Từ muôn trùng xa
xôi diệu viễn, chúng tôi đã đến Ấn Độ bằng những tâm trạng vô
cùng phức tạp. Những bước chân đàu dọ dẫm trên miền đất mới. Những
ấn tượng sâu đậm chập chùng đã sống dậy trong tâm hồn chúng tôi.
Là những đứa con của Phật, là những người đã chọn cho mình lối sống
truyền thống của người thoát ly, dĩ nhiên chúng tôi luôn ao ước được
đặt chân đến nơi đã từng là trụ xứ của người cha tinh thần của
chúng tôi, của người cha hiền mà chúng tôi quen gọi là từ phụ.
Trong truyền thống Việt Nam, do ảnh hưởng
nặng nề nền tư tưởng Khổng giáo của Trung Hoa, người cha luôn đóng
vai trò của một ‘nghiêm thân’, luôn là một tàng cây vững chải cho cả
gia đình nương tựa, chứa trong thân những thớ gỗ ngọt ngào đầy nhựa
sống nhưng lại được bao bọc bên ngoài bằng lớp vỏ sần sùi khô cứng.
Hình ảnh người cha là bóng dáng của một con người nghiêm nghị như thế
đó, trong khi người mẹ là ‘từ mẫu’ luôn dịu dàng săn sóc đàn con,
tâng tiu con khi bị ngã, an ủi con lúc buồn đau. Người mẹ như những chiếc
cành non với những chiếc lá xanh tươi nõn nà luôn cho con những bóng mát
của tình thương. Hai đấng ‘từ nghiêm’ là hai tính từ dành cho cha và
mẹ. Trong đạo Phật thì khác; Đức Phật là một người cha, hình ảnh của
sức mạnh và của nơi nương tựa, nhưng lại đầy tình thương của một
người mẹ, nên trong đạo Phật ngài được xem là đấng Từ Phụ. Nơi sản
sinh ra Ngài đối với chúng tôi vừa là quê cha, quê hương của nguồn gốc
của giống nòi, lại vừa là quê mẹ, quê hương của tình thương ngọt ngào.
Đến từ miền ôn đới Âu Châu chúng tôi đón nhận cái nóng hắt của
Ấn Độ khi bước chân ra khỏi phi cơ như những ân tình nồng cháy của
người cha hiền dành cho chúng tôi. Những đoạn đường chúng tôi đã qua,
từng bước chân chúng tôi dò dẫm theo lối người xưa. Đây là Lâm Tỳ
Ni trong hoang tàn đổ nát, nằm gần thành Ca Tỳ La vệ, một nơi mà chỉ
còn lại là dư ảnh của ngàn xưa. Kia Bồ Đề Đạo Tràng với khung quang
thanh nhã, với muôn người Phật tử đổ về để hưởng sái ánh hào
quang đã tỏa ra từ nơi đây hơn 2500 năm về trước. Một vườn Lộc Uyển
đơn côi như còn vọng về những âm thanh khi mà bánh xe pháp được chuyển
lần đầu tiên, những chú nai như ngơ ngẩn kiếm tìm bóng dáng siêu thoát
đã từng ngự nơi đây. Rồi cuối cùng chúng tôi đã dừng chân với nỗi
ngẹn ngào tức tưởi trong thành Câu Thi Na bên bức tượng đẹp tuyệt vời
của người xưa. Qua màn lệ mỏng hình ảnh Ngài như sống dậy, nét mỉm
cười vượt khỏi không gian và thời gian như đang chê trách đứa con ngu:
‘Cha vẫn còn đây, nào đã mất. Ngày nào giới luật còn được giữ
nghiêm minh thì ngày ấy ta còn hiện hữu ở cõi đời này.’
Trên suốt đoạn đường dĩ nhiên còn
nhiều nơi mà đức Phật đã lưu lại những bước chân lịch sử. Một số
nơi khác những đứa con Ngài đã làm rạng danh. Từng nơi, từng nơi chúng
tôi đều tìm đến, đến để nhớ, để thương và để tìm thêm chất liệu
cho cuộc hành trình đi về nẻo sáng. Cuộc hành trình tâm linh là kinh nghiệm
cá nhân và không thể dùng lời mà diễn tả được, chỉ có cuộc hành
trình trên con đường sỏi đá là có thể ghi lại mà thôi. Trong tâm trạng
muốn sang xẻ nỗi niềm ấy với tất cả mọi người, chúng tôi cố gắng
ghi lại những lịch sử và quang cảnh của các Phật tích nơi Ấn Độ.
Dĩ nhiên với những kinh nghiệm non nớt và những tư duy ấu trĩ chúng tôi
còn nhiều sơ xuất trong cuốn tài liệu này. Kính mong những bậc cao minh
vui lòng góp ý chúng tôi chân thành nhận lãnh.
Chúng con cũng muốn nhân đây để tỏ lòng tri ân của chúng con đối với
Thầy Bổn Sư, Thượng Tọa Thích Thượng Như hạ Điển viện chủ chùa
Viên Giác Đức Quốc, và quý Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức tăng
ni trong giáo hội Phật Giáo Âu Châu, đã có công dạy dỗ, đào tạo và tạo
nhân duyên cho chúng con có được những kinh nghiệm hôm nay và những phước
duyên mà chúng con đã gặp trên quảng đường tu tập.
Chúng tôi cũng xin hồi hướng công đức đến tất cả quý Phật tử đã
có công đóng góp bằng tất cả hình thức trực tiếp hay gián tiếp, vật
chất hay tinh thần, để giúp đỡ chúng tôi trên con đường tu học. Nguyện
cầu cho tất cả chúng sanh mọi loài sớm quay về với ánh sáng giác ngộ
và sớm bước lên quả vị giải thoát của bậc chánh giác.