...... ... |
. |
. |
. |
. |
. |
- Kinh Bốn Mươi Hai Bài
- (Tứ Thập Nhị Chương Kinh)
- Hòa thượng Thích Trí Quang dịch
- 3
- Dịch Nghĩa Bản B
- Kinh Bốn Mươi Hai Bài (1)
- Thời đại Hậu Hán (2) , Ca diếp ma đằng
và Trúc pháp lan cùng dịch.
- (Tiểu Dẫn)
- Đức Thế tôn thành đạt toàn giác rồi,
nghĩ rằng, tách rời ái dục, thể hiện thanh tịnh, là điều hơn hết. Ngài
sống trong đại định, chiến thắng ma quân. Rồi đến Lộc uyển, ngài
chuyển đẩy bánh xe chánh pháp tứ đế, hóa độ tôn giả Kiều trần như,
và cả nhóm 5 người, cùng thành tựu đạo quả. Sau đó lại có các vị tỷ
kheo trình bày hoài nghi, xin ngài huấn dụ điều gì nên tiến hành, điều
gì nên đình chỉ. Ngài đã huấn dụ, và ai cũng khai ngộ, chắp tay kính
vâng, thuận theo huấn dụ của ngài (3) .
-
- Ghi Chú (1)
- Coi ghi chú A/1 (ghi chú 1 của dịch nghĩa bản
A ; sau phỏng theo đây, chỉ khác số).
-
- Ghi Chú (2)
- Coi ghi chú A/2 .
-
- Ghi Chú (3)
- a. Lời tiểu dẫn này bản A không có. Nhưng
không phải bản ấy thiếu, mà là bản này thêm, chỉ văn từ không cũng
cho thấy rõ như vậy.
- b. Lời tiểu dẫn này muốn nói 42 bài sau
đây là trích yếu hoặc trích diễm những huấn dụ của Phật khi chuyển
pháp luân và tiếp theo sau đó.
-
- (1)
- Phật nói, từ biệt cha mẹ, thoát ly gia
đình, thể nhận tự tâm, thấu suốt bản thể, hội nhập vô vi, nên gọi
là sa môn. Thường giữ 250 giới, động và tĩnh đều thanh tịnh, làm theo
tứ đế, thành A la hán (4) . A la hán là bậc có thể phi hành, biến hóa,
kéo dài sinh mạng, chấn động thế giới. Kế đó là A na hàm; A na hàm là
mạng chung thì sinh (5) trên tầng trời mười chín, ở đó thành A la hán. Kế
đó nữa là Tư đà hàm; Tư đà hàm là một lần lên xuống thì thành A la
hán. Sau hết là Tu đà hoàn; Tu đà hoàn là bảy lần lên xuống thì thành
A la hán. Ái dục (mà các bậc thánh giả này) cắt đứt thì như tay chân
đứt rồi không dùng được nữa (6) . (Bài thứ 1).
-
- Ghi Chú (4)
- Coi ghi chú A/6 và A/7 .
-
- Ghi Chú (5)
- Coi ghi chú A/9 và A/10 .
-
- Ghi Chú (6)
- Coi ghi chú A/11 .
-
- (2)
- Phật nói, đã xuất gia làm sa môn thì dứt
bỏ ái dục, thể nhận nguồn gốc của tâm, thấu suốt lý sâu của Phật,
hội nhập vô vi, trong không thủ đắc, ngoài không mong cầu, tâm trí không
ràng buộc vào đạo, cũng không kết thắt vào nghiệp, không tư tưởng, không
thi vi, phi tu hành, phi chứng đđđđđkhông trải qua mọi cấp độ mà vẫn
tôn cao, như thế gọi là đạo (7) . (Bài thứ 2).
-
- Ghi Chú (7)
- Bài này trùng lặp, thêm thắt và chải
chuốt thấy rõ. Cùng các bài 11, 18, 36, 42 sau đây nữa, bài này còn có
cái ngữ khí cầu kỳ phóng túng của Thiền tông.
-
- (3)
- Phật nói, cạo bỏ râu tóc mà làm bậc
sa môn tiếp nhận đạo pháp, thì hãy rời bỏ tài sản thế gian, khất thực
(8) vừa đủ. Mỗi ngày đứng bóng ăn một bữa, mỗi đêm dưới cây ngủ
một lần, thận trọng đừng thêm. Làm cho người u mê che lấp chính là
ái dục. (Bài thứ 3).
-
- Ghi Chú (8)
- Coi ghi chú A/12 .
-
- (4)
- Phật nói, chúng sinh do 10 sự mà lành, cũng
do 10 sự mà ác. Những gì là 10 sự? Là thân có 3, miệng có 4, ý có 3.
Thân có 3 là sát sinh, trộm cướp, dâm dục. Miệng có 4 là ly gián, mắng
chưởi, dối trá, thêu dệt. Ý có 3 là ganh ghét, tức giận, u mê. Mười sự
như vậy không thuận với đường đi của các bậc thánh giả nên gọi là
hành vi ác. Cái ác này đình chỉ thì gọi là hành vi lành (9) . (Bài thứ
4).
-
- Ghi Chú (9)
- Đối chiếu với bài 3 bản A, bài này bỏ
một đoạn dưới mà xét ra không nên bỏ.
-
- (5)
- Phật nói, người có lỗi mà không tự hối,
ngưng liền, thì lỗi dồn lại nơi thân mình như nước đổ về biển cả,
thành ra càng sâu càng rộng. Có lỗi mà biết là trái, đổi ác làm lành,
thì lỗi hết dần đi, như bịnh mà đổ mồ hôi thì sẽ lành dần. (Bài
thứ 5).
-
- (6)
- Phật nói, kẻ ác nghe người lành mà cố
đến quấy phá, thì, các vị sa môn, hãy tự chế ngự, đừng giận dữ,
tránh mắng. Bởi vì kẻ ác làm ác thì tự hại lấy mình. (Bài thứ 6).
-
- (7)
- Phật nói, có người nghe Như lai giữ gìn
đạo hạnh, làm đại nhân từ, nên cố ý đến mắng Như lai. Như lai yên
lặng, không trả lời. Mắng rồi, Như lai hỏi, ông đem lễ vật biếu người,
người không nhận thì lễ vật ấy trở về ông chăng? Trả lời, trở về.
Phật nói, nay ông mắng Như lai, Như lai không nhận thì ông cũng tự đem
tai họa trở về bản thân của ông. Vang ứng theo tiếng, bóng tùy theo
hình, không thể tránh khỏi. Hãy thận trọng, đừng làm ác. (Bài thứ 7).
-
- (8)
- Phật nói, người ác hại người hiền thì
như ngửa mặt lên trời mà nhổ nước dãi, nước dãi không thấu trời
mà lại rơi xuống nhằm mình; như ngược gió tung bụi, bụi không đến
người mà lại làm dơ bản thân. Người hiền không thể hại được mà bản
thân tất bị tai họa. (Bài thứ 8).
-
- (9)
- Phật nói, đọc rộng sách vở (10) , đắm
say đạo lý, thì đạo khó thể hội. Cố thủ tâm chí, tôn sùng đạo hạnh,
thì đạo rất lớn lao (11) . (Bài thứ 9).
-
- Ghi Chú (10)
- Dịch như vậy vì ở đây bác văn mà văn
là văn bài.
-
- Ghi Chú (11)
- Dịch như bài này thật đã chuyển văn khá
nhiều. Là để cho nhẹ bớt sự khá vô lý của 2 vế nói trong bài này.
Bài này chữa mà không bằng bài 7 bản A.
-
- (10)
- Phật nói, thấy người bố thí, hãy giúp
một cách vui vẻ, thì được phước rất lớn. Sa môn hỏi Phật, phước
ấy có hết đi không, Phật nói, như lửa nơi một cây đuốc, hàng ngàn
hàng trăm người đem đuốc đến lấy lửa ấy mà nấu ăn, soi sáng, lửa
vẫn như cũ. Phước ấy cũng như vậy. (Bài thứ 10).
-
- (11)
- Phật nói, đãi cơm một trăm người thường
không bằng một người tốt. Đãi cơm một ngàn người tốt không bằng một
người giữ 5 giới. Đãi cơm một vạn người giữ 5 giới không bằng một
vị Tu đà hoàn. Hiến cơm trăm vạn Tu đà hoàn không bằng một vị Tư đà
hàm. Hiến cơm ngàn vạn Tư đà hàm không bằng một vị A na hàm. Hiến cơm
một ức A na hàm không bằng một vị A la hán. Hiến cơm mười ức A la hán
không bằng một vị Bích chi phật. Hiến cơm trăm ức Bích chi phật không
bằng một đức Phật thuộc thì gian (12) . Hiến cơm ngàn ức đức Phật
thuộc thì gian không bằng một bậc không nhớ không ở không tu không chứng
(13) . (Bài thứ 11).
-
- Ghi Chú (12)
- Dịch đủ là thì gian quá khứ hiện tại
vị lai. Đức Phật thuộc thì gian là đức Phật hóa thân.
-
- Ghi Chú (13)
- a. Chỉ có thể hiểu bậc này là đức Phật
pháp thân. Nhưng pháp thân thì có pháp lạc, làm gì có đoàn thực. Nếu
nói đây là người đốn ngộ đốn siêu (tựa như đoạn chót bài 2 nói) lại
càng bất ổn.
- b. Đối chiếu với đoạn chót của bài 9
bản A thì đoạn chót bài này kém đến vô lý - dầu nói có vẻ hay ho.
-
- (12)
- Phật nói, làm người có 20 điều khó:
nghèo nàn mà bố thí mới khó, giàu sang mà học đạo mới khó, liều mình
mà chắc chết mới khó, được nhìn thấy kinh Phật mới khó, sinh ra gặp
đời Phật mới khó, nhịn sắc đẹp và ái dục mới khó, thấy tốt mà
không cầu mới khó, bị nhục mà không tức mới khó, có thế mà không ỷ
(13B) mới khó, gặp việc không quan tâm mới khó, học rộng tham khảo nhiều
mới khó, loại trừ sự kiêu ngạo (14) mới khó, không khinh người chưa học
mới khó, tâm tính mà bình đẳng mới khó, không hề nói phải trái mới
khó, gặp được thiện tri thức mới khó, thấy tánh mà học đạo mới khó,
theo mà hóa độ người mới khó, thấy cảnh mà bất động mới khó, khéo
biết phương cách hay mới khó (15) . (Bài thứ 12).
-
- Ghi Chú (13B)
- Cũng có thể dịch: có thế không xu phụ.
-
- Ghi Chú (14)
- Dịch đúng chính văn là kiêu ngạo vì tự
ngã.
-
- Ghi Chú (15)
- Đối chiếu với bài 10 bản A, bài này
thêm đến 15 cái khó. Nhưng, nhìn những cái khó được thêm thì thấy thiếu
gì cái khó cần thêm nữa. Và, cứ nhìn điều "thấy tánh mà học đạo",
đã có thể nói đó là văn và ý của Thiền tông, và có không trước Đường
Tống.
-
- (13)
- Sa môn hỏi Phật, nhờ gì mà được sự
biết đời trước? mà thể hội đạo chí thượng? Phật nói, sạch lòng bền
chí thì thể hội đạo chí thượng. Và như lau kính thì dơ hết là sáng lộ:
loại ái dục, không mong cầu, thì sẽ được sự biết đời trước. (Bài
thứ 13).
-
- (14)
- Sa môn hỏi Phật, lành là gì? lớn nhất
là gì? Phật nói, đi theo đường đạo, giữ đúng lẽ chân, là lành. Chí
nguyện phù hợp với đạo là lớn nhất. (Bài thứ 14).
-
- (15)
- Sa môn hỏi Phật, mạnh nhiều là gì?
sáng nhất là gì? Phật nói, nhẫn nhục thì mạnh nhiều, vì không ôm giữ
điều ác, thêm vào là an toàn mạnh khỏe ; nhẫn thì không ác, tất được
người trọng. Dơ bẩn của tâm trí được loại trừ hết cả, sáng không
tì vết, đó là sáng nhất; vô thỉ đến giờ (16) , vũ trụ có gì thì
không có gì mà không thấy, không biết và không nghe, được cái tuệ giác
biết toàn bộ mới là sáng nhất. (Bài thứ 15).
-
- Ghi Chú (16)
- Coi lại ghi chú A/27 .
-
- (16)
- Phật nói, có ái dục thì không thấy đạo,
y như nước đứng trong mà để tay vào ra sức quấy lên thì ai đến cũng
không thấy hình ảnh: ái dục giao xen, làm bẩn tâm trí, nên không thấy đạo.
Sa môn các ông phải bỏ ái dục; ái dục dơ bẩn được loại bỏ hết cả
thì đạo có thể thấy được. (Bài thứ 16).
-
- (17)
- Phật nói, thấy đạo là như cầm đuốc
vào trong nhà tối, tối hết mà sáng còn: học đạo mà thấy thánh đế
(17) thì vô minh diệt hết mà minh trí thường còn. (Bài thứ 17).
-
- Ghi Chú (17)
- Coi lại ghi chú A/33 .
-
- (18)
- Phật nói, đạo (18) của Như lai nhớ là
không nhớ mà nhớ, làm là không làm mà làm, nói là không nói mà nói, tu
là không tu mà tu (19) . Thể hội thì gần lắm, mê mờ thì xa vời! Ngôn ngữ
chấm dứt ở đây. Ở đây khái niệm không thể hạn cuộc (20) . Sai trong
tơ tóc thì mất trong phúc chốc. (Bài thứ 18).
-
- Ghi Chú (18)
- Chính văn là pháp, chữ rất chỉnh, nhưng
là chữ sau xa thời đại kinh này. Kinh này thì ở đây vẫn phải là đạo
(như chính văn bài 15 bản A) - một chữ thống nhất trong toàn kinh này. Đạo
ở đây, coi lại ghi chú A/25 và coi ghi chú 19 dưới đây.
-
- Ghi Chú (19)
- Trong 4 chữ chính văn niệm, hành, ngôn,
tu, niệm là tư tưởng, nghĩ tưởng, nhớ nghĩ, dịch nhớ chỉ là nghĩa
đen. Ý nghĩa 4 câu như sau. Đạo (Pháp) ở đây là diệt đế niết bàn
(nói theo tiểu thừa), là chân như (nói theo đại thừa). Đạo ấy thì
ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt (siêu việt ngôn ngữ, siêu việt
tư duy). Nhớ, làm hay nói, tu ở đây là nhớ, làm hay nói, tu cái Đạo ấy.
Đạo ấy vốn thanh tịnh (không nhớ, không làm, không tu), nhưng vì phiền
não che khuất nên phải chánh niệm (nhớ) và tu trị, (làm và tu) mới hiển
lộ. Đạo ấy vốn ly ngôn (không nói), nhưng phải mượn ngôn ngữ (nói)
mà truyền đạt cho người. Trên đây là giải thích theo văn và ý của
bài này, nhưng để thấy bài này xuất từ bài 15 bản A mà đi rất xa và
rất sai văn với ý của bài ấy. Bài này của bản B nói như cao mà kém thấy
rõ.
-
- Ghi Chú (20)
- Dịch đúng chính văn là không phải mọi
vật có thể câu thúc. Chính văn này không chỉnh. Chỉnh thì phải nói tâm
hành xứ diệt (khái niệm loại bỏ), vì đi với câu trước đó là ngôn
ngữ đạo đoạn (ngôn ngữ chấm dứt).
-
- (19)
- Phật nói, xét trời đất hãy nhớ vô thường,
xét thế giới hãy xét vô thường, xét linh giác thấy là bồ đề (21) . Nhận
thức như vậy thì đắc đạo mau chóng. (Bài thứ 19).
-
- Ghi Chú (21)
- Linh giác: tuệ giác linh thiêng (mà chúng
sinh vốn có). Bồ đề: tuệ giác vô thượng (mà chư Phật thực hiện). Xét
linh giác là bồ đề, cái xét ấy đúng, nhưng không thích hợp với ở đây
đang nói, và chỉ nên nói, về đạo lý vô thường.
-
- (20)
- Phật nói, hãy nghĩ nhớ, trong cơ thể, 4
đại (22) đều có tên riêng, không có gì là ngã (23) : ngã không có thì chỉ
như ảo thuật. (Bài thứ 20).
-
- Ghi Chú (22)
- Coi lại ghi chú A/38 .
-
- Ghi Chú (23)
- Coi lại ghi chú A/39 .
-
- (21)
- Phật nói, do ái dục mà cầu danh tiếng,
danh tiếng vang đồn thì bản thân đã cũ! Ham danh tiếng tầm thường mà
không học đạo, thì chỉ uổng công mệt xác! Ví như đốt hương, hơi
thơm nghe được thì cây hương đã tàn: cái lửa hại mình theo liền sau
danh tiếng. (Bài thứ 21).
-
- (22)
- Phật nói, tiền tài và sắc đẹp mà con
người không bỏ được, thì cũng như lưỡi dao có một chút mật ngọt,
không đủ myՠvị một bữa ăn, nhưng trẻ con liếm vào thì có cái họa đứt
lưỡi. (Bài thứ 22).
-
- (23)
- Phật nói, con người ràng buộc vào vợ
con nhà cửa thì còn hơn lao ngục. Lao ngục còn có ngày phóng thích, chứ vợ
con thì đâu có ý thoát ly. Ái dục đối với sắc đẹp thì đâu còn ngại
gì quay cuồng! Cái họa miệng cọp cũng vẫn cam tâm! Nên, gieo mình ngập
xuống bùn lầy là kẻ phàm phu, vượt thoát cảnh ấy là bậc La hán siêu
thoát trần tục. (Bài thứ 23).
-
- (24)
- Phật nói, ái dục thì không gì hơn sắc
đẹp. Sắc đẹp tạo ra ái dục thì không gì lớn bằng. Nhờ chỉ có một
cái như vậy, giả sử có 2 cái như nhau, thì thiên hạ không còn ai hành đạo
được nữa. (Bài thứ 24).
-
- (25)
- Phật nói, ái dục đối với con người
thì cũng như cầm đuốc mà đi ngược gió, tất có cái họa cháy tay. (Bài
thứ 25).
-
- (26)
- Thiên thần hiến ngọc nữ cho Phật, muốn
quấy phá tâm ngài. Ngài nói, cái đãy da chứa đầy dơ bẩn kia, đến đây
làm gì? Hãy đi đi, Như lai không dùng. Thiên thần càng trọng Phật, nhân
đó hỏi ngài về ý đạo. Ngài giảng giải cho, liền thành đạt đạo quả
Tu đà hoàn. (Bài thứ 26).
-
- (27)
- Phật nói, hành đạo thì như cái cây ở
trong dòng nước, hãy theo dòng nước mà trôi đi, không mắc hai bên bờ,
không bị người vớt lấy, không bị quỉ thần ngăn chận, không bị nước
xoáy làm đứng lại, không bị thối rã, thì Như lai bảo đảm cây ấy
vào được biển cả. Hành đạo cũng vậy, không bị ái dục mê hoặc,
không bị tà ngụy quấy phá, tinh tiến mà không do dự (24) , thì Như lai bảo
đảm người ấy đắc đạo. (Bài thứ 27).
-
- Ghi Chú (24)
- Chính văn bài 25 bản A là vô nghi (không
do dự), chính văn bài này là vô vi (không làm gì): kém, và sai nữa. Nên phải
chuyển dịch. Cũng có thể dịch không làm gì khác, nhưng không bằng không
do dự.
-
- (28)
- Phật nói, thận trọng, đừng tin ý của
các người, ý của các người không bao giờ tin được. Thận trọng, đừng
tiếp xúc sắc đẹp, tiếp xúc thì tai họa có liền. Được tuệ giác La
hán rồi mới nên tin ý của các người. (Bài thứ 28).
-
- (29)
- Phật nói, thận trọng, đừng nhìn sắc
đẹp phụ nữ, cũng đừng nói chuyện. Phải nói chuyện thì hãy chánh tâm
nghĩ rằng, ta là sa môn, ở trong cuộc đời dơ bẩn này ta phải như đóa
sen không dính bùn lầy. Nghĩ tưởng già như mẹ, lớn như chị, trẻ như
em, nhỏ như con, sinh cái tâm độ thoát, diệt cái ý bất chính. (Bài thứ
29).
-
- (30)
- Phật nói, hành đạo là như mang cỏ khô
thì gặp lửa phải tránh : người hành đạo gặp ái dục thì phải tránh
cho xa. (Bài thứ 30).
-
- (31)
- Phật nói, có người bực vì tình dục
không ngừng, muốn tự đoạn âm (25) . hật nói, đoạn âm đâu bằng đoạn
tâm. Tâm như pháp quan, pháp quan không có thì cũng không có công sai. Tâm
tà không ngừng thì đoạn âm ích gì. Phật nói cho bài chỉnh cú sau đây.
- Dục tình do ý sinh,
- ý sinh do tư tưởng;
- ý và tư tưởng ấy
- cả hai cùng vắng lặng,
- thì không cảm sắc đẹp,
- cũng không còn hành dâm (26) .
- Phật nói, bài chỉnh cú này của đức Ca
diếp như lai đã nói. (Bài thứ 31).
-
- Ghi Chú (25)
- Coi lại ghi chú A/42
-
- Ghi Chú (26)
- Phần sau bài chỉnh cú này là chữa phần
sau bài chỉnh cú của bài 30 bản A. Câu chót của chính văn bài này là phi
sắc diệc phi hành, văn ý hồn hàm. Dịch như đã dịch là đã chuyển cả
văn ý.
-
- (32)
- Phật nói, con người do ái dục mà lo buồn,
do lo buồn mà sợ hãi. Ái dục mà không thì còn lo buồn gì, còn sợ hãi
gì. (Bài thứ 32).
-
- (33)
- Phật nói, hành đạo là như một người
chiến đấu với muôn người. Mặc áo giáp, ra chiến trường, nhưng có kẻ
khiếp nhược, có kẻ nửa đường thoái lui, có kẻ quyết chiến mà chết,
có kẻ đắc thắng mà về. Ấy vậy, sa môn học đạo thì phải kiên trì
tâm chí, tinh nhuệ bước tới, không sợ cảnh tượng trước mắt, tiêu diệt
ma quân mà thủ đắc đạo quả. (Bài thứ 33).
-
- (34)
- Có vị sa môn ban đêm tụng kinh Di giáo của
đức Ca diếp như lai, tiếng nghe rất buồn, có vẻ hối tiếc, muốn lui về
thế tục. Phật hỏi, khi ông ở nhà thì làm gì? Thưa, thích đánh đàn.
Giây đàn dùi thì thế nào? Thưa, không kêu. Giây đàn căng thì thế nào?
Thưa, mất tiếng. Căng dùi vừa phải thì thế nào? Thưa, âm điệu phát ra
đủ cả. Phật nói, sa môn học đạo cũng phải như vậy: tâm trí chừng mực
thì đạo phải được. Với đạo, nếu thái quá thì cơ thể mệt mỏi,
cơ thể mệt mỏi thì tâm ý bực bội, tâm ý bực bội thì tu hành lùi bước,
tu hành lùi bước thì tội lỗi thêm lên (27) . Thanh tịnh quân bình (28)
thì đạo không mất. (Bài thứ 34).
-
- Ghi Chú (27)
- Từ chữ với đạo đến đây là lấy đoạn
sau của bài 34 bản A đặt vào đây. Đặt như vậy rất hợp lý.
-
- Ghi Chú (28)
- Chính văn là an lạc (yên vui). Chữ này
không chỉnh. Chỉnh thì phải là khinh an: trạng thái quân bình thư thái của
cơ thể và tâm trí.
-
- (35)
- Phật nói, như người luyện sắt, loại hết
quặng đi thì làm đồ rất tốt : học đạo mà trừ khử dơ bẩn trong tâm
thì tức khắc thực hiện thanh tịnh. (Bài thứ 35).
-
- (36)
- Phật nói, thoát đường ác mà được
sinh làm người là khó, được làm người mà làm đàn ông là khó, làm đàn
ông mà đủ giác quan là khó, đủ giác quan mà sinh xứ trung tâm (29) là
khó, sinh xứ trung tâm mà gặp nhằm đời Phật là khó, gặp nhằm đời Phật
mà gặp được đạo là khó, gặp được đạo mà tín ngưỡng là khó,
tín ngưỡng mà phát bồ đề tâm là khó, phát bồ đề tâm mà không tu
không chứng là khó (30) . (Bài thứ 36).
-
- Ghi Chú (29)
- Coi lại ghi chú A/44 .
-
- Ghi Chú (30)
- a. Coi lại ghi chú A/47 .
- b. Bài này là do bài 36 bản A, nhưng vừa
thêm vừa thiếu. Thêm thì như cái khó chót nói "không tu không chứng",
tuy không sai gì, nhưng vẫn là cái ngữ khí Thiền tông mà người tạo ra bản
B lấy làm sở thích - dầu ngữ khí ấy đặt không sát cũng cứ đặt. Bớt
thì bớt điều "gặp quân vương đạo đức" và "sống trong
gia đình bồ tát" (coi lại các ghi chú A/45 và A/46 ) thật là đáng
trách.
-
- (37)
- Phật nói, đệ tử (31) của Như lai sống
cách Như lai mấy ngàn dặm mà nhớ giới luật của Như lai, thì đắc đạo
chắc chắn; còn sống hai bên Như lai, thường thấy Như lai mà không theo giới
luật của Như lai, thì không bao giờ đắc đạo. (Bài thứ 37).
-
- Ghi Chú (31)
- Chính văn là Phật tử, không thích hợp bằng
chữ đệ tử của chính văn bài 38 bản A.
-
- (38)
- Phật hỏi một vị sa môn, sinh mạng con
người tồn tại trong bao lâu, thưa, trong vài ngày, Phật nói ông chưa biết
đạo. Phật lại hỏi một vị sa môn khác, sinh mạng con người tồn tại
trong bao lâu, thưa, trong một bữa ăn, Phật nói, ông cũng chưa biết đạo.
Phật lại hỏi một vị sa môn khác nữa, sinh mạng con người tồn tại
trong bao lâu, thưa, trong hơi thở ra hay vào, Phật nói, hay thay, ông thật biết
đạo. (Bài thứ 38).
-
- (39)
- Phật nói, học đạo thì lời Như lai nói
hãy nên tin theo. Như ăn mật (32) thì ở giữa hay hai bên đều ngọt, kinh
pháp của Như lai cũng vậy. (Bài thứ 39).
-
- Ghi Chú (32)
- Coi lại ghi chú A/47B .
-
- (40)
- Phật nói, sa môn hành đạo thì đừng
như trâu kéo (33) : thân hành đạo mà tâm không hành đạo. Nếu tâm hành
đạo thì cần gì chỉ có thân hành đạo (34) . (Bài thứ 40).
-
- Ghi Chú (33)
- Chính văn là ma ngưu: trâu bò kéo cối xay
bằng đá, hoặc trâu bò kéo đồ mài xát. Có người còn nói trâu bò kéo
mà bị bịt mắt. Ở đây không nói gì nhiều, mà chỉ nói trâu bò kéo một
cách miễn cưỡng, bị điều khiển.
-
- Ghi Chú (34)
- a. Câu này là chuyển dịch, mà chuyển
khá nhiều. Nếu dịch sát, như không dịch, là "thân tuy hành đạo mà
tâm đạo không hành; tâm đạo nếu hành thì cần gì hành đạo". Ấy
là chơi chữ và nói láy cho cầu kỳ - mà có cái hại cho thân hành đạo là
không cần thiết. Ý nghĩa nghiêm chỉnh thì phải hiểu và nói "tâm
hành đạo thì thân cũng hành theo".
- b. Bài này bản A không có.
-
- (41)
- Phật nói, người hành đạo là như con trâu
mang nặng, đi trong bùn sâu, mệt nhọc đến mấy cũng không dám ngoái nhìn
hai bên, mà phải rời khỏi bùn lầy mới được nghỉ ngơi. Sa môn coi ái
dục còn hơn bùn lầy, nên thẳng tắp một mạch mà hành đạo, mới có thể
thoát khỏi mọi sự khổ lụy. (Bài thứ 41).
-
- (42)
- Phật nói, Như lai coi ngôi vị vương hầu
như bụi bay qua lỗ hổng, coi vàng ngọc như ngói đá, coi tơ lụa như giẻ
rách, coi thế giới đại thiên như hạt cải, coi nước hồ a nâu như dầu
xoa chân (35) , xem các cách phương tiện (36) như đống ngọc ảo thuật, coi
cỗ xe vô thượng (37) như vàng lụa trong mộng, coi thánh đạo (38) như hoa
trước mắt, coi thiền định như trụ tu di, coi niết bàn như thức dậy,
coi cái trò phải trái như sáu con rồng cùng múa, coi sự bình đẳng như đất
đồng nhất (39) , coi sự sinh diệt (40) của tất cả các pháp như cái cây
trải qua bốn mùa (41) . (Bài thứ 42).
-
- Ghi Chú (35)
- Nước hồ a nâu: nước thiêng. Dầu xoa
chân: phòng rắn rít.
-
- Ghi Chú (36)
- Phương tiện: phương cách thích nghi.
-
- Ghi Chú (37)
- Cỗ xe vô thượng: vô thượng thừa.
-
- Ghi Chú (38)
- Chính văn là Phật đạo, nhưng ở đây
là bồ đề phần pháp (thánh đạo).
-
- Ghi Chú (39)
- Cũng như nói cái lý tưởng đồng nhất.
-
- Ghi Chú (40)
- Chính văn là hưng hóa (hiện ẩn), chính
xác là sinh diệt (sinh ra mất đi): sinh diệt như cái cây trải qua 4 mùa là
sinh không thật sinh, diệt không thật diệt.
-
- Ghi Chú (41)
- Coi lại ghi chú A/50 . Thật là quá rõ để
thấy bài này của bản B là thêm - mà quan trọng là thêm quá xa tầm mức
của kinh này, và đó chính là nhược điểm, chưa nói những gì được thêm
ngó như cao sâu mà thật ra vẫn là ngữ khí cầu kỳ, khoa dụ. Tựu trung
chỉ có 2 điều đáng có mà thôi, đó là coi phải trái của cuộc đời chỉ
như cái trò múa rối cùng lúc của 6 con rồng, coi sự sinh diệt của vạn
hữu chỉ như cái cây trải qua bốn mùa.
- Vu Lan 2537, 16-19/7.
Chân thành cảm
ơn quý cư sĩ Nguyễn Văn Củng, Đoàn Viết Hiệp và Nguyễn Anh Tuấn đã
phát tâm chuyển tác phẩm này từ dạng Help File, VPS font sang dạng Word, VNI
font. Thích Nhật Từ 29-4-2000
| Dẫn Nhập | Dịch Nghĩa Bản
A | Dịch Nghĩa Bản B | Dịch
Nghĩa Bản Chữa 1 & 2
|
|
|