- Ðường Tam Tạng
thỉnh kinh
- Võ Ðình Cường
[Phần 5]
-oOo-
XIV. TRÊN ÐƯỜNG
VỀ TRUNG QUỐC
Trên đường về của Ngài Huyền Trang, mặc dù có quân
lính của vua Giới Nhật đi hộ tống, nhưng biên giới phía Bắc Ấn Ðộ
là nơi đầy dẫy bọn cướp núi, nên nhiều người vẫn lo ngại sẽ có
nhiều sự bất trắc xảy đến cho Ngài. Nhưng pháp sư vẫn tỏ ra bình tĩnh
và tự tin. Ngài sai một vị tăng mở đường đi trước đến nói với bọn
cướp:
–Chúng tôi là những tu sĩ ở từ
phương xa đến Ấn Ðộ để nghiên tầm kinh điển Phật pháp. Hành lý
chúng tôi chỉ gồm có kinh sách, di bảo Phật tích và tượng Phật. chúng
tôi tin tưởng ở sự rộng lượng của các người, nên đến để xin các
người bảo bọc và giúp đỡ chúng tôi".
Pháp sư đi sau với các đệ tử và
những người hộ tống. Ði đến đâu, bọn giặc cướp đều để cho Ngài
tự do đi qua.
Khi qua sông Tín độ (Indus), là một
trong hai con sông lớn nhất của Ấn Ðộ, Ngài cưởi con voi lội qua, còn
kinh sách, hành lý và đoàn hộ tống thì đi bằng thuyền lớn. Ðến giữa
dòng sông, đột nhiên sóng gió nổi lên dữ dội, thuyền bị lay động mạnh
sắp đắm, kinh sách trong thuyền bị rơi mất hết 50 bộ, và những hạt
giống, hoa quả lạ ở Ấn Ðộ cũng rơi theo. Người phụ trách việc
chuyên chở hốt hoảng nhảy xuống dòng sông, nhưng may các bạn đồng hành
vớt lên được.
Tai nạn này là biến cố đã làm
Ngài Huyền Trang buồn rầu nhất trong chuyến Tây du của Ngài. Nhưng cũng
may là khi ấy, vua nước Già-thấp-di-la (Kapica) nghe tin Ngài sắp đến, đã
đem quân ra đón Ngài ở trên bờ sông, và trước tai nạn ấy, đã an ủi
Ngài bằng cách cho người đi chép lại những bộ kinh đã mất.
Vị vua này lại còn hộ tống Ngài
đi qua những nước chư hầu của mình, và đến đâu cũng truyền tổ chức
những cuộc đón rước Ngài rất trọng thể, và mở những hội bố thí
khắp nơi. Sau khi từ giã vua Già-thấp-di-la, Ngài đi đến phía Tây chân
núi Ðại Tuyết (Indu-Kush), vua cho người hộ tống Ngài và chuẩn bị chu
đáo để Ngài vượt qua ngọn Tuyết Sơn đầy nguy hiểm này. Một vị sĩ
quan và độ 100 binh sĩ đi theo mang hành lý, lương thực cho Ngài, tuy thế
cuộc vượt núi này cũng vẫn vô cùng gian khổ.
Sau 7 ngày đường, họ trèo lên
được một quả núi lớn đầy dẫy những chóp nhọn toàn đá, hình thù
quái dị. Ðến đây, không còn có thể đi ngựa được nữa; Ngài Huyền
Trang phải xuống ngựa, chống gậy đi trước mở đường.
Sau 7 ngày nữa, họ mới đến được
một làng nhỏ gồm độ 100 gia đình sống về nghề nuôi cừu. Ngài Huyền
Trang nghỉ lại đấy một ngày, rồi khuya hôm ấy lại tiếp tục leo núi lại.
Ðường đi bây giờ lại càng hiểm trở hơn lúc đầu. Ðây đó, nhan nhản
những suối và sông đóng băng, nếu không có người bản xứ dẫn đi từng
bước thì rất dễ bị rơi xuống vực thẳm. Ðoàn lữ hành bây giờ chỉ
còn lại bảy nhà sư, 20 người hầu, một con voi, 10 con lừa và 4 con ngựa.
Sau 2 ngày đường, họ mới trèo
lên được một chóp núi cao, toàn đá trắng mà nhìn từ xa, người ta cứ
tưởng là tuyết. Chóp núi này cao đến nỗi tuyết và mây không thể bao
phủ được ngọn. Thảo mộc cũng không thể mọc được. Gió thổi mạnh
và lạnh buốt đến nỗi không một người nào đứng thẳng được. Chim
cũng không thể vượt ngang chóp núi, mà phải bay vòng quanh ven sườn.
Ðoàn lữ hành đi dần xuống phía
dưới và hạ trại ven sườn nằm nghỉ một đêm. Sáng hôm sau họ lại tiếp
tục cuộc hành trình trong gió tuyết.
Sau khi vượt qua được núi Ðại
Tuyết, Ngài Huyền Trang ở trọ một tháng tại Diệp Hộ Nha, trong doanh trại
của một vị Tiểu vương ở vùng ấy, để lấy lại sức và chuẩn bị
cuộc vượt qua núi Thống Lĩnh (Pamir).
Thống Lĩnh là một dãy núi cao độ
chừng 4 –5 ngàn thước, quanh năm có tuyết phủ, cây cỏ mọc sơ sài, ngoại
trừ một loại cây hành thì lại mọc rất nhiều và tốt, vì thế nên người
Trung Hoa mới đặt nên miền núi ấy là "Thống Lĩnh". Miền này
quá lạnh lẽo nên dân cư thưa thớt, và phải ở trong hang đá, lẫn lộn
với súc vật cho đỡ lạnh. Qua khỏi dãy núi này thì đến một thung lũng
nằm giữa hai trái núi cao đồ sộ, quanh năm có tuyết, và gió gào thét một
cách ghê rợn. Ðoàn lữ hành của Ngài Huyền Trang lội suối trèo đèo,
đi quanh co, trong những dãy núi Tuyết ấy hết ngày này sang ngày khác, nếm
đủ những lao khổ cùng cực. Vượt qua Kiệt Bàn Ðà (Tack-kousghan), Ô Sắt
mới đến được nước Khư Sa (Kasha thuộc xứ Tân Cương). Từ Khư Sa, Ngài
đi qua nước Tích Cư Già và cuối cùng đến nước Vu Ðiền (Khotan). Vu Ðiền
là một nước phồn thịnh có văn hóa cao, dân cư sinh sống về nghề nuôi
tằm dệt lụa, làm len dạ và khai thác cẩm thạch. Tín đồ Phật giáo ở
đây rất đông, tu sĩ có đến năm ngàn người, hầu hết đều theo Ðại
thừa. Chùa chiền có đến 100 cảnh.
Vua Vu Ðiền là một Phật tử rất
hâm mộ Ngài Huyền Trang, nên mời Ngài lưu lại Vu Ðiền trong 7 tháng.
Trong thời gian này Ngài vừa giảng dạy Phật pháp cho dân chúng ở đây, vừa
phái người đi đến các nước Khuất Chi, Khư Sa để dò tìm và sao lại
các bản kinh bị thất lạc khi qua sông Tín Ðộ.
Nhưng công việc chính của Ngài
trong lúc ở lại Vu Ðiền là viết một tờ biểu sai người theo bọn lái
buôn mang về Trang An dâng lên vua Ðường Thái Tông. Sở dĩ có tờ biểu
ấy là vì, khi ra đi, Ngài Huyền Trang đã trái lệnh cấm của triều đình,
Ngài sợ bây giờ trở về, vua Thái Tông sẽ truy trách cái lỗi trước, nên
viết biểu về vừa tạ tội, vừa có ý báo tin sự thành công của mình
trong cuộc Tây du. Dưới đây là tờ biểu ấy:
"Sa môn Huyền Trang tâu gởi:
Trang nghe rằng: Mã Dung là người bác nhã, nên Trịnh Huyền mới đến Phù
Phong để tìm thấy; Phục Sinh là bực cao minh, nên Triều Thố mới tới Tế
Nam để cầu học. Xem đó thì biết rằng Nho, Ðạo thuật vốn ở gần,
mà cổ nhân cũng còn phải đi xa để khảo xét. Huống chí cái đạo huyền
của chư Phật làm lợi ích cho muôn loài, cái diệu thuyết của Tam Tạng
khó giải đến muôn phần, lẽ nào dám nản đường xa mà không hướng mộ
đi tìm tòi vậy. Huyền Trang nghĩ rằng đức Phật khởi phát ở Tây vức,
di giáo mới truyền sang Ðông phương. Thế thì thắng điển tuy đã đem lại
rồi, nhưng mà viên tông vẫn còn chưa đủ. Bởi vậy, phải phóng cầu,
không dám tiếc thân mạng. Tôi đã lấy ngày tháng Tư năm Trinh Quán thứ
Ba, mạo phạm hiến chương, lẻn đi Tuyết Lĩnh chon von; nào là cửa Thiết
Môn hiểm hóc, đường Nhiệt Hải ba đào. Khởi hành từ Tràng An thần ấp,
đi cho đến Vương xá tân thành, trung gian kinh qua hơn năm vạn dặm. Tuy rằng
phong tục mỗi nơi một khác, gian nguy khó đến vạn trùng. Song nhờ cậy
thiên uy, đến đâu cũng không ai dám ngăn trở; lại nhờ giúp cho hậu lễ,
thân mình không đế khổ tân. Nên mới được thỏa nguyện tùng tâm được
đến xem núi Kỳ Ðồ Quật Sơn, lễ bái cây Bồ đề; thấy những tích chưa
từng trông thấy, nghe những kinh chưa từng được nghe. Xét hết sự kinh kỳ
của vũ trụ, đạo hóa dục của âm dương. Tuyên bá nguồn đức hạnh của
nhà Vua, khởi phát lòng kính nhường ở các nơi thù túc. Châu du lịch lãm
đến mười bảy năm; nay đã từ nước Bát-la-ra-gia qua cõi Già Tất Thí,
vượt núi Thống Lĩnh, qua sông Ba Mê, đi về nước Vu Ðiền. Vì con voi lớn
đem theo đã chết đuối mất, mà kinh bản đem về rất nhiều, chưa mướn
được xe chở, vậy phải tạm đình ở lại, chưa kịp ruổi về để sớm
vào yết kiết chốn hiên bệ. Khôn xiết ngóng trông, cẩn sai người tục
nước Cao Xương tên là Mã Huyền Trí theo bọn thương lữ đi về trước dâng
biểu tâu lên Vua rõ".
Sau khi sai người đem tờ biểu đi
rồi, Ngài Huyền trang trở lại Vu Ðiền, đêm ngày trông ngóng tin tức.
Thế rồi một buổi sáng kia, sứ
giả trở về, mang theo tờ sắc chiếu của vua Ðường Thái Tông. Tờ chiếu
như sau:
"Nghe tin nhà Sư đi phỏng đạo
cõi xa, nay mới trở về, hoan hỷ vô chừng! Mong kịp về đến nơi cùng Trẫm
tương kiến. Những thầy Tăng nước ấy mà có biết chữ Phạn, hiểu nghĩa
kinh, thì cũng cho đem về.
"Trẫm đã sắc cho các đạo Vu
Ðiền sai các nước đem quân tiễn tống, cùng là sức người, xe cộ phải
cung ứng cho đủ. Lại sai các quan ty Ðôn Hoàng đóng tiếp ở bãi Lưu Sa;
người nước Nghiệp Thiện đón tiếp ở bến Thư Mạt" [Ngày nay
là huyện Nặc Khương, xứ Tân Cương].
*
* *
XV. NGÀY KHẢI HOÀN
Từ đây, con đường về của Ngài Huyền Trang như có trải
nhung lụa. Mỗi đoạn đường là có người đón tiếp hoan nghênh, phục dịch.
Qua rồi những cảnh tượng hãi hùng của biển cát mênh mông, của đèo
cao hố hiểm, của mưa tuyết gió băng, của sông sâu sóng cả! Qua rồi những
ngày dài đói khát, những đêm đen lạnh lùng, những thú dữ rừng thiêng,
những cướp rừng cướp biển!
Ðến Ðôn Hoàng, Ngài dừng lại
nghỉ ngơi một thời gian và dâng thêm một tờ biểu nữa để báo tin
mình sắp về Tràng An. Bấy giờ vua Ðường Thái Tông (không có mặt ở
Tràng An, mà là ở thành Lạc Dương) tiếp tờ biểu, biết Ngài Huyền
Trang sắp về tới, liền sai quan Hữu Bộc Xạ là Phòng Huyền Linh, Hữu Vệ
Hầu, Ðại tướng quân là Hầu Thực, quan Tư mã Ung châu là Lý Thúc Thận
và Huyện lệnh Tràng An là Lý Kiều Hựu sửa soạn nghênh tiếp Ngài.
Tin Ngài Huyền Trang ở Ấn Ðộ trở
về lan khắp Trung Quốc một cách mau chóng. Khi Ngài ra đi, tin tức được
giữ kín bao nhiêu, thì ngày nay, khi Ngài về, tin tức lại loan truyền rộng
rãi bấy nhiêu. Dân chúng vừa ngạc nhiên, vừa khâm phục, vừa hiếu kỳ
trước một cuộc đi vô cùng mạo hiểm mà họ chưa bao giờ tưởng tượng
được, nên đã tề tựu về Trang An, đổ xô ra các ngõ đường để được
chiêm ngưỡng dung nhan của một bậc vĩ nhân đã làm vẻ vang cho nước nhà
và cho nền Ðạo Pháp. Tràng An hôm ấy được trang hoàng như một ngày đại
hội hiếm có. Dân chúng đứng đông đặc ở các đường phố, làm nghẹn
tất cả lối đi, đến nỗi khi Ngài Huyền Trang xuống thuyền sang sông rồi,
không làm thể nào để lên bờ vào thành được. Ðêm ấy, Ngài nghỉ lại
ở trên sông. Sáng hôm sau, rút kinh nghiệm ở hôm trước, cuộc tiếp rước
Ngài đã được tổ chức một cách vô cùng rực rỡ và chu đáo.
Tất cả các vị Tăng, Ni các chùa
ở Tràng An đều tề tựu đông đảo tại đường phố Chu Tước để rước
Ngài về chùa Hồng Phúc. Mọi người đều nô nức mang theo nào hương án,
tàng lọng, tràng phan, bảo cái, hương hoa. Ðám rước diễn hành từ đầu
đường Chu Tước cho đến chùa Hồng Phúc, kéo dài trên mấy dặm đường.
Các vị Tăng, Ni đều mặc lễ phục, vừa đi vừa tán tụng, theo điệu nhạc
thiền. Những kinh điển, Phật tượng, xe dù, hoa phan và các sản vật đem
từ Ấn Ðộ về được sắp đặt rải rác trong đám rước để dân
chúng được chiêm ngưỡng tận mắt.
Hai bên đường, các nhân sĩ, quan
khách và dân chúng đứng chật ních, nhìn đám rước đi qua với một dáng
điệu vô cùng cảm phục. Người và xe ngựa nhiều quá đến nỗi các người
có nhiệm vụ giữ gìn trật tự, để tránh những tai nạn xảy ra, bắt buộc
ai đứng chỗ nào thì ở yên chỗ ấy mà đốt hương trầm hay tung hoa, chứ
không được đi theo, đám rước chỉ dành riêng cho giới Tăng ni.
Có lẽ đây là lần đầu tiên,
Tràng An được thấy một cuộc đón tiếp trang nghiêm và đồ sộ như thế.
Hôm ấy là ngày 24 tháng Giêng năm
645 (Năm Trinh Quán thứ 19 đời Ðường). Sau 17 năm xa cách, dưới quyền thống
trị của vị vua anh dũng và sáng suốt Ðường Thái Tông, Tràng An đối với
Ngài chắc có nhiều sự thay đổi; nhưng Ngài, đối với Tràng An sau một
cuộc viễn du vĩ đại, lại còn có nhiều sự thay đổi hơn: về thể chất
Ngài đã là một ông già 50 tuổi, nhưng về tinh thần, Ngài đã thu nhập
được bao nhiêu kinh nghiệm về đủ mọi địa hạt, bao nhiêu tinh ba của
nhân loại, bao nhiêu suối sáng của Aùnh Ðạo Vàng.
Về Tràng An được mấy hôm, nghe
tin Ðường Thái Tông sắp đi đánh Liêu Ðông, Ngài Huyền Trang lật đật
lên đường đến Lạc Dương, kinh đô thứ hai của vua Ðường, để kịp
yết kiến Ðường Thái Tông.
Ðây là lần thứ nhất, Ngài Huyền
Trang được yết kiến Ðường Thái Tông. Mặc dù mới gặp nhau lần đầu,
câu chuyện giữa một vị cao tăng đại đức với một vị anh hùng cái thế,
xem chừng đã tương đắc. Sau khi đón tiếp và ủy lạo rất hậu Ngài Huyền
Trang, Ðường Thái Tông mới gợi đến chuyện xưa:
–Khi Pháp sư ra đi, sao không báo
cho Trẫm biết?
Ngài kính cẩn trả lời:
–Trước khi Huyền Trang ra đi, đã
hai ba lần tâu xin, chỉ vì lòng thành nhỏ mọn không đạt tới, nên không
được chuẩn y. song với lòng mộ đạo khôn xiết, mới tự lẻn đi, cái
tội tự chuyện ấy, bần tăng rất lấy làm sợ hãi".
–Không, Trẫm đâu có trách. Nhà sư
đã bỏ tục mà xuất gia, thế mà còn liều mình đi cầu Pháp để mong làm
lợi dân sinh, thì thật đáng khen. Trẫm rất lấy làm ngạc nhiên là non
sông cách trở, xa xôi như thế kia, mỗi phương phong tục mỗi khác, thế
mà sao nhà sư lại đạt tới được cả?"
Trước lời ngợi khen ấy, Ngài Huyền
Trang đã đáp lễ bằng một câu rất khéo:
–Từ ngày Bệ hạ lên ngôi cửu
ngũ, bốn phương được phẳng lặng, oai đức của Bệ hạ lan xa đến bên
kia Thống Lĩnh. Vua tôi các rợ chư hầu mỗi khi thấy một con hồng nhạn
cưỡi mây bay từ phương Ðông lại, cũng thành kính đón chào. Huyền Trang
được đi về vô sự, cũng nhờ ở cả thiên uy". [Ý nói: uy danh của
vua Thái Tông]
Vua đáp một cách khiêm tốn:
–Lời bậc trưởng thượng nói như
vậy, Trẫm đâu dám nhận.
Vua lại hỏi tình hình ở ngoài
cõi Tây vức , từ Tuyết Lĩnh trở về phía Tây cho đến các xứ Ấn Ðộ.
Ngài Huyền Trang tâu gởi một cách
thông suốt, rõ ràng, như vẽ ra trước mắt vị vua thông minh và hiếu học
ấy. Ðường Thái Tông rất lấy làm vừa ý đẹp lòng trước sự uyên
bác, lịch thiệp của Pháp sư nên khuyên Ngài hoàn tục để ra tham chính
giúp vua. Ngài Huyền Trang một mực từ tạ với những lý lẽ rất xác đáng.
–Huyền Trang này, từ nhỏ đã
theo dòng Chi Môn, học về Phật đạo, chuyên tập Huyền Môn, chưa từng
nghe Khổng giáo. Nay Bệ hạ bắt hoàn tục thì chẳng khác gì con thuyền
đang thuận dòng, mà bắt phải bỏ nước lên cạn, chẳng những là vô
ích mà còn thêm hủ bại mà thôi. Xin Bệ hạ cho Huyền Trang này được toại
nguyện suốt đời hành đạo để báo quốc ân.
Biết không thể lay chuyển được
một người đã có dư can đảm và nghị lực để làm theo ý nguyện tìm
đạo của mình, vua không nài ép Ngài hoàn tục nữa, nhưng lại đề nghị
một chuyện khác: Ðường Thái Tông sắp đi chinh phạt Liêu Ðông, muốn mời
Ngài Huyền Trang đi theo để sớm hôm trò chuyện.
Trước lời mời này, Ngài cũng đã
từ chối một cách khéo léo, mà còn ngụ ý không tán thành sự chinh chiến
của nhà vua:
–Bệ hạ đi Ðông chinh đã có đại
quân hộ vệ, đánh dẹp loạn quân trừ kẻ tặc thần, thế nào cũng có
cái công chiến thắng như trận Mục Dã, cái tin báo tiếp như trận Côn Dương.
Huyền Trang tự lượng thực không thể hỗ trợ cho công việc trận mạc
được, chỉ thêm thẹn là làm tổn thêm tiền lộ phí mà thôi. Vả lại
việc binh nhung, chiến đấu, luật nhà chùa cấm không được dự, không
được xem. Ðức Phật tổ đã có lời dạy cấm sát. Vậy cúi xin thánh thượng
mở lòng thương xót miễn cho".
Một lần nữa, Ðường Thái Tông,
một vị đế vương uy quyền lẫm liệt, chưa từng bị ai làm trái ý, đã
hoan hỷ nhượng bộ Ngài Huyền Trang, và để Ngài trở về Tràng An lo việc
phiên dịch 657 bộ kinh điển mới đem từ Ấn Ðộ về.
*
* *
XVI. PHIÊN DỊCH KINH ÐIỂN
Ngài Huyền Trang sau khi yết kiến Ðường Thái Tông, trở
về Tràng An vào ngày mồng 1 tháng 3 năm 645, ở chùa Hồng Phúc. Công tác
chính của Ngài bấy giờ là lo tổ chức đại quy mô việc phiên dịch những
kinh điển mà Ngài đã mang từ Ấn Ðộ về.
Ngài triệu tập một số rất đông
cao tăng, học rộng nghe nhiều để cộng tác với Ngài, vì công tác sẽ rất
phức tạp. Về các việc như chứng nghĩa, xuyết văn, bút thụ, thủ thư
... thì có trên 50 người Sa môn đảm nhiệm, còn việc dịch cho chỉnh nghĩa
thì có đến 23 vị học thức trác tuyệt như các ông Linh Khoát, Văn Bi đảm
nhiệm.
Ngài đã tổ chức một hệ thống
phiên dịch rất hoàn bị gồm có:
– Vị dịch chủ là người chỉ
huy, tinh thông Hán, Phạn, nghĩa lý phán đoán xác thực. Chức vụ này do
Ngài Huyền Trang đảm nhiệm.
– Vị bút thụ dịch nghĩa Phạn
văn ra Hoa văn;
– Vị Ðộ ngữ thạo tiếng Phạn,
đọc lên để nghe âm vận, nếu không ổn thì phiên âm lại.
– Vị Chứng Phạn để đem so lại
với Phạn văn có đúng không.
– Vị Nhuận văn làm công việc
nhuận văn cho hợp với văn pháp Trung Hoa.
– Vị Chứng nghĩa đem bản dịch
so lại nghĩa lý nguyên bản, nếu sai thì chữa lại;
– Vị Tổng khám xét chung lại một
lần cuối cùng trước khi hoàn thành bản dịch.
Công tác phiên dịch bắt đầu
trung tuần tháng 5 năm 645 đến cuối năm ấy đã hoàn tất được bốn loại
sau đây: Ðại Bồ tát tạng kinh (12 quyển); Phật địa kinh (1 quyển), Lục
Môn đà-la-ni kinh (1 quyển), Hiển dương thánh giáo luận (20 quyển).
Mùa thu năm sau, phụng mệnh vua Thái
Tông, Ngài thuật cho một đệ tử là Biện Cơ chép lại cuộc Tây du của
Ngài trong 17 năm, trải qua 138 nước, một cách rất tường tận. Những điều
Ngài đã nghe thấy, học hỏi về lịch sử, phong thổ, vị trí, sơn xuyên,
thổ sản, nhân tình ở những nơi Ngài đã đi qua đều được ghi chép
thành 12 quyển nhan đề là "Ðại Ðường Tây vức ký". Bộ sách
này không những là một bộ du ký vĩ đại cổ điển, mà còn là một bộ
lịch sử, địa lý trọng yếu ghi chép các nước Trung Á và Ấn Ðộ. Nhiều
nhà học giả chuyên môn ngoại quốc nghiên cứu bộ sách này đều phải công
nhận đó là một bộ sách vô cùng quý báu, có một phạm vi rất lớn, kỹ
thuật chính xác và nội dung phong phú, có giá trị nhất trong các loại
sách du ký thời xưa. Vì thế, các nước Liên Xô cũ, Nhật Bản, Anh, Ðức,
Pháp, Mỹ đều có phiên dịch ra tiếng nước họ. Ngày này các nhà bác học
chuyên nghiên cứu về sử, địa dựa vào bộ sách ấy rất nhiều để chỉnh
lý những lịch sử, địa lý mơ hồ về nước Ấn Ðộ thế kỷ thứ bảy.
Tháng Năm năm 648 Ngài Huyền Trang
đã dịch xong chín bộ kinh, lấy đề chung là "Tân phiên kinh luận".
Vua Ðường Thái Tông muốn kỷ niệm cuộc Tây du của Ngài Huyền Trang và
ghi công đức của Ngài, nên đích thân tự viết bài tựa cho tập phiên dịch
ấy. Bài tựa nhan đề là "Ðại Ðường Tam Tạng Thánh Giáo" gồm
781 chữ. Ðây là một đặc ân vô cùng quý báu mà vua Thái Tông đã dành
cho Ngài. Trước đó, quan Phò mã Cao Lý Hành có xin vua soạn một bài bia
cho thân sinh mình, vua từ chối, viện lẽ trong người đã già cả suy nhược.
Nhưng nay vua lại tự nguyện đứng ra viết bài tựa cho Ngài Huyền Trang.
Vì sợ có làm tủi phò mã Cao Lý Hành chăng, nên vua nói với phó mã rằng:
–Nhà người có xin Trẫm làm bài
bia cho phụ thân ngươi, nhưng Trẫm nay khí lực không bằng trước, không
thể làm được. Sở nguyện của Trẫm ngày nay là cố gắng làm các việc
công đức mà thôi. Vì thế Trẫm mới nhận làm bài tựa cho Pháp sư Huyền
Trang. Người hãy lượng biết cho Trẫm.
Tháng sáu năm ấy, sau khi viết xong
bài tựa, vua triệu Ngài Huyền Trang vào điện Minh Nguyệt, sai quan Hoằng
Văn Quán học sĩ Thượng quan Nghi tuyên đọc bài tựa trước mặt đình thần.
Bài tựa này, hòa thượng Hoài Nhân lấy theo mẫu chữ của nhà đại thư
pháp đời Tấn là Vương Hy Chi để khắc lên bia đá. Nhà đại thư pháp
đời Ðường là Chư Tọa lượng viết ra thành hai bản: một bản khắc
vào nhạn tháp chùa Từ AÂn, một bản khắc ở Ðồng Châu, đến tận bấy
giờ lối chữ ấy là một tự thiếp có tiếng để tập viết.
Dưới đây là bài tựa:
Trộm nghe rằng: "Trời đất có
Tượng, chở che đà tỏ rạng đức Hàm Sinh; đông hạ vô hình, mưa nắng
vốn âm thầm hóa vật. Bởi thế ngắm trời trông đất, kẻ dung ngu cũng
sơ biết mối manh; thông âm rõ dương, bậc hiền triết thật khó cùng đầu
số. Song le, trời đất bao hàm âm dương mà dễ biết là nhờ có tượng;
âm dương ở trong trời đất mà khó cùng là bởi không hình. Cho biết: Tượng
kia bày rõ đành rành, dù ngu cũng chẳng hoặc; hình nọ kín che mờ mịt, dẫu
trí vẫn còn mê. Huống nữa, Phật đạo hư truyền, u thâm lặng lẽ; cứu
khắp muôn vật, trị ngự mười phương. Nói đến uy linh thì tuyệt đối;
nghĩ đến thần lực lại vô cùng. Lớn thì bao la ngoài vũ trụ; nhỏ thì
thâu rút trong hào ly. Không diệt không sanh, trải ngàn kiếp mà chẳng cổ;
như ẩn như hiện, diễn trăm phúc mãi đến nay. Ðạo cả sâu huyền, noi
theo mà chẳng biết đâu là bờ mé; pháp mầu thẳm lặng, kiếm tìm cũng
chẳng thấu đến căn nguyên. Cho nên những kẻ phàm phu ngu xuẩn, dung tục
tầm thường, nghe đến há không nghi hoặc được ư?
Song Phật giáo khởi hưng, nền tảng
xây từ Tây độ; Hán đình báo mộng, từ quang chiếu đến Ðông phương.
Nhớ ngày xưa hình tích vừa phân, chưa nói ra, người đều cảm hóa; vả
lúc trước Phật còn tại thế, ngửa trông đức ai chẳng tuân theo; kịp
đến khi ẩn bóng quy chơn, dung quang cách biệt; ánh vàng mờ tối, ba ngàn
cõi chẳng chiếu hào quang; ngọc tượng phô bày, bốn tám tướng luống
trơ hình dạng. Từ đó kim ngôn lan khắp, cứu vạn loại thoát khỏi tam đồ;
di huấn truyền xa, dẫn chúng sinh đều lên thập địa. Nhưng mà chân giáo
khó tin, được mấy kẻ nhất tâm quy ngưỡng; tạp học dễ tập, nào ai
hay phân biệt chánh tà. Vì thế, không luận, hữu luận, quen thói tục,
tranh thị tranh phi; Ðại thừa Tiểu thừa, phải tùy thời thoạt suy thoạt
thịnh.
Nay Pháp sư Huyền Trang là bậc
lãnh tụ chốn thuyền môn. Nhỏ đà linh mẫn, tâm tam không (1) sớm tỉnh
ngộ từ xưa, lớn lại thần tình, tánh tứ nhẫn (2) trước bao hàm đủ cả.
Gió tùng trăng nước, chưa đủ ví thanh hoa; tuyết sáng ngọc trong, khó so
bằng tư chất. Vậy nên, trí suốt thông không bị gì hệ lụy, thần soi
thấu cả những việc chưa thành: vượt sáu trần xa hẳn lao lung; tột
thiên cổ không ai sánh kịp. Lưu tâm nội cảnh, thương Chánh pháp suy vi;
chú ý huyền môn, buồn thâm văn sai uyển. Nghĩ muốn chia điều chẽ lý, mở
rộng chỗ học xưa; bỏ ngụy thêm chơn, khai thông kẻ hậu tấn. Vậy
nên, lòng trông đất Tịnh, thân đến cõi Tây, mạo hiểm nghìn trùng,
xông pha chiếc bóng. Ban mai tuyết phủ, đất mất đường đi; chiều xế,
cát bay, trời mờ lối tới. Muôn dặm non sông, vén mây mù mà tiến bước;
trăm tầng nắng rét, đạp sương tuyết để lên đường. Nặng lòng thành
coi nhẹ gian lao; mạnh chí quyết sở cầu nguyện đạt. Châu du Tây vức mười
lẻ bảy năm. Trải khắp đạo tràng tham cầu chánh giáo. Song lâm bát thủy
(3) , suy nếm mùi thuyền; Lộc Uyển Thứu Phong, thánh cảnh. Vâng chí ngôn
của đấng thiên thánh, lãnh chơn giáo với bậc thượng hiền. Tìm thấu cửa
mầu, tin cùng nghĩa áo. Ðạo nhất thừa cùng năm luật bộ, đầy dẫy tâm
điền; văn bát tạng với ba hòm kinh, dập dồn khẩu hải (4).
Những nước đã kinh lịch đi qua,
tóm thâu được tám tạng (5) kinh văn, gồm có sáu trăm năm mươi bảy bộ,
đem về dịch truyền bá khắp Trung Quốc, để tuyên dương thắng nghĩa. Dẫn
mây Lành ở nơi Tây vức, rưới mưa Pháp vào chốn Ðông thùy. Thánh giáo
khuyết mà lại toàn, thương sanh tội mà lại phúc. Dập tắt ngọn lửa nồng
hỏa trạch, dắt khỏi đường mê; lắng trong làn sóng dục ái hà, đồng
lên bờ giác. Thế mới biết, ác do nghiệp trụy, thiện bởi duyên thăng,
cái cớ thăng hay trụy đều chỉ tại lòng người. Ví như: quế mọc trên
đỉnh cao, sương móc mới thấm nhuần được ngọn; sen sanh trong nước biếc,
bụi nhơ khó vấy bợn đến hoa. Ðó không phải là tánh sen tự sạch, chất
quế vốn trinh, chỉ bởi ở tại nơi cao, nên vật hèn không thể lụy; nương
vào chốn tịnh, nên loại bẩn khó làm nhơ. Kìa như cây cỏ vô tri, còn phải
nhờ thiện mới nên thiện; huống hồ loài người có biết, lại chẳng bởi
lành mà thành lành. Những mong kinh này lưu khắp, trải bao nhật nguyệt vô
cùng, phúc ấy nhuần xa, sánh với càng khôn vĩnh viễn.
[Bản dịch của Thượng tọa Thích Trí Thủ và
Thượng tọa Thích Thiện Siêu. Chú thích thêm:
(1) Tam không: không, vô tướng, vô tác: ba môn giải
thoát
(2) Tứ nhẫn: Trong kinh Tư Ích về phẩm Tứ nhẫn
nói: Bồ tát có bốn pháp nhẫn để tiêu trừ tội phá giới: một là vô
sanh nhẫn, hai vô diệt pháp nhẫn, ba nhân duyên nhẫn, bốn vô trú nhẫn.
Các vị Bồ tát quan sát bốn điều nhẫn này khi chứng được thì tội
phá giới thảy được tiêu trừ.
(3) Bát thủy: Tên tám con sông lớn Ấn Ðộ.
Trong kinh Niết Bàn về phẩm Trường thọ nói rằng: Phật bảo ngài Ca Diếp,
như tám con sông lớn, một Hằng Hà, hai Cát Ma La, ba Bát La, bốn A Di La Bạt
Ðề, năm Ma Hà, sáu Tân Ðầu, bảy Bát Xoa, tám Tất Ðà đều chảy về
biển cả.
(4) Khẩu hải: ý nói khẩu thuyết thao như sóng
biển
(5) Tám tạng: Ðại, Tiểu mỗi thừa đều có bốn
tạng là kinh, luật, luận, tụng.]
Khi bài tựa đọc xong, triều thần
chúc mừng Ngài Huyền Trang; Hoàng thái tử Lý Trị (tức là Ðường Cao Tông
sau này) lại chế bài "Thuật Thánh Ký" để tặng Ngài.
Tháng 10 năm ấy, Hoàng thái tử Lý
Trị, vì muốn kỷ niệm báo ân mẫu thân mình, nên xây dựng tại Tràng An
một cảnh chùa đồ sộ, lấy tên là chùa Từ Ân. Trong chùa có một sở
đặc biệt dành cho việc phiên dịch gọi là "Phiên kinh viện". Vua
triệu Ngài Huyền Trang đến đấy để tiếp tục việc phiên dịch cho đủ
tiện nghi.
Cuộc đón rước Ngài Huyền Trang
đến chùa Từ Ân đã được triều đình tổ chức rất trọng thể:
Mở đầu đám rước là một pho tượng
lớn cung nghinh trên một cỗ xe, hai bên tả hữu có hai tràng phang lớn nêu
cao trên hai xe khác. Tiếp theo sau là 1.500 chiếc xe trang hoàng lộng lẫy,
300 lọng gấm, 200 ảnh tượng thêu hay vẽ trên lụa, 500 tràng phang bảo
cái thêu bằng kim tuyến. Rồi đến tất cả những kinh điển đã thỉnh
ở Ấn Ðộ về cũng được rước trên những hương án chở trên xe. 50 vị
Trưởng lão Hòa thượng được rước trên 50 chiếc xe, còn Tăng, Ni thì
đi bộ theo sau, vừa đi vừa tung hoa và tụng niệm. Sau nữa là các văn
quan và võ quan sắp hàng theo thứ tự cấp bậc. Cuối cùng là chín ban nhạc
trong nội phủ, dàn ra thành hai hàng dài, vừa đi vừa tấu nhạc.
Dân chúng Tràng An đều đổ xô ra
xem, ban tổ chức phải huy động đến 1.000 binh lính để theo giữ trật tự
ở hai bên đường. Trong lúc ấy, vua Ðường Thái Tông cùng Hoàng thái tử
Lý Trị và cung phi mỹ nữ đứng trên lầu Nhân Phúc Môn, kính cẩn bưng
lư hương nghi ngút trầm, nhìn theo đám rước đang diễn hành vô cùng ngoạn
mục và trang nghiêm trên các đường phố đi đến chùa Từ Ân.
Ðường Thái Tông lúc bấy giờ đã
già yếu. Sau một cuộc đời tung hoành ở các trận mạc, vô cùng sôi nổi
hiên ngang, Thái Tông cảm nghe mệt mỏi, thích thú thanh nhàn tĩnh mịch. Do
đó, mối thâm tình giữa Thái Tông và Ngài Huyền Trang lại càng tăng lên.
Vua thường vời Ngài vào cung giảng đạo và nhất là kể lại cuộc Tây
du đầy mạo hiểm kỳ lạ của Ngài cho vua nghe, hay cùng vua đi dạo.
Sau khi Ðường Thái Tông mất (10
tháng 7 năm 649), Ngài ít khi bước chân ra khỏi cửa chùa Từ Ân, chỉ
chuyên tâm vào việc phiên dịch. Ngài sợ thọ mệnh của mình hữu hạn,
không làm xong được công tác nặng nề, khó khăn ấy nên lại càng sách lệ
mình tinh tấn làm việc, hết ngày lại đêm không biết mệt.
Chúng ta hãy nghe Ðại đức Huệ Lập,
một vị đệ tử thường túc, từng theo Ngài 20 năm, thuật lại sự tinh tấn
của Ngài:
"Ngài ở Từ Ân, chuyên lo
phiên dịch, ngày nào gặp việc, dịch chưa xong, thì đêm đến, dịch thế
lại, dịch cho đến chỗ đã làm dấu trước trong nguyên bản mới dừng
bút. Khi dịch xong, Ngài xếp sách đi lễ Phật, kinh hành đến canh ba mới
tạm nghỉ. Sang canh năm Ngài đã trở dậy, đọc to bản kinh chữ Phạn, lấy
điểm son làm dấu thứ tự, định trước những đoạn sẽ dịch trong ngày.
Mỗi ngày, sau giờ ngọ trai, và lúc hoàng hôn, Ngài giảng kinh luận mới dịch,
và giải đáp nhưng nghi nghĩa mà các học tăng khắp nơi thường đến thỉnh
giáo. Ngoài ra, vì chức vị trụ trì tại chùa của Ngài, nên mọi tăng
sư, mọi công quả trong chùa Ngài đều phải đặt mắt đến và giải quyết.
Tối lại, hàng trăm đệ tử trong chùa đều đến cầu Ngài dạy bảo. Ðầy
nhà, đầy hiên đều là nơi thù đáp, không bỏ sót một ai. Tuy phải nhiều
việc bận rộn như thế, mà lúc nào thần khí của Ngài cũng vẫn thư thái,
chẳng chút ủ trệ. (Ðại Từ Ân Tam Tạng Pháp sư truyện).
Vua Cao Tông, kế vị vua Thái Tông
đối với Ngài cũng rất kính mến, trọng nể, nhưng thỉnh thoảng Ngài mới
đến yết kiến, vì sợ làm mất thì giờ cho công tác phiên dịch mà Ngài
cho như là công tác chính, vô cùng cấp bách sau cuộc Tây du.
Tháng 3 năm 652 (năm Vĩnh Huy thứ
ba) Ðường Cao Tông, vì muốn làm nơi chứa kinh điển và tượng Phật đem
từ Ấn Ðộ về, mới dựng một tòa tháp năm tầng ở phía Tây chùa Từ
AÂn. Từ ngày khởi công, cứ sáng sớm, người ta thấy một vị sư già
ngoài 50 tuổi, cùng mọi người gánh vác gạch đá, mới nhìn không ai có
thể nhận ra vị sư ấy chính là Ngài Pháp sư Huyền Trang, người đã được
các vua chúa từ Ấn Ðộ đến Trung Hoa kính bái như một bậc thầy cao cả.
Ngài cùng thợ xây dựng tháp ấy trong hai năm mới xong. Tòa tháp ấy ngày
nay vẫn còn sừng sững đứng ở thành Tây Ân, tỉnh Thiểm Tây.
Sau đó năm năm, Ngài lại dịch
được thêm 10 bộ kinh luận nữa. Bấy giờ Ngài đã già yếu, vì đã mất
sức quá độ trong cuộc Tây du và trong việc phiên dịch. Ngài thường có
chứng đau ngực, mà Ngài đã mắc phải trong khi vượt qua núi Thống Lĩnh.
Ðau thì Ngài dùng thuốc, chứ không bao giờ nghỉ việc phiên dịch và dạy
học.
Tháng 2 năm Hiển Khánh thứ hai
(657), vua Cao Tôn ngự đến Lạc Dương sắc Ngài bồi tụng. Ngài dẫn theo
năm vị Cao tăng chuyên dịch kinh điển, mỗi vị này lại đem thêm một đệ
tử, đến ở Tích Túy cung tiếp tục việc dịch kinh.
Lạc dương là quê quán của Ngài
và đây là lần đầu tiên Ngài được dịp về thăm quê hương sau gần 40
năm xa cách. Thân thuộc Ngài bấy giờ chỉ còn một người chị già, lấy
chồng ở Doanh Châu. Ngài cho người đi đón chị về. Chị em gặp nhau mừng
mừng tủi, không nói nên lời. Ngài nhờ chị dẫn đến mộ phần của
song thân, qua đời đã gần 40 năm trước trong lúc nhà Tuy đang cảnh loạn
lạc. Nhận thấy mộ phần song thân lâu ngày bị bỏ đồi tệ, Ngài tự
đi tìm đất, sắm quan quách cải táng hài cốt của song thân. Trong cuộc cải
táng này, cả Tăng lẫn tục có trên mười ngàn người đi đưa.
Sau khi cải táng, Ngài nhận thấy
chùa Thiếu Lâm, tại núi Thiếu Bửu, quê hương Ngài, cảnh trí rất đẹp
đẽ, thanh tịnh, Ngài dâng biểu xin Vua vào đấy ở tu và chuyên việc dịch
kinh. Trong lời biểu có câu: "Cái tuổi 60 đã đến nơi" (lục thập
chi niên liệp yên dĩ chí), mà "từ nhỏ đến giờ chỉ chuyên tinh về
giáo nghĩa còn đối tam thuyền, cửu định chưa rảnh an tâm, nếu không
lánh ở trong núi chưa dễ thành tựu". Ðể Vua Cao Tông chuẩn y, Ngài hứa
khi đến ở chùa Thiếu Lâm, ngoài giờ thiền quán, Ngài vẫn tiếp tục việc
phiên dịch. Nhưng Vua vẫn xuống chiếu không thuận!
Ðến 65 tuổi, tại Ngọc Hoa Cung,
Ngài bắt đầu dịch bộ kinh sau cùng bằng chữ Phạn rất to tát khó khăn
là bộ Ðại Bát Nhã kinh, tổng cộng có hai trăm ngàn (200.000) bài tụng.
Các đệ tử đều cho là số chữ
nhiều quá, nên rút ngắn lại. Ngài Huyền Trang trái lại, có quan niệm rằng
việc phiên dịch không nên vì số chữ nhiều mà cắt bớt nguyên văn và dịch
tắt để làm mất nguyên ý. Ngài chủ trương không bỏ một chữ nào, cứ
phiên dịch theo thật đúng toàn bộ. Thật là một quan niệm rất sáng suốt,
và phương pháp làm việc của Ngài cũng rất khoa học. Ngài lấy ba bộ
"Ðại Bát Nhã" không cùng một mẫu đem từ Ấn Ðộ về, hễ đến
đoạn nào ngờ, thì đem ra so sánh, hiệu duyệt cẩn thận đến hai, ba lần
mới dám hạ bút.
Trước khi cầm bút dịch bộ kinh
đồ sộ này, Ngài nói với chư Tăng:
"Trang nay đã 65 tuổi, tất sẽ
lâm chung tại Già lam này, mà kinh bộ thì quá lớn, sợ e dịch không trọn
được. Vậy chư vị hãy gắng sức gia công, chớ từ lao khổ".
Ngài và các đệ tử tinh tấn làm
việc, không một chút trễ biếng, trong hơn ba năm trời, mới dịch xong bộ
kinh gồm 600 quyển ấy (tháng 11 năm 663). Năm ấy, Ngài đã là một ông
già 68 tuổi. Và ngày từ giã cõi đời cũng sắp đến với Ngài rồi!
*
* *
XVII. TỪ GIÃ CÕI ÐỜI
Sau khi phiên dịch tổng cộng 75 bộ
kinh chữ Phạn, gồm 1.335 quyển, Ngài Huyền Trang nhận thấy sức lực
mình đến đây đã suy nhược lắm rồi, và ngày từ giã cõi đời cũng không
còn bao lâu nữa.
Nhưng vào cuối tháng Giêng năm Lân
Ðức nguyên niên (664), các vị đại đức dịch kinh và đồ chúng ân cần
xin Ngài dịch tiếp bộ kinh Ðại Bảo Tích. Mặc dù đã 69 tuổi và trong
mình đã suy yếu lắm rồi, Ngài vẫn nắm bút gắng gượng dịch để khỏi
phụ lòng tha thiết của chúng Tăng. Dịch được ít dòng, Ngài đặt bút
xuống, xếp bản sách chữ Phạn lại mà bảo đại chúng rằng:
"Số lượng bộ kinh này cũng bằng
số lượng kinh Ðại Bát Nhã, Huyền Trang tự lượng khí lực không còn dịch
nổi. Giờ chết đến, thế không lâu nữa. Nay ta muốn qua hang Chi Lan lễ từ
Phật tượng mà thôi".
Môn nhân tăng chúng liền cùng đi với
Ngài, vừa đi vừa nhìn nhau ứa lệ. Lễ Phật xong, Ngài trở về chùa, nghỉ
hẳn việc dịch, chỉ chuyên tinh hành đạo. Nửa đêm mồng Năm tháng Hai,
Ngài viên tịch.
Trước khi tịch, Ngài hội đệ tử
lại dạy rằng:
"Ta nhận biết ngày lâm chung của
ta sắp đến rồi. Sau khi ta mất, các người hãy tống táng ta một cách
đơn sơ, giản dị. Hãy bó di hài ta vào một manh chiếu và an táng ở một
nơi nào thâm u tĩnh mịch, chứ đừng bày vẽ nhiều điều vô ích".
Vài giờ trước khi mất, sau một
giấc ngủ, Ngài thức dậy và hoan hỷ kể cho các đệ tử nghe rằng Ngài
vừa nhận thấy một tòa sen rất lớn và vô cùng đẹp đẽ nở ra trước
mắt. Ngài lại chiêm bao thấy những người rất cao lớn ăn mặc toàn gấm
vóc, nắm những giải lụa thêu hoa và thất bảo, từ phòng Ngài đi sang phòng
phiên dịch để trang hoàng, từ trong cho đến ngoài phòng. Ngài lại nói với
các đệ tử:
"Các người hãy bình tĩnh và
hoan hỷ từ giã cái thân giả tạm này sau khi nó đã làm xong nhiệm vụ.
Ta nguyện đem công đức này hồi hướng khắp tất cả chúng sanh, và cùng
chúng sanh chứng nhập cung trời Ðao Lỵ. Ta nguyện, trong những kiếp sau,
trở về cõi Ta bà này để hóa độ chúng sanh cho đến khi được giác ngộ
hoàn toàn.
"Nam Mô Di Lặc Tôn Phật, xin
Ngài hãy thị hiện trong cõi Ta bà này để đệ tử và chúng sanh được
chiêm ngưỡng. Nam Mô Di Lặc Tôn Phật, xin Ngài hãy độ cho đệ tử được
vào hàng thánh chúng của Ngài".
Pháp sư Huyền Trang nhập định và
trút hơi thở cuối cùng. Sắc mặt Ngài vẫn hồng hào và nét mặt Ngài phản
chiếu một niềm hoan lạc vô biên.
Ngài mất vào giữa đêm mồng 5
tháng 2 năm 664, tại Ngọc Hoa Cung, hưởng thọ 69 tuổi. Nghe tin Ngài từ trần,
vua Ðường Cao Tông không cầm được nước mắt, bãi triều ba ngày và
nói với các quan cận thần:
"Trẫm nay mất một quốc bảo!"
Lễ an táng của Ngài cử hành vào
ngày 14 tháng 4 tại Bạch Lộc Nguyên, với sự tham dự của hơn 1 triệu
người (1.000.000) ở Tràng An và các miền phụ cận; trong số ấy có ba mươi
ngàn người làm lều ở cạnh mộ Ngài mà ở.
Chỉ với con số người hộ táng
ấy cũng đủ hình dung được sự cảm phục và thương mến của người
đồng thời đối với Ngài thiết tha biết bao nhiêu!
Mục lục
| 1 | 2 | 3 | 4 | 5