Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Phê Bình "Thần Học Ky-tô Giáo theo Cung Cách Châu Á"
của Mục Sư Choan Seng Song (Tống Tuyền Thịnh)
Thích Nhật Từ

V. Nghiệp và cách chặt tan xiềng xích này

1. Từ một "tất định luận" . . .

Trong 15 trang còn lại của bài viết, Mục Sư Choan Seng Song dành trọn cho vấn đề Karma – Nghiệp - trong Phật giáo. Nhưng trên thực tế, ông không trình bày Nghiệp theo nội dung giáo huấn của Đức Phật qua các kinh điển. Ông diễn tả nghiệp như một "tất định luận" - điều mà Đức Phật đã từng lên án và bỏ ra biết bao công sức lẫn thời gian thuyết pháp nhằm gột bỏ, tẩy sạch "chất nhơ nguy hại của quan niệm tà kiến" này.

Mở đầu cho một "tất định luận," Mục Sư Choan Seng Song viết: "Từ nguyên thủy đã có Karma" (tr. 188). Nhưng thật ra nhận thức về Karma có gốc nguồn từ nguyên thủy, là thuyết Nghiệp khổ của Bà-la-môn giáo Cổ Ấn, cũng chính là thuyết "nguyên tội, tông tội" của Thiên Chúa giáo. Phật giáo hoàn toàn phủ bác nhận thức phi nhân quả như vậy. Từ tận đáy lòng của người cầm bút, Mục Sư Choan Seng Song còn muốn biến học thuyết Nghiệp trong Phật giáo thành một cái gì đó như là một quyền năng không thể tránh khỏi, vì theo ông, Nghiệp quyết định đời sống tương lai của người ta một cách máy móc khó hiểu. Ông nói: "Kiếp này người ta làm gì, là gì đều do tiền kiếp tạo nên" (tr. 188). Tính chất tất định luận đã đè nặng, khống chế não trạng ông, khiến ông phải nhận xét chung cuộc vô cùng bi quan, đáng khiếp:

Tóm lại, cuộc sống là một đại dương bao la sâu thẳm của ‘Karma’ (nghiệp hải) trong đó mọi loại hữu sinh đều phải kinh qua chuỗi vô tận những nghiệp khổ, luống công đợi chờ giải thoát (tr. 189).

Mặc dù không được tốt nghiệp từ một trường tất định luận, nhưng ông Song cứ bị ám ảnh mãi cái gọi là "túc mạng luận," để ông phải bất giác thốt lên tiếng rên xiết buồn thảm trong nỗi niềm tuyệt vọng:

Thế thì sự sống là gì? Có phải là tập hợp các nghiệp quả thừa hưởng từ tiền kiếp và truyền lại cho tương lai không? Lịch sử là gì? Phải chăng là lưới Karma giăng bắt lấy muôn loài trong khổ não và tái sanh (tr. 189).

Rồi trong sự bế tắc, bất lực thật sự, ông Song đã nặng lời quy kết cho giáo lý Nghiệp của Phật giáo đã bóp chết sức mạnh cải tạo của con người, như dưới đây, ông nói:

Là điều thân thiết gần gũi với các truyền thống tôn giáo phương Đông, Karma được coi là đặc sản của tư duy Đông Phương điển hình, của đầu óc đã đánh mất sức mạnh và ý chí muốn thay đổi cuộc đời và thế giới. Toàn thể thế giới Phương Đông nằm dưới ách của Nghiệp đành nhẫn nhục thúc thủ chịu đựng. Mọi dân tộc phương Đông thở dài rên xiết, mỏi mòn hy vọng (tr. 189).

Từ chỗ không nhận được chân lý Phật giáo, ông bị trói buộc "thời gian, không gian, lịch sử và thế giới quẫn quanh trong vòng tròn tất định luận" (tr. 190, 193, 195). Chẳng những thế ông còn muốn cho: "Toàn thể nhân loại sống dưới bóng Karma, cái nghiệp âm này đủ sức mạnh kết liễu mọi nổ lực con người tìm kiếm tự do, công bằng và nhân ái" (tr. 195). Như vậy nhiều người sẽ tự hỏi ông rên xiết trước túc mạng luận, xem vai trò của Nghiệp như một sự "tất định" không thể tránh được ở tương lai để làm gì? Rõ ràng là để minh họa cho quyền năng cứu chuộc của Thiên Chúa, mặc dù Thiên Chúa không có quyền năng đó, không thể làm được việc đó, và quan trọng hơn, Thiên chúa cũng chưa từng hiện hữu để có được các quyền năng giả định do con người áp đặt lên.

 

2. Cho đến ý đồ của sự rên xiết: quyền năng cứu chuộc của Thiên Chúa?

Sau khi rên xiết, ông Song đã đi đến kết luận hoàn toàn không có cơ sở cho sự tiến bộ: "Chúng ta không tài nào bứt thủng lưới Nghiệp, chui thoát được" (tr. 197), để từ đó ông kêu cứu đến Thiên Chúa: "Chúng ta cần phải tạo thêm chỗ ở trong linh hồn chúng ta để đáp lại tiếng gọi từ bi nhân ái của Thiên Chúa" (tr. 197). Muốn được như vậy, ông lừa mọi người vào cái gọi là quyền năng giả tạo của Chúa: "Còn Chúa Giêsu, người đã đập tan xiềng xích của Nghiệp bằng sức mạnh không thể chống lại được của Tình Yêu Thương" (tr. 198). Trên cơ sở sai lầm đó, ông "đồng hóa con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ của Phật giáo" là Tin Mừng của Thiên Chúa giáo. "Sứ điệp cứu khổ, thoát khổ này (Phật giáo) đến tai những người bình thường đã trở nên Tin Mừng" (tr. 200). Hay khéo léo đáng sợ hơn: "Đạo Phật vốn tin vào sự giải phóng khỏi đau khổ, là sứ điệp quan phòng cho dân Trung Hoa đang cơn khổ não" (tr. 201-202). Và ông Song còn đồng hóa một cách thô thiển hơn, sai lệch hơn: "Nơi hình thái Phật giáo Đại thừa, cái phần nhân loại cao cả nhất mà sức mạnh quyền năng của Thiên Chúa tác động đến đã được mặc khải hiển lộ" (tr. 202).

Còn nhiều lý luận nhất hóa, đẳng thức hóa bất chấp thực tế, bất chấp dư luận, để đạt mục đích xuyên tạc, hạ thấp Phật giáo. Ông viết:

Tại Trung Quốc và các nước Á Châu khác, nơi dân chúng sùng mộ Đại thừa Phật giáo, thì các vị Bồ Tát rao giảng sứ điệp từ bi chính là ngôn sứ của niềm tin, lòng hy vọng và tình thương" (tr. 203).

Ông đã đánh đồng từ bi của Phật giáo với tình yêu của Thiên Chúa:

Lòng từ bi vĩ đại" của một Bồ-tát phải là tấm lòng gần gũi với lòng Thiên Chúa ... Chính tấm lòng yêu thương, con tim từ bi ấy đã mở ra những con đường mầu nhiệm của Thiên Chúa đối với mọi tạo vật. Tấm lòng ấy đủ sức cứu vớt những ai sa xuống vũng lầy của gian truân đau khổ (tr. 204).

Dù tốn nhiều thời gian, giấy mực, nói quàng xiên, nói tráo trở, nói vọng, nói tà, ông Song vẫn tiếc nuối cái quyền năng giả tạo của Thiên Chúa không được thực hiện thành công ở Châu Á nói chung, Trung Quốc nói riêng, vì lẽ, trong chân lý, Thiên Chúa còn không được chấp nhận, nói gì là chuyện cứu chuộc:

Trong thánh ý quan phòng của Thiên Chúa, Đạo Phật đã thu phục được lòng người Trung Hoa. Song không phải vì vậy mà Trung Hoa vuột khỏi tay Thiên Chúa. Chắc chắn là không. Xuyên qua bao nỗi thăng trầm, được thua của đạo Phật, dân tộc Trung Hoa đã biết được, trong dòng lịch sử lâu đời của họ, rằng có một quyền năng vĩ đại hơn sức mạnh của sự dữ, lớn lao hơn sức mạnh của sự hủy diệt, đó là sức mạnh của tình yêu (Thiên Chúa) (tr. 206).

3. Còn chân lý về Nghiệp của Phật giáo thế nào?

Sau khi chúng ta đã đi giáp vòng sự phân tích về Nghiệp lệch lạc, sự đề cao quyền năng giả dối của Thiên Chúa, sự đồng hóa tào tạp giữa giáo lý phá chấp của Phật giáo với giáo lý chấp mê của Thiên Chúa giáo, của Mục Sư Choan Seng Song, chúng ta hãy trở về với cội nguồn chân lý về Nghiệp của Phật giáo.

 

3.1- Định nghĩa khái quát

Một cách khái quát nhất, không phải là từ Thượng Đế, mà do từ con người nhận thức, Nghiệp là những hành vi tạo tác, là những hành động thi thố trong mọi lãnh vực cuộc sống, dưới ba cơ năng: ý nghĩ, ngôn ngữ và thân hành. Nghiệp không chỉ giới hạn trong hành vi cụ thể được thi thố như lời nói và sự tạo tác, mà còn bao gồm luôn những ý tưởng, ý niệm, sự tư duy, nhận thức. Ý nghĩ được gọi là Nghiệp, gồm hai trường hợp: thứ nhất là hình ảnh của một năng lực hành động tiềm ẩn, là chất xúc tác dẫn khởi hành vi cụ thể; thứ hai, ý nghĩ cũng là một hành động cụ thể biểu hiện dưới dạng thức năng lực vô hình nhưng vô cùng mạnh mẽ như sóng điện từ hay dòng điện, chẳng hạn lòng bi-trí-dũng, chánh kiến, tỉnh thức ... (thiện nghiệp của ý) hay các tâm lý vẩn đục tham lam, sân hận, si mê, trạo hối, hôn thùy, hoài nghi chánh pháp ... (ác nghiệp của ý). Con người là chủ thể nhận thức, tác tạo ra Nghiệp. Tùy theo tính chất và kết quả của sự biểu hiện, mà Nghiệp được phân định là thiện hay là ác. Thiện nghiệp là những hành vi tạo tác mang tính chất sáng suốt, lợi ích, hướng đến tiến bộ giải thoát. Ác nghiệp là những hành vi tạo tác đeo mang tính chất vô minh, bất lợi ích, chướng ngại con đường hướng đến tiến bộ giải thoát cho mình và người.

Trong rất nhiều kinh điển, Đức Phật đã khai thị cho chúng ta thấy được Nghiệp là do chính con người tạo tác, do đó chính con người ấy phải gặt hái kết quả tạo tác đó đem lại:

Này các Tỳ-kheo, các chúng sanh là chủ của Nghiệp, là thừa tự của Nghiệp, là sanh căn của Nghiệp. Phàm chúng sanh nào tạo tác hành vi gì, thiện hay ác, chính họ phải gặt hái những kết quả của những hành vi đó" (Tăng Chi III, 549).

Đức Phật nhấn mạnh đến tính chất tự tạo và tự thọ của Nghiệp để giúp cho con người ý thức hành vi cuộc sống của mình. Nhờ ý thức sáng suốt này, con người trở nên thận trọng trong lời nói, ý nghĩ việc làm, qua đó tạo ra hạnh phúc thật sự cho cuộc sống. Kinh Tăng Chi còn cho thấy Nghiệp tức hành vi tạo tác của ta, do ta làm, chứ không phải do thân nhân hay Thiên Chúa. Như vậy, tội, tức các hành vi ác nghiệp, là do bản thân ta gây nên, không thể là "tông tội", "nguyên tội." Do đó, còn gì hợp lý và xứng đáng cho bằng, tự mỗi chúng ta phải tu tập thiện, từ bỏ ác, cải tạo ác:

Chính do con người phóng dật, con người đã làm các điều ác về thân, về lời, về ý nghĩ. Ác Nghiệp của con người, chính do con người ý thức tạo tác, không phải mẹ làm, không phải cha làm, không phải anh làm, không phải chị làm, không phải bà con huyết thống, bà con thân hữu làm, không phải chư Thiên, Phạm Thiên [Thiên Chúa] làm. Ác Nghiệp ấy, chính do con người tự nó làm, nó sẽ lãnh hái quả dị thục đau khổ của Ác Nghiệp đó (Tăng Chi I, 155).

Từ chân lý có thể nhận thức được, có thể chấp nhận được là Nghiệp của ai thì do chính người đó tạo tác và do đó, cũng chính người đó phải lãnh nhận kết quả tạo tác của mình. Đức Phật hướng dẫn con người đến chỗ từ bỏ hoàn toàn mọi ác nghiệp về thân, lời, ý nghĩ và dũng mãnh tô bồi tất cả những thiện nghiệp với một tiến độ tinh tấn và sáng suốt. Đây chính là chân lý, là mục đích, là giáo nghĩa về nghiệp của Phật dạy:

"Khổ lụy thay, này các Tỳ-kheo, là người sống biếng nhác, dính đầy các pháp ác, bất thiện và mục đích lớn bị suy giảm. An lạc thay, này các Tỳ-kheo, là người sống tinh cần tinh tấn các thiện pháp, viễn ly các ác bất thiện pháp và mục đích lớn được viên mãn.

Này các Tỳ-kheo, không phải với cái hạ liệt với nỗi lòng cầu nguyện, có thể đạt được cái cao thượng. Phải bằng những hành vi cao thượng, xa lìa thái độ nguyện cầu, mới đạt được cái cao thượng.

Đáng được tán thán, này các Tỳ-kheo, là phạm hạnh này với sự có mặt của bậc Đạo Sư. Do vậy, này các Tỳ-kheo, hãy tinh tấn lên để đoạn trừ những ác pháp nào chưa được đoạn trừ, để thực hiện những thiện pháp nào chưa được thực hiện, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Đó là kết quả thành tích của tu học chánh pháp của Như Lai (Tương Ưng II, 34).

 

3.2- Nghiệp được cải hoán bởi chính con người

Cũng đồng thời chủ trương về Nghiệp, nếu như Bà-la-môn giáo, Thiên Chúa giáo cho rằng Nghiệp là một khối nặng túc mạng, tất định, không thể vẫy vùng nổi, nếu không có bàn tay cứu chuộc của Thiên Chúa, không thể chọc thủng, xé nát được, thì trái lại trong Phật giáo, Đức Phật dạy Karma, hành vi tạo tác được vận động, chuyển hướng, thay đổi theo nhận thức và sự cải tạo hành vi của con người. Chính con người, với nhận thức thiếu sáng suốt đã tạo tác ra các hành vi tổn hại lương tâm, đạo đức, làm đời sống thối hóa, sa đọa, thì cũng chính con người nhờ nhận thức chánh kiến đã tinh chuyên từ bỏ mãi mãi các ác, sự dữ, tô bồi, đắp xây cái thiện, sự tốt làm lại đời sống của mình trở nên thiện ích, tốt đẹp, chứ không do bàn tay mặc khải của Thiên Chúa. Dưới ánh sáng toàn năng của chân lý chánh pháp, Thiên Chúa không có quyền năng thụ tạo và cứu chuộc. Thiên Chúa không thể can thiệp vào đời sống của bất kỳ một ai. Thiên Chúa cũng chỉ là một hợp thể nhân duyên mang tính suy tư và hành động của tính người, nghĩa là Thiên Chúa không thoát khỏi vòng tay bao la, dang rộng của hành vi nhân quả tương xứng. Và vì vậy, cuộc đời của Thiên Chúa bị quyết định bởi sự lành hoặc sự dữ của Thiên Chúa. Trong hành vi sự dữ nếu có, Thiên Chúa sẽ không thể cứu được mình thì làm sao có thể cứu được người khác, do đó, khái niệm "quyền năng thụ tạo, quyền năng cứu chuộc" không có trong Phật giáo, không có trong chân lý cuộc sống.

Nghiệp dưới cái nhìn tỉnh thức viên mãn của Đức Phật là một chuỗi vận hành và được chuyển biến, thay đổi bằng chuỗi vận hành của nghiệp được tạo tác sau đó. Sự dằng co năng lực, vị thế và sự quyết định cuộc sống lành dữ của con người giữa những tạo tác trước và tạo tác sau là một chiến trường cải hoán, phá vỡ, thiêu hủy đập tan xiềng xích của tất định luận hay túc mạng luận của các tôn giáo khác. Chúng ta hãy nghe bài thi kệ của Đạo Phật diễn tả sáng sủa vấn đề này:

 

"Ai sống trước buông lung,
Sau sống không phóng dật,
Chói sáng rực đời này,
Như trăng thoát mây che" (PC, 172)

Và dễ nhận hơn:

"Ai dùng các hạnh lành,
Làm xóa mờ nghiệp ác,
Chói sáng rực đời này,
Như trăng thoát mây che" (PC, 173)

Tất định luận hay túc mạng luận không hề có trong giáo nghĩa Phật giáo. Ở Kinh Tăng Chi, Đức Phật đả kích, phủ nhận hệ thống tất định luận, túc mạng luận của Bà-la-môn giáo, của những tôn giáo tin thờ vào một Thượng Đế thụ tạo an bài, như một chướng ngại, hay khối vật cản lớn chống lại sự cải tạo tiến hóa của đạo đức cuộc sống con người:

Nếu ai cho rằng, này các Tỳ-kheo, con người phải gặt hái hết kết quả của những hành động trong quá khứ, thì người đó chận đứng đời sống đạo đức và theo đó, con người sẽ không có cơ hội để diệt tận phiền não ác pháp. Này các Tỳ-kheo, ta tuyên bố rằng, quả gặt sẽ tương xứng với nhân đã gieo và con người có thể cải tạo quả đó, nếu nó xấu ác. Do đó sẽ có đời sống đạo đức và con người nhất định dập tắt được phiền muộn (Warren, Buddhism in Translations, tr. 219; Tăng Chi I, 248-285).

Trong kinh Trung Bộ, Đức Phật còn tuyên bố mọi hành vi cuộc sống của con người, mọi sự theo đuổi nghề nghiệp, sự tiến hóa cũng như thối lui của con người gần như toàn thể đều do hành vi trong cuộc sống hiện tại quyết định, chứ không phải là do túc mạng, định nghiệp hay thiên mệnh:

Là cùng đinh, không phải do từ sự sanh trưởng. Là Bà-la-môn, không phải do từ sự sanh trưởng ...
Từ hiện tại, do hành động, người này là cùng đinh.
Từ hiện tại, do hành động, người kia là Bà-la-môn ...
Sự sanh trưởng không làm cho con người được liệt vào Bà-la-môn hay bị loại khỏi Bà-la-môn ...
Do nếp sống hằng ngày tạo ra người nông dân, thương gia hay nô bộc.
Do nếp sống hàng ngày tạo ra binh sĩ, tu sĩ, vua chúa ... hay sự lành và sự dữ v.v... (Trung Bộ II, Kinh 98, tr.563-564; cũng như ĐBNB II, 302-303, 552-556).

Tất định luận, trong Phật giáo, được xem là nhận thức lệch lạc, tà kiến, có hại cho sự tiến hóa trong mọi lãnh vực cuộc sống, mọi lãnh vực xã hội. Nó là một thứ nhận thức đầy nguy hại, hiểm độc đối với con người. Nó nhốt chặt, xiềng xích con người trong ngục tù của thái độ thụ động, chán nản, chịu đựng mù quáng, để đi đến niềm tin mù mờ và quyền lực cứu rỗi của Thiên Chúa bất toàn. Ta hãy nghe Đức Phật, người đầu tiên đã phá tan gông cùm này, dạy như sau:

"Này các Tỳ-kheo, những ai có kiến chấp như sau: ‘phàm tất cả cảm giác gì mà con người phải lãnh thọ hạnh phúc hay đau khổ, đều do nghiệp quá khứ (Túc mạng luận, Tất định luận). Hay phàm tất cả cảm giác gì mà con người phải lãnh thọ, hạnh phúc hay đau khổ, đều do Đấng Tạo Hóa tạo ra (Thần ý luận).’ Này các Tỳ-kheo, Ta nói với chúng như sau: ‘như vậy thời theo lập luận của các Tôn giả, do "nghiệp nhân quá khứ," do "Đấng Tạo Hóa" con người sẽ trở thành ác độc, trộm cướp, tà hạnh, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác độc, nói phù phiếm, tham lam, sân hận, si mê và tà kiến ...’

Nhưng này các Tỳ-kheo, với những ai dựa vào "Đấng Tạo Hóa," dựa vào "nghiệp quá khứ" cho là lý do chân thật thì nên biết rằng họ là "người tà kiến" và nguy hại hơn nữa là họ sẽ không có ước muốn, không có tinh thần "đây là việc phải làm, đây là việc không nên làm" và họ sẽ sống thất niệm buông lung, tội ác với tâm không hộ trì. Này các Tỳ-kheo, đó là những chủ trương của ngoại đạo, họ vẫn chấp chặt và bảo thủ quan điểm sai lầm ấy" (Tăng Chi I, 195-196; ĐBNB II, 534-543)

Từ đây, chúng ta có thể đi đến kết luận rõ ràng là Mục Sư Choan Seng Song không hiểu gì về triết thuyết Nghiệp của Phật giáo. Chính sự không biết này dẫn ông đến nhận thức lệch lạc cho rằng Nghiệp trong Phật giáo là Tất định luận, là Túc mạng luận, để rồi từ đó ông chạy tìm đến Thượng Đế để van xin kêu cứu, điều mà Phật giáo gọi là bỏ mê này bám víu sang mê khác, bởi vì, quyền năng siêu nhiên của Thượng Đế trong quan niệm của Thiên Chúa giáo không thể cứu chuộc con người dưới cái nhìn chân lý chánh kiến của Phật giáo.

3.3- Chặt tan xiềng xích nghiệp chướng bằng sự tu tập chánh pháp của bản thân không phải là ơn cứu rỗi của Thiên Chúa

Như vừa trình bày, sức mạnh công phá, chặt tan xiềng xích nghiệp chướng, theo Phật giáo, là con đường tu tập trau dồi chánh pháp, một sự nỗ lực mang tính biện chứng nhân quả, của bản thân từng người, thông qua sự hướng đạo của Đức Phật, chứ không thể là ân cứu rỗi của Thiên Chúa. Một cách dứt khoát, theo Phật giáo, Thiên Chúa không có giá trị cứu rỗi con người, vì tất cả hành vi, sự lành sự dữ của con người là do con người tác tạo, tất con người phải là chủ thể là đối tượng nhận lãnh phản ứng của nó. Thái độ van xin cầu nguyện vào ơn cứu độ không hề có trong nhận thức của người Phật tử thấu hiểu lý nhân quả của Đức Phật đã dạy, nghĩa là quyền năng Thiên Chúa là không có và không thể có. Ác nghiệp tự nó có sức mạnh đổ dồn lên người làm ra nó mà không biết cải hoán. Cũng vậy Thiện nghiệp sẽ có công năng đem lại an lạc, hạnh phúc đến với tác giả của nó. Khi nghiệp quả đã trổ, nghĩa là phản ứng nghiệp đã diễn tiến chín mùi, sự van xin cầu nguyện lại càng trở nên vô nghĩa hơn nữa, Đức Phật dạy:

"Nếu ai làm 10 ác hạnh, rồi một quần chúng đông đảo đến cầu khẩn van xin, thành kính mong rằng người ấy sẽ được sanh thiện thú. Sự cầu khẩn như vậy là vô ích. Làm 10 nghiệp ác phải rơi vào đọa xứ. Sự thể như có một người quăng tảng đá vào hồ nước, rồi nhiều người đến cầu khẩn van xin cho tảng đá ấy được nổi lên. Sự cầu khẩn như vậy là vô ích. Vì tảng đá, với sức nặng của nó, không thể nổi lên, không thể trôi vào bờ như lời cầu khẩn. Cũng vậy, tạo 10 nghiệp ác thì phải rơi vào đọa xứ "(Tương Ưng IV, 313).

Chúng ta thấy hàng loạt những bài kệ, những đoạn Phật ngôn chứa đầy chất chánh kiến và nhân quả tương xứng như vậy trong các bản văn kinh Phật. Điều đó chứng tỏ, cái gọi là "ơn cứu chuộc của Thiên Chúa" là không thể chấp nhận được. Hãy nghe một đoạn Kinh tương tự dưới đây:

"Một người không chú tâm trong sự tu tập, dẫu có khởi lên ước muốn được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không còn chấp thủ, ước muốn ấy nhất định không được toại nguyện" (Tăng Chi III A, 123. Tương Ưng III, 184).

Trong một lần khác, Đức Phật tái khẳng định sự ước muốn nguyện cầu, mong mỏi, nếu trái với tính chất chân lý của nhân quả, nhất định sự ước muốn đó là không cần thiết, vô ích, không thành tựu được một cái gì cả, ngoài sự thất vọng:

Vắt sữa nơi "sừng" con bò cái
Tìm dầu nơi thùng cát có nước
Dầu ước nguyện cũng không thành tựu (Trung Bộ I, 103).

Sự giác ngộ, giải thoát hay chứng đắc trong Phật giáo là kết quả của quá trình dày công tu tập, chặt đốt phiền não, lậu hoặc. Sự tận diệt phiền não là cội nguồn của Niết-bàn, của đạo quả Vô thượng Bồ đề. Nhưng đó không phải là hệ quả của cầu nguyện hay cứu rỗi: "Muốn chứng được Vô thượng Bồ đề mà không đoạn trừ Sát Đạo Dâm Vọng, chẳng khác nào như nấu cát muốn thành cơm, dù trải qua ngàn ức kiếp cũng không thể nào thành tựu được" (Lăng Nghiêm, VI, 234-242). Trong quá trình hướng đến giải thoát của mọi hành giả, Đức Phật đã tuyên bố là Ngài chỉ đóng vai trò của Đạo Sư dẫn đường, không thể ban bố cho chúng ta kết quả giải thoát. Do đó để đạt chân lý giải thoát, chúng ta phải là hành giả tu tập, như bài kệ dưới đây, Đức Phật đã khuyên:

"Hãy tự siêng trau dồi,
Như Lai chỉ thuyết dạy.
Tự hành trì thiền định,
Tự giải thoát ác nghiệp" (PC, 276)

Sự tu tập trên cơ sở nỗ lực của tự thân còn được Đức Phật sánh ví với ốc đảo vững chắc, chính trên cơ sở này hoa tỉnh thức sẽ nở rộ, phiền não nghiệp chướng bị tiêu trừ:

"Hãy tự làm hòn đảo,
Tinh cần gấp sáng suốt,
Trừ cấu uế: thanh tịnh.
Đến thánh địa chư Phật" (PC, 236).

Và Đức Phật cũng lưu ý chúng ta, không phải từ Ngài, không phải từ ân sủng cứu chuộc của Thiên Chúa, không phải do một ai, mà chính do sự tự tu tập của chúng ta dẫn chúng ta đến sự giác ngộ. Có như vậy, sự giác ngộ ấy mới vững chắc:

"Chẳng phải nương người khác,
Mà đạt được Niết-bàn,
Do tự điều, tự nương,
Mà đích đến kiên cố "(PC, 323)

Có thể nói đây là điểm khác biệt cơ bản nhất giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Sự khác biệt này cũng khẳng định được niềm tin trong Phật giáo đặt nặng tự tín, cứu độ trong Phật giáo là tự tu tập để giải thoát và thái độ người Phật tử là thái độ dứt khoát, không mong mỏi, rên xiết, nguyện cầu. Do đó không thể đồng hóa Phật giáo với Thiên Chúa giáo. Phật giáo là Phật giáo, còn Thiên Chúa giáo là Thiên Chúa giáo. Vì một đàng đặt nền tảng trên sự chánh tín, giải thoát trên sự tự tu, cứu độ được thực hiện bằng chính mình, còn một đàng đặt cơ sở trên niềm tin và hy vọng vào tình yêu của Chúa, và sự giải thoát là do ân Chúa cứu chuộc. Do đó, nỗ lực đồng hóa Phật giáo với Thiên Chúa giáo của Mục Sư Choan Seng Song quả thực là sai lầm nghiêm trọng và cũng hết sức nguy hiểm.

*
* *

Để tổng kết bài viết này, tôi xin nhắc lại rằng phương pháp luận của Mục Sư Choan Seng Song là phương pháp đồng hóa hai nguyên lý hoàn toàn trái ngược nhau, một đàng của Phật giáo và đàng còn lại của Thiên Chúa giáo làm một. Mưu đồ của việc làm thiếu nghiêm túc, thiếu khoa học này cốt nhằm xuyên tạc một cách công khai, trắng trợn giáo nghĩa của Phật giáo - một nền triết thuyết vượt xa Thiên Chúa giáo từ mọi mặt, nhận thức cho đến sự tu tập giải thoát - để minh họa cuồng tín cho một tình yêu giả tạo, một quyền năng bất thật, một sự hiện hữu rỗng của Thượng Đế. Sau mỗi thuật ngữ, tiêu đề viết về đức Phật và Phật giáo, ông tiến hành đồng hóa với Thiên Chúa giáo để đánh lừa người đọc, nhất là những người có đức tin nhẹ dạ vào cái gọi là "quyền năng thụ tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa," dù trong chân lý, cái ấy là kiến chấp, vọng tưởng, bất thật. Đó là chưa nói đến những thuật ngữ, tiêu đề ông viết về Phật giáo đều là bôi nhọ, tô đen, lệch lạc. Do đó, "Thần Học Kitô Giáo theo Cung Cách Châu Á" của Mục Sư Choan Seng Song cần phải được thẳng thắn lên án, phủ định, nếu không nó là sự đổ vỡ của một nền học thuyết trùng phức, phá sản.

Tỳ-kheo Thích Nhật Từ
(1991)


 

Viết Tắt và Tài Liệu Tham Khảo

ĐBNB. = Kinh Đại Bát Niết-Bàn, 2 tập, HT. Thích Trí Tịnh dịch (HCM: Thành Hội Phật giáo Hồ Chí Minh, PL 2510).

Đại Bảo Tích = Kinh Đại Bảo Tích, 11 tập, HT. Thích Trí Tịnh dịch (HCM: Thành hội Phật giáo Hồ Chí Minh, 1988).

Lăng Nghiêm = Kinh Lăng Nghiêm, HT. Thích Duy Lực dịch và lược giải. (HCM: Thành Hội Phật giáo Hồ Chí Minh, tái bản 1993).

PC. = Kinh Pháp Cu HT. Thích Minh Châu dịch (HCM: Trường Cao Cấp Phật học Việt Nam, 1990).

Pháp Hoa = Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, HT. Thích Trí Tịnh dịch (HCM: Thành Hội Phật giáo Hồ Chí Minh).

Tăng Chi = Tăng Chi Bộ Kinh, 3 tập, HT. Thích Minh Châu dịch (HCM: Trường Cao Cấp Phật học Việt Nam, 1988).

Tương Ưng = Tương Ưng Bộ Kinh, 5 tập, HT. Thích Minh Châu dịch (HCM: Trường Cao Cấp Phật học Việt Nam, 1982).

Trường Bộ = Trường Bộ Kinh, 3 tập, HT. Thích Minh Châu dịch (HCM: Trường Cao Cấp Phật học Việt Nam, 1988).

Trung Bộ = Trung Bộ Kinh, 3 tập, HT. Thích Minh Châu dịch (HCM: Trường Cao Cấp Phật học Việt Nam, 1988).

Choan Seng Song, Thần Học Kitô Giáo theo Cung Cách Châu A٠(HCM: Ủy Ban Đoàn kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 1991).

Thích Nhật Từ, Kinh Tứ Thập Nhị Chương và sự Liên Hệ với Kinh Điển Đại Thừa và Tiểu Thừa (HCM: Bản đánh máy, 1990).


Lời giới thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 |

 


Cập nhật: 13-6-2000

Trở về thư mục "Điểm sách"

Đầu trang