Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
TƯ TƯỞNG VÀ PHONG CÁCH THIỀN TÔNG
Cự Tán

Chương II

2 . Tư tưởng Thiền tông là một loại hình phát triển tại Trung Quốc của tư tưởng Bát-nhã thuộc Phật giáo Đại thừa Ấn Độ, không có quan hệ lớn với tư tưởng truyền thống của Trung Quốc, ở đây chia làm 4 mục để trình bày :

a/Truyện Đạt-ma, Tục cao Tăng Truyện 16 ghi :

" Có nhiều đường lối vào đạo, nhưng chủ yếu chỉ có hai : lý và hạnh. Nhờ giáo ngộ tông, tin sâu chúng sanh đồng một chân tánh, vì bị khách trần ngăn che, cho nên cần phải bỏ hư ngụy trở về chân thật".

Kệ của Huệ Khả đáp Cư sĩ Hướng :

" Nói chân pháp này đều như thật .

Lý chân sâu thẳm không sai khác

Vốn mê ma-ni, nói sỏi đá

Hoát nhiên tự giác biết chân châu

Vô minh, trí huệ đồng, không khác

Phải biết muôn pháp thảy đều Như

Xót thương bọn người mang nhị kiến.

Mượn bút thay lời viết thư này

Thân này cùng Phật không sai khác

Niết-bàn vô dư, đâu cần tìm.

(Tục Cao Tăng Truyện16)

Đây là tư liệu đáng tin, trong đó đại khái có ba tư tưởng chủ yếu :

1. Vạn pháp đều Như, chúng sinh đồng một chân tánh;

2. Ngay nơi vọng tức là chân, vô minh và trí huệ như nhau, không khác;

3. Khách trần không thật, xả bỏ liền trở về chân . Chúng ta có thể tìm thấy căn cứ của điều này trong kinh Lăng-già. Như Lăng-già A-bạt-đa-la Bảo Kinh 4 ghi : "Tuy tự tánh thanh tịnh, nhưng vì bị khách trần che lấp nên vẫn thấy không thanh tịnh". Phẩm Tập Nhất Thiết Phật Pháp trong kinh Nhập Lăng-già 3 ghi : "Như Lai Tạng tự táùnh thanh tịnh đủ ba mươi hai tướng ở trong thân của tất cả chúng sanh, nhưng bị bao bọc bởi ấm, giới, nhập, cấu, nhiễm chẳng thật của tham sân si bao bọc như ngọc báu vô giá bị gói trong chiếc áo dơ". Đây là căn cứ lý luận của "Vạn pháp đều Như, chúng sanh đồng một chân tánh".

Kinh Đại Thừa Nhập Lăng-già 2 ghi : Thế nào là không có hai tướng ? Này Đại Huệ ! Như gương và bóng, như dài và ngắn, như đen và trắng đều đối đãi với nhau mà lập, một mình đơn độc thì bất thành. Này Đại Huệ ! Chẳng phải ngoài sanh tư ûcó Niết-bàn, chẳng phải ngoài Niết-bàn có sanh tử, sanh tử Niết-bàn không có tướng trái nhau. Như sanh tử và Niết-bàn, tất cả pháp cũng như thế, đây gọi là không có hai tướng" .

Điều này cũng có thể chứng minh quan điểm :" Ngay nơi vọng tức là chân, vô minh và trí huệ như nhau, không khác", có chỗ căn cứ. Kinh Lăng-già 1 ghi : " Pháp và phi pháp chỉ làø do phân biệt. Do phân biệt cho nên chẳng thể lìa bỏ, lại càng thêm lớn tất cả hư vọng , chẳng được tịch-diệt. Tịch-diệt nghĩa là một duyên . Một duyên tức là tam-muội bậc nhất". Điều này đâu có khác với "khách trần chẳng thật, liền bỏ thì có thể trở về chân".

Do đây mà các Tổ sư Thiền tông đã từng được gọi là Lăng-già Sư, trong Tục Cao Tăng Truyện cũng nói :" Đầu tiên, thiền sư Đạt-ma đem 4 quyển Lăng-già trao cho Huệ Khả và dặn : " Ta xét thấy Trung Quốc chỉ hợp với kinh này, ông hãy theo đây tu hành thì có thể được giải thoát". Và Tục Cao Tăng Truyện còn ghi :"Các thiền sư Na, Mãn... thường mang theo bên mình 4 quyển Lăng-già và cho đó là tâm yếu, rồi theo lời dạy trong kinh tu hành chẳng sai sót. Đây chính là căn cứ lịch sử của cái gọi là Lăng-già ấn tâm".

b/ Kinh Lăng-già nói về thức A-lại-da, thông thường bị xếp vào trong kinh điển Tướng tông, nhưng nghĩa lý cơ bản của kinh này không khác với các kinh luận Tánh tông. Như Luận Đại Trí Độ 39 ghi : "Pháp thế gian chẳng khác pháp xuất thế gian, pháp xuất thế gian chẳng khác pháp thế gian. Pháp thế gian tức là pháp xuất thế gian. Vì sao ? Vì cái gọi là khác đó không thật có".

Phẩm Pháp trong kinh Đại Bát-nhã 569 ghi : " Pháp tánh chân như và hữu tình chân như không hai, không khác; các pháp chân như và pháp tánh chân như không hai, không khác; pháp tánh chân như và tam thế chân như không trái ngược nhau. Tam thế chân như tức là uẩn, xứ, giới chân như. Uẩn, xứ, giới chân như tức là tịnh, nhiễm chân như. Tịnh, nhiễm chân như tức là sanh tử Niết-bàn chân như. Sanh tử Niết-bàn chân như tức là tất cả pháp chân như".Đây là chân đế của tất cả kinh điển Đại Thừa đồng xiển dương, căn cứ lập luận của nó là "duyên khởi tánh không ". Nhân vì tất cả sự vật của thế gian, xuất thế gian, nhiễm, tịnh... đã đều dựa vào nhân, chờ đợi duyên mà sinh khởi, nhất định đều là vô tự tánh, là không; "không" trở thành thật tướng nhất vị của khắp tất cả pháp. Trên thật tướng này tìm không ra sự khác biệt của tất cả pháp, buông bỏ sự sai biệt do phân biệt sinh ra thì khế hội được thật tướng, vì thế thiền sư Huệ Khả nói : "Vô minh,trí huệ như nhau, không khác, phải biết muôn pháp thảy đều là chân như". Thiền sư Tăng Xán cũng nói : "Quan sát bốn phương, trên, dưới, chẳng thấy pháp, chẳng thấy thân, chẳng thấy tâm, cho đến tâm lìa danh tự, thân đồng hư không, pháp đồng huyễn mộng, không đắc, không chứng, sau đó mới gọi là giải thoát".Vậy thì hệ thống tư tưởng truyền thừa liên tục từ Đạt-ma, Huệ Khả... tuy y cứ kinh Lăng-già nhưng vẫn không ra ngoài kinh Bát-nhã và phạm vi tư tưởng của Long Thọ, vì thế Thiền tông còn tự xưng là " Nam Thiên Trúc Nhất Thừa Tông".

c/ Từ quá trình phát triển tư tưởng Phật giáo Ấn Độ, chúng ta thấy Bồ-tát Long Thọ đã phát triển tư tưởng Bát-nhã, đồng thời cũng mở rộng tầm nhìn hoặc phạm vi hoạt động của Phật giáo đồ, như kinh Tạp Thí Dụ ghi :

"Vô lượng trần số kiếp quá khứ, có Bồ-tát tên Hỉ Căn ở trong đại chúng giảng Ma-ha-diễn (Đại thừa), lúc ấy Văn-thù–sư-lợi là người phàm, xuất gia tu đạo chuyên tinh khổ hạnh, hành 12 hạnh đầu- đà, có phước độ mọi người, gặp lúc giảng pháp, do đó qua nghe. Bồ-tát Hỉ căn giảng pháp thật tướng, nói tham, sân, si cùng với đạo không khác, cũng tức là đạo, cũng là Niết-bàn. Văn-thù nghe qua, không tin liền bỏ đi, đến nhà đệ tử của Hỉ Căn nói cho người ấy nghe về pháp quán bất tịnh. Đệ tử của Hỉ Căn hỏi vặn lại: "Vô sở là sự chân thật của pháp. Các pháp đều không thì làm sao có tịnh và bất tịnh?" Vị tỳ-kheo đầu-đà im lặng không đáp được, trong lòng nổi giận thành ra uất hận. Đệ tử của Hỉ Căn liền nói 70 bài kệ ngợi khen pháp thật tướng. Tỳ-kheo đầu-đà nghe một bài kệ, lòng giận tăng thêm một phần, nghe hết 70 bài kệ, lòng giận tăng đến 70 phần. Nói kệ vừa xong, đất liền nứt ra, địa ngục Vô Trạch hiện ra, tỳ-kheo đầu-đà bị rơi vào trong đó, qua vô lượng kiếp, tội hết mới được ra. Sau đó mới biết, chẳng tin diệu pháp thì bị tội nặng".

Câu chuyện Bồ-tát Hỉ Căn cũng thấy có ghi trong Luận Đại Trí Độ, tôi cho rằng đây là từ lý luận "Pháp tánh chân như và hữu tình chân như không hai, không khác" của kinh Đại Bát-nhã triển khai ra. Đến ngài Vô Trước lại phát triển thêm, như Luận Du-già Sư Địa 36 ghi :

"Các Bồ-tát do thâm nhập vào trí pháp vô ngã nên biết đúng như thật tự tánh tất cả pháp ly ngôn, đạt đến không có một chút phẩm loại để khỏi phân biệt. Chỉ nhận sự vật, chỉ nhận chân như, chứ chẳng nghĩ: Đây là sự vật, đây là chân như mà chỉ hành thắng nghĩa. Như vậy, vì Bồ-tát hành thắng nghĩa nên đối với tất cả pháp bình đẳng, bình đẳng dùng Huệ chân như quán sát đúng như thật. Đối với tất cả chỗ, đủ bình đẳng kiến, đủ bình đẳng tâm, đắc hạnh xả tối thắng. Nương nhờ hạnh xả này nên lúc siêng năng tu tập tất cả thiện xảo minh xứ (ngũ minh), tuy gặp mọi sự nhọc nhằn, đủ thứ khổ nạn cũng không thoái chuyển..... Các Bồ-tát này ở trong sinh tử Như như lưu chuyển, dù gặp khổ nạn lớn vẫn đủ sức phát triển Vô thượng Chính Đẳng Bồ-đề như thế".

Cách trình bày của Luận Du-già Sư Địa cụ thể hơn Luận Đại Trí Độ, biểu hiện hết sức rõ ràng tinh thần tích cực tiến thủ. Tôi cho rằng đây là nguyên nhân cơ bản mà Phật giáo Đại thừa áp đảo Phật giáo Tiểu thừa trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ.

d/ Theo truyện Đ?t-ma, ngài là người Nam Ấn Độ, sinh sau Vô Trước, Thế Thân khoảng một, hai trăm năm, chính là lúc tư tưởng Bát-nhã tại Ấn Độ phát triển đến cao trào. Tư tưởng và hành động của Đạt-ma đương nhiên chẳng thể không chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Bát-nhã, vì thế Ngài sang Trung Quốc hoằng pháp, do vì phong tục bất đồng, tác phong có khác,cho nên Ngài không được sự hoan nghênh của Phật giáo đồ Trung Quốc. Tác phong của thiền sư Huệ Khả (đại đệ tử của Ngài) cũng rất đặc biệt nên phải chịu sự đả kích còn lớn hơn, như trong truyện Huệ Khả ghi:

"....Huệ Khả trải qua các tình huống để nghiệm tâm, lăn lóc khắp chốn tịnh uế, mới biết lực dụng kiên cố, chẳng bị cảnh duyên cướp đoạt.... Đầu niên hiệu Thiên Bình, Sư đi về phương Bắc khai pháp ở Tân Nghiệp, bọn chấp văn tự đua nhau thị phi. Lúc ấy, có thiền sư Đạo Hằng trước có tu thiền, được nhà vua mời vào đất Nghiệp, đệ tử đông đến số nghìn, thừa lúc Huệ Khả thuyết pháp không dựa vào kinh điển, vu cáo là lời ma, hối lộ quan phủ, phi lý giết hại. Vậy mà ngay từ đầu Sư không chút thù hận, bị hại mấy lần đến chết.....Huệ Khả là người thong dong thuận theo thế tục, lúc thì ban bố đạo thanh tịnh, lúc thì ngâm vịnh gió trăng....Ngài lận đận ở đất Nghiệp, đất Vệ chịu bao nỗi đắng cay, đạo vừa sâu xa lại vừa huyền diệu nhưng lại chưa có sự nghiệp, chết không có người tiếp nối vẻ vang".

"Lăn lóc khắp chốn tịnh uế" và "thong dong thuận theo thế tục" chính là một nếp sống cụ thể của"ở trong sinh tử Như như lưu chuyển" đã nói trong Luận Du-già Sư Địa, chứa đựng tinh thần tích cực tiến thủ. Vậy, ngọn nguồn của tư tưởng Thiền tông xuất phát từ Ấn Độ, chứ chẳng phải được phát sinh từ sự đồng hóa với tư tưởng truyền thống của Trung Quốc.


Mục Lục | I | II | III | IV | V | VI

 


Vào mạng: 1-8-2004

Trở về thư mục "Thiền Phật giáo"

Đầu trang