- Bồ-tát giới
- Hòa thượng Thích Trí Quang dịch
giải
Chương I và II
Chương I: Dẫn
Nhập
Tiết 1: Tài Liệu
Sử Dụng
Năm 2505 (1961), tôi dịch giải Bồ
tát giới Phạn võng chỉ có 6 tài liệu để sử dụng, và sử dụng nhiều
nhất là bản chú thích của ngài Hoằng tán (Vạn 60/387-462). Nay thì tài liệu
khá nhiều, và tất cả đều nằm trong Đại tạng kinh bản Đại chính
tân tu (ký hiệu là Chính) và Tục tạng kinh bản chữ Vạn (ký hiệu là Vạn).
Về chính văn, vẫn lấy Chính 24/1003-1010 làm căn bản; phụ vào là bản khắc
in riêng của Phật giáo Bắc, mang tên Bồ tát giới kinh, bản này nay được
tụng theo nếu tụng nguyên Hoa văn. Nhưng xin nói rõ rằng chính văn Bồ tát
giới Phạn võng không phải chép như nhau. Đối chiếu thấy các bản tương
đối xưa và bảo đảm hơn thì chép như nhau, trong đó có Chính
24/1003-1010, khác với các bản tương đối nay, trong đó có bản Bồ tát giới
kinh vừa nói. Sự lựa chọn tất nhiên nghiêng về các bản xưa và bảo đảm
hơn, nhưng không phải hoàn toàn theo các bản ấy, mà là chọn cách chép
nào xét có lý hơn. Rất may sự khác nhau không nhiều lắm, cũng không quan
trọng bao nhiêu, và tôi sẽ ghi rõ những chỗ cần thiết trong khi dịch giải.
Còn tài liệu tham khảo thì quan trọng nhất là toàn văn Phạn võng (Chính
24/997-1010) và kinh Anh lạc (Chính 24/1010-1023), kế đó là 19 bản chú thích
về Phạn võng: 17 bản nằm trong Vạn 59/192 đến Vạn 61/182; 1 bản nằm
trong Vạn 95/1; 1 bản nằm trong Vạn 107/196, bản này là nghi thức sám hối
về Bồ tát giới Phạn võng; 1 bản nằm trong Chính 62/4-262, tác phẩm của
Nhật, tổng hợp rất đáng khen về các chú giải Bồ tát giới Phạn
võng. Tài liệu tham khảo tuy nhiều như vậy, nhưng khi sử dụng thì cố
đơn giản càng nhiều càng tốt.
Tiết 2: Các Bản Bồ
Tát Giới
Bồ tát giới có 4 bản. Bản 1 là
của kinh Phạn võng, do ngài La thập dịch. Bản 2 và 3 đều của luận Du dà,
nhưng do ngài Đàm mô sấm và ngài Huyền tráng dịch khác nhau. Bản 4 là của
Ưu bà tắc giới kinh, cũng do ngài Đàm mô sấm dịch. Bản 1 phổ cập nhất.
Các bản 2 và 3 ít phổ cập nhưng khá đặc biệt và vẫn có người thọ
trì. Bản 4 không phổ cập.
Tiết 3: Giải
Thích Đầu Đề
Dịch chủ La thập chỉ dịch phẩm
thứ 10 của kinh Phạn võng. Nay gọi là kinh Phạn võng chỉ là phẩm ấy.
Phẩm ấy có cái tên mà chép đầy đủ thì như sau: Phật thuyết Phạn võng
kinh, Lô xá na phật thuyết Bồ tát tâm địa giới phẩm đệ thập: phẩm
Tâm địa giới bồ tát của đức Lô xá na nói, phẩm thứ 10 của kinh Phạn
võng do đức Thích ca tuyên thuyết.
Phạn võng là tràng lưới của Đại
phạn thiên vương. Tràng lưới ấy các mắt kết ngọc, khác nhau mà ảnh
hiện lẫn nhau, trùng trùng điệp điệp. Nhìn tràng lưới như vậy, Phật
nói mọi thế giới cũng vậy, các pháp môn cũng vậy, vô cùng vô tận.
Thích ca là đức Phật bổn sư của chúng ta. Lô xá na nghĩa là chiếu soi
khắp cả, danh hiệu của bản thân đức Thích ca. Tâm địa giới bồ tát
là 30 tâm, 10 địa và 58 giới của Bồ tát tu tập thọ trì, và toàn là những
pháp môn y như mắt lưới của tràng lưới Đại phạn thiên vương. Nội
dung phẩm Tâm địa giới bồ tát ấy có 2 phần thành 2 cuốn: cuốn trên
là Bồ tát tâm địa (còn có tên là phẩm Pháp môn tâm địa) do đức Thích
ca nói bằng cách đưa thính chúng đến đức Lô xá na, hỏi để đức Lô
xá na nói; cuốn dưới là Bồ tát giới (còn có tên là phần Giới pháp
vô tận) do đức Thích ca tụng lại giới pháp mà đức Lô xá na đã tụng
khi nói về Bồ tát tâm địa. Như vậy là gián tiếp do đức Thích ca
tuyên thuyết cả.
Tiết 4: Phẩm 10 Với
Phẩm Pháp Môn Tâm Địa
Trong chính văn, tên gọi phẩm 10
là Pháp môn tâm địa. Pháp môn tâm địa là 40 pháp môn, tức 30 tâm và 10
địa (cuốn trên, Chính 24/998). Nhưng sau 30 tâm và 10 địa, phẩm Pháp môn
tâm địa còn có 10 giới nặng và 48 giới nhẹ, nghĩa là còn có phần Giới
pháp vô tận (cuốn dưới, Chính 24/1009), vì đó "là giới pháp duy nhất
mà đức bản thân Lô xá na của ta đã nói trong phẩm Pháp môn tâm địa của
ngài, giới pháp mà từ khi mới phát tâm ngài vẫn thường tụng" (Chính
24/1003), là giới pháp mà "nay ta cứ nửa tháng nửa tháng tụng lại
... Các người, những vị Bồ tát mới phát tâm cho đến những vị Bồ tát
10 phát thú 10 trưởng dưỡng 10 kim cang và 10 địa, cũng phải tụng y như
vậy" (Chính 24/1004).
Liên quan điều này, rất nên nhìn
sang kinh Anh lạc. Kinh ấy, sau khi nói về Bồ tát vị (Bồ tát tâm địa)
cũng nói về Bồ tát giới. Trong Bồ tát giới, mỗi giới pháp vô tận (giới
nặng) đều nói nếu phạm thì không còn là Bồ tát, mất hết 42 pháp hiền
thánh (Bồ tát vị) (Chính 24/1020). Như vậy có nghĩa minh bạch nói Bồ tát
giới là căn bản từ đầu đến cuối của Bồ tát vị. Điều này phụ
cho Phạn võng khá nhiều: không những chứng minh sau Bồ tát vị nói Bồ
tát giới mà còn giải thích vì sao.
Tiết 5: Thế Giới
Phạn Võng
Thắng ứng thân của Phật tên Lô
xá na, hóa chủ Hoa tạng thế giới, tượng trưng bằng 1 hoa sen. Hoa tạng
thế giới ấy có 1000 đại thiên thế giới, như hoa sen có 1000 cánh; hóa
chủ 1000 đại thiên thế giới này là 1000 đức Thích ca liệt thắng ứng
thân, do thắng ứng thân của Phật hóa ra. Mỗi đại thiên thế giới có
trăm ức tiểu thế giới, thành 1000 lần trăm ức tiểu thế giới; và hóa
chủ là 1000 lần trăm ức đức Thích ca liệt ứng thân, do 1000 liệt thắng
ứng thân của Phật hóa ra. Đức Thích ca bổn sư của chúng ta là 1 trong số
1000 lần trăm ức này. Và ức đây là ngàn vạn, trăm ức là 1 tỷ: là số
lượng của đại thiên thế giới. Kinh Phạn võng, trong đó quan trọng và
tổng kết là phẩm 10, phẩm Pháp môn tâm địa, được Phật nói với Phật
và Phật nói cho chúng sinh, khắp trong thế giới Phạn võng như vậy.
Điều nên nói liền ở đây, là
nói về thân Phật và cõi Phật như vậy, chỉ là nói thân và cõi của đức
Thích ca, chưa phải đã nói tất cả thân và cõi của chư Phật. Ngay thân
và cõi của đức Thích ca mà nói như vậy cũng chưa đủ: trên chưa thấu
tự thọ dụng thân độ, dưới chưa gồm Phật hiện thân từ Bồ tát đến
địa ngục, lại càng chưa gồm Phật hiện thân làm cảnh vật. Lại nữa,
đây chỉ là nói thân và cõi Phật theo số lượng. Mà Phật thì siêu việt
số lượng. Ngay đức Thích ca bổn sư và cõi Phật của ngài mà thôi, ta
thấy là liệt ứng thân, là tiểu thế giới nhỏ và bẩn, nhưng đối với
Bồ tát đại căn thì là thắng ứng thân độ (tha thọ dụng thân độ):
thân là vi trần tướng hải thân, độ là hoa tạng thế giới hải. Thế
giới Phạn võng là như vậy.
Tiết 6: Sự Liên Hệ
Của Phạn Võng
Liên hệ sát và quan trọng nhất
là với kinh Anh lạc, tài liệu mà tôi đã kê và đã nói đến phần nào
trong tiết 1. Kế đó, Phạn võng là đồng bộ với Hoa nghiêm (Vạn
60/300B). Sau hết, bóng dáng kinh Phạn động (hay Phạn võng) của Trường a
hàm cũng có đối với kinh Phạn võng ở đây. Chỉ khác là ở kia nói giới
không bằng tuệ, khen Phật qua giới pháp không bằng hiểu Phật qua tuệ
giác siêu việt 62 kiến chấp; ở đây trái lại, nói thật tướng bát nhã
là căn bản của giới pháp và do giới pháp thể hiện. Nhưng sự liên hệ
này chỉ do tôi đề cập. Một sự liên hệ khác cũng do tôi nghĩ, ấy là
giới pháp Phạn võng rất gần với giới pháp Tỷ kheo; riêng sự ái hộ
Tam bảo và Tăng bảo ái hộ lẫn nhau thì giới pháp Phạn võng nói rõ
ràng, thực tế và thiết tha hơn. Do vậy mà giới pháp Phạn võng đặc biệt
răn sự phản bội Phật pháp, chạy theo bạo quyền mà hại đạo và đồng
đạo.
Tiết 7: Giới Hạn
Tụng Bồ Tát Giới Phạn Võng
Bồ tát giới Phạn võng xưa chỉ bắt
đầu từ văn chỉnh cú. Còn kết thúc thì có bản chỉ đến cây hỷ dược
thọ trì (hoan hỷ và phấn chấn mà thọ trì), có bản hết trọn cuốn dưới.
Có người phân khoa giải thích Phạn võng, mở đầu phần Bồ tát giới từ
câu Nhĩ thời Thích ca mâu ni phật tùng sơ hiện Liên hoa đài tạng thế giới
(Bấy giờ đức Thích ca mâu ni từ Hoa tạng thế giới mà khởi đầu ngài
đã hiện ra ở đó). Lấy trọn từ đầu đến cuối cuốn dưới thì chỉ
có một ít nhà chú thích Phạn võng và Bồ tát giới kinh được tụng hiện
nay. Nay bản dịch này cũng làm như vậy. Dẫu rằng xét ra lấy từ văn chỉnh
cú và kết thúc ở câu hỷ dược thọ trì thì gọn và xác hơn.
Đó là nói về chính văn. Còn nghi
thức mở đầu tụng Bồ tát giới thì cũng chỉ Bồ tát giới kinh sau này
mới có. Ngài Hoằng tán có chú thích nghi thức ấy (Vạn 60/457-461), nhưng
cũng nói không biết do ai soạn, chỉ "xét tìm thì thấy phần nhiều
trích ra từ Bồ tát giới bản kinh (của luận Du dà, do ngài Đàm mô sấm
dịch) và giới bản của Hữu bộ". Nói tổng quát, nghi thức mở đầu
ấy biến thể nghi thức tụng giới Tỷ kheo, nên biến thể thế nào cũng
có bất ổn. Nhưng mở đầu Bồ tát giới Phạn võng thì không có lời lẽ
mở đầu nào quan trọng và đặc biệt cho bằng trong chính văn đã tự
có. Do đó, thiết nghĩ nghi thức mở đầu dùng cũng được, không cũng không
thiếu sót gì, lại tránh được những sự miễn cưỡng và bất ổn. Trường
hợp không dùng nghi thức mở đầu thì tụng bài kệ khai kinh rồi đi ngay
vào chính văn là được.
Tiết 8: Đặc Chất
Của Bồ Tát Giới Phạn Võng
Ở đây tôi bỏ hết mọi sự đặc
biệt của Bồ tát giới Phạn võng mà tôi đã nói đến trong bản in năm
2505, chỉ nói lại 1 chi tiết mà thôi. Ấy là tính chất ái hộ Tam bảo,
trong đó có sự ái hộ lẫn nhau của Tăng bảo. Ái hộ trước bạo lực và
quyền lực đã đành, lại còn ái hộ trong đời sống và trong quyền lợi,
nhất là ái hộ trong sự đối xử, ái hộ bằng cách không phản bội Phật
pháp, chạy theo bạo quyền mà hại đạo và đồng đạo, thì Bồ tát giới
Phạn võng đã biến mọi lời khuyên thành những điều luật, nhưng là điều
luật đầy đạo tình và chính hướng giải thoát. Chỉ có đặc chất này
mới giữ được đạo tình trong Tăng bảo, nhất là trong những lúc đạo
tình ấy bạo lực và quyền lực không muốn có. Cảm khái nhất khi tụng
Bồ tát giới Phạn võng là điều này đây.
Tiết 9: Bồ Tát Giới
Phạn Võng Đối Với Người Tại Gia
Trong tiết 6 đã nói Bồ tát giới
Phạn võng rất gần Tỷ kheo giới, vậy tại sao cho người tại gia thọ trì,
mà lại cho khá rộng rãi như đã nói trong chính văn qui định điều kiện
lãnh thọ? Vấn đề chưa thấy ở đâu nêu lên và giải thích. Nay xét thẳng
chính văn thì thấy Bồ tát giới Phạn võng tuy phần nhiều nói cho xuất
gia, nhưng có những giới nói chung cho cả tại gia xuất gia, có những giới
nói chung mà tại gia nhiều hơn, có những giới chỉ nói cho tại gia (như
giới 1 và giới 47 trong 48 giới nhẹ). Chính ở 2 giới nói cho tại gia
này, cùng tất cả giới khác riêng cho xuất gia hay chung cho cả xuất gia tại
gia, đều biểu thị rõ rệt sự duy trì Phật pháp. Giả sử chỉ có người
xuất gia thọ trì Bồ tát giới Phạn võng để thực hiện sự duy trì ấy,
còn người tại gia không thọ trì Bồ tát giới Phạn võng, nghĩa là không
duy trì Phật pháp, thì sự xuất gia đã bị họ chướng ngại rồi, còn đâu
để thực hiện được sự duy trì ấy! Nên, chính trong sự duy trì Phật
pháp mà không những thấy người tại gia phải thọ trì Bồ tát giới Phạn
võng, lại còn ngạc nhiên thấy sao Phật biết trước đến như vậy.
Chương 2: Dịch Giải
Nghi Thức Tụng Bồ Tát Giới Phạn Võng
Trước khi tụng, vị tụng giới lạy
và quì mà thưa: Con là tỷ kheo XX, kính bạch Đại đức tăng, Đại đức
tăng bảo con tụng giới, nhưng con e có sự lầm lẫn trong khi tụng, vậy
kính xin Đại đức tăng từ bi chỉ bảo cho con.
Đây là lời tác bạch trước khi
đi vào nghi thức, và là lời của vị Tăng sai tụng giới. Nếu tụng giới
là vị thượng tọa trong buổi bố tát thì không cần tác bạch lời này.
Điều kiện của sự tụng giới là tụng rõ ràng, và tụng ở đây là đọc
một cách trang trọng, chứ không phải tụng như tụng kinh. Tụng rõ ràng
là âm thanh rõ ràng, âm điệu đúng với mạch lạc giới văn.
Nghi thức tụng Bồ tát giới có 5
tiết.
Tiết 1: Qui Kính
Khuyến Khích
- Chúng Bồ tát giới lắng nghe !
- Qui y kính lạy
- đức Lô xá na,
- và Kim cang phật
- khắp cả mười phương;
- lại lạy phân thân
- đức Lô xá na
- là ngàn trăm ức
- các đức Thích ca.
- Nay tôi kính tụng
- về Bồ tát giới
- mà đại cương là
- ba loại tịnh giới;
- chúng Bồ tát giới
- hãy cùng lắng nghe!
- Giới như ngọn đèn
- đã sáng lại lớn,
- có thể xua tan
- bóng tối đêm dài;
- giới như đài gương
- trong sáng quí báu,
- hiện rõ các pháp
- đủ cả không sót;
- giới lại y như
- ngọc báu ma ni,
- tuôn ra của cải
- giúp kẻ khốn cùng.
- Siêu thoát thế gian,
- chóng thành Phật đà,
- làm được như vậy
- giới này hơn cả!
- Vì lý do ấy
- chúng Bồ tát giới
- cần phải nỗ lực
- kính cẩn mà giữ!
Đoạn chỉnh cú này lấy của Bồ
tát giới Du dà, do ngài Đàm mô sấm dịch, nội dung kính Phật kính Giới
và khuyến khích kiên trì. Kim cang phật là các vị sau kim cang đạo thì
phá dị thục thức, chứng bất hoại tánh, tức các vị viên mãn báo thân
như đức Lô xá na. Các câu 5-8 là đổi cho đúng trường hợp Bồ tát giới
Phạn võng. Trong đó câu là ngàn trăm ức có nghĩa một ngàn và một ngàn
lần trăm ức. Nếu không đổi mà theo chính văn, thì phải dịch "lại
xin kính lạy luận chủ Du dà, là Phật đương lai Từ thị thế tôn".
Ba loại tịnh giới là "kết mọi giới pháp lại làm 3 môn: nhiếp thiện
pháp giới là tám vạn bốn ngàn pháp môn; nhiếp chúng sinh giới là từ bi
hỷ xả phổ cập chúng sinh, làm cho tất cả đều được an lạc; nhiếp
luật nghi giới là mười giới pháp nặng làm chính yếu " (Anh lạc,
Chính 24/1020).
Tiết 2: Sách Tiến
Tu Tập
Chư đại đức, hôm nay bốn tháng
của mùa xuân đã qua mất nửa tháng mà chỉ thiếu một đêm, còn lại chỉ
thừa một đêm và ba tháng rưỡi. Già bịnh đã gần, Phật pháp sắp ẩn.
Chư đại đức, và ưu bà tắc ưu bà di, muốn được đạo quả, các vị
phải nhất tâm nỗ lực mà tinh tiến. Tại sao, vì đến như chư Phật
cũng phải nhất tâm nỗ lực mà tinh tiến mới thành tựu vô thượng bồ
đề, huống chi những kẻ khác đang còn tu tập các thiện pháp khác. Các vị
nghe như vậy thì trong lúc còn khỏe mạnh phải nỗ lực mà siêng tu thiện
pháp, đâu được không cấp tốc cầu đạo mà đợi đến tuổi già. Đợi
đến tuổi già là các vị còn muốn vui thú nỗi gì?
- Ngày nay đã qua,
- mạng sống cũng bớt,
- như cá thiếu nước,
- đâu có vui gì !
Đoạn này trừ 4 câu chỉnh cú cuối
cùng, toàn lấy của giới bản Hữu bộ, nội dung nói sự vô thường để
thúc dục cấp bách tu tập. Mùa xuân mới hết nửa tháng, còn đến 3 tháng
rưỡi, nhưng không nói mới hết, còn đến, mà nói đã qua mất, chỉ còn
lại, là dụng ngữ có ý. Sau đây là những chỗ cần ghi chú.
Ấn độ có 3 mùa, mùa xuân từ
16/12 đến 15/4, mùa hè từ 16/4 đến 15/8, mùa đông từ 16/8 đến 15/12. Tháng
của Ấn độ lấy trăng bắt đầu tàn làm đầu tháng (tức đêm 16 mỗi
tháng âm lịch) và lấy trăng thật tròn sáng làm cuối tháng (tức đêm rằm
mỗi tháng âm lịch), không như âm lịch trăng bắt đầu có là đầu tháng,
trăng đã tối hẳn là cuối tháng. Nhưng nửa tháng trăng sáng và nửa
tháng trăng tối thì như nhau: nói theo ngày âm lịch thì 1-15 là trăng sáng,
16-30 hay 29 là trăng tối. Bố tát tụng giới thì nửa tháng 1 kỳ, cử
hành vào ngày cuối cùng nửa tháng (tức rằm và ba mươi hay hâm chín) và
thường cử hành ban ngày, như vậy còn 1 đêm mới hết nửa tháng; 1 đêm
ấy đối với nửa tháng trước là thiếu mà đối với nửa tháng sau là
thừa. Lời trong tiết 2 này là nói trong kỳ bố tát tụng giới đầu năm
lịch Ấn, tức cuối năm âm lịch. Những kỳ sau đó có 4 chỗ phải đổi
mà ai cũng phải biết. Chỗ 1, bốn tháng phải thêm "và 1 tháng nhuận"
nếu có tháng ấy; nhưng tháng nhuận ấy vẫn gọi theo tháng chính chứ
không gọi riêng. Chỗ 2, mùa xuân tùy đó mà đổi: 16/4-15/8 đổi nói mùa
hạ, 16/8-15/12 đổi nói mùa đông. Chỗ 3, nửa tháng tùy đó mà đổi theo
bảng kê dưới đây, kê theo ngày tháng âm lịch cho dễ đổi, và chỉ lấy
mùa xuân làm mẫu, 2 mùa hạ và đông so theo mà đổi.
- hết tháng chạp : nửa tháng
- rằm tháng giêng : một tháng
- hết tháng giêng : một tháng rưỡi
- rằm tháng hai : hai tháng
- hết tháng hai : hai tháng rưỡi
- rằm tháng ba : ba tháng
- hết tháng ba : ba tháng rưỡi
- rằm tháng tư : bốn tháng
Chỗ 4, ba tháng rưỡi thì tùy đó
mà đổi theo bản kê dưới đây, cũng kê theo ngày tháng âm lịch và chỉ
lấy mùa xuân làm mẫu.
- hết tháng chạp : ba tháng rưỡi
- rằm tháng giêng : ba tháng
- hết tháng giêng : hai tháng rưỡi
- rằm tháng hai : hai tháng
- hết tháng hai : một tháng rưỡi
- rằm tháng ba : một tháng
- hết tháng ba : nửa tháng rằm
- tháng tư : thừa một đêm
Tiết 3: Làm Phương
Tiện Trước
Tăng tụ tập không?
Tăng hòa hợp không?
Tăng tụ tập hòa hợp để làm
gì?
Những người chưa thọ Bồ tát giới,
hay thọ mà không thanh tịnh, đã ra khỏi đây chưa?
Có bao nhiêu người thọ Bồ tát giới
không đến tụ tập mà có dặn nhờ nói muốn và thanh tịnh?
Đây là kiểm điểm Tăng chúng, chuẩn
bị và quyết định cho sự bố tát tụng giới cử hành được hay không.
Sự kiểm điểm này, như vậy, rất quan trọng, và chỉ quan trọng cho Tỷ
kheo tăng hay Tỷ kheo bồ tát tăng.
Kiểm điểm bằng 5 câu hỏi, nhưng
cần nhất là 2 câu đầu. Tăng chúng ở một chỗ, khi kiết ma bố tát tụng
giới, phải đầy đủ 2 yếu tố thì việc ấy mới thành, ấy là tụ tập
đông đủ, không ai vắng mặt mà không nói muốn và thanh tịnh; là hòa hợp
với nhau, không ai tụ tập để chống phá. Nói cách khác, muốn kiết ma bố
tát tụng giới thì Tăng chúng ở một chỗ phải thân và tâm cùng họp lại
và ưng muốn; thân không họp lại mà tâm ưng muốn thì được, thân họp
lại mà tâm không ưng muốn thì hỏng.
Nói muốn và thanh tịnh là dặn nhờ
một hay hơn một vị khác, bạch với Tăng chúng, rằng mình ưng muốn việc
kiết ma bố tát tụng giới và mình cũng thanh tịnh. Như vậy chỉ được
phép nói muốn và thanh tịnh với lý do vì bận việc Tam bảo, vì bịnh hay
vì coi bịnh, và với điều kiện là trong nửa tháng vừa qua không có phạm
giới (mình tự biết không phạm giới, Tăng chúng cũng không ai thấy, nghe
hay nghi mình phạm giới). Lời dặn nhờ có thể nói thông thường như sau,
"Bạch đại đức, tôi là tỷ kheo XX, vì lý do XX nên không thể tụ tập
kiết ma bố tát tụng giới, nhưng đối với việc ấy tôi ưng muốn, và
tôi cũng thanh tịnh. Xin nhờ đại đức bạch lại với Đại đức tăng
như vậy". Dặn nhờ như vậy, nếu không nói được thì có thể ra dấu.
Lời bạch lại cũng có thể nói thông thường như sau, "Bạch đại đức
tăng, con là tỷ kheo XX, có nhận lời dặn nhờ của tỷ kheo XX, vắng mặt
vì lý do XX, nhưng nửa tháng vừa qua vị ấy không có phạm giới. Vị ấy
dặn nhờ con bạch lại với Đại đức tăng rằng, đối với việc kiết
ma bố tát tụng giới hôm nay của Đại đức tăng, vị ấy nói muốn và
thanh tịnh".
Cả 5 câu hỏi là của vị tụng giới,
người trả lời là vị tri sự hay vị nào biết rõ tình trạng của Tăng
chúng cùng ở một chỗ. Câu 1, không có ai vắng mặt, ai vắng mặt có nói
muốn và thanh tịnh, thì trả lời "Tăng tụ tập". Câu 2, không có
ai tụ tập với dụng ý để phá, cãi, thì trả lời "Tăng hòa hợp".
Câu 3, trả lời "Để kiết ma bố tát tụng Bồ tát giới Phạn
võng". Câu 4, có thì bảo ra và trả lời "Người chưa thọ Bồ tát
giới, hay người thọ rồi mà không thanh tịnh, đã ra cả rồi"; nếu
không có thì trả lời "Trong Tăng chúng đây không có người chưa thọ
Bồ tát giới hay thọ rồi mà không thanh tịnh". Câu 5, có ai dặn nhờ
nói muốn và thanh tịnh thì người được dặn nhờ bước ra mà bạch lại,
không thì trả lời "Trong Tăng chúng đây không có người thọ Bồ tát
giới không đến tụ tập mà có dặn nhờ nói muốn và thanh tịnh".
Tiết 4: Lời Tựa
Mở Đầu
Chư Phật tử, hãy chắp tay lắng
nghe. Nay tôi sắp nói đến lời mở đầu giới pháp rộng lớn của chư Phật,
các vị tụ tập, yên lặng mà lắng nghe. Và tự xét có tội lỗi thì phải
sám hối; sám hối thì yên vui, không sám hối thì tội lỗi càng sâu nặng.
Không có tội lỗi thì yên lặng; do sự yên lặng ấy mà tôi biết các vị
thanh tịnh.
Chư đại đức, và ưu bà tắc ưu
bà di, hãy nghe cho kyծ Sau khi đức Thế tôn nhập diệt, trong thời kỳ Phật
pháp cuối cùng, càng phải tôn kính Ba la đề mộc xoa. Ba la đề mộc xoa là
giới pháp này đây. Phụng trì giới pháp này thì như đêm tối mà gặp
ánh sáng, như nghèo nàn mà được vàng ngọc, như bịnh tật mà được lành
mạnh, như tù đày mà thoát lao ngục, như đi xa mà được về nhà. Phải
biết giới pháp này là đức thầy cao cả của các vị. Đức Thế tôn
còn ở đời cũng không khác gì giới pháp này.
Lòng sợ tội lỗi khó mà sinh được,
tâm có đức lành khó mà phát ra. Nên trong khế kinh đã dạy:
- Đừng khinh tội lỗi nhỏ,
- cho là không tai họa;
- giọt nước tuy là ít,
- chảy mãi đầy hồ lớn.
- Tội lỗi gây chốc lát,
- họa ở vô gián ngục;
- một khi mất thân người,
- muôn kiếp khó được lại.
- Sự khỏe đẹp không bền,
- qua mau như ngựa chạy;
- mạng người vốn vô thường,
- quá hơn nước núi đổ:
- hôm nay dẫu còn đó,
- ngày mai khó bảo tồn.
Các vị phải nhất tâm mà nỗ lực
tinh tiến, cẩn thận đừng giải đải, đừng biếng nhác, đừng ham ngủ,
đừng phóng ý. Thâu đêm cũng phải tập trung tâm ý lại mà tưởng niệm
Phật pháp tăng. Đừng để đời mình trôi qua một cách trống rỗng, mệt
nhọc một cách vô ích, để rồi sau đó phải hối hận sâu xa.
Các vị hãy nhất tâm, kính cẩn
mà phụng hành cho thật chính xác đối với giới pháp này. Phải học như
vậy.
Lời tựa này có trong Chính 24/1003.
Có lẽ trước khi có nghi thức, sự mở đầu tụng Bồ tát giới Phạn
võng chỉ có lời tựa này mà thôi. Lời tựa này kết hợp cả kinh Di
giáo và Pháp cú, nhưng không có gì gượng ép vì chắp vá và biến thể như
các tiết trước và sau tiết này. Lời tựa này được soạn khá sớm, vì
câu thời kỳ Phật pháp cuối cùng , chính văn vốn là thời kỳ Phật
pháp tương tự. Phật pháp tồn tại có 3 thời kỳ: nguyên chất (chánh
pháp) tương tự (tượng pháp) và cuối cùng (mạt pháp). Mỗi thời kỳ có
1000 năm. Nay kỷ nguyên Phật giáo đã 2527 năm, là đã hơn một nửa thời
kỳ cuối cùng.
Vô gián ngục là địa ngục kết
quả của 5 tội nghịch (cũng gọi là 5 tội vô gián, 5 nghiệp vô gián). Năm
tội nghịch là giết cha, giết mẹ, giết La hán, làm chảy máu thân Phật,
phá Tăng hòa hợp. Thêm giết Hoà thượng và giết Xà lê vào nữa thì gọi
là 7 tội nghịch, được nói đến trong giới nhẹ 40. Nhưng xét 5 tội nghịch
còn như kinh Địa tạng nói, cho người xuất gia nhiều hơn nằm trong phẩm
3 của kinh ấy. Ở đó, sự phỉ báng Tam bảo và khinh thường kinh pháp cũng
là làm chảy máu thân Phật. Trong 5 tội nghịch, tội phá Tăng hòa hợp nặng
nhất, xét ra vì lẽ tội này làm rã Tăng hòa hợp mà thực chất là biệt
lập giáo phái để làm giáo lãnh. Năm tội nghịch còn 1 pháp số nữa, của
kinh Ni kiền tử: Một là phá hủy chùa tháp, đốt phá kinh tượng, chiếm
đoạt của Tam bảo. Hai là phỉ báng tiểu thừa và đại thừa, phá hoại
và trở ngại, làm cho các pháp ấy khuất lấp. Ba là bắt bớ, tù đày,
tra tấn, hành hung, khinh khi, làm nhục, buộc hoàn tục hay hại tính mạng
đối với người xuất gia. Bốn là làm 1 trong 5 tội nghịch thông thường
(mà đã nói ở trên). Năm là bài bác nhân quả thiện ác, thường làm 10
ác nghiệp, không sợ đời sau, tự làm và xúc sử người làm mà ngoan cố
không bỏ.
Kết quả của 5 tội nghịch là đọa
vô gián ngục. Vô gián là không cách hở. Tuệ viễn đại sư, trong Đại
thừa nghĩa chương, cuốn 7, nói 5 tội nghịch làm cho đọa vô gián ngục
thì có 4 sự không cách hở. Một, nhân quả không cách hở: thân này chết
rồi thì thân kế tiếp đọa vô gián ngục mà chịu liền quả báo của 5
tội nghịch, không có đời nào hay nghiệp gì làm cho cách hở nữa. Hai, chịu
khổ không cách hở: đọa vô gián ngục thì trong một thời kỳ dài, khổ
khổ liên tục, không có sự vui nào xen vào làm cho cách hở. Ba, sinh mạng
không cách hở: đọa vô gián ngục thì trong một thời kỳ dài, chết đi sống
lại liền liền mà sinh mạng không chết hẳn. Bốn, thân hình không cách hở:
đọa vô gián ngục thì ai cũng thấy thân mình tràn đầy cả ngục, không
chướng ngại cách hở lẫn nhau. Bốn sự này bao gồm đủ cả 5 sự đã
nói trong phẩm 3 của kinh Địa tạng. Trong 4 sự, sự đầu rất quan trọng,
Thành thật luận và Câu xá luận đều nói, chứng tỏ 5 tội nghịch rất
khó cầu cho siêu độ.
Một khi mất thân người muôn kiếp
khó được lại là nói thân người rất quí. Nói theo trường hợp Bồ tát
giới Phạn võng thì có thân mới thọ và trì được giới pháp ấy. Do vậy,
đem thân người làm những việc mệt nhọc một cách vô ích, có hại, đã
đành đáng trách, nhưng lối thuyết pháp thóa mạ, khinh thị thân thể, cũng
không phải là thái độ hợp ý với Phật.
Tiết 5: Chất Vấn
Thanh Tịnh
Chư đại đức, hôm nay là ngày mười
lăm của nửa tháng trăng tối, ngày bố tát tụng Bồ tát giới. Các vị
hãy nhất tâm mà nghe cho khéo. Ai có lỗi thì xin nói ra, ai không lỗi thì
xin yên lặng. Yên lặng nên biết chư vị đại đức thanh tịnh, có thể tụng
Bồ tát giới. Như vậy là tôi đã nói lời mở đầu Bồ tát giới. Nay
xin hỏi, chư đại đức, trong các vị có thanh tịnh cả không? Chư đại
đức, các vị thanh tịnh cả, vì các vị cùng yên lặng. Việc ấy tôi xin
ghi nhận như vậy.
Đây là biến thể lời tác bạch
kiết ma bố tát tụng giới mà thành sự chất vấn thanh tịnh. Nay xin hỏi,
chư đại đức, trong các vị có thanh tịnh cả không, là hỏi trong nửa
tháng vừa qua, có ai phạm giới không. Không ai phạm giới mới có thể tụng
giới.
Việc này tôi xin ghi nhận như vậy,
chính văn là thị sự như thị trì. Chữ trì nghĩa đen là nắm giữ, ở đây
là nắm giữ trong trí, tức là nói về sự ghi nhớ, về ký ức, và ở đây
là xác nhận. Nên chữ ấy đi đôi với chữ thọ thì thọ trì nghĩa là tiếp
nhận và ghi nhớ. Nghĩa chữ trì như vậy nên đã được cắt nghĩa là liễu
đạt bất vong (thấu hiểu không quên). Thị sự như thị trì, dịch sát
là việc ấy tôi nắm chắc như vậy (nghĩa là hiểu và nhớ như vậy).
Nhưng chữ nắm chắc rất nên chuyển ra chữ ghi nhận cho sát việc và dễ
hiểu hơn. Chủ từ tôi phải thêm, vì đây là lời của vị tụng giới.
Nói giản dị, vị tụng giới nói, "các ngài thanh tịnh, vì các ngài
yên lặng: việc này tôi xin ghi nhận như vậy".
Tiết này có vài chỗ cần chú ý.
Một, hết tháng thì nói trăng tối, rằm thì nói trăng sáng; trăng tối thì
ngày 15 có khi phải đổi ra 14 nếu tháng ấy thiếu. Hai, câu nay tôi xin hỏi,
chư đại đức, trong các vị có thanh tịnh cả không , phải nói 3 lần,
sau mỗi lần phải đợi vài ba giây.
Tụng giới xong, vị tụng giới đứng
dậy mà thưa, Bạch Đại đức tăng, con là tỷ kheo XX, xin kính tạ lỗi Đại
đức tăng; Đại đức tăng bảo con tụng Bồ tát giới, nhưng thân miệng
ý của con không tinh cần, tụng giới văn không thông suốt, làm cho chư vị
ngồi lâu hơn lên, không khỏi phát phiền. Con xin chư vị từ bi hoan hỷ
cho con.
Cũng như lời tác bạch đầu tiên,
lời tác bạch này, nếu vị tụng giới là thượng tọa trong buổi bố tát
thì không cần nói.
-oOo-
Chân thành cảm ơn quý cư sĩ Nguyễn Văn Củng, Đoàn Viết
Hiệp và Nguyễn Anh Tuấn đã phát tâm chuyển tác phẩm này từ dạng Help
File, VPS font sang dạng Word, VNI font. Thích Nhật Từ 29-4-2000
| Giới
thiệu | I & II | IIIa | IIIb
| IIIc | IIId | IIIe | IV
| Phu lục |