Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Nghi Thức Cầu Siêu
Thích Nhật Từ tuyển chọn và biên tập 1994

3


KINH THẾ GIỚI CỰC LẠC

Đây là những điều tôi đã được nghe Phật nói vào một thời người còn cư trú ở trong vườn cây của thái tử Kỳ Đà. Hồi đó cùng ở bên Phật có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ kheo, trong đó có những vị a la hán đệ tử lớn của Phật mà ai cũng biết đến như các thầy Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Ca-diếp, Ca-chiên-diên, Câu-hy-la, Ly-bà-đa, Châu-lợi-bàn-đà-giàNan-đà, A-nan-đà, La-hầu-la, Kiều-phạm-ba-đề, Tân-đầu-lô Phả-la-đoạ, Ca-lư-đà-di, Kiếp-tân-na, Bạt-câu-la và A-nậu-lâu-đà. Lại cũng có mặt các vị Bồ tát đại nhân như Văn Thù, A-dật-đa, Càn-đà-ha-đề, Thường Tinh Tấn, và rất nhiều các vị bồ tát lớn như thế, cùng với chư thiên như Thích Đề Hoàn Nhơn, nhiều đến vô lượng, đều cùng có mặt.

Lúc bấy giờ Phật gọi thầy Xá-lợi-phất và bảo: Từ đây đi qua phương tây, cách khoảng mười vạn ức cõi Phật, có một thế giới gọi là cực lạc, trong cõi ấy có một vị Phật tên là A-di-đà, hiện đang thuyết pháp. O

Này Xá-lợi-phất, đất nước ấy vì sao tên là cực lạc ? Bởi vì dân chúng trong nước ấy không biết khổ là gì, chỉ hưởng thụ mọi thứ an lạc, cho nên cõi ấy được gọi là cực lạc.

Này nữa, Xá-lợi-phất, ở nước cực lạc, có bảy lớp lan can, bảy lớp lưới giăng, bảy hàng cây, tất cả đều được làm bằng bốn thứ châu bảo, bao quanh giáp vòng, vì vậy cõi ấy được gọi là cực lạc.

Này nữa, Xá-lợi-phất, ở nước cực lạc có rất nhiều hồ thất bảo chứa đầy thứ nước có tám công đức, dưới đáy hồ toàn là cát vàng; bốn bên hồ có những lối đi làm bằng vàng, bạc, lưu ly và pha lê; phía trên các con đường ấy lại có vô số lâu đài, cũng được xây dựng và trang trí bằng các chất liệu vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu và mã não. Sen trong các hồ lớn như những chiếc bánh xe, sen xanh chiếu hào quang xanh, sen vàng chiếu hào quang vàng, sen đỏ chiếu hào quang đỏ, sen trắng chiếu hào quang trắng, hương sen toả ra vi diệu và tinh khiết.

Xá-lợi-phất! nước cực lạc được tô điểm bằng những cái đẹp như thế.

Này nữa, Xá-lợi-phất, ở nước Phật ấy, người ta thường được nghe nhạc từ hư không vọng xuống. Đất được làm bằng vàng ròng. Mỗi ngày sáu lần có mưa hoa mạn đà la rơi xuống. Dân chúng nước ấy có thói quen buổi sáng lấy lẳng hứng đầy các bông hoa mầu nhiệm ấy để đem đi cúng dường các vị Phật đang cư trú ở vô số các cõi Phật khác. Đến giờ cơm trưa, mọi người đều về kịp nước mình để ăn cơm rồi đi kinh hành. Xá-lợi-phất, nước cực lạc đẹp tuyệt vời như thế đấy.

Này nữa, Xá-lợi-phất, ở nước cực lạc kia, thường có nhiều loại chim đủ màu rất kỳ diệu như hạt trắng, khổng tước, anh vũ, xá lợi, ca lăng tần già và cọng mạng... Những con chim ấy, sáu buổi mỗi ngày thường hót lên những thanh âm hoà nhã: trong giọng hót của chúng, người ta nghe được tiếng diễn xướng các pháp môn ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát chánh đạo phần... Dân chúng trong nước nghe được những pháp âm như thế đều nhiếp tâm trở về thực tập niệm Phật, niệm Pháp và niệm Tăng. O

Xá-lợi-phất, thầy đừng tưởng rằng các loài chim ấy đã được sanh ra trên căn bản nghiệp báo. Tại sao? tại vì ở nước Phật kia không có ba nẻo đường đen tối là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Xá-lợi-phất, ở nước ấy danh từ ác đạo mà còn không có, huống hồ là sự thực về ác đạo. Những con chim kia đã được Phật A-di-đà biến hoá ra với mục đích là làm cho pháp âm được tuyên lưu rộng rãi trong xứ của ngài.

Xá-lợi-phất, ở nước Phật ấy, mỗi khi có gió nhẹ xao động các hàng cây và các màn lưới châu báu thì người ta được nghe những âm thanh vi diệu, giống như là có trăm ngàn nhạc khí cùng được tấu lên một lần. Người dân nước ấy mỗi khi nghe các âm thanh kia thì đều nhiếp tâm niệm Phật, niệm Pháp và niệm Tăng.

Xá-lợi-phất, thầy nghĩ sao, Đức Phật kia tại sao có tên là A-di-đà? Xá-lợi-phất, tại vì đức Phật ấy là ánh sáng vô lượng có thể chiếu soi được tất cả các cõi nước trong mười phương mà ánh sáng ấy không hề bị ngăn cách. Vì vậy nên ngài được gọi là A-di-đà.

Hơn nữa, Xá-lợi-phất, thọ mạng của đức Phật ấy cũng như của dân chúng trong nước ngài là thọ mạng vô lượng kéo dài tới vô lượng vô biên kiếp a tăng kỳ, vì vậy cho nên danh hiệu của ngài là A-di-đà.

Xá-lợi-phất, từ khi Phật A-di-đà thành đạo đến nay tính ra là đã mười kiếp. Này nữa, Xá-lợi-phất, số đệ tử thanh văn đã đắc quả a la hán của đức Phật ấy nhiều vô lượng, không thể đếm được bằng toán học, số đệ tử Bồ tát của ngài cũng đông đảo như thế.

Này Xá-lợi-phất, nước Phật kia đã được xây dựng bằng những công đức đẹp đẽ như thế.

Này nữa Xá-lợi-phất, tất cả những ai sinh về nước cực lạc đều có tư cách bất thối chuyển, trong số ấy có nhiều vị đã là bồ tát nhứt sanh bổ xứ. Số lượng của các vị này đông đảo vô cùng, không thể dùng toán học mà kiểm đếm được, ta chỉ có thể dùng danh từ vô số a tăng kỳ để diễn tả mà thôi. O

Xá LợiPhất, chúng sinh mọi nơi khi nghe nói tới nước cực lạc đều nên phát nguyện sanh về nước ấy. Tại sao ? Tại vì sanh về nước ấy thì sẽ được sống chung và gần gũi với rất nhiều các bậc thiện nhân cao đức.

Xá-lợi-phất, những kẻ thiếu phúc đức và căn lành thì ít hy vọng được sanh về cõi ấy. Vì vậy, Xá-lợi-phất, thiện nam tín nữ nào muốn sinh về cõi ấy thì khi nghe đến danh hiệu Phật A-di-đà phải nắm lấy danh hiệu ấy mà hết lòng thực tập quán niệm theo phương pháp nhất tâm bất loạn, hoặc trong vòng một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày hay bảy ngày. Người ấy, đến khi lâm chung, sẽ được thấy Phật A-di-đà và các vị thánh chúng nước ấy hiện ra trước mặt. Trong giờ phút ấy, tâm ý người kia sẽ an trú trong định, không hề điên đảo và tán loạn, do đó người ấy được vãng sanh ngay về nước cực lạc.

Xá-lợi-phất, vì thấy được cái lợi ích lớn lao này cho nên tôi muốn nói với quý vị rằng những ai đang nghe tôi nói đây hãy nên phát nguyện sanh về nước ấy.

Xá-lợi-phất, nếu trong giờ phút hiện tại tôi đang ca ngợi những lợi ích và công đức không thể nghĩ bàn của Phật A-di-đà thì tại phương đông, phương nam, phương tây, phương bắc, phương thượng và phương hạ, các vị Phật đông như số cát sông hằng, vị nào cũng đang ngồi tại quốc độ của mình, biểu lộ tướng lưỡi rộng dài của các vị bao trùm cả thế giới tam thiên đại thiên và thốt lên lời tuyên bố thành thật của mình:

Này toàn thể chúng sinh các cõi, quý vị hãy nên tin vào kinh này, kinh mà tất cả các Phật trong vũ trụ đều đem hết lòng xưng tán và hộ niệm.

Xá-lợi-phất, thầy nghĩ sao? tại sao gọi kinh này là kinh mà tất cả các Phật đều đem hết lòng xưng tán và hộ niệm? O

Sở dĩ như thế, là vì những thiện nam, tín nữ nào nghe được kinh này và nghe được danh hiệu Phật A-di-đà hết lòng hành trì và thực tập theo phép niệm Phật thì những vị ấy sẽ được tất cả các vị Phật hộ niệm, và tất cả sẽ đạt tới quả vị giác ngộ cao tột, không còn bị thối chuyển. Vì vậy cho nên quý vị hãy tin vào lời tôi đang nói, và cũng là lời chư Phật đang nói.

Xá-lợi-phất, nếu có người đã, đang, hay sẽ phát nguyện sinh về nước Phật A-di-đà thì người ấy ngay trong giờ phát nguyện đã đạt được quả vị giác ngộ cao tột không thối chuyển và đã có mặt tại cõi nước ấy rồi, không kể đến sự kiện là người ấy đã sinh, đang sinh, hay sẽ sinh về đó. Xá-lợi-phất, trong khi tôi đang ca ngợi công đức không thể nghĩ bàn của chư phật, thì chư phật cũng đang xưng tán công đức không thể nghĩ bàn của tôi, và nói: Phật Thích-ca-mâu-ni thật là hiếm có. Ngay trong cõi ta bà đầy dẫy năm yếu tố ô nhiễm là kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược và mạng trược mà ngài có thể chứng đắc được quả vị giác ngộ vô thượng và còn tuyên thuyết được cho chúng sanh những pháp môn mà bất kỳ ở đâu, mới nghe qua người ta cũng rất khó mà phát sinh niềm tin.

Xá-lợi-phất, thầy nên hiểu cho rằng cư trú trong thế giới đầy năm loại ô nhiễm này mà đạt tới được quả vị giác ngộ vô thượng và còn diễn giải được cho mọi giới những pháp môn rất khó tin như pháp môn này, đó là một việc làm quả là cực kỳ khó khăn. O

Nghe phật nói kinh này, thầy Xá-lợi-phất, tất cả các vị tỳ kheo, và mọi giới thiên, nhân, a-tu-la, v.v… ai cũng phát lòng tin tưởng, tiếp nhận, làm lễ phật và lui về trú sở của mình. OOO


| Mục lục | Phần vào khóa le1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | Phần hồi hướng |

 


Cập nhật: 3-5-2000

Trở về thư mục "Nghi thức và Nghi lễ Phật giáo"

Đầu trang