- Những Bài Giảng Tóm
Tắt
- Của Khóa Thiền Minh
Sát Mười Ngày
BÀI GIẢNG
CỦA NGÀY THỨ NĂM
Bốn sự
thật cao thượng: Sự thật về khổ, sự thật về nguyên nhân của khổ,
sự thật về sự đoạn diệt khổ và sự thật về con đường dẫn đến
đoạn diệt khổ.
Vòng duyên khởi có điều kiện
Ngày thứ năm
đã qua; quý vị còn năm ngày tu tập nữa. Hiểu biết đúng phương pháp tu
tập, quý vị hãy cố gắng nỗ lực hành trì trong những ngày còn lại.
Bắt đầu
quán sát theo dõi hơi thở trong một khu vực giới hạn, quý vị đã thực
tập quán sát những cảm thọ trên toàn thân. Khi bắt đầu quán sát,
chúng ta sẽ tiếp xúc những cảm thọ thô, cứng ngắt, khốc liệt, chán
ghét như cảm thọ đau, cảm thọ căng thẳng v.v... Trước đây, quý vị đã
kinh qua những cảm thọ này, nhưng quý vị có thói quen phản ứng lại cảm
thọ, đắm nhiễm cảm thọ lạc và vướng kẹt cảm thọ khổ, và quý vị
luôn luôn bị khuấy động. Giờ đây quý vị đang hành trì phương cách
quán sát mà không phản ứng lại, khảo sát các cảm thọ một cách khách
quan, không đồng nhất với chúng nó.
Nỗi đau còn
tồn tại, nỗi khổ còn hiện hành. Khóc than sẽ không vơi đi đau khổ cho
bất cứ ai. Làm sao để chúng ta đoạn trừ khổ đau? Làm sao để chúng ta
sống với khổ đau?
Một vị Bác
sĩ đang điều trị cho bệnh nhân, ông cần phải biết căn bịnh của bệnh
nhân, và đâu là nguồn gốc của căn bệnh. Nếu tìm ra nguyên nhân của căn
bệnh, bác sĩ cần phải có phương pháp trừ khử. Một khi nguyên nhân đã
trừ khử rồi, căn bệnh tự động sẽ lành. Vì vậy chúng ta phải thực
tập từng bước sau đây để loại trừ nguyên nhân.
Trước hết
chúng ta phải chấp nhận sự thật khổ. Khổ hiện hữu ở mọi nơi; đây
là sự thật hiển bày ở tất cả. Nhưng chân lý của khổ trở thành sự
thật chỉ khi chúng ta bắt đầu sự quán sát nó mà không phản ứng lại,
bởi vì bất cứ ai thực hành như vậy chắc chắn sẽ trở thành một người
cao thượng, một bậc thánh.
Khi chúng ta
bắt đầu quán sát sự thật tối thượng thứ nhất, sự thật của khổ,
ngay khi đó nguyên nhân của khổ hiển bày rõ ràng, và chúng ta cũng bắt
đầu quán sát nó. Đây là sự thật tối thượng thứ hai. Nếu nguyên
nhân của khổ được đoạn trừ, thì khổ cũng được đoạn trừ. Đây
là sự thật tối thượng thứ ba - sự đoạn trừ khổ đau. Để đoạn trừ
khổ, chúng ta phải tu tập những phương thức đoạn trừ khổ. Đây là sự
thật tối thượng thứ tư - con đường dẫn đến chấm dứt khổ ngang qua
việc đoạn trừ các nguyên nhân của nó.
Chúng ta bắt
đầu tập quán sát không phản ứng lại. Quý vị quán sát và chiêm nghiệm
sự đau khổ của bản thân một cách khách quan, như thể quý vị đang quán
sát sự đau khổ của người khác. Xem xét nó kỹ lưỡng như một nhà khoa
học đang tiến hành cuộc thí nghiệm trong phòng thí nghiệm. Khi quý vị bị
thất bại, hãy cố gắng trở lại. Luôn nỗ lực, và quý vị sẽ thấy
quý vị đang đi dần ra khỏi khổ đau.
Mọi chúng
sanh đều phải chịu khổ đau. Cuộc đời khởi đầu bằng tiếng khóc;
sanh là nỗi khổ lớn. Và bất cứ ai đã sinh ra thì ắt hẳn phải chịu
những khổ đau của bệnh và tuổi già. Đời sống của chúng ta dù khổ
thế nào đi nữa cũng không ai muốn chết, vì chết là nỗi khổ lớn.
Suốt cuộc
đời, chúng ta đối diện những gì mà chúng ta không thích, và bị tách xa
những gì mà chúng ta thương mến. Những gì chúng ta không mong muốn lại
đến, những điều chúng ta mong muốn lại không đến, và chúng ta cảm thấy
đau khổ.
Nếu chỉ
hiểu biết sự thật khổ trên lĩnh vực tri thức, chúng ta không thể nào
giải thoát khổ đau được. Tri thức chỉ có thể cung cấp chúng ta một
động lực để tự nhìn lại chính mình, để chiêm nghiệm sự thật và
tìm ra con đường thoát khổ. Đây là phương pháp mà Thái Tử Siddhatha Gotama thực hành để trở thành một
Vị Phật: Ngài đã bắt đầu quán sát thực tại ngay tự thân giống như
một nhà nghiên cứu khoa học, di chuyển sự quán sát thực tại từ thô,
bên ngoài đến thực tại vi tế hơn và cuối cùng là thực tại vi tế nhất.
Ngài đã khám phá ra rằng bất cứ khi nào chúng ta sinh khởi tham ái, chấp
thủ một cảm thọ lạc hoặc từ bỏ một cảm thọ bất lạc, và khi sự
tham ái đó không được thỏa mãn, thì chúng ta bắt đầu khổ đau. Và xa
hơn nữa, ở cấp độ vi tế nhất, khi
chánh niệm quán sát, Ngài thấy rằng chính tham đắm năm thủ uẩn, năm tập
hợp tạo thành thân này, là khổ. Qua tư duy, chúng ta có thể hiểu rằng sắc
uẩn hay thân thể, không phải là "Ta", không phải "của
Ta", vì sắc uẩn chỉ là hiện tượng khách quan, nó luôn thay đổi vượt
ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta; tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta
đánh đồng chính mình với thân thể (sắc uẩn), và khởi tâm tham đắm nó.
Tương tự chúng ta phát triển sự tham đắm đối với bốn thủ uẩn còn
lại: đó là thức uẩn, tưởng uẩn, thọ uẩn, hành uẩn, và chấp thủ
chúng “là Ta”, “của Ta” cho dù bản chất của chúng luôn liên tục
thay đổi. Vì mục đích tự lợi chúng ta quen dùng những từ “Ta” và
“của Ta”, nhưng khi nào chúng ta tham đắm năm thủ uẩn thì khi đó
chúng ta tạo ra đau khổ cho bản thân. Bất cứ nơi nào có tham đắm, nơi
đó chắc chắn có đau khổ sinh ra, và tham đắm bao nhiêu thì khổ não sẽ
bấy nhiêu.
Có bốn loại
tham luyến có mặt trong cuộc sống mà chúng ta luôn duy trì và phát triển
chúng. Thứ nhất, do thói quen tham ái, chúng ta thường tham luyến những khát
vọng. Bất cứ khi nào tâm tham ái sinh khởi, nó kết hợp với một thân cảm
thọ. Mặc dầu ở độ sâu, tâm dao động đã phát sinh, ở cấp độ bên
ngoài, chúng ta cũng khởi tâm thích thú và mong muốn cảm thọ tiếp tục
còn mãi. Tham ái có thể so sánh với việc cào gãi một vết thương đang
ngứa: cào gãi như vậy chỉ làm cho vết thương trầm trọng thêm, tuy
nhiên chúng ta vẫn thích thú cảm thọ cào gãi ấy. Cũng như vậy, ngay khi
khát ái được thỏa mãn, cảm thọ phối hợp với khát ái cũng tan biến,
và cứ thế chúng ta tạo ra khát ái mới theo cách đó để cảm thọ có thể
tiếp tục. Chúng ta đắm chìm trong tham ái và tạo thêm đau khổ cho chính
mình.
Một tham
luyến khác là sự chấp thủ “Cái Ta” và “Cái của Ta”, không nhận
ra thật thể “cái Ta” là gì. Chúng ta không thể chịu đựng bất cứ phê
bình hoặc điều gì gây phương hại đến “Cái Ta”. Và sự tham luyến nới
rộng đến bất cứ những gì liên quan đến “Cái Ta” và “Cái của Ta”.
Tham luyến này sẽ không dẫn đến đau khổ nếu bất cứ những gì liên
quan đến “Cái của Ta” có thể tồn tại vĩnh viễn, và “Cái Ta” cũng
có thể tồn tại để vui thú mãi mãi với nó, nhưng theo qui luật tự nhiên,
sớm muộn gì “Cái Ta” hoặc “Cái của Ta” cũng phải tuân theo qui luật
vô thường. Tham luyến những gì thuộc vô thường, chắc chắn chúng sẽ
mang lại khổ đau. Tương tự, chúng ta chấp thủ quan điểm và niềm tin của
mình, và không thể chịu đựng nổi bất cứ sự phê bình chỉ trích nào,
hoặc ngay cả việc chấp nhận những người khác quan điểm với chúng ta.
Chúng ta không hiểu rằng mỗi người đang mang một cặp kính màu khác
nhau. Thay vì tháo cặp kính màu ra, chúng ta sẽ thấy rõ sự thật như nó
đang hiển bày, không bị che phủ, nhưng ở đây chúng ta vẫn cố chấp
màu sắc của cặp kính, chấp giữ những định kiến và niềm tin cá
nhân.
Còn một
tham luyến khác nữa là chúng ta chấp thủ vào những nghi lễ, hình thức,
và các nghi thức hành trì của tôn giáo. Chúng ta sai lầm vì không biết rằng,
tất cả những thứ này chỉ là hình thức bề ngoài và không chứa đựng
gì cốt lõi của chân lý. Nếu một người được chỉ phương pháp để
kinh nghiệm trực tiếp sự thật ở bản thân nhưng anh ta vẫn tiếp tục
chấp thủ những hình thức trống rỗng bề ngoài ấy, chấp thủ này sẽ
tạo ra tranh đấu và khổ đau trong anh ta.
Nếu được
quán sát kỹ chúng ta sẽ thấy rằng tất cả khổ đau trong cuộc đời phát
sinh từ một trong bốn tham chấp trên. Đây là những yếu tố mà Thái tử
Siddhattha Gotama đã khám phá trong suốt
hành trình tìm cầu chân lý. Vẫn chưa hết Ngài tiếp tục quát sát tự
thân để khám phá nguyên nhân sâu xa của khổ đau, để hiểu và tìm ra căn
nguyên của toàn bộ tiến trình vận hành.
Dĩ nhiên,
những nỗi khổ trong cuộc đời như sanh, già, chết, khổ đau của thân
và tâm, là kết quả tất yếu của kiếp người trót đã được sinh ra.
Như thế, nguyên nhân của sinh là gì? Dĩ nhiên, nguyên nhân trực tiếp của
sinh là sự phối hợp sinh lý của cha mẹ, nhưng xét trên phương diện rộng
hơn, sinh xảy ra vì tiến trình liên kết hình thành của toàn bộ vũ trụ.
Ngay lúc chết tiến trình sinh vẫn không chấm dứt: nghĩa là thân thể tiếp
tục suy mòn, tiếp tục phân rã, trong khi tâm thức đã nối kết với một
thân thể mới, và tiếp tục dòng vận hành, hình thành. Và tại sao lại
có tiến trình hình thành này? Ðức phật đã liễu tri nguyên nhân của
sinh chính là tham ái mà chúng ta đã huân tập. Do tham ái, chúng ta đã tạo
ra những phản ứng mạnh, saṅkhārā, và
chính phản ứng này đã tạo ra ấn tượng sâu trong tâm thức của chúng
ta. Vào lúc chấm dứt cuộc đời, một trong những ấn tượng này sinh khởi
trong tâm và sẽ tạo ra một lực đẩy để cho dòng tâm thức tiếp tục
hoạt động.
Ở đây
nguyên nhân của tham luyến này là gì? Ngài đã phát hiện ra rằng tham luyến
sinh ra là do các phản ứng thương - ghét liên tục xảy ra. Thương phát triển
thành tham ái; và ghét phát triển thành sân hận. Và tại sao lại có những
phản ứng thương - ghét này liên tục xảy ra? Bất cứ ai quán sát chính
mình sẽ thấy rằng chúng xảy ra là do những cảm thọ về thân. Bất cứ
khi nào một lạc thọ khởi lên, chúng ta thích nó, muốn giữ nó và muốn
nó nhiều hơn nữa. Khi nào một cảm thọ khổ sinh khởi, chúng ta không
thích và muốn loại trừ nó đi. Và tại sao lại có những cảm thọ này?
Rõ ràng chúng sinh khởi do sự tiếp xúc của một giác quan nào đó với đối tượng: như mắt
tiếp xúc hình sắc, tai với âm thanh, mũi với hương, lưỡi với vị, thân
thể với xúc chạm, ý thức với một tư tưởng hoăc sự tưởng tượng.
Ngay khi có sự tiếp xúc, chắc chắn một cảm thọ sẽ sinh khởi: đó là
lạc thọ, khổ thọ, hoặc bất khổ bất lạc thọ.
Và nguyên
nhân của xúc là gì? Tất nhiên, tất cả vật thể trong vũ trụ là những
đối tượng của các giác quan. Một khi sáu giác quan (năm giác quan thuộc
về thân và một thuộc về ý thức) còn hiện hành, ắt hẳn chúng phải
tiếp xúc với đối tượng tương ứng của chúng. Và tại sao những giác
quan này có mặt? Rõ ràng rằng chúng là những bộ phận không thể tách rời
dòng hiện hành của sắc (thân thể) và tâm; chúng sinh ra ngay lúc đời sống
bắt đầu. Và tại sao dòng vận hành đời sống, dòng vận hành của thân
và tâm xảy ra? Vì sự vận hành của tâm thức, từ sát na này đến sát
na khác, từ đời sống này đến đời sống khác. Và tại sao có dòng vận
hành của tâm thức này? Ngài đã thấy rằng nó sinh khởi là vì những phản
ứng thuộc về tâm (saṅkhārā). Mỗi phản ứng tạo ra
một lực đẩy cho dòng tâm thức vận hành; sự vận hành này tiếp tục
được tạo ra do sự thúc đẩy của những phản ứng (saṅkhārā). Và tại sao những phản ứng
này xảy ra? Ngài thấy rằng chúng sinh ra vì vô minh. Chúng ta không biết những
điều chúng ta đang làm, không biết chúng ta phải phản ứng như thế nào,
vì vậy chúng ta liên tục tạo ra saṅkhārā. Hễ vô minh còn hiện hữu thì khổ
đau còn tồn tại.
Nguồn gốc
và nguyên nhân sâu xa nhất của vòng luân hồi khổ là vô minh. Do vô minh,
mười một yếu tố còn lại của
vòng luân hồi vận hành, do sự vận hành này chúng ta tự tạo ra khổ đau
chất chồng như núi. Nếu vô minh có thể được đoạn trừ, khổ đau sẽ
được đoạn trừ.
Làm thế
nào chúng ta có thể nhận ra vòng luân hồi đau khổ này? Làm thế nào
chúng ta có thể phá vỡ vòng luân hồi? Dòng vận hành của đời sống, của
thân và tâm, đã hiện hữu. Tự tử sẽ không giải quyết được vấn đề;
nó chỉ tạo ra khổ đau mới mà thôi. Chúng ta cũng không thể hoại diệt
các giác quan mà không hoại diệt bản thân. Bất cứ khi nào các giác quan
còn hiện hành, chắc chắn chúng sẽ tiếp xúc với các đối tượng
tương ứng, và khi nào có tiếp xúc, chắc chắn cảm thọ sẽ khởi lên
trong thân.
Tại đây
và bây giờ, ngay lúc cảm thọ, chúng ta có thể phá vỡ vòng luân hồi. Trước
đây, mỗi cảm thọ tạo ra phản ứng thích thú hoặc chán ghét, chính
thích thú hoặc chán ghét này phát triển thành tham ái hoặc sân giận, gây
ra nhiều khổ não. Nhưng bây giờ, thay vì phản ứng lại cảm thọ, quý vị
chỉ thực hành quán sát cảm thọ trong niệm xả ly, và tuệ tri rằng: “Cảm
thọ này rồi cũng sẽ biến đổi.” Quán sát cảm thọ theo cách này chắc
chắn trí tuệ phát sinh, thấu đạt vô thường (anicca). Chúng ta làm vòng vận hành của
bánh xe đau khổ dừng lại và bắt đầu quay nó theo hướng ngược lại,
hướng đến giải thóat.
Bất cứ
sát na nào mà chúng ta không tạo ra phản ứng mới (saṅkhārā), một trong những phản ứng cũ
sẽ sinh khởi lên bề mặt của tâm thức, và kết hợp với phản ứng vừa
sinh ra, một cảm thọ sẽ khởi dậy trong thân. Nếu chúng ta giữ sự xả
ly, cảm thọ này sẽ tan biến và một phản ứng cũ khác sinh ra tại vị
trí của nó. Chúng ta tiếp tục giữ sự xả ly đối với những cảm thọ
trên thân, những phản ứng cũ tiếp tục sinh ra và tan biến, cái này nối
tiếp cái kia. Nếu vì vô minh chúng ta phản ứng lại những cảm thọ, kết
quả chúng ta sẽ tạo ra nhiều saṅkhārā, tạo ra nhiều đau khổ cho bản
thân. Nhưng nếu chúng ta phát triển trí tuệ và không phản ứng lại với
các cảm thọ, khi đó lần lượt những saṅkhārā và khổ đau sẽ được đoạn trừ.
Toàn bộ tiến
trình là phương hướng dẫn đến đoạn trừ khổ đau. Khi hành trì, quý vị
sẽ thấy rằng quý vị không còn tạo ra trói buộc mới, và những trói buộc
cũ tự động mở ra. Tuần tự, quý vị sẽ tiến triển đến một giai đoạn
mà nơi đó tất cả saṅkhārā dẫn đến đời sống mới, và khổ
đau mới đều được đoạn trừ: đó là giai đoạn chứng ngộ và giải
thoát viên mãn.
Bước vào
tu tập, chúng ta không cần thiết phải tin vào những kiếp sống quá khứ
và vị lai. Trong việc hành trì thiền Minh Sát Tuệ, sống với giây phút hiện
tại là điều quan trọng nhất. Ở đây, trong kiếp sống này, chúng ta
liên tục tạo ra saṅkhārā, tạo ra khổ đau cho bản thân. Nếu
quý vị hành trì, chắc chắn rằng một ngày nào đó quý vị sẽ nói rằng
quý vị đã đoạn trừ hết tất cả saṅkhārā cũ, đã không còn tạo ra bất cứ saṅkhārā mới nữa, và như thế chính quý
vị đã giải thoát ra khỏi mọi khổ đau.
Để đạt
được mục đích này, quý vị phải tự mình tu tập. Vì vậy hãy tinh tấn
hành trì trong năm ngày còn lại để loại trừ khổ đau, và hân hoan với
niềm vui giải thoát.
Cầu mong tất cả các bạn an vui với hạnh
phúc chân thật.
Cầu mong tất cả chúng sanh được hạnh phúc.
Tổng
quát | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6
| 7 | 8
| 9 | 10
| 11