Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
VÀI CHÚ GIẢI VỀ THIỀN ĐỐN NGỘ
Nguyên Giác Phan Tấn Hải

Phụ Lục 6
Kho Tàng Các Bài Ca

Theo lời Ngài Ban Thiền Lạt Ma đời thứ nhất (1570-1662) trong cuốn Bản Văn Căn Bản Cho Đại Thủ Ấn Theo Truyền Thống Gelug/Kagyu, Pháp môn Đại Thủ Ấn được truyền cho các sư Tây Tạng qua bốn vị Thánh Sư Ấn Độ Saraha, Nagarjuna, Naropa và Maitripa. Phật Tử Việt Nam thường quen thuộc với Ngài Nagarjuna qua tên gọi Long Thọ với các tác phẩm về Trung Quán Luận. Trong khi đó, Ngài Saraha, thuộc thế kỷ thứ 9, lại nổi tiếng về phương pháp truyền giảng bằng các bài ca.

Bản văn dưới đây về Đại Thủ Ấn là của Ngài Sahara, có tên là "Kho Tàng Các Bài Ca, Hay Mật Pháp Về Đại Thủ Ấn." Bản Việt dịch của Nguyên Giác dựa theo bản Anh dịch của James Low, trong cuốn Simply Being (NXB Vajra Press, London. 1998).

Theo truyền thuyết do Tsultrim Allione ghi lại trong Women of Wisdom (NXB Routledge & Kegan Paul, London. 1984), Ngài Saraha là một nhà sư đại học giả, đã rời đại học để tìm học Mật Pháp. Trên đường tìm học, Saraha gặp một thiếu nữ chế tạo các mũi tên trong chợ. Ngài tới gần và hỏi xem nàng có phải là một thợ chế mũi tên chuyên nghiệp. Nàng trả lời: "Chàng thanh niên kia ơi, ý nghĩa của Phật có thể được nhận biết xuyên qua biểu tượng và hành động, không phải xuyên qua lời và sách." Ngài bắt đầu sống chung với thiếu nữ giai cấp thấp này, nhận nàng làm Thầy. Điều này gây phẫn nộ cho cộng đồng tôn giáo, bởi vì Ngài thuộc dòng bà la môn chính thống. Những bài ca về chứng ngộ của Saraha là đáp ứng của Ngài cho vua, hoàng hậu và mọi người — những người đã ngờ vực về thái độ và hiểu biết tôn giáo của Ngài từ khi Ngài sống với Thiên Nữ (dakini) này. Thiên Nữ là một loại chúng sinh hiện hữu vượt qua cõi nhị nguyên, mang hình tướng nữ, là nguồn năng lực của trí tuệ, thường được vẽ trong tranh Tây Tạng như người nữ có vẻ mặt hung dữ.

Một hôm, Saraha yêu cầu nàng nấu cho Ngài món củ cải cà ry. Trong khi nàng nấu, Ngài ngồi Thiền và nhập định suốt 12 năm. Khi rời định, Ngài lập tức hỏi về món củ cải cà ry. Nàng đáp: "Chàng ngồi trong định suốt mười hai năm không đứng dậy và bây giờ lại muốn món củ cải cà ry, kiểu như là nó vẫn còn đó. Thêm nữa, lúc này trong năm không có củ cải."

Khi Ngài trả lời là muốn lên núi để ngồi Thiền, nàng trả lời: "Cứ đơn giản đem thân chàng xa khỏi thế giới này thì không phải là xa lìa chân thực. Xa lìa chân thực chỉ có khi nào tâm chàng rời bỏ các tạp niệm. Nếu chàng ngồi trong định mười hai năm và không thể rời bỏ mong muốn ăn món củ cải cà ry, thì có lên núi cũng vô ích?"

 

(BẢN VĂN BẮT ĐẦU)

Kính đảnh lễ Sri Vajradakini.

Kính đảng lễ tánh nhận biết thuần khiết đồng hiện hoan lạc nhất.

YÙ nghĩa của bản văn sẽ trình bày làm ba phần.

 

PHẦN I

Trước tiên là lời dạy về điều kiện tự nhiên của Đại Thủ Ấn. Điều này có ba phương diện.

A. Thứ nhất, giải thích về cách các vật hiện hữu.

Bất cứ những gì chuyển động hay không chuyển động, và tất cả những gì ổn định hay bất ổn định, và bất cứ những gì là vật chất hay phi vật chất, và tất cả những gì tự hiện hữu như các hiện tướng và tất cả những gì không như vậy — vạn pháp, không loại trừ, đã chưa bao giờ và sẽ không bao giờ từng chao động ra khỏi bản tánh như hư không. Thêm nữa, mặc dù chúng ta dùng chữ 'hư không' để nói về bầu trời, hư không tự thân cũng không có tự tánh chút nào. Nó thì hoàn toàn vượt ra khỏi việc hiện hữu như một vật có thể được nói bằng các khái niệm minh bạch như là 'là', 'không là', 'không hiện hữú, và 'không không-hiện-hữú và tất cả các khái niệm còn lại. Cùng một cách như vậy, hư không, tâm và thực pháp không hề khác nhau chút nào. Tất cả những tên gọi mà chỉ ra dị biệt thì chỉ đơn giản là các nhãn hiệu tình cờ đột khởi. Chúng không có giá trị thực nào, và chỉ đơn giản là các chữ để mô tả. Tất cả đều là tâm của ngươi.

Vượt ngoài tâm của ngươi, không có ngay cả tới một mảy may của bất cứ gì khác. Bất kỳ ai nhận thức rằng, từ khởi đầu không hề có một tâm cá thể [tự ngã] nào, thì người đó đã đạt được hiểu biết tối thắng của chư Phật ba thời.

Cái được biết đến nhiều như là sự tròn đầy tự nhiên thì không phải là một ý tưởng sai lạc, bởi vì ngay tự khởi đầu, nó chính là tánh đồng hiện. Tánh đó không có thể được mô tả; nó không có thể được bày tỏ bằng lời, và không ai có thể hiểu nó trong một cách nhị nguyên. Nếu có một người chủ, thì người này sẽ có vài sở hữu. Nhưng nếu ngay từ khởi đầu đã không hề có cái gì gọi là tự ngã, thì cái vô ngã này có thể sở hữu những gì?

Nếu tâm là cái gì thật, mà người ta sở hữu được, rồi thì tất cả hiện tượng cũng sẽ là thật và có khả năng chiếm sở hữu. Nếu không có tâm, ai sẽ hiểu được cái gì là cái gì?

Tâm và tất cả các niệm mà chúng ta có thể nhận thức không có thể được nắm bắt bằng tìm kiếm — và chính người tìm kiếm cũng không có thể được tìm ra. Không hề có người-biết nào và cũng không hề có cái-được-biết nào hiện hữu như thế, và như vậy, chúng thì vô sanh và không ngưng nghỉ trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Tâm này không dời đổi bởi vì nó là trạng thái tự nhiên của niềm đại hoan lạc nội tại. Vì lý do đó, tất cả hiện tướng đều là trạng thái tự nhiên. Tất cả chúng sinh đều là Phật. Tất cả những dựng lập và hành động đều ở trong không gian trùm khắp này từ thuở khởi đầu. Tất cả những gì được nhận diện bởi ngôn ngữ và khái niệm đều y hệt như sừng thỏ.

 

B. Thứ nhì, để cho thấy cách chúng sinh bị mê mờ không nhận ra thực tại này.

A! Khi mặt trời không bị mây che, tia nắng chiếu mọi nơi, nhưng những ai không có mắt thì vẫn chỉ thấy bóng tối mãi mãi. Tánh đồng-hiện tự-nhiên thì đầy khắp mọi nơi, nhưng những người ngu thì thật xa khỏi nó. Bởi vì chúng sinh không hiểu rằng tâm không phải là một cá-thể tự-ngã, họ buộc chặt tánh tự nhiên nguyên khởi bằng cách dựa vào sự phân biệt và phán đoán khái niệm. Rồi thì, hệt như những người điên vì ma ám, chúng sinh trở thành yếu đuối, vô nghĩa và gây đau khổ cho chính họ.

Tin rằng các vật là có thực, chúng sinh bị vây bắt bởi con đại quỷ ý niệm, và do vậy, họ chỉ tạo ra các đau khổ vô nghĩa cho chính họ. Một số những người ngu này bị trói buộc bởi sự phân biệt của tri thức họ. Họ giữ ông chủ (tức là Tâm) tại nhà và đi mọi nơi khác để tìm. Một số họ tin rằng ảnh phản chiếu là có thực. Một số họ không cắt cội rễ, nhưng chỉ cắt nhánh và lá. Bất kể họ làm gì, họ không biết là đang bị dối lừa.

 

C: Thứ ba, bày tỏ cách mà các nhà ẩn tu chứng ngộ.

Tuyệt diệu! Các chúng sinh như trẻ thơ không biết thực tánh của họ, nhưng ta (lời xưng của Đại Sư Sahara, có thể dịch là Thầy, hay Tôi. LND) chứng ngộ nó bằng cách không bao giờ chao động ra khỏi trạng thái của thực tánh đó. Ta đã hiểu biết được cái khởi đầu và cái tận cùng của tự ngã, và do vậy ta nhìn thấy chính ta, cái thực tánh của ta đang cư trú đơn độc. Nhưng mặc dù cái sự đơn độc này được kinh nghiệm, nó vẫn không được xem như là chận thực mạnh mẽ. Không có người nhìn thấy, cũng không có cái gì được nhìn thấy, và do vậy nó không có thể được bày tỏ. Và bởi vì nó không có thể bày tỏ, ai có thể biết nó?

Khi ngươi tu tập tâm bất động, rồi thì ngươi sẽ thâm nhập cái chứng ngộ mà ta, một người ẩn tu, đã thâm nhập. Sữa của một con sư tử tuyết không có thể được chứa trong một bình phẩm chất xấu. Khi con sư tử rống trong rừng, tất cả các con nai đều kinh sợ, nhưng các sư tử con đều hạnh phúc và chạy tới mẹ chúng. Tương tự, niềm đại hoan lạc, vốn là vô sanh từ khởi đầu, được truyền dạy, những người ngu vốn mang sẵn tà kiến sẽ kinh sợ, nhưng những người may mắn sẽ rất là hạnh phúc và râu tóc trên khắp người họ đều rung động.

 

PHẦN II

Trong phần thứ hai này, ba phương diện của con đường Đại Thủ Ấn sẽ được trình bày.

A. Quyết định rõ ràng dựa trên căn bản của cách nhìn.

Điều này có ba phần.

1. Thứ nhất, bản chất của cái nhìn sẽ được trình bày.

Tuyệt diệu! Hãy nhìn vào chính ngươi với một tâm không chao động. Nếu chính ngươi chứng ngộ thực tánh của ngươi, tâm chao động cũng sẽ khởi lên như đại thủ ấn. Trong trạng thái của đại hoan lạc, tất cả những đặc tính nhị nguyên đều tự giải thoát.

Khi một người tỉnh thức từ một giấc mơ, người này thấy rằng tất cả những niềm vui và nỗi khổ trong mơ đều không có tánh thực nào. Do vậy, hãy rời bỏ tất cả những suy nghĩ ngờ vực và hy vọng, bởi vì ai ở đó để nghĩ ngợi về việc ngăn cấm và khuyến khích?

Bằng cách nhìn thấy thực tánh, học nhân trực nhận rằng vạn pháp ở trong luân hồi và niết bàn thì hoàn toàn không có tự tánh cá thể, và do vậy các niệm hy vọng và nghi ngờ đều biến mất. Lúc đó, ai sẽ cần ra sức buông bỏ và chấp giữ? Tất cả hiện tướng và tất cả thanh âm thì y hệt như ảo ảnh huyền thuật, như ảnh hiện dưới nước hay như ảnh hiện trong gương — chúng đều không có những đặc tính của những cái có vẻ như thực thể. Người nào hiểu được tánh hư ảo của các hiện tướng thì người đó chính là tự tánh của tâm như hư không. Tánh thực này không có chặng giữa hay giới hạn, và như thế ai sẽ có thể hiểu được nó? Có nhiều dòng sông khác nhau như Sông Hằng vân vân, nhưng khi chúng tới biển mặn, chúng đều mang cùng một vị. Tương tự, tâm phân biệt và tất cả các kiến thức và chức năng của tâm này phải được thấy là chỉ có một vị trong thực tánh.

 

2. Thứ nhì, để trình bày phương pháp chứng ngộ.

Nếu có ai truy tìm khắp hư không, họ sẽ thấy rằng nó không có chặng giữa hay mép bờ, và do vậy họ sẽ hoàn toàn xa lìa các khái niệm này. Tương tự, nếu chúng ta truy tìm xuyên qua tâm và vạn pháp, chúng ta sẽ không có thể tìm thấy ngay cả một mảnh nhỏ của hiện hữu thực. Cái tâm đang làm công việc đi tìm kiếm thì không có thể được trực nhận. Do vậy, hãy thấy rằng không có gì có thể được thấy (như là hiện hữu thực).

 

3. Thứ ba, đừng xa lìa tánh này.

Cứ hệt như một con chim quạ, được thả từ một chiếc tàu, bay vòng quanh mọi hướng, nhưng rồi quay lại tàu (khi nó không nhìn thấy mặt đất liền), cũng vậy cái tâm đầy khát vọng có thể chạy đuổi theo các niệm nhưng rồi an trụ trong tánh bất dời đổi của tâm. Không bị ảnh hưởng bởi các hoàn cảnh, xa lìa các hy vọng, học nhân phá hủy tất cả các ngờ vực ẩn kín — đó chính là tâm kim cương.

 

B: Có ba phương diện thiền định

1. Thứ nhất, phi-thiền-định của đại thủ ấn.

Tánh thực của tâm, mà đã cắt lìa cội rễ (vô minh), thì như là hư không. Không có thiền định nào để tu tập, do vậy hãy tránh thiền định. Gìn giữ tâm bình thường trong trạng thái nguyên sơ tự nhiên, nó sẽ không bị ô nhiễm bởi bất kỳ khái niệm nhân tạo nào. Tâm thanh tịnh tự nhiên này không cần tới kỹ thuật nào. Không giữ chặt quá hay thả lỏng quá, hãy an nghỉ trong tánh tự nhiên của ngươi. Nếu không có gì để chứng ngộ, thì tánh biết không cần tới gì để thiền định. Và học nhân, người chứng ngộ, thì xa lìa cả hai đối tượng của thiền định và người thiền định. Y hệt như hư không không phải là một đối tượng cho hư không, Tánh Không (sunyata) không thiền định trên Tánh Không. Sự hiểu biết bất nhị này thì y hệt như sữa trong nước, và do vậy tất cả mọi thứ sẽ không dời đổi trong sự hoan lạc hoàn toàn của hội nhập.

 

2. Thứ nhì, thiền định tối thượng của việc không bao giờ xa lìa khỏi tánh của phi-thiền-định.

Trong cách này, xuyên khắp ba thời, hãy cư trú trong trạng thái nguyên sơ vô giới hạn không-cần-thiền-định. Để duy trì điều này chính là cái mà truyền thông gọi là "thiền định." Đừng kềm chế các ngọn gió sinh động, đừng buộc tâm. Hãy giữ sự tỉnh thức không-tạo-tác y hệt như ngươi là một đứa trẻ. Khi các niệm và ký ức trổi dậy, hãy giữ sự hiện diện của tánh thực của ngươi — đừng tạo ra bất kỳ khác biệt nào giữa nước và sóng!

 

3. Thứ ba, lấy thí dụ để minh họa con đường đại thủ ấn.

Cái tánh thực, vốn xa lìa việc uốn nắn tâm bình thường, thì hoàn toàn giải phóng ba nguyên tắc của việc tương tác (LND: chủ thể, khách thể và quan hệ giữa chúng).

Trong đại thủ ấn, tâm không được dựng lập để làm việc, và không có một chút nhỏ nào của việc thực tập thiền định, và do vậy không có cái gọi là thiền định. Thiền định tối thượng thì không bao giờ bị ngăn cách khỏi tánh của phi-thiền-định: bất nhị, đồng hiện tự nhiên, đây là hương vị của hoan lạc hoàn toàn.

Khi nước được đổ vào trong nước, nó chỉ có một vị, và tương tự khi ngươi hoàn toàn sống trong trạng thái tự nhiên, thì tâm thức mong đợi và sự khái niệm hóa sẽ hoàn toàn được chấm dứt.

 

C. Có ba phương diện đối với việc giảng dạy cách hành xử

 

1. Thứ nhất, để trình bày rằng việc hành xử đại thủ ấn không bị cố định bởi quy luật.

Tuyệt diệu! Các học nhân nào, những người cư trú trong tánh bất động của bất nhị, sẽ không có một chút mảy may nào của việc chấp giữ và gạt bỏ. Ta không nắm giữ cũng không gạt bỏ bất kỳ hiện tượng nào, và do vậy ta không bảo ngươi, các con của ta, làm bất kỳ điều gì. Y hệt như viên ngọc này, tâm, vốn không có thực tại căn bản nào, cũng vậy việc hành xử của người tu thì cũng xa lìa thực tại căn bản.

Chúng ta nói về rất nhiều, rất nhiều loại khác nhau của việc thiết lập tâm thức, nhưng người tu cư ngụ chỉ trong một nhận thức. Và đó thì không phải là một cá thể, và do vậy người tu thì hoàn toàn xa lìa khỏi nhiều khả thể của việc tâm thức biến hóa. Vậy nên, với cái tự do vô giới hạn này, hãy duy trì cách hành xử như trẻ thơ xa lìa khỏi mọi hành động có chủ ý.

 

2. Thứ nhì, giảng dạy về cách tránh ô nhiễm bởi hoàn cảnh khách quan khi hành xử trong cách đó.

Tuyệt diệu! Tâm cũng hệt như hoa sen mọc từ đám bùn sinh tử luân hồi, bất kể bao nhiêu tội lỗi học nhân đã có, tâm cũng không bao giờ bị vấy chạm bởi bất kỳ tội nào. Thức ăn và thức uống đều mang tới vui thú, nhưng tâm ngươi và thân ngươi cũng có thể bị hành hạ bởi chúng. Do vậy, bất kể những gì ngươi sử dụng tới, hãy đừng để bị ảnh hưởng, không bị buộc ràng mà cũng không xa lìa bỏ chạy.

 

3. Thứ ba, giảng dạy về việc làm lợi người khác một cách tự nhiên qua lòng từ bi không khát vọng.

Từ trạng thái của việc hành xử vô giới hạn của chứng ngộ, khi nhìn thấy sự đau đớn của chúng sinh, nước mắt rơi chảy từ một lòng từ bi tràn ngập. Trao cho họ sự hạnh phúc của ngươi và xoa dịu nỗi đau của họ, ngươi dấn thân để làm lợi chúng. Nếu ngươi khảo sát thực tại, ngươi sẽ thấy rằng nó thì xa lìa khỏi ba khái niệm của chủ thể, đối tượng và quan hệ của chúng. Nó thì không phải là cái gì có thật, bởi vì nó hệt như mộng hay trò ảo thuật. Xa lìa khỏi tất cả tham vọng và gắn bó, ngươi kinh nghiệm một niềm hoan lạc xa khỏi mọi sầu khổ, do vậy hãy hành động như một vị thầy làm trò ảo thuật.

 

PHẦN 3

 

Phần ba nói về thành tựu đầy đủ đại thủ ấn.

 

A. Giảng dạy về sự thành tựu nào đó của kết quả

Thanh tịnh nguyên sơ trong bản tánh như hư không, sẽ không có một mảy may nào để thành tựu hay buông bỏ. Đây là đại thủ ấn xa lìa khỏi mọi hóa hiện tâm thức, do vậy đừng mong mỏi bất kỳ kết quả nào! Bởi vì cái tâm, mà đang mong mỏi hy vọng, vốn thật vô sanh ngay từ thuở khởi đầu, làm sao còn có thể có một mảy may nào để được thành đạt hay buông bỏ? Bây giờ nếu có ai có thể thực sự sở hữu một thực thể nào, rồi thì cái gì sẽ trở thành lời dạy về bốn pháp ấn?

 

B. Giảng dạy về sự mong muốn đạt một điều gì trong khi không có gì để đạt

Y hệt như một con dê núi khi bối rối vì khát nước, phóng chạy nhanh về hướng nước nó nhìn thấy trong một ảnh chiếu, những người ngu bị phiền não vì khát vọng khám phá ra rằng bất kể họ nỗ lực bao nhiêu, mục tiêu của họ chỉ lại xa thêm.

 

C. Không tìm đạt bất cứ gì, đó gọi là thành đạt Kim Cương Trí

Tánh thanh tịnh tuyệt đối vốn là vô sanh ngay từ khởi đầu, và khi không có một chút mảy may phân biệt nào, thì cái tâm thức vốn tạo ra sự phân biệt sẽ được thanh tịnh ngay trong cõi thực tại. Tên duy nhất cần được chỉ vào đây là Vajradhara ('không bao giờ đi lạc ra khỏi tánh thanh tịnh'). Cũng như trong một sa mạc khô hạn, học nhân thấy bóng nước sạch nơi mà thực sự không hề có, cũng vậy cái tâm mà gọi tên và phân biệt phải được thanh tịnh hóa ngay trên chính sự thanh tịnh nguyên sơ. Nó không có thể được diễn bày với các chữ như là không-đổi hay hoàn toàn biến mất.

Y hệt như viên ngọc như ý và cây như ý, các hy vọng của ngươi sẽ được hoàn mãn bởi sức mạnh của sức tinh tấn của ngươi (để chứng ngộ pháp môn này). Thêm nữa, các nhận thức truyền thống về thế giới này chỉ tùy thuộc vào sự thật tương đối — trong thực tại, không một vật nào có bất kỳ hiện hữu riêng thực nào.

Giảng dạy bí mật về đại thủ ấn được gọi là "Kho Tàng Các Bài Ca" (Dohakosa) khởi lên từ lời của nhà ẩn tu linh thánh Saraha. Được dịch bởi học giả Ấn Độ Vairocanaraksita.


Mục lục | Lời Thưa | 1 | 2 | 3 | 4a | 4b | Phụ Lục 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7

 


Cập nhật: 1-8-2001

Trở về thư mục "Thiền Phật giáo"

Đầu trang