- Những Bài Giảng Tóm
Tắt
- Của Khóa Thiền Minh
Sát Mười Ngày
BÀI GIẢNG CỦA
NGÀY THỨ SÁU
Tầm quan
trọng của tu tập tâm tĩnh thức và sự xả ly đối với các cảm thọ
Bốn đại và mối quan hệ của chúng với
các cảm thọ
Bốn nguyên nhân sinh khởi của một vấn
đề
Năm hạ phần kiết sử: tham, sân, thân
và tâm hôn trầm, trạo cử và nghi ngờ
Ngày thứ
sáu đã qua, quý vị còn lại bốn ngày để thực tập. Trong bốn ngày,
quý vị có thể loại trừ một số tâm phiền não, và nắm bắt phương pháp
để thực hành trong suốt cuộc đời. Nếu quý vị hiểu biết và áp dụng
đúng phương pháp tu tập trong đời sống hằng ngày, chắc chắn quý vị sẽ
gặt hái nhiều lợi ích. Vì vậy, quý vị phải hiểu đúng đắn phương
pháp tu tập.
Đây không
phải là đường lối tiêu cực. Giáo pháp dạy chúng ta chấp nhận sự thật
cay đắng của khổ, nhưng cũng hướng dẫn chúng ta phương pháp thoát khổ.
Vì lý do này giáo pháp là đường hướng của chủ nghĩa lạc quan, kết hợp
với chủ nghĩa thực tế cũng như “chủ nghĩa thực hành”, nghĩa là mỗi
người phải thực hành để tự giải thoát.
Toàn bộ phương
pháp thực hành được giải thích trong bài kệ:
“Tất cả saṅkhārā là vô thường,
Khi hiểu điều này với trí tuệ
chân thật,.
Chúng ta thoát khỏi mọi khổ đau.
Đây là con đường thanh tịnh.”[1]
Ở đây,
thuật ngữ saṅkhārā ngoài ý nghĩa là phản
ứng của tâm mà còn có nghĩa là kết quả của những phản ứng đó. Mỗi
phản ứng là một hột giống, chính hột giống này tạo thành kết quả,
và tất cả những gì mà chúng ta kinh qua trong cuộc đời là kết quả, kết
quả của những hành động của chúng ta, đó là saṅkhārā quá khứ hoặc hiện tại. Do đó,
saṅkhārā có nghĩa là: “Vạn vật
sinh ra, rồi trưởng thành, suy tàn, và hoại diệt”. Tâm sẽ không thanh tịnh
nếu chỉ chấp nhận thực tại này bằng tình cảm, hoặc vì tín ngưỡng,
tri thức. Tiến trình sinh diệt phải được chính chúng ta kinh nghiệm và
chấp nhận ở mức độ thực tế. Nếu chúng ta kinh nghiệm vô thường nhờ
quán sát trực tiếp những cảm thọ trên thân, kinh nghiệm hiểu biết này
mới là trí tuệ chân thật, trí tuệ của chúng ta. Và nhờ trí tuệ này
chúng ta sẽ giải thoát khổ đau. Chúng ta không còn khổ sở nữa mặc dù
cái đau của thân thể vẫn còn, thay vào đó chúng ta có thể mỉm cười,
vì chúng ta có thể quán sát nó.
Thói quen của tâm là tìm cách tống đi những
cảm thọ khổ và kéo lại những cảm thọ lạc. Khi nào chúng ta còn tham
gia vào trò chơi của khổ và lạc, không thích và thích, tâm chúng ta vẫn
còn bị khuấy động, và đau khổ vẫn tiếp tục tăng trưởng. Nhưng một
khi chúng ta thực hành quán sát một cách khách quan và cũng không phân biệt
cảm thọ, khi đó tiến trình thanh lọc tâm có hiệu nghiệm, và phản ứng
mù quáng theo thói quen và khổ đau tích tụ trong chúng ta dần dần suy yếu
và tan vỡ. Chúng ta phải học cách quán sát thật chính xác.
Điều này
không có nghĩa là do thực hành thiền Minh Sát Tuệ chúng ta trở thành “cỏ
cây”, thụ động để cho những người khác làm hại đến mình. Ngược
lại, chúng ta đã học cách hành động thay cho cách phản ứng lại. Trước
đây, chúng ta đã sống cuộc đời bằng những phản ứng, và phản ứng
luôn luôn là tiêu cực. Giờ đây chúng ta đang học phương cách để sống
thích hợp, sống một đời sống lành mạnh với việc làm đúng đắn. Bất
cứ khi nào có chuyện rắc rối xảy ra trong cuộc sống, vì đã học cách
quán sát chúng ta sẽ không phản ứng mù quáng. Thay vì chúng ta chờ vài
giây, giữ tâm tỉnh giác và xả ly với cảm thọ, sau đó sẽ quyết định
và chọn giải pháp hành động. Hành động như vậy, chắc chắn có lợi,
vì nó phát xuất từ tâm bình tĩnh; nó sẽ là hành động sáng tạo, có lợi
cho chúng ta và mọi người.
Tuần tự,
khi vô minh đoạn trừ, chúng ta tu tập quán sát hiện tượng của thân và
tâm và các phản ứng sẽ được đoạn trừ. Thói quen của phản ứng
phát xuất từ vô minh. Một số người chưa bao giờ quán sát thực tại,
không biết những gì đang xảy ra bên trong tâm thức, không biết cách phản
ứng lại như thế nào với tham ái hoặc sân hận, lại tạo thêm những căng
thẳng và đau khổ cho họ.
Vấn đề
khó khăn là tính vô thường của tâm thức vi tế hơn của thân thể. Tiến
trình tâm thức xảy ra quá nhanh đến nỗi chúng ta không thể nhận ra
chúng trừ phi chúng ta tu tập quán sát tiến trình hoạt động của chúng. Chúng ta bị vô minh che phủ, không nhận
chân thực tại, do đó chúng ta phản ứng lại ngoại cảnh như sắc, thanh,
hương, v.v... Sự thật này rõ ràng là như vậy, nhưng nếu ai đó thực
hành quán sát tự thân sẽ thấy rằng ở mức độ vi tế hơn, thực tại
lại khác đi. Toàn bộ sự vật hiện tượng hiển thị đối với ai chỉ
khi anh ta hoặc cô ta kinh nghiệm được nó, nghĩa là, khi đối tượng đó
tiếp xúc với một trong sáu giác quan. Ngay khi có xúc sinh khởi lập tức
chúng ta có sự rung cảm hay còn gọi là cảm thọ sinh khởi. Một tưởng
xuất hiện để đánh giá cảm thọ đó tốt hoặc xấu. Các cảm thọ tốt
xấu này dựa vào những kinh nghiệm và định kiến của quá khứ (saṅkhāra). Theo cách đánh giá nhuốm màu
này, cảm thọ trở nên lạc hoặc khổ, và theo loại cảm thọ này, chúng
ta bắt đầu phản ứng với thích hoặc không thích, tham đắm hoặc sân giận.
Cảm thọ là cầu nối đã bị mất giữa khách thể và sự phản ứng.
Toàn bộ tiến trình này xảy ra quá nhanh chóng đến nỗi chúng ta không thể
nhận ra nó: khi một phản ứng đạt đến ở cấp độ nhận thức, nó
được tái hiện và gia tăng hàng tỉ tỉ lần, và nó trở nên quá mạnh
đến nỗi nó có thể chế ngự tâm thức một cách dễ dàng.
Bồ tát Siddhattha Gotama thành tựu giác ngộ không
những nhờ khám phá ra gốc rễ của tham ái và sân hận mà còn đoạn trừ
chúng ngay khi chúng sinh khởi ở cấp độ cảm thọ. Những gì chính Ngài
đã thực hành, Ngài dạy lại cho người khác. Ngài không phải là người
duy nhất truyền dạy phương pháp đoạn trừ tham ái và sân hận; ngay cả
trước thời Ngài, phương pháp này đã được dạy ở Ấn độ. Lời dạy
của đức Phật không phải độc nhất về phương diện đạo đức, cũng
không phải độc nhất về lãnh vực phát triển khả năng điều phục tâm.
Tương tự, trí tuệ ở các cấp độ: tri thức, tình cảm, tín ngưỡng đã
tồn tại trước thời đức Phật. Yếu tố độc đáo của giáo lý đức
Phật nằm ở lãnh vực khác, đó là xác nhận cảm thọ thuộc về thân
là điểm then chốt, chính cảm thọ này là nơi tham ái và sân hận phát
sinh, và chúng phải được đoạn trừ ở đó. Nếu không giải quyết những
cảm thọ này, chúng ta chỉ tu tập tâm ở mức thô thiển, trong khi đó ở
cấp độ sâu thẳm của tâm thức các thói quen phản ứng vẫn tiếp tục.
Nhờ hành trì tỉnh giác với mọi cảm thọ trên thân và giữ bình thản
đối với những cảm thọ đó, chúng ta chặn đứng các phản ứng vừa
phát sinh: chúng ta đoạn trừ khổ đau.
Đây không
phải là một giáo điều buộc mọi người phải chấp nhận bằng niềm
tin, cũng không phải là một triết lý được chấp nhận bằng lý trí.
Quý vị phải khảo sát nơi tự thân để khám phá ra sự thật. Chỉ chấp
nhận là sự thật khi quý vị có kinh nghiệm về nó. Nghe chân lý là điều
rất quan trọng, nhưng chân lý đó phải dẫn đến hành trì thực tiễn. Tất
cả những lời dạy của đức Phật phải được hành trì và tự kinh nghiệm,
nhờ thế chúng ta mới có thể vượt thoát khổ đau.
Toàn bộ cấu
trúc thân thể đã được đức Phật giải thích rằng chúng được kết hợp
từ các vi bào (kalāpā) bao gồm bốn
đại và những tính chất phụ của chúng phối hợp lại với nhau. Chúng
ta dễ dàng thấy thế giới bên ngoài cũng như thế giới của tự thân gồm
có: thành phần rắn, chúng ta gọi là địa đại, một số thuộc lỏng gọi
là thuỷ đại; một số thuộc về khí gọi là phong đại; và trong mỗi
thành phần, nhiệt lượng đều có mặt gọi là hỏa đại. Tuy nhiên, nếu
quán sát thực tại ngay chính bản thân, chúng ta sẽ hiểu được bốn đại
này ở cấp độ vi tế hơn. Toàn bộ những gì thuộc trọng lượng từ nặng
đến nhẹ thuộc về địa đại. Hoả đại thuộc về nhiệt lượng kể cả
từ cực lạnh đến cực nóng. Phong đại có nghĩa là sự chuyển động từ
trạng thái tĩnh đến trạng thái động. Thuỷ đại mang đặc tính liên kết
nhau. Các phần tử sinh ra kết hợp với một hay các đại có tính vượt
trội. Các đại còn lại nằm ở dạng tiềm ẩn. Trở lại vấn đề, một
cảm thọ phát sinh tuỳ thuộc vào tính chất của đại mà các phần tử của
đại đó nổi bật so với các đại kia. Nếu một vi bào sinh khởi thuộc
về hoả đại (do hoả đại chế ngự), cảm thọ phát sinh: nóng hoặc lạnh,
và tương tự các đại khác cũng vậy. Đây là qui luật của những cảm thọ sinh khởi trong thân. Nếu
chúng ta bị vô minh, các đánh giá và phản ứng của cảm thọ sinh khởi tạo
ra đau khổ mới cho chính chúng ta. Nhưng nếu trí tuệ sinh khởi, chúng ta
hiểu rằng những vi bào đang sinh khởi do sự chế ngự của một trong bốn
đại, và chúng ta sẽ hiểu rằng chúng là các hiện tượng đang thay đổi
không có chủ thể, sanh khởi và biến hoại. Nhờ tuệ tri này, khi đối diện
với các cảm thọ chúng ta không đánh mất tâm bình thản .
Khi tiếp tục
quán sát tự thân, chúng ta sẽ thấy rõ tại sao vi bào sinh khởi: đó là chúng sinh ra nhờ chúng
ta cung cấp năng lượng cho dòng sinh mệnh, dòng vận hành của thân và
tâm. Dòng vận hành của thân đòi hỏi cung cấp bằng vật chất, có hai loại
vật chất: đó là thức ăn chúng ta ăn và môi trường chúng ta đang sống.
Dòng vận hành của tâm đòi hỏi cung cấp bằng chất tố tinh thần, và
nó cũng có hai loại: đó là saṅkhāra ở hiện tại hoặc quá khứ. Nếu
ở sát na hiện tại chúng ta nạp vào một yếu tố sân hận, ngay lập tức
tâm của ta tác động lên thân thể, và kalāpā
sẽ bắt đầu sinh khởi với sự vượt trội của yếu tố lửa, gây cho
chúng ta cảm nhận một cảm thọ nóng. Nếu chúng ta nhập vào yếu tố sợ
hãi, kalāpā tạo
ra lúc đó sẽ có sự vượt trội của yếu tố không khí, và chúng ta cảm
nhận một cảm thọ hoảng hốt; và v.v…. Loại truyền nhập thứ hai của
tâm thức là saṅkhāra quá
khứ. Mỗi saṅkhāra là một hột giống và hột giống
này sau một thời gian sẽ tạo ra một kết quả. Bất cứ những cảm thọ
gì chúng ta cảm nhận trong khi chúng ta gieo, một cảm thọ tương tự sẽ
phát sinh khi kết quả saṅkhāra của cảm thọ đó sinh ra ở bề
mặt của tâm thức.
Về bốn
nhân tố này, chúng ta không nên cố đặt một đại nào có trách nhiệm
cho sự sinh khởi một cảm thọ đặc biệt. Chúng ta chỉ nên chấp nhận bất
kỳ cảm thọ nào sinh khởi. Nỗ lực duy nhất là nên quán sát mà không tạo
ra phản ứng (saṅkhāra) mới.
Nếu chúng ta không tạo ra phản ứng mới, phản ứng cũ sẽ tự động
cung cấp kết quả của nó, hiện hành như một cảm thọ. Chúng ta cứ tiếp
tục quán sát và nó sẽ tan biến. Lại nữa chúng ta không phản ứng lại;
vì vậy saṅkhāra cũ khác phải cung cấp kết quả
của nó. Nhờ tu tập chánh niệm tỉnh giác và giữ tâm xả ly, tuần tự
chúng ta cho phép saṅkhāra cũ sinh khởi và tan biến,
như vậy, chúng ta đoạn trừ được khổ đau.
Thói quen tạo
ra phản ứng mới cần phải được loại trừ, và nó chỉ có thể được
loại trừ tuần tự nhờ vào việc thực tập thường xuyên.
Tất nhiên
có nhiều cản trở và chướng ngại trên con đường tu tập: Có năm kẻ
thù hung bạo luôn luôn tìm cách áp đảo quý vị và ngăn chận tiến trình
tu tập của quý vị. Hai kẻ thù đầu tiên là tham ái và sân hận. Mục đích
của việc tu tập thiền Minh Sát Tuệ là để loại trừ hai loại tâm phiền
não căn bản này, hơn nữa chúng có thể xuất hiện trong lúc quý vị đang
thiền định, và nếu chúng thâm nhập vào tâm thức thì tiến trình thanh lọc
phiền não dừng lại. Quý vị có thể tham ái về những cảm thọ vi tế,
hoặc ngay cả tham ái đối với cảnh giới Niết-bàn; cả hai không có điều
gì khác nhau. Tham ái là ngọn lửa thiêu đốt cũng giống như nguồn nhiên
liệu; nó đưa quý vị xa rời con đường giải thoát. Tương tự, quý vị
có thể bắt đầu phát khởi sân giận vì sự đau đớn mà quý vị cảm
nhận, và một lần nữa quý vị đi lạc phương hướng.
Một kẻ thù
khác là sự lười biếng và dã dượi. Suốt đêm quý vị ngủ đầy đủ,
nhưng khi ngồi hành thiền, quý vị vẫn cảm thấy rất buồn ngủ. Buồn
ngủ này do tâm bất tịnh của quý vị tạo ra, nó làm xao lãng công huân
hành trì thiền Minh Sát Tuệ, và như thế chính nó làm ngưng trệ sự thiền
định của quý vị. Quý vị chiến đấu chống lại sự áp đảo của kẻ
thù này. Thở mạnh chậm rãi, hoặc đứng dậy, rửa nước lạnh vào mắt,
hoặc đi bộ vài phút rồi ngồi tham thiền lại.
Một trong
hai vấn đề sau đây có thể xảy ra, quý vị có thể cảm nhận sự rung
động mạnh, hoặc một sự kiện khác là khi những phiền não cố làm ngưng
sự tu tập thiền Minh Sát Tuệ của quý vị. Ngoại trừ thời gian thiền
định, còn lại suốt ngày, quý vị chạy hết nơi này đến nơi khác, làm
đủ mọi việc. Sau đó, quý vị mới hiểu ra rằng quý vị đã lãng phí
thời giờ, và bắt đầu khóc và hối hận. Nhưng trên con đường hành
trì giáo pháp không có chỗ để cho quý vị khóc. Nếu quý vị đã tạo ra
sai lầm, thì quý vị nên sám hối sai lầm đó trước một vị trưởng
thượng mà quý vị đặt trọn niềm tin của mình nơi vị này, và kiên quyết
cẩn trọng không để lập lại sai lầm trong tương lai.
Cuối cùng,
một địch thủ nguy hại nhất là nghi ngờ, hoặc nghi ngờ vị Thầy, hoặc
về phương pháp, hoặc về khả năng của chúng ta để thực hành phương
pháp. Chấp nhận điều gì một cách mù quáng thì không có lợi ích gì, nhưng
cũng không nên luôn luôn nghi ngờ một cách phi lý. Một khi quý vị còn
nghi ngờ, quý vị không thể bước đi ngay cả một bước trên con đường
tu tập. Nếu quý vị không rõ bất cứ điều gì, đừng ngần ngại hãy đến
với người hướng dẫn của quý vị. Trình bày vấn đề với vị ấy, và
hiểu vấn đề một cách thích hợp. Nếu quý vị thực hành như quý vị
đã được yêu cầu, kết quả chắc chắn sẽ đến với quý vị.
Phương pháp
hành trì chỉ bằng qui luật tự nhiên, chứ không phải bằng bất cứ ảo
thuật hoặc phép màu nào cả. Bất cứ ai bắt đầu thực hành phù hợp với
qui luật tự nhiên, chắc chắn khổ đau sẽ được đoạn trừ; đây là
phép màu hữu hiệu nhất.
Nhiều người
đã ghi nhận lợi ích của phương pháp này, không phải chỉ những người
đến với đức Phật vào thời của Ngài, mà còn nhiều người ở thời
đại sau này, và ở thời đại hiện nay. Nếu chúng ta hành trì thích hợp,
cố gắng giữ tâm tỉnh giác và xả ly, thì những lớp phiền não của
quá khứ sinh ra trên bề mặt của tâm thức sẽ được đoạn trừ. Giáo
pháp mang lại những kết quả tuyệt vời tại đây và ngay bây giờ, đã
cho chúng ta những thành quả. Vì vậy, hãy thực hành với tâm tự tin và
hiểu biết. Hãy sử dụng cơ hội tốt nhất này để loại trừ khổ đau,
và an hưởng chân an lạc.
Cầu nguyện cho quý vị hưởng
hạnh phúc chân thật.
Cầu nguyện cho tất cả chúng sanh đều hạnh
phúc.
[1]
Pháp cú kinh, phẩm đạo số 20, câu 277.
- "Tất
cả hành vô thường"
- Với
Tuệ, quán thấy vậy
- Đau
khổ được nhàm chán;
- Chính
con đường thanh tịnh."
Tổng
quát | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6
| 7 | 8
| 9 | 10
| 11