Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Cuộc đời và sự nghiệp của HT. Tuyên Hóa
Thích Hằng Đạt

Chương III
Sang Hồng Kông hoằng pháp

Mùa xuân năm 1949, sau kỳ truyền giới, bà A Nan Đà theo đại lão hòa thượng Hư Vân ra bắc, đến chùa Đại Giám Thiền Tự ở núi Vân Môn, huyện Khổng Nguyên, tỉnh Quảng Đông. Sau khi từ chức Giám Học học viện giới luật tại chùa Nam Hoa, Ngài qua chùa Đại Giám. Từ núi Vân Môn đến chùa Đại Giám khoảng tám dặm. Không kể trời tối sáng hay đường lộ khúc khuỶu cheo leo, Ngài vẫn tiến buớc.

Mùa hè năm 1949, Ngài đến chùa Lục Dong ở Quảng Châu. Vị trụ trì là đại lão hòa thượng Minh Quán, người đã từng cùng Ngài ngồi thiền trong suốt mười tuần thiền thất tại núi Thanh Sơn thuở xưa. Đại lão hòa thượng Minh Quán thỉnh Ngài làm Ban Thủ. Ngài liền chấp thuận, nhưng chỉ muốn lưu lại nơi đó khoảng một tháng, rồi đến rằm trung thu sẽ trở về Vân Môn. Tuy nhiên, chỉ trong hai tuần, đường đi từ Thiều Quan đến núi Vân Môn bị cắt đứt vì tình hình chiến cuộc rối loạn. Thế nên, Ngài muốn qua Hồng Kông. Trong mình không một đồng xu, Ngài đến trạm xe lửa. Khi đó, hai cư sĩ là Tạ Khoan Huy và Trần Khoan Mãn cũng đi Hồng Kông. Lúc gặp Ngài, họ liền mua vé xe lửa cúng dường. Ba ngày sau, Cộng Sản tiến chiếm Quảng Châu. Từ đó, Ngài lưu lại Hồng Kông, nhưng vẫn thường gởi thơ từ vấn an và gởi tiền cúng dường trợ giúp đại lão hòa thượng Hư Vân sửa chữa, kiến lập chùa Chân Như ở núi Vân Cư.

Ngài tự thuật: Truyền giới xong, tôi đi theo ngài Hư Vân đến chùa Đại Giám tại Thiều Quan. Trên đường trở về Vân Môn, ngài Hư Vân cũng bảo tôi hãy đi theo. Tôi nghe lời, nhưng muốn trở về chùa Nam Hoa trước. Đầu tuần tháng năm, tôi đi đến chùa Đại Giác. Đường lên núi cheo leo khúc khuỶu, như những đường lộ tại Tứ Xuyên. Gần đến núi Vân Môn khoảng hai mươi dặm thì trời đã chập tối. Một mình độc hành trên đường sá xa lạ, đi đứng khó khăn. Đột nhiên, một chùm ánh sáng hiện ra trước mặt, cách khoảng một trăm bước. Tôi cứ đi hướng theo chùm ánh sáng đó. Khi đến gần, chùm ánh sáng đó liền biến mất, cũng là lúc tôi đặt chân đến cổng chùa Đại Giác. Trong chùa, đại chúng đã nghỉ ngơi, duy chỉ còn ngài Hư Vân. Tôi vừa bước vào cổng thì ngài Hư Vân bảo:

- Sao đến trể vậy?

Tôi liền thuật lại việc mình được một chùm ánh sánh dẫn đường. Ngài Hư Vân bảo:

- Kỳ lạ thay! Ban ngày, nếu không có người dẫn đường, thì dễ dàng lạc đường, còn nói chi đi trong ban đêm.

Sắp đặt chỗ ở cho tôi xong, ngài Hư Vân bảo:

- Tại chùa Nam Hoa con nhận chức ban thủ. Tại Vân Môn đây con cũng phải nhậm chức ban thủ, tức là lãnh đạo đại chúng lên chánh điện tụng kinh, thọ trai, ngồi thiền.

Ở Vân Môn chẳng bao lâu, vì không quen với khí hậu ẩm thấp nên tôi bị cảm bịnh nặng. Do đó, tôi xin cáo từ ngài Hư Vân để đến Quảng Châu dưỡng bịnh. Ngài Hư Vân không đồng ý bảo:

- Chớ có đi! Nếu đi thì khó mà trở lại!

Tôi thưa:

- Bạch Thầy! Không được! Ý chí của học nhân đã quyết, nên nhất định phải đi.

Ngài Hư Vân nghe thế, buồn rầu rơi lệ, cầm tay tôi, bảo:

- Nếu con đi, chắc sẽ không có ngày hội ngộ!

- Bạch Thầy! Con sẽ trở về đây ngay sau khi lành bịnh. Xin Thầy chớ quá lo lắng!

- Đi lần này, con phải cố gắng tinh tấn vì Phật Thích Ca và lịch đại tổ sư mà kiến lập đạo tràng. Tiền đồ sáng chói vô lượng. Nỗ lực! Nỗ lực! Hãy tu hành chân chánh. Chớ phụ lòng mong mõi của Thầy.

Tôi trân trọng cáo từ ngài Hư Vân, đi Quảng Châu rồi sang Hồng Kông, trú tại chùa Đông Phổ Đà. Tháng bảy, tôi trở lại Quảng Châu, trú tại chùa Lục Dong được hòa thượng Minh Quán mời làm Đường Chủ và phó trụ trì. Tôi đồng ý, nhưng chuẩn bị trở về Vân Môn sau rằm trung thu. Sơ tuần tháng tám, Thiều Quan thất thủ, giao thông đứt đoạn, nên không thể trở lại Vân Môn. Đêm mồng mười tám tháng tám, hai vị cư sĩ Tạ Khoan Huy và Trần Khoan Mãn mua vé xe lửa cho tôi trở lại Hồng Kông. Sau đó, tôi đến Thái Lan để xem xét về tình hình của Phật giáo Nam Tông. Năm 1950, tôi trở lại Hồng Kông, ẩn tu tại động Quán Âm như câm như điếc. Mỗi lần nhớ đến lời dặn dò của ngài Hư Vân, tôi lại hối hận vì không chịu nghe lời giáo huấn của bậc thiện tri thức. Tuy muốn trở vào Lục Địa để thân cận ngài Hư Vân, nhưng không thể được. Đau đớn thay! Chẳng còn lời nào để nói.

Tuy thời cuộc thay đổi, không cho phép trở về Vân Môn thân cận học hỏi, nhưng Ngài thường xuyên viết thư vấn an và tận lực hộ pháp ngài Hư Vân.

Hai ngôi sao Bắc Đẩu của Thiền tông Trung Quốc thời cận đại là đại lão hòa thượng Hư Vân và thiền sư Lai Quả. Ngoài ngài Hư Vân ra, Ngài rất cung kính thiền sư Lai Quả. Sau khi cộng sản chiếm toàn Trung Quốc, Ngài thường viết thơ thỉnh ngài Lai Quả qua Hồng Kông, nhưng Thiền Sư đều từ chối.

Ngài Hư Vân khổ tâm, lo trùng hưng lại các đạo tràng và những ngôi tự viện, cùng bảo hộ tăng đoàn. Thiền sư Lai Quả vì pháp quên mình. Hai vị thiện tri thức, đại đức Thiền tông, phục hưng Phật giáo với tinh thần đại vô úy.

Sau khi qua Hồng Kông một thời gian, Ngài đi Thái Lan để học hỏi những điểm dị đồng giữa Nam tông và Bắc tông. Ngài trú tại chùa Long Liên khoảng hơn bốn tháng, rồi trở lại Hồng Kông. Một vị cư sĩ biết thế nên mời Ngài về động Quán Âm ở Thiên Loan Phù Dong thuộc chùa Đông Phổ Đà, để tu hành.

Phụ chú: Hóa Thân Bồ Tát, Hành Hạnh Đầu Đà.

1950, tại động Quán Âm, núi Phù Dung, Hồng Kông. Khi từ Thái Lan trở về Hồng Kông, trong mình Ngài không có một đồng xu. Một vị cư sĩ giúp Ngài tìm động Quán Âm nhỏ hẹp, âm u, bên cạnh sườn núi. Cúi mình đi vào động, tìm thấy một tảng đá bằng phẳng, Ngài ngồi xếp bằng trên tảng đá đó. Trong động, trừ bộ y ca sa, Ngài không có chi cả.)

Bên trong hang động âm u lạnh lẽo. Phía ngoài lại có những tảng đá lớn, nơi Ngài thường ngồi thiền. Lần nọ, ngồi khoảng một trăm giờ, rồi muốn đứng dậy nhưng hai bắp vế không thể cử động mà Ngài vẫn không sợ, coi thường sống chết xả bỏ thân tâm, lại tiếp tục ngồi suốt thêm hai tuần. Sau khi xả thiền, kỳ lạ thay, hai bắp vế hoạt động trở lại. Lần khác, Ngài định ra ngoài cất am tranh trên những tảng đá lớn để ngồi thiền, nhưng gần đó có một vị thầy sanh tâm đố kỴ nên nói với tăng chúng chùa Đông Phổ Đà:

- Thầy An Từ Ỷ mình có tiền nên cất am trên núi.

(Phụ chú: Ở Hồng Kông

Tư duy tĩnh lự tức thiền na
Ma ha Bát Nhã Bồ Đề nhạ,
Tài bồi quán khái cần tinh tấn
Ngộ vô sanh nhẫn phó Long Hoa

Dịch:

Tư duy tĩnh lự là nghĩa Thiền
Ma ha Bát Nhã mạ Bồ Đề
Vun bồi tưới nước cần tinh tấn
Ngộ nhẫn vô sanh đến Long Hoa.)

Từ đó, chùa cắt đứt phần ăn mỗi ngày của Ngài. Qua hai tuần liên tiếp, Ngài ngồi thiền mãi trong động mà không ăn uống. Làng bên dưới núi Phù Dong có một ông cư sĩ, tuổi khoảng năm mươi người nhỏ bé, chân bị chó cắn đã ba tháng mà vẫn chưa lành, và các bác sĩ đông tây đều bó tay. Đêm nọ, ông nằm mộng ba lần liên tiếp, thấy Ngài đang ngồi thiền trong hang và cũng thấy Bồ Tát Vi Đà bảo:

- Ngày mai, nếu ông mang thức ăn cúng dường vị thầy này thì bịnh của ông liền khỏi ngay.

Sáng hôm sau, ông mua hai mươi ký gạo cùng gom góp bảy mươi đồng mang lên núi. Khi đi ngang qua cửa sau chùa Đông Phổ Đà gần đến động Quan Âm, ông thấy vị thầy nọ, liền hỏi:

- Bạch Thầy! Thầy An Từ có ở đây không ạ?

Thầy kia đáp:

- Tôi là trụ trì ở đây. Ông hãy để những phẩm vật cúng dường lại. Tôi sẽ cúng dường cho các thầy dùm ông.

- Thầy không phải là vị mà tôi thấy trong mộng. Bồ Tát Vi Đà bảo tôi rằng vị đó tên là An Từ, nên tôi chỉ cúng dường vị Thầy đó thôi.

Vị thầy kia quát mắng:

- Sao lại như thế? Ai muốn cúng dường vật gì thì phải giao cho tôi.

Ngồi ngoài hang, Ngài nghe hết những lời tranh luận của họ. Đang dằn co với vị thầy kia, ông nhìn xa xa thấy Ngài ngồi nơi đó, bèn vui mừng nói to:

- A! Vị kia chính là thầy An Từ.

Thấy họ dằng co mãi không thôi, Ngài liền đi đến, bảo ông:

- Cúng dường cho tôi hay vị thầy khác, ông đừng phân biệt. Nay sẵn có vị thầy này, ông nên phân phần cúng dường làm hai.

Cúng dường xong, trở về nhà chân ông được lành ngay. Vị thầy kia rất bất bình. Vừa khi ấy, cư sĩ Trần Thụy Xương thỉnh Ngài ra Hồng Kông, lập đàn Phổ Thiện để giảng kinh. Nhân dịp đó, Ngài rời khỏi động Quán Âm.

Đương thời, ông Du Quả Mãn thường đến động của Ngài để lấy nước suối, vì dòng nước đó giống như nước cam lồ của Bồ Tát Quán Âm. Khi trở lại lần cuối, ông thất vọng vì không thấy Ngài và nước suối trong động cũng ngưng chảy.

Ông Trần Thụy Xương chủ công ty Đại Xương Sơ Đầu ở Hồng Kông có cô cháu ngoại là Trần Kiến Khai, mồ côi cha mẹ từ tấm bé. Ông bà Trần Thụy Xương đem về nuôi nấng dạy dỗ cho đến lớn. Khi Trần Kiến Khai đến tuổi lập gia đình, ông bà Trần Thụy Xương lo lắng tìm nơi môn đăng hộ đối để gả. Cuối cùng, họ gả cô ta cho gia đình họ Phiên ở thành phố Cửu Long. Kết hôn chẳng bao lâu, Trần Kiến Khai lại phải khóc tang chồng. Do thương tâm thái quá nên cô ta khủng hoảng tinh thần và thường nói những lời nhãm nhí, cùng làm những cử chỉ điên cuồng. Thấy cháu mình như thế, bà Trần Thụy Xương đau như cắt ruột. Hai ông bà Trần Thụy Xương hoài nghi rằng bịnh tâm thần của cháu họ là do tà ma nhập vào tạo tác. Thế nên, họ thỉnh rất nhiều vị thầy đến tụng kinh trì chú cho cô cháu, hy vọng đuổi được tà ma, tiêu trừ oan khiên đời quá khứ. Tuy nhiên, trải qua năm sáu ngày tụng kinh trì chú mà vẫn không hiệu quả. Trong các vị thầy đó, có người biết rõ về Ngài, nên bảo với ông bà Trần Thụy Xương là nếu muốn cứu cháu họ thì chỉ có một mình pháp sư Độ Luân làm được thôi. Lúc ấy, Ngài đang trú tại động Quán Âm, Thuyên Loan. Ngày nọ, biết được Ngài vừa đến Tánh Viên để làm Phật sự, ông bà Trần Thụy Xương liền mau mắn đến cầu kiến. Nghĩ rằng loài ma này, một mình không đủ lực nhiếp phục nên Ngài từ chối. Bà Trần Thụy Xương không bỏ cuộc, cố khẩn cầu Ngài gia trì cho đứa cháu. Thấy tâm họ chí thành, Ngài nhận lời đến nhà cứu cô cháu. Khi Ngài vừa bước vào thì cô cháu chạy đến, quỳ xuống đất cầu xin tha tội. Ngài trách mắng ma kia rằng không thể nhập vào thân người mà tác quái. Ma kia chấp nhận bỏ đi. Từ đó, sức khỏe của cô Trần Kiến Khai ngày một mạnh khỏe, dung mạo đoan chánh. Ông bà Trần Thụy Xương thấy thế, biết rằng chỉ những vị tu hành chân chánh mới có oai đức hàng phục tà ma. Vì vậy, toàn gia đình đều thọ giới quy y với Ngài.

Năm 1951, Ngài từ Thái Lan trở về Hồng Kông. Vì được chư nhân sĩ, tín đồ Phật giáo sùng tín kính bái, nên trở về Hồng Kông không bao lâu, Ngài lại được thỉnh mời đến đàn Thông Thiện giảng kinh Địa Tạng suốt hơn bốn mươi ngày. Mỗi ngày tín chúng đến nghe kinh không dưới một trăm người. Thượng tuần tháng chạp, sau khi giảng xong kinh Địa Tạng có nhiều vị cư sĩ đề nghị tìm một khoảnh đất để cúng dường cho Ngài xây dựng một tịnh xá. Nhân duyên đó mau chóng thành tựu. Chẳng bao lâu, họ tìm được một khoảnh đất hoang trên vùng núi cao thuộc làng Mã Sơn, sông Tây Loan. Tuy là vùng núi cao đường sá xa xôi, nhưng mỗi tấc đất là mỗi tấc vàng. Tìm được mảnh đất này là không phải chuyện dễ. Lại có một việc không may là trên núi không có suối nên việc lấy nước khó khăn muôn phần. Cư dân vùng phụ cận phải lấy nước từ mạch suối bên dưới chân núi cạnh đường lộ. Nhiều người lấy nước mà mạch suối chỉ có một nơi và lại rất sâu, nên công việc này rất vất vả. Lấy được nước rồi lại phải gánh lên núi khoảng trăm thềm đá. Tìm được mảnh đất đó xong, vấn đề lấy nước cũng là một việc ưu phiền. Lúc bắt đầu đề khởi công trình xây cất Tịnh Xá, các cư sĩ thưa trình với Ngài tìm cách lấy nước. Đến cuối năm, xây xong Tịnh Xá. Ngài đặt tên là Tây Lạc Viênthờ phụng Tây Phương Tam Thánh. Qua năm sau, mồng tám tháng giêng chùa Tây Lạc Viên cử hành đại lễ Phật Đản.

Sắp đặt công việc trong chùa an ổn xong, Ngài ra sau chùa nơi những tảng đá to tìm được một nhánh tre nhỏ mọc trên một phiến đá bể. Nơi đó, vào mỗi ngày, Ngài chân thành khẩn thiết tụng chú Đại Bi và cầu nguyện chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ ban cho một mạch nước suối. Chẳng bao lâu, nhánh tre đó mọc dài ra, rồi đất bắt đầu ẩm ướt; một mạch nước âm ỉ vụt chảy ra. Mùi vị của mạch nước này rất ngon ngọt

(Phụ chú: Chùa Tây Lạc Viên, Hồng Kông.

Vì vùng phụ cận của chùa không có nước, dân chúng rất khổ sở vì thiếu nước. Sau khi dời vào chùa Tây Lạc Viên, Ngài tìm thấy một lằn nứt trên một tảng đá cạnh chùa. Nơi đó, Ngài quỳ xuống cầu nguyện chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ, ban cho một mạch nước cam lồ. Bên tảng đá đó, vào mỗi ngày, Ngài đều trì tụng chú Đại Bi. Chẳng bao lâu, một mạch nước chảy ra từ tảng đá đó.

Từng giọt, từng giọt, nước suối cam lồ chảy ra, đọng thành một hồ nước. Từ đó, nhờ hồng ân chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ, Ngài giải quyết được việc thiếu nước tại chùa.)

chẳng khác nước cam lồ khiến mọi người đều ngạc nhiên. Sau đó, Ngài nhờ người xây hồ nơi mạch nước. Từ đó, vấn đề thiếu nước nghiêm trọng được giải quyết. Cư dân vùng phụ cận vốn không tin Phật pháp, nhưng khi chứng kiến sự việc này, đều tôn kính Tam Bảo.

Ngày mười chín tháng sáu, năm 1954, vào dịp lễ Quán Âm Bồ Tát thành đạo, Ngài cử hành pháp hội trong bảy ngày tại chùa Tây Lạc Viên. Vài trăm người đến dự pháp hội. Lúc đó, mùa hè trời nóng nực, chánh phủ Hồng Kông ra lịnh tiết kiệm nước dùng. Mỗi ngày chỉ được mở nước công cộng ba giờ. Dân chúng Hồng Kông đều than van vì thiếu nước, nhưng ao nước tại chùa Tây Lạc Viên vẫn nhất như bình thường. Nước vọt chảy ra không dứt, cung cấp đầy đủ

(Phụ chú: Chùa Tây Lạc Viên, Hồng Kông.

Sau khi tin mạch nước cam lồ thần kỳ lan truyền ra ngoài, dân chúng trong vùng rất kinh ngạc, sửng sốt. Sao lại có việc nước suối chảy ra từ một tảng đá khô cằn?

Trong năm kiến lập chùa, Ngài trồng đủ loại cây trái xung quanh chùa như tre trúc, đu đủ, v.v... Khi ấy, một trận bão thổi đến Hồng Kông, bứt hết gốc rễ của những cây trái mà Ngài mới trồng. Vì vậy, Ngài nguyện: Ngày nào còn ở Hồng Kông, tôi không cho phép một trận bão nào phát sanh nữa. Từ đó, hơn mười năm Ngài ở Hồng Kông, không trận bão nào thổi đến. Lần nào cũng vậy, tuy có tin bão sắp thổi đến Hồng Kông, nhưng trong khoảnh khắc, những luồng bão tố đều tan mất hoặc chuyển hướng về những vùng khác.)

cho vài trăm người dùng. Thật là một việc không thể nghĩ bàn.

Ngài tự thuật: Mùa đông, tôi kiến lập chùa Tây Lạc Viên. Do lời thỉnh cầu của các cư sĩ La Quả Minh, Trần Quả Phát, Đường Quả Thiện, Mạch Quả Liên, Viên Quả Lâm, v.v... tôi giảng kinh Địa Tạng tại đàn Thông Thiện. Mùa thu năm kế, tôi giảng kinh Kim Cang cũng tại đàn Thông Thiện. Kế đến, tôi giảng kinh A Di Đà tại chùa Bảo Giác. Sau đó, tôi giảng kinh Lăng Nghiêm tại chùa Tây Lạc Viên trong mười bốn

(Phụ chú:

Niệm A Di Đà Phật Tam bối Cửu Phẩm Tùng Thử Đăng
Tu Ba La Mật Pháp Lục Độ Vạn Hạnh Tự Tư Viên

Tạm dịch:

Niệm Phật A Di Đà ba bối chín phẩm thăng từ đây
Tu Ba La Mật pháp lục độ vạn hạnh tự viên tròn.)

tháng. Kế tiếp, tôi giảng kinh Địa Tạng tại chùa Tịnh Uyển. Tôi lại kiến lập Từ Hưng Thiền Tự.

Khoảng hai năm sau khi kiến lập chùa Tây Lạc Viên, đa số cư sĩ đến chùa đều là Phật tử sơ cơ. Mùa hè, chùa Tây Lạc Viên tổ chức Quán Âm thất. Sáng sớm lễ Phật, ai ai cũng thấy có một miếng gỗ giống như thanh kiếm. Vài người hiếu kỳ hỏi Ngài:

- Bạch Thầy! Đó có phải là cây kiếm gỗ không?

Ngài đáp:

- Đó là cây hương bản mà trong chùa thường dùng để đánh những ai không giữ quy luật, hay những người háo ăn làm biếng.

Ai nấy cũng đều sợ ăn gậy. Thất Quán Âm chấm dứt mau chóng mà cây hương bản vẫn nằm yên chỗ cũ. Đến ngày thứ bảy, khi làm lễ hồi hướng, mọi người thấy Ngài cầm cây hương bản ngang tầm trán rồi bước đi ra ngôi vườn. Kinh ngạc nhìn theo, họ thấy có một vị thầy tuổi trung niên vừa lên núi, đang quỳ xuống dập đầu sám hối trước mặt Ngài. Được biết rằng vị Thầy này tên là Vô Tấn. Khi ở núi Linh Nghiêm vùng Tô Châu, vì có thần thông trị bịnh cho kẻ khác, Thầy tự xưng là A La Hán sống, nên được nhiều người tôn kính cúng dường. Ngài đã từng cảnh cáo Thầy:

- Nếu định lực không kiên cố mà đi trị bịnh cho người, thọ sự cúng dường thì nhất định đọa lạc. Song, vào lúc ấy tôi sẽ đến giúp, nhưng chính Thầy phải tự cứu mình.

Chẳng bao lâu, Ngài rời Trung Hoa đại lục đến Hồng Kông. Lần nọ, Ngài chợt gặp Thầy ta, nhưng đã hoàn tục và kết hôn với bà cư sĩ đã từng đi theo hộ pháp. Công phu tu hành khổ cực trong bao năm trường nay hóa thành chim bay và thần thông cũng biến mất. Gặp lại Ngài, Thầy ta hổ thẹn muôn vàn nên lại phát tâm xuất gia. Ngài đưa cho Thầy ta y phục tiền tài và những vật dụng cần thiết. Tuy nhiên, chưa đầy một năm Thầy ta lại hoàn tục. Vì hoàn cảnh bức bách Thầy lại cầu Ngài cho phép xuất gia lần thứ hai. Ngài cũng giúp đỡ khuyên nhủ, nên vào ngày đó Thầy quyết định đến chùa Tây Lạc Viên sám hối. Sau này, vì không nhận rõ những vết chân sai lầm khi trước, nghe nói Thầy cũng hoàn tục.

Chúng sanh thật điên đảo. Vừa sanh lên trời liền rơi xuống đất. Ai có thể phát tâm Bồ Đề mãi không thối chuyển thì quyết định sẽ sớm thành đạo Bồ Đề, tuyệt không nghi ngờ.

Chùa Tây Lạc Viên được xây cất xong, liền trở thành đạo tràng thường trụ nên tín đồ đua nhau đến chùa lễ Phật ngày một đông đúc. Thể theo nhu cầu tín ngưỡng chùa Tây Lạc Viên thường cử hành pháp hội cùng thiết lập bài vị vãng sanh và truyền giới U Minh.

Lần nọ, trong một dịp truyền giới U Minh, ông Lê Quả Hợp, đệ tử của Ngài, đến chùa đại diện tổ tiên ông bà ghi danh thọ giới. Vì sơ xuất trong nhất thời, nên quên ghi tên mẹ ông. Buổi lễ chấm dứt, ông theo mọi người xuống núi trở về nhà. Trên đường, chân ông chợt đau nhức, muốn tiến bước mà đi không nổi. Thật lạ kỳ, khi ông xoay trở lại, hướng về núi mà đi thì hai chân linh hoạt như thường mà không hề có cảm giác đau nhức. Thử vài lần cũng đều như thế, nên ông chỉ còn cách là quay đầu trở lại chùa Tây Lạc Viên. Vừa thấy Ngài, Lê Quả Hợp liền thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Ngài cười đáp:

- Có phải con quên thay mặt mẹ thọ giới U Minh không?

Lê Quả Hợp nghe xong, liền hiểu rõ sự tình, nên mau mắn ghi tên mẹ ông, cầu thọ giới U Minh. Làm lễ xong, ông xuống núi trở về nhà mà hai chân không còn cảm giác đau nhức.

Mùa hè năm 1952, tại chùa Tây Lạc Viên, Ngài giảng phẩm Phổ Môn. Đến đoạn kết, chợt có một con ngỗng từ bờ giậu ngoài chùa đi vào tự viện rồi nằm yên trước cửa chánh điện ra vẻ như đang nghe kinh. Có người thấy vậy bèn lấy chổi đuổi nó đi. Đuổi một hồi lâu, ngỗng cũng trở lại. Người tiếp tục đuổi mà ngỗng cứ tiếp tục chạy vài lần như thế. Thấy trước chánh điện nháo động nên Ngài hỏi nguyên do. Biết rõ cớ sự, Ngài không cho họ đuổi ngỗng và cũng truyền tam quy y cho nó. Ngài thuyết tam quy y xong, ngỗng đứng dậy đi thẳng vào chánh điện vòng quanh bồ đoàn rồi nằm và cúi đầu xuống đất dạng như lễ Phật. Nghe giảng kinh xong, ngỗng liền rời khỏi chùa. Phật thuyết rằng chúng sanh đều có Phật tánh và sẽ thành Phật.

Ngài từ chùa Nam Hoa tỉnh Quảng Đông đến Hồng Kông chẳng bao lâu, nữ cư sĩ La Quả Minh dẫn ba đứa con đến quy y Tam Bảo. Mùa thu năm 1952, La Quả Minh gặp nghịch cảnh, bao việc đều không như ý, khiến tâm tình buồn bã, rồi sanh trọng bịnh. Bao bác sĩ cố gắng chữa trị nhưng đều vô hiệu quả. Con gái bà là Hoàng Quả Tùng nghe các bác sĩ tuyên bố như thế, nên bàng hoàng đau xót, chỉ biết quỳ trước chánh điện mà cầu Phật và Bồ Tát cứu người mẹ. Trong một sát na, vừa cúi đầu xuống đảnh lễ Phật thì cô ta chợt thấy pháp tướng của Ngài xuất hiện. Chẳng bao lâu, bịnh tình mẹ cô hết hẳn. Dưới đây là câu chuyện chính Hoàng Quả Tùng kể lại:

Mùa thu năm Nhâm Dần, mẹ tôi vì gặp bao chuyện bất như ý nên sanh trọng bịnh, khổ đau muôn phần và khiến gương mặt xanh xao, không cách chi chữa trị. Bao bác sĩ đến chẩn mạch mà bịnh tình cũng không hồi phục. Thời gian sau, các bác sĩ bảo rằng mạng của mẹ tôi chỉ còn trong vài đêm nữa thôi. Người nhà nghe thế đều lo lắng bối rối, và tôi càng thêm bàng hoàng. Chẳng biết làm gì hơn, tôi chỉ việc cúi đầu rơi lệ cầu khẩn Phật và Bồ Tát gia hộ cho người mẹ. Đột nhiên, trước mắt tôi hiện ra một luồng hào quang cùng một vị pháp sư đang ngồi xếp bằng. Nhìn kỸ, vị pháp sư đó chính là thầy bổn sư. Vui mừng vô hạn, tôi lại âm thầm niệm Phật nhiều hơn. Chốc sau, mẹ tôi thoát cơn hôn mê, nhưng sắc diện vẫn chưa hồng hào. Khi ấy, vì cảm giác có điềm lạ nên tôi tìm người cùng nhau đến gặp Ngài. Khi thấy Ngài, tôi vừa khóc nức nở vừa thỉnh cầu cứu người mẹ. Ngài bảo:

- Bịnh của mẹ con, thầy đã biết trước. Con hãy mau trở về nhà, chí tâm niệm Phật. Chư Phật và Bồ Tát nhất định gia hộ cho mẹ con.

Lễ bái xong, tôi liền trở về nhà, y theo lời dạy của thầy. Tối đó, tôi không ngủ, chỉ một lòng niệm Phật, cầu mong chư Phật cứu độ mẹ mình. Sáng hôm sau, bịnh của mẹ tôi giảm bớt hơn phân nửa, tinh thần bình phục rất nhiều. Qua sự việc này, khiến tôi càng thâm tín và hiểu rõ Phật pháp bất tư nghì. Ân đức của thầy, tôi mãi không quên.

Ngày mười bảy tháng mười một năm 1952, Ngài cử hành vía Phật A Di Đà và pháp hội niệm Phật, liên tục suốt bảy ngày, mỗi ngày từ tám giờ sáng đến bảy giờ chiều. Chùa Tây Lạc Viên nằm trên núi cao, nhưng người tham dự pháp hội đông đảo. Đến chiều tối ngày thứ năm trong tuần Phật thất, khi đánh hương bản lần thứ sáu đột nhiên có một con quỶ nhập vào thân Trương Quả Vũ đến quỳ trước mặt Ngài, khẩn cầu thọ tam quy y và năm giới cấm. Ngài chấp nhận lời thỉnh cầu của quỶ. Trương Quả Vũ tỉnh dậy từ trạng thái hôn mê. Người tham gia pháp hội, ai ai cũng cho là kỳ lạ. QuỶ cũng biết cầu giới, sao con người chẳng thích tu hành!

*Cư sĩ Lý Quả Viễn có con gái là Lý Điệp Nghiên; một lần nọ, đang lúc đi bộ cô Lý Điệp Nghiên chợt vấp té. Tuy không có gì xảy ra, nhưng qua vài ngày toàn thân phát nóng, bắp đùi đau đớn kịch liệt. Vợ chồng Lý Quả Viễn biết rằng bịnh này phát sanh là do vấp té khi trước, nên nhờ bác sĩ chuyên trị chân là Lý Tử Phi đến chẩn bịnh. Bác sĩ họ Lý xem xét một hồi, phát hiện bịnh nhức chân của cô bé không phải do bị té mà bắp đùi bị mụt nhọt làm nhức nhối. Trở về nhà, Lý Quả Viễn lại mời thêm một vị bác sĩ nữa đến trị bịnh, nhưng vẫn không hiệu quả. Sau này, do lời giới thiệu vợ Lý Quả Viễn mang con gái tới chùa Tây Lạc Viên cầu cứu, nhưng Ngài nói rõ là không rành về y thuật, nên không biết cách chữa trị. Vợ Lý Quả Viễn không nản lòng, lại mang con gái đến lần thứ hai và Ngài cũng từ chối như trước. Đến lần thứ ba, bà Lý Quả Viễn vừa lên chùa Tây Lạc Viên, bèn quỳ lạy tha thiết khẩn cầu Ngài cứu con bà. Thấy vợ chồng rất đỗi thành tâm nên Ngài chấp thuận và bảo họ rằng phải thường cầu nguyện chư Phật chư Bồ Tát gia hộ. Qua một tuần sau, bịnh của con họ chợt bớt dần. Hai vợ chồng cùng toàn gia đình đều tin tưởng thâm sâu đức hạnh của Ngài và oai lực của chư Phật, chư Bồ Tát. Vì vậy, tất cả họ đều quy y Tam Bảo làm đệ tử Ngài.

Ngài nghiên cứu các tông phái, cùng tham thiền quán thoại đầu. Tuy nhiên, bình thường đối với các đệ tử, Ngài chỉ dạy họ niệm Phật A Di Đà. Pháp môn niệm Phật, không luận là người thông minh hay kẻ ngu đần, đều được tiếp độ. Việc quan trọng là ngày thường phải niệm nhất tâm bất loạn thì chắc chắn sẽ được cảm ứng; lúc lâm chung sẽ được vãng sanh qua cõi Tây Phương Cực Lạc. Đối với người học Phật, đây là con đường tu tắt hữu hiệu nhất.

*Bà Quả Thiện quy y Ngài rất lâu và luôn chân thành tín kính Phật pháp. Ngày nọ, bà đến chùa, vừa khóc lóc lễ lạy vừa nói rằng ông chồng bị bịnh lao phổi đã gần đến thời kỳ cuối cùng. Tất cả bác sĩ đều tuyên bố là không còn cách chữa trị. Nghe thế, Ngài an ủi bà ta đừng quá ưu sầu mà hãy về nhà bảo ông chồng phải niệm Phật A Di Đà. Nếu thọ mạng của ông ta chưa hết thì nhờ nương oai lực của chư Phật bịnh tình sẽ thuyên giảm. Nếu kiếp số đã mãn nhưng chân thành niệm Phật thì khi lâm chung, ông sẽ được vãng sanh. Ngài lại dặn dò kỸ lưỡng:

- Trời cao khó lường. Mạng người vô thường.

Về nhà, nghe bà vợ thuật lại những lời dạy của Ngài, ông chồng liền tin ngay và cầu thỉnh thọ giới quy y. Đêm thứ ba từ ngày thọ giới quy y, ông mộng thấy Ngài đến, đầu đội mũ Địa Tạng Bồ Tát, thân mặc y ca sa màu đỏ, cùng chư Bồ Tát pháp tướng trang nghiêm đoan chánh. Ngài bảo:

- Bịnh của ông sẽ bớt. Chớ có ưu sầu.

Vừa thức giấc, bao tử tiết ra chất mặn không ngừng, khiến khối u trong đó cũng dẹp xuống. (Lúc trước, ngoài bịnh phổi ra, bao tử ông cũng trương lên một khối. Vì sợ bà vợ lo lắng, nên ông không nói rõ bịnh trạng.) Từ đó, ông càng thâm tín Phật Pháp, nên cho dù đi dứng nằm ngồi, tay ông không rời tràng chuỗi, mỗi ngày niệm cả muôn ngàn danh hiệu Phật. Tâm thành tức được cảm ứng. Chưa đầy một tháng, thân thể ông bình phục tráng kiện. Khi đến nhà thương chiếu quang tuyến thì thấy lá phổi hoàn toàn bình phục như xưa.

*Bà Lưu Quả Quyên tai bị điếc nên không thể trò chuyện với người khác mà chỉ thường lần chuỗi niệm Phật. Ngày ngày, bà đều leo lên thềm đá trăm cấp để đến chùa nghe Ngài giảng kinh thuyết pháp. Người điếc nghe kinh, thật quý báu vô cùng.

Mồng hai tháng năm, trước khi Ngài giảng kinh A Di Đà, đại chúng đồng niệm: Nam mô Liên Trì Hải Hội Phật Bồ Tát.

Lúc ấy, bà chợt đứng dậy nói:

- A! Các vị niệm Nam Mô Liên Trì Hải Hội Phật Bồ Tát. Tôi nghe rõ hết.

Từ đó, tai bà nghe được như thường. Do nghe kinh, tuy không cầu mà bà vẫn được cảm ứng. Tai nghe được rồi, bà vẫn dụng công niệm Phật, nhưng ma chướng lại đến. Bà bị chứng bịnh kỳ lạ là cả ngày ăn uống không ngừng. Nếu không ăn thì đại tiểu tiện không được. Bác sĩ đông tây tìm không ra nguyên do. Mồng bảy tháng hai năm 1954, nghe tin Ngài từ núi Đại Hưng trở về chùa

Tây Lạc Viên, Bà bèn đến chùa kể lể:

- Bạch Thầy! Trong bụng con có người nói chuyện.

Ngài hỏi:

- Có người nói chuyện trong bụng, vậy bà mang thai à?

- Bạch Thầy! Con đã ngoài sáu mươi tuổi rồi!

- Vậy trong bụng bà nói những gì?

- Sáng sớm, con lấy bột làm bánh để ăn. Vừa ăn một miếng bánh thì những thằng nhỏ trong bụng lại nói là chúng không muốn ăn gì cả. Con bảo rằng các ngươi không ăn bánh, vậy muốn ăn gì? Ăn đã no bụng mà còn kén chọn này nọ! Khi đó, bao tử không nói gì hết. Đây là những lời con nghe rõ ràng.

- Những đứa bé trong bụng bà biết nói chuyện. Vậy phải giúp chúng đi ra ngoài. Trở về nhà, vào nửa đêm bà hãy lên chánh điện quỳ trước bàn thờ dâng hương cúng Phật.

Bà làm theo lời Ngài dạy khi về đến nhà. Kỳ lạ thay! Trong cơn mơ màng, bà thấy ba đứa nhỏ rất dễ thương từ trong bụng vọt ra, và lại thấy Bồ Tát Vi Đà dùng tay phải tay trái bắt chúng bỏ vào lỗ tai. Lập tức, bà cảm thấy bụng trống không. Bịnh đói ăn không cần thuốc mà tự nhiên hết. Trong ba đứa nhỏ kia, hai đứa là rắn tinh, một đứa là nhái tinh. Tin hay không tùy ý quý vị. Bịnh lạ lùng này do quả báo tiền kiếp của bà vì không tin có bịnh kỳ quái như vầy. Đời nay, vào đêm nọ bà mơ thấy ba đứa bé tai lớn xinh xinh, nên sanh tâm tham ái. Vì vậy, ba con quỶ nhỏ kia mới nhập vào bụng bà được. Thế nên, việc đầu tiên của người tu đạo là phải khử trừ tham ái.

*Mùa xuân, năm Dân Quốc thứ 41, pháp sư Thân Giác tại Cửu Long Toản vùng Thạch Sơn, xây một am thất nhỏ. Vừa ở được một năm, ông chủ đất ép bức, yêu cầu thầy phải phá am thất đó để trả lại mảnh đất. Vừa nhận được thơ của ông chủ đất và không kịp chuẩn bị nên Thầy nghĩ là việc này chắc chắn sẽ bị thua thiệt, khiến tâm tư bối rối, sanh bao khổ não. Đêm nọ, vào lúc mười một giờ, Thầy đang đọc quyển luận Trung Quán, phẩm Quán Tứ Đế, đến đoạn: Chúng nhân duyên sanh pháp. Ta bảo đó là không, cũng là giả danh, cũng là nghĩa trung đạo. Chưa từng có một pháp, không từ nhân duyên sanh. Thế nên, tất cả pháp không phải là không.

Khi đó, Thầy từ từ nhập vào trạng thái hôn trầm, lại nhờ mặc niệm đoạn kinh trên mà tiêu giải được nỗi phiền muộn u uất. Lúc đó, không biết mình đang mơ, Thầy thấy một luồn gió lớn thổi đến, rồi một cơn mưa ào ạt đổ xuống. Nghe gió rồi lại nghe mưa. Trên hư không sét đánh ầm ầm, khiến gần điếc tai. Trong lúc bàng hoàng sợ hãi đó, Thầy ngửng đầu lên thấy một vị phạm tăng, bay từ trên không xuống, toàn thân phóng hào quang màu vàng tím. Lúc ấy, mưa to gió lớn liền ngưng. Thầy Thân Giác nhận ra đó là hiện thân của Bồ Tát, liền quỳ xuống lễ bái. Khi vị phạm tăng đó đến trước mặt, thầy Thân Giác chợt nhận ra đó là vị Tôn Chứng Sư của mình, tức là ngài Độ Luân. Trong mộng, Ngài bảo:

- Con chớ ưu sầu! Tất cả khổ nạn, Thầy sẽ giúp con giải quyết.

Mộng đến đó, Thầy giựt mình thức giấc. Chẳng bao lâu, Thầy tìm được một khu đất, chuẩn bị xây cất một am tranh, nhưng thiếu hụt tài chánh. Đang giảng kinh Địa Tạng tại Chí Liên Tịnh Uyển, nghe việc của thầy Thân Giác, Ngài liền gởi cho một ngàn đồng. Nhờ vậy, thầy xây được am thất nơi núi đá làm chỗ nương thân. Việc này, Ngài chưa từng nói với ai, vì sợ có người sẽ cho là không thật. Ngài dạy thầy Thân Giác rằng từ đó về sau, chớ nên viết thư kể lại việc này.

*Mùa hè năm 1953, sư cô Khoan Huệ pháp chủ Chí Liên Tịnh Uyển tại núi đá Cửu Long Toản và cư sĩ Đẳng Quả Kỳ thỉnh Ngài giảng lại kinh Địa Tạng tại chùa. Quý cư sĩ không quản đi xe cộ tàu đò mệt nhọc, mỗi ngày tới lui Hương Cửu tham gia nghe kinh. Sư cô Khoan Huệ vốn là đệ tử của đại lão hòa thượng Hư Vân. Lúc chưa xuất gia, cô làm thuê giúp người nấu cơm nước. Do công việc nên có khi cô phải giết gà giết vịt. Lần nọ, cô mua một số cua sống về định luộc cho chủ ăn. Vì không cẩn thận, nên bị cua kẹp ngón tay không nhả. Vì đau thấu xương, cô nhẫn tâm cầm dao chặt cua. Thân thể và càng cua phân hai và chân cua bị cắt đoạn. Cuối cùng cua đương nhiên là món ăn chính trên mâm cơm buổi tối. Chẳng bao lâu, ngón tay bị cua kẹp chợt sanh ra một miếng thịt dư. Từ sáng đến tối, ngón tay đau nhức không thể tả. Thuốc men cũng không thể chữa trị được. Sau này, cô theo người đến núi Phù Dong lễ bái sám hối. Qua bảy ngày lễ lạy kinh Thủy Sám, miếng thịt cua chợt biến nhỏ lại; tuy không bằng khi trước nhưng ngón tay vẫn còn đau. Trong đàn giảng kinh Địa Tạng, Ngài nghe cô ta thuật lại đầu đuôi câu chuyện và khẩn thiết cầu xin cứu giúp giải nỗi oan khiên. Do đó, giảng kinh xong, Ngài truyền giới quy y cho cua. Lạ lùng thay, truyền giới xong, miếng thịt cua trên ngón tay của cô bỗng tiêu mất. Ngón tay linh hoạt như xưa không còn đau nhức. Báo ứng nhân quả, thật không sai tơ hào chỉ việc đến sớm hay muộn.

*Bé Hoàng Tuyết Mai cháu gái cư sĩ Cam Quả Ngạn vừa chào đời khoảng một trăm ngày thì trên đầu chợt sanh mụn nhọt làm rụng tóc, máu mũ chảy ra tanh hôi khó chịu. Vì mùa hè nóng nực, bịnh tình càng thêm trầm trọng. Năm đó, gia đình mang bé đi tìm bác sĩ chữa trị khắp nơi, nhưng đông y hay tây y đều bó tay. Khi bé được ba tuổi cha lại qua đời. Bà mẹ mướn người chăm sóc bé. Mỗi tháng, tiền lương bà mẹ đều đổ dồn vào thuốc thang cho bé nhưng bịnh tình vẫn không thuyên giảm. Mỗi lần nhìn thấy con như thế, bà mẹ đấm ngực dậm chân tự than bạc mạng. Đến lúc mười tuổi, mụn nhọt trên đầu vẫn không hết. Duyên lành đến, bé quy y Ngài. Lạ lùng thay! Quy y xong, mụn nhọt bắt đầu kết sẹo, tóc cũng từ từ mọc ra. Bỗng chốc, bịnh mụt nhọt trên đầu hoàn toàn bình phục. Thấy tóc bé mọc đầy đầu, mọi người suy nghĩ không biết nguyên do nào mà được lành bịnh như thế.

*Mồng mười tháng tám năm 1954, cư sĩ Trần Thụy Xương cùng ông bạn họ Kì đến chùa Tây Lạc Viên bái kiến Ngài. Ông Kì vốn là thầy thuốc chuyên trị trật chân. Ngài luôn tùy theo căn duyên mà thuyết pháp giáo hóa. Ngài hỏi ông Kì:

- Xương đầu bị gãy hay căn mạng bị đứt đoạn thì có thể nối lại được không?

Ông Kì đáp:

- Không thể được!

- Tại sao? Xưa kia tay Quan Công bị tên độc bắn, mạng sống trong buổi sớm mai. Hoa Đà giúp ông nạo xương trị liệu khiến sống lại. Vậy có phải mạng sống được nối lại không? Tuy nhiên, phương pháp nối mạng này cũng chưa hay lắm. Nay tôi sẽ chỉ cho ông một cách nối mạng. Phương pháp này là phải minh tâm kiến tánh, chấm dứt sanh tử, thoát khỏi sáu đường luân hồi, phục hồi bản lai diện mục mà mình và chư Phật đồng nhau không khác. Muốn minh tâm kiến tánh phải chân thật tham chứng. Cách thức này giống như gà ấp trứng mèo rình chuột, mãi mãi liên tục không rời tâm tánh. Một khi khai ngộ, liền chứng đắc thật thể sanh mạng. Niệm Phật cùng tham thiền vốn khác nhau. Tham thiền tức phải tham thoại đầu. Tham khán đến tận sơn cùng thủy, thì nhất định hoa trí huệ nở rộ, mây u ám được tiêu trừ. Khi đó, sanh mạng nằm trong tay mình. Đại lão hòa thượng Hư Vân, hiện nay đã một trăm mười tuổi. Ngài là một vị cao tăng am tường phương thức nối mạng.

Nghe thế, ông ta hiểu lý thâm sâu nên vui vẻ muôn phần. Từ đó, ông thường đến chùa Tây Lạc Viên thân cận Ngài.

*Đệ tử Ngài là Trương Quả Trần bị bịnh ung thư. Ngài quán sát nhân duyên khuyên ông nên cúng dường y vải cùng dược phẩm cho tăng ni để kết duyên lành cùng cầu giải trừ nghiệp tội. Nghe dạy như thế, ông quyết định làm theo. Đầu tiên ông thông báo các tự viện, tịnh xá tại Hồng Kông, hãy đếm số tăng ni, để y theo đó mà mua vải cùng thuốc men cúng dường. Tuy nhiên, vì nghe lời gièm pha, Trương Quả Trần giảm bớt số lượng cúng dường. Do đó, Ngài phải lấy đồ cúng dường của tín chúng ở bổn tự, bổ túc vào những phần thiếu. Mồng chín tháng sáu, y vải thuốc men được chuyển đến, phân phát tại chùa Phổ Đà ở Thuyên Loan, Trúc Lâm Thiền Tự, Lộc Dã Uyển v.v... Hôm sau, đồ cúng dường được phân phát đến Nam Thiên Trúc, Đông Lâm Niệm Phật Đường, tịnh xá Hoằng Pháp v.v... Ngày kế, vật cúng dường được chuyển đến Thiền Viện Thanh Sơn Hải, Nguyên Lãng v.v... Vùng Nguyên Lãng, tự viện ít mà tịnh thất lại nhiều. Ngài thông báo họ, hợp lại một nơi để dễ bề phân phát. Vào dịp ấy, tất cả tăng ni toàn Hồng Kông đều nhận được đồ cúng dường. Cách giải quyết sự việc của Ngài có ngăn nắp rõ ràng. Phương thức làm việc hữu hiệu, kết duyên với tăng ni, khiến nhiều người bội phục.

*Tây Lạc Viên vừa được xây xong, cư sĩ họ La thường đến chùa lễ Phật. Con gái bà lấy chồng đã lâu mà chưa có con. Bà thường tác bạch xin Ngài trợ giúp,cùng cầu chư Phật chư Bồ Tát ban cho một đứa cháu ngoại. Ngày nọ, vừa từ ngoài trở về chùa, Ngài đổ nước đầy nửa bồn rồi rửa chân. Lúc ấy, bà bước vào vườn giậu rồi tiến vô chùa. Lễ Phật xong, bà chạy đến, quỳ lạy dưới chân Ngài khóc lóc khẩn cầu:

- Bạch Thầy! Xin Thầy từ bi cho con một đứa cháu ngoại! Gia đình con thật bạc phước, chưa có một bé trai nào nối dõi tông đường. Làm sao con nhìn mặt tổ tiên dòng họ La! Hôm nay, trước mặt Thầy con nhất tâm phát một lời nguyện: Dẫu Ngài dạy lời gì, con sẽ làm theo (vì nghĩ rằng Ngài sợ bà không dám bỏ tiền để tạo tượng Phật, sửa chữa chùa chiền. Những việc này, bà sẵn sàng làm).

Ngài hỏi:

- Người xưa tu đạo, vì xả bỏ tất cả nên tín tâm mới kiên cố. Vậy thì lòng thành của bà có chắc thật không? Khi Thầy bảo gì, bà có dám làm theo chăng?

Bà cúi đầu chấp thuận.

Ngài bảo:

- Thế thì tôi sẽ giúp bà mãn nguyện. Bà có thể uống nước trong bồn rửa chân này không?

Không ngờ Ngài lại bảo như thế nên bà mở mắt to đứng chết trân. Trừ bậc đại trí mới có thể ném phức sáu trần không chấp trước sắc thanh hương vị xúc pháp. Là phàm phu, ai dám uống loại nước đó? Đợi hồi lâu thấy bà không dám uống, Ngài bưng bồn nước lên vừa uống vừa nói:

- Nếu bà uống nước này thì chắc chắn sẽ mãn nguyện, có được một cháu trai, nhưng đã quá trể.

Bà ta khóc lóc thưa:

- Bạch Thầy! Xin cho con một cơ hội nữa.

- Về nhà, bà nên thành tâm khẩn ý niệm Phật thì chư Phật và chư Bồ Tát sẽ gia hộ cho vì có cầu có nguyện, tức có cảm ứng.

Một năm sau, quả nhiên bà vui mừng được một đứa cháu trai.

*Đệ tử của Ngài, Văn Quả Mật, vốn mồ côi cha, là người con thứ chín, và cũng là bé trai duy nhất nối dõi tông đường. Vì phải theo lời bác sĩ nên đến mười ba tuổi bé vẫn ở nhà dưỡng bịnh mà không cùng chúng bạn đồng tuổi cắp sách đến trường học tập, vui chơi đá banh đánh cầu. Ngày nọ, bé biết được bí mật của người chị là cô ta đã quy y Phật. Cô ta có mang về nhà quyển Sự tích của thiền sư Độ Luân.

Bé rất cung kính và thường đòi chị dẫn đi gặp Ngài nhưng lại bị khước từ:

- Đi bộ và leo lên cả trăm bậc thềm đá mới đến chùa Tây Lạc Viên. Chắc bịnh tim của em sẽ tái phát. Chị không thể lo được.

Từ đó, bé âm thầm lễ lạy hình của Ngài trong quyển sách kia. Ba tháng sau, vào ngày nọ, đang lễ bái trong phòng bé thấy pháp sư trong pháp tượng bước ra xoa đầu. Vì vậy, bé quyết tâm nhất định đòi đến chùa Tây Lạc Viên để bái kiến pháp sư Độ Luân. Lạ lùng thay, khi bé lên núi bịnh tim không còn tái phát, hơi thở bình thường. Từ đó, bé thường xuyên lên chùa lễ Phật. Sau này, khi khám sức khỏe, bác sĩ không ngờ là tim bé đập bình thường. Bé rất thông minh sáng suốt. Nghỉ học bao năm, nhưng khi đến trường bé học trội hẳn chúng bạn. Năm mười chín tuổi, em tốt nghiệp trung học. Bên cạnh siêng năng học hành, em cũng dụng công tu đạo ngồi thiền nhập định. Lần nọ, lúc giảng kinh tại Phật Giáo Giảng Đường, Ngài ngồi trên pháp tòa mà không nói một lời nào chỉ có Quả Mật thuyết thôi. Thính chúng kê đầu nói to nhỏ vì tâm không kính phục. Mọi người đều nghĩ: Chúng ta đến nghe Ngài thuyết pháp. Sao thằng con nít này lại bước lên giảng tòa, nói những lời bá đạo xằng bậy.

Giảng kinh xong, Ngài bảo đại chúng:

- Chúng ta dễ dàng chấp vào hình tướng bên ngoài. Vừa thấy không phải pháp sư thuyết pháp thì không luận là người kia giảng kinh sai hay đúng, lập tức sanh tâm phân biệt. Quả Mật giảng cũng như tôi giảng. Em y theo tâm tôi mà thuyết pháp.

Phá trừ tâm phân biệt thật là một việc rất khó.

Hồng Kông là thuộc địa của thực dân Anh. Vì vậy, đa số cư dân đều theo đạo Cơ Đốc, nên đạo tràng Phật giáo vắng lặng ít người. Xem ra chỉ có chùa Phổ Đà ở Thuyên Loan, chùa Bảo Liên ở Ngang Bình, núi Đại Hưng là nơi tín chúng thường đến lễ bái. Lúc ấy, thời cuộc chánh trị rối loạn bất an. Tăng ni lưu lạc từ Trung Hoa Đại Lục qua Hồng Kông rất nhiều nhưng không đủ chỗ trú ngụ. Do đó, đạo nghiệp tăng ni hoang phế, định lực tán thất. Chứng kiến cảnh này, Ngài nhận thấy phải xây cất tự viện Phật giáo, nhưng không thể làm thong thả được. Tuy có tâm nhưng Ngài không đủ lực. Đạo tràng Tây Lạc Viên lại nhỏ hẹp không đủ phòng ốc cho tăng ni các nơi đến trú ngụ. Mùa thu năm 1953, cư sĩ Đổng Quả Kì phát đại nguyện cúng dường Phật đà tòa biệt thự hai tầng, tọa lạc tại núi Đại Hưng, Vạn Trượng Bộc. Những phiến đá bên cạnh ngôi biệt thự chính là di tích của thiền viện Quốc Thanh. Lúc Hồng Kông bị bao vây, quân Nhật đốt phá chùa chiền. Thầy trụ trì bị nạn hỏa hoạn mà tịch. Ngày nay, thiền viện năm xưa chỉ còn một bức tường hư hoại. Bốn bên chánh điện cây cỏ hoang dã mọc um tùm trông thật thê lương. Vì được núi non bao bọc, vùng Vạn Trượng Bộc là nơi chim hót quạ kêu nên rất tĩnh lặng. Đường lên núi lại cheo leo khúc khuỶu nên ít dấu chân người qua lại. Được khu đất thánh và được chánh phủ đồng ý cho xây chùa, Ngài rất vui mừng. Vì vậy, Ngài hợp thiền viện Quốc Thanh và tòa biệt thự lại thành một, tiến hành công trình xây cất. Vì tiền tài sức lực giới hạn, Ngài chỉ bắt đầu sửa chữa tòa biệt thự, tạm thời làm ngôi chánh điện. Sau này, ai ai cũng biết đến, đó là tả viện của chùa Từ Hưng.

Mùa xuân năm 1954, tả viện chùa Từ Hưng và các phòng ốc được xây cất xong. Lúc đó là giao thời giữa mùa xuân và hạ nên mưa rơi không ngừng, khiến mặt đất như được bao trùm bởi một màng lụa trắng xóa. Bắt đầu ngày mười ba tháng ba, đại chúng liên tiếp lạy ba ngàn Đại Bi Bảo Sám. Đêm rằm, làm lễ Tam Đại Sĩ Diệm Khẩu thì trời ngưng mưa. Qua ngày mười sáu, trời trong mây tạnh, Ngài tổ chức lễ vía Tây Phương Tam Thánh. Hôm đó, từ sáng đến trưa trên một ngàn thiện nam tín nữ các nơi toàn Hồng Kông đến tham dự ngày lễ.

Năm 1954, rằm tháng bảy âm lịch vốn là ngày chư Phật hoan hỶ. Nơi núi Đại Hưng, chùa Từ Hưng tổ chức pháp hội Vu Lan trong ba ngày. Tăng ni cùng chư thiện tín tham gia đông đảo. Tỳ kheo Hằng Việt cùng cư sĩ Quả Căn, Quả Toàn v.v... thỉnh cầu Ngài truyền giới U Minh trong ngày cuối của pháp hội. Họ muốn cha mẹ, anh em, bà con, thân bằng quyến thuộc được thọ giới U Minh để thoát ly khổ ải trong đường địa ngục ngạ quỶ súc sanh. Ngài chấp nhận lời thỉnh cầu. Chín giờ tối ngày mười lăm, cử hành truyền giới U Minh nơi khách đường. Sau khi thỉnh chư Thánh, vừa lúc lên tòa ngồi, Ngài chợt nghe tiếng người nhao nháo bốn bên đàn tràng. Ngài biết đó chính là quỶ ma tùy hỶ đến thọ giới. Khi ấy, ai ai cũng đều cầm bài vị trên tay. Thầy Hằng Việt quỳ trước giới đàn, thấy cha mình đột nhiên xuất hiện. Đương thời, hai cô họ Văn chuẩn bị trở về phòng nghỉ ngơi và dự tính bốn giờ sáng hôm sau sẽ xuống núi để đáp chuyến tàu trở về Hồng Kông lúc bảy giờ sáng. Hai cô vừa mới đóng cửa phòng, định lên giường nghỉ ngơi thì nghe tiếng chân người chạy náo loạn bên ngoài hành lang. Mới đầu họ tưởng rằng đó là những người ở tầng lầu trên, nhưng khi mở cửa thì không thấy gì hết. Vừa đóng cửa thì lại nghe tiếng chân người bước đi rầm rầm. Lúc ấy, họ mới biết rằng đó là quỶ ma đến chùa nên sợ dựng tóc gáy. Thầy Hằng Định, đệ tử Ngài, một mình tĩnh tu tại am thất nhỏ cách chánh điện hơn trăm thước. Am thất đó xây ngay cạnh đường lộ. Nếu có người muốn đi đường tắt xuống núi thì nhất định phải đi ngang qua cửa am. Đêm đó, khoảng mười giờ rưỡi, thầy nghe có rất nhiều bước chân người đi xuống núi. Họ vừa đi vừa nói chuyện, lại cười to la lối. Sáng hôm sau, thầy Hằng Định và hai cô cư sĩ thuật lại việc đêm hôm trước cho đại chúng nghe.

Rất nhiều tăng sĩ, vì không đủ định lực, nên khi đến Hồng Kông sống trong cảnh phồn vinh liền biến chất, quên mất mục đích xuất gia là tu đạo chứ không phải tụng kinh để mong kiếm tiền mua nhà tậu cửa. Ngài thường hy vọng tìm được một nơi để cùng chúng tăng dụng công tham thiền tu đạo. Vì vậy, xây xong chùa Từ Hưng mỗi năm đều cử hành mười tuần thiền thất trong mùa đông. Ngài có một đệ tử xuất gia từ miền đông bắc Trung Quốc qua Hồng Kông. Tuy đã xuất gia mà trì giới không nghiêm túc và chẳng chân thật tu hành. Ngài thường khuyên răn Thầy ta. Lần nọ, để biểu thị sự dụng công của mình, Thầy thỉnh cầu Ngài cho phép đả thất Ban Chu. Vui mừng vì có người phát tâm tu hành, Ngài đặc biệt cất một am thất cách chùa khoảng nửa dặm cho Thầy ta tu trong chín mươi ngày. Ban Chu là tiếng Phạn, được dịch là Phật Vị. Vì khi tu pháp tam muội này, ngay trong định sẽ thấy chư Phật hiện ra trước mắt. Tông Thiên Thai gọi tam muội Ban Chu là tam muội Thường Hành tức là thường niệm Phật không gián đoạn. Ngày nọ, đang ngồi tĩnh tọa tại chùa Từ Hưng, Ngài chợt nghe tiếng niệm Phật của Thầy kia rất lớn và âm thanh càng lúc càng gấp rút, khí lực như sắp đứt đoạn. Hiểu rõ sự việc, Ngài lập tức đứng dậy đi đến am thất đó. Ngài thấy thầy kia vừa niệm Phật to tiếng vừa phát cuồng, chạy vòng quanh am thất mỏi mệt gần như đứt hơi. Lúc Ngài bước vào, thầy kia từ từ ngồi xuống đất, nói:

- Phật A Di Đà đã đến rồi!

Ngài quát:

- Phật A Di Đà nào đâu! Đó là con trâu nước.

Phật với ma chỉ khác biệt trong lằn tơ kẻ tóc. Lúc tu đạo, ma hóa hiện bao cảnh giới để phá hoại. Thế nên, muốn tu hành nhất định phải đoạn trừ tâm tham sân si, tức là không màng lợi dưỡng, cũng không cầu được thấy Phật hay Bồ Tát. Bình thường, phải trì giới căn bản, rồi do đó mà sanh định. Có định lực thì tự biết đối phó với cảnh giới động tịnh để không bị chúng chuyển. thầy kia vừa đả thất Ban Chu trong vài ngày thì truy cầu thục mạng, mong muốn Phật A Di Đà đến gia bị. Tu hành như thế là sai trái. May mà gặp được thiện tri thức chỉ chỗ lầm lẫn; nếu không thì làm quyến thuộc ma vương.

Kinh điển của chư Phật dùng để hoằng dương chánh pháp làm công cụ lợi ích chúng sanh. Kinh điển giá trị vô vàn ví như ngọn đuốc sáng trong đêm tối. Nếu thế gian không có kinh điển của chư Phật thì từ sáng đến tối bóng đêm bao trùm khắp nơi. Vì vậy, việc phiên dịch ấn hành kinh điển, khiến ba tạng giáo điển lưu hành trên thế gian là công tác đầu tiên trong việc cứu độ chúng sanh. Thế nên, từng giờ từng phút Ngài chưa từng quên bi nguyện hoằng dương Phật pháp và ấn tống kinh điển. Đầu tiên, Ngài ấn hành phẩm Phổ Môn, kinh Địa Tạng, kinh Kim Cang, kinh Lăng Nghiêm, v.v... để phân phát cho các tự viện khác. Ngài nhờ họa sĩ vẽ lại cuộc đời của đại lão hòa thượng Hư Vân. Ngài cũng tự tay viết những bài kệ tán thán trong quyển Tập ghi chú về cuộc đời của đại lão hòa thượng Hư Vân.

Ngài không quản gian nan, luôn in kinh ấn tống, tô đắp tượng Phật, Bồ Tát, với lòng mong ngôi Tam Bảo mãi được lưu truyền trên thế gian. Chấn hưng Phật giáo là mục đích trọng yếu của cuộc đời Ngài.

*Năm 1956, cư sĩ Du Quả Mãn bị gãy tay đến nhờ bác sĩ đông y chữa trị. Bác sĩ lấy xương rắn làm thuốc nhưng Quả Mãn không chịu, bảo:

- Không thể dùng được, vì tôi đang ăn chay.

Ngồi trong phòng mạch, cạnh cô ta có cư sĩ Diêu Quả Bạch, nghe thế liền hỏi:

- Thầy cô là ai?

- Tôi chưa quy y, nhưng đã từng gặp một vị pháp sư chân thật tu trì tại núi Phù Dong, động Quán Âm. Hiện nay, tìm mãi nhưng tôi vẫn không biết Ngài đang ở đâu.

- Vị pháp sư đó là ai?

- Ngài thường đeo chuỗi hạt trầm hương và trên thân có khắc chữ Vạn.

- A! Đấy là thầy tôi.

Đối đáp qua lại, cô Quả Mãn vui mừng vô hạn. Sau đó, không quản mệt nhọc cô đến chùa Tây Lạc Viên quy y Ngài. Vì muốn trợ giúp Ngài trong việc hoằng dương Phật pháp rộng rãi, họ phát tâm mua căn nhà hai tầng tại vùng Bảo Mã, Hồng Kông. Do đó, Phật giáo Giảng Đường được thành lập vào năm 1956. Thật đúng theo tên của chùa, mỗi khi giảng kinh thuyết pháp Ngài luôn khuyến khích quý cư sĩ luân phiên giảng thuyết. Lão cư sĩ Hồ Quả Vi tuổi ngoài sáu mươi, nghe lời Ngài dạy nên mỗi lần đến chùa, đều bước ra giảng thuyết. Ngài thường bảo:

- - Biết thuyết pháp khác với việc biết nghe pháp. Biết nghe pháp khác với việc biết hành trì.

Mồng chín tháng tư năm 1956, từ núi Vân Cư, đại lão hòa thượng Hư Vân gởi qua Hồng Kông, nguyên lưu tổ phái dòng Quy Ngưỡng của Thiền tông, truyền trao cho Ngài, chính thức làm vị tổ thứ chín dòng Quy Ngưỡng, hầu mong giữ mạch hệ tông phái và ban cho Ngài pháp hiệu Tuyên Hóa, cùng viết bài kệ biểu tín:

Tuyên vi diệu nghĩa chấn gia thinh
Hóa thừa Linh Nhạc pháp đạo long
Độ dĩ tứ lục truyền tâm ấn
Luân thí vô hưu tế khổ luân.

Dịch:

Tuyên vi diệu nghĩa chấn mọi nhà
Hóa thừa Linh Nhạc đạo pháp sanh
Độ bốn sáu đời truyền tâm ấn
Luôn hành không nghỉ cứu khổ luân.

Như thế, Ngài chính thức là vị tổ thứ chín dòng Quy Ngưỡng và cũng là vị tổ thứ bốn mươi lăm của Thiền tông đại thừa.

Năm 1962, Ngài là tăng sĩ người Tàu đầu tiên đến định cư tại tiểu bang California nước MỸ. Ngài tự đảm nhận trọng trách hoằng dương Phật pháp tại Tây Phương, bồi dưỡng giáo dục những kẻ hậu lai, lưu truyền pháp môn tâm địa dòng Quy Ngưỡng, kế thừa di chúc của đại lão hòa thượng Hư Vân. Từ khi qua MỸ, Ngài thường dùng pháp hiệu Tuyên Hóa.

Lần nọ, một pháp sư tóc dài hành hạnh đầu đà đã từng đốt một ngón tay, đến Phật Giáo Giảng Đường tham bái Ngài. Ngài bảo:

- Thưa Pháp Sư! Tôi có một câu đối liễn. Nếu đáp được thì tôi xưng tán thầy là lão tu hành, còn nếu không thì tôi gọi thầy là lão Ma Vương.

Nói xong, Ngài viết câu kệ: Bạch thủy tuyền trung nhất đại thiên (trong dãi nước trắng có một đại thiên.

Lão pháp sư lấy tay xoa đầu mà không lời đối đáp. Ngài liền thuyết thêm một bài kệ để giáo huấn lão pháp sư kia:

Phùng thủ cấu diện lão ma vương
Đáo xứ linh nhân thuyết đoạn trường
Phóng hạ. Vật Phóng hạ?

Dịch:

Gặp lão ma vương mặt nhơ nhuốc
Đến nơi nơi, người người than vãn
Xả bỏ! Sao không cố xả bỏ?

Tại sao Ngài lại vấn nạn vị pháp sư đó như thế? Vì lão pháp sư đó khi đến Hồng Kông tuyên bố rằng lão là thầy của hòa thượng Hư Vân, khiến cho rất nhiều đệ tử của ngài Hư Vân tin theo, hộ pháp và cúng dường lão ta.

Năm 1957, lãnh sự sứ quán Miến Điện là Trần Chấn Phú và phán quan là Du Trấn Đông đến Phật Giáo Giảng Đường, thỉnh Ngài qua Ngưỡng Quan, Miến Điện. Ngài luôn ước mong hợp nhất Đại Thừa và Tiểu Thừa để đoàn kết lực lượng Phật giáo trên thế giới mà không chia rẽ tông phái. Đi Miến Điện, Ngài đến tham quan truờng đại học Phật giáo Tí Cổ, lễ bái tháp Đại Kim ở Ngưỡng Quan, hướng dẫn hơn trăm tín đồ đi nhiễu tháp niệm Phật. Tại chùa Mộng Phật, Ngài cùng chư tăng Miến Điện ngồi thiền tĩnh tọa. Ngài tự làm gương, hiển thị Phật giáo Đại Thừa và Tiểu Thừa đều đồng chung mục đích, đường hướng trong việc tham thiền học Phật.

Năm 1958, ngài Hư Vân tự tay hoàn tất biên thảo, giải thích kệ cú ý văn quyển Tăng Đính Đạo Ảnh Phật Tổ. Đây là một cống hiến giá trị cho Phật giáo; đại lão hòa thượng Hư Vân cũng gởi đến cho Ngài một bản.

Ngài tự thuật: Sau khi liên lạc, ngài Hư Vân gởi đến tôi văn khế Chánh Pháp Nhãn Tạng, tức là Phật Tổ Nguyên Lưu, dùng tâm ấn tâm truyền ngoài giáo lý, Niết Bàn diệu tâm thật tướng vô tướng, pháp chân không bất không, trên thừa ý chư Tổ, dưới hóa độ chúng sanh. Thâm trọng ân cần tiếp nhận pháp nhũ này, tôi luôn luôn ghi khắc trong tâm niệm.

(Phụ lục:

Chánh Pháp Nhãn Tạng, Phật Tổ Nguyên Lưu. Đây là biểu tín truyền thừa tông Quy Ngưỡng. Tháng 5, năm 1956, thiền sư Hư Vân từ Vân Cư, Trung Hoa Lục Địa, gởi chứng thư biểu tín này đến Hồng Kông cho Ngài. Ngoài ra, thiền sư Hư Vân cũng gởi kèm theo một lá thơ, viết:

Tọa Hạ vì pháp tâm thiết, tích Phật Tổ huệ mạng, đương mãn Tọa Hạ chi nguyện, phụ kỳ nguyên lưu tỉ thừa tổ phái, tổ đạo lại trùng hưng, thị sơ chí vọng, chuyên phúc bất tận, tức tụng.

Dịch:

Con có tâm thiết tha vì đạo, muốn tiếp nối huệ mạng của Phật Tổ. Hôm nay, thầy sẽ giúp con mãn nguyện. Bên cạnh lá thơ này, có một chứng thư biểu tín về việc truyền thừa tông phái, nối mạch chư tổ, nay giao cho con. Mạch pháp chư tổ, sẽ lưu truyền mãi. Đó là niềm hy vọng của thầy.

Trong chứng thư biểu tín viết: Quy Ngưỡng chánh tông đời thứ tám, Đức Thanh tự Hư Vân lão nhân, nay đem Chánh Pháp Nhãn Tạng phó chúc cho thiền nhân Tuyên Hóa Độ Luân, đời thứ chín, hãy tự cố gắng hộ trì.

Kệ viết:

Linh Sơn tâm truyền,
Phái thừa Qui Ngưỡng,
Hoằng Dương Ngũ Tông
Dung hội Nam Bắc,
Nhiếp thọ chư giáo

Ngài Hư Vân lại khuyến khích tôi tạo công lập đức. Tôi phát nguyện cúng dường số tiền lớn để đắp tượng Phật cho đại hùng bảo điện của chùa Chân Như. Tôi đi Miến Điện, mua hơn ba trăm hộp vàng lá để đắp lên trên tôn tượng. Ngài Hư Vân rất vui mừng viết thư cảm tạ. Điều này chứng minh ngài Hư Vân rất lo lắng đến những kẻ hậu bối, với đức tánh khiêm nhượng không ai sánh bằng, chẳng hề phụ bạc hậu nhân, xả mình vì ngườI, tinh thần vĩ đại, từ bi vô lượng, đạo đức cao thượng, bình đẳng chất trực, khiến người người thích mến cảm phục.

Ngài Hư Vân gởi thơ bảo tôi trở lại Vân Cư. Trong lúc thiền quán, tôi có cảm giác rằng ngài Hư Vân muốn giao chùa Chân Như cho mình đảm nhận. Tuy nhiên, vì vừa thành lập giảng đường Phật Giáo nên suốt ngày bận rộn trong công việc Phật sự nhưng tôi định rằng sẽ tìm người có khả năng để giao phó công việc rồi trở lại Vân Cư hầu hạ thầy mình. Vì nghịch duyên chướng ngại, tôi không thể thi hành ý định trên. Do đó, mãi đến ngày nay tôi hối hận vô vàn vì không còn dịp để nghe những lời dạy bảo của thầy mình.

Tháng bảy năm 1959, được tin ngài Hư Vân bị bệnh nặng kịch liệt, tâm tôi ngày đêm bất an, cảm giác có điềm chi không tốt. Xem hình ngài Hư Vân chụp vào năm 1958, tôi thấy cặp mắt của thầy mình nhìn thẳng dọc và đôi mi rũ dài tận đằng sau đôi tai. Xem hình này, tôi xúc động lễ bái, tự nhủ: Xưa nay, mỗi lần chụp hình, ngài Hư Vân luôn nhắm mắt. Hôm nay, mắt ngài Hư Vân từ bi nhìn chúng sanh thật rất lạ thường. Trong vòng một năm chắc sẽ có biến cố gì xảy ra.

Vì vậy, tôi thỉnh thập phương chư tăng đảnh lễ Bảo sám Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phậtcùng lạy sám Phổ Phật trong vài mươi ngày. Tôi lại viết thư trên báo, thông cáo các đệ tử của ngài Hư Vân khắp nơi để cùng họ cầu nguyện, hầu mong sẽ được cảm ứng. Tôi lại bảo đại chúng:

- E rằng đây là cơ hội lần cuối mà chúng ta thay mặt hòa thượng Hư Vân lễ Phật, lạy kinh bảo sám Dược Sư Tiêu Tai Diên Thọ.

Tiếng nói tôi ngẹn ngào đau xót lạ lùng, khiến đại chúng khóc thầm nức nở. Sau này, tôi nhận được thơ từ Vân Cư, bảo rằng bịnh tình của ngài Hư Vân được giảm bớt đôi chút. Điều này an ủi chúng tôi phần nào. Tôi liền nhờ thợ vẽ hơn hai trăm bức ảnh về cuộc đời của ngài Hư Vân. Bên cạnh những bức tranh, tôi viết muôn lời ca tụng, tán thán đạo đức một đời tu hành của ngài Hư Vân: Tinh thần đơn độc hành trì khắc khổ, mãi mãi làm khuôn mẫu mô phạm cho đời dẫn đường cho những bậc hiền thánh mai sau. Vạn cổ vị lai, chưa có ai làm bậc mô phạm như ngài Hư Vân.

Bất hạnh thay, không thể tránh khỏi tang thương ly biệt. Ngày mười sáu tháng mười năm 1959, tôi nhận được điện tín từ núi Vân Cư báo: Ngài Hư Vân đã an tường viên tịch tại chùa Chân Như, núi Vân Cư vào lúc 1:45 chiều ngày mười hai tháng mười (tức ngày mười một tháng chín, âm lịch). Ngài Hư Vân để lại di chúc rằng những vị hậu học phải chuyên cần tu giới định huệ, tiêu diệt tham sân si, quên mình vì pháp, hỗ tương ái kính, v.v...

Nghe tin này, tôi cảm giác như trời long đất lở, nhân thế tận diệt, kiếp hỏa cháy hừng hực khắp nơi mà không biết đang mộng hay tỉnh, lời này thật hay hư nên mê muội mất hết tri thức như cây cỏ đá gạch. Dần dần, tri giác hoàn phục, nhưng tâm tôi bi ai thống thiết, thương cho chúng sanh trong cõi Ta Bà không còn nghe lời giáo huấn của một vị đại Bồ Tát Thánh Tăng.! Hôm đó, vào ngày mười bảy tháng mười năm 1959, tôi vân tập chư đàn việt của bổn đường, thương nghị làm lễ truy điệu, quyết định cử hành lễ niệm Phật trong hai mươi mốt ngày, rồi cử hành tụng kinh Đại Bát Nhã trong một trăm hai mươi mốt ngày với niềm hy vọng báo đáp thâm ân của ngài Hư Vân: Suốt đời hoằng pháp lợi sanh.

Ngài vân tập đệ tử xuất gia cùng cư sĩ, thành lập hội truy niệm đại lão hòa thượng Hư Vân nhập Niết Bàn. Ngài cử hành thất Niết Bàn trong một trăm hai mươi ngày và Phật thất trong hai mươi mốt ngày. Các ủy viên hội truy niệm, gởi thơ đánh điện tín thông báo cho các đoàn thể Phật giáo khắp thế giới. Ở Hồng Kông, nhật báo Phát Triển cũng kêu gọi quý cư sĩ đệ tử đại lão hòa thượng Hư Vân tham gia lễ truy niệm và tụng sáu trăm quyển kinh Đại Bát Nhã. Mồng bốn tháng mười âm lịch, Ngài phái hai đệ tử đến núi Vân Cư ngưỡng thỉnh xá lợi đại lão hòa thượng Hư Vân đem về chùa phụng thờ. Ngày mười tám, họ thỉnh được hơn mười viên xá lợi rắn chắc năm màu sáng trong rồi mang trở về Hồng Kông. Xá lợi vốn là linh cốt của các bậc thánh tăng và là tinh khí kết tụ trong thân của các bậc chân tu đạo hạnh. Kinh Kim Quang Minh, phẩm Xả Thân thuyết: Có xá lợi là do sự huân tu giới định huệ, nên chẳng phải dễ dàng mà có.

Vì vậy, chúng ta lễ bái cúng dường xá lợi tức là cúng dường Tam Bảo. Dưới đây là bài kệ tối hậu của đại lão hòa thượng Hư Vân:

Thỉnh các pháp lữ
Chớ nên ưu phiền
Phục nghiệp sanh tử
Như tằm vướng tơ
Tham mê không ngừng
Giam trong ưu hỶ
Muốn trừ hoạn kia
Nỗ lực tu hành
Diệu khế vô danh
Thông suốt đất tâm
Đoạn tâm thương ghét
Thoát hiểm luân hồi
Hành ba tịnh học
Kiên trì bốn niệm
Thệ nguyện viên thành
Huyễn chất sương mai
Chứng ngộ chân không
Muôn pháp nhất thể
Ly hợp bi hoan
Bọt nước tùy duyên.

Hỏa táng thân tôi xong, xin quý vị hãy lấy tro cốt, tán nhuyễn trộn với dầu đường bột v.v... nắn thành chín quả, rồi ném xuống sông bố thí cho loài thủy tộc. Quý vị giúp tôi mãn nguyện, thật đa tạ vô cùng.

Ngài viết: Tôi lại đánh hàng trăm điện tín, thông báo các pháp lữ đồng tham học tại hải ngoại như giảng đường Phật Giáo tại vùng Cựu Kim Sơn, hội Phật giáo ở Honolulu, hội Phật giáo tại Tân Gia Ba, cư sĩ Lý Tuấn Thừa, Tất Tuấn Huy, cư sĩ Chiêm Lệ Ngô tại Gia Nã Đại, cùng chư đệ tử của Ngài tại các quốc gia như Nam Dương, Đài Loan, Miến Điện, Thái Lan, Ấn Độ, Tích Lan, và cư sĩ Vu Chấn Đông chủ tịch hội Phật giáo thế giới. Chư sơn trưởng lão cùng quý cư sĩ các nơi đồng hưởng ứng làm lễ truy điệu ngài Hư Vân. Các tín chúng đệ tử tại Hồng Kông được thông báo trực tiếp bằng điện thoại. Ngày mười tám tháng mười, tin ngài Hư Vân viên tịch được đăng trên nhật báo Hồng Kông. Có ai ngờ rằng, vì việc này mà tôi bị đố kỴ ghen ghét phỉ báng. QuỶ ma tung hoành tán loạn. Chúng không biết việc gì đúng việc gì sai khi nghe tin này. Một số người tự xưng là thiện tri thức cũng hùa theo chúng. Thật đáng thương thay! Đúng như lời người xưa bảo: Việc tốt, khiến sanh nhiều ma.

Nói chung, tôi chỉ để việc này cho ngài Hư Vân phán xét. Khổng Tử viết quyển Xuân Thu khiến loạn thần tặc tử khinh sợ. Quan Tư Mã viết sử nên những can tội đều chết. Tôi hy sinh hết sức lực vì ngài Hư Vân. Nếu có muôn ngàn giáo mác đâm thân, tôi vẫn không khiếp sợ. Vĩnh Gia đại sư nói: Quán lời ác là công đức thì chúng trở thành thiện tri thức. Không nên vì những lời quở trách phỉ báng mà sanh khởi oán thân. Nếu không thì lòng từ bi, sức nhẫn nhục, trí huệ vô sanh làm sao phát khởi.

Hãy để họ tùy tiện phỉ báng. Tôi sẽ nhẫn chịu. Những ai cố ý đốt trời, chỉ tự mệt nhọc. Khi tôi nghe những lời này như nước cam lồ, tiêu dung đốn nhập không thể nghĩ bàn.

Phải biết nhân quả báo ứng không thể nghĩ bàn. Hãy cẩn trọng! Khi đọa vào địa ngục cắt lưỡi chịu khổ đau, dẫu có hối hận nhưng đã muộn.

Mồng bốn tháng mười âm lịch, tôi nhờ cư sĩ Quả Phượng và Quả Tiên đến núi Vân Cư cung thỉnh xá lợi cùng linh cốt của ngài Hư Vân để đem về Hồng Kông cúng dường. Mồng bảy, họ đến núi Vân Cư, tiếp thọ hơn mười hột xá lợi chiếu sáng năm màu sắc lạ kỳ. Ngày mười tám, họ trở về bổn tự tại Hồng Kông. Tôi dẫn đại chúng, dâng hương hoa nghinh tiếp đảnh lễ. Ai ai cũng vui mừng hoan hỶ. Lúc đó, tôi cảm thấy trọng trách nặng nề trên vai đã giải quyết xong.

Hôm sau, bốn cư sĩ Mao Văn Đạt, Lý Trung Du, Quả Phượng, Quả Tiên cùng tôi đến gặp cư sĩ Sầm Học Lữ (người viết quyển biên niên tự thuật của hòa thượng Hư Vân), định bàn việc viết tập sách truy điệu ngài Hư Vân nhập Niết Bàn. Cư sĩ Sầm Học Lữ đề nghị rằng hãy tạm đình chỉ, chờ các nơi tại hải ngoại gởi văn thơ về để ghi vào tập sách đó. Thế nên, hiện giờ quyển tập sách này đã được phát hành khắp nơi. Hy vọng từ đây về sau, Phật giáo tại các quốc gia trên thế giới cùng nhau hòa hợp với tinh thần đoàn kết tôn trọng ái kính.

Năm 1961, bất chấp gian nan khổ cực, Ngài quyết định qua châu Úc hoằng pháp để gieo duyên cho những ai chưa từng biết đến Phật pháp. Ngài đến vùng Tuyết Lê và Mộc Nhi Bổn. Vào thời ấy, người tin hiểu Phật pháp tại châu Úc rất ít, đừng nói chi đến chùa chiền tự viện. Thật vậy, chỉ có một hội Phật giáo châu Úc tại vùng Tiểu Quy Mạc. Ngày lễ Phật đản, họ thỉnh Ngài đến làm chủ lễ thuyết pháp. Một học giả cư sĩ trường đại học Tuyết Lê phiên dịch những lời Ngài thuyết giảng. Sau một năm lưu trú tại đó, Ngài nhận thấy cơ duyên chưa chín muồi nên khó phát triển Phật giáo. Tuy nhiên, với oai nghi cử chỉ nghiêm trang của Ngài, khiến cho người Tàu và dân bản xứ có ấn tượng tốt, kính phục người xuất gia, gieo trồng nhân duyên tu học Phật pháp sau này.


 


Cập nhật: 25-8-2000

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang