HỎI : Những tôn giáo khác rút ra
được những điều đúng và sai từ những lời dạy của Thượng Đế hay
đấng giáo chủ của họ. Bạn là Phật tử không tin vào Thượng Đế thì
làm sao biết được đâu là đúng và đâu là sai ?
ĐÁP : Bất cứ ý nghĩ, lời nói hay hành động nào bắt
nguồn từ tham lam, sân hận và si mê đều đẩy chúng ta ra khỏi Niết bàn
là xấu và bất cứ ý nghĩ, lời nói hay hành động nào phát xuất từ bố
thí, thương yêu và trí tuệ thì đều rõ ràng đưa ta đến Niết bàn là tốt.
Để biết được cái gì là đúng và cái gì là sai, chính
bạn phải phát triển cái nhận thức và chánh kiến của mình, và đạo đức
phải được đặt trên sự hiểu biết, luôn luôn mạnh hơn những gì
chúng ta tuân theo một lời phán quyết.
Trong các tôn giáo lấy Thượng đế làm tâm điểm để nhận
biết cái nào tốt cái nào không tốt, tất cả cần phải làm theo lời răn
dạy. Nhưng Phật giáo lấy con người làm tâm điểm để biết điều đúng
hoặc sai, bạn phải tự phát huy sự tỉnh giác và hiểu biết một cách
sâu rộng.Và đạo đức được dựa trên sự hiểu biết thì luôn mạnh mẽ
hơn là đáp ứng theo một mệnh lệnh .
Như thế muốn biết đúng sai, người Phật tử nên xem xét
ba điều : ý định, tác dụng và hành động sẽ ảnh hưởng đến ta và
người khác. Nếu ý định tốt (phát xuất từ lòng thương, bố thí và
trí tuệ) sẽ giúp cho chính mình (có lòng từ bi hơn, bố thí nhiều hơn,
khôn ngoan nhiều hơn) và cho cả người khác (giúp họ phát triển tâm bố
thí nhiều hơn, yêu thương nhiều hơn và khôn ngoan nhiều hơn), việc làm
và hành động đó được xem là thiện nghiệp, tốt và đạo đức. Cố
nhiên, có nhiều sự khác nhau trong vấn đề này. Có lúc tôi hành động với
ý tưởng tốt nhưng nó có thể không mang lại lợi ích cho chính mình và
cho người chung quanh. Đôi khi ý định của ta không tốt nhưng hành động
của ta lại giúp kẻ khác. Thỉnh thoảng ta hành động theo ý nghĩ tốt và
có lợi ích cho ta nhưng có lẽ nó là nguyên nhân gây ra khổ đau cho người
khác. Trong những trường hợp như thế, những hành động của ta đã lẫn
lộn giữa những cái tốt và cái xấu. Khi những ý nghĩ xấu và hành động
đó hoặc giúp cho chính ta hoặc giúp cho kẻ khác, hành động như vậy là
sai. Và khi nào ý định của ta tốt và hành động của ta có lợi ích cho
cả ta và người khác, thì hành động đó hoàn toàn đúng.
HỎI : Vậy, Phật giáo có nguyên tắc đạo đức nào không
?
ĐÁP : Có, đó là năm giới. Năm giới này là căn bản của
đạo đức Phật giáo. Giới thứ nhất là không chém giết hay sát hại mọi
chúng sanh. Giới thứ hai là không trộm cắp. Giới thứ ba là không tà
dâm. Giới thứ tư là không nói dối và giới thứ năm là không uống rượu
và các chất làm say người.
HỎI : Nhưng chắc chắn có lúc sát hại là điều tốt. Chẳng
hạn sát hại những vi trùng gây bệnh hoặc một ai đó muốn giết bạn ?
ĐÁP : Điều đó có thể là tốt cho bạn. Nhưng đối với
vật và người bị giết thì sao ? Tất cả đều ham sống như bạn. Khi bạn
quyết định giết một sinh vật gây bệnh, ý định của bạn có lẽ được
đan xen giữa sự quan tâm chính bạn (tốt) và sự lây bệnh (xấu). Hành động
đó sẽ có ích cho chính bạn (tốt) nhưng rõ ràng nó sẽ làm hại con vật
kia (xấu). Vì thế, trong lúc giết hại có thể là điều cần làm, nhưng
hoàn toàn không được xem là điều tốt.
HỎI : Là Phật tử, sao bạn quá quan tâm đến côn trùng như
kiến và sâu bọ ?
ĐÁP : Người Phật tử cố gắng phát huy lòng từ bi mà
không có sự phân biệt và tất cả đều như nhau. Họ thấy rằng thế giới
này là một thể thống nhất, nơi mà mọi người, mọi loài đều nương vào
nhau để sinh sống. Người Phật tử tin rằng trước khi chúng ta muốn hủy
diệt hay muốn đảo lộn mọi sự cân bằng tinh tế và trật tự của
thiên nhiên, chúng ta phải cẩn thận. Thử nhìn xem vào những quốc gia đã
mạnh mẽ khai phá thiên nhiên, cho đến lúc đó không còn có cơ hội để
phục hồi được nữa, họ đã xâm chiếm và tàn phá chúng. Thiên nhiên bị
đão lộn. Bầu không khí bị nhiễm độc , sông ngòi trở nên ô nhiễm và
khô chết, có quá nhiều loài thú bị tuyệt chủng, núi rừng bị trơ trọi
và xói mòn. Thậm chí khí hậu cũng bị thay đổi. Nếu con người có một
chút ưu tư về tàn phá, hủy hoại và chém giết và hủy hoại thì sự khủng
hoảng này sẽ không gia tăng. Và chúng ta nên cố gắng phát triển tinh thần
tôn trọng giá trị của sự sống. Đó là những gì mà giới cấm thứ nhất
đã đề cập.
HỎI : Giới thứ ba nói đến việc tránh tà dâm. Vậy, tà
dâm là gì ?
ĐÁP : Nếu chúng ta dùng thủ đoạn gian trá, đe dọa, hay
ép buộc một người khác quan hệ tình dục với mình, hành vi ấy gọi là
tà dâm. Ngoại tình cũng là một hình thức tà dâm, vì khi chúng ta cưới
nhau có hứa rằng sẽ chung thủy với nhau, nhưng khi ta phạm phải tội tà
dâm thì chúng ta đã phá bỏ lời cam kết cũng như phản bội lại lòng tin
của người kia . Vấn đề tình dục phải biểu lộ tình yêu và việc quan
hệ mật thiết giữa hai người là góp phần duy trì tình cảm trong đời sống
lứa đôi.
HỎI : Quan hệ tình dục trước hôn nhân có phải là tà
dâm không ?
ĐÁP : Không hẳn, nếu cả hai người đều đồng ý và
yêu thương nhau. Tuy nhiên không nên quên rằng do cấu tạo sinh học có thể
dẫn đến việc mang thai và nếu một phụ nữ chưa lập gia đình mà có
mang thì sẽ tạo ra nhiều việc rắc rối. Nhiều người biết suy nghĩ và
chững chạc cho rằng tốt hơn hết phải để việc ấy cho đến sau khi làm
lễ cưới.
HỎI : Còn nói dối là gì ? Có thể sống mà không nói dối
được chăng ?
ĐÁP : Nếu thật sự không thể tránh được việc nói dối
trong xã hội , thì tình trạng hối lộ và sai trái cần được thay. Phật
tử là người cương quyết làm điều gì đó thực tế mà sự trung thực
là trên hết cả.
HỎI : Còn vấn đề rượu thì sao ? Uống chút ít không hại
gì chứ ?
ĐÁP : Người ta không uống vì hương vị. Khi họ uống một
mình là để tìm cách thư giản những căng thẳng và khi họ uống xã giao,
thường là để hòa đồng với mọi người. Ngay cả một lượng rượu nhỏ
cũng lạc dẫn ý thức và làm mất đi sự tỉnh thức. Dùng một lượng lớn,
hậu quả của nó có thể bị tàn phá.
HỎI : Nhưng uống chỉ một chút thì có phạm giới phải
không ? Đó chỉ là một việc nhỏ thôi mà.
ĐÁP : Có, đó chỉ là một việc nhỏ nhưng nếu bạn không
chịu tập để buông bỏ, thì việc phạm giới và lời cam kết này không
phải là lớn sao ?
HỎI : Năm giới cấm trên có tính tiêu cực, nó bắt buộc
bạn không được làm mà nó không đưa ra điều gì bạn được phép làm.
ĐÁP : Năm giới ấy là nền tảng đạo đức của người
Phật tử. Nhưng đó không phải là tất cả. Chúng ta bắt đầu nhận ra những
thói hư tật xấu của mình và cố gắng loại bỏ chúng. Sau khi ta đã loại
bỏ những việc xấu, chúng ta bắt đầu làm những điều thiện. Chẳng hạn
như lời nói. Đức Phật dạy dạy rằng chúng ta nên nói chân thật, hòa
ái, lịch sự và nói đúng lúc. Đức Phật dạy :
"Khi từ bỏ vọng ngữ sẽ là người nói chân thật,
đáng tin, có thể tin cậy được, vị ấy không lừa dối thế gian. Không
nói lời nói ác độc, không lập lại những gì mình nghe ở đây, cũng không
lập lại những gì mình nghe ở kia để gây ra sự bất hòa giữa nhiều người.
Vị ấy hòa giải những người bị chia rẽ và mang những người bạn lại
gần nhau. Hài hòa là niềm vui, là tình yêu, là hạnh phúc của vị ấy;
nó là động cơ của lời nói của vị ấy. Không nói lời thô bỉ, lời
nói vị ấy không trách mắng, dễ nghe, hợp lòng người, tao nhã được mọi
người yêu thích. Từ bỏ tật ngồi lê đôi mách, vị ấy nói hợp thời,
đúng chuyện, có liên quan đến giáo lý và giới luật. Vị ấy nói những
lời đáng trân trọng, đúng thời , hợp lý, rõ ràng và chính xác.."
(MI 179)