- Ðường Tam Tạng
thỉnh kinh
- Võ Ðình Cường
[Phần 2]
-oOo-
V. MỐI TÌNH HUYNH
ÐỆ NGÀN NĂM CÒN THẮM THIẾT
Ngài Huyền Trang ở nước Y Ngô được hơn mười ngày,
một hôm, được tin sứ thần vua nước Cao Xương đến yêu cầu quốc vương
Y Ngô mời Ngài sang nước ấy.
Nước Cao Xương, tức là thành Nhã
Nhi, phụ cận Tây Nhã Hồ, thuộc xứ Tân Cương ngày nay. Cao Xương dựng
nước vào khoảng giữa đời Nguyên Ngụy, tuy ở xa về phía Tây, nhưng
cũng là giòng Hán, và theo Phật giáo. Vua nước ấy là Khúc Văn Thái, một
tín đồ nhiệt thành của đạo Phật.
Ngài Huyền Trang, trước kia định
từ nước Y Ngô theo rừng phía bắc Thiên Sơn đến thẳng Aán Ðộ. Nhưng
nay có lời khẩn khoản mời của vua nước Cao Xương nên buộc lòng phải
rẽ sang nước ấy. Ngài theo sứ thần đi về hướng Tây Nam, lặn lội
sáu ngày trong vùng sỏi đá, đến tối ngày thứ sáu mới đến địa giới
Cao Xương, vào thành Bạch Lực (nay là đất thành Hòa Thiên). Vua cùng các
quan thị vệ đèn đuốc trước sau, tự ra khỏi cung, long trọng đón rước
Ngài vào hậu cung, mời Ngài ngồi trong bảo trướng tầng lầu trong. Quốc
vương nói:
–Sư phụ một mình một bóng, lặn
lội qua sa mạc, là sự rất lạ lùng. Ðệ tử, xưa có cùng đấng tiên Vương
sang chơi bên Ðại Quốc, theo vua Tùy đi du lịch đông tây hai kinh, và các
nơi đất Yên, Ðại, Phần, Tấn, có gặp nhiều vị danh tăng, mà đệ tử
không hâm mộ vị nào cả. Chỉ từ khi nghe đại danh Pháp sư, vui mừng quên
cả ăn ngủ. Ðệ tử tính hành trình biết rằng hôm nay Pháp sư có thể
đến được, cho nên cả vợ con chưa dám đi ngủ, chỉ ngồi xem sách để
đợi Pháp sư đến nghe kinh.
Một lúc sau, Vương phi và cung nữ
trên mấy chục người đến bái chào. Khúc Văn Thái ngồi chuyện vãn với
Ngài cho đến gần sáng. Ngài mệt nhừ, gần sáng mới đi nằm được một
lát. Sáng hôm sau, trong lúc Ngài Huyền Trang đang nằm trên giường chưa dậy
được, Khúc Văn Thái đã đến tận bảo trướng hỏi thăm sức khỏe và
nói:
–Ðệ tử kính mếân sư phụ, giận
không được trọn đời cung phụng, mong rằng sư phụ đừng nghĩ gì đến
việc Tây du nữa, hoan hỉ ở lại đây để cho dân nước đệ tử đều
được chịu sự giáo hóa của sư phụ.
–Tâu Ðại vương, bần tăng ra đi
chuyến này không phải để nhận lãnh phú quý vinh hoa. Bần tăng đã bao năm
khổ tâm, vì tại nước nhà, lý nghĩa Phật pháp đang còn hoang mang, kinh
điển còn nhiều thiếu sót, nên mới phát nguyện Tây du để nghiên tầm
kinh điển, không quản ngại đường sá gian lao có thể tổn hại đến tánh
mạng. Bần tăng mong rằng rồi đây mưa pháp sẽ nhuần thấm không phải
chỉ ở Ấn Ðộ, mà cả toàn cõi Trung Quốc bao la. Vì thế, xin Ðại vương
đừng bắt bần tăng phải bỏ dở cuộc hành trình. Bần tăng rất lấy làm
cảm kích về sự tiếp đãi ân cần của Ðại vương, nhưng không thể nghĩ
chuyện ở lại đây được. Xin Ðại vương hiểu thấu cho.
Nhưng vua Cao Xương vẫn không từ bỏ
ý định, nói một cách cương quyết:
–Ðệ tử một lòng quy kỉnh sư
phụ, tha thiết mong mỏi sư phụ ở lại đây để đệ tử được may mắn
sớm hôm hầu hạ. Lòng đệ tử đã quyết thì mặc dù núi Tu Di có dời
đổi, ý nguyện của đệ tử cũng không đổi thay.
Huyền Trang vẫn một mức chối từ.
Vua Cao Xương bây giờ đổi sắc mặt, đứng dậy vung tay áo nói to:
–Ðệ tử đã hết lời cầu khẩn
mà Pháp sư vẫn không nghe. Vậy đệ tử có cách khác đối xử với Pháp
sư. Pháp sư không thể đi được. Hoặc Pháp sư lưu lại đây, hoặc đệ
tử đưa Pháp sư trở về nước, xin Pháp sư hãy lựa một trong hai điều.
Nói xong, Khúc Văn Thái bỏ đi ra.
Huyền Trang thở dài, nức nở không thể nói ra lời.
Từ đó, Khúc Văn Thái lại tăng thêm
đồ cúng dường, săn sóc Ngài rất chu tất, cung cấp từ ăn uống, áo quần,
đồ dùng không thiếu một thứ gì. Mỗi ngày, đến bữa ăn, Khúc Văn Thái
tự mình bưng mâm dâng lên, chấp tay đứng hầu bên cạnh.
Huyền Trang không thể không cảm
kích trước lòng chân thành của Khúc Văn Thái, nhưng nhận thấy nếu cứ
như thế này mãi thì khó bề đi đến Ấn Ðộ được. Một hôm Ngài nói
với Khúc Văn Thái:
–Bần tăng lặn lội xa xôi, cốt
là cầu lấy kinh Phật, hiện giờ bị Ðại vương ngăn giữ. Ðại vương
chỉ giữ được hài cốt của bần tăng thôi, chứ tinh thần, ý chí của
bần tăng thì Ðại vương không giữ được.
Từ đấy, Ngài thề nhịn đói,
không ăn uống nữa để cảm động lòng vua. Ngài xếp bằng ngồi yên, ba
ngày không có một hột cơm, một giọt nước vào miệng. Hơi thở Ngài yếu
dần, thân hình Ngài không còn ngồi thẳng được, xem chừng nguy kịch. Ðến
ngày thứ tư, Khúc Văn Thái sinh lòng lo lắng và hối hận, cúi đầu lạy
và nói rằng:
–Thôi đệ tử xin tạ tội với
Pháp sư. Ðệ tử không dám cầm giữ nữa. Pháp sư muốn sang Tây Trúc thì
cứ sang, những xin hãy xơi cơm cho. Ðệ tử chỉ xin phép Pháp sư hai điều:
Một là giảng cho một tháng kinh Nhân Vương Bát Nhã, hai là xin được cùng
Pháp sư kết nghĩa anh em.
Ngài Huyền Trang sợ Khúc Văn Thái
không giữ lời, mới yêu cầu vua thề trước bàn Phật. Khúc Văn Thái
ngoan ngoãn làm theo. Và Ngài Huyền Trang lại ăn uống như cũ.
Theo lời yêu cầu của vua, Ngài ở
thêm một tháng để giảng kinh Nhân Vương Bát Nhã. Khúc Văn Thái truyền dựng
một cái lều bằng vải có thể chứa được 300 thính giả. Bà Hoàng thái
hậu, vua, các trưởng lão Hòa thượng, đình thần đều đến nghe giảng một
cách kính cẩn. Mỗi ngày, đến giờ giảng, vua thân hành bưng một lư
hương đến thỉnh Ngài và rước Ngài đến diễn đàn. Ðến đấy, vua quỳ
xuống và đỡ chân Ngài lên ngồi vào pháp tọa.
Trước khi Ngài lên đường, Khúc Văn
Thái sắm sửa các thứ cần dùng cho Ngài không thiếu một thứ gì, và có
thể dùng đi xa trong khoảng 20 năm. Vua truyền cho bốn vị sa di và hai mươi
lăm thủ hạ lực lưỡng theo hầu Ngài, chế 30 bộ áo rét, bao tay, nịt
chân, khăn trùm, lại biếu Ngài 100 lượng vàng, 30.000 ngân tiền, 500 tấm
lãnh và 30 con ngựa. Nhưng điều quý nhất cho Ngài trong chuyến đi này là
24 bức thư cho 24 quốc vương mà Ngài sắp đi qua để yêu cầu họ giúp đỡ
Ngài. Mỗi một bức thư lại kèm theo một tấm lãnh để làm tin. Riêng đối
với vua nước Ðột Quyết là nước mạnh nhất trong miền Trung Á, vua sai
quan Ðiện trung thị ngự sử là Hoan Tín đưa Ngài sang với 500 tấm lụa
và lãnh, hai xe các thứ quả quý báu và một bức thư giới thiệu Ngài Huyền
Trang với vua nước ấy là Diệp Hộ. Trong thư viết: "Hòa thượng pháp
sư này là em tôi, muốn sang cầu pháp bên nước Bà-la-môn, xin Ngài rộng
thương Pháp sư cũng như tôi và xin Ngài sắc cho các nước phương Tây cấp
cho Pháp sư ngựa Ô lạc (ngựa trạm) để đưa ra khỏi bờ cõi".
Những sự gởi gấm này thật vô
cùng quý báu. Ngài Huyền Trang khi ra đi là một kẻ phạm pháp triều đình,
đêm ngày trốn lánh, như một tên tù vượt ngục, từ đây, do lòng cương
quyết của mình và lòng thành của vua Cao Xương, nghiễm nhiên trở thành một
quốc khách của các nước Trung Á và được họ giúp đỡ đưa đến tận
biên giới xứ Ấn Ðộ.
Ngày Ngài lên đường, Khúc Văn Thái
cùng quần thần, tăng lữ và dân chúng gần cả nước tiễn đưa Ngài ra
phía Tây kinh thành. Vua nắm chặt tay Ngài và khóc to. Mọi người đều không
cầm được giọt lệ. Nhưng dù cảm tình có sâu đậm bao nhiêu, cũng không
thể bịn rịn mãi được, Ngài xây lưng ra đi, Khúc Văn Thái đứng nhìn
theo cho đến khi cát bụi và nước mắt làm mờ hẳn hình bóng Ngài trên
đường, mới sụt sùi trở về cung.
Dưới dây là bài biểu của Ngài
Huyền Trang làm trước khi ra đi để cảm tạ lòng hậu đãi của vua Cao Xương
đối với Ngài.
Tạ Cao Xương Quốc Vương Khải
"Trang nghe rằng: Sông bể sâu
xa, vượt qua được phải nhờ tay lái; dân sinh mê hoặc, dẫn cho đi, phải
mượn lời thiêng. Bởi vậy đức Như Lai, do lòng đại bi cao rộng, hiện
sinh cõi dục; lòng lóng trí tuệ sáng lòa, soi khắp chốn mù. Mây từ rợp
tuyệt đỉnh trời cao, mưa pháp nhuần ba nghìn cõi rộng. Ðã cùng yên lợi,
lại thỏa y quy. Truyền giáo sang Ðông 600 năm lẻ, cuộc thắng hội đã lẫy
lừng nơi Ngô, Lạc; lời sấm Thập từng ung đúc đất Tần, Lương. Chẳng
trụy thói huyền, đều khuôn nghiệp thành trong; người xa lại dịch, ân
nghĩa bất đồng. Ðời cách tánh xa, nghĩa càng sai suyển, khiến cho cái ý
chỉ "song lâm nhất vị", rẽ ra là hai phái hiện đương; cái tôn
thống "nhị thường bất nhị", tách ra làm hai dòng Nam, Bắc. Phân
vân đôi ngả, trải vài trăm năm; suốt cõi nghi ngờ, nào ai quyết định!
"Huyền Trang vốn nhờ phúc cũ,
sớm dự cửa thiền, đội tráp theo thầy, năm hầu hai kỷ. Danh hiền các
bạn, đã khắp hỏi han; đại, tiểu hai thừa đã từng nghiệm xét. Thường
lắm lúc mở kinh ngần ngại, cầm quyển tần ngần. Trông vườn Cấp (Cấp
Cô Ðộc) mà kiễng chân, ngóng đỉnh Thứu (Linh Thứu) mà tưởng mến, muốn
những bái lâm một chuyến, may ra túc hoặc khỏi ngờ. Vẫn biết rằng ống
tre nhỏ không thể dòm được trời, cái bầu con khó lòng tát được bể.
Nhưng lòng vi thành không thể bỏ được, nên mới thúc Trang lên đường;
thấm thoát dăm trăng vừa đi tới nước Y Ngô.
"Nép thấy Ðại vương, bẩm thụ
cái khí thuần hòa của nhị nghi trời đất. Rủ áo làm vua, vỗ về dân
chúng; phía Ðông ví bằng phong đại quốc, phía Tây yên cổ tục bách
nhung. Những nước lân bang Nhục Chi, nào nơi xa sư Lương Vọng, đều nhờ
ơn sâu, đã nhuần đức hậu. Lại nay kính hiền, yêu sĩ, hiếu thiện lưu
từ; thương xót kẻ xa xôi đi lại ân cần cho tiếp đãi đến nơi, đã
được vào chầu, nhuần ơn càng hậu; tiếp đãi chuyện trò, phát dương
pháp nghĩa. Lại được nhờ Ngài giáng kết làm kẻ anh em và còn đưa thư
cho hơn 20 nước Phiên cõi Tây vức; giới sức ân càn, sai bảo tiễn tống.
Lại thương tôi Tây du vò võ, đường tuyết lạnh lùng, bèn xuống lời
minh sắc, độ cho bốn chú tiểu sa di, để làm người hầu hạ. Nào là
pháp phục, mũ bông, đệm cừu, giày nịt, hơn năm mươi thứ, và lãnh lụa,
vàng bạc, tiền nong để khiến cho sung cái phí vãng hoàn trong hai mươi
năm. Nép trông thẹn thùng, sợ hãi, không biết xử trí cách nào. Dẫu khơi
dòng nước Giao Hà, ví ơn kia còn sút kém, cân hòn non Thống Lĩnh, đo
nghĩa nọ còn nặng hơn. Thông cái hiểm cầu treo, khe thẳm, chẳng cần phải
lo; kìa cái hàng cây đạo thang trời, âu cũng sắp tới. Nếu được toại
chí thỏa lòng thì cũng là nhờ ơn nhà vua vậy.
"Sau này được bái yết chúng
sư, bẩm vâng chính pháp, đem về phiên dịch, truyền bá những điều chưa
từng nghe, phá tan cái rừng rậm rạp của những tà kiến, tuyệt hẳn cái
ý xuyên tạc của những mối dị đoan; bồi cái sự di khuyết cho nền tượng
giáo, định cái kim chỉ nam cho chốn huyền môn. May ra cái công nhỏ ấy đáp
được cái ơn sâu kia. Nay tiền đồ còn xa, không thể lưu ở lâu được.
Ngày mai từ biệt, thắm thiết bùi ngùi; không xiết đội ơn, cẩn dâng khải
lên kính tạ"
*
* *
VI. QUA HAI MƯƠI BỐN NƯỚC TRUNG Á
VÀ VƯỢT QUA TUYẾT SƠN
Từ Cao Xương, Ngài Huyền Trang đi về phía Tây, sang nước
A Kỳ Ni (huyện Yên Kỳ, xứ Tân Cương). Mặc dù Cao Xương và A Kỳ Ni là
hai nước láng giềng, nhưng đường đi rất nguy hiểm vì có nhiều bọn cướp
hoành hành.
Giữa đường, Ngài nhận thấy có
nhiều thi hài của bọn lái buôn giàu có, vì muốn vượt đi trước toán
đồng hành của mình để bán cho được giá, nên đã bị bọn cướp giết.
Chính Ngài cũng bị một toán cướp đón đường mãi lộ.
Khi đến kinh đô A Kỳ Ni, vua nước
ấy, cũng là một tín đồ nhiệt thành, đem cả đình thần ra nghinh đón
Ngài và mời vào cung. Vua truyền cung cấp cho Ngài những thứ cần thiết
để đi đường và tiếp đãi rất chu đáo. Nhưng vua chỉ hậu đãi một
mình Ngài mà thôi, còn những người nước Cao Xương đi hộ tống, đều
không được tá túc và cũng không được cung cấp ngựa trạm, vì giữa
hai nước này thường hay có những vụ xung đột về biên giới. Ngài Huyền
Trang chỉ nghỉ lại đây một đêm, và sáng hôm sau lên đường tiếp tục
cuộc hành trình.
Ngài vượt qua con sông lớn Giao
Hà, vòng quanh chân núi Ngân Sơn, và vào nước Khuất Chi (hay Nhục Chi hoặc
Quy Tư) nay là huyện Khố Xá, khu tự trị Duy Ngô Nhỉ.
Khuất Chi là một nước phồn thịnh,
có một nền văn hóa tiến bộ. Dân nước này theo Tiểu thừa Phật giáo.
Chính ở đây, hai thế kỷ trước đã xuất hiện một vị Tổ sư danh tiếng
là Ngài Cưu Ma La Thập. Vị Tổ sư này, thân phụ là người Aán Ðộ,
thân mẫu là bà công chúa của nước Khuất Chi. Khi còn nhỏ Ngài sang học
đạo ở Ấn Ðộ, đến hai mươi tuổi Ngài trở về Khuất Chi. Một đạo
quân viễn chinh của Trung Hoa sang xâm chiếm nước này và bắt Ngài về
Trung Hoa. Ở đây Ngài truyền giáo Ðại thừa và phiên dịch kinh điển từ
chữ Phạn ra chữ Hán. Trong số các kinh dịch này, có bộ kinh Diệu Pháp
Liên Hoa.
Ngài Huyền Trang đến đây chắc
không khỏi thành kính gợi lại kỷ niệm của vị Tổ sư đã cùng một
chí nguyện như mình là du nhập và phiên dịch kinh điển từ Aán Ðộ sang
Trung Hoa.
Vua nước này, cũng là một tín đồ
Phật giáo theo phái Tiểu thừa. Nghe tin Ngài đến, vua cùng đình thần và
tăng lữ trong xứ ra nghinh tiếp rất trọng thể. Khi đám rước vào thành,
một vị tăng già dâng cho Ngài một liễn hoa tươi, để Ngài rải trước
tượng Phật và làm lễ bái yết.
Ðến bữa yến tiệc, vua Khuất Chi
vì theo phái Tiểu thừa, dọn các thức mặn, Ngài Huyền Trang đã nhã nhặn
từ chối không thọ lãnh. Do đấy, đã xảy ra sự bất đồng ý kiến về
giáo lý giữa Ngài và vị trưởng lão Hòa thượng rất có danh tiếng ở
đây là Ngài Mộc Xoa Cúc Ða (Mokshagupta). Vị danh sư này theo phải Tiểu thừa,
đã du học ở Ấn Ðộ 20 năm, hiện là quốc sư của vua Khuất Chi.
Vị trưởng lão Tiểu thừa này dựa
vào bộ Câu Xá Luận (Abhidharmakoca castra) để dẫn chứng cho lý luận của
mình. Nhưng Ngài Huyền Trang trả lời:
–Ở nước tôi cũng có bộ luận
ấy, nhưng tôi nhận thấy cũng chẳng có gì sâu sắc, nên tôi mới bỏ nước
lặn lội sang Ấn Ðộ để nghiên tầm những kinh luận Ðại thừa như bộ
Du Dà (Yoga castra) chẳng hạn.
Vị trưởng lão trả lời:
– Ðại thừa là một phái mới,
trái với phái nguyên thủy là phái theo đúng giáo lý của đức Bổn Sư Thích
Ca. Ngài sang Ấn Ðộ để nghiên cứu những kinh điển Ðại thừa thì thật
là vô ích. Những đệ tử chân chính của Phật không ai học những bộ
kinh luận ấy.
Ngài Huyền Trang nói lớn:
"Bộ Du Dà (Yoga castra) do một
đai đệ tử hiện thân của đức Di Lặc nói ra mà Ngài bảo là sai lầm,
thì Ngài không sợ đọa xuống hỏa ngục sao?
Tuy thế, sự cãi vả về giáo lý
ấy không làm cho hai vị cao tăng đại đức ấy mất lòng trọng nể nhau.
Ngài Huyền Trang ở lại nước Khuất Chi 60 ngày, vì tuyết đang còn bao phủ
núi Thống Lĩnh chưa thể đi được. Trong thời gian ấy, hai vị thường
lui tới đàm đạo giáo lý với nhau. Ngài Huyền Trang mặc dù không đồng
ý về giáo lý Tiểu thừa mà các vị sư ở Khuất Chi đang tu hành, cũng phải
thành thật công nhận sự tinh thông các kinh điển Tiểu thừa và sự
nghiêm trì giới luật của các vị này. Và vị trưởng lão Mộc Xoa Cúc
Ða cũng thường nói với các đệ tử mình: "Vị Hòa thượng Trung Quốc
này học thức cao rộng khó có người đối đáp nổi. Sợ rằng ở Ấn Ðộ,
vị tất đã có vị học giả uyên bác nào sánh kịp".
Khi Ngài Huyền Trang từ giã Khuất
Chi, vua nước này cấp cho Ngài những bộ hạ theo hầu, lạc đà, ngựa, cả
một lữ đoàn, và cùng tăng lữ và tín đồ, tiễn Ngài ra xa ngoài kinh
thành.
Ngài Huyền Trang từ Khuất Chi đi về
phía Tây 60 dặm, qua một sa mạc nhỏ, đến nước Bạt Lộc Già (hay Cô Mặc,
tức Bái Thành và A Khắc Tố thuộc Tân Cương). Ngài trọ ở đấy một đêm,
rồi lại đi tiếp về phía Tây, đến núi Tăng Sơn thuộc Thông Lĩnh (Thiên
Sơn). Ðường đi qua núi này rất là cheo leo, nguy hiểm, núi cao như chọc
trời, quanh năm đều có tuyết phủ, băng tuyết trùng điệp chạy dài đến
chân trời và lẫn với mây. Có nhiều phiến đá khổng lồ chặn cả lối
đi, muốn vượt qua, thật là nguy hiểm. Suốt ngày, chỉ nghe tiếng gió
reo, và tuyết theo gió, đổ xuống từng trận. Giá rét căm căm mặc bao nhiêu
lớp áo cừu vẫn thấy lạnh buốt đến xương tủy. Lữ hành phải dò từng
bước một, khi thì bám sát vào vách đá cheo leo, khi thì đu cả người từ
mỏm đá này sang mỏm đá khác.
Không có một chỗ nào khô ráo, muốn
nấu ăn thì phải treo nồi lủng lẳng giữa hư không, muốn nằm ngủ thì
phải trải chiếu trên băng tuyết. Ðoàn lữ hành của Ngài phải đi trong
bảy ngày bảy đêm mới ra khỏi dãy núi ấy. Ðoàn người đi hộ tống Ngài,
có kẻ không chịu nổi khổ sở, nửa đường đã bỏ trốn về, có người
chết rét ở giữa núi; lừa và ngựa lại càng chết nhiều hơn. Kiểm điểm
lại, chỉ còn mấy người theo Ngài.
Ra khỏi Lăng Sơn, Ngài theo dòng
sông Cáp Lạp Thập, vượt qua núi Khách Lạt Côn Luân, đến một cái hồ
lớn gọi là Nhiệt Hải (tức là Issik-kol, thuộc Liên Xô cũ). Hồ này được
gọi tên như thế, vì tương đối ít lạnh hơn các vùng lân cận và không
bao giờ có băng giá. Hồ rộng, chu vi có trên ngàn dặm, xung quanh bao bọc
toàn núi, có nhiều sông, suối, đổ vào. Nước mặn và màu xanh đen. Nước
chảy xoáy và luôn luôn rạt rào sóng cả. Ngài Huyền Trang đi theo bờ hồ
về phía Tây bắc độ 500 dặm, đến thành Tô Ðiệp (Tokmak, thuộc Liên
Xô cũ). Ngài gặp Ðại vương nước Ðột Quyết là Diệp Hộ đang đi săn
ở đấy. Diệp Hộ là một Ðại vương (Khan) có rất nhiều uy quyền và
nhiều chư hầu trong vùng Trung Á này. Chính Khúc Văn Thái đã ân cần dâng
thư giới thiệu Ngài Huyền Trang với Diệp Hộ.
Khi Ngài Huyền Trang đến thì gặp
Diệp Hộ đang cùng triều thần cưỡi ngựa đi săn về. Vị vua này, đầu
quấn khăn lụa, để thòng hai giải dài ra sau, mặc áo choàng bằng sa tanh
xanh, oai phong lẫm liệt ngồi trên ngựa, quanh mình có trên 200 dũng tướng
theo hầu. Những người này để tóc búi, mặc áo choàng bằng gấm. Theo
sau là quân lính cưỡi ngựa, hoặc lạc đà, mặc áo bằng lông thú hay bằng
nỉ, mang giáo mác, cung, tên, đi thành đoàn dài tưởng không bao giờ hết.
Diệp Hộ sau khi được giới thiệu
của Khúc Văn Thái, mời Ngài Huyền Trang về doanh trại của mình ở Tô
Ðiệp.Vua ở trong một cái lều bằng nỉ rất lớn, có kết hoa bằng
vàng. Vua ngồi ở giữa và trong cùng, trước mặt là hai hàng dũng tướng,
ngồi xếp bằng trên những chiếc chiếu; sau lưng các vị tướng này là
hai hàng ngự lâm quân, khí giới sáng lòa, nghiêm chỉnh đứng hầu.
Vua thiết tiệc khoản đãi Ngài Huyền
Trang và các sứ giả của vua Cao Xương. Chỉ riêng Ngài Huyền Trang được
ngồi trên một chiếc ghế bành có tay dựa, còn những sứ giả khác thì
ngồi chung với các tướng lĩnh. Rượu và những khúc thịt cừu và bê
thui được đặt chồng chất trước mặt các tân khách. Riêng Ngài Huyền
Trang thì vua truyền dọn những thức chay, như bánh bột gạo, sữa, đường,
mật ong, nho. Trong lúc ăn, có ca nhạc.
Sau buổi tiệc, vua kính cẩn thỉnh
Ngài Huyền Trang giảng cho một thời Phật pháp. Ngài giảng về thuyết Từ
bi và những phương pháp tu hành để được giải thoát và giác ngộ.
Nghe xong, vua đứng dậy, đảnh lễ
Ngài và với vẻ mặt hoan hỷ, cam kết xin thọ lãnh những lời Ngài dạy.
Nhưng cũng như vua Khúc Văn Thái nước Cao Xương, vua Diệp Hộ cũng yêu cầu
Ngài đừng tiếp tục cuộc hành trình sang Tây Trúc nữa. Ông nói:
–Bạch Pháp sư, đệ tử khuyên
Ngài đừng sang Tây Trúc nữa, xứ ấy mùa đông cũng như mùa hạ khí hậu
quá nóng bức. Ðệ tử sợ rằng Pháp sư sang đến đấy thì mặt mũi Ngài
sẽ tan ra nước mất. Dân cư ở đấy đen đúa và phần nhiều trần truồng
như nhộng, không biết lễ nghĩa là gì. Thật không đáng cho Ngài phải mệt
sức đi đến xứ ấy.
Ngài Huyền Trang trả lời một
cách nhẹ nhàng:
–Tâu Ðại vương, bần tăng chỉ
muốn sang đấy để mưu tầm giáo lý và thỉnh kinh Phật, chứ không có mục
đích gì khác. Bần tăng nóng lòng muốn đi tìm dấu vết của đức Bổn
Sư, xin Ðại vương hãy cho bần tăng được như nguyện.
Vua Diệp Hộ không cản trở nữa,
và sai quan biên thư gửi gắm Ngài với các nước chư hầu mà Ngài sắp
đi qua, và cho người thông ngôn đi theo Ngài nữa.
Ngài Huyền Trang từ tạ vua Diệp Hộ
ra đi không ngờ lần ấy cũng là lần vĩnh biệt, vì mấy tháng sau, vua Diệp
Hộ bị mưu sát, và nước Ðột Quyết hùng mạnh bị chia phân thành nhiều
mãnh.
Từ giã nước Ðột Quyết, Ngài
đi tiếp sang phía Tây, đến Thiên Toàn (Binggol) là một xứ phì nhiêu, ba mặt
đều là đồng bằng, chỉ phía nam là giáp giới với núi Tuyết. Ở đây
có đến nghìn suối nước (nên mới gọi là Thiên Toàn), khí hậu điều hòa,
đến mùa xuân, cây cỏ đơm hoa, toàn xứ trông như một bức gấm dệt đủ
màu; vua chúa trong vùng này thường ngự đến đây nghỉ mát. Hươu nai ở
đây rất nhiều và được thảnh thơi rong chơi, vì vua đã có sắc lệnh cấm
dân chúng giết hại chúng, ai trái lệnh sẽ bị xử tử.
Ngài đi tiếp đến nước Chữ Thì
(Tản Mã Nhĩ Hàn hay Samarcand thuộc Liên Xô cũ). Dân nước này khi theo đạo
Phật, khi theo đạo thờ lửa. Lúc Ngài mới vào nước, một số dân chúng
nắm những thanh củi đỏ đuổi theo Ngài. Vua cũng tiếp Ngài một cách lạnh
nhạt. Nhưng ngày hôm sau, Ngài Huyền Trang xin phép giảng một thời kinh,
và sau khi nghe, vua bỗng đổi thái độ, tỏ ra rất niềm nở đối với Ngài,
và truyền bắt những kẻ đã nắm lửa đuổi theo Ngài hôm trước đem ra
chặt tay chân. Nhưng Ngài Huyền Trang, động lòng từ bi, xin vua giảm tội,
bằng cách đánh mỗi người mấy trượng thôi. Sau vụ trừng phạt ấy,
dân chúng đủ các hạng, vừa sợ vừa cảm phục lòng đại độ của Ngài
Huyền Trang, đến xin quy y với Ngài rất nhiều. Ngài liền triệu tập một
hội nghị các tăng già, sắp đặt lại ngôi thứ trong Giáo hội và chấn
chỉnh lại những ngôi chùa đã bị ngoại đạo xâm chiếm.
Từ giã nước này, Ngài đi về phía
Nam, trên 300 dặm đường núi non hiểm trở. Dọc đường không thấy có nước
và cây cỏ. Từ đây con đường mỗi lúc một tăng thêm khó khăn, nguy hiểm,
vì là sắp đến gần dãy núi đồ sộ và cao nhất thế giới là Hy Mã Lạp
Sơn.
Trước tiên, Ngài phải vượt nốt
cái đoạn đường khó khăn của dãy núi Ba Ðạt Khắc là đèo Thiết Môn.
Hai bên là vách đá thẳng vút, cao đến nghìn trượng, giữa chỉ có một
lối đi nhỏ hẹp quanh co, hiểm hóc. Nếu vô ý trật chân, là rơi xuống hố
sâu và thân hình nát như cám. Sắc đá đen xanh như sắt; ở lối đi vào
hang núi ấy có một cái cửa có hai cánh bằng sắt, ở phía trên cửa có
treo nhiều chuông nhỏ. Ra khỏi núi này, là đến nước Thổ Hòa La (địa
giới nước Apganixtan ngày nay). Ðáng lẽ đi thẳng về phía Nam để sang
Ấn Ðộ, Ngài rẽ về phía nước Tát Già Thì (thuộc xứ Batriane, nước
Apganixtan). Ngài muốn đến thăm vị vua nước này, là con ruột của vua Diệp
Hộ nước Ðột Quyết và là con rể của vua Khúc Văn Thái, nước Cao
Xương. Ngài đem tin tức và thư từ của hai vị vua này đến cho tiểu
vương Tất Gìa Thì Nhưng, khi Ngài đến đây thì nội biến trong hoàng cung
đang xảy ra. Nguyên là bà vợ của vị vua này tức là con gái của vua Cao
Xương, vừa mất thì vị tiểu vương này liền lấy một người vợ kế.
Bà sau này trước kia là tình nhân của vị hoàng tử con bà vợ trước, vì
thế bà sau này đã âm mưu giết vua và đặt hoàng tử, tình nhân của
mình lên ngôi. Vị tiểu vương mới này cũng rất hậu đãi Ngài Huyền
Trang. Vua mời Ngài đi đến thành Tiểu Vương Xá là một nơi có rất nhiều
di tích Phật giáo. Thành này bây giờ đã hoang phế điêu tàn. Nhưng trong
thời gian Ngài Huyền Trang đi qua, thì đây là một thành phố phồn thịnh
có trên một trăm tịnh xá, chứa gần ba ngàn tăng đồ thuộc phái Tiểu
thừa. Trong các chùa có rất nhiều di tích của đức Phật Thích Ca. Trong số
các vị sư ở đây có nhiều người rất tinh thông giáo lý Tiểu thừa.
Chính ở tại đây, Ngài Huyền Trang đã học hỏi được rất nhiều về
những bộ kinh chính yếu của giáo phái này.
Ở đây, Ngài gặp được một vị
sư trẻ tuổi và thông thái là Tuệ Tịnh người nước Thổ Hòa La. Vị
này tôn Ngài làm sư phụ và tình nguyện cùng đi theo Ngài sang Aán Ðộ.
Ðây cũng là mọt điều may mắn cho Ngài, vì Ngài sắp vượt qua Hy Mã Lạp
Sơn mà những người theo hộ tống Ngài từ nước Ðột Quyết thì đã
quay về hết cả rồi.
Hai thầy trò đi về phía đông nam,
trèo lên dãy Tuyết Sơn. Con đường núi này thật muôn ngàn hiểm trở hơn
tất cả những đoạn đã đi qua. Núi luôn luôn có tuyết phủ, vì thế
nên người Trung Hoa gọi là Tuyết Sơn. Sương tuyết phủ mờ tất cả,
người ta có cảm tưởng đi trong trăng mờ; thỉnh thoảng may ra mới có
được một khoảng bằng phẳng độ 4, 5 thước vuông. Núi lởm chởm nằm
ngang lưng trời, mất hút trong mây. Lạnh thấm đến cốt tủy. Hai người
đi như thế trên 2.000 dặm, chịu đựng biết bao gian khổ mới đến được
Ba-mi-dăng (Bamiyan) là một xứ nằm cheo leo trên đỉnh núi, giữa con đường
đi qua Hy Mã Lạp Sơn. Xứ này cũng theo Phật giáo Tiểu thừa, có độ mười
ngôi chùa và mấy ngàn tăng đồ.
Ðến đây, Tuệ Tịnh người đệ
tử mới của Ngài bị vua nước Thổ Hòa La cho người đến thỉnh về. Tuệ
Tịnh đành phải luyến tiếc từ giã Ngài trở lui.
Từ đây, Ngài chỉ một mình tiếp
tục cuộc hành trình qua núi Tuyết, đi 600 dặm về phía đông nam, có một
lần Ngài bị lạc trong núi, may nhờ có những người đi săn đưa Ngài ra
đường chính. Sau khi vượt qua Tuyết Sơn, Ngài bắt đầu đặt chân lên Hắc
Lĩnh, tức là những ngọn núi về phía nam Hy Mã Lạp Sơn, sát biên giới Bắc
Ấn Ðộ. Người ta gọi là Hắc Lĩnh vì đến mùa hạ, tuyết ở trên các
ngọn núi này tan ra, để lộ màu đen của đá, trái với Tuyết Sơn là những
ngọn núi cao luôn có tuyết đóng ở phía Bắc dãy Hy Mã Lạp Sơn sau khi
vượt qua. Hắc Lĩnh, Ngài đặt chân vào địa đầu biên giới Bắc Aán Ðộ.
Kể ra từ Cao Xương đến đây,
Ngài Huyền Trang đã đi qua 24 nước lớn nhỏ ở Trung Á, giữa hai biên giới
Trung Hoa và Ấn Ðộ; và đã vượt qua dãy núi cao nhất thế giới là Hy
Mã Lạp Sơn.
Mục lục
| 1 | 2 | 3 | 4 | 5