Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Ý nghĩa của Nghi thức cầu siêu
Thích Nhật Từ

I. Giới thiệu tổng quát

Nghi thức cầu siêu được chúng tôi biên soạn vào năm 1994 và được chùa Giác Ngộ ấn tống lần đầu vào cuối năm 1998. Nghi thức này là một tuyển tập 6 bài kinh quen thuộc trong hai truyền thống Phật giáo nguyên thủy và đại thừa. Kinh thứ nhất, Kinh thế giới cực lạc, là kinh duy nhất của truyền thống đại thừa, trong khi năm bài kinh còn lại thuộc truyền thống Phật giáo nguyên thủy.

Mục đích chính của nghi thức này là nhằm giới thiệu phương pháp niệm Phật nhất tâm bất loạn như là điều kiện tiên quyết để được tái sanh về thế giới cực lạc, và đồng thời giới thiệu các phương pháp quán niệm về bản chất quy luật "sanh-lão-bệnh-tử" của con người. Hai phương pháp tu tập này được xem như là bổ xung cho nhau trong việc đáp ứng cho các căn cơ tu tập khác nhau, trong bối cảnh một nước Việt Nam với hai truyền thống Phật giáo Bắc tông và Nam tông. Tùy theo căn cơ và sở thích mà quý độc giả có thể chọn cho thân quyến quá cố của mình những bài kinh thích hợp. Có như vậy thì sự tụng niệm trong các dịp tang lễ mới thật sự có lợi ích.

II. Cấu trúc và ứng dụng của Nghi thức cầu siêu

Cũng như nghi thức cầu an, nghi thức cầu siêu gồm 3 phần: phần vào khóa lễ, phần chánh kinh và phần hồi hướng. Phần vào khóa lễ hoàn toàn giống với nghi thức cầu an, bao gồm các tiết mục: Nguyện Hương, Tán Thán Phật và Quán Tưởng, Đảnh Lễ, Tán Hương Cúng Phật, Phát Nguyện Trì Kinh và Tán Dương Giáo Pháp. Phần hồi hướng gồm có 7 tiết mục bắt đầu bằng bài Bát-nhã Tâm Kinh, Niệm Phật, Sám-hối và Qui Y Hương Linh, Sám Nguyện, Hồi Hướng, Phục Nguyện và Tôn Kính Đảnh Lễ Ba ngôi Báu. Phần chánh kinh gồm có 6 bài kinh, đó là, Kinh Thế Giới Cực Lạc, Kinh Quy Luật Cái Chết, Kinh Nhổ Mũi Tên Sầu Muộn, Kinh Vô Thường, Khổ Não, Vô NgaKinh Cúng Thí Người MấtKinh Nghiệp Báo Tái Sanh.

Về phương diện ứng dụng, khóa lễ kinh cầu siêu chủ yếu tụng vào các dịp lễ tang, cúng thất, cúng giổ, cúng cô hồn, cúng cầu siêu cho hương linh chết oan, chết tự vẫn, chết bất đắc kỳ tử… mà chưa thác sanh được do nghiệp chướng và thiếu sự gia trì của ba Ngôi Báu. Kinh cầu siêu, cũng như kinh cầu an, ngoài nghi thức dẫn nhập và phần sám nguyện và hồi hướng, gồm có sáu Kinh khác nhau nhằm đáp ứng cho các căn cơ đối tượng khác nhau. Tùy theo đối tượng hương linh và tang quyến mà ta nên chọn Kinh nào tụng cho thích hợp với từng khóa lễ.

Ví dụ, đối với hương linh đã từng quy y Tam Bảo, chuyên niệm Phật cầu vãng sanh thế giới Cực Lạc của Phật A-di-đà thì ta nên tụng Kinh Thế Giới Cực Lạc.

Đối với hương linh và tang quyến chưa quy y Tam Bảo, chưa thấu rõ ba quy luật của mọi sự vật hiện tượng là vô thường, khổ não và vô ngã hay quá bi lụy đau thương về sự sinh ly tử biệt mà trở nên bi quan yếm thế thì ta nên tụng các kinh như Kinh Qui Luật Cái Chết, Kinh Nhổ Lên Mũi Tên Sầu Muộn hay Kinh Vô Thường-Khổ Não-Vô Nga

Đối với hương linh và tang quyến chưa tường tận về giáo lý nghiệp báo và tái sanh của đạo Phật thì ta nên tụng Kinh Cúng Thí Người Mất và Kinh Nghiệp Báo Tái Sanh.

Việc tụng kinh phù hợp với căn cơ của hương linh và tang quyến sẽ giúp cho kẻ còn lẫn người mất được nhiều lợi lạc. Tuy nhiên, chúng ta nên linh động trong việc chọn kinh nào thật sự thích hợp để tụng, không nhất thiết phải y theo hoàn toàn hướng dẫn có tính cách đề nghị trên đây. Do đó, chúng ta có thể luân phiên tụng một trong sáu Kinh để giúp cho hương linh và tang quyến biết rõ được toàn bộ lời dạy của Phật về quy luật vô thường, sanh tử và tái sanh. Được như vậy thì lợi lạc sẽ nhiều hơn.

III. Nội dung của các kinh trong Nghi thức cầu siêu

1. Kinh thế giới cực lạc

Bản kinh này do thiền sư Nhất Hạnh dịch và ấn hành trong nghi thức tụng niệm của Làng Mai. Tựa đề của bản dịch ghi là Kinh A-di-đà. Chúng tôi đã sửa lại tên kinh phù hợp với nội dung và chủ đề của kinh.

Như tên gọi của nó, kinh này giới thiệu về cảnh giới cực lạc của đức Phật A-di-đà. Đây là thế giới vắng bóng hoàn toàn mọi khổ đau; một thế giới thanh tịnh, an lạc và lý tưởng. Sinh hoạt căn bản của chúng sanh trong thế giới này là thiền định. Các loài chim và âm thanh gió, cây cũng đều là các phương tiện tuyên dương pháp âm của đức Phật để hóa độ chúng sanh trở về con đường chánh pháp. Ánh sáng trí tuệ của Phật A-di-đà cũng như thọ mạng của ngài là vô lượng không thể tính đếm. Các chúng sanh trong cõi này đều là những bậc không còn thối chuyển về đạo đức và trí tuệ.

Để được tái sanh về thế giới này, đức Phật dạy hành giả phải tu tập thiền niệm Phật "nhất tâm bất loạn." Với phương pháp trì danh niệm Phật, an trú vào trong định, tâm xa lìa mọi điên đảo vọng tưởng, hành giả sẽ được tái sanh về thế giới cực lạc, khi nhắm mắt lìa đời. Điểm cần chú ý trong kinh này là pháp môn niệm Phật "nhất tâm bất loạn" là một pháp thiền định. Khi tâm an trú vào trong định, sự niệm Phật đã trở thành niệm tâm và niệm thiền. Với hành trang này, người ta sẽ có thể tái sanh về thế giới của Phật A-di-đà theo tâm nguyện.

2. Kinh quy luật cái chết

Kinh này do tỳ-kheo Thích Tâm Tịnh tóm lược từ kinh Tăng Chi II, 60-63, bản dịch của HT Thích Minh Châu, năm 1988. Bài kinh này kể lại câu chuyện thương tâm về sự qua đời đột ngột của hoàng hậu Ma-li-kha, vợ của vua Ba-tư-nặc (Pasenadi) trong khi vua đang nghe đức Phật thuyết pháp. Trước hung tin đó, đức vua bất giác sửng sờ, mất hết thần sắc. Đức Phật liền dạy rằng có 4 sự kiện như một quy luật không từ một ai, đó là, già, bệnh, chết và hoại diệt. Ngoài ra, đức Phật còn dạy cách khắc phục cơn đau sanh ly tử biệt này với một nhận thức như sau:

"Không phải chỉ riêng ta lâm vào cảnh âm dương chia cách này, phàm các loài hữu tình có đến phải có đi, có sanh tất có diệt, có hợp phải có tan. Quy luật này không loại trừ một ai."

Bài kinh này như một tuyên ngôn về quy luật sống chết là lẽ thường. Người Phật tử khi đứng trước cảnh đau thương đó phải biết phát khởi chánh tín, không nên khóc lóc, than thở, mà trái lại nên bình tỉnh, niệm Phật trợ tiến hương linh, giúp hương linh vãng sanh một cách nhẹ nhàng và không còn vướng bận.

3. Kinh nhổ mũi tên sầu muộn

Bài kinh này do cư sĩ Phan Khắc Nhượng chuyển thơ từ kinh Tăng Chi II, 63- 68, bản dịch của HT Thích Minh Châu, năm 1988. Duyên khởi của kinh này cũng gần giống với kinh quy luật cái chết. Khi hay tin hoàng hậu Bha-đa thăng hà, đức vua Mun-đa sửng sốt, bỏ bê việc triều chính, đau khổ tột cùng. Vua tẫn liệm hoàng hậu bằng loại quan tài đặc biệt, được bao bọc bằng nhiều lớp, những mong giữ thi thể của hoàng hậu được lâu. Nhờ có đại thần Pi-ja-ka hướng dẫn, đức Vua đã đến gặp tôn giả Nan-đa để cầu mong ngài cứu giúp. Tôn giả đã từ tốn giảng dạy về quy luật của cái chết, và khuyên đức vua:

"An lòng gác chuyện sầu bi,
tử sinh sinh tử có chi bận lòng!"

Với pháp thoại gần gủi nhưng sâu xa, đức vua đã giác ngộ được quy luật vô thường sanh tử, trở nên trầm tỉnh và an lạc. Sau thời pháp thoại, đức vua từ giã tôn giả ra về, làm lễ hỏa táng hoàng hậu và bắt đầu mọi việc triều chính trở lại.

Câu chuyện này cho chúng ta thấy con người thường chỉ đau thương trước sự tử biệt của người thân mình trong khi dửng dưng trước hàng trăm triệu ngàn cảnh âm dương cách biệt của người khác. Bài kinh nhắn nhủ chúng ta nên bình tỉnh trước cơn sống chết, lo tang lễ một cách giản đơn nhưng chu đáo, đúng với tinh thần chánh pháp, để cho người qua đời và người còn sống đều được lợi lạc.

4. Kinh vô thường, khổ não và vô ngã

Kinh này do cố HT Hộ Tông dịch, ấn hành trong kinh Nhật Tụng, hệ Nam Tông, (Thành hội Phật giáo HCM xuất bản năm 1990), trang 55-78. Bài kinh được chuyển ngữ theo thể thơ song thất lục bát, rất tài tình và độc đáo.

Nội dung kinh nhằm phân tích về thuộc tính của mọi sự vật hiện tượng trên đời là không thường còn, không có thực thể và dẫn đến đau khổ. Nguyên lý vô thường của mọi sự vật được ghi nhận trên chiều thời gian, trong khi nguyên lý vô ngã được đánh dấu về mặt không gian của sự vật. Nói cách khác thuộc tính đôi này không tách rời nhau: mọi sự vật hiện tượng không phải là ngã, không có thực thể và do đó trở nên vô thường, mong manh, giả tạm, có đó rồi mất đó. Hiện tượng sanh diệt, chóng vánh này thường dẫn đến cảm giác đau khổ ở con người.

Thông qua ba nguyên lý này, bài kinh dạy chúng ta nên sống an trú trong từng phút giây hiện tại, không để cho các kinh nghiệm đau khổ hay hạnh phúc của quá khứ lôi kéo và chi phối, cũng như không hướng vọng về tương lai chưa đến. Lối sống an trú trong hiện tại một mặt giúp chúng ta xã bỏ được tất cả thế giới kinh nghiệm, mặt khác giúp chúng ta sống an nhiên tự tại trong mọi thăng trầm và biến cố của cuộc đời. Nhờ đó, vĩnh viễn xa lìa được các nghiệp ác, bất thiện, an trú trong cảnh giới an lạc và hạnh phúc.

5. Kinh cúng thí người mất

Bài kinh này do tỳ-kheo Thích Tâm Tịnh tóm lược từ kinh Tăng Chi III, bản dịch của HT Thích Minh Châu, năm 1988. Bài kinh là một cuộc pháp thoại giữa đức Phật và bà-la-môn Janussoni, một người chuyên làm lễ hiến tế người chết. Bà-la-môn này hỏi đức Phật rằng sự cúng kiếng cho người đã qua đời có lợi ích hay không và người chết có nhận được sự cúng dường đó hay không? Đức Phật trả lời rằng chỉ khi nào có sự tương xứng thì người chết mới nhận được của cúng cho họ.

Theo đức Phật chỉ có một trường hợp tương xứng duy nhất là nếu người chết tái sanh vào loài ngạ quỹ, loại chúng sanh sống bằng sự cúng kiếng của người còn sống, thì họ sẽ nhận được sự cúng đó. Chúng sanh nào khi sống làm nhiều điều ác độc, chết bị đọa vào ngạ quỹ hoặc các loài động vật. Tại đây, các chúng sanh đó không thể nhận được sự cúng của người thân, vì họ có sự sống riêng. Tương tự, chúng sanh nào khi sống do làm điều thiện, lúc chết được tái sanh làm người hay chư thiên thì cũng không nhận được sự cúng của người thân, vì tại thế giới loài người và loài trời, họ có sự sống khác biệt, được cha mẹ của họ nuôi nấng.

Khi cúng kiếng cho người thân như vậy, dù trong trường hợp người thân quyến của người cúng không bị đọa vào ngạ quỹ, người phát tâm cúng kiếng đó cũng gặt hái nhiều lợi ích. Nhân đây, đức Phật dạy về lợi ích của bố thí và cúng dường. Người tu hạnh bố thí dù cho có làm ác khi chết bị tái sanh vào các loài thú, như voi, ngựa, v.v… cũng được phước báu hơn các loài thú khác. Do quả báo của bố thí, chúng sẽ được chủ nhân chăm sóc, cho ăn uống và trang phục đầy đủ hơn các con thú khi còn làm người không biết bố thí và cúng dường. Tương tự, nếu người sống biết bố thí và cúng dường lại còn tu tập nhiều hạnh lành, xa lánh điều tội lỗi, thì khi còn sống thì được mọi người kính nễ, thương yêu, khi qua đời thì được tái sanh làm chư thiên để hưởng phước báo. Nói chung trong mọi trường hợp, hạnh bố thí cúng dường đều mang lại nhiều giá trị đạo đức cho người thực hành.

6. Kinh nghiệp báo tái sanh

Kinh này là bản tóm tắt của tỳ-kheo Thích Tâm Tịnh từ bản dịch của Viện Cao Đẳng Phật Học Huệ Nghiêm, từ Trường A Hàm I, kinh thứ 7, tr 329- 364, ĐTKVN. Tựa kinh trong nguyên tác bản dịch là Kinh Tệ Túc. Chúng tôi đổi thành kinh nghiệp báo tái sanh để phù hợp với chủ đề của kinh.

Bài kinh này là một cuộc đối thoại đầy triết lý, diễn ra sau khi đức Phật niết-bàn chẳng bao lâu, giữa đồng nữ Ca-diếp và bà-la-môn Tệ Túc, về các bằng chứng của tái sanh. Bà-la-môn Tệ Túc là người chủ trương không có đời sau, không có quả báo thiện ác. Ông vận dụng "chủ nghĩa kinh nghiệm" để phủ bác không có nghiệp báo và tái sanh. Trong suốt cuộc đời của ông, ông chưa từng chứng kiến cảnh một người nào, ngay cả người thân của ông, làm nhiều điều tội lỗi, sau khi chết bị đọa vào địa ngục rồi trở về mách bảo ông rằng họ bị đọa đầy trong ngục khổ. Ông cũng biện luận rằng cũng chưa từng gặp một người nào làm nhiều thiện và đạo đức khi chết được tái sanh vào cõi trời, trở về báo cho ông rằng phước báo làm lành là có. Và còn nhiều cách lý luận khác nữa để phủ định nhân quả báo ứng.

Nữ tôn giả Ca-diếp đã vận dụng nhiều phương tiện để chứng minh ngược lại. Đối với trường hợp thứ nhất tôn giả cho rằng người bị đọa địa ngục do vì nghiệp báo nên không thể có dịp trở về báo với người thân trên dương thế. Đối với trường hợp thứ hai, người sanh cõi trời do hưởng các an lạc và hạnh phúc cõi trời, không còn thiết tha với cõi ta-bà đầy đau khổ nên không muốn trở về mách bảo. Đó là chưa nói đến sự khác nhau về thời gian và không gian, do đó khó mà trở về trái đất để mách bảo được. Sau khi đưa ra nhiều bằng chứng cụ thể và sinh động, nữ tôn giả Ca-diếp đã thuyết phục được bà-la-môn Tệ Túc tin vào nhân quả báo ứng và khuyến khích vị bà-la-môn này làm nhiều điều bố thí và tế lễ không có máu thịt của chúng sanh, để gặt hái các quả báo hạnh phúc và an vui ngay hiện đời và đời sau.

IV. Kết luận

Với sáu bài kinh căn bản của hai truyền thống Phật giáo Nam tông và Bắc tông, nghi thức cầu siêu không chỉ giới thiệu pháp môn niệm Phật như thiền định để giúp người quá cố được tái sanh về cảnh giới cực lạc của Phật A-di-đà, mà còn giới thiệu các kinh dạy về cách khắc phục và vượt qua cơn đau vô thường "sanh ly tử biệt" hay "âm dương xa cách." Các phương pháp này một mặt khẳng định cái già, bệnh và chết là một quy luật không loại trừ một ai, mặt khác khuyên dạy tất cả mọi người, nhất là thân quyến của người chết nên bình tỉnh, không than khóc, sầu thảm, mà trái lại niệm Phật, tạo nhiều phước lành, hồi hướng cho người quá vãng, để giúp cho người chết một hành trang tốt trong lúc tái sanh. Được như vậy, chắc chắn rằng cuộc đời sẽ bớt đi các tình trạng đau thương, sầu thảm cũng như những hậu quả của nó, do cái chết gây ra; thế giới sẽ không còn cảnh bi lụy do không hiểu được quy luật của sanh tử, sống chết chập chùng.

Ngoài ra, nghi thức cầu siêu này còn giúp cho thân quyến của người mất làm các việc bố thí cúng dường và các hạnh từ thiện xã hội, để cuộc đau thương tử biệt sanh ly trở thành đầu nguồn của phước báu và hạnh phúc, không những cho kẻ còn lẫn người mất mà còn cho những người khác trong xã hội.

http://www.buddhismtoday.com/viet/nghithuc/viethoa-5-tnt-causieu.htm

 


Cập nhật: 1-8-2000

Trở về mục "Nghi thức và Nghi lễ Phật giáo"

Đầu trang