Phật lịch 2539 - 1995
-
TIỂU SỬ
-
DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX
III. GIAI ĐOẠN THỐNG
NHẤT PHẬT GIÁO ĐẦU TIÊN
HÒA THƯỢNG
(1891 - 1951)
Hòa thượng Liên Tôn,
thế danh Võ Trấp, hiệu Đồng Gian (Thiện Minh Tử), pháp danh Như Phước, tự
Giải Tiềm, hiệu Huyền Ý (Liên Tôn là tên ngôi chùa do Ngài khai sơn năm
được 41 tuổi).
Ngài sinh ngày 19
tháng 9 năm Tân Hợi (1891) tại làng Hưng Trị, xã Cát Thắng, huyện Phù Cát,
tỉnh Bình Định.
Ngài là con út lại là
trai duy nhất trong gia đình có truyền thống khoa bảng. Cha mẹ là ông bà
Tú tài Võ Toản và Lê Thị Viện pháp danh Trừng Viện. Ngay sau khi sinh,
thân mẫu đã đem Ngài đến quy y với Hòa thượng chùa Tịnh Lâm (huyện Phù
Cát) hiệu Từ Mẫn, được ban pháp danh Như Phước.
Năm 1899, khi vừa 8
tuổi, Ngài được gia đình cho mời thầy về tận nhà để dạy học, với ước
nguyện mai sau, Ngài sẽ tiếp nối con đường khoa bảng, vinh hiển như cha,
anh. Vì thế Ngài đã sớm làu thông chữ Hán lẫn Quốc ngữ.
Năm 1910, khi vừa 19
tuổi, vì là con trai duy nhất nên Ngài đành thuận ý cha mẹ để lập gia đình
với cô Phạm Thị Thuận người cùng làng, đã được cha mẹ đôi bên ngầm giao
kết từ lâu(1).
Ngài thi đổ bằng Tú
tài năm 21 tuổi nhờ vào sức học tinh tấn và sự hỗ trợ của gia đình. Năm 23
tuổi, Ngài tốt nghiệp ngành sư phạm và được bổ ngay học vị Giáo sư.
Thời gian tiếp theo,
Ngài vừa dạy học vừa chuyên tâm nghiên cứu kinh tạng. Nhờ uyên thâm Hán
học và khả năng nhận thức, Ngài dễ dàng thâm nhập vào tinh hoa Phật pháp.
Đồng thời Ngài hướng dẫn gia đình cùng tu, khuyến hóa người chung quanh
đến với Phật giáo. Trong quá trình tham cứu nội tạng kinh điển, Ngài đặc
biệt chú ý đến bộ sách hai quyển Long Thơ Tịnh Độ (Do hòa thượng Bích Liên
- Trí Hải cho mượn). Đó là nhân duyên phát khởi và cũng là nội dung hành
hóa được Ngài mang theo suốt cả quảng đời.
Năm 1929, lúc 38
tuổi, Ngài đến xin xuất gia với Tổ Từ Mẫn, chùa Tịnh Lâm Bình Định(2).
Tuy xuất gia muộn,
nhưng do thời gian còn tại gia Ngài đã tiếp xúc nghiên cứu và thâm nhập
Tam tạng giáo điển, hơn nữa, nhờ được gần gũi với Ngài Trí Hải, nên Ngài
sớm tỏ ngộ thiền lý và nhanh chóng trở nên một vị học hạnh kiêm toàn.
Trong giai đoạn này, từ sở học uyên thâm và được chư sơn khuyến khích,
Ngài đã sáng tác bài thơ nổi tiếng bằng chữ Hán tựa là “Đáo Liên Thành
Lộ”.
Năm Tân Mùi (1931)
Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học theo đề nghị của Hòa thượng Bích Liên và
Hòa thượng Khánh Hòa, đã cử Ngài vào Nam để nhận trọng trách Phó Chủ bút
tạp chí Từ Bi Âm, cùng điều hành tòa soạn với Hòa thượng Bích Liên.
Nhờ sự hợp lực tâm
đắc ấy trong thời gian từ 1932 đến 1938, Ngài đã góp phần đưa tạp chí Từ
Bi Âm trở thành một công cụ truyền bá Phật học uy tín nhất, nổi tiếng nhất
thời bấy giờ, góp phần vào công cuộc chấn hưng Phật giáo đang trong giai
đoạn phát triển mạnh mẽ. Để tán thán công đức Ngài, tạp chí Từ Bi Âm đã
dành hẳn một số để giới thiệu về thân thế sự nghiệp Ngài.
Năm Nhâm Thân (1932)
Ngài về lại quê nhà, khai sơn chùa Liên Tôn(3), xong Ngài trở vào Nam
tiếp tục sự nghiệp Phó chủ bút báo Từ Bi Âm và danh từ Liên Tôn theo
truyền thống miền Trung được dành gọi thay tên Ngài.
Năm Mậu Dần (1938)
báo Từ Bi Âm bị đình bản, Ngài về chùa Liên Tôn, tiếp tục nghiên cứu giáo
pháp bên cạnh phụ thân.
Năm Kỷ Sửu (1949)
trong tình hình đất nước đang bước vào giai đoạn quan trọng và vì muốn đem
đạo hòa nhập vào thời cuộc. Ngài đã hoan hỷ nhận lời mời của chư vị có
nhiệt tình cách mạng, nhận chức Hội trưởng hội Phật giáo Cứu quốc Liên khu
5.
Trong cương vị mới mẻ
ấy, Ngài đã được các vị cùng thời hỗ trợ và ủng hộ rất nhiệt tình. Trong
ban lãnh đạo Hội có Hòa thượng Phước Hộ và Hòa thượng Trí Nghiêm là hai ủy
viên và Hòa thượng Huyền Quang là Tổng thư ký.
Từ đó về sau, Ngài
luôn thể hiện tinh thần tiến thủ mang nhiều ý niệm cách tân và củng cố nếp
sống thiền gia cho Tăng chúng theo tinh thần Phật giáo phát triển. Đáng kể
nhất là chủ trương Thiền Tịnh song tu. Kế nữa là việc rộng mở theo giới
luật tìm mọi phương cách khả thi để Ni giới có điều kiện thực nhập tiến tu
theo đà phát triển, đúng với chủ trương chấn hưng.
Các đệ tử thọ pháp
trực tiếp với Ngài rất nhiều, hiện nay chỉ còn Hòa thượng Đồng Huy, về
phía Ni giới có Sư bà Tâm Đăng trú trì chùa Linh Sơn(4) v.v...
Một điểm đáng lưu ý
Sư bà Hương Quang(5) là người con thứ tám của Ngài cũng nối gót theo con
đường giải thoát trong thời gian Ngài trở về khai sơn Liên Tôn Tự. Sư bà
thọ pháp xuất gia với Hòa thượng Trí Hải, sớm trở nên một trong nhiều Ni
chúng xuất sắc thời ấy, xứng đáng trong hàng hậu duệ tích cực nhất không
chỉ vì mối quan hệ trực thuộc gia đình mà còn do sở học và ý chí tiến tu.
Năm Tân Mão (1951)
Tỉnh Hội Phật Giáo Bình Định tổ chức khóa huấn luyện cán sự hành chánh tại
xã Cát Thắng, huyện Phù Cát vào ngày 18 tháng giêng. Trong hàng tứ chúng
có sự hiện diện của Ngài. Đến ngày 27 tháng giêng, khóa học được bế mạc và
theo lời mời của Ngài, toàn thể nhân sự của khóa huấn luyện đều về chùa
Liên Tôn thọ trai. Chính trong ngày ấy, Ngài đã thị tịch trước đại chúng
có mặt, hưởng thọ 60 tuổi đời, 22 giới lạp.
Hiện tháp của Ngài
tọa lạc phía Tây Nam trong khuôn viên chùa Liên Tôn.
Tác phẩm của Ngài,
ngoài bài thơ Đáo Liên Thành Lộ còn có trước tác và phiên dịch:
- Sa Di Luật diễn
nghĩa.
- A Di Đà kinh diễn
nghĩa.
- Kim Cang Bát Nhã
diễn nghĩa.
- Chứng Đạo Ca diễn
nghĩa.
- Kinh Pháp Bảo Đàn.
- Luận về Nhơn Quả.
- Luận về Niết Bàn.
- Nghiên cứu duy thức
A Lại Da.
- Luận về sáu pháp Ba
La Mật.
- Luận về Chánh tín -
Mê tín.
Tiểu thuyết:
- Hiếu nghĩa cảm
phẩm.
- Tu là Cội phúc.
Rất tiếc, các tác
phẩm này, đáng kể nhất là bài thơ Đáo Liên Thành Lộ, cho đến ngày nay vẫn
còn thất lạc chưa tìm được(6).
Với bấy nhiêu công
đức, Pháp sư Liên Tôn xứng đáng nhận sự kính trọng và mến mộ của thời nhân
và hậu thế.
[1]Chú thích :
[1]
1) Có tài liệu khác:
Ngài đã có con trai, con gái, có người tham gia kháng chiến. Riêng người
con gái có tập kết ra Bắc năm 1954 và đã trở về quê nhà sau 1975.
2) Có nơi ghi rằng
Ngài đã cầu xuất gia với Hòa thượng Trí Hải.
3) Chùa Liên Tôn được
tái thiết lần đầu vào năm Bính Thân (1956). Năm Giáp Thìn (1964) bị chiến
tranh tàn phá, mãi đến năm Tân Dậu (1981) mới được tái tạo quy mô lần thứ
hai. Cả hai lần tái tạo ấy đều do Sư bà Hương Quang đứng ra thực hiện.
4) Hòa thượng Đồng
Huy nay là Trưởng Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Bà Rịa - Vũng Tàu. Sư bà
Tâm Đăng được Ngài ban pháp hiệu dựa theo kệ “TÁNH, HẢI, THANH, TRỪNG,
TÂM, NGUYỆN, QUÃNG, NHUẬN “ của Tổ Thiệt Diệu (dòng kệ quy y) nhưng pháp
tự lại là Hạnh Viên (theo kệ Pháp Tự) “TỔ, ĐẠO, GIẢI, HẠNH, THÔNG v.v...”
của Tổ Minh Hải (dòng Thế Độ).
5) Sư bà Hương Quang
được Hòa thượng Trí Hải ban pháp danh là THÍCH NỮ TỊNH VIÊN, thế danh là
Võ thị Kim Đính.
6) Có tài liệu cho
biết các trước tác, dịch thuật của Ngài hiện Sư bà Thích Nữ Tịnh Viên, Tọa
chủ Hương Quang Ni Viện, ở thôn Trung Tín, thị trấn Tuy Phước, lưu giữ
(chúng tôi chưa kịp xác minh, sưu tầm).
***
HÒA THƯỢNG
(1873 - 1953)
Hòa thượng húy Thanh
Kế, hiệu Huệ Đăng, thế danh là Lê Quang Hòa, sinh năm Quý Dậu (1873) nhằm
triều Tự Đức năm thứ 26, tại xã An Đông, huyện Bình Khê, nay là huyện Tây
Sơn, tỉnh Bình Định, trong một gia đình Nho học.
Thân phụ Ngài là một
nhà Nho, nên Ngài đã được thụ giáo từ khi mới lên 5 tuổi. Đến 7 tuổi Ngài
được vào học trường huyện. Nhờ bẩm chất thông minh, Ngài luôn chiếm ưu
hạng. Sau một thời gian Ngài được chuyển lên học trường tỉnh. Đây là nơi
Ngài có thể sôi kinh nấu sử để mai sau danh chiếm bảng vàng, làm rạng rỡ
tông đường. Ngờ đâu ngày 22 tháng 5 năm Ất Dậu (1885) kinh đô Huế thất
thủ. Vua Hàm Nghi phải xuất bôn, và xuống chiếu Cần Vương. Vừa lúc đó có
kỳ thi Hương tại trường thi Bình Định, các sĩ tử cùng nhau bãi thi, phá
trường, hô hào tham gia phong trào Cần Vương, chống Pháp cứu nước. Ngài
cũng xếp bút nghiên, gia nhập hàng ngũ nghĩa quân Bình Định của các Ông
Mai Xuân Thưởng, Bùi Điều.
Năm Đinh Hợi (1887),
sau khi lực lượng nghĩa quân Cần Vương bị Pháp đàn áp, các thủ lãnh lần
lượt hy sinh, Ngài phải lánh nạn vào vùng Bà Rịa, tạm khoát áo thầy đồ che
mắt quân địch, để chờ cơ hội và tìm đồng chí. Ngài đã đi khắp các tỉnh
miền Đông xuống tới Gò Công. Đi đến đâu Ngài cũng đều thất vọng vì bấy giờ
người Pháp đã đặt xong nền cai trị với bộ máy đàn áp và tay sai khắp nơi.
Phong trào Cần Vương không có ảnh hưởng gì ở miền Nam. Chán nản, Ngài lại
quay về Bà Rịa, tạm ẩn mình nơi nhà người bạn cũ năm xua.
Năm 1900, một hôm,
đang dạo bước lên đồi Chân Tiên, lòng bâng khuâng vì thời cuộc, bỗng xa
vọng lại tiếng chuông chùa trầm buồn giữa núi rừng thâm u thanh vắng, Ngài
chợt thức tỉnh giấc mộng trần. Sáng hôm sau Ngài tìm đến chùa Long Hòa Cổ
Tự gặp Sư Tổ Hải Hội-Chánh Niệm. Qua phong thái và tâm tình của Ngài, Tổ
trú trì đoán đây là người lương đống cho Phật pháp trong tương lai, nên
lấy lời cảnh tỉnh khuyên Ngài xuất gia hành đạo. Nghe Tổ giáo huấn, Ngài
tự nghĩ rằng “Cứu quốc không xong, thôi đành cứu đời vậy”. Từ đó Ngài xin
xuất gia học đạo, Tổ Hải Hội - Chánh Niệm truyền quy giới và ban cho Ngài
pháp hiệu là Thiện Thức. Ngài tinh tấn tu học, mau chóng am hiểu được các
việc trong thiền lâm, được Thầy Tổ mến yêu, huynh đệ kính vì.
Năm 1901, Ngài được
Bổn sư gởi đi tham học với Tổ Trí Hải ở chùa Thiên Thai Sơn Thạch Tự ở
Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ngài ở đây ba năm tinh tấn tu học, tỏ ra là người
trí tuệ uyên bác, thông suốt các kinh, luật, luận. Rồi Ngài quay về chùa
Long Hòa. Thấy đạo phong và trí huệ Ngài xứng đáng là người gìn giữ mối
đạo tương lai, Tổ Hải Hội truyền trao Cụ Túc giới và ban pháp danh là
Thanh Kế, đạo hiệu là Huệ Đăng. Năm đó, Ngài 30 tuổi (1903), Ngài được Tổ
cho trú trì chùa Kiên Linh hơn một năm. Sau đổi về trú trì chùa Phước Linh
ở xã Tam Phước cùng tỉnh Bà Rịa năm 1904 và cũng năm này, Ngài được nhập
chúng tu học với hạ lạp đầu tiên tại chùa Giác Viên, do Tổ Hoằng Ân làm
Chủ hương.
Năm Ất Tỵ 1905, Tổ
Hải Hội viên tịch ở chùa Long Hòa. Ngài phải về cư tang và lo xây dựng bảo
tháp. Thời gian này Ngài vào núi Dinh (núi Dinh Cố) khai phá Thạch động
làm nơi tĩnh tu. Ngài ở lại đây hai năm tĩnh tu thiền định, tụng kinh Pháp
Hoa. Danh đức của Ngài vang khắp, thiện tín bốn phương sùng kính ngày càng
đông, đồ chúng theo Ngài tu học càng nhiều.
Năm 1908, Ngài 35
tuổi, chùa Châu Viên ở Bà Rịa khai trường Kỳ, chư sơn mời Ngài lãnh chức
Yết Ma, đồng thời làm Pháp sư trong giới đàn đó.
Năm 1910, Ngài vẫn ở
tại Thạch động mà Ngài đặt tên là Động Thiên Thai. Thạch động nhỏ hẹp,
không phải là chốn già lam, nên Ngài nghĩ đến việc xây dựng chùa Thiên
Thai ở chân núi Dinh để tiếp Tăng độ chúng truyền bá chánh pháp.
Năm 1913 chư sơn
trong tỉnh thỉnh Ngài tổ chức giới đàn tại chùa Phước Linh xã Tam Phước,
Bà Rịa. Tại Đại giới đàn này, ngài được suy tôn làm Đường đầu Hòa thượng.
Năm 1915 (42 tuổi),
Ngài được thỉnh đến trú trì chùa Bà Lang Lệ ở Cái Tàu Thượng (Sa Đéc) do
Phật tử cúng cho Ngài. Về đây việc truyền bá Phật pháp của Ngài có cơ hội
phát triển. Rất đông chư sơn các nơi đến học và quảng đại tín đồ đến quy y
thọ giới. Từ đó Pháp hạnh của Ngài được lan truyền trong các sơn môn, nên
trong những trai đàn đại lễ, các chùa đều thỉnh Ngài làm Pháp sư hay Chứng
minh. Ngài không từ chối dù phải đi xa, như năm 1918 Ngài làm Pháp sư
trường Hương ở chùa Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự (Cà Mau), năm 1920 Ngài làm Chứng
minh trường Hương ở chùa Phước Trường v.v...
Sau một thời gian vân
du hoằng hóa ở các tỉnh Nam bộ, Ngài cùng một đệ tử về ẩn tu ở hang Mai
trên núi Dinh, sống khắc khổ để tĩnh tu thiền định. Ngài bị quan Tri phủ
sở tại nghi ngờ tổ chức chống Pháp nên bắt buộc phải rời hang Mai.
Năm 1925, Ngài lại
dẫn đồ chúng lên sườn núi Dinh khai hoang lập vườn trồng cây trái. Sau năm
năm vừa tu hành vừa làm lụng cực nhọc, vườn cây vú sữa đã có trái, đủ huê
lợi cho môn đồ no ấm tu học.
Năm 1929, Ngài trùng
tu lại ngôi Tổ đình Long Hòa được khang trang. Vì chùa đã bị hư mục sau
200 năm xây dựng. Và năm 1933, do thỉnh cầu của đồ chúng, Ngài cho xây
dựng Thiên Bửu Tháp (còn gọi là Cửu Liên Đài) ở phía đối diện chùa Thiên
Thai.
Năm 1931, Hòa thượng
Khánh Hòa, cây đại thụ của phong trào chấn hưng Phật giáo, vận động chư
sơn thành lập hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn
ở gần chợ Cầu Muối. Chẳng may trên bước đường hoằng dương chánh pháp, hội
Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học đã gặp trở ngại, nên Phật sự không tiến hành
được suôn sẻ.
Trước tình trạng đó,
các Hòa thượng có tâm huyết ở Nam kỳ tha thiết với mục đích chấn hưng Phật
Giáo, đã phải quay về chùa nhà, tỉnh nhà thành lập các tổ chức Phật giáo
với danh xưng khác nhau để tùy duyên hoằng pháp. Hòa thượng Khánh Hòa
thành lập hội Lưỡng Xuyên Phật Học năm 1934, Hòa thượng Trí Thiền thành
lập Hội Phật Học Kiêm Tế năm 1937. Cùng chiều hướng này năm 1935, Ngài
thành lập hội Thiên Thai Thiền Giáo Tông, đặt trụ sở tại chùa Long Hòa ở
Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng thời Ngài cho xuất bản tờ Bát Nhã Âm để vận động
phong trào chấn hưng Phật Giáo và hoằng dương chánh pháp. Trường gia giáo
cũng được khai giảng tại chùa Long Hòa, quy tụ hàng Phật tử xuất gia và
tại gia về tu học ngày càng đông.
Ngài thường nói với
đồ chúng rằng:"Duy trì Phật pháp chính là ở chỗ mở rộng việc hoằng hóa lợi
sanh, giáo dục thiện tín, gieo trồng duyên lành, cội phước". Chính nhờ
quan niệm đúng đắn đó, mà việc truyền bá giáo lý của Ngài được phát triển
khắp nơi.
Năm 1941, Ngài về
thăm quê nhà. Vì quá ngưỡng mộ danh đức của Hòa thượng, quan huyện Bình
Khê và một số đông nhân sĩ trong huyện đến thọ giáo và thỉnh cầu Ngài ở
lại hoằng hóa tại đây. Ngài chọn núi Ông Đốc ở xã Bình Tường - Phú Phong -
Tây Sơn - Bình Định, lập nên ngôi chùa Thiên Tôn.
Năm 1943, sơn môn
trong Nam cử người ra rước Ngài trở lại chùa Thiên Thai. Bấy giờ sức khỏe
của Ngài đã giảm sút nhiều. Ngài luôn khuyên bảo đồ chúng lo tinh tấn tu
hành, cố gắng giữ gìn chánh pháp, một lòng một dạ với sự nghiệp lợi sanh.
Ngài sắp xếp ngôi thứ trong Tổ đình Thiên Thai và nhiệm vụ truyền pháp độ
sanh trong môn đệ.
Qua năm sau (1944)
Ngài lại trở về chùa Thiên Tôn - Bình Định và đến ngày 11 tháng 7 năm Quý
Tỵ (1953) Ngài ngồi kiết già, hướng mặt về Tây, niệm Phật và viên tịch.
Bảo tháp Ngài được xây dựng trên sườn núi Ông Đốc cạnh chùa.
Công hạnh và đạo
nghiệp rực rỡ của Ngài còn thể hiện qua việc trước tác nhiều thơ văn Nôm.
Các kinh điển được Ngài diễn Nôm thường tụng còn lưu truyền rộng rãi cho
đến ngày nay:
- Kinh Vu Lan nghĩa.
- Kinh Di Đà nghĩa.
- Bát Nhã Tâm Kinh
nghĩa.
- Tịnh Độ Chánh Tông.
- Bài sám Thảo lư.
Hòa thượng Huệ Đăng
với Tổ đình Thiên Thai là tiêu biểu cho tinh thần Phật giáo gắn với truyền
thống yêu nước phụng đạo: Đất nước có độc lập tự chủ thì Phật pháp mới hóa
độ tròn duyên.
***
HÒA THƯỢNG
(1870-1953)
Hòa thượng thế danh
là Hoàng Hữu Đạo, pháp danh Như Tín, pháp hiệu Khánh Thông, sinh năm Canh
Ngọ (1870) tại làng An Thủy, tổng Bảo Trị, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre,
trong một gia đình thuộc hàng Nho gia khá giả. Thân phụ là ông Hoàng Hữu
Nghĩa. Thân mẫu là bà Đặng Thị Sa. Lúc nhỏ Ngài được theo học chữ Nho với
cụ Đồ Chiểu tại làng An Đức (Khi cụ từ Cần Giuộc - Long An lánh nạn về đây
mở trường dạy học). Là học trò cụ Đồ Chiểu, nên Ngài có tài về dịch học và
giỏi về Đông y.
Trước khi xuất gia,
Ngài sinh hoạt theo đạo lý luân thường của Khổng Mạnh, chí hiếu với cha
mẹ, hòa nhã thân thiết với hương thôn tổng huyện. Quan, dân trong vùng coi
Ngài như bậc thiện trí thức gương mẫu uy tín của tỉnh Bến Tre. Ngài có
biệt tài về thơ phú, xuất khẩu thành chương, ứng đối mau lẹ và viết chữ
rất đẹp. Hàng năm cứ vào dịp gần tết, người trong làng thường nhờ Ngài
viết giúp các câu đối, câu liễn để treo trên bàn thờ gia tiên. Ngài còn có
trí nhớ tốt, thuộc rất nhiều kinh sử trong Tam giáo Cửu lưu. Tài hùng biện
lưu loát của Ngài dễ lôi cuốn người nghe trong các cuộc đàm đạo giao lưu.
Một hôm, tự thân suy
gẫm về thế cuộc nhân sinh, Ngài bỗng nhớ đến câu:
Nhơn tình tợ chỉ,
trương trương bạc
Thế sự như kỳ, cuộc
cuộc tân.
Nghĩa là:
Tình người giống như
tờ giấy mỏng
Cuộc đời chẳng khác
nào bàn cờ, thắng bại đổi thay luôn.
Và thấy thấm thía lẽ
vô thường. Hạt giống xuất gia nẩy mầm trong Ngài. Năm 1897 (27 tuổi), Ngài
đến chùa Long Khánh xã Bình Tây xin quy y thế độ với Hòa thượng Chấn Bửu,
được ban pháp danh Nguyên Nhơn. Sau Ngài lại đến cầu chánh pháp nhãn tạng
với Tổ Minh Lương tức Thiền sư Chánh Tâm ở chùa Kim Cang tỉnh Tân An, được
ban pháp danh Như Tín, pháp hiệu Khánh Thông. Ngài là đồng môn huynh đệ
với Hòa thượng Thích Khánh Hòa.
Năm 1907 (Đinh Mùi),
Ngài trở về làng An Thủy phát tâm khuyến giáo kiến tạo ngôi Tam bảo đặt
tên là Bửu Sơn Tự. Khi làm lễ khánh thành chùa và an vị Phật, Ngài kết hợp
mở Đại giới đàn cung thỉnh Hòa thượng Bổn sư Minh Lương chùa Kim Cang giữ
ngôi vị Đàn đầu Hòa thượng truyền giới. Còn Ngài được chư sơn cùng giới tử
mời giữ chức Yết Ma A Xà Lê. Qua giới đàn này, danh tiếng của Ngài bắt đầu
vang khắp các sơn môn. Thiện nam, tín nữ quy ngưỡng về Ngài cầu mong được
thọ ân pháp nhũ. Đương thời có bà Lê Thị Ngỡi, pháp danh Như Ngỡi ở làng
Tân Hào, chợ Hương Điểm là một nhà đại thí chủ, tôn kính Ngài như Bổn sư.
Phàm những Phật sự phước đức nào bà phát tâm cúng dường cũng phải có Ngài
chứng minh mới được.
Ngày rằm tháng 2 năm
Quý Hợi (1923), Ngài được cung thỉnh lên ngôi vị Đàn đầu Hòa thượng ở Đại
giới đàn chùa Thắng Quang. Đến năm Tân Mùi (1931), Ngài lại được cung
thỉnh giữ chức Đàn đầu Hòa thượng Đại giới đàn ở chùa Long Nhiêu (Bến
Tre).
Ngài là người có vốn
Nho học, lại thêm đức độ và uy tín thiền gia nên đồ chúng về đảnh lễ tu
học rất đông. Trong phong trào chấn hưng Phật giáo, Ngài đã góp phần đào
tạo thế hệ Tăng tài đáp ứng cho cuộc chuyển mình của Phật giáo. Lớp Tăng
sĩ trẻ này đã làm nền tảng cho Hòa thượng Khánh Hòa trong mọi công tác
Phật sự. Để phân biệt đệ tử của Hòa thượng Khánh Thông và đệ tử của Hòa
thượng Khánh Hòa: Đệ tử Ngài Khánh Thông mang pháp danh chữ Vĩnh, như Vĩnh
Huệ, Vĩnh Đạo, Vĩnh Tấn... Đệ tử Ngài Khánh Hòa thì mang pháp danh chữ
Thành, như Thành Đạo, Thành Lệ...
Năm Giáp Ngọ (1933)
vào ngày mùng 3 tháng 8 sau khi tụng xong một thời kinh, thấy người hơi
mệt, biết trần duyên đã mãn, sắp buông xả thân tứ đại, Ngài bèn cho gọi
các đệ tử tới bên cạnh, kể lại quảng đời hành đạo của mình, để tỏ lòng tri
ân với Tổ đình Long Khánh, Tổ đình Kim Cang, cùng với huynh đệ đồng môn
xuất gia tu học từ hồi niên thiếu. Ngài lại khuyên bảo chúng đệ tử xuất
gia, tại gia kiên tâm bền chí lo việc tu hành, chớ nên buồn rầu. Nói rồi
Ngài vui vẻ thâu thần về cõi Phật, hưởng thọ 83 tuổi đời, 55 giới lạp.
Mục lục | Lời giới thiệu |
Ý kiến |
Lời nói đầu | Phần I |
Phần II | Phần III |
Phần IV |
Phần V |
Phần VI |
Phần VII.