đã được giải thoát và thoải mái. Không có gì còn lưu lại.
Tất cả đều dừng đứng lại.
Xin hãy thực
tập như thế. Nếu có ai muốn thuyết giảng về lý thuyết, đó là
việc của họ. Nhưng dù có tranh luận đến bao nhiêu đi nữa, sự
thực tập cũng chỉ gom lại ở một điểm duy nhất tại đây. Khi
sự việc nào khởi lên, nó khởi lên ngay tại đây. Dù nhiều hay
ít, nó cũng bắt nguồn từ ngay nơi đây. Khi nó chấm dứt, sự
chấm dứt cũng xảy ra ngay tại đây. Còn chỗ nào khác nữa sao?
Đức Phật gọi điểm tại đây là "trí tuệ". Khi trí tuệ
đó biết được sự vật một cách chính xác, phù hợp với Chân Lý,
chúng ta thông hiểu được ý nghĩa của tâm. Sự vật luôn luôn
lừa gạt không ngừng. Khi ta học tập về chúng, chúng luôn dối
gạt ta. Tôi còn phải nói cách nào nữa đây? Mặc dù bạn biết
chúng, bạn vẫn bị mê hoặc vì chúng, ngay tại nơi bạn biết
đến chúng. Đấy là thực trạng. Vấn đề là như thế này: ý định
của Đức Phật không phải là muốn ta biết các sự vật được gọi
tên là gì. Mục đích giáo pháp của Ngài là dạy ta hãy suy gẫm
để tìm ra con đường giúp chúng ta thoát ra khỏi các ràng
buộc của vạn pháp, xuyên qua sự truy tầm các nguyên nhân sâu
xa nằm ẩn bên dưới.
Thiện Nhựt &
Bình Anson trích dịch
-2-
Bốn mươi lăm năm hoằng pháp của Ðức Phật
Năm đầu tiên
(528 TCN): Sau khi
thành đạo vào đêm rằm tháng Vesakha (tức tháng Tư âm lịch),
Đức Phật đến ngụ tại khu vườn nai (Lộc uyển), vùng Chư thiên
đọa xứ (Isipatana) tức Sa-nặc (Sarnath) ngày nay, gần thành
Ba-na-lại (Benares). Tại đó, Ngài giảng bài kinh đầu tiên,
kinh Chuyển Pháp Luân, hóa độ năm anh em đạo sĩ
Kiều-trần-như (Kodañña) và cư sĩ Da-xá (Yasa).
Năm thứ 2-4
(527-525 TCN): Ngụ
tại thành Vương-xá (Rajagaha), kinh đô của xứ Ma-kiệt-đà
(Magadha). Ngài cảm hóa vua Bình-sa (Bimbisara). Vua cúng
dường khu rừng Trúc Lâm (Veluvana), ngoài cửa Bắc của thành
Vương-xá, làm nơi trú ngụ của Ðức Phật và chư Tăng. Ngài
thường đến núi Linh Thứu (Gijjhakuta) để giảng đạo.Trong
thời gian nầy, Ngài hóa độ Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, y sĩ
Kỳ-bạt (Jivaka) và trưởng giả Tu-đạt Cấp Cô Độc (Sudatta
Anathapindika). Y sĩ Kỳ-bạt cúng dường khu vườn xoài làm
tinh xá, và trưởng giả Cấp Cô Độc cúng dường tinh xá Kỳ Viên
(Jetavana). Ngài trở về thăm phụ vương Tịnh Phạn
(Suddhodana), và nhận hoàng tử La-hầu-la (Rahula) vào hàng
sa di.
Năm thứ 5
(524 TCN): Ngụ tại
Vệ-xá-li (Vesali), thủ đô của xứ Licchavi, và tại thành
Vương-xá. Tại thành Vệ-xá-li, Đức Phật cứu độ dân chúng đang
bị nạn hạn hán và bệnh dịch tả hoành hành. Vua Tịnh Phạn qua
đời trong năm này. Ðức Phật thành lập giáo đoàn Tỳ khưu ni
theo lời thỉnh cầu của bà di mẫu Maha Pajapati Gotami
(Kiều-đàm-di).
Năm thứ 6
(523 TCN): Ngụ tại
đồi Mankula, thành Kiều-thượng-di (Kosambi), xứ Vamsa, Ngài
thu phục và giáo hóa các người ngoại đạo.
Năm thứ 7
(522 TCN): Theo Chú
giải bộ Pháp Tụ và Chú giải kinh Pháp Cú (kệ 181), trong mùa
hạ năm này, Đức Phật trú tại cõi trời Ðao-lợi (Tavatimsa).
Ngài dạy Thắng Pháp (Abhidhamma, Vi diệu pháp) cho chư thiên
và mẫu hậu Ma-da (Maha Maya). Mỗi ngày, Ngài trở về cõi
người, tại thành Sankassa, tóm tắt lại cho tôn giả
Xá-lợi-phất để tôn giả khai triển và giảng rộng ra cho hàng
đệ tử.
Năm thứ 8
(521 TCN): Ngụ tại
rừng Bhesakala, núi Cá Sấu (Sumsumaragiri), xứ Vamsa, Ngài
giảng pháp cho bộ tộc Bhagga.
Năm thứ 9
(520 TCN): Ngụ tại
thành Kiều-thượng-di. Nhân khi bị bà thứ hậu Magandhiya của
vua Udena oán ghét và bêu xấu, Ðức Phật dạy tôn giả A-nan
(Ananda) về hạnh kham nhẫn.
Năm thứ 10
(519 TCN): Ngụ tại
rừng Parileyya gần thành Kiều-thượng-di. Không khuyên giải
được các xung đột và tranh cãi giữa hai nhóm tu sĩ, Ðức Phật
bỏ vào rừng sống độc cư trong suốt 3 tháng hạ, và hóa độ
được một voi chúa và một chú khỉ. Hai con thú nầy đã giúp đỡ
Ngài trong các công việc hằng ngày.
Năm thứ 11
(518 TCN): Ngụ tại
làng Ekanala, phía nam thành Vương-xá, Ngài hóa độ vị điền
chủ Kasibharadvaja.
Năm thứ 12
(517 TCN): Ngụ tại
Veranja, phía nam thành Xá-vệ, Ðức Phật dạy tôn giả
Xá-lợi-phất rằng Ngài sẽ thiết chế giới luật vì có hoen ố
phát sinh trong hàng Tăng chúng. Nếu không như thế, Giáo
Pháp sẽ không tồn tại lâu dài.
Năm thứ 13
(516 TCN): Ngụ tại
núi đá Caliya.
Năm thứ 14
(515 TCN): Ngụ tại
tinh xá Kỳ-viên, thành Xá-vệ (Savatthi). Tôn giả La-hầu-la
tròn 20 tuổi và thọ Cụ túc giới, trở thành một vị Tỳ khưu.
Đức Phật hóa độ bà Tỳ-xá-khư (Visakha), về sau là vị nữ thí
chủ bậc nhất trong hàng đệ tử cư sĩ.
Năm thứ 15
(514 TCN): Ngụ tại
thành Ca-tì-la-vệ (Kapilavatthu) của bộ tộc Thích-ca. Vua
Thiện Giác (Suppabhuddha), cha của công chúa Da-du-đà-la
(Yosodhara), băng hà.
Năm thứ 16
(513 TCN): Ngụ tại
vùng Alavi, phía bắc thành Ba-na-lại. Ngài hàng phục quỷ ăn
thịt người Alavaka, sau đó, quỷ xin quy y Tam Bảo và nguyện
hộ trì Chánh Pháp.
Năm thứ 17
(512 TCN): Ngụ tại
tinh xá Trúc Lâm, thành Vương-xá.
Năm thứ 18
và 19 (511-510 TCN):
Ngụ tại núi đá Caliya.
Năm thứ 20
(509 TCN): Ngụ tại
tinh xá Trúc Lâm, thành Vương-xá. Vào một buổi sáng, trên
đường đi khất thực, Ngài hóa độ tướng cướp Vô Não
(Angulimala). Ðức Phật bị ngoại đạo vu cáo là đã mưu sát bà
Sundari.
Năm thứ 21
(508 TCN): Ngụ tại
tinh xá Trúc Lâm, thành Vương-xá. Tôn giả A-nan (Ananda)
chính thức nhận lời làm thị giả hầu cận Ðức Phật.
Năm thứ
22-44 (507-485 TCN):
Trong thời gian 23 năm này, Đức
Phật thường ngụ tại tinh xá Kỳ-viên. Ngài cũng đến ngụ tại
tinh xá Ðông viên (Pubbarama), phía đông thành Xá-vệ, do bà
Tỳ-xá-khư cúng dường. Hai vị đại trưởng lão Xá-lợi-phất và
Mục-kiền-liên lần lượt tịch diệt vào năm 485 TCN.
Năm thứ 45
(484 TCN): Ngụ tại
làng Beluva, phía nam thành Vệ-xá-li, Ngài trải qua một cơn
bệnh rất trầm trọng. Sau khi bình phục, vào buổi trưa ngày
rằm tháng Magha (tháng Giêng âm lịch), tại điện thờ Capala,
Ngài tuyên bố sẽ nhập diệt sau 3 tháng. Đức Phật tiếp tục du
hành qua các làng khác và nhập diệt tại làng Kusinara của bộ
tộc Malla, vào đêm trăng rằm tháng Vesakha (tương đương với
tháng Tư âm lịch).
*
Ghi chú:
1) TCN:
Trước Công Nguyên (Tây Lịch)
2) Tham
khảo:
- Ðức
Phật và Phật Pháp (The Buddha and his Teachings), Hòa
thượng Narada, Phạm Kim Khánh dịch Việt, 1970.
- Ðức Phật Lịch sử (The Historical Buddha), H.W.
Schumann, Trần Phương Lan dịch Việt, 1997.
- Tuần báo Giác Ngộ, số 67, ngày 12-07-1997.
-3-
Tám giới của
bậc Thánh
N goài
việc thọ trì, tuân giữ 5 điều giới căn bản trong đời sống
hằng ngày, thỉnh thoảng, trong các ngày trai giới, các dịp
lễ lớn, hay trong các khóa tu thiền tịnh tâm, người Phật tử
cư sĩ chúng ta thường giữ thêm Bát Quan Trai Giới. Tám giới
đó dựa vào năm giới căn bản, nhưng được khai triển thêm để
giúp tạo một đời sống tịnh hạnh, đơn giản, giúp tạo các điều
kiện thuận lợi để tu dưỡng tâm trí. Đó là:
1) Không
sát sinh.
2) Không trộm cắp.
3) Không hành dâm.
4) Không nói dối.
5) Không uống rượu và dùng các chất say.
6) Không ăn ngoài giờ (không ăn sau 12 giờ trưa).
7) Không tham gia múa hát, thổi kèn, đánh đàn, xem múa
hát, nghe đàn, kèn, và không trang điểm, thoa vật thơm,
dồi phấn và đeo tràng hoa.
8) Không nằm hay ngồi nơi quá cao, và nơi xinh đẹp.
Ngày trai
giới còn có tên gọi là ngày Bố-tát, phiên âm từ chữ
"Uposatha". Uposatha có nghĩa là đi đến và lưu
lại tại một ngôi chùa hay một tu viện. Theo phong tục Ấn Độ
ngày xưa, các giáo sĩ Bà-la-môn thực hiện các nghi lễ thanh
tịnh hóa, rồi rời gia đình, chọn một nơi thanh vắng để sống
độc cư trọn ngày, vào ngày trăng tròn (ngày rằm) và ngày đầu
trăng (mồng 1). Trong bối cảnh đó, Đức Phật cho phép các vị
tu sĩ đệ tử của Ngài hội họp lại vào các ngày đó để tụng
giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa (Patimokkha, giới luật tu
sĩ) và thuyết giảng cho hàng đệ tử cư sĩ khi họ đến lưu lại
tại chùa. Ngoài ra, cộng đồng Phật tử thời đó còn có 2 ngày
Bố-tát khác là ngày giữa tuần trăng đầu (mồng 8) và ngày
giữa tuần trăng sau (ngày 23).
Đó là bốn
ngày Bố-tát căn bản của truyền thống Phật giáo Nguyên thủy,
vẫn còn được áp dụng cho đến ngày nay. Tuy nhiên, tại Việt
Nam, Phật tử cư sĩ thường thọ trì 6 ngày trong tháng: 8, 14,
15, 23, 29, 30 (28, 29 cho tháng thiếu), hoặc 8 ngày: 5, 8,
14, 15, 20, 23, 29, 30.
1. Tám
giới của bậc Thánh
Các bài
giảng của Đức Phật có liên quan đến tám giới căn bản được
ghi lại trong Tăng chi bộ, Chương Tám Pháp, Phẩm "Ngày Trai
Giới". Đức Phật giảng rằng người nào thọ trì tám giới nghiêm
túc với tâm trong sạch, người ấy sống tịnh hạnh như một vị
thánh A-la-hán. Vì thế, các đệ tử của Ngài phải cố gắng giữ
tám giới trong ngày Bố-tát. Ngài giảng chi tiết cho bà
Visakha (Tỳ-sá-khư) như sau:
-"Thánh đệ
tử ấy, này Visakha, suy tư như sau:
1) "Cho đến
trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ sát sinh, tránh xa sát sinh,
bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương
xót đến hạnh phúc của tất cả chúng sinh và loài hữu tình.
Cũng vậy đêm nay và ngày nay, ta sống từ bỏ sát sinh, tránh
xa sát sinh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quí, có lòng từ,
sống thương xót đến hạnh phúc của tất cả chúng sanh và loài
hữu tình. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và
ta sẽ thực hành trai giới."
2) "Cho đến
trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ lấy của không cho, chỉ lấy
những vật đã cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh
tịnh, không có trộm cắp. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta
sống từ bỏ lấy của không cho, chỉ lấy những vật đã cho, chỉ
mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm
cắp. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và ta sẽ
thực hành trai giới."
3) "Cho đến
trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ tà hạnh, tịnh tu Phạm hạnh,
sống giải thoát, từ bỏ dâm dục hèn hạ. Cũng vậy, đêm nay và
ngày nay, ta sống từ bỏ tà hạnh, tịnh tu Phạm hạnh, sống
giải thoát, từ bỏ dâm dục hèn hạ. Về chi phần này, ta theo
gương các vị A-la-hán và ta sẽ thực hành trai giới."
4) "Cho đến
trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ nói láo, tránh xa nói láo,
nói những lời chân thật, y chỉ nơi sự thật chắc chắn, đáng
tin cậy, không lừa gạt, không phản lại lời hứa đối với đời.
Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta sống từ bỏ nói láo, tránh
xa nói láo, nói những lời chân thật, y chỉ nơi sự thật chắc
chắn, đáng tin cậy, không lừa gạt, không phản lại lời hứa
đối với đời. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán
và ta sẽ thực hành trai giới."
5) "Cho đến
trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ rượu men, rượu nấu làm cho
đắm say, tránh xa rượu men, rượu nấu làm cho đắm say. Cũng
vậy, đêm nay và ngày nay, ta sống từ bỏ rượu men, rượu nấu
làm cho đắm say, tránh xa rượu men, rượu nấu làm cho đắm
say. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và ta sẽ
thực hành trai giới."
6) "Cho đến
trọn đời, các vị A-la-hán ăn một ngày một bữa, không ăn ban
đêm, không ăn phi thời. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta
sống ăn một ngày một bữa, không ăn ban đêm, không ăn phi
thời. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và ta
sẽ thực hành trai giới."
7) "Cho đến
trọn đời, các vị A-la-hán tránh xa không xem múa, hát, nhạc,
diễn kịch, không trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu
thoa và các thời trang. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta
sống tránh xa không xem múa, hát, nhạc, diễn kịch, không
trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời
trang. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và ta
sẽ thực hành trai giới."
8) "Cho đến
trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ giường cao, giường lớn,
tránh xa giường cao, giường lớn. Các vị ấy nằm trên giường
thấp, trên giường nhỏ hay trên đệm cỏ. Cũng vậy, đêm nay và
ngày nay, ta từ bỏ giường cao, giường lớn, tránh xa giường
cao, giường lớn. Ta nằm trên giường thấp, trên giường nhỏ
hay trên đệm cỏ. Về chi phần này, ta theo gương các vị
A-la-hán và ta sẽ thực hành trai giới."
"Như vậy,
này Visakha, là Thánh trai giới, thực hành Thánh trai giới,
này Visakha, có quả lớn, có lợi ích lớn, có chói sáng lớn,
có ánh sáng lớn."
Trong Tăng
Chi Bộ, Chương Mười Pháp, Đức Phật cũng khuyên các cư sĩ của
bộ tộc Thích-ca trong các ngày Bố-tát phải nỗ lực hành trì
bát quan trai giới, sống tinh cần, nhiệt tâm, không phóng
dật trọn ngày và trọn đêm. Những lợi lạc do công phu tu tập
đó còn to lớn hơn tài sản của cải mà họ có thể tích tụ được
để sống sung túc cả trăm năm; vì công phu đó sẽ tạo thiện
nghiệp đưa đến tái sinh trong các cõi trời an lạc với tuổi
thọ cả ngàn năm.
Hơn thế nữa,
kết quả đó sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi để phát triển tuệ
giác, đưa họ nhập dòng thánh giải thoát, qua các quả vị Dự
lưu, Nhất lai, và Bất lai. Ngài nói:
-"Ở đây, này
các Thích tử, đệ tử của Ta, trong 10 năm sống không phóng
dật, nhiệt tâm, tinh cần như lời Ta giảng dạy. Như vậy, vị
ấy thực hành, vị ấy có thể sống trăm năm, ngàn năm, trăm
ngàn năm được cảm thọ nhất hướng lạc. Vị ấy có thể chứng
được quả Bất lai, quả Nhất lai hay quả Dự lưu không có sai
chạy.
Này các
Thích tử, đâu phải là 10 năm! Ở đây, đệ tử của Ta trong 9
năm, ... trong 8 năm, ..., trong 1 năm, ... trong 10 tháng,
... trong 9 tháng, ... trong 8 tháng, ... trong 1 tháng, ...
trong 10 đêm 10 ngày... trong 9 đêm 9 ngày... trong 8 đêm 8
ngày... trong 1 đêm 1 ngày sống không phóng dật, nhiệt tâm,
tinh cần như lời Ta giảng dạy. Như vậy, vị ấy thực hành, vị
ấy có thể sống trăm năm, ngàn năm, trăm ngàn năm được cảm
thọ nhất hướng lạc. Vị ấy có thể chứng quả Bất lai, quả Nhất
lai, hay quả Dự lưu, không sai khác."
2. Tám
giới trong đời sống tu sĩ
Không chỉ
dành riêng cho hàng cư sĩ, tám giới trên cũng áp
dụng cho đời sống xuất gia. Tám giới này được bao
gồm trong 10 giới căn bản cho hàng Sa-di (Tiểu tụng
thuộc Tiểu bộ, và Chương I, Đại Phẩm, Tạng Luật, Tỳ
khưu Indacanda dịch), trong đó, giới thứ bảy của bát
quan trai giới được tách ra làm hai: giới không tham
gia múa hát, thổi kèn, đánh đàn, xem múa hát, nghe đàn, kèn;
và giới không trang điểm, thoa vật thơm, dồi phấn và đeo
tràng hoa. Cộng thêm vào đó là giới không cất giữ
vàng bạc, tổng cộng thành 10 giới.
Tám giới
nầy cũng nằm trong giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa (Patimokkha)
của các vị tỳ khưu.
- Không sát
sinh: trong phần Triệt khai bất cộng trụ và phần Ưng
đối trị.
- Không trộm
cắp: trong phần Triệt khai bất cộng trụ.
- Không hành
dâm: trong phần Triệt khai bất cộng trụ.
- Không nói
dối: trong phần Triệt khai bất cộng trụ và phần Ưng
đối trị.
- Không uống
rượu và các chất say: trong phần Ưng đối trị.
- Không ăn
trái giờ: trong phần Ưng đối trị.
- Không nằm
ngồi nơi quá cao và xinh đẹp: trong phần Ưng xả đối trị
và phần Ưng đối trị.
Riêng giới
không múa hát, thổi kèn, đàn, xem múa hát, nghe đàn kèn
tuy không ghi rõ trong giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa nhưng
có ghi trong các điều liên quan đến tội Tác ác (dukkata),
thuộc Tiểu Phẩm (Chương V), của Tạng Luật. Duyên sự
như sau:
Một lần
nọ, tại thành Rājagaha (Vương xá) có lễ hội ở trên đỉnh
núi. Các tỳ khưu nhóm Lục Sư (lục quần tỳ khưu) đã đi xem lễ
hội ở trên đỉnh núi. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai
rằng:
- Tại sao
các sa-môn Thích tử lại đi xem vũ, ca, luôn cả tấu nhạc,
giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?
Các tỳ khưu
đã nghe được những người dân ấy phàn nàn, phê phán, chê bai.
Các tỳ khưu ít ham muốn, tự biết đủ, khiêm tốn, có hối hận,
ưa thích sự học tập, đến trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
Ngài khiển trách nhóm Lục Sư ấy, rồi bảo các tỳ khưu
rằng:
- Này các tỳ
khưu, không nên đi xem vũ, ca, hoặc tấu nhạc; vị nào đi thì
phạm tội dukkata (tác ác).
Ngay cả
đến việc ngâm nga các bài kệ, bài pháp với các âm
điệu trầm bổng du dương cũng bị Đức Phật khiển
trách và ngăn cấm. Một lần nọ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư
ngâm nga giáo pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài. Dân
chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Các sa-môn
Thích tử này ngâm nga giáo pháp theo âm điệu ca hát với sự
kéo dài giống y như chúng ta ca hát vậy.
Các tỳ khưu
đã nghe được những người dân ấy phàn nàn, phê phán, chê bai.
Các tỳ khưu ít ham muốn, tự biết đủ, khiêm tốn, có hối hận,
ưa thích sự học tập, đến trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
Ngài khiển trách nhóm Lục Sư ấy, rồi bảo các tỳ khưu
rằng:
- Này các tỳ
khưu, đây là năm điều bất lợi khi ngâm nga giáo pháp theo
âm điệu ca hát với sự kéo dài: Bản thân vị ấy bị say đắm
trong âm điệu, luôn cả những kẻ khác cũng bị say đắm trong
âm điệu, hàng tại gia phàn nàn, trong khi ra sức thể hiện âm
điệu thiền định bị phân tán, điều cuối cùng là dân chúng
thực hành theo đường lối sai trái. Này các tỳ khưu, đây là
năm điều bất lợi khi ngâm nga Pháp theo âm điệu ca hát với
sự kéo dài. Này các tỳ khưu, không nên ngâm nga giáo pháp
theo âm điệu ca hát với sự kéo dài; vị nào ngâm nga thì phạm
tội dukkata (tác ác).
Chương V,
Tiểu Phẩm, cũng có ghi việc Đức Phật khiển trách
và ngăn cấm các tu sĩ trang điểm, thoa vật thơm, đeo
tràng hoa, v.v. Duyên sự như sau:
Một lần
nọ, các tỳ khưu trong nhóm Lục Sư thoa dầu khuôn mặt, xoa
bóp khuôn mặt, thoa phấn khuôn mặt, tô điểm mặt bằng bột
phấn đỏ, vẽ màu ở thân thể, vẽ màu ở mặt, vẽ màu ở thân thể
và ở mặt. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Tại sao
các sa-môn Thích tử lại thoa dầu khuôn mặt, xoa bóp khuôn
mặt, thoa phấn khuôn mặt, tô điểm mặt bằng bột phấn đỏ, vẽ
màu ở thân thể, vẽ màu ở mặt, vẽ màu ở thân thể và ở mặt
giống như các kẻ tại gia hưởng thụ dục lạc vậy?
Các tỳ khưu
đã nghe được những người dân ấy phàn nàn, phê phán, chê bai.
Các tỳ khưu ít ham muốn, tự biết đủ, khiêm tốn, có hối hận,
ưa thích sự học tập, đến trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
Ngài khiển trách nhóm Lục Sư ấy, rồi bảo các tỳ khưu
rằng:
- Này các tỳ
khưu, không nên thoa dầu khuôn mặt, không nên xoa bóp khuôn
mặt, không nên thoa phấn khuôn mặt, không nên tô điểm mặt
bằng bột phấn đỏ, không nên vẽ màu ở thân thể, không nên vẽ
màu ở mặt, không nên vẽ màu ở thân thể và ở mặt; vị nào thực
hiện thì phạm tội dukkata (tác ác).
3. Áp dụng
bát quan trai giới trong đời sống cư sĩ
Theo truyền
thống, trong ngày Bố-tát, người cư sĩ Phật tử thức dậy sớm,
sửa soạn thức ăn, rồi cúng dường đến các vị Tăng sĩ đi khất
thực trong xóm làng. Hoặc họ mang thức ăn đến chùa và cúng
dường đến chư Tăng ở đó. Đồng thời, các vị Phật tử này xin
chư Tăng đọc truyền Tam quy và Bát quan trai giới để được
thọ trì trong suốt ngày và đêm hôm đó. Có thể là sau đó, họ
trở về nhà, sinh hoạt bình thường, nhưng vẫn tuân giữ tám
giới cho đến sáng hôm sau. Có thể là họ thu xếp để ở lại
chùa trọn ngày và trọn đêm hôm đó. Cần ghi nhớ ở đây là phải
trì giữ trọn vẹn các trai giới đó trong suốt 24 giờ.
Tùy theo nếp
sinh hoạt của mỗi chùa, chương trình có thể thay đổi. Có
những nơi Phật tử lưu lại đó để đọc sách, nghe thuyết pháp,
đóng góp vào các công tác Phật sự, làm công quả tại chùa. Có
những nơi chú trọng đến hành thiền, người Phật tử dành trọn
ngày và đêm để tập sống quán niệm, tĩnh tâm, xen kẽ các buổi
ngồi hành thiền và đi kinh hành, và đến gặp thiền sư để tham
vấn riêng về các vấn đề có liên quan đến công phu tu tập của
mình.
Có những
chùa tổ chức đêm thọ đầu đà, với tham dự viên nguyện không
ngủ hay nằm, tích cực tham gia vào các buổi thuyết pháp và
thảo luận về Phật pháp. Trong đêm đầu tháng và giữa tháng,
nếu tại chùa có trên 4 vị Tỳ khưu, chư Tăng tụ họp tại chánh
điện, nơi có kết giới Sima, để tụng đọc 227 điều giới bổn
của hàng Tỳ khưu, và cuộc lễ này có thể kéo dài hơn một giờ.
*
N gày
nay, trong môi trường xã hội kinh tế hiện đại, khi chúng ta
phải sinh hoạt, làm việc theo lịch Tây phương, rất khó tuân
giữ các ngày Bố-tát đúng theo âm lịch. Khuynh hướng thông
thường là dời ngày Bố-tát vào những ngày cuối tuần, khi mọi
người được nghỉ ngơi, dễ thu xếp để gặp nhau, hay đi đến
chùa, đến các tịnh thất, thiền viện. Có những nhóm Phật tử
đã linh hoạt tổ chức ngày "Tĩnh tâm" hằng tháng, vào ngày
cuối tuần kề cận với đêm trăng rằm, thường là ngày thứ Bảy
và hành trì bát quan trai giới trọn ngày và trọn đêm đó cho
đến sáng ngày Chủ nhật.
Nếu có chư
Tăng Ni hiện diện, chúng ta thỉnh quý vị ấy truyền quy
giới. Ở những nơi không có Tăng Ni, chúng ta có thể mời một
vị cư sĩ lớn tuổi, có uy tín, tuyên đọc quy giới, và mọi
người cùng đọc theo, và tự nguyện thọ trì với tâm trong
sạch. Chương trình sinh hoạt thì tùy duyên, có thể là tổ
chức các buổi hành thiền, tham cứu kinh sách, xen kẽ với
các buổi thuyết pháp hoặc đàm luận về Phật pháp, hoặc cùng
tụng đọc các bài kinh căn bản như kinh Từ Bi, kinh Hạnh
Phúc, kinh Châu Báu, kinh Chuyển Pháp Luân, v.v., hoặc cùng
nghe các bài giảng, các bài kinh tụng thu âm trong băng
audio-cassette hay đĩa CD.
Tương tự
trong tinh thần đó, ở những nơi xa xôi, không có nhiều bạn
đồng tu, không có chùa, không có Tăng Ni, chúng ta vẫn có
thể tự tổ chức một ngày trai giới tại nhà riêng, tự đọc lên
lời nguyện quy y Tam Bảo và hành trì Tám Giới, rồi lập ra
một chương trình tịnh tu cho riêng mình trong trọn ngày ấy.
Đ iều
quan trọng là mỗi người chúng ta cần phải tu tập giữ tâm
thanh tịnh, nhu hòa, không bận rộn, không lo âu tính toán,
và lúc nào cũng cố gắng tỉnh giác, chuyên chú, chánh niệm,
nhất tâm hướng về Phật Pháp trong suốt thời gian thọ trì bát
quan trai giới.
-4-
Sơ lược về Lý
Duyên Khởi
T ên
Phạn ngữ Pāli của lý Duyên khởi hay Duyên sinh là
"Paticcasamuppāda", còn được dịch là "Tùy thuộc Phát
sinh", tiếng Anh là "Dependent Origination".
Thuyết nầy bao gồm 12 thành tố, nên cũng được gọi là Thập
Nhị Nhân Duyên.
Trong Tăng
chi bộ, bài kinh số 92 thuộc chương Mười Pháp, Đức Phật
giảng cho trưởng giả Cấp Cô Độc:
"Ở đây, này
gia chủ Cấp Cô Độc, vị Thánh đệ tử quán sát như sau:
Do cái
này có, cái kia có.
Do cái này sinh, cái kia sinh.
Do cái này không có, cái kia không có.
Do cái này diệt, cái kia diệt."
Đó là tóm
lược lý Duyên khởi. Rồi Ngài giảng rộng ra:
"Tức là
do duyên vô minh, có các hành.
Do duyên các hành, có thức.
Do duyên thức, có danh sắc.
Do duyên danh sắc, có sáu nhập.
Do duyên sáu nhập, có xúc.
Do duyên xúc, có thọ.
Do duyên thọ, có ái.
Do duyên ái, có thủ.
Do duyên thủ, có hữu.
Do duyên hữu, có sinh.
Do duyên sinh, có già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.
Như vậy, là
sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này."
Tiếp theo,
Đức Phật giảng về sự đoạn diệt các khổ uẩn:
"Do vô
minh diệt, không có dư tàn, nên các hành diệt.
Do các hành diệt, nên thức diệt.
Do thức diệt, nên danh sắc diệt.
Do danh sắc diệt, nên sáu nhập diệt.
Do sáu nhập diệt, nên xúc diệt.
Do xúc diệt, nên thọ diệt.
Do thọ diệt, nên ái diệt.
Do ái diệt, nên thủ diệt.
Do thủ diệt, nên hữu diệt.
Do hữu diệt, nên sinh diệt.
Do sinh diệt, nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt.
Như vậy là
toàn bộ khổ uẩn này diệt. Ðây là Thánh lý được khéo thấy và
khéo thể nhập với trí tuệ."
Như thế, khi
thuyết giảng lý Duyên khởi, Đức Phật dạy cho chúng ta thấy
rằng vì vô minh và bị mê si mà sự hiện hữu và khổ đau hiện
tại đã phát sinh; do sự diệt tận của vô minh, và từ đó ái
diệt và thủ diệt, mà không còn sự tái sinh nào tiếp theo; và
như vậy, tiến trình hiện hữu được dừng lại, và cùng với sự
dừng lại ấy, là sự chấm dứt mọi đau khổ.
*
Ở đây, xin
trình bày sơ lược tóm tắt về các liên hệ giữa 12 thành tố
của lý Duyên khởi như sau:
Vô minh
duyên hành: Do vô
minh (avijjā), các hành (sankhara) có điều
kiện để sinh ra. Hành là những tâm sở Tư (cetanā - tác ý,
cố ý), sẽ đưa đến tái sinh, còn gọi là hành nghiệp. Vô
minh ở đây chủ yếu là vô minh về Tứ Diệu Ðế, vô minh về lý
nhân duyên, vô minh về quá khứ và hiện tại của chúng ta.
Do vô minh,
đôi khi chúng ta làm những hành động thiện, nhưng phần lớn
chúng ta làm những hành động bất thiện, vì thông thường
những gì chúng ta làm đều bắt nguồn từ tham lam và sân hận.
Do vô minh, chúng ta làm đủ mọi loại hành động, vì chúng ta
không biết đâu là đúng, đâu là sai, hoặc chúng ta chỉ hiểu
đại khái rằng những hành động thế này là thiện, những hành
thế kia là bất thiện. Vì mù quáng bởi vô minh mà chúng ta
thường làm những điều sai lầm, dù rằng đôi khi chúng ta cũng
làm được những việc tốt lành.
Hai chi phần
này, Vô Minh và Hành, thuộc thời quá khứ, và đây là hai yếu
tố đã khiến ta hiện hữu ở thế gian này. Những hành động
thiện trong quá khứ như bố thí, trì giới, có những ý nghĩ
tốt đẹp, v.v. là những thiện nghiệp (kusala-kamma),
đã giúp ta sinh ra trong cõi người trên thế gian này.
Hành duyên
thức: Tùy thuộc nơi
hành nghiệp, thiện và bất thiện, chi phần thứ
ba khởi sinh, đó là Thức (viññāna). Thức thuộc thời
hiện tại, sinh khởi như kết quả của Vô Minh và Hành trong
quá khứ. Ở đây, Thức không có nghĩa là tất cả các loại tâm
mà chỉ là tâm tục sinh sau khi chết. Như vậy, khởi đầu của
kiếp sống hiện tại này, chúng ta có kiết sinh thức – thức
nối liền – nghĩa là thức nối liền kiếp sống hiện tại với quá
khứ. Khi Thức tái sinh phát khởi, ta được tái sinh. Ở đây,
ta dùng chữ "tái sinh", mà không dùng chữ "đầu thai" với ý
nghĩa một linh hồn bất biến đi tái sinh, bởi vì không có một
linh hồn bất tử trong quan niệm của đạo Phật.
Thức duyên
danh sắc: Tùy thuộc
nơi kiết sinh thức - thức nối liền, chúng ta có tâm và thân,
tức là Danh (nāma) và Sắc (rūpa), hay sự kết
hợp tâm lý và vật lý. Danh là phần tinh thần, còn Sắc
là phần vật chất.
Danh sắc
duyên lục nhập: Do
có thân và tâm, hay danh và sắc, ta có sáu Căn hay sáu Nhập
(āyatana). Có năm căn bên ngoài (ngoại môn, năm căn
vật lý): mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân, còn gọi là "ngũ môn"
hay năm cửa. Chẳng hạn qua nhãn môn, chúng ta tiếp nhận một
đối tượng của sự thấy, và qua nhãn môn, chúng ta buông bỏ
đối tượng đó; vì thế, con mắt có hai chức năng: thu nhận
và buông bỏ. Chữ "căn" được dùng ở đây với ý nghĩa của
một "căn cứ", dựa vào đó mà tâm có thể tác động. Căn
thứ sáu là ý căn (căn tâm lý). Đây là một căn thuộc bên
trong, hay nội môn. Nó không những chỉ là một căn hay môn,
mà nó cũng còn là dòng tiến sinh của chúng ta – Phạn ngữ
Pāli gọi là bhavanga hay "hữu phần". Chính dòng tiến
sinh này dẫn ta đi hết kiếp sống này đến kiếp sống khác
trong vòng sinh tử luân hồi.
Lục nhập
duyên xúc: Nhờ có
sáu căn, ta có Xúc (phassa). Xúc là sự va chạm
hay giao tiếp giữa một đối tượng giác quan bên ngoài với cơ
quan tương ứng của thân, hay nói cách khác, giữa căn và cảnh
(trần). Tùy thuộc nơi năm cửa giác quan (ngũ môn vật lý)
và ý căn (ý môn), ta có Xúc. Thí dụ như khi hiện hữu một
cảnh sắc và phần nhạy cảm của con mắt vật lý (tức nhãn căn),
trong một khoảng cách thích hợp và có ánh sáng thích hợp,
lúc đó, sự tiếp xúc giữa căn và cảnh sắc khởi sinh. Hình sắc
đó tiếp chạm với phần nhạy cảm của con mắt vật lý. Tương tự
như vậy với âm thanh và nhĩ căn, mùi hương và tỉ căn, v.v.
Xúc duyên
thọ: Vì có xúc nên
ta có cảm giác, và Thọ (vedanā) phát sinh. Khi có sự
giao tiếp với một đối tượng qua căn, ta có cảm thọ.
Nếu sự tiếp xúc là mềm mại, ta có một cảm giác dễ chịu; nếu
sự tiếp xúc là thô tháo, ta có một cảm giác khó chịu; hoặc
đôi khi, ta cũng có một cảm giác trung tính, không khổ không
lạc.
Thọ duyên ái:
Vì có thọ, nên Tham Ái (tanhā) khởi sinh. Khi có cảm
thọ dễ chịu - qua thấy, nghe, ngữi, nếm, đụng chạm, v.v.,
tham ái, thích thú sinh khởi. Ái cũng khởi sinh khi có cảm
thọ khó chịu. Trong bộ Thanh Tịnh Ðạo, Ngài Phật Âm giải
thích: "Khi một bệnh
nhân có cơn đau kinh khủng, người ấy có cảm thọ khó chịu.
Lúc ấy, tham ái khởi lên, vì người ấy có ước muốn thoát ra
khỏi cơn đau đó, mong muốn thoát ra khỏi cảm thọ khó chịu
đó. Như vậy, tham ái khởi lên bằng hai cách: khi có cảm thọ
dễ chịu và khi có cảm thọ khó chịu".
Ái duyên thủ:
Khi ái phát sinh, Chấp Thủ (upādāna) liền theo sau.
Ái là tham muốn nhẹ nhàng, Thủ là bám rễ thâm sâu, trói buộc
chúng ta vào một điều gì đó. Tham tự nó không dính mắc,
không tiến đến trạng thái chấp thủ, đó chỉ là sự ước muốn
hay mong muốn đơn thuần. Tuy nhiên, với một phàm nhân không
tỉnh giác, tham ái liền dẫn theo lòng chấp thủ.
Thủ duyên
hữu: Chấp thủ tạo
duyên để khởi sinh Hiện Hữu. Hữu (bhava) nghĩa là sự
trở thành, thu thập nghiệp lực mới cho đời sống tương lai.
Hữu có hai mặt: nghiệp hữu (kamma-bhava) là hành động
tích lũy của quả dị thục, và sinh hữu (upapatti-bhava)
là quả dị thục hướng đến tái sinh. Nói cách khác, do duyên
Ái và Thủ, chúng ta hành động tạo nghiệp, đây là những hành
động hiện tại (nghiệp hữu), và đồng thời, chúng ta chuẩn bị
cho sự tái sinh về sau (sinh hữu).
Hữu duyên
sinh: Do những hành
động hay nghiệp hiện tại, ta tạo mầm mống cho lần Tái Sinh
sắp tới (jāti), khởi đầu của kiếp sống tương lai.
Sinh duyên
già chết: Do tái
sinh trong thế gian này, nên ắt sẽ đưa đến Già Chết
(jarā-marana). Jarā là tuổi già, suy yếu dần dần,
rồi chết (marana). Vì đã sinh ra nên phải chịu buồn
rầu, sầu bi, khổ, ưu, não, tuyệt vọng, v.v.
*
Chúng ta
thấy ở đây có tất cả 12 chi phần, thường được các nhà Phật
học phân tích, chia thành 3 thời: quá khứ, hiện tại, và vị
lai. Hai chi Vô Minh và Hành thuộc về quá khứ. Năm chi:
Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ thuộc về hiện tại, xem
như là quả dị thục của quá khứ. Ái, Thủ, Hữu cũng thuộc hiện
tại và làm nhân cho tương lai. Sinh và Già chết thuộc về
tương lai, kết quả của những nhân đã gieo trong hiện tại. Từ
Sinh đến Già chết, chỉ có hai chi được đề cập ở thời
tương lai; tuy nhiên, chúng bao hàm cả năm chi phần trong
nhóm quả dị thục hiện tại – từ Thức đến Thọ. Trong cõi
người, sự kết hợp của năm chi phần này tạo ra cái gọi là đàn
ông hay đàn bà, và chính năm chi phần này là những gì được
sinh ra, già yếu, chết đi, rồi lại tái sinh… cứ tiếp tục mãi
mãi không ngừng, do những hành nghiệp từ quá khứ cũng như
trong hiện tại.
*
Trong quyển
sách "Cây Giác Ngộ" (The Tree of Enlightenment), Giáo
sư Peter Santina phân chia 12 chi phần thành 3 nhóm:
1) Nhóm
tai ách (ô trược): vô minh, ái và thủ;
2) Nhóm
hành động (nghiệp): hành và hữu; và
3)
Nhóm khổ đau: thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ,
sinh, và già chết.
Trong nhóm
thứ nhất, vô minh là căn bản. Do vô minh mà chúng ta tham
đắm vào các dục lạc giác quan, vào hưởng thụ, vào những ý
tưởng sai lầm, nhất là ý tưởng về cái Ta độc lập và thường
còn. Do vậy, vô minh, ái và thủ là nguyên nhân của nghiệp
(hành động).
Nhóm thứ hai
là nghiệp (hành động), gồm có hành và hữu. Hành bao hàm
những dấu ấn, hay thói quen hình thành trong dòng tâm thức,
hay sự tiếp diễn không ngừng của thức. Những dấu ấn ấy được
tạo thành bởi những hành động lập đi lập lại từ nhiều kiếp
trước, trở thành thói quen. Những thói quen đó dẫn dắt nhiều
hành động của ta trong hiện tại. Ngoài ra, còn có những hành
động tạo tác trong kiếp sống này, và được gọi là hữu. Những
thói quen vốn phát triển từ nhiều kiếp trước cùng với những
hành động tạo tác trong kiếp này dẫn đến tái sinh với thân
ngũ uẩn, rồi già chết, khổ đau, v.v. Đó là nhóm thứ ba.
Khi hiểu
được sự vận hành của lý Duyên khởi, ta có thể phá vỡ vòng
luân hồi sinh tử đó, bằng cách thanh lọc những bất tịnh của
tâm – là vô minh, ái và thủ. Một khi các bất tịnh này bị
loại bỏ, còn hành nghiệp sẽ không còn, và nguồn thói quen
cũng không sinh khởi. Khi hành nghiệp ngưng, tái sinh và khổ
đau cũng ngưng.
*
T rong
Trường bộ, kinh số 15, Ðức Phật dạy ngài Anandā rằng:
- "Nầy
Anandā, giáo pháp Duyên khởi rất thâm sâu, thật sự thâm sâu.
Chính vì không thông hiểu giáo pháp này mà thế gian giống
như một cuộn chỉ rối ren, một tổ chim, một bụi rậm lau lách,
và không thể thoát khỏi các đọa xứ, cõi dữ, phải chịu khổ
đau trong vòng luân hồi sinh tử."
Trong một
đoạn khác, trong bài kinh số 28 thuộc Trung bộ, Ngài dạy
rằng:
- "Ai
hiểu được lý Duyên khởi, người ấy hiểu Pháp; và ai hiểu được
Pháp, người ấy hiểu lý Duyên khởi".
Cho nên,
giáo lý Duyên khởi là một giáo lý tinh yếu, thâm sâu, quan
trọng, không phải dễ dàng thực chứng và thông hiểu. Là một
phàm nhân cư sĩ còn đang tu học, ở đây, chúng tôi chỉ có thể
trình bày tóm tắt sơ lược theo kiến giải thô thiển của mình.
-5-
An cư, Tự tứ và
Vu-lan
C ó
ba dịp lễ lớn trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy. Đó
là ngày lễ Magha Puja, Vesakha Puja, và Asalha
Puja. Puja nghĩa là tôn kính, quý kính, còn có
nghĩa là sự dâng cúng, cúng dường. Ở đây, Puja còn có
nghĩa là ngày lễ lớn. Magha, Vesakha, Asalha là tên
các tháng trong lịch của Ấn độ. So với âm lịch Việt Nam,
Magha tương ứng với tháng Giêng, Vesakha tương
ứng với tháng Tư, và Asalha tương ứng với tháng Sáu.
Magha Puja
là ngày lễ Rằm tháng Giêng, kỷ niệm ngày Đức Phật thuyết kệ
Ovada-Patimokkha, là căn bản cho các giới luật sau
này. Vesakha Puja là ngày lễ Rằm tháng Tư, tức là
ngày Tam Hợp, thường được gọi là lễ Phật Đản. Asalha Puja
là ngày lễ Rằm tháng Sáu, kỷ niệm ngày Đức Phật giảng kinh
Chuyển Pháp Luân, và sau đó, chư Tăng Nam tông bắt đầu mùa
An cư kiết hạ.
Ngoài ra,
truyền thống Nam tông còn có các ngày lễ khác như ngày Tự tứ
(rằm tháng Chín) – kết thúc mùa An cư kiết hạ, và mùa lễ
Dâng Y Kathina trong một tháng, từ ngày 16 tháng Chín đến
ngày Rằm tháng Mười âm lịch.
1. Chuyển
Pháp Luân
Ngài Bồ tát
Sĩ-đạt-ta rời gia đình, tìm đạo giải thoát năm 29 tuổi, và
thành đạo năm 35 tuổi, vào đêm trăng Rằm tháng Tư. Sau khi
Ngài giác ngộ, có vị Phạm thiên Sahampati cung thỉnh
Ngài vì lòng từ bi thuyết pháp độ đời. Đức Phật quan sát thế
gian và nhận lời thuyết pháp. Ðầu tiên, Ngài nghĩ đến đạo sĩ
Alara Kalama và đạo sĩ Uddaka Ramaputta, là
hai vị thầy dạy đạo cho ngài khi còn là Bồ-tát tầm sư học
đạo, nhưng chư Thiên báo là hai vị này đã qua đời. Tiếp đến,
Ngài nghĩ đến năm người bạn đồng tu là anh em đạo sĩ
Kondañña (Kiều-trần-như), Bhaddiya, Vappa, Mahānāma
và Assaji, lúc trước đã cùng tu khổ hạnh với ngài, và
hiện giờ họ đang ở vườn Lộc Uyển, gần thành Ba-la-nại.
Từ Bồ đề đạo
tràng, nơi Ngài giác ngộ, Đức Phật đi đến Lộc Uyển, một cuộc
hành trình khoảng 210 km, mất khoảng 2 tháng, và đến nơi đó
vào đúng ngày Rằm tháng Sáu. Thoạt tiên, khi thấy Ngài, anh
em Kondañña quyết định không chào hỏi, cũng không
đứng lên đảnh lễ Ngài, bởi vì họ cho rằng lúc trước, Ngài đã
từ bỏ lối tu khổ hạnh, không còn là một bậc chân tu nữa. Tuy
nhiên, khi Ngài tiến đến gần, chư vị bị chinh phục trước vẻ
cao quý của một bậc giải thoát, khiến họ đối xử với Ngài vô
cùng kính cẩn. Chư vị cầm lấy bình bát và thượng y của ngài,
sửa soạn chỗ ngồi cho Ngài, rửa chân Ngài và gọi Ngài là
"Hiền giả" (Avuso) theo thói quen. Song Đức Phật bác
bỏ cách xưng hô này, và nói:
-"Này chư
vị, đừng gọi Như Lai (Tathagata) là ‘Hiền giả’ như một trong
các vị. Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác" -
(Đại Phẩm, Tạng Luật)
Lời tuyên bố
đã khám phá con đường đưa đến bất tử tức con đường giải
thoát, đã giác ngộ và chứng đắc Chân Lý của Ngài được năm
người bạn đồng tu cũ đáp lại với vẻ hoài nghi. Chư vị hỏi: -
Làm thế nào một người đã từ bỏ khổ hạnh để chọn đời sống
sung túc, lại có thể chứng đắc Chân Lý? Ðức Phật giải thích
rằng Ngài chẳng hề tham đắm đời sống sung túc. Để làm sáng
tỏ mọi việc, Ngài thuyết giảng bài kinh Chuyển Pháp Luân,
khởi đầu công trình hoằng pháp của Ngài. Bài kinh trình bày
Pháp Giải Thoát là Trung Ðạo, và nêu lên Bốn Chân
Lý Cao Quý (Tứ Diệu Đế) – như đã ghi lại trong
Tạng Luật và trong Tương ưng bộ:
"Có hai cực
đoan, này chư vị, mà người xuất gia nên tránh. Hai cực đoan
đó là gì? Đắm mình vào dục lạc, thấp kém, tầm thường, hạ
liệt, không xứng đáng bậc Thánh, không ích lợi, là một cực
đoan. Cực đoan kia là chuyên tâm khổ hạnh ép xác, gây khổ
đau, không xứng đáng bậc Thánh, và cũng không ích lợi.
Này chư vị,
Như Lai đã tránh xa hai cực đoan này, và tìm ra Trung Ðạo,
chính là con đường khiến cho Ta thấy và biết rõ, con đường
đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn."
Ngài giảng
tiếp:
"Đây là Chân
lý về Khổ: Sanh, già, bệnh, chết là khổ; sầu, bi, ưu, não là
khổ; thân cận những gì ta không thích là khổ; xa lìa những
gì ta thích là khổ; cầu không được là khổ; tóm lại, ngũ thủ
uẩn là khổ.
Đây là Chân
lý về Nguồn gốc của Khổ: Ðó chính là khát ái đưa đến tái
sinh, câu hữu với hỷ và tham, tìm thấy lạc thú chỗ này chỗ
kia: đó là Dục ái, Hữu ái và Phi hữu ái.
Đây là Chân
lý về Khổ Diệt: Đó chính là sự đoạn trừ, diệt tận hoàn toàn
khát ái đó, quăng bỏ nó, chấm dứt nó, xả ly nó, không chấp
thủ nó.
Đây là Chân
lý về Con Ðường Diệt Khổ: Ðó là Thánh Ðạo Tám Ngành, tức là
Chánh Kiến, Chánh Tư duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh
Mạng, Chánh Tinh tấn, Chánh Niệm, và Chánh Ðịnh." - (Đại
Phẩm, Tạng Luật; Tương Ưng Bộ)
Năm vị tôn
giả hết sức chú tâm lắng nghe lời Ngài. Khi Ngài thuyết
giảng, tôn giả Kondañña quán triệt: "Những gì có
sinh khởi đều phải chịu qui luật hoại diệt", và đắc quả
Dự lưu. Sau đó, tôn giả liền xin Đức Phật nhận làm đệ tử.
Đức Phật nói: "Ðến đây, này tỳ khưu, Giáo Pháp đã được
khéo giảng, hãy sống đời phạm hạnh để đoạn tận khổ đau"
và nhận tôn giả làm đệ tử tỳ khưu. Như vậy, tôn giả
Kondañña là vị đệ tử tỳ khưu đầu tiên trong lịch sử
Phật giáo, đánh dấu khởi điểm sự thành lập Tăng đoàn, tồn
tại cho đến ngày nay.
Chẳng bao
lâu, lời dạy của Đức Phật đã giúp cho tôn giả Vappa
và Bhaddiya hiểu Pháp và hai vị cũng được nhận làm
đệ tử tỳ khưu. Trong lúc các ngài Kondañña, Vappa
và Bhaddiya đi khất thực để cung cấp thức ăn cho cả
nhóm, Đức Phật thuyết giảng riêng cho tôn giả Mahānāma
và Assaji. Sau đó, hai vị nầy đắc quả bậc Nhập lưu,
và xin làm đệ tử. Như vậy, lúc đó có sáu vị tỳ khưu trên thế
gian: Đức Phật và năm vị đệ tử đầu tiên của Ngài.
Vài ngày
sau, Đức Phật dạy bài pháp về Vô Ngã – ghi lại trong bài
kinh Vô Ngã Tướng, Tương Ưng Bộ. Khi năm vị đệ tử tỳ khưu
nghe lời thuyết giảng này của Đức Phật, tâm của chư vị thoát
khỏi mọi lậu hoặc, và trở thành bậc Thánh A-la-hán giải
thoát.
*
2. An cư
kiết hạ
Một ngày sau
lễ Rằm tháng Sáu, chư Tăng trong truyền thống Phật giáo Nam
tông bắt đầu mùa An cư kiết hạ.
Trong Chương
"Vào Mùa Mưa", Đại Phẩm, Tạng Luật, có ghi:
Đức Thế Tôn
ngự tại Trúc Lâm, thành Vương Xá. Lúc bấy giờ, việc an cư
mùa mưa chưa được Đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu. Các
vị tỳ khưu đi du hành trong mùa lạnh, trong mùa nóng, và cả
trong mùa mưa nữa. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai
rằng:
-"Vì sao các
sa môn Thích Tử lại đi du hành trong mùa lạnh, trong mùa
nóng, và cả trong mùa mưa nữa? Ngay cả các du sĩ ngoại đạo,
dù có giáo lý được thuyết tồi tệ, vẫn sống cố định một chỗ
trong mùa mưa, ngay cả những con chim sau khi làm tổ trên
các ngọn cây cũng sống cố định trong mùa mưa. Còn các sa môn
Thích Tử thì lại đi du hành trong mùa lạnh, trong mùa nóng,
và cả trong mùa mưa nữa. Các vị ấy đang dẫm đạp lên các loại
cỏ xanh, đang hãm hại mạng sống của loài chỉ có một giác
quan, và đang gây nên việc giết hại hàng loạt chúng sanh nhỏ
nhoi."
Các tỳ khưu
nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Vì
thế, các vị ấy trình sự việc lên Đức Thế Tôn. Đức Phật nhân
sự việc này mà bảo các tỳ khưu rằng:
-"Này các tỳ
khưu, ta cho phép an cư trong mùa mưa. Đây là hai thời điểm
vào mùa an cư: thời điểm trước và thời điểm sau. Thời điểm
trước là ngày kế của ngày trăng tròn tháng Asalha, thời điểm
sau là vào ngày sau trăng tròn tháng sau."
Tính theo âm
lịch của Việt Nam nếu không có tháng nhuần thì thời điểm
trước là ngày 16 tháng 6, thời điểm sau là ngày 16 tháng 7.
Ngài dạy tiếp:
-"Này các tỳ
khưu, không nên ra đi du hành trong mùa an cư ba tháng. Vị
nào ra đi thì phạm tội tác ác (dukkata)."
Tuy nhiên,
nếu có chuyện cần kíp và được thỉnh mời, vị tỳ khưu được
phép rời trú xứ trong thời hạn không quá 7 ngày. Đức Phật
dạy:
-"Này các tỳ
khưu, ta cho phép đi khi được thỉnh mời với công việc có thể
giải quyết trong bảy ngày; và không nên đi, nếu không được
thỉnh mời."
Suốt thời kỳ
gió mùa ở miền bắc Ấn Độ, từ tháng Sáu đến tháng Mười, chư
Tăng sống một nơi cố định trong 3 tháng an cư. Chư vị có thể
lựa chọn cách tự mình xây một am thất trú mưa, hay ở trong
một tinh xá sẵn có.
Mùa an cư
bắt đầu từ ngày rằm tháng Asalha (rằm tháng Sáu). Tuy
nhiên, Đức Phật cũng cho phép bất kỳ một tỳ khưu nào khởi sự
chậm hơn một tháng, vào ngày rằm tháng Bảy, gọi là "hậu An
cư". Việc đình chỉ du hành chấm dứt vào ngày rằm tháng Chín
(Assina). Nếu vị nào khởi sự chậm hơn một tháng, thì
chấm dứt vào tháng Mười (Kattika). Chư Tăng tổ chức
lễ sám hối Bố-tát (Uposatha) đặc biệt, gọi là lễ Tự
tứ (Pavarana), đánh dấu kết thúc mùa an cư. Sau đó,
các tỳ khưu công bố hoàn tất các phận sự trong Giới Luật,
rời nơi an cư, và bắt đầu du hành truyền đạo.
Tập tục an
cư mùa mưa không chỉ có lý do cổ truyền, mà còn có lý do
thực tiễn nữa. Khi trời đổ mưa ào ạt và các con sông chảy
tràn bờ, khi đường xá chìm trong bùn lầy, và những mảnh đất
không ngập nước làm thành nơi trú ẩn cho rắn rết, bọ cạp,
việc du hành và cắm lều ngoài trời hầu như không thể thực
hiện được. Hơn nữa, khí ẩm bốc hơi trong thời gió mùa tạo ra
những tai hại khác cho sức khỏe; và nếu một tỳ khưu bị bệnh,
chư Tăng dễ săn sóc vị ấy tại một tinh xá hơn là lúc di
chuyển.
Tục lệ an cư
mùa mưa còn có lợi cho Tăng chúng theo nhiều cách. Trong
suốt những tháng du hành theo ý riêng của mỗi người, có thể
là một vài tỳ khưu nào đó trở thành buông lung trong nếp
sinh hoạt. Trong mùa an cư, các tỳ khưu chung sống sinh hoạt
với nhau, nên phải chú tâm đến quy luật xử thế và theo đúng
nguyên tắc. Mùa an cư còn tăng cường mối đạo tình trong Tăng
đoàn. Cuộc sống chung ở một nơi và cùng học tập lời dạy của
bậc Ðạo Sư, sự trao đổi kinh nghiệm và kiến thức đưa đến sự
thiết lập các mối quan hệ thân hữu có giá trị giáo dục, đã
được Đức Phật đánh giá cao. Ngài nói:
"Quả thật
tất cả đời sống đồng Phạm hạnh của Tăng chúng cốt yếu ở tình
thân hữu giữa những người ưa thích điều thiện, ở tình đồng
đạo, đồng chí hướng. Một tỳ khưu làm bạn với điều thiện, là
người bạn giao du, người đồng chí hướng, có triển vọng tu
tập và làm sung mãn Bát Chánh Ðạo, để giải thoát cho đồng
bạn cũng như bản thân vị ấy."
Có lần Đức
Phật thấy một tỳ khưu bị bệnh, nằm bơ vơ không ai chăm sóc,
Ngài và Trưởng lão Ananda cùng đến săn sóc vị ấy. Rồi
Ngài gọi Tăng chúng đến và dạy:
"Này các tỳ khưu, chư vị không
có cha mẹ chăm sóc mình. Vậy, nếu chư vị không chăm sóc
nhau, thì ai sẽ làm việc ấy? Này các tỳ khưu, bất cứ ai
trong chư vị muốn chăm sóc Như Lai, thì vị ấy hãy chăm sóc
người bạn đồng Phạm hạnh."
Việc an cư
mùa mưa cũng quan trọng trong việc học tập của chư Tăng thời
đó. Chư vị tụng đọc lại các bài kinh của Đức Phật và học hỏi
những lời dạy mới của Ngài. Việc học tập nghe kinh không chỉ
giới hạn vào mùa an cư, nhưng được thuận lợi hơn nhờ sự
chung sống suốt ba tháng của một hội chúng tỳ khưu đông đảo
tại cùng một địa điểm. Có lẽ Giáo Pháp sẽ không được truyền
tụng đến thời đại chúng ta trong hình thức chính xác như
ngày nay, nếu Tăng chúng thời xưa không có cơ hội duyệt lại
toàn thể lời giáo huấn của Đức Phật trong các mùa an cư kiết
hạ hằng năm ấy.
3. An cư
trong các truyền thống khác
Giới luật tu
sĩ trong các truyền thống Phật giáo, trên căn bản, rất giống
nhau. Các tông phái đều tuân theo quy luật an cư kiết hạ
trong ba tháng. Tuy nhiên, thời điểm bắt đầu và kết thúc
không giống nhau, tùy theo cách tính mùa hạ trong năm.
Như đã trình
bày ở trên, theo Luật Nguyên thủy (Đại phẩm, Luật
tạng, Tỳ khưu Indacanda dịch), chương III (Mùa mưa): An
cư bắt đầu từ ngày 16 tháng Asalha (tương ứng
với tháng Sáu âm lịch), kéo dài 3 tháng. Hậu an cư
bắt đầu một tháng sau đó.
Theo Luật
Hữu Bộ (Tỳ-nại-da, Căn bản thuyết nhất thế hữu bộ,
Tỳ khưu Tâm Hạnh dịch), quyển An cư sự: An cư bắt đầu
từ ngày 16 tháng Năm âm lịch, kéo dài 3 tháng, Hậu an
cư bắt đầu một tháng sau đó.
Theo Luật
Ma-ha-tăng-kỳ (Hòa thượng Thích Phước Sơn dịch), quyển
27, Phép An cư: An cư bắt đầu từ ngày 16 tháng Tư âm
lịch, kéo dài 3 tháng. Hậu an cư bắt đầu một tháng
sau đó.
Theo Luật
Tứ Phần (Hòa thượng Thích Nguyên Chứng dịch), quyển 4,
chương III (An cư): An cư trong 3 tháng mùa hạ, không
thấy ghi rõ ngày tháng. Hậu an cư bắt đầu một tháng
sau đó.
4. Vu-lan và
kinh điển nguyên thủy
Ngày nay, đa
số Phật tử chúng ta thường tổ chức ngày Rằm tháng Bảy, theo
truyền thống Bắc tông, là ngày Lễ Vu-lan, một ngày báo hiếu
công ơn của cha mẹ. Trong cùng ngày đó, chư Tăng Ni Bắc tông
làm lễ Tự tứ, kết thúc mùa an cư, theo Luật Ma-ha-tăng-kỳ.
Lễ Vu-lan là dựa theo tích chuyện trong kinh Vu-lan-bồn (Ullambana
Sutra, Đại Chánh Tạng, tập 16), trong đó, Đức Phật dạy
Trưởng lão Mục-kiền-liên cúng dường thức ăn đến chư Tăng
trong ngày Tự tứ và hồi hướng phước báu đến mẹ là bà
Thanh-đề để giúp bà thoát khỏi khổ cảnh của kiếp ngạ quỷ.
Trong kinh
điển nguyên thủy, không thấy đề cập đến sự tích nêu trên.
Tuy nhiên, trong quyển Ngạ quỷ sự, thuộc Tiểu bộ, có ghi lại
một câu chuyện tương tự. Đó là chuyện ngạ quỷ mẹ của Ngài
Xá-lợi-phất (Chú giải Ngạ quỷ sự, Phẩm Ubbari, Chuyện
số 2, Tỳ khưu Thiện Minh dịch). Tóm tắt như sau:
Một ngày nọ,
các ngài Trưởng lão Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, A-nậu-lâu-đà
và Kế-tân-na ngụ tại một khu rừng hoang gần thành Vương Xá.
Một nữ ngạ quỷ với thân hình gầy ốm, hình tướng gớm ghiết,
đến gặp các ngài và cho biết trong tiền kiếp, ngạ quỷ từng
là mẹ của Ngài Xá-lợi-phất. Do lòng keo kiết, bủn xỉn, bà đã
đối xử tàn tệ với các vị tu sĩ, và lại sinh ác tâm chưởi rủa
mắng nhiếc các vị ấy, nên bà phải lảnh quả báo ác, sinh làm
ngạ quỷ trong kiếp này. Bà xin Trưởng lão Xá-lợi-phất tổ
chức bố thí cúng dường, rồi hồi hướng phước đến cho bà để
được thoát khỏi cảnh ngạ quỷ khổ sở.
Sáng hôm sau,
nhân khi đi khất thực trong thành Vương Xá, các ngài đến gặp
vua Bình-sa, và Ngài Mục-kiền-liên thuật lại câu chuyện ấy
cho vua nghe. Nhà vua hoan hỷ phát tâm trong sạch hứa sẽ
giúp Ngài Xá-lợi-phất. Vua truyền lệnh cho các quan dựng bốn
tịnh thất trong khu rừng ngoại thành, và sửa soạn vật thực,
đồ ăn, thức uống và y phục. Sau đó, nhà vua chuyển toàn bộ
những thứ ấy đến Ngài Xá-lợi-phất. Nhân danh mẹ, Ngài
Xá-lợi-phất bố thí cúng dường đến Đức Phật và Tăng đoàn, rồi
hồi hướng công đức phước báu đến cho bà. Nhờ đó, bà được tái
sinh vào cõi Trời Phạm Thiên.
M ặc
dù vài chi tiết trong câu chuyện này không giống như chuyện
ghi trong kinh Vu-lan-bồn, việc cúng dường đến chư Tăng, rồi
hồi hướng phước báu đến cha mẹ đã qua đời, có một ý nghĩa
rất rõ ràng, tương hợp trong cả hai truyền thống chính của
Phật giáo.
Perth, Tây Úc,
Tháng 8-2007
-ooOoo- |