- Bồ-tát giới
- Hòa thượng Thích Trí Quang dịch
giải
Tiết 2: Nói Về
Giới Điều Của Bồ Tát Giới Phạn Võng
- I. Mục 1 : Nói Về 10 Giới Nặng Của Bồ Tát Giới
Phạn Võng
- A. Đoạn 1 : Mở Đầu Nói Về 10 Giới Nặng Của
Bồ Tát Giới Phạn Võng
- B. Đoạn 2 : Nói Về 10 Giới Nặng Của Bồ Tát
Giới Phạn Võng
-
- 1. Số 1 : Không Được Tàn Sát
- 2. Số 2 : Không Được Trộm Cướp
- 3. Số 3 : Không Được Dâm Dục
- 4. Số 4 : Không Được Vọng Ngữ
- 5. Số 5 : Không Được Buôn Rượu
- 6. Số 6 : Không Được Nói Xấu Đồng Đạo
- 7. Số 7 : Không Được Khen Mình Chê Người
- 8. Số 8 : Không Được Tiếc Lẫn Tài Pháp
- 9. Số 9 : Không Được Giận Dữ Không Nguôi
- 10. Số 10 : Không Được Phỉ Báng Tam Bảo
- C. Đoạn 3 : Kết Thúc Về 10 Giới Nặng Của Bồ
Tát Giới Phạn Võng
- II. Mục 2 : Nói Về 48 Giới Nhẹ Của Bồ Tát Giới
Phạn Võng
- A. Đoạn 1 : Mở Đầu Nói Về 48 Giới Nhẹ Của
Bồ Tát Giới Phạn Võng
- B. Đoạn 2 : Nói Về 48 Giới Nhẹ Của Bồ Tát Giới
Phạn Võng
- 1. Số 1 : Không Được Bất Kính Thầy Bạn
- 2. Số 2 : Không Được Uống Các Thứ Rượu
- 3. Số 3 : Không Được Ăn Các Thứ Thịt
- 4. Số 4 : Không Được Ăn Đồ Cay Nồng
- 5. Số 5 : Không Được Không Khuyên Sám Hối
- 6. Số 6 : Không Được Không Cầu Chánh Pháp
- 7. Số 7 : Không Được Không Đi Nghe Pháp
- 8. Số 8 : Không Được Phản Đại Thừa Giới
- 9. Số 9 : Không Được Không Giúp Bịnh Tật
- 10. Số 10 : Không Được Tàng Trữ Khí Cụ
- 11. Số 11 : Không Được Làm Kẻ Quốc Tặc
- 12. Số 12 : Không Được Buôn Bán Tàn Nhẫn
- 13. Số 13 : Không Được Phỉ Báng Không Thật
- 14. Số 14 : Không Được Cố Ý Thiêu Đốt
- 15. Số 15 : Không Được Chỉ Dạy Sai Lệch
- 16. Số 16 : Không Được Nói Pháp Rối Loạn
- 17. Số 17 : Không Được Ỷ Thế Ham Cầu
- 18. Số 18 : Không Được Mù Mờ Làm Thầy
- 19. Số 19 : Không Được Phỉ Báng Giữ Giới
- 20. Số 20 : Không Được Không Cứu Phóng Sinh
- 21. Số 21 : Không Được Giận Dữ Báo Thù
- 22. Số 22 : Không Được Kiêu Ngạo Không Học
- 23. Số 23 : Không Được Không Truyền Kinh Giới
- 24. Số 24 : Không Được Học Các Sách Khác
- 25. Số 25 : Không Được Lạm Dụng Gây Rối
- 26. Số 26 : Không Được Không Đãi Khách Tăng
- 27. Số 27 : Không Được Thọ Thỉnh Riêng Biệt
- 28. Số 28 : Không Được Thỉnh Tăng Riêng Biệt
- 29. Số 29 : Không Được Sống Bằng Tà Mạng
- 30. Số 30 : Không Được Bất Kính Hảo Thời
- 31. Số 31 : Không Được Không Cứu Không Chuộc
- 32. Số 32 : Không Được Tổn Hại Chúng Sinh
- 33. Số 33 : Không Được Tà Dâm Làm Quấy
- 34. Số 34 : Không Được Rời Bồ Đề Tâm
- 35. Số 35 : Không Được Không Phát Đại Nguyện
- 36. Số 36 : Không Được Không Phát Đại Thệ
- 37. Số 37 : Không Được Mạo Hiểm Tai Nạn
- 38. Số 38 : Không Được Ngồi Không Thứ Tự
- 39. Số 39 : Không Được Không Làm Lợi Lạc
- 40. Số 40 : Không Được Chọn Lựa Truyền Giới
- 41. Số 41 : Không Được Vụ Lợi Làm Thầy
- 42. Số 42 : Không Được Thuyết Giới Ác Nhân
- 43. Số 43 : Không Được Cố Tâm Phạm Giới
- 44. Số 44 : Không Được Không Trọng Kinh Luật
- 45. Số 45 : Không Được Không Có Giáo Hóa
- 46. Số 46 : Không Được Thuyết Không Đúng Phép
- 47. Số 47 : Không Được Kềm Chế Phi Lý
- 48. Số 48 : Không Được Phá Hoại Đạo Pháp
-
C. Đoạn 3 : Kết
Thúc Về 48 Giới Nhẹ Của Bồ Tát Giới Phạn Võng
Đoạn 1: Mở Đầu Nói Về Giới Nặng
Của Bồ Tát Giới Phạn Võng
Đức Thế tôn dạy, các Phật tử,
giới pháp nặng có mười điều. Nếu thọ Bồ tát giới mà không tụng mười
giới pháp nặng ấy thì không phải Bồ tát, không phải hạt giống làm Phật.
Vì chính Như lai cũng tụng như vậy, hết thảy Bồ tát thì đã học sẽ học
và đang học. Và như vậy là Như lai đã vắn tắt nói đến tướng mạo Bồ
tát giới. Các người phải học, kính cẩn mà phụng trì.
Như đã nói, nói 10 giới nặng là
nói về Bồ tát giới. Vì lẽ 10 giới nặng là phần căn bản của Bồ tát
giới, còn 48 giới nhẹ chỉ là phần đẳng lưu của phần căn bản ấy.
Tướng mạo Bồ tát giới là thọ giới ấy rồi thì phải nửa tháng 1 lần
bố tát tụng giới ấy: hình thức của giới ấy, trước tiên, là điều
này.
Số 1: Không Được Tàn Sát
Phật tử nếu tự mình tàn sát, bảo
người tàn sát, tàn sát bằng phương tiện, bằng cách tán dương sự tàn
sát, bằng sự tán đồng khi thấy kẻ khác tàn sát, cho đến tàn sát bằng
chú thuật - tàn sát với nguyên nhân, trợ duyên, phương pháp và động tác
của sự tàn sát; nhưng, đối với bất cứ loài nào, hễ có sinh mạng
thì không được cố ý tàn sát. Là Bồ tát thì phải phát khởi lòng từ
bi và lòng hiếu thuận thường trú, phương tiện cứu giúp và che chở cho
hết thảy mọi loài sinh vật, vậy mà đảo ngược lại, mặc sức khoái
ý mà tàn sát, thì đó là tội ba la di của Bồ tát.
Bảo người tàn sát, chữ bảo ở
đây, và những chỗ khác sau đây, tùy trường hợp và địa vị người sử
dụng mà có nghĩa là hạ lịnh, chỉ thị, sai khiến, khuyên bảo, xúi dục,
xúc sử, bày vẻ, huấn luyện, gợi ý, nói khích ... Tàn sát bằng phương
tiện, bằng cách tán dương sự tàn sát , Chính 24/1004 chép khác, theo đó
thì phải dịch "tàn sát bằng cách dùng mọi phương tiện mà tán dương
sự tàn sát". Nếu nói tàn sát bằng phương tiện, thì phương tiện
ấy là mưu mô, khí giới, và những việc làm trước khi giết chết. Nếu
nói dùng mọi phương tiện mà tán dương sự tàn sát, thì phương tiện ấy
là mọi sách lược, thể thức, khen thưởng ... Tàn sát bằng sự tán đồng
khi thấy kẻ khác tàn sát, sự tán đồng, chính văn là tùy hỷ, nghĩa đen
là mừng theo, là sự thích thú thỏa mãn như chính mình làm. Tàn sát với
nguyên nhân, trợ duyên, phương pháp và động tác của sự tàn sát ,
nguyên nhân của sự tàn sát là ý muốn tàn sát, trợ duyên của sự tàn
sát là những yếu tố làm cho ý muốn tàn sát được liên tục, phương pháp
của sự tàn sát là sự sử dụng các phương tiện, động tác của sự
tàn sát là ý muốn tàn sát được thực hiện. Giải thích này làm mẫu để
hiểu các giới sau. Hễ có sinh mạng là cơ thể tổ chức thế nào, hay
trình độ tri thức ra sao đi nữa, hễ có sự sống mà giết chết sự sống
ấy đi là tàn sát. Cố ý tàn sát là tàn sát một cách có ý thức, không
phải chỉ do bản năng, thác loạn, lầm lẫn ... Lòng từ bi và lòng hiếu
thuận thường trú, thường trú ở đây vừa có nghĩa bất biến vừa có
nghĩa thường trực. Ba la di, ngài La thập dịch ý là đọa bất như ý xứ,
ngài Huyền tráng dịch ý là tha thắng xứ, đều có nghĩa là sự bị thua,
bị cái khác chiến thắng; cái khác ấy là tội ác, cái bị thua là giới
thể.
Số 2: Không Được Trộm Cướp
Phật tử nếu tự mình trộm cướp,
bảo người trộm cướp, trộm cướp bằng phương tiện, bằng chú thuật
- trộm cướp với nguyên nhân, trợ duyên, phương pháp và động tác của
sự trộm cướp; nhưng, cho đến tài vật quỉ thần, tài vật có chủ,
tài vật đạo tặc, tài vật công cọng, dẫu bằng cây kim ngọn cỏ mà
thôi, cũng không được cố ý trộm cướp. Là Bồ tát thì phải phát sinh
tâm hiếu thuận và tâm từ bi của Phật tánh, thường xuyên giúp người làm
phước đức và được yên vui, vậy mà đảo ngược lại, đã không làm
như trên mà còn trộm cướp tài vật của người, thì đó là tội ba la di
của Bồ tát.
Cho đến tài vật quỉ thần, tài vật
có chủ, tài vật đạo tặc, tài vật công cọng, chính văn câu này có lắm
cách giải thích; tôi dịch như vậy là theo ý Vạn 59/359B, ý này sát hơn cả.
"Cho đến" là nói lược tài vật thuộc Tam bảo, tài vật của
loài người, của các loài khác. Giúp người làm phước đức và được yên
vui, như vậy trộm cướp là trộm cướp phước đức và yên vui của người.
Số 3: Không Được Dâm Dục
Phật tử nếu tự mình dâm dục, bảo
người dâm dục ; nhưng, đối với bất cứ nữ nhân nào, cho đến giống
cái trong súc vật, phái nữ trong chư thiên và quỉ thần, hoặc những chỗ
không phải bộ phận sinh thực, đều không được cố ý dâm dục - dâm dục
với nguyên nhân, trợ duyên, phương pháp và động tác của sự dâm dục.
Là Bồ tát thì phải sinh tâm hiếu thuận, cứu độ tất cả, bằng cách
đem pháp thanh tịnh mà cho người, vậy mà đảo ngược lại, đã không
làm như trên mà còn nổi dậy sự dâm dục đối với mọi người, không
chừa cả súc vật, đến nỗi đối với mẹ, con gái, chị, em gái, bà con
nội ngoại, cũng hành dâm cả, không còn gì gọi là lòng từ bi, thì đó
là tội ba la di của Bồ tát.
Chính văn này lấy người nam làm
điển hình mà nói, nên đối tượng dâm dục là nữ, như vậy nói người
nữ thì đối tượng phải đổi ra nam cả. Lại nữa, vấn đề phải nêu
lên trước, ấy là giới này đối với người xuất gia thọ Bồ tát giới
thì đúng - Đối với người xuất gia, nói tổng quát, tất cả động tác
gây nhục cảm và nhục dục đều cấm chỉ. Nhưng đối với người tại
gia thọ Bồ tát giới, thì giới này cũng không nói chỉ cấm tà dâm. Như
vậy, đối với họ, chỉ còn đem ngũ giới ra mà nói họ chỉ bị cấm chỉ
tà dâm, và ở Bồ tát giới thì họ nên mong ước và cố mà đi đến sự
cấm chỉ dâm dục. Trong sự cấm chỉ tà dâm, dâm với người khác đã đành
cấm chỉ, và không cần phải nói đến. Điều phải nói đến, là đối với
bản thân và đối với vợ chồng, cũng có những sự cấm chỉ nghiêm ngặt.
Đối với bản thân mà ý dâm, thủ dâm, cho dâm, thì không những là tà
dâm mà còn chính là dâm dục. Đối với vợ chồng mà dâm dục không phải
bộ phận (là ngoài bộ phận sinh thực) không phải nơi chỗ (là ngoài
phòng ngủ) không phải thì gian (là những ngày đáng kính, nên làm phước,
những lúc trai giới, bị bịnh, có thai ...) không phải chừng mực (là ham
dâm) đều là tà dâm cả. Luyến ái và dâm dục với 5 loại bất nam, hay
đồng tính luyến ái, lại càng bị coi là tà dâm và dâm dục nặng nề.
Không phải bộ phận sinh thực ,
chính văn là phi đạo (không phải đường tiểu), nhưng dịch đúng hơn nữa
là phi chi (không phải bộ phận sinh thực). Pháp thanh tịnh là phạn hạnh,
trái lại, dâm dục là phi phạn hạnh, và danh từ này mới thật là điển
ngữ của sự dâm dục. Nổi dậy sự dâm dục đối với mọi người , nếu
sát chính văn hơn, và nếu đối chiếu với chính văn các giới thứ 4 và
thứ 5 sau đây mà dịch, thì phải là "làm nổi dậy sự dâm dục nơi
mọi người": đã không cho mọi người pháp thanh tịnh mà lại làm cho
mọi người nổi thói ô nhiễm. Như vậy, làm nổi dậy sự dâm dục nơi mọi
người là không những làm những cách khiêu dâm khác, mà trước hết là
đem ngay thói dâm dục của mình khích động thói ấy nơi mọi người, bất
kể người đó là người nào, loài nào. Mọi cách khiêu dâm khác là tình
ca, tình sử, nhạc loạn, tranh ảnh, hóa chất, dược phẩm ...
Số 4: Không Được Vọng Ngữ
Phật tử nếu tự mình vọng ngữ,
bảo người vọng ngữ, vọng ngữ bằng phương tiện - vọng ngữ với nguyên
nhân, trợ duyên, phương pháp và động tác của sự vọng ngữ, cho đến
không thấy nói thấy, thấy nói không thấy, vọng ngữ cả thân thể lẫn
tâm trí; nhưng Bồ tát thì phải thường tự phát sinh ngôn ngữ chân chính
và kiến thức chân chính, lại phát sinh cho người hai thứ ngôn ngữ chân
chính và kiến thức chân chính ấy, vậy mà đảo ngược lại, đã không
làm như trên mà còn làm nổi dậy nơi mọi người những thứ ngôn ngữ bất
chính, kiến thức bất chính và hành động bất chính, thì đó là tội ba
la di của Bồ tát.
Vọng ngữ ở đây bao gồm cả 4 khẩu
nghiệp là vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu. Lại bao gồm những
ngôn ngữ bất chính, là trong mọi sự thấy nghe hay biết của 6 giác quan,
có nói không, không nói có. Không thấy nói thấy, thấy nói không thấy là
nói 1 sự thấy để làm tiêu biểu; đủ và tắt thì phải nói không thấy
nghe hay biết mà nói có, có thấy nghe hay biết mà nói không. Ngoài ra, vọng
ngữ ở đây còn bao gồm cả sự đại vọng ngữ là dối trá rằng mình
hiện đã tu chứng. Cái nhân gây vọng ngữ (ngôn ngữ bất chính) là kiến
thức bất chính, cái quả vọng ngữ là hành động bất chính, và mình vọng
ngữ chính là một trong những nguyên nhân mạnh nhất tạo ra 3 thứ bất
chính ấy nơi kẻ khác. Vọng ngữ cả thân thể lẫn tâm trí là từ ý nghĩ
cho đến cử động không có gì thành thực cả.
Số 5: Không Được Buôn Rượu
Phật tử nếu tự mình buôn rượu,
bảo người buôn rượu - buôn rượu với nguyên nhân, trợ duyên, phương
pháp và động tác của sự buôn rượu; nhưng hết thảy loại rượu đều
không được mua bán, vì lẽ rượu là yếu tố gây ra mọi thứ tội lỗi.
Là Bồ tát thì phải phát sinh cho chúng sinh cái tuệ minh đạt, vậy mà đảo
ngược lại, đã không làm như trên mà còn phát sinh cho người cái tâm
thác loạn, thì đó là tội ba la di của Bồ tát.
Buôn rượu , chính văn là cô tửu,
cô nghĩa là mua bán.
Số 6: Không Được Nói Xấu Đồng
Đạo
Phật tử nếu tự mình nói xấu những
sự lầm lỡ của những người xuất gia tại gia thọ Bồ tát giới, hay của
các vị tỷ kheo tỷ kheo ni, lại bảo người khác nói xấu - nói xấu với
nguyên nhân, trợ duyên, phương pháp và động tác của sự nói xấu; nhưng
Bồ tát nghe những kẻ ác tâm trong hàng ngũ ngoại đạo và nhị thừa
công kích sự phi giáo pháp và phi giới luật trong tổ chức Phật giáo,
thì thường sinh tâm từ bi, giáo hóa những kẻ ác tâm ấy, làm cho họ có
được đức tin đại thừa, vậy mà đảo ngược lại, đã không làm như
trên mà còn tự mình nói xấu những sự lầm lỡ của trong tổ chức Phật
giáo, thì đó là tội ba la di của Bồ tát.
Nói xấu là huyên truyền, tố
giác. Nói không đúng là giới vọng ngữ, không phải giới này. Giới này
nói có phần đúng sự thực, nhưng sự thực ấy chỉ được cử tội đúng
luật, chứ không được nói với cách nói xuyên tạc, bừa bãi, nói với dụng
ý triệt hạ cá nhân, gây hậu quả tổn thương đạo pháp. Nói như vậy
không phải là cử tội đúng luật. Cử tội đúng luật là nếu mình thấy,
nghe hay nghi đồng đạo có lỗi, thì phải nghiêm chỉnh nói ra, nhắm mục
đích bảo tồn giới đức cho đồng đạo và bảo trì mạng sống của đạo
pháp. Nhưng, nói ra với hảo ý như vậy mà nói ở chỗ nào, nói với người
nào, nói bằng cách nào, nói vào lúc nào, nhất nhất phải đúng luật.
Không nói ra thì phạm giới nhẹ thứ 5, mà nói không đúng luật thì phạm
tội nói xấu này.
Tiểu thừa công kích đại thừa,
ngoại đạo công kích cả hai, sự công kích ấy dẫu vì bất đồng lý
thuyết, vì tranh thủ danh lợi, hay vì bất mãn cá nhân, cũng tan biến cả
khi có đức tin đại thừa, tin rằng mình sẽ làm Phật, nhất là khi đức
tin ấy được giúp cho phát sinh bởi lòng từ bi chân thành.
Số 7: Không Được Khen Mình Chê Người
Phật tử nếu tự tán dương mình
mà phỉ báng người khác, lại bảo kẻ khác phỉ báng - phỉ báng với
nguyên nhân, trợ duyên, phương pháp và động tác của sự phỉ báng; nhưng
Bồ tát thì phải thay thế hết thảy chúng sinh mà chịu lấy bao nhiêu sự
phỉ báng và tủi nhục, việc xấu thì xoay về nơi mình, việc tốt thì
đưa cho người khác, vậy mà đảo ngược lại, tự khoe cái hay của mình,
dấu cái tốt của người, làm cho họ phải chịu mọi sự phỉ báng, thì
đó là tội ba la di của Bồ tát.
Tổn đức và giết chết chí tiến
thủ của người nhất chính là sự phỉ báng. Không có cái đức nào hơn
cái đức chịu nhục cho người, không có sự nâng đỡ nào hơn sự tán dương
ưu điểm của họ.
Số 8: Không Được Tiếc Lẫn Tài
Pháp
Phật tử nếu tự mình tiếc lẫn,
bảo người tiếc lẫn - tiếc lẫn với nguyên nhân, trợ duyên, phương pháp
và động tác của sự tiếc lẫn; nhưng Bồ tát thì bất cứ người nghèo
thiếu nào đến cầu xin, cũng phải tùy nhu cầu của họ mà cung cấp những
thứ mình có, vậy mà đảo ngược lại, vì tâm địa không tốt, tâm lý hờn
giận, nên đến nỗi một đồng tiền, một cây kim, một ngọn cỏ, cũng
không cho ai; có ai đến cầu xin Phật pháp, đã không nói cho họ được một
câu đủ nghĩa, một bài chỉnh cú, một chút bằng hạt bụi, lại còn nhục
mạ họ nữa, thì đó là tội ba la di của Bồ tát.
"Không được tiếc lẫn tài
pháp" là răn sự tiếc lẫn tài vật và tiếc lẫn Phật pháp mà còn
nhục mạ những người cầu xin. Làm mất giống Phật là do sự tiếc lẫn
Phật pháp, làm đứt thiện duyên đối với chúng sinh là do sự tiếc lẫn
tài vật. Một câu đủ nghĩa , chính văn là nhất cú, là 1 câu có nghĩa,
đủ nghĩa, như câu ai cũng có Phật tánh. Một bài chỉnh cú , chính văn là
nhất kệ, chỉ cho bất cứ 1 bài 4 câu nào trong thể loại chỉnh cú của
các kinh, lại chỉ cho bất cứ 4 câu 8 chữ (thành 32 chữ) nào liên tiếp với
nhau, thuộc mọi thể loại trong các kinh. Một chút như hạt bụi là nói
mà không đủ 1 câu hay 1 bài như trên, hoặc chỉ lộ 1 ý niệm hay phác 1 cử
chỉ tốt đẹp, ý nghĩa.
Số 9: Không Được Giận Dữ Không
Nguôi
Phật tử nếu tự mình giận dữ,
bảo người giận dữ - giận dữ với nguyên nhân, trợ duyên, phương pháp
và động tác của sự giận dữ; nhưng Bồ tát thì phải phát sinh cho người
mọi thứ thiện căn, nhất là đức tính hòa bình, thường phát sinh nơi mình
tâm từ bi và tâm hiếu thuận, vậy mà đảo ngược lại, đã không làm như
trên mà, đối với chúng sinh, thậm chí đối với phi chúng sinh, còn nhục
mạ bằng miệng tiếng độc dữ, da thêm sự đánh đập bằng tay chân và
khí cụ, lòng vẫn chưa nguôi, người ta cầu xin sám hối, tạ tội bằng
ngôn ngữ khả ái, cũng vẫn giận dữ không thôi, thì đó là tội ba la di
của Bồ tát.
"Không được giận dữ không
nguôi", rõ thì phải thêm không cho sám hối. Đức tính hòa bình ,
chính văn là vô tránh: không tranh cãi, đấu đá. Phi chúng sinh là cảnh vật,
là người và vật do biến hóa hay ảo thuật mà có, là các vị đã giải
thoát. Đánh đập bằng tay chân và khí cụ , dịch sát là đánh đập bằng
tay, bằng dao, gậy, nói tóm là sự hành hung.
Số 10: Không Được Phỉ Báng Tam Bảo
Phật tử nếu tự mình phỉ báng
Tam bảo, bảo người phỉ báng - phỉ báng với nguyên nhân, trợ duyên, phương
pháp và động tác của sự phỉ báng; nhưng Bồ tát nghe cái tiếng của những
kẻ ngoại đạo hay những người ác tâm buông một lời phỉ báng đến Phật
thì đã thấy như tim mình bị ba trăm mũi nhọn đâm vào, huống chi chính
miệng mình phỉ báng; đã không phát sinh sự tín ngưỡng và lòng hiếu thuận
cho mọi người mà còn đảo ngược lại, giúp thêm vào sự phỉ báng của
những kẻ ác tâm, những người tà kiến, thì đó là tội ba la di của Bồ
tát.
Phật tử mà phỉ báng Tam bảo là
hết lẽ rồi, nhất là sự phỉ báng bằng cách qui y Tam bảo rồi lại
theo phe phái hay thủ lãnh khác. Vậy mà việc này vẫn thấy xảy ra, không
những nơi tín đồ mà nơi tăng sĩ cũng có, và lỗi không phải chỉ ở đệ
tử, mà ở chính vị bổn sư thiếu kiến thức, thiếu giáo huấn, thiếu cả
gương mẫu.
Đoạn 3: Kết Thúc Về 10 Giới Nặng
Của Bồ Tát Giới Phạn Võng
Các nhân giả khéo học, như thế
đó là mười giới pháp nặng của Bồ tát, các nhân giả phải học. Trong
đó nhất nhất không được phạm vào bằng một hạt bụi, huống chi phạm
đủ cả mười giới pháp. Ai phạm thì người đó thân hiện tại không thể
phát bồ đề tâm, phẩm vị quốc vương và luân vương đã mất, lại mất
phẩm vị tỷ kheo tỷ kheo ni, mất các Bồ tát vị mười phát thú mười
trưởng dưỡng mười kim cang và mười địa, bao nhiêu thành quả vi diệu
và thường trú của Phật tánh cũng mất tất cả, sa vào ba đường dữ,
đến nỗi hai kiếp ba kiếp không nghe được cái tiếng Cha Mẹ hay danh hiệu
Phật Pháp Tăng. Vì lẽ ấy, nhất nhất không nên phạm. Bồ tát các người
đang học bây giờ, sẽ học về sau, đã học trong quá khứ, đối với mười
giới pháp nặng như vậy phải cung kính phụng trì, như Như lai sẽ nói rộng
rãi trong phẩm Tám vạn uy nghi.
Đây là kết thúc 10 giới nặng, tức
là kết thúc Bồ tát giới phần căn bản. Kinh Anh lạc nói, phạm 10 giới
này thì 10 trú, 10 hạnh, 10 hướng và 10 địa đều mất cả. Nên 10 giới
này là căn bản của hết thảy Phật đà, Bồ tát. Hết thảy Phật đà, Bồ
tát không do 10 giới này mà thu hoạch đạo quả hiền thánh là điều không
thể có được. Mười giới này ở sơ trú rồi lần lên 9 trú thì dần dần
rộng thêm ra, cho đến lần lên 10 hạnh, 10 hướng và 10 địa thì dần dần
rộng thêm ra nữa cho đến trên cả tầm nghĩ bàn (Chính 24/1012). Rộng
thêm ra là đẳng lưu ra, thành phần đẳng lưu của Bồ tát giới. Như vậy
phần ấy, ở đây, nói 48 giới nhẹ chỉ là rộng thêm ra ở địa vị phàm
phu mà thôi.
Chính văn nói mất phẩm vị quốc
vương luân vương và phẩm vị tỷ kheo tỷ kheo ni, là nói phạm 10 giới nặng
thì không còn tư cách để đảm nhận những nghĩa vụ cầm quyền hay làm
người xuất gia. Không nghe được cái tiếng Cha Mẹ hay danh hiệu Phật
Pháp Tăng: cái tiếng khêu gợi cảm tình cuối cùng là tiếng Cha hay tiếng
Mẹ, cái tiếng khêu gợi lòng hướng thiện nhất là các tiếng Phật Pháp
Tăng. Quả báo mà đến 2 hay 3 kiếp không được nghe các tiếng như vậy mới
nặng đến tột bực. Khổ nhiều chưa nặng; cái yếu tố khêu gợi cảm
tình tốt đẹp và lòng hướng thiện mà mất đi, đến nỗi những danh từ
cuối cùng của các tác dụng ấy cũng không còn được nghe đến, ấy mới
thật quá vô phước. Qui định "hiếu là giới", rồi nói quả báo
cực nặng của sự phạm giới là không được nghe đến các tiếng Cha mẹ,
lại đưa các tiếng ấy lên ngang danh hiệu Phật pháp tăng, điều này quả
thật là đặc thù của Bồ tát giới Phạn võng.
Đoạn 1: Mở Đầu Nói Về 48 Giới
Nhẹ Của Bồ Tát Giới Phạn Võng
Đức Thế tôn dạy các vị Bồ
tát, Như lai đã nói mười giới pháp nặng rồi, bốn mươi tám giới pháp
nhẹ bây giờ Như lai sẽ nói.
Đã nói 10 giới nặng là nói phần
căn bản của Bồ tát giới Phạn võng rồi, bây giờ nói 48 giới nhẹ là
nói phần đẳng lưu của phần căn bản ấy. Nói bằng cách chia ra 3 lần
10 và 2 lần 9, chỉ để dễ nhớ mà thôi.
Số 1: Không Được Bất Kính Thầy
Bạn
Phật tử nếu sắp nhận địa vị
quốc vương, địa vị luân vương, địa vị bách quan, thì trước đó phải
lãnh thọ Bồ tát giới. Những người như vậy sẽ được quỉ thần hộ
trì, được chư Phật hoan hỷ. Lãnh thọ Bồ tát giới rồi, phải sinh tâm
hiếu thuận và tâm tôn kính; khi thấy các vị thượng tọa, hòa thượng,
xà lê, các vị đại đức, thấy các người cùng một sở học, cùng một
kiến giải, cùng một sở hành, thì hãy đứng lên, đón tiếp, thi lễ, hỏi
han. Là Bồ tát mà đảo ngược lại, sinh tâm kiêu ngạo, tâm khinh lờn,
tâm ngoan cố, tâm giận dữ, không chịu đứng lên, đón tiếp, thi lễ, hỏi
han, mọi sự nhu cầu cũng không cung phụng đúng với chánh pháp; trong khi lẽ
đáng nên hy sinh cả bản thân, địa vị, con cái, của báu và tài vật
linh tinh mà hiến cúng các ngài. Nếu không làm như vậy thì phạm tội
khinh cấu.
Trước khi đảm nhận địa vị cầm
quyền mà phải thọ giới là vì địa vị cầm quyền dễ phạm tội ác.
Địa vị ấy càng cao thì tội ác càng dễ có và có nhiều, nên phải thọ
giới để răn mình cho xã hội và dân chúng khỏi tai họa. Trong những sự
răn mình ấy có sự lễ độ.
Trong khi lẽ đáng nên hy sinh cả bản
thân, địa vị, con cái, của báu và tài sản linh tinh mà hiến cúng các
ngài, câu này nên chú ý 3 điều. Một, câu này tôi chuyển văn mà dịch
cho rõ như vậy. Dịch sát là "tự bán thân thể, quốc thành, con trai,
con gái, 7 thứ quí báu, trăm vật, mà cung cấp các ngài". Hai, ý câu
này là nói lẽ đáng như vậy, chứ không phải sự việc phải đến như vậy.
Sau này, những cách nói như vậy, hay tương tự như vậy, thì cũng phải hiểu
như vậy. Ba, tự bán là hy sinh. Hy sinh bản thân là đem tư tưởng và sức
lực của mình mà hiến cúng. Hy sinh địa vị, chính văn là quốc thành,
là vương quốc và hoàng thành, nhưng ý chính là hy sinh địa vị vua chúa
quan quyền đối với quốc thành, chứ không phải hy sinh quốc thành. Ở đây
chỉ có nghĩa nếu phải hy sinh địa vị mới hiến cúng được thì cũng
không từ nan. Sự hy sinh con cái cũng chỉ có nghĩa như vậy. Nhưng sự hiến
cúng phải đúng chánh pháp. Một trong sự đúng chánh pháp ấy là chỉ hiến
cúng những thứ và những số lượng theo nhu cầu đúng chánh pháp.
Số 2: Không Được Uống Các Thứ
Rượu
Phật tử nếu cố ý uống rượu,
mà rượu thì dẫn ra vô số lầm lỗi; tự tay mình trao rượu cho người
khác uống mà năm trăm đời kiếp cánh tay không có, huống chi chính mình tự
uống. Cũng không được chỉ bảo cho mọi người uống rượu hay luyện tập
cho các sinh vật khác uống, huống chi chính mình uống lấy. Nên bất cứ rượu
gì cũng không được uống. Nếu cố ý tự uống hay bảo người khác uống
thì phạm tội khinh cấu.
Đưa rượu cho người khác uống,
quá hơn nữa, chỉ cách cho người khác uống, luyện tập cho sinh vật uống,
thì tội còn nặng hơn chính mình tự uống lấy.
Số 3: Không Được Ăn Các Thứ Thịt
Phật tử nếu cố ý ăn thịt,
nhưng thịt nào cũng không được ăn. Ăn thịt thì hỏng mất hạt giống
Phật tánh vốn rất từ bi, mọi loài sinh vật thấy thì bỏ chạy. Vì lý
do ấy, tất cả Bồ tát không được ăn dùng bất cứ thứ thịt gì của
sinh vật nào. Ăn thịt thì tội lỗi vô lượng. Nếu cố ý ăn thì phạm tội
khinh cấu.
Không được ăn thịt là vì ăn thịt
thì mất giống Phật tánh từ bi và chúng sinh kinh sợ, ác cảm. Tất cả Bồ
tát không được ăn dùng bất cứ thịt gì của sinh vật nào thì không
còn phân biệt tại gia xuất gia, không còn nói đến không thấy không nghe
không nghi.
Số 4: Không Được Ăn Đồ Cay Nồng
Phật tử thì không được ăn năm
loại cay nồng là tỏi, kiệu, hành, nén, hẹ. Năm loại ấy, trong bất cứ
thức ăn nào cũng không được ăn. Nếu cố ý ăn thì phạm tội khinh cấu.
Đồ cay nồng là 5 thứ thường gọi
là ngũ vị tân. Ăn 5 thứ này thì tụng kinh trì chú không linh nghiệm mà
còn tai họa. Nhưng 5 thứ này có lắm giải thích, và rốt cuộc có người
cho là tế toái, không đáng bàn kyծ Giải thích thì có 2 ý kiến đáng ghi.
Một, trong 5 thứ, thứ hưng cừ ở Tàu không có, còn 4 thứ kia là tỏi,
hành, hẹ, nén. Hai, 5 thứ là tỏi, kiệu, hành, nén và hẹ. Xét cách dùng
chữ của ngài La thập thì ngoài thứ đầu là đại toán (tỏi) và thứ cuối
là hưng cừ (?), 3 thứ giữa toàn là thông: các thông, từ thông, lan thông.
Thông là hành, và như vậy thì tất cả loại hành, và cùng loại với
hành, đều cấm dùng. Hưng cừ có hay không có ở Tàu, không quan trọng,
quan trọng là trong 5 thứ tất phải có kiệu như giải thích thứ hai đã kể.
Kiệu không những cay nồng, mà còn tệ là sinh đàm chứ không có giá trị
dược liệu. Dịch tỏi, kiệu, hành, nén và hẹ, là theo ý kiến Vạn
59/207B.
Số 5: Không Được Không Khuyên
Sám Hối
Phật tử nếu thấy ai phạm tám giới,
năm giới, mười giới, các giới khác, bảy tội nghịch, và những tôểi
ác bị tám tai nạn, thấy tất cả tội phạm giới như vậy đều phải
khuyên và chỉ cho họ cách thức sám hối. Là Bồ tát mà không khuyên và
chỉ cho họ cách thức sám hối, lại cùng họ cư trú, cùng họ nhận đồ
hiến cúng, cùng họ bố tát và đồng chúng thuyết giới mà không cử tội
để khuyên và chỉ cách cho họ sám hối, thì phạm tội khinh cấu.
Sám hối, nguyên nghĩa là xin sự chịu
đựng, sự tha thứ ở người mình phạm lỗi, diễn thành nghĩa tự ghét
việc mình làm, nghĩa ăn năn chừa bỏ. Sám hối có cách thức mà luật đã
ấn định. Nếu thấy ai phạm giới, đã không khuyên và chỉ cách sám hối,
lại còn ở chung, hưởng chung đồ hiến cúng, chung nhau bố tát mà không cử
tội, thì đó là nguyên nhân làm bại hoại Tam bảo. Nhưng cử tội phải
đúng luật, nếu không thì phạm giới nặng thứ 6.
Số 6: Không Được Không Cầu
Chánh Pháp
Phật tử nếu thấy các vị pháp sư
đại thừa, các vị cùng học cùng hiểu và cùng làm về đại thừa, đến
tăng phường, đến nhà cửa, thành thị, thôn ấp của mình, và dẫu ở xa
cách trăm dặm ngàn dặm mà đến đi nữa, cũng tức thì đứng lên, đón rước,
tiễn đưa, kính lạy, hiến cúng. Mỗi ngày hiến cúng ba lần, và giả sử
tốn đến vài ba lạng vàng đi nữa, hết thảy đồ uống đồ ăn, đồ nằm,
đồ ngồi, đồ mặc, thầy thuốc, thuốc, đều cung đốn cho vị pháp sư.
Mọi sự nhu cầu của vị ấy cung phụng đủ cả. Mỗi ngày ba lần, phải
thường thỉnh cầu vị pháp sư thuyết pháp cho. Mỗi ngày kính lạy ba lần
mà vẫn không nỗi dậy trong lòng sự giận dữ, phiền bực. Vì pháp mà mất
mạng đi nữa cũng vẫn cầu pháp không chán. Nếu không như vậy thì phạm
tội khinh cấu.
"Không được không cầu chánh
pháp", có người thêm không cúng pháp sư, nhưng xét cốt ý và kết
thúc thì thấy giới này cốt răn sự không thỉnh cầu chánh pháp. Trong
chính văn nói sự hiến cúng vị pháp sư, chỉ là nói giả sử, không phải
nói thật sự hay nói bắt buộc. Tinh thần giới này là "vì pháp mà mất
mạng" cũng không từ, huống chi từ chối vì mệt nhọc và hao tốn.
Tinh thần như vậy là tinh tiến mà cầu pháp. Nhưng đó là nói người hiến
cúng và cầu pháp, còn vị pháp sư thì thế nào ? Pháp sư ở đây là pháp
sư đại thừa. Pháp sư đại thừa ở đây, xét ra, là chỉ cho vị có thể
làm 2 nhiệm vụ hòa thượng và giáo thọ trong việc truyền thọ Bồ tát
giới. Vị pháp sư đại thừa này phải có tư cách đúng với Bồ tát giới,
nhất là các giới 15, 16, 17, 18, 23, 30, 40 và 41 sau đây, liên quan đến tư
cách ấy. Nói tối thiểu, vị pháp sư đại thừa cũng phải biết tinh tiến
chỉ dạy chánh pháp và biết thiểu dục tri túc. Nhác, xa hoa, hoặc làm
khó trong việc chỉ dạy chánh pháp, thì không còn là pháp sư, huống chi là
pháp sư đại thừa, pháp sư đáng hiến cúng.
Tăng phường: khu vức cư trú của
chư Tăng, nói hẹp lại thì Tăng phường là Tăng xá, tự viện.
Số 7: Không Được Không Đi Nghe Pháp
Phật tử thì bất cứ chỗ nào có
diễn giảng kinh luật nói về giới pháp, chỗ ấy dầu là nhà to cửa lớn
mà có đặt chỗ diễn giảng, các vị Bồ tát mới học cũng phải đem
kinh luật đến mà lắng nghe, tiếp nhận và thưa hỏi nơi vị pháp sư.
Trong núi rừng, dưới đại thọ, nơi tăng địa, trong tăng phường, bất cứ
chỗ nào có giảng thuyết giới pháp thì càng đến để lắng nghe, tiếp
nhận. Nếu không đến thì phạm tội khinh cấu.
Nhà to cửa lớn là nhà cửa giàu
sang của thế gian. Kinh luật nói về giới pháp, chính yếu là Bồ tát giới
Phạn võng. Không có chỗ nào diễn giảng giới pháp đại thừa thì phải
vận động tổ chức cho có, huống chi có chỗ như vậy mà không đến để
nghe, học.
Câu "kinh luật nói về giới
pháp" có bản chép hơi khác, theo đó thì phải dịch kinh luật nói về
giáo pháp và giới luật. Câu "chỗ nào giảng thuyết giới pháp" cũng
phải dịch theo, rằng chỗ nào giảng thuyết giáo pháp và giới luật. Nhưng
tôi chọn cách chép như đã dịch, vì rõ ràng ở đây kinh luật là kinh mà
nội dung nói về luật.
Số 8: Không Được Phản Đại Thừa
Giới
Phật tử nếu tư tưởng phản bội
kinh luật thường trú của đại thừa, cho rằng kinh luật ấy không do Như
lai tuyên thuyết, và đảo ngược lại, thọ trì những kinh luật của nhị
thừa thanh văn và ngoại đạo ác kiến mà nội dung gồm có giới pháp và
lý thuyết phủ nhận Phật tánh, thì phạm tội khinh cấu.
Kinh luật thường trú của đại thừa
là Bồ tát giới Phạn võng mà bản nguyên là Phật tánh thường trú, nên
gọi là kinh luật thường trú. Nhị thừa thanh văn, ở đây thanh văn là cỗ
xe cấp hai, thứ yếu, nên gọi là nhị thừa thanh văn, chứ không phải như
ở chỗ khác nhị thừa là Duyên giác và Thanh văn.
Không phản bội giới pháp đại thừa
bằng cách thọ trì cấm giới và sách vở của ngoại đạo thì điều ấy
khỏi phải nói đến. Điều phải nói đến là giới này bảo thọ trì cấm
giới của thanh văn cũng là phản bội đại thừa giới. Cách nói này phải
quyết trạch. Giới pháp thanh văn là Tỷ kheo giới. Giới pháp ấy là bản
thể của Tăng bảo. Như vậy không thọ Tỷ kheo giới thì quyết định không
phải là Tăng. Nhưng thọ Tỷ kheo giới mà cố chấp giới ấy mới là Phật
chế và bài xích Bồ tát giới thì đó là điều mà giới thứ 8 này gọi
là phản bội và cấm chỉ. Trái lại, thọ Tỷ kheo giới và thọ Bồ tát
giới để thành Tỷ kheo bồ tát tăng, thì đó là điển hình mà Bồ tát
giới Phạn võng cố tạo ra. Và đó là nói hàng xuất gia. Hàng tại gia mà
thọ Bồ tát giới thì đối với tam qui ngũ giới cũng phải hiểu như vậy.
Không thọ tam qui ngũ giới thì nhất định không phải Phật tử tại gia.
Không có cái vụ thọ Bồ tát giới mà không thọ tam qui ngũ giới. Thọ
tam qui ngũ giới mà thọ Bồ tát giới thì đó là Tại gia bồ tát mà Bồ
tát giới Phạn võng cố tác thành.
Số 9: Không Được Không Giúp Bịnh
Tật
Phật tử nếu thấy bất cứ người
bịnh tật nào cũng phải giúp đỡ thường xuyên y như phụng sự Phật đà.
Bởi lẽ trong tám đám ruộng sinh trưởng phước đức, sự chăm sóc bịnh
tật là đám ruộng tốt nhất. Nếu cha mẹ, đại sư, chư tăng, hay đệ tử
bị bịnh tật, bị thiếu các bộ phận nơi cơ thể, bị hàng trăm thứ bịnh
dày vò, thì mình phải chăm nuôi cho lành mạnh. Là Bồ tát mà vì tâm lý
tàn nhẫn, tâm lý giận ghét, nên không chăm sóc bịnh tật cho người, đến
nỗi nơi tăng phường, nơi thành thị, thôn ấp, nơi hoang dã, núi rừng, nơi
đường sá, thấy bịnh nhân cũng không cứu giúp thì phạm tội khinh cấu.
Nỗi khổ con người không chi phiền
hơn bịnh tật, nên sự chăm sóc bịnh tật được giới này đưa lên ngang
với sự phụng sự Phật. Thấy bịnh mà bỏ đi, nhất là đối với những
người mình có bổn phận mà bịnh tật không chăm sóc cho lành mạnh, thì
tâm địa tàn nhẫn đó còn chi gọi là người, huống chi gọi là người
thọ Bồ tát giới.
Số 10: Không Được Tàng Trữ Khí
Cụ
Phật tử thì không được tàng trữ
dao, gậy, cung, tên, giáo, búa, và những khí giới chiến đấu khác. Bao
nhiêu dụng cụ để bẫy lưới săn bắt, sát hại sinh vật, cũng không
được tàng trữ. Là Bồ tát thì đến nỗi kẻ giết cha mẹ mình, mình cũng
không giết lại để báo thù, huống chi đối với người khác và vật
khác. Nên không được tàng trữ khí giới và dụng cụ tàn sát. Nếu cố
ý tàng trữ thì phạm tội khinh cấu.
Chữ tàng trữ, ngoài sự sắm cất
còn có sự buôn bán. Tàng trữ khí giới chiến tranh và dụng cụ tàn sát,
thì không những phạm tội sát sinh mà còn chính mình làm cho kẻ khác phạm
vào tội ác này.
Sự trả thù không có giá trị đình
chỉ tội ác. Nên phải thay vì sự trả thù bằng sự cảm hóa. Đó là giải
thích vì sao không giết lại kẻ đã giết cha mẹ mình; chứ không phải
không giết lại kẻ ấy là vì vô tình đối với cha mẹ.
Mười giới pháp nhẹ như vậy các
người phải học, phải cung kính phụng trì, như trong sáu phẩm sau Như lai
sẽ nói rõ.
Kết thúc 10 giới nhẹ thứ nhất.
Sáu phẩm sau, có bản chép khác, theo đó thì phải dịch phẩm Sáu ba la mật
sau đây.
-oOo-
Chân thành cảm ơn quý cư sĩ Nguyễn Văn Củng, Đoàn Viết
Hiệp và Nguyễn Anh Tuấn đã phát tâm chuyển tác phẩm này từ dạng Help
File, VPS font sang dạng Word, VNI font. Thích Nhật Từ 29-4-2000
| Giới
thiệu | I & II | IIIa | IIIb
| IIIc | IIId | IIIe | IV
| Phu lục |