- Ðường vào nội
tâm
- Thích nữ Trí Hải
4
19. VỌNG PHU
Khi ngưòi đang hái hoa lòng say mê lạc
thú, niềm vui kia chưa thỏa tử thần đã lôi xa
(Pháp cú 48)
Một buổi sáng ở thiên đường, vua
trời Ðế thích đi vào Lạc viên ở cung trời 33 cùng với một ngàn thiên
nữ hầu hạ. Năm trăm nàng leo lên cây hái hoa tung xuống. Năm trăm nàng lượm
hoa kết thành tràng để trang sức cho vua trời, chồng của họ. Một nàng
đang hái hoa chẳng may trúng gió nặng, hồn lìa khỏi xác ngay khi ngồi
trên cây. Thân thể nàng tan biến mau lẹ theo hơi sương (vì là tiên nên thể
xác có phần nhẹ hơn người trần) và thần thức nàng nhập vào thai cung
của một phụ nữ thuộc gia đình trưởng giả thành Xá vệ. Khi xuất thai
và dần dần lớn thành một thiếu nữ, nàng vẫn nhớ kiếp vừa qua của
mình và mong mỏi được trở về cõi trời hầu hạ Ðế thích như trước.
Nàng thường đến Kỳ viên tinh xá Cấp Cô Ðộc để cúng dường Phật và
chúng tăng với một ước nguyện bất di dịch: "Mong rằng với phước
đức này con được trở lại với chồng con". Các tỳ kheo đều lấy
làm lạ về lời nói của thiếu nữ, và đặt cho nàng một biệt hiệu là
"Vọng phu". Vọng phu tiếp tục bố thí cúng dường như vậy cho đến
khi mười sáu tuổi, cha mẹ gả chồng cho nàng và lần hồi sinh hạ được
bốn con.
Một ngày kia, sau khi đến tinh xá
cúng dường Phật và chúng tăng trở về, Vọng phu cảm thấy nhức đầu
chóng mặt, lên giường nằm một lát rồi trút hơi thở cuối cùng. Thần
thức nàng trở về cõi trời 33 trong khi các thiên nữ đang bận rộn kết
hoa để trang hoàng cho Ðế thích. Khi vua Trời thấy nàng liền hỏi: - Sáng
nay sao ta không thấy nàng. Nàng đi đâu? - Thưa thần thiếp chết giấc một
hồi, rời khỏi thiên cung. -Nàng nói cái gì thế? Ðế thích ngạc nhiên -
Quả thế, muôn tâu thánh thể, thần thiếp đã chết đi một lát. - Rồi
nàng tái sinh ở đâu? - Tâu, ở một gia đình trong thành Xá vệ. - Nàng ở
đấy bao lâu? - Sau mười tháng ở trong thai, thần thiếp ra khỏi thai mẹ.
Khi 16 tuổi, thần thiếp được gả chồng, có bốn con. Thần thiếp đã bố
thí tu phước liên miên, ước nguyện được trở về thiên cung sum họp với
thánh thể. - Ðời sống của con người dài bao lâu? - Tâu thánh thể, chỉ
có một trăm năm thôi ạ! - Ôi, ngắn thế kia ư? - Dạ, tâu thánh thể. - Nếu
đời sống con người ngắn ngủi như thế thì chúng phỏng làm được cái
gì? Chắc là chúng phải tạo phước lành gấp rút lắm? - Dạ không, trái
lại, tâu thánh thể, con người dưới ấy vẫn mê ngủ, buông lung, bê tha,
làm như chúng sẽ được sống mãi hoài, làm như chúng sẽ không bao giờ
già chết. Vua trời nghe xong, buồn rầu bảo: - Nếu như lời nàng nói, con
người chỉ sống được có trăm năm, mà lại mê ngủ, buông lung, bê tha
thì biết bao giờ chúng mới thoát khỏi khổ?
Ngày hôm sau ở Xá vệ khi chúng tỳ
kheo vào làng đến chỗ thường lệ vẫn được nàng Vọng phu tiếp đón,
thì thấy lạnh ngắt như tờ. Không có chỗ ngồi, nước uống được xếp
đặt như mọi khi. Họ hỏi: - Vọng phu đâu rồi? Dân chúng thưa: - Bạch
chư Ðại đức, nàng ấy đã chết chiều qua, sau khi cúng dường trở về.
Khi ấy những vị tỳ kheo chưa chứng quả bỗng thấy lòng buồn man mác,
nhớ đến những săn sóc chu đáo của người tín nữ hôm qua mới đó, mà
nay đã ra người thiên cổ. Trở về họ hỏi Phật: - Bạch Thế tôn, Vọng
phu tạo phước cúng dường nhiều chỉ cốt để được gặp chồng. Tại
sao nàng vừa mới ở với chồng chưa bao lâu, hương lửa đang nồng mà phải
chết như vậy? Bây giờ nàng tái sanh ở đâu? - Này các tỳ kheo, không phải
Vọng phu ước được sống với người chồng hiện tại của nàng đâu.
Nàng vọng là vọng cái người chồng cũ của nàng trên cõi trời thứ 33
ấy, và bây giờ đã được toại nguyện. Hiện giờ, nàng đang trở lại
hầu hạ Ðế thích trong Lạc viên. Một đời nàng trải qua dưới thế
gian này không dài bằng nửa buổi sáng trên cung trời Ðế thích. - Ồ, bạch
Thế Tôn, đời con người sao mà ngắn ngủi! Mới buổi sáng nàng ấy cúng
dường thực phẩm cho chúng con, mà chiều nay đã nghe nàng chết rồi . - Quả
thế, các tỳ kheo, đời con người ngắn ngủi lắm. Trong khi chúng khát
khao những lạc thú cõi trần mà chưa được thỏa, chúng đã bị thần chết
mang đi.
(thuật theo Truyện tích Pháp cú)
-ooOoo-
20. GIỮ Ý NHƯ GIỮ THÀNH
Khi Phật ở nước Xá vệ, trong chúng
tỳ kheo tại tinh xá Cấp cô độc có một vị tôn giả tên Soreyya, đã chứng
quả A La Hán. Câu chuyện sau đây được truyền tụng về cuộc đời của
vị tôn giả trước khi đắc quả.
Trong lúc tôn giả Soreyya còn ở trại
gia, ngài là con của một vị phú hộ ở thị trấn Soreyya. Một hôm Soreyya
cùng ngồi trên xe đi tắm với một người bạn thân của chàng, có gia
nhân đông đảo đi theo. Khi ra khỏi thành bỗng chàng thấy tôn giả Ca
Chiên Diên, đệ tử của Phật đang ôm bát đi vào thành khất thực. Tôn
giả Ca chiên Diên có một màu da sáng đẹp như vàng ròng, sắc diện uy
nghiêm khả kính đến nỗi đoàn người đi tắm biển chú mục nhìn ngài
không biết chán. Thanh niên Soreyya là người hiếu sắc, thấy tôn giả bèn
nghĩ thầm trong bụng: "Ồ, ước gì vị tôn giả ấy là vợ ta! Ước
gì màu da của vợ ta cũng đẹp đẽ như da vị tôn giả ấy". Ngay khi
tư tưởng ấy vừa khởi, thanh niên Soreyya tức khắc biến thành phụ nữ.
Chàng vô cùng bối rối, vội nhảy ra khỏi xe lẫn vào đám đông trốn
bi?t. Phụ nữ Soreyya không dám về nhà, đi mãi đi mãi, theo đoàn người tiến
ra thành phố cho đến khi gặp một đoàn xe đi về phía đô thị Tắc ca.
Nàng bạo dạn đến gần một xe xin quá giang đến thành Tắc ca. Những người
trên xe là gia nhân của một vị phú hộ ở thành Tắc ca, trông thấy thiếu
nữ xinh đẹp liền bằng lòng ngay. Họ bảo nhau: - Con trai của chủ chúng
ta chưa có vợ, chúng ta hãy đưa nàng này về, thế nào cũng được trọng
thưởng. Quả nhiên khi xe về đến thành Tắc ca, phú ông rất vui mừng
được cô dâu xinh đẹp, làm lễ cưới ngay cho con trai mình. Thế là thanh
niên Soreyya trở thành vợ của thanh niên Tắc ca, con trai của phú ông ở
đô thị Tắc ca.
Ðám cưới không bao lâu, nàng mang
thai, sau mười tháng sanh ra một thằng con bụ bẫm. Ðứa con này vừa biết
đi tập tễnh, nàng lại cho ra đời một thằng con khác. Soreyya trước làm
nam nhi ở thành Soreyya đã có vợ hai con, bây giờ biến thành phụ nữ lại
sinh ra hai đứa con là bốn. Thế là Soreyya làm cha hai trẻ, làm mẹ hai trẻ.
Một hôm thành Tắc ca có hội chợ, tình cờ bà Soreyya trông thấy một
thanh niên trong đám đông và nhận ra ngay đó là người bạn rất thân đã
cùng ngồi xe đi tắm biển với mình dạo trước, khi chưa biến thành phụ
nữ. Bà Soreyya bảo gia nhân đến mời thanh niên ấy về nhà mình.
Thanh niên ngạc nhiên nhưng được
người đẹp mời cũng khoái, thấy không có gì hại, liền theo gót gia
nhân về nhà bà Soreyya. Ngồi vào "xa lông" thanh niên mới đánh bạo
lên tiếng: - Thưa bà, có lẽ bà lầm chăng? Tôi chưa hề được trông thấy
bà từ trước đến nay, vì đây là lần đầu tiên tôi đến thành phố
này. - Thưa ông tôi không lầm đâu, có phải ông là người của thành
Soreyya? - Thưa bà chính vậy. Thế ra bà biết. Soreyya bèn hỏi chàng thanh
niên về sức khỏe của ông bà phú hộ cha mẹ mình và hỏi thăm tin tức
vợ và hai con đang ở Soreyya. Thanh niên hỏi: - Thưa bà, họ đều khỏe mạnh.
Tại sao bà biết họ? - Thưa ông tôi biết lắm chứ. Thế còn người con
trai của họ, thanh niên Soreyya ở đâu? - Ồ thưa bà, xin bà đừng nhắc đến
chuyện thương tâm ấy nữa. Bao nhiêu năm nay, việc ấy đã trở thành một
vết thương lòng cho những người thân. Số là chúng tôi cùng ngồi xe đi
tắm biển, nhưng khi ra khỏi thành, không biết chàng biến mất tự bao giờ,
người thì đoán chàng xuống tắm bị nước cuốn trôi, người thì cho có
lẽ chàng bị cá nuốt. Tìm khắp nơi không thấy nên gia đình đã làm chay
cho chàng. - Thưa ông chàng không chết đi đâu cả, chính tôi đây là
Soreyya ngày trước. - Thưa bà... bà nói cái gì thế? Soreyya là bạn rất
thân của tôi, tôi biết rõ y là đàn ông. - Thưa ông, vậy mà tôi là
Soreyya. - Sao lại có chuyện kỳ quái như thế? - Ông có nhớ lúc chúng ta
đi xe ra khỏi thành đã gặp một vị tôn giả ôm bát vào thành hay không?
- Vâng, tôi nhớ có gặp tôn giả Ca Chiên Diên ngày hôm ấy. - Ðấy, khi
tôi trông thấy tôn giả, tôi nghĩ mong tôn giả là vợ mình, hay ít nhất vợ
mình có được làn da mơn đẹp như tôn giả. Ngay khi tôi vừa có ý nghĩ
ấy, tôi liền hóa thành phụ nữ. Ồ, thưa ông tôi bối rối quá, không thể
nói cùng ai, tôi nhảy đại ra khỏi xe chạy trốn, và đến thành phố
này. - Ồ, bạn ơi, bạn đã làm một việc quá điên rồ. Sao bạn không bảo
tôi? Thế bạn có sám hối cùng vị tôn giả ấy không? - Không bạn ạ,
tôi chưa từng sám hối Ngài. Nhưng bạn có biết hiện giờ Ngài ở đâu
không? - Ngài ở quanh quẩn gần thành phố này. - Ước chi Ngài đến đây,
tôi sẽ cúng dường thực phẩm cho Ngài. - Tốt lắm, vậy bạn hãy sửa soạn
đi, ngày mai tôi sẽ thỉnh Ngài tới đây để bạn sám hối cùng Ngài.
Rồi người bạn cũ của Soreyya, vốn
là một Phật tử thuần thành, đi đến chỗ tôn giả Ca Chiên Diên ở để
thỉnh Ngài về nhà cư sĩ thọ trai. Tôn giả hỏi: - Này thanh niên, nhưng
con đâu có nhà ở đây? Không phải con là du khách của thành phố này sao?
- Bạch tôn giả việc ấy không quan hệ, xin tôn giả nhận lời cho con
ngày mai được cúng dường tôn giả tại nhà. Tôn giả im lặng nhận lời.
Ðến giờ ngọ thực hôm sau Ngài cùng thanh niên đến nhà Soreyya. Sau khi
bà Soreyya bày biện các món thức ăn thượng vị lên cúng dường, thanh niên
bảo bà Soreyya quỳ xuống dưới chân tôn giả và thay lời nàng tác bạch:
- Bạch tôn giả, xin tôn giả tha thứ cho bạn con. Tôn giả chẳng hiểu ất
giáp gì trước sự tình ấy, bèn hỏi: - Có chuyện gì thế? - Bạch tôn giả,
người đàn bà này trước kia là đàn ông, và là bạn rất thân của con.
Một hôm y nhìn tôn giả và có ý nghĩ quấy, nên bị biến thành đàn bà tức
khắc. Xin tôn giả hãy tha thứ cho y. - Ðược, ta tha thứ cho ngươi. Hãy đứng
dậy.
Vừa khi tôn giả thốt ra những lời
ấy, Soreyya đứng lên và trở lại thân hình nam nhi như trước. Con trai Tắc
ca, chồng của Soreyya, thấy vợ mình mới đó bây giờ đã hóa thành đàn
ông liền bảo: - Này bạn ơi, vì bạn đã là mẹ của hai đứa con, tôi
là cha của chúng, thì quả thật chúng là con chung của chúng ta. Bạn hãy
ở lại đây với tôi, đừng có đi đâu, chúng ta sẽ "đem tình cầm sắt
đổi ra cầm kỳ" (vợ chồng đổi thành bè bạn ). Soreyya nói: - Hỡi
bạn, tôi đã hai lần hóa thân trong một đời người. Ban đầu làm đàn
ông, sau biến thành đàn bà và bây giờ biến thành đàn ông trở lại. Ban
đầu tôi làm cha hai đứa trẻ, sau lại làm mẹ hai đứa trẻ khác. Tôi
còn sống ở đời làm gì nữa! Tôi muốn xuất gia. Bây giờ bạn hãy săn
sóc hai đứa bé này.
Nói xong, Soreyya hôn hai đứa bé, từ
giã chúng rồi xin đi theo tôn giả Ca Chiên Diên. Tôn giả nhận chàng về
trong Tăng đoàn. Sau khi truyền giới cụ túc cho Soreyya, Ngài đưa tỳ kheo
Soreyya về tinh xá Cấp cô độc nước Xá vệ. Câu truyện ly kỳ về đời
tư Soreyya truyền đi rất nhanh khắp thành Xá vệ. Dân chúng tò mò đến
nơi để biết rõ thực hư. Suốt ngày tỳ kheo Soreyya phải bận rộn về
những người này. Câu hỏi bất di dịch của họ là: - Bạch đại đức,
có phải tin đồn Ngài hóa thân hai lần là đúng không? - Ðúng. - Bạch Ðại
Ðức, Ngài đã từng làm cha hai đứa trẻ và làm mẹ hai đứa trẻ khác,
Ngài thương cặp con nào hơn? - Tôi thương cặp con do tôi làm mẹ nhiều hơn.
Cuộc phỏng vấn cứ tái diễn như vậy
không biết lúc nào ngưng, làm cho tỳ kheo Soreyya không rảnh phút nào để
tham thiền nhập định. Do đó, Ðại Ðức quyết định rút vào rừng sâu,
độc cư thiền định. Sau một thời gian ngắn, nhờ nỗ lực tu tập, Ðại
Ðức chứng quả A La Hánvà trở lại nếp sống bình thường trong tăng đoàn
ở tu viện. Những người đến thăm lại được dịp phỏng vấn tôn giả
trở lại: - Bạch tôn giả, tin đồn rằng Ngài đã làm cha hai đứa trẻ và
làm mẹ hai đứa khác, có đúng không? - Ðúng. - Ngài thương cặp con nào hơn?
- Không thương cặp nào cả.
Các tỳ kheo nghe tôn giả trả lời như
vậy, liền đến bạch Phật:
- Bạch Thế tôn, tỳ kheo Soreyya phạm
tội nói dối. Trước kia vị ấy thường bảo: "Tôi thương hai đứa
con do tôi làm mẹ hơn là hai đứa mà tôi làm cha". Thế mà bây giờ
khi người ta hỏi, vị ấy lại đáp là không thương đứa nào. Bạch Thế
tôn, như vậy là nói dối.
- Này các tỳ kheo, tỳ kheo Soreyya
không nói dối đâu. Trước kia ông ấy chưa chứng quả, bây giờ ông ấy
đã chứng quả và biết rõ rằng CHẲNG PHẢI CHA HAY MẸ, MÀ CHÍNH LÀ CÁI
TÂM KHÉO ÐIỀU PHỤC MỚI ÐEM LẠI LỢI ÍCH CHO CHÚNG SINH".
Câu ấy trở thành Pháp cú thứ 46
được lưu truyền.
-ooOoo-
21. BÀ LÃO DỊ KỲ
"Tâm phàm phu xoay vần theo ngũ dục,
xao động không thể nắm bắt. Chỉ những người nào điều phục được
tâm mìmh mới được yên vui". Câu thứ 35 ấy trong kinh Pháp cú có
duyên khởi như sau:
Thuở Phật còn tại thế, trong xứ Kiều
tất la có một khu làng nằm dưới chân núi gọi là Mã đề thôn. Tại đấy
có một bà lão sống một mình với một gia tài phong phú. Bà được mệnh
danh là Mã Lão Mẫu. Vào một ngày an cư, sau khi đức Phật chỉ dạy cho chúng
tỳ kheo pháp quán 32 uế vật trong thân, có 60 vị đi đến Mã Ðề thôn để
thực hành thiền quán. Bà lão cho xây cất một tu viện cho 60 vị ấy cư
trú và cúng dường đầy đủ về y phục, thực phẩm dược phẩm, mền
chiếu trong suốt mùa an cư. Những tỳ kheo ấy muốn tinh tiến tu hành nên
cùng đặt ra một quy luật như sau: không được hai vị tỳ kheo cùng đứng
hay ngồi tại một chỗ đồng thời với nhau. Ðại chúng chỉ nhóm họp
hai lần trong ngày là sáng sớm trước khi vào rừng tọa thiền và chiều tối
sau khi ở rừng về, để bái yết vị thượng tọa chúng trưởng. Tuy nhiên,
nếu có tỳ kheo nào bị bệnh, thì hãy đánh lên một hồi kiểng. Khi nghe
tiếng kiểng tất cả sẽ nhóm lại để cùng lo cho bệnh nhân. Sau khi thỏa
thuận quy luật trên chúng tỳ kheo đi vào rừng mỗi ngày.
Một hôm bà lão đem thực phẩm tới
chùa cúng dường, không thấy ai cả, bà bèn hỏi những người ở chung
quanh, làm cách nào để gặp chúng tỳ kheo. Có người biết quy luật nói
trên, bày cho bà lão đánh kiểng. Tức thì từ trong rừng các vị tỳ kheo
lần lượt trở về. Bà lão lấy làm quái lạ thấy mỗi người đi từ một
hướng, không ai đi chung với ai, nên nghĩ thầm: "Có lẽ các Ðại Ðức
có chuyện cãi vã nhau chăng?" Khi họ đến gần bà hỏi ngay câu ấy,
và được trả lời: "Không đâu lão mẫu ". Bà lão hỏi: - Nếu
quý vị không xích mích thì tại sao khi tới đây quý vị đi chung, mà bây
giờ mỗi người đi mỗi ngã như vậy? - Lão mẫu, chúng tôi mỗi người
ngồi một gốc cây để thực hành phép thiền quán của Thế tôn chỉ dạy.
- Thưa Ðại Ðức, phép quán gì thế? - Lão mẫu, chúng tôi quán 32 uế vật
trong thân. - Thưa, phép quán ấy chỉ dành cho các vị tỳ kheo mà thôi, hay
cư sĩ như lão cũng tập được?
- Ồ, lão mẫu, phép quán ấy ai muốn
học cũng được cả, không ai cấm. - Vậy thì xin chư Ðại Ðức dạy cho
lão với. - Ðược, lão mẫu hãy nghe cho kỹ. Rồi một vị tỳ kheo đằm
trách dạy cho bà lão phép quán 32 uế vật trong thân, để đi đến nhận
thức rõ ràng về hoại diệt, chết chóc luôn ẩn tàng trong thân mình. Bà
lão thuộc lòng ngay phép quán và tinh cần tu tập đến nỗi bà đắc quả
vị thứ ba (Bất lai) trong bốn Thánh quả, trước cả các vị tỳ kheo.
Với thiên nhãn thuần tịnh siêu
nhân, bà quán thấy tất cả những vị tỳ kheo chưa ai đắc gì cả, và
sau khi quán sát kỹ, bà thấy họ đều có khả năng chứng quả A La Hán.
Khi nhận thấy điều này, bà lão quyết định hỗ trịï cho chúng tỳ kheo
đầy đủ về mọi mặt, để họ có thể mau chứng quả. Vị nào thích hợp
với món ăn nào, thức uống nào, bà cung cấp đúng như nhu cầu của họ.
Bà thận trọng không cúng dường những thực phẩm có vị chua cho những
người nào yếu bao tử. Vị nào ưa ngủ gục trong lúc tọa thiền, bà lão
cúng cà phê. Vị nào yếu phổi, bà cúng thêm mền và áo lạnh. Trong tâm vị
nào tưởng đến món ăn gì, bà lão biết ngay và đáp ứng.
Nhờ sự chăm sóc chu đáo ấy, sau khi
giải hạ, 60 vị tỳ kheo trở về bên Phật với sắc diện hồng hào tươi
nhuấn, và tiến bộ khá hơn trên đường tu. Phật âu yếm nhìn đàn con trở
về và bảo: - Này các tỳ kheo, chắc hẳn các con được an vui, sức khỏe,
thực phẩm đầy đủ trong mùa an cư? - Dạ thưa vâng, Bạch Thế Tôn.
Chúng con được an vui, sức khỏe, và khỏi lo gì đến chuyện ăn uống. Bởi
vì có một bà lão ở Mã Ðề thôn biết được ý nghĩ chúng con, đến nỗi
chúng con vừa ước món gì, là có ngay món ấy. Các vị tỳ kheo thi nhau kể
chuyện về bà lão dị kỳ cho Phật và chúng Tăng ở Xá vệ nghe.
Một vị tỳ kheo nghe xong, quyết đi
đến Mã Ðề thôn để thiền định, và xin Phật: - Bạch Thế tôn, cho con
tới đó. Phật bằng lòng, sau khi ra đề tài cho vị ấy thiền quán. Vị tỳ
kheo lên đường đi dến Mã Ðề thôn. Khi đến ngôi chùa của bà lão bỏ
vắng, vị ấy nghĩ: "Mình nghe bà lão dường như biết được tâm kẻ
khác. Vậy nay mình vừa mới tới, quá mệt vì đường xa không thể quét dọn
chùa. Mong sao bà lão cho người tới quét dùm". Bà lão đang ở nhà
riêng, biết được ý ấy, bèn cho người tới quét chùa. Vị tỳ kheo lại
ao ước trong lòng "ước chi mình có được một ly cô ca mát lạnh mà
giải khát". Bà lão cho người đem ly cô ca lạnh cho vị tỳ kheo. Hôm
sau, vừa thức dậy, vị t? kheo ước: "Mong sao bà lão dọn cho mình một
bữa điểm tâm nhiều bị và thức ăn ngon lành". Bà lão cho người
đem bữa điểm tâm đúng như vị ấy muốn. Vị tỳ kheo suy nghĩ: "Bà
lão đã cho ta mọi thứ ta ao ước. Bấy giờ ta muốn gặp mặt bà. Mong sao
bà hãy đích thân đến, mang cho ta thật nhiều thức ăn loại cứng loại mềm.
Bà lão liền đi đến chùa cùng với thức ăn cúng dường đúng sở thích
của vị tỳ kheo. Vị tỳ kheo nói: - Lão mẫu, có phải bà là Mã lão mẫu
không? - Thưa vâng. - Bà có tha tâm thông à? - Tại sao Ðại Ðức hỏi vậy?
- Vì bà đã cho tôi mọi thứ tôi nghĩ đến. - Nhiều vị tỳ kheo cũng có
tha tâm thông. -Tôi không nói các tỳ kheo, tôi muốn hỏi bà. Bà lão tránh
né trả lời bằng cách nói: - Thưa Ðại Ðức đâu cần phải có tha tâm
thông mới có thể cúng dường các thứ ấy?
Khi ấy vị tỳ kheo bắt đầu hoằng
sợ, nghĩ: " Khốn thay, kẻ chưa chứng đắc như ta thì có khi nghĩ tốt
nhưng cũng lắm khi nghĩ bấy. Nếu lỡ có một ý nghĩ bậy bạkhởi lên,
bà lão sẽ tóm cổ ta như tóm bắt một kẻ trộm, và liếng hành lý ta ra
khỏi chùa. Ta sẽ bị khốn đốn với bà lão. Chi bằng ta hãy thoát khỏi
chốn này. Nghị vậy xong, vị tỳ kheo nói với bà lão: - Này lão bà, tôi
muốn rời khỏi nơi đây. - Ðại Ðức đi đâu? - Trở về Thế tôn. - Ðại
Ðức ở lại ít lâu đã. - Không tôi không thể ở lại. Tôi phải đi
ngay.
Thế là vị đại đức của chúng ta
thu xếp hành lý thoát ra khỏi ngôi chùa bà lão, vừa đi vừa thở phào nhẹ
nhõm cả người, như vừa thoát khỏi tử nạn. Khi trở về vườn Cấp cô
độc, đến đãnh lễ Phật, Phật hỏi: - Sao, sao con không ở Mã Ðề thôn
nữa à? - Bạch Thế tôn, bà lão biết hết mọi ý nghĩ trong tâm con. Và
con nghĩ rằng, kẻ chưa chứng đạo như con thì có khi nghĩ tốt, nhưng
cũng nhiều khi nghĩ bấy. Lỡ mà con có ý nghĩ xấu, bà lão ấy sẽ túm lấy
đầu con, và sẽ làm con khốn đốn. - Con đi, chính nơi ấy con cần nên cư
trú. - Bạch Thế tôn, con không thể nào ở chỗ ấy được nữa. - Này tỳ
kheo, con có thể giữ một điều này thôi không? - Ðiều gì, Bạch Thế
tôn, con chưa hiểu.
- Chỉ giữ cái tâm của con, không
làm việc gì khác.
Sau khi nghe lời Phật dạy, vị tỳ
kheo trở lại làng bà lão. Với thiên nhãn bà lão biết được vị tỳ
kheo sắp đắc quả nên càng chu đáo cúng dường để hỗ trịï cho ông
mau chóng đạt mục đích. Do đó, chỉ trong vài ngày vị ấy đắc quả A
La Hán. Sau khi đắc quả, vị ấy suy nghĩ: "Bà ấy quả thực đã giúp
đỡ ta rất nhiều. Nhờ bà lão ấy mà ta thoát ly được vòng sống chết.
Không biết chỉ trong kiếp này bà ấy giúp ta, hay nhiều kiếp trước cũng
vậy?" Vị La hán nhập định quán sát các tiền kiếp thì biết rằng
trong 99 kiếp trước, bà lão đã làm vợ mình và đã ngoại tình với những
người đàn ông khác, và làm cho mình phải thật điên bát đảo. Bà lão lại
còn âm mưu giết mạng sống của mình. Khi biết được điều ấy, vị La
hán nghĩ: "Ồ tín nữ này đã phạm biết bao tội ác!" Bà lão ngồi
trong ngôi nhà riêng, biết được tâm niệm của vị A La Hán, và nghĩ:
"Vị ấy đang nghĩ về tội lỗi 99 kiếp trước của ta. Nhưng trong vòng
luân hồi đã qua, có lần nào ta giúp vị ấy không? Bà lão nhập định thấy
ở kiếp thứ 100 về trước, bà đã cứu mạng sống của vị A La Hán khi
vị ấy là chồng bà. Do đó, bà dùng thần giao cách cảm bảo vị La hán:
- Hãy quán sát tiếp, đi sâu hơn nữa vào quá khứ. Bằng thiên nhị thông,
vị La hán nghe được hiệu lệnh trên, và tiếp tục quán sát đến kiếp
thứ 100 về trước của mình, thì thấy quả nhiên bà lão cứu mạng mình.
Vị La hán nghĩ: "Tín nữ này quả đã giúp ta rất nhiều". Sau khi
nghĩ như vậy, ngay tại chỗ vị ấy nhập Niết bàn vô dư y.
-ooOoo-
22. ÔNG TRƯỞNG GIẢ KEO KIỆT
Cách thành Vương Xá không xa có một
gia đình ông trưởng giả mệnh danh là Keo Kiệt. Bởi vì, mặc dù ông sở
hữu tài sản kho đụn chất đống, gia súc ruộng vườn chất đống, ông
không bao giờ sử dụng những của cải ấy cho vợ con hay cho chính mình,
nói gì đến người thiên hạ. Một buổi sáng, sau khi có việc đến cung
vua trở về, ông Keo Kiệt trông thấy một người ăn xin đang gặm một miếng
bánh tiu giữa đường (thứ bánh làm bằng bột mì trộn đường bỏ vào dầu
sôi phồng lên thành một cái bánh rỗng ruột). Ông thèm quá, định bụng
về bảo vợ làm như vậy. Nhưng về đến nhà, ông suy nghĩ: "Nếu ta nói
cho bà ấy biết ta thèm bánh tiu, bà ấy sẽ làm cho cả nhà cùng ăn thì sẽ
tốn quá nhiều bột, đường, mè, dầu mỡ và các thứ khác. Chi bằng lặng
thinh tốt hơn ".
Nghĩ vậy ông Keo Kiệt lặng lẽ vào
phòng, leo lên giường nản thở dài sườn sượt, chiến đấu với cơn thèm,
nhưng sợ hao tốn ông không dám thố lộ cùng ai nỗi thèm khát ấy. Thấy
chồng buồn bã, bà vợ đến bên hỏi han: - Sao ông buồn rầu như vậy? Có
chuyện gì không? - Không có gì đâu, bà ạ . - Vua có quở trách ông chăng?
- Không có. - Các con trai, con gái, dâu rễ, cháu chắc, người ăn kẻ làm,
tôi tớ trong nhà, có đứa nào làm ông phất lòng hay không? - Tuyệt đối
không có chuyện ấy. - Vậy thì, hay là ông đang ao ước một chuyện gì?
Ông keo kiệt nghe vợ nói vậy, càng sợ tốn hao của cải, nên nhất quyết
không hở môi, vẫn nằm bất động mà thở dài. Bà vợ năn nỉ:- Này,
ông hãy nói đi, ông muốn cái gì thì bảo? Ông trưởng giả nuốt nước bọt
đánh ực một cái, rồi mới thở dài não nuột bảo: - Phải, tôi đang thèm
một chuyện. - Thèm chi, ông hãy nói ra thử tôi nghe. - Tôi thèm ăn một cái
bánh tiu. Trời đất quỷ thần đi! Bộ mình nghèo lắm sao? Tại sao ông
không bảo tôi ngay? Thứ bánh đó làm dễ ợt. Tôi có thể làm ngay một mớ
bánh tiu cho dân chúng cả thành phố này ăn. - Này, nhưng tại sao bà nghĩ
điên rồ như vậy? Dân chúng ai làm nấy ăn mắc gì tới bà? - Vậy thì,
tôi có thể làm bánh cho hết thầy người ở con đường này ăn. - Cái đầu
của bà làm sao vậy, hả? Tại sao lại cứ nghĩ chuyện ngoài đường? - Vậy,
tôi có thể làm bánh cho cả nhà ăn. - Bà điên mất rồi. Bà có biết nhà
ta đông đến mấy trăm mấy ngàn miệng ăn không? - Vậy, tôi sẽ làm bánh
cho ông, tôi và các con chúng ta ăn. - Tại sao bà phải bận tâm tới chúng
nó? - Vậy, tôi sẽ làm bánh cho ông và tôi ăn thôi. - Nhưng còn bà , bà
ăn bánh tiu làm gì đã chứ? -Vậy, thì tôi chỉ làm bánh cho một mình ông
ăn thôi. - Bà nói vậy nghe mới được. Nhưng ở trong cái nhà này, chúng
ta làm gì cũng có nhiều người trông thấy. Vậy bà hãy đem bột đường
dầu mè và các thứ soong chảo lò bệ đi với tôi lên tuốt trên tầng lầu
thứ bẩy, ở chót vót trên cao ấy, chúng ta mới làm bánh được, khỏi bị
ai dòm ngó. - Ðược rồi. Bà vợ soạn tất cả dụng cụ và vật dụng
làm bánh, lễ mễ bưng lên tầng lầu chót. Ông trưởng giả xách xâu chìa
khóa đi theo khóa hết các lối đi lên. Sau khi đến tầng lầu cuối, khóa
cửa xong, ông mới bảo vợ bắt đầu khuấy bột chiên bánh.
Lúc ấy, tại Kỳ viên tịnh xá, Ðức
đạo sư bảo tôn giả Mục Liên: - Này Mục Liên, trong thành phố kia, có
ông trưởng giả keo kiệt đang ngồi trên tầng lầu chót mà chiên bánh vì
sợ người thấy. Vậy, ông hãy vận thần thông đến đó, đem tất cả
người và bánh lại đây cho ta. Trưa nay, ta và chúng tỳ kheo sẽ độ ngọ
bằng rỗ bánh ấy và cải hóa trưởng giả keo kiệt. - Thưa vâng , bạch
Thế tôn. Tôn giả Mục Liên vâng lời, vận thần thông đi đến chỗ trưởng
giả. Ngài hiện hình đắp y chỉnh tề đứng giữa hư không, ngay trước cửa
sổ. Ông Keo Kiệt nhìn ra giật mình tự nhủ: "Chính vì sợ gặp những
người như vậy mà ta mới leo tấn đây, Thế mà sa môn này cũng lò dò tới
được, lại đứng ngay trước cửa sổ!" Rồi ông tức giận nói lớn:
Này, tỳ kheo kia, muốn gì mà đứng như trời trồng ở đó? Dù ngươi có
đi tới đi lui cho mỏi cả chân, cho thành một con đường mòn giữa hư không,
ngươi cũng không được gì đâu." Tức thì, vị tôn giả khởi sự đi
tới đi lui. Ông Keo Kiệt tức mình bảo: "Ngươi đi lui đi tới làm chi
cho mất công! Dù ngươi có ngồi kiết già giữa trời, ngươi cũng không
được gì đâu!" Tôn giả liền ngồi giữa hư không. Ông Keo Kiệt bảo:
- Ngồi kiết già làm chi đó? Vô ích mà thôi. Cho dù ngươi có phun ra khói
đi nữa, ngươi cũng không được gì đâu. Tôn giả liền phun khói vào cửa
sổ, khói lên đầy đặc cả gian phòng. Sợ tôn giả sẽ làm gian phòng
phát hỏa nên ông keo kiệt không dám nói thêm "dù ngươi có phun lửa,
ngươi cũng không được cái bánh nào!" Ông tự nhủ: "Sa môn lì lợm
này có lẽ nhất quyết ăn cho được cái bánh của mình mới chịu
đi". Rồi ông bảo vợ: - Này bà, thôi hãy chiên một cái bánh nhỏ
xíu đưa ông ta đi cho xong. Bà vợ lấy một ít bột bỏ vào chảo dầu. Nhưng
cái bánh phồng lên đầy cả chảo. Ông bảo bà: - Bà lấy nhiều bột
quá. Ðể tôi lấy cho. Ông lấy một chút bột dính đầu muỗng bỏ vào chảo.
Do thần lực của tôn giả, cái bánh này còn lớn hơn cái bánh trước.
Ông Keo Kiệt cứ tưởng mình lấy quá nhiều bột, nên tiếp tục chiên
cái khác nhỏ hơn mới đem cho. Nhưng càng ngày bánh cứ càng lớn thêm,
không thấy cái nào nhỏ cả, ông bèn bảo bà - Thôi, bà hãy lấy đưa cho
ông ấy bất cứ cái nào, một cái một mà thôi.
Bà vợ lấy một cái bánh đã chiên từ
nơi rỗ. Nhưng bà không rứt ra được cái nào, nên bảo: - Ông đi, bánh mắc
dính vào nhau. Tôi không thể nào gỡ ra được một cái. - Ðể tôi gỡ
cho. Rồi ông cầm một cái bánh, bà cầm rỗ bánh, cả hai cố kéo cho rứt
ra một cái mà biếu vị sa môn. Nhưng ông không tài nào rứt ra được, mồ
hôi đổ ra nhễ nhại, ướt cả mặt mày y phục. Mắt hai vợ chồng đỏ
ngầu vì khói do tôn giả phun ra. Cuối cùng ông trưởng giả mệt nhoài,
không thiết gì nữa, bảo vợ: - Này bà, tôi không ăn uống gì nữa hết.
Bà hãy đem hết rỗ bánh cúng dường vị sa môn đi.
Mục Liên tôn giả thu hồi thần lực
làm cho hết khói, rồi thuyết pháp cho ông keo kiệt nghe. Nghe xong, ông phát
sinh lòng tin thanh tịnh đối với Tam bảo, cung kính mời: - Bạch Tôn giả,
xin ngài hãy tới đây, ngồi trên chỗ này mà dùng bánh của con. - Này trưởng
giả, đức Ðạo sư đang chờ dùng bánh này. Ta hãy đem tới cúng dường
Ngài. - Bạch tôn giả, nhưng hiện Ngài ở đâu? - Ngài đang ở Kỳ viên
tinh xá, cách đây chừng 45 dặm. - Quỷ thần ơi, xa như vậy làm sao chúng
con tới kịp giờ Ngài dùng ngọ? - Trưởng giả, nếu ngươi muốn, ta sẽ
đưa ngươi vợ ngươi và bánh đến nơi Ngài trong chớp mắt. Ðỉnh cầu
thang sẽ ở nguyên chỗ, nhưng cái chân cầu thang này sẽ ở ngay cổng vào
tinh xá. Các ngươi sẽ đến đó trong khoảng thời gian ngắn hơn đi bộ xuống
bảy tầng lầu. - Bạch tôn giả, như vậy rất tốt.
Tôn giả hóa phép cho cái chân cầu
thang ở ngay cổng tinh xá . Vợ chồng ông keo kiệt xuất hiện trước Ðấng
Ðạo sư, đảnh lễ và thỉnh Phật dùng bánh. Khi Phật và chúng tỳ kheo
ngồi vào phòng ăn, ông trưởng giả đặt một cái bánh vào bát của
Ngài. Tăng chúng thì dùng bánh nơi rỗ do bà vợ dâng lên. Vợ chồng trưởng
giả cũng được dùng bánh cho đến khi thỏa thích. Sau khi đức Phật,
Tăng chúng và hai cư sĩ dùng xong bữa, rỗ bánh vẫn còn nguyên vẹn như
cũ. Ðức Phật bảo đem bánh ấy để ngoài cổng tinh xá cho chim ăn. Ðến
nay nơi ấy vẫn còn được gọi là động Bánh.
Ðức Phật thuyết tùy hỷ pháp cho
hai cư sĩ. Khi nghe xong thời pháp, của Phật, ông bà trưởng giả đều đắc
quả Dự lưu (Nhập dòng thánh). Họ đảnh lễ Phật, bước lên cầu thang,
và do thần lực của tôn giả Mục Liên, đến ngay tầng bảy của tòa lâu
đài mình. Ðức Thế tôn nhân đấy đã khen tôn giả Mục Liên một lời về
sau được ghi vào kinh Pháp Cú như sau:
"NÀY CÁC TỲ KHEO, MỘT VỊ TỲ
KHEO MUỐN CẢI HÓA MỘT GIA ÐIÌNH MÀ KHÔNG LÀM MẤT TÍN TÂM CỦA HỌ,
KHÔNG LÀM HAO TỔN TÀI SẢN CỦA HỌ, KHÔNG PHIỀN NHIỄU HỌ, THÌ PHẢI NHƯ
ONG HÚT MẤT HOA, CHỈ GIỮ LẤY MÙI VỊ, KHÔNG LÀM TỔN THƯƠNG HƯƠNG SẮC
VÀ NHƯ VẬY CHÍNH LÀ HẠNH CỦA PHÁP TỬ MỤC LIÊN."
-ooOoo-
23. TÔN GIẢ TÍ HON
Thuở Phật còn tại thế, một hôm vị
đệ tử Ðại trí của Ngài, Tôn giả Xá Lợi Phất, đi khất thực trong
thành Vương xá, Ngài bỗng nhớ tới một người bạn nghèo của thân phụ,
và muốn đến gieo phước cho ông. Tôn giả đi đến nhà ộng lão. Khi thấy
Tôn giả từ xa đi lại, ông lão nghĩ thầm " Kìa là cháu Upatissa (tên
của Tôn giả lúc ở đời) yêu dấu của ta ngày xưa đến khất thực. Y
không biết rằng ta chẳng còn gì để cho y ". Nghị thế, ông lão lánh
mặt, tự nhủ xin được chút gì mới cúng dường tôn giả. Ít hôm sau,
ông lão kiếm được một ít cháo và một mảnh y phục nhờ sự tụng đọc
kinh điển Bà la môn. Ông định bụng sẽ cúng dường tôn giả. Lúc ấy
tôn giả đang nhập định, quán sát ông lão muốn bố thí, nên ngài xuất
định, ôm bát đến nhà ông lão. Khi tôn giả đến trước cửa như thường
lệ, ông lão ra đãnh lễ tôn giả, mời vào nhà để cúng dường. Tôn giả
chỉ nhận phân nửa bát cháo, rồi đấy nạp bát. Nhưng ông lão năn nỉ:
"Bạch tôn giả, đây chỉ có một phần ăn. Xin tôn giả nhận tất cả,
cho con được phước báu đời sau. Con muốn cúng tất cả cho Ngài. Nói rồi
ông đổ trọn bát cháo vào bát tôn giả. Tôn giả Xá Lợi Phất dùng cháo
ngay tại chỗ. Khi Ngài dùng xong ông lại cúng nốt mảnh y phục cho Ngài: -
Bạch Tôn giả, nguyện cho con đời sau có trí tuệ siêu việt như Ngài. -
Này Bà la môn, ngươi sẽ được toại nguyện. Tôn giả đáp, và sau khi
nói lời tùy hỷ công đức, Ngài đứng lên tiếp tục du hành đến Kỳ viên
tinh xá.
Ông lão sau khi cúng dường Tôn giả
thì vui mừng vô hạn, và càng tăng lòng ái mộ đối với Tôn giả. Do sự
kính ái này, ông lão thác sinh vào gia đình một thí chủ thường xuyên của
Tôn giả Xá Lợi Phất. Khi bà tín nữ mang thai, bà đâm ra khát khao hơn bao
giờ hết, được cúng dường cháo hàng ngày cho chúng tỳ kheo của Tôn giả
Xá Lợi Phất gồm tất cả 500 vị. Bà khao khát được mặc y vàng, đến
ngồi ngoài cổng tinh xá mà chực ăn phần cháo thừa của chúng Tăng, để
thừa hưởng phước trí trang nghiêm. Thân quyến và chồng bà giúp bà thực
hiện ước nguyện ấy, cúng dường cháo hàng ngày cho chúng tỳ kheo. Có người
cho rằng sự thích mặc áo vàng của bà là điềm báo trước người con
trong bụng sẽ là một vị tỳ kheo đệ tử Phật, và họ lấy làm sung sướng.
Ðúng kỳ sinh nở, một hài nhi xinh đẹp ra đời, cả gia đình hân hoan đón
tiếp. Họ tắm em bé bằng nước thơm, mục cho em bé những y phục vô
cùng quý giá đã may sẵn từ trước, và đặt em bé n?n trong một chiếc
nôi lộng lẫy như một hoàng cung, đạp cho em bé một cái mền gấm sang trọng.
Rồi thỉnh tôn giả Xá Lợi Phất và chúng tỳ kheo đến quy y cho em bé.
Khi tôn giả đến em bé đang nằm ngửa nhìn chăm chăm vào Tôn giả với một
cặp mắt tinh anh lạ kỳ, một cách nhìn trìu mến như đối với người
đồng hàng quyến thuộc. Em bé nghĩ: "Ðây là thầy của ta đời trước,
nhờ Ngài mà ta được sang quý ở đời này. Ta phải cúng dường Ngài một
cái gì." Khi người mẹ ẵm em bé lên để thụ tam quy, ngũ giới với
tôn giả, những ngón tay của em bé quấn vào trong cái mền gấm. Gia nhân
la lên: "Kìa, tay em bé bị kẹt trong cái mền gấm", và chạy lại
gỡ ra thì em bé òa khóc như không muốn rời. Người mẹ nói: "Ðể vậy
đừng làm em bé khóc", và ẵm con đến cho Tôn giả. Khi đến trước Tôn
giả, em bé thả tay cho cái mền rớt phủ trên chân Ngài. Người mẹ thông
ngôn rằng: - Bạch Tôn giả, xin Ngài nhận cho con của cúng dường này, và
cho con được thụ tam quy ngũ giới làm đệ tử ngài. Tôn giả hỏi tên đứa
bé đó là gì? - Bạch Tôn giả xin ngài cho hài nhi cái tên của ngài lúc tại
thế. - Vậy nó sẽ mang tên Tích Sa (Upasstisa là tên của tôn giả ).
Khi được bảy tuổi Tích sa nói với
mẹ: - Thưa mẹ, con muốn xuất gia theo Tôn giả Xá Lợi Phất. - Tốt lắm
cho con xuất gia. Rồi bà mời Tôn giả lại rồi bạch: - Bạch tôn giả, đệ
tử của Ngài xin được xuất gia với Ngài. Chiều nay con sẽ đưa y đến
tu viện. Sau khi đươc Tôn giả nhận lời, bà mẹ sắm nhiều lễ vật
cúng dường, và dẫn chú bé đến Kỳ viên tinh xá. Tôn giả nói với Tích
Sa:
- Tích Sa này, đời sống của người
xuất gia rất cam khổ. Khi muốn ấm nhà ngươi phải gặp lạnh, muốn mát
ngươi lại gặp nóng. Những tỳ kheo phải sống ngược đời như thế đấy.
Liệu ngươi có sức chịu đựng không?
- Bạch Tôn giả con sẽ làm tất cả
những gì ngài dạy bảo.
- Tốt lắm.
Rồi Tôn giả dạy cho Tích Sa quán
pháp bất tịnh bằng cách học 5 món đầu trong 32 món ô uế trong thân là
tóc, lông, móng, răng, da. Tôn giả lại truyền cho Tích Sa thấp giới và từ
đó Tích Sa khởi sự cuộc đời của một chú tiểu.
Ðể mừng việc xuất gia của con, cha
mẹ Tích Sa cúng dường cháo thấp cẩm cho toàn thể chúng tăng ở Kỳ viên
suốt một tuần lễ. Những tỳ kheo chưa chứng quả không ngớt thì thầm
với nhau: "Ngon thật. Ðâu phải chúng ta luôn luôn được như thế này".
Sau bảy ngày thết đãi chúng tăng,
cha mẹ tích Sa từ giã trở về nhà. Qua ngày thứ tám, chú tiểu Tích sa bắt
đầu ôm bát đi bọc hậu đoàn tỳ kheo do tôn giả Xá Lợi Phất dẫn đầu,
để vào thành Xá vệ khất thực.
Những người trong thành phố bảo
nhau: "Nghe đồn hôm nay chú tiểu Tích sa sẽ đi khất thực trong thành
phố. Ta hãy sửa soạn tặng phẩm cúng dường". Bởi thế, khi Tích Sa
vào thành, những người quen biết cha mẹ chú tiểu đều đem phẩm vật cúng
dường tới tập. Chú tiểu nhận được 500 bát đầy phẩm vật và 500 bộ
y phục đem về chùa. Hôm sau, những người chưa được cúng lại thân
hành đem phẩm vật t?i tinh xá. Chú tiểu nhận thêm 500 bát, 500 y, rồi
dâng tất cả một ngàn y, một ngàn bát cho chúng tỳ kheo tại tinh xá Cấp
cô độc. Do đó chú được đại chúng mệnh danh là thí chủ Tích Sa.
Một hôm vào thời tiệt giá buốt,
trong khi Tích Sa quét dọn chung quanh tinh xá, chú tiểu thấy chư tăng tụm
năm tụm ba đang sưởi bên những đống lửa, bèn hỏi:
- Bạch chư Ðại đức, tại sao chư
Ðại đức phải hơ lửa vậy? (Trẻ con thường không biết rét là gì).
- Chú tiểu đi chúng tôi lạnh cóng cả
người phải hơ cho ấm.
- Bạch chư Ðại đức khi nào trời
rét thì ta đắp mền cho ấm. Mền sẽ ngăn cái lạnh không cho thấm vào cơ
thể.
- Chú tiểu có nhiều phước đức mới
có mền mà đạp, chớ chúng tôi làm sao có mền được?
- Bạch chư Ðại đức, thế thì ngày
mai, vị nào cần mền xin hãy đi với con vào thành.
Rồi chú xin chư tăng thông báo như vậy
cho chúng tỳ kheo trong tinh xá. Bởi vậy hôm sau có một ngàn vị tỳ kheo
cùng đi theo chú tiểu. Trước khi vào thành Xá vệ, chú ghé từng nhà ở
ngoài thành và đã được 500 cái mền. Khi vào thành mọi người đổ xô
đến cúng dường theo lời yêu cầu của chú tiểu. Tại một cửa tiệm,
ông chủ đang ngồi sau một đống mền cao ngất. Một người đi đường
đến rỉ tai:
- Này, có một chú tiểu đang đi xin mền
đấy, nên giấu hết đi. Ông chủ nói:
- Nếu tôi muốn cho, thì tôi cho.
Không muốn thì tôi không cho. Giấu làm gì?
Nhưng khi người kia đi khỏi ông chủ
ngẩm nghĩ, và giấu bớt hai cái mền thượng hạng trong số mền bày bán.
Ngay lúc ấy Tích Sa cũng vừa đến. Mới thấy mặt chú tiểu ông đã đem
lòng thương mến vô cùng. Cả người ông tràn ngập một niềm kính yêu
chan chứa. Ông nghĩ: "Coi đáng yêu chưa tề! Trông mặt mũi một bé
trai kháu khỉnh như thế kia, thì dù có đem cho cả thịt da tim ruột của
ta, ta cũng không tiệc, nói chi tới vài ba cái mền". Và lập tức, ông
rút ngay cái mền quí giá nhất đặt dưới chân Tích Sa, đảnh lễ mà bạch:
- Bạch Ðại đức, mong sao con được
thấm nhuần ánh sáng đạo mà ngài đã thấy.
- Cư sĩ sẽ toại nguyện.
Chú tiểu chúc tụng, rồi nói lời
tùy hỷ công đức. Ngày hôm ấy chú tiểu nhận đúng một ngàn cái mền
cho chúng tỳ kheo. Do đó, chú lại được mệnh danh là người cho mền. đó
là nhờ công đức lúc mới sinh Tích sa đã cúng dường mền cho Tôn giả
Xá Lợi Phất.
Tại tinh xá Kỳ viên, chú tiểu Tích
Sa phải tiếp đón những cậu bé bạn cũ đến thăm . Ngày nào chúng cũng
tới, hỏi han mọi chuyện, làm cho chú không có thì giờ mà tham thiền nhập
định gì hết. Nghĩ rằng sanh tử là việc lớn, chú đến xin Ðức Phật
một đề mục thiền định để rút vào rừng sâu tu tập.
Khi đến một khu làng, Tích sa gặp một
ông lão. Chú hỏi:
- Thưa cư sĩ, gần đây có một cánh
rừng nào để tu sĩ ẩn cư không?
- Bạch Ðại đức, có.
- Vậy, xin người hãy chỉ đường
cho tôi đến đó.
Mới nhìn chú, ông lão đã có cảm
tình, nên bằng lòng dẫn chú đi. Vừa đi chú vừa hỏi ông lão địa danh
những nơi đi qua. Khi tới rừng, ông lão nói:
- Bạch Ðại đức, đây là chỗ tốt
lành. Ngài hãy ở đây và xuống làng chúng tôi mà khất thực.
Dân chúng yêu kính chú khôn cùng và năn
nỉ: "Ðại đức ở đây thật lâu với chúng tôi để chúng tôi được
thọ tam quy ngũ giới với ngài".
Họ cúng dường những vật dụng cần
thiết cho Tích Sa. Mỗi khi nhận Tích sa đều chúc lành cho thí chủ như
sau:
- Mong thí chủ được hạnh phúc an
vui. Mong thí chủ thoát khỏi khổ ách.
Sau hai tháng ở rừng nỗ lực tu tập
thiền định, Tích Sa chứng quả A La Hán. Bấy giờ tôn giả Xá Lợi Phất
có ý định thăm chú, nên bạch Phật:
- Bạch Thế tôn, con sẽ đi thăm chú
tiểu Tích Sa.
- Ðược, ngươi cứ đi.
Tôn giả đến bên người bạn cố
tri của ngài là tôn giả Mục Kiền Liên:
- Hiền huynh, Tôi sẽ đi thăm Tích sa.
- Tôi cũng đi với.
Và tất cả những vĩ đại đệ tử
của Phật như ngài Ca Diếp, A Nậu Lâu Ðà, Ưu Ðà Di, Phú Lâu Na,v.v... đều
đi cùng tôn giả Xá Lợi Phất để thăm chú tiểu ở trong rừng. Khi đoàn
Thánh chúng đến, dân cư tiếp đón nồng nhiệt. Họ vô cùng hân hoan được
trông thấy vị Thánh đệ tử Xá Lợi Phất nổi danh thiên hạ, và xin
ngài ban cho một thời Pháp. Nhưng tôn giả từ chối:
- Ta đến thăm chú tiểu Tích Sa của
ta cái đã.
Khi Tích Sa được tin, chú xuống làng
thi lễ, và làm bổn phận của một chú tiểu đối với những vị trưởng
thượng đầy uy đức của mình. Chỗ nghỉ ngơi đã được dân cư lo chu
đáo tại một ngôi chùa trong làng. Họ lập lại lời thỉnh cầu nghe
Pháp, mặc dù trời đã tối. Tôn giả Xá Lợi Phất nói:
- Vậy, hãy đốt đèn lên và loan tin
cho Phật tử xa gần đến nghe.
Khi dân làng tề tựu, tôn giả Xá Lợi
Phất bảo Tích sa: - Này Tích sa, các thí chủ của con ngỏ ý muốn nghe
pháp. Con hãy nói pháp cho họ đi.
Toàn thể dân làng đều đồng thanh
thưa:
- Bạch Tôn giả, vị đại đức của
chúng con không biết gì ráo, ngoài ra hai câu: "Mong gia chủ được hạnh
phúc an vui, mong gia chủ thoát khỏi khổ ách." xin Ngài cho vị khác nói
pháp cho chúng con nghe.
Khi ấy tôn giả hỏi chú tiểu:
- Tích sa, nhưng làm sao để được hạnh
phúc an vui? Người ta phải làm thế nào để thoát khỏi khổ ách? Con hãy
giải rộng hai câu ấy.
- Thưa vâng, bạch Tôn giả.
Tích Sa thăng tòa, giảng như nước chảy
về khổ đế, nguyên nhân khổ, Niết bàn và con đường đưa đến tịch
diệt. Và chú kết luận:
- Bạch chư Tôn giả, đó là đường
đi của một vị A La Hán để thoát khỏi khổ ách, để được an vui.
- Giỏi! Con đã thông thuộc rành rẽ
giáo pháp.
Những cư dân nghe xong thời pháp đều
rất ngạc nhiên. Một số mừng vì lâu nay được cúng dường một vị thông
tuệ, nhưng một số tỏ ý bất mãn, bảo nhau:
- Không dè vĩ đại đức thuyết pháp
hay như vậy. Tại sao lâu nay đại đức cứ câm miệng hến không chịu
nói gì cả? Thật gan lì.
Từ tinh xá Cấp cô độc, đức Thế
tôn biết được tâm niệm bất kính của những cư dân này đối với Tích
Sa. Ngài động lòng từ bi, muốn cho họ khỏi tội báo xúc phạm một vị
A La Hán, nên đích thân đến làng thăm chú tiểu. Khi thấy đức Phật thân
hành đi đến làng để thăm Tích sa, dân làng mới hoàn toàn công nhận tầm
quan trọng của vĩ đại đức tí hon ấy. Ngài bảo Tích Sa đưa ngài lên
ngọn núi cao nhất từ đó có thể nhìn xuống biển cả, và hỏi:
- Tích Sa, khi đứng trên đỉnh núi
này, nhìn quanh con thấy gì?
- Bạch Thế tôn, con thấy nước biển
mênh mông không bờ bến.
- Con nghĩ gì khi thấy đại dương?
- Bạch Thế tôn, con nghĩ: trong vô số
kiếp luân hồi, ta đã đổ bao nhiêu là nước mắt để khóc vì những nỗi
đau khổ, nước mắt ta có lẽ còn nhiều hơn nước mắt trong bốn biển lớn
kia.
- Ðúng lắm, Tích Sa.
Rồi ngài đi thăm động đá nơi Tích
Sa cư trú.
- Con nghĩ gì khi cư trú nơi đây?
- Bạch Thế tôn, con nghĩ: Ta đã chết
vô số lần, vô số lần thi hài ta đã nằm trên đất này.
- Ðúng lắm, Tích Sa! Không có một nơi
nào trên mặt đất mà chúng sinh không xả bỏ thân mạng vô số lần ở
đó.
Và Ngài hỏi tiếp:
- Tích Sa, khi con nghe tiếng hổ báo gầm
trong rừng sâu con có sợ không?
- Bạch Thế tôn, con không sợ. Trái lại
một niềm yêu thích núi rừng lại dâng lên trong tâm khảm con.
Và Tích Sa đã đọc cho Phật nghe 60 bài
thơ mình đã cảm hứng từ rừng sâu.
Sau khi thăm các nơi, đức Thế tôn từ
giã:
- Tích Sa, bây giờ ta trở về tinh
xá. Con muốn đi theo ta, hay ở lại rừng?
- Bạch Thế tôn, nếu thầy con (chỉ
Tôn giả Xá Lợi Phất) muốn con trở về, con sẽ trở về. Ngài muốn con
ở lại, con sẽ ở lại.
Tôn giả đoán biết Tích Sa không muốn
trở về nên bảo:
- Tích Sa, con hãy ở lại rừng, nếu
con muốn vậy.
Tích Sa đảnh lễ Phật và chư Tôn giả
rồi quay trở về rừng, sau khi đưa tiễn các Ngài một quãng xa.
Tại Diệu pháp đường trong tinh xá Cấp
cô độc, khi chúng tỳ kheo ngồi bàn tán về hạnh xả ly của Tích Sa, họ
không ngớt lời tán thán:
- Khó thay, những gì Tích Sa đã làm!
Bỏ tất cả lợi dưỡng, cung kính, để rút vào ẩn cư trong rừng sâu!
Ðức Phật nhân đó thốt lên bài kệ
thứ 75 trong kinh Pháp cú:
"MỘT NẺO ÐƯỜNG DẪN ÐẾN THẾ
LỢI, MỘT NẺO ÐƯỜNG KHÁC DẪN ÐẾN NIẾT BÀN. HÀNG TỲ KHEO ÐỆ TỬ ÐẤNG
GIÁC NGỘ KHI HIỂU NHƯ VẬY, KHÔNG NÊN THAM ÐẮM LỢI DƯỠNG THẾ GIAN, MÀ
PHẢI CHUYÊN TÂM VÀO HẠNH ÐỘC CƯ THIỀN ÐỊNH."