- Ðường Tam Tạng
thỉnh kinh
- Võ Ðình Cường
[Phần 1]
-oOo-
I. THỜI NIÊN THIẾU
Ðã mấy hôm rồi, ở chùa Tổ Ðình tại thành Lạc Dương,
đông đô của Tùy Dưỡng Ðế đang có cuộc sát hạch để chọn 27 vị
sư tăng. Sự sát hạch chư tăng để độ điệp đã thành lệ luật của
triều đình từ mấy đời vua trước. Ai có một trình độ học thức khá,
có đạo hạnh, tinh thông kinh điển mới được triều đình cho làm Tăng,
còn không thì phải hoàn tục. Lần này số chư tăng ghi tên tham gia có đến
vài trăm người. Vị chủ khảo của triều đình cử đến là Trịnh Thiện
Quả, một người tinh thông kinh điển, lại biết xem tướng mạo mà đoán
biết tương lai của người. Ðã mấy hôm rồi, mỗi lần nhìn ra sân chùa,
ông lại thấy một cậu bé độ 13, 14 tuổi tướng mạo khôi ngô đang đi
qua đi lại, dáng điệu băn khoăn trông ngóng. Ông bảo lính gọi cậu bé
vào, hỏi:
– Ngươi là con cái nhà ai? Ðến
đây làm gì?
–Thưa tôi họ Trần, tên Vĩ, con
thứ tư của ông Trần Huệ, ở huyện Hầu Thị, châu Lạc Xuyên. Tôi muốn
được độ điệp làm Tăng, đã có đơn xin dự thí, nhưng vì nhỏ tuổi,
không được chấp nhận.
–Phải, ta có thấy đơn của
ngươi. Nhưng ngươi mới 13 tuổi, nhỏ quá, chưa có thể vào dự thi được.
Trịnh Thiện Quả, nghĩ một giây
lát, nhìn ngắm cậu bé, rồi hỏi tiếp:
–Ngươi đã có nghiên cứu kinh điển
nhà Phật chưa?
–Thưa, tôi có người anh thứ hai
là Trần Tiệp làm Hòa thượng ở chùa Tịnh Ðộ, đất Lạc Dương này.
Tôi thường đến đấy để học hỏi kinh điển.
–Ngươi muốn xuất gia để làm
gì?
–Thưa, tôi muốn: xa, nối chí Phật
Như Lai; gần, hoằng dương chánh pháp.
–Thế thì ngươi sẽ được như
ý. Ta đặc cách độ cho người làm Tăng.
Trịnh Thiện Quả đã làm đúng
theo lời mình, vì nhận thấy cái khí phách, trang mạo khác thường và
cách đối đáp trôi chảy của cậu bé. Ðể các vị giám khảo khỏi phản
đối, ông giải thích:
Tùng nghiệp mà học cho thành thì dễ,
chứ phong cốt luyện được thì khó. Người này, nếu làm Tăng thì tất sẽ
thành một bực cao tăng, đại đức trong chốn Thiền môn, không ai sánh kịp.
Trịnh Thiện Quả đã tiên đoán
không sai, cậu bé ấy sau này chính là Pháp sư Huyền Trang, Ðường Tam Tạng,
vị sư Trung Hoa danh tiếng nhất ở thế kỷ thứ bảy Tây lịch, người đã
đi 50.000 dặm đường bộ, trải qua 128 nước lớn nhỏ, 17 năm lưu học
ở Ấn Ðộ, 18 năm trước tác, phiên dịch không gián đoạn ở Trung Hoa, tổng
cộng dịch được 75 bộ kinh, gồm 1.335 quyển. Một nhà sư đã được toàn
thể vua chúa thời bấy giờ kính trọng, được toàn thể dân chúng Ấn Ðộ
và Trung Hoa hoan hô nhiều nhất trong các hội trường đấu lý. Một người
mà khi chết có trên một triệu người đi đưa đám tang, ba mươi ngàn người
làm lều ở bên mộ. Một nhà sư mà bóng dáng luôn luôn thấp thoáng trong
các kinh viện Phật giáo; cuộc đời luôn luôn còn được hàng trí thức
nhắc lại một cách kính cẩn, đầy cảm phục qua tập "Ðại Ðường
Tây Vức Ký", và người bình dân toàn cõi Á Ðông thích thú say mê kể
lại cho nhau nghe qua bộ truyện "Tây Du" hoang đường.
Ngài Huyền Trang sanh năm Khải Hoàng
thứ 16 đời vua Văn Ðế nhà Tùy (596) ở Hầu Thị (nay là huyện Uyển Sư
tỉnh Hà Nam). Dòng họ Ngài, mấy đời lập nghiệp ở đây. Ông thân Ngài
làm quan lệnh đất Giang Lăng, nhưng đến năm Ðại Nghiệp đời vua Tùy Dưỡng
Ðế, triều đình mục nát, thế nước loạn lạc, ông cáo quan xin về
nhà, sống cuộc đời an bần lạc đạo. Ông có bốn người con trai, Huyền
Trang là con út. Người anh thứ hai của Huyền Trang là Trần Tiệp làm Hòa
thượng chùa Tịnh Ðộ, đất Lạc Dương. Khi còn nhỏ, Huyền Trang đã là
một cậu bé thông minh xuất chúng, tướng mạo khôi ngô, tuấn tú. Lên
tám, một hôm ngồi bên cạnh ông thân nghe giảng sách Hiếu kinh, đến đoạn
thầy Tăng Tử rời chiếu đứng dậy, Huyền Trang cũng xóc áo đứng lên.
Ông thân lấy làm lạ hỏi nguyên nhân, Huyền Trang trả lời:
– Thầy Tăng nghe lệnh Thầy dạy,
phải lánh chiếu đứng dậy để tỏ lòng cung kính, nay con nghe lời cha dạy
bảo, dám đâu ngồi yên.
Thỉnh thoảng Ngài lại đến thăm
anh tu ở chùa Tịnh Ðộ, và ở lại nghe giảng kinh điển. Những buổi giảng
này đã làm Ngài say mê và đã ảnh hưởng rất lớn đến đời Ngài sau
này. Dần dần Ngài có xu hướng rõ rệt là bỏ Khổng theo Thích, và
chuyên tâm nghiên cứu giáo lý nhà Phật.
Sau khi được độ điệp, nghĩa là
chánh thức xuất gia rồi, Huyền Trang ở lại chùa Tịnh Ðộ với anh. Mặc
dù còn nhỏ tuổi, Ngài đã có phong độ khác thường, không thích chơi đùa,
nghịch ngợm như những trẻ khác, mà lại chăm chú nghiên cứu kinh điển
đến nỗi quên ăn, bỏ ngủ. Một hôm Ngài đăng đàn giảng kinh Niết-bàn,
và đã làm cho thính giả ngạc nhiên thán phục vì tài hùng biện và sự
hiểu biết uyên thâm của Ngài về Phật pháp.
Nhưng đất Lạc Dương, cũng như hầu
hết Trung Hoa lúc bấy giờ đang buổi loạn lạc. Nhà Tùy sắp mất thiên hạ.
Tùy Dưỡng Ðế thiên đô về Dương Châu sống trong cảnh trụy lạc, mặc
cho các chư hầu xâu xé lẫn nhau. Ít lâu sau, Tùy Dưỡng Ðế bị chư hầu
giết chết. Lý Uẩn thân phụ của Lý Thế Dân, lấy danh nghĩa phò nhà
Tùy, lập Cung Ðế lên ngôi ở Trường An. Cung Ðế cũng bị Vương Thế
Sung giết chết. Nhà Tùy mất nước. Lý Thế Dân, trong bốn năm trời
(618-622) đánh đông, dẹp bắc, bình định được thiên hạ, lập Lý Uẩn
lên ngôi vua tức là Ðường Cao Tổ. Nhà Ðường dựng nghiệp từ đây.
Trong những năm loạn lạc ấy, Lạc Dương, đông đô của nhà Tùy, trở
thành sào huyệt của bọn cướp của giết người. Dân chúng đói khổ,
nhà cửa bị thiêu đốt, xác người chết đầy đường, các quan cai trị
cũng bị hành quyết. Tăng lữ trước kia ở Lạc Dương rất đông, phần
nhiều là bậc danh Tăng được các triều vua Tùy triệu về ở đấy, đều
bị hãm hại hay phải trốn lánh đi nơi khác. Trước cảnh loạn lạc ấy,
Huyền Trang đề nghị với anh:
Ðây tuy là quê cha đất tổ, nhưng
nhà Tùy đã mất, cảnh loạn lạc diễn ra mãi như thế này, há cứ ở chết
chỗ này hay sao? Nay nghe vua Ðường đem quân về đóng đô ở Trường An,
thiên hạ theo về như theo cha mẹ. Vậy chúng ta nên đến đấy là hơn.
Người anh nghe cho là phải. Hai anh
em Huyền Trang về Tràng An vào năm Vũ Ðức thứ nhất đời vua Ðường Cao
Tổ (618) ở tại chùa Trang Nghiêm.
Nhưng nhà Ðường mới dựng nước,
ở Tràng An, người ta chỉ chú trọng đến võ công, xem học thuật Tôn
Ngô là cần thiết, chưa ai nghĩ đến chuyện chấn hưng đạo đức, đem đạo
Khổng, đạo Thích ra làm khuôn vàng thước ngọc cho việc xây dựng xã hội.
Xưa kia, Tràng An cũng là nơi có nhiều vị cao tăng đến quy tụ và được
dân chúng sùng kính. Nhưng khi hai anh em Huyền Trang đến, một số lớn chư
tăng có tiếng tăm, đức rộng, học nhiều đều đã rời Tràng An để vào
Ba Thục (Tứ Xuyên, Thành Ðô) là nơi tương đối được yên tĩnh nhất lúc
bấy giờ.
Huyền Trang, lúc ấy đã 22 tuổi lại
cùng anh rời Tràng An đi qua Túy Ngọ là con đường tắt vào đất Thục,
ở về phía nam đất Tây An.
Anh em Huyền Trang đến Thành Ðô
(thủ đô của Tứ Xuyên) vào ở chùa Không Tuệ, theo học với các vị
danh sư là Phùng Không, Ðạo Cơ, Bảo La trong một thời gian năm năm. Trong
thời gian lưu học ở đây, trong số các tăng lữ đông đảo ở khắp nơi
về quy tụ, anh em Huyền Trang đã tỏ ra là những vị sư uyên thâm xuất
chúng, đức độ hơn người. Nhưng so sánh giữa hai anh em, thì Huyền Trang
có cái mẫn tiệp, lanh lẹ, hoạt bát, khí phách hơn anh. Pháp sư Ðạo Cơ,
một cao tăng thời bấy giờ, đã nói về Huyền Trang như thế này: "Ta
đi qua các giảng đường đã nhiều, mà chưa thấy người trẻ tuổi nào
thần ngộ như người ấy".
*
* *
II. LẬP NGUYỆN LỚN
Con người cầu học, cầu hiểu, luôn băn khoăn đi tìm sự
thật như Huyền Trang, không bao giờ chịu ở yên một chỗ. Ngài thường nói:
"Học phải cốt kinh lịch cho xa, nghĩa phải cốt khai thông cho đến
nguồn gốc. Nếu chỉ trông ngóng ở một nơi thì chẳng bao giờ đạt được
huyền áo". Trong thời gian ở Thành Ðô, Ngài có đi du lịch và tìm học
hỏi ở Xuyên Ðông, Xuyên Tây, nhưng Ngài chưa lấy làm thỏa chí. Năm 27
tuổi, với một ý chí cầu tiến không bao giờ nguôi, Ngài yêu cầu anh cho
đi các xứ tìm kiếm danh sư ích hữu để học hỏi, nhưng anh Ngài nặng
tình huynh đệ không muốn người em yêu quý xa mình, lại vì Thành Ðô là
nơi giàu có và yên tĩnh, nên không cho Ngài ra đi, mặc dù đã nhiều lần
Ngài khẩn nài. Huyền Trang đành phải trái lệnh anh, lén kết bạn với người
lái buôn, giong thuyền xuôi sông Trường Giang qua thác Tam Giáp đi đến Kinh
châu. [Thác Tam Giáp thuộc cõi Huyện Quỳ gồm có ba thác: thác Diêm Dự,
thác Cổ Ðường, thác Vu Sơn, đều là những thác nước hiểm nghèo]
Tại đây, Ngài vào ở chùa Thiên
Hoàng, cùng các Tăng chúng nghiên cứu giảng bàn Phật pháp. Ðược nửa
năm, Ngài lại đi lên tỉnh Hà Nam. Tại huyện Chương Ðức tỉnh này, có
một vị sư đạo đức cao xa, kiến giải rộng lớn, tên là Tuệ Hữu, khắp
nơi đều kính phục quy ngưỡng. Huyền Trang đến xin thọ giáo với Tuệ Hữu,
nghe vị sư này giảng dạy trong tám tháng, không chán. Vị sư này lấy làm
kinh ngạc cho tinh thần cầu học của Huyền Trang, đã vỗ tay tán thán:
"Ngươi thật là hiếm có trong đời vậy!".
Huyền Trang lại qua tỉnh Sơn
Ðông, Hồ Bắc, đi gần khắp các tỉnh phía bắc Trung Quốc, hễ nghe ai
có đức hạnh, học hỏi nhiều, bất luận là tăng hay tục, học thuyết
trong hay ngoài đời, Ngài liền đến thụ giáo.
Nhưng học vấn càng cao xa, thì nghi
vấn lại càng rộng lớn. Nhất là thời bấy giờ, Phật giáo Trung Hoa chia
làm nhiều tông phái, mỗi tông phái đều có một sắc thái riêng biệt,
không biết dựa vào đâu làm căn bản.
Kinh dịch thì rất ít, vụng về,
thêm vào đấy các danh từ chữ Phạn thì mỗi người phiên âm mỗi cách,
ý nghĩa uyên thâm, nói được một điều thì bỏ sót đến ba điều. Nếu
muốn chỉnh đốn kinh điển cho đúng với giáo lý, giải quyết những mối
nghi ngờ, hiểu rõ cùng tột ý nghĩa sâu xa, huyền diệu của đạo thì phải
tìm đến nguồn gốc Phật giáo, nơi phát sinh là Aán Ðộ. Từ đó, Huyền
Trang lập nguyện lớn là làm một cuộc Tây du.
Lúc bấy giờ Tràng An bắt đầu
ổn định, các bậc trí thức, học giả, các hàng cự phách trong các học
phái kéo nhau về hùng cứ ở Tràng An lập đàn giảng dạy. Năm Huyền
Trang 31 tuổi có một vị cao tăng là Ba-pha-mật-đa-na, học trò của Ngài
Giới Hiển ở chùa Na Lan Ðà từ Ấn Ðộ đi đường bể sang Tràng An. Vị
sư này tinh thông kinh điển của Tiểu thừa lẫn Ðại thừa. Ngài Huyền
Trang mừng rỡ đến xin thỉnh giáo vị này, yêu cầu giải quyết cho những
điểm nghi ngờ từ bấy lâu nay. Nhờ cuộc gặp gỡ ấy, Huyền Trang thu thập
được rất nhiều điều bổ ích. Ngài chắc rằng ở Ấn Ðộ còn có rất
nhiều vị đại đức cao tăng có thể giải đáp những điều nghi vấn
trong kinh Phật. Ý nghĩ ấy lại càng nung đúc thêm chí nguyện sang Ấn Ðộ
của Ngài.
Nhưng đường sang Aán Ðộ đâu phải
dễ dàng! Ðường dài vạn dặm, muôn trùng hiểm trở, phải qua sa mạc Qua
Bích (Gobi) là một biển cát mênh mông, ban ngày nóng như lửa, ban đêm lạnh
như tuyết, phải vượt qua Hy-mã-lạp-sơn là dãy núi cao nhất thế giới,
tuyết phủ quanh năm, phải trèo bao nhiêu đèo, lội bao nhiêu suối, vượt
bao nhiêu sông! Ðó là chướng ngại của thiên nhiên. Còn chướng ngại của
người đời cũng không phải là ít: nào tiếp xúc với bao nhiêu sắc tộc
dân khác nhau, ngôn ngữ bất đồng, tập quán sai khác, nào phải đối phó
với bọn cướp núi, cướp sông, bọn đầu trâu mặt ngựa. Thêm vào đấy,
một trở ngại lớn nhất là sự cấm đoán của triều đình. Trong lúc mới
dựng nghiệp đế, nhà Ðường nhất thiết không cho một thường dân nào
ra khỏi nước về phía Tây là nơi có nhiều giống dân chưa được bình
định.
Nhưng chí nguyện của Huyền Trang
đã quyết, thì không một trở lực gì có thể cản ngăn được, dù là trở
lực của thiên nhiên hay của người đời. Nhiều người biết ý định Tây
du của Ngài, hết sức cản ngăn, viện bao nhiêu điều khó khăn trở ngại,
Ngài trả lời:
Xưa đức Pháp Hiển, Trí Nghiêm đều
là kẻ sĩ một đời mà còn hay đi cầu Pháp, để làm lợi cho quần sanh,
lẽ nào lại không ai nối theo được cao tích ấy mà để tuyệt mất thanh
phong đi? Ðã là người đại trượng phu thì phải nên theo đòi cho kịp những
gương sáng ấy.
Ngài thường tự bảo, ở đời nếu
chỉ biết trọng sinh mệnh mà coi khinh sự nghiệp, thì sự nghiệp tất sẽ
không ra gì, mà sinh mệnh rồi cũng sẽ nát với cỏ cây. Một đời không
có chí lớn, cứ quanh đi quẩn lại, lo sợ ngó trước dòm sau, rốt cuộc
cũng thành ra một đời hư sinh vô bổ.
Do những ý nghĩ đúng đắn, vững
chắc như vậy, Ngài lại càng củng cố thêm chí nguyện rộng lớn của
mình.
Một mặt, Ngài kết bạn với những
nhà sư cùng một chí nguyện, dâng biểu lên Ðường Thái Tông xin cho xuất
ngoại để du học, một mặt Ngài chuyên tâm học tập tiếng nói và văn tự
các nước Tây Vức và Ấn Ðộ. Lại biết trước đường đi sẽ muôn
vàn khó khăn hiểm trở, Ngài tập chịu đựng gian khổ, thức khuya, dậy sớm,
bớt ăn, bỏ ngủ, dãi nắng, dầm sương, làm tấc cả mọi thứ khó nhọc
khổ sở để thử xem lòng mình có chịu đựng được không. Tuy đã nhận
thấy sự kiên gan, trì chí của mình vững bền như sắt đá, Ngài vẫn
không quên sự hỗ trợ lớn lao của chư Phật và Bồ-tát. Ðêm đêm Ngài
quỳ trước bàn Phật, ngước lên nhìn tượng đức Như Lai, thành kính
nguyện cầu sự gia hộ cho cuộc Tây du của mình được thành tựu.
Một đêm, vào năm 629, Ngài nằm mộng
thấy núi Tu-di cao chót vót nổi lên giữa bể mênh mông. Ngài nhảy xuống
biển, không ngại ngùng sóng to gió lớn, quyết tâm bơi cho tới chân núi.
Bỗng một tòa sen nổi lên dưới chân Ngài, và đưa Ngài đến chân núi.
Nhưng ngọn núi này quá hiểm trở, khó có thể trèo lên được. Bỗng một
luồng gió lạ nổi dậy, đưa Ngài bay bổng lên tận ngọn núi. Một chân
trời mênh mông hiện ra dưới chân Ngài, bao nhiêu đất nước, xứ sở đều
hiện rõ ra trước mắt, làm Ngài sảng khoái vô cùng. Ngài sực thức dậy
và càng thêm tin tưởng ở sự thành tựu của nguyện vọng mình.
Nhưng đợi mãi, vẫn không thấy giấy
tờ gì của triều đình đặc cách cho xuất ngoại, mấy người bạn của
Ngài đã nản chí thối lui. Ngài cũng không thể đợi thêm được nữa, nhất
quyết phải ra đi. Năm Trinh Quán thứ ba đời Ðường Thái Tôn (629), miền
phụ cận kinh đô Tràng An gặp phải tai nạn mưa đá mất mùa, dân chúng
đói khó, nhà vua mới hạ lệnh cho dân chúng tản mác ra các miền phong
phú mà mưu sống. Ngài thừa cơ hội đó, đi về phía Tây.
Năm ấy Ngài đã 34 tuổi.
*
* *
III. TRỐN RA NGOÀI BIÊN CƯƠNG
Ngài Huyền Trang rời Tràng An với một nhà sư là Hiếu
Ðạt. Vị sư này quê ở Tần Châu, trở về làng sau một thời gian lưu học
tại Tràng An. Huyền Trang đến Tần châu (nay là huyện Thiên Thủ thuộc
Cam Túc) trọ lại một đêm, rồi theo một người bạn khác đến Lan Châu
(nay là huyện Cao Lan thuộc Cam Túc). Ðến đây, Ngài cũng chỉ trọ lại một
đêm. Sáng sớm, nhân có người giữ ngựa của quan cai trị Lương Châu
(này là huyện Vũ Uy, tỉnh Cam Túc) dắt ngựa trở về huyện, Ngài theo người
này đến Lương Châu. Lương Châu là đô thị lớn đất Hà Tây, yếu địa
quốc phòng miền Tây của triều Ðường. Quan đô đốc Lý Ðại Lượng trấn
thủ vùng ấy vâng sắc lệnh nghiêm cấm nhân dân đi về phía Tây. Huyền
Trang ở lại Lương Châu đến một tháng, chưa biết làm thế nào để trốn
ra khỏi cửa thành. Một buổi sáng, thừa cơ lính giữ cửa thành lơ đễnh.
Ngài lẩn ra khỏi thành đi về phía Tây. Không rõ vì ai báo tin, sự trốn
thoát của Huyền Trang bị Lý Ðại lượng biết được; viên quan có cái
tên Ðại Lượng, mà lại không đại lượng chút nào này, lập tức ra lệnh
cho vệ binh đuổi theo để bắt lại. May thay, một pháp sư tên là Tuyệt
Uy, nghe thấy Huyền Trang có chí lớn đi Tây du cầu pháp, rất lấy làm
khâm phục, mật sai hai đệ tử là Tuệ Lâm và Ðạo Chỉnh dẫn đường
cho Ngài đi. Bấy giờ, ba nguời, ban ngày phải lẩn lút, ẩn núp, ban đêm
mới dám đi. Họ ngủ trong cỏ rác, nằm dưới sương lạnh, chịu đựng
bao nhiêu khó nhọc mới lần hồi đi đến được Trường Dịch, ra khỏi cửa
Gia Cốc, đến Qua Châu (huyện Tây An tỉnh Cam Túc bây giờ). Khi nghe tin
Ngài đến, quan Thứ sử Qua Châu là Ðộc Cô Ðạt, một tín đồ Phật giáo,
không làm khó khăn gì đối với Ngài. Ông ta cho Ngài biết con đường đi
về phía Tây khó khăn như thế nào: Từ Qua Châu đi về phía Bắc 50 dặm,
có con sông Qua Lô, phía dưới rộng, lòng sông sâu, nước chảy xiết không
thể qua được; phía trên hẹp, nhưng lại có đồn trấn thủ đóng, gọi
là đồn Ngọc Môn Quan. Muốn đi về phía Tây, tất phải qua đó. Ra khỏi
Ngọc Môn Quan, lại phải đi qua năm tòa phong hỏa đài, mỗi đài cách nhau
vào khoảng 100 dặm, có quân đội canh giữ. Những đài này xây bằng đá,
chỉ phụ cận đồn mới có nước và một ít cây cỏ, ngoài ra là những
bãi cát mênh mông. Qua Phong hỏa đài thứ năm là đến địa phận nước Y
Ngô (hay là huyện Cáp Mật, xứ Tân Cương).
Ngài Huyền Trang không may con ngựa
của mình vừa bị chết, trong hai đồ đệ đi theo thì Ðạo Chỉnh đã trở
về Ðôn Hoàng, còn Tuệ Lâm thì cũng tự nhận thấy không thể đi xa hơn
được nữa. Nay lại nghe quan Thứ sử Qua Châu cho biết con đường đi khó
khăn, trở ngại như thế, Ngài đau xót vô cùng. Thêm vào nỗi đau xót ấy,
tờ truy nã của Ðô đốc Lý Ðại Lượng ở Lương Châu lại đến nơi! Tờ
trát viết: "Nghe có thầy tăng là Huyền Trang muốn sang Tây phương. Vậy
sức cho châu, huyện các nơi phải nghiêm nhặt xét hỏi mà bắt giữ lại".
Người lại thuộc ở Qua Châu là
Lý Xương lén đem tờ truy nã ấy đến hỏi Ngài:
–Thầy có phải là Huyền Trang
không?
Ngài lo ngại bất trắc, chưa trả
lời, thì Lý Xương lại nói tiếp:
–Thầy phải nói thực, nếu mà đúng
là thầy, đệ tử sẽ liệu cho.
Ngài đành phải nhận mình là Huyền
Trang. Lý Xương lấy làm thán phục khen ngợi Ngài rối rít và nói:
–Pháp sư đã có chí nguyện lớn
lao, đi được như thế này thì tôi xin vì Pháp sư bỏ tờ điệp này đi.
Nói xong, Lý Xương xé ngay tờ điệp
trước mặt Ngài và giục:
–Pháp sư liệu mà đi cho sớm.
Nhưng Huyền Trang chưa đi ngay được!
Con ngựa Ngài đã chết, chưa mua lại được, và cũng chưa tìm ra được
người dẫn đường.
Một hôm, Ngài đang đi qua đi lại
trước cửa chùa, lòng bồn chồn lo nghĩ về việc ra đi, thì có một tín
đồ người giống Hồ ( dân bản xứ) đến chùa lễ Phật. Người này họ
Thạch tên Bàn Ðà. Trong lúc trò chuyện Thạch Bàn Ðà tình nguyện thụ giới
làm đệ tử Ngài. Huyền Trang ưng cho. Bàn Ðà mừng rỡ ra về, chốc lát
trở lại đem quà bánh dâng cúng Ngài. Thấy người đệ tử mới thân
hình tráng kiện, cử chỉ cung kính, Huyền Trang ngỏ ý sắp đi cho người
ấy biết, Bàn-đà sốt sắng tình nguyện xin hộ tống Ngài đi. Huyền
Trang quá đỗi mừng rở, sắm áo quần hành trang cho Bàn Ðà và mua hai con
ngựa cùng hẹn ngày lên đường.
Ngày hôm sau, chú tiểu Hồ ấy lại
cùng một ông già người Hồ cưỡi một con ngựa hồng, già và gầy đến.
Bàn Ðà nói:
–Ông già này rất thuộc đường
đi Tây phương, kể ra đã đi lại nước Y Ngô trên ba chục lần. Vậy nên
đệ tử mời lão đến đây để hầu chuyện với thầy.
Ông lão lấy tình thật, khuyên Huyền
Trang đừng đi. Ông nói:
–Ðường sá đi về phía tây rất
hiểm ác, trong bãi sa mạc dài tám trăm dặm ở nước Y Ngô, trên không có
chim bay, dưới không có thú chạy; rủi gặp bảo cát thì không thể còn
tánh mạng. Người ta kết đoàn, kết lũ, còn lo lạc nhau, huống chi nhà Sư
đi có một mình, thì làm sao đi được? Xin tự liệu trước chớ để hoài
mất tánh mạng.
Huyền Trang trả lời:
–Cám ơn ông đã chỉ bảo. Nhưng
chí tôi đã quyết sang Tây phương để cầu Phật Pháp, nếu không đến
được Aán Ðộ, thì nhất định không trở về đây nữa. Túng sử chết
ở giữa đường tôi cũng không ân hận.
Ông già thấy sự kiên quyết của
Huyền Trang, biết không thể lay chuyển được lòng Ngài, nên đề nghị đổi
con ngựa già của mình đang cưỡi cho Ngài:
–Nhà sư đã nhất quyết ra đi, thì
tôi không cản nữa, nhưng hãy lấy con ngựa già này của tôi mà cưỡi.
Tuy nó già, nhưng nó khỏe, giai sức và lanh lẹ. Nó đi qua lại nước Ý
Ngô này hơn mười lần rồi nên nó thuộc đường lắm. Còn ngựa của
nhà sư không kinh nghiệm, sợ không đi được.
Huyền Trang nghe theo, đổi ngựa của
mình cho ông lão. Ông già mừng rỡ kính chào từ biệt.
Chiều ấy hai thầy trò sửa soạn
hành lý, đến tối thì ra đi. Ðến canh ba Huyền Trang và Bàn Ðà đi đến
bờ sông Qua Lô. Trông xa đã thấy Ngọc Môn Quan. Ở thượng lưu, cách
phía trên cửa quan độ mười dặm, hai bờ sông hẹp lại chỉ còn độ một
trượng, trên bờ có mấy cây ngô đồng thẳng vút. Hai thầy trò đến đấy,
chặt cây làm cầu, trải cỏ rác lên trên để dắt ngựa qua. Người ngựa
qua sông được bình yên. Huyền Trang khoan khoái mở yên ngựa và trải đệm
ra nằm nghĩ. Tiểu Hồ nằm cách Ngài độ năm chục bước. Hừng sáng, nó
rút dao đi nhè nhẹ đến phía Huyền Trang. Còn cách độ mười bước nó dừng
lại, rồi quay trở lui, nằm xuống ngủ lại.
Huyền Trang nhận thấy, nhưng làm
ra vẻ thản nhiên không hay biết gì cả. Ðến sáng, Ngài thức nó dậy, bảo
đi lấy nước súc miệng, rửa mặt để sửa soạn lên đường. Nó làm một
cách miễn cưỡng. Lúc gần ra đi, nó nói:
–Ðệ tử thấy đường đi còn xa
mà hiểm nghèo lắm; lại không có nước cỏ gì cả. Nếu muốn có nước
và cỏ thì phải đến gần các vọng canh lấy trộm. Nhưng nếu lính gác vọng
canh mà biết được thì tánh mạng thầy trò chúng ta cũng không còn. Chi bằng
trở về là yên ổn hơn cả.
Huyền Trang nhất định không nghe.
Bàn Ðà nói:
–Nếu thế thì đệ tử không đi
theo được vì việc nhà còn bận nhiều, mà phép vua đệ tử cũng không
dám xúc phạm.
Huyền Trang thuận cho nó trở về
Qua Châu một mình, nhưng nó trù trừ không chịu trở lui. Hồi lâu nó nói:
–Sư phụ đi, nếu bị người ta bắt
được mà cung xưng thật họ tên tôi ra, thì vợ con và cả nhà tôi ra thế
nào?
Huyền Trang chỉ lên trời mà thề
rằng:
–Nếu chẳng may ta bị bắt, người
ta băm vằm ta ra làm muôn mảnh, ta cũng nhất thiết không nói rõ họ tên
người ra, người hãy yên tâm.
Ðược lời cam kết ấy, Bàn-đà mới
yên tâm vỗ ngựa quay về.
*
* *
IV. QUA NĂM PHONG HỎA ÐÀI VÀ SA MẠC
QUA-BÍCH (GOBI)
Từ đây, một mình một ngựa, Ngài Huyền Trang bắt đầu
đi vào sa mạc mênh mông: một bể cát rộng lớn, không biết đâu là bờ
bến, sóng cát nhấp nhô, lỗi lõm, không có lối đi, chỉ lần theo những
đống xương khô cùng phân ngựa, lạc đà mà tiến bước. Ngựa đi từng
bước chậm chạp khó khăn trong gió cát. Từng hồi, Ngài thấy hiện ra trước
mắt mình hàng trăm ngàn binh mã ở phía chân trời, khi thì tiến lên, khi
thì dừng lại. Những binh lính ấy ăn mặc theo rợ Qua Bích; lạc đà và
ngựa trang bị lộng lẫy, giáo mác sáng lòa. Trong chốc lát binh đội ấy
biến đâu mất cả, rồi những hình tướng quái dị khác lại hiện lên,
nhưng khi đến gần lại không thấy đâu nữa! Ngài Huyền Trang tưởng mình
đang bị đạo quân của Ma vương khuấy rối. Nhưng không, đây chỉ là những
ảo ảnh của sa mạc, do hơi nóng gây ra. Trước những cảnh tượng ấy,
Ngài không chút sợ hãi, tự bảo: "Chết ta chẳng sợ, còn sợ cái
gì?"
Ði được tám chục dặm, Ngài
trông thấy từ xa tòa phong hỏa đài thứ nhất hiện ra. Sợ đi giữa ban
ngày lộ tông tích, Ngài ẩn núp ven một cái khe cát, đợi tối mới tiếp
tục đi.
Khi hoàng hôn xuống, Ngài dò lần
đến bên phong hỏa đài, thấy có một ao nước trong. Ngài xuống ngựa,
cúi lấy cái túi bằng da định múc nước, thì một mũi tên bay qua đầu,
và tiếp theo một mũi tên khác gần trúng đầu gối. Nhận thấy hành tung
mình đã bị bại lộ, Ngài kêu to:
–Xin đừng bắn tôi! Xin đừng bắn
tôi! Tôi là nhà sư ở Tràng An đến đây.
Nói xong Ngài dắt ngựa đến bên cửa
thành. Bọn lính mở cửa thành và dẫn Ngài vào hội kiến với quan Hiệu
úy là Vương Tường.
Vương Tường cũng là một Phật tử.
Sau khi xét hỏi xong, biết được chí nguyện cao cả của Ngài, viên quan
này rất lấy làm khâm phục. Nhưng nhận thấy đường đi khó khăn, Vương
Tường có ý mời Ngài về trụ trì tại một ngôi chùa ở Ðôn Hoàng, là
quê hương của mình. Ngài trả lời:
–Từ nhỏ, bần tăng đã dốc
lòng theo đạo Phật. Trong hai kinh đô Lạc Dương và Trường An những cao
tăng, đại đức không nề hà khó nhọc để khai thị cho bần tăng nghiên
tầm giáo pháp. Bần tăng đã khổ công tu học đến nay, thật không dám dối
gì Hiệu úy, bần tăng cũng là một danh tăng của Trung Hoa. Nay để trau dồi
thêm trí đức, có lý nào bần tăng lại đến Ðôn Hoàng để chôn lấp cuộc
đời ở một ngôi chùa nhỏ hay sao?
Sau khi đã viện lý lẽ vững chắc
ấy, Huyền Trang lại tấn công viên Hiệu úy về mặt tình cảm và gợi
lên mối ưu tư của một Phật tử đối với tiền đồ của Phật giáo nước
nhà:
–Từ lâu, bần tăng đã xót xa cho
sự thiếu sót về kinh điển và sự phiên dịch kém khuyết của kinh sách
Phật giáo nước nhà. Bần tăng đã nguyện hy sinh thân mạng, không quản
ngại gian nguy để sang Ấn Ðộ thỉnh kinh mà đức Bổn Sư đã để lại.
Ðáng lẽ ngài phải khuyến khích bần tăng mới phải, có lý nào ngài
khuyên bần tăng trở lại nước nhà?
"Ngài bảo là ngài cũng chia sẻ
với bần tăng lòng từ bi đối với chúng sinh đang lặn hụp trong bể sinh
tử luân hồi và sẵn sàng giúp bần tăng để tìm phương thuốc giải thoát
cho nhân loại, thì sao ngài còn buộc bần tăng phải ở lại hay trở lui về
Tràng An? Nếu ngài nhất quyết không cho đi, thì bần tăng xin nhận hết hình
phạt, chứ nhất quyết không lùi một bước nào về phía đông".
Hiệu úy Vương Tường vừa đuối
lý, vừa cảm động trước ý chí sắt đá ấy, giữ ngài lại một đêm.
Ðến sáng hôm sau, Vương Tường biếu Ngài nước uống, lương khô và
thân hành tiễn Ngài ra ngoài 10 dặm. Trước khi từ giã, Vương Tường còn
căn dặn:
–Pháp sư cứ theo đường tắt này
mà đi thì sẽ đến tòa phong hỏa đài thứ tư. Quan Hiệu úy giữ đài là
Vương Bá Lung, là người nhà tôi, tâm địa lương thiện. Pháp sư đến đó,
nói là tôi đưa đến, chắc Bá Lung sẽ giúp đỡ cho pháp sư.
Hai người rơi lệ từ giã nhau. Ðến
chiều, Huyền Trang đến được phong hỏa đài thứ tư. Sợ người giữ đồn
làm khó cầm giữ lôi thôi, Ngài định lén lấy trộm nước rồi trốn
đi. Trong khi đang lấy nước, một mũi tên ở đâu bay ngang đầu, Ngài đành
phải kêu lên như lần trước, lính canh dẫn Ngài đến yết kiến quan Hiệu
úy là Vương Bá Lung. Sau khi nghe Ngài kể sự tự, Vương Bá Lung biếu Ngài
một túi da đựng đầy nước, lương khô, cỏ cho ngựa, và dặn Ngài:
–Quan Hiệu úy đồn thứ năm tánh
khí hung bạo, khó lường được sự bất trắc, vậy Pháp sư nên tránh đồn
thứ năm, đi đường khác, thẳng đến suối Dã Mã. Từ suối Dã Mã lại
đi về phía Tây là đến Mạc Hạ Duyên Tích. Ðường này dài 800 dặm,
tên là Sa Hà (Sông Cát, tức là sa mạc Qua Bích – hay là Gobi ngày nay). Ðường
này rất nguy hiểm, không một giọt nước, một ngọn cỏ, cát nóng như lửa,
Pháp sư phải nên muôn ngàn lần cẩn thận.
Ngài Huyền Trang từ biệt Vương Bá
Lung, đi vào trong biển cát, nhắm suối Dã Mã và Mạc Hạ Duyên Tích mà
đi. Trừ Ngài và con ngựa, sự sống chết lịm ở nơi đây: không một
bóng chim, một vết thú, một ngọn cỏ, một giọt nước! Bão cát rơi xuống
như mưa giông, đánh vào mình Ngài và ngựa nghe rào rào. Từng đám mây
cát bay lại, mờ mờ mịt mịt, che lấp cả chân trời. Ngài đi suốt ngày
gần được một trăm dặm, nhưng không tìm được suối Dã Mã. Thì ra
Ngài đã lạc đường! Ngài mệt nhừ, xuống ngựa, lấy túi nước ra uống.
Nhưng túi nước của Vương Bá Lung mới tặng to nặng quá, mà Ngài thì đuối
sức sau một ngày xông pha trong bão cát, nên tuột tay, đánh đổ túi nước
xuống cát! Thật là một tai họa lớn lao nhất của người đi qua sa mạc.
Mỗi giọt nước là một giọt máu. Ngài thấy tất cả sinh lực, cuộc đời,
bao nhiêu hy vọng đều bị cái khát khao của sa mạc hút mất trong nháy mắt
theo với túi nước! Ngài buồn rầu, lên ngựa quay lui, định bụng trở về
tòa phong hỏa đài thứ tư để lấy nước. Ngài theo phương Ðông đi được
10 dặm, bỗng hồi tâm nghĩ lại:
"Ta đã phát nguyện nếu không
đến được Tây Trúc thì không lui về đông một bước nào. Nay sao ta lại
quay lui? Thà đi sang phương Tây mà chết, còn hơn là quay về hướng Ðông
mà sống".
Lập tức Ngài quay ngựa nhắm về
phương Tây thẳng tiến. Trời đã tối hẳn. Bốn bề mù mịt; những đốm
lửa ma trơi lập lòe đây đó. Gió bão vẫn chưa ngừng. Trận mưa cát vẫn
tiếp tục xối xuống. Nhưng Huyền Trang lòng vẫn vững vàng như bàn thạch,
không chút sợ hãi, nao núng. Ngài vừa đi vừa đọc kinh Bát Nhã. Ngài đi
suốt bốn đêm năm ngày, một giọt nước cũng không có ở trong cổ họng.
Ban đầu chỉ thấy môi lưỡi khô khan, sau cảm thấy toàn thân nóng rát,
thở ra hít vào đều đau đớn khó chịu. Mồm khô ruột cháy, đến mắt
cũng khô ráo, không mở ra được. Con ngựa cũng cứng đờ, không bước nổi.
Người và ngựa nằm vật ra trên một phiến đá. Nhưng mặc dù đã kiệt
lực. Ngài không ngớt niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ-tát. Ngài khấn:
"Lạy đức Quán Âm! Trong chuyến
đi này, con không vì giàu sang chức tước. Con chỉ đi cầu Pháp, độ sanh.
Ngài hãy thương xót con, như đã thương xót bao nhiêu quần sanh chìm đắm
trong biển khổ, rủ lòng từ bi cứu vớt con ra khỏi bước cùng này".
Ngài cầu nguyện như thế cho đến
nửa đêm thứ năm. Bỗng một trận gió mát tê người thổi đến, như một
thùng nước lạnh dội lên toàn thân, Ngài dần dần hồi phục, mắt mở
ra được, con ngựa cũng đứng lên được. Thấy dễ chịu trong mình, Ngài
nằm thiu thiu ngủ. Ðược một chốc, bỗng Ngài mộng thấy một người
cao lớn dị thường, tay nắm cờ, tay nắm giáo đứng trước mặt Ngài, nạt
lớn:
–Tại sao không mau mau tinh tấn
lên đường mà còn nằm ngủ nữa!.
Ngài vùng đứng dậy, hối hả lên
đường. Con ngựa gắng gượng đi được năm sáu dặm đường, bỗng nó
quay sang lối khác, chạy hăng lên, Ngài không làm sao cản lại được. Biết
chắc con ngựa đã nhận ra đường cũ, Ngài cứ để cho nó đưa đi. Một
chốc, Ngài nhận thấy một khoảnh đất có cỏ xanh biếc. Giữa đám cỏ
ấy có một giòng suối ngọt, trong vắt. Ngài mừng quá, vội nhảy ùm từ
trên mình ngựa xuống khe nước, người và ngựa uống no nê, chê chán rồi
nằm trên cỏ ngủ suốt một ngày. Hôm sau, Ngài lại tiếp tục đi. Sau hai
ngày nữa, Ngài mới ra khỏi sa mạc Mạc Hạ Duyên Tích (Qua Bích) và đến
địa giới nước Y Ngô.
Tính ra Ngài đã đi qua tám trăm dặm
trên sa mạc Qua Bích (Gobi).
Vào nước Y Ngô, Ngài Huyền Trang
đến trọ ở một ngôi chùa cổ. Trong chùa có ba vị sư Trung Hoa. Vị già
nhất, nghe tin Ngài đến, không kịp đắp y, chạy chân không ra đón Ngài,
nghẹn ngào nói giọng đầy nước mắt:
–Nào ngờ ở chốn này mà còn gặp
được người cố hương".
Huyền Trang cũng không cầm được
lệ.
Mục lục
| 1 | 2 | 3 | 4 | 5