Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Phê Bình "Thần Học Ky-tô Giáo theo Cung Cách Châu Á"
của Mục Sư Choan Seng Song (Tống Tuyền Thịnh)
Thích Nhật Từ

I. Dukkha, chân lý về sự khổ

"Thần Học Kitô Giáo theo Cung Cách Châu Á" của Mục Sư Choan Seng Song do Ủy ban Đoàn kết Công giáo TPHCM dịch và ấn hành, là một tuyển tập gồm 6 bài. Bài thứ sáu là phần đề cập đến "Phật Giáo Du Nhập vào Trung Quốc." Trong bài này, tác giả dành hơn 50 trang (151-206) lần lượt trình bày các vấn đề như: Nguyên nhân xuất gia và truyền bá chánh pháp của đức Phật (151-153), Khổ: dấu ấn của kiếp người (153-166), Giấc mơ của Minh Đế (166-174), Kitô giáo tại Trung Hoa (171-175), Đạo Phật tại Trung Hoa (175-177), Đạo Phật thích nghi với văn hóa (178-183), Cách nghi: phương pháp nối dài (183-188), và Chặt tan xiềng xích nghiệp chướng (188-206). Trong 8 tiêu đề của bài thứ sáu này, phương pháp luận của tác giả, trước tiên là nêu lên giá trị Phật giáo, sau đó tiến hành đồng hóa những giá trị này như là mặc khải của Thiên Chúa. Mục đích và ý đồ của ông khi viết về đề tài này hiển nhiên không phải với tư cách của một nhà nghiên cứu tìm hiểu Phật giáo, mà qua đó mở đường cho Thần học đặt chân lên mảnh đất Phật giáo Châu Á này, nơi mà Công giáo chiếm không tới 5% dân số, bằng một luận điệu thiếu bình thường. Ước vọng muốn mở rộng Thiên Chúa giáo sang Châu Á là quyền tự do tôn giáo của mỗi người, cần được tôn trọng. Nhưng điều mà chúng ta cần mạnh dạn lên tiếng là phương pháp luận của ông là phương pháp bôi đen Phật giáo để tô hồng Thiên Chúa giáo của mình, điều mà ai cũng phải không hài lòng khi đọc tới. Cũng cần nói thêm ở đây là nội dung ông viết về Phật giáo rấtai lầm và lạc dẫn. Người đọc, nhất là tín đồ Kitô giáo sẽ có định kiến xấu về Phật giáo ngay. Trong bài viết này, tôi sẽ lần lượt nêu lên các sai lầm đó.

-oOo-

Đề cập đến khổ đế, chân lý về sự khổ, tác giả viết .".. đây là khổ đế: sinh là khổ, lão là khổ, bệnh là khổ, tử là khổ, dính bén lạc thú là khổ, đoạn trừ lạc thú cũng khổ, dục vọng không thành cũng khổ" (tr. 152). Ở đây, chúng ta thấy hai phạm trù "dính bén lạc thú là khổ và đoạn trừ lạc thú là khổ " hoàn toàn xa lạ với phạm trù 8 khổ trong chân lý về sự cứu khổ của Phật giáo. Bát khổ là: sanh, lão, bệnh, tử, dục vọng không thành, yêu nhau phải xa lìa, ghét nhau phải hội ngộ và ngũ thủ uẩn là khổ. Nhưng chính từ hai phạm trù khổ xa lạ này mở hướng cho tác giả đến những quy kết bệnh hoạn như: "Cả một thế giới Phật giáo hình thành do một người đã cảm nghiệm và thấu hiểu nhân sinh trên phương diện đau khổ" (tr. 153) để người đọc phải hiểu Phật giáo là bi quan, yếm thế, không có lối thoát. Điều này làm cho chúng ta liên tưởng đến nhận định tương tự của Nghiêm Xuân Hồng:

Mọi cuộc sống chúng sinh đều là phiền não khổ ải. Điểm nhận xét này là cơ sở xuất phát nền giáo lý Phật. Trong khi các kinh Vedas, Upanisads thường ca ngợi vẻ huy hoàng của cuộc sống, thì Đức Thích Ca Mâu Ni lại nhận định rằng cuộc đời là bể khổ. Có lẽ không một tôn giáo nào trên thế giới lại có một luận điệu tha thiết thâm trầm như đạo Phật để tố cáo nỗi khổ ải của thế gian. Phật thường nói: "Nước mắt chúng sanh chứa đầy bốn biển" … sắc thái bi quan yếm thế [sic] này là điểm độc đáo của nhà Phật, khiến đạo Phật khác biệt với truyền thống Bà-la-môn. (Biện Chứng Giải Thoát trong Tư Tưởng Ấn Độ, 115).

Mục Sư Choan Seng Song còn áp đặt "Đau khổ là một kinh nghiệm tôn giáo" (tr. 156) để đi đến sự quy kết nó vào quỹ đạo năng độ của Thiên Chúa: "Trong cơn đau khổ, người ta mới hiểu được mình một cách trực giác, nhìn đời với cặp mắt vừa thất vọng vừa hy vọng và đi tìm ơn cứu độ từ Thiên Chúa" (tr. 156) hay "Nó mặc khải Thiên Chúa cho con người và đem họ lại gần với Chúa hơn" (tr. 156) hay bi đát hơn "Đau khổ còn làm cho con người trơ trụi trước Thiên Chúa lân mẫn" (tr. 157) để rồi sau đó ông kết luận: "Trong đau khổ người bình thường phát hiện bản thân, phát hiện được thế giới quanh mình và nhất là tìm thấy Chúa" (tr. 159). Dụng ý của tác giả đã quá rõ rệt! Ông viết một cách lệch lạc về chân lý về sự cứu khổ trong Phật giáo để rồi lạc dẫn người đọc trở về với ơn cứu độ của Thiên chúa, điều chỉ là ước vọng mà không bao giờ trở thành hiện thực. Bằng nghệ thuật lập luận vi tế, ông khéo xuyên tạc nội dung Khổ đế của Phật giáo để đề cao ơn cứu chuộc của Chúa: "Còn gì có tính dụ ngôn về phận mỏng manh của đời người hơn là sanh, lão, bệnh? Chứng kiến những thực tại cuộc đời như thế, người ta dễ trở nên khiêm tốn hơn, dễ muốn kêu cứu xin bình an" (tr. 157). Và đoạn dưới đây, ý đồ của ông được bộc lộ rõ nét hơn: "Sống trong đau khổ, đời như bể khổ đấy là điểm xuất phát khi người ta tìm Thiên chúa. Đấy cũng là nơi bắt đầu của Thần học Kitô giáo" (tr. 159). Trong khi đó "khái niệm cũng như chân lý về sự khổ là gì" không hề có trong các văn bản Kinh Thánh. Ở một đoạn khác, ông viết một cách thâm trầm tha thiết về khổ nhưng thật thì không phản ánh với nó với một tri giác vượt lên nó, để buộc tội Đức Phật từ chủ thuyết chân lý về sự khổ mà gây phiền muộn cho con người:

Xác thịt và đau khổ, xác thịt trong đau khổ, xác thịt là đau khổ. Đấy là chỗ khởi sự của thuyết pháp. Đức Phật đã trực diện với xác thân ấy và dạy chúng sanh cách thoát khổ. Đạo người dạy là đạo cứu độ. Cứu ở đây không phải là cứu khỏi đời sống, mà là cứu thoát khỏi cảnh khổ não đời người ta phải chịu, gieo phiền nhiễm cho thế gian (tr. 161).

Nhưng ông nào có biết rằng Dukkha được Đức Phật khai thị không chỉ đơn thuần ở tính chất phổ biến của khổ là đau khổ, mà còn có nhiều ý nghĩa khác như không thường còn, không bản ngã, hư ngụy và đối kháng nhau. Chỉ vin lấy nghĩa Dukkha là khổ để bóp méo giáo lý Đức Phật, đề cao Thiên chúa giáo thì chẳng có ý nghĩa gì. Mặc dù Dukkha mà con người phải ghi nhận như một quy luật tất yếu, nhưng Đức Phật không chấp nhận rằng Dukkha là một hiện tượng tất yếu không thể tránh được. Đề cập nó như một quy luật để thông qua đó người ta vượt lên trên nó bằng nghị lực và trí sáng suốt chánh kiến của mình. Ta hãy nghe một đoạn Kinh Đức Phật dạy:

Với vị Phật tử, này các Tỳ-kheo, khi bị già và già đến, khi bị chết và chết đến (các phạm trù còn lại tương tự) vị ấy suy tư với chính trí như sau: "Không phải một mình ta bị già và già đến, bị chết và chết đến ... phàm tất cả loài hữu tình có đến có đi, có diệt có sanh, tất cả đều phải như vậy. Quán sát như thế, vị Phật tử không sầu, không bi, không đập ngực, than vãn, đi đến bất tỉnh." (Tăng Chi II, 61).

Hay khi tuệ tri được bản chất quy luật của nó, con người sẽ vượt khỏi mũi tên sầu muộn thường tình:

Hiểu được sanh, lão, bệnh, tử là quy luật - đây gọi là vị Phật tử chân chánh - đã nhổ mũi tên sầu muộn có tẩm thuốc độc mà kẻ phàm phu vô học bị bắn trúng, tự mình làm ưu não mình. Không ưu não sầu bệnh, vị Phật tử hoàn toàn tịch tĩnh (Tăng Chi II, 62).

Ta còn biết, theo cái nhìn Thần học của tác giả, khổ đế chỉ là "trò đùa đành hanh của Thiên Chúa," và do vậy, ai muốn vượt lên nó là thách thức vơí sự phán xét cay cú của Thiên Chúa:

"Không khéo những nỗi thống khổ ấy lại là trò đùa đành hanh của Thiên Chúa trên người, những ai quyết tâm thực hiện giấc mơ không tưởng mong tìm cho được tự do, công bình và thịnh vượng" (tr. 155-156).

Trở về với cái nhìn siêu tuyệt của Phật giáo, nếu như "sanh lão bệnh tử, tự cổ thường nhiên, dục xuất ly giả, giải phược thiêm triền" (Ni sư Diệu Nhân; tạm dịch là"từ xưa đến nay, sanh già bệnh chết là một quy luật. Người muốn thóat khỏi [quy luật đó] càng tháo mở càng bị trói buộc thêm") thì nguyên nhân gây ra những đau khổ chính là thái độ chấp mắc bản ngã mà thuật ngữ Phật giáo gọi là năm thủ uẩn là khổ. (Tương Ưng II, 3,17,80,88; Tương Ưng III, 38,189). Bản thân năm uẩn tự nó không là một thực tại đau khổ nếu nó không bị cái nhìn chấp thủ sai lạc áp đặt. Ấy thế mà tác giả đã chụp mũ Phật giáo bằng một câu nói chẳng ăn chung gì đến đạo Phật:"Nói tóm lại, đối với dân Châu Á, tồn tại là đau khổ" (tr. 154).

Không chỉ dừng lại ở đó, bằng cách thêm bớt tùy tiện, từ một đoạn kệ trong phần trùng tụng phẩm Phổ Môn, tác giả đã hỗn hợp thành đoạn văn mang dáng dấp giọng điệu Kinh thánh:

Chúng sanh bị biết bao là khổ:
Nghiền nát, phiền nhiễu, dày vò.
Thế gian khổ não ấy, Bồ-tát Quan Thế Âm cứu được.
Người là đấng hoàn hảo sức thiêng,
Và tinh thông khôn ngoan khéo léo.
Muôn cõi vũ trụ không nơi nào người không hiển hiện.
Người diệt hết mọi ác tướng: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
Người cho thoát dần sanh, lão, bệnh, tử.
Đức Quán Thế Âm thanh tịnh và thánh thiện;
Là người cậy trông chắc chắn.
Trong cảnh khổ, phiền, tử, họa, người đầy tràn viên thành công quả,
Mắt từ bi thấu suốt mọi nơi.
Người là vô biên phúc hải!
Ta hãy quỳ bái đảnh lễ Người. (tr. 162).

Hỗn hợp thêm bớt vậy để làm chi? Thiết nghĩ chỉ cần đọc thoáng qua đoạn dưới đây chúng ta sẽ rõ:

"Chẳng lẽ nơi mấy vần kinh trên, ta không nghe thấy được giọng nói từ tâm của Thiên Chúa ngỏ lời với loài người đang đau khổ? Chẳng lẽ nó không làm ta nghĩ đến lòng toàn ái của Thiên Chúa hiện diện trong thế gian tràn ngập tiếng kêu la của bao người đau đớn khổ cực? Trả lời là ‘không’ thì cũng khó nghe bởi vì ở đây ta đụng phải mầu nhiệm sâu thẳm của Thiên Chúa. Mà quả quyết là ‘có’hì cũng không kém" (tr. 163).

Từ tiền đề xem Thiên Chúa là đấng toàn năng cứu rỗi, ông tiến tới khẳng định áp đặt hơn sự đa năng của Thiên Chúa cứu độ qua nhiều biểu tượng ngôn ngữ, tôn giáo khác nhau. Nghiã là Phật giáo chỉ là giá trị ngôn sứ của Thiên Chúa. Quả thực là sai lầm:

Nhưng có một điều kể là hoàn toàn rõ ràng: Thiên Chúa thừa sức nghe, hiểu và đáp ứng lại những lời kêu van của nhân loại thốt lên bằng những thứ ngôn ngữ, những niềm hy vọng và thất vọng được diễn đạt qua các biểu tượng văn hóa và tôn giáo khác nhau (tr. 163).

Ông mạnh dạn đặt câu hỏi về vấn đề này "Có phải những biểu tượng này khác hẳn với ngôn ngữ và biểu tượng Kitô giáo của chúng ta?" (tr.163). Rồi ông tự trả lời "nếu thấy chúng mà lạ mắt thì có nghĩa là chúng ta có lẽ chưa hiểu rõ câu nói thâm thúy của Thánh Phaolô: ‘Tất cả tạo thành cùng nhau rên xiết, cùng nhau ở cử cho đến bây giờ (Rm 8, 22)’ " (tr. 163).

Như vậy rõ ràng là ông trình bày về Khổ đế một cách phiến diện và đầy tính gượng ép với ý đồ nhằm đồng hóa Phật giáo làm một bộ phận biểu tượng khác của Thiên Chúa giáo. Mục đích của ý đồ nầy là để truyền đạt tin mừng của Thiên Chúa - điều mà người Phật giáo nghe qua phải bật cười! Thật ra theo nhân quả, làm sao ai có thể cứu rỗi được ai khi người ấy tạo đầy ác nhân rồi kêu cứu? Không ai cứu rỗi được ai. Không ai làm cho ai hết đau khổ theo nghĩa măkhải. Đau khổ chính do con ngư?i gieo nhân, và do vậy con người phải gặt hái quả báo xấu xa của nó:

"Điều ác mình tự làm,
Tự mình sanh, mình tạo,
Nghiền nát kẻ ngu si,
Như kim cương, ngọc báu" (PC, 161)

Hay:

"Người ngu làm điều ác,
Không ý thức việc làm.
Do tự nghiệp người ngu,
Bị nung nấu như lửa" (PC, 136)

Thế là chúng ta không thể nào chấp nhận quyền năng Thiên Chúa. Bởi vì Đức Phật đã chứng minh được rằng:

Tự mình, điều ác làm
Tự mình làm nhiễm ô,
Tự mình ác không làm,
Tự mình làm thanh tịnh.
Thanh tịnh hay nhiễm ô,
Đều do tự nghiệp mình,
Không ai thanh tịnh ai.
Không ai nhiễm ô ai (PC, 165).


Lời giới thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 |

 


Cập nhật: 13-6-2000

Trở về thư mục "Điểm sách"

Đầu trang