Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Cuộc đời và sự nghiệp của HT. Tuyên Hóa
Thích Hằng Đạt

Chương II
Thời kỳ xuất gia học đạo, độ người

Vào năm Ngài được mười chín tuổi, mẹ Ngài tạ thế. Lúc đó là hạ tuần tháng ba. Gió xuân thổi vùn vụt, băng tuyết chảy tan làm đường lộ đầy sình lầy, khiến người đi bộ phải chịu cực nhọc. Từ nhà đến nghĩa trang hơn mười dặm. Trước ngày di chuyển quan tài, gia quyến cùng thân hữu rất lo lắng vì đường lộ sình lầy thì làm sao khiêng áo quan được! Đêm hôm đó, Ngài âm thầm cầu xin chư Long Thiên rằng hãy cho tuyết rơi hay khiến nước đông lạnh. Canh năm khuya hôm đó, thời tiết đột nhiên chuyển biến, lại thêm gió bấc thổi đến, khiến nhiệt độ hạ xuống, rồi tuyết rơi lả tả. Hôm sau, trên mặt đất, khắp nơi đều trắng xóa. Đường lộ hôm trước bùn lầy, nhưng hôm sau bị tuyết trắng phủ dầy. Hầu hết mọi người trong làng đều nghĩ rằng đó là do hiếu hạnh của Ngài nên mới cảm động trời đất.

Làm lễ an táng hạ huyệt xong, ai nấy đều trở về nhà, còn Ngài vẫn ở lại bên mộ phần người mẹ để thủ hiếu. Mồng tám tháng tư năm đó, Ngài đến chùa Tam Duyên ở làng Nam Bình, thành phố Hợp Nhĩ Tân, lạy hòa thượng Thường Trí làm thầy, chánh thức xuất gia. Thọ giới Sa Di xong, Ngài trở lại mộ phần bà mẹ. Một vị cư sĩ dùng rơm tranh, lợp một am thất cho Ngài ở. Trong thời gian thủ hiếu, Ngài lạy kinh Hoa Nghiêm, lễ Tịnh Sám, tu thiền tập giáo quán, nghiêm trì giới luật ăn một ngày một buổi.

Ngài tự thuật: Mẹ tôi bị bịnh nặng, nên thường nằm liệt trên giường. Tôi vừa tiếp tục dạy học, lại vừa lo săn sóc cho bà. Tôi không biết rõ bịnh tình của bà, nhưng đã hơn nửa năm, bà không thể đi hay ngồi dậy được. Tôi giúp mẹ mình đi cầu, tắm rửa, ăn cơm. Thân của bà tiết ra mùi hôi thúi, nhưng tôi không quản ngại, chỉ hết lòng lo lắng chăm sóc. Trong nhà, trừ tôi ra, không ai có thể săn sóc bà được. Tôi đi khắp nơi, tìm nhiều thầy thuốc đến nhà chữa trị, nhưng bịnh tình của bà vẫn không lành. Đương thời (lúc mười tám tuổi), thỉnh thoảng tôi nhịn đói cả tuần lễ, nhưng vẫn tiếp tục dạy học. Tôi nhịn ăn vì thành tâm cầu nguyện cho mẹ mình sớm lành bịnh.

Vào lúc ấy, tại sông Bạch Vân có một con hồ ly tinh rất linh. Nếu người nào thành tâm khẩn cầu, nó sẽ cho thuốc trị bịnh. Nhiều người từ trăm ngàn dặm đến cầu xin hồ tinh cho thuốc. Khi quân Nhật đặt căn cứ tại vùng đó, hồ tinh vẫn cư ngụ trong căn cứ. Sau này, nó đuổi quân Nhật ra khỏi vùng. Quân Nhật bí mật làm một nồi dầu và đặt hàng rào dây điện xung quanh gần trại lính, rồi dùng xe lửa, chở tù binh Tàu đến, bỏ họ vào nồi dầu. Không biết có bao nhiêu người đã bị chết trong nồi dầu đó.

Lần nọ, hồ tinh biến thành một ông già tóc bạc phơ, rồi đi thẳng vào doanh trại. Quân Nhật mang súng ống đuổi theo, nhưng ông lão lại chạy vào và đốt cháy kho vũ khí. Sau hai lần kho đạn bị nổ, quân Nhật biết rằng không thể ở đó lâu được, nên phải dời đi nơi khác. Việc này chứng minh hồ tinh rất linh. Quân Nhật vừa rút khỏi vùng, hồ tinh bắt đầu bốc thuốc cho những ai cầu cứu chữa bịnh. Người đến xin thuốc, chỉ việc tới đó đặt một cái chén với miếng vải đỏ bao phủ lên trên. Cầu xin bất cứ thuốc gì thì thuốc đó sẽ hiện ra trong chén. Nghe vậy, tôi đến đó, khẩn cầu hồ tinh cho thuốc để cứu người mẹ. Tôi đặt chén xuống, rồi quỳ xuống chờ đợi cả ba ngày ba đêm mà không có thuốc gì hiện ra trong chén. Sau này có một lần, khi tôi đã xuất gia, hồ tinh nhập vào thân của người bà con, cầu mong quy y với tôi. Lúc nói rõ rằng nó chính là hồ tinh tại sông Bạch Vân, tôi bảo:

- Khi tôi cầu xin thuốc, ngươi không cho gì cả. Hôm nay, sao dám đến xin quy y với tôi?

Hồ tinh thưa:

- Khi Ngài quỳ nơi đó, con không thể cho thuốc được, vì bị ánh sáng vàng chóa mắt.

Vì hồ tinh không cho gì cả, tôi tự đến tiệm thuốc bắc, hốt vài thang thuốc cho mẹ mình. Tuy nhiên, bà vẫn không khỏe lại được. Chẳng bao lâu, mẹ tôi qua đời vào mồng chín tháng ba âm lịch. Ngày bà mẹ qua đời, trong mình tôi không có một xu. Lúc báo tin cho các người anh hay tin buồn, chỉ có người anh thứ ba là đến. Tôi hỏi:

- Mình phải mua loại hòm gì cho mẹ?

Ông ta đáp:

- Nhà mình quá nghèo túng; mua thức ăn còn không có tiền còn nói gì đến việc mua hòm?

- Như vậy, chúng ta phải làm gì?

- Chỉ việc đóng vài tấm ván lại, rồi chôn bà.

- Không thể được! Mẹ nuôi nấng biết bao con trai, con gái, nhưng cuối cùng bà chẳng có một chiếc hòm để chôn. Em sẽ ra đường tìm xem.

Tôi ra thị trấn Lạp Lâm để mua hòm. Nhờ trước kia đã từng giữ chức quản đốc của hội Đạo Đức, nên tôi quen biết được vài người trong thị trấn. Tôi đến gặp ông Điền, người nổi danh về việc mua bán quan tài. Vừa gặp tôi, ông bảo:

- Anh đến đây để mua hòm phải không?

Tôi đáp:

- Hiện giờ, không có tiền, vậy ông có thể bán chịu cho tôi không?

- Được rồi! Khi nào có tiền, hãy trả cho tôi.

Do đó, việc mua hòm được giải quyết xong, và tôi sắp đặt chuyển hòm về nhà. Lúc sắp rời tiệm, ông Điền lại đưa cho tôi ba trăm đồng, bảo:

- Nếu không có tiền mua hòm, chắc chắn là anh không có gì để trang trải chi phí cho đám tang. Hãy lấy số tiền này và trả lại cho tôi lúc nào cũng được.

Tôi biết là ông ta tin tưởng mình, nên nhận lấy số tiền đó. Vào thời đó, ba trăm đồng là số tiền rất lớn, vì vật giá rất rẻ, và không có nạn lạm phát.

Ngày mười chín tháng ba, lúc trở về nhà tôi liệm xác bà mẹ vào hòm, sắp xếp người khiêng áo quan, đặt để thức ăn. Tang lễ được cử hành vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, gió xuân ấm áp đã thổi tan băng giá tuyết đông, khiến đường xá bùn lầy rất khó đi. Khu đất mai táng lại cách nhà khoảng hai ba dặm. Tôi rất lo lắng cho những người khiêng hòm, vì họ phải đi trên con đường bùn lầy và trơn trượt. Tối hôm đó, tôi cầu nguyện chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thiên: Con không có nhiều thiện duyên với trời người. Tuy nhiên, cầu xin chư Phật, chư Bồ Tát và chư Thiên gia hộ cho sáng ngày mai tuyết rơi hoặc đóng băng.

Nếu tuyết rơi xuống khoảng một tấc, hoặc mặt đất đóng băng giá, thì sẽ giúp người bộ hành dễ dàng đi đứng. Lạ lùng thay! Trước khi trời hừng sáng, nhiệt độ hạ thấp, tuyết rơi xuống khoảng một tấc, và băng đóng trên mặt đất. Tôi biết rằng đây là cảm ứng của chư Phật và chư Bồ Tát.

Rạng ngày hôm sau có trên hai mươi người đưa quan tài đến nghĩa địa. Mây dầy đặc giúp người khiêng hòm bớt mệt nhọc. Làm lễ hạ quan tài xong, mây liền tan hết, ánh mặt trời hiển hiện trên nền trời xanh thẳm, khiến tuyết tan dần. Khi người người lục đục kéo nhau ra về, tôi ở lại ngồi bên cạnh phần mộ người mẹ. Khi có người hỏi rằng sao lại ngồi nơi đó, tôi đáp rằng muốn an ủi linh hồn mẹ tôi, nhưng chưa nói rõ ý muốn ở lại bên phần mộ mẹ để thủ hiếu. Dầu họ cố khuyên lơn, nhưng tôi vẫn lặng thinh như điếc. Tôi không cảm thấy đau buồn mà chỉ nhủ thầm: Mẹ ơi! Tuy đã qua đời, nhưng con vẫn ngồi đây để an ủi mẹ. Lúc đó, tôi được mười chín tuổi.

Vì nhiều người tò mò về việc ngồi tại nghĩa địa, nên tôi sẽ kể rõ cho quý vị nghe. Ngày đầu ngồi nơi đó, thử thách lớn đến. Ban ngày không có việc gì xảy ra, nhưng ban đêm có một đàn chó săn đến. Những con chó này đã được quân Nhật huấn luyện. Chúng rất hung tợn và thường ăn thịt người. Những người giàu sang thường nuôi chúng để giữ nhà. Họ thường thả lỏng chúng vào ban đêm. Chúng thường tụ tập với nhau để săn mồi, tiến lui như quân binh của một tiểu đội du kích. Thấy tôi ngồi bên phần mộ, chúng dự đoán là sẽ có buổi tiệc ngon. Vài chục con hung hãn, đi xung quanh tôi khoảng năm mươi bước, rồi từ từ tiến gần đến. Trước hết là con đầu đàn, rồi kế tiếp là cả bầy. Dầu chống lại một con cũng không dễ dàng, còn nói chi đến việc chống cự cả bầy. Tôi nghĩ thầm là mình chỉ có hai cách: Đầu hàng hay chống cự. Tuy nhiên, không có vũ khí như súng, lựu đạn, dao găm, tre gậy, thì làm sao chống cự? Thôi thì chỉ việc ngồi đây thủ hiếu, chẳng màng chú ý đến chúng, dẫu bị cắn xé đến chết, cũng chẳng nề hà. Trong hoàn cảnh đó, tôi phải chịu chết, chứ biết làm gì nữa, nên nhắm mắt chờ đợi.

Bầy chó tiến đến, cách tôi khoảng ba mươi bước. Thấy tôi không động đậy, chúng bò sát từ từ dưới đất, sủa và gầm gừ, cho đến khi chỉ cách tôi khoảng mười thước. Khi ấy, không biết vì sao, tự nhiên chúng bắt đầu kêu oăng oẳng và cắn lẫn nhau, giống như bị ai đánh đập, rồi cả bầy xoay đầu bỏ chạy. Đó là ngày đầu tiên, tôi vượt qua thử thách, không bị chó sói ăn thịt. Lúc làm những việc thiện, nghiệp chướng sẽ thử mình. Nếu muốn thành Phật, sẽ bị ma quỶ thử thách. Vì tôi hành hạnh thủ hiếu tại phần mộ mẹ hiền, nên những chủ nợ đến tìm kiếm. Có lẽ bầy chó sói là kẻ thù của tôi trong đời quá khứ. Ngày nay, chúng đến đây để tấn công khi tôi không có gì để chống cự. Tôi không chống lại cũng không đầu hàng, nhưng cuối cùng chúng lại bỏ đi. Thật ra, chẳng phải do tôi khiến chúng bỏ chạy, mà tự chúng cắn xé lẫn nhau rồi bỏ đi.

Bầy chó sói vừa đi thì bầy muỗi đến. Vào tháng ba, miền đông bắc chẳng hề có muỗi. Song, một bầy muỗi mòng bay đến vào tối hôm thứ hai. Bay vù vù, bầy muỗi mòng này to lớn và rất khát máu. Tôi thầm nghĩ: Bây giờ chỉ là tháng ba, thời tiết vẫn còn lạnh lẽo, vậy thì bầy muỗi này từ đâu bay đến? Thêm một thử thách nữa. Hôm qua là chó sói. Hôm nay là muỗi mòng.

Tôi có thể đập chúng, nhưng nếu giết chúng thì làm sao nhìn mặt mẹ mình? Tôi tự bảo: Quý vị cứ tự nhiên uống máu của tôi.

Tôi cởi áo phần thân trên ra. Chúng bay và đậu trên thân tôi, nhưng lại bỏ đi nơi khác mà chẳng hề hút máu. Từ đó, không còn muỗi mòng nào bay đến nữa. Trong vùng đất hoang vu, có rất nhiều muỗi mòng, nhưng tôi chưa hề bị chúng cắn. Tuy nhiên, có rất nhiều người đến thăm tôi, thường bị muỗi cắn, nên họ nói đùa là được bác sĩ chích ngừa. Đó là việc tôi vượt qua thử thách vào ngày thứ hai.

Chắc quý vị nghĩ rằng đây là những câu chuyện bông đùa. Tuy nhiên, tôi xin nói là chẳng có chút gì vui cả. Nếu tôi không cởi áo ra, để chúng hút máu cho thỏa thích, thì chắc gì được yên thân. Lúc đó tôi nói thầm: Quý vị cứ việc hút khô máu. Tôi sẵn sàng chết nơi đây, mà không thù oán gì cả, vì muốn kết duyên lành với quý vị. Khi tôi thành Phật, quý vị sẽ là những người mà tôi cứu độ trước nhất.

Vì vậy, khi bay trên người tôi, chúng cũng muốn làm bạn, mà không nỡ lòng hút máu. Do đó, sau khi xuất gia, tôi tự gọi mình là tỳ kheo muỗi mòng. Tôi thường dùng tên này vì danh Độ Luân hay Tuyên Hóa, khiến người khác nghe đến liền cảm thấy nhức đầu chóng mặt. Đó là lý do mà tôi có tên tục là muỗi mòng.

Nếu có ai nghĩ rằng tôi chỉ kể chuyện suông thôi, thì cứ cho là như vậy đi. Tôi kể cho quý vị nghe thêm một thử thách trong đêm thứ ba. Chúng là kiến, có cả hàng ngàn con. Lúc ngồi nơi đó, chúng bò lên thân và cắn cùng thân mình. Tôi biết rằng chúng muốn đuổi mình đi hoặc thử lòng thành của mình. Lần nữa, tôi không kháng cự gì cả, chỉ tự nghĩ: Quý vị muốn đuổi tôi đi nơi khác, nhưng tôi không hề muốn đuổi quý vị; muốn bò lên đầu, mặt mũi, lỗ tai, miệng, v.v..., chỗ nào cũng được, xin hãy tự tiện.

Sau khoảng nửa tiếng, chúng bò đi hết. Lạ lùng thay! Từ đó, không còn một chú kiến nào đến quấy rầy tôi nữa. Bầy kiến chắc nghĩ rằng không thể xâm chiếm đất được, nên phải bỏ đi nơi khác.

Từ ba sự kiện này, tôi nhận thấy rằng nếu chúng ta không kháng cự lại kẻ thù, tức xem họ như thân thuộc, thì từ từ họ sẽ xem mình là bạn. Do đó, tôi tự đặt tên mình là chú kiến nhỏ nhoi. Hôm nay, biết chú muỗi mòng và chú kiến nhỏ nhoi đang thuyết pháp giảng kinh, nên rất ít người đến nghe, vì họ sợ muỗi mòng, kiến, trùng cắn chích. Những ai dám đến đây tức là sẵn sàng làm bạn với muỗi cùng kiến. Tôi không muốn nói nhiều vì e rằng quý vị sẽ thêm sợ hãi.

Ngày thứ tư, chó sói, muỗi mòng, kiến đều bỏ đi, nhưng lại đến phiên chuột, với thân mình to lớn như mèo. Tôi không biết có phải chúng là những con chuột cống ở Đài Loan, thường trốn trên mái nhà hay không? Ban đầu, tôi tưởng là mèo, nhưng nhìn kỸ thì thấy chúng là một đàn chuột trắng và xám với những cặp mắt ti hí và tinh ranh như trộm cướp, thường chui dưới những cánh đồng, nhiều vô số kể. Chúng bắt đầu giở trò, bò và nhảy lên cùng thân mình, đầu cổ tôi. Tuy nhiên, khi chúng nhảy lên đầu, tôi lấy tay trùm lại, nên bị chúng cắn tay, khiến chảy máu dầm dề. Khi ấy, tôi nghĩ thầm: Được rồi! Tôi không kháng cự nữa đâu. Hãy tiếp tục cắn đi.

Tôi để chúng tự do leo lên đầu cổ mình mẩy. Khoảng hai mươi phút sau, cả bầy chuột đều bỏ chạy. Đây là chuột thử thách vào ngày thứ tư.

Ngày thứ năm, tôi bị một đàn rắn rít độc hại lớn nhỏ, dài ngắn vây quanh. Thường ngày, rất ít thấy rắn trong vùng đó, nhưng hôm ấy, chúng lại kéo đến làm thịt tôi. Lần nữa, tôi nghĩ: Quý vị cứ việc cắn đi; nếu phải chết, thì có sao đâu.

Tuy nhiên, không có con nào cắn tôi. Ngày thứ sáu, một bầy bò cạp đột nhiên xuất hiện. Chúng dài cả ba bốn tấc. Tôi đã từng thấy qua những con bò cạp lớn tại chùa Từ Hưng trên núi Đại Tự và chùa Tây Lạc Viên tại Hương Cảng, nhưng chưa bao giờ thấy những con bò cạp lớn như thế. Cỏ dại lao xao khi chúng bò đến từ khắp nơi. Tôi tự bảo: Quái lạ thật! Mình bị chó sói, muỗi mòng, kiến, chuột, rắn rít tấn công. Bây giờ lại đến phiên bò cạp. Dầu con gì đến, mình sẽ để chúng cắn.

Vì không có tâm sợ hãi hay thù hằn, chúng tự giải tán và biến mất. Ngày thứ bảy lại khác hơn sáu ngày trước. Mùi hương lạ, khác hẳn với hương thơm thế tục, bay đầy khắp hư không. Sau bảy ngày, mọi việc đều tĩnh lặng.

Lúc ngồi bên cạnh phần mộ người mẹ, vì không có ai mang thức ăn, nên tôi chịu nhịn đói. Tuy nhiên, sau ngày thứ bảy, cha tôi mang thực phẩm đến. Khi đó, cha tôi tuổi khoảng bảy mươi. Ông vừa khóc vừa khuyên tôi hãy trở về nhà. Dầu nhịn ăn trong bảy ngày, tôi vẫn không cảm thấy đói. Vì người cha mang thức ăn đến, nên tôi phải cố gượng ăn. Sau đó, tôi thưa với cha mình rằng xin đừng mang thêm thức ăn gì nữa, rồi nhấn mạnh rằng sẽ không nhận thức ăn hay vật gì của thân nhân đem đến.

Bao việc xảy đến khi tôi ngồi bên phần mộ, nhưng chưa bao giờ gặp ma quỶ. Những khi đói bụng, tôi ăn cỏ dại và lá hoang. Ngày nọ, ăn nhằm một loại nấm mà khiến cho tôi muốn cười suốt ngày. Từ đó, tôi biết được nấm có chất hoá học, khích thích cười đùa. Thời gian sống bên ngôi mộ người mẹ là một trong những lúc cực khổ nhất của cuộc đời. Dùng lá tranh, tôi xây am nhỏ thành hình chữ A, nhưng nó không thể chống đỡ gió mưa sương tuyết. Những khi ngoài trời tuyết rơi thì trong am cũng trắng bạch. Lúc mưa to gió lớn thì am thất cũng ướt nhèm.

Vừa bắt đầu học Phật pháp, tôi tụng kinh Địa Tạng và Pháp Hoa. Mùa đông năm mười tám tuổi, lần đầu tiên tôi được đọc ba quyển kinh Địa Tạng. Tôi nhớ lại là được xem kinh Địa Tạng tại chùa của hòa thượng Diệu Liên. Hòa thượng tự tay viết và in ấn quyển kinh này. Hòa thượng Diệu Liên vốn là tiến sĩ của viện Hàn Lâm và đã từng làm quan trong triều Mãn Thanh tại Hàng Châu. Lúc được bổ nhiệm làm quan tại Hàng Châu, Ngài đến đó sớm hơn vài ngày, mà chưa nhận chức chính thức. Vì không có việc gì làm, Ngài mặc áo quần thường dân, đến đền miếu, dự xem buổi lên đồng cốt; đây là pháp nửa thật nửa giả của bàng môn tả đạo mà không phải là pháp của Đạo giáo hay Phật giáo. Vừa bước vào cửa miếu, dẫu người xung quanh không ai nhận ra lai lịch, nhưng con đồng lại gọi đúng tên tục của Ngài, Trương Hàn Thừa, và bảo rằng phải lắng nghe theo mạng lịnh:

- Đời trước ông là người con chí hiếu, nên đời nay được làm quan. Vì vậy, phải làm vị quan thanh liêm, chứ đừng hành động như bọn quan lại tham ô. Hãy vận dụng hết tài năng mà hành sự.

Nghe như thế, Ngài toát mồ hôi, nghĩ ngợi: Thật quái lạ! Đồng cốt lại biết quá khứ của mình!

Ngài đã từng là người nghiện hút thuốc phiện, nhưng bấy giờ không còn muốn hút nữa. Nghỉ ngơi vài ngày xong, Ngài đem thuốc phiện và những ống thuốc ra đến Tây Hồ. Người khác nhìn thấy, tuởng rằng Ngài sẽ đến đó mà hút thuốc phiện. Khi bơi thuyền ra giữa Tây Hồ, Ngài liệng hết chúng xuống nước. Vừa ngưng hút thuốc phiện, Ngài tu học Phật pháp, rồi lại xuất gia. Ngài có căn bản học vấn vững chắc về Khổng giáo, và thư bút rất tuyệt vời. Sau này, Ngài cho tôi quyển kinh Địa Tạng do chính tay mình viết. Từ đó, tôi bắt đầu tụng đọc kinh này vào những buổi trưa, và thường đốt một nén hương cháy khoảng hai giờ, mà người miền bắc gọi là cây hương tinh tấn. Sau này, vì tôi quỳ trên gạch đá chứ không có gối lót, nên đầu gối bị lở loét chảy máu, nhưng tự bảo: Mi cứ việc lở loét. Ta chẳng nề hà.

Lần đầu tụng kinh Địa Tạng, thân tâm tôi cảm giác rất thanh tịnh và an lạc, không thể diễn bày. Hôm nay, ngồi trên chiếc ghế trường kỶ đã được bao bọc kỸ càng, mà quý vị lại muốn lót thêm một lớp nệm nữa. Lúc quỳ, quý vị phải có gối để lót đầu gối, vì không thể nhẫn thọ cực khổ nhỏ nhoi. Tôi ngu xuẩn hơn quý vị vì quỳ mà không chịu lót đầu gối, khiến nó phải bị lỡ loét.

Tôi nhớ lại lúc xưa, thường tụng kinh Pháp Hoa đến độ mắt bị chảy máu. Tại sao? Càng tụng chừng nào, tôi càng thích chừng đó mà quên đi việc ăn uống ngủ nghỉ trong mấy ngày liền, khiến đôi mắt rướm máu. Đến khi máu chảy xuống quyển kinh thì tôi mới biết, nên buộc lòng phải nghỉ ngơi. Quý vị có thể bảo:

- Hòa Thượng! Ngài thật ngu si!

Vâng! Nếu tôi thông minh như quý vị thì đôi mắt không đến nỗi phải bị chảy máu. Có lẽ quý vị sẽ cười thầm: Vâng rất đúng!

Tuy thông minh nhưng quý vị (thính giả trong pháp đường) vẫn là đệ tử, theo tôi học Phật pháp. Đối với tôi, việc tụng kinh đến độ mắt chảy máu là việc thường xảy ra.

Bàn về quá khứ, quý vị chớ nghĩ rằng tôi luôn làm tăng sĩ. Tuy không nhớ hết những việc lên voi xuống ngựa, nhưng tôi tự biết mình đã từng làm vua, quan, dân dã, rất đỗi phiền hà. Việc gì cũng đều phiền hà. Học sinh, công nhân, thương gia, quan quân, tăng sĩ, mỗi người có việc phiền hà riêng. Tuy nhiên, nếu biết mình đang làm việc gì và chuyển được cảnh thì phiền hà không còn. Hãy cố gắng tinh tấn tiến bước.

Ngược dòng thì gặp đạo

Nhẫn nhượng thì dụng đạo.

Vô luận việc gì, nếu không biết xả chấp nê đều trở thành phiền não. Xả bỏ được nghĩa là mọi việc đều tốt đẹp, chẳng có gì là phiền muộn. Nếu hành được như thế, sẽ thấy lẽ vi huyền trong tự tâm.

Trong thời gian thủ hiếu bên cạnh phần mộ người mẹ, tôi xuống tóc xuất gia. Trước đó, tôi đã quy y với đại sư Thường Nhân. Tuy thất học, nhưng đại sư Thường Nhân có tài thuyết pháp hùng biện. Ngài là vị trụ trì chùa Tam Duyên, và cũng từng thủ hiếu bên cạnh mộ cha mẹ trong sáu năm. Hai năm đầu, Ngài không dùng thức ăn nấu chín và cùng không giao tế với ai. Ngôi chùa Tam Duyên, nơi tôi xuất gia, có khoảng năm mươi tỳ kheo, nhưng đôi khi chỉ còn vài người. Lúc tôi đến chùa, đại sư Thường Nhân vừa ra ngoài hóa duyên, nên không có ai nhận ra tôi. Tôi thưa:

- Hôm nay, con đến đây cầu xin xuất gia, để nương theo ngài Trụ Trì tu học.

Nghe như thế, họ đều chấp thuận. Xuất gia xong, tôi hành bao khổ hạnh, khác biệt với sự tu tập của quý vị trong hiện thời, tức thường đánh máy, tụng kinh, v.v... Trong ngôi chùa lớn ở vùng thôn quê có rất nhiều việc để làm. Công việc đầu tiên của tôi là quét dọn hầm cầu. Mỗi ngày, phải đi đổ phân vì không muốn có mùi hôi hám xông lên trong chùa. Họ giao nhiệm vụ này cho tôi vì biết rằng tôi chưa cắt đứt chấp trước về mùi vị. Mỗi ngày tôi vui vẻ làm việc, chẳng hề quản ngại. Tôi cũng làm rất nhiều công việc lặt vặt trong chùa như quét dọn, nấu cơm, rửa chén. Lúc tuyết rơi, tôi thức dậy khoảng hai giờ sáng, trong lúc mọi người đang say giấc nồng, để quét dọn đường đi cho đại chúng lên chánh điện tụng kinh vào lúc bốn giờ sáng. Tôi làm công việc này trong một thời gian dài mà không ai biết đến.

Lúc nhỏ, tôi rất thích tranh cãi rầy rà với những người khác. Xuất gia xong, tôi thường bị người khác chửi mắng, đánh đập và chèn ép. Mọi người đều khinh bỉ và cho rằng tôi là kẻ vô loại. Có vài thầy ở trong chùa thường lợi dụng, chửi mắng và đánh đập tôi.

 

Vào buổi đầu tu học Phật pháp, Ngài thường thích tụng kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện. Do lòng đại từ đại bi cao cả, Bồ Tát Địa Tạng luôn lân mẫn đến chúng sanh mà họ nào hay biết. Vì vậy, Ngài phát tâm quỳ trước chánh điện, tụng kinh Địa Tạng suốt hai giờ liền vào mỗi ngày. Nền đất trên chánh điện được trét bằng xi măng thô. Quần của Ngài chỉ có một lớp vải mỏng, thì đầu gối tránh sao không khỏi bị rách sướt! Tuy nhiên, Ngài vẫn không cảm giác đau đớn, vì càng tụng lại càng thích. Ngày qua tháng lại, Ngài vẫn luôn thành tâm tụng kinh trước chánh điện. Có lần, một cư sĩ nọ đến chùa, mang đồ cúng dường, và thấy Ngài quỳ tụng kinh như thế, nên rất tán thán. Sau khi cư sĩ ra về, thầy trụ trì mắng Ngài:

- Thầy làm bộ làm dạng, cố ý cho cư sĩ thấy, để tỏ ra mình là người tu hành lâu năm. Thật là giả dối.

Ngài không nói một lời nào, tự biết rõ tâm mình chỉ muốn tụng kinh. Song, từ đó nhiều việc ồn ào vô lý xảy ra. Trước khi tụng kinh, những người khác đến chửi mắng:

- Ô! Thứ đồ làm bộ tu hành.

Ngài vừa tụng kinh xong thì họ mỉa mai:

- Xem kìa, ổng giả bộ tụng kinh xong rồi.

Bị bao lời gièm pha, nhưng Ngài vẫn ẩn nhẫn, chẳng hề hé môi. Qua một trăm ngày tụng kinh, ma chướng lại đến. Ngày nọ, vừa tụng kinh xong, vị sư huynh không nói một lời, đến trước mặt, tát vào mặt Ngài. Tuy bị đánh, nhưng Ngài nhẫn nhục lặng thinh. Vị sư huynh quát mắng:

- Thầy là ai mà sao quá biếng nhác! Mọi người làm việc, còn Thầy thì giả bộ tụng kinh, biểu diễn cho kẻ khác xem! Trong chùa không có chỗ cho Thầy tu hành sao? Có công đức bao nhiêu mà ở đây tu hành?

Từ đó, Ngài ngưng tụng kinh Địa Tạng. Tu đạo không phải dễ, luôn gặp ma chướng. Người dụng công tu hành có chút điểm thành tựu thì ma đến khảo nghiệm định lực của mình. Gặp nghịch cảnh, Ngài chưa từng thối tâm, tinh tấn tu trì trước sau như một.

Ngài tự thuật: Lúc sống bên cạnh phần mộ của người mẹ, tôi dành mọi thời gian vào việc lễ bái, tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, nên tâm tư rất an lạc. Lúc nhỏ, khi đọc qua truyện Tam Quốc Chí, đến đoạn Quan Công bị giết hại, tôi khóc cả ba ngày, vì thương cho người trung nghĩa bị kẻ gian hãm hại. Tuy nhiên, khi bà mẹ qua đời, tôi không rơi lệ chi hết, vì nghĩ rằng buồn quá không còn gì để khóc. Lúc đó, tôi cũng vừa xuất gia, với mục đích là cắt đứt dòng sanh tử luân hồi. Thuở nhỏ, tôi có biệt hiệu là Khất Sĩ. Giờ đây, tôi mới thật sự là người khất sĩ, và là tăng sĩ. Mãi đến khi tôi thủ hiếu bên cạnh phần mộ bà mẹ, cha tôi mới biết quyết định xuất gia của tôi. Cha tôi suốt ngày chỉ lo uống rượu. Ông thường tới thị trấn, cách nhà khoảng hai dặm để mua vài đấu rượu. Ông có thể uống một lần khoảng bốn đấu rượu. Uống rượu no rồi, ông thường đi ngủ. Sau khi tôi rời miền đông bắc, cha tôi bị bịnh trong ba ngày liền trước lúc lâm chung. Ông nhịn ăn và ngồi thẳng mà qua đời. Hiện tại, tôi mời và giúp đỡ người anh thứ ba qua MỸ, vì ông ta lo lắng cho cha tôi lúc trước. Mọi việc làm tôi đều được thúc đẩy bởi lòng hiếu thảo. Người khác bàn về việc thực hành hạnh hiếu thảo chỉ trong vài năm, nhưng riêng tôi thì lại không có giới hạn thời gian. Tưởng nhớ đến cha mẹ, tôi không dám làm những việc xấu, vì sợ sẽ trở thành đứa con bất hiếu. Nếu hỏi rằng tôi thực hành hạnh hiếu thảo đã bao năm thì xin đáp là hiện nay tôi vẫn đang thực hành. Được người khác khen ngợi là rất hiếu thảo, nhưng tôi cảm thấy hạnh thủ hiếu của mình chưa được vẹn toàn. Do đó, tôi muốn đối xử tất cả người già như cha mẹ của mình, vì quán thấy tất cả người nam là cha, và tất cả người nữ là mẹ của mình trong đời quá khứ, và là chư Phật trong đời tương lai. Tướng Nhạc Võ Mục, trước mọi buổi ăn, ông ta đều thành tâm tưởng niệm hai vị vua đời Tống rồi sau đó mới dùng. Tôi rất ngưỡng mộ những vị như thế, vì họ là các bậc siêu phàm. Cá nhân tôi không thể xứng đáng làm thầy của trời người.

Lúc thủ hiếu tại am tranh, có vài lần dân làng thường tưởng am tranh của tôi bị cháy. Tuy nhiên, lúc họ chạy đến thì không thấy có lửa gì hết. Đêm nọ, khi tôi đang ngồi thiền, nhập vào không định, quên hẳn nhân ngã, thì đất đai rung chuyển, khiến tôi chợt cảm thấy thân bị động. Tôi nghĩ thầm: QuỶ ma nào lung lay thân mình đây? Định lực của nó thật dữ tợn.

Hôm sau, có người đến báo cho tôi biết là trong vùng vừa xảy ra trận động đất. Khi đó, một giếng nước kế bên am tranh của tôi bỗng nhiên phun ra lửa, chứ chẳng phun ra nước. Trên thế gian này có nhiều chuyện lạ lùng thật.

Tôi tin tưởng rằng bên dưới giếng nước có một khoáng chất hóa học, sulfur, hỗ trợ cho núi lửa. Do đó, giếng nước mới vụt ra lửa.

Chiều hôm nọ, tôi thấy đức Lục Tổ đến. Ngài khoảng độ năm sáu mươi tuổi, và mặc y ca sa màu xám. Ngài giải thích cho tôi nghe về lý lẽ tu hành, và thọ ký rằng trong tương lai tôi sẽ đến nước MỸ. Ngài cũng cho biết rõ rằng tôi sẽ gặp những hạng người nào. Dạy bảo xong, Ngài liền biến mất. Việc này thật lạ lùng, vì tôi trông thấy Ngài rõ ràng trong ban ngày.

Quân Nhật xâm chiếm vùng đông bắc khi tôi đang thủ hiếu. Có người kể cho tôi nghe rằng quân Nhật bắt rất nhiều người Tàu và nhốt trong những trại lao công. Tù nhân không có đủ thức ăn để dùng, quần áo để mặc. Vì vậy, họ chết đói và chết rét rất nhiều. Thật là cay đắng. Nghe thấy hoàn cảnh khổ đau của họ, tôi phát nguyện ăn mỗi ngày một buổi. Tôi muốn để dành buổi cơm sáng và tối cho những ai không có thức ăn. Có người cho rằng thái độ này rất ngu xuẩn. Vâng, quý vị có thể bảo làm việc này rất ngu ngốc vì người đói không nhận được phần ăn của tôi để dành, một cách trực tiếp. Tuy nhiên, quý vị phải biết việc đó dựa trên định luật bảo toàn năng lượng. Thức ăn tôi không dùng sẽ còn ở trên thế gian. Vì vậy, tôi phát nguyện ăn mỗi ngày một buổi. Kinh Bốn Mươi Hai Chương thuyết: Chư tỳ kheo thọ trai mỗi ngày một buổi vào giờ ngọ, ngủ qua đêm dưới gốc cây; cẩn trọng, chớ làm việc thế sự.

Tôi cũng phát nguyện rằng không mặc vải ấm. Mùa đông tại vùng Mãn Châu, nhiệt độ đôi khi dưới 0(C độ khoảng -33(C hoặc -34(C, khiến nhiều người bị chết rét. Tuy nhiên, ngay cả nhiệt độ thấp như thế, tôi chỉ mặc ba lớp áo. Dầu cho mùa hè hay mùa đông, tôi đều mặc như thế. Do lời nguyện này, tôi có thể để dành và hồi hướng phần vải dư cho những người cần dùng. Họ có nhận được sự lợi ích này không? Một lần nữa, dựa trên định luật bảo toàn năng lượng, chắc chắn sẽ có người dùng số vải này. Tôi không cảm thấy lạnh lắm trong thời tiết băng giá. Sau này, không cần mang giày vớ, tôi có thể đi chân không trên đất đóng băng mà chân không bị cóng. Từ việc này, khiến tôi nhớ lại một câu chuyện vui. Đương thời, tôi có một người bạn, khoảng mười tám tuổi, tánh tình lanh lợi. Thấy tôi đi trên băng tuyết mà không mang giày vớ, anh ta cũng muốn bắt chước. Chưa đi được một trăm thước thì chân của anh ta đã bị lạnh cóng và sưng vù. Không thể chịu đựng nổi, anh ta mau kíp chạy vào chùa. Sáu tháng sau, anh ta mới đi đứng lại bình thường. Lúc đó, tôi được hai mươi tuổi, tức lớn hơn anh ta hai tuổi. Tuy nhiên, tôi có thể chịu lạnh được, còn anh ta thì không thể chịu nổi. Làm thế nào tôi chịu đựng được? Việc này liên hệ với lời phát nguyện không mặc vải ấm, nên tôi không cảm thấy lạnh lắm.

Ngoài ra, tuy không ăn nhiều, nhưng tôi vẫn không cảm thấy đói. Trước kia, vào mỗi buổi ăn, tôi thường dùng khoảng năm chén cơm, tức mười lăm chén mỗi ngày. Tuy nhiên, vừa phát nguyện ăn mỗi ngày một buổi, tôi chỉ dùng ba chén cơm là nhiều. Nếu là chén lớn thì tôi dùng hai chén, còn chén nhỏ thì dùng ba chén. Không phải tôi muốn kiêng cử ăn uống, mà là cảm thấy chột dạ khi ăn quá nhiều. Dầu ăn ít, tôi vẫn không thấy đói. Từ đây, tôi nhận rõ lực tác dụng mạnh mẽ của lời phát nguyện, vì chúng giúp cho mình hành những việc khó hành.

Hầu hết đệ tử của tôi, xuất gia lẫn tại gia, đều ăn mỗi ngày một buổi. Họ muốn học và hành theo phương pháp tu hành ngu ngốc của tôi. Có thể cho rằng họ không biết tu hành. Tuy nhiên, nhìn về khía cạnh khác thì họ tính toán rất kỸ. Những thức ăn không dùng đến, họ dành để cứu người. Đây là cách thức gieo duyên ăn uống với người khác. Vì vậy, tôi tin tưởng rằng mãi mãi họ sẽ không đói khát. Vì sợ đói khát nên phải để dành thức ăn lại cho mai sau. Người xưa bảo:

Giảm y phục, tăng phước báo
Giảm ăn uống, tăng tuổi thọ.

Vì nghĩ rằng mình sẽ không thể sống lâu nên tôi giảm phần ăn của mình hầu mong tăng tuổi thọ. Thật ra, việc này không đúng cho lắm. Tôi chỉ nói đùa với quý vị thôi.

Chúng ta phải hành theo lời dạy của đức Phật. Phật bảo: Chư tỳ kheo chỉ được ăn mỗi ngày một buổi, và ngủ dưới một gốc cây vào mỗi đêm.

Các thầy tỳ kheo không được ngủ dưới một gốc cây trong ba đêm liền, bằng không sẽ có người tìm đến, dâng đồ cúng dường. Tại sao họ không nhận đồ cúng dường? Tuy được phép thọ nhận, nhưng không phải do lòng tham kích động. Sống một nơi trong thời gian dài, duyên pháp sẽ phát khởi. Do đó có câu:

Ngồi lâu sẽ nhập thiền định.
Trụ lâu sẽ phát khởi duyên.

Do đó, ngoại trừ có những việc quan trọng, tỳ kheo nên đi du phương. Do đó, ở nước Tàu chư tăng thường đi vân du khắp nơi để lễ bái các tự viện nổi tiếng. Hạnh này được gọi là ẩn tích che quang. Dầu ở bất cứ nơi nào, chư tăng không trú quá ba đêm, và không được quảng cáo sự tu hành của mình.

Khi tôi thủ hiếu cạnh ngôi mộ người mẹ, có rất nhiều người xôn xao bàn tán. Một số người nghĩ rằng đó là hành động tốt, phải nên làm. Một số người lại nghĩ rằng hành động này là ngu xuẩn. Tuy nhiên, trong làng dân chúng thường đem đồ đến cúng dường cho tôi. Đương thời, một vị thầy nọ có thần thông ăn uống. Tuy ăn mỗi ngày một buổi, nhưng thầy lại dùng cả một thúng bánh bao khoảng mười cân. Thầy ăn rất nhanh, giống như ngạ quỶ! Nghĩ rằng tôi ở tại nghĩa trang không có đủ thức ăn, thầy gởi cho tôi một thúng bánh bao. Những bánh bao này có tên là trong hai ngoài tám.

Có một câu chuyện liên quan đến bánh bao trong hai ngoài tám. Thuở xưa, có một vị tăng hỏi ngài Triệu Châu:

- Ngài có biết trong hai ngoài tám là gì không?

Tuy biết đó là một loại bánh, nhưng Ngài không biết đó là nghĩa gì, nên bảo:

- Hãy đem đến để Ta ăn.

Vị tăng kia nghĩ rằng Ngài biết nghĩa này, nhưng thật ra Ngài nào có hiểu đâu. Do đó, Ngài cảm thấy xấu hổ, thầm nghĩ: Tu hành trong bao năm mà chẳng biết nghĩa lý của câu hỏi này. Đường tu mù mờ, nên phải đi tham phương hành cước.

Dầu Ngài muốn đi tham phương hành cước, nhưng mắt mờ, răng rụng, chân run. Ngài gọi thị giả trẻ tuổi ra hỏi:

- Con cho Thầy mượn một vật được không?

Thị giả suy nghĩ: Nếu thầy mình cần vật gì, sao lại không giúp?

Do đó, thị giả đáp:

- Bạch Thầy! Bất cứ vật gì Thầy muốn, con đều cho mượn.

- Miễn con đồng ý là được rồi mà không cần phải hỏi Thầy cần mượn vật gì. Bây giờ con hãy trở về phòng ngủ đi.

Thị giả cảm thấy lời yêu cầu này thật lạ lùng, nhưng vẫn nghe lời Ngài, trở vào phòng ngủ. Hôm sau, vừa thức dậy, thị giả dùng kiến soi mặt, thấy thân mình thật giống như ngài Triệu Châu, râu dài tóc bạc răng rụng, nên run sợ tự bảo:

- Quái lạ! Tại sao mình lại nhập vào thân của lão hòa thượng?

Người thị giả bèn chạy đi tìm Ngài. Bước vào, thị giả thấy thân mình đứng nơi đó. Sửng sốt, người thị giả lại càng sợ hãi, la lên:

- Sao lạ lùng vậy!

Ngài an ủi người thị giả, bảo:

- Hãy bình tĩnh và đừng làm náo động. Từ từ thầy sẽ trả lại thân cho con. Bây giờ, con hãy thay thế chức vụ trụ trì vì Thầy cần đi tham phương hành cước một thời gian.

Sau đó, từ miền nam, ngài Triệu Châu đi tham phương lên miền bắc. Nơi ấy, Ngài thấy dân chúng làm bánh bao. Đang lúc làm bánh, họ dùng hai ngón tay để nhồi bên trong, còn tám ngón tay thì nắn bên ngoài. Ngài liền hỏi họ:

- Bánh này gọi là gì?

Họ đáp:

- Thầy không biết bánh này gọi là gì sao? Bánh này được gọi là bánh bao trong hai ngoài tám.

Bất chợt, ngài Triệu Châu liền liễu ngộ, nên trở về chùa, trả lại thân cho người thị giả, và trở lại với thân hình già nua. Do đó có câu: Triệu Châu tham phương hành cước lúc tám mươi tuổi.

Tuy nhiên, Ngài không dùng chính thân mình mà mượn thể xác của người thị giả, vì già nua không thể đi xa. Đó là câu chuyện trong hai, ngoài tám.

Trở lại câu chuyện về vị thầy có thần thông ăn uống. Thầy gởi khoảng năm sáu chục bánh bao vì sợ tôi bị chết đói. Số bánh này, thầy ta có thể ăn hết trong một hai ngày. Tuy nhiên, tôi ăn từ từ, cho đến ba tuần mới hết. Tôi không phơi khô hay ướp lạnh chúng, vì rất làm biếng. Thường ngày, sau khi thọ trai xong, tôi bèn ngồi thiền mà chẳng màng đến chi. Kết quả, bánh bao bị mốc meo vì nhiệt độ nóng bên ngoài. Ngày cuối cùng, bánh bao bị mốc meo, mọc khoảng một tấc rưỡi. Khi đó, tôi gạt bỏ những phần bị mốc meo, rồi lại ăn nhưng rất khó nuốt, vì mùi hôi còn hơn phẩn. Giờ đây, nhớ đến chúng, khiến tôi phải buồn nôn. Tuy nhiên, tôi không liệng bỏ chúng được, vì đó là vật của người xuất gia cúng dường cho mình, một sa di trẻ. Thấy tôi ăn những bánh bao này, người khác liền khuyên là chớ dùng, vì sợ sẽ bị bịnh. Tôi hỏi:

- Nếu bịnh thì có sao đâu?

Họ đáp:

- Có bịnh thì không thể tu hành.

- Tôi sẵn sàng chết, còn nói gì đến việc bịnh hoạn.

Tôi đã xả bỏ thân tâm, nên ăn bất cứ vật hôi thúi gì cũng được. Tôi ăn những bánh bao này, nhưng không bị bịnh hoạn chi hết.

Năm mười chín tuổi, Ngài cắt tóc xuất gia, kết am thủ hiếu. Ngày mười chín tháng sáu, mùa hạ năm đó, trước chánh điện, Ngài phát đại nguyện:

Kính lạy mười phương chư Phật, ba tạng giáo điển chánh pháp, chư Hiền Thánh Tăng trong quá khứ hiện tại và vị lai, xin nguyện chứng minh cho đệ tử Độ Luân, Thích An Từ. Con nay phát tâm, không cầu phước báo trời người, Thanh Văn, Duyên Giác, cho đến chư vị Bồ Tát Quyền Thừa, chỉ y theo tối thượng thừa, phát tâm Bồ Đề, nguyện cùng pháp giới chúng sanh, một thời đồng đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.

1/ Nguyện tận hư không, khắp pháp giới, mười phương ba đời, tất cả chư Bồ Tát, nếu còn một vị nào chưa thành Phật, con thề không thủ chánh giác.

2/ Nguyện tận hư không, khắp pháp giới, mười phương ba đời, tất cả chư Duyên Giác, nếu còn một vị nào chưa thành Phật, con thề không thủ chánh giác.

3/ Nguyện tận hư không, khắp pháp giới, mười phương ba đời, tất cả chư Thanh Văn, nếu còn một vị nào chưa thành Phật, con thề không thủ chánh giác.

4/ Nguyện các loài trời trong ba cõi, nếu còn một vị nào chưa thành Phật, con thề không thủ chánh giác.

5/ Nguyện mười phương, tất cả loài người trong ba cõi, nếu còn một vị nào chưa thành Phật, con thề không thủ chánh giác.

6/ Nguyện tất cả loài A Tu La trong cõi trời người, nếu còn một vị nào chưa thành Phật, con thề không thủ chánh giác.

7/ Nguyện tất cả loài súc sanh trong pháp giới, nếu còn một vị nào chưa thành Phật, con thề không thủ chánh giác.

8/ Nguyện tất cả loài ngạ quỶ trong pháp giới, nếu còn một vị nào chưa thành Phật, con thề không thủ chánh giác.

9/ Nguyện tất cả loài địa ngục trong pháp giới, nếu còn một vị nào chưa thành Phật, con thề không thủ chánh giác.

10/ Nguyện tất cả các vị trời người, tiên thiên, A Tu La, loài vật trên không dưới nước, loài rồng trong các cõi linh, cùng chúng quỶ thần, đã từng quy y với con, nếu còn một vị nào chưa thành Phật, con thề không thủ chánh giác.

11/ Nguyện tất cả các phước lạc mà con được thọ hưởng, đều đem hồi hướng, bố thí cho tất cả chúng sanh trong pháp giới.

12/ Nguyện con sẽ thay thế cho tất cả chúng sanh trong pháp giới, chịu lãnh thọ hết tất cả khổ nạn.

13/ Nguyện phân thân vô số, khắp nhập vào tâm của tất cả chúng sanh không tin Phật pháp, khiến họ đổi ác hướng thiện, ăn năn hối cải, quy y Tam Bảo, tu hành rốt ráo thành Phật.

14/ Nguyện tất cả chúng sanh, nếu thấy mặt cho đến nghe tên con, liền phát tâm Bồ Đề, sớm thành Phật đạo.

15/ Nguyện tôn kính giới pháp do Phật chế, thực hành ăn một ngày một buổi.

16/ Nguyện giác ngộ chư hữu tình, nhiếp thọ hết mọi loài.

17/ Nguyện đời này đắc được ngũ nhãn lục thông, phi hành tự tại.

18/ Nguyện tất cả lời phát nguyện đều được thành tựu trọn vẹn.

Văn kết:

Chúng sanh vô biên, thệ nguyện độ.
Phiền não vô tận, thệ nguyện đoạn.
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.
Phật đạo vô thương thệ nguyện thành.

Trong thời kỳ kết am thủ hiếu, Ngài tôn thủ giới luật Phật chế, ăn mỗi ngày một buổi. Khi ấy, có một cư sĩ lớn tuổi, tên là Đường Ngọc Minh, mỗi ngày tự phát tâm đều đem thức ăn đến cúng dường Ngài. Lúc đó, vào đầu mùa hè, nên ngày ngày trời mưa tầm tả, khiến người bộ hành, đi đứng rất khó khăn. Vì thương ông cư sĩ tuổi cao sức yếu, Ngài bảo:

- Ngày nào trời cũng mưa không dứt, đi đứng bất tiện. Thầy vẫn còn lương khô. Cụ hãy đợi khi nào trời tạnh mưa rồi hãy mang thức ăn trở lại. Lương khô ở đây, Thầy có thể dùng đến hơn hai mươi ngày.

(Phụ chú:

Nguyện nhất thiết chúng sanh
Kiến ngã diện, nãi chí văn ngã danh.
Tất phát Bồ Đề Tâm
Tốc đắc thành Phật đạo.

Dịch:

Nguyện tất cả chúng sanh
Nếu thấy mặt hoặc nghe tên tôi
Sẽ phát tâm Bồ Đề
Chóng đắc thành Phật đạo.)

Ông lão tin là thật, nên đợi hơn hai mươi ngày sau, lúc trời tạnh mưa thời tiết trong lành, mới đem thức ăn trở lại cúng dường Ngài. Lúc đến am tranh, ông lão mới biết rằng trong suốt hai mươi ngày liền, Ngài ngồi thiền dụng công, không ăn uống chi cả. Việc này, khiến cho ông lão càng thêm khâm phục thâm sâu về công hạnh tu hành của Ngài.

Trong mười tám đại nguyện, có nguyện thứ mười hai: Nguyện con sẽ thay thế, chịu thọ hết tất cả khổ nạn của chúng sanh trong pháp giới.

Vì vậy, mỗi khi có người bị bịnh nan y, thành tâm đến cầu xin cứu giúp, Ngài luôn tìm mọi cách để chữa trị. Ngài biết được rằng tất cả bịnh tật đều phát xuất từ thân. Thân thể có được là do bốn đại hợp thành. Nếu xả sự chấp trước vào thân thì bịnh tình tự nhiên thuyên giảm. Xả thân tức là xả bỏ thân tâm, phá trừ chấp ngã, một lòng niệm Phật. Do lòng thành, Ngài đã cứu sống rất nhiều người. Vì thế, danh tiếng của Ngài, ngày một vang xa. Sau đây là vài câu chuyện của những người được Ngài cứu trị.

*Trong thôn làng, có một phu nhân tên là Trương Lý Thị, tuổi ngoài bốn mươi, bị bịnh ói mửa kinh niên trong bốn năm trường mà các bác sĩ đông tây đều bó tay. Nghe Ngài là người con chí hiếu và cũng thường cứu giúp dân làng cùng nhiều người khác, nên bà đến cầu xin cứu độ. Quán sát căn duyên sanh bịnh, Ngài liền giảng giải cho bà nghe đạo lý làm người, khuyên phải thành tâm sám hối những tội lỗi xưa trước Tam Bảo. Từ đó, bà chuyên tâm thành ý sám hối, mỗi ngày đến trước tượng Ngài lễ ba lạy. Qua hai mươi mốt ngày, bịnh tình của bà tự nhiên thuyên giảm mà không cần uống thuốc.

*Ngoài làng có một bà họ Đường, do đường sanh sản khó khăn, nên đã trong bốn ngày liền mà chưa sanh con được. Bác sĩ vô phương cứu chữa, nên sản phụ chỉ còn nằm thở ngoi ngóp. Người nhà dọ hỏi khắp nơi mới biết đến Ngài, nên họ vội chạy đến cầu cứu. Ngài bảo họ hãy trở về nhà, và toàn gia đình phải đồng dâng hương, chí thành niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, cùng phát tâm ăn chay trong một trăm ngày thì sản phụ mới có thể sanh con được bình an vô sự. Họ trở về nhà, làm đúng theo lời Ngài dạy. Chẳng bao lâu, bà hạ sanh một hài nhi, được mẹ tròn con vuông. Qua việc này, càng ngày càng có nhiều người tín phục Ngài.

*Trương phu nhân tại làng Bình Phòng, toàn thân tê liệt đã ba năm, chạy chữa biết bao bác sĩ cùng các thuật sĩ mà bịnh vẫn không bớt. Nghe những câu chuyện cứu người của Ngài, gia đình mướn xe chở bà đến am tranh, cầu xin cứu giúp. Ngài bảo:

- Tôi không biết về y dược, nhưng có vài người, vì lòng tin nên được cứu giúp. Chẳng qua tâm tôi chân thành mới cảm hóa được người. Bà phải nên thành tâm sám hối tội lỗi trong quá khứ, bỏ ác làm lành, cùng thường trì trai niệm Phật thì nhất định sẽ được cảm ứng.

Trở về nhà, mỗi ngày bà xá lạy tượng Ngài ba lần. Qua một trăm ngày, bịnh tê liệt hoàn toàn thuyên giảm, đi đứng như người bình thường. Toàn gia đình rất đỗi ngạc nhiên. Từ đó, họ đến thọ giới quy y với Ngài, cùng phát nguyện cúng dường Tam Bảo.

*Cách làng khoảng bốn mươi dặm, ông Đới Quốc Đường bị bịnh nặng nghiêm trọng; bịnh tình đã đến thời kỳ cuối cùng, nên tuyệt vọng hoàn toàn; ông ta tìm đến quỳ lạy khẩn cầu Ngài cứu giúp. Thấy ông thực rất chân thành, Ngài bảo ông ta phải nhất tâm niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, cùng phát nguyện ăn chay trường, chấm dứt nghiệp sát sanh hoàn toàn.

Ông vui vẻ chấp thuận nghe theo. Ngài cũng gia trì cho ông ta bằng cách niệm Phật, tụng đọc kinh chú. Khi ấy, toàn thân ông cảm giác thanh tịnh trong mát, tinh thần sảng khoái. Từ đó, ông quy y Tam Bảo, kiên tâm trì chú Đại Bi cùng thánh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát. Thật lạ kỳ, chẳng bao lâu sau bịnh tình dần dần thuyên giảm.

*Gia đình của Vương Phong Nghị cư trú ở làng Đông Bình Tử có hơn ba mươi người; tất cả đều quy y Ngài. Em của Vương Phong Nghị là Vương Phong Cửu, có một đứa con trai, đột nhiên bị cảm nặng. Trước chánh điện, Vương Phong Cửu cầu xin Ngài cứu con ông. Suốt một tuần, ngày nào ông cũng lên chánh điện khẩn cầu như thế. Vào đêm nọ, ông mơ thấy Ngài đến nhà, cho con ông uống một viên thuốc. Khi thức dậy, ông phát hiện bịnh tình của người con đã được thuyên giảm. Từ đó, Vương Phong Cửu càng sanh tâm cung kính Ngài, lại khuyên bảo thân bằng quyến thuộc, bạn bè quy y Tam Bảo.

*Cao Đức Phúc tại thành phố Hợp Nhĩ Tân, Đại Nam Câu, thiên tánh hiếu thảo. Khi mẹ ông bị bịnh hiểm nghèo, ông phát nguyện đến chùa Tam Duyên, chặt cánh tay cúng dường, cầu mong chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ cho bà mẹ sớm được bình phục. Khi đến chùa, lễ Phật xong, ông lấy đao ra, định chặt cánh tay, nhưng người trong chùa phát giác được, nên chạy ra ngăn cản. Hỏi ra nguyên nhân rành rẽ, mới biết ông là người con chí hiếu, xả thân vì mẹ. Cư sĩ Lý Cảnh Hoa dẫn ông đến gặp đại lão hòa thượng Thường Nhân. Hòa Thượng dạy rằng hãy dẫn ông ta đến gặp Ngài. Ngài rất cảm động lòng hiếu thảo của ông, nên liền nhận lời đến nhà cứu bà mẹ. Ngài bảo Cao Đức Phúc hãy chạy xe đạp về nhà trước, còn Ngài sẽ tự đến sau. Khi Cao Đức Phúc vừa về đến nhà thì thấy Ngài đã đến trước rồi. Bước vào nhà họ, Ngài thấy bà mẹ đã bị hôn mê trong bảy tám ngày, tình trạng rất nguy kịch. Lúc ấy, bịnh nhân môi thâm, lưỡi đen, hơi thở từ từ muốn đứt đoạn. Ngài bắt đầu viết văn sao, rồi khép mắt trì chú cho đến ba giờ khuya mới nghỉ ngơi. Sáng sớm hôm sau, bịnh nhân chợt ngồi dậy, kêu tên con bà. Cao Đức Phúc vừa kinh hãi, vừa vui mừng vô hạn. Bà mẹ bảo:

- Mẹ đi lạc đường đã mấy ngày liền, không biết cách nào trở về nhà. Chiều hôm qua, mẹ gặp một vị hòa thượng, được Ngài dẫn về nhà. Hiện tại, mẹ cảm thấy rất đói bụng. Con mau ra sau bếp, nấu cháo cho mẹ dùng.

Cao Đức Phúc nghe thế, vui vẻ chỉ tay đến Ngài và hỏi bà mẹ:

- Vị Hòa Thượng mà mẹ nói đó, vậy có phải là Ngài này không?

Mẹ ông nhìn Ngài một chập rồi nói:

- Đúng rồi! Chính là Ngài đã dẫn mẹ trở về nhà.

Qua việc này, toàn gia đình Cao Đức Phúc bèn thọ giới quy y.

*Mùa thu, năm Dân Quốc thứ ba mươi bốn, sau khi quân Nhật đầu hàng, vùng đông bắc hỗn loạn, dân chúng bị bịnh truyền nhiễm, nên chết đầy dẫy nhiều vô số kể. Tại làng Du Phường, phía nam thành phố Hợp Nhĩ Tân, có gia đình họ Mai, chỉ trong ba ngày tất cả mười một người trong nhà đều chết vì bịnh truyền nhiễm. Ngoài ra, một người làm công và người con rễ cũng đang trong tình trạng nguy kịch. Ngài nghe chuyện thảm thương như thế, nên vừa đi rẩy nước và vừa trì chú Đại Bi vòng khắp làng xã, thị trấn. Kỳ lạ thay, Ngài rẩy nước đến nơi nào thì chỗ đó không còn nghe việc người chết vì bịnh truyền nhiễm nữa.

Ngài tự thuật: Lúc quân Nhật xâm chiếm vùng Mãn Châu vào ngày mười tám tháng chín năm 1931, tôi vẫn còn nhỏ dại, không biết gì về tổ quốc, gia đình. Sau này, quân Nhật xâm chiếm nước Tàu và đốt phá bắn giết người Tàu, khiến tôi cảm thấy thật bất công. Họ có quyền gì mà muốn xóa bỏ nước Tàu? Tôi muốn tham gia quân cách mạng để đánh đuổi quân Nhật ra khỏi nước, hầu mang lại ấm no hạnh phúc cho người Tàu. Tuy nhiên, vào lúc cuối, tôi không thể thực hiện được ước muốn này, vì không thể xoay ngược ý trời. Tôi không hận người Nhật vì biết rằng giữ tâm sân hận là vô ích. Tôi chỉ tìm cách chống lại họ bằng lửa vì họ thuộc về chất lửa, tức lấy độc trị độc, nghĩa là đốt nơi trú ở của họ. Tôi cũng muốn viết báo để cổ võ cuộc cách mạng, nhưng không thành công. Sau này, tôi chọn con đường làm tu sĩ, quyết tâm lập chí, vượt ngoài thế sự, hoằng dương Phật pháp. Suốt đời, tôi hối tiếc là mình chưa có thể hoàn thành trách nhiệm của một công dân, dùng xương máu để báo đền ân nước. Dựa trên ngũ hành, tôi tiên đoán là quân Nhật sẽ suy yếu dần và sẽ ra khỏi nước Tàu trong vòng năm năm. Thời quân Nhật vừa đầu hàng, chánh phủ trung ương chưa tiếp thu vùng Mãn Châu; quân cộng sản chưa nắm chính quyền; quốc gia vô chánh phủ nên có rất nhiều quỶ ma và quái vật hiện hình trên các đường phố. Những người đi trên đường phố thật ra là ma quỶ, nhưng không ai nhận ra hay khống chế được chúng. Phù thủy đồng bóng đầy dẫy khắp nơi, mà chúng cũng là ma quỶ hiện ra quấy phá. May mắn thay, vẫn còn có người tụng thần chú Lăng Nghiêm. Vì vậy, dầu ma quỶ hiện hình nhưng chúng không dám làm náo loạn. Hầu hết mọi người không biết đến điều này, nhưng tôi thấy rõ ràng những việc gì xảy ra.

*Lần nọ, một em bé đang chơi ngoài sân, vô ý bị sâu độc cắn vào vành tai. Bé thở hổn hển, đầu nhức dữ dội, sắc mặt xanh xao trắng bệt. Vì bị sâu độc cắn, nên không có cách gì để chữa trị. Lúc người nhà mang em đến cầu cứu, Ngài bèn trì tụng thần chú Bồ Tát Quân Trà Lợi. Vài tiếng sau, bé tự nhiên tỉnh dậy như thường. Do đây mới biết công dụng của thần chú thật không thể nghĩ bàn. Tuy nhiên, người trì tụng chú nhất định phải chuyên tâm thành ý, trì giới thanh tịnh, chân chánh tu hành, thì tự nhiên sẽ được chư Phật chư Bồ Tát, cùng tám bộ trời rồng thầm gia hộ. Dầu tụng chú mỏi hơi rát cổ mà không nghiêm trì giới luật thì sẽ bị đọa lạc vào đường ma.

*Từ khi Ngài kết am thủ hiếu, có hơn hai ngàn người xa gần đến quy y. Lúc ấy, một vị tú tài triều Thanh tên là Cốc Giới Tam, học rộng hiểu nhiều, thâm hiểu tiếng Tàu. Trong thời loạn ly, ông thuộc loại người không cần ra cửa mà vẫn biết chuyện thiên hạ, như phượng hoàng lân giác. Thế nên, mọi người đều rất kính trọng những người như ông ta. Công việc thường ngày của ông là dạy học. Ông cũng nghiên cứu Phật pháp thâm sâu, nhưng chỉ tiếc là chưa có thể lãnh hội được hết những lời dạy cao siêu của Phật. Nghe hạnh tu trì của Ngài, ông đến cầu xin chỉ dạy. Ngài dạy ông những điểm trọng yếu trong sự tu hành cùng pháp môn tâm địa, không lập văn tự. Vừa nghe xong, ông rất vui mừng, cảm phục và cầu xin thọ giới quy y Ngài. Dân Quốc năm thứ ba mươi hai, ông ngồi xếp bằng mà tịch, gương mặt vẫn hồng hào như lúc sống.

*Một gã ăn mày tên là KỶ Đại Phúc, thường đến am thủ hiếu để đảnh lễ Ngài. Ngày nọ, sau khi lạy xong, ông hỏi:

- Xin Ngài giải thích cho biết tại sao con phải lâm vào tình cảnh nghèo khổ như vầy?

Ngài giảng giải cho ông ta nghe về đạo lý nhân quả trong ba đời. Ngài nhắc rằng kinh có dạy:

- Tại sao được hưởng vinh hoa phú quý trong hiện đời? Vì đời trước đã từng cúng dường Tam Bảo, bố thí cho người nghèo. Tại sao đời này lại nghèo hèn? Vì đời trước chưa từng cứu giúp người nghèo.

Nghe xong, KỶ Đại Phúc liền hiểu rõ đạo lý nhân quả, nên nói:

- Con thường tự hỏi rằng trong đời, mình chưa làm gì sai trái, mà sao bị khốn khổ nghèo cùng, đến nỗi phải đi ăn xin nơi nhà người? Ngày nay mới biết là đời trước thường bỏn xẻn keo kiệt, không hiểu quả báo của sự bố thí. Vậy thì đời này, có cách gì để cứu vãn hoàn cảnh hiện tại không?

Người quân tử học cách tạo mạng. Kể từ bây giờ trở đi, Ông phải nên bắt đầu nỗ lực tạo nghiệp lành, tích tụ công đức cho nhiều, tự mình thay đổi vận mạng, thì phước gì lại không đến! Xưa kia, Chu KỶ là kẻ ăn xin, nhưng nhờ hiểu rõ lý nhân quả báo ứng, nên nỗ lực tạo công đức, sửa chữa cầu đò. Đời sau, ông được sanh vào nhà Đế Vương, hưởng thọ phước báo tôn vinh của một vì hoàng tử. Đấy có phải là biện pháp cải đổi vận mạng không?

KỶ Đại Phúc nghe thế rất vui mừng, lòng tràn trề niềm hy vọng vào cuộc sống tương lai, nên thỉnh cầu quy y Tam Bảo làm đệ tử Ngài. Trong lúc xin ăn, ông luôn niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Xin được bao gạo nào, ông liền dành dụm, bố thí lại cho những người nghèo cùng khác. Ngày thường, nếu có cơ hội, ông đều vui vẻ tùy duyên làm việc lành. Cứ như thế, ông tích tụ công đức được vài năm. Mùa đông, năm Dân Quốc thứ hai mươi chín, ông dự biết ngày vãng sanh. Đến ngày đó, quả nhiên ông vãng sanh trong lúc niệm Phật.

*Trong thôn có bà tên là Viên Mộ Hàng, nổi danh hung tợn ngang ngược. Thường ngày, không biết kính nể chồng, lại thêm chửi mắng vô lễ với cha mẹ chồng, không thuận hòa với chị em dâu, cùng họ hàng thân thuộc và bà con lối xóm. Bà chẳng cung kính quỶ thần, không tin nhân quả, lại còn hủy báng. Nói chung, bà không làm việc lành gì cả, còn bao việc xấu thì đều có phần. Thế nên, người trong thôn đều gọi bà là Hổ Cái. Ngày nọ, bà cùng những người khác đến am thủ hiếu, và thấy Ngài ngồi xếp bằng, xoay mặt về hướng tây, âm thầm niệm Phật. Vì không biết Ngài làm thế với mục đích gì, nên bà hỏi:

- Thầy đang làm gì vậy?

Ngài đáp:

- Tôi đang niệm Phật để cầu siêu độ cho người mẹ. Hy vọng mẹ tôi sớm được vãng sanh qua cõi Cực Lạc ở phương tây, hầu mong đáp đền ân đức sanh thành dưỡng dục. Đó là đạo làm người căn bản.

Do không tin có quỶ thần, nên khi nghe Ngài nói như thế, bà ta lại càng thêm nghi mà hỏi:

- Có phải sau khi chết, con người liền biến thành ma không?

- Tại sao chỉ nói chết rồi mới biến thành ma! Có người, lúc sống tâm chứa toàn tâm ma, nói lời ma, làm việc ma, vậy có khác biệt gì với ma? Kẻ thường sân hận tức là quỶ mặt đỏ. Kẻ thường oán giận, tức là quỶ mặt vàng. Kẻ thường quấy nhiễu người, tức là quỶ mặt trắng. Người dễ nóng giận, tức là quỶ mặt xanh. Kẻ thường chọc giận người, tức là quỶ mặt đen. Nếu dùng tâm sân hận, oán giận, buồn bực, phiền muộn mà đối đãi với người thì làm năm loài quỶ trên. Khi ấy, gia đình chắc chắn không bình an, hay bị tổn khí hao tài và thiên tai hoạn nạn thường đến liên tục. Tâm người là thần; thần cũng là tâm. Nếu bà khởi tâm lương thiện, tức là tánh thần. Nếu bội ngược tâm lương thiện thì tức là khi dể thánh thần. Sau khi chết, chắc chắn sẽ bị đọa địa ngục, chịu bao khổ đau. Lúc đó, muốn thoát ra địa ngục, e rằng đã quá muộn. Chúng sanh bỏ tánh giác mà hợp với trần lao, bỏ chân theo vọng, xa rời tự tánh sẳn có, chạy tìm cầu vật chất hão huyền ở thế gian. Nếu biết xoay chuyển, bỏ trần lao để hợp với tánh giác, xả vọng về chân thì đồng như Phật không khác, mãi mãi thoát khỏi sáu đường luân hồi, chấm dứt sanh tử.

Vừa nghe những lời như thế, rồi nhớ lại bao tội lỗi của mình lúc trước, bà ta hốt hoảng run sợ mà khóc lóc, thưa:

- Lúc trước, con nào biết đạo lý làm người, lại không tin nhân quả báo ứng, nên gây bao tội lỗi. Hôm nay nhờ Pháp Sư từ bi chỉ dạy mới biết tội mình quá nặng nề nên rất ăn năn hối hận, nhưng không biết phải làm gì để chuyển nghiệp xấu?

Nói xong, bà khóc nức nở, thỉnh cầu Ngài cứu giúp. Ngài bảo:

- Bà đã nhận rõ những việc quấy ngày trước, tức là tánh lương thiện phát khởi, căn lành đâm chồi nẩy sinh. Bà chỉ nên sửa đổi tâm tánh, chớ quá bi thương sầu lụy. Làm người chứ đâu phải thánh hiền, ai mà không có tội lỗi? Bà chỉ nên thành tâm sám hối thì những nghiệp tội thâm trọng kia đều sẽ tiêu trừ. Bà hãy coi mình như đã chết vào hôm qua. Sau khi thành tâm sám hối, bà phải nên phát nguyện làm tròn bổn phận của người tại gia, gắng sức hộ trì, hoằng dương Phật pháp, khuyên người làm việc lành, quy y Tam Bảo. Khi công đức của bà được đầy đủ, thì những tội lỗi xưa đều tiêu tan hết. Tại sao? Kẻ đại gian ác nếu biết xoay đầu cải đổi, thì là người đại thiện. Người đại thiện tạo tội, lần lần cũng thành kẻ đại gian ác.

Nghe như thế, tâm bà vui mừng hớn hở, đứng dậy lễ ba lạy, cầu xin thọ giới quy y, chính thức làm đệ tử Ngài. Sau khi quy y Tam Bảo, không những bà sửa đổi tâm tánh mà còn tự đi khắp nơi hoằng pháp, chỉ dạy người đời. Về sau, có hơn tám trăm người được bà dẫn đến quy y Ngài. Khi ấy, thân bằng quyến thuộc trong thôn làng thấy tâm tánh bà thay đổi nên rất đỗi kinh ngạc và xem như hai con người. Biệt hiệu Hổ Cái nay không được dùng nữa, mà mọi người lại gọi bà là Quán Âm Tiếp Dẫn. Bà ăn chay niệm Phật, hoằng dương Phật pháp, khuyến hóa người đời, cứ như thế trong mười năm mà vẫn như một ngày. Hạ tuần tháng tám năm Dân Quốc thứ ba mươi ba, bà dự biết được ngày vãng sanh của mình, nên bảo người nhà:

- Xưa kia, tôi vốn tạo bao tội trọng, nhưng sau khi quy y Tam Bảo rồi thì sửa đổi tâm tánh, hướng về việc lành, cùng khuyến hóa người. Do những công đức đó, nay biết được rằng mười chín tháng chín sẽ là ngày vãng sanh. Lúc đó, quý vị chớ buồn rầu, xin hãy niệm Phật trợ niệm cho tôi!

Đến ngày mười chín tháng chín, quả nhiên trong khi niệm Phật, bà được vãng sanh, thọ sáu mươi chín tuổi.

*Vùng cạnh thôn của Ngài có một cậu học sinh họ Đường, tuy đã mười bốn tuổi nhưng thân thể yếu ớt bịnh hoạn, lại rất ngu si, đọc chi rồi cũng quên hết. Tuy cha mẹ tìm bao cách dạy dỗ đốc thúc, nhưng đều không hiệu quả. Khi ấy, do có lần cậu ta nghe người trong thôn kể về sự tích của Ngài, nên có ý định là sẽ đến cầu xin chỉ dạy. Ngày nọ, cậu ta cùng với mười lăm bạn đồng học, đến quỳ lạy, chắp tay khẩn cầu Ngài từ bi chỉ bảo cách khai mở trí huệ để học thuộc bài dễ dàng. Ngài bảo:

- Phương pháp học bài có ba vào ba trên. Ba cách vào tức là vào tâm, vào miệng, vào mắt. Dùng mắt xem bài; dùng miệng đọc bài; dùng tâm suy nghĩ. Ba trên nghĩa là trên đường, trên gối, trên sàn cầu. Lúc đi trên đường nên suy nghĩ, nhớ lại bài học mà thầy cô vừa dạy trong trường. Trước khi đi ngủ, phải đọc qua một lần những bài học đó. Lúc ngồi trên sàn cầu, đừng để uổng phí thời gian vì vọng tưởng mà nên gắng tâm, nhớ lại những gì mình đã học vừa qua. Khi học bài, nếu có ai mở nhạc cũng không nghe, hay có sắc tướng gì kỳ lạ cũng không nhìn. Các con nếu cứ thế mà chuyên tâm nhất ý thì chẳng việc chi lại không hiểu, còn nói gì đến việc học thuộc bài!

Bọn học sinh nghe như thế liền hiểu rõ. Sau khi trở về nhà, chúng y theo lời Ngài dạy, nên quả nhiên trí huệ được khai sáng. Từ học sinh bình thường, nay trở thành thông minh, khiến cha mẹ và thầy cô giáo của chúng đều ngạc nhiên. Từ đó, học sinh khắp nơi tìm đến xin quy y và cầu Ngài chỉ dạy.

*Tại tỉnh Kiết Lâm, huyện Ngũ Thường, có một em bé tên là Trịnh Hiếu Đức. Lúc năm sáu tuổi, em bắt đầu lễ lạy cha mẹ, rất mực hiếu thảo. Danh hiếu thảo của em vang đồn khắp nơi. Có nhiều đạo sĩ bàng môn tả đạo chuyên bày chuyện dị đoan, gạt gẫm, hà hiếp người đời, muốn em làm đệ tử của họ. Tuy nhỏ, nhưng em rất mực ngay thẳng. Nghe hiếu hạnh của em, Ngài tìm đến xem coi hư thật.

Trịnh Hiếu Đức lúc đó được mười một tuổi. Từ trong song cửa, thấy Ngài đang bước vào sân nhà, em liền thưa với mẹ:

- Thưa mẹ! Thầy của con đang đến kìa!

Mẹ em hỏi:

- Ai là thầy của con?

Trịnh Hiếu Đức chưa kịp trả lời, vội chạy ra ngoài sân nghinh tiếp, cúi đầu đảnh lễ Ngài. Sau khi bước vào nhà và ngồi xuống ghế xong, Ngài hỏi:

- Ai dạy con lễ lạy cha mẹ vậy?

- Con nghe ở huyện Song Thành có mười bốn người chí hiếu, nên nay bắt chước họ.

Cha của Trịnh Hiếu Đức vui vẻ xen vào, thưa:

- Thực là nhờ phước đức tổ tiên ông bà, nên chúng con mới có đứa bé hiếu thảo này. Mong cầu chư Phật gia hộ, che chở cho nó.

Đàm đạo một hồi, Ngài từ trên giường bước xuống, tìm đôi dép mãi mà không được, chỉ thấy Trịnh Hiếu Đức quỳ dưới đất, khẩn cầu:

- Kính bạch Thầy! Thầy đã đến đây! Vậy kính thỉnh Thầy ở lại dùng cơm trưa.

Ngài chấp thuận. Ăn cơm xong, Ngài dạy Trịnh Hiếu Đức:

- Con đã quy y, gọi Ta bằng Thầy. Thế thì, con phải nghe lời Thầy, hay Thầy phải nghe lời con?

- Bạch Thầy! Đương nhiên là đệ tử phải nghe lời Thầy. Nay con xin sám hối.

Trịnh Hiếu Đức thật rất thông minh lanh lợi, tự biết lỗi lầm.

Ngài dạy:

- Lúc tu đạo, tâm phải thẳng thắn chánh trực. Như con vừa dấu đôi dép của Thầy, đó là dùng thủ đoạn của người đời, tức không tôn kính thầy trọng đạo chút nào.

Trịnh Hiếu Đức nghe như thế, xấu hổ mà khóc. Ngài dạy thêm:

Niệm Phật phải thường không dứt đoạn.
Miệng niệm Di Đà mãi thành khối
Không khởi tạp niệm đắc tam muội
Vãng sanh Tịnh Độ chắc có phần
Ngày cuối chán khổ cõi Ta Bà
Tâm niệm vừa rồi nhàm bụi trần
Cầu sanh Cực Lạc ý niệm trọng
Xả bỏ niệm nhơ, quy niệm tịnh.

Thông thường, đối với các đệ tử lớn tuổi, Ngài dạy họ ngồi thiền, tập định. Tuy nhiên, về phần Trịnh Hiếu Đức, Ngài dạy em chuyên tu pháp môn niệm Phật, y chiếu theo các câu kệ trên mà hành, và nhắc nhở lý nhân trước quả sau. Thật ra, nếu không phải là người sáng mắt thì không thể hiểu được.

Nơi thủ hiếu là vùng nghĩa địa hoang vu, không người lui tới, vậy mà cũng có dân chúng đến vì muốn cầu kiến Ngài. Có người bịnh nặng, được Ngài cứu chữa lành, nên thường tới lui lễ bái. Lại có người thấy đức hạnh thủ hiếu bên ngôi mộ người mẹ và oai nghi đạo hạnh của Ngài, mà đến quy y Tam Bảo. Am tranh nhỏ, được dân làng tôn sùng, nên trở thành ngôi miếu tự. Sau khi mãn hạn thủ hiếu ba năm, Ngài đến ẩn cư tại động Di Đà, nơi phần núi Đông Bộ, thuộc rặng núi Trường Bạch. Tại đó, cây cối rậm rạp um tùm, nhiều chim chóc thú rừng hoang dã, không dấu chân người. Thật là nơi lý tưởng cho những ai muốn tu hành khổ hạnh. Lúc ẩn cư tu hành, đói thì ăn rau dại, khát uống nước suối. Thỉnh thoảng, Ngài xuống núi mua nhang dầu.

Ngài tự thuật: Lúc mười chín tuổi, tuy là sa di, nhưng có rất nhiều người ở vùng Mãn Châu đến cầu xin quy y với tôi. Tại sao? Vì họ thấy tôi khác lạ hơn những người khác. Mùa đông, tôi đi chân không trên tuyết mà không bị lạnh cóng, và chỉ mặc ba lớp áo cả năm này tháng nọ, dầu nhiệt độ có xuống dưới không độ khoảng 33 hoặc 34 độ C. Họ thấy tôi hành được những hạnh này, nên muốn quy y với tôi.

Tuy không muốn thâu nhận đệ tử, nhưng họ quá thành tâm cầu khẩn. Tôi nhớ đến một đạo sĩ ngoại đạo, tên là Quan Trung HỶ (có lẽ là con cháu của Quan Đế Công) sống cạnh sông Bối Nhân, Mãn Châu. Vì là người miền núi, đầu gối của ông rất to. Ông tự lập một đạo, được gọi là Thu Nguyên, và thu nhận trên ba ngàn đệ tử. Ai muốn nhập đạo thì phải trả một số tiền rất lớn. Tại sao? Vì ông ta có những bảo bối quý giá. Mỗi bảo bối trị giá khoảng một ngàn đồng. Thật ra, ông ta chỉ có bảo bối trên ngôn từ, chứ không có thực thể. Ông ta giải thích:

Vì chưa đúng lúc, Ta không thể giao bảo bối cho quý vị được. Đúng thời điểm, Ta sẽ đưa bảo bối, thì quý vị mới có thể dùng được.

Nghe như thế, ba bốn ngàn đệ tử tin tưởng những lời này. Lúc ấy, tuổi của ông ta trên bốn mươi. Về sau, tự biết không thể tiếp tục lừa phỉnh người, không có gì để hộ vệ sanh mạng, và không biết đạo lý tu hành, nên ông ta đi tham phương học đạo khắp nơi. Thời đó, tại vùng Mãn Châu, bàng môn tả đạo xuất hiện rất nhiều như Ngọc Hư Môn, Như Ý Môn, v.v... Mỗi khi nghe có người tu hành đạt đạo, dẫu xa cách mấy, ông ta vẫn tìm đến thỉnh cầu chỉ dạy phương pháp tu hành. Dẫn theo người cháu là Quan Chiêm Hải, ông ta đi khắp nơi trong ba năm. Sau ba năm tầm cầu, ông không tầm được đạo, nên rất lo lắng. Mỗi ngày, ông thầm lo nghĩ: Cái chết gần kề mà mình chưa biết cách tu đạo.

Người cháu của ông ta không muốn lập gia đình, nên cả hai chú cháu trở thành người mê đạo. Ngày nọ, tôi đến nhà của họ. Lạ lùng thay! Trước khi tôi đến, Quan Chiêm Hải có mộng thấy một giấc mơ. Trong giấc mơ, lúc thấy tôi đến nhà rồi ngồi trên giường, ông ta bèn quỳ xuống và cầu xin chỉ dạy cách tu đạo. Ông lại thấy tôi dùng hai tay lột da của ông ta trông giống da heo, rồi liệng xuống đất. Ông nghĩ thầm: Tại sao mình có da heo trên thân?Trong giấc mơ ông nghe tôi bảo:

- Ngươi chưa ăn chay trường, vẫn còn ăn thịt heo, nên trong tương lai trên lưng ngươi sẽ có da heo.

Ông ta hoảng sợ, la lên:

- Ô! Làm thân heo thật dơ bẩn, không có ý nghĩa gì.

Lúc đó, ông ta liền thức dậy. Hôm sau, tôi đến nhà họ. Người cháu thưa với ông chú:

- Chú có nhận ra vị thầy này không?

Ông chú đáp:

- Chú biết vị thầy này lúc trước có hành hạnh thủ hiếu bên phần mộ người mẹ.

- Đêm qua cháu mơ thấy vị này đến nhà mình, mà hôm nay Ngài đến thật sự.

- Thật à! Cháu mơ thấy những gì?

Người cháu kể lại giấc mơ xong, ông chú bảo:

- Đây chắc hẳn là một vị đạo nhân đến nhà mình truyền đạo hôm nay. Hai chú cháu mình phải thành tâm cầu pháp.

Bàn xong, họ bước vào căn phòng tôi đang ngồi, rồi đóng cửa lại và quỳ xuống cầu đạo. Tôi bảo:

- Quý vị bị bịnh thần kinh mới đi cầu đạo nơi tôi. Ngoài việc ăn ngủ ra, tôi không biết gì cả. So với quý vị, tôi không khác chút nào, vì chưa hề biết gì là đạo.

Họ thưa:

- Chúng con biết Ngài hành hạnh thủ hiếu.

Ông chú tuy biết tôi đã từng hành hạnh thủ hiếu nơi phần mộ người mẹ, và muốn tìm gặp tôi, nhưng chưa có dịp. Ông chú lại nói:

- Con biết là Ngài sẽ đến đây giáo hóa vì đêm qua người cháu mơ thấy Ngài lột da heo cho nó.

Tôi bảo:

- Ông nói lời thật quá hàm hồ. Người cháu của ông không phải là heo, làm sao tôi lột da heo cho hắn được?

- Tuy nhiên, đây là sự thật! Dầu gì đi nữa, xin Ngài hãy dạy chúng con cách thức tu hành.

- Tôi không biết cách dạy quý vị tu hành. Quý vị nên đi tầm sư học đạo. Tôi có thể giúp đỡ quý vị bằng cách giới thiệu một vị thiện tri thức.

- Chúng con đã đi khắp nơi tầm cầu trong ba năm trường mà không tìm được ai. Đến đâu cũng nghe toàn là tiếng hay mà công phu tu hành chân chánh lại không có.

- Tôi có thể giúp quý vị đi tìm.

Họ vốn muốn lễ lạy tôi làm thầy, nhưng tôi không biết rằng họ là chân hay giả, có thật tin, hoặc thử thách mình! Tôi không bao giờ làm việc một cách cẩu thả, nên dẫn họ đến gặp đại sư Thường Nhân và các vị cao nhân tu hành. Tuy gặp được các ngài, nhưng họ vẫn không chịu quy y, lễ bái, mà chỉ nằng nặc muốn lễ tôi làm thầy. Lúc ấy, tôi chỉ là sa di, nên không muốn nhận đệ tử, nhưng họ cứ quỳ mãi trước mặt tôi mà không đứng dậy. Sau này, tôi dạy Quan Trung HỶ xếp bằng ngồi thiền, bảo:

- Ông chớ cho rằng tôi có đạo đức. Trong buổi đầu, vì chưa gặp được thiện tri thức, tôi sẽ chỉ ông phương pháp tu hành. Ông phải nên tập xếp bằng ngồi thiền. Nếu ngồi xếp bằng được, tôi sẽ trở lại chỉ dạy tiếp tục.

Đối với người cháu, việc ngồi thiền như thế rất dễ dàng. Ngược lại, Quan Trung HỶ tuy nghe theo và quyết chí thực hành ngồi xếp bằng thẳng lưng, nhưng vì lớn tuổi và đầu gối to, nên khi ngồi thì bắp đùi lại hổng lên. Ông ta cố gắng ngồi, bằng cách đè đầu gối xuống. Trở lại nhà họ trong một tuần sau, tôi thấy đầu gối ông ta bị sưng vù, không thể đi đứng. Tôi bảo:

- Thôi, ông đừng cố gượng ngồi xếp bằng nữa!

Ông chú đáp:

- Con vẫn ngồi xếp bằng dầu cho đầu gối có bị sưng.

- Chớ nên cưỡng ép, ông không thể chịu nổi đâu.

- Như thế là nghĩa gì? Gần chết mà con không tu, thì đợi đến bao giờ mới chịu hành! Dầu gì đi nữa, con nhất quyết ngồi thiền. Nếu có chết, đó là việc thường tình. Nếu vẫn còn sống thì con phải tu hành.

- Cứ việc làm theo ý của ông.

Nói xong, tôi bỏ ra về. Một trăm ngày sau, tôi trở lại, thấy đầu gối của ông ta không còn bị sưng nữa. Tôi hỏi:

- Ông không còn xếp bằng, ngồi thiền nữa à?

Ông ta cười, nói:

- Con xếp bằng ngồi thiền được rồi. Dầu ngồi bao lâu đi nữa, chân con vẫn không bị đau hay sưng.

Kế đến, tôi chỉ dẫn ông ta cách thức dụng công ngồi thiền và tham thiền. Ông chú rất vui mừng và tu thiền mỗi ngày trong ba năm liền. Ba tháng trước khi qua đời, ông ta nhóm họp thân quyến lại, bảo:

- Vào giờ đó, ngày đó, tôi sẽ qua đời. Ước muốn của tôi hiện nay là được thấy thầy mình. Tuy nhiên, tôi không biết Ngài đang ở tại đâu, nên không thể tìm được.

Đến ngày ra đi, ông ta ngồi xếp bằng, không bịnh mà qua đời. Đêm hôm đó, có rất nhiều dân làng mơ thấy ông ta được hai đồng tử mặc áo sòng màu đen, hướng dẫn bay về hướng tây.

Ông chú vốn là ngoại đạo, nhưng sau này học chánh pháp và tu hành không sợ khổ nhọc, bịnh tật, nên mới đạt chút ít thành tựu. Nếu ngừng tu hành lúc đầu gối bị sưng, thì tôi nghĩ rằng ông ta không thể thành tựu được như thế. Người tu hành phải chịu khổ đau trước khi đạt được niềm an lạc vĩnh cửu. Nếu không chịu nổi những khổ đau tạm thời thì không thể đạt đến nơi thường lạc. Quan Trung HỶ là gương sáng tu hành cho chúng ta. Nếu muốn đạt chân định, chân huệ, thường lạc, thì đầu tiên nhất định phải chịu đựng sự đau khổ.

Bàn về người cháu, vào lúc đó, nó vẫn theo tôi. Ngày nọ, đang cùng tôi đi trên đường, nó chợt quỳ xuống nắm vạt áo của tôi, cầu xin làm đệ tử. Tôi bảo:

- Tôi không tu hành gì cả. Ông quy y tôi có lợi ích gì?

Nó thưa:

- Con nhất quyết muốn quy y Ngài.

Tôi vùng tay ra và bỏ đi. Đi khoảng một dặm, rồi xoay đầu lại, tôi thấy nó vẫn còn đang quỳ. Trở lại, tôi thấy nó khóc nức nở. Vì vậy, bắt buộc tôi phải nhận nó làm đệ tử đầu tiên của tôi. Nó thật có hiếu, vì luôn lo lắng cho thầy mình.

Sau này, vì biết mình không có đạo đức và không đáng làm thầy người khác, nên tôi phát lời nguyện không lớn cũng không nhỏ, rằng nếu có chúng sanh nào, dầu là người, phi nhân, trời rồng, tám bộ quỶ thần, đã quy y với tôi mà chưa thành Phật thì tôi nguyện sẽ đợi chờ và không thành Phật. Điều này minh chứng lòng chân thành của mình đối với các đệ tử. Quy y xong, họ có đối xử như thế nào, tôi vẫn không màng. Nếu họ tu hành đúng theo chánh pháp thì nhất định sẽ thành Phật trong tương lai. Tại sao tôi phát nguyện như thế? Vì tôi cảm thấy rằng nếu có chúng sanh nào quy y với mình mà không trợ giúp họ thành Phật đạo, thì thật sự chưa làm tròn trách nhiệm, và không đáng làm thầy, hoặc làm đệ tử họ. Hôm nay, tôi đã kể lại nguyên nhân tại sao lại phát nguyện như thế. Quy y tôi xong, quý vị nhất định phải nỗ lực tiến bước tinh tấn tu hành, chớ giải đãi làm biếng. Phải thay đổi tánh xấu, cải ác hướng thiện, dũng mãnh tiến đến quả vị Bồ Đề. Nếu không tu hành, quý vị sẽ cản trở thầy mình thành Phật.

Lúc trẻ, vì thất bại trong việc khởi xướng cuộc cách mạng, tôi xuất gia tu hành, rồi đi khắp nơi chữa bịnh cho người. Dầu đã học qua các sách vở về y thuật, nhưng tôi không dùng những kiến thức đó để trị bịnh, mà chỉ dựa trên thần chú Thủ Lăng Nghiêm cùng thần chú Đại Bi. Tôi dùng pháp ấn Tứ Thập Nhị Thủ Nhãn (bốn mươi hai tay mắt) trong chú Đại Bi và ba mươi hai pháp trong chú Thủ Lăng Nghiêm để hàng phục thiên ma ngoại đạo, cùng dùng định lực để khống chế yêu ma quỶ quái. Trong đời này, tôi đã từng gặp rất nhiều yêu ma quỶ quái biến thành hình người. Nghe lời này, người người đều không tin, vì chưa từng biết đến những việc kỳ quái, lạ lùng. Khi xưa, lúc quân Nhật vừa đầu hàng, chánh phủ Quốc Dân Đảng chưa chánh thức tiếp thu thành phố Nhĩ Hợp Tân và đảng Cộng sản chưa tiếp thu hết vùng Mãn Châu, yêu ma quỶ quái xuất hiện khắp nơi. Khi có chánh phủ, yêu ma quỶ quái lại lẫn tránh, không dám lộng hành. Vào những lúc vô chánh phủ, chúng liền xuất hiện.

Quả Năng vốn họ Lô, là một trong những đệ tử đầu tiên của Ngài. Xưa kia, ông là thợ may, kiếm tiền rất nhiều, nhưng đều cho cô bồ hết để mua thuốc phiện. Sau này, ông biết mình sai lầm, nên quyết định bỏ cô ta, xuất gia tu đạo. Trong mình không có nhiều tiền, nên khi đến vài ngôi chùa cầu xin tạm trú, đều bị từ chối. Hôm nọ, ông đến ở trọ tại một quán ăn. Bà chủ hỏi:

- Thầy của tôi hiện đang ở đây. Ông có muốn gặp mặt không?

Thầy gật đầu đồng ý, bà bèn dẫn ông ta đến bái kiến Ngài. Khi gặp mặt Ngài, ông rất hổ thẹn.

Ngài hỏi:

- Sao con buồn vậy?

Ông đáp:

- Con không có tiền. Thầy vì sao đến đây?

- Thầy đến vì con!

- Bạch Thầy! Sao Thầy lại vì con mà đến?

- Vì Thầy muốn thế độ cho con xuất gia!

Quả Năng kinh ngạc vì ông chưa từng đề cập việc mình muốn đi tu cho ai nghe. Ngài thúc giục ông:

- Thôi đi mau lên, nếu không thì cô bạn gái sẽ đến, kéo con về nhà!

- Bạch Thầy! Con không có y cà sa.

Ngài liền cởi chiếc y cà sa bên ngoài ra cho Quả Năng. Hai người đến chùa Tam Duyên. Nơi đó, Quả Năng phụ trách việc gánh nước nấu cơm. Ngày nọ, Quả Năng tự làm giường bằng gạch ngói. Thấy vậy, Ngài hỏi:

- Ai cho phép con làm giường này?

Quả Năng đáp:

- Bạch Thầy! Không ai cả. Con tự làm lấy.

- Con là ai, sao dám tự tiện làm thế. Mau lấy gạch ra, rồi lên chánh điện quỳ ba cây nhang sám hối.

Lát sau, không thấy Quả Năng quỳ trên chánh điện, nên Ngài hỏi:

- Tại sao con không lên chánh điện quỳ?

Quả Năng đáp:

- Bạch Thầy! Thầy nói thiệt sao?

- Thầy thật xấu hổ. Con không quỳ, đó là lỗi của Thầy. Nếu có đức độ thì đệ tử phải nghe lời dạy, bằng ngược lại mình phải tự quỳ.

Ngài nói xong, liền lên chánh điện quỳ. Quả Năng thấy vậy, liền thưa:

- Bạch Thầy! Đó là lỗi của con. Con sẽ quỳ. Thỉnh Thầy đứng dậy!

Ngài không màng lời nói đó, cứ tiếp tục quỳ. Như thế, cả hai thầy trò đồng quỳ. Từ đó, các đệ tử không ai dám không nghe lời Ngài chỉ dạy.

Sáng nọ, đang trú tại chùa Tam Duyên, Ngài bảo Quả Năng:

- Hôm nay có một đứa bé đến xin xuất gia. Con hãy cho Thầy biết khi nó đến.

Đến trưa, Quả Năng chạy vào phòng, thở hổn hển, thưa:

- Bạch Thầy! Đứa bé mà Thầy nói hồi sáng, nay đã đến rồi.

Ngài bước ra ngoài, thấy một đứa bé trạc tuổi mười một, khuôn mặt bướng bỉnh, quần áo lem luốt, nhưng năm căn đoan chánh, có đức tướng tỳ kheo. Bé vừa thấy Ngài như đã gặp người thân thuộc, nên vui mừng, không thể cầm được nước mắt. Ngài cố ý hỏi thử:

- Con đến đây làm gì?

Bé đáp:

- Con muốn xuất gia.

- Cái gì? Có phải con vì không đủ cơm ăn áo mặc và nhà ở mà đến đây đòi đi tu không?

- Dạ không phải. Con có bịnh kỳ lạ, khiến nằm ngồi không yên, nên rất ưu sầu vì tự biết mình có ma chướng.

- Làm sao con biết?

- Lúc năm tuổi, con chữa bịnh cho người khác được. Khi bịnh nhân đến, con bảo rằng Hãy mau hết bịnh, thì họ liền hết bịnh. Sau này, bỗng dưng con lại bị bịnh kỳ lạ. Vài tháng trước, trong ba đêm liền, con mơ thấy một lão hòa thượng, như vị này (bé chỉ tay đến tượng Phật Di Lặc). Ngài bảo con rằng hãy đến chùa Tam Duyên, cầu xuất gia với pháp sư Độ Luân, thì bịnh sẽ hết. Con đi bộ trên ngàn dặm, liên tiếp trong vài tháng trường, nay mới đến đây. Trên đường, con thường ngủ đêm trên những cánh đồng hoang dã. Đêm nọ, một bầy sói đến vây quanh. Con quát: Chúng bây ăn đạn, thì tự nhiên chúng bỏ đi hết. Hôm nay con thật tâm vì muốn xuất gia nên đến đây.

(Khi ấy, quân Nhật vừa đầu hàng, vùng đông bắc chưa có xe cộ. Trên đường, Quả Tá lượm một trái lựu đạn, đuổi được bầy sói. Đây thật là do chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ cho em.)

- Xuất gia là việc không dễ dàng. Làm việc mà người khác không thể làm. Thọ nhận những gì người khác không thể thọ.

Nói xong, Ngài tiện tay với lấy một miếng bánh bao trên bàn thờ, bỏ vào miệng nhai, rồi nhả xuống đất và nói:

- Hãy lượm bánh lên mà ăn, rồi sẽ nói chuyện sau.

Lập tức, không nhờm gớm, bé lấy tay bốc bánh lên ăn. Thử xong, Ngài chánh thức nhận em làm chú tiểu Sa Di, và ban cho pháp danh là Quả Tá. Xuất gia xong, bịnh ma chướng của Quả Tá liền hết. Chú dụng công tu hành, chưa đầy nửa năm đắc được thiên nhãn thông cùng tha tâm thông, có thể biết đời quá khứ và đọc được tư tưởng người khác. Mọi người đều gọi chú là Tiểu Thần Thông. Ngày nọ có người hỏi:

- Chú có thần thông. Vậy thầy của chú có thần thông không?

Nghe như thế, chú kiêu ngạo đáp:

- Thực tình không biết Thầy tôi có thần thông hay không nữa!

Ngay lúc ấy, thần thông của chú liền biến mất. Bịnh ma chướng xưa kia lại tái phát chỉ vì lời nói hồ đồ. Ngài vì chú, tận lực hết công phu, cầu chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ, nên bịnh ma chướng của chú từ từ tiêu mất. Ngài làm kệ:

Tu đạo như leo lên núi trăm thước
Khi xuống thì dễ trèo lên thì khó
Nếu vượt được qua đầu ngọn tre
Mười phương thế giới liền hiện tiền
Chúng ta sao không luôn cảnh giác.

Vì chữa bịnh cho Quả Tá, nên loài yêu quái ở biển oán giận Ngài. Chúng tìm cách báo thù, bằng cách làm ngập lụt nhiều nơi, khiến nhiều người bị chết. Tàu bè đi từ Thiên Tân đến Thượng Hải, thường bị hải yêu tác quái. Tuy nhiên, nhờ sự cảm ứng và oai thần lực của Bồ Tát Quán Thế Âm, tàu bè ít bị đắm chìm. Ngày nọ, Ngài cùng với các đệ tử đi ngang qua làng Đông Bình, trú tại nhà cư sĩ họ Trịnh, một đệ tử quy y. Tên của làng Đông Bình vốn là Do Lai, vì làng này có một con suối từ lòng núi chảy ra, xoáy mòn bao năm thành vùng đất trũng, bốn bề cao ráo nhưng nước lại đọng ở giữa như miệng giếng. Ngài vừa đến thì đột nhiên trời mưa to, sóng nước chảy cuồn cuộn vào làng như thác đổ. Đồng thời, nước giếng trong thôn cũng vụt chảy ra. Hơn tám trăm căn nhà bị lụt lội, khiến nhiều người bị nguy khốn, nên phải leo lên nóc nhà mà ở. Ngài bảo mọi người trong nhà họ Trịnh đều phải tụng chú Đại Bi. Lạ thay, bên ngoài nhà họ Trịnh, nước dâng cao cả tám tấc. Hàng rào chỉ đóng bằng vài cây cọc nhỏ mà nước chỉ chảy vào nhà khoảng một tấc. Thần chú Đại Bi thật linh nghiệm thông thiên triệt địa. Chẳng bao lâu, mây tan mưa tạnh, nước từ từ hạ xuống. Trong trận lụt đó, hơn mười tám người trong làng bị chết đuối. Nhiều người thấy quái vật bơi lội trong nước.

Trị bịnh giúp người thì gây oán với yêu ma quỶ quái. Thật không phải là chuyện đùa. Ngài cũng từng nói: Lúc trẻ thì không kể. Tu hành đến giai đoạn bị ma chướng thử thách này, mới biết phân lượng cao thấp.

Tại thành phố Hợp Nhĩ Tân, làng Đại Nam Câu, khu Hương Phường, có một người họ Diêu. Khi chưa quy y Tam Bảo, ông là kẻ giang hồ lãng tử, không những hút nha phiến mà còn đam mê cờ bạc, rượu chè. Không tật xấu nào mà ông không có. Khi ấy, Nhật Bổn đang thống trị vùng Đông Bắc, thành lập nước Mãn Châu. Lợi dụng vua Tuyên Thống nhà Thanh hèn yếu, quân Nhật dựng ông làm hoàng đế bù nhìn tại Mãn Châu, còn mọi việc trong chánh quyền đều bị người Nhật thao túng, lạm quyền. Nhật Bổn sợ quân Nga xâm lăng vào Mãn Châu, nên xây phòng tuyến bên sông Hắc Hà, bắt lao công phục dịch bằng áp lực chứ không trả tiền công. Nếu bị bắt đi làm lao công thì phải làm việc cực nhọc quần quật suốt mãi, không mong có ngày trở lại quê nhà. Bàn về đời sống của người lao công, khiến không khỏi rùng mình. Người bị bắt đi làm lao công cũng như bị hành phạt trong địa ngục chốn trần gian, khổ sở khôn lường. Ông Diêu, vì không nghề nghiệp, nên bị quân Nhật bắt và tống đi làm lao công nơi đó. Ban ngày đem thân trâu ngựa để làm việc. Tối đến, đắp rơm mà ngủ, khiến lạnh cóng chết người. Ông không biết bao giờ mới trốn thoát được. Bốn bề doanh trại đều có dây điện bao bọc. Nếu chạm phải, sẽ bị điện giật chết. Tuy vậy, ông vẫn hy vọng chờ cơ hội thuận tiện để vượt trại vì không thể chịu đựng được sự ngược đãi vô nhân đạo trong đó. Tối hôm nọ, ông liều chết để tìm tự do, nghĩa là nhất định trốn trại địa ngục trần lao. Ông lợi dụng lúc đi tiểu tiện để chạy trốn. Vừa định chạy thì đột nhiên một ông lão tóc bạc phơ tiến đến, bảo:

Nay không phải là lúc trốn, vì ông chưa thọ hết quả khổ. Hãy nhẫn nại một thời gian. Khi dịp may đến, tôi sẽ báo cho ông biết. Hy vọng ông nên đề cao cảnh giác, chớ bỏ lỡ cơ hội.

Nói xong, ông lão biến mất. Tin tưởng lời của ông lão tóc trắng, ông Diêu trở lại doanh trại. Hai ba ngày sau, trong một giấc mộng, ông Diêu lại mơ thấy ông lão tóc trắng lúc trước và được ông ta báo mộng:

Hôm nay là ngày trốn trại. Ngoài cửa có hai con chó trắng. Ông hãy đi theo dấu chân chúng, không nên sai chạy. Hãy nhớ! Hãy nhớ!

Ông kinh hoàng giựt mình thức dậy, rồi đi ra ngoài cửa, và quả nhiên thấy hai con chó trắng đang đứng đợi. Nghe lời chỉ dẫn, ông bước theo chân của chúng. Đến hàng rào, chúng liền chui qua, còn ông thì lấy rơm khô đắp trên mình rồi từ từ bò qua, thoát ra miệng hổ bình an vô sự. Lúc nhìn lại thì ông không thấy hai chó trắng đâu cả, mới biết là được thần nhân trợ giúp. Vì sợ quân Nhật đuổi bắt nên vào ban ngày, ông trốn trong các lùm cây; đói ăn rau dại, khát uống nước suối, đến tối mới dám đi. Lần hồi, qua vài mươi ngày khổ nhọc, ông trở về làng. Sau khi nếm mùi khổ đau, ông hiểu rằng làm người thật là khổ, nên quyết định xuất gia tu đạo. Tuy nhiên, đến chùa nào, ông cũng bị từ chối. Lúc đến chùa Tam Duyên, vì thấy y phục rách rưới dơ bẩn, người trong chùa tưởng ông là kẻ ăn xin, nên không cho phép ở lại. Chùa lớn không chứa, chùa nhỏ không nhận vì dáng điệu lôi thôi tàn tạ của ông. Một gã nọ, tự giới thiệu rằng hắn là một kẻ tu hành lâu năm, biết ba mươi sáu ngôi sao Thiên Cương, bảy mươi hai phép biến hóa, bay được khắp hư không, cỡi mây lướt sóng, thổi gió kêu mưa, và trị hết những bịnh nan y, cùng có tay chân thần kỳ diệu dụng như khiến kẻ già nua được hồi xuân. Hắn tự thổi phồng mình bằng những lời ma quái quỶ quyệt, nói xạo nói càn, không ai tin nổi, nhưng chỉ trừ ông là dám lạy hắn làm thầy. Hắn dùng mọi thủ đoạn bất chánh để kiếm tiền, khiến người khác cung phụng, sống qua ngày. Chẳng bao lâu, ông Diêu biết hắn chả có tài cán gì, mà chỉ là kẻ vô lại, chuyên lường gạt người, nên bỏ đi. Sau này, ông biết được Ngài đang ở tại làng Đại Nam Câu đã từng trì chú cứu sống mẹ ông Cao Đức Phúc. Vì vậy, ông đến gặp Ngài, quỳ mãi không đứng, cầu xin xuất gia. Khi ấy, Ngài không để ý, chỉ ngồi thiền hướng mặt vào vách. Khoảng một giờ sau, Ngài xoay đầu lại, thấy ông vẫn còn quỳ nên hỏi:

- Ông làm gì vậy?

Ông thưa:

- Thỉnh Thầy từ bi, nhận con làm đệ tử.

- Ông muốn theo tôi xuất gia à? Ông sẽ thất vọng, vì tôi không có đức hạnh, công phu gì để chỉ dạy.

- Nay chỉ thỉnh cầu Ngài nhận con làm đệ tử là mãn nguyện rồi, còn những việc khác con không cầu xin.

- Tại gia tu đạo không dễ. Xuất gia tu đạo lại khó hơn. Vì thế, việc lớn chưa rõ, như để tang cha mẹ. Việc lớn rõ rồi, lại như để tang cha mẹ. Xuất gia là việc khổ nhọc. Nhẫn những gì người khác không thể nhẫn nỗi. Nhường nhịn những gì người khác không thể nhường. Ăn đồ kham khổ mà kẻ khác không thể ăn. Thọ nhận những gì kẻ khác không thể thọ. Quên mình vì người. Bỏ việc riêng tư mà lo việc công ích. Như thế, ông làm được hay không? Nếu làm được thì tôi sẽ nhận ông làm đệ tử. Nếu không thể làm được thì đừng theo tôi xuất gia.

Ông Diêu không một chút đắn đo, liền thưa:

- Bạch Thầy! Tất cả khổ nhọc, con đều nhẫn nổi. Xuất gia tuy khổ, nhưng con tin rằng không khổ bằng bị bắt đi làm lao công trong doanh trại Nhật. Con tin mình sẽ chịu đựng được hết.

Ngài liền nói kệ:

Niệm niệm chớ quên khổ sanh tử
Tâm tâm muốn thoát vòng luân hồi
Đập vụn hư không rõ Phật tánh
Thông thể thoát mê, thấy cội nguồn
Nay chính thời mạt pháp
Kẻ xuất gia tuy nhiều
Thiết thật tu hành rất ít
Người tin Phật tuy đông
Đạo nghiệp thành không nhiều
Nếu thành tâm xuất gia
Hãy lập chí rộng lớn
Phát Bồ Đề thù thắng
Thắp đuốc trong bão táp
Nung lửa luyện chân kim
Đạo nghiệp sớm viên thành
Tinh tấn hoằng Phật pháp
Khiến pháp Phật chiếu khắp
Không phụ nguyện xuất gia.

Qua những lần gạn hỏi, Ngài biết ông có thể thọ nhẫn được sự cực khổ, nên dẫn về chùa Tam Duyên cho cạo tóc xuất gia và thọ giới Sa Di, với pháp danh Quả Thuấn, cùng giao nhiệm vụ lo việc bếp núc. Quả Thuấn siêng năng làm việc, chân chánh dụng công tu hành, mỗi ngày ăn một buổi. Trước khi đi ngủ, đều ngồi thiền nhập định cho đến khuya. Những khi Ngài có đều gì muốn dạy bảo, chỉ cần nghĩ tưởng đến là Quả Thuấn biết ngay. Lần nọ, Quả Thuấn thấy bên cạnh miếu Long Vương ở Tây Sơn, vùng Đại Nam Câu, có một mảnh đất trống. Được Ngài đồng ý, Quả Thuấn đến đó cất am tranh tu hành. Quả Thuấn thỉnh Ngài đến làm lễ khai quang, thiết đặt tượng Phật trong am thất. Ngài dẫn Quả Năng, Quả Trị, Quả Tá đến đó làm lễ. Chiều hôm ấy, mười vị thần rồng nơi miếu bên cạnh am đến đảnh lễ Ngài, cầu xin thọ giới quy y Tam Bảo. Lúc đó, vào mùa hè, trời nắng gắt không mưa, khiến lúa mạ héo vàng. Nông dân nương nhờ thời tiết mà sống, nên nay buồn rầu ta thán, chỉ biết cầu trời khẩn Phật từ bi ban nước cam lộ. Vì vậy, Ngài bảo các thần rồng:

- Công việc của quý vị là lo mưa móc. Tại sao đến hôm nay mà vẫn không mưa?

Các thần rồng thưa:

- Bạch Ngài! Vì chưa được lịnh của Thiên Đế, nên chúng con không dám phun mưa. Nếu làm thì sẽ bị phạt.

- Quý vị hãy lên bảo điện Linh Tiêu, cầu thỉnh Đại Đế từ bi cho mưa trong khoảng chu vi bốn mươi dặm. Ngày mai, phun mưa xong rồi mới đến đây thọ giới quy y.

Hôm sau, quả nhiên mưa khắp trong vòng bốn mươi dặm. Lúa mạ có nước, nên sinh sôi nẩy nở. (Đến mùa thu, thâu hoạch lúa thóc nhiều hơn năm trước). Ngày thứ ba, các thần rồng đến trước chánh điện nơi am tranh, thọ tam quy y. Để kỶ niệm, Ngài viết tấm bảng đặt trước am là Am rồng phun mưa.

Nhập thất chẳng bao lâu, có hai vị họ Lưu và họ Dương, người cùng làng với Quả Thuấn, cũng là Phật tử thuần thành, đồng trú tại đó. Mỗi ngày, họ y theo Quả Thuấn tụng kinh sáng trưa chiều, cùng tinh tấn tụng chú Đại Bi. Sau này, cư sĩ họ Lưu xuất gia tu đạo, còn cư sĩ họ Dương thì gia nhập quân đội, vào bát lộ quân. Trong hai năm vào quân ngũ, họ Dương thường gởi thơ về nhà. Mùa thu năm Dân Quốc thứ ba mươi bảy (1948), đột nhiên dứt bặt thư từ. Bảy tháng sau, lúc Quả Thuấn đang tụng chú Đại Bi trong am, bất chợt thấy ông Dương trở về nhà và gõ cửa. Nghe tiếng động, Quả Thuấn bước ra ngoài mở cửa. Ông Dương vội bước mau, chạy thẳng vào, leo lên rồi nằm trên giường, và nói rằng bị trọng thương vì trúng đạn. Quả Thuấn vẫn tiếp tục tụng chú Đại Bi. Lát sau, ông Dương bỗng biến thành con hồ ly. Trong chớp mắt, hồ ly lại biến mất. Việc này là như thế nào? Ông Dương bị trúng đạn mà chết. Con hồ ly lại ăn não của ông, nên nó mới biến thành thân ông ta, rồi đến phá đạo hạnh tu hành của Quả Thuấn. Tuy nhiên, nhờ oai đức tu hành tụng chú Đại Bi hằng ngày của Quả Thuấn nên yêu quái hồ ly mới kinh sợ mà biến mất. Thời đó, Quả Thuấn thấy Phật giáo suy vi, tăng ni bị áp bức, tượng Phật tượng Bồ Tát bị hủy hoại, kinh tạng bị thiêu đốt, nên phát nguyện thiêu thân cúng dường Phật. Khi ấy, Ngài dẫn hết tất cả đệ tử lên chánh điện, phát nguyện rằng nếu sống đến một trăm tuổi thì sẽ thiêu thân cúng dường chư Phật. Quả Thuấn cũng phát nguyện rằng nếu có cơ hội, Thầy sẽ thiêu thân cúng dường chư Phật chư Bồ Tát như Bồ Tát Dược Vương mà không đợi đến một trăm tuổi. Ngày mười tám tháng tư năm 1949, thầy chất củi, rải dầu, ngồi xếp bằng trên đó, rồi châm lửa tự thiêu, khiến thân biến thành tro bụi. Hôm sau, người trong thôn phát hiện am Rồng Phun Mưabị cháy. Lúc chạy đến, họ mới biết là Quả Thuấn tự thiêu, cúng dường chư Phật. Thân thầy tuy hóa ra tro, nhưng trái tim vẫn còn nguyên vẹn. Mọi người đều rơi lệ, đem tro cốt và trái tim Quả Thuấn mai táng nơi đó. Việc họ Dương bị trúng đạn mà chết rồi bị hồ tinh ăn tinh não, biến hình đến phá Quả Thuấn và việc Quả Thuấn tự thiêu cúng dường chư Phật có cư sĩ Cao Đức Phúc làm chứng tín, nên nhật báo Hoa Kiều tại Hồng Kông có đăng tải toàn bộ tin tức vào ngày hai mươi tháng chín năm 1949.

Tại làng Sương Bách Kỳ Tứ, huyện Song Thành, có lão cư sĩ Hạ Tôn Dương, đức cao trọng vọng, rất được dân làng tôn kính. Mùa xuân năm 1945, vào ngày hai mươi tháng hai, Ngài làm lễ quy y cho bảy mươi hai người tại nhà ông. Ngài dạy họ phương pháp trì chú Đại Bi, bảo:

- Nếu các vị chuyên tâm thành ý thì nhất định sẽ được cảm ứng.

Ngài tự thuật: Lúc trẻ, vì thất bại trong việc khởi xướng cuộc cách mạng, tôi xuất gia tu hành, rồi đi khắp nơi chữa bịnh cho người. Dầu đã học qua các sách vở về y thuật, nhưng tôi không dùng những kiến thức đó để trị bịnh, mà chỉ dựa trên thần chú Thủ Lăng Nghiêm và thần chú Đại Bi. Tôi cũng dùng pháp bốn mươi hai tay mắt trong chú Đại Bi và ba mươi hai pháp trong chú Thủ Lăng Nghiêm để hàng phục thiên ma ngoại đạo. Tôi nhớ lại việc gặp một con quỶ cái ngàn tuổi, nay sẽ kể cho quý vị nghe. Tuy nhiên, chớ sợ sệt vì nó không còn làm hại người nữa.

Vào ngày mười hai tháng hai, hai mươi bảy năm về trước (1945), tôi có dịp ghé thăm gia đình họ Chu ở Mãn Châu. Trong thị trấn đó, có một hội đạo đức. Hội viên đều gặp nhau mỗi ngày để bàn luận về đạo đức. Vì gặp vài đệ tử quy y nên tôi nán lại thị trấn đó vài ngày. Lần đó, tôi gặp một ông thầy bói. Ông ta thường dùng tám chữ (về giờ giấc, ngày tháng năm sinh) mà bói toán rất linh nghiệm. Sau khi bói toán tuổi tôi, ông bảo:

- Lẽ ra Ngài phải làm một vị đại quan, sao lại xuất gia?

Tôi đáp:

- Tôi không có ý định ra làm quan, mà chỉ biết cách làm tăng sĩ, nên mới xuất gia.

Ông nhìn bàn tay tôi rồi nói:

- Ô! Đáng thương thay, ít nhất Ngài phải làm đại quan trong triều.

- Không đâu! Tôi làm quan nhỏ chắc cũng chưa được nữa!

Ông ta nhìn bàn tay tôi, lại nói tiếp:

- Năm nay Ngài sẽ gặp điềm lành mà có thể thay đổi cuộc đời!

- Việc đó là gì?

- Sau mồng mười tháng kế, cuộc đời của Ngài sẽ hoàn toàn đổi thay.

- Đổi thay như thế nào?

- Hiện nay, trong vòng ngàn dặm, ai ai cũng đều tin tưởng Ngài. Song, đến lúc đó, người người trong mười ngàn dặm sẽ tin tưởng Ngài.

- Tại sao?

- Tới khi đó, Ngài sẽ biết.

Hai hôm sau, vào ngày mười bốn tháng hai, tôi đến thôn Sương Bách Kỳ Tứ. Nơi đó, tôi có đệ tử quy y là Hạ Tôn Dương, tuổi ngoài sáu mươi. Gia đình của ông ta có hơn ba mươi người. Ông là một trong những địa chủ giàu có nhất trong vùng, nhưng chưa từng tin tưởng Phật giáo hay tôn giáo nào cả. Tuy nhiên, vừa gặp mặt, ông ta lại muốn quy y với tôi. Sau này, ông ta cùng mọi người trong gia đình đều thọ giới quy y. Mỗi lần đến vùng đó, tôi đều ở lại nhà ông ta, khiến mọi người trong gia đình rất vui mừng. Lần nọ, tôi trú tại nhà họ khoảng mười ngày. Lúc đó, có bảy mươi hai người đến quy y với tôi. Vào ngày hai mươi lăm, tôi quá giang xe của ông ta để đến huyện Song Thành. Vì huyện cách xa làng hơn hai mươi dặm, chúng tôi rời nhà vào lúc ba giờ sáng. Mặc dầu lúc đó là mùa xuân, nhưng thời tiết rất lạnh. Tài xế và phụ xế đều đội mũ len, mặc áo quần và mang giày vớ ấm. Vì nghèo nàn, tôi chỉ mặc ba lớp áo quần mỏng; chân mang đôi giày La Hán mà không có vớ; đầu đội nón xếp chưa đến lỗ tai, như hòa thượng Chí Công thuở xưa. Chúng tôi đi từ ba giờ sáng đến bảy giờ tối thì tới huyện thành. Tài xế và phụ xế tưởng tôi sẽ bị chết cóng vì mặc không đủ ấm. Họ thường ngừng xe lại, vận động cơ thể để cho ấm người. Tuy nhiên, tôi vẫn ngồi trong xe mãi. Khi xe ngừng tại cửa đông huyện thành, tôi liền bước xuống, khiến họ ngạc nhiên:

- Ô! Chúng tôi nghĩ rằng chắc Thầy đã bị chết cóng rồi!

Tôi ở tại nhà những vị hộ pháp khoảng mười ngày, rồi đến ngày mười chín tháng ba, trở lại nhà của ông Hạ Tôn Dương. Vừa trở lại, ông ta liền thưa với tôi rằng cô con gái của Hạ Văn Sơn (vốn là đệ tử quy y của tôi) đang bị bịnh nặng trầm trọng. Cô bé không ăn uống hay nói năng gì cả trong sáu ngày liền mà sắc mặt lại hung tợn như muốn ăn nuốt kẻ khác. Khi đó, mẹ của cô ta đến thưa:

- Bạch Thầy! Con gái của con bị bịnh nặng vài ngày sau khi thọ giới quy y. Nó không nói chuyện, ăn uống hay ngủ nghỉ mà chỉ nằm trên giường, giương mắt nhìn lên trần nhà. Con không biết nó bị bịnh gì.

Đương thời, tôi có một đệ tử là Hàn Võng Cát. Ông ta có thể biết nhân quả đời trước. Tôi bảo bà mẹ:

- Tôi không thể cứu chữa cô bé, nên bà có cầu xin giúp đỡ cũng vô ích. Song, đệ tử của tôi là Hàn Võng Cát, đã mở ngũ nhãn, biết rõ nhân duyên đời quá khứ, hiện tại, vị lai. Bà hãy hỏi ông đó.

Hàn Võng Cát cũng đã quy y với tôi vào ngày hai mươi lăm tháng hai năm đó. Ban đầu, tôi từ chối vì lúc xưa ông ta đã từng cùng làm việc với tôi trong hội Đạo Đức, và chúng tôi rất thân thiện với nhau. Sau khi tôi xuất gia, Hàn Võng Cát tu hành khai mở ngũ nhãn, rồi thấy rằng đời đời tôi đã từng làm thầy ông ta. Vì vậy, ông ta muốn quy y với tôi.

Tôi bảo:

- Chúng ta vốn là bạn thân thì sao tôi lại nhận ông làm đệ tử?

Ông đáp:

- Dẫu như thế, nhưng nếu con không quy y với thầy thì đời này chắc sẽ bị đọa lạc.

Nói xong, ông quỳ mãi dưới đất không chịu đứng dậy, quyết định cầu xin quy y. Tuy không muốn nhận ông ta làm đệ tử nhưng qua nửa giờ sau, tôi bảo:

- Những ai muốn thọ giới quy y phải nghe lời chỉ dạy của tôi. Ông có tài biết quá khứ, hiện tại, vị lai. Có thể vì thế mà ông kiêu căng không chịu nghe lời tôi chỉ dạy chăng?

Ông đáp:

- Thưa Thầy! Con chắc chắn sẽ nghe theo lời chỉ dạy. Dầu Thầy có bảo con phải nhảy vào dầu sôi hoặc đi trên lửa bỏng, con sẽ không từ nan.

- Có thật không? Nếu tôi có bảo lời gì, ông không thể không nghe theo.

- Dầu Thầy bảo làm việc gì, con đều tuân theo mà không màng nguy hiểm.

Vì thế, Hàn Võng Cát là một trong bảy mươi hai người quy y với tôi vào ngày hai mươi lăm tháng hai. Lúc bàn về bịnh tình của cô bé nọ, tôi bảo Hàn Võng Cát:

- Ông có thể nhìn thấy nhân quả tiền kiếp và chuẩn đoán bịnh tình. Bây giờ tôi có người đệ tử đang bịnh nặng. Vậy ông hãy xem bịnh của cô ta ra sao.

Hàn Võng Cát ngồi thiền, quán sát bịnh tình. Đột nhiên, mặt ông tái mét, thưa:

- Bạch Thầy! Chúng ta không thể giúp được vì vượt ngoài khả năng của mình.

- Ông nói như thế là nghĩa gì?

- Không có cách nào để hàng phục con quỶ này được.

- Nó là loại quỶ gì?

- Con quỶ gieo bịnh này rất hung tợn. Nó có thể biến thành hình người để làm rối loạn và gieo rắc tai họa cho nhân loại.

- Sao nó có tài như thế?

- Nó vốn là yêu quỶ trong đời Chu. Vì có hành vi tà vạy, nó bị một vị đạo nhân dùng lôi sét thần thông đánh. Tuy nhiên, tinh khí của nó không hoàn toàn tan mất. Sau này, nhờ tu hành trở lại, nó từ từ thu nhiếp tinh khí, trở thành quỶ cái hung tợn. Nó có thể tự tại bay đi, hiện hình hay biến mất. Giờ đây, nó hiện thân một bà già và đi khắp nơi để bắt người làm quyến thuộc. Con không nghĩ rằng mình có đủ khả năng đối đầu với nó được.

- Nếu chúng ta đối đầu với nó thì việc gì sẽ xảy ra?

Hàn Võng Cát run sợ đáp:

- Chúng ta có thể mất mạng. Con quỶ cái này có khí giới ma thuật, chống lại lôi sét: Mũ đen được làm bằng màng trứng che thân hài nhi. Khi đội mũ đen này, sét không thể đánh nó được vì sấm sét gớm vật dơ. (Người Tây Phương thường nghĩ rằng không ai có thể khống chế sấm sét. Có những loại sấm sét tầm thường và cũng có những loại rất kỳ đặc, do chư thiên dùng để đánh yêu ma quỶ quái lộng hành trên thế gian). Ngoài mũ đen để tránh bị sét đánh, con quỶ cái này lại tạo thêm khí giới ma thuật: Thứ nhất là hai trái banh, vốn là hai đôi mắt của xác người. Nếu nó dùng hai trái banh này ném trúng người nào thì người đó sẽ chết ngay tức khắc. Thứ hai là chiếc mũ đen. Nếu đặt chiếc mũ lên trên đầu ai thì hồn của người ấy sẽ bị khống chế và trở thành quyến thuộc của nó.

Ngưng chốc lát, ông nói tiếp:

- Chúng ta không thể lo việc này được.

- Như thế, cô bé kia sẽ ra sao?

- Chắc sẽ chết, vì không có cách nào cứu cô ta được.

- Tôi không thể để cho cô ta chết. Nếu không phải là đệ tử quy y thì tôi không màng đến. Tuy nhiên, cô ta đã thọ giới quy y rồi nên tôi không thể nào đành lòng để cho quỶ cái đoạt mạng cô ta.

- Vậy thì Thầy hãy lo việc đó đi. Con không muốn nhúng tay vào.

- Ông nói cái gì! Khi quy y với tôi, ông hứa là sẵn sàng nhảy vào dầu sôi lửa bỏng. Giờ đây, không cần làm như thế mà ông lại thất hứa? Nếu sợ, ông không cần làm đệ tử của tôi.

Hàn Võng Cát im lặng, suy nghĩ chút lát, thưa:

- Nếu Thầy ra lịnh cho chư thiên hộ pháp bảo hộ con thì...

- Chớ nói lời nhảm. Nếu muốn đi thì cứ đi, lưỡng lự làm gì!

Ông ta không còn biết nói lời gì, chỉ việc đi theo tôi. Chúng tôi đến nhà, thấy cô bé nằm chỏng khu trên giường, trông thật xấu xa. Cặp mắt cô bé mở to như mắt bò, trợn tròng nhìn chúng tôi rất hung tợn. Tôi hỏi người trong gia đình:

- Nguyên nhân cô bé này bị bịnh như thế nào?

Họ kể lại rằng trong bảy ngày trước, có một bà lão lạ kỳ khoảng năm mươi tuổi, cao độ ba thước, tay mang đôi găng tay màu tím đen và cầm chiếc mũ đen, bím tóc thành hai đường xõa xuống nơi màng tang, mặc quần màu vàng và đôi giày màu vàng, ngồi khóc lóc tại nghĩa trang. Nghe tiếng bà khóc, phu nhân họ Hạ, người đã quy y với tôi, đến an ủi:

- Thôi bà đừng khóc nữa.

Tuy nhiên, bà ta vẫn khóc lóc kể lễ:

- Ôi! Thân của tôi! Thân của tôi!

Bà ta tìm kiếm thân của bà. Phu nhân họ Hạ hỏi:

- Bà từ đâu đến?

Bà ta đáp:

- Đừng nói chuyện với Ta. Ta là quỶ!

Phu nhân họ Hạ run sợ bỏ chạy. Tuy nhiên, bà ta đi theo phu nhân họ Hạ, rồi đến trước cổng làng. Dường như có chư thần gác cổng vì bà ta không thể bước vào làng. Ngôi làng được bao bọc bởi những bức tường bằng gạch. Mỗi phía đều có cổng ra vào. Tôi nghĩ rằng thần giữ cổng không cho bà ta vào làng. Khi đó, xe ngựa của ông Hạ Tôn Dương từ ngoài trở về làng. Xe vừa đến cổng làng thì con ngựa liền run sợ, hí to lên khi thấy bà ta (loài ngựa cảm nhận được những điều mà con người không thể biết được). Lúc xe ngựa chạy ngang qua cổng, bà ta đi theo sau, rồi vào làng. Kế đến, bà ta chạy thẳng tới nhà của ông Vưu Trung Bảo, tiếp tục tìm kiếm cái thân. Vừa gặp ông Vưu, bà ta lại chạy ra đường. Có khoảng bốn mươi người tò mò chạy theo, hỏi han:

- Bà họ gì?

Bà đáp:

- Ta không có họ.

- Tên của bà là gì?

- Ta không có tên.

- Bà từ đâu đến và tới đây để làm gì?

- Ta là quỶ, hiện đang tìm kiếm thân của mình.

Vì trong đám đông có rất nhiều người, nên họ không tỏ vẻ sợ sệt khi nghe bà ta tự xưng là quỶ. Họ gọi bà ta là bà già ngu si, vì những lời nhảm nhí đó. Tuy nhiên, diện mạo của bà ta thật giống như quỶ. Bà ta tiếp tục đờ đẫn tiến thẳng tới nhà ông Hạ Văn Sơn. Khi đó, bà liệng chiếc nón đen qua tường cao tám thước, rồi phi thân nhảy qua. Không ai có thể nhảy qua được như bà. Đám đông xôn xao bảo:

- Bà già đần độn biết võ !

Nói xong, họ nhốn nháo chạy thẳng đến cổng chính để xem bà ta. Con trai của Hạ Văn Sơn là Hạ Tôn Toàn cũng là đệ tử quy y của tôi, liền chạy vào nhà báo tin cho người mẹ hay:

- Mẹ ơi! Bà già ngu đần đã vào nhà mình rồi.

Vợ của Hạ Văn Sơn nhìn ra ngoài cửa sổ, chẳng thấy động tịnh gì, nhưng khi xoay đầu lại, thì thấy bà lão đang leo lên giường gạch. Phân nửa thân thì trên giường, còn phân nửa thì ở dưới đất, vì bà đang tìm cái thân. Vợ Hạ Văn Sơn la lên:

- Bà tìm ai, và muốn gì?

Tuy nhiên, bà lão vẫn không thèm trả lời. Thấy vậy, vợ Hạ Văn Sơn bảo đứa con gái:

- Bà lão này thật là ma quái. Hãy mau niệm thần chú Đại Bi.

Những ai đã quy y, tôi thường dạy họ tụng thần chú Đại Bi. Tôi nói:

- Mỗi người trong quý vị phải học thuộc chú Đại Bi, vì trong tương lai sẽ cần đến. Nếu gặp việc hiểm nguy cấp bách hay tai nạn mà tụng thần chú này thì Bồ Tát Quán Âm sẽ gia trì cho quý vị.

Từ đó, rất nhiều người đọc tụng thần chú Đại Bi này. Vì đã quy y và nhớ lời dặn dò của tôi, nên vợ của Hạ Văn Sơn và đứa con gái của bà liền tụng chú Đại Bi. Họ vừa tụng đến câu đầu nam mô hát ra đát đa dá da dạ da, bà già kia liền bò xuống đất nằm sóng soài như thây chết. Thấy vậy, cả gia đình đều bực tức vì nếu có ai chết trong nhà, thật là một điềm xấu. Thế nên, họ bèn báo tin cho cảnh sát. Một vị cảnh sát đến nhà dùng tay khiêng bà ta mang ra ngoài sân. Thứ đến, ông dẫn bà ta về tòa án của làng để hỏi cung:

- Bà từ đâu đến và sao đến đây?

Bà đáp:

- Chớ hỏi! Tôi chỉ là thây chết mà không có nhà hay tên tuổi và chỉ trú nơi đang ở.

Lo lắng vì tánh khí quái lạ này, ông cảnh sát liền dẫn bà ta ra khỏi đồn canh ngoài làng khoảng năm mươi bước. Tuy nhiên, vừa trở vào cổng làng, ông lại thấy bà ta đứng ngay đằng sau lưng. Lần thứ hai, ông dẫn bà ta ra khỏi làng khoảng bảy mươi bước. Lúc xoay đầu lại, ông ta vẫn thấy bà ta đi theo sau. Lần cuối, ông cùng bốn vị cảnh sát khác kéo bà ta ra khỏi làng gần hai trăm bước, rồi bảo:

- Hãy đi khỏi chỗ này, nếu không sẽ bị bắn.

Nói xong, họ bắn chỉ thiên mấy phát đạn. Bà ta nghe tiếng súng bèn run sợ vì tưởng là tiếng sấm lúc trước đã đánh tan thân mình. Lần này, bà ta không còn dám vào làng nữa. Dầu bà ta đã đi mất, nhưng đứa con gái của Hạ Văn Sơn, tuổi khoảng mười bảy, lại nhuốm bịnh nặng và thường úp đầu trên gối, nằm chõng khu trên giường, mắt trợn trừng trừng mà không nói năng ăn uống hay ngủ nghỉ suốt cả bảy ngày. Trước khi đến nhà của Hạ Văn Sơn, tôi bảo Hàn Võng Cát:

- Ông bảo rằng chúng ta không thể lo nổi việc này vì có thể tổn tánh mạng. Tuy thế, có hai lý do mà tôi phải ra tay. Thứ nhất, do cô ta đã quy y Tam Bảo mà nay bị quỶ nhập, nên tôi phải cứu độ, chứ nào nhẫn tâm nhìn xem đệ tử mình chết. Thứ hai, tôi phải cứu con quỶ này. Ông bảo là không ai có thể khống chế được nó. Nó đã tạo lắm tội ác và giết hại rất nhiều người. Do đó, phải có người khống chế và trừng phạt nó, nhưng không nên diệt trừ vì nó đã từng tinh tấn tu hành trong bao năm. Dầu có bị thần thông của nó hãm hại, tôi vẫn phải cứu và dạy nó trở thành người lương thiện. Chí nguyện của tôi là phải cứu hộ tất cả chúng sanh. Nếu hôm nay không bị khống chế, thì tương lai nó sẽ hại rất nhiều người. Vì những lý do này, tôi phải ra tay cứu giúp.

Ngay lúc đó, ông cảnh sát chợt đi ngang qua. Nghe chúng tôi nói rằng bà lão là QuỶ, ông ta liền bảo:

- Ồ! Thảo nào tôi có thể dùng một tay nâng bà ta lên như cầm tấm giấy. Lúc đó, tôi không để ý đến mà nay mới biết ra bà ta là quỶ ma.

Khi ấy, chúng tôi phải đi tìm con quỶ cái này. Làm thế nào tìm được? Tôi dùng các pháp trong thần chú Thủ Lăng Nghiêm để bắt nó. Thứ nhất, pháp tiêu tai hoạn nạn, tức là khi gặp hoạn nạn phải dùng pháp này để xoay chuyển. Thứ hai, pháp Kiết Tường, tức là chuyển điềm xấu trở thành điềm lành. Thứ ba, pháp Câu Triệu, tức là pháp có thể bắt quỶ ma bất cứ chỗ nào. Thứ tư, pháp Hàng Phục, tức là hàng phục được bất cứ loài ma nào đang đến. Tôi dùng những pháp này để bắt con quỶ cái Như Ý này.

Vừa bước vào nhà của Hạ Văn Sơn con quỶ cái định dùng chiếc nón đen, tức khí giới ma thuật, để trùm lên đầu tôi, nhưng không được. Kế đến, nó ném hai trái banh, nhưng không trúng người tôi. Vì cả hai ma thuật đều thất bại, nên nó xoay đầu bỏ chạy. Tuy nhiên, tôi đã đặt bẩy vô hình dầu nó có chạy đến đâu. Trời, rồng, thiên long bát bộ đều nhìn nó khắp mọi nơi phải trái, trước sau, trên dưới. Nhận thấy không thể chạy thoát, nó quỳ xuống khóc lóc:

- Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ bị người khác khống chế. Xin hãy tha thứ cho tôi.

Tôi đáp:

- Ta sẵn sàng để cho ngươi đi, nhưng với điều kiện là phải cải tà quy chánh, cùng quy y Tam Bảo.

Nó gật đầu đồng ý. Khi đó, tôi thuyết pháp mười hai nhân duyên, Tứ Diệu Đế, lục độ Ba La Mật. Nó liền hiểu rõ và phát tâm Bồ Đề cùng cầu khẩn quy y Tam Bảo. Tôi chấp nhận và đặt cho nó pháp danh Thiên Nữ Kim Cang Như Ý.

Sau khi đã quy y Tam Bảo, tôi bảo nó trú tại một căn chòi, gần nhà của Hạ Văn Sơn. Nó lại thường theo tôi cứu người. Vì thân nó vốn là quỶ ma, nên đi đâu cũng thoát ra mùi hôi thúi. Đối với tôi thì chẳng nhằm gì, nhưng đối với những người khác, khi họ ngửi đến khiến phải buồn nôn. Nhận thấy nó đi theo cũng chẳng ích lợi gì, nên tôi đưa nó về trú tại núi Lỗi Pháp, huyện Giao Hà, tỉnh Kiết Lâm, tu hành trong động Vạn Thánh Linh Lung. Nó là con quỶ chúa lớn nhất mà tôi đã từng gặp qua tại vùng Mãn Châu. Tôi cũng từng đến và gởi rất nhiều đệ tử kỳ quái tới hang động đó tu hành. Nhờ tu hành tinh tấn nên chẳng bao lâu nó đạt được thần thông và có thể cứu người. Khi cứu giúp họ, nó không thích được người khác biết đến. Hành việc lành mà cho người khác biết thì đó không phải là chân thật lành. Làm việc ác mà không muốn cho người khác biết thì đó thật là ác.

Tại sao hang này được gọi là Vạn Thánh Linh Lung? Vì hang này có ba cánh cửa thông đồng với nhau. Đứng tại một cánh cửa thì thấy được hai cánh cửa kia. Hang động này giống như cái ly úp, tức là bên ngoài có thể nhìn vào bên trong, và bên trong có thể nhìn ra bên ngoài. Trong động có một ngôi chùa, được xây bằng gạch và gỗ, do lừa ngựa chuyên chở từ dưới chân núi lên. Mỗi con lừa chỉ mang được hai miếng gạch hoặc một tấm ván. Bên ngoài cửa hướng tây có một hang động, được gọi là Lão Quân. Bên ngoài cửa phía đông là hang Tích Thủy. Hang này có thể cung cấp nước cho quân binh cả mười ngàn người ngựa. Đằng sau là hang KỶ Tổ. Danh này được đặt sau tên của ông KỶ Hiểu Thường, người Mãn Châu, đã từng hàng phục năm con quỶ, mà trong đó có quỶ Cá Đen, vốn là quan Hắc Đại Nhân thuộc triều nhà Minh. Câu chuyện như sau: Ông quan Hắc Đại Nhân chẳng phải là người. Biết rõ việc này, vào ngày nọ, KỶ Hiểu Thường đứng đợi quan Hắc Đại Nhân tại một ven núi để bắt hắn. Khi quan Hắc Đại Nhân vừa đi ngang qua, KỶ Hiểu Thường bèn vung sét đánh chết.

Không ai biết đúng con số của các hang động trong ngọn núi Lỗi Pháp. Mỗi lần đếm thì mỗi lần lại khác đi. Hôm nay có thể đếm là bảy mươi hai hang động. Ngày mai có thể đếm là bảy mươi ba, v.v...

Lại nữa, xưa kia một người nọ tình cờ đi ngang qua đó, thấy hai ông già tóc bạc phơ đang đánh cờ. Khi người kia ho đằng hắng, thì hai ông già kia hỏi nhau:

- Làm sao hắn ta lên đây được?

Nói xong, cửa đá liền tự động đóng lại. Người này quỳ nơi đó, cầu đạo mãi cho đến chết. Ngôi mộ của ông ta vẫn còn cạnh ngay hang Cửa Đá. Ông ta thật là người thành tâm cầu đạo.

Có rất nhiều tiên nhân quỶ thần cư trú trên ngọn núi đó, điển hình là Lý Minh Phước. Ông ta chạy nhanh như khỉ. Lần nọ, đến thăm hang động vào khoảng bốn giờ sáng, tôi thấy ông ta đang lễ Phật. Tóc ông ta dầy cồm cộm, chắc nặng khoảng năm sáu cân vì không bao giờ tắm gội. Tuy thân hình nhỏ nhắn, nhưng trông ông rất khỏe mạnh. Một mình ông ta có thể mang một thanh sắt làm đường rầy xe lửa mà khoảng tám người thường mới khiêng nổi. Tuổi tác của ông ta bao nhiêu và từ đâu đến mà không ai biết được. Ông ta là một nhân vật lạ lùng mà tôi đã từng gặp qua.

Hôm nay, vì cảm hứng nên tôi mới kể những câu chuyện này cho quý vị nghe. Đây là những câu chuyện thật, không phải do tôi bịa đặt. Hầu hết quý vị chắc không tin. Tuy nhiên, dầu quý vị có tin hay không, tôi vẫn thích kể vì đó là sự thật.

*Trong làng Tam Tánh huyện Song Thành, có Dương Thiếu Anh con thứ ba của Dương Dục Côn, tướng quốc Mãn Châu, đang đóng binh tại tỉnh Tam Giang (nay là tỉnh Hợp Giang). Năm 1942, Dương Thiếu Anh mời mẹ và em gái đồng trú tại doanh trại. Cô em, tên là Thục Lan, chưa lập gia thất. Chẳng bao lâu, Dương Thiếu Anh gả cô ta cho bạn đồng nghiệp là Bạch Giáo Quản. Trong ngày hôn lễ, Dương Thục Lan đột nhiên bị tê liệt và hôn mê bất tỉnh khiến người nhà đành bó tay thúc thủ. Ngày nọ, Dương Thục Lan chợt tỉnh dậy, nói:

- Mẹ ơi! Ngài Quán Âm mặc áo trắng đang đến. Mẹ hãy mau đốt hương.

Nói xong, cô ta liền đứng dậy lễ lạy. Bà mẹ thấy cô ta dường như đang nói chuyện với ai, rồi chốc lát sau, ra dạng như tiễn đưa khách. Sau đó, Dương Thục Lan xoay đầu lại nói:

- Bồ Tát Quán Âm vừa bảo con rằng nếu không kết hôn mà xuất gia tu hành thì bịnh tình sẽ thuyên giảm. Ngài đồng ý là sau khi cha mẹ qua đời, con sẽ xuất gia tu đạo.

Cô còn nói thêm là ngày hôm sau sẽ có một Pháp Sư đến trị bịnh cho mình. Ngày kế, Dương Thục Lan nghe tiếng khánh gõ trên bàn Phật ba lần, lại mơ thấy một vị Pháp Sư bước vào nhà, thân mặc y ca sa rách rưới, đi chân không, tay cầm cây phất trần quất lên mình cô ta. Cứ như thế, cô mơ thấy Ngài liên tục cả chín ngày, và mỗi ngày ba lần. Lần cuối, Pháp Sư hỏi:

- Cô có thật tâm thành ý, muốn xuất gia không?

Cô đáp:

- Sau khi hết bịnh, con sẽ quyết định xuất gia tu hành.

Pháp Sư lại cho cô thêm một viên thuốc để uống. Uống xong, bịnh cô ta dần dà bình phục. Đang lúc cô bịnh, bà mẹ liền đánh điện tín về nhà, báo cho cha cô hay. Cha cô vội đến thăm, nhưng lúc ấy bịnh cô đã thuyên giảm rất nhiều. Mẹ cô thuật lại bịnh tình con mình cho ông chồng. Nghe qua, cha cô bảo:

- Vì do khí trong người bốc lên, chứ làm gì có chuyện người phàm mà thấy được Bồ Tát Quán Âm.

Nói xong, ông trách bà vợ sao mê tín quá đáng. Dương Thục Lan nghe cha nói thế, đâm ra nghi ngờ giấc mộng xưa, tín tâm quyết định xuất gia cũng lung lay. Sau này, cô ta theo cha mẹ trở về làng Tam Tánh. Đêm nọ, cô mơ thấy Bồ Tát Di Lặc bảo:

- Thọ mạng của cha con chỉ còn trong bảy ngày.

Hôm sau, tỉnh dậy, cô thuật lại giấc mộng vừa rồi cho cha nghe. Tưởng ông sẽ tin, nhưng nào ngờ, ông còn đánh mắng cô nữa. Vì thế, tâm cô bồn chồn lo lắng bất an. Cô cố gắng ngăn cha mình đừng ra khỏi nhà, nhưng ông nhất định cố chấp không tin. Đến ngày thứ bảy, vừa mua vé xe lửa tại trạm Song Thành xong, ông quay về nhà nhưng bất chợt té lăn hôn mê bất tỉnh trên đường lộ. Cảnh sát trưởng trạm xe lửa liền sai người khiêng ông về nhà, rồi chốc sau ông từ trần. Dương Thế Siêu là anh thứ ba cũng không tin bất cứ gì của em gái mình nói, lại ngăn cản Dương Thục Lan xuất gia, thậm chí còn khinh chê hủy báng Tam Bảo. Đêm nọ, ông mộng thấy Bồ Tát Di lặc bảo:

- Trong vòng một tháng, con sẽ chết.

Giật mình tỉnh dậy, mới biết đó là điềm mộng xấu, nhưng tâm ông vẫn không chút ăn năn hối cải. Đúng một tháng sau, quả nhiên ông tạ thế vào ngày mười ba tháng năm, năm 1945. Ngày hai mươi tháng chạp năm 1945, Ngài đến nhà Dương Thục Lan. Khi Ngài vừa bước vào thì cô liền kéo tay mẹ và nói:

- Lúc ở Tam Giang, Pháp Sư trị bịnh cho con trong giấc mộng chính là vị này đây. Hôm nay, Ngài lại đến nhà mình.

Nói xong, cô liền chạy đến đảnh lễ Ngài. Ngài bảo:

- Con vẫn còn nhận ra Thầy à?

Cô đáp:

- Bạch Thầy! Vâng ạ.

- Con vẫn còn muốn xuất gia không?

- Bạch Thầy! Xưa kia, vì trong lúc bịnh hoạn, tâm tư ngu muội lại không thấy chứng cứ nên đâm ra nghi ngờ. Nay biết được rằng tất cả mọi việc đều đúng chân thật, nên đương nhiên là con sẽ xuất gia.

Từ đó, cô ăn chay niệm Phật, chân thành khẩn thiết tu hành. Cô quy y Tam Bảo trước, rồi khuyến hóa quyến thuộc trong nhà đồng quy y Ngài.

*Phan Tể Thời là một trong những phú hộ trong huyện Song Thành. Cả hai vợ chồng đã ngoài bốn mươi tuổi mà vẫn chưa có một mụn con, nên rất buồn rầu. Vì ngưỡng mộ đức hạnh của Ngài, nên họ tìm đến quy y và chuyên cần học Phật pháp. Họ thường cầu nguyện Bồ Tát Quán Thế Âm, mong Đại Sĩ gia hộ cho có con nối dõi. Họ cũng thành tâm khẩn thiết cầu Ngài gia trì trợ giúp. Ngài bảo:

- Phải hành muôn việc lành. Ông có thể bố thí nửa gia tài cho người nghèo không? Nếu làm được như thế, tích tụ công đức đầy đủ, thì tôi tin chắc rằng nhất định ông sẽ mãn nguyện.

Nghe Ngài nói như thế, ông liền y theo đem tiền của ra sửa chữa chùa chiền, cúng dường Tam Bảo, bố thí cho các hội đoàn từ thiện, giúp người nghèo khổ không nơi nương tựa. Một năm sau, vợ ông quả nhiên sanh được một bé trai tên là Thí Đức, thiên tánh thông minh, trí huệ lanh lợi. Vì vậy, ông Phan Tể Thời lại càng tin tưởng Phật pháp; ngày ngày tụng kinh niệm Phật, chuyên cần tu hành các pháp lành.

Sau này, Ngài trở về chùa Tam Duyên để tu hành.

Ngài thuật: Khi trở về chùa, đại sư Thường Nhân thấy tôi bảo:

- A! Con đã đến!

Tôi thưa:

- Dạ vâng! Con đã đến!

Làm lễ chính thức xuất gia cho tôi xong, đại sư Thường Nhân nhóm họp tăng chúng để chọn lựa vị thủ tọa. Quyền hạn của vị thủ tọa chỉ sau vị trụ trì. Khi ngài trụ trì thối vị, thủ tọa sẽ lên thay thế. Giữa vài mươi vị tăng, đại sư Thường Nhân muốn chọn tôi làm thủ tọa, nhưng mọi người đều chống đối:

- Thầy đó mới vừa xuất gia, cớ sao lại làm thủ tọa?

Đại sư Thường Nhân bảo:

- Được rồi! Hãy đến trước tượng Bồ Tát Vi Đà mà lấy thẻ bốc thăm.

Lạ lùng thay! Ba lần lấy thẻ, họ đều bốc trúng tên tôi, nên không còn ai hở miệng vì tôi đã được Bồ Tát Vi Đà chọn lựa dẫu vẫn là sa di. Sau này, biết đại sư Thường Nhân muốn mình làm tăng quản gia, tôi bèn thưa:

- Vâng con xin nhận chức, nhưng với điều kiện là không muốn dính líu đến tiền bạc.

Đây là cách tôi trì giới không giữ tiền bạc. Lắm khi, có những việc lạ lùng xảy đến nhờ trì giới không giữ tiền. Bất cứ lúc nào đến trạm xe lửa gần chùa, tôi cũng không mang theo tiền bạc vì không thể giữ tiền. Tôi thường ngồi đó, đợi người quen đến mua vé giùm. Nếu không có ai đến, tôi chỉ việc ngồi đợi chờ. Kỳ lạ thay! Mỗi khi ra nhà ga xe lửa, liền có người tới hỏi thăm rằng muốn đi đâu, rồi họ lại mua vé cho tôi.

Thể theo lời dạy của lão hòa thượng Thường Nhân, Ngài trở về chùa Tam Duyên, giúp đỡ tăng chúng xây cất tự viện. Tất cả vật liệu như cây cối, ngói gạch đều phải được chuyên chở bằng xe. Tuy nhiên, lúc đó nhằm vào mùa gặt lúa, nên chùa không thể mướn xe được. Ngài biết rõ, nên đến nhà ông Lưu Trung Cần, trưởng gia trung thương tại Tây Đại Bá, mượn xe. Họ Lưu trả lời:

- Bạch Thầy! Làm việc thiện, con không quản ngại, nhưng ngặt vì lúc này trùng vào mùa gặt lúa nên không cách chi giúp được.

Khi ấy, vợ thứ của Lưu Trung Cần từ trong phòng bước ra, thấy Ngài liền cầu xin cứu giúp đứa con trai đang bị bịnh nặng trầm trọng. Ngài nhìn bà một hồi rồi hỏi:

- Bà có biết là đứa con này chắc phải chết không?

Bà đáp:

- Dạ con biết.

- Vì bà không hiếu thảo với cha mẹ chồng. Nếu tin lời tôi, đến trước cha mẹ chồng cầu xin sám hối thì con bà mới mong toàn mạng được.

Vì muốn cứu con nên bà làm theo lời Ngài dạy, nhưng bịnh tình đứa bé vẫn không thuyên giảm. Ngài bảo rằng hãy đem con bà đến. Khi đứa bé được mang đến, Ngài lấy tay vỗ trên đầu em ba lần. Bịnh tình của em bé tự nhiên giảm bớt. Lưu Trung Cần mục kích rõ sự tình nên rất cảm phục Ngài. Ông chủ động kêu gọi hội tập tất cả xe cộ lớn nhỏ trong toàn khu, liên tục chuyên chở vật liệu xây cất cho chùa trong vài ngày. Câu chuyện Ngài cứu sống con của Lưu Trung Cần dần dần lan xa.

*Lý Thanh Sơn ở thôn Dương Gia Điếm có người em bị bịnh nặng, nên chạy đến cầu Ngài cứu giúp. Đáp lời cầu khẩn, Ngài đến nhà ông; nhưng vừa bước đến cửa Ngài linh cảm điềm chi lạ kỳ, nên nói với Lý Thanh Sơn:

- Âm khí trong nhà ông quá nặng. Tôi không đủ năng lực để giải cứu. Vài ngày tới đây, sợ rằng trong nhà sẽ có những chuyện không may.

Quả nhiên, bảy ngày sau, Lý Thanh Sơn cùng em mình bị uất khí mà chết. Chẳng bao lâu, cháu gái của Lý Thanh Sơn cũng chết vì bịnh.

*Trong thôn Dương Gia, em Vương Thân mười hai tuổi bị bịnh lao phổi ho ra máu. Vì thế, cha mẹ em đến cầu Ngài cứu giúp. Sau khi quán sát nhân duyên, Ngài bảo:

- Nếu ông bà cho phép em xuất gia thì bịnh tình sẽ thuyên giảm. Ngoài ra, không còn cách nào khác.

Cha mẹ em liền đồng ý. Chẳng bao lâu, em bớt bịnh hẳn. Thấy con mình hết bịnh, hai vợ chồng hối hận, không cho đi tu. Ngài viết thư ba lần, khuyên họ phải giữ lời hứa. Lá thư cuối cùng, Ngài cảnh tỉnh họ:

- Nếu ông bà không cho con mình xuất gia quy y Phật thì sợ rằng bịnh tình của nó sẽ bộc phát trở lại. Khi ấy, khó mà trị liệu.

Cha mẹ em không màng đến. Qua một năm sau, bịnh của Vương Thân lại bộc phát. Cha mẹ lo lắng chạy chữa biết bao bác sĩ, thuốc men, nhưng đều vô hiệu. Vài mươi ngày sau, Vương Thân lìa đời. Cha mẹ em mới hối hận vì trước kia không nghe lời, tin tưởng Ngài, nên nay con mình mới mất.

Sau khi Nhật Bổn đầu hàng, giao thông ở vùng đông bắc và nội địa Đại Lục được thuận tiện. Vì đã từng ngưỡng mộ đức hạnh của đại lão hòa thượng Hư Vân, vị đại thiện tri thức tại chùa Nam Hoa ở Quảng Đông, vào mùa thu năm 1946 từ chùa Tam Duyên tại Hợp Nhĩ Tân, Ngài bắt đầu đi tham bái, chẳng quản đường xa vạn dặm. Khi đến chùa Bát Nhã tại Trường Xuân, hai người đệ tử là Quả Năng và Quả Thuấn ở lại nơi đó thọ giới cụ túc, còn Ngài với một bộ ca sa không một đồng xu dính túi, một mình thẳng bước vào Nam. Lúc đến Thiên Tân, Ngài tạm trú tại viện Đại Bi. Nơi đây, đại lão hòa thượng Đàm Hư, đức cao vọng trọng, đang giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm. Đại lão hòa thượng Định Tây (Như Quang) cũng từ viện Đại Bi mà trở lại vùng đông bắc. Chẳng bao lâu, Ngài cùng với lão pháp sư Thể Kính và mười hai vị tăng khác, đi thuyền đến Thượng Hải. Khi đến Hoàng Hải, đột nhiên sóng gió nổi lên ầm ầm, khiến thuyền bị chao ngửa, tiến thối lưỡng nan. Hầu hết mọi người trên thuyền đều bị nôn mửa. Thức ăn nước uống trên thuyền đều cạn. Ai ai cũng nghĩ rằng phần số đã đến, khó tránh khỏi kiếp họa. Sau này, Ngài có làm bài kệ để ghi nhớ sự kiện đó:

Kết bạn Nam hành mười bốn tăng
Trưởng lão tóc dài Sa Di trẻ
Biển trời xanh giáp ngàn muôn lý
Sóng đen nổi dậy lắm muôn trùng
Pháp hàng yêu tà thuyền chưa mất
Thánh trợ luân phong ói mửa tan
Vui đến Hổ Hải trừ đói khát
Võ Xương Chánh Giác bảo loa vang.

Kết bạn Nam hành mười bốn tăng: Trên thuyền đi từ Thiên Tân đến Thượng Hải, có mười bốn vị tăng.

Trưởng lão tóc dài Sa Di trẻ: Trưởng lão tóc dài tức là lão pháp sư Thể Kính, vì Ngài tuổi cao lạp lớn.

Biển trời xanh giáp ngàn muôn lý: Khi đó, biển trời đồng một màu xanh biếc, nhìn xa không bờ mé, chỉ có con thuyền đơn độc lướt trên sóng gió.

Sóng đen nổi dậy lắm muôn trùng: Đột nhiên, sóng nước biến thành màu đen, cuồn cuộn nổi dậy, cao năm sáu thước. Theo bình thường thì từ Thiên Tân đến Thượng Hải, đi thuyền mất khoảng một tuần. Tuy nhiên, lúc đó thuyền Ngài đi mất cả hai tuần mới đến Thượng Hải.

Pháp hàng yêu tà, thuyền chưa mất: Lúc trước, vì cứu đệ tử Quả Tá, nên loài yêu quái ở biển cả rất oán ghét Ngài. Xưa kia tại làng Đông Tỉnh, yêu quái ở biển muốn nhận chìm Ngài và cả dân làng nhưng không được. Có ai ngờ rằng chúng trở lại báo thù! Ngài ói mửa liên tục, nhưng vẫn âm thầm cầu nguyện Bồ Tát Quán Thế Âm cứu giúp:

- Bạch Bồ Tát! Nếu con có làm gì lợi ích cho chúng sanh trên thế gian thì xin Ngài hãy cứu mạng. Nếu sống mà không ích lợi cho ai hết thì con cam chịu tất cả nghiệp chướng.

Kỳ lạ thay, vừa nguyện xong thì sóng lặng thuyền an.

Thánh trợ luân phong, ói mửa tan: Bồ Tát Quán Âm thật đại từ đại bi, cứu trợ Ngài và mọi người trên thuyền thoát hiểm.

Vui đến Hổ Hải, trừ đói khát: Khi thuyền đến bến thì lão pháp sư Thể Kính bảo tăng chúng lên bờ mua mì ăn. Ăn no xong, còn dư chút ít họ định đổ xuống sông. Pháp sư Phạn Đầu liền hỏi Ngài có muốn ăn không? Tuy không ăn quá ngọ nhưng Ngài suy nghĩ: Đã mấy ngày trời đói khát không có thức ăn. Hôm nay họ muốn đổ thức ăn thừa xuống sông, chắc sẽ gieo thêm nghiệp}. Suy nghĩ như thế, Ngài ăn hết hai tô mì dư. Thầy kia thấy thế liền báo với lão pháp sư Thể Kính:

- Ông ấy nói là không ăn quá ngọ, nhưng khi thấy không có người, liền ăn vụng.

Lão pháp sư Thể Kính liền mắng chửi, nhưng Ngài nhẫn chịu không lời biện hộ.

Võ Xương Chánh Giác bảo loa vang: Từ Thượng Hải, Ngài đến thành phố Võ Xương tỉnh Hồ Bắc, trú tại chùa Chánh Giác. Ngày đêm mặc một bộ y ca sa trăm mảnh vá. Ngài ngồi dụng công tu hành ngày đêm trên giường thiền, bên cạnh cửa chánh điện. Lúc ấy, Ngài giữ trách nhiệm hương đăng. Trong chánh điện thường có mùi hương lạ. Tất cả việc trong chùa Ngài đều làm cả, như gánh nước, nấu cơm, rửa cầu tiêu, v.v...

Năm 1947, Ngài qua núi Phổ Đà, đạo tràng Bồ Tát Quán Thế Âm, thọ giới cụ túc, rồi đến chùa Linh Nham Sơn ở Tô Châu nghiên cứu, đọc tụng kinh đIển. Mùa thu, Ngài đến núi Không Thanh, tham gia mười tuần thiền thất. Ngài lễ bái hai vị đại lão hòa thượng Minh Quán và Liễu Thừa. Đại lão hòa thượng Minh Quán là vị trụ trì núi Không Thanh. Trong thiền đường, duy nhất chỉ có Ngài và đại lão hòa thượng Minh Quán là ngồi thiền suốt bảy mươi ngày.

Ngài tự thuật: Lại nghe nơi chùa Nam Hoa, tổ đình Tào Khê, có bậc đại thiện tri thức trong thiền tông, tức là đại lão hòa thượng Hư Vân đang làm hóa chủ, nên khởi tâm muốn đến tham bái. Vì nhân duyên trở ngại, núi sông cách ngăn, nên chưa thực hiện được ý nguyện.

Năm 1945, sau khi quân Nhật đầu hàng, giao thông được thuận tiện. Trung tuần tháng tám mùa thu năm 1946, cùng với hai đệ tử Quả Năng và Quả Thuấn, tôi khăn gói lên đường tìm đến chùa Nam Hoa hầu mong thân cận hòa thượng Hư Vân (sau này, kể từ lúc Quả Năng đi tham phương hành cước, tôi không biết đến tin tức nữa. Về sau, Quả Thuấn đốt thân cúng dường chư Phật). Ngày đi đêm nghỉ, hành trình muôn phần gian nan vất vã. Lắm lúc phải đi trong những đêm trăng sáng. Chúng tôi đến chùa Bát Nhã tại Trường Xuân (thời Mãn Châu, được gọi là Tân Kinh). Hai người đệ tử của tôi ở lại, đợi thọ giới cụ túc trong năm kế. Không mang theo vật dụng y phục dư thừa, tôi một mình đi vào nội địa. Khi đến Thiên Tân, tôi trú tại Viện Đại Bi, nghe lão pháp sư Đàm Hư giảng kinh Lăng Nghiêm. Sau đó, tôi cùng pháp sư Thể Kính và các thầy như Thánh Chiếu, Thánh Diệu, Chiếu Định, Nguyễn Dương, Nhuận Huệ, Bổn Trí, Giác Trí, Dung Linh, Linh Quán, Tinh Giới v.v... đi thuyền đến chùa Chánh Giác tại Hồ Bắc. Nhân dịp này tôi viết kệ:

Đồng đi thuyền cùng bốn mươi tăng
Mỗi mỗi tôn quý, tôi nghèo nàn
Áo rách nhất thực, không vật thừa
Tùy người hủy báng, cùng mắng chửi.

Tại chùa đó, tôi nhận những công tác khổ nhọc như quét dọn, nấu nước, làm vườn, giữ cửa, hương đăng v.v... Tuy mệt nhọc nhưng công phu thiền định có phần tương ưng. Năm 1947, vừa thọ giới cụ túc tại núi Phổ Đà xong, tôi đến chùa Linh Nghiêm Sơn tại Tô Châu để nghiên cứu học kinh giáo. Mùa thu, tôi đến núi Không Sơn, lễ bái hòa thượng Minh Quán và Liễu Thừa, cùng tham gia thiền thất qua đông.

Ngài từ Thượng Hải đến Hán Khẩu, rồi qua Quảng Châu. Đối với tất cả người xuất gia, những người lái đò đều không lấy tiền, vì họ nghĩ rằng trên đò nếu có người tu hành thì mọi việc sẽ tốt lành, bình an vô sự.

Khi đò đến Hán Khẩu thì trời hừng sáng. Trên thuyền, thấy có một người chân đi khập khểnh, Ngài bèn hỏi:

- Cớ sao ông đi đứng khó khăn vậy?

Đáp:

- Tôi bị người vu cáo rằng bán than lậu, nên bị đánh và nhận chìm xuống nước, đến nỗi phải bị tật nguyền. Các khớp xương rất đau nhức vào mỗi khi trời trở gió. Nếu không có nạng thì không thể đi.

- Ông muốn bình phục không?

- Đương nhiên là muốn.

- Ông hãy bỏ cây nạng xuống.

- Nếu không có nạng thì làm sao đi đứng?

- Tôi sẽ trợ giúp cho, chứ không gạt ông đâu.

Ông ta nghe theo. Ngài vừa lấy tay thoa chân, vừa tụng chú Đại Bi khoảng mười lăm phút rồi bảo:

- Ông hãy đứng dậy.

Ông ta đứng dậy thật. Ngài bảo tiếp:

- Chạy thử xem.

Ông ta liền chạy vòng quanh Ngài. Trên đò có khoảng bốn năm mươi người. Họ lập tức vây quanh cầu Ngài chữa bịnh. Người thì nói đau tay, nhức xương, v.v... Ngài bảo:

- Quý vị có sợ ăn gậy không?

Nói xong, bên trái Ngài đánh, bên phải duỗi chân. Mọi người đều bảo rằng khi được Ngài đánh, bịnh liền hết. Họ cảm kích vô cùng và cúng dường Ngài khoảng một trăm ngàn đồng.

Ngài tự thuật: Tháng giêng năm 1948, tôi đến Thượng Hải, rồi lại đi thuyền tới chùa Bảo Thông tại Hồ Bắc. Trên thuyền, gặp một người tàn tật, tôi tụng chú Đại Bi gia trì, khiến ông ta đi được. Những người đi cùng thuyền đều khởi tâm cung kính. Trước khi rời thuyền, họ cúng dường cho tôi khoảng bảy mươi ngàn đồng. Vì thế, tôi có thể mua vé xe lửa đi Khúc Giang. Tại trạm xe lửa, tôi gặp thầy Chu Dịch, người Hồ Bắc. Biết thầy cũng muốn đến chùa Nam Hoa để thân cận hòa thượng Hư Vân, tôi hỏi:

- Thầy có tiền mua vé xe lửa không?

Thầy đáp:

- Không.

Do đó, tôi mua cho thầy một vé xe lửa, rồi đồng đến Mã Bá. Khi tới trạm xe lửa, thầy Chu Dịch lại bảo:

- Tôi đói bụng.

Mua xong vé xe lửa, còn dư lại khoảng bảy mươi ngàn đồng, tôi đưa hết cho thầy Chu Dịch. Một lần nữa, tôi không còn đồng xu dính túi.

Năm 1948, Ngài đến chùa Nam Hoa tự Bảo Lâm ở Tào Khê tỉnh Quảng Đông, lễ bái chân thân của Đại Giám thiền sư, tức Lục Tổ Huệ Năng, cùng đại lão hòa thượng Hư Vân. Khi ấy đại lão hòa thượng Hư Vân đã được một trăm lẻ chín tuổi. Bái kiến đàm đạo xong, đại lão hòa thượng Hư Vân biết Ngài là bậc pháp khí nên ủy nhiệm làm giáo thọ Phật Học Viện tại chùa Nam hoa. Ngài nghiêm trì giới luật cẩn mật nên được đại lão hòa thượng Hư Vân thầm tán thán. Ngài cũng được giao phó làm pháp sư Giám học tại học viện giới luật và làm Tôn Chứng A Xà Lê trong những kỳ giới đàn. Ngài cùng đại lão hòa thượng Hư Vân tâm đầu ý hợp. Ngài viết kệ:

Ngài Hư Vân thấy tôi bảo như thị
Tôi thấy ngài Hư Vân chứng như thị
Ngài Hư Vân và tôi đồng như thị
Nguyện độ chúng sanh cũng như thị.

Ngài tự thuật: Đến chùa Nam Hoa, lễ bái hòa thượng Hư Vân. Vừa gặp Ngài, tôi cảm giác như con được gặp mẹ hay đứa cùng tử trở về nhà. Bao năm ngưỡng mộ nay đã mãn nguyện. Lúc mới đến, tôi nhận chức hương đăng tại điện Tổ Sư. Lúc pháp sư Trí Tham đến chùa, tôi cùng Ngài đàm luận, đạo nghĩa rất tương hợp. Kế đến, pháp sư tiến cử tôi, thưa với ngài Hư Vân rằng tôi là bậc nhân tài pháp khí. Nghe như thế, ngài Hư Vân liền gọi tôi vào phòng phương trượng, giao trách nhiệm làm pháp sư Giám Học tại viện giới luật. Ngài Hư Vân bảo ba lần nhưng tôi đều từ chối, thưa:

- Con từ muôn dặm tham phương hành cước đến đây chỉ vì muốn liễu sanh thoát tử, thân cận thiện tri thức. Nếu được ấn chứng rằng con sẽ cắt đứt sanh tử thì dầu Ngài có bảo nhảy vào dầu sôi, đi trên lửa bỏng, hay xả bỏ thân mạng, con chẳng từ nan.

Ngài Hư Vân đáp:

- Tự mình cắt đứt sanh tử, ví như tự ăn thì tự no. Nếu bảo đảm rằng con sẽ liễu sanh tử thì Thầy lừa dối con, nên không thể làm được như thế. Tuy nhiên, điểm trọng yếu của việc tu hành là nội công ngoại quả (trong tâm dụng công, ngoài làm việc phước), phước huệ song tu thì mới mong thành tựu, chớ không thể tự liễu giải lo cho chính mình, đơn độc thành A La Hán. Phải hành hạnh Bồ Tát, đem lại phước lành cho thiên hạ, hộ trì thường trụ (chùa chiền hay ngôi Tam Bảo), làm việc vì đại chúng thì phước huệ mới mong vẹn toàn, và mới có khả năng cắt đứt dòng sanh tử.

Tuy nghe thế, tôi vẫn từ chối nhận chức giám học học viện giới luật. Do đó, hòa thượng Hư Vân bảo tiếp:

- Từ vùng đông bắc, đường xa muôn dặm đến đây để mong thân cận Thầy, nhưng nay lại không nghe lời, vậy con đến đây để làm gì?

Không thể khước từ, tôi đành phải nhậm chức. Ngày thường, quan sát thấy ngôn hạnh động tác của ngài Hư Vân rất bình thường giản dị. Tuy nhiên, khác với người thế tục, ngài Hư Vân luôn dùng thân khổ hạnh tu trì, làm mô phạm cho đời. Mùa xuân, trong một kỳ truyền giới, khi tiếng bản gõ vào buổi sáng sớm được đánh lên, chính tai tôi nghe tiếng hổ rống rất gần, rồi dần dần xa đi. Các pháp lữ bảo:

- Đó là con hổ, đệ tử quy y của ngài Hư Vân. Nó đang trú ẩn tại hang động ngọn núi đằng sau chùa. Mỗi lần có đại giới đàn, nó đều đi ra hộ pháp.

Kỳ đại giới đàn vào mùa xuân kết thúc, ngài Hư Vân âm thầm đơn độc trở về Vân Môn để giám đốc công trình trùng hưng chùa viện. Mùa hè, do sự thỉnh mời của ông cư sĩ Hoàng Chú Tai, tôi đến Nam Thành ở Giang Tây giảng kinh A Di Đà, rồi trở lại chùa Nam Hoa vào trung tuần tháng tám. Trung tuần tháng chín, một bọn cướp phá cửa chùa Nam Hoa xông vào học viện giới luật. Thấy tôi bước ra, chúng chỉa súng thẳng vào ngực tôi, bảo:

- Bắn chết cho xem.

Tôi đáp:

- Sao các ông muốn bắn tôi?

- Vì ông không mở cửa!

- Tôi không mở cửa vì các ông vào đây không phải tặng quà cáp. Giả sử đứng trong vị trí của tôi, chắc chắn các ông không dám mở cửa.

- Đưa tiền đây!

Tôi chỉ vào y ca sa rách rưới của mình, bảo:

- Ăn mặc rách rưới như vầy, vậy có tiền sao?

- Vậy ai có tiền?

- Tôi là Pháp Sư ở đây, còn những vị khác đều là học tăng. Tôi không có đồng xu dính túi, thì chắc chắn họ cũng rất nghèo nàn. Nơi đây là phòng của tôi. Nếu thấy có vật gì vừa ý, hãy tự tiện lấy.

Nghe tôi nói chuyện bình thường với bọn cướp, thầy Hoài Nhất từ phòng trong bước ra, tham gia bàn luận. Bọn cướp liền bỏ lơ tôi, nhưng lại bắt thầy Hoài Nhất. Chúng đối xử thầy Hoài Nhất giống hệt như tôi. Thầy Hoài Nhất run sợ khóc lóc, không dám ngẩng mặt nhìn lên. Bọn cướp bảo:

- Đưa tiền ra đây!

Thầy vừa run vừa đáp:

- Vâng !

Chúng vào phòng thầy Hoài Nhất, lấy sạch hết tất cả đồ đạc. Hôm sau, khi lên lớp thầy Hoài Nhất bảo các học tăng:

- Hơn một trăm tăng chúng tại chùa Nam Hoa đều sợ hãi, chỉ trừ pháp sư Độ Luân là không chút gì sợ sệt.

Tôi nói:

- Thầy Hoài Nhất bảo rằng trong chùa chỉ có một mình tôi là không sợ hãi. Thật không đúng lắm! Theo tôi biết, chùa mình có bốn vị thật vô úy. Thứ nhất là đại sư Lục Tổ Huệ Năng, ngồi như như bất động, rõ rõ thường minh, chẳng màng đến muôn việc. Thứ hai là tổ sư Hám Sơn, chánh thân đoan tọa, mắt nhắm dưỡng thần, nội ngoại cảnh không, nhân ngã đều mất. Thứ ba là tổ sư Đan Điền, ngửa cổ nhìn xung quanh xem xét động tịnh không nói một lời. Thứ tư là sơn tăng Độ Luân, chẳng những nhìn mà còn hiên ngang hăng hái nói chuyện với bọn cướp không chút dao động.

Vừa nói xong, tăng chúng trong lớp đều cười to. Chẳng bao lâu, ngài Hư Vân cấp tốc từ núi Vân Môn trở về chùa Nam Hoa vân tập tăng chúng mở cuộc hội họp. Trong buổi họp đó, ngài Hư Vân làm chủ tọa với sự có mặt của tôi, thầy Hoài Nhất cùng hơn ba mươi học tăng như thầy Tổ Ấn, Vân Diệu, Ngộ Vân, Tuyên Dương, Hằng Định, Đề Huy, Đề Quảng, Pháp Lượng, Hải Long, Pháp Huệ, Vạn Tâm, Chỉ Không, Pháp Minh, Pháp Khai. Từ lúc chùa bị cướp bóc, toàn thể tăng chúng đều náo động, cùng muốn bỏ đi nơi khác. Tuy được ngài Hư Vân giữ lại, nhưng thầy Hoài Nhất một mặt cự tuyệt, một mặt Thầy cố giữ các đồng học ở lại, khiến họ đều không nghe theo. Nhìn thấy việc này, ngài Hư Vân buồn rầu rơi lệ bảo:

- Suốt tận đời vị lai, tôi mãi mãi sẽ không lập Phật học viện nữa!

Nói xong, ngài Hư Vân đứng dậy, đi thẳng vào phòng phương trượng. Thấy như thế, tôi rất cảm động, thệ nguyện nhận nhiệm vụ duy trì Phật Học Viện. Từ lúc thầy Hoài Nhất bỏ đi Quảng Tây, học viện giới luật tại chùa Nam Hoa chỉ còn mình tôi đảm trách. Mồng một tháng giêng năm 1949, tôi viết thư từ chức giám học học viện giới luật, rồi trú tại tàng kinh các để tụng đọc Đại Tạng Kinh. Trong kỳ giới đàn, tôi được thỉnh làm tôn chứng A Xà Lê.

Tháng chín năm 1948, do lời thỉnh mời của cư sĩ Lâm Chú Tai, Ngài đến huyện Nam Thành tỉnh Giang Tây, giảng kinh A Di Đà. Khi đó, thính chúng tuy chỉ có khoảng một trăm người, nhưng vì họ thành tâm muốn nghe pháp, nên trong pháp hội giảng kinh đó, có nhiều sự cảm ứng không thể nghĩ bàn như sau.

Cư sĩ Vạn Quả Lạc đã từng bị ma ám trong nhiều năm. Ông thường thỉnh chư Tăng, đạo sĩ giảng kinh thuyết pháp. Ông cũng lạy Đại Bi Sám Pháp, Lương Hoàng Bảo Sám, làm lễ phóng sanh, Du Già Diệm Khẩu, thí thực cô hồn, v.v... Tất cả công đức Phật sự ông đều làm, nhưng chưa có hiệu quả. Kỳ lạ thay, khi đến nghe Ngài giảng kinh A Di Đà thì ma cảnh hiện trong giấc ngủ tự tan mất.

Cư sĩ họ Đồ bịnh liệt nửa người cố đến nghe Ngài giảng kinh A Di Đà nên bịnh dần dần thuyên giảm.

Hai sự kiện này được lưu truyền rất rộng rãi trong thời bấy giờ. Chúng ta thấy rằng không những niệm Phật, tham thiền, bái sám mà cũng cần phải nghe kinh thuyết pháp thì mới tiêu trừ được ma chướng.

Năm 1949, đại lão hòa thượng Hư Vân trở về Đại Giám Thiền Tự ở núi Vân Môn, tỉnh Quảng Đông, trông coi công trình sửa chữa chùa. Ngài đến núi Vân Môn bái biệt đại lão hòa thượng Hư Vân. Đại lão hòa thượng Hư Vân dùng lời ân cần khẩn thiết, cố giữ Ngài lại. Tuy nhiên, vì nghĩ rằng trên thế giới, rất nhiều người ngay cả chữ Phật Đàcũng chưa từng biết đến, nên Ngài phát nguyện hoằng dương Phật pháp khắp hoàn cầu. Do đó, Ngài qua Hồng Kông hoằng pháp, nơi đạo Thiên Chúa và Cơ Đốc đang phát triển mạnh.

Mùa đông năm 1948, bà A Nan Đà, gia đình vốn theo đạo Thiên Chúa, vì quyết tâm nghiên cứu tu học Phật pháp và ngưỡng mộ đức hạnh của đại lão hòa thượng Hư Vân, nên bà từ MỸ qua Trung Quốc, đến chùa Nam Hoa hành hương tham bái.

(Phụ chú, trong quyển Đường Mây Trên Đất Hoa có ghi rõ về cuộc đối thoại giữa Ngài và bà A Nan Đà, như sau:

...Trong năm, có bà người MỸ tên là Ananda Jenning, mến mộ thiền đức của ngài Hư Vân, từ ngàn dặm xa xôi, đáp máy bay qua Hoa Lục để cầu chỉ dạy. Được bộ ngoại giao Hoa-MỸ báo tin, ngài Hư Vân chấp thuận. Đầu tiên, ở Hồng Kông, Bà lược thuật lý do muốn gặp ngài Hư Vân là vì thích nghiên cứu Phật pháp. Cha bà vốn là bác sĩ người Thiên Chúa giáo. Bà đã từng nghiên cứu về Thần giáo hơn hai mươi năm, nhưng không hiểu rõ cho lắm, nên mới đi khắp nơi học hỏi nghĩa lý Phật pháp. Sau đó bà qua Ấn Độ tu hành, nhập thất bốn năm, được chút sở đắc, nhưng vẫn còn chỗ nghi, nên nay không quản muôn dặm đường, tìm thầy học đạo. Sau đó, bà được đưa về chùa Nam Hoa, thọ giới quy y, pháp danh là Khoan Hoằng. Ngài Hư Vân khai mở thiền thất. Bốn chúng đến chiêm lễ, tham gia rất đông. Ngày đầu khai mở thiền thất, ngài Hư Vân thượng đường khai thị:

- Bàn về việc này, gốc vốn viên thành. Nơi thánh không tăng, nơi phàm không giảm. Như Lai bị luân hồi trong sáu đường. Nơi nào cũng nghe đến. Quán Âm lưu chuyển trong mười loài. Loài nào cũng đều như thế. Nếu vậy thì cần cầu chi, tìm ở nơi nào? Tổ Sư nói: Nếu có thị phi thì tự tâm rối rít. Khi thuyền chưa chạy tức đã bị ăn gậy rồi.

Thật đáng thương thay! Của báu trong nhà mà không tự mở ra. Đến chòi tranh tìm tranh, ôm đầu chạy đi tìm đầu, nước để trước mặt mà kêu khát, chỉ vì một niệm vô minh, tâm cuồng không dứt.

Chư vị đại đức! Sao phải khổ công đến đây? Vì chư vị không thích phí tiền cho đôi dép rách, nên tôi cũng không sợ mở miệng xấu ra mà nói!

Ông già Thích Ca đã đến! Tham quán!

Chư vị trưởng lão cũng ban pháp nhủ, khai thị đại chúng. Môn hạ, đệ tử ngài Hư Vân là Độ Luân, pháp danh Tuyên Hóa, đối đáp cùng với bà Ananda Jenning. Thầy Tuyên Hóa hỏi:

- Bà từ phương xa trải qua bao cực khổ, nay đến đây với mục đích gì?

Đáp:

- Vì tôi muốn học Phật pháp.

- Học Phật pháp thì phải biết cách chấm dứt dòng sanh tử luân hồi. Vậy thì theo ý bà đối với sanh tử như thế nào?

- Gốc vốn không sanh tử thì cần gì phải thoát ra.

- Nếu không sanh tử thì cần gì phải học Phật pháp?

- Xưa nay không có Phật. Người học là Phật.

- Phật có đủ ba mươi hai tướng tốt. Khi Ngài đặt ngón chân lên đất, thì dấu ấn phát quang. Vậy bà được gì?

- Được cùng không được, chỉ là lời nói nhảm thôi.

- Diệu giải của bà, lời lời đều hợp cả. Tuy thế, nói ăn mà bụng vẫn đói. Vậy một câu cứu cánh, bà thử nói xem?

- Cứu cánh vốn không câu. Lời nói, gốc cũng không có. Nếu không dẹp bỏ lời nói tạp, làm sao biết được tánh giác vốn là mẹ của muôn vật!

- Những lời của bà, đều hợp với ý Tổ, nhưng nếu còn biết một chữ, tức là cửa ngỏ của tai họa. Bà đã giải nhập được rồi. Vậy dám hỏi chứ rời ngôn ngữ, tuyệt không câu cú, bản lai diện mục của bà là gì?

- Kinh Kim Cang nói rằng a nậu đa la tam miệu tam bồ đề tức không phải a nậu đa la tam miệu tam bồ đề.

- Tuy là thế, mạng căn không thể cắt đứt bằng tri kiến. Hy vọng bà hãy nhìn rõ vào.

- Tôi ít xem kinh Phật. Sau bốn năm nhập thất, ra ngoài bàn luận cùng người, ai ai cũng nói rằng lời tôi luôn hợp với Phật pháp, nhưng lời tôi không phải dựa vào kinh điển, cũng không dựa vào tri kiến.

- Tuy không từ kinh điển mà được lúc tĩnh tọa ngồi thiền, đó là do trí tuệ tiềm ẩn phát ra. Nó cũng chính là tri kiến vậy.

- Phật pháp trọng thật chứng, không trọng tri kiến. Như thế nghĩa là gì?

- Không câu nệ kinh luận, không chấp trước tánh tướng, đầu đầu là đạo, nơi nơi là chân lý. Chỉ miễn cưỡng nói Như Thị đó thôi!

Sau đó bà theo ngài Hư Vân đến Vân Môn lễ tổ, rồi ở lại khoảng nửa tháng, mới trở về MỸ. Bà nói rằng khi trở về nước sẽ xiển dương Phật pháp. Bà là người MỸ đầu tiên qua Hoa Lục cầu học giáo nghĩa thâm sâu trong Phật pháp. Bà tuy có chỗ chứng đắc, nhưng vì ngôn ngữ không thông, nên khi đến Hồng Kông và chùa Nam Hoa, tham gia thiền thất, được cư sĩ họ Nhan phiên dịch trong các buổi đối thoại. Những bài khai thị của ngài Hư Vân, cũng được cư sĩ họ Nhan phiên dịch, khiến bà có thể lãnh hội nghĩa lý tinh thâm viên thông của Phật pháp. Thật là một thắng duyên hy hữu.)


 


Cập nhật: 25-8-2000

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang