Tình
hình của Bắc Tông và Hà Trạch Tông:
Như đã trình bày,
vào hậu bán thế kỷ thứ 8, ba tông phái Bắc Tông, Nam Tông (Hà Trạch)
và Ngưu Đầu Tông chia thế ba chân vạc (tam tông đỉnh lập). Chẳng bao
lâu, Bắc Tông và Hà Trạch Tông dần dần suy yếu.
Đối với Bắc Tông,
không những sự phê phán của Thần Hội là những ngọn đòn rất nặng, làm
cho họ mất hết uy tín mà tình trạng xã hội tao loạn càng bức bách họ
thêm. Tuy họ vẫn giữ chủ trương "đốn ngộ" nhưng khuynh hướng tĩnh và
thần bí nơi họ vẫn mạnh cho nên lúc đầu họ có ảnh hưởng đối với tầng
lớp vua quan và quí tộc. Sau khi có cuộc loạn An Sử, giai cấp này,
xưa nay ủng hộ họ, lại mất chỗ đứng nên họ đâm ra mất dần thế lực.
Hà Trạch Tông đã
điền vào chỗ khuyết của Bắc Tông. Hoạt động của Hà Trạch là nhân tố
kích thích các tông phái khác như Ngưu Đầu, Bảo Đường và Tịnh Chúng.
Dầu vậy, sau khi Thần Hội chết, Hà Trạch Tông cũng lâm vào cảnh suy
vi. Họ không qui tụ được nhân tài nên đi đến chỗ mai một. Lý do là
phần vì cá tính quá mạnh mẻ của bản thân Thần Hội, phần khác tiềm ẩn
ngay trong tư tưởng của môn phái.Tư tưởng của Thần Hội chỉ có lý do
tồn tại khi còn phê phán được Bắc Tông. Nếu Bắc Tông chưa mất, tư
tưởng Hà Trạch Tông vẫn phát triển được bằng cách tạo ra những luận
cứ chống lại Bắc Tông. Đến khi Bắc Tông tàn tạ suy vong thì sức mạnh
của Hà Trạch Tông cũng mất đi. Một khi tư tưởng Thần Hội không còn ý
nghĩa cũng như sức hấp dẫn của nó, hoạt động của môn phái bắt buộc
phải thụt lùi.
Hà Trạch Tông thường
ngày vẫn ý thức sự hiện diện của Bắc Tông, cho nên họ cứ giữ nguyên
hình thức cũ, cứ thế mà thay thế Bắc Tông. Họ đặt mục đích thu phục
giai cấp thượng lưu quí tộc, muốn làm sao cho những người xưa ủng hộ
Bắc Tông lại tiếp tục ủng hộ mình. Vì lý do trên, khi giai cấp ấy
suy tàn thì nó cũng kéo theo sự suy tàn của tông Hà Trạch.
Khi Hà Trạch Tông
suy thoái rồi, uy tín của Thần Hội cũng dần dần lung lay. Cuốn Tào
Khê Đại Sư Truyện (781) mà tăng Nhật Bản là Saichô (Tối Trừng,
767-822) đem về nước, là một tập truyện ký nói về Huệ Năng. Tuy có
nhắc đến những hoạt động của Thần Hội nhưng sách ấy cũng cho ta thấy
được dễ dàng có sự hiện diện của khuynh hướng muốn tách ra khỏi vòng
ảnh hưởng của tư tưởng Thần Hội trong khung cảnh thiền môn buổi ấy.
Qua cuốn Tào Khê Đại Sư Truyện nói trên, ta thấy quyền uy Lục tổ của
Huệ Năng vẫn được thừa nhận như trước (tác giả của nó có thể là
người có liên hệ mật thiết với Bảo Lâm Tự cũng không chừng). Tuy
nhiên, ta vẫn suy đoán được rằng lúc đó, khuynh hướng tách Huệ Năng
khỏi Thần Hội và trao cho ông một quyền uy siêu việt ngày càng mạnh
mẻ.
Mã Tổ và Thạch Đầu:
Thế rồi, trong hệ
phổ Nam Tông của Huệ Năng lúc đó, một số người dần dần xuất đầu lộ
diện và có đủ thế lực để áp đảo các tông phái khác. Đó là Mã Tổ Đạo
Nhất (709-788) với Hồng Châu Tông và Thạch Đầu Hi Thiên với Thạch
Đầu Tông.
Tào Khê Huệ Năng
(638-713) |
-> Nam Nhạc Hoài
Nhượng (744-744) |
-> Mã Tổ Đạo Nhất. |
|
-> Thanh Nguyên Hành
Tư ( ? - 740) |
-> Thạch Đầu Hy
Thiên. |
Hai nhân vật Nam
Nhạc Hoài Nhượng và Thanh Nguyên Hành Tư lúc đầu hoàn toàn không
được ai biết đến nên việc họ có là những người chính thức thừa kế
Huệ Năng hay không thì vẫn chưa lấy gì làm chắc.Nếu đọc Tào Khê Đại
Sư Truyện, sẽ thấy nếu những ai bình sinh không có gì kết nối với
Huệ Năng thì khó có thể giữ được địa vị chính thống. Đương thời,
Vĩnh Gia Huyền Giác (657-713) từng giao lưu với Nam Dương Huệ Trung
(tức Huệ Trung Quốc Sư, ? - 775) người được Đường Túc Tông (trị vì
756-762) đặc biệt kính trọng) hay Tả Khê Huyền Lãng (673-754) sau
này cũng như họ sẽ theo học Lục Tổ Huệ Năng. Có lẽ các ông đều can
dự tới câu chuyện thừa kế này. (Có thuyết cho Huyền Giác là tác giả
Chứng Đạo Ca, tác phẩm vẫn còn được truyền tụng rộng rãi cho đến bây
giờ).
Đặc biệt Mã Tổ Đạo
Nhất có uy lực lôi kéo cả dòng thiền về với mình và cuối cùng đoạt
được cái ghế chính thống từ Hà Trạch Tông. Có thể vì ông là một nhà
sư phạm giỏi đã đào tạo được nhiều nhân tài cho tông phái. Tây Đường
Trí Tạng (735-814), Phục Ngưu Tự Tại (741-821), Đông Tự Như Hội
(744-823), Ngũ Duệ Linh Mặc (747-818), Phù Dung Thái Dục (747-826),
Nam Tuyền Phổ Nguyện (748-834), Bách Trượng Hoài Hải (749-814), Đại
Mai Pháp Thường (752-839), Chương Kính Hoài Huy (754-815), Hưng
Thiện Duy Khoan (755-817), Diêm Quan Tề An (?- 842), Đại Châu Huệ
Hải (năm sinh năm mất không rõ), Ma Cốc Bảo Triệt (năm sinh năm mất
không rõ), Quy Tông Trí Thường (năm sinh năm mất không rõ), cư sĩ
Bàng Uẩn (? - 808)...đều học ông và tất cả là những nhân vật nổi
tiếng trong làng thiền. Mặt khác, chính ông cũng là người đề xướng
được một hệ tư tưởng thiền độc đáo (bình thường tâm thị đạo). Tư
tưởng thiền phát xuất từ ông thường được gọi là Mã Tổ Thiền.
Mã Tổ Đạo
Nhất:
Mã Tổ Đạo Nhất người Hán Châu
thuộc Tứ Xuyên, vì họ Mã nên được tôn xưng là Mã Tổ hay Mã Đại Sư.
Ông xuất gia làm môn hạ Xử Tịch (648-734) ở Tư Châu (tỉnh Tứ Xuyên)
và tu hành tại Trường Tùng Sơn thuộc Ích Châu (Tứ Xuyên) và các nơi
khác. Xong, ông đến Nam Nhạc (tỉnh Hồ Nam) tham học Hoài Nhượng,
nhận pháp tự. Sau khi sống ở nhiều nơi, ông về trụ trì chùa Khai
Nguyên ở Chung Lăng (Giang Tây) và truyền bá tông phong. Đào tạo
được nhiều đệ tử (theo Quy Sơn Linh Hưu, có đến 84 người đáng gọi là
thiện trí thức). Còn Cảnh Đức Truyền Đăng Lục (năm 1004) thì nêu tên
đến 138 người. Đồ đệ đến từ cửa ông đã thành chủ lưu của thiền tông,
trong đó có một môn phái (Hồng Châu Tông) mang tên vùng đất Hồng
Châu là nơi Mã Tổ cư trú. Năm 788, ông mất ở chùa Bảo Phong núi
Thạch Môn vùng Lặc Đàm (Giang Tây), thọ 80 tuổi, thụy hiệu Đại Tịch
Thiền Sư. Lời giảng của ông được thu thập lại trong Giang Tây Mã Tổ
Đạo Nhất Thiền Sư Ngữ Lục, gồm cả những câu nói trứ danh như "Bình
thường tâm thị đạo", "Tức tâm tức Phật"...
Quả thật, sự xuất
hiện của Hà Trạch Thần Hội đã đánh dấu một giai đoạn quan trọng
trong lịch sử Thiền Tông. Ông nhấn mạnh đến "đốn ngộ" và "định tuệ
đẳng", bác bỏ ý nghĩa của cách tu hành tuần tự với thứ bậc theo thời
gian, đề xướng sự trở về với cuộc sống hằng ngày, khai sáng ra loại
"ngữ lục" mà ông xem như phương pháp diễn đạt mới mẻ và thích hợp
nhất cho việc tu học. Có thể nói, qua những ý tưởng đó, ông muốn
quét sạch những tàn dư của quan niệm tu thiền theo kiểu Ấn Độ.
Tuy nhiên, Thần Hội cũng cho rằng muốn tu như thế phải có được cái
"tri" (máy động của trí tuệ bát nhã). Vì lẽ đó, Thần Hội Tông nhấn
mạnh rằng trong cuộc sống hằng ngày, cái "tri" phải được máy động
thường xuyên.Đó là nguyên lý duy nhất để có thể thoát khỏi "mê ngộ".
Có thể nói nó là thành lũy cuối cùng để bảo vệ "bỉ ngạn" (thế giới
của ngộ hay Niết Bàn).
Thế nhưng khi Mã Tổ
giảng giải rằng cái lòng bình thường cũng là đạo rồi (bình thường
tâm thị đạo) hay ngoài cái lòng bình thường chẳng có Phật ở đâu cả
(Tức tâm tức Phật) thì ông đã từ khước tất cả những gì có tính siêu
việt hay quan niệm, cho rằng chúng hoàn toàn chẳng giá trị gì cả.
Ông chỉ yêu cầu người ta triệt để giữ được cái tâm bình thường, chân
thực. Điều này còn được gọi là "đại cơ đại dụng thiền". Chúng ta
cũng hiểu là chủ trương sống thiền một cách giản dị và sáng sủa như
thế rất phù hợp tâm lý người Trung Quốc vốn chuộng những lối suy
nghĩ sát với hiện thực.
Trên thực tế, môn hạ
phái Hồng Châu của Mã Tổ đã phát triển rộng rãi toàn quốc, đào tạo
được nhiều đệ tử. Riêng Cảnh Đức Truyền Đăng Lục (năm 1004), tác
phẩm được biên tập vào đời Tống, có cho biết Bách Trượng Hoài Hải
(Nam Xương, tỉnh Giang Tây) có 38 đệ tử, Nam Tuyền Phổ Nguyện (Trì
Châu, tỉnh An Huy) có 17 người, Chương Kính Hoài Huy (Tây An, tỉnh
Thiểm Tây) có 16 người,Diêm Quan Tề An (Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang)
có 8 người, Hưng Thiện Duy Khoan (Tây An, tỉnh Thiểm Tây) và Quy
Tông Trí Thường (Nam Khang Lô Sơn tỉnh Giang Tây) có 6 người, tổng
cộng đến 117. Thế rồi, các đệ tử ấy lại đi truyền giáo khắp nơi và
cứ thế mà nhân con số đệ tử của phái Hồng Châu lên gấp bội.
Một mặt, môn hạ của
Thạch Đầu (Thạch Đầu Tông) cũng có nhiều nhân vật lỗi lạc như Dược
Sơn Duy Nghiễm (751-834), Thiên Hoàng Đạo Ngộ (748-807) và Đan Hà
Thiên Nhiên (738-824)...đủ sức đuổi theo hệ phái Mã Tổ trên con
đường bành trướng thế lực. Sở dĩ có khả năng như thế vì tư tưởng của
tông phái họ cho rằng người đi tu chỉ cần đi tìm sự giác ngộ trong
tâm là đủ đã được sự ủng hộ của tầng lớp tiết độ sứ và quan sát sứ,
một thế lực mới xuất hiện và dần dần lan ra ở các địa phương kể từ
sau cuộc loạn An - Sử.
Trong bối cảnh như
thế, đã thấy xuất hiện những cuốn đăng sử (sử Thiền Tông) có mục
đích chính thống hóa hệ phái Mã Tổ và Thạch Đầu, chẳng hạn Bảo Lâm
Truyện (năm 801) do Trí Cự (năm sinh và mất không rõ) biên tập.
Thạch Đầu
Hi Thiên và Thạch Đầu Tông:
Thạch Đầu Hy Thiên quê ở Đoan
Châu tỉnh Quảng Đông, vốn họ Trần. Lúc đầu theo thờ Huệ Năng nhưng
sau khi thầy nhập diệt, lại đến tham học với Thanh Nguyên Hành Tư ở
Cát Châu, tỉnh Giang Tây và nhận pháp tự của ông này. Về sau, ông
lập am ở Thạch Thượng, Nam Nhạc, nhân đó được gọi là Thạch Đầu. Tuy
thu phục được nhiều đệ tử nhưng buổi đầu không được chú ý cho lắm
đến nổi Khuê Phong Tông Mật (780-841), học trò ông, còn bị xem như
thuộc Mân Tuyệt Vô Ký Tông, một chi phái của Ngưu Đầu Tông. Thế
nhưng Thiên hoàng Đạo Ngộ và Đan Hà Thiên Nhiên, tuy xưa kia tu hành
ở cửa Mã Tổ, và một người khác, Ngũ Duệ Linh Mặc, sau sẽ là đệ tử
của Mã Tổ, đều đến tham học với Thạch Đầu. Giữa hai phái Mã Tổ và
Thạch Đầu vẫn thường có sự qua lại và có thể xem như giáo lý của họ
có nhiều điểm tương đồng.
Bảo Lâm
Truyện:
Tên đầy đủ của nó là Đại Đường
Thiều Châu Song Phong Sơn Tào Hầu Khê Bảo Lâm Truyện (801), gồm 10
quyển, bản hiện hành mất ba quyển 7, 9 và 10. Lại nữa, quyển 2 được
bổ khuyết bằng Thánh Trụ Tập (năm 899) chứ trong Kim Khắc Đại Tạng
Kinh thì quyển 2 và 10 đã không có rồi. Sách này được biết là ngày
xưa đã được tăng Nhật Bản Ennin (Viên Nhân, tông Thiên Thai,
794-864, nhập Đường 838-847) đưa về nước cho nên có thể suy định là
vào đời Đường, nó đã được phổ biến khá rộng. Tuy nhiên đến khi Cảnh
Đức Truyền Đăng Lục và Truyền Pháp Chính Tông Ký (năm 1061) ra đời
thì vai trò lịch sử của nó bị lu mờ và sau cùng mất mát, tan tác.
Bản ngày nay còn được truyền lại là bản mới phát hiện gồm 2 bản Kim
Khắc Đại Tạng Kinh Sở Thu Bản (các quyển 1, 5 và 8) và bản Thanh
Liên Viện Tàng Bản (quyển 6) hợp lại. Ngoài ra cũng nhờ sự trích dẫn
ở các sách khác mà có thêm một phần nội dung tưởng đã mất hẳn. Sách
ấy chép về hệ phổ truyền pháp từ Tây Thiên Nhị Thập Bát Tổ qua Đông
Độ Lục Tổ cho đến Mã Tổ và Thạch Đầu. Ngôn từ và hành trạng của mỗi
tổ đều được ghi chép tường tận tuy rằng không tránh khỏi những chi
tiết hoang đường, vô căn cứ hoặc hoàn toàn sáng tác, tạo dựng. Thế
nhưng Bảo Lâm Truyện sẽ là cơ sở để cho Thánh Trụ Tập và các sách vở
về sau như Tổ Đường Tập (952), Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, Truyền Pháp
Chính Tông Ký dùng làm nền tảng cho việc biên tập. Trong những chi
tiết đó, nhiều điều đã trở thành những "định thuyết" của lịch sử
Thiền Tông. Chẳng hạn như Truyền Pháp Kệ, một chứng cứ của sự phó
pháp (truyền thừa giáo pháp cho đệ tử), được thấy lần đầu tiên trong
Lục Tổ Đàn Kinh, thì sách ấy lại khuếch đại ra, ứng dụng nó cho tất
cả các tổ. Sở dĩ ta biết được Bảo Lâm Truyện có tiếng vang lớn là
bởi vì về sau nó có thêm một cuốn tục biên, nhan đề Tục Bảo Lâm
Truyện (đầu thế kỷ thứ 10). Thông tin này do tăng Nam Nhạc Hoài Kính
(năm sinh năm mất không rõ, học trò của Tuyết Phong Nghĩa Tồn) cho
biết, chứ thực ra ngày nay sách ấy không còn nữa.
Đường hướng và hoạt động của Ngưu Đầu Tông. Vai trò Khuê Phong Tông
Mật:
Trong khi hai tông
thiền Nam, Bắc suy thoái dần thì chỉ còn tông Ngưu Đầu là thịnh
vượng. Trong đám môn hạ của Ngưu Đầu Huệ Trung, người được xem như
"Ngưu Đầu Tông đệ lục tổ", có những anh tài như Thái Bạch Quán Tông
(731-809) và Kim Lăng Huệ Thiệp (741-822) nhưng đáng kể nhất phải
nói là Phật Quật Duy Tắc (751-830) Ngoài việc có nhiều trước tác,
Duy Tắc còn có nhiều hoạt động khác như biên tập lại văn thư của
"tông tổ" là Ngưu Đầu Pháp Dung. Riêng Ngưu Đầu Tuệ Trung cũng để
lại thi ca như các bài Kiến Tính Tự hay Hành Lộ Nan, được nhiều
người biết đến. Đặc biệt, hình như Phật Quật Duy Tắc rất có văn tài
và môn đệ của ông thường tự hào về Phật Quật Học. Nhờ tăng Nhật Bản
Saichô (Tối Trừng, 767-822, nhập Đường 804-805) thủy tổ phái Thiên
Thai Nhật Bản, khi qua Trung Quốc có đến học Ngưu Đầu Thiền với Thúc
(?) Nhiên (năm sinh năm mất không rõ), cũng như môn hạ của ông là
Enchin (Viên Trân, 814-891, nhập Đường 853-858) mà trứ tác của Duy
Tắc như Vô Sinh Nghĩa và Hoàn Nguyên Tập đã được đem về Nhật. Như
vậy có thể phỏng đoán là vào tiền bán thế kỷ thứ 9, các sách đó đã
được lưu hành rộng rãi tại Trung Quốc rồi. Đệ tử của Duy Tắc là Vân
Cư Phổ Trí (trung diệp thế kỷ thứ 9) cũng được biết là giỏi văn
chương, trước tác của ông đã được tăng phái Chân Ngôn là Eun (Huệ
Vận, 798-869, nhập Đường 842-847) đem về Nhật.
Ngoài ra, Hạc Lâm
Huyền Tố (668-752) của tông Ngưu Đầu có những đại đệ tử như Kinh Sơn
Pháp Khâm (hay Đạo Khâm, 714-792), Ngô Trung Pháp Kính (hay Pháp
Giám, hậu bán thế kỷ thứ 8), Ngô Hưng Pháp Hải (hậu bán thế kỷ thứ
8). Kinh Sơn Pháp Khâm là người nổi nhất đám, năm 768 đã được mời
vào triều giảng đạo và được vua Đường Đại Tông (tại vị 762-779)
phong xưng hiệu Quốc Nhất Đại Sư và đặt tự hiệu cho ngôi chùa của
ông là Kinh Sơn Tự. (Khi ông chết rồi, vua Đức Tông (tại vị 779-805)
còn phong thụy hiệu là Đại Giác Thiền Sư). Những nhà quí hiển như Lý
Cát Phủ (760-814) chẳng hạn theo ông rất đông. Ông còn có nhiều đệ
tử trong só đó Hàng Ma Sùng Huệ (hậu bán thế kỷ thứ 8), người đã
từng tỉ thí về đạo lực với các nhà tu Lão Giáo. Sự cảm hóa của ông
lan rộng ra cả giáo đồ hai tông Hồng Châu và Thạch Đầu, đến tận
Thanh Lương Trừng Quán (738-839) của Hoa Nghiêm Tông.
Trong khi tông Ngưu
Đầu hưng thịnh trong bối cảnh phồn vinh của sự phát triển kinh tế
vùng Giang Nam, đã có hai tông phái với vũ khí tư tưởng mới mẻ là
Hồng Châu và Thạch Đầu bắt đầu đến chia bớt ảnh hưởng. Chẳng bao
lâu, Ngưu Đầu dần dần chịu thế hạ phong, do hậu quả cuả những cuộc
giao lưu sinh động giữa các tông phái. Vì Ngưu Đầu không tìm ra được
người thừa kế nên đến giữa thế kỷ thứ 9 thì sự truyền thừa đã tuyệt.
Thế nhưng, ngược lại, phải chăng cũng nhờ những giao lưu này mà tư
tưởng có màu sắc Lão Trang của tông Ngưu Đầu đã thẩm thấu vào hệ tư
tưởng của Hồng Châu và Thạch Đầu, trở thành một bộ phận trọng yếu
của Thiền Tông.
Giao lưu về
mặt con người giữa Ngưu Đầu, Hồng Châu và Thạch Đầu:
Ba tông phái nói trên đã có
những giao lưu về mặt con người đầy sinh khí. Ví dụ Tây Đường Trí
Tạng, đồ đệ của Mã Tổ, đã đến tham học với Kinh Sơn Pháp Khâm. Đan
Hà Thiên Nhiên, người từng theo học Mã Tổ và Thạch Đầu, lại là môn
hạ của Kinh Sơn. Mặt khác, Phục Ngưu Tự Tại và Đông Tự Như Hội trước
có theo học Kinh Sơn nhưng sau lại chuyển qua làm môn hạ của Mã Tổ.
Thiên Hoàng Đạo Ngộ cũng vậy, sau khi thụ pháp với Kinh Sơn đã thờ
Mã Tổ và Thạch Đầu làm thầy và được chứng ngộ. Lại nữa, Phù Dung
Thái Dục, trước là học trò của Ngưu Đầu Huệ Trung, sau khi du hành
về, nhận được ấn khả của Mã Tổ. Như vậy, việc các nhà tu đi lai,
trao đổi là chuyện rất thường tình. Giữa khi xu thế của thời đại đã
đưa vận mệnh của Ngưu Đầu sang tay Hồng Châu và Thạch Đầu, họ dần
dần lãng xa Ngưu Đầu và gắn bó với hai tông phái mới xuất hiện cho
nên kết cuộc là hệ phổ của Ngưu Đầu vì thế mà phải đứt đoạn.
Từ cuối thế kỷ thứ 8
sang đầu thế kỷ thứ 9, Tịnh Chúng Tông đã cùng với Ngưu Đầu Tông
chiếu sáng như một môn phái của Thiền Tông sơ kỳ. Các thiền sư như
Ích Châu Nam Ấn (? - 821?), Toại Châu Đạo Viên (tiền bán thế kỷ thứ
9) và Đông Kinh Thần Chiếu (776-838) là những nhân vật tên tuổi của
họ. Như đã có dịp trình bày trước đây, Tịnh Chúng Tông vào thời kỳ
này xem mình như bộ phận của Hà Trạch Tông. Từ trong hệ thống đó đã
thấy xuất hiện Khuê Phong Tông Mật - người cũng từng theo học Thanh
Lương Trừng Quán - và như Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Bộ Tự cho biết
- Tông Mật là người bảo vệ cho một học thuyết cực kỳ độc đáo gọi là
"Giáo Thiền nhất trí", trong đó, ông lấy Hoa Nghiêm Tông và Trạch
Tông làm trung tâm để kết hợp nhiều luồng tư tưởng và thực tiễn Phật
Giáo lại với nhau. Trong Nguyên Nhân Luận, ông còn tỏ ra có tham
vọng thống nhất cả Phật giáo với Nho giáo và Lão giáo với nhau nữa.
Qua tư tưởng của
Tông Mật, ta thấy ông có phần nào tỏ ra chống đối hệ phái Hồng Châu
Tông lúc đó đã dần dần chiếm vị thế ưu việt trong Phật giáo Trung
Quốc. Thế nhưng đứng trước sự hấp dẫn của nhân cách Mã Tổ, Tông Mật
không làm sao đổi hướng được dòng chảy của lịch sử Thiền Tông. Dù
vậy, ta thấy ít nhất ông đã ảnh hưởng được đến tư tưởng "Giáo Thiền
nhất trí" về sau của Vĩnh Minh Diên Thọ (904-975) thời Ngũ Đại và
đến tam giáo nhất trí, hệ thống chủ lưu của Phật giáo Trung Quốc.
Giai đoạn hậu bán
thế kỷ thứ 9 có thể coi như một lằn ranh. Sau thời điểm này, hầu như
không còn thấy vết tích hoạt động của các tông phái buổi đầu. Chỉ
còn Hồng Châu và Thạch Đầu viết tiếp dòng lịch sử của Thiền Tông.
Khi hai phái trên đã xác định được địa vị chính thống của họ thì các
môn phái khác đều trở thành bàng hệ.Tuy nhiên chúng ta không thể nào
quên rằng bất luận môn phái nào đều cũng đã giữ một vai trò trọng
yếu trong lịch sử Thiền Tông.
Sự nghiệp
Khuê Phong Tông Mật:
Ông người Quả Châu thuộc Tứ
Xuyên. Trước học Nho, sau theo Phật.Năm 25 tuổi xuất gia và thờ Đạo
Viên làm thầy. Thế rồi nhờ biết đến Viên Giác Kinh cũng như tác phẩm
của Đỗ Thuận nhan đề Pháp Giới Quán Môn mà định được lập trường của
mình. Năm 29 tuổi thụ cụ túc giới (chấp nhận giới luật của người
xuất gia), rồi sau đó, vào năm 808, theo chỉ thị của Đạo Viên, đến
học với sư phụ của ông ta là Kinh Nam Trương (Nam Ẩn) rồi sau đó,
ông đi Lạc Dương, học thiền với đệ tử của Nam Ẩn (và đồng đạo của
Đạo Viên) là Thần Chiếu ở chùa Báo Quốc. Năm 811, ông lại trau dồi
về kinh Hoa Nghiêm dưới sự hướng dẫn của Thanh Lương Trừng Quán và
trở thành tổ thứ năm của tông Hoa Nghiêm. Qua các trước tác và diễn
giảng, danh tiếng ông nổi như cồn nhưng kể từ năm 821, ông về trú ở
Thảo Đường Tự trên núi Chung Nam, chuyên tâm trước tác những tác
phẩm như Viên Giác Kinh Đại Sớ Sao. Năm 828 đời Văn Tông (trị vì
826-840), ông được mời vào cung và ban cho áo tía (tử y). Về sau,
chơi thân và hay bàn luận với Tể Tướng Bùi Hưu (791-864) nên có dịp
biên tập lại những đoạn vấn đáp với ông ta dưới dạng sách thành Bùi
Hưu Thập Di Vấn. Ngoài ra, ông còn viết Khởi Tín Luận Chú Sớ, Vu Lan
Bồn Kinh Sớ, Hoa Nghiêm Kinh Hạnh Nguyện Phẩm Sớ Sao, Chú Hoa Nghiêm
Pháp Giới Quán Môn, Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Đô Tự, Nguyên Nhân
Luận ...Năm 841, ông qua đời ở chùa Thảo Đường. Bùi Hưu có soạn bài
văn bia Khuê Phong Thiền Sư Bi Minh Bình Tự.
Tiết 2: Thiền phát triển và thẩm thấu vào xã hội.
|
Các đại thiền sư xuất hiện:
Vào khoảng giữa thế
kỷ thứ 9, có phong trào bài xích Phật giáo gọi là "phá Phật" ở Hội
Xương do Đường Vũ Tông (trị vì 840-846) dấy lên. Nó đã để lại những
tai hại to lớn cho xã hội Phật giáo. Trong lịch sử Trung Quốc, việc
bài xích Phật giáo vẫn thường xảy đi xảy lại nhưng lần này, ảnh
hưởng của nó thật triệt để và lan rộng khắp lãnh thổ. Đó là một việc
trước sau chưa từng có. Tăng lữ bị bắt phải hoàn tục, chùa chiền bị
phá hoại, kinh điển (kinh, luận, sớ) thất tán. Do đó nhiều môn phái
Phật giáo suy thoái, duy mỗi Thiền Tông là một ngoại lệ. Nó bước
những bước chắc chắn, gây dựng được cơ sở và phát triển rộng rãi.
Lý do Thiền Tông
không bị suy thoái mà còn vững mạnh thì có nhiều nhưng ít nhất về
mặt tư tưởng, nhân vì Thiền Tông trên nguyên tắc không tựa vào kinh
điển cho lắm nên dù có bị thất tán cũng không gây ảnh hưởng sâu sắc.
Nếu kể đến việc Thành Tây Tiết Độ Sứ Vương Thường Thị qui y với Lâm
Tế Nghĩa Huyền ( ? -867) và Nam Bình Vương Chung Truyện bảo vệ giáo
đoàn của Động Sơn Lương Giới (807-869) thì thấy được là thiền của Mã
Tổ có tính năng động đủ để cho giai cấp tân hưng là nhóm Tiết Độ Sứ
đang chiếm giữ các phiên trấn và giới quan lại xuất thân từ khoa cử
dễ dàng chấp nhận.
Đứng về mặt kinh tế
mà nói thì dù trong tình trạng ly loạn, vùng Giang Nam vẫn tương đối
bình yên, tự lúc đầu thiền nhờ đó đã phát triển khá sớm ở đây.Chùa
thiền trong sinh hoạt vẫn có truyền thống tổ chức phân chia lao động
và tự cung cấp lương thực. Dạng thức sinh hoạt đặc biệt như vậy đã
được Bách Trượng Hoài Hải minh định và phổ cập trong các qui tắc gọi
là "thanh qui".
Nhân vì nhắm mục
đích hợp nhất thiền với sinh hoạt cho nên chủ trương thiền "đại cơ
đại dụng" [1]
kể từ Mã Tổ trở đi đã mở con đường cho lối tu thiền phản ánh trung
thành được cá tính và lối sống của mỗi thiền tăng. Do đó, số người
tu không những đông đảo lên thêm mà thiền lâm còn qui tụ được nhiều
nhân tài. Nhân vì cá tính của họ được phản ánh trong lối tu cho nên
mối người chỉ cần một thời gian ngắn là đã phát huy được khả năng
của mình. Cuối đời Đường, từ nhiều hệ phái khác nhau, đã thấy xuất
hiện những đại thiền sư đầy cá tính như Hoàng Bá Hy Vận (tiền bán
thế kỷ thứ 9), Quy Sơn Linh Hựu (771-853), Triệu Châu Tùng Thẩm
(778-897), Đức Sơn Tuyên Giám (780-865), Lâm Tế Nghĩa Huyền, Động
Sơn Lương Giới, Thạch Sương Khánh Chư (807-888), Mục Châu Đạo Tung
(giữa thế kỷ thứ 9), Ngưỡng Sơn Huệ Tịch (814-890), Hương Nghiêm Trí
Nhàn ( ? - 898), Đầu Tử Đại Đồng (819-914), Tuyết Phong Nghĩa Tồn
(822-908), Huyền Sa Sư Bị (835-908), Vân Cư Đạo Ưng (835?-902),
Thanh Lâm Sư Kiên (? - 904), Sơ Sơn Khuông Nhân (837-909), Tào Sơn
Bản Tịch (840-901) ... Họ đã làm cho rừng Thiền như được điểm tô
muôn màu muôn vẻ.
Tình huống của giới
Phật giáo tại Trung Quốc lúc đó chẳng mấy lúc đã ảnh hưởng tới những
quốc gia lân cận. Đặc biệt trên bán đảo Triều Tiên, lúc đó là giai
đoạn chuyển tiếp từ cuối triều Tân La (Tân La thống nhất, 676-935)
bước qua đầu thời Cao Lệ (918-1392), tư tưởng thiền mới mẽ từ sau Mã
Tổ đã được truyền qua dần dần. Trước tiên có các tăng sĩ như Đạo
Nghĩa (đệ tử Tây Đường Trí Tạng, năm sinh năm mất không rõ, nhập
Đường 784-821), Huệ Triệt (cũng xuất thần từ cửa Trí Tạng, 785-861,
nhập Đường 814-839), Huyền Dục (đệ tử Chương Kính Hoài Huy,787-868,
nhập Đường 824-837), Đạo Duẫn (đệ tử Nam Tuyền Phổ Nguyện, 798-868,
nhập Đường 825-847), Vô Nhiễm (đệ tử Ma Cốc Bảo Triệt, 800-888, nhập
Đường khoảng 821- khoảng 845)...là những người đã truyền pháp dòng
Mã Tổ. Sau đó còn có đệ tử của Ngưỡng Sơn Huệ Tịch là Thuận Chi (năm
sinh năm mất không rõ, nhập Đường khoảng 858), cùng với đệ tử Vân Cư
Đạo Ưng là Lợi Nghiêm (870-936, nhập Đường 896-911) và đệ tử Sơ Sơn
Khuông Nhân là Khánh Phủ (868-946) tiếp tục việc rao giảng đó. Nhờ
thế, những Già Trí Sơn Môn (phái Đạo Nghĩa), và Đồng Lý Sơn Môn
(phái Huệ Triệt)...đã làm thành "Cửu Sơn Môn" (phái Cửu Sơn) tức 9
môn phái Thiền Tông trên bán đảo Triều Tiên.
Ảnh hưởng của thiền
Mã Tổ sau đó lại vượt biển để đến Nhật Bản. Đệ tử Diêm Quan Tế An là
Nghĩa Không (giữa thế kỷ thứ 9) là thiền sư Trung Quốc đến Nhật di
trú, ngược lại, cũng thấy xuất hiện Ngõa Ốc Năng Quan (? - 933), một
người Nhật Bản nhập Đường và nhận được pháp tự của Động Sơn Lương
Giới.
Tiểu sử
Hoàng Bá Hy Vận:
Ông người đất Mân thuộc Phúc
Kiến, đi tu từ nhỏ. Sau trở thành đệ tử và nhận pháp tự của Bách
Trượng Hoài Hải (749-814). Truyền đạo học ở núi Hoàng Bá vùng Chung
Lăng thuộc tỉnh Giang Tây và mất ở đó, thụy hiệu Đoạn Tế Thiền Sư.
Cùng với Khuê Phong Tông Mật là hai người được Tể Tướng Bùi Hưu
(797-870) tôn kính. Họ Bùi có thu thập pháp ngữ của ông thành Hoàng
Bá Sơn Đoạn Tế Thiền Sư Truyền Tâm Pháp Yếu (năm 857). Thiền sư Lâm
Tế Nghĩa Huyền, tổ của tông Lâm Tế, là học trò ông.
Tiểu sử Quy
Sơn Linh Hựu:
Người Trường Khê thuộc Phúc
Kiến, vốn họ Triệu. Năm 15 tuổi xuất gia, sau khi học kinh luật,
nhận được pháp tự của Bách Trượng Hoài Hải. Trụ trì núi Quy Sơn, Hồ
Nam, tụ tập được rất nhiều đệ tử. Ngưỡng Sơn Huệ Tịch là đệ tử của
ông, môn lưu của ông về sau vì thế được gọi là Quy Ngưỡng Tông. Thụy
hiệu là Đại Viên Thiền Sư, pháp ngữ được ghi lại trong Quy Sơn Cảnh
Sách.
Tiểu sử Đức
Sơn Tuyên Giám:
Người Kiếm Nam thuộc Tứ Xuyên,
họ Chu. Xuất gia từ khi còn trẻ, học kinh luận, bắt đầu bằng Giới
Tạng và kinh Kim Cương. Sau thờ Long Đàm Sùng Tín (người tiền bán
thế kỷ thứ 9) làm thầy và nhận pháp tự của ông. Sau khi tham học Quy
Sơn Linh Hựu và các thiền sư khác, về trụ trì ở Đức Sơn thuộc Vũ
Lăng, Hồ Nam. Học trò ông có những người như Tuyết Phong Nghĩa Tồn
và Nham Đầu Toàn Hoát. Thụy hiệu là Kiến Tính Đại Sư.
Tiểu sử
Triệu Châu Tùng Thẩm:
Người Hác Hương, Tào Châu
thuộc Sơn Đông, vốn họ Hác. Xuất gia từ nhỏ, sau nhận pháp tự của
Nam Tuyền Phổ Nguyện. Năm 60 tuổi lên đường hành cước, tham học nơi
Hoàng Bá Hy Vận và Diêm Quan Tế An...Năm 80 về trụ trì Quan Âm Viện
tại Triệu Châu, từ đó, suốt 40 năm, đề xướng tông phong độc đáo
"khẩu thần bì thiền" (hành thiền qua lời ăn tiếng nói). Mất lúc đã
120 tuổi. Ngữ lục có Triệu Châu Chân Tế Thiền Sư Ngữ Lục, có nhiều
vấn đáp sau sẽ là tài liệu các "công án" cho hậu thế niêm lộng. Thụy
hiệu Chân Tế Đại Sư.
Tiểu sử
Tuyết Phong Nghĩa Tồn:
Người Nam An, Tuyền Châu thuộc
Phúc Kiến, vốn họ Tăng. Năm 12 tuổi xuất gia, tu hành ở cửa Phù Dung
Linh Huấn (đệ tử của Quy Tông Trí Thường và sống hồi tiền bán thế kỷ
thứ 9) và Động Sơn Lương Giới. Theo lời khuyên của Lương Giới đến
tham học với Đức Sơn Tuyên Giám, nhờ pháp huynh là Nham Đầu Toàn
Hoát chỉ điểm mà đại ngộ, nhận pháp tự của Tuyên Giám. Sau trụ trì ở
Tuyết Phong Sơn tỉnh Phúc Kiến, dạy dỗ được nhiều đệ tử như Huyền Sa
Sư Bị, Trường Khánh Huệ Lăng (854-932), Cổ Sơn Thần Án (862-938),
Vân Môn Văn Yển (864-949), Bảo Phúc Tùng Triển (? - 928)...Ngữ lục
có Tuyết Phong Chân Giác Thiền Sư Ngữ Lục. Thụy hiệu là Chân Giác
Thiền Sư.
Hình thức "ngữ lục" hoàn thành:
Về các trứ tác trong
thời kỳ này và là những văn kiện tương đối lập được một trật tự cho
tư tưởng Thiền Tông thì phải kể đến Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Quyết Luận
của Đại Châu Huệ Hải và Hoàng Bá Sơn Đoạn Tế Thiền Sư Truyền Tâm Yếu
Quyết (năm 857) của Hoàng Bá Hy Vận (cho dù Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu
Quyết Luận có nhiều chỗ viết không khác Nam Dương Hòa Thượng Vấn Đáp
Tạp Trưng Nghĩa của Thần Hội và hãy còn có người đặt nghi vấn về
thời điểm nó ra đời). Tuy nhiên, muốn hiểu cái đặc sắc của thiền môn
thời ấy, không gì hay hơn là thông qua một loại trứ tác mà ta gọi là
ngữ lục. Chúng đã từ từ xuất hiện vào khoảng này.
Ngữ lục là ngôn hành
lục (sao lục lời nói và việc làm của các thiền tăng). Tuy trong đó
bao gồm nhiều yếu tố có tính cách truyện ký nhưng chính yếu vẫn là
chỗ ghi chép lại các cuộc vấn đáp trao đổi về đạo học giữa thầy và
trò. Nói khác đi, mục đích của ngữ lục là giúp cho người đọc lý giải
được tư tưởng thiền qua nhân cách và hành động cụ thể của nhà thiền.
Do đó, những gì ta thấy trong ngữ lục là lời đối thoại bằng tiếng
nói người bình dân hằng ngày cũng như bóng dáng sinh động của những
vị thiền tăng. Thiền pháp của Mã Tổ là làm sao hợp nhất được sự
giác ngộ và cuộc sống thường nhật, cho nên chỉ có hình thức cụ thể
như thế mới thể hiện được tư tưởng của ông. Vì lý do đó, tuy
thiền ngữ lục đã manh nha từ trong Đốn Ngộ Chân Tông Kim Cương Bát
Nhã Tu Hành Đạt Bỉ Ngạn Pháp Môn Yếu Quyết của Hầu Mạc Trần Diễm
(660-714) và trong Nam Dương Hòa Thượng Vấn Đáp Tạp Trưng Nghĩa của
Thần Hội (684-758) nhưng có thể nói phải đợi đến Mã Tổ nó mới mười
phần hoàn chỉnh.
Sở dĩ ngữ lục
được thịnh hành là vì nó đã ra đời ở một thời điểm mà các thiền tăng
được tự do giao lưu, tha hồ vấn đáp thảo luận (trong thiền môn,
người ta dùng chữ "thương lượng"). Đương thời, người tu hành mưu
cầu sự giác ngộ thường đi hết chỗ này đến chỗ khác để tìm các danh
sư tham học, tích lũy vốn liếng tinh thần cần thiết.Từ đó, hình thái
tu thiền như thế đã thành hình.
Trong tình huống như
thế, thực lực của các đại sư và danh tiếng của họ gắn liền với nhau.
Thầy giỏi thì tụ tập được nhiều trò và danh tiếng sẽ đồn vang. Thế
rồi, nghe danh thầy, học trò lại kéo đến. Đệ tử sau khi nhận ấn khả
của thầy thường đi đến một địa phương nào đó và nếu được sự ủng hộ
của người sở tại, sẽ độc lập với thầy mà mở ra chi phái mới. Việc ấy
cứ thế mà lập đi lập lại, sự cạnh tranh rất là tự do và chỉ những kẻ
có thực lực mói sống còn. Còn lý do tại sao các đại sư có cá tính
thi nhau xuất hiện thì ngoài điều kiện rất thuận tiện cho sự mở mang
như đã nói, lúc ấy, chính quyền thời Vãn Đường có phần nới lỏng sự
tập quyền vào trung ương và uy thế của giới quí tộc cũng dần dần
giảm sút.
Ngữ lục đời Đường
ngày nay không còn được truyền lại bao nhiêu mà cả những tác phẩm
được truyền lại cũng có lai lịch, xuất xứ rất mù mờ. Những ngữ lục
tiêu biểu thời ấy là Minh Châu Đại Mai Sơn Thường Thiền Sư Ngữ Lục
của Đại Mai Sơn Thường, Bàng Cư Sĩ Ngữ Lục của Bàng Uẩn, Mục Châu
Hòa Thượng Ngữ Lục của Mục Châu Đạo Tung, Trấn Châu Lâm Tế Huệ Chiếu
Thiền Sư Ngữ Lục của Lâm Tế Nghĩa Huyền, Triệu Châu Chân Tế Thiền
Châu Ngữ Lục của Triệu Châu Tùng Thẩm, Đầu Tử Hòa Thượng Ngữ Lục của
Đầu Tử Đại Đồng, Tuyết Phong Chân Giác Thiền Sư Ngữ Lục của Tuyết
Phong Nghĩa Tồn, Huyền Sa Quảng Lục của Huyền Sa Sư Bị...Ngoài ra,
tuy không mang tên là ngữ lục nhưng cuốn Cảnh Đức Truyền Đăng Lục
soạn ra vào đời Tống cũng ghi lại rất nhiều lời nói của các danh
tăng đời Đường, đã là một tập tư liệu tốt góp phần vào việc biên tập
lại các ngữ lục đời sau.
Nhân nói về
Lâm Tế Lục:
Sách ấy là ngữ lục của thiền
sư Lâm Tế Nghĩa Huyền đời Đường, do đệ tử là Tam Thánh Huệ Nhiên
biên tập. Bản hiện hành lại do người đời Tống là Viên Giác Tông Diễn
biên tập năm 1120. Nghĩa Huyền xuất thân tỉnh Sơn Đông, sau khi xuất
gia vì không thỏa mãn với việc học kinh luận nên bỏ theo Hoàng Bá Hy
Vận (năm sinh năm mất không rõ) học thiền, được đại ngộ và nhận pháp
tự của thầy. Sau đó, ông đi giảng đạo, được nhà họ Vương lừng lẫy ở
phiên trấn Hà Bắc đến xin qui y, trụ trì ở Lâm Tế Viện và thu phục
nhiều đệ tử. Sau mất ở Ngụy Phủ. Tên thụy là Huệ Chiếu Thiền Sư. Ông
phát triển thiền kiểu "đại cơ đại dụng" của Mã Tổ đến cực điểm, nhân
vì hay sử dụng tiếng quát và đòn hèo để dạy học nên thiền phong được
ví với hành động của một "đại tướng". Dòng thiền của ông rất hưng
thịnh, được biết với cái tên Lâm Tế Tông. Hiện nay, cả phân nửa dòng
thiền nói chung chịu sảnh hưởng của tông phong ông.
Lâm Tế Lục từ xưa đã được xuất
bản nhiều lần ở Trung Quốc và Nhật Bản, được tôn xưng là vua trong
làng ngữ lục. Sách chia làm 4 phần lớn: thượng đường ngữ, thị chúng,
kham biện, hành lục. Thượng đường ngữ tập trung những vấn đáp qua đó
sư răn dạy học trò, thị chúng giảng những điều căn bản bằng lời lẽ
cực kỳ khẩn thiết, tiếp đó, kham biện ghi chép những đối đáp, trao
đổi với các danh tăng như Triệu Châu và Ma Cốc, và cuối cùng là hành
lục, hồi ức quảng đời tu học, du hành truyền giáo và nhân duyên ngộ
đạo dưới trướng Hoàng Bá Hy Vận.
Vào đời Đường, ngữ lục ra đời
rất nhiều, muôn màu muôn vẻ, mỗi quyển đều thể hiện cá tính của
thiền tăng nhưng Lâm Tế Lục vẫn là quyển sách để lại nhiều ấn tượng
hơn cả. Những cách diễn tả như "nhất vô vị chân nhân", "vô ỷ đạo
nhân", "vô sự thị quí nhân", "tùy xứ tác chủ, lạp xứ giai chân",
"phùng Phật sát Phật, phùng tổ sát tổ", "giáo tam thừa thập nhị
phân, giai thị phất bất tịnh cố chỉ"...là những cách biểu hiện tuy
ngắn ngũi nhưng có ngữ khí mạnh mẻ, đi thẳng vào lòng người. Lâm Tế
Lục quả là một tượng đài trong làng thiền.
Ảnh hưởng lan rộng đến các văn nhân:
Từ khi Mã Tổ Thiền
xuất hiện thì Thiền dần dần ảnh hưởng đến xã hội, sự giao lưu giữa
các thiền tăng, văn nhân và chính trị gia trở thành thường xuyên. Có
thể lần lượt kể đến tên cư sĩ và nhà thơ nổi tiếng Quyền Đức Dư
(759-818), đã qui y với Mã Tổ Đạo Nhất và sau viết văn bia cho ông,
Lục Cắng (năm sinh năm mất không rõ) đã theo học Nam Tuyền Phổ
Nguyện, nhà văn và nhà thơ nổi tiếng Liễu Tông Nguyên (773-819),
đồng minh về mặt chính trị với Tào Khê Huệ Năng, sau lại viết văn
bia cho ông ta, nhà thơ Lưu Vũ Tích (772-842), thi nhân tiểu biểu
thời Trung Đường là Bạch Cư Dị (tức Bạch Lạc Thiên, 772-846) từng
theo học Hưng Thiện Duy Khoan, bạn của Bạch Cư Dị là Thôi Quần
(772-846) qui y với Dược Sơn Duy Nghiễm và Phù Dung Thái Dục, tể
tướng Bùi Hưu (797-870) qui y với Khuê Phong Tông Mật và Hoàng Bá Hy
Vận, tú tài Trương Chuyết (hậu bán thế kỷ thứ 9) đã quy với Quán Hưu
(tức Thiền Nguyệt Đại Sư, 832-912) và Thạch Sương Khánh Chư
(807-888) vv...Ngoài ra còn có Lý Hoa ( ? - 766), Độc Cô Cập ( ? -
777)...là những văn nhân và chính trị gia đã viết văn bia cho các
thiền tăng. Thi nhân như Đỗ Phủ cũng đem ngôn ngữ thiền vào thơ,
điều này cũng chứng tỏ rằng ảnh hưởng của Thiền đã trở nên rộng rãi.
Mặt khác về phương diện mỹ thuật thì có Hoài Tố (725- ? ) qua thảo
thư, các "dật phẩm họa gia" Vương Mặc và Trương Chí Hòa (cả hai đều
sống khoảng giữa thế kỷ thứ 8) với những bức tranh mà yếu tố tùy
hứng trong đó chứng tỏ chúng đã nhận ảnh hưởng của thiền.
Bạch Cư Dị là một
người rất sùng đạo, ông tự mình tọa thiền, trong khi đàm đạo về
chính sự với đồng liêu ở triều đình cũng bàn về Thiền. Tuy nhiên
những người như ông không chỉ giới hạn tư tưởng của mình trong phạm
vi Thiền Tông, nhiều khi họ cùng lúc ngưỡng mộ Tịnh Độ Tông hay mang
tư tưởng "tam giáo nhất trí" nữa.
Thiền trong
thơ Đỗ Phủ:
Ai cũng biết Đỗ Phủ cùng với
Lý Bạch (701-762) là hai thi nhân tiêu biểu của Trung Quốc. Lý Bạch
được gọi là "thi tiên", Đổ Phủ là "thi thánh" nhưng trong Đỗ thi có
nhiều chỗ sử dụng ngôn ngữ đặc thù của nhà thiền. Ví dụ trong bài
thơ có nhắc đến đệ thất tổ của Thiền Tông nhan đề "Chung Nhật Quì
Phủ Vịnh Hoài. Phụng Ký Trịnh Giám Lý Tân Khách Chi Phương Nhất Bách
Vận" có những câu như:
Thân hứa Song Phong Tự,
Môn cầu thất tổ thiền.
Lạc phàm truy túc tích,
Y hạt hướng chân thuyên.
Câu nổi tiếng nhất trong đó là
câu nói về "thất tổ" vì không biết ông muốn dùng để chỉ ai (vì hình
như các tổ Trung Hoa chỉ dừng ở Lục Tổ) [2].
Xưa nay có nhiều giả thuyết nhưng vẫn chưa ngã ngũ. Khác với trường
hợp của Vương Duy (701?-762) và Bạch Cư Dị, không thấy đâu ghi chép
Đỗ Phủ đã từng theo học với một thiền tăng. Dầu vậy, ta thấy nhà thơ
rõ ràng có kiến thức cơ sở về Thiền Tông, từ đó suy đoán được trong
thời đại của ông, Thiền Tông đã thẩm thấu khá sâu đến tầng lớp trí
thức.
Giao lưu
giữa Bạch Cư Dị và các thiền tăng:
Nhà thơ nổi tiếng thời Trung
Đường với hai tác phẩm bất hủ Trường Hận Ca và Tỳ Bà Hành cũng là
một tín đồ Phật giáo nhiệt tình. Lúc vãn niên, ông sống ở Hương Sơn
Tự, Long Môn và xưng hiệu là Hương Sơn Cư Sĩ. Ông giao du với hai
thiền sư học trò Mã Tổ là Phật Quang Như Mãn (giữa thế kỷ 8 và 9) và
Hưng Thiện Duy Khoan, được biết đã soạn các bài văn bia Tây Kinh
Hưng Thiện Tự Truyền Pháp Đường Bi Minh Bình Tự cho Duy Khoan và
Đường Đông Đô Phụng Quốc Tự Thiền Đức Đại Sư Chiếu Công Tháp Minh
Bình Tự cho Thần Chiếu (Tịnh Độ Tông, 776-838). Trong quyển 10 Cảnh
Đức Truyền Đăng Lục, có nhắc đến việc ông nhận pháp tự của Như Mãn,
quyển 7, chương Hưng Thiện Duy Khoan có ghi lại vấn đáp của ông với
Duy Khoan, quyển 4 chương Ô Khoa Đạo Lâm (Ngưu Đầu Tông, 741-821)
lại chép vấn đáp của ông với Đạo Lâm nữa. Tuy nhiên, vấn đáp với Đạo
Lâm rõ ràng do người đời sau bịa đặt cho nên không rõ trình độ hiểu
biết về Thiền Tông của họ Bạch thực sự ở mức độ nào.
Tình huống này được
nẩy sinh ra là vì trong thời buổi xã hội loạn lạc, các văn nhân thi
sĩ sống đời phiêu dạt thường ghé đến cửa thiền tìm nguồn an ủi,
trong đó có trường hợp Vi Ứng Vật (725?- 800?), Liễu Tôn Nguyên,
Bạch Cư Dị. Về phía giới tu hành, nhiều người trở thành thi tăng như
Hạo Nhiên (746-816) và đệ tử của ông là Linh Triệt (746-816), Quán
Hưu, Tề Kỷ (861?-938?). Thiền thủ vai trò môi giới để đưa họ đến với
nhau. Linh Triệt chơi thân với nhóm đồng chí trong Vĩnh Trinh Cách
Tân, có cả Liễu Tôn Nguyên và Lưu Vũ Tích. Hạo Nhiên giao du với
Quyền Đức Dư. Còn có nghi vấn là Linh Triệt (chữ Triệt viết với bộ
xích
徹), người viết
tựa cho Bảo Lâm Truyện và Linh Triệt ở trên (Triệt viết với chấm
thủy澈)
không biết có phải cùng một người hay không.Riêng Quán Hưu là một
họa tăng có tiếng với lối vẽ La Hán Họa, lập ra nột phong cách độc
đáo gọi là Thiền Nguyệt Dạng. Tuy nhiên lý do chính của sự liên hệ
giữa thiền tăng và văn nhân nằm ở trong lãnh vực tư trưởng.Từ khi có
Mã Tổ Thiền, thì sự ngộ đạo không có đâu xa ngoài cuộc sống bình
thường hằng ngày. Tư tưởng đó đã tạo ra một điểm tựa cần thiết và
trả lời được sự đòi hỏi của lớp sĩ đại phu tân hưng, những kẻ chỉ
mong muốn sống cuộc đời quan lại và lo chấp hành chính vụ.
Dù ảnh hưởng của
Thiền Tông lan rộng như thế, không phải là không có những người đứng
về phía đối lập và phê phán nó. Thế nhưng những người này rốt cục bị
bị Thiền Tông ảnh hưởng ngược lại. Ví dụ cây viết tản văn nổi tiếng
là Hàn Dũ (768-824), từng được biết đến như một kẻ bài xích Phật
giáo, lại chơi thân với Đại Điên Thiền Sư (Bảo Thông, 732-824). Lý
Cao (774-836), đứng vào hàng học trò của họ Hàn, được xem như kẻ
tiên khu về Tống Học (Tân Nho Học đời Tống), có trước tác Phục Tính
Thư (812), một quyển sách quan trọng bậc nhất đương thời nhưng trong
đó cũng thấy ảnh hưởng rõ rệt của tư tưởng Thiền Tông.
Lý Cao và
Phục Tính Thư:
Lý Cao người Biện Châu thuộc
tỉnh Hà Nam, tên tự là Phục Chi, thụy Văn Công. Ông làm quan, thường
đi lại giữa kinh đô và các địa phương, chức cuối cùng là Thứ Sử
Tương Châu và mất ở đó. Trứ tác có Lý Văn Công Tập 18 quyển, có viết
chung Luận Ngữ Bút Giải 2 quyển với Hàn Dũ. Ông lấy con gái người
anh họ của Hàn Dũ và cũng là học trò họ Hàn. Tuy vậy được biết từ
thưở nhỏ, ông có tìm hiểu về Phật giáo. Năm 793, nhân dịp lên kinh
đô ứng thí, theo học Lương Túc, tác giả Thiên Thai Chỉ Quán Thống Lệ
(786), một cuốn sách chuyên sâu về giáo lý tông Thiên Thai. Cả sau
khi thi đỗ vào năm 798, ông còn tìm gặp (năm 799) Thanh Lương Trừng
Quán, đệ tứ tổ của tông Hoa Nghiêm. Ông lảnh các các chức Quốc Tử
Bác Sĩ, Sử Quán Tu Soạn, Khảo Công Viên Ngoại lang rồi bị tá thiên
làm thứ sử ở Lãng Châu, nhân dịp ấy thụ giáo Dược Sơn Duy Nghiễm.
Việc quan tâm đến Phật giáo như vậy đóng vai trò không nhỏ trong
việc hình thành tư tưởng của ông. Tác phẩm Phục Tính Tập, nơi phản
ánh rõ rệt nhất tư tưởng ấy, đã căn cứ Kinh Dịch và sách Trung Dung
để thuyết lý về sự trở về với cái tính (phục tính). Tuy vậy, "phục
tính" mà ông trình bày lại hao hao giống với khái niệm "kiến tính"
của Thiền Tông, cho nên khó chối cãi ảnh hưởng của nó. Mặt khác, dù
bị Hàn Dũ phê phán là "lý luận trộn lẫn Phật Lão", Lý Cao vẫn cho
mình là nho gia và giữ lập trường chống đối Phật giáo. Do đó cũng
không thể phủ định việc ông là người tiên khu của Tống Nho đối với
đời sau.
Ngoài ra, Cảnh Đức Truyền Đăng
Lục hãy còn ghi lại lời vấn đáp giữa Lý Cao và Dược Sơn Duy Nghiễm.
Bức họa cảnh đối thoại giữa hai người (Dược Sơn Lý Cao Vấn Đáp Đồ)
đã trở thành một đề tài thường gặp trong làng họa. Ở Nanzenji (Nam
Thiền Tự) ở Kyôto hãy còn lưu trữ một bức nổi tiếng cùng đề tài do
Mã Công Vọng (thế kỷ 12) sáng tác. .
Phát triển của Thiền Tông dưới thời Ngũ Đại Thập Quốc:
Sau cuộc loạn An Sử,
vương triều nhà Đường cố gắng gượng dậy nhưng chẳng bao lâu bị nhóm
Hoàng Sào nổi lên (thời kỳ 875-884), đánh cho một đòn trí mạng. Năm
907, khi nhà Đường bị Tiết Độ Sứ Chu Toàn Trung ( 852-912, Thái Tổ
nhà Hâu Lương, tại vị 907-912) tiêu diệt, khu vực sông Hoàng Hà trở
thành địa bàn của năm triều đại (ngũ đại) thay nhau chiếm đóng (Hậu
Lương, 907-923, Hậu Đường, 923-936, Hậu Tấn, 936-946, Hậu Hán,
947-951, Hậu Chu, 951-960). Chung quanh vùng đó lại có 10 nước gọi
là thập quốc (Ngô, Ngô Việt, Mân, Sở, Nam Hán, Tiền Thục, Kinh Nam,
Hậu Thục, Nam Đường, Bắc Hán) phân chia đất đai và chống đối lẫn
nhau. Đó là thời Ngũ Đại Thập Quốc. Đa số chính quyền do tầng lớp
quân nhân nắm và vì họ không coi trọng quí tộc nên giới này lần hồi
sa sút. Thay vào đó, giới địa chủ trở thành giai cấp tân hưng.
Các vương triều ngũ
đại vì nhiều lý do trong đó có lý do tài chánh, đã tìm cách đàn áp
Phật giáo. Vì lẽ ấy, trong suốt vùng Hoa Bắc, thời ấy, không một
nhóm Thiền nào có thể phát triển rộng rãi. Cuối đời Đường, ở vùng
này có hai phái Thiền quan trọng, một là phái của Lâm Tế Nghĩa Huyền
ở Hà Bắc, một là của Hương Nghiêm Trí Nhàn ở Hà Nam. Ngoài hệ phổ
Lâm Tế, sự truyền thừa của các phái khác đều bị gián đoạn.Ngay đối
với phái Lâm Tế, sự truyền thừa pháp thống cũng chỉ nhỏ bé và giới
hạn: sau đời Tam Thánh Huệ Nhiên (hậu bán thế kỷ thứ 9) và Hưng Hóa
Tồn Tương (830-888), hai học trò của Nghĩa Huyền, thì không có ai
nổi bật. Sau Tồn Tương chỉ còn thầy trò Nam Viện Huệ Ngung (860-
khoảng 930) và Phong Huyệt Diên Chiểu (896-973) nối tiếp được pháp
thống mà thôi.
Một mặt, ở khu vực
của thập quốc, tình hình chính trị và kinh tế tương đối an định. Vua
đất Mân là Vương Thẩm Tri (Trung Ý Vương, trị vì 897-925), vua Nam
Hán là Lưu Yên (?) (trị vì 911-942), các vua Nam Đường là Lý Biện
(trị vì 937-943) và Lý Cảnh (trị vì 943-961), vua Ngô Việt là Tiền
Hoằng Thục (Trung Ý Vương, trị vì 948-978)... đều là những vị vua
dốc lòng ủng hộ Phật Giáo. Đối tượng mà họ sùng kính đặc biệt chính
là Thiền Tông, lúc ấy cực kỳ hưng thịnh (nơi mà thi tăng, họa tăng
nổi tiếng Quán Hưu đã đến gửi thân là nước Ngô Việt vậy).
Về các đại sư thiền
hoạt động mạnh mẻ trong giai đoạn này, trên đất Mân có học trò Tuyết
Phong Nghĩa Tồn là Bảo Phúc Tùng Triển (?-928), Trường Khánh Huệ
Lăng (854-932), Cổ Sơn Thần Án (862-938), ở Nam Hán có nhiều người
trong đó phải nhắc tới Vân Môn Văn Yển (864-949), ở Nam Đường có
Pháp Nhãn Văn Ích (tức Thanh Lương Văn Ích, 885-958), trong hệ phổ
Huyền Sa Sư Bị, một môn hạ của Tuyết Phong. Ngoài ra, ở Ngô Việt có
học trò của Pháp Nhãn là Thiên Thai Đức Thiều (891-972) và đệ tử của
ông là Vĩnh Minh Diên Thọ (904-975). Đặc biệt Thiên Thai Đức Thiều
đã phụng sự quốc vương Tiền Hoằng Thục (nước Ngô Việt) và có công
tìm lại ở Triều Tiên và Nhật Bản dấu vết các kinh điển bị thất lạc.
Nhờ việc ấy mà tông Thiên Thai đã phục hưng và trở lại hoạt động
mạnh vào đời Tống.
Vân Môn Văn
Yển:
Ông người Gia Hưng thuộc Chiết
Giang, vốn họ Trương. Thuở nhỏ, xuất gia học giáo luật nhưng sau
theo Mục Châu Đạo Tung và Tuyết Phong Nghĩa Tồn, cuối cùng nhận pháp
tự từ Nghĩa Tồn. Sau khi đi viếng nhiều nơi nhiều người từ Tào Sơn
Bản Tịch cho đến Triệu Châu Càn Phong (học trò Động Sơn Lương Giới,
người hậu bán thế kỷ thứ 9), ông được vua nhà Nam Hán (910-990) là
Lưu Yên (?) đang cát cứ ở Quảng Đông mời đến tu ở Linh Thọ Thiền
Viện ở Thiều Châu, sau đó mới dời sang Vân Môn Sơn. Ông tụ tập được
trên một nghìn thiền tăng đến tu hành, trong đó có những người về
sau sẽ có tiếng tăm như Hương Lâm Trừng Viễn (908-987), Động Sơn Thủ
Sơ (910-990), Đức Sơn Duyên Mật (người sống giữa thế kỷ thứ 10),
Song Tuyền Nhân Úc (cũng sống giữa thế kỷ thứ 10). Ông đã thành hình
môn phái Vân Môn, một tông phái lừng lẫy giai đoạn cuối thời Ngũ Đại
bước qua đầu đời Tống. Ông được tứ hiệu Khuông Chân Đại Sư. Ngữ lục
có Vân Môn Khuông Chân Đại Sư Quảng Lục.
Pháp Nhãn
Văn Ích:
Ông cũng là người Chiết Giang
nhưng xuất thân từ Dư Hàng, họ Lỗ. Bảy tuổi đã đi tu, sau khi cụ
giới, thờ Trường Khánh Huệ Lăng và La Hán Quế Sâm (học trò Huyền Sa
Sư Bị, 867-928) làm thầy sau nhận pháp tự của Quế Sâm. Ông được
hoàng đế họ Lý của nhà Nam Đường (937-975), cát cứ một bộ phận lớn
vùng Giang Nam, mời về báo ân thiền viện [3]
là Thanh Lương Viện ở Kim Lăng thuộc tỉnh Giang Tô tu hành và bố
giáo. Tên thụy là Đại Pháp Nhãn Thiền Sư. Đệ tử của ông có nhiều
nhưng đáng kể nhất là Thiên Thai Đức Thiều và Vĩnh Minh Đạo Tiềm. Về
sau, học trò đàn cháu tụ họp thành Pháp Nhãn Tông. Trước tác có Tông
Môn Thập Quy Luận, điểm xuất phát của khái niệm "ngũ gia" [4]
rất nổi tiếng.
Lúc đó môn đệ Động
Sơn Lương Giới (về sau sẽ mở ra Tông Tào Động) đã triển khai hoạt
động của họ ở vùng Kinh Nam và Nam Đường. Tuy họ đông đảo nhưng nhìn
chung, Tào Sơn Bản Tịch và đệ tử là Tào Sơn Huệ Hà (người tiền bán
thế kỷ thứ 10), học trò Vân Cư Đạo Ưng là Đồng An Đạo Phi (người
tiền bán thế kỷ thứ 10), học trò Sơ Sơn Khuông Nhân là Hộ Quốc Thủ
Trừng (người tiền bán thế kỷ thứ 10), học trò Thanh Lâm Sư Kiên và
người được Sở Vương kính trọng là Thạch Môn Hiến Uẩn ( cũng là người
tiền bán thế kỷ thứ 10) ...đều không có hoạt động nào đáng kể. Về
phái Quy Ngưỡng tức hệ phái của thầy trò Quy Sơn Linh Hựu - Ngưỡng
Sơn Huệ Tịch, họ cũng lấy Kinh Nam và Nam Đường làm địa bàn hoạt
động nhưng sau đời hai đệ tử của Huệ Tịch là Nam Tháp Quang Dũng
(850-938) và Tây Tháp Quang Mục (thế kỷ 9-10), đệ tử của Quang Dũng
là Ba Tiêu Huệ Thanh (người tiền bán thế kỷ thứ 10) và đệ tử của
Quang Tháp là Tư Phúc Như Bảo (người tiền bán thế ký thứ 10) thì
cũng dần dần suy thoái và lùi vào bóng tối.
Trong thời kỳ này
các ngữ lục như Cổ Sơn Tiên Hưng Thánh Quốc Sư Hòa Thượng Pháp Đường
Huyền Yếu Quảng Tập của Thần Án, Vân Môn Khuông Chân Thiền Sư Quảng
Lục của Vân Môn đã được biên tập. Đáng chú ý nhất vẫn là Tông Kính
Lục (961) và Vạn Thiện Đồng Quy Tập và nhiều tác phẩm khác của Vĩnh
Minh Diên Thọ bởi vì tư tưởng "Giáo Thiền nhất trí" và "Thiền Tịnh
song tu" được cổ xúy trong đó sẽ có ảnh hưởng lâu dài và to lớn đến
hậu thế. Ngoài ra, còn phải ghi nhận đặc biệt giá trị của Tổ Đường
Tập (952), quyển lịch sử Thiền Tông thừa kế truyền thống của Bảo Lâm
Truyện đi trước nó. Thế nhưng việc sắp xếp tên tuổi Thanh Nguyên
Hành Tư và môn đệ đứng trước Nam Nhạc Hoài Nhượng và môn đệ, chứng
tỏ tác giả của nó là người đứng trên lập trường của hệ phái Tuyết
Phong Nghĩa Tồn [5].
Vĩnh Minh
Diên Thọ, cuộc đời và tác phẩm:
Ông người Dư Hàng thuộc tỉnh
Chiết Giang, họ Vương. Lúc đầu làm nha dịch ở nước Ngô Việt, năm 28
tuổi theo học Thúy Nham Lệnh Tham (đệ tử của Tuyết Phong và sống
khoảng thế kỷ 9-10). Sau đó thờ Thiên Thai Đức Thiều làm thầy và
nhận pháp tự từ ông. Ông trụ trì ở nhiều chùa như Tuyết Đậu Sơn Tư
Thánh Tự, Linh Ẩn Tự, sau về sống 15 năm ở Vĩnh Minh Tự, đào tạo đến
trên dưới 1700 đệ tử. Danh tiếng vang xa đến nổi vua Quang Tôn (tại
vị 950-975) nước Cao Lệ ngưỡng mộ công đức, đã cử 36 tăng lữ đến xin
tu học. Đầu đời Tống, sau khi làm các lễ độ tăng, thụ giới và phóng
sinh ở Thiên Thai Sơn, nhập diệt lúc 72 tuổi. Thụy hiệu là Trí Giác
Thiền Sư. Ông để lại nhiều tác phẩm như Vạn Thiện Đồng Quy Tập, Huệ
Nhật Vĩnh Minh Tự Trí Giác Thiền Sư Tự Hành Lục, Duy Tâm Quyết...Dù
sao, quan trọng nhất vẫn là Tông Kính Lục (961). Quyển sách này là
một tập lý luận về "Tâm Tông" mà ông chủ trương, sau khi kết hợp các
trào lưu tư tưởng Phật giáo như Duy Thức, Hoa Nghiêm, Thiên Thai qua
những cuộc chất nghi với các vị học giả đương thời. Đây là lần đầu
tiên có một văn bản tầm cỡ (gồm cả 100 quyển) giảng về học thuyết
của mình đồng thời trích dẫn mọi tư tưởng chủ yếu từ Thiền Tông cho
đến các môn phái Phật giáo khác. Vạn Tượng Đồng Qui Tập như thế rõ
ràng có mục đích lập ra một thứ Phật giáo tổng hợp và đó là lập
trường cơ bản của Diên Thọ. Do đó, về sau khi chủ trương Giáo Thiền
nhất trí, Thiền Tịnh song tu đã nổi tiếng, người ta đã có lý khi đề
cao vai trò của Diên Thọ vì tư tưởng ấy từng có sẳn ở đây rồi. Hơn
nữa, vốn là người bảo vệ lối suy nghĩ này, Diên Thọ đương nhiên
không hề loại bỏ Tịnh Độ Tông (Diên Thọ còn có tác phẩm nhan đề Thần
Thê An Dưỡng Phú), do đó, đời sau còn tôn xưng ông là Liên Tông [6]
Đệ Thất Tổ nữa.
Chuyển tiếp từ Ngũ Đại Thập Quốc sang Tống sơ:
Vai trò tiếp nối
thiền đời Đường sang thiền đời Tống của giai đoạn Ngũ Đại Thập Quốc
rất quan trọng. Tuy nhiên cần nhớ rằng trong quá trình đó, tư tưởng
Thiền Tông đã biến dạng rất nhiều, nói gọn trong một tiếng, nó nhỏ
hẹp và thấp kém (ti tiểu hóa) hẳn.
Vào đời Đường, việc
đi lại giữa các thiền tăng khá dễ dàng, sự liên lạc với các người đỡ
đầu ở bên ngoài cũng thế. Đến thời Ngũ Đại Thập Quốc, vì sự phân
chia ranh giới, mọi giao lưu dĩ nhiên phải khó đi. Cơ hội trao đổi,
thảo luận giữa các thiền sư có cá tính cũng giảm bớt, mà cho dù thực
hiện được, những cuộc vấn đáp với nội dung hấp dẫn và độc sáng như
xưa cũng không nhiều. Thay vào đó, những cuộc đối đáp giả tạo nghĩa
là dùng lời nói của mình vờ gán cho người khác (gọi là đại ngữ = nói
thay) mới trở thành quan trọng, trong đó lại có những chỗ làm như
đang đối đáp với người xưa nên có khuynh hướng hoài cổ nặng nề.
Việc đất nước bị
chia cắt ra thành nhiều mảnh nhỏ còn ảnh hưởng đến Thiền ở nhiều
lãnh vực khác. Trước tiên, mối liên hệ giữa các thiền tăng đối với
bậc chủ quân nơi họ trú ngụ trở thành hết sức quan trọng bởi vì họ
cần nương tựa nhà cầm quyền nhiều hơn. Từ thế kỷ thứ 9 trở đi, trong
khi thẩm thấu vào xã hội, Thiền càng ngày càng phải trông cậy vào
các đàn việt. Đến thời Ngũ Đại Thập Quốc, yếu tố tùy thuộc này trở
nên có tính quyết định. Hơn nữa, nhìn vào bản đồ toàn cõi Trung
Quốc, ta thấy các nước chỉ tụ tập ở trong một vùng đất tương đối hẹp
cho nên chuyện một phái thiền tập trung ở một địa vực và hoàn toàn
dựa vào sự bảo trợ của quốc vương sở tại cũng là chuyện dễ hiểu. Ví
dụ các vua họ Tiền của nước Ngô Việt bảo trợ Vĩnh Minh Đạo Tiềm (? -
961), Thiên Thai Đức Thiều, cũng như những tăng sĩ như Vĩnh Minh
Diên Thọ thuộc tông Pháp Nhãn là một trường hợp tiêu biểu. .
Ngày xưa trong thiền
viện, pháp đường tức nơi trụ trì đứng ra thuyết pháp là chỗ quan
trọng hơn cả. Đó là một đặc điểm của chùa thiền. Về sau, từ Đường
mạt bước qua Ngũ Đại, phật điện chứ không phải pháp đường mới là nơi
quan trọng nhất. Như thế, tùng lâm bắt đầu thiên trọng nghi thức để
thỏa mãn nhu cầu của đàn việt muốn đến cúng tế cầu xin. Nghi thức
"thánh chúc" (hành lễ theo nhu cầu của triều đình) có từ đời Tống về
sau chắc đã bắt đầu từ thời này.
Thế rồi, trong bối
cảnh như thế, mỗi tự viện hầu như trở thành ra căn cứ của một môn
phái. Ví dụ sau khi Động Sơn đã thành chỗ Lương Giới khai sơn (mở
chùa) thì đời thứ hai Đạo Toàn (Trung Động Sơn, ? - 894), đời thứ ba
Sư Kiên (? -904), đời thứ 4 Đạo Diên (? - 922), đời thứ năm Huệ Mẫn
(? -948) cứ kế tiếp nhau tu ở đó. Đạo Toàn và Sư Kiên đều là đệ tử
của Lương Giới, Đạo Diên là học trò của Tào Sơn Bản Tịch, Huệ Mẫn
lại là học trò của Đạo Diên. Môn phái đời đời giữ cố địa Động Sơn mà
tông tổ Lương Giới đã khai khẩn (có điều đến đời Tống, tông Vân Môn
hưng thịnh nên đã chiếm cứ chỗ này).
Khuynh hướng đó đã
làm nổi bật ra ý thức về môn phái (pháp hệ) trước đó trong vòng
Thiền Tông ít ai để ý. Trong giai đoạn này, các loại tài liệu có tên
là "gia khúc" hay "tông phong" dần dần được đem ra dùng trong các
cuộc vấn đáp (lúc khai đường tức mở đầu buổi giảng, thường thấy các
tăng đặt câu hỏi: Thầy xướng gia khúc của ai, thừa kế tông phong của
ai đấy ? vv...) [7].
Điều này chứng tỏ ý thức về pháp hệ, về tông môn đã lên cao. Tuy
nhiên, chứng cứ mới mẽ nhất liên quan đến sự ý thức đó có lẽ là văn
kiện gọi là "tự thư" (nôm na gọi là giấy phép cho nối nghiệp) hay
"ấn khả trạng" (chứng chỉ có đủ trình độ) do các sư phụ thảo ra. Ít
nhất là nơi tông Vân Môn, người ta có nói nhiều về hình thức truyền
thừa bằng "tự thư" này.
Vào đời Đường, chưa
có sự gắn bó chặt chẽ giữa thầy trò. Các người tu hành thường đi
tham học khắp nơi, nhờ sự giúp đỡ của nhiều vì thầy mà tiến bộ về
đạo. Trường hợp nhận ấn khả rồi mà vẫn tiếp tục đi chỗ khác tham học
không thiếu gì. Giữa thầy và trò, ý thức về sư đệ có khi không cùng
chung một cường độ. Thế nhưng khi biên tập một bộ sử Thiền Tông như
Tổ Đường Tập, người ta lại thấy cần phải liên kết một tăng sĩ với
một vị thầy nào đó và bỏ qua những vị thầy khác. Sự bất đồng quan
điểm trong nhận thức này thường gây ra vấn đề lớn. Có lẽ "tự thư" có
hiệu lực để phòng ngừa những chuyện như vậy xảy ra. Tuy nhiên đệ tử
của Vân Môn là Ba Tiêu Cảnh Giám (sống giữa thế kỷ thứ 10) mà còn
chưa viết ra "tự thư" cho nên có thể nghĩ rằng vào thời Ngũ Đại Thập
Quốc, việc chế tác "tự thư" hãy còn chưa phổ biến bằng dưới đời
Tống.
Cùng với tự thư và
đăng sử, quan hệ sư đệ càng ngày càng rõ nét. Có thể nói rằng các
thiền tăng từ đó bắt buộc phải có ý thức về pháp hệ. Rồi với sự nâng
cao ý thức về pháp hệ như vậy, người ta bắt đầu kiểm kê xem những
pháp hệ nào là có ảnh hưởng lớn nhất trong Thiền Tông. "Ngũ gia" mà
Pháp Nhãn Văn Ích nhắc đến ở đầu sách Tông Môn Thập Qui Luận chính
là bọn họ vậy.Ngũ gia nghĩa là Quy Sơn Tông, Lâm Tế Tông, Tào Động
Tông, Vân Môn Tông và Pháp Nhãn Tông. Pháp Nhãn đưa tên 5 nhà này,
hình như chỉ là một sự ngẫu nhiên liên quan đến địa lý hơn là đến
việc đánh giá tầm quan trọng nhưng nó vẫn là tiền đề cho ý thức phân
biệt các tông môn.
Hệ phổ
Thiền Tông (3)
Phái Mã
Tổ:
Dòng
Bách Trượng Hoài Hải:
Nguồn
gốc tông Lâm Tế:
1 Mã Tổ Đạo Nhất -> 2 Bách
Trượng Hoài Hải -> 3 Hoàng Bá Hy Vận -> 4 Bùi Hưu, đồng 4 Lầm Tế
Nghĩa Huyền -> 5 Hưng Hóa Tồn Tương -> 6 Nam Viện Huệ Ngung -> 7
Phong Huyệt Diên Chiểu (Lâm Tế Tông). Đồng 4 Mục Châu Đạo
Tung. Đồng 5 Ngụy Phủ Đại Giác, 5 Tam Thánh Huệ Nhiên.
Nguồn gốc
tông Quy Ngưỡng:
1 Mã Tổ Đạo Nhất ->
2 Bách Trượng Hoài Hải -> Đồng 3 Phúc Châu Đại An, đồng
3 Quy Sơn Linh Hựu -> 4 Ngưỡng Sơn Huệ Tịch -> 5 Tây
Tháp Quang Mục -> 6 Tư Phúc Như Bảo (Quy Ngưỡng Tông).
Đồng 5 Nam Tháp Quang Dũng -> 6 Ba Tiêu Huệ Thanh
(Quy Ngưỡng Tông). Đồng 4 Linh Vân Chí Cần, đồng 4 Hương Nghiêm
Trí Nhàn.
Các dòng
khác:
1 Mã Tổ Đạo Nhất ->
2 Tây Đường Trí Tạng, đồng 2 Đại Châu Huệ Hải, 2 Chương Kính Hoài
Huy, 2 Phục Ngưu Tự Tại, 2 Ngũ Duệ Linh Mặc, 2 Đại Mai Pháp Thường,
2 Diêm Quan Tế An -> 3 Nghĩa Không (sang Nhật di trú).
Đồng 2 Quy Tông Trí Thường, 2 Phật Quang Như Mãn -> 3
Thi sĩ Bạch Cư Dị. Đồng 2 Nga Hồ Đại Nghĩa, 2 Bàn Sơn Bảo Tích -> 3
Trấn Châu Phổ Hóa. Đồng 2 Ma Cốc Bảo Triệt, 2 Đông Tự Như Hội, 2
Phần Châu Vô Nghiệp, 2 Phù Dung Thái Dục, 2 Hưng Thiện Duy Khoan, 2
Nam Tuyền Phổ Nguyện -> 3 Tử Hồ Lợi Tung, 3 Trường Sa
Cảnh Sầm, 3 Triệu Châu Tùng Thẩm -> 4 Quang Hiếu Huệ
Giác, đồng 3 Đại phu Lục Cắng. Đồng 2 Cư sĩ Bàng Uẩn.
Phái
Thạch Đầu:
Nguồn gốc
tông Tào Động:
1 Thạch Đầu Hy Thiên ->
2 Dược Sơn Duy Nghiễm -> 3 Vân Nham Đàm Thạnhà 4 Động Sơn Lương Giới
-> 5 Vân Cư Đạo Ưng -> 6 Đồng An Đạo Phi (Tào Động Tông).
Đồng 5 Long Nha Cư Tuần, 5 Tào
Sơn Bản Tịch -> 6 Tào Sơn Huệ Hà, 6 Lộc Môn Xử Chân. Đồng 5 Sơ Sơn
Khuông Nhân -> 6 Hộ Quốc Thủ Trừng. Đồng 5 Thanh Lâm Sư Kiên ->
Thạch Môn Hiến Uẩn.
Đồng 3 Đạo Ngô Viên Tríà 4
Thạch Sương Khánh Chư -> 5 Cửu Phong Đạo Kiền, 5 Tú tài Trương
Chuyết.
Đồng 2 Đan Hà Thiên Nhiên -> 3
Thúy Vi Vô Học -> 4 Đầu Tử Đại Đồng.
Đồng 2 Thiên Hoàng Đạo Ngộ -> 3
Long Đàm Sùng Tín -> 4 Đức Sơn Tuyên Giámà 5 Nham Đầu Toàn Hoát -> 6
La Sơn Đạo Nhàn. Đồng 5 Cảm Đàm Tư Quốc.
Nguồn gốc
tông Vân Môn:
Đồng 5 Tuyết Phong Nghĩa Tồn
-> 6 Bảo Phúc Tùng Triển -> 7 Chiêu Khánh Tỉnh Đăng (?). Đồng 6
Trường Khánh Huệ Lăng, 6 Vân Môn Văn Yển (Vân Môn Tông), 6 Cổ
Sơn Thần Án.
Nguồn gốc
tông Pháp Nhãn:
Đồng 6 Huyền Sa Sư Bị -> 7 La
Hán Quế Sâmà 8 Pháp Nhãn Văn Ích -> 9 Quy Tông Nghĩa Nhu, 9 Thanh
Lương Thái Khâmà 10 Vân Cư Đạo Tế -> 11 Linh Ẩn Văn Thắng. Đồng 9
Thiên Thai Đức Thiều -> 10 Vĩnh Minh Diên Thọ (Pháp Nhãn Tông).
Đồng 9 Sùng Thọ Khế Trù -> 10
Thiên Đồng Tử Ngưng.
Địa lý
Thiền Tông (từ Bắc xuống Nam)
a) Bắc
Hoàng Hà:
Trấn Châu (Lâm Tế Viện, Tam
Thánh Viện), Triệu Châu Quan Âm Viện, Lạc Dương Báo Quốc Tự (Thần
Chiếu trụ trì), Ma Cốc Sơn, Ngụy Châu Hưng Hóa Viện.
b) Bắc
Trường Giang, nam Hoàng Hà:
Trường An (Chương Kính Tự,
Hưng Thiện Tự, Phong Huyệt Sơn, Phục Ngưu Sơn, Đan Hà Sơn, Bạch Nhai
Sơn Hương Nghiêm Tự, Đầu Tử Sơn, Hạc Lâm Sơn Hạc Lâm Tự, Thiên Hoàng
Tự, Tùy Châu Song Tuyền Tự.
c) Nam
Trường Giang:
Kim Lăng Thanh Lương Tự (Văn
Ích trụ trì), Phù Dung Sơn, Ngưu Đầu Sơn, Đức Sơn, Dược Sơn, Nam
Tuyền Sơn, Diêm Quan, Đại Mai Sơn, Việt Châu (Huệ Hải trụ trì), Ngũ
Duệ Sơn, Thiên Thai Sơn, Quy Sơn, Sơ Sơn, Tào Sơn, Chung Lăng Khai
Nguyên Tự, Tuyết Phong Sơn, Nam Nhạc, Thanh Nguyên Sơn, Thạch Cổ
Sơn, Đàm Châu Đông Tự, Cổ Sơn, Phúc Châu (Huyền Sa Viện, Trường
Khánh Viện), Cung Công Sơn (Trí Tạng trụ trì), Bảo Phúc Sơn, Tuyền
Châu Chiêu Khánh Viện, Vân Môn Sơn, Tào Khê Sơn.
[1] - Thiền pháp vi diệu cực kỳ thực tiễn, được vận dụng
để truyền trao cùng tiếp nhận (TDDTNTT, Thông Thiền).
[2] - Phải chăng ông muốn nói đến Hà Trạch Thần Hội
(LND)?
[3] - Thường là thiền viện do một vị hoàng đế dựng lên để
tưởng nhớ công ơn cha mẹ mình.
[4] - Ám chỉ 5 phái thiền Nam Tông: Lâm Tế, Tào Động, Quy
Ngưỡng, Vân Môn và Pháp Nhãn. Họ có tông phong đặc sắc riêng nhưng
chỉ quy thì giống nhau. (TDDTT, Thông Thiền).
[5] - Tuyết Phong là học trò Đức Sơn Tuyên Giám, trực hệ
từ Thanh Nguyên Hành Tư. Nam Nhạc Hoài Nhượng với Thanh Nguyên cả
hai đều là học trò của Tào Khê Huệ Năng và nói về tầm quan trọng thì
Nam Nhạc có thể lớn hơn vì ông ta là thầy của một nhân vật quan
trọng, Mã Tổ Đạo Nhất.
[6] - Một tên khác của Tịnh Độ Tông.
[7] - Xem đoạn đầu trong Đối Trị Căn Cơ của Lâm Tế Ngữ
Lục do thiền sư Nhất Hạnh dịch, đăng trên mạng Thư Viện Hoa Sen.