Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Đại sư Tông Khách Ba (1357-1419)
Thích Hằng Đạt

Chương VI
Phái Hoàng Giáo (Gelugpa, Cách Lỗ) Hoằng Pháp Khắp Nơi

Trên thế gian, dẫu là tôn giáo, y thuật, hoặc sự nghiệp, chẳng phải chỉ do công sức của vị sáng lập ra, mà các đồ đệ của vị đó cũng phải tiếp tục kế thừa không dừng, thì mới được lưu truyền rộng rãi.

Nhờ công sức, trí huệ, và oai đức của Đại Sư mà nền Phật giáo Tây Tạng được chấn hưng. Giáo nghĩa mà Đại Sư hoằng dương, hoàn toàn xuất phát từ ba tạng giáo điển và yếu chỉ căn bản của Bồ Tát Long Thọ, Vô Trước, cùng các đại luận sư ở Ấn Độ và Tây Tạng. Đại Sư dùng ba loại giới luật (1) làm căn bản để hành trì và hoằng pháp. Lại nữa, nhờ việc tu trì theo thứ lớp, nên Đại Sư định đặt được sự truyền thừa lâu dài.

Sở dĩ giáo pháp của Đại Sư được thâm nhập vào nhân tâm thuở bấy giờ, và được truyền thừa hơn sáu trăm năm, cùng được lưu truyền khắp nơi trên thế giới vào hiện thời, tất cả đều nhờ công lao tinh tấn tu hành và hoằng bá của đồ chúng cùng chư đệ tử của Đại Sư trong bao đời.

Chư đại đức hoằng truyền giáo pháp đó, đều đã quán triệt hiểu rõ tinh thần giáo nghĩa của Đại Sư. Họ biết rõ rằng nền tảng căn bản của mọi công đức đều y nơi giới luật. Vì vậy, họ đều dùng giới luật thanh tịnh làm nền tảng căn bản cho sự hành trì. Nơi kinh luận, không chấp vào một bên hay những phần tiểu tiết. Nơi toàn bộ kinh điển Hiển-Mật giáo, do lực văn và tư, đoạn trừ những vọng chấp tăng ích và tổn hoại. Sau khi tiếp thọ giáo lý xong, đều y theo pháp mà tu hành; hiểu rõ tất cả lời dạy của chư thánh, không làm trái ngược chút nào; nơi các chi phần Bổ Trì Ca La thành Phật cùng các trợ duyên đều thọ trì viên mãn, chân thật tu hành. Thường trụ nơi chánh tri chánh niệm, tu tập tâm xuất ly, tâm Bồ Đề, đạt chánh tri kiến; nương nơi Bổn Tôn chính và hoàn toàn y theo lời dạy của bốn bộ mật kinh. Dùng phương tiện thần thông chỉ vì muốn hoằng pháp lợi sanh. Những vị đại đức đó, tiếp nối thừa thọ giáo pháp Hiển-Mật dung thông của Đại Sư. Đó là đặc điểm riêng biệt của giáo phái Hoàng Giáo.

Đồ chúng của Đại Sư đa số đều là những vị quán thông ba tạng giáo điển, hành suốt ba môn học vô lậu, chuyên tu đạo của ba thừa, y theo thứ lớp sanh khởi viên mãn. Trong số đó, những vị đa văn xuất sắc nhất và thành tựu sự nghiệp hoằng dương Phật pháp tột bậc nhất là Đạt Mã Nhân Cần, Khắc Chủ Kiệt, Trát Ba Kiên Tham, Ráng Dương Kiếp Kiết, Ráng Khâm Kiếp Kiết (Đại Từ Pháp Vương), La Truy Tăng Cách (Huệ Sư Tử), Căn Đôn Chủ Ba, v.v... Đạt Mã Nhân Cần và Khắc Chủ Kiệt kế tiếp trụ trì chùa Cách Đăng, thừa thọ ngôi pháp vị của Đại Sư, định đặt nền tảng căn bản cho phái Hoàng Giáo, nên có công lớn lao đối với sự hoằng truyền giáo nghĩa của Đại Sư (Hoàng Giáo). Người sau xưng tụng Đại Sư, Đạt Mã Nhân Cần, Khắc Chủ Kiệt là "Sư Đồ Tam Tôn (ba vị thầy trò)".

A. Sự truyền thừa của chùa Cách Đăng (Ganden).

Chùa Cách Đăng là đạo tràng hoằng pháp chính yếu của Đại Sư. Do đó, trụ trì ngôi chùa này, tức là làm vị pháp vương của phái Hoàng Giáo. Danh xưng trụ trì chùa Cách Đăng vốn là Cách Đăng Trì Ba. Lúc vị trụ trì đi vắng thì có người thay thế giảng thuyết, lên đàn dâng hương. Lúc ra ngoài, vị trụ trì được người cầm dù màu vàng để che. Tại Tây Tạng, trừ Đạt Lai Lạt Ma, Ban Thiền Lạt Ma, cùng Tát Ca Pháp Vương, chỉ riêng chùa Cách Đăng là có gia phong như thế. Ngôi pháp tòa trong chùa, do pháp vương Diêm La dùng tay nâng đỡ; người chưa chân thật thành tựu thì không có cách nào lên ngồi được.

Trụ trì thứ nhất của chùa Cách Đăng là Đạt Mã Nhân Cần. Đạt Mã Nhân Cần (Gyaltsab Dharma Rinchen, 1364-1432) lúc đầu xuất gia theo phái Tát Ca, và thân cận các thiện tri thức như ngài Nhân Đạt Ngõa, v.v... để tu học kinh luận. Thầy là một trong số đại đệ tử của ngài Nhân Đạt Ngõa, và là vị biện luận tài giỏi nhất.

Về sau, Đạt Mã Nhân Cần đến Tiền Tạng, đi chu du khắp các đại tùng lâm, và y theo mười bộ đại luận để lập tông đáp biện. Lúc đầu, nghe qua danh đức của Đại Sư, Thầy không màng để ý đến. Vào mùa hạ năm 1397, nghe Đại Sư đang an cư tại chùa Nhiêu Chủng (Rob-grong) ở Niếp Địa, Thầy bèn tìm đến để biện luận pháp nghĩa. Thầy vừa đến đó thì gặp lúc Đại Sư đang giảng kinh. Vì muốn gấp gáp thách thức biện luận, nên Thầy hùng hổ xông thẳng vào giảng đường. Thấy hành động ngông cuồng này, Đại Sư bèn ngưng giảng, và nhượng cho pháp tòa tối cao, lại ngồi trên một chiếc ghế thấp hơn, rồi tiếp tục giảng kinh. Đạt Mã Nhân Cần như đi vào chốn không người, tự thị bước lên ngồi trên pháp tòa cao. Bấy giờ, lắng nghe những lời pháp nghĩa thâm sâu của Đại Sư, Đạt Mã Nhân Cần từ từ cảm thấy từng câu từng chữ đều nhập vào tâm tạng, mà xưa kia chưa ai có thể khai mở những kiến giải đó cho Thầy. Vì vậy, Thầy bất chợt phát khởi tín tâm vô hạn đối với Đại Sư, mà mở mũ ra, bước xuống tòa lễ bái, rồi ngồi vào hàng thính chúng, cung kính nghe giảng giải. Về sau, Thầy phát nguyện vĩnh viễn làm đệ tử thân cận Đại Sư.

Trong suốt mười hai năm, Đạt Mã Nhân Cần theo Đại Sư học tập tất cả pháp nghĩa Hiển-Mật, và là đệ tử thượng thủ trong tăng chúng. Sau khi Đại Sư viên tịch, Thầy tiếp thừa pháp vị, nên mọi người đều tôn xưng là "Cổ Tào Kiệt, Đạt Mã Nhân Cần" (1).

Lúc sắp viên tịch, Đại Sư ban truyền mật ý và chiếc mũ màu vàng cho Thầy. Sau khi Đại Sư viên tịch, do trì luật Trát Ba Kiên Tham và chư thiện tri thức ân cần khẩn thỉnh thêm một lần nữa, Thầy mới chấp thuận ở lại trụ trì chùa Cách Đăng, kế thừa pháp tọa của Đại Sư. Vừa kế thừa mạch pháp, Thầy vẫn tôn chiếu theo pháp thức của Đại Sư, tức là lấy giới luật làm căn bản, và hoằng truyền Tập Lượng Luận, Câu Xá Luận, Thích Lượng Luận, Hiện Quán Trang Nghiêm Luận, Nhập Trung Luận, v.v... Tất cả mọi kiến giải đặc thù của Đại Sư, Thầy đều tận lực hoằng dương. Trong mười ba năm ngồi trên pháp tòa, Thầy là người được các đệ tử của Đại Sư tôn kính như bậc tôn sư; mỗi khi có những nghi vấn nào về giáo nghĩa, họ đều đến thỉnh hỏi nơi Thầy.

Khắc Chủ Kiệt tiếp nối Đạt Mã Nhân Cần trụ trì chùa Cách Đăng. Khắc Chủ Kiệt (Losang Chokyi Gyelten) vốn tên là Cách Lôi Bạt Tang (Chogyel Pelden Sangpo, 1385-1438) là vị Ban Thiền Lạt Ma đời thứ nhất. Vị này đầu tiên xuất gia theo phái Tát Ca, và thường thân cận ngài Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa cùng đại A Xà Lê Đạt Mã Nhân Cần; vị này thường dùng mười bộ luận lớn để lập tông.

Mùa xuân năm 1407, lúc Đại Sư đến chùa Sắc Nhạ Kiếp Đảnh (2), Khắc Chủ Kiệt mang lá thơ giới thiệu của ngài Kết Tôn Nhân Đạt Ngõa đến tham bái.

Đêm trước đó, Khắc Chủ Kiệt mộng thấy đang đi lạc lối; bốn bề hoàn toàn u tối, nên tâm sanh sợ hãi vô vàn, mà không biết phải đi về hướng nào. Bấy giờ, bỗng nhiên ở phía đông xuất hiện một luồng hào quang. Trong ánh hào quang có cả trăm lưỡi kiếm sắc bén bao thành một vòng kiếm sắt. Các đuôi kiếm đều hướng vào vòng trong, và các lưỡi kiếm đều hướng ra ngoài. Mỗi thanh kiếm được trang sức bằng cả trăm vầng mặt trời. Trong vòng kiếm sắt, có một mạng lưới chiếu tỏa năm màu sắc rực rỡ. Trong ánh hào quang có Bồ Tát Văn Thù thân màu vàng hồng với tướng hảo thanh tịnh oai nghiêm thù diệu, như đồng tử mười sáu tuổi, và đang ngồi xếp bằng. Thân của Bồ Tát được trang nghiêm bằng vô lượng trân báu. Tay phải cầm một thanh kiếm; tay trái cầm một cành hoa Ô Ba Lạp. Kế bên cành hoa có một cái tráp và một tấm kiếng trí huệ. Thấy Khắc Chủ Kiệt, Bồ Tát nở một nụ cười từ bi, rồi từ từ bay tới, nhập vào thân của Khắc Chủ Kiệt. Bấy giờ, những vầng mặt trời trên các thanh kiếm bỗng nhiên phóng ra các luồng hào quang tỏa sáng cả muôn trượng, khiến cho tất cả cảnh tối tăm u ám đều tan mất. Các luồng hào quang chiếu khắp mười phương thế giới, bao trùm cả vũ trụ (3).

Hôm sau, vừa yết kiến Đại Sư, Khắc Chủ Kiệt bèn sanh khởi thâm tâm kính tín, rồi đưa ra những vấn đề khó khăn nhất trong rất nhiều bộ luận, cùng nói rõ về kiến giải của mình; đối với những việc chưa có thể tự giải quyết, Khắc Chủ Kiệt cũng ân cần chí thành thỉnh vấn. Đại Sư cũng hoan hỶ, giải đáp hết tất cả những vấn nạn, rồi hỏi:

- Làm sao ông đắc được những kiến giải và tìm thấy những vấn đề khó khăn như thế?

Khắc Chủ Kiệt thưa:

- Con vốn tu học rất nhiều thánh giáo, rộng cầu đa văn, cùng ân cần khẩn thỉnh chư tôn sư, Bổn Tôn, nên mới được trí huệ như vầy!

Đại Sư gật đầu tán thán:

- Đúng vậy! Đúng vậy! Ta cũng đắc được lợi ích như thế. Ta vừa được Bổn Tôn ban truyền giáo thọ tối thắng, nay sẽ truyền lại cho ông.

Nghe qua những lời giáo huấn của Đại Sư xong, Khắc Chủ Kiệt bèn thuật lại điềm mộng tối hôm trước. Đại Sư bảo:

- Gặp được tôn sư cũng giống như yết kiến Bổn Tôn. Đây là điều thật quý hóa. Điềm mộng này đủ chứng minh rằng ông là bậc thượng căn tu học Mật pháp, vậy hãy nên vui mừng!

Đại Sư lại bảo tiếp:

- Người có túc duyên thâm hậu, cùng đầy đủ tâm thâm tín, thì mới đạt đến cảnh giới này. Nếu là người khác, khó mà cảm mộng lành được. Điềm mộng này, biểu thị rằng trong tương lai, ông sẽ hoằng dương chánh pháp rộng khắp; dùng trí huệ vô cấu nhiễm mà tiêu trừ ngu si mê ám cho chúng sanh, khiến họ an nhiên vượt khỏi biển khổ sanh tử.

Hôm đó, Đại Sư truyền trao pháp quán đảnh cho Khắc Chủ Kiệt. Từ đó, Khắc Chủ Kiệt chuyên nương vào Bổn Tôn bất cộng.

Dẫu chỉ mới gặp lần đầu, Khắc Chủ Kiệt thật sự là pháp tử ưu ái nhất trong tâm của Đại Sư. Sau khi Đại Sư viên tịch, Thầy trở về Hậu Tạng hoằng dương giáo nghĩa Hiển-Mật của Đại Sư. Vài năm sau, Đạt Mã Nhân Cần thỉnh mời Thầy trở về chùa Cách Đăng, kế thừa pháp vị. Trong tám năm trụ trì, Khắc Chủ Kiệt cũng y theo phương thức hoằng dương chánh pháp của Đạt Mã Nhân Cần. Lúc giảng thuyết, Thầy luôn y theo giáo nghĩa của Đại Sư, mà không thêm vào kiến giải của mình hay của người khác.

Từ nhỏ, Thầy vốn có biện tài vô ngại. Do đó, trong thời gian ngồi trên pháp tọa, Thầy đã từng chiết phục những sự vấn nạn công kích của ngoại đạo, cũng như loại trừ những đệ tử tu hành và thuyết giảng không phù hợp với lời dạy của Đại Sư. Chân nghĩa giáo huấn của Đại Sư được lưu truyền phần lớn đều nhờ công lao của Thầy.

Tại Tây Tạng, từ Tây Tự A Lý Đông đến Tây Khương, khắp nơi đều cung thỉnh Thầy đến những vùng đó để hoằng pháp. Song, trước sau Thầy vẫn lấy việc trụ trì chánh pháp ở Trung Tạng làm sự hệ trọng, nên đều từ chối không đi. Thầy sợ rằng Mật pháp của Đại Sư để lại sẽ bị đoạn tuyệt, nên không tiếc sanh mạng mà giảng thuyết và trước thuật. Tất cả sự tích tiểu sử của Đại Sư, đều do Thầy ghi lại tường tận.

Ngõa Thiện Tràng là vị trụ trì thứ ba của chùa Cách Đăng. Ngõa Thiện Tràng cũng là một trong những đại đệ tử của Đại Sư. Đối với tất cả giáo pháp Hiển-Mật, Thầy đều tinh thông tường tận; Thầy đặc biệt chú trọng sự hành trì, nên chứng đắc đại tự tại, được kế thừa ngôi pháp vị.

Huệ Pháp Hộ là vị trụ trì thứ tư. Thầy thông suốt thiện xảo hết tất cả mật bộ, lại chuyên tu trì Thời Luân Kim Cang, và bổ xung cho quyển sớ sao về Thời Luân Kim Cang của Khắc Chủ Kiệt.

Pháp Tràng là vị trụ trì thứ năm. Pháp Tràng là em của Khắc Chủ Kiệt. Đại Sư có khẩu truyền một bộ Mật pháp là "Cách Đăng Biến Hóa Hàm". Đây là Mật pháp chính do Bồ Tát Văn Thù ban truyền, và là giáo pháp bí yếu cho sự tu hành. Đại Sư chỉ truyền bộ Mật pháp này cho hai người: Khắc Chủ Kiệt được một phần nhỏ; Diệu Kiết Tường Hải được toàn bộ. Pháp Tràng vốn là vị có pháp khí Mật Thừa bất cộng. Về sau, Thầy y theo Khắc Chủ Kiệt và Diệu Kiết Tường Hải mà đắc được toàn bộ, và thành chủ nhân của quyển Mật pháp đó.

Pháp Tràng truyền lại cho Pháp Kim Cang, Kiết Tường Kim Cang, và Bảo Kim Cang. Lúc truyền pháp, Thầy phó chúc:

- Chỉ nên truyền bộ Mật pháp này cho một ít người chân chánh có tâm cầu xuất ly sanh tử. Đối với những người khác, tuyệt đối không được thố lộ một điểm nào. Phải y theo Bổn Tôn, Không Hành, Hộ Pháp để được ấn chứng.

Người đương thời xưng tán Pháp Kim Cang, Kiết Tường Kim Cang, Bảo Kim Cang là "Kim Cang Côn Trung". Ba vị thầy đó, về sau đắc được thành tựu thượng phẩm, và thành tựu thân kim cang.

Pháp Tràng có tạo quyển "Tu Trung Quán Kiến Pháp, Thời Luân Nhị Thứ Đệ Tu Pháp", và được lưu hành tại Tây Tạng.

Kiên Huệ là vị trụ trì thứ sáu. Kiên Huệ sáng lập chùa Đạt Bạc Trát Thương, hoằng dương chánh pháp học hành (tu học và hành trì) của Đại Sư.

Nguyện Kiết Tường là vị trụ trì thứ bảy. Tuy không được Đại Sư trực tiếp chỉ dạy, nhưng nhờ tín tâm kiên cố, nên cảm được Đại Sư hiện tướng thuyết pháp. Do đó, Thầy cũng được xem là đệ tử của Đại Sư. Thầy có viết quyển "Thích Lượng Luận Sớ", và được lưu hành ở Tây Tạng.

Từ Đạt Mã Nhân Cần đến Nguyện Kiết Tường đều là những vị hoằng pháp ở Hậu Tạng, nên được xưng là "Bảy đời Văn Thù ở Hậu Tạng", nghĩa là bảy vị thầy đó vốn do Bồ Tát Văn Thù hóa thân. Ngôi pháp vị tại chùa Cách Đăng được triển chuyển truyền thừa, cho đến ngày nay là chín mươi bảy đời. Chùa Cách Đăng có hai chi nhánh là Ráng Đôn (Jangtsey) và Hạ Đôn (Shartsey). Chùa có thể chứa khoảng ba ngàn ba trăm tăng sĩ.


B. Sự truyền thừa của chùa Triết Bang (Drepung).

Ráng Dương Kiếp Kết (1) là vị trụ trì thứ nhất. Ráng Dương Kiếp Kết có pháp danh là Trát Tây Cụ Đôn (Bkra-shs dpal-ldan), và là một trong số đệ tử thượng thủ của Đại Sư. Thầy có trí nhớ rất thâm sâu. Thầy có viết bút ký về mỗi bộ kinh như kinh Đại Bát Nhã, kinh Bảo Tích, kinh Hoa Nghiêm, và thọ trì một trăm lẻ tám kinh luận Hiển-Mật. Lúc giảng giải, không cần cầm kinh luận, mà trực tiếp đọc tụng ra. Trong các đệ tử của Đại Sư, Thầy là vị đa văn bậc nhất.

Năm 1415, một ngày nọ, trong lúc giảng kinh tại chùa Trát HỶ Đóa Đường, Đại Sư thọ ký cho Ráng Dương Kiếp Kết:

- Đạo tràng mà ông xây cất sau này sẽ được hưng thịnh và viên mãn hơn chùa Cách Đăng cùng các chùa khác do huynh đệ của ông đã kiến lập.

Nói xong, Đại Sư trao cho Ráng Dương Kiếp Kết một pháp loa (vào lúc kiến lập chùa Cách Đăng, Đại Sư tìm lại được chiếc pháp loa này), để làm điềm lành cho chánh duyên hoằng pháp.

Tiếp nhận pháp loa xong, Ráng Dương Kiếp Kết nhủ thầm: "Căn bản thành tựu tất cả Mật pháp là phải hết lòng cung kính Tôn Sư. Vì vậy, Ta phải kính cẩn y chiếu theo lời phó chúc của Tôn Sư mà nỗ lực phụng hành".

Đêm hôm đó, Ráng Dương Kiếp Kết mộng thấy dòng nước trên một con sông lớn chảy rất xiết. Trên bờ sông có vô số chúng sanh. Họ muốn vượt sông, mà không có cách nào lội qua được. Ráng Dương Kiếp Kết khởi tâm từ bi thương xót vô cùng, nên dùng thân hình và hai tay vói lấy bờ bên kia với dạng trạng như chiếc cầu. Chúng sanh nhờ bước lên thân mình của Ráng Dương Kiếp Kiết mà qua được đến bờ bên đây (2).

Hôm sau tỉnh dậy, Ráng Dương Kiếp Kết biết điềm mộng lành biểu thị cho việc phải cất chùa để hoằng dương chánh pháp, thì mới làm lợi ích cho chúng sanh, nên rất vui mừng, bèn lập tức phác họa công tác kiếp lập tự viện, cùng đi khắp nơi để hóa duyên. Năm 1416, công tác xây chùa Triết Bang được tiến hành. Đại Sư tự thân đến vùng đất đó chú nguyện gia trì. Vật liệu xây cất chủ yếu do thí chủ là quan Nam Khách Tham Bố cung cấp.

Theo lời phó chúc của Đại Sư, Thầy xây cất ngôi chùa này vào năm 1416. Triết Bang nghĩa là Mễ Tụ. Lúc trụ trì, Thầy giảng Hiện Quán Trang Nghiêm, Thích Lượng Luận, Trung Quán Luận, và đều y cứ theo pháp nghĩa của Đại Sư truyền lại. Thầy có rất nhiều đệ tử thượng thủ như tre trúc trên mặt đất và tinh sao trong mùa thu. Những nhân tài đó đều là các bậc long tượng trong tông môn.

Thầy phái bảy đại đệ tử đi đến các nơi để làm giảng sư A Xà Lê, tuyên dương chánh pháp. Do đó, họ lập ra bảy ngôi chùa lớn là Đa Môn, Minh Huệ Châu, Quảng Lạc, Hà Khuyếch, Văn Tư Châu, Điều Phục, Mật Chú. Về sau, vì thời thế thay đổi, nên hợp thành bốn đại tùng lâm Đa Môn, Minh Huệ Châu, Quảng Lạc, Mật Chú. Chùa Triết Bang là một ngôi đại tùng lâm lớn nhất ở Tây Tạng. Chùa có thể chứa khoảng bảy ngàn bảy trăm tăng sĩ. Lắm khi có đến cả mười ngàn tăng sĩ đồng trú trong chùa.

Sau khi Ráng Dương Kiếp Kiết viên tịch, Kiết Tường Sư Tử kế tiếp nhậm chức trụ trì. Tôn giả Hà Ngõa Nhật Ba là một trong tám mươi bốn vị đại thành tựu ở Ấn Độ; vị này đã từng đến Tây Tạng, ban truyền bốn Mật pháp Tý Ma Cáp Két Lạp cho Kiết Tường Sư Tử.

Trụ trì thứ ba là Huệ Bồ Đề. Trụ trì thứ tư là Thiện Huệ Nhật. Trụ Trì thứ năm là Thiện Huệ Xưng. Trụ trì thứ sáu là Thích Ca Tràng. Trụ Trì thứ bảy là Nguyện Kiết Tường. Trụ trì thứ tám là Diệu Âm Thiện Pháp Viên Mãn. Diệu Âm Thiện Pháp Viên Mãn không những có trí huệ thâm sâu mà hành trì rất mực tinh tấn. Ngày nọ, Bồ Tát Văn Thù Hiện thân tán thán:

- Người có trí huệ như ông, thật khiến ai ai cũng đều hoan hỶ!

Do đó, người đều xưng tán Thầy là Diệu Âm Hoan HỶ Huệ. Thầy có trước tác quyển Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận Sớ, Hiện Quán Trang Nghiêm Luận Sớ, Trung Luận Sớ, Nhân Minh Sớ, Nhập Trung Luận Sớ. Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ hai vốn là đồ đệ của Diệu Âm Hoan HỶ Huệ.

Trụ trì thứ chín là Công Đức Hải. Trụ trì thứ mười là Tăng Hải. Trụ trì thứ mười một là Phước Xưng. Về sau, Phước Xưng cũng kế thừa ngôi pháp vị của Đại Sư tại chùa Cách Đăng, và là giáo thọ sư của đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ ba. Sự nghiệp của Phước Xưng rất to lớn, và có trước tác giảng giải năm bộ đại luận, để làm nền tảng căn bản của sự tu tập cho chùa Huệ Châu. Ngoài ra, Phước Xưng còn trước tác quyển mật điển Tập Mật Lưỡng Chủng Thứ Đệ, và được lưu truyền ở Tây Tạng. Đó là một trước tác rất giá trị, mà hiện nay vẫn còn được xem là một pháp bảo vô thượng.

Trụ trì thứ mười hai là Phước Hải. Trụ trì thứ mười ba là Vinh Đơn Gia Mục Thố (1589-1616, Yon-tam-rgya-mtsho), vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ tư. Trụ trì thứ mười bốn là La Tang Khước Tiếp (1567-1662, Blo-bjan chos-kyi, rgyal-mtshan), vị Ban Thiền Lạt Ma đời thứ tư. Trụ trì thứ mười lăm là A Vượng La Bốc Tạng Gia Mục Thố (1617-1682, Nagdban blo-bzan rgya mtsho), vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ năm. Vị Đạt Lai Lạt Ma này ngay từ lúc nhỏ đã được tôn giả A Để Sa và Đại Sư hiện thân gia trì. Khi vị Đạt Lai Lạt Ma này được sáu tuổi, Ban Thiền Lạt Ma La Tang Khước Tiếp dẫn chư đại đức cao tăng của ba đại tự viện cùng vua Phước Pháp Tăng, theo lễ nghi mà cung thỉnh lên ngôi pháp vị ở chùa Triết Bang.

Năm 1641, vua Mông Cổ là Cố Thủy Hãn bắt vua Tây Tạng giao toàn bộ chính quyền cho Đạt Lai Lạt Ma đời thứ năm (3). Sau đó, trên núi Hồng Sơn ở Lạp Tát, vị Đạt Lai Lạt Ma này cho xây cung điện Bố Đạt Lạp (Potala) rất trang nghiêm hùng vĩ, để làm nơi trấn tích trượng trị nước. Vào năm 1653, vua Thanh Thuận Trị ban pháp hiệu cho Đạt Lai Lạt Ma là "Tứ Thiên Đại Thiện Tự Tại Phật, Sở Lãnh Thiên Hạ Thích Giáo, Phổ Thông Ngõa Điệc Lạt Đát Lạt, Đạt Lai Lạt Ma", cùng ban cho ấn tín. Về sau, vua Thuận Trị lễ bái Đạt Lai Lạt Ma làm Quốc Sư. Trong Quyển Giáo Pháp Thọ Ký có ghi: "Trong đời mạt pháp, Bồ Tát Quán Thế Âm hóa thân với hình tỳ kheo vương tướng, để hộ trì Tây Tạng".

Vì tin tưởng đức Đạt Lai Lạt Ma là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, nên từ đó cho đến hiện tại, toàn bộ quyền chánh trị và tôn giáo đều do các đức Đạt Lai Lạt Ma chuyển sanh chấp chưởng.

Đạt Lai Lạt Ma A Vượng La Bốc Tạng Gia Mục Thố hoằng dương chánh pháp rộng lớn, kiến lập mười ba đại tự viện. Đối với tất cả tông phái, chùa miếu, đều quy định tăng chế nghiêm cẩn, cùng khuyến khích sự tu học chân thật. Để giúp cho người tại gia được sống an lạc, Ngài dạy họ trì tụng sáu câu thần chú (4). Ngài lại dạy tăng chúng tu trì "Dược Sư Bát Phật Nghi", và pháp cúng dường mười sáu vị thánh giả. Lại nữa, để giúp chánh pháp mãi trụ thế, Ngài gom nhiếp hết tất cả bí yếu của kinh luận mà trước tác quyển Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Quảng Luận Giảng Nghĩa. Nói chung, sự nghiệp hoằng pháp của Đạt Lai Lạt Ma A Vượng La Bốc Tạng Gia Mục Thố vô cùng to lớn, và công đức vô lượng vô biên, không thể ghi chép hết.

Từ đó, chùa Triết Bang đều do các vị Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp trụ trì.


C. Sự truyền thừa của chùa Sắc Nhạ (Sera)

Thích Ca Dã Hiệp (1) là một trong tám đại đệ tử thanh tịnh của Đại Sư, cũng là vị có phước đức và học vấn bậc nhất. Năm 1414, Thích Ca Dã Hiệp đại diện Đại Sư đến kinh đô Trung Quốc. Năm 1416, Thích Ca Dã Hiệp từ Trung Quốc trở về Tây Tạng, mang theo những phẩm vật do vua Vĩnh Lạc ban tặng như kinh điển, tượng Phật, vải lụa, các bảo khí bằng vàng bạc, ngọc thạch, v.v... rồi cúng dường toàn bộ các phẩm vật đó lên Đại Sư.

Năm 1418, y theo lời phó chúc của Đại Sư, Thích Ca Dã Hiệp xây chùa Sắc Nhạ (tức Đại Thừa Châu) tại vùng Sắc Nhạ Kiếp Đảnh, cách Lạp Tát khoảng tám dặm về phía bắc. Tên Sắc Nhạ có hai cách giải thích. Một là Bạc Tử (mưa đá), vì lúc xây chùa thì có mưa đá rơi xuống. Hai là chỉ cho nơi sanh ra rau dại 'sắc vi". Nghĩa thứ nhất thì được phổ biến hơn. Đầu tiên, chùa Sắc Nhạ có năm đại viện, nhưng về sau hợp thành ba đại viện như Kết Ba, Mai Ba, A Ba. Sau này, Thích Ca Dã Hiệp tiếp tục xây cất hạ viện chùa Sắc Nhạ là chùa Hòa Kiết. Chùa có thể chứa năm ngàn năm trăm tăng chúng. Ngôi chùa này là đại tự viện thứ hai của phái Hoàng Giáo.

Về sau, vua Tây Tạng là Đại Tại cũng xây thêm chùa Nga Quả (2) để làm chánh điện cho chùa Sắc Nhạ, cùng cung thỉnh tất cả tăng chúng tại chùa Thê Nhượng (3) dời về đó. Hiện tại, chùa Nga Quả là viện Mật Tông của chùa Sắc Nhạ.

Trong chùa Sắc Nhạ có rất nhiều pháp bảo. Trong chánh điện, có tượng Quán Thế Âm do tỳ kheo ny Mã Ba Ma (4) cúng dường. Thánh tượng này rất linh hiển.

Ngoài ra, hạ viện của chùa Sắc Nhạ cũng thờ phụng một tôn tượng giới hương Thích Ca Mâu Ni Phật. Chùa Sắc Nhạ thờ phụng một tôn tượng Mã Đầu Minh Vương biết nói. Viện Mật Tông thờ phụng thánh tượng tôn giả Duyên Lạp Nhung (5) biết nói. Trong chùa cũng có chứa một trăm ngàn quyển kinh của đại tạng kinh Cam Châu và Đơn Châu. Xây cất chùa Sắc Nhạ vào năm 1419 xong, Thích Ca Dã Hiệp lại vào kinh đô Trung Quốc, làm quốc sư trong hai đời vua Minh Vĩnh Lạc và Minh Tuyên Đức. Lúc lâm chung, Thích Ca Dã Hiệp truyền trao ngôi pháp vị cho Cát Cụ Ba (6) Thịnh Quảng Hiền.

Trụ trì thứ ba là Công Như Tràng Hiền. Ban đầu, tuy gần gũi Đại Sư mà Công Như Tràng Hiền chưa hiểu được pháp nghĩa chân chánh, nên thường bị Khắc Chủ Kiệt quở trách. Sau này, nhờ tinh tấn dũng mãnh, chuyên tâm nghiên cứu tu tập pháp nghĩa của Đại Sư, Công Như Tràng Hiền đắc được đại thành tựu.

Trụ trì thứ tư là Nhiêu Ráng Sắc. Trụ trì thứ năm là Huệ Bảo Sư Tử. Trụ trì thứ sáu là Nội Đôn Sắc. Trụ trì thứ bảy là Lập Phác Pháp Vương. Trụ trì thứ tám là Bạt Giác Luân Chủ; Thầy đã từng biện luận thắng Thích Ca Ba của phái Tát Ca, và chiết phục sự ngã mạn cùng phá tà thuyết của vị thầy đó; Thầy cũng trước tác quyển Biện Liễu Nghĩa Bất Liễu Nghĩa Luận Thích Nạn.

Trụ trì thứ chín là Kiết Tường Huệ, Trụ trì thứ mười là Diệu Âm Bất Không Kiết Tường. Trụ trì thứ mười một là Căn Đôn Gia Mục Thố (1476-1543, Dge-gdun-rya-mtsho), vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ hai. Trụ trì thứ mười hai là Kết Tôn Pháp Tràng; trí huệ của Thầy rộng sâu như biển cả; năm bộ đại luận do Thầy chú thích, làm nền tảng căn bản cho sự tu học ở viện Kết Ba thuộc chùa Sắc Nhạ.

Trụ trì thứ mười ba là Phước Xưng. Trụ trì thứ mười bốn là Pháp Xưng Hiền. Trụ trì thứ mười lăm là Tỏa Lãng Gia Mục Thố (1543-1588, Bsod-nams-rgya-mtsho), vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ ba. Trụ trì thứ mười sáu là Đông Khuyếch Công Đức Hải. Trụ trì thứ mười bảy là Vinh Đơn Gia Mục Thố (1589-1616, Yon-tam-rgya-mtsho), vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ tư. Trụ trì thứ mười tám là La Tang Khước Tiếp, vị Ban Thiền Lạt Ma đời thứ tư. Trụ trì thứ mười chín là A Vượng La Bốc Tạng Gia Mục Thố, vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ năm. Từ đó về sau, các vị Đạt Lai Lạt Ma chuyển thế liên tiếp trụ trì.

Chùa Cách Đăng, chùa Triết Bang, chùa Sắc Nhạ, được xưng tán là ba đại tùng lâm lớn ở Tây Tạng. Các ngôi chùa này, không những là nơi Đại Sư đã từng hoằng dương Phật pháp, mà còn là trung tâm văn hóa của toàn nước Tây Tạng suốt hơn sáu trăm năm.


D. Sự truyền thừa ở chùa Trát Thập Luân Bố (TashiLhupo).

Trụ trì thứ nhất là Căn Đôn Chủ Ba; vị này vốn là một trong đại đệ tử nhỏ tuổi nhất của Đại Sư. Căn Đôn Chủ Ba (1), sanh gần chùa Tát Ca. Vào đêm vị này mới giáng sanh thì có một bọn cướp xông vào nhà cướp bóc. Vì không kịp mang theo, nên người mẹ đành dấu vị này dưới gầm đá. Sáng hôm sau, lúc mọi người trở về, họ thấy chim ưng đứng canh giữ vị này, không cho độc trùng và dã thú đến nhiễu hại. Thấy điềm lành này, mọi người đều cho là việc không thể nghĩ bàn, nên bảo nhau rằng Căn Đôn Chủ Ba nhất định là một vị Bồ Tát hóa sanh.

Từ thuở nhỏ, oai nghi hành tướng của Căn Đôn Chủ Ba rất mực đoan nghiêm, chẳng thích chơi giỡn cùng với các đứa trẻ đồng lứa. Vì gia đình bị cướp bóc, nên cuộc sống rất khó khăn chật vật. Do đó, lúc nhỏ Căn Đôn Chủ Ba phải giúp cha mẹ, ra đồng chăn dê. Lần nọ, Căn Đôn Chủ Ba đã tự tay sao chép kinh Dược Sư để hồi hướng công đức cho thân sinh vừa mới tạ thế. Năm mười lăm tuổi, Căn Đôn Chủ Ba xuất gia, đảnh lễ trụ trì chùa Nõa Đường làm thầy, tu học các loại kinh luận và Mật pháp. Năm hai mươi lăm tuổi, Căn Đôn Chủ Ba một mình đến Tiền Tạng, theo trụ trì chùa Trà Chủ là Cổn Tang Ba Nhân Ba Thiết học tập Nhân Minh và Trung Luận. Lúc theo ngài Cổn Tang Ba Nhân Ba Thiết đến tham bái Đại Sư, Căn Đôn Chủ Ba thỉnh hỏi về những điều nghi vấn trong luận Thích Lượng, và nghe Đại Sư giảng về Biện Liễu Bất Liễu Nghĩa Luận, Trung Luận Sớ, Thượng Sư Ngũ Thập Pháp Tụng Sớ, Mật Tông Giới Sớ, cùng những bộ luận thâm sâu bất cộng nghĩa. Do có trí huệ thông minh lanh lợi, nên Căn Đôn Chủ Ba rất được Đại Sư khen ngợi. Vì biết Căn Đôn Chủ Ba có nhân duyên hoằng dương giới luật, nên Đại Sư tặng cho vị này một tấm y ca sa năm điều. Để thọ trì giới luật thanh tịnh, Căn Đôn Chủ Ba sang chùa Trát Ca học giới luật. Lúc lên đường, Căn Đôn Chủ Ba được Đại Sư tặng một thỏi vàng để làm thuận duyên cho việc cầu học, và được Đại Sư tán thán:

- Ông dùng tâm nguyện hành trì mà đi cầu học giới luật. Đây thật là điều rất hy hữu. Từ nay, ông hãy nên nỗ lực hoằng dương thánh giáo, để Phật pháp được lan truyền khắp nơi.

Sau này, Căn Đôn Chủ Ba thân cận, và được Đại Sư ban truyền giáo pháp bất cộng. Sau khi Đại Sư viên tịch, Căn Đôn Chủ Ba thân cận Khắc Chủ Kiệt qua nhiều năm. Căn Đôn Chủ Ba có trước tác quyển Giới Kinh Sớ, Nhân Duyên Tập, Chánh Lý Trang Nghiêm Luận, Thích Lượng Luận Sớ, v.v... được lưu truyền cho đến ngày nay. Sau này, Thầy theo La Truy Tăng Khách (Huệ Sư Tử) đến Hậu Tạng hoằng pháp. Ngày nọ, đang lúc nhập thất tịnh tu trong núi Hưởng Đóa Cách Bồi, Thầy mộng thấy Đại Sư ngồi trên một đỉnh núi cao ngất; thầy Huệ Mật ngồi giữa lưng chừng núi, còn Thầy thì ngồi dưới chân núi. Bấy giờ Thầy nghe Huệ Mật bảo:

- Xưa kia, đại sư Tông Khách Ba có thọ ký cho chúng ta rất nhiều việc...

Huệ Mật càng nói thì âm thanh càng nhỏ dần, khiến cho Căn Đôn Chủ Ba không thể hiểu rõ ý nghĩa của câu đó. Đang nghi ngờ, bỗng nhiên có người bảo:

- Này Căn Đôn Chủ Ba! Vì có duyên lành, trong tương lai ông nên hoằng dương "Thích Lượng Luận" tại nơi này.

Căn Đôn Chủ Ba nghe lời này rất rõ ràng. Buổi sáng nọ, lúc Thầy trú tại vùng Bạc Đống, một bà lão từ xa đi đến, nói:

- Nơi đây có chùa của Thầy. Có chùa tức có chúng sanh...

Thầy bèn hỏi bà ta về tên của ngôi chùa, và việc hoằng pháp ra sao. Bà ta bèn chấp tay như búp hoa sen trước ngực, nói:

- Chùa phải như thế, và tên là Hữu Võng (2).

Nói xong, bà ta liền biến mất. Thầy biết đây là lời thọ ký của Không Hành Mẫu, nên rất vui mừng.

Pháp vương La Truy Tăng Cách thường qua lại chùa Tang Chủ Đảnh ở Na Đường. Mỗi lần đi qua vùng mà người sau gọi là "Trát Thập Luân Bố", thì La Truy Tăng Cách chỉ tay bảo: "Tâm của Ta thường cảm thấy Căn Đôn Chủ Ba thuyết pháp tại nơi đây!"

Vào năm 1447, y theo những nhân duyên lành đó, Căn Đôn Chủ Ba khởi công kiến lập chùa tại nơi mà La Truy Tăng Cách đã chỉ bảo (tức vùng phụ cận của Nhật Khách Tắc); đại thần Cùng Kết Ba và Ban Giác Tang Bố làm thí chủ cúng dường tịnh tài và vật liệu. Buổi sáng nọ, đang lúc xây chùa, Căn Đôn Chủ Ba lại nghe tiếng của người đàn bà khi xưa, bảo:

- Ngôi chùa này, phải đặt tên là Trát Thập Luân Bố (3).

Xây cất xong, Căn Đôn Chủ Ba y theo lời thọ ký của Không Hành Mẫu mà đặt tên chùa là Trát Thập Luân Bố.

Ngày nọ, đang lúc đứng đối diện với cổng chùa làm lễ độ chúng xuất gia ở bãi cỏ trong sân chùa, Căn Đôn Chủ Ba vô tình xoay đầu lại nhìn về phía sau chùa, thì thấy cảnh tượng thật giống như cảnh mộng trong lúc tu hành tại núi Hưởng Đóa Cách Bồi, nên biết rõ rằng trong tương lai, Phật pháp tại ngôi chùa này sẽ được phát triển hưng thịnh.

Năm 1450, đại chúng ở chùa Cách Đăng phái người đến cung thỉnh Căn Đôn Chủ Ba trở về kế nhậm pháp vị. Song, Căn Đôn Chủ Ba từ chối, bảo:

- Tôi không thể đi được. Vừa xây xong ngôi chùa này mà bỏ đi thì e rằng sẽ không ổn. Vì Phật pháp nên tôi đã từng tạo dựng sự nghiệp ở đây. Từ nay, tôi sẽ nhắm vào mục tiêu hoằng dương giáo pháp của Đại Sư, nên cần phải ở lại nơi đây. Pháp Tràng (4) là vị có công đức và giáo chứng đều viên mãn, cũng là vị rất tương xứng kế thừa ngôi pháp vị. Các ông hãy mau trở về cầu thỉnh vị đó!

Căn Đôn Chủ Ba từ chối lời ngưỡng thỉnh, mà tiếp tục trụ trì ngôi chùa đó suốt ba mươi tám năm, làm lợi ích cho dân chúng vùng Hậu Tạng rất nhiều, và đào tạo không ít nhân tài cho Phật giáo.

Chùa Trát Thập Luân Bố là ngôi đại tự viện lớn nhất tại vùng Hậu Tạng, và là đại tùng lâm thứ tư của phái Hoàng Giáo. Kiến trúc của ngôi chùa này rất quy mô. Chùa có ba đại viện lớn là Kiết Khương, Hạ Tư, Thỏa Tang Lâm. Về sau, các vị Ban Thiền Lạt Ma xây thêm mật viện A Ba. Chùa có thể chứa khoảng bốn ngàn bốn trăm vị tăng. Các nhân tài xuất hiện tại ngôi chùa này được sánh bằng những nhân tài tại ba đại tự viện ở Tiền Tạng.

Trụ trì thứ hai là Hiền Kiết Tường. Trụ trì thứ ba là Giáo Lý Hải. Trụ trì thứ tư là Trí Đảnh. Trụ trì thứ năm là Căn Đôn Gia Mục Thố, vị Đạt Lại Lạt Ma đời thứ hai. Trụ trì thứ sáu là Thánh Giáo Nhật. Trụ Trì thứ bảy là Huệ Tràng. Trụ trì thứ tám là Bất Không Hải. Trụ trì thứ chín là La Trác Lỗi Tang; Thầy trước tác và chú giải rất nhiều kinh luận để làm căn bản giáo lý cho sự nghiên cứu tu học của tăng chúng ở chùa Trát Thập Luân Bố.

Trụ trì thứ mười là Pháp Tràng. Trụ trì thứ mười một là Pháp Tường Hải. Trụ trì thứ mười hai là Phước Tràng. Trụ trì thứ mười ba là Tang Chủ Bạt Tang. Trụ trì thứ mười bốn là Chánh Hải Tăng Trưởng. Trụ trì thứ mười lăm là Thiên Vương Huệ. Trụ trí thứ mười sáu là La Tang Khước Tiếp, vị Ban Thiền Lạt Ma đời thứ tư. Từ đó, trải qua bao đờI chuyển sanh, các vị Ban Thiền Lạt Ma kế tục trụ trì.

Ban đầu, phái Hoàng Giáo có bốn đại tự viện (Cách Đăng, Sắc Nhạ, Triết Bang, Trát Thập Luân Bố) làm cơ sở chính cho sự hoằng pháp. Về sau, bốn đại tự viện đó ngày càng phát triển hưng thịnh, và các chùa chiền của những tông phái khác cũng đua nhau chuyển y theo phái Hoàng Giáo. Do đó, giáo pháp của Đại Sư từ từ được lưu truyền khắp Tây Tạng và Mông Cổ.

E. Sự hoằng pháp tại vùng A Lý

Vùng đất phía tây của Tây Tạng là A Lý. Người hoằng truyền giáo nghĩa của Đại Sư ở vùng đó vào buổi ban đầu là HỶ Nhiêu Tang Bố (Stod se-rab bzan-po), vị đại đệ tử của Đại Sư.

HỶ Nhiêu Tang Bố (Stod se-rab bzan-po, hay Thượng HỶ Nhiêu Tang Bố) vốn là người vùng A Lý. Sau khi theo Đại Sư tu học Phật pháp hoàn tất xong, Thầy trở về vùng A Lý ở Hậu Tạng, và xây cất chùa Đạt Ma (Stag-mo) tại Mang Vực (Man-yul). Người cháu của Thầy là HỶ Nhiêu Ba (Ses-rab-pa) xây chùa Sắc Sắc tại A Lý. Về sau, các ngôi chùa thuộc phái "Thượng Lạc Hoằng Pháp" trước kia như chùa Tang Cát, Cao Đằng Kim Điện, Chỉ Đôn, La Đông, Quân Lục Tích đều được đổi thành các đạo tràng của phái Hoàng Giáo, và nỗ lực hoằng dương giáo pháp của Đại Sư. Những ngôi chùa này, cho đến ngày nay vẫn còn hưng thạnh. Đương thời, các quan lại trong vùng đều lễ bái và tôn Thượng HỶ Nhiêu Tang Bố là bậc Tôn Sư.

Khắc Chủ Kiệt có một đại đệ tử, tên là Thiên Vương Huệ. Vừa đến vùng A Lý, Thầy bèn sửa sang chùa Bắc Đồ, tu bổ chùa Ba Gia Hòa Lập Căn. Từ đó, các tự viện thuộc phái Hoàng Giáo, hoặc là mới xây cất, hoặc là những ngôi chùa cũ được sửa sang lại mỗi ngày một tăng, khiến giáo pháp của Đại Sư lưu bố khắp vùng A Lý.


G. Sự hoằng truyền tại vùng Từ Thị Châu ở Xương Đô.

Hạ HỶ Nhiêu Tang Bố (Smad ses-rab bzan-po, hay Hòa Hạ HỶ Nhiêu Tang Bố) là người Tây Khương. Ban đầu, Thầy tu học giáo pháp của Đại Sư ở chùa Sắc Nhạ. Lúc Thịnh Quảng Hiền nhận chức trụ trì, Hạ HỶ Nhiêu Tang Bố là phó giảng A Xà Lê.

Đương thời, rất nhiều tăng chúng trong các đại tự viện đều y theo quy thức giáo chế của Đại Sư, nghiêm thủ giới luật, hạnh giải đồng tu, thiết thật hành trì. Do đó, chư tăng và kẻ tục đều tán thán không ngớt. Ngày nọ, Hạ HỶ Nhiêu Tang Bố tự nhủ: "Lúc trở về Tây Khương, Ta cũng lấy giới luật làm nền tảng, hoằng dương giáo pháp chánh kiến thanh tịnh vô cấu, để làm lợi ích cho chúng sanh".

Bấy giờ, ngài Bồ Đề Ý dùng thần thông, biết rõ tâm nguyện của Hạ HỶ Nhiêu Tang Bố, nên thỉnh mời vị này đến gian phòng riêng, cúng dường cúng phẩm thượng diệu, và tặng cho một xấp lụa, cùng một chiếc mũ vàng, rồi bảo:

- Vì được biết Thầy muốn sớm trở lại Tây Khương để hoằng pháp nên hôm nay tôi mời Thầy đến không ngoài mục đích muốn tiễn đưa Thầy. Về sau, chánh pháp ở Tây Khương, sẽ do Thầy trụ trì.

Nghe lời này, Hạ HỶ Nhiêu Tang Bố lấy làm kỳ lạ nên thầm nghĩ: "Ta chưa hề thổ lộ ý định sớm trở về Tây Khương, nhưng tại sao ngài Bồ Đề Y lại biết và chỉ dạy như thế? Phải chăng Ta không thể ở đây lâu dài chăng? Thôi thì Ta phải trở về trình hết tự sự cho ngài Khắc Chủ Kiệt biết để Ngài dạy bảo!"

Do đó, Hạ HỶ Nhiêu Tang Bố gấp rút trở về chùa Cách Đăng yết kiến Khắc Chủ Kiệt, và kể rõ tự sự. Khắc Chủ Kiệt chẳng những không giữ Hạ HỶ Nhiêu Tang Bố lại, mà còn thọ ký:

- Hôm nay duyên lành của ông trở về Tây Khương đã đến. Tây Khương có một ngọn núi tên là Nhật Oa. Đó là nơi mà ông nên hóa độ chúng sanh. Trong tương lai, sự nghiệp hoằng dương Phật pháp của ông tại nơi ấy sẽ rất lớn lao!

Nói xong, Khắc Chủ Kiệt tặng cho Hạ HỶ Nhiêu Tang Bố rất nhiều lễ vật và thúc giục đi sớm.

Vừa trở về Xương Đô ở Tây Khương, vào năm 1437, Hạ HỶ Nhiêu Tang Bố xây chùa Từ Thị Châu (1), diễn giảng năm bộ đại luận cho hơn ba ngàn người nghe khiến thính chúng đạt được sự ích lợi lớn lao. Bấy giờ, Hạ HỶ Nhiêu Tang Bố mới nhận thấy lời tiên tri thuở xưa của ngài Bồ Đề Ý thật là linh ứng.

Về sau, Hạ HỶ Nhiêu Tang Bố giáo hóa rất đông đồ chúng, và đa số họ đều là những bậc long tượng trong tông môn; các vị đó thường phân tán đi khắp vùng Tây Khương mà xây cất chùa chiền cùng hoằng dương chánh pháp, khiến giáo nghĩa của Đại Sư được lưu bố rộng rãi khắp nơi.


H. Sự hoằng pháp tại vùng A Đa.

A Đa là vùng phụ cận của Tây Ninh (hiện tại là vùng Cam Túc và Thanh Hải). Vùng này vốn là chốn hoang vu. Sau này, do nhiều vị đại đức đến đó xây cất chùa chiền, nên số lượng tăng chúng tu học đông đảo không thua gì những đại tùng lâm ở Tiền Tạng.

Chùa Tháp Nhĩ (Cổ Bổn) là một trong những đại tùng lâm của phái Hoàng Giáo, nằm trong thị trấn Lỗ Sa Nhĩ, huyện Hoàng Trung, tỉnh Thanh Hải, cách chợ Tây Ninh khoảng hai mươi bốn dặm về phía tây nam. Ngôi chùa này là nơi mà mẹ Đại Sư để chiếc y quấn thai nhi thuở trước. Vì nhớ thương con đã vào Tây Tạng mà không thấy trở về nên mẹ Đại Sư cho xây một ngôi tháp nhỏ ngay nơi đó. Để tưởng nhớ công lao chấn hưng Phật giáo Tây Tạng của Đại Sư, người sau xây một ngôi tháp lớn bằng bạc, cao mười một thước, ngay trên nền móng của ngôi tháp cũ. Về sau, ngôi tháp nầy lại trở thành ngôi chùa Tháp Nhĩ.

Năm 1560, ngài Nhân Khâm Tông Triết Kiên Tham lại cho xây thêm chùa Cổ Bổn Gia Ba Lâm trước mặt tiền của ngôi tháp.

Năm 1577, ngài Nhân Khâm Tông Triết Kiên Kham lại xây thêm một ngôi chánh điện Bồ Tát Di Lặc. Năm 1583, trên đường vào kinh đô Trung Quốc do vua Mông Cổ ngưỡng thỉnh, đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ ba (Tỏa Lãng Gia Mục Thố (Bsod-nams-rgya-mtsho), 1543-1588) khi đi ngang qua nơi đó, thì gặp và bảo vị trụ trì Tông Triết Kiên Tham Tang Bố cùng các vị thí chủ, xây thêm và nới rộng ngôi chùa đó ra. Nơi đó, vào mỗi tháng giêng, tăng chúng trong chùa đều cử hành pháp hội cúng dường.

Trải qua bao đời truyền thừa, chùa Tháp Nhĩ đã trở thành một đại tùng lâm sau khi xây xong bốn đại viện: Viện Giảng Kinh, viện Mật Giáo, viện Y Học, và viện Thiên Văn.

Đạt Lai Lạt Ma đời thứ tư (Vinh Đơn Gia Mục Thố (Yon-tam-rgya-mtsho), 1589-1616) đã từng phái Bất Không Pháp Hải xây cất chùa Từ Thị Châu tại vùng A Đa, để thuyết giảng kinh luận, và hoằng dương pháp nghĩa Hiển-Mật. Về sau, Diệu Âm Tiếu Kim Cang xây thêm viện Mật Tông ngay trong ngôi chùa đó. Do đó, chùa Từ Thị Châu trở thành nơi có đủ hai pháp Hiển-Mật. Quốc sư triều Thanh là Cảnh Gia Hoạt Phật và Độ Quan Hô Đồ Khắc Đồ, v.v... cũng xuất thân từ ngôi chùa này.

Trụ trì thứ mười là Nghĩa Thành Hải; vị này lại xây thêm đại tùng lâm Đổ Sử Viện Chánh Pháp Châu. Ngôi chùa này cũng được phân thành bốn viện lớn. Nhân tài xuất sanh từ ngôi chùa này rất nhiều.

Do lời cầu thỉnh của Nam Thân Vương ở Hoàng Hà, ngài Diệu Âm Tiếu Kim Cang xây chùa Lạp Bốc Lăng tại huyện Hạ Hà, tỉnh Cam Túc. Chùa phân thành bốn viện: Hiển giáo, Mật giáo, Thời Luân, y học, và hoằng dương giáo nghĩa Hiển-Mật vô cấu của Đại Sư. Sau khi ngài Diệu Âm Tiếu Kim Cang viên tịch, đệ tử Ngôn Tự Tại Kiết Tường kế thừa ngôi pháp vị, rồi truyền lại cho Bảo Vô Úy Vương. Từ đó về sau, chùa này do các vị Diệu Âm Tiếu Kim Cang chuyển thế trụ trì.

Các bậc long tượng ở ngôi chùa này có tài năng vượt bội hơn nhân tài ở những nơi khác. Trong chùa, các tự viện lớn nhỏ cũng có hơn cả trăm ngôi. Hiện nay, tại vùng A Đa, ngôi chùa này là trung tâm tu học và giảng kinh thuyết pháp.

Vào đời nhà Nguyên và nhà Minh, tại vùng A Đa có chùa của hai phái Tát Ca và Cát Cử, nhưng đến đời nhà Thanh thì tăng sĩ tu trong những chùa đó dần dần chuyển sang phái Hoàng Giáo. Sự hưng thạnh của các tự viện ở vùng A Đa, dẫu về phương diện nào, cũng không thua sút với những tự viện ở Lạp Tát. Lại nữa, tại chùa Lạp Bốc Nghiêm các bản kinh đều có đầy đủ, và có rất nhiều bộ trước tác của các vị đại đức; đó là pháp bảo dành cho sự tu học Hiển-Mật giáo của Phật pháp. Do đó, người tu học Phật pháp tại Tứ Xuyên, Cam Túc, Thanh Hải, Mông Cổ đều đua nhau đổ dồn đến đó mà tu học, không khác gì ba đại tự viện ở Tiền Tạng.


I. Sự hoằng pháp ở Hậu Tạng.

Pháp vương La Truy Tăng Cách (Huệ Sư Tử) sau khi hoằng pháp giảng giải quy thức tu Mật pháp ở Mông Cổ xong, bèn dẫn Căn Đôn Chủ Ba trở lại Hậu Tạng.

Trên đường về Hậu Tạng có thầy Huệ Mật (1) đến xin theo họ tu học giáo pháp Hiển-Mật. Ngoài ra, cũng có rất nhiều các thiện tri thức khác đến xin cầu học dưới tòa của La Truy Tăng Cách và Căn Đôn Chủ Ba. Tăng chúng và thính chúng hội tụ ngày càng đông. Pháp Vương Thiện Tài tán thán:

- Lúc còn nhỏ, tôi đã từng cùng với trì luật pháp vương Huệ Mật và rất nhiều tín chúng đến nghe pháp vương La Truy Tăng Cách và Căn Đôn Chủ Ba giảng thuyết. Những pháp hội đó giống như pháp hội giảng kinh của Phật Thích Ca trên núi Linh Sơn.

Thấy thính chúng tham dự những pháp hội nghe giảng kinh ngày càng đông, La Truy Tăng Cách suy nghĩ: "Xưa kia, trước pháp tòa của Đại Sư, Ta đã nguyện hoằng dương Mật pháp. Nay thời cơ đã đến!"

Do đó, La Truy Tăng Cách vừa hoằng dương Tập Mật vừa đi thuyết giảng khắp vùng Hậu Tạng. Ngày nọ, khi La Truy Tăng Cách đến chùa Luân Bạc Đảnh dưới chân núi Luân Bạc Đảnh, thì vị trụ trì tên là Thánh Quang Công Đức (vị này có chú thích quyển "Nguyệt Xưng Tập Mật Thích", và cực lực hoằng truyền pháp Tập Mật) dẫn đồ chúng ra nghinh đón và thỉnh cầu được ban pháp yếu. Nhớ lời thọ ký của Đại Sư về quyển "Đại Oai Đức Du Già Hành Giả", La Truy Tăng Cách bèn kiến lập đàn tràng tu Mật pháp của Đại Sư và giảng nghi thức của Tập Mật, cùng đem mặt nạ Diêm La, cốt trượng, dây nhợ do Đại Sư ban cho, để lại chùa Luân Bạc Đảnh hầu mong lưu niệm về sau.

Thầy trò La Truy Tăng Cách lại tiếp tục đến chùa Sư Tử Đảnh ở núi Sư Tử Đảnh. Nơi đây có một bà huyện làm đại thí chủ, hỗ trợ pháp hội hoằng truyền Mật Bộ cùng thiết lập nghi thức đàn tràng tại chùa Sư Tử Đảnh của La Truy Tăng Cách. Bà huyện này không ai xa lạ, chính là Dạ Xoa Nữ mà năm xưa Đại Sư đã từng thọ ký.

Lúc truyền pháp tại chùa Sư Tử Đảnh, La Truy Tăng Cách quán sát thấy đồ đệ là Đô Nõa Ngõa vốn có khả năng và có đủ cơ duyên hoằng dương Mật pháp.

Ngày nọ, La Truy Tăng Cách cùng Căn Đôn Chủ Ba đến nhà một thí chủ để thọ trai. Ngồi phía bên phải của Căn Đôn Chủ Ba là Đô Cách Ngõa. Ngồi bên trái của La Truy Tăng Cách là Đô Nõa Ngõa. Bấy giờ, La Truy Tăng Cách hỏi Đô Nõa Ngõa:

- Này Đô Nõa Ngõa! Trong mười hai con giáp, ông thuộc con nào?

Đô Nõa Ngõa đáp:

- Đệ tử thuộc con ngựa.

La Truy Tăng Cách cười bảo:

- Duyên này thật lành thay! Tục ngữ có câu "nơi trâu chết, ngựa chạy". Vùng Nha HỶ (2), dân chúng nơi đó có nhiều duyên lành với ông. Vậy hãy mau đến đó mà hoằng dương chánh pháp.

Nói xong, La Truy Tăng Cách lấy ra chiếc mũ của Đại Sư mà đưa cho Đô Nõa Ngõa. Đô Nõa Ngõa không dám nhận, mà tác bạch:

- Thánh vật này đáng lý để ngài Căn Đôn Chủ Ba nhận lãnh mới phải. Thỉnh Tôn Sư từ bi truyền trao cho con pháp Tập Mật Thích của Đại Sư để lại!

La Truy Tăng Cách chấp thuận lời thỉnh cầu, đưa cho Đô Nõa Ngõa quyển Tập Mật Thích do Đại Sư trước tác. Thọ pháp xong, Đô Nõa Ngõa bèn y theo lời phó chúc của La Truy Tăng Cách mà đến vùng Nha HỶ hoằng dương Mật pháp.

Mang bộ Tập Mật Thích do Đại Sư trước tác, Đô Nõa Ngõa đến vùng Nha HỶ, kiến lập viện Mật giáo tại chùa Đổ Sử Cung, hoằng truyền Mật pháp. Đó là vùng thượng Hậu Tạng (3), nơi sáng lập viện Mật giáo đầu tiên của Đại Sư.

Sự giảng truyền Mật giáo trong viện Mật Tông, chủ yếu là bốn bộ sớ hợp giải về Tập Mật của Đại Sư, cùng pháp nghĩa Kim Cang Đạo Tập của Đô Nõa Ngõa. Ngoài ra, còn giảng truyền tám đại giáo nghĩa như Tập Mật Ngũ Thứ Đệ, Thắng Lạc Luân La Linh Nhị Phái, Đại Oai Đức Tứ Thứ Đệ Du Già, Thời Luân Lục Gia Hạnh, Đại Luân Kim Cang Thủ Tứ Gia Trì, Na Nhã Lục Pháp, Pha Ngõa Khai Kim Môn Pháp, Hoan HỶ Kim Cang. Về sau, hai bộ luận cuối là Đại Luân và Pha Ngõa không còn được giảng mà chỉ giảng sáu bộ luận trên. Trong viện Mật Tông cũng truyền những tiểu giáo như Chủ Cụ Mã Pháp, Huyễn Luân Pháp, Hộ Ma Pháp, Ma Cáp Két Lạp Đóa Cần Pháp, Đại Bạch Tản Cái Phật Mẫu. Lại nữa, Tập Mật, Thắng Lạc, Đại Oai Đức, Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Quảng Luận, cùng tất cả Hiển-Mật pháp cũng được ban truyền.

Viện Mật giáo từ Đô Nõa Ngõa truyền xuống Diệu Âm Chúng Tăng, cho đến Bảo Tăng Thượng, trải qua hai mươi mốt đời; trực tiếp truyền thừa là chín đời. Mỗi đời đều có những đại thiện tri thức đạt được công đức thành tựu hai loại sanh khởi và viên mãn thứ lớp.

Mai Ngữ Tự Tại Huệ và Diệu Âm Trì Giáo (4) đến học pháp nghĩa dưới tòa của Bảo Tăng Thượng. Song, Bảo Tăng Thượng cũng chưa truyền cho họ những Mật pháp quan trọng như pháp quán đảnh của Tập Mật, cùng những phần bí yếu nhất trong Mật pháp.

Về sau, lúc tám mươi mốt tuổi Bảo Tăng Thượng gặp những vị thượng căn của Mật Thừa như Diệu Âm Tiếu Kim Cang, Cảnh Gia đời thứ nhất, Ngữ Tự Tại Hiền Huệ Cụ Xưng, Đường Tát Ba Thành Tựu Hải, v.v... liền truyền hết mọi nơi bí yếu của Mật pháp cho họ. Truyền pháp viên mãn xong, chẳng bao lâu Bảo Tăng Thượng viên tịch.

Xưa kia, lúc phó chúc Đô Nõa Ngõa đến Nha Hy hoằng dương Mật pháp xong, La Truy Tăng Cách trở lại vùng phía đông của Tiền Tạng, sáng lập hạ viện Mật giáo (Gyumey) vào năm 1440 (5), tuyên giảng đại pháp Tập Mật và tám bộ giáo nghĩa của Mật pháp.

Ngôi pháp vị ở hạ viện Mật giáo về sau truyền cho Thí Tường Nhân Ba Thiết. Vị này có viết quyển "Tập Mật Kinh Thích", và nỗ lực hoằng dương chánh pháp không ngừng. Bấy giờ, trong chùa có một thiện tri thức, tên là Cống Cát Đốn Châu, vị đã từng thân cận La Truy Tăng Cách tu học Mật pháp. Về sau, vị này lại y theo Thí Tường Nhân Ba Thiết học kinh luận. Sau khi Thí Tường Nhân Ba Thiết viên tịch, Cống Cát Đốn Châu thỉnh thánh tượng Ma Cáp Két Lạp và đảnh cốt qua vùng phía tây của Tiền Tạng mà giảng pháp.

Thấy điềm lành về số tự và số mục của tướng Bổn Tôn trong mật đàn, Cống Cát Đốn Châu biết đó là thời cơ truyền pháp đã đến, nên khai giảng pháp Tập Mật, cùng thành lập thượng viện Mật giáo vào năm 1474. Trong mười ba năm hoằng pháp, dưới tòa của Cống Cát Đốn Châu có rất nhiều nhân tài.

Cuộc sống của tăng chúng trong thượng hạ viện Mật giáo rất ư nghiêm cẩn, và luôn chú trọng chuyên cần tu khổ hạnh. Mỗi ngày phải tham gia tụng kinh bốn lần. Thời khóa công phu đầu tiên là vào lúc hai giờ sáng. Dẫu thời tiết lạnh hay nóng, đều phải kiên trì ngồi tu hành. Thượng hạ viện Mật giáo là nơi hoàn thiện và cao cấp nhất ở Tây Tạng. Chỉ có những tăng sĩ tu học Hiển-Mật giáo tại ba đại tự viện thành tựu xong, mới có đủ tư cách để đến đó tu tập. Các vị pháp vương của chùa Cách Đăng thuộc phái Hoàng Giáo, đều xuất thân từ thượng hạ viện Mật giáo.

Về sau, các nơi trong nước Tây Tạng, đua nhau xây thượng hạ viện Mật giáo, và nối tiếp nhau thành lập đạo tràng hoằng dương Mật pháp của Đại Sư. Do đó, những bộ trước tác chú thích của Đại Sư dần dần được lưu truyền khắp nơi.

Giáo pháp Hiển-Mật của đại sư Tông Khách Ba thật là thù thắng. Vào thời vua Càn Long, một người Mông Cổ thỉnh hỏi vị Ban Thiền Lạt Ma đời thứ năm rằng đời sau có được sanh trở lại làm người không. Ban Thiền Lạt Ma đáp:

- Được!

Người đó hỏi tiếp:

- Con có thể được sanh vào vùng có Phật pháp chăng?

- Có thể được.

- Con có thể gặp được giáo pháp của đại sư Tông Khách Ba chăng?

Ban Thiền Lạt Ma trầm ngâm một lát, rồi đáp:

- Việc này không thể dễ dàng. Giáo pháp của Đại Sư là tâm yếu của Phật pháp; nơi ba phương diện kiến giải, tu pháp, và hành trì đều rất thù thắng phi thường. Nghĩa là kiến giải không lạc vào hai bên; pháp tu không đọa nơi hôn trầm trạo cử; hành trì pháp Đại-Tiểu, Hiển-Mật viên mãn. Do đó, gặp được giáo pháp của Đại Sư là một điều rất hy hữu.

Giáo pháp của Đại Sư thù thắng như thế, nhưng có nhiều người cho rằng điểm nổi bật của phái Hoàng Giáo là chỉ ở nơi biện luận, nghiên cứu kinh điển, và nghiêm trì giới luật. Song, Đại Sư vốn là hóa thân của Bồ Tát Văn Thù. Vì muốn trụ trì chánh pháp, làm lợi ích cho loài hữu tình, nên lúc còn đi cầu học, Đại Sư tu học hết tất cả giáo pháp Hiển-Mật. Về sau, nhờ sự giáo hóa trực tiếp của bổn tôn Bồ Tát Văn Thù, Đại Sư chỉnh đốn những chỗ sai lầm trong Mật pháp của các giáo phái ở Tây Tạng, rồi rút ra những điểm tinh túy của các giáo phái đó và dung hợp làm một thể, để biên thành Mật pháp thuần túy có hệ thống và thứ tự. Ngoài ra, tại các đại tự viện, Đại Sư cho xây những viện Mật Giáo để giảng thuyết và ban truyền pháp Mật Tông. Trải qua hơn sáu trăm năm, đời đời thầy trò đều truyền nhau như thế. Do đó, giáo pháp Hiển-Mật của phái Hoàng Giáo là Phật pháp chánh thống.

Nhờ các đệ tử đời đời nỗ lực hoằng truyền, mà giáo pháp Hiển-Mật thù thắng của Đại Sư dần dần được truyền từ Tây Tạng sang Tây Khương, Cam Túc, Thanh Hải, nội ngoại Mông Cổ, các tỉnh ở Trung Quốc, Ấn Độ, Ni Bạc Nhĩ (Nepal), Bất Đan, MỸ Quốc, Châu Âu, Châu Úc, Đài Loan, v.v... Sự hoằng truyền vĩ đại này, chính nhờ bi nguyện và oai đức của đại sư Tông Khách Ba cảm chiêu!


L. Danh tánh của các vị Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma.

i. Đạt Lai Lạt Ma và hệ chuyển sanh.

Danh từ Đạt Lai (Dalai) vốn chẳng phải là tiếng Tây Tạng mà xuất phát từ danh từ Gia Mục Thố (Rgyamt'so) của Mông Cổ. Gia Mục Thố theo tiếng Tây Tạng có nghĩa là Hải (biển), cũng là danh từ để tôn xưng các vị Lạt Ma đạo cao đức trọng, chứ chẳng giới hạn dành riêng đức Đạt Lai Lạt Ma, nên trong pháp danh của các vị đại Lạt Ma thường có danh từ Gia Mục Thố. Tổng cộng, Tây Tạng có mười bốn vị Đạt Lai Lạt Ma.

Vào năm 1578, vua Mông Cổ là Thuận Nghị Yêm Đáp Hãn (1) sai sứ thần là A Nhĩ Thản cung nghinh ngài Tỏa Lãng Gia Mục Thố (Đạt Lai Lạt Ma đời thứ III) đến vùng Sát Bốc Tể Lặc Nhã (ở Thanh Hải) và Mông Cổ hoằng pháp, cùng tôn xưng vị này là Đạt Lai (2). Từ đó, Lạt Ma giáo của phái Hoàng giáo được lưu hành khắp nước Mông Cổ. Đương thời, vua Yêm Đáp Hãn cũng ban hiệu cho vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ III là Đạt Lai Lạt Ma Kim Cang Chấp Trì (Vajra-dhara). Từ đó, danh hiệu này được thông dụng khắp Mông Cổ và Trung Quốc, cùng khắp toàn thế giới (trong hiện tại).

Người Tây Tạng vốn không xử dụng danh từ Đạt Lai, mà chỉ dùng vào lúc ngoại giao. Bình thường dân Tây Tạng tôn xưng Đạt Lai Lạt Ma là: 1/ Gia Mục Cung Lâm Bảo Gia (Sky-ads-mgon-po-c,e), nghĩa là Cứu Hộ Tôn Giả; 2/ Cái Ngõa Lâm Bảo Gia (Rgyal-ba-rin-po-c,e), nghĩa là Đắc Thắng Tôn Giả; 3/ Đạt Mục Tiền Kham Ba (T'ams-Cad-mk'yeu-pa), nghĩa là bậc Nhất Thiết Trí. Tương truyền, những vị Đạt Lai Lạt Ma vốn là hóa thân của Bồ Tát Quán Âm.

Vào năm 1650, vua Mông Cổ Cố Thỉ Hản (Gu-sri-khan) thuộc bộ lạc Hòa Thác Đặc giao trọn quyền về mặt Chánh Trị và Tôn Giáo của xứ Tây Tạng cho vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ V (A Vượng La Bốc Tạng Gia Mục Thố). Từ đó cho đến hiện tại, các vị Đạt Lai Lạt Ma chuyển sanh không những là vị giáo chủ của Hoàng giáo, mà còn là vị lãnh tụ tinh thần tối cao của toàn thể nước Tây Tạng về các mặt chánh trị cũng như tôn giáo.

Những nhân viên cận vệ của Đạt Lai Lạt Ma là Bố Cách (Sbugs, nghĩa là Đại Nội).

Dưới đây là pháp danh của mười bốn vị Đạt Lai Lạt Ma.

1/ Căn Đôn Chủ Ba, (1391-1475, Dge-vdun-grub-ba (Gedun Drunb), dịch là Tăng Thành) đại đệ tử của đại sư Tông Khách Ba, sanh quán tại vùng Hiệp Đa Đạt Thác ở Hậu Tạng.

2/ Căn Đôn Gia Mục Thố (1475-1543, Dge-gdun-rya-mtsho (Gedun Gyatso), dịch là Tăng Hải) sanh quán tại vùng Đạt Na Sai Mễ ở Hậu Tạng.

3/ Tỏa Lãng Gia Mục Thố (1543-1588, Bsod-nams-rgya-mtsho (Sonam Gyatso), dịch là Phước Hải) sanh quán tại vùng Trạch Hát Khang Tắc Cống ở Đối Lũng.

4/ Vinh Đơn Gia Mục Thố (1588-1616, Yon-tam-rgya-mtsho (Yonten Gyatso), dịch là Công Đức Hải) sanh quán tại vùng Thổ Mặc Đặc Bộ ở nội Mông Cổ.

5/ A Vượng La Bốc Tạng Gia Mục Thố (1617-1682, Nagdban blo-bzan rgya mtsho (Ngawang Lobsang Gyatso), dịch là Thiện Huệ Hải) sanh quán tại vùng Tần Ngõa Đạt Tắc ở Quỳnh Kiết.

6/ Thương Ương Gia Mục Thố (1683-1706, Tshans-dbyans-rgya mtsho (Tsanyang Gyatso), dịch là Phạm Âm Hải) sanh quán tại vùng Vực Tùng ở Môn Địa.

7/ Cách Tang Gia Mục Thố (1708-1758, Skal-bzan-rgya-mtsho (Kelsang Gyatso), dịch là Hiền Kiếp Hải) sanh quán tại vùng Lý Đường ở Tứ Xuyên.

8/ Khương Bạch Gia Mục Thố (1758-1805, Hjam-dpal-rgya-mtsho (Jampal Gyatso), dịch là Diệu Kiết Hải) sanh quán tại vùng Thác Gia Lạp Nhật Cương ở Tạng Đống.

9/ Long Đa Gia Mục Thố (1806-1816, Lun-rtogs-rgya-mtsho (Lungtog Gyatso), dịch là Giáo Chứng Hải) sanh quán tại vùng Đan Khước Khoa ở Đa Khang.

10/ Sở Xưng Gia Mục Thố (1816-1837, Tshul-khrim-rgya-mtsho (Tsultrim Gyatso), dịch là Giới Hải) sanh quán tại vùng Lý Đường ở Tứ Xuyên.

11/ Khải Châu Gia Mục Thố (1838-1855, Mkhas-sgrub-rgya-mtsho (Khedrup Gyatso), dịch là Thiện Thành Hải) sanh quán tại vùng Mộc Nha Tháp ở Đa Khang.

12/ Xưng Lặc Gia Mục Thố (1856-1875, Sprin-las-rgya-mtsho (Trinlay Gyatso), dịch là Sự Nghiệp Hải) sanh quán tại vùng Hát Chương Tế ở Nương Bố.

13/ Thổ Đan Gia Mục Thố (1876-1933, Thubbstan-rgya-mtsho (Thubten Gyatso), dịch là Phật Giáo Hải) sanh quán tại vùng Đạt Bố Lang Đôn.

14/ Lạp Mộc Đăng Châu Gia Mục Thố (1935- ; Nag-dban blo bzan bstan hdsin rgya mtsho (Tenzin Gyatso), dịch là Trì Giáo Hải) sanh quán tại vùng Hoàng Trung Kỳ Gia Xuyên ở Thanh Hải.

ii. Ban Thiền Lạt Ma (hay Ban Thiền Ngạch Nhĩ Đức Ni) và hệ chuyển sanh Ban Thiền Lạt Ma

Đời thứ nhất là Khắc Chủ Kiệt, và là đại đệ tử của đại sư Tông Khách Ba. Qua nhiều đời, Ban Thiền Lạt Ma và Đạt Lai Lạt Ma đều hỗ tương làm thầy trò. Vị Đạt Lai Lạt Ma thứ năm thỉnh vị thầy là La Tang Khước Tiếp (Ban Thiền Lạt Ma đời thứ IV) trụ trì chùa Trát Thập Luân Bố ở vùng Nhật Cách Tắc (Bkra'sis lhum-po) ở Hậu Tạng. Vào năm 1645, vua Cố Thỉ Hản (1) thống trị hai vùng Vệ và Tạng, tôn phong ngài La Tang Khước Tiếp làm Ban Thiền Bác Khắc Đa (2). Nhân vị này trụ trì chùa Trát Thập Luân Bố, nên người ngoại quốc gọi là Trát Thập Lạt Ma (Tshi-lama). Sau này hệ Ban Thiền Lạt Ma đều tiếp nối truyền thừa trụ trì ngôi chùa đó.

Ban Thiền vốn là phiên âm của tiếng Tàu, mà nguyên âm là Pan-dita, cũng là hợp âm của tiếng Phạn và Tây Tạng; tiếng Phạn gọi là Ban Đệ Đạt (3); tiếng Tây Tạng gọi là Thiền Bảo (4); kết hợp lại thì thành nghĩa Đại Phạm Ngữ Học Sư, hay nghĩa Bác Học Quảng Đại, nên dịch là Đại Phật Học Sư; danh xưng Ban Thiền không phải mới được gọi sau này; thật ra danh từ nầy từ xưa đã có mà điển hình là vị Ban Thiền Thích Ca Sư Lợi.

Vị Ban Thiền Lạt Ma đời thứ năm được triều Thanh phong tặng danh hiệu là Ban Thiền Ngạch Nhĩ Đức Ni; Ngạch Nhĩ Đức Ni (Ertini hay Erdeni) là tiếng Mãn Châu, nghĩa là Trân Bảo hoặc Như Ý Bảo Châu, vì Ngài là vị Đại Bảo Sư hoặc Đại Như Ý Bảo Sư. Người Tây Tạng tin tưởng rằng Ban Thiền Lạt Ma là hóa thân của Phật A Di Đà; các vị Ban Thiền Lạt Ma vốn có mối quan hệ thầy trò với các vị Đại Lai Lạt Ma. Tuy có quyền thế, nhưng những vị Ban Thiền Lạt Ma chuyển sanh chỉ làm cố vấn cho chính quyền địa phương, mà không có toàn quyền như những vị Đạt Lai Lạt Ma chuyển sanh.

Hệ của Ban Thiền Lạt Ma có mười vị như sau:

1/ Khắc Chủ Kiệt (1385-1438, hay Khải Chu (Mkhas-grub-rje)), đại đệ tử của đại sư Tông Khách Ba, sanh quán tại vùng Lạp Đa Đóa Hùng ở Hậu Tạng.

2/ Toản Lãng Tiếp Ngang (1439-1504, Bsod nams phyogs-glan) sanh quán tại vùng Ân Tát ở Hậu Tạng.

3/ Ân Sư Ba (1505-1556, Dben-sa-pa) sanh quán tại vùng Ân Tát ở Hậu Tạng.

4/ La Tang Khước Tiếp (1567-1662, Blo-bjan chos-kyi, rgyal-mtshan) sanh quán tại vùng Lan Chu Giáp ở Tạng Đống.

5/ La Tang Ích Tây (1663-1737, Blo-bzan Ye-ses) sanh quán tại vùng Thác Gia Trúc Luân ở Hậu Tạng.

6/ Ban Hựu Ích Hy (1738-1779, Dpal-ldan ye-ses) sanh quán tại vùng Thác Tây Mục.

7/ Đăng Tất Ni Mã (1781-1852, Blo-bjan bstan pahi ni-ma) sanh quán tại vùng Tát Nam Mộc Kiết Hùng ở Hậu Tạng.

8/ Đăng Tất Vượng Tu (1854-1882, Chos kyi grags-pa bstan-pahi dban-phyug) sanh quán tại vùng Thác Gia ở Hậu Tạng.

9/ La Tang Khước Kinh (1883-1935, Blo-bzan thub-bstan chos-kyini ma) sanh quán tại vùng Đạt Bố Hoài Ba.

10/ Cung Bảo Từ Đan (1938-1989, Blo- bzan phrin-las lhun-grub) sanh quán tại vùng Tuần Hóa ở Thanh Hải.

Trừ Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma ra, Hô Tất Lặc Hãn (Tulku-lama) của Lạt Ma Hoàng giáo có Triết Bố Tôn Đơn Ba (chấp chưởng ở ngoại Mông Cổ), Chương Gia (chấp chưởng ở nội Mông Cổ).

Tóm lại, các tu sĩ Hồng giáo vốn có vợ con, nên thường truyền ngôi pháp vị cho vợ con kế nhiệm. Để chấn chỉnh đạo pháp, đại sư Tông Khách Ba cấm chỉ tăng sĩ có vợ con, mà lập ra chế độ Hô Tất Lặc Hãn (5), để định người kế thừa ngôi pháp vị Đại Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma. Nguyên nhân có chế độ này vì sợ rằng nếu dùng chế độ tuyển chọn, thì tăng chúng sẽ phân quyền chia bè phái, khiến cho Hoàng giáo bị phân tán và suy diệt. Sau này, để xác lập địa vị Lạt Ma của các vị Lạt Ma đạo cao đức trọng, các giáo phái khác ở Tây Tạng cũng dùng chế độ chuyển sanh mà kế thừa. Điển hình, Hồng giáo (Nyingma) cũng bắt chước chế độ này mà truyền pháp.


Chương | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | Chú thích

 


Cập nhật: 1-8-2000

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang