- Ðường vào nội
tâm
- Thích nữ Trí Hải
9
42. CHUYỆN VUA A-DỤC (ÐẦU GÌ
QUÝ?)
(tặng thiếu nhi Tuệ uyển)
Hôm nay cô sẽ kể cho các em nghe câu
chuyện vua A dục cảm hóa hoàng đệ và đình thần. Vua A dục là vị vua
Ấn độ sống sau Phật Thích ca khoảng chừng ba trăm năm. Trước khi theo
đạo Phật, vua rất hung ác, nhưng từ khi biết đạo, ông trở thành một
vị vua nhân từ, tích cực hoằng dương chánh pháp. Vua cho dựng khắp xứ
những trụ đá khắc lời Phật dạy để dân chúng noi theo tu học, từ bỏ
sát sinh, trộm cắp, nói dối. Những trụ đá ấy đến nay các nhà khảo cổ
vẫn còn tiếp tục khai quật được, bị chôn vùi dưới những lớp đất
thật sâu tại Ấn độ: đó là chứng tích lịch sử hùng hồn nhất chứng
minh sự thịnh hành của Phật giáo tại Ấn độ cách đây hơn hai ngàn năm.
Vua A dục thường lễ kính các vị tỳ
kheo. Bất luận gặp các ngài ở đâu, vua cũng quỳ lạy sát đất. Mỗi
khi vua cùng đi với triều thần, mà gặp một vị tỳ kheo, ngài liền xuống
xe đảnh lễ. Triều thần thấy vua lạy buộc lòng phải lạy theo, nhưng thâm
tâm thì không muốn. Có lần, họ đánh bạo tâu vua:
- Tâu bệ hạ, bệ hạ là chủ cả nước,
sao bệ hạ lại cúi đầu trước mấy thầy tu chỉ là thần dân của
mình?
Ðể cho các quan một bài học, một
hôm vua ra lệnh họ đi tìm tất cả những cái đầu của đủ các loài, từ
nhỏ đến lớn, đem về chất đầy một nhà kho. Nào đầu heo, đầu bò,
đầu ngựa, đầu khỉ, cho đến đầu cá đầu tôm... Cuối cùng vua bảo
đem về một cái đầu người, chặt từ những thây chết ngoài rừng
thây. Sau khi sưu tập đủ loại đầu, vua bảo họ đem bán. Ðầu con gì cũng
có ít nhiều giá trị, nhưng khi đem bán cái đầu người, thì thiên hạ đều
ghê sợ, không ai mua, đành phải đem về tâu vua. Vua bảo: "Vậy, các
khanh hãy đem cho không." Họ nói: "Tâu bệ hạ, dù cho không, cũng
chẳng ai lấy làm gì cả."
Nhân đấy vua triệu tập các quan, dạy:
- Các ngươi cho đầu người ta quý,
không nên dùng để lễ bái, nhưng qua kinh nghiệm vừa rồi, ngươi thấy nó
có quý bằng đầu tôm, đầu cá chăng? Tại sao đầu con gì dù nhỏ nhất
cũng có chút ít giá trị, chỉ có đầu người cho không cũng không ai
thèm? Như vậy đủ biết, cái đầu người ta không quý gì cả, còn thua
cái đầu thú vật, nhưng sở dĩ nó quý là nhờ những tư tưởng chỉ đạo
cho hành vi tốt phát xuất từ cái đầu ấy. Nay ta kính lễ các bậc chân
tu là để thực hành hạnh cung kính Tam bảo, hành vi ấy xuất phát từ tư
tưởng tốt đẹp, các ngươi không nên kích bác ta.
Các quan từ đấy không còn chê vua
là hạ mình một các vô lý. Ðối với hoàng đệ, vua cũng cho một bài học
thâm trầm. Ngài có người em trai kế cận thường chê vua mê tín, cứ đem
lễ vật cống hiến cho bọn thầy tu ăn không ngồi rồi. Hoàng đệ nói:
- Thưa vương huynh, theo em thấy, những
lão thầy tu kia cũng như mình, biết ăn ngon mặc đẹp, hưởng thụ các
giác quan như mình, có gì hơn chúng ta mà vương huynh quá kính trọng như thế?
Ðể trả lời em, một lần nọ vua tổ
chức một cuộc du ngoạn tắm biển, mời hoàng đệ và hai ái phi cùng đi.
Ra tới bãi biển, vua cởi bỏ long bào vương miện giao cho một cung phi giữ,
cô kia cùng bơi với vua và hoàng đệ ra xa. Vua bơi trước, cung phi nửa chừng
giả bộ đuối sức, kéo hoàng đệ cùng quay vào bờ. Hoàng đệ bơi theo,
cả hai cùng lên đến chỗ cung phi đang giữ áo mão. Cô này nói:
- Thưa hoàng đệ, sẵn có áo mão nhà
vua đây, hoàng đệ mặc vào cho chúng em ngắm thử, chắc đẹp lắm.
- Ta đâu dám.
- Không sao đâu, nhà vua đã bơi ra xa,
hoàng đệ thử mặc một lát chơi thôi mà. Hãy cho chúng em ngắm trước vị
vua tương lai trẻ đẹp. Phần áo mão này có ngày hoàng đệ cũng sẽ mặc
thôi, bây giờ ướm thử thì đã sao!
Nghe bùi tai, hoàng đệ đỡ lấy long
bào trên tay cung nữ. Vừa khoác áo đội mão lên, đang cùng với hai cung
phi ngắm nghía, bỗng đức vua đã vào tới bờ. Ngài giận dữ tiến lại:
- A, hoàng đệ có âm mưu gì mà dám mục
long bào của trẫm? Lại dám đùa giỡn với hai ái phi ta? Tội khi quân đáng
chém đầu. Hãy đưa về triều xử trảm.
Vua thét thị vệ trói cả ba dẫn về,
thiết triều để nghị án. Các quan đều đồng ý rằng theo luật phải tử
hình, nhưng vì em vua nên xin giảm nhẹ. Vua phán:
- Thôi thì vì tình ruột thịt, ta tạm
hoãn cho bảy ngày. Và vì ngươi muốn làm vua, cho nên ta sẽ cho mặc áo
long bào, vươn miện và ngồi trên ngai vàng bảy ngày liên tiếp trước khi
ra pháp trường chịu tội. Ta sẽ cho ngươi hưởng thụ tất cả dục lạc
của đế vương trong thời gian đó, cho ngươi thỏa nguyện.
Rồi vua sai những quan thị vệ, đầu
bếp, hầu tắm, bồi bàn, cung phi mỹ nữ...hầu hạ hoàng đệ y như hầu
hạ nhà vua thường ngày. Lại cho ngồi trên ngai, nằm long sàng, xử dụng
chén vàng đĩa b?c của vua. Mỗi ngày khi mặt trời lặn, một quan thị vệ
lại quỳ tâu: "Tâu bệ hạ, một ngày đã qua, chỉ còn không mấy
ngày nữa là nhà vua sẽ ra pháp trường chịu tội."
Cứ thế cho đến hết ngày thứ sáu,
quan thị vệ lễ phép quỳ tâu:
- Tâu bệ hạ, chỉ còn một ngày nữa
thôi, bệ hạ sẽ từ bỏ ngai vàng để lãnh án tử hình.
Ðêm ấy vua A Dục vào thăm hoàng đệ.
- Sao? Em thấy thế nào trong sáu ngày
vừa qua, khi hưởng dục lạc của vương vị?
Hoàng đệ khóc òa:
- Ôi vương huynh ơi! Chẳng thà vương
huynh đưa em ra pháp trường mà chém quách đi, còn đỡ khổ hơn giết lần
giết mòn em với cái trò làm vua quái ác này! Nó làm cho em bạc cả đầu,
sâu cả mắt, ăn không ngon ngủ không yên, khi thấy mình tiến từ từ đến
cái chết!
- Như vậy em không sung sướng gì khi
hưởng thụ dục lạc vì nghĩ đến cái chết phải không? Các vị tỳ kheo
đệ tử Phật cũng thế đó, các ngài luôn sống trong pháp quán tưởng vô
thường, thì làm sao có thể sung sướng khi được chúng ta tôn trọng, cung
kính cúng dường lễ bái? Càng được cung kính cúng dường, những vị chân
tu càng sợ hãi như bị đeo thêm đá vào người, cảm thấy trách nhiệm
mình càng lớn, mà cái chết gần kề, làm sao yên ổn được? Em vừa mới
sống sáu ngày qua trong tâm trạng căng thẳng tột độ, chắc em đã hiểu
tại sao ta đảnh lễ, cúng dường các vị tỳ kheo?
Hoàng đệ ôm chầm chân vua nức nở:
- Thì ra đây là bài học vương huynh
muốn dạy em!
- Chính thế.
- Và Vương huynh tha chết cho em?
- Dĩ nhiên.
- Ða tạ ơn vương huynh! Em xin ghi nhớ
suốt đời bài học này!
Hoàng đệ rối rít cảm ơn vua, và từ
đấy theo vua học đạo, tập tành cái hạnh cung kính những bậc đạo đức
hơn mình.
-ooOoo-
43. HOA SEN GIỮA BỤI ÐỜI
(Một mẫu truyện Liêu Trai do Hòa thượng
Già Lam kể)
Mặc dù có một bà mẹ rất thuần thục
trong niềm tin Phật, Nhạc Trọng, đứa con một của người mẹ góa, vẫn
chơi bời lêu lổng từ tấm bé. Mẹ chàng trường trai, thờ Quan Âm Bồ
Tát; nhưng chàng thì chỉ "thờ" một món rượu thịt, luôn luôn
chè chén say sưa. Bà mẹ vì quá yêu con, không bao giờ cấm đoán ngăn cản
chàng, hay ép buộc chàng theo đức tin của mình. Nhạc Trọng được tự
do, nhưng cũng rất thương mẹ mặc dù đường ai nấy đi - có lẽ nhờ
được tự do, mà chàng cành thương mẹ. Năm ấy, chàng được 30 tuổi, bà
mẹ thấy mình không còn sống lâu, muốn cưới vợ cho chàng để khi yên bề
gia thất, họa may chàng có bớt lêu lổng rượu chè. Bà hỏi ý, chàng cũng
bằng lòng cho vừa ý mẹ. Nhưng vừa cưới vợ về được một hôm, chàng
đâm chán ngấy một cách lạ lùng, và xin mẹ để cho nàng dâu về nhà,
vì chàng chỉ muốn tiếp tục sự nghiệp rượu thịt mà thôi. Thấy chàng
nhất quyết, bà mẹ đành chìu lòng, trả nàng dâu về với một lời xin lỗi,
và rất nhiều tặng phẩm.
Từ đó Nhạc Trọng được tự do trở
lại với nghiệp ăn chơi lêu lổng cố hữu của chàng.
Một hôm, bà mẹ ngã bệnh nặng, hấp
hối vào lúc nửa khuya. Do một tiền oan nghiệp chướng gì không biết, bà
bỗng dưng khao khát được nếm mùi thịt nướng trước khi nhắm mắt, mặc
dù đã trường trai mấy chục năm. Trước cảnh mẹ lăn lộn trên tử
sàng, đòi thịt nướng, Nhạc Trọng bèn đi ra, xẻo ngay một miếng thịt
trên bắp vệ của mình, bỏ thêm tiêu hành nước mắm nướng lên đem dâng
mẹ. Bà mẹ vừa được miếng thịt thấm môi thì tắt thở.
Nhạc Trọng chôn cất mẹ xong, thì gặp
lúc trong nước có lễ hội Vu Lan. Thiện nam tín nữ họp thành đoàn thể
đi dự hội, cùng để chiêm bái một pho tượng Quan Âm lộ thiên mới
khánh thành ở một ngôi chùa trên núi xa. Nhớ đến mẹ sinh tiền thờ
Quan Âm Bồ Tát, Nhạc Trọng cũng thu xếp lên đường dự hội.
Nhưng vì suốt đời chàng chưa từng
tham gia những đám rước, cũng không hề lui tới chùa chiền, nên Phật tử
không ai biết tới chàng, nghĩ chàng có lẽ là một kẻ phá đám nên không
ai cho gia nhập. Nhạc Trọng phải đi lùi ra sau xa, ngoài lề đám diễn
hành. Những kẻ ngoài lề ấy gồm đủ hạng: dân bán cà rem, bán hàng
rong, dân ghiền xì ke ma túy, gái điệm, con mồ côi, trẻ móc túi, bụi đời...
Chàng phải đi trong bọn người này theo đuôi đoàn lữ hành. Chẳng bao
lâu, chàng kết nạp được một cô gái làm bạn đường, đó là một gái
điếm đã chán đường ong bướm, muốn tìm đến một nơi thiêng liêng để
an nghỉ tâm hồn. Cả hai kẻ bụi đời kết bạn rất tương đắc. Họ kéo
nhau vào quán rượu trước sự mỉa mai khinh bỉ của mọi người trong đoàn
hành hương. Nhưng hai người không để ý, cứ tự nhiên gọi rượu thịt
cùng nhậu nhẹt. Trong khi họ đàm đạo, thì một đứa bé mặt mũi sáng sủa
trong đám trẻ bụi đời đến chìa tay xin tiền. Thấy thằng bé kháu khỉnh,
chàng hỏi con cái nhà ai thì nó bảo không biết, mẹ chết, nó đang đi tìm
bà con thân thích để gởi tấm thân. Vì hy vọng trong đám hội toàn quốc
này thế nào cũng gặp được bà con, nên nó có mang theo bức thư tuyệt mệnh
của mẹ nó. Nói xong nó liền móc trong túi găm kỹ một bao thư đã nhàu,
màu mực đã phai. Ðọc xong bức thư, Nhạc Trọng mới té ngữa người ra:
thằng bé chính là con của chàng! Chàng kể sơ cho cô bạn biết câu chuyện.
Nghe xong cô tình nguyện đem đứa bé về ở với hai người. Cô sẽ nuôi
nó cho đến khi khôn lớn. Nhạc Trọng bằng lòng, nhưng giao hẹn trước:
- Chúng ta có thể sống với đứa bé
dưới một mái nhà, nhưng tôi yêu cầu nàng một điều là giữa chúng ta
chỉ có tình bạn. Và một khi tôi uống rượu say thì xin nàng hãy lánh mặt
đi chỗ khác.
- Ðược rồi. Ðó cũng là ý nguyện
của tôi. Tôi chỉ muốn nuôi đứa bé này làm phước, và ở với anh cho
có bạn mà thôi.
Sau khi thỏa thuận, họ tiếp tục
cùng nhau lên đường, dắt theo đứa bé bây giờ là con của họ. Gần đến
chùa chỉ có đoàn hành hương mới được vào cổng, những kẻ ngoài đoàn
phải dừng bước ở bên ngoài, ăn nhờ ngủ đậu trong các quán xá ven
đường. Nhưng tượng Quan Âm lộ thiên rất lớn, hai người có thể trông
thấy từ đàng xa. Khi đến gần, hai người bất giác sụp lạy. Chàng đảnh
lễ tượng, trong lòng thiết tha nhớ đến mẹ ngày xưa. Nàng chiêm ngưỡng
nét bình an trong sáng của pho tượng với cành dương như quét sạch bao ô
nhiễm sóng gió trong cuộc đời. Nàng tìm thấy một niềm bình an tuyệt đối,
và bất giác rơi lệ. Khi ngẩng lên thì với chàng, trên ngàn cánh sen có
ngàn hình ảnh mẹ, với nàng, ngàn ánh mắt Từ bi đang nhìn suốt tâm can:
kể từ đây, đời họ được an nghỉ.
Sau khi chiêm bái trở về, họ sống
chung dưới một mái nhà. Ngày ngày cô gái, Quỳnh Hoa, dọn dẹp nhà cửa
chăm sóc, dạy dỗ đứa bé, Nhạc Trọng thì vẫn tiếp tục những cuộc rượu
chè, nhưng dần dần thưa thớt, và chàng trở nên trầm ngâm, ưa cô tịch.
Trải qua ba mươi năm như vậy, một hôm chàng gọi Quỳnh Hoa vào phòng
riêng, một cử chỉ chàng chưa từng làm, khiến nàng rất đỗi ngạc nhiên.
Khi nàng vào, Nhạc Trọng lại còn vén đầu gối cho nàng xem mà nói:
- Mẹ tôi sắp gọi tôi về. Tôi muốn
cùng nàng từ biệt.
Ở cái chỗ chàng xẻo thịt cho mẹ,
mọc lên một cục thịt hình hoa sen nở. Quỳnh Hoa lấy tay bóp những cánh
sen lại mà bảo:
- Chúng ta làm bạn với nhau đã 30 năm,
anh không chờ tôi được sao?
Nói xong, nàng thu xếp trở về quê cũ,
bán vườn tược nhà cửa, tậu một số vốn để lại cho đứa con của
chàng cưới vợ, rồi trở lại bảo chàng:
- Bây giờ, tôi đã làm xong công việc.
Cám ơn anh đã có lòng chờ tôi. Chúng ta sẽ cùng về với Phật.
Mỗi người vào phòng riêng, ngồi xếp
bằng chắp tay niệm Phật vãng sinh cùng một lúc.
-ooOoo-
44. CHÚ VƯỢN TINH KHÔN
Vào một trong những tiền kiếp xa xăm,
Ðức Thế tôn làm một con vượn chúa có sức mạnh phi thường và trí
khôn vô địch. Vượn sống cạnh bờ sông đối diện một hòn đảo. Trên
đảo có một rừng cây sai quả ngon ngọt. Giữa hòn đảo và bờ sông
không một chiếc cầu, nhưng có một mỏm đá nhô lên giữa sông. Vượn nhờ
hai chân dài nhanh nhẹn, nên chỉ cần một phóc nhảy từ bờ sông qua mỏm
đá, và một nhảy nữa từ mỏm đá lên đảo là đã có thể tha hồ tung
tăng trong rặng cây. Vượn ngày ngày qua hòn đảo ăn trái và dong chơi
trong rừng bằng lối ấy, đến chiều mới nhảy trở về.
Khúc sông ấy có một đôi vợ chồng
cá sấu cư ngụ. Cá sấu vợ mang thai gần đến ngày sinh nở. Trông thấy
vượn chúa ngày ngày qua lại mỏm đá, cá sấu bỗng đâm ra thèm thuồng
ăn tươi trái tim của vượn. Bà bảo chồng:
- Ông đi, tôi thèm ăn cái tim con vượn
kia. Ông hãy tìm cách giết nó mau moi tim cho tôi ăn.
Cá sấu chồng bảo:
- Bà đã bảo thì tôi sẽ kiếm cách
làm cho bà toại ý. Nhưng phải kiên nhẫn chờ tôi nghĩ kế mới được.
Vượn khôn lanh lắm.
Bà vợ giận dỗi nói:
- Nghị, nghĩ cái gì? Ông phải leo
lên nằm ngay bây giờ trên mỏm đá, đợi nó ở rừng nhảy ra là thộp
ngay cho tôi ăn tim.
- Bộ bà tưởng công việc dễ dàng lắm
sao? Trước hết, vượn rất khôn lanh, mà nó những bốn tay chân, còn tôi
chỉ có một cái đuôi thì làm sao địch nó nổi.
Bà sấu quát lên:
- Vậy thì cái bộ răng nhọn hoắc của
ông để làm gì? Thôi tôi biết rồi, ông không thương tôi, ông muốn để
cho tôi chết đói cả mẹ lẫn con.
Nói rồi bà khóc rưng rức bằng nước
mắt của cá sấu. Ông sấu vốn sợ vợ nên chiều lòng bà ngay:
- Ðược bà hãy chờ tôi.
Ông sấu leo lên nằm trên mỏm đá chờ.
Khi ra khỏi rừng, vượn toan nhảy lên mỏm đá trở về như mọi khi thì bỗng
nó chú ý cái chiều cao khác thường của mỏm đá. Nó không biết đó là
vật gì, bèn nghĩ ra một kế, gọi lớn:
- Ðá đi, đá!
Không nghe trả lời, vượn lại gọi:
- Ðá đi, đá!
Lần thứ ba, vượn giả bộ ngạc nhiên
hỏi:
- Ô hay, tại sao hôm nay tôi gọi mãi
anh vẫn làm thinh như vậy, anh Ðá?
Cá sấu giật mình nghĩ: "thì ra
ngày thường mỏm đá này có nói chuyện với nó. Vậy mình cũng phải lên
tiếng cho nó khỏi sanh nghi." Bèn nói lớn:
- Này vượn, có tôi đây. Cái gì thế?
- Tôi là ai?
- Tôi là cá sấu! (vừa thốt ra, sấu
biết mình hớ)
- Anh ngồi làm chi đó?
Ðã hớ, sấu nói luôn:
- Ðể thộp ngươi và moi tim ngươi
cho vợ ta ăn.
Thấy thế nguy, nhưng vượn vẫn điềm
nhiên bảo sấu:
- Như vậy thì tôi không còn cách nào
thoát được. Thôi để tôi nhảy đại vào mồm anh cho xong. Nào, há mồm
cho thật lớn đi.
Cá sấu tưởng thật, bèn há mồm tới
mức tối đa, làm cho hai mắt nhắm tít lại không trông thấy gì nữa. Vượn
nhân lúc ấy, nhảy lên đầu sấu, và nhảy một phóc khác trở về bờ
sông yên ổn.
Sau khi kể lại chuyện tiền thân, Phật
cho biết con cá sấu đực chính là Ðề Bà Ðạt Ða ngày nay, vợ cá sấu
là nàng Cinca do ngoại đạo thuê để vu khống Phật, còn vượn là tiền
thân của Ngài. Và Ngài kết luận, không những ở trong thời hiện tại Ðề
Bà Ðạt Ða mới tìm cách hại Phật, mà từ vô số kiếp ông ấy đã
luôn luôn âm mưu như vậy, và thường thất bại.
-ooOoo-
45. LÒNG CHA
(phỏng dịch theo R..Tagore)
Mini, bé gái năm tuổi của tôi, có lẽ
không sống được nếu không nói ba hoa suốt ngày. Tôi nghĩ suốt đời cô
bé đã không phí một phút giây nào im lặng. Mẹ nó thường bất bình về
điều ấy, và thường tốp cô lại, nhưng tôi thì không. Với Mini, im lặng
là chuyện bất thường, và tôi không thể chịu đựng lâu. Bởi thế, câu
chuyện giữa tôi và cô bé luôn luôn linh động. Chẳng hạn một buổi sáng,
khi tôi đang viết dở một chương tiểu thuyết thì cô bé lẻn vào, cầm lấy
tay tôi mà nói:
- Cha! Lão bộc gọi con chó là con
muông. Lão không biết gì cả, phải không cha?
Tôi chưa kịp giảng giải, thì cô bé
đã bắt sang một vấn đề khác:
- Cha nghĩ sao, Cha? Bộc nói có con voi
trong những đám mây, vòi nó phun nước, và thế là trời mưa. Có phải vậy
không, Cha?
Trong khi tôi đang tìm cách trả lời
câu này, bé đã hỏi một câu khác:
- Cha, mẹ và cha bà con ra sao nhỉ?
Tôi cố lập nghiêm bảo:
- Ra chơi với Bộc đi, Mini. Cha đang bận.
Cửa sổ phòng tôi trông ra đường. Cô
bé đã ngồi xuống dưới chân tôi cạnh bàn viết, và đang chơi một mình.
Tôi đang suy nghĩ rất lung để viết. Bỗng cô bé Mini vùng chạy lại cửa
và reo lên:
- Ông Cabul, ông Cabul!
Và quả thế, ngoài đường dưới
kia, một người đàn ông miền Cabul đang tiến bước. Y mục bộ y phục lỏng
lẻo dơ dáy, buộc một thắt lưng dài, lưng mang chiếc bị, tay cầm những
hộp nho khô. Không biết cô bé nghĩ gì khi thấy người này, nhưng cô bắt
đầu gọi ông thật lớn. Ngay lúc ấy lão ta quay lại nhìn lên cô bé. Cô
bé thấy vậy thật kinh hồn vía, chạy bay đến núp bên mẹ. Cô tin chắc
thế nào trong chiếc bị mà lão đang mang cũng có hai ba đứa trẻ con như cô.
Người hàng rong ấy đã vào đến cửa và mỉm cười chào tôi. Phản ứng
đầu tiên của tôi là mua một món gì đó, vì Mini đã gọi y vào nhà. Tôi
mua ít vật dụng, và chúng tôi khởi sự nói chút đỉnh chuyện chính trị.
Khi sắp từ giã, bỗng hắn hỏi:
- Còn cô bé đâu rồi, thưa ông?
Nghĩ rằng nên làm cho Mini hết sợ
hão huyền, tôi cho đem cô bé ra. Cô đứng bên ghế tôi, nhìn chòng chọc
vào người Cabul cùng chiếc bị. Y biếu cô ả đậu phụng và nho khô, nhưng
cô nhất định không để bị dụ dỗ. Cô càng bám riết lấy tôi, và
càng nghi ngờ lão thêm.
Ðấy là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa
lão Cabul và cô bé. Tuy nhiên, vài hôm sau, khi đi ra có tí việc, tôi giật
mình thấy Mini ngồi trên chiếc ghế nhỏ cạnh cửa ra vào, đang cười nói
với lão Cabul ngồi dưới chân. Suốt đời, cô chưa bao giờ được ai ngoài
cha cô, đã nghe cô một cách chăm chú như vậy. Cái túi cô đã đầy ắp
đậu phụng và nho khô quà của người khách lạ. "Sao ông cho nó làm
gì thế?" Tôi nói, vừa rút tiền trả cho lão. Ông thản nhiên nhận tiền
cho vào túi.
Một giờ sau trở về tôi mới thấy
tai hại của đồng bạc tôi đưa ra, vì Cabul đã đưa cho Mini, và khi mẹ
nó thấy đồng bạc bèn vồ lấy cô bé:
- Mày lấy đồng bạc kia ở đâu,
bé?
- Ông Cabul cho con! Mini hớn hở đáp.
- Ông Cabul cho mày! Mẹ nó thét lên. -
Mini, sao dám lấy bạc hở?
Vừa lúc ấy tôi đi vào cứu cô bé
thoát nạn bị đòn. Tôi tiếp tục điều tra về đôi bạn.
Tôi khám phá đấy không phải lần đầu
họ gặp nhau. Người Cabul đã đánh tan sự hãi sợ của cô bé bằng cách
đút lót thật nhiều đậu phụng và nho khô. Ðến nay hai bên đã thành đôi
bạn thiết. Họ có nhiều trò đùa mà họ rất khoái. Mini thường ngồi
trước lão Cabul, nhìn xuống vóc dạng khổng lồ ấy với vẻ đường bệ
của một bà chủ tí hon, khuôn mặt cười lên rạng rỡ, và cô hỏi:
- Ông Cabul, ông Cabul, ông đựng cái
gì trong bị ấy?
Và ông lão sẽ trả lời bằng giọng
mũi của người thượng du:
- Một con voi!
Không có gì đáng tức cười lắm, vậy
mà họ khoái làm sao. Và riêng tôi, cuộc chuyện trò giữa một đứa trẻ
với người lớn luôn có vẻ gì rất quyến rũ.
Rồi người Cabul, để khỏi thua bạn,
bắt đầu hỏi lại cô bé:
- Còn cô, này cô bé, bao giờ thì cô
về nhà ông nhạc?
Hầu hết các cô bé Ấn đều sớm
nghe danh từ ấy, nhưng chúng tôi thì không bao giờ nói những chuyện như
thế với con gái. Cho nên trước câu hỏi này, cô hơi chột dạ. Nhưng cô
không muốn để lộ sự lúng túng của mình, và đã hỏi lại:
- Còn Ông có về đấy không?
Ðối với giai cấp người Cabul này,
thì từ ngữ "về nhà ông nhạc" lại có nghĩa là nhà tù, nơi họ
được ăn ở miễn phí. Người ấy bèn trả lời:
- Ồ, tôi sẽ đánh vỡ mặt ông nhạc
ra!
Vừa nói lão vừa nắm tay hăm dọa một
viên cảnh sát vô hình. Mini nhíu mày, rồi cười lên như nắc nẻ. Lão cũng
cười theo phụ họa.
Ðấy là vào những buổi sáng đầu
thu, mùa các vua chúa ngày xưa lên đường viễn chinh dẹp giặc. Còn tôi
không rời khỏi góc nhà quê hương nhưng vẫn để tâm hồn phiêu du khắp
chân trời góc bể. Mỗi khi nghe địa danh một nơi nào, hồn tôi đã vươn
tới chỗ ấy, và bóng một người xứ khác đến trên đường cũng khiến
tôi dệt nên những giấc mơ xa xăm về quê hương của anh ta ở cuối chân
trời, nghĩ đến những cuộc đời giang hồ phóng lãng. Những xứ lạ hiện
lên trong trí tôi càng sống động, có lẽ vì cuộc sống hiện tại của
tôi quá giống với cỏ cây. Tiếng gọi viễn du réo rắc trong tôi như tiếng
sóng triều gào thét. Bởi thế, trông thấy người Cabul này, trí tôi liên
tưởng ngay đến những vùng núi non cản cỗi trên cao, chen chúc với mây
trời. Tôi mường tượng những đoàn lạc đà chở hàng đi trên sa mạc,
những thương gia lưng đeo vũ khí hộ thân đang tiến về hướng bình
nguyên. Tôi thấy và thấy trong trí tưởng...
Nhưng giữa lúc ấy, luôn luôn mẹ
Mini sẽ xen vào, tha thiết dặn tôi phải "coi chừng lão ấy". Bà rất
dè dặt mỗi khi nghe tiếng huyên náo ngoài đường, hay thấy người vào
nhà, và luôn đi đến kết luận một là kẻ cướp, hai là kẻ say, hoặc rắn
hổ mang, bệnh sốt rét, phong cùi. Sau bao nhiêu năm kinh nghiệm giữa đường
đời, bà vẫn chưa thắng lướt được nỗi sợ hãi kinh niên trong lòng
bà. Bởi thế, bà luôn luôn nghi ngờ về người Cabul, và thường van nài
tôi phải coi chừng lão ấy. Nếu tôi cố xua đuổi nỗi sợ hãi vô căn cứ
của nàng bằng cách cười lớn, thì nàng nghiêm mặt hỏi với đáng điệu
rất trịnh trọng:
- Thế trẻ con không bao giờ bị bắt
cóc ấy à? Thế không phải ở Cabul còn có bán nô lệ à? Một người đàn
ông to lớn bắt một đứa trẻ bé xíu không được hay sao?
Tôi nói, không phải là không được,
nhưng không lẽ nào có chuyện như thế xẩy ra. Tuy thế nàng vẫn lo sợ.
Nhưng vì nỗi sợ hãi ấy thật bâng quơ, nên không lý gì để cấm đoán
lão vào nhà. Sự thân thiện giữa đôi bạn một khổng lồ một chim chích
vì thế vẫn tiếp tục không bị ngăn cản.
Hàng năm vào giữa tháng giêng, Rahman
tên người Cabul ấy, thường về xứ một lần, và khi sắp về, y thường
rất bận rộn đi các nhà để thâu tiền nợ. Năm nay tuy vậy ông vẫn
còn thì giờ đến thăm Mini. Một người khác rất có thể nghi ngờ lão
có mưu toan gì đấy, vì khi không tới được buổi sáng lão cũng tới vào
buổi chiều. Ngay cả tôi đôi khi cũng phải chột dạ chút đỉnh lúc bắt
gặp bóng người to lớn ấy đứng trong góc phòng tôi. Nhưng khi Mini hớn hở
reo "Ồ ông Cabul, ông Cabul" và đôi bạn khởi sự những trò đùa
thường lệ, thì tôi lại yên tâm ngay.
Một buổi sáng vài ngày trước khi lão
về xứ, tôi đang chữa lại bản thảo trong phòng viết. Trời rất lạnh.
Qua song cửa, ánh mặt trời chiếu vào sưởi ấm hai chân tôi. Lúc ấy vào
khoảng tám giờ, những khách bộ hành đi đường đang trùm khăn lạnh. Bỗng
chốc tôi nghe ngoài đường huyên náo. Nhìn ra thì thấy Rahman đang bị còng
tay dẫn đi giữa hai người cảnh sát, sau lưng là một lũ trẻ tò mò. Áo
quần Rahman dính đầy máu, và một trong hai cảnh sát đang cầm một con
dao. Tôi vội bước ra h?i xem có chuyện gì. Từ mỗi người một ít, tôi
được biết rằng một người lối xóm đã nợ Rahman tiền mua một cái khăn
quàng, nhưng lại chối bảo không từng mua nó. Trong lúc cãi vả, Rahman đã
đánh người kia. Bây giờ, trong cơn tức giận, phạm nhân chửi rủa đối
phương đủ điều.
Nhưng bỗng chốc từ hiên nhà tôi,
Mini đã xuất hiện với tiếng reo thường lệ "Ông Cabul, ông
Cabul". Gương mặt người Cabul rạng rỡ lên khi nhìn thấy cô bé. Hôm
nay lão không mang chiếc bị, nên cô bé không thể nói về con voi với lão.
Bởi thế cô hỏi sang câu thứ hai:
- Ông về nhà ông nhắc ấy à?
Rahman cười lớn bảo: - Chính thế,
bé đi! Rồi thấy câu trả lời không làm cô bé thích thú, lão đưa hai bàn
tay bị còng lên: - A! Ðáng lẽ tôi đánh cho vỡ mặt ông nhạc, nhưng tay tôi
bị còng rồi.
Bị kết tội cố ý giết người,
Rahman ở tù nhiều năm. Thời gian trôi nhanh, Rahman đã bị quên lãng. Công
việc thường ngày trong chỗ ở thường ngày vẫn tiếp diễn, nên chúng
tôi không bao giờ nghĩ đến một người thượng du nghèo khó đang chịu tù
tội trong ngục thất. Cả đến cô bé Mini cũng đã quên mất người bạn
cũ của nàng. Càng lớn nàng càng chơi nhiều với bạn gái, và không còn
vào phòng làm việc của tôi như trước. Bởi thế tôi rất hiếm dịp nói
chuyện với con.
Nhiều năm trôi qua, lại một mùa thu
trở về. Chúng tôi đang sửa soạn hôn lễ cho cô gái Mini của chúng tôi.
Ðám cưới sẽ cử hành trong một dịp lễ. Với Mini về nhà chồng, ánh
sáng của ngôi nhà cũng sẽ đi theo, để lại cha nàng trong bóng tối. Buổi
mai ấy thật tươi sáng. Sau những ngày mưa, không trung như đã được rửa
sạch và ánh sáng mặt trời trông như ánh vàng ròng. Những tường gạch
cũ kỹ ngoài đường phố cũng sáng lên dưới ánh nắng trong vắt. Từ rạng
đông, những hồi còi đã vang lên báo hiệu hôn lễ. Mỗi hồi còi làm cho
tim tôi rộn ràng muôn mối, làm tăng nỗi đau buồn của tôi trước cảnh
chia ly. Mini sẽ về nhà chồng đêm ấy. Trong sân, lọng che rợp đất. Những
đèn lồng và lục lạc được treo khắp các phòng và hiên nhà. Khắp nơi
người ta vội vàng hối hả.
Tôi đang ngồi trong phòng một mình tư
lự thì bỗng một người đi vào lễ phép chào, và đứng trước mặt tôi.
Ðấy là Rahman, người Cabul dạo nọ. Ban đầu tôi không nhận ra lão, vì
lão không mang bị, mảng tóc dài đã được hớt cao, và vẻ cường tráng
năm xưa không còn nữa. Nhưng khi lão mỉm cười, tôi lại nhận ra ngay. -
Ông về lúc nào thế, Rahman? - Tôi được thả tối qua.
Những lời ấy làm tai tôi hơi choáng.
Tôi chưa bao giờ nói chuyện với một người nào đã cố ý đả thương
đồng loại. Lòng tôi đau nhói khi nhớ ra điều này, vì tôi nghĩ ngày ấy
sẽ tốt đẹp hơn nếu hắn ta đừng xuất hiện.
- Hôm nay nhà có việc, và tôi đang bận.
Có lẽ ông có thể đến vào một dịp khác chăng?
Lão liền quay đi, nhưng khi ra đến cửa,
lão ngập ngừng bảo: - Thưa ông, tôi có thể thăm cô bé một lát? Lão tin
tưởng rằng Mini vẫn còn bé xíu như ngày xưa. Chắc lão mường tượng cô
bé sẽ chạy ra hớn hở gọi "ông Cabul, ông Cabul" như dạo nào,
và họ sẽ cười đùa với nhau như trước. Quả vậy, cũng như những ngày
xưa, hôm nay lão cũng mang đến ít đậu phụng và nho khô gói kỹ trong bọc
giấy. Những thứ ấy không biết làm thế nào lão kiếm được trong lúc mới
ở tù về.
Tôi lặp lại: - Nhà có việc, ông
không thể gặp ai hôm nay cả. Lão sa sầm mặt, và nhìn tôi với vẻ thèm
muốn số phận của tôi, đoạn nói một lời chúc tụng rồi đi ra. Tôi hơi
thương hại, muốn gọi lão trở vào. Nhưng lão đã tự ý quay trở lại,
đến cạnh tôi mà bảo: - Thưa ông, tôi đã đem lại chút quà này biếu
cô bé. Ông có thể trao lại giùm tôi? Tôi nhận gói quà, định trả tiền,
nhưng ông ngăn lại:
- Ông thật quý hóa. Xin ông hãy nhớ
đến tôi là đủ. Ðừng cho tôi tiền. Ông có một cô con gái. Tôi cũng có
một bé gái giống như thế ở quê nhà. Tôi nhớ con tôi, nên mang quà tới
cho cô bé, chứ không phải để hòng kiếm chác gì đâu.
Nói xong lão sờ tay vào túi trong, lấy
ra một mảnh giấy dơ dáy, mở ra vuốt thật thẳng với cả hai tay trên mặt
bàn. Mảnh giấy in hình một bàn tay nhỏ xíu. Không phải một bức ảnh,
hay bức họa, mà chỉ là dấu mực in một bàn tay bé con trên tờ giấy
nhàu nát. Hình bàn tay của con gái lão, lão đã luôn mang theo bên trái tim
mình, từ khi lão đến xứ này bán hàng rong năm này qua năm khác.
Mắt tôi ướt đẫm. Tôi quên rằng
lão là một người thượng du nghèo khó, còn tôi...Ồ không, tôi có gì hơn
lão? Lão cũng là MỘT NGƯỜI CHA. Bàn tay in của cô bé con lão ở vùng thượng
du quê nhà xa xăm của lão, nhắc tôi nhớ đến con tôi. Tôi cho gọi ngay
Mini vào. Cô bé đang mục chiếc áo cưới bằng lụa đỏ, trang sức kiểu
cô dâu, rụt rè tiến đến bên tôi. Người Cabul dường như kinh ngạc trước
sự xuất hiện này. Lão không thể làm sống lại tình bạn ngày trước.
Cuối cùng lão mỉm cười: - Cô bé, có phải cô sắp về nhà ông nhạc đấy
không?
Bây giờ thì Mini đã hiểu nghĩa danh
từ "ông nhạc" nên không trả lời, đỏ mặt đứng trước lão với
vẻ e lệ của cô dâu mới. Tôi nhớ cái ngày họ gặp nhau lần đầu, và
lòng tôi se lại. Khi con tôi trở vào nhà trong, Rahman thở dài buồn bã, ngồi
phịch trên sàn nhà. Có lẽ lão bỗng nhớ rằng con gái lão cũng phải lớn
lên nhiều, trong thời gian lão xa quê. Lão sẽ phải làm quen với cô bé trở
lại. Chắc chắn lão không còn gặp lại một cô bé như ngày lão từ giã
ra đi. Ngoài ra, biết đâu lại không có bao nhiêu chuyện xẩy đến cho nàng
sau mười mấy năm xa cách.
Tiếng còi lại vang lên, ánh mặt trời
dịu của mùa thu lan khắp không trung. Rahman ngồi trên đất này mà tưởng
như thấy trước mắt miền núi khô cảm của quê hương. Tôi lấy ra một
xấp bạc và bảo: - Rahman, hãy về quê với con gái ông đi. Cầu nguyện
cho hạnh phúc tái ngộ của cha con ông sẽ đem lại cho con gái tôi nhiều
may mắn! Sau khi biếu lão món tiền, tôi đã giảm bớt nhiều lễ lạc, như
không thể bắt điện, cũng không thể mướn ban nhạc giúp vui, và điều này
làm nhiều bà thất vọng. Nhưng với tôi, buổi hôn lễ thật rực rỡ hơn
lên, khi nghĩ rằng ở miền đất xa xăm kia, có một người cha biệt tích
tha phương đang được trở về gặp lại đứa con yêu dấu.